Hạng Vũ - Ngu Cơ
Trong lịch sử Trung Hoa cổ đại, có lẽ Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ là một anh hùng chiến bại duy nhất được người đời kính trọng và ca tụng nhiều hơn kẻ chiến thắng là Lưu Bang trong Hán Sở tranh hùng! Có người phê phán sự thất bại của Hạng Vũ là do “hữu dũng vô mưu” cũng có thể! Nhưng có lẽ hậu thế ca tụng Sở Bá Vương không phải vì cái oai vũ của sở trường cung kiếm, hay cái khí phách trượng phu trong thời kỳ loạn lạc tranh đoạt thiên hạ sau thời nhà Tần suy vong. Điều đời sau nhớ mãi chính là thấy ở Hạng Vũ tồn tại một tình yêu rất thật với một nàng Ngu Cơ đã đi vào thi văn.
Lúc còn nhỏ cha mất sớm phải ở với chú là Hạng Lương, Hạng Vũ học chữ nhưng học không nên, bèn bỏ đi học kiếm thuật, cũng không nên. Hạng Lương nổi giận mắng, Hạng Vũ nói:
- Biết chữ chỉ đủ để viết tên họ mà thôi. Kiếm chỉ đánh lại một người, không bõ công học. Nên học cái đánh lại được vạn người!
Hạng Lương bèn dạy cháu binh pháp. Hạng Vũ rất mừng, nhưng ông cũng chỉ học để biết qua ý nghĩa, chứ không chịu học đến nơi đến chốn. Thưở trước, Hạng Lượng phạm tội và bị bắt ở Lạc Dương, Lương bèn nhờ quan cai ngục ở đất Kỳ là Tào Cửu viết thư cho Tư Mã Hân làm quan cai ngục ở Lạc Dương, vì thế, việc mới thu xếp xong. Hạng Lương có lần giết người, để tránh báo thù, bèn cùng Hạng Vũ bỏ trốn đến đất Ngô Trung. Các hiền sĩ và đại phu ở đất Ngô Trung đều thua kém Hạng Lương. Những khi Ngô Trung có việc lao dịch hay tang lễ thì Hạng Lương thường đứng ra lo liệu. Lén lút dùng binh pháp để tập hợp tân khách và trai tráng, vì thế biết được khả năng của họ. Còn Hạng Vũ khi lớn lên mình cao hơn tám thước, có sức mạnh cất nổi cái vạc, tài năng, chí khí hơn người. Các trai tráng ở đất Ngô Trung đều kinh sợ ông.
Tuy nhiên, một mãnh tướng chí với uy dũng vô song nhưng lại thiếu vắng một tầm nhìn sắc sảo của một nhà chiến lược không phải là điều chủ yếu giúp hình ảnh của Sở Bá Vương sống trong lòng mọi người. Người đời sau nhắc đến nhiều nhất về Hạng Vũ, có lẽ chính là cuộc tình đầy bi kịch của Hạng Vũ và Ngu Cơ, cuộc tình đã khiến Sở Bá Vương phải đánh đổi bằng cả giang sơn và sinh mạng của mình.
Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất thiên hạ giang sơn thu về một mối, bá tánh được hưởng những ngày thanh bình ngắn ngủi. Trong một buổi chiều tà, chàng trai trẻ Hạng Vũ qua thăm bà ngoại và vô tình bắt gặp một hình ảnh thiếu nữ giặt áo quần bên dòng sông trong vắt. Nét đẹp trong sáng như tiên nữ giáng trần, đôi mắt hồ thu, cái nhìn mơ màng xa xăm của mỹ nhân lập tức chiếm hết tâm trí Hạng Vũ. Tìm hiểu, Hạng Vũ được biết đó chính là nàng Ngu Cơ, con gái cưng nhà họ Ngu. Chiều lòng người cháu sớm mất cha, Hạng Lương đồng ý đến cầu thân với gia đình họ Ngu. Ngu gia biết gia đình họ Hạng nay không được như trước nhưng đời đời làm tướng, được kết thân với họ Hạng là vinh dự cho Ngu gia, đương nhiên là đồng ý. Ngu Cơ cũng mừng thầm, đợi ngày gặp ý trung nhân. Hạng Vũ cũng xác định nàng Ngu Cơ chính là bạn đời của mình.
