Đọc những lời chia sẻ của thầy tôi, nghĩ tới anh hai và những chàng trai đã lăn lóc theo con thuyền của vận mạng, để rồi hôm nay những đứa con lưu lạc của Mẹ Việt Nam vẫn đau đáu nhìn về quê hương, một mảng ký ức đã bị cất giấu theo năm tháng và hy vọng, tất cả là hư vô mong manh như làn khói trắng, chỉ có hy vọng là trường tồn.
Một bài viết cũ, viết cho anh, cho thầy tôi, cho những chàng trai trên con thuyền năm xưa.
...
Anh phải bỏ đi thắp lên ngọn lửa hy vọng
Anh phải bỏ đi để em còn sống
Anh phải rời xa mẹ Việt Nam đau đớn
Quê mình rồi đây em có đợi chờ
Anh tạm rời xa nước non mình yêu kiều
Ô người thân yêu người quen hàng xóm
Mong vượt biển Đông mà lòng anh tan nát
Núi mờ mờ xa ôi ngọn núi ở quê hương!
Nắng hồng tháng 4
Cali, ngày... tháng...
Anh rất ít nói. Bản tính nghiêm nghị, trầm lặng hiếm khi có nụ cười. Biến cố 1975, ở cái tuổi bập bẹ ê a, bắn bi, anh đã được bỏ lên thuyền ra khơi, chuyến hành trình vượt biển đông đi tìm bến bờ tự do, bỏ lại quê nhà là người mẹ hiền - Mẹ quyết tâm ở lại chờ ba trở về từ "trại cải tạo", gởi thác đứa con duy nhất của mình vào sự an bài của Thượng Đế. Nước mắt của Mẹ đẫm ướt gối nằm, mẹ khóc một mình.
Anh trưởng thành, mảnh đất quê hương thứ 2 đã cưu mang thân trai, anh tốt nghiệp Đại Học và gia nhập quân ngũ. Quãng đời lưu vong, lý tưởng đời trai rảo bước phiêu bồng...
"Happy Birthday bé!"..., giọng nói trầm ấm quen thuộc, vài câu ngắn ngủi trên đường dây cáp - 2 phút ngắn ngủi dành riêng cho em gái giữa đời binh lửa.
Bao năm rồi, anh vẫn gọi tôi là bé. Bao năm rồi dù đang công vụ mãi tận nơi đâu, anh chưa hề quên ngày sinh nhật của tôi. Ba anh mất trong lao tù cải tạo. Mẹ anh, phận nữ nhi liễu yếu phải chịu nhiều cơ cực khốn cùng trong "thiên đàng XHCN" của CS, nỗi đau mất chồng, nỗi buồn xa con tiếp nối nhau chồng chất, bác đã dùng giọt hơi tàn, dòng sức cạn kiệt để viết cho đứa con trai đang lưu lạc nơi đất khách những lời nhắn nhủ cuối cùng, rồi bác cũng nhắm mắt. "Bé" trở thành người thân duy nhất còn lại của anh, cô em gái bướng bỉnh lỳ lợm mà đã bao lần anh mắng yêu sẽ ký đầu khi về phép...
- "Con gái sinh trong thời ly loạn, lúc nào cũng liều lĩnh cứng đầu hơn người khác."
Anh vốn rất trầm lặng, công việc của anh lại càng tăng thêm sự thinh lặng nơi anh, thung lũng sương mù lạnh lẽo. "Bé" chỉ tìm cơ hội đọc những dòng suy nghĩ, tâm tư của anh qua lời nhạc, phím đàn, bài tình ca mà anh hát cho bé nghe - dỗ dành cô út nhỏ trước khi anh quảy ba lô lên đường với nhiệm vụ mới. Bé ương ngạnh nũng nịu, anh ân cần dặn dò - cả hai anh em đều tự mình biết, dấu tích của mấy viên đạn đồng đã hơn một lần ghim mình trên da thịt anh vẫn còn chưa phai mờ trên mảnh đời phong sương. "Ngày đi thì rõ, ngày về thì kg...", ai biết đâu được 2 anh em còn gặp lại hay kg, nên "bé" kg nói chữ "bye" với anh bao giờ. Đơn giản...
