LTP Học Phật Pháp
Đường đến Giác ngộ: 37 phần Bồ đề
Tỳ kheo Chánh Minh
Chùa Bồ Đề, Vũng Tàu
https://budsas.net/uni/u-chanhminh/37bode-03.htm

Chương III (1-2)
BỐN CHÁNH CẦN
(Caṭṭāra-sammappadhāna)

Chữ sammappaddhāna = samma + padhāna được dịch là Chánh-cần.
Có định nghĩa như sau:
- Bhusaṃ dāhaṭi vahaṭi’ṭi padhanaṃ. Thường làm phận-sự thiêu đốt là Cần.
- Sammadeva padhānaṃ sammappaddhanaṃ. Tinh cần trong sự chính đáng là Chánh-cần.


Padhāna là sự cố-gắng thực-hiện một điều gì đó bằng sự kiên-trì với quyết tâm mạnh-mẽ.
Nếu sự thực-hiện điều này đúng đắn sẽ mang lại hiệu quả tốt, nên gọi là Chánh-cần (sammappadhāna).
Sự kiên-trì không thối chuyển cùng với quyết tâm đạt được mục-đích, được gọi là āṭapa vīriya (nhiệt-cần).
Ðó là sự cố-gắng gồm bốn đặc-tính được kể ra trong đoạn kinh sau:

Kāmaṃ ṭaco ca nahāru ca aṭṭhi ca avasissaṭu sarīre upasussaṭu maṃsalohiṭam yaṃ ṭaṃ purisaṭhāmena purisa vīriyema purisaparakkamena paṭṭabhaṃ na ṭaṃ apā puṇiṭvā vīriyassa saṅṭhānaṃ bhavissaṭi.

"Dầu chỉ còn da, gân và xương, dầu thịt và máu trong thân này khô cạn, ta vẫn không ngừng tinh-tấn cho đến khi nào ta đạt được điều con người có thể đạt được do khả-năng tinh-tấn". (Aṅguṭṭara nikāya, Duka nipāṭa)
Bốn đặc-tính của tinh-tấn có thể tóm tắt là:
Dầu chỉ còn da.
Dầu chỉ còn gân.
Dầu chỉ còn xương.
Dầu máu cạn, thịt khô.

Bốn đặc-tính này hội-tụ trở thành sự quyết tâm mạnh-mẽ, biểu lộ một quyết tâm không lay chuyễn.
"Ta sẽ không ngừng nghĩ hay buông lơi, khi chưa đạt đến mục tiêu bằng sự tinh-tấn của con người".
Ðó là sự thể hiện tinh-tấn của trưởng-lão Sona, đồng thời cũng là của trưởng-lão Cakkhupāla ...
Bao giờ sự tinh-cần theo lời dạy của đức Phật được thực-hiện đầy đủ theo trong suốt cuộc đời, khi ấy nếu các tầng thiền, đạo, quả không phát-sanh, bấy giờ người ta mới được phép nói rằng:
"Nguyên-nhân không thành-đạt là do thiếu ba-la-mật, hay là người nhị-nhân hoặc do sanh vào thời-kỳ không có đạo-quả, không có pháp thượng-nhân".
Ở đời, có một số người không thực-hành sự nhiệt-cần như lời dạy của đức Phật đã nêu bày, thậm chí không thực-hành pháp niệm đến nơi đến chốn, để chữa-trị bệnh buông-lung, phóng túng, lại bào-chữa rằng: "Đạo-quả không đạt được là do sanh nhằm thời-kỳ mạt pháp". Một số khác lại bảo rằng: "Người trong thời này không đủ pháp ba-la-mật nên không thể chứng-đắc đạo-quả". Một số khác lại cho rằng: "Thời này là thời của người nhị-nhân".
Tất cả những luận điệu trên nhằm biện minh cho sự dể-duôi, lười nhác, thiếu tinh-tấn, đồng thời không hiểu rằng: "Đây là thời của hạng người Neyya". Hạng người Neyya sở dĩ không đạt được đạo-quả là do thiếu tinh-tấn đúng mức.
Nếu chánh tinh-tấn được thực-hiện đúng mức cùng với sự quyết tâm vững mạnh (pahiṭaṭṭa), thì trong ngàn người tinh-tấn như vậy, cũng có ba, bốn hay năm trăm người thành-đạt đạo-quả.
Chữ Pahiṭaṭṭa mang ý-nghĩa: "Sự quyết tâm tinh-tấn đến trọn đời, nếu cần thiết có thể chết trong khi vẫn còn đang thực-hiện tinh-tấn".
Câu chuyện của trưởng-lão Godhika được ghi trong Tương-ưng kinh là một minh chứng.
Trưởng-lão Godhika tinh-cần sống không phóng-dật nên chứng-đắc được nhất thời tâm giải-thoát (sơ-thiền) nhưng rồi thối thất tinh-tấn. Ðến sáu lần như vậy.
Theo sớ giải, sở dĩ Ngài thối thất sáu lần như vậy là do bị nội thương, khi Ngài tinh-tấn hành pháp thì nội thương lại tái phát. Ðến lần thứ bảy, Ngài lại tinh-tấn sống không phóng-dật chứng được sơ-thiền, bấy giờ nội thương lại tái phát, Ngài suy nghĩ không thể thối thất đến lần thứ bảy, "Thà rằng ta chết đi trong sự tinh-tấn hơn là để thối thất". Thế là, Ngài đem con dao đến cho mình, trong giây phút sắp mệnh-chung, Ngài tinh-tấn triển khai minh-sát và đạt quả Vô-lậu. Trong kinh có ghi: Ác ma muốn tìm chỗ tái-sanh của Ngài nhưng y thất vọng, Ðức Thế-tôn dạy rằng: Godhika đã Níp-bàn.
Trong kinh Mahā parinibbāna, ở Trường-bộ, có ghi lời di huấn tối hậu của đức Phật:

"Này chư tỳ-khưu! các pháp-hành là vô-thường, hãy tinh-tấn chớ có dể-duôi".

Sự tinh-tấn của trưởng-lão Cakkhupāla được thể hiện bằng sự tỉnh-thức suốt ba tháng an cư chỉ có hai oai-nghi được thực-hiện là ngồi và đi.
Trưởng-lão Phussadeva sau hai mươi lăm năm tinh-tấn hành-đạo như thế (là ngăn oai-nghi nằm) mới chứng đạt đạo-quả. Trưởng-lão Mahāsīva phải kéo dài sự tinh-tấn đến ba mươi năm mới thành-đạt mục tiêu giải-thoát.
Thời trước đã là vậy, thời này càng phải tinh-tấn nhiều hơn nữa. Một điều nên ghi nhận rằng: Trong thời hiện-tại, có người nỗ-lực tinh-tấn, lại không có đủ căn-bản về pháp-học (pariyaṭṭi) nên sự tinh-tấn ấy, đôi khi không chính xác, tức là khiếm khuyết về chánh-cần.
Trái lại, những người có đủ căn-bản pháp-học lại vướng bận (palibodha) trong công việc của tỳ-khưu, vì sống gần đô thị nên phải thuyết-pháp, giảng đạo, luận đạo, biên soạn kinh-sách ... và như thế cũng không thể thực-hiện chánh tinh-tấn liên tục được.
Một số có quan niệm rằng: "Khi các pháp ba-la-mật đã chín mùi và thời gian cận kề sắp đến, sẽ chứng đạt đạo-quả dễ-dàng". Thế là, họ không nỗ-lực tinh-tấn ngay bây giờ và vì không có sự xác tín rằng: "sự tinh-tấn trong hiện-tại chẳng biết có mang lại kết quả hay không?" nên không nỗ-lực tinh-tấn. Xem ra, những người này không suy-nghiệm để so sánh sự khổ tinh-tấn ba mươi năm với sự khổ trong luân-hồi mà họ sẽ đối diện.
Trong thời gian chờ đợi ba-la-mật chín mùi, họ chưa đạt đạo-quả, họ sẽ ra sao? có thể do dể-duôi không tinh-tấn họ sa vào địa-ngục, họ không biết rằng: "Khổ tinh-tấn ba mươi năm không khắc nghiệt bằng khổ trong địa-ngục chỉ vài giờ".

Họ bảo rằng: "Sau ba mươi năm tinh-tấn, không đạt được đạo-quả giải-thoát, hoàn cảnh cũng vậy thôi". Nghe qua cũng hữu lý, nhưng gẩm lại thì ... nếu có đủ căn duyên người ấy sẽ giải-thoát với sự tinh-tấn này, nếu không đủ căn duyên, cũng sẽ giải-thoát trong kiếp kế.
Cho dù không giải-thoát trong giáo-pháp hiện-tại, nghiệp tinh-tấn tu-tập thường xuyên (bhāvanā aciṇṇa kamma) là nghiệp rất mạnh, nhờ nghiệp này, người ấy có thể tránh khỏi đọa-xứ, sau nhiều lần sanh về nhàn-cảnh (sugaṭi) và sẽ gặp được đức Phật vị-lai.
Còn những người không thực-hiện pháp tinh-tấn, sẽ đánh mất cơ hội giải-thoát trong kiếp này, mặc dầu giá phải trả là ba mươi năm tinh-tấn. Nghĩa là, khả-năng đắc đạo-quả sẽ đến với họ sau ba mươi năm liên tục tinh-tấn, nhưng vì không có pháp tinh-tấn, họ đành để mất tất cả, đồng thời chẳng được gì.
Do vậy, hãy tinh-tấn để đạt được pháp-nhãn (dhammacakkhu) hay tuệ-nhãn (paññācakkhu), đồng thời phòng-ngự trước những nguy-hiểm của luân-hồi đọa-xứ.
Chánh tinh-tấn có bốn là:
1. Anuppannānaṃ akusalānaṃ dhammānaṃ anuppādāya vāyāmo: Tinh-tấn làm cho các ác bất-thiện pháp chưa sanh không sanh-khởi, còn gọi là thận-cần (saṃvarappadhāna).
2. Upannānaṃ akusalānaṃ dhammānaṃ pahānāya vāyāmo: Tinh-tấn khắc phục những ác bất-thiện pháp đaõ hay đang sanh, còn gọi là trừ-cần (pahānappaddhāna).
3. Anuppannānaṃ kusalānaṃ dhammānaṃ uppādāya vāyāmo: Tinh-tấn làm cho những thiện-pháp chưa sanh được sanh-khởi, còn gọi là tu-cần (bhāvanāppadhāna).
4. Uppannānaṃ kusalānaṃ dhammānaṃ bhiyyobhāvāya vāyāmo: Tinh-tấn duy trì phát-triển những thiện-pháp đã sanh hay đang sanh, còn gọi là bảo-cần (anurakkhanāppadhāna).
Bất-thiện nghiệp đã sanh và chưa sanh.
Mỗi chúng-sanh còn trôi lăn trong sinh tử luân-hồi, nói về bất-thiện nghiệp, có hai loại:
Uppanna akusala kammabất-thiện nghiệp đã sanh, đó là những bất-thiện nghiệp quá-khứ lẫn hiện-tại.
Những bất-thiện nghiệp trong quá-khứ, một số đã trả quả bằng cách cho tái-sanh vào khổ-cảnh, một số khác chờ cơ hội tạo ra sự sanh-khởi vào đoạ xứ. Chúng là tiềm năng dẫn dắt rơi vào đọa-lạc, tiềm năng ấy luôn đi theo chúng-sanh từ đại kiếp này sang đại kiếp khác, từ đời sống này sang đời sống khác, chúng-sanh nào còn mang thân-kiến (sakkāyadiṭṭhi), dầu là người, chư-thiên, hay phạm-thiên, đều chứa một kho của nợ nhiều vô số kể, đó là những tiềm năng bất-thiện, tạo ra sự tái-sanh vào khổ-cảnh, cõi thấp nhất là địa-ngục A-tỳ (avīci niraya).

Thân-kiến là gì?

Là cho rằng có cái ta (tự ngã) trong thân năm uẩn, mỗi uẩn có bốn cách:
Cho rằng sắc là tự ngã.
Cho rằng tự ngã có sắc như cây có bóng cây.
Cho rằng sắc có trong tự ngã như mùi hương có trong bông hoa.
Cho rằng tự ngã có trong sắc như viên ngọc nằm trong hộp.

Tương-tự như thế đối với thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn và thức-uẩn.
Như thế, thân-kiến gồm hai mươi loại.
Tiềm năng trong bất-thiện nghiệp như mầm giống trong hạt xoài, hạt mít ... nó không lộ diện khi chưa đủ điều-kiện thích-hợp. Người ta không thể tìm mầm giống hạt xoài bằng cách nghiền nát hay bằm nhỏ hạt xoài, nhưng khi gieo vào đất có nước ẩm ướt, thế là mầm giống xuất hiện. Cũng vậy những tiềm năng trong bất-thiện nghiệp theo sát chúng-sanh, chờ đợi cơ hội sẽ hiển-lộ ra.
Những bất-thiện đã sanh này có căn cội, gốc rễ trong thân-kiến. Gọi là bất-thiện nghiệp ám chỉ những bất-thiện nghiệp dẫn tái-sanh vào khổ-cảnh (duggaṭi).
Khi nào còn thân-kiến những nghiệp ấy không hết được, kho tích lũy bất-thiện nghiệp đã sanh chẳng những chưa tiêu thụ hết, lại còn đưa thêm vào ngày một nhiều hơn.
Nhưng bao giờ tiêu thụ hết? Bao giờ có tuệ-quán thấy rõ tướng vô-ngã (anaṭṭa lakkhaṇa), khi ấy mới loại trừ được thân-kiến.
Khi nào thân-kiến hoàn toàn vắng mặt, khi ấy tất cả những bất-thiện nghiệp liên-hệ với thân-kiến đã sanh cũng biến mất và kho chất chứa bất-thiện nghiệp này trở nên trống rỗng, chúng-sanh này không còn bị tái-sanh vào khổ-cảnh.
Anuppanna akusala kammabất-thiện nghiệp chưa sanh. Là những bất-thiện nghiệp trong tương-lai, tức là sau sát na hiện-tại (khaṇa) kế tiếp trong kiếp sống này trở đi. Ở đây, gọi là bất-thiện nghiệp chưa sanh, là ám chỉ những loại nghiệp dẫn sanh vào khổ-cảnh chưa phạm đến, tức là chưa tạo ra. Số lượng bất-thiện nghiệp chưa sanh được người ta gây ra chỉ trong một kiếp sống, cũng không thể đếm hết.
Tiền thân trưởng-lão Losaka là vị tỳ-khưu trong giáo-pháp đức Phật Kassapa, tu hành tinh-tấn, nhưng chỉ một lần ganh tị với vị A-la-hán, đổ hết vật-thực của thí chủ cúng dường đến vị A-la-hán. Vị ấy bị sa vào địa-ngục với thời gian lâu không thể đếm được, rồi sanh làm ngạ-quỉ (peṭa). Ðồng thời kể từ đó trở đi, chưa bao giờ Ngài được no lòng, chỉ đến khi sắp viên tịch, nhờ sự trợ giúp của trưởng-lão Sārīpuṭṭa, Ngài mới được no dạ bữa cuối cùng.
Có suy-gẫm như thế, chúng ta mới kinh-sợ cho bất-thiện nghiệp này và cố-gắng không vi-phạm đến chúng. Tất cả những bất-thiện nghiệp chưa sanh dẫn đến khổ-cảnh đều xuất phát từ thân-kiến, bao giờ thân-kiến được đoạn trừ, khi ấy những bất-thiện nghiệp chưa sanh này cũng tuyệt dứt ngay trong sát na ấy, nghĩa là vĩnh viễn chúng không thể được tạo ra
Ở đây chữ "tuyệt-dứt" nghĩa là không hề phạm kể từ sát na kế tiếp trở đi. Tức là, khi trừ diệt thân-kiến rồi, cho dù trải qua những kiếp sống về sau hay những đại kiếp sau đó, dù là vô-tình cũng không hề phạm phải những bất-thiện nghiệp dẫn đến khổ-cảnh.
Suốt thời gian luân-hồi còn lại, những chúng-sanh này không hề vi-phạm bất kỳ một bất-thiện nghiệp dẫn đọa vào khổ-cảnh, ngay cả trong giấc mơ cũng không hề có.
Nếu như còn thân-kiến, cho dù là vị vua Chuyển-luân nắm quyền thống trị toàn thể thế-gian, vị ấy vẫn chịu sự kềm kẹp của hai ngọn lửa khổ-cảnh phía trước và phía sau. Nghĩa là vị ấy vẫn phải ở giữa bất-thiện nghiệp đã sanh và bất-thiện nghiệp chưa sanh. Khi một trong hai ngọn lửa cháy bừng lên, vị ấy sẽ rơi vào khổ-cảnh như địa-ngục, súc-sanh, ngạ-quỉ.
Tương-tự như thế đối với Tứ đại-vương, vua trời Sakka, các vị Phạm-thiên cõi hữu-sắc, cõi vô-sắc. Tất cả đều bị hai ngọn lửa bất-thiện nghiệp đã sanh và chưa sanh kềm giữ, đều là những kẻ chất chứa hơi nóng địa-ngục, bị trói-buộc bởi xiềng xích của địa-ngục và khổ-cảnh. Bị vây hãm như thế, họ cần phải có sự nỗ-lực mãnh-liệt để dập tắt vĩnh viễn hai ngọn lửa ấy, đồng thời phải biết cách tiêu diệt chúng.
Trong vòng nước xoáy của đại dương luân-hồi đầy nóng bức, chúng-sanh chìm đắm nổi trôi như hạt gạo chìm xuống nổi lên trong chảo nước nóng sôi sùng sục, chúng-sanh này cần phải có ý-niệm mãnh-liệt là "gặp được giáo-pháp của đức Phật Chánh-giác". Và khi gặp được rồi, sẽ không đánh mất cơ hội dập tắt hai ngọn lửa ấy.
Thật ra, ý nguyện gặp được giáo-pháp của đức Phật chẳng dễ-dàng gì thành-đạt, ý nguyện này giống như người đi tìm vàng ở vùng khô cằn sỏi-đá, rất hiếm khi tìm được vàng. Khi gặp được giáo-pháp của đức Phật rồi, cần phải tinh-cần mãnh-liệt, để thành đạt mục-đích tiêu diệt hai ngọn lửa khổ-cảnh đã sanh và chưa sanh.
Nói cách khác, những chúng-sanh khi gặp được giáo-pháp của đức Phật, chỉ có bổn phận duy nhất là: "dập tắt ngọn lửa bất-thiện nghiệp đã sanh và chưa sanh", đó là lợi-ích thiết-thực trong tương-lai của họ.
Cũng ví như một người bệnh nặng, y cần hối hả đi tìm vị lương y giỏi để chữa trị, khi tìm thấy rồi y cần phải kiêng cử những loại vật-thực gây tác hại, nhằm mục-đích không cho bệnh đang có được phát-triển, ngăn ngừa những chứng bệnh sanh lên trong tương-lai.
Ðồng thời y phải thường xuyên uống thuốc trị bệnh, nhờ thế bệnh y mau thuyên giảm để rồi dứt hẳn, trở nên khỏe mạnh hoàn toàn.
Phận-sự dập tắt hai bất-thiện nghiệp đã sanh -chưa sanh, là phận-sự trừ diệt được thân-kiến, nếu thân-kiến được đoạn tận thì hai loại bất-thiện nghiệp kia cũng hoàn toàn bị dập tắt.
Những vị Thánh Tu-đà-hườn như bà Visākhā, ông Anāṭhapiṇḍika ... có rất nhiều trong nhân-loại, chư-thiên, phạm-thiên. Ðó là những chúng-sanh đã thoát ra khỏi trạng-thái chìm đắm trôi nổi trong dòng nước xoáy (oghā: bộc lưu) của luân-hồi từ khi thân-kiến bị diệt. Ðó là những chúng-sanh đạt được Níp-bàn lần đầu, đây là loại Níp-bàn có tên Sa-upādisesa nibbāna (hữu-dư y Níp-bàn hay phiền-não Níp-bàn).
Tuy còn phải luân-hồi trong nhiều kiếp hay nhiều đại kiếp, nhưng những vị này không còn là phàm-phu mà là những vị thánh siêu-thế-gian, cuối cùng sẽ thành-đạt trạng-thái Anupādisesa nibbāna (vô-dư y Níp-bàn hay ngũ-uẩn Níp-bàn).
Một dòng sông có khúc ngập tràn bốn dòng nước xoáy, một người lái thuyền tài giỏi, khi thuyền đi vào bốn dòng nước xoáy, y cố-gắng chăm chú lèo lái con thuyền vượt qua bốn dòng nước xoáy, thuyền đi vào khúc sông yên-lặng hiền hòa, trôi xuôi về kinh-thành an-tịnh.
Khúc sông ví như dòng luân-hồi, chúng-sanh bị chìm đắm trong bốn dòng nước xoáy là: dục-bộc (kāmoghā), hữu-bộc (bhavoghā), kiến-bộc (diṭṭho-ghā) và vô-minh bộc (avijjoghā), khi vượt qua bốn vùng nước xoáy ví như trừ được thân-kiến, thuyền đi vào vùng bình an ví như không còn bị chìm đắm trong khổ-cảnh, cuối cùng trôi xuôi về kinh-thành an lạc ví như đạt được vô-dư y Níp-bàn.
Những bất-thiện nghiệp đã sanh -chưa sanh đều xuất phát từ nguồn gốc là tà-kiến, mà thân-kiến là một chi nhánh của nó.
Câu nói "chúng-sanh không nơi nương tựa" là ám chỉ cho những bất-thiện nghiệp sanh từ tà-kiến. Tà-kiến là sự thấy sai, không đúng theo sự-thật, nó ví như ảo ảnh của người đi trong sa mạc.
Lẽ thường người đi trong sa mạc bị nóng bức, khát khô cổ, y nhìn thấy nơi xa xa là vùng đất xanh cỏ, hay thấy những hồ nước trong vắt ngon ngọt, y nghĩ "sẽ đến đó để tắm rửa, giải khát", nhưng đến nơi cũng chỉ là sa mạc nóng bỏng mênh mông, y than thở rằng: "đây không phải là chỗ trú chân, không phải là chỗ nương thân".
Cũng vậy, những ác bất-thiện nghiệp có nguồn gốc từ tà-kiến như giết chúng-sanh để tế thần lửa chẳng hạn, đây là một trong những ác bất-thiện nghiệp sanh ra từ tà-kiến, đưa chúng-sanh lâm vào khổ-lụy, phải nhận lấy ác quả khốc liệt. Khi ấy, họ sẽ than rằng "đây không phải là cách để nương thân"
Khi tà-kiến bị diệt, tất cả ác-hạnh cũ lẫn mới, đã sanh hoặc chưa sanh cũng đều dứt sạch, người ấy thoát khỏi khổ-cảnh (apāya), chỉ còn lại là con người cao quí, chư-thiên hay phạm-thiên.
Phương-pháp trừ diệt tà-kiến, chỉ có trong Phật-giáo. Do đó, cần phải có ý nguyện gặp được giáo-pháp của đức Phật, từ đó dẫn đến sự thoát ly khổ-cảnh qua sự trừ diệt được những ác-nghiệp cũ lẫn mới, đã sanh hoặc chưa sanh.
Người may mắn gặp được giáo-pháp của đức Phật ngay trong kiếp hiện-tại, cần phải nỗ-lực để đoạn trừ chướng-ngại lớn đầu tiên là tà-kiến.
Tà-kiến an-trú ở đâu? Chúng an-trú trong mỗi chúng-sanh ở ba vị trí:
1) Viṭikkama - vùng vi-phạm: là chỗ thể hiện qua hành động hoặc lời nói, tức là đã vượt qua lãnh-vực ý nghĩ.
2) Parīyuṭṭhāna - vùng trói-buộc (triền): là những ý nghĩ bất-thiện khởi lên trong tâm, ràng buộc tâm dính mắc vào các pháp ô-nhiễm, triền nằm trong phạm vi ý-thức.
3) Anusaya - vùng tùy-miên hay ô-nhiễm ngủ-ngầm.
Ba chỗ này là trú-xứ của thân-kiến. Có thể gọi thân-kiến có ba loại: thô-thiển, trung-bình và vi-tế.
Tà-kiến (hay thân-kiến) thô-thiển là những ý bất-thiện liên-hệ đến tà-kiến, được hiển-lộ qua hành động hoặc lời nói. Tà-kiến triền là trung-bình gồm những ý bất-thiện liên-hệ đến tà-kiến khởi lên trong tâm, nhưng chưa trở thành hành động hay lời nói. Tà-kiến ngủ-ngầm là vi-tế, đó là các bất-thiện pháp liên-hệ đến tà-kiến, tiềm-ẩn trong chúng-sanh suốt cả chuỗi dài luân-hồi.
Có thể hiểu ba loại tà-kiến này qua ví dụ que diêm, que diêm quẹt có ba ngọn lửa là:
- Lửa tiềm-ẩn trong que diêm.
- Lửa đã bật cháy.
-Và lửa cháy lan sang các vật khác như đống rác, y phục, nhà cửa, rừng, ruộng...

