MỘT CÕI ĐI VỀ
Gần đây tôi nghe kể lại tóm tắt một câu truyện xảy ra ở Thái Lan, đây là truyện thật và đã xảy ra lâu rồi. Một người thanh niên dính líu vào một vụ án sát nhân, sau khi bị giới chức thẩm quyền bắt và hỏi cung thì anh trả lời rằng anh ta vô tội, nhưng không đưa ra được sự kiện nào để chứng minh và cũng không nói thêm bất cứ chi tiết gì. Đến ngày ra tòa, thẩm phán hỏi thì anh ta vẫn trả lời rằng anh ta vô tội, không có làm, và không nói hay khai ra thêm chi tiết gì về vụ án mạng. Vì tình tiết vụ án phức tạp, và những chứng cớ được thu thập bởi nhà chức trách đều cho thấy ra rằng anh ta phạm tội sát nhân, và kết quả bị kết án tử hình. Anh ta mới yêu cầu tòa án cho anh một ân huệ là được xuất gia và tu học Phật pháp trong thời gian ở nhà tù để chờ đợi ngày ra pháp trường. Tòa án đồng ý. Sau đó anh ta được xuất gia và khoác lên y áo nâu sòng của nhà sư và tu học giáo pháp của đức Phật. Đến ngày bị tử hình, nhà chức trách yêu cầu anh ta cởi bỏ trang phục xuất gia, và mặc đồ dành cho tù nhân, vì họ không thể xử tử một tù nhân trong trang phục của nhà sư xuất gia. Dĩ nhiên là anh ta chấp nhận,
và từ giả cõi đời.
Câu truyện khiến tôi xúc động và cảm khái, và mến phục về sự quyết định của người thanh niên chọn con đường đi cho bản thân trước khi chết. Cảm tưởng của tôi là: anh ta biết mình đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi dính líu vào án mạng, và bình tĩnh suy nghĩ để quyết định thay đổi hướng đi cho bản thân kể từ nay trên dòng sống tiếp nối vô tận mai này, và sẽ không còn phạm phải sai lầm như thế nữa.
Theo giáo pháp nhà Phật (nguyên thủy), một người mà nhận thức được sự lầm lỗi, phủ định hay bất thiện của bản thân, rồi thừa nhận và thay đổi theo khuynh hướng khẳng định hoặc tích cực thì đó là phước lành! Chứ không phải là mơ ước đạt được tâm-không, tâm vô quái ngại, tiêu dao tự tại, tung một cước phá tan cửa mây mù, đạp tung vô lượng cõi .v.v... Đó chỉ là vọng tưởng mà thôi, và hài lòng mãn nguyện với hư vọng này sẽ càng ngày càng làm cho cái ngã, cái tôi phình thêm lên.
Riêng tôi cảm nghĩ rằng, bản thân mình hàm chứa vô vàn niềm vui và nỗi buồn, chúng được tích lũy trong kiếp sống hiện tại và từ quá khứ xa xăm do di truyền chủng tộc và tổ tiên... Mỗi khi ta tiếp xúc cảnh ngoại giới qua ngũ quan như mắt, tai .v.v... vui hay buồn tức khắc hiện hữu trong tâm (ý giới hay nội tâm).
Nhìn xa rộng thêm hơn một chút ở thế giới bên ngoài thì nhận thấy sự đau khổ chiếm phần nhiều hơn là hạnh phúc, nước mắt nhiều hơn nụ cười. Đây là thời buổi khoa học máy móc phát triển tối tân, tri thức cao, nhưng sự thông cảm bắt tay nhau để dung hòa những đối nghịch xung đột hiếm thấy ở các vị có thẩm quyền. Chiến tranh vẫn tiếp diễn không dứt, biết bao nhiêu người bị chết vô tội, bị thương tật và sống trong cảnh đói khát, lầm than. Đa số dân chúng ở các nước độc tài, và vài nước tự do cũng bị thiếu thốn, khốn khổ không kém. Những quốc gia tự do giàu có thì dân chúng cũng có những nỗi đau khổ, buồn đau khác về mặt xã hội cũng nhu gia đình hay cá nhân. Tiếng ai oán, nước mắt, và nước mắt. Trong kinh Tương Ưng, đức Phật có nói với các vị tỳ kheo rằng:
nước mắt của các ông trải qua trong vô lượng kiếp luân hồi còn nhiều hơn bốn biển lớn. Hồi đó, khi đọc đoạn kinh này, tôi có hoài nghi, nhưng dần dà về sau này tìm học kinh sách nguyên thủy nhiều hơn thì nhận thức rằng, lời giảng đó của ngài hợp lý.
Cá nhân tôi, dù đã trải qua bao lận đận lao đao, nhọc nhằn vất vả, nhưng may mắn là chưa phạm phải lỗi lầm trầm trọng để phải vướng vòng lao lý mà mất mạng. May hay chẳng may, khi còn ở trong nước, tôi biết đến J. Krishnamurti và tìm mua sách ông để đọc, xin được tri ân đến ông, người mà tôi xem như vị ân nhân cũng như vị thầy đã khai mở đời sống tâm linh từ khi tôi còn trẻ. Hồi đó, có những lúc tôi đau khổ, sầu bi mà không lối giải, tôi lấy sách của ông ra đọc thì buồn đau phai nhạt dần đi, niềm an bình hiện diện. Sau này qua Mỹ một thời gian thì tôi mới tìm đến giáo pháp nhà Phật, trải qua một thời gian học hỏi, tôi chọn hệ phái Nam-tông vì thấy gần gũi với lời dạy uyên nguyên của đức Phật mà lại thực tiễn, không đưa kẻ cầu học vào viễn mộng hư ảo. Xin tỏ lòng tri ân vô vàn đến đức Phật. Giờ đây, khi có những ưu sầu, phiền não, tôi quay trở về với chính nội tâm mình, ứng dụng những hiểu biết đạo lý đã học để hóa giải nó cho tâm hồn được yên bình. Dĩ nhiên là đâu thể nào có được sự an bình tuyệt đối trong đời sống được. Là sự an ổn tương đối, sự thanh thản phần nào, vì mỗi khi ta đối cảnh thì tùy theo tâm mình mà những trạng thái (hài lòng hoặc) bất mãn khác khởi hiện. Điều quan trọng là kiểm soát được những nỗi buồn, nóng nảy, cáu gắt, lo âu, sầu muộn, sân si... mà không để chúng sai sử mình, giúp mình có được sự tự chủ, độc lập. Sự an tịnh tuyệt đối, tạm nói như thế, chỉ hiện hữu ở trong tâm trí của các vị thánh chứng đạo nói theo nhà Phật, hay họa chăng thường trực ở các vị đại tư tưởng gia.
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
It is easy in the world to live after the world's opinion; it is easy to live in solitude after your own;
but the great man is he who in the midst of the crowd keeps the independence of solitude with perfect sweetness.
Anatole France
(1844-1924)
~~~
...