Bàn tay chai sạm, cứng cáp dịu dàng xoa đầu cô em gái nhỏ, "Anh đi nhe bé."
"Lên đường bình an brother dear..."
Tôi và anh, chúng tôi là những đứa trẻ lưu vong, trưởng thành trên đất khách. Nhưng tôi may mắn hơn anh, tôi đã kg chứng kiến những ngày cuối cùng tan thương khi Sài Gòn sụp đổ, nhuộm một màu máu. Tôi đã kg tận mắt gặp chú sĩ quan đến báo hung tin, máy bay của bác tôi bị bắn hạ và bác tôi đã tử trận. Tôi cũng kg biết rõ gia đình tôi có bao nhiêu người đã bỏ mình trong biển đông khi đi tìm tự do, kg chứng kiến cảnh bọn quân cướp mất hết nhân tính lột trần trụi từng người rồi bắt họ nhảy cóc để "khảo" vàng, trong đó có bà ngoại. Ký ức nhỏ bé của tôi chỉ nhớ mang máng khẩu súng lục màu đen đúa lạnh buốt của gã cán bộ kê vào màng tang của đứa bé mới vài tuổi răng còn chưa mọc đủ, dưới cặp mắt sợ hãi của mẹ, bàn tay nặng mùi tanh của nắng và máu, hắn bịt miệng kg cho con bé khóc, kg cho con bé gọi mẹ cầu cứu. Bọn chúng bắt mẹ, gán cho mẹ tội giấu vàng "trái phép". Con bé lọ lem nước mắt giọt ngắn giọt dài lem luốc được bà nội mang về căn nhà nhỏ gần ngôi Thánh Đường chăm lo, bảo bọc ...chưa biết mặt bố cũng chẳng biết ông còn sống hay chết, mẹ thì bị giam cầm trong nhà tù của "chính quyền".
Còn anh, đôi mắt ngây ngô của anh đã ngơ ngác nhìn người mẹ quẹt giọt lệ đau buồn, đẩy anh lên tàu theo lưng người đàn ông xa lạ với lời dặn, "con nhớ dù giá nào cũng kg được quay về đây, phải nghe lời chú B nghe kg. "Con thuyền đánh cá nhỏ bé lênh đênh trên biển lớn, đối diện với thần chết, nhịn đói nhịn khát. Để rồi cũng đôi mắt thơ dại ấy lại phải xanh mặt nín thở khi nhìn thấy bà mẹ cam tâm bóp mũi đứa con của mình kg cho khóc cho đến chết kẻo tàu vượt biên bị lộ. Những tháng ngày đen tối trên đảo, bị đánh bầm người với những vết sẹo còn chưa phai dấu vì những người kia muốn thêm phần ăn của cậu bé kg cha kg mẹ, bơ vơ côi cút. Những cái thở dài não nuột mỗi khi anh kể chuyện cho bé nghe...
- "Bé biết kg, nếu thời gian quay ngược lại, có lẽ anh sẽ nhảy xuống biển cho cá mập ăn còn đỡ khổ hơn." Cũng có lẽ vì những cay đắng trải qua thời thơ ấu đã phần nào tôi luyện sự gan lỳ và nhiệt huyết cho anh. Rồi anh lại cười...
- "Ba mẹ anh cũng linh thiêng lắm nên mới cho anh cô em gái này nè."