Loại thứ nhất ví như tà-kiến còn đang ngủ-ngầm. Loại thứ hai ví như tà-kiến triền, đã sanh-khởi trong ý. Loại thứ ba là tà-kiến thô-thiển đã bộc phát qua hành động hay lời nói.
Ngọn lửa tiềm-ẩn trong que diêm, nó không gây ra tác hại nào cả, cho dù nó được đặt ngay hay cận kề những vật dễ cháy như thuốc súng, vật dẫn hỏa ... Cũng vậy, tà-kiến ngủ-ngầm tiềm-ẩn trong mỗi chúng-sanh, không lộ diện khi chưa tiếp xúc với cảnh trần ô-nhiễm của tâm hay những điều-kiện dẫn dắt sanh ra điều ác, chúng vô-hại chẳng có tác-dụng hay ảnh hưởng gì đến tâm.
Tuy nhiên, nếu chúng tiếp chạm với cảnh trần hay những nguyên-nhân hoặc điều-kiện ô-nhiễm, những điều-kiện thích-hợp chúng sẽ nẩy bật ra, giống như que diêm khi cọ xát với miếng giấy kích-thích nó sẽ bật ra ngọn lửa ngay.
Tà-kiến ngủ-ngầm khi bị khuấy động, kích-thích sẽ hiện ra ở ý môn (manodvāra), bấy giờ trở thành pháp trói-buộc tâm, gọi là kiến-triền (diṭṭhi pariyuṭṭhāna).
Nhưng cái gì tạo ra sự khuấy động kích-thích pháp ngủ-ngầm sanh-khởi? Chính là tác-ý sai.
Nếu vào lúc ấy, sự hiện bày pháp ngủ-ngầm bị trấn áp bởi thiện-pháp, tức là do có tác-ý đúng, chúng biến mất khỏi vùng trói-buộc và trở lại trạng-thái ngủ-ngầm. Ví như que diêm bật cháy được thổi tắt ngay, chúng trở nên bất động như trạng-thái ban đầu.
Ngược lại, nếu chúng không bị kìm chế trấn áp, chúng sẽ phát-triển theo khuynh-hướng tự-nhiên, đồng thời được hỗ-trợ bởi tác-ý sai, chúng sẽ khuấy động mạnh-mẽ ở vùng triền ví như ngọn lửa được gió thổi vào, càng lúc càng cháy bùng lên, để rồi chúng vượt qua vùng ý môn, xuyên qua năm môn là: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, đi vào vùng vi-phạm, ví như ngọn lửa tìm đến những vật dễ cháy như y phục, gỗ ... lan rộng ra mãi. Thế là, người ấy sẽ hành động bằng thân ác hoặc lời nói ác.
Người có sự kiểm-soát mình ở hai vùng: vi-phạm và triền, nhờ đó hành động -lời nói cùng ý nghĩ được thanh-tịnh. Người này được gọi là người hành-thiện có giới, nhưng vì không biết rõ vùng ngủ-ngầm, nên vùng tùy-miên chưa được tiêu diệt. Cho dù hai vùng vi-phạm -triền được kiểm-soát hoàn hảo, nhưng đó chỉ là tạm thời, vì chúng vẫn còn gốc rễ, ví như cây được cưa hết cành lá, gốc, nhưng rễ vẫn còn, khi có cơ hội sẽ đâm chồi, mọc nhánh mới.
Người có thọ-trì các điều-học về giới được mạnh-mẽ, sự kiểm-soát hai vùng vi-phạm -triền có thể kéo dài đến trọn đời, nhưng kiếp sau thì không chắc chắn. Ở kiếp sau, hai vùng này vẫn có thể bị dấy động, để rồi ác bất-thiện khởi lên, bởi vì tùy-miên vẫn còn gốc rễ.
Chẳng phải riêng tà-kiến, cả tham, sân, si đều có mặt ở ba lãnh-vực này. Ðể tuyệt dứt ba vùng này, người ta phải tinh-tấn thực-hành Giới-định-tuệ cùng bảy pháp thanh-tịnh.
Thiện-nghiệp đã sanh và chưa sanh
Thiện-nghiệp đã sanh hay chưa sanh đều liên quan đến Giới-định-tuệ cùng bảy pháp thanh-tịnh. Với người cư-sĩ giới là mạng sống (ājīva aṭṭhamakasīla), gồm tám điều đó là: không sát-sanh, không trộm-cắp, không tà-hạnh trong dục, không nói-dối, không nói lời hung-ác, không nói lời đâm-thọc, không nói lời nhãm-nhí và nuôi mạng chân-chánh. Năm giới được gọi là thường giới (nicca sīlaṃ), là giới được gìn-giữ đến trọn đời. Riêng về bát quan trai giới hay thập giới (mười giới sa-di) là giúp cho thường giới được trong sạch hơn, thọ-trì được thì tốt bằng không cũng chẳng có chi đáng trách.
Ðối với sa-môn là sa-di, mười giới là thường giới, được gìn-giữ cho đến khi nào còn mặc chiếc y vàng với phẩm mạo sa-di. Ðối với tỳ-khưu là bốn thanh-tịnh giới.
Ðịnh có hai loại là: định cận-hành và định an-chỉ, hai loại định này được thành-tựu qua pháp chánh-định gồm bốn mươi đề mục.
Bốn pháp thanh-tịnh: kiến-tịnh, đoạn-nghi tịnh, đạo-phi-đạo tri-kiến tịnh và hành tri-kiến tịnh, là tuệ hiệp-thế (lokiya paññā). Tri-kiến thanh-tịnh là tuệ siêu-thế. Năm thanh-tịnh này là tuệ.
Trong ba lãnh-vực của tà-kiến: Giới đoạn trừ tà-kiến thô ở vùng vi-phạm, định đoạn trừ tà-kiến trung-bình ở vùng triền và tuệ đoạn dứt tà-kiến vi-tế ở vùng ngủ-ngầm.
Giới đoạn trừ tà-kiến thô-thiển ở vùng vi-phạm nghĩa là người giữ giới nghiêm minh, tà-kiến không thể vượt qua ý-môn để tạo thành ác-nghiệp qua hành động hay lời nói.
Ðịnh đoạn trừ tà-kiến trung-bình ở vùng triền, nghĩa là nếu sự chú tâm vững-chắc vào đề mục, thì sự khuấy động tâm không thể xảy ra.
Tuệ trừ diệt ở tà-kiến vi-tế vùng tùy-miên, là ám chỉ tuệ đạo Dự-lưu, khi đạt đến tuệ-quán này, thấy cái gọi là người, thú, chúng-sanh ... chỉ là một khối tập hợp danh-sắc, là những tiến-trình diễn-hoạt của danh-sắc, tiến-trình này là biểu-tượng của ba tướng vô-thường -khổ -vô-ngã. Khi ấy ngủ-ngầm trong sự nghĩ sai, thấy sai: thường, lạc, ngã, trong sạch không còn đứng vững, chúng bị tiêu diệt.
Tà-kiến là gì? Là sự thấy sai với sự-thật, điều gì vô-thường lại cho là thường, điều gì khổ lại cho là lạc, điều gì vô-ngã lại cho là ngã, điều gì không trong sạch lại cho là sạch.
Tất cả những lầm-lạc ấy gọi chung là tà-kiến, thân-kiến là một chi nhánh của tà-kiến trong lãnh-vực vô-ngã cho là ngã.
Tà-kiến được phát huy sức mạnh là do vô-minh hỗ-trợ. Vô-minh đồng nghĩa với si-mê (moha) nhưng giữa vô-minh và si-mê ở một góc độ nào đó lại mang ý-nghĩa khác biệt. Si-mê là sự không biết, là mê-muội, trái lại vô-minh ngoài sự không biết còn là sự lầm lẫn.
Có người đi trong đêm tối, thấy một vật cong cong uốn khúc y ngỡ là con rắn nên kinh-sợ, chợt có ánh chớp lóe lên soi vào vùng đó, y nhìn thấy chỉ là khúc cây khô, nên không còn kinh-sợ và không còn cho đó là con rắn nữa.
Trong ví dụ trên: trong đêm tối ví như si-mê, thấy khúc gỗ cong uốn khúc ngỡ là con rắn ví như vô-minh, cho đó là con rắn ví như tà-kiến. Ánh chớp lóe sáng lên ví như tuệ-quán, soi vùng có khúc gỗ ví như vùng ngủ-ngầm. Và thế là, tà-kiến vùng ngủ-ngầm ví như ngỡ khúc gỗ là con rắn không còn.
Nói tóm lại, khi tuệ-quán sanh-khởi bốn pháp lầm-lạc (vipallāsadhammā) là thường, lạc, ngã, tịnh, ý nghĩ người (puggalā) chúng-sanh (saṭṭa) đều không còn, đó chỉ là một tổ hợp danh-sắc hay ngũ-uẩn diễn tiến theo ba tướng-trạng vô-thường -khổ -vô-ngã và vùng ngủ-ngầm được quét sạch từng phần, cho đến khi không còn tồn tại. Bấy giờ, vị ấy trở thành Thánh Vô-lậu.
Về thiện-nghiệp đã sanh và chưa sanh, được nhận-định qua hai thời điểm, đó là:
- Thời khởi điểm được tính vào ngay kiếp sống này.
- Thời khởi điểm dựa vào chuỗi luân-hồi, tức là trong quá-khứ.

- Thời khởi điểm được tính ngay trong hiện kiếp. Những người ngay trong kiếp sống này đã từng thọ giới gọi là giới đã sanh, chưa thọ giới gọi là giới chưa sanh, đồng thời không có giới đã sanh.
Ðịnh và tuệ cũng như thế. Tức là: Người trong kiếp sống hiện-tại đã từng tu-tập thiền Chỉ đạt đến cận-định, gọi là định đã sanh, nếu chưa tu-tập thiền Chỉ hay tu-tập chưa đạt đến cận-định, gọi là định chưa sanh, đồng thời không có định đã sanh.
Người ngay trong hiện kiếp, đã từng tu-tập tuệ-quán, đạt đến tuệ Phổ-thông (sammasanañāṇa), thấy được ba tướng vô-thường, khổ, vô-ngã, gọi là tuệ đã sanh, nếu chưa tu-tập thiền Quán hay tu-tập chưa đạt được Phổ-thông tuệ, gọi là tuệ chưa sanh, đồng thời không có tuệ đã sanh.
- Thời khởi điểm dựa vào chuỗi luân-hồi trong quá-khứ. Trong phương thức này, cần nhận-định rằng: không một chúng-sanh nào trong vòng luân-hồi không từng tu-tập trong giáo-pháp của Ðức Thế-tôn.
Vì sao? Vì rằng: "Được sanh làm người là một hạnh-phúc", tức là có phước, có thiện-nghiệp, bất kỳ thiện-nghiệp nào cũng dựa vào Giới-định-tuệ được Ðức Thế-tôn thuyết-giảng, ngay như việc bố-thí cúng dường là do đức-tin hướng đạo, đức-tin được xếp vào giới-uẩn. Do đó thiện-nghiệp đã sanh được xếp vào thiện hiệp-thế, thiện-nghiệp chưa sanh được xếp vào thiện siêu-thế.
Dĩ nhiên, ở đây chỉ đề cập đến phàm-nhân, vì các bậc Thánh-nhân, thấp nhất là bậc Dự-lưu cũng chắc chắn đạt được Vô-dư-y Níp-bàn, gọi là xác định Níp-bàn (niyaṭanibbāna), còn hạng phàm-nhân, đối với Níp-bàn còn là bất định (aniyaṭanibbāna).
Như thế, giới đã sanh là giới hiệp-thế, vì trong chuỗi dài luân-hồi không có ai chưa từng thọ-trì-giới một lần, đối với phàm-phu thì giới siêu-thế là giới chưa sanh.
Ðịnh cũng có hai: định hiệp-thế là định đã sanh, vì trong chuỗi luân-hồi chúng-sanh đã từng đắc định hiệp-thế, cho dù đó là thời có hay không có giáo-pháp đức Phật. Còn định siêu-thế đối với phàm-nhân là định chưa sanh.
Tuệ cũng có hai loại: bốn pháp thanh-tịnh hiệp-thế (lokiyavisuddhi) là tuệ hiệp-thế, đó là tuệ đã sanh đối với những ai đã gặp được giáo-pháp đức Phật quá-khứ và đã thực-hành những pháp thanh-tịnh này.
Bốn pháp thanh-tịnh hiệp-thế là tuệ chưa sanh đối với những ai không gặp giáo-pháp của chư Phật quá-khứ, hay được gặp lại không thực-hành bốn pháp thanh-tịnh này.
Tri-kiến thanh-tịnh là tuệ siêu-thế, là tuệ chưa sanh đối với phàm-phu.
Giới đã sanh và Giới chưa sanh
Cơ hội đoạn trừ hoàn toàn những bất-thiện nghiệp đã sanh, đồng thời ngăn chặn sự xuất hiện những bất-thiện nghiệp chưa sanh trong kiếp này hay những kiếp vị-lai, cơ hội ấy chỉ có được khi có giáo-pháp của đức Phật.
Nói cách khác, khi gặp được giáo-pháp của đức Phật, khi ấy mới có cơ hội đoạn trừ những bất-thiện nghiệp đã sanh đồng thời ngăn chặn những bất-thiện nghiệp chưa sanh trong tương-lai.
Thời gian luân-hồi của một người tuy dài vô tận, nhưng cơ hội gặp được giáo-pháp của đức Phật thật hiếm hoi, khi không gặp giáo-pháp của đức Phật sự đoạn trừ hai loại bất-thiện nghiệp ấy không thể có được, không thể xảy ra. Vì sao vậy? vì rằng: việc đoạn trừ hai loại bất-thiện nghiệp này đồng nghĩa trừ diệt thân-kiến ngủ-ngầm.
Muốn trừ diệt thân-kiến ngủ-ngầm phải thực-hành pháp quán vô-ngã tướng, điều này chỉ có trong thời giáo-pháp của đức Phật Chánh-đẳng-giác mà thôi.
Những chúng-sanh có chí nguyện thành Phật Ðộc-giác (pacceka buddha) trước tiên phải gieo tạo chủng tử về pháp thiền vô-ngã tướng trong suốt thời gian gặp được giáo-pháp của đức Phật.
Thời gian không có giáo-pháp của đức Phật, người ta có thể nhận-thức được tính vô-thường, tính khổ qua biểu hiện của chúng, nhưng ngay cả tiếng vô-ngã người ta cũng chưa từng nghe qua, nói chi đến lý vô-ngã hay tướng vô-ngã.


(còn tiếp)
Reply
Đường đến Giác ngộ: 37 phần Bồ đề
Tỳ kheo Chánh Minh
Chùa Bồ Đề, Vũng Tàu
https://budsas.net/uni/u-chanhminh/37bode-03.htm

(tt và hết) Chương III (2-2)
BỐN CHÁNH CẦN
(Caṭṭāra-sammappadhāna)


Tiếng vô-ngã là tiếng bao hàm bản chất trống rỗng (suññaṭa) của kiếp sống (bhāva), danh, sắc, uẩn (khandha), xứ (āyaṭana), giới (dhāṭu), đế (sacca), duyên -khởi (paṭicca samuppāda). Tất cả những từ ngữ này chỉ xuất hiện trong thời giáo-pháp của đức Phật.

Lý vô-ngã khó hiển-lộ, thì tướng vô-ngã lại càng vi-tế hơn, chẳng một ai cho dù là chư-thiên, phạm-thiên, chí đến đức Phật Ðộc-giác cũng không làm hiển-lộ lý vô-ngã được. Lý vô-ngã chỉ được hiển-lộ qua trí-tuệ của đức Chánh-đẳng-giác, tức là qua Nhất-thiết-chủng trí (sappañ-ñuṭaññāṇa) của Ngài.
Ðức Thế-tôn làm hiển-lộ lý vô-ngaõ bằng sự xác định, làm hiển-lộ tướng vô-ngã bằng sự dẫn nhập.
Như trong kinh Vô-ngã tướng (Anaṭṭa lakkhaṇa suṭṭa).

"Này các thầy tỳ-khưu! Sắc thân là vô-ngã, chẳng phải của ta.
Này các thầy tỳ-khưu! Nếu sắc thân là của ta, nó không chịu sự đau ốm, người đời có thể bảo, sắc thân hãy như thế này, đừng như thế kia.
Này các thầy tỳ-khưu! Sắc thân là vô-ngã, nên nó hằng chịu sự ốm đau, người đời không thể bảo: "Sắc thân hãy như thế này, đừng như thế kia
".

Ðó là sự xác định  vô-ngã của đức Thế-tôn.

- "Này chư tỳ-khưu! Sắc là thường hay vô-thường?

- Bạch Thế-tôn! là vô-thường.

- Vật chi là vô-thường, vật ấy khổ hay vui?

- Bạch Thế-tôn! là khổ.

- Vật chi là vô-thường -khổ, có sự biến hoại đổi theo lẽ thường, có nên cho vật ấy là ta, là của ta?

- Bạch Thế-tôn! không nên".
Ðó là sự dẫn nhập để làm hiển-lộ tướng vô-ngã qua quán-xét hai tướng vô-thường, khổ.
Và trong khi Ðức Thế-tôn giảng dạy, tâm của năm Ngài Aññakodañña (Kiều-trần-như) được giải-thoát các vi-tế phiền-não, tức là đắc quả A-la-hán.
Ý-nghĩa của từ vô-ngã được trình-bày đầy đủ trong tạng Diệu-pháp hay bộ tóm tắt tạng Diệu-pháp là bộ Abhidhammaṭṭha saṅgaha (Thắng-pháp tập-yếu).
Hành-giả tu-tiến tướng vô-ngã, trước tiên phải thực-hành tốt đẹp về Giới, tức là giới được thanh-tịnh, kế đến làm tâm an-tịnh và kiểm-soát được tâm bằng pháp thiền nhất là pháp niệm thân trong thân, vì đây là pháp môn thích-hợp cho mọi cơ-tánh của nhân-loại.
Sau khi tâm được an-tịnh và được kiểm-soát vững-chắc, hành-giả tiến tu Chỉ-tịnh hoặc Minh-quán.
Chỉ khi nào vùng tà-kiến ngủ-ngầm bị ánh sáng Chỉ -Quán soi rọi đến qua sự nỗ-lực tinh-cần, khi ấy các tà-kiến đã sanh, tà-kiến chưa sanh bị tiêu diệt. Ðồng thời các ác-nghiệp dẫn dắt chúng-sanh rơi vào khổ-cảnh mới biến mất.
Còn các thiện-pháp chưa sanh cần phải tinh-tấn làm cho sanh-khởi, tức là: nếu chưa thọ-trì-giới, nên thọ giới tùy theo phẩm mạo cư-sĩ, sa-di, tỳ-khưu.
Giới được hỗ-trợ vững mạnh trong sạch do nương vào đức-tin. Do đó, tam-qui thường gắn liền với thọ giới, đồng thời nỗ-lực tu-tập thiền Chỉ tối thiểu phải đạt đến cận-định, tu-tập thiền Quán tối thiểu phải đạt được tuệ Phổ-thông.
Ðó là tinh-tấn làm cho các thiện-nghiệp chưa sanh được sanh-khởi.
Tinh-tấn duy trì, phát-triển những giới đã sanh, tức là tinh-tấn trong sự gìn-giữ giới, đồng thời cố-gắng phát-triển Chỉ-tịnh từ nền-tảng cận-định cho đến khi đắc định, đối với tuệ đã sanh cần tinh-tấn thực-hành quán-xét tướng vô-ngã.
Trong lãnh-vực này có hai phần cần lưu ý: đó là giới-định -tuệ hiệp-thế là thiện-nghiệp đã sanh, giới-định -tuệ siêu-thế là thiện-nghiệp chưa sanh. Hành-giả cần nỗ-lực để đạt được Giới-định-tuệ siêu-thế vậy.
Thế nào là giới chưa sanh? Giới chưa sanh là giới chưa bao giờ xảy ra trong đời sống của phàm-phu xuyên qua chuỗi luân-hồi quá-khứ.
Ðó là ba chi phần của tám nhánh siêu-thế: chánh-ngữ, chánh-nghiệp và chánh-mạng. Ba chi phần này thông-thường không có đầy đủ trong giới hiệp-thế. Nhưng sẽ xuất hiện đầy đủ trong đạo Nhập-lưu (soṭāpaṭṭimagga) khi lấy Níp-bàn làm cảnh.
Giới này được gọi là giới siêu-thế, giới siêu-thế có công-năng trừ-tuyệt những ác-nghiệp hiện bày qua hành động, lời nói và cách nuôi mạng sái quấy. Tức lúc có sự đoạn trừ này, các ác-nghiệp không còn xuất hiện qua ba hình-thức ấy nữa, dù chỉ trong một sát na. Và điều này kéo dài suốt nhiều kiếp sống, nhiều đại kiếp cho đến khi vị ấy viên-tịch.
Giới siêu-thế chỉ đạt được khi tuệ-quán về vô-ngã được tu-tập thành-tựu. Chúng-sanh cần phải đạt được giới chưa sanh này trong thời giáo-pháp của đức Phật đang hiện khởi. Nghĩa là cần cố-gắng không ngừng nghỉ, kể từ khi thực-hành giới-tịnh, an-trú niệm trong pháp quán thân niệm-xứ, sự tinh-cần càng lúc càng gia tăng khi thực-hành quán vô-ngã tướng.
Thế nào là giới đã sanh? Ðó là giới hiệp-thế, là giới từng xảy ra trong những kiếp quá-khứ và chỉ có trong cõi dục, nên còn gọi là giới cõi dục (kāmavacara sīla).
Khi nói rằng: "tinh-tấn duy trì phát-triển giới đã sanh" hành-giả cần phải hiểu rằng: Giới hiệp-thế này có hai loại: của phàm-nhân và của bậc Thánh.
Giới hiệp-thế của bậc Thánh đã trở thành kiên-cố, không hề có sự đứt đoạn, đó là giới nhất-định (niyaṭa sīla). Còn giới hiệp-thế của phàm-nhân có thể bị hư hoại, đứt đoạn nên gọi là giới bất-định (aniyaṭa sīla). Bậc Thánh Tu-đà-hườn tuy còn luân chuyễn trong cõi dục nhưng đã thành-tựu giới hiệp-thế kiên-định. Nghĩa là bậc Thánh Dự-lưu tuy còn sanh lại cõi dục từ một đến bảy lần đi nữa, các Ngài vẫn không hề vi-phạm ba chi phần chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng qua hành động, lời nói hay cách nuôi mạng sái quấy, ngay cả trong giấc mơ cũng không hề có.
Giới của phàm-nhân trong cõi dục vẫn còn nằm trong phạm vi bất-định, có thể bị hư hoại bất cứ lúc nào. Những người này quá-khứ đã từng là cư-sĩ, sa-môn, ẩn-sĩ có giới nhiều lần, đồng thời cũng nhiều lần chịu khổ trong địa-ngục, ngạ-quỉ, súc-sanh do giới bị hoại, bị tiêu tan.
Trong những kiếp sống quá-khứ, chưa bao giờ họ thoát khỏi hiểm-họa khổ-cảnh. Ngay hiện-tại, số lượng chúng-sanh ở khổ-cảnh nhiều không đếm xuể, một điểm nhỏ cho thấy là: ngay trong đất nước ta, số lượng kiến, ruồi, muỗi nhiều gấp mấy mươi lần số dân trong nước.
Trong hiện-tại số lượng nhân-loại, chư-thiên phải sanh vào khổ-cảnh cũng nhiều vô số. Do đó, ở cõi dục khi có được giới hiệp-thế trong thời giáo-pháp của đức Phật, nên nỗ-lực tinh-tấn để đưa giới hiệp-thế này vào phạm vi kiên-cố.
Ngoài sự tinh-tấn hành pháp Chỉ-tịnh rồi đi vào Minh-quán ra, không còn con đường nào khác để duy trì phát-triển vững mạnh giới hiệp-thế để đưa vào phạm vi kiên-cố cả. Ðược gặp giáo-pháp của đức Phật là cơ hội hiếm có, nên tinh-tấn thực-hành các pháp trợ giác-ngộ cho đến khi pháp-hành vô-ngã được viên-mãn.
Ðịnh đã sanh và định chưa sanh
Ðịnh bao gồm ba chi phần là chánh tinh-tấn, chánh-niệm và chánh-định. Như lời trưởng-lão ni Dhammadinnā trong Cūla vedalla suṭṭa (Tiểu hữu-minh kinh).

"Này Hiền-giả Visākha, chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng được thu nhiếp trong Giới-uẩn.
Chánh tinh-tấn, chánh-niệm, chánh-định được thu nhiếp trong Ðịnh-uẩn.
Chánh-kiến, chánh tư-duy được thu nhiếp trong Tuệ-uẩn
".

Ðịnh chưa sanh ở đây là định siêu-thế, định đã sanh là định hiệp-thế. Hành-giả cần nhận-định rõ ràng về định như sau:
Theo đúng ý-nghĩa của kinh Cūla vedalla, định là sự nhất tâm (ciṭṭassa ekaggaṭāa), tức là khi tâm thể nhập vào ấn-tướng của đề mục, nói cách khác "Thiền tướng (nimiṭṭajhāna) và tâm chỉ là một", khi ấy gọi là định.
Ðịnh-tướng là gì? Bốn Niệm-xứ là định tướng. Nghĩa là định được hiển-lộ và an-trú ở bốn chỗ niệm: thân, thọ, tâm, pháp.
Hỗ-trợ (parikkhāra) cho định chính là bốn chánh-cầnNhư thế bốn pháp chánh-cần là điều-kiện cần thiết để định chưa sanh được sanh lên, định đã sanh được duy trì và phát-triển.
Ðịnh bao gồm tám (hoặc chín) bậc thiền chứng (samāpaṭṭi jhāna), gồm bốn (hoặc năm) tầng thiền hữu-sắc và bốn tầng thiền vô-sắc.
Ðịnh hiệp-thế là loại định lấy ấn-tướng thiền làm cảnh còn định siêu-thế là định lấy Níp-bàn làm cảnh. Ðối với phàm-nhân, định hiệp-thế là định ở phạm vi bất-định.
Trong vòng luân-hồi, những người này đã từng là ẩn-sĩ, tỳ-khưu ... tu-tập thiền Chỉ, đã từng đắc được các tầng thiền hữu-sắc lẫn vô-sắc hoặc các pháp thần-thông như đạo sĩ Āsiṭa, Udaka, Ālāra kālama ...
Tuy thế, hiểm-họa khổ-cảnh vẫn sẵn sàng chờ đón họ, nếu như họ chưa từng thành-tựu định siêu-thế.
Trong quá-khứ, nhiều lần họ thành-tựu định, được sanh về phạm-thiên giới để rồi phải tái-sanh xuống làm người, lại rơi vào cảnh địa-ngục, số lần như thế cũng không nhiều xiết kể. Do đó, định hiệp-thế của phàm-phu là bất-định.
Ðịnh hiệp-thế được gọi là nhất-định, đó là loại định của bậc Thánh Bất-lai. Trong hàng tứ thánh: Bậc Dự-lưu, bậc Nhất-lai giới thành-tựu viên-mãn, định còn khiếm khuyết, bậc Bất-lai thành-tựu viên-mãn giới -định, riêng phần tuệ còn khiếm khuyết, bậc A-la-hán thành-tựu trọn vẹn Giới-định-tuệ.
Nói gọn lại, Ðịnh hiệp-thế là định đã sanh cho cả phàm-phu lẫn bậc Thánh, còn định siêu-thế là định chưa sanh cho phàm-nhân, là định đã sanh đối với bậc Thánh. Bậc Thánh phát huy sức mạnh của định này được sung-mãn cho đến khi đạt được quả vị A-la-hán.
Ba chi phần của định siêu-thế, chủ yếu là chánh-định có thể đoạn trừ hoàn toàn tham-dục (abhijjhā) và sân-độc.
Ðiều này có ý-nghĩa ra sao? Giống như thân-kiến, tham-dục và sân-độc cũng hoạt động ở ba vùng: vi-phạm, triền và ngủ-ngầm.
Ở vùng vi-phạm tham-dục và sân-độc bị giới siêu-thế đoạn trừ, nhưng ở vùng triền, giới không có đủ lực để sát trừ phiền-não. Giới chỉ có thể phát huy sức mạnh cao độ ở vùng vi-phạm mà thôi, giới chỉ ngăn trừ hành động cùng lời nói chứ không thể cản trở được ý.
Một người có ý-niệm sát-sanh, nhưng nhờ giới ngăn chặn nên họ không thực-hiện qua hành động, người này không gọi là đứt giới, bị hoại giới.
Như thế, giới chỉ hoạt động hữu hiệu ở vùng vi-phạm, ở vùng triền giới trở nên yếu kém, bấy giờ giới hỗ-trợ cho định phát huy sức mạnh để sát trừ những cấu uế ở vùng triền.
Ðịnh có khả-năng sát trừ uế nhiễm ở vùng triền khi sức mạnh được phát huy đến cực điểm, ở vùng tùy-miên, định mất năng-lực sát trừ, nên chỉ hỗ-trợ cho tuệ phát huy sức mạnh để sát trừ cấu uế.
Có thể hiểu điều này qua ví dụ sau: Khi biên cương có giặc, đức-vua phái vị tướng soái thống lĩnh ba đạo quân ra biên ải để tảo trừ, đồng thời trong nước đức-vua bổ nhiệm các đại quan có năng-lực trấn nhậm, kịp thời tiêu diệt những nội loạn khởi lên. Riêng vùng đế-kinh, đức-vua tự mình quán xuyến.
Ở biên cương vị thống soái với ba đạo quân tinh nhuệ dũng-mãnh sẽ phát huy năng-lực tảo trừ giặc loạn, ví như Giới có ba chi phần chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng có năng-lực sát trừ cấu uế ở vùng vi-phạm, sát trừ những uế nhiễm từ bên ngoài đưa vào (là năm trần-cảnh) xuyên qua năm cửa mắt, tai, mũi, lưởi, thân.
Khi vị thống soái cùng ba đạo quân đến tỉnh thành nào đó, quyền hạn lại thuộc về vị tổng trấn nơi ấy. Trong lãnh địa này phát-sanh nội loạn, vị thống soái chỉ có thể giúp quan tổng trấn dẹp loạn, còn ban phát lịnh tảo trừ hay không là do chính quan tổng trấn. Người ta nói rằng: "vị tướng soái giúp quan tổng trấn tảo trừ giặc loạn", ví như giới giúp cho định sát-trừ phiền-não ở vùng triền. Quan tổng trấn ví như định, định phát huy được sức mạnh là do giới cùng với chánh tinh-tấn, chánh-niệm hỗ-trợ, sức mạnh ấy đạt được đỉnh cao ở vùng triền . Khi quan tổng trấn về đế-kinh, quyền lực ấy đã suy giảm, chính đức-vua là người quyết định tất cả.
Vùng đế-kinh là vùng tàng ẩn những âm mưu soán nghịch, là nơi dẫn dắt các cuộc nội loạn hay ngoại xâm khởi lên, nếu đức-vua là bậc anh-minh biết rõ âm mưu soán nghịch, Ngài sẽ tiêu diệt ngay. Thế là, những nội loạn hay ngoại xâm từ âm mưu ấy vĩnh viễn không còn. Nếu đức-vua là kẻ mê-muội, âm mưu soán nghịch không được phát hiện, nó được phát-triển thành nội loạn rồi đến ngoại xâm, cuối cùng đất nước ấy rơi vào cảnh tàn khốc, đọa-lạc.
Vùng đế-kinh ví như vùng tùy-miên, đức-vua ví như tuệ, những âm mưu ví như pháp ngủ-ngầm, sự anh-minh ví như tuệ-quán, sự mê-muội ví như ác-tuệ (duppaññā) ác-kiến (duddiṭṭhi).
Tham-dục và sân-độc có gốc rễ là ái, được sự hỗ-trợ của tà tinh-tấn (micchā vāyāma), tà-niệm (micchā saṭi) và tà-định (micchā samādhi) sanh-khởi ở ý-môn, ý-môn là vùng đất lý tưởng cho tham-dục và sân-độc phát-triển mạnh mẻ. Vì sao? Vì rằng: tâm là vật thể thích-thú trong dục-lạc, nó như đứa bé ham rong chơi, khi có sự kiểm-soát (là chánh-niệm), nó khó chịu tìm cách kháng cự lại, nếu người canh giữ nó, chỉ lơ đểnh bất cẩn, nó nhanh nhẹn thoát ra vòng kềm tỏa để rong chơi trong dục-lạc theo ý thích. Ðức Phật có dạy trong Dhammapāda rằng:

"Abhiṭṭhareṭha kalyāne
Pāpā ciṭṭaṃ nivāraye
Dandhaṃ hi karoṭo puññaṃ
Pāpasmiṃ ramaṭi mano.