Nhưng rồi chuyện gia biến xảy ra đối với Hạng Vũ. Ông chú Hạng Lương không may giết người, gia đình lại đang thất thế, để tránh báo thù đành phải đem Hạng Vũ trốn đến đất Ngô Trung. Hạng Vũ và Ngu Cơ cách xa nhau từ đó. Đến năm 209 TCN, Trần Thắng, Ngô Quảng dấy binh chống lại nhà Tần. Tại Giang Nam, mới 24 tuổi, Hạng Vũ cùng chú mình cũng dấy binh hưởng ứng. Trong số bộ tướng tham gia nghĩa quân của mình, Hạng Vũ gặp lại Ngu Tử Kỳ, anh trai của Ngu Cơ, người con gái mà vị tướng dũng mãnh xông pha khắp các chiến trường nam chinh bắc chiến vẫn không thể quên được. Gặp lại Ngu Tử Kỳ, Hạng Vũ cũng mới biết rằng, Ngu Cơ một mực từ chối tất cả mối mai, một lòng chờ đợi Hạng Vũ gần chục năm trời. Hạng Vũ rất mừng, lập tức cho đón Ngu Cơ về cạnh bên mình. Mối tình thanh mai trúc mã những tưởng đứt đoạn, nay được nối lại trong những ngày chinh chiến trước mắt.
Năm 24 tuổi, Hạng Vũ đã làm tướng quân dẫn đầu hàng vạn tướng sỹ khởi nghĩa chống Tần, 26 tuổi, ông đã trở thành Tây Sở Bá Vương, tự mình phân phong thiên hạ. Chỉ chừng ấy cũng đủ thấy vì sao cái tên Sở Bá Vương lại lừng lẫy đến như vậy trong con mắt của các nhà viết sử cổ kim. Trong cách bình giá của mình, nhà viết sử nổi tiếng đời Hán, Tư Mã Thiên vẫn đánh giá Hạng Vũ cao hơn hẳn Lưu Bang, dẫu ông ta là vị vua sáng lập triều Đại Hán thịnh trị.
Quân Hạng Vũ càng đánh càng mạnh. Sau khi chém Tống Nghĩa, phá Vương Ly làm nên trận Cự Lộc lừng lẫy, Hạng Vũ lúc này đã trở thành một thượng tướng đứng đầu đoàn hùng binh tiến xuống Quan Trung, tấn công Hàm Dương tiêu diệt tàn quân nước Tần. Những lúc này, Ngu Cơ luôn ở bên cạnh Hạng Vũ trong những trận đánh nam phạt bắc dẫu rằng chưa có thân phận gì rõ ràng. Người ta chỉ gọi nàng là Ngu mỹ nhân và chỉ biết rằng, nàng là người con gái được đại tướng quân đứng đầu chư hầu Hạng Vũ sủng ái tột cùng. Ngu Cơ bằng lòng với thân phận đó mà không than vãn điều gì, bởi điều nàng cần nhất chỉ là được ở cạnh người đàn ông yêu quí của mình.
Mỗi lần Hạng Vũ ra chiến trường, Ngu Cơ lại một mình ngồi trong lều đợi Hạng Vũ trở về. Khi Hạng Vũ chiến thắng trở về, Ngu Cơ lại múa kiếm làm vui cho Hạng Vũ trên những bữa tiệc khải hoàn khao tướng sỹ. Là phụ nữ nhưng Ngu Cơ lại mê võ từ nhỏ. Rồi sau này học múa, nàng cũng chỉ thích múa cùng kiếm. Có lẽ cũng vì thế mà Ngu Cơ mới dành trọn mình cho vị tướng quân anh dũng khí phách trùm thiên hạ như Hạng Vũ.
