VietBest

Full Version: LTP Học Phật Pháp
You're currently viewing a stripped down version of our content. View the full version with proper formatting.
Sư Toại Khanh Giảng Luân Hồi và Giải Thoát (1) (1-4)

Quan trọng cần ghi nhớ:

  1. Chỉ có sự học, ghi chép Pháp, không có ai đang học Pháp.
  2. Cái "tôi" trong sát na trước đã hoàn toàn biến mất: luân hồi vi mô.
https://toaikhanh.com/videotext.php?vid=L-fzQIH0PPY&abt=Lu%C3%A2n+H%E1%BB%93i+v%C3%A0+Gi%E1%BA%A3i+Tho%C3%A1t+%281%29

Quote:Kalama xin tri ân bạn hongha7711 ghi chép.

06/07/2020 - 02:31 - hongha7711

Có một chuyện tôi rất muốn bà con biết đó là người Thái Lan họ có rất nhiều cơ hội để đi chùa và làm phước vì bên đó chư Tăng rất là đông. Và khoảng cách từ chùa này qua chùa kia rất là gần. Chùa thì gần nhau mà chư Tăng thì đông. Có một điều là do cái văn hóa, do tập tính của người Thái Lan cho nên họ có cơ hội gặp chư Tăng rất là thường, họ đi chùa gần như mỗi ngày, nhưng mà cái việc họ gặp gỡ chư Tăng chỉ để làm hai việc thôi, 
  1. một là để bát cúng dường, 
  2. hai là để mấy Sư tụng kinh rải nước. 
Người Thái họ thích cái đó lắm. Còn có mấy chùa đi xa hơn, 
  1. chư Tăng chú nguyện vô mấy cái tượng Phật, để cả rổ, họ tới họ thỉnh về, họ treo lên xe, đeo lên người, để trong nhà đầy. Họ thích như vậy đó. 
Nhưng mà người Miến Điện lại khác, cũng chư Tăng đông và chùa này sang chùa kia rất là gần và người Miến Điện cũng có nhiều cơ hội gặp gỡ chư Tăng nhưng mà đặc biệt ở chỗ là 
  1. họ dành nhiều thời giờ để học giáo lý. 
Cho nên quý vị đi sang Miến Điện gặp những người quần áo lam lũ, rách rưới đi ngoài đường rất có thể họ là những hành giả trong các thiền viện mới vừa đi ra. Và người Miến Điện cái chuyện mà nghe Phật pháp là chuyện thường và nhiều mà tôi nhận xét là hạng nhất thế giới. Tôi đi vào cái chợ (...) thì cái chuyện quý vị thấy họ treo mấy cái băng rôn hình chư Tăng, thông báo là tuần tới sẽ có Pháp hội ở đâu do vị nào thuyết giảng là họ treo cái băng rôn to đùng vậy đó. 
  1. Bên đây mình thấy người ta quảng cáo ca sỹ, bên đó mình thấy họ quảng cáo mấy vị cao tăng. 
  2. Còn chuyện này mới rùng rợn, mấy chỗ đông đông mình nghe họ mở nhạc như Tuấn Vũ, Thanh Tuyền, Tuấn Ngọc...bên đó họ mở Pháp. Trong chợ, mình vô mình nghe họ đọc kinh Pali ở trỏng, họ mở cho người dân nghe. 
Cho nên mình phải nói rằng Miến Điện là cái đất lành. Cho nên bà con qua bên đó sẽ có cơ hội nghe Pháp, nếu biết tiếng Miến Điện thì Phật pháp đầy hết à. Có lần tôi đi Kyaiktiyo là hòn đá thiêng, hòn đá có tháp thiên nhiên. Tôi tham quan cái tháp đó xong, trên đường trở về Yangon, tôi ghé vô một cái xóm núi ở lại hai hôm. Buổi sáng tôi đi bộ lên xóm núi, họ nghèo lắm quý vị, nhà của họ bằng tre và họ che lại bằng lá và bao nilon, bao xi măng, nghèo lắm. Và tôi thấy có nhiều người họ đi xuống núi, trên đầu họ đội một cái thúng, trong đó có một hai nãi chuối, đu đủ, ớt, tỏi, rau sống, họ đem xuống bán ở chợ phiên, chợ nhóm. Vậy mà, trên cái xóm núi đó tôi đi ngang nhiều nhà dân tôi nghe họ mở mấy cái băng giảng Pháp, mà nghe cứ là hai bốn duyên, nhân duyên, trưởng duyên, cảnh duyên bằng tiếng Pali giữa núi sâu mà nó nghèo xơ xác vậy đó, giữa núi sâu mình nghe cái đó mình mới thấy khiếp. 

Mà quý vị biết cái chuyện này mới thấy ghê . Cái hai mươi bốn duyên nếu quý vị học tại Thái Lan, nếu học chương trình A Tỳ Đàm chuyên sâu, quý vị phải học năm thứ bảy mới học được cái đó, còn cái này họ nghe từ nhỏ nên họ có thể hiểu. Và khi chư Tăng thuyết giảng là chư Tăng tuyển chọn để nâng cấp trình độ Phật tử. Chứ không phải như mình là cứ sơ cơ, sơ cơ, cứ đè ba cái bố thí, niệm Phật giảng hoài, họ đi chùa mấy chục năm các Phật tử họ không được upgrade cái trình độ. 

Nhưng bên đó thì không . Ở những ngôi chùa như vậy họ có những cái khóa giảng, thí dụ như họ giảng về hai mươi bốn duyên họ giảng ròng rã cả tháng trời luôn như vậy. Thì hồi đó mình đi chùa, mình mới có tám tuổi mình không hiểu, nhưng lâu lâu mình làm lại một khóa như vậy nữa, làm riết năm chín tuổi mình không hiểu, mười hai tuổi mình không hiểu, nhưng mà mình thuộc lòng luôn, riết nó nhão như cháo vậy đó. Tới cái lúc nào đó tự nhiên nó hiểu, vì mình thuộc rồi mình hiểu từ từ, từ từ. Có thể mình lặp lại không có hay bằng chư Tăng nhưng mình không còn lạ nữa. 

Học giáo lý rất cần thiết

Và tôi nói hoài, nói hoài nó kì. Nên học giáo lý, nên có những cái khóa như thế này, tôi nói "kì" vì sợ bà con nghĩ rằng tôi dụ quý vị tổ chức để mời tôi về, không phải. 

Cứ học giáo lý một lúc nào đó, nó thay đổi quý vị nhiều lắm. Sẽ có một ngày quý vị thấy rằng thà nghèo mà giỏi giáo lý còn hơn giàu mà cái đầu nó đất sét không à...

Thế nào là Thiện Ác?

Ngày hôm qua tôi nói tút tùn tụt về khổ, lạc, buồn, vui còn nhớ không. Rồi sáng nay tôi giảng banh chành về hai chữ Thiện Ác, trước khi nói tôi còn nghi bà con hiểu hai chữ đó không tới, tôi thấy nhiều người mặt giận giận: "Ý ổng chê mình" . 

Mà chê thiệt. Là tại vì chữ Thiện Ác quý vị hiểu nó nghèo dữ lắm.
 Giờ tôi nhắc lại. 

(Với người cầu giải thoát), ác gồm có hai: 
  1. Một là những gì bậy bạ, xấu xa, bất thiện mà mình phải bỏ đi, cái này là ác, cái này ai cũng hiểu đúng không? 
  2. Nhưng mà có cái thứ hai nữa là cái sự giậm chân tại chỗ trong cái thiện, cũng bị Đức Phật gọi là ác. 
Nhớ nha! Nhưng mà dĩ nhiên, nhiều người khắp nơi đang nghe giảng thế nào họ cũng bực, họ nói: "Tôi bố thí, trì giới hỏng lẽ tôi ác hay sao?" Thì mình phải nói thế này, trong cái so sánh thì cái đó là ác. So với cái người không tu hành thì bố thí, trì giới là thiện . Còn so với cái người cầu giải thoát thì người cầu quả nhân thiên bị coi là ác. 

Giống như không uống rượu là tốt, không nhậu nhẹt, đi chơi đêm là tốt nhưng trong hai cái nhóm ăn nhậu hồi sáng tôi nói còn nhớ không? 
  1. Nhóm một, nhậu xỉn rồi lái xe thì nó tệ hơn cái nhóm thứ hai. 
  2. Nhóm thứ hai biết thân lắm, khi nhậu là kêu người đón trước rồi, nếu không ai đón thì taxi, uber. 
Nhóm hai tốt hơn nhóm một, rồi mình nghe tốt hơn mình nghĩ là chắc mình bắt chước được, nó tốt là so với cái thằng kia thôi . Chứ so với cái người (hằng) đêm về nhà nghe kinh, nghe Pháp, đọc sách rồi vui vẻ với gia đình, đi ngủ sớm mai đi làm thì dĩ nhiên là không bằng. Chữ Ác ở đây có nghĩa là vậy đó. 

Cho nên Ác có hai, một là những cái xấu xa, bất thiện mình phải bỏ gồm tham lam, trộm cắp, sát sanh, si mê, sân hận,... những cái đó là ác. Nhưng mà nó có cái thứ hai cũng gọi là ác là giậm chân tại chỗ trong cái thiện. Giậm chân là sao, là chỉ biết làm phước cầu quả tái sanh trong các cõi nhân thiên, cái đó so với lý tưởng giải thoát thì nó là ác.

Cái thiện cũng có hai. 

Cái thiện thứ nhất là những cái hạnh lành mình cần có, cần tu tập, cần trau dồi, cần sở hữu. Nhưng mà nếu cái thiện đó còn dính líu trong lý tưởng sanh tử thì nó vẫn không bằng cái thiện thứ hai. 

  1. Cái thiện thứ nhất mới lìa cái ác thôi. 
  2. Cái thiện thứ hai là lìa bỏ thiện ác (để đạt giải thoát).
"Khi chưa biết Đạo thì ta chỉ biết trốn khổ tìm vui, biết Đạo rồi thì ta làm lành lánh dữ nhưng mà tới liễu Đạo thì thiện ác buồn vui buông hết". Mà tôi nhắc lại tại sao cả cái thiện mình cũng sợ? Bởi vì hễ còn cái thiệnthiện thì còn sanh tử. Nhưng mà bây giờ khi chưa thành Thánh mình vẫn tiếp tục hành thiện đúng không?

06/07/2020 - 07:19 - hongha7711

Nhưng mà tôi đã nói rất là nhiều lần ở tại Việt Nam có hai hạng người đi kiếm tiền. 
  1. Hạng thứ nhất, kiếm tiền để mà sống sung sướng trong nước. 
  2. Hạng thứ hai, kiếm tiền để định cư nước ngoài.  
Cái hạng kiếm tiền để sống trong nước giống như hạng người tiếp tục làm thiện để hưởng quả nhân thiên. Còn người kiếm tiền để định cư nước ngoài giống như người làm thiện để mà cầu giải thoát. Trên hình thức hai người đó kiếm tiền giống nhau không? Bà nào cũng mở quán cơm, bà nào cũng mở tiệm cà phê, bà nào cũng đi bán vé số giống nhau hết. Nhưng mà mục đích, lý tưởng của hai người khác nhau. Một người cái mộng họ làm giàu rồi sống ở Việt Nam để mà tiếp tục hái chùm khế ngọt. Còn một người thì ớn khế ngọt quá, muốn ăn apple, cho nên có bao nhiêu tiền họ ra đi để không còn ăn khế nữa. Cho nên, trên hình thức hai người đều kiếm tiền giống nhau hết. Một người kiếm tiền để tiếp tục ở lại với quê hương, còn một người kiếm tiền để đi định cư nước ngoài. Tôi nói điều này hoàn toàn không có ý niệm kích bác, bài xích quan niệm, chính trị, lập trường, chủ trương, chính sách. Không có. Mà tôi chỉ ví dụ thôi.

  1. Hôm qua mình đã học về Sướng Khổ, Buồn Vui. 
  2. Sáng nay mình đã học về Thiện Ác. 
  3. Chiều nay mình học về Luân Hồi và Giải Thoát. 
Và dĩ nhiên quý vị sẽ nói "Tôi biết rồi nói làm chi?". Y như hồi sáng vậy đó, hỏi Thiện Ác mặt ai cũng sáng rỡ "Tôi biết mà, tôi biết, cái đó có gì đâu mà hay?". Không. Cái chữ Luân Hồi và Giải Thoát giờ kêu các vị nói mắc cười chết luôn. 

Tôi nhớ có hai thiên thần nói chuyện với nhau, nói rằng "Đức Chúa Trời không giống người bình thường. Như vậy thì có cách nào chọc cười Đức Chúa Trời không?" Anh chàng kia nói "Không. Chúa Trời khác mình. Chúa Trời không bao giờ biết cười". Anh chàng này nói "Có. Có cách chọc cười Chúa Trời. Đó là mình nói cho ổng biết những cái toan tính của mình". Hiểu không? 

Tại sao không cười? 

Tại vì theo trong kinh Thánh, Chúa Trời biết trước tất cả, cho nên ổng nghe mình kể cái dự tính của mình ổng sẽ biết cái nào được cái nào không được. Giống như mình là ông nội, mình nghe hai đứa cháu nội bốn tuổi nó bàn âm mưu, kế hoạch, mình không có nín cười được bởi vì cái chuyện nó bốn tuổi nó làm được cái gì. Nó muốn ra khỏi nhà là ba má nó phải chở, nó muốn mua cái gì là ba má, ông nội mua mà hai đứa nó ngồi nó âm mưu, mình nghe mình nín cười không có được. 

Giống như có cái thằng đó lúc mùa Noel nó đứng trước tượng Chúa khấn: "Chúa trên cao năm nay cho con được đôi giày có kèn, có đèn, cho con thiệt là nhiều chocolate, cho con thiệt là nhiều búp bê, gấu bông, cho con thiệt nhiều xe cộ, đồ chơi". Nó hét lớn lên. 

Bà má bả nói: "Nói nhỏ nhỏ, Chúa nghe mà con" 
- "Không, con nói cho bà ngoại nghe!". 

Ở bên Thánh địa Mecca ở bên Hồi Giáo, mỗi năm có hàng triệu người về hành hương sẽ gặp nguyên hàng chữ Ả Rập để thế này: "Thượng đế A La chí tôn toàn năng toàn tri, cái gì cũng biết cũng làm được. Cầu nguyện Ngài nhưng nhớ coi chừng móc túi". 

Tức là tin Ngài toàn năng cứ tin, tin Ngài toàn tri thì cứ tin nhưng mà vẫn làm ơn coi chừng móc túi, vì một năm cả triệu đứa, hỏng đứa này móc đứa kia cũng móc à. Bạn cầu cứ cầu nhưng phải coi chừng cái túi của bạn vì cái khoản móc đó không nằm trong điều khoản của Thánh A La, không nằm trong điều khoản toàn năng đó. Họ không có take care cái túi nhỏ nhỏ.

--ooOoo--

Luân Hồi

Bây giờ mình định nghĩa với nhau về chữ Luân Hồi và Giải Thoát. Nếu mà tôi không nói gì hết để tự quý vị ngồi tưởng tượng thì quý vị nghĩ: "Chứ Luân Hồi có gì đâu lạ, tôi biết rồi!". Biết rồi, khổ lắm, nói mãi. 

Luân Hồi Vĩ Mô và Luân Hồi Vi Mô

Thực ra nó như thế này. Chữ Luân Hồi nghĩa là gì? Nó có hai nghĩa. 
  1. Cái nghĩa thứ nhất, luân hồi là cái sự sanh tử, lăn lóc từ kiếp này sang kiếp khác, từ chỗ cao xuống thấp, từ thấp lên cao, từ chỗ này sang chỗ kia. Đó gọi là luân hồi vĩ mô. Tức là đi từ kiếp này sang kiếp khác, từ thân phận này sang thân phận khác, từ thấp lên cao, từ cao xuống thấp, từ chỗ này qua chỗ kia, gọi là luân hồi vĩ mô. 
  2. Còn luân hồi vi mô là sao? Là trong từng khoảnh khắc, có lúc ta vui ta sống như Chư Thiên, thanh thản, nhẹ nhàng, khỏe mạnh, không bệnh gì hết, không âu lo. Còn có lúc bệnh hoạn, sân si, bực bội như khổ, như ngạ quỷ, như A Tu La. Có không? Cho nên, mình cứ nghĩ đợi đến cái chuyện sanh làm A Tu La nó mới sân si như A Tu La. No way. Nghĩ vậy thì chết rồi! Thực ra ngay trong từng phút trong kiếp sống này mình đã sống đủ ngũ thú, lục đạo. 
Có lần đó một con ngạ quỷ nó tới thăm một vị tỳ kheo. Nó nói "Con khổ lắm. Con bị đọa. Con đói. Con khát dữ lắm!". Ngài hỏi "Con ở đây bao lâu rồi?". "Dạ, Ngài thấy mấy cây cổ thụ xung quanh đây không? Cây nào cây nấy cả ngàn tuổi mà con đói từ ngày con chứng kiến nó còn là cái hột. Mấy cái cây Ngài thấy ngàn tuổi đó là con chứng kiến chim ăn, tha rồi ị ra nó, rồi nó lớn lên, con chứng kiến từ đó tới bây giờ. Con khổ lắm! Con khổ lâu vậy đó. Ngài biết con nhìn nước, con khát, mà con vừa chạm vô là nó thành ra máu, có lúc nó thành ra lửa, có lúc nó thành ra dầu hắc, sền sệt sền sệt làm sao con uống. Rồi còn thức ăn, con thấy người ta cúng cho con, con ham dữ lắm. Có nhiều người họ đi ngang khu rừng này họ thấy con tóc xõa họ sợ lắm. Họ đem theo đồ họ cúng, mà con đụng tới nó thành ra phân người, con đụng tới nó thành đất thành đá, con đụng tới nó thành gai thành góc, làm sao con ăn. Con khổ lắm!". Vị tỳ kheo trả lời thế này "Con không học Phật Pháp con không hề biết rằng con may mắn hơn rất là nhiều người mang thân nhân loại". Thì con ngạ quỷ nó nói "Con không có hiểu". Ngài nói "Con chỉ thèm ăn, thèm uống thôi đúng không?". "Dạ phải". "Còn con người thèm đủ thứ hết trơn. Nó thèm ăn, thèm uống, thèm danh, thèm lợi, thèm tình, thèm tiếng, thèm quyền". 

Bây giờ quý vị hiểu chưa? Tức là có những người mang thân nhân loại mà sống như ngạ quỷ là vì thèm danh, thèm lợi, thèm tình, thèm quyền, thèm tiền mà cả đời sống trong sự khao khát. Cái chuyện đó sâu lắm. 

Cho nên, luân hồi vĩ mô là sự lăn trôi từ kiếp này sang kiếp khác, từ thân người qua thân chó, từ thân chó qua thân heo, từ thân heo lên thân Chư Thiên. Thì cái đó gọi là luân hồi vĩ mô. Còn luân hồi vi mô là sự thay đồi của mình trong từng phút, lúc buồn, lúc vui, lúc sướng, lúc khổ, lúc thiện, lúc ác, lúc thánh thiện, lúc thì bầy hầy, bê bối, thấp hèn. Cái đó gọi là luân hồi vi mô. 

Như vậy thì có cái gì hãnh diện khi nói mình là người trường chay, mình là người giỏi Phật Pháp, mình là người hành giả, mình là người Phật tử lâu năm, mình quen biết cao tăng? Tất cả cái đó có giá trị gì khi mà trong đời sống thường nhật mình sống đủ ngũ thú lục đạo trong từng giờ? Cứ học giáo lý ba mớ là thấy mình này nọ, rồi đi hành thiền vài khóa thấy mình ghê gớm. 

Thật ra cái quan trọng nhất là mình thường xuyên sống trong cảnh giới nào. Chứ còn ba cái vụ kia là ba cái nhãn hiệu, label thôi, label thì không có gì hết. Mà con người bị cái bệnh là khoái sống với nhãn hiệu. Mình đâu có là bánh, có là kẹo đâu mà sống bằng nhãn hiệu.

07/07/2020 - 02:26 - hongha7711

Cho nên, trong kinh nói: 
  1. trường hợp một là vỏ ngoài hơn ruột trong, 
  2. trường hợp hai là ruột trong tốt hơn vỏ ngoài, 
  3. trường hợp ba là vỏ sao thì ruột vậy. 
Con người cũng vậy. Có người ở ngoài tốt hơn ở trong, nhìn họ quá trời đã luôn, cái nhãn hiệu họ nhiều lắm: học thức nè, Phật tử lâu năm nè, giỏi giáo lý nè, hành giả tinh tấn nè, đó là nhãn hiệu nhưng mà trong ruột nó trời ơi đất hỡi. Còn có người mình thấy họ xuề xòa như vậy nhưng khi họ lui về một mình họ có nội dung, có nội hàm, có hàm dưỡng. Như vậy, 
  1. trường hợp một là vỏ ngoài tốt hơn cái ruột trong. 
  2. Trường hợp hai là cái ruột trong tốt hơn cái vỏ ngoài. 
  3. Có trường hợp là trong tốt ngoài cũng tốt. 
  4. Có người thì trong xấu ngoài cũng xấu. 
Trong kinh khẳng định rằng, trong vô lượng thế giới, vô lượng chúng sanh không hề có hạng thứ năm. Không hề có hạng thứ năm, đúng chốc bốn hạng này thôi. 

Vậy Phật thuộc hạng nào? Trong ngoài đều tốt (Có bà mới nói trong ngoài đều bằng xi măng kìa. Khổ quá) Lên đến Phật rồi vẫn còn nằm trong bốn cái này, vậy mình có hơn Phật không? vậy mình đâu có nằm ngoài, mình là hạng ba, trong ngoài đều xấu phải không? 

Mình với Phật cách nhau đâu có xa, mình hạng ba, Phật là bốn, đâu có xa. 

Phật là 
  1. cho cái khó cho, 
  2. làm cái khó làm, 
  3. nhịn cái khó nhịn, 
  4. đắc cái khó đắc. 
Còn mình 
  1. cho cái khó xài, 
  2. nói cái khó nghe, 
  3. làm người khó ưa. 
Nói chung mình cách Ngài không có xa. Ngài có bốn chữ khó, mình cũng có ba chữ khó mà phải không? Cho nên mình gặp tượng Phật mình không cần chào, chào làm gì, xêm xêm à, chào làm gì cho mệt. Nói cái này nghe nhục.

(còn tiếp)
(tt) Sư Toại Khanh Giảng Luân Hồi và Giải Thoát (1) (2-4)


https://toaikhanh.com/videotext.php?vid=L-fzQIH0PPY&abt=Lu%C3%A2n+H%E1%BB%93i+v%C3%A0+Gi%E1%BA%A3i+Tho%C3%A1t+%281%29

Luân hồi có hai, đó là vi mô và vĩ mô. Vĩ mô là đó giờ mình hiểu đó, từ thấp lên cao, từ cao xuống thấp, từ chỗ này qua chỗ kia.

Sự quan trọng của Luân Hồi Vi Mô

Nhưng mình quên cái luân hồi vi mô nó mới ghê. 

Có nghĩa là trong một giờ mình có sướng, khổ, buồn, vui, thiện, ác. Mà hễ cái nào nhiều thì mai mốt mình đi về chỗ giống với cái nhiều đó. 

Sống mà giống ngạ quỷ thì mai mốt về ngạ quỷ, sống mà giống A Tu La thì mốt về giống A Tu La. "Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã". Thủy ngân nó chỉ ráp với thủy ngân thôi. 

Và tôi nói không biết là bao nhiêu lần, nước có ba dạng là thể đặc, thể lỏng và thể khí. Nước ở thể lỏng luôn luôn tìm về chỗ thấp, mình có quỳ mình lạy nó, nó cũng kiếm chỗ thấp nó chui xuống. Mà nước ở thể khí mình có chửi cha nó, nó vẫn bốc lên trời. 

Cho nên, có những người kêu tôi tới tụng kinh, tôi biết bà này bả đang kiếm chỗ thấp bả chui xuống, cả đời không có học Đạo, cả đời không có biết tu tập gì hết, cỡ này mình tụng cỡ nào, tụng rách miệng nó cũng đi xuống vì bả là nước thể lỏng. 

Có những người mình biết không cần tụng cũng đi lên, bởi vì họ tu tập, tâm tánh nhẹ nhàng lắm, họ từ bi, trí tuệ, chánh niệm thì loại đó mình không cần hộ niệm, tự động nó bốc lên trên.

Còn nhớ tôi nói mấy cách hộ niệm của Phật giáo không?

3 hạng chúng sinh

Chúng sanh có nhiều hạng, 
  1. ác nhiều hơn thiện, 
  2. thiện nhiều hơn ác, 
  3. thiện ác bằng nhau. 
Cái hạng thiện nhiều hơn ác không cần hộ niệm. Cái hạng thiện ác bằng nhau thì khi hộ niệm là 50-50, hên xui. Còn cái hạng ác nhiều hơn thiện thì xui nhiều hơn hên. Qúy vị làm cái chuyện mà hên xui quý vị có tin không? Thường khi mình nói hên xui thì cái xui nó nhiều rồi đó. 

Tứ Niệm Xứ và 4 loại tỉnh giác

Trong đời sống lẫn trong cuộc tu, hành giả tu tập tứ Niệm Xứ cứ luôn luôn nhớ lại bốn cái pháp tỉnh giác mà tôi nói. 

Một, làm chuyện gì phải xem nó có lợi ích gì hay không cho cái công phu tu tập của mình (Pali).

Thứ hai, (Pali) là cách làm này nó có hỗ trợ, có thuận tiện cho việc tu học hay không. Thí dụ như mình thấy kinh hành, thiền hành, walking meditation, nó có lợi cho việc tu tập nhưng ban đêm mình đi ngoài mái hiên mưa gió nó không có thích hợp, như vậy mình cũng cần có cái thứ hai. Cái thứ nhất là mình thấy cái này có lợi hay không, nhưng không phải thấy có lợi là mình muốn làm kiểu gì mình làm. Đói bụng là mình vẫn phải nấu cơm nhưng mà mình phải lựa cách nào thông minh chứ. Một cái nồi gang dày, một cái nồi nhôm mỏng, nếu chọn nấu cơm quý vị chọn cái nồi nào? Nồi gang. Rõ ràng nấu cơm là cần nhưng mình phải lựa cái nồi nào để mình nấu chứ. Rồi nước, mỗi lần mình mua một bao gạo mới mình phải nhớ cái loại gạo nào cần phải nước nhiều một chút, loại nào ít nước một chút. Tôi ăn cơm nhão hoài tôi biết, có bữa nó khô khốc, có bửa nhão, cái nồi đầu tiên là nồi thí điểm. Ngay cả chuyện nấu cơm cũng phải thuận tiện.

08/07/2020 - 02:36 - hongha7711

Cái thứ ba (Pali), là luôn phải biết rõ cái việc mình sắp làm nó có đang đưa mình ra khỏi cảnh giới của chánh niệm không. Thí dụ như đang tu, người ta rủ đi nghe Pháp, đi chùa, làm từ thiện, thì mình phải coi cái này nó có đưa mình ra khỏi cảnh giới mà mình đang chánh niệm không. Cái chuyện đó có lợi thiệt, xe đưa đón tại chỗ luôn, thuận tiện đó nhưng nó bị kẹt cái thứ ba, nó đang đưa mình ra khỏi cảnh giới tu tập tỉnh giác.

Khi hành giả ngồi thiền hành giả phải để ý bốn cái tỉnh giác.

4 loại tỉnh giác 
  1. Một là công phu này nó có lợi ích gì hay không.
  2. Thứ hai là cách làm việc của mình có thuận lợi không. 
  3. Cái công việc này nó có đưa mình ra khỏi cảnh giới chánh niệm không. 
  4. Hãy nhớ rằng từng giây phút tu tập là danh sắc tu tập chứ không phải ai đó đang tu tập. 
Phải ghi câu này (Tứ Đế):

  1. "Chỉ có sự khổ chứ không có người bị khổ. 
  2. Chỉ có nguyên nhân sanh khổ chứ không có ai tạo khổ. 
  3. Chỉ có cứu cánh thoát khổ chứ không có người thoát khổ. 
  4. Chỉ có con đường hành trì thoát khổ chứ không có người nào hành trì con đường đó". 
Có nghĩa là mỗi lần quý vị tu hành 
  1. chỉ có chánh niệm và trí tuệ làm việc 
  2. chứ không có "Tôi đang có chánh niệm", sai, sai rồi. Không có "Tôi đang có chánh niệm".
Chỉ ghi nhận 
  1. Chánh niệm đang có mặt. 
  2. Từ tâm đang có mặt. 
  3. Tâm tham đang có mặt. 
  4. Tâm sân đang có mặt. 
  5. Cơn đau đang có mặt. 
  6. Sự thoải mái đang có mặt.
Chỉ vậy thôi. 

Bây giờ nghe rất là kì. Mai này bị trọng bệnh mới cám ơn tôi. 

Ghi nhận "Sự sợ hãi đang có mặt" nó tốt hơn là "Tôi đang sợ hãi". Nhớ cái này. Sống chết phải nhớ cái này. Đau quá, chỉ biết rằng "Cơn đau đang có mặt" thôi. Siêu hơn nữa là "Cơn đau vừa biến mất". Chánh niệm mình mà nó dày dặn thì lúc đó mình sẽ thấy rằng mọi cái mình ghi nhận được nó "vừa biến mất" chứ không phải "đang có mặt" nữa. Tôi nhắc lại tất cả những gì thuộc về Tâm Pháp, khi ta ghi nhận được nó thì nó đã "vừa biến mất" chứ không phải là "đang có mặt". 

Thí dụ, tôi đang bực mình, tôi biết rằng cái sự bực mình nó vừa biến mất. Vì sao? Vì cái tâm bực mình được ghi nhận thì lúc đó nó đã nhường chỗ cho chánh niệm rồi. Cái đó là nói rốt ráo, còn cách nói thế gian là mình nói rằng sống trong hiện tại, mình tâm sân mình biết mình tâm sân. Đó là cách nói phổ thông dành cho người không biết giáo lý. Những người biết giáo lý thì phải hiểu răng khi ta nhận diện được tâm tham, nhận diện được tâm sân thì ngay lúc đó nó vừa biến mất, bởi vì nó vừa biến mất nó mới nhường chỗ cho cái chánh niệm ghi nhận nó. 

Không bao giờ hai cái tâm thiện, ác nó cùng có mặt một lúc. Hai tâm thiện không cùng có mặt thì làm gì có hai tâm thiện, ác cùng có mặt. Hiểu không? Phải nhớ cái này. Một đoàn tàu chạy trên đường rầy. Trong từng khoảnh khác trên mỗi đường rầy chỉ có một toa chứ không có hai toa. Hai đường rầy thì được, chứ trên một đường rầy thì phải có toa trước toa sau. Bây giờ hiểu chưa? 

Luân hồi vi mô là mở đường, là nền tảng cho luân hồi vĩ mô

Mình học về luân hồi phải học kỹ như vậy đó. Tức là đang trong cuộc sống, đang trong lúc tu tập thiền định, ngay trong cuộc sống này luôn luôn nhớ như vậy, nhớ rằng: "Ta đang có mặt trong một cuộc luân hồi vi mô". 

Và cái này mới ghê "Luân hồi vi mô là mở đường, là nền tảng cho luân hồi vĩ mô". Luân hồi vĩ môn là đầu thai kiếp này qua kiếp kia. Luân hồi vi mô là sự chuyển đổi từ buồn, vui, sướng, khổ, thiện, ác trong từng phút. 

Chính cái luân hồi vi mô nó mới tạo ra luân hồi vĩ mô. 

Và ai là người nhận ra cái đó? Người chánh niệm. 

Cứ đọc câu thần chú "Ta sống nhiều với cái gì thì ta sẽ đi với cái đó". 

Và nói như vậy thì cái chuyện cầu an, cầu siêu có cần thiết hay không thì tự quý vị hiểu rồi. 

Cái vi mô của quý vị mà dỏm quá nó mới cần cầu siêu.

Mà nói vậy thôi chứ cầu sao nổi mà cầu. Bởi vì nếu nói rằng nhờ cầu mà cứu được người cà chớn thì mình tha hồ cà chớn. Cứ ngáp ngáp rồi mời Tăng Ni tới quất cho một chầu rồi nó siêu tới đâu luôn, đúng không? Rất tiếc chuyện đó không được. Nói rằng nhờ Tăng Ni cầu mà siêu được thì cõi trời chắc dành cho mấy tay nhà giàu không, phải không? Ở xa thì xa, quý vị mua cho tôi vé first class với 10.000 trong bao thơ, tôi hứa tôi tới tụng. Như vậy thì rẻ quá, cái vé lê cõi trời có 12.000 đồng bạc à, cõi trời mà nó rẻ như cải bẹ xanh vậy. Nhưng mà rất tiếc, cõi lành không thể mua bằng tiền. Một bà cụ bán vé số vẫn có cơ hội sanh thiên nhiều hơn cái ông tỷ phú, nếu mà bả có tu tập. Nhớ nha!

Câu chuyện này tôi kể rồi. Có một ông hành giả hỏi vị thiền sư: "Có cách nào thu gọn Phật pháp trong một câu nói không?". Vị thiền sư mới lấy một cây que vạch một đường dưới đất, rồi hỏi "Đường vạch này dài hay ngắn?". Ông hành giả nói "Thưa Ngài, nói không được, bởi vì muốn nói dài hay ngắn mình phải so với cái gì đó". Thiền sư mới nói "Đó, Phật pháp là gom trong đó đó". 

Tại sao Phật pháp gom trong câu đó? Là vì mình có so sánh nên mình mới ghét cái này thích cái kia. Vì mình có thích ghét mình mới làm các việc thiện ác. Quý vị có phân biệt được cái mịn với cái nhám không? Chính vì có phân biệt mịn nhám nên mình mới thích mịn, không thích nhám, đúng không? 

Nếu từ nhỏ đến lớn quý vị chỉ có xài một thứ thôi thì quý vị đâu có phân biệt

Tôi biết có nhiều người họ xài áo ấm, polyester nó khác, đồ ấm bằng len nó khác, bằng cashmere nó khác, bằng angora nó khác. Mình có xài mình mới biết cashmere nó khác len. Rồi từ đó mình mới khoái cái cashmere. Tại sao mình có thích có ghét? 

Tại sao tôi ghét cái bà này? Một là bả đã làm những cái chuyện chống lại lợi ích của tôi, cách hành động của bả không giống với cách hành động của những người thương tôi. Tôi phải có "so sánh" trong đó. 

