Hạnh phúc là tiếng hát chơi vơi...
Hạnh phúc là một đề tài rộng lớn, biết bao sách vở, chuyên gia, văn nhân thi sĩ, và từ giới thượng lưu xuống đến người bình dân đều bà nói về nó. Nơi đây, mình xin lạm nói về suy nghĩ của mình thu hẹp lại trong phạm vi ý nghĩa của nó trong bài hát Ở Nơi Nào Em Còn Nhớ của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên.
Ta vui ta hát, năm mười phút sau là niềm vui đã qua rồi, đã trở thành dĩ vãng, nó là một thoáng qua, nay có mai không.
Câu "Hạnh phúc là tiếng hát chơi vơi" là nói về một tình yêu không thành trong bài hát. Yêu nhau mà không đến được cùng nhau, thì còn gì đau khổ cho bằng. Khi yêu thì hân hoan vui vẻ, khi chia cách đôi đường thì niềm vui rơi rớt đi. Nhưng, nếu yêu nhau mà đến được hôn nhân, có chắc là sẽ thường có hạnh phúc hay không thì chưa hẳn. Theo thống kê năm 2019 thì ở Mỹ tỉ lệ ly dị là 40%. Vậy số 60% còn lại thì có được bao nhiêu phần trăm gia đình thường có được niềm vui, hòa thuận, ấm êm thực sự.
Tuần vừa qua, không hiểu sao câu "hạnh phúc là tiếng hát chơi vơi" cứ lảng vảng trong đầu của anattā. Niềm vui thì không cảm thấy bao nhiêu, còn chuyện lo chuyện buồn gặp phải trong đời sống hằng ngày thì chẳng vơi đi.
Thứ Sáu tuần qua, nơi chỗ làm, anattā chứng kiến cảnh cô bạn đồng nghiệp người Ấn Độ kế cạnh bên khóc thúc thích. Hôm đó cô đến sở làm trễ chừng một tiếng rưỡi, anattā chào cổ thì thấy mặt cô buồn hiu, thì đoán là có chuyện không vui ở gia đình của cô rồi. Vì có đôi lần cô kể cho anattā nghe chuyện tranh cãi với chồng. Một lúc sau, thì một người bạn gái của cô, cũng là người Ấn độ, cùng làm chung chỗ làm đến hỏi thăm san sẻ. Rồi sau đó thì nghe tiếng khóc nức nở của cô. Lúc đó nghe tiếng khóc của cô, mình cảm thấy xót xa trong lòng làm sao. Mà đây đâu phải là lần đầu. Cứ thỉnh thoảng là thấy cô vào làm trễ và mặt buồn dàu dàu cũng vì có chuyện gây với ông chồng. Cô khoảng độ ba mươi mấy tuổi, khuôn mặt xinh xắn, có duyên, định cư ở Mỹ cũng chưa lâu lắm rồi lập gia đình, và bây giờ có hai đứa con, và tậu được một ngôi nhà. Thế đó, yêu và đến được cùng nhau, thành lập một tổ ấm với hai đứa con, có công ăn việc làm, không thiếu thốn, nhưng hạnh phúc hay niềm vui thì chông chênh. Cô đâu phải là người khó ưa, ngược lại là mẩu người vui vẻ, hoạt bát, ân cần, dễ mến; tôi và cô thỉnh thoảng nói chuyện vui đùa. Cả hai chúng tôi đôi khi thường tương trợ trong công việc lẫn nhau.
Một câu chuyện buồn khác về tình yêu và hôn nhân cũng ở chỗ tôi làm. Anh chàng kia người da đen, Ghana, khoảng hơn hơn 40 tuổi, đến Mỹ định cư cũng khá lâu. Hồi khoảng gần cuối năm vừa qua, anh bị vợ bỏ, và không chịu nổi cơn sốc bởi mất mát tình cảm, nên đã bị loạn tâm loạn trí, bất bình thường. Vào chỗ làm anh đi tới đi lui, ngơ ngơ ngác ngác, anh lẫn lộn lấy nhằm đồ của người này, người kia, khiến cho những người khác không thể làm việc được. Sở làm bắt buộc phải cho anh nghỉ ngơi ở nhà một thời gian dài để chữa trị. Khoảng bốn năm tháng sau, tình trạng tâm trí hồi phục đỡ dần đi, thì mới trở lại làm khoảng sáu tháng nay. Nhưng, anh vẫn chưa trở lại bình thương thực sự như trước. Cứ hai ba ngày là tôi thấy anh đi tới đi lui nhìn dáo dác năm mười phút, hoặc chỉ đứng một chỗ mà nhìn hướng này một hồi rồi nhìn hướng kia một chút, như là muốn tìm cái gì vậy, nhưng thật ra thì không phải. Thấy anh tội nghiệp, nhưng biết giúp làm sao bây giờ. Có vài người làm chung cũng cùng quốc gia của anh thì đôi khi họ đến hỏi han anh. Tình trạng của anh thì thuộc về bệnh tương tư, tâm bệnh, nên chỉ nhờ sự chăm sóc của y sĩ chuyên môn, chuyên gia tâm lý, và thời gian thì họa may từ từ tâm trí anh mới được phục hồi như xưa.
Yêu nhau và đến được cùng nhau đâu phải lúc nào đời sống của cả hai cũng thường xuyên hòa hợp hạnh phúc đâu. Hạnh phúc là tiếng hát chơi vơi...
*****
by danny cảnh.
*