Không chỉ biết chia vui cùng Hạng Vũ, Ngu Cơ còn là người phụ nữ biết sẻ chia mỗi khi người Hạng Vũ mệt mỏi và gặp phải trở ngại. Trong lần, Hạng Vũ nghe tin chú mình là Hạng Lương đã tử trận vì bị Chương Hàm đánh úp, Hạng Vũ đang cùng Lưu Bang đang đánh huyện Trần Lưu phải rút quân về phía Đông. Khi quân đã hạ trại nghỉ ngơi, Hạng Vũ trở về lều với thần sắc mệt mỏi và đau khổ. Nhìn thấy Hạng Vũ trở về mà không hề có tiếng cười hả hê, khí thế bừng bừng của những lần chiến thắng, Ngu Cơ biết rằng đã có chuyện chẳng lành. Đợi Hạng Vũ bình tĩnh trở lại, với khuôn mặt niềm nở, giọng nói nhẹ nhàng, Ngu Cơ hỏi Hạng Vũ về tình hình nơi chiến trận. Đến lúc ấy, nàng mới biết rằng chú Hạng Lương đã tử trận. Đau đớn khôn nguôi nhưng Ngu Cơ không lộ ra vẻ kinh sợ. Nàng biết, nếu tỏ ra kinh sợ, Hạng Vũ sẽ còn thấy đau khổ hơn. Ngu Cơ rất nhanh cho người bày tiệc rượu nàng đã chuẩn bị sẵn, dùng mỹ tửu và sự dịu dàng của mình giúp Hạng Vũ quên đi nỗi buồn.
Cứ như vậy, mỗi khi Hạng Vũ dẫn quân chính chiến, Ngu Cơ lại là cổ vũ, gửi gắm Hạng Vũ những tình cảm sâu nặng và hy vọng của mình, mong Hạng Vũ bình an chiến thắng trở về. Và cứ như vậy, nàng trở thành người phụ nữ không thể thiếu vắng trong cuộc đời người dũng tướng Hạng Vũ.
Đoạn tiễn biệt giữa hai người trong thành Cai Hạ là một đoạn bi tráng rất nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc được Sử ký của Tư Mã Thiên nhắc tới.
Hạng Vũ và Lưu Bang vốn đã giảng hoà ở Hồng Câu để chia đôi thiên hạ. Nhưng sau đó Lưu Bang bội ước đánh úp Hạng Vũ khiến Hạng Vũ phải chạy vào thành Cai Hạ.
Hạng Vũ đóng quân ở trong thành Cai Hạ, binh ít, lương hết. Quân Hán và quân chư hầu bổ vây mấy vòng. Đang đêm, Hạng Vũ thức dậy nghe quân Hán theo kế của Trương Lương ở bốn mặt đều hát giọng Sở với tiêu buồn ai oán của cuộc chiến chinh lâu dài.
Buồn phiền Hạng Vũ uống rượu trong trướng cùng Ngu Cơ. Hạng Vũ đau đớn cảm khái làm bài thơ, được đời sau gọi là bài "Cai Hạ ca":
Lực bạt sơn hề, khí cái thế,
Thời bất lợi hề, Truy bất thệ
Truy bất thệ hề khả nại hà,
Ngu hề, Ngu hề nại nhược hà.
Dịch:
Sức dời núi, khí trùm trời,
Ô Truy chùn bước bởi thời không may!
Ngựa sao chùn bước thế này?
Ngu Cơ, biết tính sao đây hỡi nàng?
Hạng Vũ ca mấy lần, Ngu Cơ múa kiếm, hát hòa theo, lời ca rằng:
Hán binh dĩ lược địa,
Tứ diện Sở ca thanh.
Trượng phu ý khí tận,
Tiện thiếp hà liêu sinh.
Dịch:
Quân Hán lấy hết đất,
Khúc Sở vang bốn bề.
Trượng phu chí lớn cạn,
Tiện thiếp sống làm chi.
Rồi Ngu Cơ lấy gươm tự vẫn để "tránh làm vướng bận" Hạng Vũ. Hạng Vũ thấy Ngu Cơ chết, khóc chảy nước mắt, tả hữu đều khóc, không ai có thể ngẩng lên nhìn.