Có trường hợp còn vô duyên nữa, tôi ghét cái cô này vì cổ giống người tôi ghét. Rồi có trường hợp vợ chết rồi đi kiếm cái bà khác phải giống vợ mình. Chưa hết có người đi kiếm vợ vì cô đó có nét giống má người đó nữa. Có cái ông đó có thằng con trai, "Ba, con mới có nhỏ bạn gái dễ thương lắm, tính dẫn về cho ba coi", ổng hỏi "Tính tình sao?" - "Dạ, từ mặt mũi đến tính tình y như má vậy đó" - "Trời ơi, một mình tao ngu đủ rồi, đừng có ngu double thế hệ con!". Đời sống này nó là một sự so sánh, hiểu không? Tại sao thích ăn cay, là vì cái cay nó ngon hơn cái không cay. Tại sao sợ cay, là vì cái không cay nó ngon hơn cái cay. Tại sao có những món mình phải ăn nóng là vì ăn nóng nó ngon hơn không nóng. Có nhiều món là mình phải ăn lạnh nó ngon hơn không lạnh. Như trưa hè mình ăn chén chè đậu xanh ấm ấm nó không ngon bằng chén chè đậu xanh mà có đá. Cho nên có nhiều lúc lạnh nó ngon hơn không lạnh. Có nhiều lúc nóng nó ngon hơn không nóng. Có nghĩa là ghét và thích nó đều đi ra từ so sánh. Từ có so sánh mới có thích ghét. Từ có thích ghét nên người ta mới có trốn ghét tìm thích. 

Và có nhiều con đường trốn ghét tìm thích. 
  1. Con đường thứ nhất là thiện ác bất chấp. 
  2. Con đường thứ hai là làm lành lánh dữ. Để chi? Để kiếm được cái thích và né được cái ghét. 
Như vậy toàn bộ Phật pháp nằm trong đường vạch đó đúng không?

Tôi đang nói luân hồi mà sao tôi móc ra cái vụ đó? 

Thế Nào Là Giữ Giới?

Luân hồi là thấp lên cao, từ cao xuống thấp. 
Thế nào là cao và thấp? 

Hồi đó tôi không có giới, bây giờ tôi giữ ngũ giới, như vậy là tôi đang từ thấp lên cao. Nhưng mà tới đó đủ chưa? Chưa, còn phải một tháng tám ngày giới nữa. Nhưng mà đủ chưa? Chưa, làm sao mà một năm ba tháng an cư của chư Tăng là ba tháng mình Bát Quan luôn. Mà như vậy đủ chưa? Chưa, nếu mà Bát Quan luôn thì càng tốt. Như vậy cái cao và thấp ở đây là sao?

09/07/2020 - 08:46 - hongha7711

Bây giờ hiểu rồi, tức là ngũ giới chỉ hơn người không có giới nhưng nó vẫn thua bát giới. Bát giới một tháng tám kì nó thua một năm ngoài tám ngày một tháng, còn cộng thêm ba tháng an cư nữa. Nhưng như vậy cũng chưa đủ, một năm phải sáu tháng, chín tháng, một năm. 

Bát Quan Trai Khó Hơn Ăn Chay vì ăn chay sẽ quen nên trở nên dễ, còn bát quan trai khó quen vì phải đi ngược với bản chất tham sân si

Và tôi cũng nói luôn, dĩ nhiên so với ăn chay, cái bát quan khó hơn. 

Vì sao? Vì ăn chay có quen còn bát quan khó quen. Nếu ăn chay ròng rã ba năm là quý vị giống như mấy bà có bầu, nó tanh cơm tanh cá. Nếu đổi qua Đạo khác không cần ăn chay quý vị cũng ăn chay bởi vì nó tanh lắm. Nhưng mà giữ giới nó không có như vậy. Nhiều người họ giữ giới lâu ngày nó quen nhưng số người quen đó ít hơn là số người giữ giới mà phải gồng, phải ráng. Hồi đó giờ do mình giữ giới mình không có coi phim, nghe nhạc. Một lúc nào đó mình không còn giữ giới mình quay lại với phim nhạc rất là dễ. Có những bộ phim mình không thích nhưng có những bộ phim hay mình vẫn coi. Tôi nhắc lại, người giữ bát quan muốn xả bỏ bát quan nó dễ hơn là người ăn chay mà bỏ cái ăn chay.  Ở đây tôi đang nói ăn chay mà ăn ròng rã đó, chứ còn một tháng cứ rằm mua chao về nấu vịt thì cái đó tôi không nói, tôi nói ăn chay miên mật, tinh ròng đó thì coi như là ăn chay riết nó quen. Mà khi nó quen rồi nó không còn ý nghĩa tâm linh nữa. Thấy thì hay lắm nhưng chính người ăn chay phải hiểu rằng ăn chay riết nó quen, lúc đó nó thuộc về vấn đề sinh lý rồi chứ không còn tâm lý nữa vì cơ thể mình nó quen, nó không quen nạp cái khác vô nữa. Nhưng giữ giới thì nó khác, giữ giới mình phải liên tục phấn đấu, đấu tranh với bản thân để mình giữ tròn tám giới. Và sẵn ở đây tôi nói luôn một chuyện vô cùng, vô cùng quan trọng đó là, tôi nói từng chữ từng chữ cho những cụ gần xuống lỗ "Không phạm giới chưa chắc là giữ giới". Câu này đúng hay sai? Vì sao? Vì trong mộ cái cám dỗ, đứng trước một thử thách mà anh không phạm, cái đó mới gọi là giữ giới, giữ giới nó phải là intentionally, nó phải là một sự cố ý. 

Chứ tự nhiên cô này sáng giờ cổ ở nhà may vá cổ đâu có cơ hội sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu, ca vũ nhạc kịch, phấn son, nữ trang, mỹ phẩm, sáng giờ cổ ngồi ở nhà mặc áo lá ngồi may vá, đâu có điều kiện phạm giới đúng không? Như vậy nói cổ đang giữ giới được không? 

Rồi mấy người bị bại liệt, coma là giữ giới đúng không? Họ đâu có phạm nữa. 

Rồi mấy đứa nằm ngửa bú bình nó đâu có phạm đâu, vậy nó đang giữ giới đúng không? Why? 

Bây giờ mới hiểu là "Không phạm giới chưa chắc là giữ giới". 

Cho nên cái kiểu cạo đầu rồi mặc áo tu nữ, cất cái am, thờ tượng Phật rồi tự nghĩ mình là tu nữ, mình là người bát giới. Sai.

10/07/2020 - 12:30 hongha7711

(còn tiếp)
(tt) Sư Toại Khanh Giảng Luân Hồi và Giải Thoát (1) (3-4)

https://toaikhanh.com/videotext.php?vid=L-fzQIH0PPY&abt=Lu%C3%A2n+H%E1%BB%93i+v%C3%A0+Gi%E1%BA%A3i+Tho%C3%A1t+%281%29

10/07/2020 - 12:30 - hongha7711

Giữ Giới (tt)

Phải thường xuyên sống trong chánh niệm, biết đây là tham, là sân, là si, là ác, phải đấu tranh với mình, phải quán chiếu mình liên tục thì lúc đó mới gọi là người giữ giới. Mai chiều đứng trước một cái cám dỗ mà không có vượt rào mới gọi là giữ giới. 

Ví dụ, kiến nhiều quá, một phát một là chết sạch nhưng ta không giết. Ta tìm cách thương lượng, hòa giải dân tộc, chỉ bôi cái thuốc ngừa kiến, ngừa gián từ xa, còn em nào đang sống là cứ để cho nó sống. Đó mới là giữ giới. 

Đang nằm muỗi nó chích, quất một phát là nó đi rồi, nhưng tìm cách giải quyết nó, chịu khó chịu cực, không giết là không giết, đó mới là giữ giới. 

Chiều nghe chiên xào vẫn gồng chịu đựng, chừng nào không nổi thì mới order pizza. 

Còn đằng này, phê phê, tự nhiên ngồi chưng bông thêu thùa , may vá mà nói giữ giới thì không đúng. 

Tôi đã gặp trường hợp này nhiều lắm, cho phép tôi nói luôn, có rất nhièu vị tu sĩ họ hiểu lầm cái đó. Ngày hai buổi công phu, ra quét lá, vô mặc y mặc áo, kiếm chỗ nằm ngáp ngáp, mệt thì ngủ một chút, rồi trưa chiều dậy coi một hai trang sách vậy đó, đời tu nó cứ trôi qua vô vị, tẻ nhạt, nhàm chán, nghĩ vậy là tu. Con lạy bố, bố hiểu sai rồi. 

Nằm yên không làm bậy mà cái đầu nó vẫn tầm bậy, vẫn là wrong way. Mà cứ hiểu lầm mặc cái áo y vô, làm cái đầu cho bóng là tu. Sai. 

Cho nên, Phật pháp nằm ở chữ so sánh, làm sao không còn so sánh nữa, không còn thích không còn ghét mới là tu. Làm sao đứng trước cám dỗ, thử thách mà vẫn tu được, cái đó mới gọi là tu.

--ooOoo--

Nói đến luân hồi thì phải nói đến cái thấp cái cao. Cứ quẩn quanh trong định mức căn bản của cái thiện thì nó sẽ rơi vào cái ác, nó phải vượt lên trên. 

Thuyền đi trên sông là phải đi về phía trước chứ không có chiếc thuyền nào ở yên một chỗ. Mỹ có một câu: "Thuyền nằm trong bến cảng thì an toàn hơn ra khơi nhưng sự an toàn ấy không phải là lý do để người ta đóng thuyền", đóng xong để trong cạn cho nó an toàn... 

Luân hồi hiểu theo nghĩa rộng là từ trạng thái này sang trạng thái khác, từ tình trạng này sang tình trạng khác nhưng ta phải luôn luôn nhớ rằng ta có phải đang đi lên, đang đi về phía trước hay không, hay là ta đang thụt lùi hoặc là ta đang chìm xuống, đang đi ngược trở vô. Bởi vì cái nào cũng luân hồi hết

Luân hồi có nhiều cách. Luân hồi ở đây là 
  1. sự lẩn quẩn của cao thấp và 
  2. sự cao thấp ở đây là sao? Là phải có một cái điểm tựa. 
Tu là 
  1. vượt ngoài sự so sánh 
  2. nhưng phải biết nhìn lại cái cũ để tìm lên cái mới. 
Mình 
  1. không phân biệt để mà bất thiện 
  2. nhưng mà ta phải biết cao thấp để mà hành động tốt hơn.
Bây giờ tôi hỏi thế này trong đời sống 
  1. có những lúc mình phải phân biệt, 
  2. có những lúc không cần phân biệt 
đúng không?

Trạch Pháp:

Ăn gì cũng được, nhưng cần không độc .
Thương không phân biệt, nhưng gần gũi với người tốt .
Cần chí thiện .

Ví dụ trong chuyện ăn uống, mình đơn giản ăn cái gì cũng được, ngon dở mình cũng ăn được hết. Cái đó tốt hay xấu? Nhưng mà mình không phân biệt được đồ độc hay không độc là tốt hay xấu? Đối với mọi người ai mình cũng không phân biệt, già trẻ đẹp xấu, Mỹ đen, Mỹ trắng, da vàng, ai mình cũng tốt hết. Cái đó nên không? Nhưng mà trong giao thiệp mình có nên biết người nào tốt người nào xấu để mình tránh không? Cần chứ. Thương thì ai mình cũng thương nhưng mà để thân cận, gần gũi thì mình phải chọn lọc. 

Cho nên, ăn uống ngon dở thì mình không cần phải phân biệt, nhưng mà đồ độc và đồ lành hình như phải phân biệt. Cho nên, tu là không cần phân biệt, nói mà không giải thích là sai. Trường hợp nào không cần phân biệt, trường hợp nào phải phân biệt. 

Bởi vì trong thiện pháp nó có một cái gọi là trí tuệ. Trí tuệ có tên gọi là Trạch pháp. Trạch pháp là gì? Trạch pháp là khả năng discrimination, tách bạch, rạch ròi nhưng mà tách bạch để chi? Để chọn cái nào rồi đi lên và đi ra, chứ không phải chọn để rồi thích và ghét. Ai tôi cũng thương, giúp được ai tôi giúp . Lúc tôi thương, lúc tôi giúp tôi không có phân biệt là người tốt người xấu nhưng mà lúc chọn người làm thầy, làm bạn thì bắt buộc tôi có phân biệt chứ. 

Đối với tất cả mọi người đàn ông mình đều phải lịch sự hết nhưng chọn một thằng về làm chồng thì không phải thằng nào mình cũng vớt, đúng không? Có đúng không? Một người con gái chưa chồng có nên lịch sự với tất cả đàn ông không? Hay là lịch sự lựa chọn đối tượng? Phải lịch sự chứ nhưng phải có sự lựa chọn cái thằng mà mình lấy.

Cho nên, người tu thương yêu chúng sanh, ai mình cũng thương hết, ai mình cũng giúp đỡ hết nhưng để chọn bạn chọn thầy thì chuyện đó rất cần thiết. Nhớ nha. 

Mình nói về chữ luân hồi thì nhớ rằng thiện là cái phải làm nhưng thiện đó là cái thiện đi ra hay đi vào, thiện đi lên hay đi xuống, bởi trên cái thiện nó còn có cái chí thiện

Cái thiện nào nó còn ẩn dấu một cái lối mòn để quay về cái ác thì cái thiện đó là cái thiện phải bỏ. Thế nào là cái thiện còn ẩn dấu lối mòn? Làm thiện là vì cầu danh cầu lợi, cầu quả nhân thiên, thì cái thiện đó là cái thiện ẩn dấu lối mòn trở về cõi ác. 

Chỉ có cái thiện mà hướng đến chấm dứt sanh tử thì cái thiện đó mới được gọi là chí thiện.


--ooOoo--

10/07/2020 - 08:05 - hongha7711

Giải Thoát (Ra Khỏi)


Giờ nói qua chữ Giải Thoát. Tôi vẫn quay lại cái thí dụ hồi nãy, Phật giáo nằm trong cái đường vạch của vị thiền sư hồi nãy. 

Ngài hỏi "Đường vạch này dài hay ngắn?". Ông kia nói "Dạ, đâu có nói được, phải có điểm dựa chứ". Thiền sư nói "Đó, Phật pháp là như vậy đó". Ổng nghe ổng ngộ liền. 

Giải thoát có nhiều cấp độ: 
  1. Ra khỏi cái khổ là giải thoát; 
  2. Ra khỏi cái ác là giải thoát. 
Hoặc là ghi chuyên môn hơn: 
  1. Ra khỏi quả xấu là giải thoát và 
  2. Ra khỏi nhân xấu cũng là giải thoát. 
Ghi vậy cho nó rốt ráo. 

Ra khỏi quả xấu là sao? 

Bây giờ tôi bị bệnh tôi uống thuốc, tôi kiêng khem, để tôi hết bệnh thì đó là giải thoát. 

Tôi vào tù mà người thân của tôi không biết thế nào mà họ đem tôi ra được thì đó có phải giải thoát không? Tôi bị xiềng xích, giam nhốt mà giờ đem tôi ra ngoài thì cái đó có phải giải thoát không? Như vậy cái giải thoát đó được gọi là ra khỏi cái quả xấu. 

Tôi thoát nợ có phải giải thoát không? Hết bệnh? Ra tù? Hết tai tiếng? Hết nợ hoặc là thoát khỏi xiềng xích, ra khỏi được một cái tình trạng khó chịu, khó xử cũng gọi là giải thoát. Tất cả những điều đó được gọi chung là ra khỏi quả xấu. 

Còn ra khỏi nhân xấu là sao? 

Là tôi không còn bị sống trong cái tham, cái sân, cái si. 

Mấy nay tôi giận cái cô này lắm, mà hôm nay bằng cách nào đó tôi không còn giận cổ nữa, như vậy có gọi là giải thoát không? Như vậy cái giải thoát đó là giải thoát ra khỏi nhân xấu, vì tham sân nó là nhân, đau khổ là quả.

Giải thoát có hai trường hợp: 
  1. ra khỏi nhân xấu và 
  2. ra khỏi quả xấu. 
Nhưng không phải nó dừng lại ở đó.
 
  1. Giải thoát nhân xấu nó lại có nhiều trường hợp. Quả xấu là những cái được tạo từ nhân xấu quá khứ. Tất cả những gì làm mình khó chịu về thân, về tâm trong kiếp này được gọi là quả xấu. Mà mình ra khỏi cái đó được gọi là giải thoát. 
  2. Kiểu giải thoát thứ hai là mình đang đắm đuối, đê mê một cái gì đó mà giờ mình buông được nó. Các vị có thấy đó là giải thoát không? 
Các vị có từng yêu ai đắm đuối mà các vị buông được họ, quên được họ, các vị có thấy đó là giải thoát không?

Quên được một cái người nào đó thì khó lắm. Oán giận cũng vậy. Đã quê thì khó huề, mà đã huề vẫn còn quê.

Nhiều khi mình 

  1. quên được một cái giận, 
  2. quên được một người mình thương
quý vị phải lạy tạ trời đất. 

Tôi có nghe một câu nói rất buồn cười và phũ phàng thế này. 

Có ông đó khi ổng gặp lại người xưa, ổng nói tại sao ngày xưa ổng có thể khổ vì người đó, may mà ổng không lấy họ. Đối với tôi đó cũng là cái giải thoát. 

Cách đây ba năm tôi có dịp gặp lại một người Phật tử cũ mà hồi tôi mười bốn, mười lăm tuổi tôi thương họ lắm, họ nhỏ hơn tôi một tuổi. Làm thầy chùa mà thương người ta. Cách đây ba năm tôi gặp lại, năm tôi bốn mươi bảy tuổi, cổ mập ú và xấu huắc. 

Tôi giật mình, tôi mới nghĩ trong bụng, thì ra chữ "chung thủy" vốn dĩ không nên có trong đời. Hoa ở khắp nơi, tại sao mình chết dí trong một đóa hoa sớm nở tối tàn. Đối với người đời câu này nghe hơi dã man, nhưng đối với người tu điều đó phải luôn luôn tâm niệm. Cho nên, nhiều khi thoát ra khỏi cái gì đó là giải thoát. 

Như ông Napoleon ổng có nói một câu rất là hay "Trong chiến trường, thương trường, chính trường, kẻ bỏ chạy là người thất bại. Nhưng trong tình trường kẻ bỏ chạy là người chiến thắng." (In love, victory goes to the man who runs away.)  nhiều lúc bỏ chạy lại là cái hay. 

Như vậy 
  1. giải thoát khỏi quả xấu là ra khỏi cái đau khổ, khó chịu mà nó được tạo ra bởi nghiệp quá khứ. 
  2. Còn giải thoát khỏi nhân xấu là tránh được cái phiền não nào đó, lìa bỏ được cái mà một thời mình yêu mê, lìa bỏ được cơn giận, lìa bỏ được sự hiểu lầm. 
Từ đó giờ, nhiều năm mình khó chịu, mình hiểu lầm một người nào đó, mà giờ mình tháo gỡ được sự oan trái, sự hiểu lầm, tháo gỡ được sự ngộ nhận, có thấy đó là sự giải thoát không?

11/07/2020 - 07:02 - hongha7711

Đó là định nghĩa tổng quát. 

Giải thoát có hai là 
  1. giải thoát nhân và 
  2. giải thoát quả. 
Mà cái câu này mới quan trọng "Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả". Cho nên, đối với bậc thiện trí, giải thoát khỏi cái đau khổ bởi quả xấu nó không quan trọng bằng giải thoát khỏi nhân xấu. 

Có những người tu hành, hết bệnh không đáng mừng bằng thấy mình giảm được tâm tham, tâm sân. 

Hồi trước đây mình không có khả năng ngồi thiền, mình không có khả năng sống chánh niệm trong một ngày, không có khả năng ngồi thiền trong một giờ, hai giờ. Nhưng bây giờ mình có khả năng đó. Cái đó nó đáng mừng hơn là mình giàu hơn xưa, đẹp hơn xưa, sống sung sướng hơn xưa. Cái đáng mừng là mình có những thành tựu về thiện pháp. Cái đó mới đáng mừng. Nhớ nha. 

Đối với Bồ Tát, Bồ Tát sợ nhân chứ không sợ quả. Trong hai cách giải thoát, cái giải thoát khỏi quả xấu không có đáng trọng bằng cái giải thoát khỏi nhân xấu. Giải thoát khỏi quả xấu là tránh được những cái đau khổ, nó không có đáng mừng bằng mình tránh được cái bất thiện. Như vậy thì cái giải thoát thứ nhất là cái giải thoát ra khỏi đau khổ trước mắt nó không bằng giải thoát ra khỏi nguyên nhân đau khổ. 

Giống như một ông vua bên Tàu, hồi xưa bị bệnh, có thầy thuốc vô ổng chữa, ổng nói "Có nhiều cách chữa bệnh cho Ngài. Chữa bằng cách Đế Đạo, Bá Đạo và Vương Đạo. Ngài muốn chữa bằng cách nào?". Mà trước khi có cái chuyện đó là ông vua này ổng tính đem quân xâm chiếm nước láng giềng kế bên. Vì muốn đem quân xâm chiếm người ta nên ông vua này ổng tính riết mà ổng mắc bệnh luôn. Lúc đó ổng mời tất cả những vị danh y trên toàn quốc tới chữa, ông này đến ông khác, tới tay ông này ổng bắt mạch cho vua cho vui, xong rồi ổng nói: 

- "Bây giờ có ba cách chữa bệnh cho Ngài, Đế Đạo, Bá Đạo, Vương Đạo, Ngài dùng cách nào?" Cách Bá Đạo là đau đâu chữa đó nhưng mà không dứt gốc, nghĩa là cho uống thuốc giảm đau. Còn Vương Đạo có nghĩa là cho nó dứt cái bệnh đó luôn nhưng mà không chắc lá nó có tái phát hay không. Chữa bằng Đế Đạo là chữa cái bệnh trước mắt cũng ngừa luôn cái sau này. Ngài chọn cái nào?" 
- "Hỏi gì kì, dĩ nhiên ta chọn cái Đế Đạo rồi" 
- "Thần thì không biết gì hết. Thần chỉ biết chữa bệnh thôi, cho nên thần chỉ xin nói với Bệ Hạ chuyện chữa bệnh thôi. Chữa bệnh cũng giống như chuyện chính trị vậy. Có nhiều chuyện mình muốn giải quyết tức thời, mình không nghĩ đến hậu quả về sau, cái dó gọi là Bá Đạo" 
- "Ta hiểu rồi, ngươi đến đây không phải để chữa bệnh mà kêu ta đừng có đi đánh người ta đúng không?" 
- "Dạ, tùy hiểu!". 

Thực ra ổng đến chữa bệnh vui vui mà ổng chữa ngay gốc luôn. Đây là lý do vì đâu Bồ Tát sợ nhân mà chúng sanh sợ quả. 

  1. Chúng sanh nó sống cà chớn như vậy đó mà nó lại sợ bệnh mới ghê chứ. Sợ bệnh, sợ sanh ly tử biệt, sợ tai tiếng, sợ chết yểu, sợ nghèo, sợ xấu ... mà nó toàn tạo mấy cái nhân để bị cái đó không. 
  2. Còn Bồ Tát lại khác. Bồ Tát dầu có đẹp, có giàu, dầu có được tình cảm, quyền lực, tiếng tăm Bồ Tát không màng. Nhưng trong đời sống Bồ Tát tạo toàn cái nhân lành để được mấy cái đó không à. 
Tức là Bồ Tát chỉ quan tâm đến nhân lành mà không màng đến quả lành. Còn kẻ tào lao khoái quả lành mà tạo toàn nhân xấu không à. Cho nên rất nhiều người muốn đẹp mà họ toàn tạo nhân xấu không. Là sao? Sân hận nhiều quá, ganh tỵ nhiều quá, tỵ hiềm nhiều quá, toan tính, nhỏ mọn nhiều quá, đời sau sinh ra khó đẹp. (Đừng nhìn tôi, lúc đó tôi không có nguyện đẹp thôi!). 

Cho nên, nhớ giải thoát có hai, 
  1. giải thoát thứ nhất là tránh được cái gì làm cho mình đau khổ nhưng nó không có bằng 
  2. tránh được con đường dẫn đến đau khổ. 
Và trong cái giải thoát nhân xấu có nhiều cấp (lìa ác):
  1. Cấp một, giải thoát nhân xấu bằng cách lìa Thập Ác, tu Thập Thiện. Đó là cách giải thoát thứ nhất. Cách giải thoát này giúp ta lìa bốn đường đọa
  2. Trường hợp thứ hai, tu tập Thiền Sắc Giới để lìa khỏi nhân thiên dục giới. 
  3. Cái thứ ba, tu tập Thiền Vô Sắc để lìa bỏ Thiền Sắc Giới. 
Ba cái này nó thuộc về cái thiện thứ nhất. 

Thiện có hai: tà giải thoát và chánh giải thoát:
  1. một chỉ là sự lìa ác thôi, là tà giải thoát. 
  2. thứ hai là lìa cả thiện ác, là chánh giải thoát: tu tập Tuệ Quán. 
Ba cái này nó thuộc về thiện một.

Cách thứ tư là tu tập Tuệ Quán để lìa bỏ tham ái trong ba cõi, đây mới là chánh giải thoát. 

Cái cách giải thoát đầu được gọi là Tà Giải Thoát. Con đường dẫn đến Tà Giải Thoát là Bát Tà Đạo: tà kiến, tà tư duy, từ ngữ, nói gọn đi là "tà tà". Nói chung những người tu "tà tà" là nó dính vô tà đạo hết.

Tà kiến là "tà" gì? 

Tà kiến gồm 
  1. ba thường kiến và 
  2. ba đoạn kiến. 
Ba thường kiến là 
  1. tin có một "cái tôi" vĩnh cửu, 
  2. tin có một Đấng Chí Tôn sáng tạo muôn loài, 
  3. tin có một cảnh giới vĩnh hằng, 
ba cái này gọi là thường kiến. Tin có một "cái tôi" vĩnh cửu là có một thằng Tèo, má nó đẻ ra, rồi thôi nôi, có thằng Tèo tám tuổi, có thằng Tèo mười lăm, có thằng Tèo hai mươi, bốn mươi, chín chục tuổi, rồi đám ma thằng Tèo. Là sai, không hề có một thằng Tèo nào sống lâu dữ thần như vậy. Trong kinh Đức Phật dạy rằng mội người chỉ tồn tại trong từng phút, cái sau cái trước tiếp nối nhau như mình thấy một ngọn lửa. Các vị không học vật lý, các vị tưởng có một ngọn lửa, nhưng thật ra ngọn lửa chính là một cái process tiêu thụ năng lượng, chứ không có gì là một hết. 

Cho nên, hồi mình chưa biết Đạo mình thấy cuộc đời mình là "line", biết Đạo rồi mình thấy nó là từng cái "spot", khi hành Đạo rồi mình chỉ thấy nó là từng cái "dot", chấm chấm chấm. 

Mà khi bạn thấy mình là mấy cái chấm thì người ta có chửi cha mình, mình không giận. Còn thấy mình là "spot" thì cũng còn giận chút đỉnh. Còn thấy mình là đường thẳng năm chục tuổi, ba chục tuổi là mình chém cả họ luôn. 

  1. Tin có một "cái tôi", 
  2. tin có một cảnh giới vĩnh hằng, 
  3. tin có một Đấng Chí Tôn bất tử, thí dụ , bla, bla, bla, Chúa Trời, Thánh Ala 
là ba cái thường kiến. 

Nếu mình không biết Đạo mình có mắc vào ba cái này không? Đừng có lắc. Có chứ. Mình cứ tưởng có một bà tên là Liên, hồi đó là sáu tuổi, tám tuổi, mười lăm tuổi, hai mươi tuổi, có chồng, đẻ con, đi Mỹ, con tốt nghiệp Đại học và quay lại lo cho má. Mà thực ra không hề có bà nào sống lâu dữ thần như vậy, bả chết trong từng phút. Đó là ba thường kiến. 

Còn ba đoạn kiến là gì? Là 
  1. Vô hành kiến: phủ nhận thiện ác,  là thích gì làm nấy chứ không có vụ thiện ác báo ứng.
  2. Vô nhân kiến: cho rằng mọi thứ ngẫu nhiên mà có, thay vì mình phải hiều rằng mọi thứ do các duyên mà có.
  3. Vô hữu kiến: phủ nhận toàn bộ những gì mình không chứng minh, không thấy được, là không có. Thí dụ, mình không thấy thiên đường, địa ngục, các loài khuất mặt, khuất mày, mình không thấy được Đức Phật, không thấy được các vị Hiền Thánh thì cái đó không có. Không có kiếp trước, không có kiếp sau bởi vì cái đó tôi đâu có thấy được đâu, tôi đâu chứng mình được, cái đó không có.
Ba cái này là ba cái đoạn kiến. Vô hành kiến là thích gì làm nấy chứ không có vụ thiện ác báo ứng. Tiếng Phạn gọi là (Pali). Vô nhân kiến là (Pali), tức là cho rằng mọi thứ ngẫu nhiên mà có, thay vì mình phải hiều rằng mọi thứ do các duyên mà có. Còn đằng này mình nói "Tự ông trời ổng sanh nó vậy đó!", là không được, đó là tà kiến. Cái thứ ba là Vô hữu kiến (Pali), cái gì mình không chứng minh được, không thấy được, cái đó là không có. Thí dụ, mình không thấy thiên đường, địa ngục, các loài khuất mặt, khuất mày, mình không thấy được Đức Phật, không thấy được các vị Hiền Thánh thì cái đó không có. Không có kiếp trước, không có kiếp sau bởi vì cái đó tôi đâu có thấy được đâu, tôi đâu chứng mình được, cái đó không có. Đó là tà kiến.


12/07/2020 - 04:31 - hongha7711

Gom gọn lại. 

Tà kiến gồm có hai phần là 
  1. không thấy mọi sự do duyên mà có và 
  2. có rồi phải mất đi. 
Tà kiến còn được định nghĩa một cách khác nữa, đó là 
  1. không hiểu được Bốn Đế. 
Bốn Đế tôi nói riết mà tôi quê tôi không dám nhắc lại luôn. 
(Xem post # 140, p 10 thread Mục Lục và Tóm Lược)

Người nào học với tôi thường phải nhớ cái đó. Nhiều người không biết tại sao cái đó quan trọng. Quý vị thấy không, cứ đi đi lát hồi trở lại xài cái đó nữa, xài hoài vậy đó. Nó khổ lắm. Tránh không được. Cứ đi đi vòng vòng lát gặp nó nữa, nó rải rác đầy trên đường mình học Đạo.

Qua tới Tà Tư Duy. Gồm có ba: 
  1. Dục tư duy là đam mê, thích thú trong năm dục. Năm dục là thích nhìn, thích nghe, thích ngửi, thích nếm, thích sờ. 
  2. Sân tư duy là sự bất mãn trong năm dục. Bất mãn là nóng quá, lạnh quá, cay quá, chua quá, hôi quá, mặn quá, cứng quá, ẩm ướt quá, nhìn thấy ghê quá... Có nghĩa là năm trần, bất mãn trong đó gọi là Sân tư duy. 
  3. Hại tư duy là cái ý niệm đạp đổ, hủy diệt, tàn phá, thiêu hủy người hay vật. Như tôi giận quá tôi đập đồ là Hại tư duy. 
Các vị có biết không, cái thế giới này thiên hình vạn trạng, nó có đủ hết trơn. Núi, sông, cây cỏ, đất đá, kênh rạch, sông ngòi, chim muông, người thú, đủ thứ hết. Nhưng nói theo kinh Phật thì nói là sáu trần với sáu căn thôi phải không? Chúng ta có sáu căn là sáu cánh cửa để chúng ta nhìn ra cả thế giới.

14/07/2020 - 11:42 - hongha7711

Toàn bộ thế giới này kể cả mặt trăng, mặt trời cũng chỉ là cái object của sáu căn thôi đúng không. 

Khi mình mất đi một căn thôi mình sống khó lắm. Như bà đó bả nói với bác sĩ "Tôi bị bệnh gì mà tôi đánh rấm hoài à?. May là nó không có mùi". Bác sĩ nói "Trời ơi, nãy giờ tôi muốn chết luôn nè". Có nghĩa là bả bị bệnh đường ruột, bả còn bị bệnh mũi luôn. 

Tà tư duy gồm Dục tư duy, Sân tư duy, Hại tư duy.

Tà ngữ là trạng thái tâm lý. Nhớ nha, chứ có nhiều người nói tà ngữ là nói lời bậy bạ, không có nói, có người nói "nói lời", có người nói "lời nói", cái nào cũng sai hết. 

Tà ngữ là trạng thái tâm lý nào khiến cho ta nói cái điều bậy bạ, hại mình hại người, gồm có nói dối, nói đâm thọc, nói ác độc và nói vô ích. Cái này là trạng thái tâm lý. 

Tại vì mấy cái này nó trong đầu của mình, làm sao mà nói được?  

Nói phải có cái lưỡi, cái môi, cái răng, có cái miệng. Tôi nhắc lại hồi nhỏ tôi thấy: 

Nói dối cũng có tội, mình hiểu vì gạt người ta. 

Nói độc ác làm cho người ta chảy máu tim thì cũng hiểu. 

Nói đâm thọc thì làm cho người ta tan nhà nát cửa thì tôi hiểu. 

Nói vô ích:

Chứ còn nói vô ích tôi thấy đâu có ghê, bất quá nó chỉ là tào lao thôi. Nhưng mà không, tới hồi tôi già rồi tôi thấy "cái thằng" đó độc thiệt. Bởi vì khi mà mình gặp nhau mình không có gì để nói bắt đầu mình nói chuyện tào lao. Mà nói chuyện tào lao nó ra đủ thứ chuyện hết. Nói xấu người này, người kia, rồi bươi móc, thêu dệt là nó do cái "tám" mà ra. Là coi như khi không còn chuyện để nói là mình nói bậy. Giống như khi không còn gì để ăn là hay ăn bậy. Mà không có gì đáng sợ cho bằng gặp nhau không có gì để nói là nó nói bậy. Nó lôi hết người này người kia ra nói. 

Chưa hết, cái này mới rùng rợn, khi mà nói vô ích nó quá lâu đâm ra nghiện thì cái đầu của mình toàn là chuyện tào lao không. Cái người có đề tài nghiêm túc họ không có thích nói chuyện tào lao. Họ quý thời gian lắm. Còn cái người quỡn đến mức mà nói chuyện tào lao, mình thấy nó hiền, đâu có gì đâu, nhưng mà sai, cái đầu nó rác không nên mới phun rác ra. Mình thấy cái cống, mình tưởng cống riêng, rác riêng. Sai, chỉ có ống cống mới ra được nước cống, chứ rumine làm sao nó ra được nước cống. Nước mắt nó chảy ở dưới hay ở trên? Chảy ở dưới kêu là nước tiểu, chảy ở mắt mới kêu là nước mắt. Tôi biết tôi nói rất là thô, nhưng phải nói huỵch toẹt vậy. Thì cái lời vô ích nó cũng vậy, chỉ có chỗ chứa nó tệ lắm thì mới phun ra được cái lời vô ích. Chỉ có tuyến lệ nó mới ra lệ. Chỉ có đường tiết niệu nó mới ra nước "kia" thôi. Thì chỉ có cái đầu vô ích nó mới ra lời vô ích.

Có đúng vậy không? Nó lớn chuyện lắm. Khi nào cái đầu anh rác không thì mới trào rác ra.