Hãy gấp rút hành thiện
Hãy chế-ngự việc ác
Tâm thường hay dể-duôi
Chậm thiện rơi vào ác"
.
(Pháp Cú : 116)


Ðịnh có năng-lực áp chế lẫn trừ diệt được tham-dục và sân-độc ở vùng triền do luôn có chánh-niệm.
Bậc Thánh Dự-lưu có định siêu-thế đã sanh nhưng định siêu-thế ở tầng Thánh bậc cao là định siêu-thế chưa sanh, vị ấy nỗ-lực làm sanh-khởi định siêu-thế chưa sanh. Khi định siêu-thế sinh lên lần hai, (là bậc Nhất-lai), tham-dục -sân-độc ở vùng triền bị đoạn trừ lần nữa, khi định siêu-thế sinh lên lần ba, thế là toàn bộ tham-dục lẫn sân-độc ở vùng triền bị đoạn trừ vĩnh viễn.
Cho dù gốc của chúng là ái vẫn còn ở vùng tùy-miên, nhưng chúng không thể khuấy động ở vùng triền được, ví như cây bị cưa sát gốc, tuy còn rễ nhưng đất luôn khô ráo, không bị ẩm ướt, nên không thể mọc chồi, đâm nhánh.
Từ lúc tham-dục và sân-độc bị định siêu-thế trừ-tuyệt, chúng không còn khởi sanh nữa, cho dù vị ấy có trải qua nhiều kiếp hay nhiều đại kiếp. Vị ấy đã trở thành bậc Bất-lai, không còn rơi vào cõi dục
Loại định siêu-thế có thể thành-đạt thuận lợi trong thời giáo-pháp của đức Phật. Người có trí, biết rõ điều này sẽ nỗ-lực tinh-cần để đạt được định siêu-thế trước khi xa rời giáo-pháp của đức Phật, bậc Thánh Bất-lai vì còn ái tùy-miên nên còn phải trôi lăn trong luân-hồi.
Ðịnh siêu-thế chỉ trở nên kiên-cố khi sát trừ trọn vẹn tham-dục và sân-độc.
Người có trí thẩm-sát (vimaṃsa ñāṇa) sẽ nỗ-lực tu tiến để thành-tựu được loại định hiệp-thế kiên-cố, dĩ nhiên phải có phước ba-la-mật tương đối đầy đủ hỗ-trợ, nhưng bốn pháp chánh-cần cũng không thể thiếu trong sự thành-tựu này, vì bốn pháp chánh-cần là vật phụ tùng cần thiết cho định.
Trong thời đức Phật hiện-tại vô số vị đắc quả Bất-lai như trưởng-giả Ciṭṭa, trưởng-giả Visākha, bà tín nữ Velïukanṭakī ...
Thời đức Phật quá-khứ cũng thế, như Ngài Ghāṭikāra đắc Thánh-quả Bất-lai trong thời giáo-pháp của đức Phật Kassapa...
Trước khi thân hoại mệnh-chung ở cõi dục, các vị ấy đã thành-tựu định hiệp-thế kiên-cố.
Ðịnh hiệp-thế gồm có ba loại là:
- Ðịnh dục-giới, định sắc-giới và định vô-sắc giới.
- Ðịnh dục-giới là cận-định hay định trong tâm thiện có trí. Ðịnh trong tâm thiện không trí có gọi là định hiệp-thế không? Không, vì không có trí hỗ-trợ. Nói rõ hơn, nó không thuộc về cận chánh-định, cũng không thuộc về tà định. Vì như đã giải, trong thiền Chỉ trí hổ trợ cho định, dù là cận-định hay an-chỉ định cũng phải có trí hổ trợ, không có trí hổ trợ nên định trong tâm thiện không có trí không xếp vào cận-định.
- Ðịnh sắc-giới là những tầng thiền hữu-sắc, định vô-sắc giới là những tầng thiền vô-sắc.
Tuệ đã sanh và tuệ chưa sanh
Theo kinh Cūla vedalla suṭṭa, chánh tri-kiến và chánh tư-duy là hai chi phần của tuệ. Tương-tự như định, tuệ cũng có hai loại là tuệ hiệp-thế và tuệ siêu-thế. Ðối với bậc Thánh luôn cả phàm-nhân, tuệ hiệp-thế là tuệ đã sanh. Còn tuệ siêu-thế là tuệ chưa sanh đối với phàm-nhân, đối với bậc Thánh là tuệ đã sanh.
Tuệ đã sanh. Ðó là những tuệ hiệp-thế từng xuất hiện trong vòng luân-hồi vô định trong quá-khứ. Tuệ hiệp-thế này cũng bao gồm hai chi phần: chánh-kiến và chánh tư-duy. Những thắng-trí như thiên-nhãn thông, thiên-nhĩ thông ... cùng với những loại trí-tuệ trong cõi dục như trí về pháp-học, trí về pháp-hành ... đều là tuệ hiệp-thế.
Cũng nên hiểu rằng: trí-tuệ về bốn sự-thật là: trí biết rõ sự khổ, trí biết rõ nhân sanh khổ, trí biết sự diệt khổ và trí biết con đường dẫn đến sự diệt khổ, hoặc trí hiểu biết về nghiệp quả (kammavipākañāṇa), những loại trí này tuy vẫn là hiệp-thế, nhưng chỉ xuất hiện trong thời có giáo-pháp của đức Phật.
Trong những kiếp luân-hồi quá-khứ, phàm-phu từng có những loại trí hiệp-thế này, họ đã từng là vị pháp sư danh tiếng, vị trưởng-lão đáng cung-kỉnh, vị lương y đại tài... nhưng rồi sau đó khổ-cảnh địa-ngục vẫn đón chờ họ và họ cũng từng trở thành rắn, rít, cá, lươn ... vô số lần.
Như Kapila là vị tỳ-khưu trưởng-lão danh tiếng trong thời giáo-pháp của đức Phật Kassapa, sau kiếp ấy phải đoạ vào địa-ngục, đến thời đức Phật hiện-tại sanh làm con cá lớn ở sông Aciravaṭī.
Hay tiền thân Ngài Cakkhupāla là vị lương y đại tài, chỉ một ác ý làm mù mắt người bệnh, sau đó phải rơi vào địa-ngục, quả còn dư sót đến thời đức Phật hiện-tại, tuy thành-đạt vị Thánh A-la-hán nhờ sự tinh-cần, nhưng cũng chịu mù lòa ...
Như vậy, tuệ hiệp-thế là loại tuệ bất-định, chúng có thể hư hoại dễ-dàng. Mặt khác, vào thời không có giáo-pháp của đức Phật tuy các ẩn-sĩ, đạo-sĩ có thể thành-tựu những thắng-trí, nhưng trí về nhân-quả không hề xuất hiện.
Lý nghiệp-báo, lý nhân-quả, lý tương-sinh, chỉ có trong thời giáo-pháp của đức Phật Chánh-giác.
Người ngoài giáo-pháp của đức Phật, họ tin vào thuyết thiên-mệnh, thuyết sáng-tạo chủ hoặc thuyết vô-nhân vô-quả ... Những chủ thuyết ấy được đức Phật thuyết cặn kẽ trong bài kinh Brahmajāla suṭṭa (Phạm-võng kinh) ở Trường-bộ.
Nói cách khác, loại trí như trí về nhân-quả, trí về nghiệp-báo, trí về pháp duyên-khởi là tuệ hiệp-thế, nhưng chỉ có trong giáo-pháp của đức Phật Chánh-giác.
Tuệ chưa sanh. Ðó là hai chi phần chánh-kiến -chánh tư-duy khi lấy Níp-bàn làm cảnh, tức là trí siêu-thế.
Gọi là tuệ chưa sanh vì đối với phàm-nhân chưa hề xuất hiện bao giờ, khi tuệ này xuất hiện, lập tức cắt đứt dòng phàm, nhập vào dòng Thánh, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.
Tuệ này soi rọi vùng tùy-miên đồng thời diệt tận gốc rễ các tùy-miên tùy theo sức mạnh có được.
Lần đầu tiên tiêu diệt tận gốc rễ tà-kiến tùy-miên, lẫn hoài-nghi tùy-miên bằng pháp đoạn-trừ (samuccheda pahāna dhamma), kho tích lũy ác-nghiệp dẫn đọa sanh vào khổ-cảnh cũng được quét sạch không còn dư sót, những uế nhiễm ấy không hề sanh-khởi lại trong tương-lai.
Loại tuệ này chỉ xuất hiện trong thời có giáo-pháp của đức Phật, là khi hành-giả quán-xét thấy được tướng vô-ngã, đồng thời nhận Níp-bàn làm cảnh.
Từ khi tuệ siêu-thế này khởi sanh, trí hiệp-thế thuộc hai phần chánh tri-kiến -chánh tư-duy trở thành kiên-cố. Tức là, trí nhận biết ba tướng, trí nhận biết về nhân-quả, trí nhận biết về nghiệp-báo, trí nhận biết về bốn sự-thật, trở thành tuệ hiệp-thế nhất-định.
Trong sớ giải Pháp-cú kinh, có ghi câu chuyện ông Bà-la-môn Suppabuddha (Thiện-giác). Ông bị bệnh cùi, khi nghe pháp từ Ðức Thế-tôn, ông chứng đạt đạo-quả Tu-đà-hườn. Ma-vương muốn biết ông có còn nằm trong sự cai quản của y hay không?. Khi ông về đến nhà, Ma-vương hóa hình giống như Ðức Thế-tôn, đi đến nhà của Suppabuddha, bảo rằng:
- Này Bà-la-môn, khi nãy Như-lai dạy các pháp hữu-vi là vô-thường, thật ra cũng có những pháp hữu-vi thường hằng. Ngươi hãy tin như vậy, bệnh cùi của ngươi sẽ lành.
Bà-la-môn Suppabuddha suy nghĩ: "Rõ ràng ta nhận thấy các pháp hữu-vi là vô-thường, vì sao Ngài lại bảo có những pháp hữu-vi là thường? đây có lẽ là Ma-vương giả dạng". Suy nghĩ rồi, ông bảo rằng:
- Bệnh cùi của tôi là do nghiệp trả quả. Tôi nhận biết các pháp hữu-vi là vô-thường, chẳng có pháp hữu-vi nào là thường cả, người hẳn là Ma-vương giả hình Ðức Thế-tôn.
Ma-vương biết rằng mình đã bị nhận diện, nên biến mất tại chỗ.
Câu chuyện này cho thấy rằng: khi tuệ siêu-thế sanh-khởi, trí nhận-thức về các pháp theo đúng chân lý trở nên kiên-cố, bất động, ngay cả hình dạng giống như Ðức Thế-tôn, nhưng nói không đúng chân-lý vẫn bị nhận diện là kẻ giả mạo.
Thế nên, người có duyên lành gặp được giáo-pháp của Ðấng giác-ngộ, cần nỗ-lực đạt được tuệ siêu-thế này trước khi rời xa giáo-pháp, vì còn phải chịu luân-hồi trong nhiều kiếp sống, nhiều đại kiếp, tích lũy phước ba-la-mật cho tròn đủ, để đạt đến quả vị Vô-lậu.
Tóm lại, bốn pháp chánh-cần là phương linh dược chữa trị cho người điên được đề cập ở phần trước. Nhờ bốn pháp chánh-cần, tâm được kiểm-soát qua pháp niệm, tâm không còn lang thang vô định theo ngũ-trần phiền-lụy.
Lẽ thường, ở giai-đoạn đầu, hành-giả rất khó khăn trong sự kiểm-soát tâm, có nỗ-lực mạnh-mẽ tâm mới mau chóng khép-mình vào khuôn phép. Một số hành-giả cảm thấy bất lực trước sự loạn-động của tâm, để rồi buông xuôi pháp-hành, họ không thấy rằng: Ðó là kết quả sơ khởi của sự tinh-tấn hành pháp, họ thấy được tâm giao động, phóng nhảy loạn xạ, đó là tiến được một bước trong pháp-hành.
Vì sao? Ví như người ở trong hầm phẩn, không hề ngữi thấy hôi thúi, có người kéo y lên khỏi hầm phẩn, tắm rửa sạch sẽ bằng nước thơm. Sau khi tắm rửa sạch sẽ, mùi của hầm phẩn đối với y trở nên hôi thúi rõ rệt.
Cũng vậy, trước kia không thực-hành chú niệm, hành-giả không thể biết được tâm loạn-động, nay hành pháp chú niệm thấy rõ được tâm loạn-động, như người đứng ngoài hầm phẩn biết rõ sự hôi thúi của phẩn.
Tâm loạn-động là tâm bất-thiện, là pháp bất-thiện, niệm là pháp-thiện, đức Phật có dạy trong Tương-ưng kinh rằng:
"Bờ biển bên này và bờ biển bên kia là hai pháp xa nhau.
Mặt trời và đất là hai pháp xa nhau.
Nơi mặt trời mọc và nơi mặt trời lặn là hai pháp xa nhau.
Nhưng xa hơn tất cả là thiện-pháp và bất-thiện pháp
".

Theo các vị Luận-sư A-tỳ-đàm, trong một thời điểm tâm chỉ biết một cảnh, tâm biết một cảnh nên niệm cũng biết một cảnh, niệm biết tâm loạn-động nên tâm loạn-động là khác, tâm có niệm là khác. Tâm loạn-động là tâm quá-khứ đã diệt, trở lại làm cảnh cho niệm hiện-tại.
Mặt khác, niệm biết tâm loạn-động đồng nghĩa niệm đã xa lìa đề mục (nếu đề mục là hơi thở chẳng hạn) vì cùng một thời điểm niệm không thể biết hai cảnh. Như thế, hành-giả cần biết rõ rằng: chính khi ấy niệm đã lìa đề mục, tức là khi ấy đã có phóng-dật ngấm ghé xen vào và hành-giả nỗ-lực chú ý ngay trở lại đề mục. Nỗ-lực này sẽ mang lại kết quả: tâm dần dần trở nên nhuần nhuyễn dễ sử dụng, ví như con bò đã bị khuất phục bởi sợi dây vàm xỏ mũi và cây cọc đóng cứng dưới đất, nó trở nên thuần thục theo ý người huấn luyện.
Bốn pháp chánh-cần là phụ tùng cần thiết cho định là như thế.
Người lái thuyền bất tài, khi thuyền lọt vào bốn vùng nước xoát, y cần quyết tâm nỗ-lực điều khiển bánh lái thuyền để vượt qua vùng nước xoáy. Ban đầu rất khó khăn vì con thuyền tuy chưa chìm nhưng không chìu theo ý người lái, dần dần người lái thuyền trở nên thiện xảo qua sự nỗ-lực kiên-trì, y sẽ điều khiển con thuyền lướt trên những dòng nước xoáy dễ-dàng, cuối cùng con thuyền đi vào bến đậu an-toàn. Bốn pháp chánh-cần trợ lực cho giác-ngộ là như thế.
Người mang chứng bệnh sợ nước, tuy môi khô vì khát, thân thể nóng bức vì nắng bụi, nhưng y gặp hồ nước mát đã hoảng sợ bỏ chạy. Nếu y can đảm lao vào làn nước, dĩ nhiên lúc đâu y hoảng loạn, dần dần y cảm thấy quen thuộc và có cảm giác nước chẳng có gì đáng sợ như-ý nghĩ trước đây.
Thế là, y tắm rửa, uống nước, y không còn nóng bức, khô khát nữa. Cũng vậy, bốn pháp chánh-cần giúp dũng-khí cho người tầm đạo, rèn-luyện tâm người hành-đạo có được ý chí dũng-mãnh.
Người bị bệnh, phải uống chén thuốc đắng, lúc đầu y khó chịu nôn mữa, nhưng nếu y cố gắng nuốt, chất thuốc thấm vào khiến bệnh y được giảm thiểu, dần dần y uống thuốc dễ-dàng và bệnh mau chóng tiêu trừ. Cũng vậy, bốn pháp chánh-cần giúp người hành-đạo có đủ kiên nhẫn, chịu đựng và cố vượt qua những chướng-ngại pháp.
Bốn pháp chánh-cần trợ giúp cho sự thực-hành đúng đắn bốn Niệm-xứ nhằm mục-đích đoạn-diệt vùng tùy-miên của tà-kiến.
Là phàm-phu, không thể nào nhận-thức rõ ân-đức Tam-bảo thật sự, nên niềm tin ấy dễ vỡ vụn vì có các tà-pháp, si-mê ... chúng có thể ném họ vào vùng tăm tối không có ánh sáng của trí-tuệ, biến họ trở thành không có niềm tin nơi Tam-bảo, nếu có chăng cũng chỉ là niềm tin suông, niềm tin trên hình-thức. Ngay trong kiếp hiện-tại, đã bao lần họ đánh mất sự tôn kính về ân-đức Phật, ân-đức Pháp, ân-đức Tăng cùng những thiện-pháp khác, đánh mất rồi tìm lại, tìm lại rồi đánh mất, càng đánh mất nhiều lần, chướng-ngại pháp càng gia tăng cho họ.
Chính trong quá-khứ cũng từng như thế, nên trong hiện-tại khi hành pháp, chướng-ngại pháp mỗi lúc mỗi phát-sinh, nếu người này không khéo quán sát lý nghiệp-báo, lý nhân-quả sẽ dẫn đến thối thất tinh-tấn. Thế là, lại trôi lăn theo vòng luân-hồi vô định.
Có được cơ hội hiếm có là sống trong thời-kỳ giáo-pháp của đức Phật đang tỏa sáng, lại gặp được giáo-pháp này, người muốn thoát khỏi vùng tăm tối của si-mê, vùng bất an, bất lạc của tà-pháp, phải nỗ-lực tinh-cần hành pháp, với sự quyết chí dũng-mãnh: "nếu cần thiết thà mất mạng sống chứ không mất tinh-tấn" như đức Bồ-tát phát nguyện dưới cội Bồ-đề, như Ngài Godhika mang dao đến cho mình, như Ngài Cakkhupāla thà hy sinh đôi mắt thịt để đổi lấy pháp-nhãn, tuệ-nhãn.
Có quyết tâm tinh-cần như vậy, hành-giả sẽ đạt được tín tối thắng (adhigama saddhā -đức-tin vững-chắc), tuệ bất-động (adhigama paññā) ngay trong kiếp này hay kiếp kế tiếp trong giáo-pháp của đức Phật hiện-tại, những pháp tín -tuệ không lui sụt, giúp cho vị ấy sanh-khởi sự cung-kỉnh ân-đức Tam-bảo đúng đắn. Tức là niềm tin vào sự giác-ngộ (ân-đức Phật), tin vào chân lý (ân-đức Pháp), tin vào đạo-quả siêu-thế (ân-đức Tăng), không gì có thể làm vỡ vụn được vì vị ấy đã tự mình thấy chắc, biết chắc qua sự nỗ-lực kiên-trì hành pháp.

(Hết chương 3)
Reply
Sư Toại Khanh Giảng Thập Nhị Nhân Duyên 2 (1-3)

https://www.toaikhanh.com/videotext.php?vid=37xV0T6_NAs&abt=Th%E1%BA%ADp+nh%E1%BB%8B+nh%C3%A2n+duy%C3%AAn+2


Thập nhị nhân duyên 2

Quote:Kalama tri ân bạn loantrinhtp ghi chép.

13/12/2021 - 07:00 - loantrinhtp

Tôi sẽ dành ra một thời gian để hướng dẫn cho lớp Thanh Tịnh Đạo

Bộ Thanh Tịnh Đạo tôi giới thiệu sơ nội dung của nó là một bộ sách mà cách đây 2.500 năm – 900 năm = khoảng 1.600 năm về trước Ngài Buddhaghosa – một vị Trưởng lão Bác học của Phật giáo từ bên Ấn Độ Ngài qua Tích Lan để phiên dịch kinh điển. Đối với kinh điển mình chỉ được chép trong Tích Lan thôi, cái Ngài mới qua Ngài mới dịch lại bằng chữ Pali đó, rồi sau thì Ngài viết lại những cái cần viết, dịch những cái cần dịch, xong rồi Ngài mới đúc kết lại nội dung của toàn bộ Tam Tạng vào thành 3 quyển. Tức là Ngài biết rằng đời sau có những người không có đủ cơ duyên để mà học hết Tam Tạng thì họ chỉ học 3 cuốn đó thôi. 

Tôi biết chắc một điều là các vị hiểu được 3 cuốn đó các vị rất là vui, chỉ khổ một nỗi là 3 cuốn đọc rất là khó hiểu. 

Ngày xưa ở Việt Nam tôi có dịch quyển 2, lúc tui dịch thì Ni sư Trí Hải chưa có ra tù, tới lúc Ni sư ra Ni sư dịch một hơi 3 cuốn luôn, mà lúc tui dịch một vị sư bạn của tui dịch cuốn 01 Thanh Tịnh Đạo. Các vị biết Thanh Tịnh Đạo có 03 cuốn mà, vị sư bạn của tui dịch cuốn 01, tui dịch cuốn 02, rồi một vị sư khác dịch cuốn 03, sau khi 3 vị dịch làm xong xuôi thì lúc đó Ni sư Trí Hải ra, Ni sư dịch một hơi 03 cuốn rồi in luôn, thế là 03 cuốn đành giấu lại. 

Nhưng có một điều sau đó tui mới ngồi tui suy nghĩ lại bản của tui dịch, bị dịch lược đó, dịch lược, cho nên cái bản của tui nếu đem so với bản của Ni sư Trí Hải tôi không dám so với Ni sư, nhưng nếu mà đem so hai bản thì các vị đọc cái bản của tui sẽ dễ hiểu hơn bởi vì cái bản của Ni sư Ni sư dịch sát, Ngài Buddhaghosa Ngài viết như thế nào thì Ni sư dịch lại như thế đó, còn tôi tôi cắt tôi xén lại cho nó vừa với người bây giờ. Ví dụ như trong đó có phần Ngài giảng về cái pháp tu từ cái người không có thiền định mà Ngài dạy họ tu sao mà cho đắc được sơ thiền, từ sơ thiền dạy cho đắc tam thiền, tứ thiền sắc giới, xong rồi Ngài còn dạy từ thiền sắc giới đó tu sao cho đến thiền vô sắc giới. 

Đối với tôi Ni sư Trí Hải dịch đủ chớ đối với tôi thì cắt, tại sao cắt? 

Bởi vì một người đã có khả năng đắc đến thiền sắc giới thì cái thiền vô sắc nó không phải là cái vấn đề các vị đó cần phải đọc nữa. Thậm chí trong đó tôi cũng không có dịch cái phần mà Ngài hướng dẫn cái con đường mà từ sơ thiền lên nhị thiền tui cũng không dịch luôn là bởi vì cái quan trọng là từ không có mà lên tới sơ thiền, cái chỗ mà tất cả Phật tử chúng ta hôm nay cần phải học, chứ còn từ sơ lên tới nhị thưa thật với các vị viết cho ai đọc đây? Viết cho người chưa có chứng á, nó không có nghĩa lý gì hết. Tui bỏ ra cả đời tôi viết cả ngàn trang tôi mô tả về sao Hỏa tôi nói thật tôi xin lỗi các vị nhe, chuyện ruồi bu, một mai chúng ta lên sao Hỏa chúng ta phải chuẩn bị nước uống như thế nào, thực phẩm như thế nào… chuyện ruồi bu vì biết chừng nào lên tới trển, còn nếu lên tới trển rồi tự động người ta có cách. 

Như vậy đối với người chưa có đắc sơ thiền thì mình cho họ đọc cái phần từ nhị lên tam thiền chuyện đó đối với tôi nó ruồi bu. 
Cái chuyện thứ hai, lỡ người đó đắc rồi, xin lỗi họ không có thèm đọc cái đó đâu, cho nên trong đó có 3 quyển Giới-Định-Tuệ thì cái quyển Định hướng dẫn từ sơ thiền trở lên tôi không dịch, từ thiền sắc giới đến thiền vô sắc tôi không dịch, tôi bỏ hết, và cái cách nhập định, bởi vì một người đã đắc định rồi thì xin lỗi họ dạy lại mình chớ họ không thèm đi kiếm cuốn sách họ học cái cách nhập định đâu quý vị. 

Ngài Buddhaghosa Ngài viết là bởi vì sao? Ngài viết cho nó đủ chứ thật ra, tôi không nói là nó không có giá trị, mà nó không có ăn nhập gì hết, biết cho nó cao siêu thêm vậy thôi chớ còn cái hạng nào dùng cái đó bây giờ? Cho nên trước ngày tôi đi tôi giao cho Phật tử Đà Nẵng, cách đây mấy hôm tôi có email về Việt Nam tình cờ hỏi thăm thôi mà họ cho tôi biết rằng cái quyển đó đó họ giữ bản thảo và họ đã đánh vi tính xong, nếu cần họ sẽ in trong mùa hạ này, tôi rất là vui. 

  1. Thì tôi tính dành ra một thời gian để hướng dẫn các vị đọc bộ Thanh Tịnh Đạo
  2. Rồi tôi dành một thời gian để hướng dẫn các vị về giáo lý Duyên Sinh
  3. một thời gian về giáo lý Duyên Hệ
Tôi xin nói rõ ở đây rằng Giáo lý Duyên Sinh, Giáo lý Duyên Hệ nếu mà học cho tới nơi tới chốn thì chúng ta mất ít nhất 20 A tăng kỳ và 100 ngàn Đại kiếp :D Lý do? Là bởi vì chỉ có vị Chánh Đẳng Chánh Giác mới hiểu tận cùng Duyên Sinh, Duyên Hệ mà thôi.

Mặc dù, các vị nghe cho kỹ nhe, không bao giờ có trường hợp một người đắc Sơ quả Tu đà quờn mà lại mù tịt về 12 Duyên Sinh, chuyện đó không bao giờ có. Các vị có nghe kịp không? Không bao giờ có chuyện một người mà đem giấu tên, giấu địa điểm, giấu thời gian hết… có một số trường hợp thiền sư buồn buồn cho đệ tử mình trước 75 (năm 1975) cho đệ tử mình cái cô đó sơ quả rồi sơ quả rưỡi, nhị quả rồi nhị quả rưỡi… trong khi học trò nó không có biết trời trăng gì hết. Xin thưa rằng chuyện đó vô cùng nguy hiểm, bậy bạ. 