Anh dạy bé học tiếng Việt, anh bật cười thành tiếng với cách phát âm ngọng nghịu "kg dấu" của bé. Con bé Mỹ con như tôi, khi rời khỏi Việt Nam và đáp cánh diều hâu tới xứ này, tôi còn nhỏ lắm, tóc còn buộc 2 đuôi bằng 2 sợi dây ribbon màu hồng nhạt, xúng xính trong chiếc áo trắng viền màu xanh của hy vọng. Vào thời đó, xứ tôi ở kg có người Việt nhiều, nguyên cả trường học chỉ vỏn vẹn vài đứa người Á Châu da vàng. Bên cạnh kho tàng sử sách của dân Việt mà bố và các bác bắt tôi phải học để kg quên đi nguồn cội, anh dạy cho tôi qua âm nhạc, qua lời ca anh viết, qua thi văn ...
Ngày anh tạm biệt tôi để vào đời binh nghiệp, tôi như vắng đi người bạn thân nhất của mình. Nhưng tôi hiểu được phần nào nỗi niềm của anh. Là thân trai - nợ nước thù nhà chưa trả, mang thân phục vụ mảnh đất cưu mang dưỡng dục mình để đáp đền ơn nghĩa cũng là điều mà mẹ anh đã dặn trong chúc thư kia. Như ba anh năm xưa, lấy máu đào đền nợ nước.
Bao nhiêu năm qua, từ khi Sài Gòn mất tên và người Việt Nam mất nước vào tay CS, ngày 30 tháng 4 năm 1975 tang tóc, cậu bé năm xưa - anh tôi nay đã ngoài 40. Chúng tôi cùng lớn lên, được dưỡng dục trong một thế giới đặt quyền làm người là căn bản, nơi mà phẩm giá con người được tôn trọng, được học hành đến nơi đến chốn, cơm thừa no, áo dư mặc. Những bông hoa lạ được dịp tỏa mình khoe hương sắc giữa biển hoa và sự nể trọng của người bản xứ. Chúng tôi được đào tạo trong môi trường có thể tự do phát huy tài trí của mình để trở thành những công dân có ích cho xã hội, chuộng công bằng, yêu công lý, và đặt phục vụ tha nhân, bảo vệ lẽ phải làm trọng điểm cuộc sống của mình. Tự hào thừa nhận, "tôi là người Mỹ gốc Việt, I am proud to be a Vietnamese-American". Hậu thế của những quân nhân đã nằm xuống vì muốn bảo vệ mảnh đất miền Nam thơm mùi lúa mạ, xanh màu nước non; những sĩ quan đã bị khổ hình, đã chết tức tưởi trong ngục tù CS nơi rừng sâu nước độc mà bọn cướp nước gọi là "trại cải tạo", những xác người bỏ mình trong lòng đại dương; những người mẹ, người cô, người chị phải chịu cảnh đọa đày thân xác; những mảnh đời cam chịu sống bôn ba xa lìa quê cha đất tổ của mình vì kg muốn quỳ luỵ một chế độ độc ác vô nhân hóa, vô thần thánh. Anh và tôi, những đứa trẻ mà gã cán bộ với giọng hống hách đặt cho cái tên, "con Ngụy"; bị thằng hàng xóm giật tóc, ăn hiếp, bảo là "đồ thằng Mỹ Ngụy bán nước". Với sức nhịn trẻ con có giới hạn, con bé 5 tuổi đã dùng hết sức lực phản kháng của mình để lấy đi cái răng cửa và vài ounce máu mũi của cái tên ôn toi láo xược ấy và phần thưởng là 2 roi mẹ quất cho tội đánh nhau.
Một vị sĩ quan cấp trên của anh trong một buổi dạ tiệc đã nói với tôi rằng, "tôi yêu và nể phục nhất là người phụ nữ Việt Nam, các cô kg chỉ là những bông hoa xinh đẹp mà còn mang trong trái tim một sự kiên cường đáng nể, gồng gánh biết bao tan thương của quá nhiều cuộc chiến trong lịch sử nhân loại." Tôi nhìn thấy ánh mắt hãnh hiện pha lẫn chua xót trong đáy mắt anh.