Cho nên sắp nói chuyện tào lao thì tự hỏi lòng mình "mình đang tu cái gì đây?

Mà quý vị nào có thực tập Tứ Niệm Xứ, có đam mê nghiên cứu Phật pháp, có đam mê những cái gì lành mạnh, quý vị mới thấy những cái vô ích nó bậy dữ lắm, mất thời gian mà nó tàn phá cái não bộ của mình. Tôi phải xài cái chữ "tàn phá" mới đúng. 

Nói chuyện tào lao, gặp nhau mắc cái chứng gì nói chuyện cháy rừng, Trung Quốc bán đồ độc hại, nói chung là thời sự có cái gì thì gặp nhau đem ra nói. 

Có một người Phật tử nói với tôi trong nước có nhiều cái làm cho họ chán. Họ qua Mỹ, qua khu Bolsa, Little Sài Gòn, họ gặp mấy ông Việt Nam mình nè, đàn ông gì đâu toàn ra uống cà phê, nói dóc không à, họ nói họ muốn mửa luôn. Tôi nghe tôi hiểu liền. Lần nào tôi về Cali tôi cũng ghé nhà sách Tự Lực ở Bolsa. Mà lần nào như lần nấy, thấy nguyên đám ngồi đằng trước để mấy tờ báo trước mặt, phanh phui mấy cái chuyện tào lao, cứ ngồi bàn, thấy oải. Một đất nước như vậy nó lớn không nổi. Bởi cả một hệ thống, gồm thanh niên, đàn ông là sức mạnh, tiềm lực của đất nước mà ăn rồi ngồi tám như mấy bà vậy đó. Chứ còn Âu Mỹ, trừ người già thôi, còn người trẻ, dưới 60 đó là cái nguồn năng lượng cực lớn để xây dựng đất nước, xây dựng xã hội. Còn dân tộc của mình khoái la cà, đình đám, cà phê ngồi nói dóc. Độc lắm. Cho nên tôi cố tình nói nhiều về cái chuyện nói vô ích để cho bà con thấy tại sao đất nước mình lớn không nổi, 4000 năm văn hiến mà vẫn tiếp tục trẻ thơ, nằm ngửa bú bình, là tại vì mình khoái nói dóc. Tôi biết tôi đang nói cái này nó xúc phạm đến nhiều người trên toàn cầu. Việt Nam mình phải bớt cái vụ ngồi tán nhảm, khổ lắm. Mà mấy bà bớt tám thì thế giới này khá hơn. Như vậy đó gọi là tà ngữ. 

Nhưng tà ngữ còn một định nghĩa khác. 

Tà ngữ là trạng thái tâm lý nào khiến ta nói, nói những điều đi ngược lại với Bát Chánh Đạo. Cái đó do ngài Xá Lợi Phất định nghĩa. 

Bởi vì nội dung của chánh ngữ là khích lệ, thúc đẩy tu tập Bát Chánh Đạo. Còn tà ngữ là cái gì mà nó đi ngược lại nội dung Bát Chánh Đạo.

(còn tiêp)
(tt và hết) Sư Toại Khanh Giảng Luân Hồi và Giải Thoát (1) (4-4)


https://toaikhanh.com/videotext.php?vid=L-fzQIH0PPY&abt=Lu%C3%A2n+H%E1%BB%93i+v%C3%A0+Gi%E1%BA%A3i+Tho%C3%A1t+%281%29

Tà nghiệp là trạng thái tâm lý nào mà khiến ta có thân nghiệp bất thiện, hại mình hại người. 


Trong kinh có cho mấy ví dụ, hại mình hại người là sao? Là xâm phạm
  1. tánh mạng, 
  2. sức khỏe, 
  3. tài sản, 
  4. hạnh phúc của người khác 
thì gọi là tà nghiệp. 

Trong kinh nói rất rõ, như 
  1. sát sanh, trộm cắp, vi phạm năm giới. 
  2. Cái bừa bãi, sống thiếu ý thức, coi nhẹ của công, 
  3. xả rác gây ô nhiễm cũng gọi là tà nghiệp. 
  4. Mình sống cố ý coi thường quyền lợi của người khác thì gọi là tà nghiệp.

Tà mạng là trạng thái tâm lý nào mà xui ta chọn cách sinh kế hại mình hại người. 


Nói gọn lại, chính vì 
  1. chánh ngữ nó làm mình cẩn trọng trong ngôn từ. 
  2. Còn chánh nghiệp nó giúp mình có chọn lọc trong hành động. 
  3. Còn chánh mạng nó giúp mình biết chọn lọc trong sinh kế, có trách nhiệm trong sinh kế. Cẩn thận, có trách nhiệm, chứ không phải mình vì kiếp sống của mình mà làm hại đến người khác. 
Có điểm độc đáo của ba cái này đó là 

  1. nó phân biệt phàm với Thánh. Vì phàm mới có tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, chứ Thánh thì không. 
  2. Thứ hai, nó phân biệt người và thú. Con thú vì nó kiếm sống nó không có màng gì hết đúng không? Con cọp khi nó ăn con mồi nó có nghĩ cái gì không? Cho nên cái người tà mạng rất gần thú như lừa đảo, lật lọng, làm đồ giả, độc hại như luộc bắp bằng cách bỏ pin, cho ăn đồ chay giả như làm đùi gà, lẩu mắm 
(Cho nên gặp đồ chay đó tôi ngán quá, tôi ăn đồ mặn chắc ăn hơn. Đồ mặn cũng độc nhưng mà trước khi chết nó còn ngon miệng hơn đồ chay nó cũng độc mà nó dở ẹc à. Chết tức! Cả thế giới đang nghe tôi nói). 

Tà mạng là vậy đó, vì kiếm sống, vì sinh kế mà mình bất kể người khác thì như vậy cái ranh giới giữa mình và con thú đã bị xóa nhòa. Còn mèo nó vồ con chuột nó không ngồi suy tính thiệt hơn, không cân đong đo đếm, thích làm là quặm thôi. Con cọp, con beo, con rắn nuốt con nhái nó cũng không cân đong đo đếm thiện ác gì hết, nó gặp là nó quất thôi. Cho nên mấy người làm cái nghề mà kiểu gian thương, hại người là họ không có khác gì loài động vật cấp thấp. Phải tin điều đó, phải hiểu điều đó. Cho nên, chiều nay tôi chọn "Luân hồi và Giải thoát" bà con thấy mình hiểu hai cái chữ đó nó nghèo lắm. Hiểu chữ Giải thoát cho tới nơi thì rất là sâu

15/07/2020 - 01:51 - hongha7711


Giải thoát có nhiều cấp. Ở Việt Nam ai có đọc báo chí trong nước, có nghe chữ "thoát nghèo" không? Rồi "thoát lũ" nữa. Nghĩa là ra khỏi một tình trạng tệ hại gọi là thoát. 


Trong đạo Phật nói rất rõ, có nhiều kiểu giải thoát, gom gọn lại là 
  1. chánh giải thoát: ra khỏi phiền não, sinh tử.
  2. tà giải thoát: còn quẩn quanh trong phiền não, trong sinh tử.

Cái thoát nào còn quẩn quanh trong phiền não, trong sinh tử, cái đó gọi là tà giải thoát. 
Cái giải thoát nào ra khỏi phiền não, sinh tử, cái đó gọi là chánh giải thoát. 

Trong kinh dạy rất rõ, có kẻ phàm phu trốn khổ tìm vui, làm các nghiệp ác, ngay trước mắt họ được cái họ thích và họ nghĩ họ đã được giải thoát khỏi cái khổ, cái đó gọi là tà giải thoát. 

Có kẻ tu tập thiền định vượt thoát khỏi cõi dục giới tưởng đó là giải thoát nhưng mà họ không biết rằng sau tuổi thọ đó họ quay lại chỗ thấp nhất, đó cũng gọi là tà giải thoát. 

Chỉ có tu tập Bát Chánh Đạo với lý tưởng (cái vụ này mới mệt), với lý tưởng chấm dứt sanh tử, cái đó mới gọi là chánh giải thoát. Đời này có sướng, khổ, buồn, vui, nhưng khi mình học kỹ mình mới biết sướng gì là nên, sướng gì là không nên. Đã vậy qua tới cái Thiện Ác mình phân tích rất rõ có cái thiện mà nó là bạn của cái ác, có cái thiện gọi là chí thiện thì mới ra khỏi cái ác. Còn cái thiện kia vẫn là bạn của cái ác, cái thiện còn có lối mòn ở đằng sau hè để đi trở lại cái ác, mà thường người ta thích đi sau hè.

Tà tinh tấn là sao? Tại sao tinh tấn có cái "tà"? Có nghĩa là cũng con dao đó mình gọi nó là đồ làm bếp, mà sao có lúc mình gọi nó là hung khí? Cũng con dao đó có lúc người ta gọi là hung khí, có lúc gọi là tang vật, có lúc gọi nó là đồ làm bếp, dụng cụ làm việc. 


Tinh tấn nó y chang vậy đó. Khi mình tinh tấn, siêng năng, nỗ lực làm cái chuyện hướng tới sanh tử, phiền não thì cái đó được gọi là tà tinh tấn. Có nhiều người họ siêng lắm mà cái siêng đó mình thấy tào lao. 

Bên Florida, trời mưa, tôi đi xe tôi gặp có những ông ngâm mình tới bụng đứng câu cá. Nó có loại áo liền quần, đứng ngâm mình trong nước, trên thì mưa, dưới là nước, mà trì triết, kiên nhẫn đứng câu cá, đó là tinh tấn đó. Hoặc ở Việt Nam, mưa gió bão bùng, một tay cầm bao, một tay cầm cái móc đi móc mấy cái bao. Thì dĩ nhiên tôi nói cái này nhiều người giận, họ nói: "Sư coi thường người nghèo", nhưng tôi phải nhìn nhận nếu họ móc bằng tâm thiện thì khác, còn đằng này đa phần họ móc bằng tâm tham không, hoặc tâm sân, thì cái đó gọi là tà tinh tấn. Có nghĩa sự nỗ lực nào mà nó không có hướng đến cứu cánh giải thoát thì được gọi là tà tinh tấn. Thức khuya thức hôm để mà đánh bài, mắt nhướng không lên, như có cái bà nào bên Miên, bả đánh tứ sắc đến khuya bả buồn ngủ quá phải về, bả kêu xe kéo tới, người ta hỏi "Đi đâu?", bả nói "Đi con pháo". Có nghĩa là bả không còn phân biệt được. "Tinh tấn" quá nó chuyển qua thất niệm mới ghê chứ! Tôi sợ quý vị nghe quá, tôi hỏi "Đi đâu?", nói "Đi Niết Bàn ." là khỏi chở luôn. Tại cả ngày cứ nghe Niết Bàn, Niết Bàn đó.

Tà niệm nó cũng y chang như vậy. 


Chánh niệm là sự ghi nhớ biết mình để mà tu tập con đường giải thoát, gọi là chánh niệm. 
Còn tà niệm là sử dụng cái ghi nhớ cẩn cẩn đó trong cái chuyện tào lao.  

Tào lao là cái gì? Gom gọn, tào lao là chánh niệm trong bất cứ hoàn cảnh nào mà không hướng tới cái cứu cánh giải thoát, cái đó được gọi là tà niệm hết. Và quý vị nghe quý vị mới thấy rằng: "Ồ, trong vô số kiếp luân hồi mình không có tu hành gì hết" là đúng rồi. Không có tu gì hết. 

Bởi chỉ có một con đường duy nhất gọi là chánh niệm: đó là khi nào anh dùng chánh niệm để tu tập Niệm Xứ thì đó mới gọi là chánh niệm, ngoài ra là tà niệm hết. 

Tà niệm, ở đây, 
  1. bản thân nó không phải là tà, mà nó là 
  2. công cụ để người ta theo đuổi một lý tưởng tà 
thì cái đó được gọi là tà niệm. 

Chứ bản thân chánh niệm nó không có "tà". Giống như con dao, bản thân nó không có lỗi gì hết mà nó bị người ta sử dụng vào mục đích hại người, lúc bấy giờ nó trở thành tang vật, hung khí. Cũng một con người hiền lành như vậy, có một lúc bị gọi là hung thủ, mà trước khi họ là hung thủ họ là con người rất bình thường. Có nghe chuyện đó không? Có nhiều người họ hiền lắm, mà trong tích tắc họ trở thành hung thủ, con dao hồi sáng gọt bưởi bây giờ trở thành hung khí, và gia đình chỉ còn ngồi chờ hung tin thôi.

Tà định y chang vậy. Mình làm việc gì cần chuyên chú mình đều phải xài tới sự tập trung tư tưởng. Ăn trộm cạy ổ khóa cũng cần có sự tập trung tư tưởng, cần có concentration đúng không? Rồi nam nữ hẹn hò nhau ở bờ ao, bụi chuối, đống rơm cũng cần có định đúng không? Có bà hỏi tại sao tôi biết, vì tôi thấy nên tôi biết. 


Con cò nó đứng canh con cá, nó đứng yên không nhúc nhích, đó là định đó. Có những giây phút mình gắn bó với cái gì đó quá thì cũng là định đó chứ. Nhưng mục đích , cứu cánh, lý tưởng của nó là tào lao, đi ngược lại với cứu cánh giải thoát thì đó là tà định.

Chính tám cái này nó dẫn đến cái gọi là tà đạo, tà giải thoát. Nó có mối liên kết. Như vậy giải thoát có hai là chánh giải thoát và tà giải thoát. 


Chánh giải thoát có được từ chánh đạo. 

Chánh đạo là ngược lại với tà đạo. Vì nó ngược lại với tà đạo nên con đường dẫn đến cái cứu cánh là chánh giải thoát. 

Như vậy nói gọn lại, giải thoát gồm có hai là 
  1. giải thoát khỏi quả xấu và 
  2. giải thoát khỏi nhân xấu. 
Mà đa phần chúng sanh chú ý đến giải thoát khỏi quả xấu, chứ không ai chú ý đến cái chuyện giải thoát khỏi nhân xấu hết, đó là một. 

Thứ hai, trong cái đám chú ý đến giải thoát khỏi nhân xấu, nó có nhiều cấp. 
  1. Cấp một là tu Thập Thiện để tránh Thập Ác. 
  2. Cấp hai, tu Sắc bỏ Dục. 
  3. Cấp ba, tu Vô Sắc bỏ Sắc. 
  4. Tới cấp bốn, mới là giải thoát thiệt, đó là tu Tuệ Quán để mà nhàm chán ba cõi. Cái đó mới giải thoát, mới gọi là chánh giải thoát.

-Hết-


Mục Lục các Bài Giảng

Sư Toại Khanh Giảng Luân Hồi và Giải Thoát (2) (1-1)


https://toaikhanh.com/videotext.php?vid=L-fzQIH0PPY&abt=Lu%C3%A2n+H%E1%BB%93i+v%C3%A0+Gi%E1%BA%A3i+Tho%C3%A1t+%281%29

Luân Hồi và Giải Thoát (2)


Quote:Kalama xin tri ân bạn hongha7711 ghi chép.


16/07/2020 - 08:51 - hongha7711

Chiều nay mình học về Luân hồi và Giải thoát. 


Luân hồi có vi mô và vĩ mô. 
Luân hồi vi mô là buồn, vui, thiện, ác, sướng, khổ trong từng phút. 
Luân hồi vĩ mô là sự sanh tử, lăn trôi từ đời này sang kiếp khác, từ thân phận sang thân phận khác. 

Luân hồi đó từ cõi thấp đến cõi cao là do có so sánh mà ra. Cao là sao? Cao là so với đứa thấp, thấp là so với đứa cao. Cho nên mình nghĩ mình mang thân người có trí tuệ, biết Phật pháp như vậy mình nghĩ mình là hay, có cái còn hay hơn mình nữa, chẳng hạn như Chư Thiên. 

Nếu tính trung bình Chư Thiên có trí tuệ hơn mình nữa bởi họ không bị chi phối, hạn chế của sinh lý. Khi mình mang cái thân người thì ngồi lâu nó mỏi, ngồi lâu khát nước, uống nước vô lát nó phải đi toilet, mấy cái đó nó làm mình bị chi phối rất là nặng. 

Trong khi Chư Thiên, tiếng (Pali), từ ngữ căn là (Pali) là vui chơi, enjoy

Mà chữ Chư Thiên còn một cái từ nữa là (Pali) là không có nháy mắt . Chư Thiên họ không có nháy mắt là vì sao? Bởi họ không có một cái căng thẳng nào hết cả thể xác lẫn tinh thần. Mình có nháy mắt bởi mình thiếu cái sự định tâm. Khả năng tập trung càng ít thì nháy mắt càng nhiều. Các vị có biết cái đó không? Có cái thằng đó nó thương con nhỏ đó mà mỗi lần nó gặp nó không có nháy mắt luôn . Rồi có bà đó bả nói dốc mà không có nháy mắt luôn . Tức là cái gì mình chìm sâu vô trong đó là mình không có nháy mắt. 

Mà Chư Thiên thì họ không có stress, họ không có bị depress như mình, chính vì cái điều kiện tâm sinh lý đó nên họ mới có điều kiện khiến cho họ làm việc tốt hơn mình nhiều lắm. Cho nên đừng nghĩ con người mình là ngon. 

Chưa kể mình bỏ công ra mình học cho nhiều, tới hồi nó giỏi đủ để làm thầy, nó lăn ra chết ngắt. Trong Đạo mình, mới tu là Sadi, lên Đại Đức, rồi Tân Thọ, Trung Thọ, lên Thượng Tọa, lên Hòa Thượng, leo lên bàn thờ luôn. Như mình thấy hòa thượng Tâm Châu, hòa thượng Hộ Giác, hòa thượng Khánh Anh, Minh Tâm, hòa thượng Phước Huệ, Mãn Giác...biết bao nhiêu hòa thượng, cứ lên cao cao, có kiến thức, kinh nghiệm Đạo, kinh nghiệm đời, "bùm" lên bàn thờ. Tức là chưa kịp làm cái gì hết, chuẩn bị xong là đi. Như Ôn Nhất Hạnh, lúc Hòa Thượng muốn làm việc thì Hòa Thượng không có điều kiện, khi mà Hòa Thượng có đủ điều kiện để làm việc thì thôi xong, "hết phim". Nghĩ cái đó mà chán, nản lắm. 

Cho nên cái luân hồi ở đây là gồm có cõi thấp cõi cao. Thấp là so với cái cao, cao là so với cõi thấp.

Giải thoát gồm có hai. Giải thoát khỏi nhân xấu và giải thoát khỏi quả xấu. Người không có tu hành thì chỉ sợ quả xấu không có sợ nhân xấu. Quả xấu là cái gì làm cho mình không thích. Còn nhân xấu là tham, sân, si, bất thiện. Mình thì không muốn thoát nhân xấu, chỉ muốn thoát quả xấu thôi.


16/07/2020 - 04:53 - hongha7711


Không muốn nghèo, không muốn bệnh, không muốn tai tiếng, tật nguyền, đau đớn nhưng mình tạo toàn mấy cái nhân để bị cái đó không à. (Hiểu không? Cái không hiểu là cũng đang tạo nhân khổ đó. Mà giảng cho cái đám chậm hiểu là cũng đang tạo nhân xấu đó, mệt quá, cho trả nghiệp!)



Trong nhóm giải thoát gồm có chánh giải thoát và tà giải thoát. 


Tà giải thoát chỉ là giải thoát tạm thời, giải thoát để rồi tiếp tục quẩn quanh, ra khỏi cái chuồng này, chung vô cái chuồng khác. 

Chuyện có thiệt bên Brazil, anh chàng đó bị án chung thân, ảnh mới dùng cái muỗng ăn cơm âm thầm khoét lỗ vượt ngục. Khi mà ảnh đào xong cái lỗ rồi thì cái lỗ ảnh chui ra là ngay phòng họp của cảnh sát. Tính lộn đó. Ảnh đào sao mà ra ngay chốc chỗ cảnh sát. Bữa đó ảnh đẩy miếng tường ra, nguyên đám cảnh sát đang ngồi họp. Êm, quá êm! Ảnh đâu cần phải mất công trở vô bởi người ta dìu ảnh vô mà. "Đi xa có cặp đèn cầy. Con về thăm má chuyến này nữa thôi". 

Ở Mỹ có nhiều tai nạn nghề nghiệp mắc cười lắm. Như có anh chàng đó ảnh vô cây xăng (...) ảnh móc cây súng ra dí vô đầu bà chủ bắt bả phải đưa ra hộp tiền của bả. Trước khi ảnh dí là ảnh mua đồ. Ảnh đâu có tiền lẻ, đưa bả tờ 50, giả bộ vừa mua vừa quan sát tình hình, coi có camera hay không,... bả mới lấy tờ 50 là ảnh dí súng, giật cái hộp ảnh đi. Ảnh mở ra trong đó có 20 đồng bạc à, mất 30. 

Còn anh nữa, lúc vô cướp cây xăng, ngó tới ngó lui thấy không có ai hết, không có camera, ảnh thấy được rồi, ảnh móc cái bao nilon chùm lên đầu mà quên khoét lỗ, nên bị 911 hốt. Coi như nhiều cái tai nạn mà mình lạy luôn. Thì đó gọi là tà giải thoát, tưởng là yên mà cứ "Ma đưa lối quỷ đưa đường. Cứ tìm những chỗ đoạn trường mà đi" là như vậy đó. Chụp cái bao lên mà quên khoét lỗ, mà quý vị không có tin, chuyện đó có thiệt. Nhiều cái tai nạn kỳ quái lắm. Tại báo viết tắt, tôi nghi ngờ tại ảnh lấy lộn bao, ảnh đã khoét cái bao A mà ảnh đi lận túi cái bao B. 

Các vị có biết tôi từng đội bao rác không, trường hợp mưa mà không có áo mưa, cái bao rác tôi khoét lỗ rồi mặc vô. Sẵn tôi nói đây cho nhiều người lấy làm kinh nghiệm, tôi gọi là "áo mưa hành giả" cho đỡ tốn tiền, nhưng mà cái bao đó nhớ không có đựng rác được nghen.

Tà giải thoát nghĩa là sao? Thoát được cái này lại chung vô cái kia. Thoát buồng giam lại chung vô phòng cảnh sát. Hoặc là ly dị bà này mà lấy luôn bà kia. Người ta nói "Lấy vợ là can đảm. Ly dị là khôn ngoan. Tái hôn là liều mạng". Tức là nó quay lại cái lối cũ nữa. Mà giải thoát là gì, giải thoát là đã ly dị rồi không quay đầu. Không có gì dại dột cho bằng tái hôn. Tức là "hôn miếng thịt tái".


Hai chữ Luân Hồi và Giải Thoát hiểu cho tới nơi tới chốn thì nó không có đơn giản đâu. Và hiểu được hai chữ đó, khi bắt chân ngồi thiền thì coi mình đang luân hồi hay giải thoát. Và luân hồi kiểu nào và giải thoát kiểu nào. 

Ngày xưa ở ngoài đời, mình chưa biết Đạo, mình chỉ đam mê tiền bạc, danh vọng thôi. Bây giờ biết Phật pháp rồi, mình buông hết, mình đi vào ngồi thiền định thì coi chừng mình bị giam vô một cái nhà tù khác. Và cho dù nhà tù mới có êm ái hơn nhà tù cũ thì nó vẫn là nhà tù. Cho dù cái dây xích xiềng chân mình bằng vàng thì nó vẫn là dây xích. Cho dù người canh cửa cho mình là một hoa hậu thì vẫn là giám ngục. 

Có một câu chuyện mà tôi rất tâm đắc đó là có một ông người Nhật bị mù, không biết ai vu oan ổng mà ổng vô tù. Lúc mà ổng ra tù, bạn bè tới thăm và an ủi ổng, thì ổng nói thế này: "Mù mà! Tôi coi chuyện ở tù hay không ở tù thì cũng vậy thôi. Tôi đâu biết trời cao, đất rộng là gì, lúc nào cũng mò mò thôi. Nhưng mà thế này, đối với tôi tù hay không phải tù, nó nằm ở chỗ khóa trong hay khóa ngoài và đứa nào giữ chìa .". 

Cái câu này rất hay, chắc phải xâm lên người chữ này: "Tù hay không tù nó nằm ở chỗ khóa trong hay khóa ngoài và đứa nào giữ chìa". Đứa ngoài giữ chìa thì đứa trong đây đang bị tù. Còn nếu mình ở trong mình giữ chìa thì mình không bị tù. Cho nên, mình đang bị giam nhốt trong cái hình hài đau khổ này, mình bị giam nhốt trong một môi trường sống không ra gì . 

Nếu mà ta có chánh niệm và trí tuệ là ta đang giữ chìa khóa đó. 

Nếu mà ta để cho chuyện đời, cái buồn vui của mình mà để cho đứa khác nắm là thấy mụ nội luôn. Một ngày mà không nghe tiếng gọi phone là chịu không nổi. Một tuần mà không thấy mặt là chịu không nổi. Lúc đó nó đang giữ chìa khóa.

18/07/2020 - 01:51 - hongha7711


Cho nên từ chữ "tù" qua chữ "tu" chỉ cách nhau một dấu 'huyền' thôi. Từ "Chúa" qua "Chùa" chỉ cách nhau một dấu 'sắc' thôi. 


Do mình, vì vấn đề là anh giữ chìa khóa hay ai giữ chìa khóa. 

Có bao giờ quý vị tự giam mình trong một căn phòng suốt mười hai giờ đồng hồ không? Tôi nè, có lúc tôi không muốn ra ngoài, mà nếu cái phòng tôi có toilet thì đừng hòng thấy mặt trẫm. Có nhiều khi tôi không có đói bụng, trong phòng chỉ còn một gói chip hoặc snack gì đó là tôi không có cần ra. Có lúc hai, ba ngày tôi không có đói. Về lớn tuổi tôi phải xét lại kiểu sống đó vì có lúc đường xuống mình không biết. Mà đường xuống là "lên đường". Những lúc đó tôi bị nhốt đó chứ, mà trẫm giữ chìa khóa, đâu có ở tù. 

Nhưng nếu mà cũng căn phòng đó, khóa rồi mà tên khác nó giữ chìa, mà nhất là nó cầm súng đứng ở ngoài, thì đó là ở tù. 

Đời sống quý vị là tù hay không tù là tùy thuộc vào kiểu sống của quý vị có làm chủ được mình hay không, và ai đang giữ chìa khóa.

Cho nên, chiều nay khi nói về Luân hồi và Giải thoát, chúng ta bắt buộc phải quay lại với định nghĩa quan trọng của đạo Phật . Đó là: 


"Anh có làm chủ được sáu căn của anh hay không?"

Làm chủ ở đây không có nghĩa là anh có được một đôi mắt đẹp. Không phải. Không phải anh có được lỗ tai thính. Không phải anh có được một lỗ mũi đẹp. 

Làm chủ ở đây có nghĩa là anh không bị sáu trần nó làm khổ anh thì đó được gọi là giải thoát. Làm chủ ở mức độ tương đối thì được gọi là giải thoát tạm thời. Còn ở mức độ tuyệt đối thì được gọi là giải thoát vĩnh viễn. Mà hễ cái gì tạm thời thì nó ngắn hạn. Và tiền nào của nấy, sức tu tới đâu thì mức giải thoát tới nấy. Bỏ ra 10.000 đồng thì mình mua cái đồng hồ khác, bỏ ra 20 đồng thì mình mua được cái đồng hồ khác . Tiền nào của nấy, nhớ nha.

Cho nên cái khả năng giải thoát của mình nó quyết định mức độ an lạc của mình. Và cái cấp độ giải thoát ấy tùy thuộc vào công phu mà mình hạ thủ, ra tay ra sức. Kiểu tu tà tà mà mong rằng chấm dứt phiền não, sanh tử thì không thể. Trong kinh quý vị coi thấy có nhiều vị gặp Phật mới có một câu rồi đắc, quý vị tưởng tu nó dễ, thật ra các vị gặp Phật mà đắc là họ đã tu mỏi mòn. Họ đã đỗ mồi hôi, xót con mắt, bao nhiêu trăm ngàn đại kiếp, nên bây giờ gặp Phật chỉ một câu thôi. 

Người Việt Nam mình có câu "Chiều hôm qua không xong, hôm nay xong sớm". Có nghĩa là chiều hôm qua họ đã làm đến tối rồi. Họ làm đến mười giờ đêm họ mới đi ngủ, nên sáng hôm nay bảy giờ họ làm quèo quèo cái là xong. Mình thấy ổng làm quèo quèo xong mình khoái quá, mình cũng quất cho đến bảy giờ mình ra mình quèo quèo, mà mình quên hôm qua mình nghỉ lúc hai giờ trưa. Người ta là mười giờ đêm người ta mới rửa tay, còn mình hai giờ đêm là xong. Cho nên mình còn cù, còn nợ nhiều, tu kiểu tà tà. Còn người ta là mười giờ đêm người ta còn ở ngoài đồng, cái việc còn lại không bao nhiêu hết, nên sáng nay bảy giờ ra khều khều cái nó xong. 

Những vị mà gặp Phật nói một câu mà đắc là hồi xưa đã học, đã hành, đã này nọ, máu lệ biết là bao nhiêu. 

Trong kinh nói là tùy vào cách tu mà cách chứng khác nhau. Nói gọn lại mỗi người có một kiểu tu chứng khác nhau là vậy đó. 

Có bốn cách tu: 
  1. tu khó đắc nhanh,
  2. tu khó đắc chậm, 
  3. tu dễ đắc nhanh, 
  4. tu dễ đắc chậm. 
Tu dễ đắc nhanh: thí dụ như không có cần phải rừng sâu, núi thẳm, kiêng khem, khổ hạnh, bần tăng, khổ sãi, không cần. Tự nhiên vợ con đùm đề, hưởng thụ vinh hoa phú quý, tự nhiên gặp Phật, Phật nói một câu là "bùm", xong. Còn có nhiều vị gặp Phật thích quá, họ xin xuất gia, mà nhiều vị hay lắm, không cần cực khổ, chỉ nói "Bạch Thế Tôn, con xin xuất gia". Phật chỉ đưa tay ra "Tới đây, tu đi" là "bùm", y áo có sẵn luôn. Tại kiếp trước họ từng cúng dường y áo đó (Có nhiều vị kiếp trước cúng dường giày dép, nó ra giày dép luôn. Cúng phải lựa chứ, để mốt nó ra không đủ bộ, kỳ dữ lắm! Cái này nói đùa cho đừng buồn ngủ). 

Tùy kiểu tu của mỗi người mà mai mốt kiểu đắc nó ra sao. Có vị phải rừng sâu, núi thẳm, bị này bị kia, độc xà, mãnh thú, lam sơn, chướng khí tùm lum hết, đói, lạnh triền miên, bệnh hoạn, cuối cùng đắc. Có vị chỉ gặp Phật, Phật nói một câu là đắc.

18/07/2020 - 03:59 - hongha7711


Lục thông tam minh. Mới vừa xuất gia mà có khả năng đi mây về gió. Không có gì sung sướng bằng một người không còn phiền não. Không có gì để ghét, để thích, để sợ đã là sung sướng rồi . Còn thêm nữa trong kinh nói một vị mà họ đã đắc tới tứ thiền, A La Hán là họ đã không còn thương, ghét, thích, sợ. Đã vậy mà họ còn đắc tứ thiền sắc giới trở lên, cái cơ thể họ không bị tác động vật lý nữa. Không còn bị tác động bởi lực hút trái đất


18/07/2020 - 09:34 - hongha7711


Họ không còn bị cái vụ nhiệt độ -45, -48, không vấn đề với họ vì họ có thể đi sang một vũ trụ khác, một tinh hà khác, một thiên thể khác . Khiếp như vậy. Cho nên đã đắc A La Hán là không còn thương, thích, ghét, sợ, cho đến tứ thiền là cái thân họ miễn nhiễm với mọi tác động vật lý. Còn cái gì sung sướng cho bằng. 


Và tôi từng ở Thụy Sĩ tôi biết có những nơi chốn mà tôi thèm có mặt trên đó, mà bằng cách nào lên đây? Nó có những đỉnh núi tuyết cao mà nó có cái vòm lõm vô, chung quanh tuyết trắng. Mà mình ngồi trên đó thì ngàn kiếp không có đứa nào mò lên tới mình hết. Sáng ôm bát đi xuống phố, tối vèo lên đó ngồi là êm ru. Mà ở dưới là hồ xanh ngắt, vách đá ngàn trượng mà nó có cái lõm, mùa xuân xanh lè, lan cỏ mọc xanh mướt, tím tím hồng hồng, còn mùa đông tuyết trắng chung quanh, cái hang nằm bên trong cách mặt nước cả hai ngàn mét, xanh vút. Chỉ có mấy vị thần thông chứng A La Hán, chỗ đó mấy vị nhập định đã đời ông địa luôn. Các vị sướng lắm, buổi sáng gặp Phật, chiều về tự tại vô ngại như vậy. 

Ngày nay quý ví về Tích Lan, tới cái chỗ ngài (...) mới hết hồn. Chỗ đó nếu mà tay mơ lên chỗ đó không nổi. Bây giờ chính phủ mở đường cho lên, chứ hồi xưa chỉ có thần thông mới tới được, chỗ đó lộng lẫy lắm. Tôi mê nhiều cái lạ lắm. Tôi đi máy bay tôi nhìn cái thảm mây ở dưới lườn máy bay, quý vị biết không? Tôi mơ được nằm trên đó tôi chơi lắm! 

Có điều là mình làm không được mà trong nước họ làm được . Bởi vì theo mấy ông Cách Mạng ổng kể ngày xưa, lúc đánh Mỹ các chiến sỹ không quân của ta là lái ... lên đó rồi tắt máy, núp trong mây đứng chờ giặc tới, du kích. Chỉ có các chiến sỹ không quân của ta và mấy vị thần thông làm được chuyện đó thôi. Vô mây, tắt máy, nằm chờ giặc tới. 

Đại khái là tôi nhìn mây tôi mê được nằm trong đó, hoặc là đỉnh núi tuyết làm sao mà có mặt trên đó, tại trên đó là yên tĩnh, thanh vắng và vô cùng trong lành, dứt khoát là không có ma nào mò tới. 

Nãy giờ tôi không nói chuyện vô ích đâu. Tại sao tôi nói chuyện đó? 

Ngay trong thế giới vật chất, anh sẽ được giải thoát nếu anh có các điều kiện. Có những nơi chốn trên thế giới này anh không thể đi bằng chân, đường thủy, đường bộ mà anh phải đi bằng đường hàng không. 

Các vị có biết rằng có nhiều cách để tham quan thăm viếng cái Grand Canyon, trong đó có một cách phải đi bằng trực thăng. Với phương tiện trực thăng quý vị có thể đến những mỏm đa, gờ đá mà không cách chi đi được bằng đường bộ hết, bởi vì giữa thung lũng sâu tự nhiên có một cái hòn núi nhỏ mọc giữa thung lũng đó, mình không thể nào trèo từ dưới lên được hết mà phải đi trực thăng tới. 