Bởi một vị Sơ quả dầu trước đó chưa từng học Phật pháp một ngày nào hết thì vị này ít nhất cũng thành tựu được 3 cái pháp đặc biệt: 
thành tựu niềm tin tịnh tín tuyệt đối bất động đối với Bậc Đạo Sư của mình, dầu cho có đem đổi cả một cái trái địa cầu bằng ngọc vị đó cũng không đổi, thử thách đem nhúng vị này vô chảo nước sôi vị này cũng không đổi. 
Thành tựu niềm tin tịnh tín tuyệt đối bất động đối với Chánh Pháp, tức là vật đổi sao dời thì được nhưng mà niềm tin không thay đổi, như trong kinh có một ông cùi tình cờ ổng thấy đông người ổng nghĩ thế nào cũng có ăn, ổng xin ăn mà, ổng đến ổng la cà ổng thấy người ta đông ổng tưởng chắc có tiệc tùng gì đây, ai ngờ ổng tới thì không phải, không phải tiệc tùng gì hết mà chỉ là nghe Pháp thôi, hổng ngờ ổng nghe xong ổng đắc Tu đà quờn, từ đó ổng mới đi về, ổng đắc xong rồi ổng đi về cái túp lều nát của ổng, túp lều rách của ổng để ổng ở, sắp tối rồi, vãn thời Pháp rồi, thì lúc đó Đức Đế Thích ngài mới thử, Ngài mới đi xuống thấy ổng đi trên đường Ngài mới hiện ra 32 tướng tốt giống như là Đức Phật vậy, Ngài nói rằng hồi nãy ta nói lộn, không phải ta nói lộn, ta nói thiếu, tất cả các pháp là vô thường nhưng ta cũng nói rõ đây là riêng cái linh hồn nó không có vô thường, cái ông cùi ổng nhìn ổng thấy 32 tướng tốt ổng quỳ sụp xuống ổng lạy, nghe nói vậy cái ổng đứng lên ổng nói ông là ai chứ không phải Phật, kinh khủng chưa. Các vị có hiểu có thấy cái Tu đà quờn tui nói ở đó không? Cái Tu đà quờn ghê gớm là ở chỗ đó, 32 tướng tốt, hào quang 6 màu, y áo rõ ràng, chỉ cần nói đúng ok là Phật liền, chưa kịp nói ổng nhìn cái tướng thôi ổng quỳ ổng lạy liền, nhưng chỉ cần nghe nói tầm bậy là ổng lắc đầu liền, một chuyện. 

Với cái chuyện thứ hai sư trụ trì ở đây nhiều lần sư tán thán một điểm mà tui rất là hoan hỷ, đó là sư nói: “Nếu chúng ta không tin Đức Phật, chúng ta không tin cái quả vị thánh nhân thì tôi thưa với các vị trên đời này có một ông giáo chủ nào mà liều mạng như Đức Phật, dám tuyên bố trước mặt mọi người rằng cái ông sa di 7 tuổi đó đó A la hán, các vị dám không?”. Các vị dám không? Bởi vì toàn bộ cái uy tín của Đức Phật nói theo ngoài đời đó Ngài là một ông vua, mà nói theo Đạo-Ngài là một vị giáo chủ, có dưới tay cả hàng ngàn, nói theo trong kinh là mấy chục ngàn, hàng trăm ngàn, hàng triệu người đệ tử, mà trong đó có vua chúa và trí thức, vậy mà Ngài, nói xin lỗi, nói theo từ của mình á là dám cả gan dám liều mạng xác nhận cái quả vị A la hán ở một người học trò mới có 7 tuổi. Tôi xin thú thật với các vị (….), đúng, thứ hai nữa cái quả vị đó phải có thật, bởi vì nếu quả vị đó không có thật á – chết Ngài chứ không có chết ai đâu. Chỉ cần nay mai, các vị biết đứa bé 7 tuổi đời nó còn dài lắm, chỉ cần nó làm chuyện tầm bậy là chết, chết tươi, chết không kịp trăn trối. Tôi xin thưa một chuyện rất là nhẹ thôi, tôi không dám làm mà kể cả hòa thượng ở đây hòa thượng cũng không dám làm, đó là hòa thượng không thể nào vì thương một người học trò nào mà hòa thượng nó cái cô Thủy y tá cổ tinh thông Tam Tạng, tùy hứng lên hòa thượng không dám, cái tinh thông đó nó tệ hơn cái đạo quả phải không ạ? Ngài chỉ có khen 4 chữ thôi “tinh thông Tam Tạng”, chuyện này tôi bảo đảm Ngài không dám, không dám nói. Tại sao không dám các vị cho tôi biết lý do được không? Người ta thử, người ta thử, người ta nói tinh thông người ta chạy vô phòng người ta rút đại một cuốn ra người ta hỏi cổ rồi làm sao cổ biết, thấy chưa? 

Mà đằng này á, cái xác nhận quả vị A la hán nó còn ghê hơn cái tinh thông Tam Tạng nữa. Bởi vì ví dụ như bây giờ tôi xác định tôi cho ông tinh thông đi, xác định xong tui lén tui đem ông về núi tui dạy, tui không cho ông tiếp xúc với ai hết thì 30 năm sau ổng cũng tinh thông vậy nhưng tui lỡ xác nhận ông A la hán rất nguy hiểm, ông đi ông tán gái, mình còn phàm mà, mình cũng mê gái, mê tiền rồi mình cũng sân hận, cũng sợ ma, sợ gián, sợ chuột, mình cũng sợ bóng đêm, sợ rắn sợ rít, nói chung cái gì giấu được chứ cái chất phàm giấu không có được. Tôi nói thiệt đó, nếu mà Ngài muốn xác chứng thì Ngài xác chứng Phạm thiên kìa, chứ còn đối với nhân loại xác chứng vậy đó rất là liều mạng, trừ khi quả thật, có một thứ đạo quả như vậy. 

Cho nên coi kinh phải coi như vậy đó mình mới phát đức tin được. Có nhiều người tu cả đời kêu bằng lên tới hàng thượng tọa hòa thượng mà Đức Phật vẫn kêu là kẻ ngu. Có một vị tỳ kheo trưởng lão mà hôm bữa tôi kể trong lớp đó, thuộc lòng Tam Tạng, thuộc rào rào, rào rào, có nhiều vị A la hán Phật Pháp còn kém hơn cái vị phàm phu phàm tăng đó nữa, Đức Phật gặp vị đó Ngài kêu là sao? Kẻ ngu - có bữa Ngài kêu là kẻ chăn bò. Các vị biết cái nghĩa chăn bò là gì không? Chăn bò là sao? Chăn bò là bò của chủ mà đi chăn, chăn cho đã rồi thịt bán thịt ăn, ai ăn ai bán chứ mình không có biết, tới hồi vắt sữa bò là ai vắt chứ mình hổng có vắt, ai uống chứ mình cũng không có biết, mình là cái thằng chăn mà, cho nên mình chỉ biết ông chủ có 13 con bò, 6 trắng, 2 đen, 3 đốm, 4 vàng, 5 nâu… ví dụ vậy đi, có bao nhiêu con bò đó, thì mình biết như vậy . Buổi sáng đem đi mười mấy con đó rồi buổi chiều đếm đếm đủ chừng đó rồi đem về giao cho chủ, mai kia mốt nọ chủ bán chủ xẻ thịt chủ vắt sữa gì đó là thằng chăn NO biết, chăn trâu quyền gì mà biết cái chuyện của ông chủ phải không ạ? 

Thì đối với một người tinh thông Phật Pháp nhưng không có cái nội hàm Đức Phật kêu là người chăn bò. Thì Ngài đã nhiều lần Ngài mạnh miệng gọi rất là nhiều vị trong đệ tử của Ngài mà tinh thông Tam Tạng – Ngài gọi là những kẻ chăn bò, khủng khiếp không? Ấy vậy mà cách đó không lâu Ngài lại kêu một vị Sa di 7 tuổi Ngài kêu đó là con trai của Như Lai, mà các vị biết cái chữ con trai đó dành cho vị A la hán. Đức Phật xác nhận ai là con trai của Ngài thì vị đó phải là A la hán, con trai hoặc con gái. 

Có cái đêm đó bà Khemā - Đệ nhất Trí tuệ - bà đến hầu Phật, bà vừa đi đến bà thấy Đế Thích đang ngồi với Đức Phật cái bà đảnh lễ rồi bà đi mất tiêu, thì Đế Thích bạch Đức Thế Tôn “Vị đó là ai vậy?”, Đức Phật nói “Con gái của ta”, “Con gái của ta đó, đệ nhất về trí tuệ trong hàng Tỳ kheo ni”. Cho nên đọc mấy cái đó đó rồi mình mới thấy đức tin của mình nó … chứ còn mà mơ mơ màng màng nghe ông sư ổng nói Phật Pháp cao thâm lý nhiệm màu tùm lum hết, nhiệm con khỉ gì, đâu có thấy gì đâu nhiệm, ai cũng nói nhiệm được hết á. Nhưng có đọc kỹ kinh sách mới thấy rằng quả thật nó có một quả vị giác ngộ thánh nhân như vậy đấy.

Và tôi sẽ dành thời giờ tôi trình bày cho lớp nghe về 12 Duyên Sinh. Tôi nói rằng hiểu đến tận cùng 12 Duyên Sinh chỉ có vị Phật Chánh Đẳng Chánh Giác thôi, dưới Phật Chánh Đẳng Chánh Giác thì có Phật Độc Giác, dưới Phật Độc Giác là tới Ngài Xá Lợi Phất, Ngài Mục Kiền Liên, dưới Ngài Xá Lợi Phất-Mục Kiền Liên có 80 vị Đại Thinh Văn, nói 80 cho rộng thật ra trong 80 đó nó khác nhau, trong 80 đó phải kể Ngài Ananda đứng đầu, bởi vì trong kinh nói Ngài Ananda Ngài nghe nhiều học rộng . Cái người nghe nhiều học rộng thì kiến thức của họ về lý Duyên Sinh nó khác cái người thường. 

Trong kinh nói 2 vị A la hán, một vị tu ba la mật trong 1.000 kiếp, một vị tu trong 900 kiếp thì 
  1. cái hiểu Phật Pháp của cái ông 1.000 kiếp hơn cái ông 900 kiếp 
  2. mặc dù cái cắt đứt phiền não thì giống nhau. 
Nói cách khác 2 người giàu có, có nghĩa là người nào cũng có thể đi Lexus được hết, bắt buộc, bởi vì anh không có khả năng mua một chiếc Lexus anh không được gọi là người giàu, người giàu tối thiểu phải có khả năng mua được chiếc đó phải không ạ? Nhưng cái anh chàng nhà giàu thông thường so với ông triệu phú khác nhau một chỗ là nhà giàu thông thường sau khi mua xong chiếc Lexus rồi là ổng hổng dám mua cái khác, nhưng đối với ông Bill Gate ổng mua chiếc Lexus xong ổng có thể mua 20 chiếc Rolls Royce, ổng mua được chứ. 

Đối với Đức Phật cũng vậy, Ngài có một số pháp giác ngộ như đoạn trừ phiền não thấy rõ Níp bàn thì cái đó Ngài với các vị thánh nhân đệ tử bằng nhau không có khác, không bao giờ có sự khác biệt giữa sự giải thoát của Đức Phật và sự giải thoát của một vị đệ tử 7 tuổi, không có, không có sự khác biệt. Trong kinh ví dụ, giống như một thùng nước biển và cả một đại dương, cái hương vị nó giống nhau hay khác nhau, giống nhau, tại múc từ đó lên mà, nhưng trong cái thùng nước biển nó có thể chứa được những gì ở trong biển chứa hay không? Không. Ví dụ như trong một cái hồ ở Florida, hồ người ta nuôi cá được mấy con cá kiểng thôi, mấy con cá chim mấy con cá màu tùm lum hết, vậy thôi, nhưng nó không thể chứa được con cá nhà táng với con cá voi to ở ngoài biển được, nhưng hương vị nước biển trong cái hồ hoàn toàn giống ngoài biển, tuy nhiên nó có những cái hạn chế nhất định của nó so với đại dương. 

Cho nên chúng ta học là học, nhưng phải học về Duyên Khởi để mà thấy được cái sự tái sanh của mình chứ còn mù mờ mình không biết được thế nào là sự khác biệt của mình với Bắc Tông. Có học cái này rồi mình mới thấy cái Alayda thức của Bắc Tông như thế nào, có dịp tôi sẽ giảng cho lớp nghe một chút đỉnh về Duy Thức của Bắc Tông.

Bữa hổm ta học về Vô Minh duyên Hành

Tôi nhắc lại: 
  1. Vô Minh nói theo chi pháp là Sở hữu Si, 
  2. còn nói theo tạng kinh thì Vô Minh chính là sự không hiểu biết về chi? Về Bốn Đế, mà nội dung của Bốn Đế là gì?
17/01/2022 - 07:54 - loantrinhtp

Nội dung của Bốn Đế là 
  1. Tam tướng và 
  2. Lý Nhân quả. 
Người không hiểu được Tam tướng, không hiểu Lý Nhân quả có nghĩa là người đó không hiểu được Tứ Đế, nên ai hỏi mình Tứ Diệu Đế cái cốt lõi của nó là gì thì mình nói rằng Tứ Diệu Đế nghĩa cốt lõi của nó chính là Tam tướng và Lý Nhân quả.

Chính vì không hiểu Tam tướng và Lý Nhân quả cho nên được gọi là Vô minh . 

Chính vì Vô minh trong Tứ Diệu Đế cho nên người ta – 

  1. cái hạng chúng sanh mà cấp thấp á – đầu tư phiền não trong cõi Dục bằng cách tạo ra các nghiệp bất thiện ta gọi đó là Phi Phúc Hành
  2. Còn cái hạng chúng sanh khá hơn một chút thì đầu tư thiện nghiệp Dục giới và Sắc giới ta gọi là Phúc Hành
  3. Hạng cao hơn một chút nữa muốn lánh khổ tìm vui nên đã đầu tư thiện pháp bằng cách là tu tập 4 tầng thiền Vô sắc, cho nên hạng này được gọi là.. – cũng do Vô minh mới đi tìm cái tạo tác mới tạo cái nhân sanh tử nhưng mà tạo cái nhân Vô sắc giới, cho nên tạo cái nhân sa đọa ở cõi Dục thì gọi là Vô minh làm duyên trợ cho Phi Phúc Hành. Còn cũng do Vô minh nhưng khá hơn một chút thì đầu tư hạnh phúc ở cõi Dục giới và cõi Sắc giới thì gọi là Vô minh duyên cho Phúc Hành. Còn nếu cũng do Vô minh nhưng có trình độ một chút, vượt khỏi cái lòng tham ái đối với Sắc giới mà tu tập Vô sắc giới được gọi là Vô minh duyên cho Bất Động Hành.
Từ cái Vô minh đó nó mới tạo ra 3 Hành: 
  1. Phi Phúc Hành, 
  2. Phúc Hành và 
  3. Bất Động Hành. 
Như vậy tôi xin hỏi lớp mình sự có mặt của mình ở đây rõ ràng là do Vô minh phải không? Vô minh quá khứ phải không? 

Vô minh đó nó tạo cái Hành nào trong 3 Hành để bây giờ mình có mặt ở đây? Tôi nhắc lại, 
  1. Phi Phúc Hành là nhân tái sanh (….) , 
  2. Phúc Hành (Sắc giới và Vô sắc giới), 
  3. Bất Động Hành (Vô sắc giới). 
Vậy sự có mặt của mình ở đây là do Vô minh đời quá khứ phải không? Vô minh đó nó tạo cái Hành gì mà để mấy người mình đây có mặt ở tại đây? - Phúc Hành, Phi Phúc Hành – Ai Phúc Hành? Ai Phi Phúc Hành? Phúc Hành chứ .

Bởi vì trước hết mình là Nhân loại phải không? 
Nhân loại cõi Dục phải không ạ? 

Mình ở đây cảnh khổ hay lạc? 
Lạc chứ. 

Nhưng mà nói theo 12 hạng người mình cõi lạc phải không ạ? 36 cõi thì cõi này cõi thiện thú mà, cõi người mà, cõi Nhân loại là cõi lạc, đâu có kỳ, Phi Phúc Hành là cái nhân đưa xuống dưới mà mình hôm nay có mặt ở đây rõ ràng là do 1 trong 3 Hành rồi đó, mình lựa đi, lựa Hành nào? Phúc Hành phải không ạ? Bất Động Hành không được, tại sao? (Vô sắc). 

Tại sao mình không là Phi Phúc Hành? 
Tại mình không có đọa phải không ạ? 

Cho nên mình ở khúc giữa, chính vì mình ở khúc giữa cho nên mình được gọi là Vô minh tạo cho Phúc Hành. Rồi nếu bây giờ mình không tu hành gì hết kiếp sau mình đọa xuống thì cái kiếp đó Vô minh tạo duyên cho Phi Phúc Hành, còn nếu như cái kiếp này mình tu thiền mình đắc Tam thiền Sắc giới … Phúc Hành tức là 7 cõi Nhân Thiên Dục giới và 16 cõi Sắc giới, còn Phi Phúc Hành là? Còn Bất Động Hành là (cõi Vô sắc). Nhưng mọi sự không dừng lại ở đó.

Phúc Hành nói theo Chi pháp nó là cái chi quý vị? Chi pháp tính ra trong bảng nêu á, Phúc Hành nó là cái gì? Kể cho chính xác đến mức người ta không còn đòi hỏi mình nữa. Hành là Sở hữu Tư đó, Phúc Hành chính là Sở hữu Tư trong ….(8 đại thiện, thiện sắc giới), rồi Bất Động Hành chính là sở hữu Tư trong (thiện Vô sắc)

Tại sao Sở hữu Tư trong 4 tố vô sắc không kể là Bất Động Hành được ?
-- Bởi cái đó vị A la hán không tính cho quả tái sanh được, và nếu nó không cho quả tái sanh được thì nó không thể là Hành trong trường hợp này được nhé. 

Vị A la hán cũng dùng nó nhưng Ngài không tái sanh nữa . 

Nói chung cái tâm tố của vị A la hán 
  1. về cái hiệu năng làm việc thì nó tương đương với tâm thiện của phàm, nhưng nói 
  2. về cái tính chất của nó cũng giống như hột đậu, hột gạo bị luộc vậy đó .
Đối với phàm phu mình thì mình luôn luôn như một hạt đậu, hạt lúa sẵn sàng thành giá hoặc thành mạch nha .  Đối với các Ngài thì những hạt đó đã bị luộc rồi cho nên thành giá giống y chang nhưng thật ra ….

Vô Minh duyên Hành, Hành duyên Thức. 
Như vậy 
  1. Vô Minh ở đây chính là sở hữu Si, sở hữu Si trong tất cả mọi trường hợp. 
  2. Còn Vô Minh duyên Hành, Hành ở đây tức là sở hữu Tư hợp trong tất cả các tâm đổng lực hiệp thế mà của phàm phu, đổng lực hiệp thế của phàm phu. 
Còn riêng đổng lực hiệp thế của thánh nhân ví dụ như tâm đại tố hoặc tâm tố sắc giới thì không phải.

Rồi Vô Minh duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh Sắc, thì chính vì có Hành tức là có sở hữu Tư trong tâm Thiện và tâm Bất thiện…. Khi có sở hữu Tư hợp trong các tâm đổng lực thì nó sẽ tạo ra một cái tâm quả trong tương lai vào một thời điểm bất định. Ví dụ như bây giờ 7 giờ 40 phút tại chánh điện Pháp Luân này tôi đang giảng pháp và các vị đang nghe pháp, nói chung đang làm việc thiện, thì ngay giây phút này chúng ta đều có tâm đổng lực thiện hết, nhưng khi tâm đổng lực thiện nó xuất hiện trong lòng chúng ta như vậy thì chắc chắn từ tâm đổng lực đó phải có sở hữu Tư, chắc chắn bị không có tâm nào thiếu sở hữu Tư hết. 

Trong tâm nào cũng có Sở hữu Tư và khi Sở hữu Tư xuất hiện thì chắc chắn nó đã âm thầm nó đã tạo ra một cái quả nào đó trong tương lai mà thời gian thì hoàn toàn bất định

Ví dụ, trước đây tôi có dạy các vị học về các thường nghiệp rồi phải không ạ? 
  1. Có những lần nghiệp trả quả ngay hiện tại phải không? Gọi là nghiệp gì? gọi là Hiện Nghiệp. 
  2. Có những nghiệp nó trổ kiếp kế này nè - Sanh Báo Nghiệp
  3. Có những nghiệp mà nó trổ từ kiếp thứ hai trở đi – Hậu Báo Nghiệp. 
vậy thì cũng là học Phật pháp cũng làm việc thiện với nhau nhưng mà cái sở hữu Tư của mỗi người nó tạo ra một cái nhân khác nhau hết, có một số người trong các vị ở đây đó thì cái sở hữu Tư nó tạo ra cho các vị cái quả ngay trong đời sống này.

Hiện Nghiệp nó có bao nhiêu trường hợp còn nhớ không? 
  1. Trong vòng 7 ngày hoặc 
  2. trong một quãng đời, hoặc là 
  3. trong một cuộc đời. 
  1. Trong vòng 7 ngày là trong trường hợp nghiệp mạnh quá. 
  2. Còn trong một quãng đời, ví dụ như là thời trẻ mình làm thời trung niên mình hưởng thì đó gọi là quãng đời. 
  3. Nhưng nó trổ trong một đời, có nghĩa là hồi nhỏ mình sao đó rồi về già mình được tốt .
Ví dụ như tui có được thấy những vị sư tu từ hồi nhỏ đó phải nói trong một chừng mực nào đó có một điểm giống nhau, đó là tuổi già thường được rất là thanh thản . Tôi có may mắn gặp rất nhiều vị, mà trong đó… tại tui chưa có già tui chưa biết nhưng mà tui gặp rất là nhiều vị mà xuất gia hồi bé đó, như mấy sư chùa mình tu hồi bé không đó, về trung niên trở đi nó rất thanh thản, thanh thản về cả sinh lý lẫn tâm lý luôn. 

Bây giờ chưa đụng chuyện các vị thấy mấy sư với mấy cô Phật tử đây giống nhau không có gì khác . Nhưng giả sử như cuộc đời nó đi đến cái mức mà cạn tàu ráo máng, thình lình một đêm thức dậy mà trắng tay không còn gì hết, thì phải nói rằng ông sư ổng sướng hơn người đời. Các vị đừng có lén lút nghĩ rằng phải rồi mấy sư có người ta cúng rồi mấy sư sợ gì . Không phải, tôi nói về cái tâm trạng nó khác. 

Ví dụ như thình lình tôi mất 20 triệu, các vị cũng mất 20 triệu nó khác nhau, khác nhau dữ lắm .  Hiện Nghiệp ở đây có thể là một cái hệ quả về tâm lý, nó cũng là một cái hệ quả về nghiệp báo .

Như vậy thì Vô Minh chính vì mình không có biết được 4 Đế, không biết được mọi sự hiện hữu trên đời này đều là khổ từ sự có mặt của một loài chúng sanh dưới địa ngục cho đến sự có mặt của một vị Phạm thiên trên cõi trời Vô sắc, thì dầu cho sự có mặt nào đi nữa - sang hay hèn, cao hay thấp, quý hay tiện – thì tất cả mọi sự có mặt đều là khổ .

Chúng ta không biết được điều đó, chúng ta cứ tưởng nghèo là khổ, giàu là sướng. Chúng ta quên, giàu hay nghèo, nam hay nữ cũng đều nằm trong Khổ Đế hết. Là vì mình không biết cái đó đó, cho nên chính cái không biết đó gọi là Vô Minh. Chúng ta không biết mọi sự có mặt trên đời này đều là Khổ, có nghĩa là chúng ta Vô Minh về Khổ Đế

Vô Minh về Tập Đế có nghĩa là chúng ta không biết rằng 
  1. mọi sự hiện hữu trên đời này là Khổ, và 
  2. mọi cái Khổ đó đó nó đều đi ra từ cái lòng Tham Ái. 
Nếu ngày xưa mà 
  1. mắt của tôi không đam mê cái đẹp, 
  2. lỗ tai tôi không thích nghe cái hay, 
  3. mũi của tôi không thích mùi thơm, 
  4. lưỡi của tôi không thích cái ngon, 
  5. thân của tôi không thích êm ái và 
  6. ý của tôi không có thích suy nghĩ 
và cả quý vị cũng vậy, thì hôm nay trên thế giới này không có chúng ta và cũng không có cái gì hết. 

Chính vì tôi và các vị 
  1. có cái lòng Tham Ái trong Lục Trần, 
  2. chính Lục Trần, mình dùng Lục Căn của mình để thưởng thức Lục Trần 
  3. nên nó mới tạo ra Lục Ái. 
  4. Từ cái Lục Ái đó đó nó mới tạo ra cái thế giới Lục Trần hôm nay. 
(28:43)

14/02/2022 - 01:11 - loantrinhtp

(còn tiếp)
Reply
(tt) Sư Toại Khanh Giảng Thập Nhị Nhân Duyên 2 (2-3)

https://www.toaikhanh.com/videotext.php?vid=37xV0T6_NAs&abt=Th%E1%BA%ADp+nh%E1%BB%8B+nh%C3%A2n+duy%C3%AAn+2

14/02/2022 - 01:11 - loantrinhtp
Mang tiếng gọi là thế giới hôm nay cho nó oai chứ thực ra toàn bộ cái thế giới này nè nó chỉ có 6 cái thôi: 

.... 6 cảnh ..................6 căn ............ 6 thức ...........
  1. cảnh sắc,............... mắt, ................ nhãn thức
  2. cảnh thinh, ............ tai,................... nhĩ thức
  3. cảnh khí, ................mũi, .................tỷ thức
  4. cảnh vị, ..................lưỡi, .................thiệt thức
  5. cảnh xúc,............... thân................. thân thức
  6. cảnh pháp, .............ý,......................ý thức
– mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức, 6 cái thôi. 

Tôi dám bảo đảm với các vị, các vị trừ ra 18 cái này, (tức 3 căn, 3 cảnh và 3 thức nhé) các vị trừ ra 18 cái này mà còn cái gì trong cuộc đời này tôi xin quỳ xuống đất và tôi xin hôn cái gót chân của các vị. 

Tôi ví dụ nhe, cái lưỡi của tui, thôi cái lưỡi nhe ra kỳ quá, con mắt của tôi cứ cho nó là nhãn thức đi, nó là nhãn thức của tôi phải không, đúng không? Nhưng đối với các vị nó là cái gì? Nó là cảnh sắc chứ gì nữa. Nó đối với tôi nó là nhãn thức, nó là thần kinh nhãn, nhưng mà đối với các vị nó không phải là con mắt mà nó là cảnh sắc, nó là đối tượng. Đối với tôi nó là một con mắt nhưng đối với các vị nó là đối tượng của mắt, ngược lại con mắt của các vị hồi nãy các vị đang nhìn tôi thì lúc bấy giờ con mắt của tôi nó trở thành cái cảnh cho con mắt của các vị, nhưng mà ngay lúc đó nếu tôi nhìn các vị thì lúc bấy giờ con mắt của các vị trở thành cảnh sắc cho con mắt của tôi. 

Cái ly nước này nếu tôi uống nó thì nó là cảnh vị của tôi, nhưng tôi không uống tôi nhìn nó thì nó là cảnh sắc của tôi. 

Như vậy trong cuộc đời này có cái nào mà nó không phải là cảnh cho lục căn không? Có không? Không . 

Kể cả những vì sao xa lắc xa lơ trên kia phải không ạ? 
  1. Nhìn nó thì nó là cảnh sắc
  2. nhắm mắt lại suy nghĩ về nó thì nó là cảnh pháplà đối tượng suy nghĩ của ý thức .
Như vậy trên đời này không có cái gì là chúng ta không thể suy nghĩ đến phải không ạ? Như vậy trên đời này không có cái gì mà nó không là cảnh của lục căn hết. 

Tôi nói từng thứ các vị nghe kịp không, trên đời này không có cái gì mà chúng ta không thể dùng đầu óc nghĩ tới, trừ phi nó không có chứ còn không có cái gì trên đời này mà chúng ta không dùng đầu óc nghĩ tới nó. Các vị có thể sẽ thắc mắc Sư nói vậy cũng đâu có được bởi có nhiều cái tui không biết tới nên tui không có nghĩ tới, được, các vị không biết tới cho nên các vị không nghĩ tới nhưng vẫn có người khác biết tới nó, nghĩ tới nó. Như vậy trên thế gian này mọi thứ nó đều là cảnh của lục căn.

Mà tại sao tất cả mọi thứ nó có đều mặt trên đời này đều vì đời trước lục căn của chúng ta không khéo tu cho nên những thứ đó nó mới có cho chúng ta. 