Tôi mỉm cười khi có một ai đó khoe khoang sự phồn thịnh của Việt Nam sau ngày mà họ gọi là "giải phóng", tôi kg màng tới những phần tử đã được nhà nước huấn luyện để lòe thiên hạ. Anh và tôi đều thấu hiểu và ít nhiều cũng là một phần sự thật trong lịch sử sau cuộc chiến, của một nước Việt Nam CHXHCN nghèo nàn trong những xứ nghèo, kém văn minh nhất trên thế giới. Dù cái vẻ hào nhoáng bóng bẩy có được trau chuốt thế nào, thì trong ruột vẫn là những mảnh đời đáng thương hoang phế.
Những đứa trẻ mà bị gọi là "con thằng Mỹ/Ngụy bán nước" là những đứa đã nhỏ bao dòng nước mắt xót xa trước cuộc sống khổ cực của người dân cùng nòi giống với họ, những người dân lương thiện trong những mái chòi, tấm tôn mục nát. Họ được gì trong cái Thiên Đường XHCN mà Đảng đã ngụy tạo nên sau khi xâm chiếm miền Nam, "thống nhất đất nước"? Những tài sản mà bọn cán bộ vơ vét của phần tử "tư sản" có làm cho dân nghèo bớt đói, đời họ bớt khổ chăng hay là chỉ góp vào cái túi rỗng đáy của những "ông cán bộ" chức cao quyền trọng, xây biệt thự, mua chữ mua danh cho các "ông chúa dollar, bà hoàng xa xỉ".
Những thân phận lưu vong, những đứa trẻ mà đã từng bị coi là "cặn bã của Ngụy" giờ đây lại được chính bọn yêu hùng gán cho cái mạc đẹp đẽ hơn là "Việt Kiều yêu nước" hay "khúc ruột ngàn dặm" hòng họ quên đi mối thù nhà tan cửa nát mà hợp tác, bán rẻ lương tâm, bán luôn cả sơn hà xã tắc và máu xương của đồng bào mình. Những lời trách mắng nhắc nhở của các bậc trưởng bối với những vết thương vẫn còn dày vò trong từng giấc ngủ, "dân của nó thì phải để tụi VC nó lo, sao mình lại phải mang tiền về nuôi dân của nó..."
Vì tình người, hết nhóm này đến nhóm khác, hăng say góp nhặt kẻ ít người nhiều, để có thể giúp những mảnh đời khốn khổ bị xã hội sa hoa bỏ rơi được một túi gạo ăn hay tấm áo lành sống qua ngày nơi quê nhà. Nơi mà họ có một mối thù đẫm máu với Đảng đã giết cha, giết chú bác, thảm hại gia đình của họ, ép họ phải sống đời lưu lạc, kg thể về nơi quê Cha đất Tổ vinh danh những vị anh hùng đã xả thân vì chính nghĩa, để bảo vệ dải non sông mà tổ tiên đã gầy dựng bằng xương máu. Họ là những đứa trẻ mà xã hội của Đảng liệt vào danh sách thành phần "phản cách mạng" vì kg chịu bất nhân bất nghĩa dẫm lên huyết thống tổ tiên mình, làm tôi mọi cho sự tàn ác của một chế độ lấy máu dân lành làm sức mạnh.
Anh nói với tôi ...
- Ngày xưa, anh hay trách ông trời sao nhẫn tâm với người VN quá, nhưng nhìn VN bây giờ, anh mới thấy định mệnh chỉ là một phần, còn sự chọn lựa của chính mình mới đưa mình tới ánh sáng hay bóng tối, vinh quang hay diệt vong.
Biết tính anh, những câu nói bao giờ cũng chứa đựng nhiều hàm ý. Có khi là lời khuyên bảo, đôi khi là lời tâm sự.