Ngay trong thế giới vật lý muốn chinh phục những vùng khó khăn chúng ta phải dùng đến những điều kiện vật lý. Như vậy muốn giải thoát chúng ta phải cần đến những điều kiện giải thoát. 

Những điều kiện giải thoát nó đến từ đâu? Nó đến từ một chuyện rất đơn giản là bỏ bớt gánh nặng. 

Anh muốn giải thoát anh phải bỏ bớt gánh nặng như rất là nhiều lần tôi nói "Muốn đi xa, muốn trèo cao thì hành lý phải đơn giản". Thoát là gì, thoát là ra khỏi một nơi chốn, một tình trạng đúng không? Chuyện đầu tiên là anh phải gọn nhẹ. Leo cao, đi xa thì phải gọn nhẹ. Tôi nói hoài ở mấy cái chỗ bán đồ thể thao của Mỹ nó để là "Go light. Go small. Go fast" có nghĩa là hành lý càng nhỏ gọn thì đi càng nhanh. Câu đó rất là hay các vị biết không? Nếu mình biết học Đạo mình thấy cái câu đó mình khoái lắm. Hoặc là trên máy bay tôi thích cái câu "Life vest under your seat" có nghĩa là cái phao cứu hộ nó nằm ở dưới ghế của bạn. Câu đó trong đạo Phật rất là hay, có nghĩa là cái con đường thoát khổ của mình nằm ngay cái chỗ mình ngồi. 

Tôi đi Mỹ tôi gặp nhiều câu tôi để ý bằng cái não trạng của người tu. Tôi vô tiệm Marshall, vô toilet tôi thấy nó để câu: "No merchandise beyond this point." tức là ở đây không có chuyện mua bán, ở đây không được đem hàng hóa vào. Trong chùa, trong thiền viện phải để chữ đó "No merchandise beyond this point". Đến lúc ra cửa tôi vẫn tu nữa, ở cửa để chữ "Pull" và "Push", tu không phải là "Pull" mà là "Push", mình khổ là vì mình Pull mà không biết Push.

-Hết-


Mục Lục các Bài Giảng
Trung Bộ Kinh
Majjhima Nikaya
2. Kinh Tất cả các lậu hoặc
(Sabbàsava sutta)

https://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung02.htm


Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ), tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Khi ở tại chỗ ấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo!" --"Bạch Thế Tôn", các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói: "Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Người pháp môn phòng hộ tất cả lậu hoặc". Hãy nghe và khéo tác ý. Ta sẽ nói". --"Thưa vâng, bạch Thế Tôn". Thế Tôn nói như sau:

(Tóm lược)

-- Này các Tỷ-kheo, Ta giảng sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy, không phải cho người không biết, cho người không thấy. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy: có như lý tác ý và không như lý tác ý. Này các Tỷ-kheo, do không như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng. Này các Tỷ-kheo, do như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt. Này các Tỷ-kheo, có những lậu hoặc phải do tri kiến được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do phòng hộ được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do thọ dụng được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do kham nhẫn được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do tránh né được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do trừ diệt được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do tu tập được đoạn trừ.

(Các lậu hoặc phải do tri kiến được đoạn trừ)

Này các Tỷ-kheo, và thế nào là các lậu hoặc phải do tri kiến được đoạn trừ? Này các Tỷ-kheo, ở đây có kẻ phàm phu ít nghe, không được thấy các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không được thấy các bậc Chơn nhơn, không thuần thục pháp các bậc Chơn nhơn, không tu tập pháp các bậc Chơn nhơn, không tuệ tri các pháp cần phải tác ý, không tuệ tri các pháp không cần phải tác ý; vị này vì không tuệ tri các pháp cần phải tác ý, vì không tuệ tri các pháp không cần phải tác ý nên tác ý các pháp không cần phải tác ý và không tác ý các pháp cần phải tác ý.

Này các Tỷ-kheo, và thế nào là các pháp không cần phải tác ý mà vị ấy tác ý? Này các Tỷ-kheo, nghĩa là các pháp do vị ấy tác ý mà dục lậu chưa sanh được sanh khởi, hay dục lậu đã sanh được tăng trưởng; hay hữu lậu chưa sanh được sanh khởi, hay hữu lậu đã sanh được tăng trưởng, hay vô minh lậu chưa sanh được sanh khởi, hay vô minh lậu đã sanh được tăng trưởng. Những pháp ấy là những pháp không cần phải tác ý mà vị ấy tác ý. Này các Tỷ-kheo, và thế nào là các pháp cần phải tác ý mà vị ấy không tác ý? Này các Tỷ-kheo, nghĩa là các pháp do vị ấy tác ý mà dục lậu chưa sanh không sanh khởi, hay dục lậu đã sanh được trừ diệt, hay hữu lậu chưa sanh không sanh khởi, hay hữu lậu đã sanh được trừ diệt, hay vô minh lậu chưa sanh không sanh khởi, hay vô minh lậu đã sanh được trừ diệt. Những pháp ấy là những pháp cần phải tác ý mà các vị ấy không tác ý. Do vị ấy tác ý các pháp không nên tác ý, do vị ấy không tác ý các pháp cần phải tác ý, nên các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng.

Vị ấy không như lý tác ý như sau: "Ta có mặt trong thời quá khứ, hay ta không có mặt trong thời quá khứ? Ta có mặt trong thời quá khứ như thế nào? Ta có mặt trong thời quá khứ hình vóc như thế nào? Trước kia ta là gì và ta đã có mặt như thế nào trong thời quá khứ? Ta sẽ có mặt trong thời vị lai hay ta sẽ không có mặt trong thời vị lai? Ta sẽ có mặt trong thời vị lai như thế nào? Ta sẽ có mặt trong thời vị lai, hình vóc như thế nào? Trước kia ta là gì và ta sẽ có mặt như thế nào trong thời vị lai?" Hay nay vị ấy có nghi ngờ về mình trong thời hiện tại: "Ta có mặt hay ta không có mặt? Ta có mặt như thế nào? Ta có mặt hình vóc như thế nào? Chúng sanh này từ đâu đến? Và rồi nó sẽ đi đâu?".

Với người không như lý tác ý như vậy, một trong sáu tà kiến này khởi lên: "Ta có tự ngã", tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn; "Ta không có tự ngã", tà kiến này khởi lên với người ấy như thật như chơn; "Do tự mình, ta tưởng tri ta có tự ngã", tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn; "Do tự mình, ta tưởng tri ta không có tự ngã", tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn. "Không do tự mình, ta tưởng tri ta có tự ngã", tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn; hay tà kiến này khởi lên với người ấy: "Chính tự ngã của ta nói, cảm giác, hưởng thọ quả báo các nghiệp thiện ác đã làm chỗ này, chỗ kia, chính tự ngã ấy của ta là thường trú, thường hằng, hằng tồn, không chuyển biến, và sẽ vĩnh viễn tồn tại". Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là tà kiến, kiến trù lâm, kiến hoang vu, kiến hý luận, kiến tranh chấp, kiến kiết phược. Này các Tỷ-kheo, trói buộc bởi kiến kiết sử, kẻ phàm phu ít nghe không được giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói kẻ ấy không thoát khỏi khổ đau.

Này các Tỷ-kheo, và vị Thánh đệ tử nghe nhiều, được thấy các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh; được thấy các bậc Chơn nhơn, thuần thục pháp các bậc Chơn nhơn, tu tập pháp các bậc Chơn nhơn, tuệ tri các pháp cần phải tác ý, tuệ tri các pháp không cần phải tác ý. Vị này, nhờ tuệ tri các pháp cần phải tác ý, nhờ tuệ tri các pháp không cần phải tác ý, nên không tác ý các pháp không cần phải tác ý và tác ý các pháp cần phải tác ý.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp không cần phải tác ý và vị này không tác ý? Này các Tỷ-kheo, những pháp nào do vị ấy tác ý mà dục lậu chưa sanh được sanh khởi, hay dục lậu đã sanh được tăng trưởng; hay hữu lậu chưa sanh... (như trên)... hay vô minh lậu chưa sanh được khởi, hay vô minh lậu đã sanh được tăng trưởng. Ðó là những pháp không nên tác ý và vị ấy không tác ý. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp cần phải tác ý và vị ấy tác ý? Này các Tỷ-kheo, những pháp nào do vị ấy tác ý mà dục lậu chưa sanh không sanh khởi, hay dục lậu đã sanh được trừ diệt, hay hữu lậu chưa sanh... (như trên)... hay vô minh lậu chưa sanh không sanh khởi, hay vô minh lậu đã sanh được trừ diệt, đó là những pháp cần phải tác ý và vị ấy tác ý. Nhờ vị ấy không tác ý các pháp không cần phải tác ý, tác ý các pháp cần phải tác ý nên các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt.

Vị ấy như lý tác ý: "Ðây là khổ", như lý tác ý: "Ðây là khổ tập", như lý tác ý: "Ðây là khổ diệt", như lý tác ý: "Ðây là con đường đưa đến khổ diệt". Nhờ vị ấy tác ý như vậy, ba kiết sử được trừ diệt: thân kiến, nghi, giới cấm thủ. Này các Tỷ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do tri kiến được đoạn trừ.

(Các lậu hoặc phải do phòng hộ được đoạn trừ)

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do phòng hộ được đoạn trừ? Ở đây, có Tỷ-kheo như lý giác sát, sống phòng hộ với sự phòng hộ mắt. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ấy sống không phòng hộ với sự phòng hộ mắt, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên. Nếu sống phòng hộ với sự phòng hộ mắt, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Vị ấy như lý giác sát, sống phòng hộ với sự phòng hộ lỗ tai... (như trên)... sống phòng hộ với sự phòng hộ lỗ mũi... (như trên)... sống phòng hộ với sự phòng hộ lưỡi... (như trên)... sống như lý giác sát phòng hộ với sự phòng hộ thân... (như trên)... sống như lý giác sát phòng hộ với sự phòng hộ ý. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ấy sống không phòng hộ với sự phòng hộ ý, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy có thể khởi lên. Nếu sống phòng hộ ý, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Này các Tỷ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do phòng hộ được đoạn trừ.

(Các lậu hoặc phải do thọ dụng được đoạn trừ)

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do thọ dụng được đoạn trừ? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo như lý giác sát, thọ dụng y phục, chỉ để ngăn ngừa lạnh, ngăn ngừa nóng, ngăn ngừa sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát, chỉ với mục đích che đậy sự trần truồng.

Vị ấy như lý giác sát, thọ dụng món ăn khất thực không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được sống lâu và được bảo dưỡng, để thân này khỏi bị thương hại, để hỗ trợ phạm hạnh, nghĩ rằng: "Như vậy, ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên các cảm thọ mới, và ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an ổn".

Vị ấy như lý giác sát, thọ dụng sàng tọa, chỉ để ngăn ngừa lạnh, ngăn ngừa nóng, ngăn ngừa sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loại bò sát, chỉ để giải trừ nguy hiểm của thời tiết, chỉ với mục đích sống độc cư an tịnh.

Vị ấy như lý giác sát thọ dụng dược phẩm trị bệnh, chỉ để ngăn chận các cảm giác khổ thống đã sanh, để được ly khổ hoàn toàn.

Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không thọ dụng như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên. Nếu vị ấy thọ dụng như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Này các Tỷ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do thọ dụng được đoạn trừ.

(Các lậu hoặc phải do kham nhẫn được đoạn trừ)

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do kham nhẫn được đoạn trừ? Này các Tỷ-kheo, ở đây, có Tỷ-kheo như lý giác sát, kham nhẫn lạnh, nóng, đói, khát, sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát; kham nhẫn những cách nói mạ lị phỉ báng. Vị ấy có tánh kham nhẫn các cảm thọ về thân, những cảm thọ thống khổ, khốc liệt, đau nhói, nhức nhối, không sung sướng, không thích thú, chết điếng người. Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không kham nhẫn như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên. Nếu vị ấy kham nhẫn như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Này các Tỷ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do kham nhẫn được đoạn trừ.

(Các lậu hoặc phải do tránh né được đoạn trừ)

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do tránh né được đoạn trừ? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo như lý giác sát tránh né voi dữ, tránh né ngựa dữ, tránh né bò dữ, tránh né chó dữ, rắn, khúc cây, gai góc, hố sâu, vực núi, ao nước nhớp, vũng nước. Có những chỗ ngồi không xứng đáng ngồi, những trú xứ không nên lai vãng, những bạn bè ác độc mà nếu giao du thì bị các vị đồng phạm hạnh có trí nghi ngờ, khinh thường; vị ấy như lý giác sát tránh né chỗ ngồi không xứng đáng ấy, trú xứ không nên lai vãng ấy và các bạn độc ác ấy. Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không tránh né như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy có thể khởi lên. Nếu vị ấy tránh né như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Này các Tỷ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do tránh né được đoạn trừ.

(Các lậu hoặc phải do trừ diệt được đoạn trừ)

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do trừ diệt được đoạn trừ? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo như lý giác sát không có chấp nhận dục niệm đã khởi lên, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại (dục niệm ấy); không có chấp nhận sân niệm đã khởi lên, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại (sân niệm ấy); không có chấp nhận hại niệm đã khởi lên, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại (hại niệm ấy); không chấp nhận các ác bất thiện pháp luôn luôn khởi lên, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại (các ác bất thiện pháp ấy). Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không trừ diệt như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy có thể khởi lên. Nếu vị ấy trừ diệt như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Này các Tỷ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do trừ diệt được đoạn diệt.

(Các lậu hoặc phải do tu tập được đoạn trừ)

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do tu tập được đoạn trừ? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo như lý giác sát tu tập niệm giác chi, niệm giác chi này y viễn ly, y ly tham, y đoạn diệt, hướng đến từ bỏ; như lý giác sát tu tập trạch pháp giác chi... (như trên)... tu tập tinh tấn giác chi... tu tập hỷ giác chi... tu tập khinh an giác chi... tu tập định giác chi... tu tập xả giác chi; xả giác chi này y viễn ly, y ly tham, y đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không tu tập như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy có thể khởi lên. Nếu vị ấy tu tập như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Này các Tỷ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do tu tập được đoạn trừ.

(Kết luận)

Này các Tỷ-kheo, đối với Tỷ-kheo những lậu hoặc nào phải do tri kiến được đoạn trừ đã được tri kiến đoạn trừ, những lậu hoặc nào phải do phòng hộ được đoạn trừ đã được phòng hộ đoạn trừ, những lậu hoặc nào phải do thọ dụng được đoạn trừ đã được thọ dụng đoạn trừ, những lậu hoặc nào phải do kham nhẫn được đoạn trừ đã được kham nhẫn đoạn trừ, những lậu hoặc nào phải do tránh né được đoạn trừ đã được tránh né đoạn trừ, những lậu hoặc nào phải do trừ diệt được đoạn trừ đã được trừ diệt đoạn trừ, những lậu hoặc nào phải do tu tập được đoạn trừ đã được tu tập đoạn trừ; này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là đã sống phòng hộ với sự phòng hộ tất cả lậu hoặc, đã đoạn diệt khát ái, đã thoát ly kiết sử, đã chánh quán kiêu mạn, đã diệt tận khổ đau.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời dạy của Thế Tôn.

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

--ooOoo--

Quote:
Trung Bộ Kinh
Majjhima Nikaya


17. Kinh Khu rừng

(Vanapattha sutta)

https://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung17.htm



Tôi nghe như vầy:

Một thời, Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ), tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Ở đây, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". -- "Bạch Thế Tôn", các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: "Chư Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Người pháp môn về khu rừng. Hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ giảng". --"Thưa vâng, bạch Thế Tôn". Những Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn thuyết giảng như sau:

-- Chư Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo sống tại một khu rừng nào. Tỷ-kheo sống tại khu rừng này, các niệm chưa được an trú không được an trú, tâm tư chưa được định tĩnh không được định tĩnh, các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ không được hoàn toàn đoạn trừ, vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa được chứng đạt không được chứng đạt, và những vật dụng này cần thiết cho đời sống mà một người xuất gia cần phải sắm đủ, như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, y dược trị bệnh, những vật dụng này kiếm được một cách khó khăn. Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải suy nghĩ: "Ta sống tại khu rừng này. Khi ta sống tại khu rừng này, các niệm chưa được an trú không được an trú, tâm tư chưa được định tĩnh không được định tĩnh, các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ không được hoàn toàn đoạn trừ, vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa được chứng đạt không được chứng đạt, và những vật dụng cần thiết cho đời sống mà một vị xuất gia cần phải sắm đủ, như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, những vật dụng này kiếm được một cách khó khăn". Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy phải từ bỏ ngôi rừng ấy, không được ở lại, ngay lúc ban ngày hay lúc ban đêm.

Chư Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo sống tại một khu rừng nào. Tỷ-kheo sống tại khu rừng này, các niệm chưa được an trú không được an trú, tâm tư chưa được định tĩnh không được định tĩnh, các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ không được hoàn toàn đoạn trừ, vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa được chứng đạt không được chứng đạt, và những vật dụng cần thiết cho đời sống mà một người xuất gia cần phải sắm đủ, như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, những vật dụng này kiếm được một cách không khó khăn. Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải suy nghĩ như sau: "Ta sống tại khu rừng này. Khi ta sống tại khu rừng này, các niệm chưa được an trú không được an trú... những vật dụng này kiếm được một cách không khó khăn. Nhưng không phải vì y phục mà ta xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình, không phải vì đồ ăn khất thực... không phải vì sàng tọa... không phải vì dược phẩm trị bệnh mà ta xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Nhưng trong khi ta ở tại khu rừng này, các niệm chưa được an trú không được an trú... vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa được chứng đạt không được chứng đạt". Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy chỉ với suy tính này, phải từ bỏ ngôi rừng ấy, không được ở lại.

Chư Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo sống tại một khu rừng nào. Tỷ-kheo sống tại khu rừng này, các niệm chưa được an trú được an trú, tâm tư chưa được định tĩnh được định tĩnh; các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ được hoàn toàn đoạn trừ, vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa được chứng đạt được chứng đạt, nhưng những vật dụng cần thiết cho đời sống một người xuất gia cần phải sắm đủ, như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, những vật này kiếm được một cách khó khăn. Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải suy nghĩ như sau: "Ta sống tại khu rừng này. Khi ta sống tại khu rừng này, các niệm chưa được an trú được an trú... vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa được chứng đạt được chứng đạt... những vật dụng này kiếm được một cách khó khăn. Nhưng không phải vì y phục mà ta xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, không phải vì món ăn khất thực... không phải vì sàng tọa... không phải vì dược phẩm trị bệnh mà ta xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Nhưng trong khi ta ở tại khu rừng này, các niệm chưa được an trú được an trú... vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa được chứng đạt được chứng đạt". Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy chỉ với suy tính này, phải ở lại khu rừng ấy, không được bỏ đi.

Chư Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo sống tại một khu rừng nào. Tỷ-kheo sống tại khu rừng này, các niệm chưa được an trú được an trú... vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa được chứng đạt được chứng đạt. Và những vật dụng cần thiết... kiếm được một cách không khó khăn. Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải suy nghĩ như sau: "Ta sống tại khu rừng này. Khi ta sống tại khu rừng này, các niệm chưa được an trú được an trú... vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa chứng đạt được chứng đạt, và những vật dụng này cần thiết... kiếm được một cách không khó khăn". Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy phải ở lại khu rừng cho đến trọn đời, không được rời bỏ.

Chư Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo sống tại một làng nào...
Chư Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo sống tại một thị trấn nào...
Chư Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo sống tại một đô thị nào...
Chư Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo sống tại một quốc gia nào...

Chư Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo sống gần một người nào. Tỷ-kheo sống gần người này, các niệm chưa được an trú không được an trú... không được chứng đạt, và những vật dụng này cần thiết... kiếm được một cách khó khăn. Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải suy nghĩ như sau: "Ta sống gần người này. Khi ta sống gần người này, các niệm chưa được an trú không được an trú... không được chứng đạt, và những vật dụng này cần thiết... kiếm được một cách khó khăn". Chư Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ấy ngay trong phần đêm ấy hay ngay trong phần ngày ấy, không phải xin phép, cần phải bỏ ngay người ấy mà đi, không cần theo sát người ấy.

Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống gần một người nào. Tỷ-kheo sống gần người ấy, các niệm chưa được an trú không được an trú... không được chứng đạt. Nhưng những vật dụng này cần thiết... kiếm được một cách không khó khăn. Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải suy tư như sau: "Ta sống gần người này. Khi ta sống gần người này, các niệm chưa được an trú không được an trú... không được chứng đạt. Nhưng những vật dụng này cần thiết... kiếm được một cách không khó khăn. Nhưng không phải vì y phục mà ta xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình... không phải vì đồ ăn khất thực... không phải vì sàng tọa... không phải vì dược phẩm trị bệnh mà ta xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Và khi ta sống gần người này, các niệm chưa được an trú không được an trú... không được chứng đạt". Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy, chỉ với ước tính này, cần phải bỏ người ấy mà đi, không có xin phép, không có theo sát.

Chư Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo sống gần một người nào. Tỷ-kheo sống gần người ấy, các niệm chưa được an trú được an trú... được chứng đạt. Những vật dụng này cần thiết... kiếm được một cách khó khăn. Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải suy tư như sau: "Ta sống gần người này. Khi ta sống gần người này, các niệm chưa được an trú được an trú... được chứng đạt. Những vật dụng này cần thiết... kiếm được một cách khó khăn. Nhưng không phải vì y phục mà ta xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình... không phải vì đồ ăn khất thực... không phải vì sàng tọa... không phải vì dược phẩm trị bệnh mà ta xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Và khi ta sống gần người này, các niệm chưa được an trú được an trú... vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa được chứng đạt được chứng đạt". Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy, chỉ với suy tính này, cần phải theo sát người ấy, không được bỏ đi.

Chư Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo sống gần một người nào. Tỷ-kheo sống gần người ấy, các niệm chưa được an trú được an trú, tâm không định tĩnh được định tĩnh, các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ được hoàn toàn đoạn trừ, vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa được chứng đạt được chứng đạt, và những vật dụng cần thiết cho đời sống mà một người xuất gia cần phải sắm đủ, như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, những vật dụng này kiếm được một cách không khó khăn. Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải suy tư như sau: "Ta sống gần người này. Khi ta sống gần người này, các niệm chưa được an trú được an trú, tâm chưa được định tĩnh được định tĩnh, các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ được hoàn toàn đoạn trừ, và vô thượng an ổn, khỏi ách phược chưa được thành đạt được thành đạt. Và những vật dụng cần thiết cho đời sống mà một vị xuất gia cần phải sắm đủ, như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, những vật dụng này kiếm được một cách dễ dàng". Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy phải trọn đời theo sát người này, không được bỏ đi, dầu cho có bị xua đuổi.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Những Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời dạy của Thế Tôn.

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt




Chân thành cám ơn anh HDC và nhóm Phật tử VH đã có thiện tâm gửi tặng ấn bản điện tử.
(Bình Anson hiệu đính, dựa theo bản Anh ngữ "The Middle Length Discourses of the Buddha", Tỳ kheo Nanamoli và Tỳ kheo Bodhi dịch, 1995).
Hiệu đính: 10-06-2004


Quote:
 
Sư Toại Khanh giảng Nhất Thiết Lậu Hoặc (1) (1-4)

https://toaikhanh.com/videotext.php?vid=5hKyhHElUK8&abt=Nh%E1%BA%A5t+Thi%E1%BA%BFt+L%E1%BA%ADu+Ho%E1%BA%B7c+%281%29


20/07/2020 - 02:16 - hongha7711

Sáng nay mình sẽ nói chuyện với nhau về bài kinh Trung Bộ số hai (post #426, p 29).

Cách đây một, hai hôm có người hỏi tôi "Mình tu phải kham nhẫn, phải chịu đựng mọi chuyện xảy ra cho mình đúng không?". 

Bữa nay tôi cũng hỏi lại bà con ở đây, mình tu là mình phải chịu đựng đúng không? Thấy chưa, đi chùa bao lâu mà hỏi lại ấm ớ. Dễ sợ. Tôi hỏi lại, mình tu là chuyện gì mình cũng phải gồng mình chịu đựng đúng không? Chịu đựng nghĩa là đứng yên cho người ta đấm vô mặt mình. Tôi xin nói rõ, câu trả lời này không phải của tôi mà của Ngài, trong bài kinh Trung Bộ số hai. Bài đó có tựa đề là "Nhất thiết lậu hoặc".

Tránh Né

Trường hợp thứ nhất, có những trường hợp ta phải giải quyết phiền não bằng cách tránh né. 

Nghe nó rất là hèn, nhưng mà nghe tôi giải thích quý vị mới thấy. 

Mình không cần thiết phải đối đầu một cách vô ích. Ví dụ có những người khách họ tới làm phiền mình, mình phải chịu đựng, nhưng có những người khách mình phải lên tiếng đúng không? Thí dụ như có một cô bạn cổ tới nhà mình chơi, cổ dắt theo một thằng bé, thằng bé cứ khóc è è thì mình biết là cô bạn mình sẽ ngồi có chút xíu rồi cổ sẽ đi . Mình ráng ngồi chịu đựng. Mình phải chịu đựng đứa bé đó. 

Cô đó đặt tên là Nguyễn Thị A. Cổ có đứa con nhỏ, mỗi lần đến chơi là nó cứ khóc è è, quý vị thấy điều đó có phiền không? Hay quý vị khoái con nít khóc? Có bà bả nói tôi bả thèm nghe con nít khóc, tại vì bả thích con nít lắm, cái gì thuộc về con nít bả khoái, bả mê lăm. Nhưng mà theo tôi, đa phần người ta sợ thích con nít lắm, nhất là không phải của mình. Nhưng mà đó là cô bạn thân của mình, mỗi lần cổ tới cổ đem đứa nhỏ theo, nó cứ khóc è è, mình nhìn đồng hồ mình biết là còn nửa tiếng nửa bả đi rồi nên mình ráng vui vẻ để mình gồng với đứa bé đó. 

Nhưng mà cũng Nguyễn Thị A đó cổ cứ đòi đến chơi hoài thì cái chuyện này nó lại khác. Cứ cuối tuần là cổ tới chơi, thì mình nên tìm lý do để mình từ chối: "Cuối tuần này em đi chùa", "Cuối tuần này em phải đi tùm lum để giải quyết việc nhà, "Chị tới em không biết em có tiếp được không, em lăng xăng dưới bếp coi không có được, đại khái là tuần này không có free". 

Như vậy các vị có nghe rõ ràng không, đối với đứa bé con của bả mình giải quyết bằng cách ráng gồng mình. Nhưng không phải vì hôm qua mình ráng gồng với con của bả, rồi cuối tuần bả đòi đến nhà mình chơi mình gồng luôn thì không nên. 

Và ở trong chánh kinh Phật dạy rất rõ "Tỷ kheo khi mà bị nóng quá, trời nóng, trời lạnh, bị côn trùng, muỗi mùng chích đốt, tỷ kheo phải kham nhẫn chịu đựng (khi mà tránh không được cái đó thì phải chịu đựng) nhưng khi mình tránh được thì nên tránh. Còn ở đây vị nào ngon lành: "Không, tu là phải kếm chỗ đoạn trường mà đúc đầu vô" thì tôi xin nói vị đó không phải là người liễu đạo. 

Nếu vị nào có ngon thì đêm nay dám ra ngoài sân ngồi thiền không? Đêm nay trời lạnh đó, mình tu phải gồng mà. 

Đạo Phật phải xài trí tuệ. Đức Phật dạy đạo Phật phải xài trí tuệ. Tôi nhắc lại mình không có đi tìm cái chốn đoạn trường mình đúc đầu vô . Trong trường hợp đó gọi là giải quyết phiền não bằng cách tránh né. Nhưng khi tránh không được mình mới giải quyết bằng cách hai là chịu đựng. Vậy mình học một lúc hai cái resolution: 

  1. giải pháp thứ nhất là tránh né, mà 
  2. tránh không được thì mới tập chịu đựng. 
Khi quý vị làm đúng như vậy, quý vị vừa có kham nhẫn vừa có trí tuệ

Quý vị hiểu không? Còn đằng này chưa hết đã gồng là thấy cái ngu trước rồi, tu mà ngu, mà nghĩ ngu là hay đó. 

22/07/2020 - 07:04 - hongha7711

Có nhiều người họ ngộ lắm, họ nói "Tội nghiệp lắm Sư. Thương, thương". 

Tôi có biết một cặp chị em ở Việt Nam, biết Đạo năm nay là bốn mươi mấy năm rồi. Cái này cho tôi nói thiệt luôn, họ nghe họ giận tôi cũng nói . Học dở ẹc à, giáo lý học trước quên sau mà chậm hiểu lắm mà không biết ai dạy họ tu là phải từ bi, nên trong nhà có khoảng ba mươi mấy con chó và mèo hoang. Mình vô trong nhà mình nghe mùi thôi đã muốn mửa rồi. Đủ thứ mùi hết. Ba mươi mấy con mà làm sao tắm hết, bả lo tắm nó riết bả quên tắm bả luôn mà. Bả quên tắm luôn mà bả đã hôi như cú rồi. Chỉ vì một chữ thôi "Từ bi". Bây giờ không thèm thiền định. Ngày xưa có đi theo thầy Kim Triệu dữ dội lắm, có đi Miến Điện, trong nước có ngài Hộ Pháp, nói chung nơi nào có cao tăng là hai nàng tới hết. Nhưng mà tới cho vui thôi . Về đến giờ là lo cho chó, ba mấy con đang nằm ở nhà. Bao nhiêu thiền sư không bằng mấy con chó, A Tỳ Đàm cũng học, Tuệ Quán, Tứ Niệm Xứ cũng học . 

Tất cả cũng không bằng con chó bởi vì về lo tu cái hạnh "Tâm từ". Ai mà nói, mấy bả đem một núi lý luận ra: "Nếu mà Phật không vì đại bi Phật đâu có chịu bao nhiêu máu lệ để mà cuối cùng thành chánh quả. Phật phải thương chúng sanh bất kể máu lệ, sá gì mấy con chó này". Khi đổ rác gặp mèo con, mèo hoang bị liệng thùng rác, hai chị em đùng đình, người này ngồi để người kia leo lên vai đặng khiêng con mèo con ra, con nào con nấy hôi rình, vác mèo con về với tất cả những háo hức và hãnh diện. Tu theo cái hạnh nuôi chó. Vô cái nhà đó nghe nó kêu, hôm qua tôi vô nhà này nghe tôi nghe nó kêu tôi đã nổi điên lên rồi . Còn đằng này quất cho ba mươi mấy con, hôi rình. 

Hỏi: Thưa Sư, mình thấy con mèo bị bỏ thùng rác Mình thấy vậy sao mình đành lòng bỏ nó chết. 
Trả lời: Mình đâu có liệng . Mình lấy nó ra rồi mình cho nó đồ ăn . Không thì giờ cô theo cái hạnh nuôi mèo nha .  "Công chúa mèo" thì tôi không nói. Bởi vì tu hành là sự lựa chọn. Nếu cô thấy tội nghiệp cô vác về . Vậy giờ tôi cho cô địa chỉ nha, hôm nay nè từ đây cô đi về chùa Pháp Luân cứ homeless chỗ đèn đỏ, cô vớt về cho tôi. Tôi đếm khoảng mười mấy ông. Mùa đông mà mình đâu có nỡ để mấy chàng lạnh lẽo, đem hết về nhà mình, ai mình tắm được mình tắm, tắm rửa rồi nấu ăn. Thật sự tại sao thương chó mèo mà không thương con người?
-- Thưa Sư, tại mấy người đó tự lo được. 
-- Không nói vậy được, có nhiều người họ có tật nữa . Nếu họ tự lo được tại sao họ đứng ngoài đường vậy . Tại sao họ phải đi xin tiền? Ok. Tùy cô. Một lát cô đi theo tôi nha . Tôi chỉ cho cô . Nãy giờ tôi gặp cũng một mớ ở ngoải. Tại vì mình có quá nhiều chuyện để mình làm. Mình không phải là Chúa Trời. Mình không phải là Chúa Trời mình không có quán xuyến được hết mọi chuyện, đừng có nói dóc. Đừng có mở miệng ra nói từ bi, trong khi cô đối xử với tôi mấy ngày nay, cô có từ bi với tôi không ?  Cô chọc tôi điên không à, mà mở miệng ra là "tội nghiệp con mèo, con chuột". 

Tôi ghét cái thứ đó lắm. Nói dóc không à. Rôi tu là phải kham nhẫn, mình mới vừa nói "Cô, sao cô ngu quá vậy" là bắt đầu mặt nổi điên lên, mình chửi thử đó .  "Tu kiểu vậy là ngu lắm" là cái mặt bắt đầu sừng sỏ giống như gà mà sắp đá độ vậy. Mà hễ mình chưa nổi điên lên là nói từ bi, kham nhẫn, tùm lum hết. 

Cho nên, chuyện đầu tiên Đức Phật dạy là giải quyết vấn đề phiền não bằng cách tránh né. Và Việt Nam có câu là "Tránh voi không hổ mặt nào". Có những trường hợp mình không tránh từ đầu đến chừng nó ập ra là đổ nợ. 

Bây giờ ai không tin thì lượm hai thằng homeless về nhà nuôi là biết mùi. Không, tôi nói nghiêm túc chứ không có giỡn. Đem mấy ông râu ria, Mỹ đen về, tối mấy ổng hút thuốc trong nhà, đem bia uống, khạc nhổ, ói mửa tùm lum, nửa đêm . Tự nhiên nhà có người lạ, quý vị mới biết cái cảm giác . 

Nhiều khi quý vị thích nữa không chừng. Trừ khi đó là nhu cầu của quý vị tôi không có nói. Còn trong pháp tu, tôi phải nói nghiêm túc là không thể từ bi kiểu đó được. 

Bởi vì nên nhớ thế này, 
  1. chuyện mình chưa xong mà từ bi cho người thì chuyện mình ai lo. 
  2. Chuyện thứ hai, hình như tôi nhớ không lầm Đức Phật đi hoằng pháp là từ khi Ngài trở thành Phật phải không ta? Hình như vậy hả? Chứ trước đó là Ngài tu mỏi mòn. Còn mình là đi hoằng pháp trước rồi mới đắc sau đúng không? 
Chứ tôi nhớ hình như Ngài không phải vậy, Ngài phải lo Ngài trước. Hai đứa lọt xuống nước, mình không biết lội mà mình đi cứu người ta. 
  1. Cái chuyện đầu tiên là tránh né những phiền phức không cần thiết. 
  2. Cái thứ hai, khi không tránh né được là giải quyết nó bằng cách chịu đựng, chịu đựng nó bằng sự nhận thức chứ không phải chịu đựng bằng sự gồng mình. 
Cứ nói "tu là phải nhịn" là không được mà phải nhịn bằng nhận thức. Tại sao mình gồng? Mình biết rõ đã mang cái thân này thì cái chuyện này không tránh được và một câu nữa 

Đức Phật ngài dạy trong kinh và câu này phải xăm lên người: "Nếu đời này không có khổ thì nó không phải là đời". 