Hôm nay chúng ta thấy có thức ăn trưa biết ừ con người có đam mê trong thức ăn nó mới có thức ăn, nói một cách sâu sắc chính lòng tham con người nó mới chiêu cảm nên trái đất này và cây cối, thực vật, động vật. Đó là nói xa, nói một cách vi diệu . 

Còn nói gần thì nếu anh không thích thì sao anh đi làm anh có tiền, mà anh không có tiền anh lấy gì anh đi chợ anh mua đồ về anh xào anh nấu anh nướng anh chiên anh xào lăn. Chính vì anh muốn ăn, anh cảm thấy cần ăn cho nên anh phải đi làm để có tiền, có tiền anh mới đi chợ, đi chợ về anh mới nấu anh nướng anh ăn rồi anh ỉa ra rồi anh đi làm tiếp, làm tiếp để làm cái gì? Để có tiền ăn, ăn rồi ỉa ra, ỉa ra rồi đi làm tiếp. 

Như vậy thì Đức Phật ngài nói rằng toàn bộ sự có mặt của mình trong cuộc đời này nó là một sự phấn đấu triền miên và mệt nhoài. Có một điều, đứa thông minh có trí thì trong lúc phấn đấu như vậy nó chợt một ngày đẹp trời nào đó nó thấy được cái sự vô nghĩa trong sự tồn tại đó. Còn những kẻ vô minh nó ăn để nó sống nhưng trong lúc đang ăn như vậy nó cảm thấy ngon và thế là cái tâm của nó chết cái ngon đó, nó ghi nhớ rằng mai mốt ráng làm sao có tiền ăn cái ngon đó đây, nhưng ảnh quên rằng ảnh ăn để ảnh sống. 

Có một câu chuyện rất là đau lòng, chúng ta bây giờ cũng giống như một người công chúa ngày xưa bị bọn cướp nó bắt đem vô rừng, tụi nó lấy dây nó cột công chúa, công chúa nói cả đời của ta không quen bị đau thế này, ta chỉ quen đeo vòng vàng thôi, thôi thì các người vàng bạc nhiều các ngươi kiếm cái kiềng nào bằng vàng xỏ vô chân ta rồi cột bằng dây xích bạc ta cũng chịu nữa. Thì tụi nó thấy tụi nó đâu có tiếc gì cổ, khi mà cột vậy cổ yên tâm cổ vui, cổ nói ừ ít ra phải vậy, phải cột ta bằng cái xiềng vàng chứ. Nhưng mà sau khi cổ nằm ngủ rồi thì mấy thằng ăn cướp nó ngồi nó nhìn nó nói tội nghiệp, nhỏ tới lớn hổng biết gì hết, dầu trói xiềng bằng cái gì thì cũng là xiềng thôi, có đâu khác gì đâu phải không ạ? 

Thí dụ bây giờ nhốt các vị trong cái nhà tù và mấy cái song . Thay vì song sắt, giờ tôi chơi cái song nó bằng platin nó sang hơn phải không ạ? Cái cây platinum nó rất đắt tiền phải không ạ? Nhưng mà nó đắt rồi thì sao? Đâu phải nó đắt như vậy rồi là các vị được tự do trong cái nhà tù đó đâu, mà thậm chí cái platinum đó nó còn cứng hơn là sắt nữa, nó còn chua cay nữa biết chưa. 

Cái bi kịch của chúng ta là gì? Chính là chúng ta cảm ơn cái mà nó đã đày đọa mình. Ngay cả hôm nay chúng ta dựng vợ gả chồng, chúng ta đi tìm ý trung nhân - một người trong mộng của chúng ta có nghĩa là chúng ta đi tìm một cái xiềng vàng cho mình đó. Tôi lấy được người tôi yêu có nghĩa là tôi đề nghị ba má hãy xiềng cho con cái xiềng bằng vàng đi, còn tui lỡ tui vớt nhằm con mẹ thấy ghét thì tui chẳng may tui bị xiềng bằng sắt, cái nào nó cũng xiềng lại hết, con vợ tôi nó bị quái thai nó bị dị tật, nó bị kỳ hình dị tướng, lỗ tai nó mọc sau ót đi nữa nhưng mà tui phải nuôi nó chứ . Tui đẻ ra một bầy con toàn quái thai, quái xế, quái kiệt, quái nhân không, tui phải nuôi nó; thì tụi nó cũng là ràng buộc tôi đó chứ . Nhưng mà tụi nó là những sợi dây xích thấy ghét . Còn nếu mà vợ đẹp con ngoan nhà lầu xe hơi thì nó cũng là những sợi dây xích nhưng là dây xích dễ thương, chỉ như vậy thôi. 

Còn cái khác của người trí và người ngu là hiểu được 4 Đế, hiểu được tất cả mọi hiện hữu dầu là sự có mặt của một ông vua hay của một thằng ăn mày cũng đều là khổ thôi, bởi vì mày ngon lắm mày ông vua một kiếp thôi chớ hổng bao giờ có ông vua hoài .

Nên nhớ tất cả chúng ta ở đây chưa từng có người nào mà chưa từng sanh về cõi Phạm thiên hết, nên nhớ, tuyệt đối không có một người trong số chúng ta và trong tam thiên đại thiên thế giới trong vô số vũ trụ chưa có một chúng sanh nào mà không từng sanh vè cõi Phạm thiên, và cũng không có một con trùn con dế nào mà chưa từng là một vị đại đế cai trị quả đất, con nào cũng đã từng, ấy vậy mà nó đi nó lòn qua nó lách lại nó đi xuống làm trùn làm dế, chơi như vậy đó. 

Trong con mắt của mình cả đời mình đầu tư, xin lỗi, có nhiều khi mình có lỗi với cha với mẹ với thầy với tổ với Tam Bảo với chúng sanh để chi, để vì một miếng đỉnh chung đó thôi, nhưng người ta quên rằng cái giá phải trả đắt vô cùng, nó đắt lắm. 

Ngày hôm nay để có một con ốc bươu để mà ăn ở nhà hàng đó cái giá nó đắt lắm. Cái đồng tiền mà để mua con ốc bươu đó nó đã là khổ rồi . Vào sở phải tốt với ông sếp, tốt với bè bạn mới có tiền lương về mua con ốc bươu đó ăn . Ănhững món ăn nhậu sang trọng vừa miệng, hợp khẩu, mà mai này cái tội mà mình phải trả cho con ốc bươu đó đó thì không biết kiếp nào trả cho hết, nó đau ở chỗ là bây giờ mình ăn nó thì nó là một con thú, mình đang ăn nó thì cái kiếp đó nó đang là con gà, nó đang là con heo, nó đang là con ốc bươu, nó đang là con rắn, nó đang là con chim, nó đang là con cá con tép con tôm con gì đó. Nhưng cái ngày mà mình phải gặt cái quả sát sanh kiếp này đó cái kiếp đó chưa chắc mình đã là một con thú mà lỡ mình đang là một ông vua, là một vị hoa hậu mới vừa lãnh giải xong bị người ta bắn chết ngắc . 

Các vị coi có phải xui không ? Đúng là mua một vạn mà bán một đồng, nó rất là đắt, đắt đỏ lắm. Ngày hôm nay mình ngồi mình ăn phải nói nó khổ, những món ăn ngon mà tôi được biết á là phần lớn phải sát sanh, phải tội lỗi ghê gớm lắm. 

Ví dụ yến sào, có nhiều vị cả đời đầu hai thứ tóc ăn yến sào mà không biết nỗi khổ cực te tua tà la mua của anh chàng bắt yến. Các vị biết cái đảo yến ngoài Nha Trang (Khánh Hòa-Việt Nam), một mùa nào thôi chứ không quanh năm nhé, mùa nào đó thôi, mà nó ác ở chỗ là leo ngược như dơi vậy đó, cái đèn đeo trên trán mà leo ngược như dơi, cái đèn rọi lên đó mà nó còn khổ là trong tổ yến nó có năm ba thứ loại trong đó, loại yến 1, yến 2 yến 3 yến 4 yến 5 … nhiều loại. Loại yến đỏ nó đắt tiền nhất, loại trắng mà lông rồi cứt, cứt chim nó nhiều nó dở đi, mà dù dở ngon gì cũng phải lấy hết nhưng mà muốn tìm chỗ nào càng nhiều tổ yến quý tốt thì ta phải lặn lội càng sâu bởi vì chỗ đó yến hay tới, mà ở trong đó các vị biết ở ngoài khơi rắn độc kinh hồn, rắn bằng đầu mút đũa thôi mà nó cắn một cái rồi là đi đoàn tụ ông bà, nó độc, ngoài biển khơi như vậy giữa những hòn đá cheo leo nó xảy ra như vậy một cái nó rớt xuống dưới là đầu va vào đá là chuyện chơi, là chuyện rất là thường, và cái đèn nó chỉ rọi cho mình năm thuở mười thì mới lượm mới cạo được một cái ổ yến mà rắn nó tấn công mình, còn những cái trơn trợt trong bóng tối, chụp mà hụt một cái nó rớt đầu đập xuống… để chi? để đem về tới Chợ Lớn, đem tới Ma Cau, Hồng Kông, đem về qua tới Thái Lan ở Pattaya, ở Mỹ ở Los ở San Francisco, ở những cái nhà hàng đêm ăn sang trọng gió mát trăng thanh, nam thanh nữ tú, giai nhân, bè nước dập dìu, ăn uống sang trọng người ta không thấy được cái cay đắng não nùng của những người đi lấy yến. Hẹn chiều nay em đến cho em ăn yến xào bào ngư, cho em ăn hoài để nhận được cái lời hứa hẹn mơ hồ khói sương nào đó, để đổi lấy một nụ cười sẵn sàng đem khơi khơi cho em năm ba chén yến, đó là mạng người đó. Rồi lấy được nó về rồi làm cái gì nữa, về nó quen yến rồi đưa nó cái khác không phải yến, nó buồn nó bỏ nó đi, nó kiếm yến nó ăn.

Phải hiểu 
  1. mọi sự có mặt của mình trên đời là khổ và 
  2. tất cả mọi cái khổ đó đó đều có mặt do Dục Ái, Dục Ái đời trước, và 
  3. toàn bộ những khổ đó, những nguyên nhân tạo ra khổ đó sẽ được chấm dứt ở một cứu cánh 
  4. đó là sự chấm dứt toàn bộ ngũ uẩn và phiền não, 
  5. cứu cánh đó được gọi là cứu cánh Niết Bàn. 
Nếu mà chấm dứt phiền não mà cái xác thân này còn thì gọi là hữu dư y Niết Bàn, nếu phiền não hết rồi mà mình cũng viên tịch luôn, ngũ uẩn không còn tiếp tục nối nữa thì gọi là vô dư y Niết Bàn. 

Nhưng mà bằng con đường nào đi đến Niết bàn đây ? 
Đó là Đế thứ 4, đó là Đạo Đế, đó là:

Chánh Kiến, Chánh Tư Duy (hay Chánh Hướng Tâm) thuộc về nhóm Tuệ.
Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng thuộc về nhóm Giới.
Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định thuộc về nhóm Định.

Chánh kiến là trí tuệ thấy được 4 Đế, thấy được nhân quả và tam tướng.

Chánh tư duy là ly tham, ly dục và vô hại.

Chánh ngữ tức là tránh tuyệt đối mọi khẩu nghiệp bất thiện và chỉ nói nhưng khẩu nghiệp thiện, nếu có ai cắc cớ hỏi mình thế nào là khẩu nghiệp bất thiện mình nói là nói dối, nói đâm thọc, nói độc ác đều là khẩu nghiệp bất thiện nhưng nói gọn là tất cả những ngôn ngữ gì không có lợi ích cho đạo quả giải thoát thì đều được gọi là tà ngữ, nói gọn lại nữa không cần phải kể nói dối nói đâm thọc hung dữ chửi bới.. không cần, chỉ nói gọn tất cả những ngôn ngữ gì, những lời nói gì mà nó không đem đến lợi ích giải thoát thì gọi là ác ngữ, tà ngữ.

Tà mạng là sao? Cái sự có mặt của chúng ta trong đời sống này hoàn toàn là nó phải nhờ vào sự nỗ lực sống của mình, chúng ta không thể nào khơi khơi sanh ra đời cha mẹ tạo đủ hình hài rồi mình sống mà mình phải có nỗ lực trong cái sinh kế. Nói một cách hời hợt thì Chánh mạng chính là là cái con đường nuôi mạng mình, sanh kế chơn chánh chớ không có tà mạng tức người cư sĩ không có buôn bán hoặc làm những cái nghề tầm bậy tầm bạ như làm ma cô dẫn gái hoặc không buôn bán vũ khí, á phiện, không có buôn lậu thuốc nổ…. nói chung là những nghề quốc cấm có hại cho chúng sanh thì người Phật tử không lấy cái nghề đó làm lẽ sống. Còn hàng xuất gia thì cứ sống y như cái bổn phận xuất gia của mình rồi từ cái sống y chang như bổn phận đó hạnh kiểm đó mình được cái gì ăn thì ăn, chứ mà hàng xuất gia dùng một cái phương cách nào đó ví dụ như làm thầy thuốc làm thầy coi bói làm thầy phong thủy coi địa lý hoặc bùa chú, hoặc đi nịnh nọt Phật tử hoặc hăm dọa, hoặc… nó có tất cả 26 pháp tà mạng mà thường mấy bậc xuất gia mà có tham vọng thường hay dễ bị dính, thí dụ … một là mình mua lòng Phật tử mà mua bằng cách là mình đem của công cho, cái điều đó phải nói là thường gặp lắm, mình lấy của mình mình cho người ta với mục đích làm người ta vui để mai mốt người ta biết điều với mình thì điều đó đã bậy rồi, có nhiều vị còn lấy của công của Tam Bảo … đi chùa cái thầy cho con cái này nhe thầy … a cứ lấy đi lấy đi… mà thật ra đó cái mà you lấy đi đó là lấy cái của Tam Bảo nhưng mà cái tình cảm mai kia nó trở lại đó là trở lại cho mình, cho nên người ta mới khen ông sư đó dễ thương mà thật ra là tại sao ổng dễ thương, là bởi vì ổng lấy của chùa ổng cho bả, như vậy đó nó mới chua. Mà Phật tử họ đi họ cong xương sống cóng xái xương sườn họ nai cái lưng trâu ra họ cày họ đem cái tài sản đó về cho chùa, rồi ông sư mới lấy cái mồ hôi nước mắt đó đem tặng lại một nhân vật nào đó để nhân vật đó khoái trở lại mình, thì Đức Phật nói là cái pháp tà mạng của hạng xuất gia. Và Đức Phật nói rằng trên đời này có biết bao nhiêu là kẻ đạo tặc, nhưng mà này các tỳ kheo, tất cả các kẻ đạo tặc đó đều có thể bị trừng trị bởi pháp luật, bởi vua chúa, bởi vua quan bởi chính quyền, nhưng mà có một cái loại đạo tặc mà không có một pháp luật nào bắt được đó chính là cái hàng xuất gia tà mạng, không ai bắt được hết, mà Ngài nói kể như vậy là kẻ đạo tặc thiên hạ đệ nhất cao thủ đạo tặc diệu thủ thư sinh, tức là lấy cái đó mà không ai biết, Đức Phật gọi đó là trộm cắp mà trộm cắp tinh vi. Ai cũng khen cái vị đó khéo sống hết, sống tâm lý, sống hay, hay cái búa. 

Các vị có biết có nhiều Phật tử họ chê ông sư đó không biết cách sống. Có mấy lần, tôi ở Việt Nam tôi không nói thẳng tôi hỏi cô nghĩ thế nào, cổ nói ông sư đó khó khăn, nhưng cô nghĩ đi, nếu cô đem món quà đó cô dâng cho ổng .  Rồi bữa nào ổng khoái ai đó, ổng cho . Cô nghĩ sao ? Khi thấy ông sư ổng kẹo với mình đó, thấy ghét thiệt . Nhưng nghĩ kỹ lại ổng kẹo vậy cũng có cái đúng chứ không phải không . Người ta cho ổng ổng kẹo được mà tới phiên của mình mình cho ổng ổng cũng sẽ giữ lại, còn nếu ổng rộng hết với mọi người thì mai mốt tới phiên cái của mình cho ổng, ổng cũng đem cho người khác . Cho nên thấy ông sư kẹo phải biết quý cái kẹo của ổng.

  1. Tất cả mọi sự có mặt trên đời này nó đều là Khổ, hiểu như vậy là hiểu biết về Khổ Đế.
  2. Hiểu được rằng tất cả mọi cái Khổ nó đều đi ra từ Tham Ái, hiểu như vậy chính là hiểu về Tập Đế.
  3. Hiểu rằng tất cả những Khổ, những Tập đó đó nó đều có một cái điểm chấm dứt đó chính là Diệt Đế.
  4. Và có một con đường dẫn đến Diệt Đế đó chính là Đạo Đế.
Do không hiểu được cái này cho nên người ta mới đầu tư hạnh phúc cõi trời, cõi người, như vậy đó là Vô Minh duyên cho Hành, còn Hành nào thì hồi nãy tui đã nói rồi. 
  1. Nếu Hành mà đầu tư nghiệp bất thiện thì lúc đó Vô Minh làm duyên cho Phi Phúc Hành
  2. Nếu đầu tư cho kiếp sau bằng thiện nghiệp Dục giới-Sắc giới thì được gọi là Vô minh duyên cho Phúc Hành
  3. Còn nếu mà cũng do Vô minh nhưng mà mình tu thiền Vô sắc giới thì được gọi là Vô minh làm duyên cho Bất Động Hành
Hành đó chính là Sở hữu Tư, mà Sở hữu Tư ở đâu thì nó tạo quả tái sanh ở đó, Sở hữu Tư mà Tư Hiệp thế thì ở đâu nó tạo quả tái sanh ở đó.

Ở đây ta có 32 Tâm Quả hiệp thế - 32 Tâm Quả tái sinh:
  1. Để đi xuống 4 cõi ác đạo thì ta có được Tâm quan sát thọ xả quả bất thiện . 
  2. Còn người lạc vô nhân thì người ta có tâm quan sát quả thiện, 
  3. Còn nếu mà ta sinh lên làm người nhị nhân thì ta đi tái sinh bằng tâm đại quả ly trí, 
  4. Còn thọ hỷ thọ xả là bất định nhé. 
Thời trước ta có thói quen như thế nào thì đời sau sinh ra ta cũng sẽ trở lại làm người như vậy, như người đó hay vui vẻ, sốt sắng nhiệt tình lúc làm phước cũng vui vẻ sốt sắng nhiệt tình đời sau sinh ra cũng là một người vui vẻ sốt sắng nhiệt tình . 

Vì sao? 

Vì lúc họ tái sanh, lúc mình sống bằng vui vẻ nhiệt tình và lúc mình làm phước cũng làm bằng cái tâm vui vẻ nhiệt tình, và chính cái nhân vui nhiệt tình đó nó tạo ra cái tâm đi đầu thai cái tâm đó cũng vui vẻ nhiệt tình, mà cái tâm đó nó sẽ tạo ra con người đó, bởi tâm nào thì người như vậy

Trong kinh nói cái tâm tánh sai biệt dẫn đến chúng sanh sai biệt, nên đừng có làm lạ là có nhiều người sinh ra họ rất thông minh nhưng họ rất xấu tính, có nhiều người rất tốt bụng nhưng họ rất là …

(còn tiếp)
Reply
(tt và hết) Sư Toại Khanh Giảng Thập Nhị Nhân Duyên 2 (3-3)

https://www.toaikhanh.com/videotext.php?vid=37xV0T6_NAs&abt=Th%E1%BA%ADp+nh%E1%BB%8B+nh%C3%A2n+duy%C3%AAn+2

Và tinh tấn nhiều phải không ạ? Bậc tinh tấn thì năng phục vụ, kém khôn ngoan chẳng đủ lòng tin. Có nhiều người đi chùa lúc làm phước họ chỉ dùng cái siêng để làm phước thôi.

Chùa bên quận 8 có ngôi chùa đó lót gạch tàu mà chỗ đó nó có cái vòi robine ở đó đó, gạch tàu lâu ngày nó bám rong . Có cái cô đó mỗi lần cổ vô chùa là biết liền, cổ vô chùa rồi á là cái chùa đó trước sau cổ đều lau, cổ đều lấy bàn chải cổ đánh lên. Cổ vô tới toalet của chứ tăng cổ xin phép chư tăng cho cổ được làm cái chuyện đó . Rồi ngài Cả ngài la, thấy phòng tắm dơ thấy tội nghiệp cổ, con gái mà . Mà cổ xin cho cổ làm . Cổ nói thẳng luôn, con nghèo con không có cái gì làm phước con làm phước cái này, cổ mài miệt cổ làm cho chùa, cổ đi vắng . Bây giờ tui đi mấy ngày, tui không cần biết . Mà tui về . Mà cổ đã ghé chùa là tui biết liền, tui dám bảo đảm như vậy . Bới cái chỗ đó chỗ tui xài mà sao tui không biết ? Tui không thấy cổ mà tui đi đâu về mà tui thấy là tui liền hỏi ờ hình như cô Yến cổ mới ghé chùa? Cô Yến mới ghé - Hay là hay như vậy đó. Nhưng mà có những người họ thích làm nhiêu đó thôi. 

Có những Phật tử nghèo thì nghèo nhưng họ ráng họ đạp xe đạp họ đi học . Đời có những người khuynh hướng họ thích như vậy đó. 

Còn có những người nghèo thì nghèo chứ ráng mỗi tháng mỗi tuần lên chùa chưng hoa, họ thích làm những gì trên chánh điện thôi, ra khỏi chánh điện họ không chịu làm nữa, có cảm giác họ chỉ là Phật tử chánh điện thôi, họ thích cái gì mà liên hệ tới tượng Phật, họ tới cái gì mà nó linh linh á, thiên linh linh địa linh linh gì đó . Chứ còn mấy cái mà nó cụ thể giống như là .. bỏ tiền cho … Việt Nam hay có cái bảng danh sách Phật tử hùn tiền chợ cho chư tăng cho chùa mỗi tháng ngày mùng 01, mùng 2, mùng 3, mùng 4… tới ngày 30, ai chịu tiền ngày nào thì không bao giờ có tên cổ, mặc dù cổ dám bỏ tiền Việt Nam á, bỏ ra năm ba triệu để mà cổ mua một cái lồng đèn để treo trên chùa hoặc là cổ sẵn sàng bỏ tiền ra cho người vô người ta dát vàng nguyên một cái tượng Phật, cổ dám làm hết đó . Nhưng bỏ ra cái gì mà nó hơi dễ hiểu ví dụ như là nuôi mấy ông sư, hoặc là trồng lan, trồng kiểng, cổ không ok . 

Cho nên cái nhân nào thì quả nấy . 

Nặng về đức tin thì mai mốt sinh ra làm người nhiều đức tin và đức tin làm cho con người mình tươi nhuận nhan sắc, dễ thương dễ mến. 
Còn tinh tấn tạo cho mình nhiều sức khỏe, thường thường là như vậy. 
Còn cái trí tuệ làm cho con người minh mẫn. 

Người muốn cho phước báu viên mãn là người phải tạo đủ Tam Phước:
  1. Phước Vật, 
  2. Phước Đức và 
  3. Phước Trí 
để đời sau sinh ra vừa khỏe mạnh, xinh đẹp, thông minh và giàu có. 

Chứ còn mình khôn quá nhưng mình nghèo thì không làm ăn gì được, hoặc là mình giàu có xinh đẹp nhưng mà người ta dụ cái đi theo, cái có chửa bụng chang bang cũng hổng làm ăn gì được, mà khôn quá giàu quá nhưng mà xấu hoắc nó cũng khổ . Nói chung nó hụt một cái khổ lắm, khổ dữ lắm, nó khổ. Các vị biết rằng là tôi nghĩ tôi không đến nỗi ngu nhưng mà vì cái tướng của tui nó làm cho tôi khổ (Đâu có, Thầy đẹp mà-  Sadhu)… cho nên tôi phải nhìn nhận một chỗ là nó thiếu, các vị biết chính cái sức khỏe của tôi nó làm ảnh hưởng tôi rất là nhiều. Bây giờ thì hết rồi chớ ngày xưa bên nhà tui hay bị mỗi lần tui đứng lên ngồi xuống tui bị chóng mặt . Các vị biết nó làm tôi mất niềm tin nơi cuộc sống dễ sợ lắm khi mà mình yếu.

Bây giờ mình học qua đến Vô minh duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh-Sắc. 


Danh-Sắc học chưa? 
Thức ở đây chính là 32 tâm quả tái sinh phải không ạ? Chính 32 tâm quả này nó sẽ tạo ra Danh và Sắc trong cái thời tái tục cho mình. Nên nhớ là cái chữ Thức duyên Danh-Sắc, Danh-Sắc ở đây chính là Danh và Sắc trong cái thời tục sanh của mỗi chúng sanh (các vị nhớ cái ghi chú đó).

Thức duyên Danh-Sắc, Danh-Sắc ở đây chính là Danh-Sắc trong thời tái tục.


Theo lớp, cái phần này tui đã dạy chưa? Có nghĩa là ngày xưa tui nói các vị ráng học để sau này càng lên cao nó càng khỏe là khỏe chỗ đó, các vị thấy không chỉ cần học bài vậy là xong rồi mà không học bài. Chứ thật ra vào cái phần mà vào cái thời tái tục có bao nhiêu sắc pháp tôi đã dạy rồi đó.


Thí dụ như đối với Phạm thiên cõi Vô tưởng thì 

  1. có tâm tử dưới đây xong lên tới trên kia họ không có tâm nữa, cõi Vô tưởng mà . 
  2. Vậy thì trong cái thời tái tục trên cõi Vô tưởng họ chỉ có sắc chứ không có tâm . 
  3. Nhưng mà ngược lại đối với chúng sanh cõi Vô sắc thì họ chỉ có tâm mà không có sắc. 
  4. Mình ở dưới đây, thì có tâm và có sắc luôn .
Nhưng mà nó có giống nhau không? 

Ví dụ như Phạm thiên cõi Sắc giới vào thời tái tục, vị đó cũng có sắc pháp phải không ạ, nhưng cái số lượng sắc pháp xuất hiện nơi vị Phạm thiên sắc giới nó có giống như mình dưới đây không? Không, phải không ạ? Tôi ví dụ như trong thời tái tục người ở cõi dục trong sắc pháp nó có sắc nam tính và nữ tính, hormone nam, hormone nữ, nhưng Phạm thiên làm gì có cái đó, thấy chưa? 

Cho nên nó khác . Chưa kể 4 loại noãn – thai – thấp – hóa, 4 loài này trong thời tái tục cái sắc pháp cũng không giống nhau, nhớ kỹ nhé .

Ởdưới cõi Dục mình á. Cũng là đọa xứ nhưng mà ngạ quỷ trong thời tái tục nó có đủ hết nhưng mà mình thì sao, mình hổng có đủ . Mình làm gì có mắt tai mũi lưỡi ? Nên nhớ là mình nằm ở trong bụng mẹ rồi qua thời gian rồi mình mới có mắt tai mũi lưỡi , chứ trong lúc thời tái tục ngay một cái khoảnh khắc … 

Sao học hành cao siêu lắm mà giờ này dòm tui có vẻ khó hiểu quá vậy. Có không cô Thủy, có con mắt trong cái giọt tinh đó không? (Phật tử: Không – Có chứ. Sư nói lại: Trong thời tái tục, trong cái lúc mà, xin lỗi trong lúc giao hợp á cái giọt tinh trùng của người cha nó lọt vào trong cái tử cung của người mẹ đó lúc đó có con mắt tai mũi lưỡi của đứa bé không?)

-Theo anh Châu thì lúc đó có không? (Có thì không có nhưng…) 
- Đó, tôi đang nói chỗ đó thôi. Nhưng tôi thưa với anh có những người suốt đời cũng không có thần kinh nhãn luôn . Đó là trường hợp mù bẩm sinh . Rồi có trường hợp có những người bị không có thần kinh thân luôn, suốt cuộc đời không có cảm giác luôn. 