Tương truyền nơi máu nàng đổ xuống mọc lên một thứ cỏ hễ có rót rượu gần bên thì cỏ múa lả lướt như Ngu Cơ trong tiệc rượu của Hạng Vũ. Người ta gọi cỏ ấy là "Ngu mỹ nhân thảo". Lại có thuyết cho rằng hương hồn bà không tan, hóa thành 2 khóm cỏ trên mộ, ngày đêm cứ quấn quít vào nhau, người ta gọi là Cỏ Ngu.
Dù cuối cùng thất bại trong cuộc chiến khốc liệt Hán Sở tranh hùng, Hạng Vũ chết giữa trận tiền năm 31 tuổi thây chẳng toàn thân, ông vẫn được các thi sĩ đời sau nhắc tới nhiều hơn so với Lưu Bang. Thơ ca của người đời sau viết về ông không thiếu lời ca ngợi, sự khâm phục và nuối tiếc cho thất bại của một vị anh hùng cái thế.
Nhà thơ Đỗ Mục đời nhà Đường có bài Đề Ô Giang đình như sau:
Thắng bại binh gia sự bất kỳ
Bao tu nhẫn sỉ thị nam nhi
Giang Đông đệ tử đa tài tuấn
Quyển thổ trùng lai vị khả tri!
Dịch:
Nhà binh có lúc thua lúc được
Ôm đau chịu nhục mới là trai
Đệ tử Giang Đông nhiều người giỏi
Biết đâu quật khởi sẽ có ngày!
Thừa tướng nhà Tống là Vương An Thạch cũng có một bài Đề Ô Giang đình như sau:
Bách chiến bì lao tráng sĩ ai
Trung nguyên nhất bại thế nan hồi
Giang Đông đệ tử kim do tại
Khẳng bị quân vương quyển thổ lai!
Dịch:
Trăm trận mệt nhoài tướng sĩ khổ
Đại bại trung nguyên thế chuyển rồi
Đệ tử Giang Đông nay còn đó
Sẽ vì quân vương quật khởi thôi!
Nữ thi sĩ đời nhà Tống là Lý Thanh Chiếu có bài từ Ô Giang được truyền tụng rộng rãi:
Sinh đương tác nhân kiệt
Tử diệc vi quỷ hùng
Chí kim tư Hạng Vũ
Bất khẳng quá Giang Đông!
Dịch:
Sống làm người anh kiệt
Chết làm ma anh hùng
Nay còn nhớ Hạng Vũ
Chẳng chịu về Giang Đông!
Vương Đàn thời nhà Thanh viếng Hạng Vũ một bài thơ như sau:
Tần nhân thiên hạ, Sở nhân cung
Uổng bả đầu lô tặng Mã Đồng
Thiên ý hà tằng đản Lưu Quý
Đại vương thất kế luyến Giang Đông
Tảo thôi Hàm Cốc xưng Tây Đế
Hà tất Hồng Môn sát Bái Công
Đồ túng Hàm Dương tam nguyệt hoả
Nhượng tha Lâu Kính thuyết Quan Trung
Dịch:
Đất của nhà Tần, cung của ông
Uổng lấy đầu lâu tặng Mã Đồng
Ý trời đâu có thương Lưu Quý
Đại vương thất sách mến Giang Đông
Sớm phá Hàm Quan xưng Tây Đế
Cần chi Hồng Yến giết Bái Công
Thiêu cháy Hàm Dương ba tháng trọn
Để cho Lâu Kính thuyết Quan Trung
Cho đến lúc chết, Ngu Cơ vẫn minh chứng một tình yêu bất di bất dịch đối với Hạng Vũ.
Dẫu rằng, có thể chính vì Ngu Cơ mà Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ phải đánh đổi cả giang sơn và sinh mệnh của mình, nhưng nếu được chọn lại, Hạng Vũ vẫn chọn được có Ngu Cơ làm bạn đời. Bởi mỹ nhân này là một người bạn, tri kỷ, người tình và là người bạn đời hoàn hảo trong mắt vị bá vương si tình…
Mối tình của Ngu Cơ và Hạng Vũ được đời sau truyền tụng và ca ngợi là như vậy…
Hoài Nguyễn