Nếu đời này không có khổ thì chúng ta không có mặt ở trên đời này. 

nếu đời không có khổ thì chúng ta không có giải thoát, chúng ta phải có đau đớn chúng ta mới có giải thoát. Bởi vì trong cái đau khổ chúng ta mới có dịp thấy ra bản chất rốt ráo của đời sống, còn nếu nó êm đềm, nhàn hạ quá thì mình không thấy được gì hết. 

Khi mình gồng mình phải nhớ như vậy. Chẳng hạn trưa nắng chang chang như vậy mà phải đứng ở trạm xe bus, trên đường đi học không có xe, mình phải suy nghĩ rằng:
  1. cái lợi ích của lớp học nó lớn hơn cái nóng mà mình phải chịu. 
  2. thứ hai, cái khổ của cái nóng này nó nhẹ hơn cái khổ của người không biết giáo lý. 
  3. tất cả cái khổ đều đi ra từ cái ham muốn sướng.
Bởi người không biết giáo lý thì đời sống mù mịt, tương lai mịt mù. Đứng ở trạm xe bus nghĩ như vậy đó. Thứ nhất, lợi ích của lớp học nó lớn hơn cái khổ này. Thứ hai, cái khổ này nó nhỏ hơn cái khổ của một người không biết giáo lý. Thôi thì chấp nhận cái khổ nhỏ để bỏ cái khổ lớn. Cái thứ ba, phải suy nghĩ rằng tất cả cái khổ đều đi ra từ cái ham muốn sướng. Vì mình thích mát thì mình sợ nóng. 

Mấy người đi làm quần quật ngoài đường, cái khái niệm "mát mẻ" đối với họ từ lâu đã không còn nữa. Mấy người bán vé số, bán hàng rong, cái khái niệm "mát mẻ" đối với họ nó khác mình, quý vị biết chuyện đó không? 

Rồi người bình thường ai cũng thích nhẹ nhàng, chứ mấy ông xích lô thì không có. Xích lô phải nặng nề mấy ổng mới vui. Có biết chuyện đó không? Tức là người bình thường ai cũng thích làm cái nghề nhàn hết, nhưng xích lô thì khác, đạp xích lô họ không thích đạp xe không. 

Cho nên, có những hoàn cảnh sống mà suy nghĩ của người ta khác mình. Lúc đó người ta không mong sướng, mà khi người ta không mong nhẹ thì người ta ham nặng. 

Cho nên, ông Hải Thượng ở Việt Nam có một câu rất là hay: "Thiện diệt lãng vi hà huống ác" tức là việc thiện ta còn làm biếng làm huống chi là việc ác. 

Còn cái câu thứ hai nó đúng như cái tôi sắp nói "Phú phi sở nguyện khởi ưu bần", cái giàu tôi không ham tôi không có ngán cái nghèo. Khi mình không ham cái giàu thì mình không có ngán cái nghèo. 

Tôi không có giàu nhưng mà tôi biết một chuyện là khi mình theo đuổi cái giàu coi chừng mình khổ hơn thằng nghèo.

23/07/2020 - 08:11 - hongha7711

Tại vì tôi có biết nhiều trường hợp là người ta khổ là vì người ta không tìm ra được cơ hội kiếm tiền, cái đó thì tôi hiểu. 

Còn cái này khó tin nè, có người khi họ có quá nhiều cơ hội kiếm tiền họ không có ở không, quý vị biết không? Cái đó điên luôn. Có nghĩa là bây giờ nghe nói có ba miếng đất thiệt là ngon, bốn ngôi nhà thiệt là ngon, đất vàng thế nào sau này cũng hốt vàng, trong vòng hai năm là hốt, mà bây giờ mình đang có tiền nữa, thế là xách đi mua. Các vị tưởng tượng bốn ngôi nhà, ba miếng đất nó bao nhiêu chuyện phải giải quyết. Vừa mua xong chưa kịp sửa để cho mướn nó lại quất thêm sáu căn nữa, mà sáu căn đó nó lại nằm trong khả năng tài chánh của mình, các vị có đành lòng mua không? Một năm một căn nó đem lại cho các vị ít nhất 100 đến 150, các vị có nên lấy không? Lấy nữa. 

Cho nên thế giới này nó nằm trong nhận thức của mình. 
Khi mình không có cái ham giàu thì mình không có sợ nghèo. 
Khi mình sợ giàu rồi thì mình còn thấy cái nghèo nó hay. 

Cách đây khoảng hai tuần tôi có một ông sư bạn thân của tôi trong nước chết, cỡ tuổi tôi ổng chết. Trong nước báo tin ra, các vị sư báo tin, tự nhiên ổng quăng ra một câu mà tôi không ngờ, ổng kể chuyện ông kia chết rồi, mà ổng phun ra một câu mà tôi không ngờ .

Ổng nói: "Ông này trước khi chết vẫn là tay trắng. Tu mấy chục năm, trang lứa ai cũng có chùa hết mà ông này tay trắng ."

Mà tự nhiên ổng quăng ra một câu thứ hai mới ghê chứ: "Mà thôi. Chết vậy lòng nó nhẹ ." 

Tôi thấy cái câu đó rất là đáng suy nghĩ. Cái tôi sợ nhất là làm trụ trì nằm thoi thóp rồi nhớ sổ sách, tiền bạc giờ không biết giao cho ai. Nếu mình giao trước thì không nói, còn trụ trì mà bị tai nạn ngoài đường, biết qua không khỏi, các vị biết khó "đi" lắm. 

Nhiều lần tôi đi dạy, tôi hỏi mấy Phật tử trước mặt: "Ở đây có ai sẵn sàng ra đi ngay bây giờ mà không cần gọi phone về nhà không?". Không ai dám hết... 

Chính quý vị biết cái chết có thể xảy ra bất cứ lúc nào, các vị biết cái đó mà . Vậy mà hỏi, ở đây, có ai có thể ra đi ngay bây giờ mà không cần trở về nhà thu xếp hoặc là không cần gọi phone? Không ai dám gật đầu hết. 

Thấy mình có vấn đề chưa? Cho nên đừng có ham chết rồi được siêu, siêu cái nỗi gì? Ngay nơi đây, tôi đã cho quý vị thấy quý vị có siêu hay không, chính quý vị biết rồi. Không có ai hết. 

Muốn gì muốn phải chạy về nhà lo trước, lo tắt cái bếp xong mới chết. Đừng có tưởng là mình ngon nha. Cho nên khi mình nghĩ đến cái đó thì sức kham nhẫn sẽ tốt hơn. 

Như vậy, cái giải pháp thứ nhất để giải quyết phiền não đó là tránh né những phiền phức không cần thiết phải đối đầu. Trường hợp thứ hai, khi không tránh né được thì phải kham nhẫn với nhận thức chứ không phải kham nhẫn bằng cái sự gồng mình.

Trong Trung Bộ Kinh luôn, bài kinh Khu Rừng (Trung Bộ Kinh #17) (post #426, p 29), Đức Phật ngài dạy thế này: "Ở nơi chốn nào mà mình thấy rằng sự tu tập của mình tiến bộ thì dầu cho điều kiện sống ở đó khó khăn cỡ nào cũng phải gồng mình". 

Bài kinh Khu Rừng, tôi lấy kinh giảng kinh, chứ tôi có biết gì đâu tôi giảng nha. Ngài nói thế này "Ở nơi chốn nào mà sự tu tập của mình được tiến bộ dù là khó khăn cấp mấy cũng phải ráng trụ lại. Còn ở nơi chốn nào mà nó tiện nghi, thoải mái bằng trời mà cái việc tu hành nó sa sút, nó đổ dốc thì phải đi ngay, chứ không có hẹn hò". 

Trong đó Ngài còn nói là "đi ngay trong đêm" mới ghê chứ . Không có cái vụ "chắc tuần sau" . Lúc đó chết ngắt rồi sao mà đi ? Ngài nói là "đi ngay trong đêm", gớm như vậy. 

Còn hôm nay cái tiêu chuẩn chỗ ở của mình không có dựa vào chuyện tu, mình dựa vào cái chuyện khác, tự quý vị biết mình dựa vào chuyện gì. Ở đó có quen biết nhiều, ở đó có đồ ăn Việt Nam, ở đó nó mát, tùm lum hết. 

Bởi tôi ghét cái từ "trả nghiệp" lắm, tại cái nghiệp của con, con phải chịu . Cái chánh là cái sự tu học cua rmình .  Mình có tiến bộ hay không? Chứ còn đừng có móc ra từ "trả nghiệp". 

Chiều nay tôi tính đi trả nghiệp mà ai cũng cản hết. Khổ vậy đó. Rất muốn đi trả nghiệp, nghiệp nó đang chờ tôi trả kìa, mà tôi thấy không nên trả, tôi quỵt luôn. Chứ còn mình muốn, mình thích mà cứ đổ cho nghiệp, tôi ghét cái đó lắm quý vị biết không? Tuần nào tôi cũng đi (...) tại chữ "nghiệp" nó khiến tôi phải đi trả. 

Ở đây nhiều người ngạc nhiên sao vũ trường, sòng bài, cái gì tôi cũng biết hết vì tôi đọc tùm lum hết à. Với ở đây tôi tiếp xúc với người toàn như vầy, mỗi người nói một câu là tôi biết nhiều lắm. 

Bây giờ mới lấy bài kinh này kết hợp với phần trước. 
  1. Giải pháp một là tránh né những đối đầu không cần thiết. 
  2. Trường hợp hai là giải quyết bằng chịu đựng với nhận thức. 
Mà nhận thức thế nào? Lấy cái bài kinh Khu Rừng để vô là chỗ nào mà khổ cực bằng trời mà nó có lợi ích thì gồng, còn chỗ nào khổ cực vô ích thì không gồng. Bây giờ nghe kịp chưa? 

Từ đây về sau tôi van các vị đừng có móc cái thẻ "Tu là phải gồng" nữa . Bữa nay mình đã nói hết lời rồi, mà kinh nói không phải là tôi nói nha. Tôi đã cho địa chỉ luôn rồi, kinh Khu Rừng đó. Cứ nói "Tu là gồng", khổ quá! Hồi nãy tôi nói rồi, bà Nguyễn Thị A đem đứa con tới đây chơi, nó khóc quá chừng khóc, thì trường hợp đó mình nên gồng, con nít mà. Nhưng mà tới đó đủ rồi . Tới cuối tuần bả đòi đến chơi nữa thì NO. Bả lỡ tới đây, đứa bé nó khóc um sùm, Ok, cái đó mình gồng, đó là mình đang tu. Nhưng mà cái chuyện mình từ chối bả không để bả tới đây nữa cũng là đang tu nữa. Chứ không phải nghe nói gồng thì bữa sau "Cứ đem tới đây đi, có đứa nào cứ đem tới nữa", là chết luôn. Mà ở đâu chứ Mỹ là nhiều lắm, họ buồn đó . Họ thấy niềm nở, quý khách, họ tới chơi hoài, mình không có làm được gì là chết luôn. 

  1. Cho nên, giải pháp một là tránh né những đối đầu không cần thiết. 
  2. Giải pháp hai là chịu đựng một cách thông minh những cái không thể tránh được, chịu đựng bằng nhận thức, chứ không phải gồng mình. 
  3. Giải pháp thứ ba, là dứt khoát. Dứt khoát lìa bỏ. 
Dứt khoát lìa bỏ là sao ta? Đối với ba cái tà tư duy là dứt khoát lìa bỏ. 

Ba cái tà tư duy là gì? Là 
  1. dục tư duy, 
  2. sân tư duy và 
  3. hại tư duy. 
Dục tư duy là sao? Là khi phát hiện mình có những cái thích thú, đam mê mà nó bất thiện là mình phải có cái gan lìa bỏ nó. Tự nhiên có người rủ mình đi nhậu nhẹt, nhảy đầm, coi phim, cà phê lú gì đó, là mình phải có cái gan mình bỏ nó. 
  1. Một là không đủ chánh niệm để phát hiện mình bậy. Đó là cái lỗi thứ nhất.
  2. Khi chánh niệm phát hiện đó là bậy mà mình không có cái gan bỏ nó là cái lỗi thứ hai. 
  3. Mình quyết định lìa bỏ nó mà không có đủ cái gan để dứt khoát là lỗi thứ ba. 
Tôi cũng thấy cái đó bậy nên tôi tránh, nhưng bạn bè rủ quá nên tôi cũng cả nể. Có cái vụ đó không? Có. 

Tôi tránh cũng nhiều lần lắm, được vài lần nhưng bạn bè rủ quá nên tôi nể, tôi nể quá nên họ hết nể tôi luôn. Có trường hợp đó không? 

Mình nể họ quá rồi cuối cùng họ hết nể mình luôn. Hồi đầu mình tưởng mình nể họ là hay, đến hồi giật mình mình với họ cá mè một lứa mà, nể cái gì? Người ta rủ vui lắm, vui lắm, nhào vô đó riết rồi người ta coi mình không ra cái gì. 

Cho nên, 
  1. có trường hợp mình phải tránh né, 
  2. có trường hợp mình phải chịu đựng, 
  3. có trường hợp mình phải dứt khoát lìa bỏ . 
Cái đó mình phải ghi rõ là đối với ba cái tà tư duy: 
  1. Dục tư duy là sự thích thú, đam mê trong ngũ dục; 
  2. Sân tư duy là sự bất mãn trong ngũ dục;
  3. Hại tư duy 
Bất mãn là sao? Nhìn cái gì đó bực mình, nghe gì đó bực mình hoặc là nghĩ về cái chuyện gì đó bực mình thì cái đó gọi là sân tư duy. 

Cái suy nghĩ nào mình thấy không có lợi thì không nghĩ đến nó nữa. 

Chúng ta nên nhớ rằng tất cả những rắc rối chúng ta có hai cách giải quyết,
  1. một là tìm cách giải quyết nó bằng một phương cách hợp lý, 
  2. hai là không nghĩ đến nó nữa cũng là cách giải quyết. 
Thí dụ bây giờ tôi giận cô quá thì 
  1. tôi phải có cách nghĩ là "Ồ, thì bửa đó bả giận quá bả nói vậy thôi chứ bả không có gì", đó là cách giải quyết. 
  2. Còn nếu mình không có tìm ra được cách nào để hết giận thì cách thứ hai mình phải áp dụng liền đó là nghĩ qua chuyện khác, đừng nghĩ tới chuyện đó nữa. 
Phải nhớ cái đó. 

Chứ còn mà thấy bực mà cứ nghĩ hoài nghĩ hoài "Con biết, con biết sân là không tốt, nhưng mà cái bà này không dạy cho bả bài học thì không được", khoái dạy người ta bài học . 

"Mình mà hỏng lên tiếng bả nói mình ngu". Cái chuyện đó không có quan trọng . 

Người ta nghĩ gì kệ người ta, có bao giờ người ta nghĩ mình khôn đâu. 

Qúy vị có hiểu cái câu đó không? Mà tôi nghe hơi nhiều "Mình mà im nó nói mình ngu", có mấy bà bả nói tôi vậy, tôi mới nói:
 
- "Có bao giờ bà kia bả nói cô khôn không? Chưa bao giờ. Tôi còn nghĩ cô ngu nữa mà" 
- "Con phải ra tay cho bả biết, phải dằn mặt, phải dạy cho bả bài học" 
- "Trên đời chỉ có thầy mới dạy thôi, bả đâu có coi cô là thầy đâu mà cứ đòi dạy người ta bài học". 

Hễ nói cái giận là dứt khoát, 
  1. một là tìm hướng giải quyết, 
  2. không được là phải quên nó đi. 
Còn bây giờ hỏi tôi hướng giải quyết là gì? Tôi cố ý không nói vì nó nhiều, đa đoan, mỗi người mỗi hoàn cảnh nhưng mà 
  1. nếu không tìm được cách giải quyết hợp lý thì vụ đó bỏ qua, không có nghĩ đến nữa. 
  2. Bởi vì thời gian mình không có 
mà cứ chuyện gì mình cứ nhét vô đầu mình thì mình sống sao nổi ? 

Các vị có biết cách đây không lâu tôi có đọc một bài viết trong Journal y khoa rất nghiêm túc, chuyên nghiệp. Tôi đọc mà tôi giật mình . Bữa nào đi giảng phải đem cái này nói cho Phật tử nghe mới được. Qúy vị có muốn nghe không?

 Cái này quý vị không nghe mất một phần tư cuộc đời. 

Ổng nói ổng là bác sĩ chuyên gia nghiên cứu về bệnh Alzheimer. Ổng nói thế này: "Bệnh Alzheimer là một chứng bệnh tuyệt đối không nên có trên thế giới này". Qúy vị có đồng ý cái đó không? Tuy nhiên, cái chữ "TUY NHIÊN" ổng viết bự chàm quàm, ổng nói "Nếu mà cái gì chúng ta cũng nhớ chúng ta không sống nổi". Xuất sắc. Ổng không có biết Đạo nhưng ổng nói: "Cái gì chúng ta cũng nhớ hết thì chúng ta không sống nổi". Nhờ chúng ta quên rất nhiều nên chúng ta mới sống được đúng không? Đó là cách nói của người không biết Đạo. 

Còn trong đạo Phật mình thì khi ta có chánh niệm thì ta sẽ bỏ tất cả những gì thuộc về quá khứ và tương lai. Tại vì chánh niệm là chỉ biết cái hiện tại thôi. Lúc đó mình thấy nó ăn khớp với đạo Phật kinh khủng. Các vị có đồng ý nếu các vị nhớ sạch các vị sống không nổi đúng không? 

Và một cái câu nữa rất là hay, tại sao gọi đời là biển khổ? Là bởi vì hiếm người có gan sống lại mấy chục năm đã qua. Bây giờ cho tôi được gặp lại mẹ tôi, tôi mừng lắm nhưng mà phải quay lại luôn cái cảnh tôi đi mổ thận đó. Mổ bằng cách là luồng cái ống vô, lúc đó nó gây mê rồi tôi không sao hết. Tới lúc mà nó lấy cái ống ra, tôi thấy mười hai ông trời nằm ngang vậy nè . Lúc đó đâu có gây mê đâu. Tôi lạy nó gây tê, nó nói "You gây tê là gây làm sao, chỉ có gây mê lại", mà rút ra có hai giây rưỡi à, gây làm chi cho nên "You phải chịu khó", đau, nước mắt ra, nước tiểu ra, mà chỉ có hai giây rưỡi đồng hồ thôi...

Khoan, còn cái vụ nữa, trước cái ngày mổ, lần đầu tiên tôi đâu có biết đó là sạn thận, thì Chủ Nhật, Phật tử tới tôi vẫn giảng . Tôi giảng xong sao tôi đau quá đi . Tôi tưởng nhức lưng, tôi vô xoa dầu, dán salonpas mà nó đau quá đi. Có cái ông Phật tử lạ hoắc, tôi hết biết quê rồi: "Ông ơi, ông vô chà lưng dùm tôi, tôi đau quá". Thì ổng vô, ổng chà chà xong "Được không sư", thì mình cũng thấy quê quê "Dạ được rồi, cám ơn". Ổng đi về tôi đau nữa . 

Đêm tôi ở lại một mình . Tới lúc vô toilet, cảm giác như mình muốn đi cầu mà không phải, vì lúc đó nó đủ thứ cảm giác. Lúc đó tôi đi tiểu thì máu tươi nó ra vì có nhiều người hên cái viên sạn nó tròn, còn của tôi là sỏi san hô, gai góc, trên đường nó ra nó cọ quẹt tùm lum hết. Tôi thấy máu tươi nó ra là chỉ còn bấm 117, bên đó nó lẹ lắm vì chỗ tôi ở có bốn phút lái xe, nói là mổ. 

Bây giờ kêu tôi .  Đời là biển khổ, kêu tôi quay lại, tôi quay lại một là gặp lại mẹ tôi nhưng mà tôi phải gặp lại cái cảnh mẹ tôi mất, nói chung là gặp lại hết có hiểu không? 

Gọi đời là biển khổ là tại sao? Chỉ có mấy chục năm trong kiếp này không nè mà có biết bao nhiêu chuyện mình không có muốn quay trở lại, thì nói gì là luân hồi quý vị? Có bao nhiêu kiếp mình là một người chồng mà mình phải ngồi nhìn vợ mình bị người ta cưỡng hiếp? Có bao nhiêu kiếp mình là người cha mà phải nhìn con mình bị người ta lụi trước mặt mà mình không biết phải làm sao? Có bao nhiêu kiếp mình bồng mẹ trên tay nhìn mẹ mình hấp hối mà cứu không được? Có bao nhiêu kiếp mình phải xa cái người mình yêu nhìn người ta đi lấy chồng, lấy thằng bạn của mình? Mây cái đó khủng khiếp lắm. Bao nhiêu kiếp mình là lính ngoài chiến trường, ruột nó lòi một chùm giữa rừng hoang không biết kêu ai. 

Cho nên, khi Phật kể lại chuyện xưa, Phật đúc kết như thế này "Này các tỳ kheo, thật là đủ để nhàm chán, vừa đủ để xả ly". Còn mình bây giờ, nhờ mình không biết gì hết cho nên mình có được vợ, có được con, có cái nhà ở, mình cũng yêu đời. Nhưng mà mình không nghĩ đến cái chuyện mai này con nó lớn lên nó đi lấy vợ lấy chồng, còn có hai người già . Chắc chắn một trong hai người phải có người đi trước, thì cái tên ở lại nó đã lắm biết không? Đi vô nhà có một mình à, lủi hủi lủi hủi . Đầu thì không có Phật pháp, cái đó mới là tê tái. Hồi trẻ thì "Ôi, cái chuyện đó chuyện của thầy chùa mắc gì tôi". Tới lúc già cái đầu nó rỗng không, đối phó với cái cô đơn, cái bệnh hoạn, cái đau nhức, với cái sự ghẻ lạnh của cuộc đời, đối mặt với bạn bè xa lánh không ai tới thăm hết.

24/07/2020 - 02:24 - hongha7711

(con` tiếp)
(tt) Sư Toại Khanh giảng Nhất Thiết Lậu Hoặc (1) (2-4)

https://toaikhanh.com/videotext.php?vid=5hKyhHElUK8&abt=Nh%E1%BA%A5t+Thi%E1%BA%BFt+L%E1%BA%ADu+Ho%E1%BA%B7c+%281%29

24/07/2020 - 02:24 - hongha7711


Tôi biết một chuyện đau lắm . Một ông đó ngày xưa ở Sài Gòn, coi như là đệ nhất hào hoa ở Chợ Lớn, Bát Đạt Đầu Khánh ra vào như hoàng tử vào cung . Chàng ngồi một cái là mấy cô xẩm, gái đẹp bu lại. 

Tại sao tôi rành? Bởi người kể tôi nghe là người cháu ruột. 

Đệ nhất hào hoa, đẹp trai nhất tiếng, tiền xài không đếm. Sau năm 85, ổng đi sang Thụy Điển, vợ chết, không có con, vô nhà già. 

Chiều chiều, cái nhà già, ổng ngồi ổng nhìn ra một cái chỗ nào đó, mấy người bạn hỏi: 
- "Ở đây đẹp hơn sao không nhìn mà nhìn ở đây?" 
- "Chỗ này chỗ Parking hy vọng mấy đứa cháu bên Mỹ qua thăm". 

Mà cái chuyện đó làm gì có, quý vị hiểu không? Cái chuyện mấy đứa cháu bên Mỹ qua thăm, cái chuyện đó không có . Thứ hai, nếu có thì nó đã báo trước khi nó qua chứ. Cứ chiều, ổng chín mấy tuổi cứ ngồi ngó, ngó vô cái chỗ xấu quắc . Bạn bè hỏi, nói: "Không, biết đâu tụi nó tới làm cho mình surprise thì sao". 

Cuối cùng ổng chết. Khi ổng chết thì bên đây kéo nguyên sư đoàn qua. Nhờ vậy mới được nghe mấy cái chuyện đó. 

Cho nên không phải tôi hù, tôi cho quý vị biết động trời lắm. 

Có nghĩa là bây giờ đang khỏe không có gì hết, rồi nó xuống từ từ, từ từ, "down hill" cái tuổi xuống đồi đó, lúc đó nó kiếm chuyện đủ thứ, đau, rêm, sạn thận, tùm lum hết. Quá năm mươi là xương nó giòn, giòn thì trượt cái là nó gãy, gãy thì không có lành nữa. Có nhiều người ngộ lắm, về lớn tuổi, tai lãng, mắt mờ. Có nhà tôi biết có ba chữ lãng luôn: thằng con lãng tử, bà má lãng tai, ông già lãng trí, ba cái lãng đó ở chung với nhau nó lãng nhách à. Thằng con lãng tử nó đi suốt, một năm nó đi mười ba tháng, nó mượn luôn của năm tới nó đi luôn mà, nó về nhà thăm ba má giống như thăm lờ, thăm lờ là giống như nó dòm coi có cá không rồi nó dọt tiếp. Bà má thì lãng tai, ông già thì lãng trí cứ cười cười hoài. Nguyên cái nhà đó lãng xẹt, lãng nhách.

Mình học Đạo, 
  1. không phải để mình sống bi quan, 
  2. mà học Đạo để mình chuẩn bị. 
Hai cái nó khác nhau. 

Nhiều người không hiểu nói theo Đạo là sống buồn, u ám. Không phải, 
  1. theo Đạo để thấy ra sự thật, 
  2. mà khi mình thấy ra sự thật thì mình lại sống thoải mái hơn. 
Tại sao con nít bị đứt tay, bị phỏng lửa nó khóc? Bởi vì lúc nó chơi nó hoàn toàn tin yêu vào cuộc đời, nó không ngờ đến chuyện nó bị đứt tay, bị phỏng lửa . Thậm chí nó không biết bị đứt tay, bị phỏng lửa là gì, cho đến khi nó bị đứt, nó đau, chảy máu, nó sợ, nó khóc. 

Còn người lớn cũng bị phỏng, cũng bị đứt, tại sao không khóc? Là bởi vì trước khi họ bị họ đã biết rồi. Họ đã biết đứt tay là cái gì, phỏng lửa là cái gì. Họ cầm con dao họ đã nghi rồi, lúc họ nại họ đã biết "Cái này duột một cái là đứt nha!", "Ối!", lúc đó họ đã biết rồi, họ không có khóc. 

Còn con nít nó cứ cầm con dao nó chơi, nó chơi một cách hồn nhiên, nó giao phó cho con dao toàn bộ niềm tin của nó là con dao này chỉ là đồ chơi cho vui thôi. Mà nó không ngờ lúc nó đứt, nó kêu trời. 

Bên Thụy Sĩ cách đây cũng một năm, có một ông cụ cũng chín mươi mấy. Thường tôi nghe nói thôi chứ tôi chưa chín mấy nên tôi không biết . Thường mình lớn mình mệt mỏi quá mình chỉ muốn chết thôi. Nhưng mà cái ông này lại khác, ổng quá khỏe đi. Cho nên, chiều nay bốn giờ ổng chết, thì buổi sáng ổng còn cầm tay bác sĩ "Làm ơn cứu tôi!". 

Tôi nghe cái chuyện đó tôi sợ quá. Tôi không có sợ vì ổng chết mà tôi sợ cái trạng thái tâm lý. Đúng ra mình mệt mình phải buông còn đằng này ổng chưa chịu buông. 

Còn một chuyện nữa cũng động trời nữa là, cái bà Việt kiều bên Cali về nước làm ăn . Trong thuyết pháp tôi hay kể đó. Bả về, tay hòm tay khóa, bả không tin người nhà, cho nên lúc nào bả cũng chùm chìa khóa trong tay hết. Tới hồi bả nghe mệt thì người nhà mới chở vô bệnh viện mà tay bả vẫn cầm cái chìa khóa. Bả nằm ở đó mười ba ngày bả chết mà tay cầm chìa khóa, không dám buông ra. 

Còn bà nữa cũng độc lắm, bả làm ăn, biết không qua khỏi, bị ung thư mà, kêu đứa em làm giấy cam kết là "chị chết rồi phải chôn chị trong cái phòng khách này". Vì bả tiếc cái nhà đó quá, bả vừa cất chưa kịp ở, bắt đứa em nó phải ghi di chúc có sự làm chứng của nhiều người là "căn nhà này sẽ thuộc về em tôi là Nguyễn Văn Tèo. Em được toàn quyền sử dụng chỉ với một điều kiện duy nhất là thi hài của tôi là chị ruột của Tèo phải được chôn ngay giữa phòng khách của ngôi nhà này. Nếu Tèo không chịu thì thôi. Miễn nhận. Tôi viết di chúc này trong sự minh mẫn, với sự chứng minh của luật sư và bà con hai họ". Tại vì cái nhà đó quá đắt tiền, thứ hai là cũng thương chị nữa, nên ở luôn. Đi mà nó không có ngọt. 

Những cái chuyện đó tôi biết không phải để chuyện vui mà là tôi oải. 

Như hôm bữa tôi kể bà con nghe cái chuyện bà cụ bên Florida, bả cũng chín mấy, không dám ngủ, tại bả sợ ngủ "đi" luôn. Nên bả toàn ngủ ngồi như thiền sư vậy đó, bả cứ gục gục, cái bả giật mình thấy còn sống, mừng. Giật mình thấy còn sống, mừng, bả làm đâu mấy năm vậy đó. Cuối cùng, bả đuối quá, đứa con mới chở vô bệnh viện là lần này bả mới chịu chết nằm. Cuối cùng bả ngồi hết nỗi bả mới chịu chết nằm. Chứ còn ngủ bả không dám, bả sợ nằm êm quá nó đi luôn. Mà bả trong một nỗi niềm tuyệt vọng, bả chỉ hy vọng khi mình ngồi là mình gượng được. Bả sợ cái chết nó tới, mà hỏi làm sao, nó phải tới thôi.

Hỏi: Thưa Sư, con biết có người quen họ sẵn sàng chết . Họ vui vẻ, họ bình thường nhưng họ lại xin vị thầy tới thăm: "Thầy cho con về chùa". Trường hợp đó có thoát không Sư? Trường hợp đó có siêu được không?

Trả lời: Không . Đừng chỉ địa chỉ của tôi là được rồi! Cô nghe nè, giáo lý cô vững chút xíu thì cô sẽ không thắc mắc cái đó. Khi nào bả đòi về chùa với cái ý là học Đạo, nghe Pháp, thì cái đó là lòng lành, mà hễ lòng lành thì cái đó đi rất là xa. Còn nếu bả xin về chùa vì bả mến thầy, về chùa vì cái chỗ đó bả hay thường lui tới, bả muốn về gặp lại mấy người bạn cũ cũng đang nằm trong mấy cái hũ ở trong đó, muốn vô đó tám tiếp thì cái đó ở lâu. Hiểu không? Tại vì hồi đó bà Loan, bà Liên cũng đi với tôi. Loan, Liên, Nga, Cúc...nguyên đám, tám quen rồi, bây giờ dắt vô đó một phòng tối tám tiếp thì cái đó nó ở luôn, vô đó có visa luôn. Còn nếu mà, nhiều người họ hồn nhiên họ nghĩ về chùa được nghe kinh, thì nếu vì họ chỉ muốn được về chùa để tiếp tục tu hành nghe kinh thì cái đó quá tốt. Tuy nhiên, đó mới chỉ là lý thuyết, mới một tầng thôi, một slide 1 thôi. Slide 2, cô quên một chuyện vô cùng và vô cùng quan trọng. Đó là ước muốn của ta bây giờ chỉ là một khoảnh khắc, trong khi cái tiền nghiệp của mình trong vô số kiếp nó nhiều không kể xiết. Một vị thiền sư mà tu hành ghê gớm cấp mấy nếu chưa đắc Đạo thì khi chết rồi làm chó làm mèo, chuyện đó bình thường. Vì sao, vì cái nghiệp của vô số kiếp trước nó nhiều lắm. Cái vòng luân hồi của mình nó lâu đến mức mà Đức Phật nói cái sữa mẹ mình bú nhiều hơn nước trong bốn biển. Trong thời gian đó, cái thiện ác các vị biết nó nhiều cỡ nào. Thì cái chuyện mà mình gặp được Phật pháp, tu hành, tụng kinh, này nọ được bao nhiêu? Ngài nói sữa mẹ mà mình bú nó nhiều hơn nước trong bốn biển. Nước mắt mà mình khóc vì cái chuyện đau đớn, sanh ly, tử biệt nó nhiều hơn bốn biển. Máu mình đổ ra vì bệnh hoạn, tai nạn nhiều hơn bốn biển. Trong kinh nói rõ: máu, sữa mẹ, nước mắt, mồ hôi nó nhiều hơn nước bốn biển. Qúy vị nghĩ thời gian nó lâu cỡ nào. Thì tôi hỏi cô một cái ước muốn về chùa như vậy có đủ cho cô đi lên không? Khó. Nhưng có cái này, trong kinh nói là một người không biết Phật pháp, khi chết rồi cơ hội trở về cõi nhân thiên giống như con rùa mù ở dưới biển, một trăm năm nó mới trồi đầu lên một lần, nếu mà tình cờ nó chọt được cái đầu nó vô cái lỗ ván mà trôi trên biển, thì Ngài nói cái chuyện mà ngẫu nhiên nó chọt được cái đầu vô cái lỗ ván đó còn dễ hơn là cái chuyện được sanh làm người trở lại. Nhưng mà đó là dành cho người không biết Đạo. Còn người hành giả thì mỗi lần chánh niệm là một lần trồi đầu. Nếu không biết Đạo thì một trăm năm nó mới trồi đầu một lần, trồi lúc nào ta, trồi lúc cận tử. Thường thì con người cùng hung cực ác cấp mấy đến cận tử thường là họ nghĩ lại, đó chính là lúc trồi đầu. Có hiểu chữ "Trồi" không? Người không biết Đạo tối thiểu trong đời cũng có một vài lần trồi. Như những cái lần mà sanh ly, tử biệt, gặp chuyện mà đau buồn ghê gớm nào đó, họ có trồi mà mạnh nhất chính là giây phút cận tử. Gian ác bằng trời đi nữa, mà cuối cùng biết mình sắp đi đa phần đều biết nghĩ lại. Đó là giây phút trồi đầu. Còn riêng với người Phật tử khi mình tu Tứ Niệm Xứ, mỗi lần mình sống chánh niệm là mình trồi nên cơ hội làm người của người Phật tử nó cao hơn người bình thường, cao hơn hàng triệu lần. Nói như vậy không phải để dụ khị quý vị tu, tại quý vị tu tôi được cái gì. Nhưng mà đó là sự thật mình phải nhìn nhận. Sống chánh niệm, cứ tiếp tục đi làm đi, không ai kêu quý vị nghỉ làm hết nhưng kể từ bây giờ mình chánh niệm hơn một chút, mình sắp làm cái gì mình biết, sắp nói gì mình biết, mình đang bậy bạ trong bụng mình biết. Vậy thôi. Đó gọi là thiền, chứ thiền ở đây không phải là xếp bằng, lim dim, không làm gì hết. Ngồi thiền mà hiểu vậy là chết rồi.