Cách đây không lâu tôi có đọc một bài báo bên Anh có một gia đình bả đẻ 4 đứa con . Các vị biết nó đi chơi nó bị gẫy chân nó đi bằng cái mắt cá luôn . Nó không biết, ở trên cầu thang cái thằng anh nó giục thằng em xuống thằng em cười máu chảy tùm lum thằng em liếm liếm rồi bỏ chạy nữa, cái đầu nó tét một đường vầy nè mà suốt đời nó không có biết đau, chắc chết rồi quá . Bởi cha mẹ còn sống thì còn chăm sóc, chứ cái giọng đó là chết bởi quý vị biết làm sao không, nó đang ngủ mà bị cái cây nó đè trên đầu mà nó nhăn răng nó cười thì hỏi làm sao mà sống ? Nó có như vậy đó. 

Cho nên là cái nghiệp nó sai biệt . Cái căn tánh của mình nó rắc rối như thế nào thì nó sẽ tạo ra cái nghiệp rắc rối như thế ấy, và nó sẽ tạo ra chừng ấy cái rắc rồi trong cái nhân gian này. 

Có những người ta nói họ làm cái chuyện ác họ thông minh bằng trời, nhưng họ làm chuyện thiện họ ngu hơn con heo, cho các vị biết như vậy. 

Tui cho các vị biết một chuyện khủng khiếp, trước đây tui không nói ai ác ai thiện dữ dội tui chỉ biết chuyện ruồi bu thôi . Tui có một học trò bên Việt Nam, cổ học mới có lớp 3 trường làng thôi mà các vị biết rằng tính rợ đó, mà dân tú tài cổ chấp năm chục đứa bả kêu bằng con cháu hết . Bả bán trái cây . Bả vô vườn bả khoanh tay bả đi từ đầu đất tới cuối đất, 10 công đất, con mắt bả nhìn bao nhiêu gốc nhãn và bả nhìn bả đánh giá gốc nhãn này hái được 100 ký, cây nhãn kia 170, cây nhãn kia hái được 120 ký, bả đi từ đầu đất bả nhẩm, xong bả trở vô nhà bả cho con số gần giống với cái máy tính bằng pin, dĩ nhiên nó không chính xác được mà mình thấy mình tè bả luôn đó, tức là nó chênh lệch 80 đó, mà nhẩm tàn bạo, tức là trong 10 công đất như vậy đó mà bả nhẩm ra được cái gốc cái số cây nhãn và bả biết trừ ra cây này cây kia nó chênh lệch rồi bả bổ đồng nó ra rồi bả nhẩm một ký như vậy bao nhiêu tiền, bả cộng trừ nhân chia làm thế nào mà bả ghi hết, trở vô nhà là bả đã có thể tính là bả có đủ tiền mặt hay không có tiền mặt bả biết liền .

Ấy nhưng bả vô bả học Vi Diệu Pháp rồi các vị biết không có 52 sở hữu trừ ra 13 sở hữu bả tính không ra, hổng phải bả ngu nhưng nó buồn ngủ . Các vị nghe kịp không, các vị nghe đừng có ngạc nhiên là ông Sư Giác Nguyên ổng kể chuyện nghe khó tin vì 52 trừ 13 ai mà nghĩ không ra . 

Ý tui nói là bả không có tạo cái phước học, cái phước trí bả không có tạo, cái gì liên hệ tới bán buôn tiền bạc thì bả ok . Còn cái gì mà vô lớp học thì trời ơi bả buồn ngủ ta nói thấy thương bả luôn. Tui nhớ cái kỳ đó gấp lắm, tui về tui dạy thì cổ đến cổ dự thôi, chứ cổ không có đem tập vở theo . Thấy thương cổ lắm, cổ đem theo làm cái gì, cổ viết chữ nào chữ nấy nó to, một trang cổ viết nhiều lắm chừng 20 chữ là nó hết cả trang rồi. Cổ nói Sư có tập cho con mượn bởi con không có đem tập theo . Tui mới lấy tui đưa cổ 3-4 cuốn, đưa cuốn sách vầy nè, lấy đi, cái cổ nói gì ghê vậy Sư, con một cuốn học đã chết rồi rồi, tập học có một cuốn thôi. 

Tôi giảng Vi Diệu Pháp bả lấy cuốn đó bả ghi, rồi giảng Trung Bộ Kinh bả cũng lấy cuốn đó bả ghi… học giáp năm có một cuốn đó thôi, bả viết chừng một dòng hai dòng mỏi tay rồi ngáp, lấy vạt áo nón lá ra che vầy nè dễ thương lắm, bao giờ vô lớp học cũng đem trái cây cho tui hết, đem cái này cái kia cho thầy ăn tội nghiệp, giặt y giặt áo lau dọn đàng hoàng lắm … có điều cái vô lớp là ngủ. Cho nên là cái nghiệp như thế nào sẽ tạo ra cái tâm tư tình cảm đời sống chúng ta như thế ấy. Cho nên:

Dục tri tiền thế nhân kim sanh thọ giả thị
Dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị


Muốn biết đời trước ta ra sao cứ nhìn bây giờ ta như thế nào, muốn biết đời sau ta thế nào thì hãy nhìn ngay bây giờ ta đang ra sao, chứ hổng có đắc thần thông con khỉ gì hết, dẹp, khỏi. Bây giờ muốn biết đời sau mình ngu hay khôn nhìn bây giờ mình ra sao, rồi muốn biết đời trước mình ra thế nào thì mình cứ nhìn bây giờ mình nó ra thế nào chứ mình khỏi thắc mắc. 


Mình không cần phải thắc mắc là hổng biết hôm qua tui nhớ tui có 5 đồng mà sao nay còn có 3 đồng hổng biết tui xài hết mấy đồng rồi, không có cần, mình chỉ cần lấy cái này mình trừ cho cái nọ là nó ra kia thôi phải không ạ ? Chứ đâu có cần phải đắc thần thông hôm qua 5 đồng hôm nay còn có 3 mà hổng biết xài hết nhiêu, nhìn cái nọ thấy cái kia rồi đâu có cần . 

Thì cũng vậy . Muốn biết đời trước thì nhìn bây giờ . Con người mình về sức khỏe đang như thế nào, trí tuệ như thế nào, tài sản như thế nào, uy tín như thế nào, danh vọng như thế nào, địa vị như thế nào… mình nhìn, mình thấy. Có rất là nhiều người ăn chơi mà làm thiệt các vị cũng thấy cái đó mà, ngay cả các vị ở đây như có cô … cô biết trong chính phủ có nhiều người cả đời không có nỗ lực gì hết nhưng vẫn làm giáo sư cái đùng cái lên làm phó tổng thống rồi tổng thống luôn, nếu nói về những nỗ lực chính trị thì rất là ít . Trong khi đó có những người cả cuộc đời, xin lỗi, họ bằng cùm tay là họ đã nghĩ đến chính trị . Rồi cuối cùng được cái gì, zero, Phan Bội Châu, Nguyễn Thái Học, nếu nói về cái công lao hãn mã về chính trường phải nói 2 ông đó dễ sợ lắm, Trần Cao Vân, Thái Phiên, Tôn Thất Thuyết dễ sợ lắm . Cuối cùng được cái gì? Rồi có những người ngồi chơi tà tà vậy đó, năm 1965 ông Luther King (Martin Luther King) người Mỹ ổng “sếp” về Tin Lành vận động cho Hòa thượng Nhất Hạnh được nhận lãnh giải Nobel Hòa Bình không được, mà bây giờ Hòa thượng Quảng Độ ở tù ra cái người ta đề nghị mấy chục dân biểu nghị sĩ trên thế giới, mấy chục vừa Úc vừa Mỹ đề nghị cái lãnh giải Nobel Hòa Bình các vị thấy không. Rồi cũng hoạt động chính trị vào sanh ra tử mà một cái bà Suu Kyi người Miến Điện trẻ măng à được lãnh, còn biết bao nhiêu người hoạt động xã hội vào sanh ra tử không được lãnh . Số, cái số, số phần nó như vậy. Tui nỗ lực lắm mà có ai cho tui giải Nobel nào đâu ?

Như vậy Hành duyên Thức – Thức duyên Danh-Sắc có nghĩa là 

Thức tức là 32 tâm quả kia nó sẽ tạo ra Danh-Sắc cho chúng ta vào thời tái tục . 

Hỏi: Danh-Sắc trong thời tái tục nó gồm những thứ gì ? 
Đáp: Thì mình nói rõ rằng, xin thưa nó rất là phức tạp, đối với các cõi không giống nhau . Tôi đã nói rồi, ta có cõi vô tưởng, cõi vô sắc là 2 trường hợp, đối với cõi ngũ uẩn như là cõi Phạm thiên hữu tưởng và cõi dục giới nói chung thì loài noãn sanh không giống loài thai sanh, loài thai sanh không giống loài thấp sanh, loài thấp sanh không giống loài hóa sanh.

Thức là 32, muốn cho dễ nhớ thì ghi thế này: 4 (Vô minh á), tại sao Vô minh là 4? Vô minh duyên cho Hành (Hành có mấy? Hành có 3), rồi Hành duyên Thức (Thức có mấy? 32), rồi lấy 32 đó duyên cho Danh-Sắc, rồi Danh-Sắc đó nó duyên cho Lục nhập (Lục nhập ở đây chính là số 6, Lục nhập ở đây là gì? Lục nhập ở đây chính là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân chính là từ Danh-Sắc trong thời tái tục nó dẫn đến cái lục căn cho chúng ta trong thời bình nhật, bởi nếu mình không có Danh-Sắc trong thời tái tục thì dựa vào đâu chúng ta có lục căn, tức là Lục nhập đó, 6 xứ).


Và một chuyện nữa mình chưa có nới ở đây chính là 6 xứ ở đây nó là một cái chuyện rất là lớn, bàn về giáo lý Duyên Khởi nó có một cái chuyện nếu mà bàn nó có nhiều cách lắm để mình nói. Học để mà biết nó không giống cái học để mà tu. Lớp nghe kịp không? Hồi nãy tui nói rồi tất cả mọi thứ trên đời này đều là Lục Trần hết – Lục Căn và Lục Thức. Dĩ nhiên Lục Thức, mọi thứ tất cả trên đời mà nó đều là Lục Thức nói vậy nó không chính xác, mà phải nói mọi thứ tất cả trên đời đều không nằm ngoài 18 cái này (3 x 6) bằng 18 phải không? Bây giờ một chiếc xe hơi đắt tiền nhất cho đến một cái con ốc, một con tán, một con bù lon tất cả cái đó nó đều là một trong 6 cảnh trần, một ngôi sao như sao hỏa, sao kim, sao Thiên Vương Tinh hoặc mặt trời, mặt trăng cũng là 1/6 cảnh trần. Một người con gái, một người con trai, một người đàn ông, một người đàn bà già trẻ bé lớn đẹp xấu cao thấp đen trắng … đều là 6 cảnh trần


Nói chung không có cái gì mà nó nằm ngoài 6 cảnh trần hết. Nhưng có một điều chúng ta phải hiểu linh động, ví dụ như hồi nãy tui nói cái hoa đó khi ta nhìn thì nó là cảnh sắc nhưng khi mà ta vò vò thế này mà nhắm mắt lại thì nó là cảnh thinh nếu ta nghe cái tiếng, khi mà ta nhắm mắt mà rờ nó thôi thì nó là cảnh xúc, mà nếu ta ngửi nó thì nó là cảnh khí, mà ta le lưỡi .. thì là cảnh vị, ta cầm bóp bóp ta cọ nó vào người thì là cảnh xúc, ta nhắm mắt lại ta suy nghĩ về nó thì nó là cảnh pháp. Như vậy các vị có thể tìm cho tui trên đời này nó có cái gì nằm ngoài ra lục? Không ra phải không? Chỉ riêng cái này không thôi là nó đã bao trùm thế giới rồi. 

Lục Căn là gì? Lục Căn chính là 6 thứ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. 
Lục Thức là gì? Lục Thức chính là 6 cái biết y cứ trên cái này. 
  1. Cái biết của mắt ta gọi nó là nhãn thức, 
  2. cái biết của tai người ta gọi nó là nhĩ thức, 
  3. cái biết của mũi người ta gọi nó là tỷ thức, 
  4. cái biết của lưỡi người ta gọi nó là thiệt thức, 
  5. cái biết của thân người ta gọi nó là thân thức và 
  6. cái biết của ý người ta gọi nó là ý thức.

Cho nên Đức Phật trong trường hợp này Ngài nói Danh-Sắc duyên cho Lục nhập . Lục nhập chính là Lục căn đó, và chính vì chúng ta có Lục Căn … 

18 x 3 thời - 6 căn cảnh thức, 
18 x quá khứ-hiện tại-vị lai = 54, 
54 x nội phần, ngoại phần = 108, kể ra nó rất là nhiều . Nó tới 1.200 lận, nhưng thật ra nó gom lại chỉ còn có 6 thôi, chính là 6 căn. 

Và ta hãy nhớ rằng bản thân của 6 căn không là tốt không là xấu, có học cái này mới thấy cái chuyện tu hành của mình nó hiệu quả như thế nào. 

Do Vô minh nó mới tạo ra 3 Hành, 
3 Hành nó mới tạo ra 32, 
32 nó tạo ra 2,(Danh và Sắc)
2 nó tạo ra 6 (Lục Nhập, là Lục căn), cái 6 này nè bản chất của nó không thiện không ác, nó chỉ là 6 cánh cửa thôi . 

Cánh cửa để mở ra thôi chứ nó chưa là thiện chưa là ác . 

Nhưng mà tại sao chúng ta luân hồi ? 
Là bởi như thế này nè, lấy 6 căn này nè mà nhìn ra 6 cảnh (6 trần đó) mà cái trần nào mình hổng thích á thì mình sân, còn cái nào mình khoái đó thì cái mình tham

Trong khi đó vị A la hán có 6 căn không? Có phải không? Nhưng mà các ngài có sân có tham không? Không . Vì sao? Vì các Ngài khác mình ở một chỗ là Tam tướng đó, cái hiểu của các Ngài về Tam tướng nó khác cái hiểu của mình. Ví dụ như mình, mình ăn ngon mình biết rằng “Tôi” ăn ngon .

Nhưng đối với vị A la hán ngài không nghĩ như vậy, Ngài chỉ biết rằng tại sao mình đói bụng, Ngài không bao giờ nghĩ rằng Ngài đói bụng, Ngài biết rằng vì cái sinh lý Ngài nó đòi hỏi có một cái lượng sinh tố đưa vào và bây giờ vì cái nhu cầu đó của sinh lý nên ta phải đưa mấy cái đất-nước-lửa-gió này vào trong, mà hiểu cái đó không phải do học mà hiểu do trí tự nhiên có . 

Hay nói cách khác, có nhiều người thắc mắc họ hỏi tui: "Tui học Phật pháp tui cũng biết cái đó rồi . Sư nói A la hán cũng suy nghĩ như vậy . Tại sao A la hán hết phiền não ? Tại sao tui lại có phiền não?" 

Thì lúc đó tui đã ví dụ như thế này . Tui nói: "Có những chuyện con nít nó cũng biết, mình cũng biết; nhưng hai cái biết khác nhau . Từ đó nó dẫn đến cách cách cư xử khác nhau." 

Ví dụ, như đứa bé đó 4 tuổi, tui nói con đừng có ăn kẹo trước khi ngủ, con phải đánh răng, nếu trước khi ngủ mà con ăn kẹo, ăn ngọt mà không đánh răng răng con sẽ bị hư răng nhe, cái nó nhớ nhưng mà nó có biết rằng ăn kẹo bị hư răng không? Biết chớ, bởi bố mẹ ông bà cô cậu anh chị nói nó mỗi ngày mà, nhưng mà cái biết đó chỉ cần bữa nào có điều kiện cho ảnh ăn á ảnh cũng khoái à ảnh không có sợ, Nhưng mình là người lớn thì sao? Nhất là tuổi dậy thì con gái đi niềng răng này nọ, mình cũng biết là ăn kẹo đêm không đánh răng là răng hư phải không ? Biết chứ, nhưng cái biết này với cái biết của đứa con nít nó khác hay giống? Khác, bởi vì mình hiểu theo cách sâu thẳm, sâu sâu thẳm, mình hiểu rằng là … tại vì mình có kinh nghiệm rất rõ ràng đau răng, bị hư răng cái giá chót của nó là bị nhức, cái giá thứ hai phải trả là có một nụ cười không có đẹp, mà cái giá thứ ba nó nặng mà sâu nữa đó là một người con gái một người con trai mà có cái nụ cười không đẹp thì … tu, nhe hôn, chỉ có nước đi tu thôi :D . Cho nên khi mà ảnh nghĩ tới đó ảnh ớn, ảnh hiểu không? 

Cả hai người biết, một đứa bé 4 tuổi nó cũng biết là ăn kẹo hư răng nó biết chứ, và cái đứa 18 tuổi nó cũng biết mà cái biết này nó khác hay giống nhau? Khác nhiều, lúc bấy giờ một đứa con gái, nhất là con gái 18 tuổi, lúc 10 giờ đêm cho nó ăn kẹo có thể trong hoàn cảnh đặc biệt vì lễ phép nó cũng phải ăn nhưng nó ăn mà nhứt là ăn chocolate đó trời ơi nó nhai nhai rồi nó khó chịu lắm, nó tìm cách nó đứng dậy khỏi chỗ đó nó đánh răng liền, nhưng mà đứa con nít thì không, chơi hết cục này xong thấy không có ai dòm nó thò tay nó vớt thêm cục nữa, nó biết chứ nhưng mà cái biết của nó rất là baby nó hổng có ngán.

Đó là cái biết của mình, mình biết rằng 

  1. có tham, có sân, có si thì mình sẽ tạo ra phiền não, 
  2. tập khí, sanh tử rồi mình sẽ bị khổ và 
  3. phước của mình lúc nào cũng ít hơn tội, 
cho nên chỉ cần có điều kiện tái sanh là lập tức mình đi tái sanh liền, nhưng lúc nào phước cũng ít hơn tội cho nên là mình hễ tái sanh là đi xuống chắc cú hơn là đi lên. 

Biết hết đó, tui dám nói ở đây, cái chuyện mà tôi đang nói ở đây là từng người đều biết rõ, đều biết rõ, biết rằng nếu mình còn phiền não thì mình chắc chắn phải đi tái sanh và đối với ai á chứ đối với mình, với số những người trong đây đó chúng ta mà đi tái sanh thì cái chuyện mà đi xuống nó dễ hơn đi lên đúng chứ, mà bây giờ chỉ cần có ai ngày mai cho mình cái vé mời danh dự free đi coi đại nhạc hội với tới chùa Pháp Luân nghe Pháp thì mình đi đâu? Nói thiệt đi, đi đại nhạc hội, đó, mình phải nói thiệt . Sư phụ ngồi đó đừng có nói dóc, phải nói thẳng như vậy đó, biết như vậy đó. 

Như vậy thì cái biết của mình đó hoàn toàn là cái biết của một đứa bé 4 tuổi, còn cái biết của một vị A la hán hoặc của vị Tu đà huờn là cái biết của người lớn tuổi, của một người trưởng thành, nhé. Khi các Ngài có một cái hiểu về Tam tướng, về Nhân quả như vậy đó cho nên các Ngài không có phiền não như mình nữa. Đó là tôi nói nôm na chứ phải nói là khi có Tâm Đạo nó xuất hiện rồi thì vĩnh viễn phiền não của vị đó giống như cỏ, thóc, đậu mà bị luộc nước sôi nó không có cơ hội phát triển nữa. 

Còn mình thì, mình cũng giống như là lấy dao lam, hoặc là cắt cọng cỏ cắt ngang cho sân nó sạch qua mùa mưa thuận duyên là lên. Tâm sân của mình cũng vậy, vô chùa nghe Pháp có một lúc tự nhiên mình thấy tha thiết với Phật Pháp mình hiền lành, thấy ai cũng có một thời là bà con quyến thuộc của mình hết, và trên đời này như ông sư đã nói rồi không ai đáng ghét hết chỉ toàn những người đáng thương . Nếu mà những người xấu á thì họ không đáng ghét đâu họ chỉ là những người đáng thương, biết được rất là hay nói rất là trôi chảy, chứng minh lập luận chuẩn xác thỏa đáng lắm mà ra ngoài trời ơi… không chửi mới uống, cái chùa này nè … 

Có nhiều cái người tui không chửi họ tui không có ngủ được . Hiện giờ vẫn còn sót mấy em tui chưa kịp chửi nhưng mà dứt khoát nay mai tui phải thanh toán nó, tui phải chửi, tức quá mà, nó thấy ghét lắm mà tui thề rằng là tui sẽ chửi mấy cái người ở chùa tui đã thấy mấy hôm nay có ba người lọt vô cặp mắt xanh của tui rồi đó, thấy vô rồi đó, vô quán rồi đó, phải chửi nó, nhưng có điều chửi rồi hết chứ không phải mình chửi rồi mình bỏ bụng nữa, chửi cho đã rồi thôi.

Cho nên là vô thỉ luân hồi, vô số nghiệp tạo ra cho mình số 6 này . 


Con số 6 này nếu chúng ta khéo sử dụng thì nó là lợi khí, không khéo sử dụng nó thì nó là hung khí, các vị nghe kịp chưa? 

Con dao đó đó khéo dùng thì đó là dụng cụ còn không khéo dùng thì nó là hung khí hoặc nó là tang vật, chữ tang vật đó không phải muốn xài là xài đâu nhé . Ví dụ như hồi nãy nói tui đi vắng ở nhà bà làm cá phải không? Cái bả nói tui đâu có làm cá đâu. Không, tui nhìn con dao thấy cái tang vật rõ ràng, trường hợp đó không có nói tang vật được. Tang vật ý nghĩa của nó rất là negative, là cái gì mà xấu, nó là chứng tích của một cái chuyện xấu thì ta mới gọi là tang vật, chứ còn mình hỏi người ta bộ bà mới lặt rau hả tui nhìn cây kéo tui biết liền đó là một cái tang vật bà để lại-không phải.

  1. Nếu mà khéo thì lục căn trở thành 6 cái dụng cụ, 6 cái lợi khí
  2. Nhưng nếu không khéo tu học thì lục căn trở thành 6 hung khí.

Mục Lục các Bài Giảng

(Hết)
Reply
Sư Toại Khanh Giảng Tâm Đáo Đại 2 (1-3)

https://toaikhanh.com/videotext.php?vid=rVAqlOEK8BQ&abt=T%C3%A2m+%C4%91%C3%A1o+%C4%91%E1%BA%A1i

Tâm đáo đại

Notes: 

24 tâm tịnh hảo Dục giới gồm: (Các tâm này mới cho hành giả cơ hội đạt đạo quả Giải Thoát nên được gọi là đại thiện, đại quả và đại duy tác .)
  1. 8 tâm đại thiện 
  2. 8 tâm đại quả 
  3. 8 tâm đại duy tác
Quote:Kalama tri ân bạn tranngocdieu.nt ghi chép.

18/12/2021 - 06:01 - tranngocdieu.nt

TÂM ĐÁO ĐẠI

Ngoài cấp độ chúng sinh thấp nhất vốn chỉ có thể tồn tại và hưởng thụ 5 trần cảnh dục lạc, trong thế gian còn có những cấp độ chúng sinh khác mà đời sống và niềm vui của họ được đặt trên cơ sở các trang thái tâm linh

Ở đây, những chúng sanh này, thay vì để nội tâm mình khuyếch tán theo các trần cảnh thì họ lại vận dụng toàn bộ tâm lực để tập trung vào một đối tượng chú niệm nào nào đó -chú niệm tức là...-(mà Đức Phật quy định là có đền 40 như: xanh, vàng, đỏ, trắng, đất nước, lửa, gió, hư không, ánh sáng...) (- Sư giảng): các vị có biết 3 chấm đó còn gì nữa không, rất nhiều, thí dụ như niệm Phật cũng là một trong 40 đề mục đó, rồi niệm Pháp, niệm Tăng, niệm thí, niệm Thiên, niện về sự chết và 32 thể trược như: tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim , gan, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, phẩn, nước tiểu, đàm, nhớt và tất cả những cái đó nó đều nằm trong 40 đề mục này. 

Hành giả tu 40 đề mục này tùy cơ duyên mỗi người thôi . Có người họ tập trung tư tưởng vào một đề mục nào đó . Thí dụ như họ để 1 chén nước thế này rồi họ nhìn vào trong chén nước và họ tập trung vào chén nước đó . Tư tưởng họ sẽ không còn chú ý tới chuyện này chuyện kia nữa, họ chỉ còn biết nước thôi . Đến một mức độ nào đó họ đạt đến cảnh giới mà người ta gọi là định tâm . 

Với một người có đủ túc duyên, (túc ở đây không phải là đủ, mà túc ờ đây có nghĩa là trước vì trong tiến Hán có rất là nhiều. Túc trong tiến Hán có nghĩa là đầy đủ có chữ viết riêng, rồi chữ túc có nghĩa là ban đêm như là tá túc, tức là ngủ tam thôi, chữ túc cũng có nghĩa là trước giống như túc duyên là duyên đời xưa, kiếp trước) thì đến một giai đoạn nào đó nội tâm của họ sẽ đạt đến một giai đoạn mà ta vẫn gọi là 

Định ở tầng thấp nhất gọi là sơ thiền và ở tấng cao nhất gọi là phi tưởng phi phi tưởng

  1. Người đam mê dục lạc thì sẽ sanh tử tiếp tục trong các cõi Dục giới, 
  2. người sống bằng một nội tâm thiền định thì chổ tái sanh là các tầng phạm thiên Sắc giới, và 
  3. cao hơn nữa là Vô Sắc Giới.
18/12/2021 - 06:28 - tranngocdieu.nt

Cũng như ở trường hợp các tâm Dục giới, được cái này mất cái kia. (- Sư giảng:) cái người làm việc ác như sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu, giết người, hiếp dâm, đốt nhà, cướp của... thì những người đó họ dùng tâm tham, tâm sân, tâm si đúng rồi phải không? 

Nhưng trường hợp mình làm việc thiện, mình dùng tâm nào thì trong Kinh mới nói khi mình làm việc thiện thì mình dùng (bị mất tiếng) nếu mà thiện không liên hệ tới thiền định thí dụ như chỉ bố thí, trì giới, nghe Pháp...nó không liên hệ đến các tầng thiền chính thì các việc thiện đó được mình làm bằng tâm thiện dục giới. Cũng là tâm thiện tại sao có chổ màu xanh, tại sao có chổ màu đỏ là vì màu xanh cũng là tâm thiện nhưng tâm đó là tâm hờ hững....

Các bậc thánh hữu học và hành phàm phu khi tu thiền đáo đại thì tu bằng 9 tâm (5+4) thiện đáo đại, đối với các vị A La Hán thì là 9 tâm duy tác đáo đại. (25:23)

19/12/2021 - 12:18 - tranngocdieu.nt

Sư giảng: Mình làm việc ác là mình làm bằng 2 tâm này, còn 6 giác quan là nó không thiện không ác. Bản thân các giác quan nó không thiện không ác thí dụ như mắt của mình, trai, mũi, lưỡi, thân, ý nó không phải là ác như tay nắm con dao mình đi mình cắt rau, làm cá, làm việc thiện thì khi đó những con dao này là dụng cụ làm việc. nhưng nếu ta dùng con dao đó để ta giết người thì nó trở thành là hung khí, trở thành tang vật. 

6 giác quan bản thân nó không thiện không ác và Đức Phật và các vị A La Hán đều có 6 giác quan như mình hết, nhưng khác một chổ các vị không dùng nó để mà làm môi trường cho tham khởi lên, cho sân khởi lên, cho si khởi lên. Tức 6 cái này của ngài là 6 con dao để làm việc . Còn mình thì làm việc không có bao nhiêu, làm bậy thì nhiều. Cho nên đó là 18 tâm vô nhân. 

Notes:
18 tâm vô nhân gồm:
  1. 7 tâm quả bất thiện vô nhân
  2. 8 tâm quả thiện vô nhân
  3. 3 tâm duy tác vô nhân

Nguyên cái khối này nếu nó bị tác động bởi 12 tâm bất thiện cái này thì nó trở thành là hung khí, các vị nhớ nếu 18 tâm vô nhân nó bị tác động bởi 12 tâm bất thiện nó trở thành con dao trong trường hợp này là 18 con dao hung khí. Nếu như 18 tâm vô nhân này mà được tác động bởi 24 tâm dục giới tịnh hảo thì nó lập tức trở thành con dao để mình làm việc tốt. 