Những mảnh đời lưu vong, sau bao khổ cực, sống bằng nước mắt cũng đã đến được bến bình yên, sung túc no ấm đầy đủ trong một thiên đường tự do, công danh rạng rỡ - vì họ đã chọn thà chết chứ kg đội trời cùng CS. Cám ơn những người cha, người mẹ, vị trưởng bối đã chọn đi con đường nhỏ hẹp, chông gai, khó khăn và hiểm nguy gian khổ nhất, để người trẻ chúng con có được ngày hôm nay. Để rồi nhìn về cội nguồn của mình, biết nơi đâu là xã hội của con người và nơi nào là địa ngục. Chứng kiến con người bị tà quyền áp bức, phẩm giá con người bị chà đạp, mạng sống người dân bị coi rẻ bởi một chính quyền bất lương, tàn ác và vô nhân đạo; lợi dụng sức mạnh quyền hành đàn áp lương dân vô tội, dùng máu của dân oan để tạo thêm thế lực cho bọn giặc xâm lăng, hèn nhát làm tôi mọi, tay sai, nô lệ cho kẻ thù nghìn năm của dân tộc. Những người can đảm dám đứng lên nói lời công đạo, khí khái yêu nước thương dân thì bị bọn chức quyền ỷ thế ức hiếp, bắt bớ, đánh đập giam hãm vào tù tội. Một xã hội mà điều thiết thực nhất cũng kg có, con người kg được quyền của con người. Vinh quang "giải phóng" kg thấy hiện hữu, nhưng dân tộc thì đang trên con đường đưa đến diệt vong - khi dân kg sống nổi với giặc trong, non sông gấm vóc thì bị dâng hiến cho giặc ngoài.
Mùa xuân năm nay, 38 mùa xuân sau ngày Sài Gòn thất thủ, "Bé" lại mừng sinh nhật của mình dưới bầu trời tự do. Mấy sợi tóc bạc dường như bướng bỉnh hơn len lỏi giữa mái tóc mây dài lọn sóng. Nhìn lên tượng ảnh Chúa tình thương, làm dấu Thánh, dâng lời nguyện khấn - "Lạy Cha, Cha đã khải hoàn sống lại trong vinh quang. Cha cho con niềm hy vọng trong sự chết. Xin Cha và Hồng Phúc của Ngài ở cùng những ai đang u sầu đơn lẻ giữa bóng hoàng hôn, những ai đang cô đơn trong đêm sa trường gió lộng, những ai đang đấu tranh cho công bằng, lẽ phải của dân tộc, cho những người đang tủi hờn hiu hắt tiếng mưa rơi..."
Sinh nhật của "bé" - kg có chiếc bánh trang hoàng xinh xắn với những ngọn nến lung linh chờ đợi bé ngỏ điều ước, cũng kg có tiệc tùng linh đình rộn ràng tiếng cười nói như ong vỡ tổ...
"Bé" được sức sống, sự mạnh mẽ kiên vững của Tình Thương Yêu, món quà vô giá - ấm áp, rực rỡ, hoà thắm cùng màu lavender thủy chung bền vững; những ân sủng, xoa dịu sự đau buốt mà kg phải nhọc tâm, cắn răng gồng mình chịu đựng. Nụ cười mệt mỏi cũng đã biến mình như cành hoa lung linh dưới nắng xuân kia.
Con tạ ơn Chúa cho tất cả những Hồng Ân Cha ban cho con trong cuộc sống.
Bước chân thiếu nữ nhịp nhàng dưới hơi lạnh đầu xuân, giọt sương ngả mình hôn nhẹ lên bờ má, ửng hồng. Ngày mai, một ngày mai nắng hồng cũng sẽ đến trên quê hương Việt Nam ở bên kia bờ đại dương, và những đau thương sẽ trở thành những cụm hoa cúc trắng bền bỉ và dai dẳng, chẳng úa tàn dù phải hứng mình giữa ngày mưa dầm hay nắng gắt.
LTK/Lanney - 30 tháng 4