25/07/2020 - 07:34 - hongha7711

Hôm qua cô này hỏi tôi chữ "tưởng", tôi nói chưa có hết. Chúng ta sống trong đời này chúng ta khác gỗ đá ở chỗ chúng ta có cái biết, còn gỗ đá được gọi là vô tri. 

Cái biết gồm có ba. 
  1. Là cái biết của Thức tức là gồm cái biết của giác quan. 
  2. Thứ hai, là cái biết của Tưởng, là cái biết của ký ức, của memories, của experience, của knowledge, cái biết của hồi ức, của kinh nghiệm, của kiến thức, thì cái biết này được gọi là cái biết của tưởng. 
  3. Cái biết thứ ba, là cái biết của trí tuệ, biết cái gì nên, cái gì không nên, cái gì phải, cái gì quấy. 
Khi nghe như vậy, các vị thử xét xem trong cuộc đời các vị sống bằng cái biết nào nhiều nhất? 
  1. Thứ nhất là cái biết bằng thức, 
  2. thứ hai là cái biết bằng tưởng, 
  3. còn cái biết bằng trí thì hiếm.
Chúng sinh không phải vô tri nên sống bằng ba cái biết. 

I/ Biết bằng Thức

Cái biết thứ nhất là cái biết bằng thức. Một ngày như vậy các vị sống bằng các giác quan nhiều lắm phải không? 

Trong kinh nói thế này, Đức Phật ngài nói giống như mình nhốt con cá, con chim, con rắn, con chồn vào chung một chỗ. Khi mở nắp ra thì sao? Con cá nó nhảy xuống nước, chim bay về trời, rắn rít, chồn cáo thì chui về hang hố, lùm bụi. Thì Ngài nói sáu cái giác quan của mình nó luôn luôn trong tình trạng canh me vậy đó. 

Bây giờ nói ngồi thiền, nhắm mắt lại, nhưng mà lỗ tai mình có trong tình trạng sẵn sàng lắng nghe không? Nó canh cái gì "bùm" là nó nghe liền phải không? Lỗ mũi thì sao, có giống vậy không? Thấy hơi thở ra vô biết là ra vô, đã đã. Nhưng mấy "thằng quỷ" này nó luôn trong tình trạng tổng động viên. Đúng không cái đã? Thấy vậy đó, thấy hành thiền ghê gớm, thực ra "đứa nào" nó cũng đang trong tình trạng chầu chực hết. Trong một ngày như vậy mình sống bằng thức rất là nhiều. 

Khi mình tu Tứ Niệm Xứ, cái chuyện "tụi nó" lăng xăng bớt đi.

II/ Sống bằng Tưởng

Thứ hai, sống bằng Tưởng. Tưởng ở đây có hồi ức, kiến thức và kinh nghiệm. Hôm qua tôi nói rồi, cái dùi chuông bằng gỗ, hình lăng trụ,mình nhìn mình biết, mấy cái đó đều là kiến thức, hồi ức và kinh nghiệm.

Trong tưởng có ba, đó là 
  1. dục tưởng, 
  2. thiền tưởng và 
  3. quán tưởng. 
A/ Dục tưởng là gì? 

Đó là những kiến thức, hồi ức, kinh nghiệm mà nó liên hệ đến ngũ dục. 

Ngũ dục là những thứ mình thấy, nghe. 

Thí dụ như, mình nhìn cái nhà đó mình biết đó là kiến trúc của Tây Ban Nha, cái đó là dục tưởng. Mình nhìn là mình biết đó là đàn bà không phải đàn ông, đó là dục tưởng. Rồi mình biết đây là đồ ăn của Mễ, mình biết đây là cái xe Nhật, Mình biết đây là phụ nữ, đây là người đẹp, đây là người xấu, biết đây là da trắng, đây là da đẹp, đây là da xấu, đây là bún riêu, đây là phở. Tất cả cái biết đó được gọi là dục tưởng. 

B/ Thiền Tưởng:

Cái thứ hai là thiền tưởng. Dục tưởng thì nó đa dạng, vô số hình thái. Khi mình không có hành thiền, thế giới này nó nhiều thứ lắm, đến mấy chục ngàn tỷ thứ: cây cỏ, đất đá, đàn ông, đàn bà, tùm lum hết. 

Còn người hành thiền thì thế giới này chỉ còn lại có mười thứ thôi: 
  1. xanh, vàng, đỏ, trắng, (4)
  2. đất, nước, lửa, gió, (4)
  3. hư không và ánh sáng. (2)
Vô lượng vũ trụ đối với họ chỉ còn có mười cái này thôi. Mình nhìn dòng nước chảy mình nói nước này là nước sông, nước này là nước suối, nước này nước đục, nước này nước trong, nước này nước chảy xiết, nước này nước lợ. 

Còn họ thì họ chỉ biết nước, nước, nước... học chỉ tập trung vào đó cái họ đắc thiền thôi. Nội cái nước thôi, mình không có tu thì nó rối biết bao nhiêu. Nói đến nước tôi còn nhớ đến một câu thơ hay vô cùng "Anh về cuối bến sông sâu. Bới tìm trong cát một câu gọi đò". Khi người xưa đi lấy chồng, ảnh quay lại cái làng xưa, ảnh nhớ hồi xưa cái chỗ này nè, nhà bả bên kia sông, bả hay gọi đò bả đi, sáng sáng bả lái đò bả đi. 

Dục tưởng kinh khủng không? Chỉ vì một bến sông, một bờ cát nó lớn chuyện như vậy. "Anh về cuối bến sông sâu. Bới tìm trong cát một câu gọi đò", 
"Giá như hôm ấy đừng mưa. Giá như hôm ấy đừng đưa em về". 

Những cái lúc chúc, lúc chúc, một cái mái hiên mà đánh động trong đầu ảnh bao nhiêu thứ. Thứ không có tu nó như vậy đó. Còn đối với hành giả thì không. Nước chỉ là nước mà thôi. That's it, no more. Mình không có tu mình nhìn bụi lá mình nghĩ ra bao nhiều chuyện buồn vui, ký ức trong đó. Còn người hành giả họ nhìn cái bụi cây họ niệm xanh, xanh, xanh, xanh, lấy màu xanh làm đề mục tu thiền. 

Mà khi đắc thiền bằng đề mục màu xanh mình có nhiều khả năng. 
Thứ nhất, mình có thể tạo ra bóng tối như ý thích, 
mình có thể biến mọi thứ thành màu xanh như ý thích, 
có thể tạo ra hào quang màu xanh như ý thích. 

Còn mình, mình nhìn cái nhà màu trắng, cái áo màu trắng, cái quần màu trắng, cái bông màu trắng, mình nhìn đủ thứ, mình còn phân biệt. 

Còn đối với người hành thiền, quần trắng, áo trắng, bức tường trắng, cái gì đó không biết, đối với họ chỉ có một cái là trắng thôi. Họ cứ niệm trắng, trắng, trắng, trắng, họ tập trung trong đó. 

Khi họ đắc thiền rồi, người đắc thiền bằng đề mục màu trắng họ làm được những chuyện sau đây. 
  1. Một, họ có thể tạo ra ánh sáng. 
  2. Hai, có thể biến mọi thứ thành màu trắng như họ muốn.
  3.  Ba, người đó có khả năng đối phó với buồn ngủ rất là tốt. 
Khi hành giả buồn ngủ, hành giả có thể niệm đề mục ánh sáng hoặc đề mục màu trắng. 

Hỏi: Như vậy là Samatha phải không Sư? 

Trả lời: Yes, cái đó là thiền tưởng, nguyên cái Samatha là thiền tưởng. 

Khi mình chưa có tu thì chiếc xe màu trắng, cái quần màu trắng, bức tường màu trắng, cái áo màu trắng, cái kẹp, cái nơ màu trắng, cái bông màu trắng, tờ giấy màu trắng, bla bla bla... 

Nhưng người tu thiền thì không còn cái vụ chiếc xe, cái nhà... mà chỉ còn một cái là màu trắng thôi. Cái đó gọi là thiền tưởng. 

Còn mình không có tu thì nước sông, nước hồ, nước suối, nước biển, còn người tu thiền thì chỉ có nước thôi. Tại sao phải vậy, vì nó gọn như vậy họ mới tập trung được. Và khi họ có thể đắc thiền được rồi, họ có thể bằng cái tưởng tượng của họ, họ tạo ra nước ở chỗ không có nước và cái nước đó được tạo ra từ sự tưởng tượng luôn. Mà vì cái tưởng tượng của họ nó đến từ sự tập trung quá mạnh cho nên nó tạo ra nước thiệt. 

Còn mình, mình ngồi tưởng tượng nó không có ra vì mình còn bị sống trong cái dục tưởng, không có được cái thiền tưởng. 

Anh muốn làm được cái chuyện gì, anh phải có điều kiện tương ứng với công việc đó. 

Tôi kể các vị nghe một chuyện, có một anh lính trên đường về quê . Ảnh ghé lại nhà một bà cụ ngủ đêm. Ảnh hy vọng chắc người ta thấy lính, người ta cũng thương . Nghe nói người nông thôn người ta cũng rộng rãi lắm. Ảnh tính ngủ đêm ở đó, mai ảnh đi tiếp mà đêm ảnh đói quá, ảnh mới hỏi bà chủ: "Ở đây có gì ăn không bà?". Bả kẹo lắm "Trời, tôi ở nông thôn nghèo thấy bà, bộ không thấy sao?". Ảnh nhìn ảnh thấy bả có nhiều đồ ăn lắm mà bả kẹo, mà ảnh đói quá chịu không nổi. Trong cái ba lô của ảnh có cây búa, ảnh rửa cây búa thiệt sạch, ảnh nói: "Bà cho con mượn cái nồi". Bả hỏi "Để làm gì?" - "Để con nấu cái rìu này nè" - "Làm gì?" - "Đói bụng quá con nấu con ăn". Thì ảnh mới nấu nước sôi ảnh bỏ cái rìu vô. Xong rồi ảnh nếm: "Ngon quá! Cái này được chừng nắm gạo là được rồi". Bả nghe bả cũng tò mò, bả cho ảnh nắm gạo. "Bà cho con xin mấy con tôm khô được không?". Bả nói: "Được!". Bả ra đằng sau, "Bà có trồng hành lá không bà? Ngò rí cũng được" - "Có, ra hái đi". Bả cũng tò mò, ảnh nếm: "Con thấy hình như có cái hũ, tép mỡ phải không bà, con bỏ vô chút được không, máy hột thôi". Bả tò mò: "Được, được". Bỏ vô xong xuôi, "Cháu thì đi lính, đói chỉ có ăn cháo rìu thôi à". Nói xong ảnh rửa sạch cái rìu đem cất, "Thôi, mời bác làm với cháu một chén!". Bả húp, bả nói "Trời, bảy mươi mấy tuổi chưa bao giờ thấy rìu mà nó nấu ngon dữ tợn!". 

Bây giờ các vị hiểu chưa? Câu chuyện này nghĩa gì? Là muốn có nồi cháo thì không thể lấy cái nồi, cái rìu mà nấu nó ra. Cái rìu, cái nồi, cộng với nước nó có ra nồi cháo không? Cũng vậy, sống bằng dục tưởng thì ta không có làm được những cái chuyện mà thằng cha đắc thiền họ làm được. Thằng cha đắc thiền là chả có gạo, tôm khô, hành, bột nêm, ngò rí thì chả mới làm được nhiều chuyện. Còn mình, mình chỉ có dục tưởng thôi, mình chỉ có cái rìu với cái nồi, mình nấu cái gì? 

Cho nên mình nghe nói thần thông chỉ là tưởng tượng thôi, mình khoái . Mình ngồi mình tưởng tượng thôi thì nó ra cái gì? Mình tưởng tượng thì nó ra đến "tưởng voi" là cùng thôi. Mình nghe tưởng tượng rồi mình bắt chước mình tưởng tượng mà mình quên mình chỉ có cái rìu với cái nồi thôi thì mình tưởng cái gì? 

Ngay cả ông Albert Einstein ổng nói đôi lúc trong đời sống tưởng tưởng 'Imagination' nó quan trọng hơn Knowledge. Bởi vì kiến thức là đóng khung, còn tưởng tượng là 'Unlimit'. Nhưng mà người có thẩm quyền, có tư cách nói câu đó là ai? Là người họ đã giỏi sẵn rồi, nghệ sỹ thứ thiệt chẳng hạn như nhà thơ, nhà văn, nhạc sỹ hoặc là một nhà khoa học, thì cái tưởng tượng nó có thể ra được những cái mới xuất sắc. Còn mình dốt đặc, viết văn không nổi, làm thơ không nổi, viết nhạc không nổi, kiến thức khoa học thì không có đầy lá me, cứ nghe tưởng tượng hay rồi cứ ngồi tưởng tượng hoài, thì không ra cái gì hết. Nghe kịp không? 

Như anh chàng đó tự nhiên ảnh nổi hứng lên ảnh nói với vợ "Tự nhiên anh không muốn làm ruộng, anh muốn viết văn, muốn đọc sách!". Bả nghe bả cũng mừng, buôn gánh bán bưng ráng mua sách, mua mực về cho ổng học. Ổng đóng cửa ổng học. Mỗi ngày bả nấu ăn bả đưa qua cái lỗ cho ổng, bây giờ chàng nhập thất mà. Ba tháng sau, ổng mở cửa ra, bả mừng lắm, bả hỏi "Anh học được cái gì rồi?" - "Trước hết, anh phát hiện ra một điều là chữ in nó khác chữ viết". Bà vợ bả cũng buồn lắm nhưng mà thôi "Bây giờ anh muốn nữa không?" - "Được". Ảnh đóng cửa ba tháng nữa. Rồi ảnh mở cửa ra nữa, bả mừng lắm "Giờ sao, anh phát hiện ra gì?" - "Con người mà không có bàn chân đi nó sẽ bị lún". Ba tháng trời ảnh chỉ nghiên cứu được có hai điều. Ba tháng đầu là ảnh nghiên cứ được chữ in nó khác chữ viết. Ba tháng sau ảnh ngộ ra được một điều là con người đi không có bàn chân sẽ bị lún. 

Cái chuyện đó không phải là chuyện cười. Mà ý tôi muốn nói ở đây là khi cái vốn liếng của mình nó nghèo quá thì mình có mất thời gian cũng không đi về đâu hết. 

Không học giáo lý mà đòi tu thiền là tu cái gì. Chỉ có cái rìu và cái nồi mà đòi nấu cháo là nấu cái gì. Đến lớp này học là sao? Là để đi xin gạo nè, xin tôm khô, xin tép mỡ nè, cái lớp này nè. Chứ còn lúc quý vị bước vô, tôi thấy chỉ có cái rìu với cái nồi không làm sao mà nấu? 

Mỗi ngày gia đình hỏi đi đâu, nói: "Tôi đi xin gạo". Nhà không hiểu, kể chuyện này cho nhà nghe . "Từ đó giờ tôi muốn đi tu, tôi muốn nấu cháo, mà tôi chỉ có cái rìu với cái nồi không là nấu cái gì?". Cho nên mỗi lần đi nghe Pháp, đừng có nói đi nghe Pháp, nói đi nghe Pháp là bị ghét, nói đi xin gạo là cho đi. Thấy mình đi xin gạo nhiều quá, lâu lâu mình đổi nói hôm nay đi xin tôm khô, ngò rí, kiểu vậy đó. Khi nào ông Sư ổng đi rồi thì: "Bữa nay mình nấu cháo được rồi nè". Các vị nghe kịp không?

(còn tiếp)
(tt)Sư Toại Khanh giảng Nhất Thiết Lậu Hoặc (1) (3-4)

https://toaikhanh.com/videotext.php?vid=5hKyhHElUK8&abt=Nh%E1%BA%A5t+Thi%E1%BA%BFt+L%E1%BA%ADu+Ho%E1%BA%B7c+%281%29

Cho nên, mình sống bằng ba cái biết. Cái biết một là bằng thức, là các giác quan. Nếu mà có huệ căn các vị nhìn cái đó mới thấy trong ba cái đó, con thú nó có bao nhiêu cái giống mình? Con thú nó có sống bằng thức không? 

- "Dạ có". 

Trả lời vậy thì hơi đúng, đâu phải con nào cũng đủ sáu. Con nào càng thấp là nó càng thiếu. Như mấy con trùng nó chỉ còn có xúc giác không à, nó chỉ có nóng, lạnh thôi. Con người mình có một trăm tỷ nơ ron, nhưng con trùng nó chỉ có bảy nơ ron thôi (Nơ ron là tế bào não). 

Nhiều khi mình đi trên đường, bên Thụy Sĩ tôi đi bộ trên mấy triền đồi, nắng chang chang vậy đó . Gặp nó bò giữa đường, nó cố ý nó lựa cái đường dài để đi mới ghê chứ. Theo mình đoán là nó muốn vô trong đất, mà thay vì từ đây bò vô có hai tấc, mà nó không bò mà nó chọn cái quãng đường còn lại tới hai thước, ba thước để nó bò. Mà nếu như mình thì mình lủi vô kế bên thì gần biết bao nhiêu. Nó làm như nó không có thính giác, thị giác, khứu giác, nó chỉ có xúc giác thôi, chỉ có xúc giác thôi thì rất là ngắn hạn. Như con (...) thì còn thảm nữa. Các loài động vật cấp thấp, có con thì nó đủ sáu, có con thì nó chỉ có một, hai, ba, bốn thôi. Còn cái biết bằng tưởng, động vật cũng có nhưng mà đối với loài động vật cấp thấp thì cái hồi ức của nó khác mình đúng không? Tức là nó cũng có kinh nghiệm chứ, nhưng mà kinh nghiệm nó rất là ít, còn kiến thức là chắc không có rồi. Còn cái kinh nghiệm của nó thì nó biết là vô đó không được, vô đó là chết. Ví dụ như con rắn nó ghét mùi tỏi, mùi long não, vì những cái mùi đó là những loại hóa chất có hại cho sức khỏe của nó, có hại cho đường hô hấp của nó, cho nên nó không cần biết đó là cái gì mà nó nghe mùi long não là nó chịu không được. Hoặc là người ta nghĩ con rắn nó có lỗ tai mà thật ra nó không có thính giác. Nó thấy người ta múa là nó nhìn cái điệu thôi. Nhưng mà con rắn nó tấn công mình là bằng cái thân nhiệt. Nhưng mà vì xúc giác của con rắn nó rất là nhạy cho nên người ta có một cách chữa trị những chỗ nào nhiều rắn quá, lấy miếng giấy bạc, mình bóp bóp nó lại, xong rồi mình cột dây để cho nó quét trên nền xi măng, gió thổi là rắn nó không tới. Bởi vì nó bị rêm. Không phải nghe, âm thanh đó tác động nó bằng cái xúc giác. Hoặc là những loại như con dơi, mình thấy nó bay rất là nguy hiểm, nó bay cắm đầu vô vách đá, gần tới nó quay trở ra, đó chính là cái xúc giác của nó nhưng mà con dơi nó còn may mắn có thính giác. Người ta gọi cái khả năng đó là hồi thanh định vị. Là sao? Nó sắp va vào trong đá nó biết nó quay trở ra, mà cái hay của nó là nó quay ra kịp. Tùy mỗi loài mà có khả năng đặc biệt mà loài khác không có và những loài nó bị hạn chế, nó không có những cái mà loài khác có.

Nếu mà mình ngán vòng luân hồi, chúng sanh phải có ba cái này, ba cái này ở mỗi loài không giống nhau. 
  1. Cái thứ nhất là cái thức không giống nhau rồi. 
  2. Cái tưởng cũng hạn chế, cái tưởng của tiến sỹ với anh chàng không biết chữ có giống không? 
  3. Rồi đến cái thứ ba là khác, khỏi nói rồi, trí người này khác trí người kia.

Cho nên, trong A Tỳ Đàm nói tâm thiện có nhiều loại. 
  1. Tâm thiện mà thọ hỷ, có người là tâm thiện mà thọ xả. Có người làm thiện nó vui lắm, có người làm hờ hững, lững lờ đó là thiện mà xả. 
  2. Cái thiện thứ hai là thiện hợp trí và thiện ly trí. Làm thiện mà có hiểu biết nó khác, còn khi làm thiện mà nghe người ta rủ là làm thiện ly trí. Mà trong cái đám thiện hợp trí nó lại khác nhau. Người học giáo lý rõ ràng khác người không học giáo lý. 
  3. Cái thứ ba, có những tâm thiện bị tác động và những tâm thiện tự phát là hỗ trợ và vô trợ. Nghĩa là thấy việc cần làm là họ háo hức họ làm liền. Có người thì phải trải qua do dự, đắn đo. 
Mình làm thiện bằng tâm nào thì mai mốt mình hưởng cái quả tương đương với tâm đó. 

Có người sanh ra rất là giàu có mà chậm rì là do hồi xưa làm phước mà mắc cái tâm chậm. 
Còn có người sanh ra giàu có mà rất là thông minh, lý do hồi xưa làm phước mà có cái trí tuệ. 
Có người sanh ra giàu có mà cái trí nó chậm do hồi đó làm phước họ không có trí. Hoặc có người làm phước mà bị người ta xúi dục, hoặc là hồi xưa mình làm phước mà không hào hứng, háo hức thì sinh ra giàu có mà cái mặt lúc nào cũng buồn buồn, mỗi lần cười nhờ cái môi switch on, switch off vậy đó. 

Tôi đã gặp nhiều người không biết bị mất sổ gạo, hay bị táo bón mà cả đời cứ buồn buồn, không có vui, không có cười mà tiền rừng bạc biển. 

Còn có nhiều người nó nghèo như quỷ mà lúc nào nó cũng toe toét cười hết. 

Là do hồi xưa mình tạo nghiệp như thế nào, hôm nay mình làm cái con người nó tương ứng với hạnh nghiệp ngày xưa. Nhớ cái đó.

Đúng ra là giảng về bảy cái pháp đối phó với phiền não mà chưa gì hết, nhớ cái vụ tưởng hôm qua còn thiếu nên phải quay trở lại. 

Dục tưởng là những hồi ức, kiến thức, kinh nghiệm liên hệ tới năm dục. Thiền tưởng là của mấy thằng cha tu thiền. 

3/ Quán Tưởng:

Còn quán tưởng là gì? Là Tứ Niệm Xứ buổi đầu.

 Buổi đầu là gì? Muốn đắc Đạo là mình phải thấy được các pháp một cách rốt ráo. 

Thấy được rằng mọi hiện hữu là khổ. Ở đây không có vấn đề nam, nữ, đực, cái, trống, mái, nhà cửa, đất đai, kênh rạch, sông ngòi nữa, 

  1. chỉ thấy chung là mọi hiện hữu chỉ là danh và săc thôi, đều là khổ
  2. Cái thứ hai, thấy được mọi đam mê trong khổ đều là nguyên nhân sanh khổ. Lúc đắc Đạo mình thấy vậy đó. 
Nhưng trong lúc tu, mình phải nhờ vào những cái perception. Thí dụ như thở ra biết là thở ra, thở vào biết là thở vào, đang đi thì biết là đang đi. Cái giai đoạn đó được gọi là quán tưởng. Và chữ quán tưởng trong chỗ này thì nó mới có nghĩa như vậy. Mai mốt quý vị gặp chữ quán tưởng ở chỗ khác phải hiểu nghĩa khác.

26/07/2020 - 01:54 - hongha7711

Giống như trong tiếng Việt mình chữ "ba" nó có bao nhiêu nghĩa? 
  1. Một là số ba, 
  2. hai là cha của mình, 
  3. ba là sóng như phong ba là sóng gió, hoặc là ánh mắt thu ba. 
Biết ánh mắt thu ba không? (Ở đây ai cũng xấu hoắc không ai hiểu cái đó đâu!). Thu ba là ánh mắt nhìn như nó ướt ướt vậy, cái thứ mà mỗi lần gây lộn với nó, nó dùng mỹ nhân kế ánh mắt dỗi hờn, mắt thu ba là mắt buồn. 

Ba là sóng, có nghe cái đó không, trong nước không kêu là cái microwave mà kêu là lò vi ba hoặc là vi sóng, thì chữ sóng đó là ba. Hoặc là tôi có nghe âm ba là tiếng sóng, hoặc là phong ba là sóng gió. Ba là number three, là daddy, là wave. 

Từ "Năm" cũng có nhiều nghĩa là number five, year. 

Ở đây cũng vậy, chữ "Quán tưởng" cũng tùy cái mà hiểu, chứ đừng có đi đâu cũng móc cái chữ "Quán tưởng" này ra là chết. Như người ta nói "năm năm" mình dịch là "five five" thì kỳ lắm hoặc là "year year" thì cũng kỳ lắm.

Chữ "Quán tưởng" ở đây có nghĩa là buổi đầu tu Tứ Niệm Xứ mình phải dùng các khái niệm, giả lập. 

Hơi thở vốn dĩ không có, nó chỉ là gió thôi nhưng quá nhiều kiếp ở đời mình cứ quen có nhà cửa, đất đai, hơi ra, hơi vào, tùm lum hết. Chứ hồi mình đắc Đạo là mình không còn bị kẹt trong mấy khái niệm đó nữa. Gớm như vậy đó. 

Bởi vậy khi có tu Tứ Niệm Xứ quý vị mới hiểu đời sống của quý vị là chớp tắt, chớp tắt, chớp tắt. 

Vấn đề là quý vị 
  1. không có thấy cái thân này nó là khổ, 
  2. không có thấy cái tuổi già nó đáng ngại, 
  3. cái chết đáng ngại, sự sanh tử đáng ngại. 
Khi quý vị thấy ba cái đó không có đáng ngại thì quý vị thấy chuyện tu hành nó không có đáng quan tâm. Thấy nghe nói dạy học thì lết tới nghe cho vui vậy thôi. Gặp đồng hương nói dóc vậy .

Chứ còn thiệt sự mình có cái lòng bận tâm đến tuổi già, cái chết thì ngay bây giờ mình phải có học giáo lý, phải có hành trì. 

Tôi ước muốn là bà con làm sao cho có một cái nhóm tu học, mỗi một cuối tuần chị em hẹn nhau đâu đó ngồi thiền chung, rồi có bao nhiêu thắc mắc ghi xuống hết, gọi thẳng cho vị nào mình tin. Ví dụ chẳng hạn như mình tin thầy A, thầy B gì đó, gọi thẳng cho thầy nói chuyện qua video, nhưng mà không phải nghe vậy làm hoài, gom mấy cái thắc mắc lại làm một tuần nào đó, một là mời ông đó về, nếu không về thì mình liên lạc bằng cách đó. Ngồi thiền vậy đó, có gì thắc mắc cứ gom hết, chứ đừng có mà mở máy ra hỏi: "Ai có thắc mắc gì không?" - "Không, em không có thắc mắc!", tới hồi tắt máy xong "Em có thắc mắc!", là thua, phải ghi sẵn như vậy. Tôi nghĩ cách tu đó rất là hay, đó là sự gia trì cho đại chúng. 

Tu là tu tâm chứ không phải tu tướng, tại sao chúng ta phải cần đến thiền viện, tại sao chúng ta phải cần đến màu áo của hành giả? Ở đây mình không có ở trong thiền viện mình muốn mặc gì mình mặc .

Ởmột số thiền viện như Pa Auk, họ recommend mình nên mặc cái đồ bên đó, để chi? 
  1. Một là khi mình nhìn thấy màu áo đó lòng của mình nó chùng xuống. 
  2. Thứ hai, lỡ mình mặc bộ đồ đó lang thang ngoài chợ người ta dòm người ta biết, mình mà lăng xăng quá nó kì. 
  3. Thứ ba nữa, là đồ đó là đồ đơn giản, hễ mặc đồ thiền viện là mình không có quan tâm nó đẹp xấu, 
còn nếu cho mình mặc tự do thì mỗi lần sáng trước khi lên thiền đường, mình mở vali ra hôm nay màu tím hoa cà nha, mai màu chuối non, hôm nay lụa, mai cotton, mốt linen, trời ơi mất thời gian lắm! 

Còn đằng này, em mào em nấy nó đen xì à, khỏi lựa! Đó là lý do tại sao trong thiền viện bắt hành giả phải mặc một màu là vậy đó, tại vì nó xấu quắc, còn gì nữa đâu mà lựa "We have no choice". Còn đằng này cho mấy em mặc tự do là chết luôn. 

Có mấy người quen của tôi bên Châu Âu họ đi qua Miến Điện, có đi tu thiền, mà qua tới nơi đi may đồ không à. Thấy người Miến Điện mặc xà rông đẹp, cứ thiền một bửa hai bửa ráng ra ngoải mua lụa về may. Tôi nói "Cô không phải tu Vipassana mà tu Vipasxarong". Người ta thiền Kasina, còn bả thiền Casino. Nhưng đồ Miến Điện đẹp lắm quý vị, người Miến Điện họ không có se sua, nhưng đồ quốc phục Miến Điện đẹp lắm, mặc rất là nữ tính, rất là gợi cảm, phải nói cái đó, thu thúc cỡ nào cũng thấy nó đẹp. Nó đơn giản, đồ cotton, đồ lụa bên đó nó nhiều lắm, nó rẻ mạt, thích lắm. Một phần tôi biết nó đẹp vì họ mặc về họ xoay xoay người cho tôi coi, họ hỏi mà! ("Họ là ai vậy thưa Sư?" Hỏi làm chi, cái đó nó không nằm trong đề mục. Cô đã đi ra ngoài cảnh giới của chánh niệm)

...

29/07/2020 - 02:30 - hongha7711

III/ Sống bằng Trí:

Vậy là xong chữ Tưởng nha, còn chữ Trí hôm qua mình giải thích rồi. 

Trí gồm có văn, tư, tu. 
  1. Văn là cái biết nó có được từ chuyện mình nghe, đọc, học từ người khác. 
  2. Tư là những gì mình gặm nhấm, thấm thía, tiêu hóa từ những gì mình nghe, mình đọc. 
  3. Còn tu là sự trãi nghiệm qua hành trì, tức là phải ngồi tập trung tư tưởng, ngồi với chánh niệm, ngồi với định thì cái đó mới được gọi là trí tu. 
Sẵn đây tôi nói luôn, có những cái biết mà kiến thức không thể đem lại mà chỉ có sự trãi nghiệm, hành trì mới đem lại, chứ đừng nghĩ rằng đi học nhiều là chắc cái gì cũng biết, sai. Có những cái biết mà anh phải thực chứng, phải trãi nghiệm nó. Tôi ví dụ, như cà phê, anh không thể anh đọc một ngàn trang sách để biết mùi cà phê nó ra làm sao, anh làm ơn anh pha dùm tôi một ly thì anh biết ngay. Các vị tưởng xe nào cũng như xe nào, nhưng thực ra ngồi trong Hummer nó không giống như ngồi trong Mercedes, và Mercedes nó không giống Lexus, cái xe Mỹ nó êm gì thì êm nó cũng khác cái xe của Nhật, nó ngộ lắm. Xe Mercedes ngồi không giống như Lexus, Lexus ngồi không giống như Mercedes và Mercedes nó không giống như ngồi trong xe của tôi vì xe của tôi nó rớt cái hiệu, tôi không biết nó hiệu gì. Mà xe tôi được cái là cái gì cũng kêu trừ cái kèn. Mình ngồi ở trong cái xe thấy chiếc nào cũng như chiếc nào hết nhưng mà phải ngồi trong đó mới trãi nghiệm được. Cũng như xe Jeep Wrangler mình thấy cái xe mà cái thùng nó bằng kim loại với kính nó khác cái xe bằng vải bố với miếng plastic, ngồi ở trong đó nó khác. Tại sao tôi phải đem một đống xe ra để tôi nói? Nghĩa là có những thứ anh không thể dùng kiến thức được mà anh phải trãi nghiệm nó. 

Ở đây cũng vậy, 
- trí văn là những gì ta học, ta đọc, ta nghe được từ người khác. 
- Còn trí tư là những gì ta gặm nhấm, thấm thía với riêng mình trên cơ sở của trí văn. 
- Còn trí tu là sự trãi nghiệm bằng hai công phu sau đây. 
  1. Một, là tập trung tư tưởng. 
  2. Hai, là chánh niệm. 
Trí tu là dựa trên concentration hoặc là mindfulness. Be mindfulness. Be mindful even your mind is full. Nghĩa là hãy tập trung tư tưởng, dầu cái đầu mình có đầy ắp hãy luôn luôn sống trong sự tỉnh thức, làm gì biết nấy. Có nhiều người họ định nghĩa chánh niệm là gì, đọc nhiều sách mà mỗi sách quan điểm nói về chánh niệm khác nhau. Các vị nhớ dùm cái đơn giản. 

Chánh niệm là gì? Cái nắm cửa nó bị dơ, từ xa mình nhìn là mình thấy nó dơ rồi, khi mà mình đưa cái tay ra mình vặn, mình có chút cẩn thận đúng không? Thì cái đó gọi là chánh niệm. Hoặc là mình đi chân không trên cái nền nhà, thì có người nói "hồi nãy mới bể cái ly đó nha!", thì cái sự cẩn thận đó được gọi là chánh niệm. Khi mình đi băng qua lộ, mình nhìn trái nhìn phải, băng qua với sự cẩn thận thì đó gọi là sự chánh niệm. Thì mình làm việc gì cũng trong chánh niệm. Chánh niệm không phải là lo âu nha mà là sự cẩn thận. Chứ còn nói chánh niệm là ghi nhớ, biết mình, tôi nhức đầu lắm. 

Phải hiểu chánh niệm là như vậy, có nghĩa là làm việc trong cái sự tỉnh táo, ghi nhận điều đó mình đang làm cái gì, thận trọng. Giở chân lên, để chân xuống, biết. Mà mình mới nghe mình tưởng là phải chậm. 

Không, cứ sinh hoạt bình thường nhưng biết là mình đang đi. 

Bây giờ tôi cầm cây viết lên tôi biết tôi đang nhìn, để xuống tôi biết tôi đang để xuống. 

Tập riết nó quen, chứ còn người ta nói bằng trời mình không tập mình không có hiểu. 

Tùy vào cái niệm mình nó có bén, cái niệm nó bén thì mình ghi nhận được nhiều, nếu nó không thì ghi nhận ít thôi . 

Mình nhìn cái này mình thấy thích thì biết đó làm tâm tham vậy thôi. 

Còn không thì khi tôi cầm lên, lúc đó có cái chánh niệm nó hỏi "có cần không?", thì thằng kia nó nói không cần thì thôi đừng có cầm lên nữa. Đó là cách một. 

Còn cách hai, vừa nhìn biết là nhìn, thích biết là thích, muốn cầm biết là muốn cầm, cầm lên biết là cầm lên, nhìn biết là nhìn, để xuống biết là để xuống. Đó là cách. 

Nói chung là, tha hồ anh muốn làm sao anh làm nhưng anh phải luôn luôn bảo đảm với tôi là chánh niệm. 

Và tôi nói thiệt rõ một chuyện nữa, bằng tâm từ bi, là quý vị có tin tôi thì hãy thử sống chánh niệm một ngày đi nó an lạc lạ lùng lắm, rất là an lạc. 