Notes:
12 tâm bất thiện gồm:
  1. 8 tâm tham
  2. 2 tâm sân
  3. 2 tâm si
Đối với Dục giới thì sao ? Đây là những tâm có thể sanh trong cõi Dục . Ở cõi Dục có thể dùng nó để làm các việc thiện 
  1. liên hệ đến cõi Dục 
  2. hoặc không liên hệ đến cõi Dục. 
Còn tâm thiện Sắc giới là có những chúng sanh nào tu tập thiền định thì họ mới có thôi .  Tu tập ở đây phải có chứng ngộ, phải chứng thiền tối thiểu từ sơ thiền trở lên thì họ mới dùng tâm này mà khi nào họ còn phấm như tôi và các vị khi thoát thiền họ còn xài 5 tâm này thôi. 

Rồi nếu mình tu xong 5 tâm này là sơ, nhị, tam, tứ ngũ thiền, nếu tu hơn nữa thì là không vô biên, thức vô biên, vô sở hữu xứ và phi tưởng phi phi tưởng xứ. 

Notes: 
15 tâm thiền Sắc giới gồm:
  1. 5 tâm thiện thiền Sắc giới
  2. 5 tâm quả thiền Sắc giới
  3. 5 tâm duy tác thiền Sắc giới
12 tâm thiền Vô Sắc giới gồm:
  1. 4 tâm thiện thiền Vô Sắc
  2. 4 tâm quả thiền Vô Sắc
  3. 4 tâm duy tác thiền Vô Sắc
Để giải thích về 4 tầng thiền này thì vừa rồi trong 2 thời giảng trước, thầy trụ trì đã hỏi chúng tôi rất là nhiều, cho nên các vị có thể nghe hoặc xem lại băng hoặc nghe lại trong máy cassette giải thích ý nghĩa của 4 tầng thiền vô sắc. Thì các vị nhớ nếu mà mình tu thiền bằng các tâm thiện (5 tâm thiện thiền Sắc giới) này, thì đến khi chết nếu mình không bị mất thiền thì nó sẽ tạo ra 5 cái tâm này (5 tâm quả thiền Sắc giới) để chi ? Mình đi về cõi Phạm thiên. Cũng giống như khi mình làm thiện thì mình sử dụng 8 tâm này (8 tâm đại thiện) phải không, thì chính 8 tâm này sẽ tạo ra 8 tâm này (8 tâm đại quả). 

Làm 8 tâm đại thiện để có kết quả là 8 tâm đại quả:

Bây giờ các vị vô chùa nghe pháp, hoặc là tôi thuyết pháp, hoặc là chúng ta tụng kinh, chúng ta bố thí, chúng ta lạy Phật, chúng ta làm bất cứ việc gì, kể cả cho tiền một người homeless, hoặc là chúng ta dắt người già qua đường, hay chúng ta nhặt một chiếc lá quét một cọng cỏ trong chùa. Tất cả những việc thiện đó dù lớn dù nhỏ dù là nhiều hay ít, dù là trong thời gian ngắn hay thời gian dài, chúng ta đều vận dụng một trong 8 tâm thiện đó để mà chúng ta làm nó. 

  1. Nếu không học Vi Diệu Pháp, không học A Tỳ Đàm chúng ta một là thắc mắc, hai là không biết gì hết, chúng ta chỉ biết mơ hồ mọi chuyện .
  2. Nếu chúng ta có học A Tỳ Đàm, chúng ta sẽ hiểu rằng, khi mà làm thiện mình sẽ làm bằng một trong 8 tâm này.
Và chính 1 trong 8 tâm đại thiện này nó sẽ tạo ra cho mình 1 trong 8 tâm quả đại thiện hay còn gọi là tâm đầu thai. Có những cái tâm thiện 8 tâm. Có những lúc chúng ta làm việc thiện bằng tâm thiện thọ hỷ:

-Tâm thiện thọ hỷ: tức là đang vui vẻ

- Tâm thiện thọ hỷ hợp trí: tức là có trí tuệ. 

Hỏi: Thế nào là có trí ? 
Đáp: Có trí là mình 
  1. biết việc làm này là việc làm thiện và có kết quả, và 
  2. biết được rằng đối tượng trước mặt mình là đối tượng xứng đáng và 
  3. biết rằng những thực phẩm thức ăn thức uống mình đem cúng nó phát sanh hợp pháp chứ không phải mình đi trộm cướp của ai hết. 
Nói chung trí tuệ ở đây nó được kiện toàn bởi một loạt những hiểu biết thì ta gọi đó là trí tuệ.

- Tâm thiện thọ hỷ hợp trí: làm đây không phải là ai dụ khị mà do mình hiểu, mình thây cần thiết thì mình làm. Cho nên đó là tâm thiện thọ hỷ hợp trí: là với sự vui vẻ chứ không phải hờ hững và có sự can thiệp của trí tuệ,

- Tâm thiện thọ hỷ hợp trí vô trợ: tức là làm một cách tự nguyện không do sự xúi dục của ai hết.

- Tâm thiện thọ hỷ hợp trí hữu trợ: tức là phải do người khác xíu mình mới làm được. Có nhiều người không muốn đi chùa nhưng có ai nhấc điện thoại kêu mình mình nghĩ ờ cũng có lý cái mình đi, lúc đi rất là vui và biết là đi chùa có lợi ích chứ không phải là không có lợi ích. Như vậy cũng là tâm thiện, cũng hợp trí giờ cũng đi mà đi yếu xìu.

- Tâm thiện thọ hỷ ly trí vô trợ: ly trí tức là không có trí tuệ nhưng mà làm một cách sốt sắng

- Tâm thiện thọ hỷ ly trí hữu trợ: đã không sốt sắn lại không thông minh nữa

- Tâm thiện thọ xả: làm một cách hờ hững

- Tâm thiện thọ xả hợp trí vô trợ

- Tâm thiện thọ xả hợp trí hữu trợ

- Tâm thiện tho xả ly trí vô trợ

- Tâm thiện thọ xả ly trí hữu trợ: là tâm thiện hờ hững làm cho có, không có trí tuệ mà còn bị người ta xúi dục nữa.

(còn tiếp)
Reply
(tt) Sư Toại Khanh Giảng Tâm Đáo Đại 2 (2-3)


Trường hợp đó tôi gặp rất là nhiều, mình đi vô chùa mình tính là đi vô chùa với nhau nghe pháp thôi để mình có một tâm sự phức tạp và tế nhị. Tuy nhiên đang ngồi nghe pháp ngon lành thì ở bên Việt Nam tôi gặp mấy lần và tôi cũng nói ở trên pháp tòa có mấy người nghĩ pháp sư thuyết pháp phải cho tiền pháp sư, giảng sư dạy học phải cho tiền giảng sư, và họ lý luận không cho,vậy ổng lấy gì ổng xài. Nghe nói vậy cũng xúc động, bới vì gặp tiền cũng khoái lắm. Nhưng các vị biết sao không con người ta đang ngồi cái cầm cái dĩa giống như Sơn Đông mãi võ, khều khều: "Cô cô, có gì cúng không cô ? Cô cúng đi cô." Lúc đó tôi biết các người Phật tử họ ngồi rất khó chịu và tôi lúc đó cũng khó chịu lắm. Khó chịu vì có cảm giác lúc đó mình giống như Sơn Đông mãi võ. Cho nên trong trường hợp đó, họ có tâm thiện nhưng bị đưa vào trường hợp tâm thiện thọ xả ly trí hữu trợ.

Notes:
24 tâm tịnh hảo Dục giới gồm: 
(Các tâm này cho hành giả cơ hội đạt đạo quả Giải Thoát nên được gọi là đại thiện, đại quả và đại duy tác.)
  1. 8 tâm đại thiện 
  2. 8 tâm đại quả 
  3. 8 tâm đại duy tác

Tâm thiện như thế nào, thì cái tâm quả như thế đó. 

Kiếp này làm thiện bằng tâm thiện thọ hỷ, đời sau sinh ra sẽ là người vui vẻ. 
Kiếp này làm thiện bằng tâm hợp trí, đời sau sinh ra sẽ là người thông minh. 
Kiếp này làm phước một cách nhanh chóng không do dự, thì đời sau phước trổ một cách nhanh nhẹn, mau mắn không bị trở ngại. 

Làm thiện bằng tâm nào thì quả trổ bằng tâm nấy. 

Cho nên đó vì sao có 8 tâm thiện. Các vị thắc mắc khi tôi làm thiện thì tôi làm thôi chứ mắc gì có 8. tôi xin nói rõ rằng giàu cũng có rất nhiều cách giàu phải không. Có nhiều nhiều người đẹp trai, con nhá giàu, học giỏi. Có nhiều người học giỏi, đẹp trai nhưng nhà không giàu. Có những người nhà giàu, học giỏi nhưng mà xấu quắc. Nói chung 3 cái đó ít ra mình có đủ, đẹp, ngu, giàu. Xấu, khôn, giàu. Nói chung có nhiều người xấu trai, học dỡ, nghèo cũng có nữa, nhưng được làm người cũng đá quý lắm rồi. Bởi vì:

Được làm người có dễ đâu
Được làm người khó sống lâu trên đời
Được nghe cánh pháp tuyệt vời
Được vui gặp Phật ra đời khó thay.

Lúc đó mình nghĩ được làm thân người là quý lắm rồi. Phật nói Ví dụ như trên mặt biển có một tấm ván nhỏ trên đó có cái lổ vừa đủ để con rùa nó thò cái đầu vào. tấm ván nó trôi từ nơi này qua nơi khác. Và ở dưới biển có một con rùa mù. Ví dụ 100 năm con rùa mù đó trồi lên biển một lần, theo quý vị có một lần nào đó con rùa mù đó chui lọt cái đầu vô cái lổ không. (40:02)

26/12/2021 - 03:22 - tranngocdieu.nt

Phật nói: "Này các tỷ kheo cái chuyện mà con rùa chui lọt cái đầu vô tấm ván có thể xảy ra".Nhưng chuyện chúng sanh chết rồi trở lại làm người khó xảy ra hơn.

Vậy thì lời Phật vẫn đúng. Làm người đã là khó, mà làm người được hạnh phúc khó, mà làm người cho đáng mặt con người khó hơn . Làm người mà đủ cái tư trang đủ hành trang, đủ tư lương để mà bước vào quan tài không có hối hận còn khó dữ dội nữa. 

Các vị đừng tường con đàn cháu đống, nhà cửa đàng hoàng có 1 account lớn trong ngân hàng là đã xong kiếp người. 

Tôi xin thưa các vị, cái đó những người còn sống họ nói với nhau chứ còn người chết họ hiểu hơn ai hết . Họ hiểu cái account trong ngân hàng nó vô nghĩa với họ. Họ biết họ không thể chui ra khỏi quan tài nói cho mình nghe đó thôi. 

Chứ các vị biết nó rất là phũ phàng . Chỉ cần các vị - chẳng hạn như bác sĩ Minh bây giờ mà ổng nhắm mắt một cái gia tài để lại cho ai ? Con cháu có thương thì họ vô chùa cúng được vài ba cái thất là họ quên mất tiêu. Tại tôi làm thầy chùa tui tụng mòn cái mõ nên tôi biết, con cháu nó khóc nó kể tưởng như không bao giờ quên được ông già của nó, ba má của no nhưng được một thời gian nó quên mất tiêu. Nó về lo cho vợ con của nó chứ mắc gì nó nhớ tới mình . Nó bạc bẽo như vậy. 

Mình nằm xuống quá 7 tuần thất là nó quên mất tiêu. Vợ quên chống, chồng quên vợ, cha mẹ quên con, con quên cha mẹ, bà con quên nhau, bè bạn quên nhau, quên hết, quên sạch hết, đừng có tào khang chi thê, sắc cầm hảo hiệp, không có tin cái gì. 

Cái gì trên đời này cũng là vô thường.

Cho nên Phật nói rằng: "Ta không phủ nhận thế giới này là hạnh phúc". Phật nhìn nhận thế giới này có hạnh phúc nhưng mà sở dĩ ta khuyên các con nên bỏ là vì sao? Vì nó không có bền. Các vị nghe kịp không ?

Có một số đông, một số rất là lớn có nhiều người chụp lên cho Phật giáo cái bản án rất là sai lầm. Họ nói Phật giáo chủ trương là bi kịch. Phật giáo chủ trương là biến mất. Phật giáo chủ trương là bi quan. 

Thật ra Đức Phật nhìn nhận trên đời này, ở đâu có nước mắt thì ở đó có nụ cười và ở đâu có nụ cười thì ở đó có nước mắt. Phật nhìn nhận khía cạnh đó. Có một điều người ta nói rằng cái huy chương nào cũng có bề trái của nó. Và cái gì cũng vậy bề mặt nó lớn thì bề trái nó cũng lớn theo, phải không? Cuộc đời nó cay đắng như vậy. Tôi thương quý vị chừng nào thì khi tôi mất tôi càng cay đắng bấy nhiêu. Càng thương nhau lắm càng cay đắng nhiều. Tôi thương quý vị tôi mới ghen nhiều phải không ? Có nhiều người họ có thể chết đi vì ghen, vì họ quá yêu. Như vậy thì cái mề đay càng lớn, cái mặt phải càng lớn thì cái mặt trái càng to. Tôi không thương quý vị nên khi mất quý vị tôi không có tiếc, nhưng mà đâu phải vậy là hạnh phúc ? Vì nếu tôi không biết ghen có nghĩa là tôi không có yêu. Mà khi sống gần người mình không yêu thì lại là bi kịch khác. Sống gần người mình không yêu là bi kịch nhưng mà nó có cái hay là khi mất họ mình không tiếc. Nhưng khổ chỗ khi sống gần người mình thương thì hạnh phúc, nhưng mà lỡ mính mất họ, mình đau khổ. Cho nên Phật nói rắng:

"Tất cả hạnh phúc đều là giả tạo".

Tôi không có lac đề đâu, thì hồi nãy giờ tôi trình bày cho lớp nghe về hạnh phúc của thế gian, rồi có những chúng sanh họ nhìn thấy mong manh như vậy họ mới đi đến hạnh phúc khác cao hơn . Đó là hạnh phúc của thiền định. Nhưng hạnh phúc của thiền định thấy rằng ngày nào còn sống trong cái hình Danh Sắc tướng như vầy, nó vẫn còn mong manh, vẫn còn có giới hạn, còn có hạn chế. Cho nên họ mới hướng tới một cảnh giới khác cao hơn đó chính là các tầng thiền Vô Sắc Giới.

Làm chỉ để làm vậy thôi. Tức là các vị A La Hán cũng tu thiền như chúng ta vậy, nhưng chuyện hành thiền của các Ngài không phải cầu sanh về Phạm Thiên mà là các Ngài không còn gì để làm nữa hết, nên các Ngài tìm việc gì đó để các Ngài làm. Giống như ngài Hoà Thượng của tôi Ngài đi học ở bên Thái Lan. Tôi có 2 thấy Hòa Thượng, Thầy Hòa Thượng sadi và thầy Hoà Thượng tỳ kheo. Như hòa thượng mình ở đây là Hòa Thượng tỳ kheo là Hòa thượng cho tôi thọ đại giới, còn Hòa thượng ở Việt Nam thì Hòa thượng mất rồi là Hòa thượng cho tôi thọ giới sadi. Có một cái may mắn là trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam chỉ có hai vị là có học vị thôi, học vị về Phật pháp. Một vị là thủ khoa Pali ở bên Campodia. Hòa thượng của tôi ở Việt Nam Ngài là thủ khoa Vipas ở Thái. Tôi có may mắn 2 vị là thủ khoa hết nhưng mà tương truyền rằng "Cha làm thầy, con đốt sách ." cho nên đến đời tôi nó trớt quớt. 

Thì Hòa thượng có thói quen là khi Ngài dịch kinh, Ngài có quy định dậy sớm. 10h đêm Thầy ngủ, khuya 3h Thầy dậy, Ngài dịch kinh riết tới 1h trưa Ngài ăn cơm, xong Ngài nghỉ trưa chút Ngài tiếp tục dịch kinh cho đến 10h đêm. Ngày nào cũng vậy hết . Ngài có thói quen là khi nào lúc thời gian rảnh Ngài không làm gì hết thì Ngài lấy cây tre Ngài cho người cưa ra từng lóng ngắn ngắn như thế này và chẻ ra bằng ngón tay để cả bó để Ngài chuốc tăm xỉa răng. Thì có một vài người họ vô họ nói với Ngài - Trời ơi Ngài làm vậy chi cho mất công ? Để con ra ngoài con mua cho ngài 1 thùng luôn để Ngài xài chứ mắc gì Ngài ngồi chuốt ? - Biết Ngài nói sao không, "Dịch Kinh hoài cũng mệt cần nghỉ ngơi." Thay vì nghỉ ngơi mình ngồi không mình nghĩ tầm bậy. Thôi thì mình ngồi chuốt tăm .  Một là nó không nghĩ bậy . Hai là có cái để xài. 

Mà thiệt các vị xài cây tăm của Hòa thượng tôi xong thì thấy tăm bán ngoài chợ nó không nghĩa lý gì hết, vì tăm ngoài chợ nó bằng gỗ các vị biết không ó dễ gãy lắm và nó có 1 đầu nhọn thôi, còn của Hòa thượng có 2 đầu nhọn, mà cái tăm hòa thượng cầm vô thấy thích liền, nó tròn vo mà nó láng tinh . Hòa thượng làm đẹp lắm, rất là đẹp. Người ta chuốt mấy chục năm mà sao không đẹp được ? Cho nên chùa Hòa thượng tăm nhiều lắm, rất là nhiều tăm mà tăm đẹp không. 

Các vị A La Hán tu thiền cũng giống như vậy. Tức là các việc nên làm đã làm. Sanh tử là đại sự, sanh tử là chuyện lớn họ đã giải quyết xong rồi thì thời gian trống họ làm cái gì đây ? Họ đi tu thiền. Các vị cũng hành thiền, cũng niệm đất, đất, đất, nước nước nước, lửa, gió để chứng các tầng thiền. Vì mỗi một đề mục nó có một cái hiệu quả riêng. 

Thí dụ như Ngài Mục Kiền Liên trong kinh nói tất cả 40 đề mục ngài Mục Kiền Liên tu đủ hết . Dễ sợ như vậy . Cho nên khi các Ngài hoá hiện thần thông, các Ngài hóa hiện rất là hay .  Khi các Ngài muốn bay trên hư không - như mình muốn bay trên hư không mình phải tu đề mục đất, mình để cục đất trước mặt mình niệm đất, đất, đất, đất, niệm đến một lúc nào đó mình nhắm mắt lại mà vẫn thấy cục đất trước mặt mình và vẫn tiếp tục niệm như vậy, nó phải trải qua các giai đoạn sơ tướng, thô tướng rồi quang tướng . Nếu mình có duyên nhiều thì nhắm mắt lại vẫn thấy và tiếp tục niệm nữa - tôi chỉ nói vắn tắt, tôi không đi vào vấn đề chuyên môn - thì tiếp tục niệm nữa thì tới một lúc nào đó chỉ cần mình muốn như tôi đang cần có mặt ở Cali lập tức có mặt ở Cali liền. Các vị nhìn mặt nước và nghĩ rnag82 tôi sẽ bước ra đó thì lập tức mặt nước nó sẽ cứng ngắc. Muốn làm được chuyện này các vị phải tu đề mục đất. Đang đứng như vậy mà các vị muốn độn thổ, các vị phải tu đề mục nước. Như nền Chánh điện đang cứng như vầy các vị muốn chui xuống, các vị chỉ niệm nước, chỉ tác ý nước thì lập tức nên cánh điện này nó mềm và lún xuống liền. Còn các vị tu đề mục xanh, vàng, đỏ, trắng thì các vị đang ngồi trong đám đông thế này các vị muốn không ai thấy mình. Ví dụ như tôi có khả năng ấy đi tôi chỉ cần niệm xanh tự nhiên nguyên cánh điện này tối thui không ai thấy tôi hết. Tôi muốn xuyên qua vách đi ra ngoài thì tôi phải tu đề mục hư không, khoét cái lổ và tôi cứ nhìn cái lổ tôi niệm hư không, hư không, hư không đến một lúc nào đó tất cả mọi thứ trước mặt tôi đều trở thành hư không. 

Khi các vị sông trong thế giới vật chất như vậy các vị nghe cái đó các vị biết có vẻ như nó là siêu hình, thấy có vẽ bùa chú nhưng mà không phải, các vị biết cái tâm mình rất là mạnh. Hôm trước tối đã nói với các vị rồi. Tại sao có một số động tác của người giỏi võ, mốt số động rác của những người đi múa ba lê trượt băng, những người khiêu vũ mà chúng ta làm không được, những người xiếc mà chúng ta làm không được bởi vì tâm chúng ta khác tâm họ. 

26/12/2021 - 04:38 - tranngocdieu.nt

(còn tiếp)
Reply
(tt và hết) Sư Toại Khanh Giảng Tâm Đáo Đại 2 (3-3)


Các vị bữa nào đi ra mall thấy người ta trượt băng, các vị đừng có nói người chuyên nghiệp. Các vị thấy mấy đứa con nít 15-17 tuổi nó trượt mới thấy hãi hùng . Nó dám đi bằng cái mũi hoặc gót giày nó xoay người các vị thấy nhức đầu mà nó thì không. Bởi vì cái tâm của nó thích hợp, cái tâm của nó rất là vi tế. Cái tâm lúc họ đang làm việc đó gần như họ không chú ý đến cái gì khác, họ chỉ tập trung có một việc đó thôi. Các vị thấy múa ba lê không phải là dễ múa, rất là khó, cần sự tập luyện lâu dài .

Thiền định chính là như vậy. Thiền định chính là nó uốn nắn cho cái tâm mình lâu ngày nó trở nên vi tế và nó thành tựu 6 pháp định, khinh, nhu, thích, thuần, chánh. Chính 6 cái này giúp cho người ta thành tựu điều đó. 

Đó là lý do tại sao một người chứng đạo thiền định rồi họ không đam mê dục lạc nữa là bởi vì hạnh phúc họ có được từ thiền định nó còn ghê gớm hơn hạnh phúc dục lạc. Chẳng hạn như lúc nam nữ gần nhau nếu như mình không có tu tập thiền định, không tu tập Phật pháp mình nghĩ trên đời này hạnh phúc lớn nhất chỉ là hạnh phúc nam nữ thôi, hoặc là ăn ngon mặc đẹp thôi. Nhưng nếu mình biết Phật pháp rồi, các vị sẽ thấy có một thứ hạnh phúc khác còn ghê gớm, còn dữ dội hơn hạnh phúc nam nữ nữa. 

Tôi chưa có gia đình nhưng tôi có thể khẳng định được điều đó, bởi vì như hôm trước tôi nói với các vị rồi không ai có thể bằng được niềm vui vật chất nào đó mà họ có thể liên tục hạnh phúc và năng đông - năng đông là sức mạnh tinh thần - hạnh phúc và năng động trong suốt 1 tuần lễ, nửa tháng hoặc 1 tháng.

Cái hạnh phúc của vật chất tôi xin thưa với các vị: càng hưởng thụ con người càng yếu đuối dần. Lý do tại sao, tôi nghĩ các vị đã hiểu rồi. Cái hạnh phúc vật chất càng hưởng thụ, con người mình càng ngu si dần, càng đần độn. Còn hạnh phúc tinh thần càng nhiều chừng nào, con người càng sung mãn chừng đó . Dễ sợ như vậy, dễ sợ lắm. và các vị thấy may mà những người dùng á phiện để họ viết nhạc, họ chơi đàn thôi là họ thấy họ đã hạnh phúc rồi. Huống hồ chi là những người tu thiền ? 

Theo tôi được biết những người đàn ông họ dùng chất kích thích như heroin họ không thấy thích đàn bà và nếu họ có một tinh thần văn nghệ và họ có một kiến thức thì họ không cần đàn bà nữa. Tại vì họ thấy họ phiêu bồng thoát xác và lý do vì sao người ta gọi nó là nàng tiên nâu . Dễ sợ lắm. 

Các vị thấy rằng đời sống tinh thần nó cao cấp như vậy . 

Nhưng đối với người đã nhàm chán sanh tử rồi thì các vị thấy rằng 
  1. dầu có thiền định, 
  2. dầu có thần thông, 
  3. dầu có thăng thiên độn thổ, làm mưa làm gió được 
thì tất cả những khả năng này chổ cuối cùng nó đi về là đâu ? Chỉ là quan tài thôi. 

Có sanh làm Phạm thiên sống 1 tỉ năm trên đó, cuối cùng cũng phải chết thôi. Có thần thông biến hóa cái này cái kia cuối cùng cũng chết. Và sau cái chết này nó lại dẫn đến một tái sanh mới và trong cái tái sanh đó rất có thể mình phải đi xuống dưới, đi luôn . Ở trên Phạm thiên đó, nói chung là sanh tử là một cái gì đó luân hồi, một cái gì đó nó biến chuyển liên tục, lúc làm trời, lúc làm người, lúc làm thú, lúc đi địa ngục, lúc làm A tu la. 

Với người đầy đủ cơ duyên họ sẽ thấy nhàm chán và họ mới lập chí nguyện vượt thoát khỏi cái đó .  Tâm này ta gọi đó là tâm siêu thế.

Các tâm quả đáo đại là các thành phẩm tương ứng của các tâm thiện đáo đại (thành phẩm tương ứng tức là tâm thiện nào nó sẽ cho ra tâm quả đó, từng cặp đối xứng, như tâm thiện sơ thiền sẽ cho ra tâm qủa sơ thiền...). 


Tâm thiện đáo đại là tâm mình tu thiền và chứng thiền

Tâm quả đáo đại là tâm 
  1. được tạo ra bởi tâm thiền đáo đại và 
  2. công năng của nó là cái tâm tái tục. 
Ví dụ bây giờ cô chứng sơ thiền tức là trong đầu cô có tâm sơ thiền rồi, nếu từ đây đấn lúc chết mà cô duy trì đừng để cho nó mất cái tâm đó, thì lúc cô sắp chết, nó sẽ tạo ra tâm quả sơ thiền để cô sanh về cõi sơ thiền. Rồi nếu bây giờ mà cô đắc nhị thiền, thì cái tâm mà đắc nhị thiền đó chính là tâm thiện nhị thiền, thì lúc mà cô chết cô sẽ có tâm quả nhị thiền để cô lên cõi nhị thiền cô ở trển. 

Nói chung là tâm thiện nào sẽ tạo ra tâm quả đó. 

Cũng tu thiền nhưng có vị chết sanh Phạm thiên; nhưng có vị chết không sanh lên Phạm thiên vì khi họ chứng xong họ bị hoại thiền . Họ không giữ được cái thiền đó nữa. Ví dụ tôi đang tu thiền tôi mê cái gì đó quá tôi bỏ tôi không tu thiền nữa thì nó mất. 

Giống như Bồ tát Sĩ Đạt Đa hồi năm 7 tuổi ngài đắc sơ thiền xong mấy bữa quên mất tiêu. Ổng lo làm vua, làm chúa, lấy vợ, đẻ con.. nên Ngài quên mất tiêu, Ngài không nhớ vụ Ngài đã đắc thiền. Khi Ngài vô rừng Ngài ngồi dưới gốc cây Ngài mới suy nghĩ lại, tại sao bây giờ ta phải nhịn ăn, nhịn thở một cách đau đớn như thế này trong khi hồi nhỏ ta đâu có nhịn ăn, nhịn uống gì đâu mà tâm ta rất là thanh tịnh Ngài chực nhớ lại kinh nghiệm lúc 7 tuổi. và Ngài nghiệm ra xe bò không chạy thì đánh con bò chứ không phải đánh chiếc xe. 

Sau khi suy nghĩ như vậy rồi Ngài tu tâm và cho cái thân ăn uống điều đặn đàng hoàn. Cho ăn cho thở chứ trước đây có lúc Ngài ăn dơ, ở dáy. 

Sau đó Ngài mới tu theo lối Trung Đạo tức là tâm Ngài như thế nào thì Ngài biết như thế đó. Cái nào thiện, cái nào bất thiện và Ngài đắc quả bằng cái đó. Thở ra tâm thiện biết, thở vào tâm thiện biết. Thở ra có tâm bất thiện biết là thở ra bằng tâm bất thiện. Thở vào bằng tâm bất thiện biết ta đang thở vào bằng tâm bất thiện . Chỉ theo dõi nó thôi và Ngài đắc bằng cái đó. 