Cứ học Đạo hoài mà không có một ngày sống chánh niệm. 

Mà nhớ cái này rất là quan trọng, chánh niệm chỉ là chánh niệm, ở đây không có "Tôi đang tu chánh niệm". Nhớ nha. 

Và tôi nhắc lại một ngàn lần, quý vị có đắc A La Hán thì cũng không có cái gì để quý vị tự hào hết, bởi vì mình bị bệnh thì bây giờ mình hết bệnh thôi, chứ đừng có bao giờ lén lén nghĩ rằng mình hay hơn cái bà khác: mình giỏi, mình chánh niệm, mình trí tuệ. Không. Nhớ cái đó. 

Chánh niệm yếu tôi không sợ mà tôi sợ tu bằng cái tâm niệm "Tôi tu", cái đó nó cản dữ lắm. Bởi vì khi mình bỏ được "cái tôi" thì mình mới đi xa được. 

Mà hễ Ba La Mật yếu thì nghe không có hiểu cái đó, mắc gì phải "Tôi" hoài, mình có cái khỉ gì đâu, mình là một đống phân mà cứ "Tôi" hoài, không có cái gì hay hết. 

Bây giờ nó đau quá thì mình biết cái khổ nó đang có mặt. Bây giờ đang ngồi gió mát thổi thoải mái thì mình biết sự thoải mái đang có mặt. Vậy thôi. 

Bắt đầu tập trung theo dõi hơi thở tiếp, ra biết ra, vào biết vào, đang theo dõi như vậy cái nó có sự khó chịu, mình biết đang có sự khó chịu vậy thôi. 

Ở đây, không có ai tu hết, chỉ có chánh niệm, chỉ có tham, sân, si nó làm việc với nhau thôi. 

Mà nói vậy cũng không hiểu, cứ lén lén nghĩ là "Tôi hay", ngộ lắm. Tại sao tôi biết cái đó, vì khi nói chuyện tôi mới biết, họ khoe, họ nói "Lúc này Sư biết không, nó hoan hỷ lắm Sư!". Họ tính chia sẻ cho mình, nhưng mình hiểu ngầm là họ muốn khoe, không lẽ giờ tôi nói vô mặt "Cô ơi, một đống phân mà khoe cái gì!". Mà cứ mở miệng ra, mình thấy họ nhép môi là muốn nổ rồi.

31/07/2020 - 09:11 - hongha7711

Mà ngộ lắm, bên Thụy Sĩ có một cô, cũng mấy chục năm biết Đạo đó mà không bỏ được cái đó. Nhiều khi tôi nói nặng "Mình chỉ là đống phân", bả lại hãnh diện khi bả thấy mình là đống phân, bả hãnh diện rằng bả là người hiểu lý vô ngã. 

Cũng giống như có thằng ăn trộm, nó ăn trộm riết mà có lần nó ăn trộm khiến người ta phải nhảy lầu, cuối cùng nhà chức trách phải bắt nó đi treo cổ thôi, tội nặng quá mà nó không có sửa chữa được. Cuối cùng, lúc nó chết nó xin đọc một bài thơ trước lúc chết. Nó lại đọc bài thơ của ông Xuân Diệu, người ta nói "Đây là thơ của Xuân Diệu mà!", nó nói "Không, đây là vụ ăn cắp cuối cùng của tôi". Đến nỗi mà lúc sắp treo rồi mà nó còn ăn cắp một lần nữa. Nó muốn đọc một bài thơ nó làm trong tù, làm trong thời gian nó bị nhốt, người ta nói "Thôi, lần cuối rồi để cho nó ngâm, nó đọc đi". Nó đọc "Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói. Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì" - "Thơ của Xuân Diệu rồi cha" - "Đây là vụ trộm cuối cùng!". 

Có nghĩa là khi mình chấp nhiều quá, tới hồi Phật kêu mình tu mình quán vô ngã rồi mà vẫn vác cái cục đó theo "Ở đây không ai hiểu lý vô ngã bằng TÔI". Qúy vị nghĩ có động trời không? "Và ở đây không ai được như TÔI, khi TÔI hiểu được rằng TÔI là đống phân. Quý vị ngu lắm, quý vị không có hiểu được như TÔI". Quý vị hiểu tôi nói gì không? Có nghĩa là đến cái chuyện mình thấy mình là đống phân mình tiếp tục tự hào nữa, mà tự hào khi biết người khác không hiểu có mình mình hiểu, quý vị coi đã không? 

Ba La Mật nó thiếu nó đủ thứ chuyện hết. Ba La Mật thiếu là vào thiền đường hạnh hoẹ với nhau từng cây chổi. 

Tôi nói trước cho biết sẽ gặp, sáng tới giờ chấp tác, mình nhìn từ xa mình thấy cây chổi đó mình ưng ý, ai ngờ bà Nga bả vớt trước, bực. Dễ sợ không? Tức là đi quét chùa đó, từ xa mình đã nhắm cây chổi đó rồi, mà bà Nga bả lự bả vớt trước là thấy ghét rồi, là tôi đã bặc bà Nga rồi, tới hồi trưa vô an cơm, ăn buffet, từ xa mình thấy cái chén mẻ ngay cái thứ ba "Không có lấy nha", bà Loan bả vô bả lượm ngay cái chén nguyên để cái chén mẻ lại. 

Người Ba La Mật yếu chỉ có cây chổi với cái chén mẻ là đã bực rồi. Trong khi nếu mình chánh niệm, mẻ hay không mẻ nó "the same". 

Trong khi tôi chỉ tức ở chỗ tại sao hồi nãy cái chén mẻ cô không lấy cô để tôi lấy? Quý vị hiểu không? Tức chứ. Mà cái chén mẻ hồi nãy là đáng lẽ đến bả lấy, mà bả nghĩ sao bả lại rút cái chén mẻ lên bả lấy chén nguyên, vì cái đó tôi mới giận. Thực ra cái chén mẻ không có gì mà tâm mình mẻ mới mệt. 

Cho nên nhìn cái tính nhẫn, tâm niệm rằng thà để chén mẻ đừng để tâm mẻ, đừng để niệm bị mẻ. Còn cây chổi để quét cho sạch mà chưa gì mình dơ trước rồi, phải tâm niệm như vậy. 

Mà quý vị không có tin . Ở đây ai cũng nhà cao cửa rộng, quý vị nói: "Ai mà hèn dữ vậy sư?", đi vô đó tự nhiên nó kỳ lắm . Vô đó tự nhiên nó lòi cái hèn ra. Nó giống như tù, quý vị biết không? Mình ở nhà mình không có biết mình hèn, mình tồi đến mức đó . Đến hồi vô tù nó thiếu. 

Quý vị biết những ông sĩ quan ở tù ổng kể . Chỉ cần một điếu thuốc thôi nó mới lòi ra cái đê hèn của một ông sĩ quan cao cấp . Chỉ vì một cục đường tán thôi. Quý vị có hiểu tôi nói không? Cho nên quý vị nói với tôi quý vị là Tú Tài Toàn Phần, là Võ Bị Đà Lạt, là Thiếu Tá Tâm Lý Chiến, là Hải Quân, Không Quân, tôi lạy mấy bố, nhốt mấy bố vô trong đó mới lòi ra.
 
  1. Thiền viện là một, 
  2. ký túc xá sinh viên, 
  3. trại lính, tù,
đây là những cái cơ hội để người ta xì ra, lòi ra mấy cái khó ngửi, tại vô trong đó nó thiếu tùm lum hết. 

Cho nên ở Kalama tôi phải làm thêm như Spa, Bowling cho bà con, cho nó bớt thiếu, chứ nó thiếu nó lòi tùm lum hết. Thiền viện mà, ăn uống rất là đơn giản, có nhiều khi một tuần như vậy thèm ngọt .

01/08/2020 - 01:01 - hongha7711

(còn tiếp)
(tt và hết)Sư Toại Khanh giảng Nhất Thiết Lậu Hoặc (1) (4-4)

https://toaikhanh.com/videotext.php?vid=5hKyhHElUK8&abt=Nh%E1%BA%A5t+Thi%E1%BA%BFt+L%E1%BA%ADu+Ho%E1%BA%B7c+%281%29

01/08/2020 - 01:01 - hongha7711

Tại thiền viện làm gì có desert, lâu lâu người ta thương người ta cho nguyên một rổ chuối héo queo hoặc là méo xẹo, ráng ăn, không có thì thôi. Cái đó đối với Miến Điện thôi, chứ bà con về cũng phải kiếm cái gì đó cho bà con ăn đơn giản, sáng mình ăn cháo trắng, chiều mình uống sâm hay yến gì đó.


Bây giờ tôi quay trở lại với vụ diệt trừ phiền não


Diệt trừ phiền não, 
  1. trường hợp một là tránh né, 
  2. trường hợp hai là chịu đựng.
  3. lìa bỏ 3 tà tư duy: dục tư duy, sân tư duy, hại tư duy.

Tránh né những đối đầu không cần thiết. Cái thứ hai là chịu đựng những gì không thể tránh được bằng sự nhận thức chứ không phải bằng sự gồng mình vô tri. 

Cái thứ ba là dứt khoát lìa bỏ đối với ba cái tà tư duy. 

Ba cái tà tư duy là gì? 
  1. Một là, dục tư duy, là thích thú, đam mê trong năm dục. 
  2. Sân tư duy là sự bất mãn trong năm dục. 
  3. Hại tư duy là cái ý niệm đập phá, hủy diệt, xóa sổ người hay là vật. 
Cách giải quyết bằng cách là mình nhìn thẳng vào nó. 

Học bài này xong quý vị mới hiểu là không phải lúc nào mình cũng gồng, mà có lúc mình phải nhìn thẳng vào nó. Là sao? 

Trong tiếng Phạn gọi là (Pali) có nghĩa là gì? 

Khi mà một cái gì đó xảy đến cho mình, 
  1. mình phải biết từ đâu nó đến và 
  2. bản chất của nó là cái gì. 
Như bữa hổm mình có học về cái khổ, cái lạc đó có nhớ không? Tôi nghĩ bài giảng đó rất quan trọng, bà con về nghe lại. 

Ngày ta chưa biết Đạo ta không có nghĩ rằng hai chữ 'Hạnh phúc' và 'Đau khổ' mình hiểu nó cạn như vậy. 

  1. Hạnh phúc là gì? Là có được cái mình thích. 
  2. Đau khổ là sự chịu đựng cái mình ghét. 
Mà tại sao có cái thích và ghét? Tại vì 
  1. tiền nghiệp, 
  2. khuynh hướng tâm lý và 
  3. môi trường sống 
mà ta có thích ghét. 

  1. Do tiền nghiệp nó đưa tôi làm người Miên cho nên tôi có những cái thích không giống người Do Thái. Do tiền nghiệp nó bắt tôi phải mang thân nữ cho nên tôi có những cái thích mà nam không có. Đó là tiền nghiệp. 
  2. Thứ hai là khuynh hướng tâm lý. Cũng đều là hai người đàn bà Thái Lan, nhưng mà một bà thích ăn ngon, một bà thích mặc đẹp, một bà thích nữ trang, một bà thích đi du lịch, một bà thích quyền lực, một bà thích tình cảm nam nữ. 
Thứ nhất là tiền nghiệp nó mới đẩy mình vô xứ Thái Lan, nhưng chừng đó có khiến mình khác nhau chưa? Chưa. 

Nó đẩy mình vô làm dân Thái Lan nó mới làm mình khác dân Lào, Campuchia, Do Thái, Nhật thôi, nhưng mà giữa Thái Lan với nhau mình tiếp tục khác nữa, nãy tôi kể bốn bà ăn ngon, mặc đẹp, nữ trang, du lịch, có bà cả đời chỉ có tình cảm thôi. Tôi nói quý vị thấy kỳ mà phải chứng minh. 

Một người ở Florida, tiền không màng, quyền không màng, du lịch không màng, nữ trang không màng, chỉ màng tình cảm thôi. Có nghĩa trước khi lấy chồng có tám chục cuộc tình, khi có chồng tiếp tục lăng nhăng, chồng buồn chồng tự sát, trong thời gian mả chồng chưa xanh cỏ thì bả lại tiếp tục nuôi một ông khác. Họ chỉ cần nhiêu đó thôi, chỉ cần luôn luôn cuộc đời họ có vòng tay lạ thôi, họ chỉ thích chừng đó thôi. 

Còn có người không có gì bằng mấy cái cục sáng sáng đeo trên tay hết, càng nặng càng khoái.

Còn có bà là chỉ mê xe thôi, đổi xe như người ta thay áo. 

Còn ở Florida tôi có biết một cô cổ chỉ mê túi xách thôi, có thể là Levis, Witchy, cái túi dưới 2000 bả cầm bị ngứa tay, bả cầm như một sự sỉ nhục cái bàn tay bả vậy, dưới 2000 bả cầm bả thấy nhục, trong khi bả thiếu thốn đủ thứ hết mà cái túi bả cầm là phải sang. 

Ông Warren Buffett ổng nói là "Thà đeo cái túi 10 đồng mà trong túi có 290 đô la. Chứ đừng có đeo cái túi 300 đô la mà trong đó không có cái gì". 

Có nhiều người họ khoái đeo cái túi 300 mà trong đó không có gì. Vì sao? 

Vì khuynh hướng tâm lý. 

Cho nên 
  1. cái thứ nhất là tiền nghiệp, 
  2. thứ hai là khuynh hướng tâm lý.
  3. Cái thứ ba là mô trường sống. 
Đều là người Thái Lan hết, ngay trong mảnh đất Thái Lan đó, ngay trong phường, ấp, xã, quận đó, chúng ta lại có khuynh hướng tâm lý khác nhau. 

Nhưng mà môi trường sống là gì? Một bà má bả là bác sĩ, một bà má bả là tiểu thương, một bà má bả là lao động tự do. Trí thức, tiểu thương, lao động tự do là mình thấy ba cái môi trường khác nhau. Rồi chưa hết, trong mỗi bà có bà thích sống gần bà chị, thích sống gần ông anh, ông anh của bà này thích đua xe, ông anh của bà kia thích chích hút. 

Như vậy, trong ba cái tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý và môi trường sống, chính ba cái này nó mới làm cho You thích cái này ghét cái kia mà cái You thích hay You ghét nó khác tôi. 

Đồng ý không? 

Chính vì cái chỗ thích ghét không giống nhau nên cái hạnh phúc và đau khổ của mình không có giống nhau. 

Có những cái tôi được tôi không có thích mà ổng được ổng rất là khoái bởi cái đó là cái ổng thích. Còn có cái ổng gặp ổng rất là ghét mà tôi lại rất là khoái vì đó là cái tôi thích. 

Cho nên khi mình học Đạo mình phải nhớ rằng thế giới này chỉ có hạnh phúc và đau khổ. Mọi người trốn khổ tìm vui. 

Nhưng suy cho cùng bản chất của buồn vui ấy rất là buồn cười, rất là trẻ con. Vì sao? 

Vì buồn vui, sướng khổ nó đến từ cái chuyện thích và ghét. Có được cái thích thì hạnh phúc mà chịu đựng cái ghét thì đau khổ. Mà thích và ghét nó đến từ ba cái nguồn mà nãy giờ tôi nói đó. 

Khi mà hành giả hiểu được như vậy thì được gọi là giải quyết phiền não bằng sự quan sát. Khi hiểu vấn đề tự nhiên nó hết. 

Có nhiều chuyện mình phải giải quyết bằng hiểu nó chứ không thể nào chịu đựng nó. 

Các vị có đồng ý cái đó không? Thí dụ như bây giờ mình nghe nói chồng mình đang ngồi ngoài quán với một người đàn bà thiệt là đẹp, mình thấy ghen. Rồi mình nhớ lời Phật, mình vô mình gồng ngồi thiền, mình nói là "quên thì chuyện đó sẽ không có", ngồi gồng "Coi như là cái duyên nợ ổng và mình tới đây là hết rồi. Thôi kệ! Ổng đã lẳng lơ nhiều năm, mình biết chứ không phải không biết, bây giờ mình tha thứ cho ổng, mình ngồi thiền". 

Quý vị nghĩ ngồi nổi không?

Trong khi mình chạy ra ngoài kia mình tìm hiểu biết bà kia là em họ của ổng ở Việt Nam mới qua là mình hết à. Hiểu không? Mình biết rõ bà kia là ai là nó hết. Còn tự nhiên ở nhà gồng mình, dùng Phật pháp, dùng không nổi đâu. Cái đó giải quyết không nổi đâu, quý vị chưa đủ năng lượng để làm chuyện đó đâu, nha. Trong khi mình chạy ra mình dòm mặt bả một cái "Ồ, đây là em của ổng", xong. Nó ở Việt Nam nó mới qua, nó qua không có báo cho ổng biết, nó nghĩ không có gặp ổng. Ai ngờ gặp, hai anh em dắt nhau đi vô ăn cơm tấm. Chỉ vậy thôi, mà nhỏ bạn từ xa nó thấy tóc dài, mềm, tùm lum, mới gọi phone, mình nhớ lời ông Sư ổng kêu mình ngồi thiền, đốt nhà luôn. 

Cho nên có những lúc chúng ta không thể giải quyết bằng cách gồng mình mà phải đối diện tìm hiểu nó. 

Thí dụ, mình nhức răng mình phải đi nha sỹ hay là mình gồng? "Đi nha sỹ". Trả lời nhớ nha, đừng có chối "nhức răng phải đi nha sỹ". Khi đi nha sỹ, họ cho mình biết là bữa nay nó sưng quá không nhổ được, họ mới cho mình thuốc giảm đau, thuốc ngậm, thuốc súc miệng. Nhưng mà họ cho xong nó có hết liền không? Như vậy lúc trở về mình nên chịu đựng đúng không? 

Như vậy hồi sáng trước khi đi nha sỹ mình không nên ngồi chịu đựng mà nên chạy đi nha sỹ, nhưng mà khi đi nha sỹ họ nói cho mình nghe hết rồi thì cái chuyện tiếp theo là phải gồng.

Hồi sáng không được gồng, hồi sáng gồng là sai, bởi vì hồi sáng mình không có biết nó sưng như cái mỏ chó thế này thì bắt buộc mình phải đi nha sỹ. Nhưng mà mình đã đi rồi thì cái bước tiếp theo là phải gồng, chờ thuốc nó thấm để làm giảm cái sưng này, rồi ổng mới này nọ là cái chuyện của ổng, ổng nhổ, ổng cạy, là chuyện của ổng. Nhưng mà hồi sáng mình không được gồng. Hồi sáng phải đi giải quyết với nha sỹ nhưng mình đã gặp nha sỹ rồi, đã cạn lời với mình rồi, mình ôm một bụm thuốc về là bây giờ tới chiêu gồng. Gồng bây giờ tôi đồng ý. 

Hồi sáng mà chưa đi nha sỹ, nói "Thôi, tu là phải chịu" là tôi điên lên đó. Hiểu không? 

Tu là phải xài cái đầu. Phật không phải là lực sỹ mà dạy mình gồng. Phật là bậc đại giác, dạy mình xài cái đầu, cái đầu không phải để đội nón. Cho nên có những trường hợp mình phải giải quyết phiền não bằng cách quan sát, trực diện nó.

Tiếp theo, có những phiền não mình phải giải quyết bằng cách là (cái này nghe chắc khoái dữ lắm) phải chiều nó, phải thỏa mãn nó. Có không? 
Không hiểu. Ai nói gì? Tôi nghe hay quá. 


Người Việt mình hễ nói xấu người ta thì dám, mà cái gì hay không dám nói... Tức là hễ nói đúng thì nhát, mà chửi cha người ta thì chửi. 

Tôi gặp Phật tử loại này nhiều lắm, lúc giận chùa, giận chư Tăng, chửi như là chửi con vậy đó. Tới hồi vô học Đạo, học Pháp cứ lấm lét lấm lét à, "Con run lắm con sợ hỏi Sư la.", mà tới hồi nó giận nó chửi ông Sư không còn cái gì hết. Người Việt mình rất là lạ. 

Theo như tôi biết Âu Mỹ nó không có vậy, khi họ giận họ không có chửi tùm lum, nhưng khi họ cần hỏi cái gì là họ giáp mặt họ hỏi, không có ngại. Còn mình thì lúc học Đạo thì nhút nhát, e thẹn, tùm lum. Tới hồi chửi nó chửi đã, chống nạnh, xăn tay áo "Sư cha nhà mi dám ghẹo chọc bà!". 

Trong khi đó học Đạo thì nhút nhát tùm lum. 

Có trường hợp mình giải quyết phiền não bằng cách mình chiều nó. Bây giờ nó đói bụng thì mình phải ăn. Khi mình lạnh quá thì mình có bị phiền não không? Thì mình phải mặc áo. Mình khát nước quá, mình muốn đi tiểu quá, lúc đó có phiền não không? Mình có cần giải quyết không? Lúc đó mình giải quyết bằng cách là mình chiều nó. Nhưng mà không phải cái nào muốn cũng chiều. Nghe hiểu không? Chứ không phải học tầm bậy mai mốt nói ông Sư nói cứ gặp phiền não là chiều, là chết luôn. Thua.

Có nghĩa là có trường hợp mình giải quyết bằng cách là mình phải suy nghĩ nó từ đâu đến và giải quyết ngay tận gốc bằng cách là có nhiều khi phải theo nó. Bởi vì đói quá cũng là một thứ phiền não đúng không? Khát nước là phiền não, muốn đi toilet cũng là một thứ phiền não, những lúc đó bắt buộc mình phải chiều. Chứ kham nhẫn, ngồi thiền định là đi giặt đồ đã luôn. Hiểu hả? 


Tôi ớn cái vụ mà tu lộn, tức là chỉ biết một, hai pháp môn bỏ túi, cứ đụng chuyện gì cũng gồng. Hồi sáng tôi nghe bả ăn xoài sống với mắm đường. Giờ bả ngồi thiền mà bả bặm môi là tôi thấy run rồi đó.

-Hết-



Mục Lục các Bài Giảng
Sư Toại Khanh giảng Nhất Thiết Lậu Hoặc (2) (1-1)

https://toaikhanh.com/videotext.php?vid=...7c+%282%29

01/08/2020 - 02:21 - hongha7711

Bây giờ tôi muốn nói qua chuyện khác, cái chuyện này tôi đã nói rồi mà tôi chưa nói kỹ, bây giờ tôi nói kỹ. 


Tùy thuộc vào ba thứ sau đây:
  1. Tiền nghiệp, 
  2. khuynh hướng tâm lý và 
  3. môi trường sống (số 3). 
Trong suốt vòng luân hồi thì mỗi kiếp mình sanh ra có con "số 3" khác nhau. "Số 3" của kiếp A nó không giống kiếp B. Cứ như vậy mà kiếp nào sanh ra cũng có 3, 3, 3... đến khi gặp Phật ra đời thì lại là con "số 3" nữa. 

Lúc mình gặp Phật ra đời mình có đắc hay không là do con "số 3" của kiếp này. Tức là: 
  1. tiền nghiệp của kiếp này là cái gì, 
  2. khuynh hướng tâm lý của kiếp này là cái gì và 
  3. môi trường sống của kiếp này là cái gì. 
Thí dụ như ông Đề-bà-đạt-đa nhớ không? Có thấy số 3 ổng kỳ cục không? 

  1. Tiền nghiệp ổng quá tốt rồi, ổng được làm hoàng tử , đắc thiền tùm lum, thần thông. 
  2. Nhưng khuynh hướng tâm lý của ổng hình như có vấn đề. 
  3. Trong khi cái môi trường sống của ổng quá tuyệt vời. Ở đây có ai dám nói không tuyệt vời không, chứ tôi không dám, the best one luôn. 
Nhưng xui ở chỗ là ổng bị vướng cái này (khuynh hướng tâm lý) nặng quá. Bây giờ nói đến Đề-bà-đạt-đa quý vị mới thấy run. Thấy chưa?

Như vậy mỗi kiếp sanh ra mình đều có con số 3 hết nhưng khi mình gặp Phật, Phật pháp, giờ mình không gặp Phật nhưng gặp Phật pháp, vấn đề của quý vị bây giờ là con số 3 của các vị ra sao thì trời biết. 


Chính vì con số 3 đó nó mới dẫn đến sáu cái này. Đó là 
  1. dục tánh, 
  2. nộ tánh, 
  3. độn tánh, 
  4. đãng tánh, 
  5. mộ tánh, 
  6. ngộ tánh.

Dục tánh là gì? là thích đủ thứ, thích cái này, thích cái kia, cái người nặng về thích thì gọi là dục tánh. 


Còn nộ tánh là người thường xuyên bất mãn, không bao giờ hài lòng với cái gì hết, có loại người này không ta? Suốt ngày làm như bị táo bón, cứ bực mình, bực mình, bực mình. 

Còn cái hạng thứ ba là độn tánh, cực kỳ chậm, nói không hiểu, còn tệ hơn là độn mì nữa. Biết độn mì không? Giai đoạn ăn độn đó. Độn là si độn. 

Cái thứ tư là đãng tánh. Đãng tánh là gì? là buông cái này bắt cái kia, suốt đời không có chủ kiến, không có lập trường. 

Tôi thấy cái loại này (đãng tánh) nhiều lắm, hồi thì Phước Tiến, hồi thì Pháp Hòa, hồi thì Minh Niệm, hồi thì Thanh Hải, hồi Nhất Hạnh, mà cứ xàng qua xàng lại cuối cùng không biết theo cái Đạo nào, cuối cùng gặp bả ở ngoài đang ăn Dimsum. Đi kiếm không thấy ở đâu, ra gặp thấy đang ăn Dimsum, Dimsum là nguyên một cái rổ đủ thứ món hết trơn, cứ sáng Pháp Hòa, trưa Minh Niệm, tối Phước Tiến, bửa sau thì Nhất Hạnh, Thanh Hải vô thượng sư. Có người biết tiếng Anh thì nghe thêm Ajahn Brahm, nghe mấy ông của Ấn Độ. 

Có hai ông Ấn Độ giờ nổi tiếng, một ông trẻ cạo đầu đẹp trai, một ông râu ria như Trương Phi, nổi tiếng lắm. Thì hai ông đó bây giờ chiếm lĩnh nhiều trái tim của Phật tử, vì sao? Cái này bà con phải đề phòng, đó là họ biết kết hợp:

  1. cái hay của Phật giáo, và 
  2. cái huyền hoặc của Ấn giáo và 
  3. cái tổ chức, lề lối của Thiên Chúa giáo. 
Cho nên họ mở miệng ra là Đạo nào cũng nghe họ được hết. 

Cái hay của Hòa thượng Nhất Hạnh là không có gây cho người nghe cái mặc cảm về chính trị hay tôn giáo, một người Cộng sản họ nghe Hòa thượng giảng họ không có bị nhột. Còn cách giảng của tôi không có chống ai nhưng quý vị nghe giống như tôi đang chống Cộng sản. Còn Hòa thượng thì không, Hòa thượng thì anh em một nhà, cuối cùng tất cả trở về với đất, nuôi lớn một cành cây, uống một chén nước thấy cả Quốc gia và Cộng sản lổm ngổm trong đó. Coi như là trong cách nói của Hòa thượng không có phân biệt gì hết, đó là thành công của Hòa thượng. Khi mà cái riêng của chúng ta càng ít, cái chung càng nhiều thì chúng ta sẽ gặp nhau. Thay vì dựng lên bức tường ngăn cách thì hãy dựng lên những cây cầu cảm thông. Hạn chế cái riêng lại đi. Các vị hãy phân biệt "chúng tôi" và "chúng ta". Khi còn nói chữ "chúng tôi" thì mình chưa có trưởng thành, tim mình chưa có đủ rộng để chứa luôn muôn loài mà phải nói là "chúng ta". Tiếng Mỹ chỉ có "We" thôi, dở lắm, dở hơn tiếng Việt, tiếng Việt hay "chúng tôi" khác với "chúng ta". Khi tôi đang đứng giữa một đám người Mỹ, tôi noid thì phải dùng chữ "We", với một đám người Mỹ mà biết tiếng Việt thì tôi nói "chúng tôi" và "chúng ta" thì chữ nào họ thấy mình ở trỏng? Khi mà nói "chúng tôi" thì thằng Mỹ nó thấy nó bị văng ra ngoài, còn nói "chúng ta" thì nó thấy nó ở trỏng. Khái niệm đó rất là độc đáo, độc lắm. 

Cho nên hãy cẩn thận với những cách nói nghe rất là mềm, rất là êm nhưng mà nên nhớ thuốc độc cao cấp thường không sắc, không mùi, thậm chí nó còn thơm nữa là khác. 

Tôi không nói ai độc hết, nhưng mà hãy cẩn thận với những luận điểm giáo chủ bây giờ đang nhan nhãn khắp nơi. Hãy cẩn thận với những người mà quý vị thấy họ có lý. Cái quan trọng nhất trong đạo Phật là cho mình tự do chọn lựa, chứ đạo Phật không có dạy mình tự bỏ tù, tự đóng khung.

01/08/2020 - 11:11 - hongha7711


Dầu cái đó nó ngọt ngào, hấp dẫn cấp mấy đi nữa nhưng hãy nhớ rằng tất cả mọi giảng sư, thiền sư, pháp sư họ đều có cái riêng tư của họ, mình đừng lấy cái riêng tư của họ về làm của riêng cho chính mình.


Bây giờ tôi quay trở lại, trong mỗi kiếp sống mình đều có con "số 3" này. Số 3 của kiếp trước không giống kiếp sau. Cứ vậy đi hoài, đi hoài đến hồi gặp Phật hoặc là gặp Phật pháp thì chúng ta lại có con số 3 khác đúng không? 


Tùy thuộc vào con số 3 đó mà mỗi kiếp ta sanh ra, khuynh hướng tâm lý nằm trong cái nào trong 6 cái. Có thể kiếp trước quý vị thuộc về dục tính nhưng mà do cái môi trường sống quý vị bị lọt vô cái độn tánh. Thí dụ như trong kinh nói cái người sân, tánh nóng, do họ bị cái nghiệp gì đó họ bị đọa địa ngục, khi họ trở lên họ tham không nổi hoặc là họ tiếp tục tánh sân như cũ hoặc là tánh si. Lý do là trong thời gian ở địa ngục họ bị đốt lửa riết họ khờ. Cho nên một là họ tiếp tục sân như cũ, hai là họ si. 

Đọa nhiều và đọa sâu khó được cái mộ tánh và ngộ tánh, rất là khó. 

Ở đây có cái đãng tánh là Neutral, 50-50, hên xui. Còn ba cái dục tánh, nộ tánh, độn tánh là 100% là xấu. Chỉ có mộ tánh và ngộ tánh là tốt. 
Mộ tánh là tánh nhiều đức tin.
Ngộ tánh là tánh nhiều trí tuệ.

Như vậy là mỗi kiếp ta sanh ra ta đều mang một số 3 trên lưng mình hết. 

Trong con số 3 có số 2 là khuynh hướng tâm lý. 

Khuynh hướng tâm lý làm nên một trong 6 cái này. 

Bây giờ nhớ lại bốn Niệm Xứ mà nãy tôi nói. Ai cũng có 6 cái: 1-Dục tính, 2-Nộ tính, 3-Độn tính, 4- Đãng tính, 5- Mộ tính, 6-Ngộ tính, nhưng mà cái nào nhiều cái nào ít thôi. Chứ đừng có nghĩ là chỉ có một, sai, sai bét. Ai cũng có 6 cái này hết nhưng mà trong đó cái nào trội nhất. Thí dụ, người dục tính là vì dục tính họ nó mạnh, nộ tính là vì cái sân nó mạnh, độn tánh là vì cái si nó mạnh, ai cũng có đủ 6 cái này hết.

(1- Dục tánh, tham nhiều) + (6 - Ngộ tánh yếu, Trí chậm) Trí yếu = Thân Quán Niệm Xứ
(1 - Dục tánh) + (6 - Ngộ tánh mạnh) Trí mạnh = Thọ Quán Niệm Xứ
Tà kiến + (6) Trí yếu = Tâm Quán Niệm Xứ
Tà kiến + (6) Trí mạnh = Pháp Quán Niệm Xứ


--ooOoo--

Tôi ôn lại nha. 

Mỗi kiếp trong vòng luân hồi vô tận, khi sanh ra là ta đều cõng trên vai mình số 3. Số 3 kiếp này không giống số 3 kiếp kia. Mà trong số 3 đó nó gồm cái phần 2 (khuynh hướng tâm lý). Phần 2 đó nó gồm 6 cái (Dục tính...Ngộ tính). Còn cái chuyện cái nào mạnh hay không là do môi trường sống. Còn cái chuyện ta đi vào cõi nào là do tiền nghiệp. Có kịp không? Ta đi vào cái cõi nào, tại sao ta không đi Mỹ mà ta đi về Nhật là do tiền nghiệp. Tại sao không làm đàn ông mà làm đàn bà là do tiền nghiệp. Từ cái tiền nghiệp nó sẽ đưa mình tới đâu. Do khuynh hướng tâm lý, 6 cái và môi trường sống thì mình mới làm một con người mới. 

Ba cái đó nó hỗ trợ nhau liên tục. Cứ mỗi kiếp sanh ra ta đều có con số 3. 
  1. Do tiền nghiệp mà ta có mặt ở đâu và ở môi trường nào. 
  2. Do khuynh hướng tâm lý mà ta thuộc về cái loại nào trong 6 cái căn tánh. 
  3. Do môi trường sống mà ta tiếp tục giữ lại khuynh hướng đó hay thay đổi khuynh hướng khác. 
Nghe mới thấy vòng luân hồi nó dễ sợ. Tức là do cái môi trường mà ta tiếp tục giữ lại, củng cố hay lìa bỏ cái khuynh hướng tâm lý đó. Thí dụ, trước đây mình tham dữ lắm nhưng mà do cái môi trường học Đạo, mình bèn đổi, mình không thích đánh bài nữa, mình chuyển qua hành thiền. Tức là mình là người thích đủ thứ, khi mình học Đạo rồi mình chuyển cái thích đó. Chưa hết cái bất mãn, mình là người hay bực mình chuyện này, bực mình chuyện kia nhưng mà khi mình biết Đạo rồi cái mình mát trở lại. Hoặc trước đây mình bực mình ba cái tào lao, bực mình vật chất, giờ mình bớt bực mình mấy cái vật chất, bực mình cái gì thuộc về tinh thần thôi. Thí dụ, trước đây nhà bụi qúa bực mình, nóng quá bực mình, ồn quá bực mình, còn bây giờ mình ngồi thiền không được mình mới bực mình. Nó đỡ hơn một chút, nhưng mà đại khái cái tánh bực bực nó theo mình lâu lắm. Cái tánh tham cũng vậy. Hồi xưa mình thích vật chất, thích xe cộ, thích nhà đẹp, thích chăn êm, nệm ấm, quần là, áo lụa, giờ mình không thích nữa, mình chuyển qua mình thích cái tọa cụ ngồi phải sang, phải mềm, phòng ngồi thiền phải có máy lạnh. Ở Việt Nam tôi biết có nhiều bà nhà giàu đi tu làm sư cô, bả buông hết gia đình vậy chứ sổ sách, chi thu trong nhà bả đem hết lên chùa luôn, bả sợ chồng lấy tiền nuôi vợ bé. Rồi bả vô bả tu, bả làm nguyên cái tủ lạnh, chiều chiều bả xay sinh tố, sữa khuya, sáng uống yến, có sức mà tu, dưỡng để có sức tu, đắc Đạo không thấy mà mập ú. Hỏi bả sao tu sướng quá vậy? Bả trả lời tỉnh bơ "Phải dưỡng sức chứ, mới có sức để tu", mà bả dưỡng quá đà. Dưỡng hoài, dưỡng hoài. Dưỡng cho đủ xài thôi còn nàng dưỡng tới mức over. Người ta dưỡng tầm chiều cao mét rưỡi khoảng năm chục ký, còn bả bảy mươi lăm, đi không nổi, khủng khiếp. Cái đó là do khuynh hướng tâm lý đó, nếu không gặp môi trường thầy, bạn thì cái khuynh hướng đó tiếp tục được lớn mạnh, tô đậm. Mà cũng khuynh hướng tâm lý đó nếu gặp môi trường đối lập, một là cái đó nó bị bào mòn, hai là nó sẽ bị thay đổi. 

Nhưng mà nó kẹt ở chỗ là nó trở nên tốt hơn hay xấu hơn thì khó nói, thí dụ như mình đã là người tốt. Tôi có biết một chuyện tôi tiếc ghê lắm. Sát bên cái chùa sư huynh tôi ở Việt Nam, cô đó cổ tốt, mà giờ nhắc lại tôi vẫn còn thương cổ lắm, cổ đạo Phật mà lấy chồng Tin Lành. Từ ngày lấy rồi, lâu lâu cổ lén chồng vắng nhà, cổ lấy gạo đem qua chùa cổ cho. Ông chồng về cổ làm mặt lạnh, cổ gặp mấy sư cổ không thèm chào nữa tại ông chồng ghét chùa. 

Rồi tôi biết một người ở Đà Nẵng ngoan Đạo từ hồi con gái mươi ba, mười lăm tuổi đi chùa, giữ giới trong sạch, mấy ngày bát giới là thọ bát giới ngon lành. Tới hồi lấy chồng, bà mẹ chồng thích ăn cái con gì phải còn nhúc nhích bả mới ăn. Con vịt, con gà, con cá, con tép là phải còn nhúc nhích. Con nào không nhúc nhích thì phải là còn sống. Thì làm dâu mới đầu vừa khóc vừa làm cá, cuối cùng vừa cười vừa làm luôn, riết nó quen đó. 

Cho nên đừng coi thường người mình gặp gỡ, đừng coi thường chỗ ở mình có mặt. Mình nghĩ nó không tác động được mình vì "Cái tánh tôi vậy tôi không có thay đổi". Sai. Cứ tiếp xúc hoài, ở hoài, gặp hoài, con người mình thay đổi. Tin tôi đi. Ở "xóm chài tanh cá, làng nhang thơm trầm", cái đó có thiệt. 

Hồi đầu mình sống gần người đó mình không thích, mình sống bằng tâm thức đối kháng. Còn nhớ tôi giảng cái đó không. Từ cái đối kháng nó chuyển qua hòa giải. Từ hòa giải nó chuyển qua đồng thuận. Từ đối kháng chuyển qua hòa giải là cái gì cũng được, từ hòa giải chuyển qua đồng thuận, đồng thuận nghĩa là "Hay à!", "Thấy hay à!", là xong. 

Nhớ nha, đối kháng, hòa giải và đồng thuận. Còn cái quá trình đó bao lâu thì tùy mỗi người. Cho nên, trong kinh nói có nhiều kiếp ngài Mục Kiền Liên ngài ác không có tả được, bởi vì ngài nặng về Định. Ngài Xá Lợi Phất, ngài Anan thì đỡ bởi vì các ngài nặng về Trí. Cái pháp môn tu nó ảnh hưởng mình dữ lắm. 

Chưa kể cái này quan trọng lắm, hồi tôi có giảng về hai mươi bốn duyên. Tôi có nói: Hãy chú ý đến cái mình thích và ghét. Có nhớ cái đó không? Cái đó nó độc còn hơn là vịt xiêm nữa biết không? 

Tại vì khi mình không kiểm soát được mình thích cái gì, mình ghét cái gì, chính cái đó nó dẫn đến cái chuyện mình sẽ về đâu và gặp ai. Khi mà mình có kiểm soát, để ý thường mình thấy chính cái thích và ghét nó mới dẫn mình sống về chỗ nào, tiếp xúc với loại người nào. Còn bình thường tôi không nói, quý vị đâu có ngờ, "cái thích và cái ghét nó có ảnh hưởng gì tới cuộc đời tôi đâu". Sai. 

Có người chịu khó mắc tiền chút họ về biển, có người chịu khó mắc tiền chút họ về phố, có người chịu khó mắc tiền chút được ở gần khu Châu Á, có người chịu khó mắc tiền chút cũng được miễn được ở gần chợ búa, trường học, bệnh viện. Có cái đó không? 

Còn bên Thụy Sĩ, người ta chịu khó mắc tiền chút ở trên núi, gần hồ. Bên Thụy Sĩ nó lạnh, người ta chịu khó trả gấp rưỡi tiền nhà để ở nhà xoay mặt về hướng Tây, để nó kéo dài cái thời gian nắng chiều. Trong khi ở xứ nóng này, nắng Tây em lạy. Trong khi ở Thụy Sĩ, nó coi nhà luôn luôn coi vào buổi chiều, cái nhà nắng Tây luôn luôn gấp rưỡi giá, 100 lên 150, cũng mê, là vì sao? vì nó lạnh le lưỡi, nhờ nắng Tây nên cái ấm nó kéo dài. Trong khi chỗ tôi đang ở, bốn giờ là bùm hết, trong khi hàng xóm sáu giờ mà nó còn rực rỡ hoàng hôn, chỉ vì cái đó mà nó trả tiền. Cho nên vì tôi thích nắng nên tôi tìm chỗ nhà ở góc đó có nắng chiều. Mà tạo sao? Vì tôi thích xứ lạnh nên tôi mới về Thụy Sĩ, mà vì tôi thích nắng, thích ấm nên tôi mới chọn chỗ đó. Vì hai cái thích này nó mới dắt tôi về góc trời đó. Đó ghê chưa, gớm lắm. 

Cho nên có nhiều người lấy chồng không vì yêu người mà vì ... Có người họ lấy Đài Loan vì họ không có thích người Đài Loan mà vì họ cần tiền, họ sợ nghèo. Có người họ lấy chồng Đại Hàn vì họ thương cái người dễ mất trí nhớ. Vi dụ vậy. Cái dân gì dễ mất trí nhớ, phim nào cũng mất trí nhớ hết, lạ!, dân tộc gì đâu mà sơ suất cái là mất trí nhớ à, kì! Bởi vậy cho nên cho dân Đại Hàn mượn tiền mình cũng ngán lắm. 

Mà tôi thấy Phật tử mình bị hội chứng Nam Hàn nhiều lắm. Giảng buổi sáng, chiều quên, hội chứng đó kêu là South Korean Syndrome. Mình mất trí nhớ dữ lắm, hỏi "Em còn nhớ hay em đã quên", quên rồi. "Dạ xả!". Nữa!, cái đó là xả rác, chứ không có cái xả nào nó dơ, nó mất vệ sinh như vậy hết đó, xả rác.

Đừng coi thường cái chuyện mình thích, mình ghét cái nào, lớn chuyện lắm. Tại sao mình nghe thầy Minh Niệm? Vì thầy có nói những quan điểm về gia đình rất hay. Tại sao mình nghe thầy Phước Tiến? Vì thầy Phước Tiến nói về niềm tin tôn giáo, mấy cái vụ vàng mã, mê tín, thầy nói rất là hay. Ví dụ như vậy. Tại sao mình thích thầy Pháp Hòa? Vì thầy có nụ cười rất là hiền, thầy chưa kịp nói gì, thấy thầy cười là mình muốn ngồi kế thầy rồi. Cứ như vậy, chưa biết thầy nói cái gì, do mình thích là mình đã theo rồi. Mà cái đó mới chết, do mình thích mình mới đi theo, mà đi theo rồi thì "trái ấu cũng tròn", cái đó là cái le lưỡi. 


Trong kinh nói rõ, tại sao người nữ khác người nam? Người nữ khi mà đã thích rồi là họ buông xuôi lý trí. Còn đàn ông, chỉ trừ cái chuyện giới tính, tức là chuyện phụ nữ thôi, chứ còn ngoài cái chuyện tình cảm ra thì người đàn ông luôn luôn thấy trước mới tin sau. Còn đàn bà là tin trước mới thấy sau. Cho nên tại sao những pháp hội thì đàn ông ít vì họ rất là khó tin. Jọ phải bị thuyết phục bởi cái gì đó, trừ khi họ đi để giữ vợ thì họ mới đi thôi. Chứ đa phần đàn ông rất là hiếm đi, phải có cái chuyện gì chạm vào chỗ sâu thẳm của họ thì họ mới đi. Me too. 

Tôi không thể nào vì tôi thương cái cô nào đó mà tôi phải ngồi nghe cổ nói Pháp, tôi nghe không nổi. Mà đàn bà thì chỉ cần họ mến một người nào đó, họ đến họ nghe, từ cái chỗ họ mến họ dễ bị cuồng. Trong khi thánh và phàm khác nhau chỗ này "Thánh nhân hiểu rõ điều mình tin nên tin chết bỏ điều mình hiểu. Còn người phàm không hiểu lắm điều mình tin nên không tin lắm điều mình hiểu".

Cho nên học Đạo cả tủ mà khi gặp Phật vẫn còn ngờ ngợ. Bằng chứng là kiểu tu tà tà của mình, mình vừa tà đạo vừa tà tà, mà tu tà đạo gặp chánh đạo cũng nghĩ là tà vì chữ tà nó không có tách khỏi mình. Tách không nổi. Vì mình không hiểu lắm cái điều mình tin. Cái điểm khác biệt nữa giữa người nam và nữ đó là, tôi nghe Tây nó có một câu" Đàn ông yêu bằng mắt còn đàn bà yêu bằng lỗ tai". Cứ rỉ rả rỉ rả, nó mềm rồi, mình nói tầm bậy nó cũng nghe. Cái đó rất là nguy. Bên Chúa nói là "Phúc thay cho kẻ nào chưa thấy đã tin". Còn bên đạo Phật mình thì nói rằng "Phúc thay cho kẻ nào đã tin rồi mà còn ráng mở mắt ra để thấy". Đức Phật không cần cái thứ đệ tử mà tin bừa. Hôm nay nó vì tin bừa mà nó đến với mình thì mai nó cũng vì tin bừa mà nó bỏ mình. Lấy nhau dễ, bỏ nhau dễ. 

Tin tôi đi. Phải chịu khó để thời gian dài lấy nó mới bền. Niềm tin trong Đạo pháp nó y chang như tình cảm vậy. Phải có tìm hiểu, phải có thử thách, phải cùng vượt qua cám dỗ thì mai này mình mới trụ lại được với Đạo, với cái mối hôn nhân đó. Còn đằng này, đến với nhau dễ, không cần tìm hiểu gì hết, qua trung gian mai mối thì mai này cũng sẽ vì trung gian mai mối mình bỏ nhau, dễ ẹc. Còn đằng này, nếu mình hiểu nhau, mình quý nhau, mình biết tại sao mình thích cái đó, tại sao mình cần cái Đạo đó, cái giáo lý đó, tại sao mình cần vị thầy đó thì trời có sập xuống thì mình cũng không từ bỏ, vì đó là lẽ sống của mình. 

Cái quan trọng của đạo Phật là phải dùng từ Trí. Cho nên ngay cái hồng danh của vị giáo chủ của mình là Buddha, Buddha là Phật, Phật là hiểu, đạo Phật là đạo của người hiểu. Hiểu chuyện mà đến. Chữ Buddha là hiểu biết. 

Trong khi đó người thờ Phật hôm nay họ không quan tâm đến cái hiểu. Jọ chỉ quan tâm đến cái tin. Tôi cũng nói rõ cho quý vị biết rằng, may mắn mình tin nhằm cái đúng thì không có gì. Mình tin nhằm cái tào lao thì có phải khổ không? Hôm nay cái thói quen dễ tin, nói rằng: "Bà ngoại tôi đi chùa, má tôi đi chùa, tôi cũng đi chùa, tôi thấy đi chùa vui tốt thì cái đó có gì đâu xấu". Không, mình phải tìm hiểu, mình phải xác định tại sao mình tin Phật. Bởi vì mình dễ dàng đến với Phật thì kiếp sau mình dễ dàng đến với đạo Hồi. 

Có rất nhiều vị sư Tây phương họ kể lại thấy thương lắm, đang là một sinh viên bên Mỹ, bên Đức, bên Úc, đang là sinh viên vào một buổi trưa vào trong thư viện đọc một cuốn sách về Phật. Tự nhiên họ quay một trăm tám, họ liền lìa bỏ Thiên Chúa giáo. Hoặc có một vài vị đi du lịch bên Thái, bên Tích Lan, họ ghé vào một cái chùa, họ chỉ nói chuyện với vị sư trong đó một vài câu, họ trở về với đạo Phật và họ bỏ ra thời gian dài để tìm hiểu. 

Còn người Phật tử Việt Nam theo tôi để ý, khả năng tìm hiểu sâu như vậy không có. 

Ở đây cũng sẽ có người hỏi tôi: "Sư dựa vào đâu mà Sư quơ đũa cả nắm?". Dạ em theo dõi mấy tác phẩm của Phật giáo thế giới em thấy. Người Mỹ, người Anh, người Đức khi mà họ đã tìm hiểu Phật pháp rồi là họ có những công trình nghiên cứu xuất sắc. Còn người Việt Nam mình tính trên tỷ lệ dân số, một trăm triệu dân Việt Nam thì có bao nhiêu phần trăm là Phật tử? Thống kê năm 2017 là 60%, chính xác hay không không cần biết mà mình biết chính xác là không dưới rồi đó. Trong 60% đó cho đến hôm nay, đã có công trình nào nghiên cứu của người Việt mà chạm mức thế giới chưa? Không phải tôi chê, quý vị chỉ tôi cám ơn, không phải tôi chê mà tôi không thấy. Trong khi đó ở tại North Florida có ông giáo sư ... chuyên gia A Tỳ Đàm. Ổng viết một quyển gọi là Buddhist Phenomenology dày 700 trang, trong đó ổng phân tích ra A Tỳ Đàm nguyên thủy làm sao, A Tỳ Đàm bộ phái qua các thời kỳ lịch sử làm sao, ổng cho mình biết số phận ngài Huyền Trang sau khi đem kinh điển về Tàu ra làm sao, Huyền Trang bị chư Tăng tại bản quốc chèn ép ra làm sao. Ngài đem về những luồng gió mới, vì quyền lợi cũng có, vì tự ái cũng có. Những vị bản xứ đã chèn ép không cho Ngài phổ biến cái mới. Khi mà Ngài vừa nằm xuống, Ngài ỉu lắm, Ngài mất năm sáu mươi bốn tuổi, khi Ngài nằm xuống một phát là họ xóa dấu được bao nhiêu họ xóa. Ngài thấy rất rõ, chính cái chuyện đó Ngài để lại người đệ tử kế thừa, đó là ngài Khuy Cơ nhưng ảnh hưởng không bao nhiêu, bởi vì một làm sao địch lại muôn người, đọc cái đó mới thấy khiếp. Đó là ông ... Mà ổng đọc được các nguồn tại liệu bằng tiếng Pali, Nhật, Sankrit và Tây Tạng. Người Mỹ đó, họ nghiên cứu đến đầu đến đũa.

02/08/2020 - 02:33 - hongha7711


Hôm qua tôi có nói đến cô ... người Đức. Tên tiếng Đức của cổ tôi quên rồi, tôi chỉ nhớ tên tiếng Phạn của cổ là Agganyani (Aggañāṇī) dịch ra là Toại Khanh, người đi tìm lửa. Cổ đi du lịch bên Miến Điện và cổ đi học Đạo với một vị Sayadaw về A Tỳ Đàm, xong rồi cổ về bên Đức cổ làm một trang web là Abhidhamma.com gồm nhiều thứ tiếng Pali, Miến, Anh và Đức. Một tài liệu rất là quý để nghiên cứu Phật học. Người ta như vậy. Vòn mình nói tùm lum hết, nhưng tôi chưa thấy một công trình nào của Việt Nam hết. Qúy vị biết chỉ tôi, tôi cám ơn, đừng có nói tôi chống, tôi chê người Việt nhưng mà nói người ta mình phải dẫn chứng, quý vị muốn bênh chỉ cho tôi có công trình nào thấy ghê như vậy không. Không thấy. Bởi cái duyên, hạt giống bồ đề khi mà nó trổ rồi, nó phải có môi trường. Tôi không nói người Việt Nam thiếu bồ đề tâm nhưng môi trường văn hóa, giáo dục của mình nó không cho cái bồ đề tâm đó phát triển giống như là bên xứ Tây Phương. Thí dụ bên mình, mình lỡ khoác áo Bắc Tông rồi mà mình lỡ có những nghiên cứu hơi sâu về Phật pháp là mình sợ sư phụ la. Phật pháp mà nghiên cứu sâu nó lại phanh phui ra nhiều chuyện Nam, Bắc dữ lắm. Hòa Thượng Minh Châu phải nói là một người "một mình một ngựa", chứ còn rất là khó, mình bị cái đó nặng lắm. Giống như trong Cộng sản, họ sợ nói cái gì, làm cái gì đi ngược lại với chủ trương, đường lối, họ sợ lắm. Bên đạo Hồi cũng vậy, họ sợ nói, viết cái gì đi ngược lại với chủ trương, đường lối. Có cái ông tín đồ đạo Hồi, ổng dệt được một tấm thảm rất đẹp, bạn bè tới dòm nói "Perfect! Tao chưa gặp được một tấm thảm nào đẹp như vậy. Một tấm thảm không có lỗi". Nó vừa nói xong thì thằng thợ nó lấy cái kéo cắt cái góc đi. Nó nói rằng "Tao cám ơn mày thưởng thức. Nhưng mà trên đời này chỉ có Allah là hoàn hảo thôi. Bây giờ tao phải làm cho tấm thảm này có tí lỗi để nó dưới Ngài một bậc". Tức là một tấm thảm đẹp như vậy mà nghe thằng bạn khen là ảnh cảm thấy có lỗi với Đấng Chí Tôn mà ảnh đang tôn thờ, đến nỗi phải lấy kéo cắt để nó có lỗi một chút để nó dưới Ngài, nếu mà không cắt thì nó bằng Ngài, từ đây về sau mọi người Hồi giáo phải coi tấm thảm đó ngang với Allah hay sao. 


Như người ta kể một ngày Đức Giáo Hoàng qua Mỹ, có ông tỷ phú ổng tới, ổng xin Đức Giáo Hoàng, ổng trả Đức Giáo Hoàng một tỷ, ổng nói thay thế chữ "Amen" bằng chữ "Coca" mà Đức Giáo Hoàng không chịu. Bởi vì cái đó là thiêng liêng quá rồi, không thay đổi được nữa.

-Hết-


Mục Lục các Bài Giảng
Cảm ơn Huynh Lê Thanh Phong nhe.   Clap Hello


Kaos-1 Kaos-1 Kaos-1
(2021-03-31, 10:27 PM)Xí Xọn Wrote: [ -> ]Cảm ơn Huynh Lê Thanh Phong nhe.   Clap Hello


Kaos-1 Kaos-1 Kaos-1

LTP cần cám ơn sis Xí Xọn mới đúng .  Cám ơn sis  nhiều nhiều .   Cheer

Thanks-sign-smiley-emoticon Thanks-sign-smiley-emoticon Thanks-sign-smiley-emoticon
“Thấy Biết” Trong Lời Dạy Của Đức Phật

https://tuniemxu.org/thay-biet-trong-loi-day-cua-duc-phat/ 

19/02/2021 thayvabiet


Hỏi: Có vị nói rằng: “Người thật sự Thấy Biết thì thường tĩnh lặng như không biết gì. Người không thật Thấy Biết thì lại muốn tỏ ra mình hiểu biết nhiều” và dạy cần thuộc lòng câu này ?

Đáp: Câu này mới nghe thì cũng rất hay. Nhưng để ý một chút thì chúng ta nên đối chiếu với lời dạy của Đức Phật về “Thấy Biết” như thế nào. Chúng ta cùng xem trích dẫn:


[Image: A%CC%89nh2.jpg?resize=860%2C476&ssl=1]

“Người ấy không biết, nói rằng: “Tôi có biết”; có biết, nói rằng: “Tôi không biết”; không thấy, nói rằng: “Tôi có thấy”; có thấy, nói rằng: “Tôi không thấy”. Do vì mình hay vì người, hay vì một vài lợi vật nhỏ, mà đã cố ý nói láo. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là người nói như phân.

Người ấy không biết, nói rằng: “Tôi không biết”; có biết, nói rằng: “Tôi có biết”; không thấy, nói rằng: “Tôi không thấy”; có thấy, nói rằng: “Tôi có thấy”. Không vì mình hay vì người, hay vì một vài lợi vật nhỏ mà đã cố ý nói láo. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là người nói như hoa. 

(Kinh Nói Như Hoa, HT Thích Minh Châu dịch)

Nói về “Thấy Biết” thì người xưa đã từng nói như sau:
1-“Biết thì nói là biết. Không biết thì nói là không biết. Như thế mới là biết” (Khổng Tử)
2-“Người biết thì không nói, người nói thì không biết” (Lão Tử)
3-“Biết mà không nói là bất nhân. Nói mà không nói hết là bất nghĩa” (Nguyễn Trường Tộ)


Trong 3 câu nói trên, thì câu 1 và câu 3 gần với lời dạy của Đức Phật nhất nhưng vị ấy lại không lấy ra mà lại lấy ý câu 2 của Lão Tử, chế thêm vào thành “danh ngôn riêng” của vị ấy. Lão Tử thuộc trường phái tu trường sinh bất lão của ngoại đạo, không phải là trung đạo.


Trong kinh Sợ Hãi Trong Tương Lai, Đức Phật đã tiên đoán như sau:


“Lại nữa, này các Tỷ-kheo, sẽ có những Tỷ-kheo trong tương lai thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập. Do thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, đối với các kinh tạng do Như Lai tuyên thuyết, thâm sâu, ý nghĩa sâu kín, siêu thế, liên hệ đến không, khi các kinh ấy được thuyết giảng, họ không có nghe, họ không có lắng tai, họ không an trú tâm liễu giải, họ không nghĩ rằng các kinh ấy cần phải học tập, cần phải học thuộc lòng.


Còn những kinh điển do các thi sĩ làm, những bài thi, với những chữ văn hoa, với những câu văn hoa, thuộc ngoại điển do các đệ tử thuyết, trong khi các kinh ấy được thuyết giảng, họ sẽ lắng nghe, họ sẽ lóng tai, họ an trú tâm liễu giải. Các pháp ấy, họ sẽ nghĩ cần phải học tập, cần phải học thuộc lòng. Này các Tỷ-kheo, đây là do Pháp ô nhiễm, nên Luật ô nhiễm; do Luật ô nhiễm, nên Pháp ô nhiễm.” (Kinh Sợ Hãi Trong Tương Lai, HT Thích Minh Châu dịch)


(TuNiemXu.org)
Tứ Diệu Đế Trong Đời Sống Hăng Ngày

Ledi Sayadaw
Từ Thám dịch
[Image: Monk_40_Big.jpg]
Tứ Diệu Ðế (Bốn Chân Lý Cao Thượng) là cột trụ của Phật giáo. Hiểu chúng sẽ giúp cho đời sống thường ngày của chúng ta được tốt đẹp hơn. Chân lý thứ nhất là Dukka tức Khổ. Chân lý thứ hai là Samudaya tức là Khát Vọng. Chân lý thứ ba là Nirodha tức là Sự Chấm Dứt Ðau Khổ. Chân lý thứ tư là Magga tức Bát Thánh Ðạo, con đường dẫn tới sự chấm dứt đau khổ.

* Nhưng làm sao chúng ta có thể áp dụng Tứ Diệu Ðế vào đời sống thường ngày?

Ðiều đó không khó. Ðể bắt đầu, bạn phải nhìn Dukkha trong toàn bộ của nó trước khi có thể thấy được cách giải quyết vấn đề. Bạn không cần phải ngoắc ngoải trong đau khổ thể chất hay tâm thần mới có thể hiểu được Dukka. Nó ở khắp nơi chung quanh bạn. Ngay lúc này, bạn cảm thấy thế nào về tiếng đập ầm ĩ ở bên cạnh?

(Nhà bên cạnh đang sửa chữa nên gây tiếng động rất ồn)

Trong thực tế bạn cảm thấy bức rứt bởi vì bạn muốn có sự yên tịnh để nghe và học. Bạn đang cố gắng loại trừ tiếng động ra khỏi ý thức của bạn, nhưng không thể được. Bởi vì đó không phải là cách giải quyết vấn đề. Bạn thấy tiếng động làm phiền bạn và bạn muốn chấm dứt nó. Bạn khao khát muốn cho mấy người thợ dừng tay.

Bởi vậy, bạn đã dựng lên một ham muốn là tiếng động phải chấm dứt. Sự ham muốn nầy làm sao nổi lên? Nó nổi lên từ sự bất mãn của bạn với tình thế hiện tại. Nói cách khác, bạn muốn được yên tịnh ngay lúc này. Bởi vì không có được, nên bạn bực bội. Trong tâm bạn đã có sự ghét bỏ.

Giả sử như bạn đang phải làm chuyện gì rất quan trọng đối với bạn. Sự ghét bỏ này có thể bừng lên thành nổi giận, thù ghét và cả bạo lực nữa. Sự ghét bỏ đã là một tình trạng căng thẳng. Nóng giận, hận thù và bạo lực đem đến thêm căng thẳng và đau khổ cho chính mình và người khác.

Ðây là những sự thực mà chúng ta phải đối diện trong từng giây phút của đời sống thường ngày. Nhưng chúng ta không nhận thức được sự ghét bỏ và sự đau khổ nó đem đến. Chúng ta cho Dukkha là do người nào hay việc nào khác gây nên.

Sự thiếu nhận thức nầy gọi là Vô Minh hay Ngu Dốt, ngu dốt về Bốn Sự Thật Cao Thượng. Sự ngu dốt nầy được diễn tả là tình trạng thiếu tỉnh giác. Nếu bạn thức tỉnh về tâm trạng của mình ngay lúc này, bạn sẽ thấy điều gì đang xảy ra trong đó. Ngay lúc này, bạn hãy nhìn vào bản tâm để xem cái gì đang xảy ra? Hãy nhìn chuyện gì xảy đến cho sự bực bội của bạn.

* Khi tôi ý thức về sự bực bội, hình như nó giảm bớt.

Khi bạn ý thức về sự bực bội, sự ghét bỏ tan đi. Nó tan mất vào tâm.

* Phải, bớt chút ít. Sự bực bội-nó vẫn còn đó nhưng bớt đi nhiều. Tôi hiểu rồi. Vấn đề không phải là đem sự bức rứt ra khỏi tâm. Vấn đề là chấp nhận sự kiện mình đang bức rứt và bực bội, phải không ?

Bạn nói đúng. Vấn đề không phải là tiếng ồn, mà là phản ứng của bạn với nó. Bạn phải đối phó với mình trước khi đối phó với tiếng ồn. Bây giờ, bạn sẽ làm gì đây ?
 
[Image: Monk_Meditate_3.jpg]
 
* Nhưng rõ ràng chúng ta có một số lựa chọn. Chúng ta có thể rời xa tiếng ồn. Chúng ta có thể yêu cầu mấy người thợ ngưng đóng đinh. Chúng ta có thể ngồi lại đây và cố giữ ý thức của mình về tiếng ồn để giảm bớt sự khó chịu ?

Bạn phải rõ ràng. Ðó là ý thức về tiếng ồn hay là ý thức về chính tâm trạng của bạn?

* À, là ý thức về tâm trạng của tôi đối với tiếng ồn.

Ðúng vậy. Trong đời sống có nhiều trường hợp mà bạn không thể loại trừ được những yếu tố bên ngoài. Chúng ta không thể loại trừ hay kiểm soát hầu hết ngoại duyên trong đời sống, nhưng chúng ta có thể làm một cái gì cho chính mình. Bạn bắt đầu với chính bạn. Bởi vì bạn được sinh ra với ý chí tự do, nên bạn có thể làm bất cứ điều gì với chính mình.

*Đó là bởi vì tôi không thể chấm dứt tiếng ồn, tôi phải lựa chọn chấp nhận nó?

Bạn phải phân biệt giữa chấp nhận một cách mù quáng và chấp nhận một cách thông minh. Chấp nhận chỉ có thể được trọn vẹn nếu bạn không chứa chấp sự phê phán.

Bây giờ hãy trở lại Tứ Diệu Ðế. Sự bất mãn của bạn với tình trạng ồn là chân lý thứ nhất về Khổ - tức Dukkha. Sự ham muốn hay khao khát được yên tịnh là chân lý thứ hai - Samudaya - tức Tập, hay là nguyên nhân của Khổ. Bây giờ khi bạn nhìn vào bản tâm và giải quyết sự bực bội, bạn thoát khỏi chu trình ham muốn- ghét bỏ- ham muốn. Phải không? Bây giờ bạn hãy nhìn vào trong tâm nữa xem.

* Sự bực bội đã biến mất !

Hãy nhìn lại những gì chúng ta mới trải qua. Bạn đã thấy là mình có thể phá vỡ được chu trình đau khổ bằng cách chỉ nhìn vào trong tâm trạng của mình. Ðây thực ra là sự tỉnh giác của tâm, là căn bản của sự tu tập 'thiền quán tâm' trong Phật giáo. Bây giờ, bạn thấy là tu tập tỉnh giác có thể đưa tới sự chấm dứt đau khổ hay chưa?

* Thưa, chưa đâu. Sự tỉnh giác có liên hệ thế nào với sự chấp nhận tiếng ồn?

Sự chấp nhận tiếng ồn là kết quả của sự tỉnh giác. Sự tỉnh giác là hành động siêu thoát. Nó siêu thoát 'thích' và 'không thích' và làm thanh tịnh nhãn quan của chúng ta. Chúng ta nhìn sự vật 'như chúng là'. Khi chúng ta thấy hay nghe sự vật đúng như thực tế, sự chấp nhận tự nhiên đến.

Ta có ý thức về tiếng ồn. Ta loại trừ sự bám níu vào yên tịnh và ta chấp nhận tiếng ồn. Ta chấp nhận tiếng ồn như là một phần của kinh nghiệm. Cả đến cái 'ta' cũng không có đó. Chỉ là sự chấp nhận thôi. Sự chấp nhận đến từ tự do của tâm trong lúc đó. Khi chu trình bị phá vỡ, bạn không còn cảm thấy bực bội nữa. Khi tâm thoát khỏi cảm xúc về tiếng ồn, nó có tình trạng bình thản và chấp nhận.

* Mình không mong đợi tiếng ồn chấm dứt và cũng không mong đợi nó trở nên ồn hơn.

Ðúng vậy. Bạn thoát khỏi sự khái niệm hóa về tiếng ồn. Bạn đi tới điểm bạn nghe nó như 'nó là như vậy'. Với sự nghe tiếng ồn đúng như thực tế của nó, sự chấp nhận đã là một phần của tình huống. Bạn không thể gượng ép mình chấp nhận nó. Bởi thế tôi phải rất cẩn thận khi dùng từ. Khi bạn nói 'Tôi chấp nhận' thường có nghĩa là...bạn đang kiểm soát tình hình. Sự chấp nhận mà chúng ta đang nói đây là sự tự nhiên và tức thời hòa nhập và làm một thể với môi trường.
 
[Image: Picture29.jpg]
 
* Như vậy là không còn có sự ngăn cách giữa tiếng ồn và kinh nghiệm tiếng ồn của tôi. Do đó không có gì để chấp nhận hay bực bội vì nó cả.

Ðúng. Bây giờ chúng ta hãy trở lại kinh nghiệm của bạn ngay giây phút này. Bạn còn khó chịu về tiếng ồn hay không?

* Không còn khó chịu nữa. Tôi hoàn toàn được tự do đối với tiếng ồn. Bà đã nói tỉnh giác là nền tảng của thiền định. Nó hoạt động ra sao?

Phải. Sự tỉnh giác của bản tâm ở từng giây phút là một phần của cách tu tập 'thiền quán tâm' (satipatthana).

Ngay lúc này, bạn cảm thấy thế nào về tiếng đập ầm ĩ ở bên cạnh?

Trong trường hợp đặc biệt này, sự tỉnh giác về sự bực bội là bạn quán chân lý thứ nhất - Khổ.

Sự tỉnh giác về ham muốn được an tịnh và sự bám níu vào yên lặng, tức nguyên nhân của Khổ, là bạn quán chân lý thứ hai - Samudhaya - hay là Tập. Giây phút bạn được tự do thoát khỏi sự bực bội về tiếng ồn là Nirodha (Diệt) tức chân lý thứ ba. Trong trường hợp nầy, sự dừng khổ là tạm thời nên được gọi là Tadanga Nirodha.

* Còn Chân Lý Thứ Tư (tức Ðạo)?

Khi bạn tu tập tỉnh giác, thực ra bạn đang thực hành Bát Thánh Ðạo. Bạn đang chánh tinh tiến để tu tập Tỉnh Giác về sự bực bội của bạn. Do đó tâm bạn được tập trung, tức Chánh Ðịnh

Khi bạn siêu việt sự không thích tiếng ồn và không còn khó chịu, ngay lúc đó bạn có thể nghe tiếng ồn như thực tế. Ðây là Chánh Kiến. Khi bạn không mong đợi nó chấm dứt hay trở nên ồn hơn, đó là Chánh Tư Duy. Bạn có thể nói lên tình hình với nhận thức đúng đắn, gọi là Chánh Ngữ. Bây giờ bạn còn muốn rời xa tiếng ồn nữa hay không?

* Vậy muốn nói không làm gì trong trường hợp nầy là hành động đúng?

Ðúng thế. Như vậy bạn đã thấy nếu tu tập tỉnh giác với tâm bình thản trong đời sống thường ngày, là bạn đang áp dụng Bốn Chân Lý Cao Thượng và phối hợp với Bát Thánh Ðạo trong lối tu sinh hoạt thiền.

Sống Thiền - Ðạo Lý Tỉnh Giác Trong Ðời Sống Thường Ngày
Ledi Sayadaw
Từ Thám dịch

https://thienquantam.com/index.php/bai-viet/bai-doc/thi-n-t-ni-m-x/952-t-di-u-d-trong-d-i-s-ng-hang-ngay