Còn buổi đầu hành hạ thân thể, nhéo lổ tai, nhéo bấp vế, móc họng, móc mắt má không đắc bởi vì xe bò không chạy thì đập con bò chứ không ai đi đập thùng xe. Mà mình thì sao, hết 9 người xe bò không chạy không dập con bò mà chỉ lo đập thùng xe thôi.

26/12/2021 - 05:07 - tranngocdieu.nt


CÁC TÂM SIÊU THẾ


  1. Người đam mê dục lạc mà cũng không tu tập tâm ý thì nội tâm chỉ thường quẩn quanh trong 12 bất thiện. 
  2. Người khá hơn một chút, tức biết hướng thượng cầu tiến thì còn có khả năng huy động được các tâm tịnh hảo để làm lành lánh dữ ngay trong đời hiện tại bằng cách bố thí, giữ giới, phụng sự tha nhân...Phật học gọi trình độ tâm linh này là dục giới tịnh hảo. Hiệu quả của dục giới tịnh hảo là các cõi trời người khoái lạc. 
  3. Lại có những kẻ nhàm chán luôn cả công đức dục giới, chuyên tu thiền định Sắc giới hoặc Vô Sắc và nhờ vậy sanh về Phạm Thiên giới. 
  4. Có một số rất ít chúng sanh do thính pháp hoặc khả năng tri kiến tự thân xét thấy Tam giới như ngôi nhà đang cháy nên trong lúc tu tạo bất cứ công đức nào (từ công đức dục giới đến các công phu thiền định đáo đại) đều nhất tâm hướng cầu cứu cánh vô sinh, vượt thoát Tam giới. Thuật ngữ nhà Phật gọi đó là Ba la mật. Vào một thời gian nào đó trong dòng sanh tử phước duyên Ba la mật tròn đủ thì đương sự sẽ trở thành thánh nhân. 

  1. Người tự mình thành Thánh và đủ sức hướng dẫn người khác thành Thánh thì được gọi là Phật Toàn Giác. 
  2. Người chỉ đủ sức tự ngộ mà không thể giúp người khác chứng Thánh như mình thì kinh phật gọi là Bích Chi Phật hay Phật Độc Giác. 
  3. Người nhờ kẻ khác giúp cho chứng Thánh và cũng có thể giúp người khác chứng Thánh thì gọi là Thanh Văn Giác. 
3 cấp độ Thánh nhân này hoàn toàn thuộc vào tâm nguyện của mọi cá nhân. 

Nhưng dù tầng Thánh nào thì cũng đều phải trải qua 4 bậc đạo quả tương ứng nhau trước khi trở thành một vị Thánh toàn thiện, hoàn chỉnh.

Phật Toàn Giác tu tập 20 A tăng kỳ - 1 A tăng kỳ là 10 lũy thừa 140 + 100 ngàn đại kiếp. (Xong)


Mục Lục các Bài Giảng

(Hết)
Reply
Trường Bộ Kinh
Digha Nikaya

18. Kinh Xa-ni-sa
(Janavasabha sutta)
https://budsas.net/uni/u-kinh-truongbo/truong18.htm

--ooOoo--

18. KINH XÀ-NI-SA

092. TRONG TRƯỜNG-HỢP NÀO ĐỨC PHẬT GIẢNG KINH XÀ-NI-SA?

Vào một thời kia, đức Phật cùng với các Tỳ-kheo trên đường đi từ núi Linh-Thứu đến thành Câu-thi-na, để nhập Niết-Bàn.Ngài dừng ở làng Na-đề-ca (Nàdika), nước Ma-kiệt-đà (Magadha). Bấy giờ, Tôn-giả A-nan thưa hỏi đức Phật về các tu-sĩ và cư-sĩ đã mất tại đây, nay được tái-sanh về đâu. Nhơn đó, đức Phật giảng Kinh nầy, thuật lại lời của vị Dạ-xoa tên là Janavasabha (Xà-Ni-Sa) đã trình với đức Phật về chuyện tái-sanh đó.

Xà-Ni-Sa vốn đời trước là vua Tần-bà-sa-la (Bimbisàra) của nước Ma-kiệt-đà, nhờ tu-tập theo Chánh-Pháp mà được sanh lên Thiên-giới. Xà-Ni-Sa có tham-dự buổi họp tại Thiện-Pháp-đường để nghe vị Đại-Phạm Thiên-vương nhắc lại (1) ba con đường tắt hướng đến an-lạc, (2) bốn pháp quán-niệm và (3) bảy pháp Định tư-lương để tu-tập Chánh-định. Vị nầy còn cho biết, những ai tin-tưởng Phật, Pháp, Tăng, tin tưởng không có thoái-chuyển, đầy-đủ giới-hạnh, sẽ được hoá-sanh lên cõi Trời, và tất cả hơn hai trăm bốn mươi vạn cư-sĩ ở Magadha đã từ-trần, diệt các kết-sử, đã chứng được các quả Dự-lưu, Nhất-Lai và Bất-Lai.

Thế-Tôn sau khi nghe câu chuyện của Xà-Ni-Sa, chấp-nhận lời nói của vị Đại-Phạm Thiên, và tự mình chứng-tri rồi mới thuật lại cho Tôn-giả A-nan nghe.

093. NỘI-DUNG KINH XÀ-NI-SA.

Kinh Xà-Ni-Sa bàn về việc tái-sanh của các tu-sĩ và cư-sĩ ở nước Ma-kiệt-đà, tu-tập theo Chánh-Pháp, khi chết được sanh lên cõi Trời Phạm.

A.- Ý Chánh: Nhờ tu-tập theo Chánh-Pháp do đức Phật đã giảng-dạy ở cõi Người mà được tái-sanh lên cõi Trời Phạm.

B.- Phân đoạn: Kinh có thể chia ra hai phần:

1. Phần I: Tôn-giả A-nan hỏi Phật việc tái-sanh của các tu-sĩ và cư-sĩ ở nước Ma-kiệt-đà.
- Tôn-giả A-nan thắc-mắc tại sao đức Phật chưa nói đến việc tái-sanh của tu-sĩ, cư-sĩ mất ở Ma-kiệt-đà.
- Đức Phật nhập-định, thấy chỗ thọ-sanh của các tín-đồ ở Magadha và được vị Trời Xà-Ni-Sa tới yết-kiến.

2. Phần II: Xà-Ni-Sa tường-trình buổi pháp-thoại của Đại-Phạm Thiên-vương tại Thiện-Pháp-đường:

- Xà-Ni-Sa chính là vua Tần-bà-sa-la đời trước đã cai-trị nước Ma-kiệt-đà trong Chánh-Pháp;
- Xà-Ni-Sa trình với Phật, sở dĩ mình được sanh Thiên là nhờ tu-tập theo Giáo-Pháp của đức Phật;
- Quang-cảnh chư Thiên hội-họp ngày lễ Bố-tát tại Thiện-pháp-đường ở cõi Tam-thập-tam thiên.
- Vị Đại-Phạm Thiên-vương xuất hiện giảng pháp: (1) ba con đường tắt hướng đến an-lạc; (2) bốn pháp Tứ-niệm-xứ, (3) bảy pháp tu Định tư-lương, đã được đức Phật tuyên-giảng.

094. TRÍCH-ĐOẠN: BA PHÁP HƯỚNG ĐẾN AN-LẠC.

... ''Chư Thiên-hữu, qúi vị nghĩ thế nào (về) ba con đường tắt hướng đến an-lạc... Thế nào là ba?

Chư Thiên-hữu, ở đây có người thân-cận dục-lạc, ... bất-thiện-pháp ... Và khi nghe được Chánh-pháp, như-lý tác-ý, ... vị nầy không thân-cận dục-lạc, bất-thiện-pháp. Nhờ sống không thân-cận dục-lạc, bất-thiện-pháp, an-lạc khởi lên, và hơn cả an-lạc, hoan-hỷ khởi lên ... Đó là con đường tắt thứ nhứt hướng đến an-lạc, đã được Thế-Tôn, ... , chứng-ngộ.

Chư Thiên-hữu, ở đây có người thân-hành thô-lậu, chưa được an-tịnh, khẩu-hành, ý-hành thô-lậu, chưa an-tịnh... Sau một thời-gian, vị nầy nghe được Chánh-pháp, và như-lý tác-ý... thì thân-hành,... khẩu-hành,... ý-hành thô-lậu được an-tịnh, an-lạc khởi lên, và hơn thế nữa, hoan-hỷ khởi lên... Đó là con đường tắt thứ hai hướng đến an-lạc, đã được Thế-Tôn chứng-ngộ.

Chư Thiên-hữu, lại nữa ở đây có người không như-thật biết: ''Đây là thiện, đây là bất-thiện....'' Sau khi được nghe Chánh-Pháp, như-lý tác-ý, chứng-đắc Chánh-Pháp... vị nầy như-thật biết: ''Đây là thiện, đây là bất-thiện... '', ... nhờ biết như vậy mà vô-minh của vị nầy được trừ-diệt, minh được sanh-khởi, an-lạc khởi lên. ... Đó là con đường tắt thứ ba hướng đến an-lạc...''

095. TRÍCH-ĐOẠN: BẢY PHÁP ĐỊNH TƯ-LƯƠNG.

... Thế nào là bảy pháp Định tư-lương (Samàdhi-parikkhàrà)? (Đó là)... Chánh tri-kiến, chánh tư-duy, chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh mạng, chánh tinh-tấn, chánh-niệm.
Chư Thiên-hữu, nhứt-cảnh-tánh của tâm do bảy chi nầy sửa-soạn, được gọi là thánh-chánh-định cùng với các y-chỉ và cùng với các tư-lương. Chư Thiên-hữu, chánh tư-duy vừa đủ để chánh tri-kiến sanh-khởi, chánh-ngữ vừa đủ để chánh tư-duy sanh-khởi, chánh-nghiệp vừa đủ để chánh-ngữ sanh-khởi, chánh-mạng vừa đủ để chánh-nghiệp sanh-khởi, chánh tinh-tấn vừa đủ để chánh-mạng sanh-khởi, chánh-niệm vừa đủ để chánh tinh-tấn sanh-khởi, chánh-định vừa đủ để chánh-niệm sanh-khởi, chánh-trí vừa đủ để chánh-định sanh-khởi, chánh giải-thoát vừa đủ để chánh-trí sanh-khởi ...

096. HỌC KINH XÀ-NI-SA, NÊN CHÚ-Ý ĐIỂM NÀO?

1. Học Kinh Xà-Ni-Sa, đừng tìm hiểu kẻ khác đã chứng đến mức nào; trái lại, phải biết tự xét đường-tu của chính mình đã đến đâu, để nỗ-lực tiến lên nữa.

2. Ba con đường tắt hướng đến an-lạc bắt đầu bằng (1) xa-rời các dục-lạc (thú-vui vật-chất), (2) giữ thân, khẩu, ý cho thanh-tịnh,, (3) phân-biệt rõ thiện và bất-thiện. - Tu bốn phép quán-niệm (tứ niệm-xứ), phải biết khi (1) quán thân, thấy thân bất-tịnh; (2) quán thọ, biết cảm-thọ là khổ; (3) quán tâm, hiểu tâm là vô-thường; (4) quán pháp (sự-vật), thấu rõ muôn pháp đều vô-ngã. - Tập bảy pháp Định tư-lương, trước nên dồn nỗ-lực vào chánh-niệm, trong Bát-Chánh-Đạo.

https://budsas.net/uni/u-kinh-truongbo/truong-tn2.htm

--ooOoo--

Sư Toại Khanh Giảng Kinh Xa-Ni-Sa - Trường Bộ 18 (1-3)

https://toaikhanh.com/videotext.php?vid=X6NOZe-mko4&abt=Kinh+Xa-Ni-Sa

Kinh Xa-Ni-Sa

Quote:Kalama tri ân bạn buithibuukim ghi chép.

04/02/2022 - 07:31 - buithibuukim

KINH TRƯỜNG BỘ - KINH XA-NI–SA (Janavasabhasuttam)

Chào quí vị. Hôm nay chúng ta học Kinh Janavasabha.

Chữ ‘jana’: thiên hạ, đám đông, con người.

Chữ ‘usabha, osabha, avasabha’: con bò chúa, bò đầu đàn = kiệt xuất, xuất chúng, quán thế, cái thế.

Janavasabha: nhân kiệt (nhân vật kiệt xuất đứng đầu đám đông).

Trong tiếng Hán vua của loài cây = sở, vua của loài thú = hùng, vua của loài hoa = anh. -> anh hùng: vừa mạnh vừa đẹp. Đứng đầu đám đông loài người = kiệt

Hậu thân của vua Tần Bà Sa La (Bimbisara) có tên là Janavasabha vì ông đứng đầu 110.000 người thính chúng. Trong buổi giảng đó ổng chứng Tu đà hườn, sau đó bị giết chết. Khi ổng sanh về cõi Tứ thiên vương thì làm Dạ Xoa phụ tá cho Tỳ Sa Môn Thiên Vương (Vessavana: Tỳ Sa Môn = vị Đại Lực Quỷ Vương hầu cận) và được hội chúng Dạ Xoa cõi Tứ Thiên Vương gọi ổng cũng là tên Janavasabha vì xuất thân rất đặc biệt của ổng: 7 kiếp làm vua ở cõi người liên tục. Sau đó làm Đại Quỷ Vương 7 kiếp liên tục ở cõi Tứ Thiên Vương, tổng cộng 14 kiếp liên tục không bị đọa.

Trong đây chúng tôi giải thích theo Sớ giải. Tôi nhớ có lần giảng Kinh Đại Bát Niết Bàn chúng tôi có nhắc qua chuyện này. Tức là có lúc cả hai xứ Anga và Magadha (Ma Kiệt Đà) cư sĩ chứng Thánh rất đông, hàng triệu người. Với phước báo đó họ không mang thân nhân loại nữa mà họ từ trần hàng loạt. Cho nên có một thời gian dài mấy chục năm hai xứ này hoang vắng giống như không người. Bà con có thấy trong Chánh Kinh có câu đó hay không? Ngài A Nan tận mắt thấy người ta lũ lượt đi chùa nghe Pháp, rồi cúng dường Đức Phật và chư Tăng, rồi làm các công đức lớn nhỏ ngoài xã hội. Ngài thấy vậy nên ngài tin họ có một chỗ đi về không tệ. Tuy nhiên muốn chắc ăn nên ngài vào hỏi Phật. Ngài hỏi hết người này người kia, trong đó ngài nhớ đến một người ngài hỏi: Bạch Thế Tôn có một số cư sĩ ở đây, có một số cư sĩ ở kia, một số cư sĩ ở chỗ nọ, đặc biệt trong đó có vua Tần Bà Sa La là một minh quân, thánh chúa, làm phước độ dân giúp bá tánh, bây giờ chết rồi ổng đi về đâu, những chuyện này chứa được nghe Thế Tôn nói đến sanh thú (chỗ đi về, chỗ tái sanh) của mấy người này.

Phật nghe vậy ngài không trả lời gì. Ngày hôm sau đi bát về Ngài ghé một chỗ thanh vắng vào nghỉ trưa trong một ngôi nhà gạch bỏ hoang. Xong chiều về gặp ngài A Nan Ngài mới kể lại: Hôm qua A Nan có hỏi Như Lai chỗ tái sanh của mấy người kia. Hôm nay sau giờ khất thực Như Lai về chỗ ngôi nhà gạch bỏ hoang. Rồi Ngài kể một chi tiết đặc biệt là lúc Ngài nhập định quan sát chỗ tái sanh của những người cư sĩ trong các xứ lân cận, thì Ngài nghe tiếng nói: “Bạch Thế Tôn, con là Janavasabha” thì Đức Phật biết ngay đó là hậu thân của vua Tần Bà Sa La.

Ổng kể hầu Phật câu chuyện một buổi gặp mặt của chư Thiên, Phạm thiên cõi Đao Lợi. Trong Chánh Kinh bà con thấy rồi,ở đây tôi kể thêm một số chi tiết thôi. Đó là chư thiên cõi thấp không thể nhìn thấy chư thiên cõi cao. Dục thiên không thể nhìn thấy Phạm thiên. Nên vị ở cõi cao muốn cho vị cõi thấp thấy mình thì phải hóa hiện thô tướng (sắc pháp của các chúng sinh ngũ uẩn lên cõi càng cao thì càng vi tế) . Làm cho nó thô giống như cõi mình đang có mặt. Thí dụ cõi Tứ thiên vương thô hơn cõi Đao Lợi nhưng nó tế hơn cõi người. Cõi Đao Lợi thô hơn cõi Dạ Ma nhưng tế hơn cõi Tứ thiên vương. Tế có nghĩa là thành phần vật chất khó thấy hơn. Phạm thiên mà muốn cho Dục thiên thấy thì phải hóa hiện thân tướng thô lậu một chút, nặng nề một chút.

Trong Chánh Kinh có kể một chuyện. Trước hết ổng nói về ổng trước, là con đã 17 kiếp liên tục không bị đọa. Nhờ Thế Tôn mà lúc còn phàm phu con đã chứng Dự lưu. Bây giờ con đang nỗ lực tu tập để chứng quả vị cao hơn. (Chỗ này nói rằng khi vua đến gặp Phật thì vua đã là Tu đà hườn, nhưng ở chỗ khác thì nói trước khi vua chết, lúc trong nhà ngục vua đã đắc Nhất Lai. Báo trước cho bà con biết có hai dị bản như vậy).

Ở đây xác định rằng vua nói con đang tha thiết để trở thành vị Nhất Lai. Chú giải nói một câu thú vị đáng để mình lưu ý: thế nào là tha thiết? – Tha thiết trong sự tu tập đây có nghĩa là mỗi ngày hành giả phải có niềm tin rằng hôm nay mình sẽ chứng Đạo: Ajjeva ajjeva pativijjhissami. Với tâm niệm đó mới gọi là tha thiết, (asa: niềm tha thiết = mỗi ngày hành giả phải tâm niệm rằng hôm nay mình sẽ chứng Đạo. Với tâm niệm đó mới được gọi là tha thiết). Mình thì không tin lắm. Như mình nghĩ kiếp này đắc không được, tu là để gieo duyên thôi.

Tôi cũng nhớ tôi đã nói rất nhiều lần là tại sao mình phải tu tập chánh niệm thường trực trong từng sinh hoạt lớn nhỏ. Là vì 3 lý do:

- Một là mình không biết thực ra mình có khả năng chứng Đạo lúc nào. Cho nên mình dễ duôi là mình đã bỏ lỡ cơ hội. Trường hợp này trong Kinh có nói rất nhiều. Có những trường hợp người ta đến hầu Phât xong người ta đi. Thì đức Phật ngài dạy là : Này các tỳ kheo, LẼ RA khi nãy cái người hồi nãy họ có thể đủ duyên chứng quả, nhưng vì làm sao, làm sao đó…. Lẽ ra …

Chẳng hạn lần đó vua A Xà Thế đến hầu Phật, nghe Kinh xong lạy Phật rồi vua đi về. Đức Phật nói với chư tăng là hồi nãy nếu A Xà Thế không bị tội giết cha thì A Xà Thế đã đủ duyên chứng Sơ quả. Hoặc trong Kinh nói con voi Nalagiri là Phật tương lai. Khi voi bị chuốc rượu cho say chạy đến chặn đường Thế Tôn lúc Ngài đang đi khất thực, Ngài nói một vài câu với voi (nói bằng năng lực của một vị Phật). Ngài nói ngắn gọn là “Voi chúa không có hại voi chúa. Hãy nhớ kể từ nay ngươi không phải là ‘ngọn đồi lau’ nữa (Nalagiri) mà là tên Anatthapala (người giữ của). Ngươi có nhiều tài sản quý lắm, có chiều dầy ba la mật rất là sâu, còn một đoạn đường đi nữa”. Kinh nói nếu mà mang thân người và nếu không có tâm nguyện thành Phật thì ngay khi đó Tu đà hườn rồi. Kinh khủng vậy, sức nhận thức của con voi lúc đó đủ để Tu đà hườn! Dĩ nhiên chuyện đó không bao giờ có, bởi vì voi là vị Bồ tát mà, sẽ thành vị Phật tương lai.

Còn vua A Xà Thế mãi đến khi gặp Phật Thích Ca Mâu Ni thì vua vẫn chưa có tâm nguyện Độc giác. Nhưng vì vua bị cản trở bởi trọng nghiệp quá nặng là giết cha mà cha lại là đấng Từ Phụ, người cha lành mà lại là một bậc Thánh nữa. Nghiệp quá nặng nên kiếp này vua không đắc chứng được. Đã vậy sau khi trái đất này hủy rồi, hoại mất rồi trải qua một a tăng kỳ không có Phật ra đời, nên lúc đó dầu công phu tu hành của vua A Xà Thế có ghê gớm cách mấy cũng không đắc Đạo, bởi vì không có Chánh Đẳng Giác thì đắc với ai. Thế là khi duyên lành sâu dầy quá thì tự động đương sự sẽ chuyển nguyện. Có những vị khởi đầu là muốn Độc Giác. Cũng có những vị do chờ lâu quá, ba la mật dầy quá thì vị đó tự nhiên chuyển nguyện. ‘Chuyển’ đây có nghĩa là tự nhiên chỉ mong đắc càng sớm càng tốt thôi. Không mong chờ đợi gặp vị Phật nào hết. Nếu vị đó tu rốt ráo thì sẽ thành Độc Giác. Còn nếu tu tà tà thì phải chờ hết a tăng kỳ đó có vị Phật nào ra đời thì mới chứng Thinh Văn. Tôi đã giảng phần này không biết bà con còn nhớ không?

Thì ông này kể lại có một lần đó trên cõi trời có một cuộc đại hội. Kinh ghi: “Bạch Thế Tôn những ngày xưa nhân đêm rằm thì trong tháng nhập an cư mùa mưa toàn thể chư thiên”. 

Trong Chú giải có nói, trong thời kỳ có Phật ra đời, thì chư thiên Đao Lợi có 4 trường hợp tụ hội:

- Một là trước mùa an cư của chư tăng (Vassupanayikasangahattha).
- Hai là ngày ra hạ của chư tăng (Pavaranatthasangahattha).
- Ba là tụ hội mỗi tháng để nghe vị nào đó thuyết Pháp (Dhammassavanattha)
- Bốn là để cùng nhau vui chơi dưới gốc cây Paricchattaka (Paricchattakakilanubhavanattha).

Tụ hội trước mùa an cư của chư tăng, thì ‘chư tăng’ đây phải hiểu ngầm là chơn tăng, Thánh tăng, là những vị trong sạch 100% mới cảm được chư thiên trên đó. Trước mùa an cư chư thiên mới tụ họp lại, để coi năm nay chư tăng nhập hạ ở đâu, được bao nhiêu vị để cùng nhau hộ trì các vị đó.

Trường hợp 2 là chư tăng ra hạ, là ngày các vị về hầu Phật và trình lên Phật là mình đã đắc chứng cái gì. Chư thiên cũng để ý cái đó. Họ tụ họp ở trển để để ý chuyện đó dưới này.

Tiếng Pali kêu ‘pavarana’ là ngày tự tứ . Từ động từ là ‘pavareti’ nghĩa là ‘yêu cầu’.
Tức mỗi lần an cư 3 tháng xong thì các vị tỳ kheo ngồi lại với nhau, đọc câu Kinh Pali yêu cầu nhau chỉ lỗi cho mình, là trong suốt 3 tháng qua tôi có làm gì, có nói gì mà chư tăng thấy phạm luật, thấy cần nhắc nhở thì xin chư tăng chỉ điểm cho để tôi sửa chữa. Từng vị từng vị phải nói lên lời yêu cầu rõ ràng cụ thể điển hình như vậy. Chư tăng nhắc ờ 3 tháng qua chư tăng nhắc sư làm sao làm sao đó hoặc là 3 tháng đó sư ok, thí dụ vậy. Nếu chư tăng im lặng thì thôi không có gì hết.

Chữ ‘paravana’ Tàu dịch là ‘Tự tứ’, ở đây tôi dịch đơn giản là ngày ra Hạ thôi, nhưng mình phải hiểu ngầm tại sao ngày họ coi nặng cái này. Bởi ngày đó chư tăng sám hối với nhau, đồng thời cũng là ngày các vị về hầu Phật, trình lên Phật thành quả tu học của mình trong hơn ba tháng qua.

Trường hợp ba là Dhammassavanattha là vì một thiên tử nào đó, (thiên tử là một vị trời có nhiều phước báo) hay Phạm thiên thuyết Pháp mỗi tháng. Dưới dây mình có Pháp lệ thì trên đó cũng có. Có vị nào chia sẻ với thiên chúng thì vị đó sẽ ngồi ở chỗ trang trọng nhứt để thuyết Pháp. Có khi không phải chư thiên ở cõi Đao Lợi mà là một vị Phạm thiên nào đó có mặt để thuyết Pháp.

Trong bài Kinh này nói lần đó khi chư thiên tụ họp vậy thì họ thấy một luồng ánh sáng từ phương Bắc xuất hiện. Đây là dấu hiệu cho biết Phạm thiên sẽ có mặt. Họ dặn nhau Phạm thiên tới muốn ngồi chỗ nào thì cứ để vị đó ngồi, và họ hiểu ngầm với nhau là Phạm thiên lựa chỗ nào ngồi gần mình nhứt mình sẽ được vui, bởi họ coi Phạm thiên là khách quý. Ở cõi trời khác cõi người chỗ này: Ở cõi người thằng Tèo giỏi hơn thằng Tý thì đôi khi thằng Tý nó không biết, trừ phi nó tiếp xúc lâu ngày hoặc cái tâm nó để ý thì thằng Tý biết thằng Tèo giỏi hơn nó. Rồi thằng Tý phước báo nhiều hơn thằng Tèo thì Tèo đôi khi cũng không biết.

Trong khi trên cõi trời lại khác. Chuyện người ta nhiều vật chất hơn mình thì mình nhìn mình biết đã đành, nhưng mình biết rõ người này nè đức hạnh nhiều hơn mình. Còn ở cõi người không có. Ở cõi người nếu không vì người đó nổi tiếng hoặc do mình tiếp xúc lâu ngày, hoặc không phải do tiếng đồn, dư luận thì mình gặp người đó ngoài đường lơ lơ lần đầu tiên gặp mặt thì mình không biết. Chư thiên thì lần đầu gặp nhau đã biết ngay người đó hơn, thua mình về mặt nào. Đó là lý do tại sao chư thiên cõi Đao Lợi họ đối với Phạm thiên có sự tôn trọng. Là bởi vì họ biết vị này ly dục. Họ biết những vị này trí tuệ hơn mình, đức hạnh hơn mình sống lâu hơn mình mấy trăm ngàn lần. Người ta tuổi thọ tính bằng kiếp trái đất, còn mình tính bằng số triệu. 36 triệu năm nhân loại mà so với tuổi thọ 1 kiếp trái đất thì chẳng nghĩa lý gì hết, bởi tuổi thọ trái đất tính bằng tỷ; nên họ nể lắm!

Hôm nay trong Pháp Hội này tại cõi Đao Lợi, theo lời ông Dạ Xoa Janavasabha kể hầu Phật rằng, lần đó Phạm thiên Sanankumara xuất hiện và thuyết Pháp một loạt đề tài giáo lý quan trọng:

1/ Nội dung Phạm thiên Sanakumara thuyết giảng thứ nhứt: Thế Tôn đã giúp nhiều người sinh thiên, thấp nhất cũng là Càn thát Bà (gandhabba). 

Phạm thiên này ngồi vào ngai vàng của vua Đế Thích (ngai vàng có tên đặc biệt là kambali. Kinh nói ngai này không có người ngồi thì nó cao lắm, nhưng có người ngồi thì nó có thể lún xuống 50 do tuần.

Vị này xác định rằng Thế Tôn đã giúp nhiều người sinh thiên, thấp nhất cũng là Càn thát Bà (gandhabba). Càn thát bà gồm nhiều hạng. Sở thích là chìm đắm trong âm thanh và mùi hương. Về âm thanh họ là những nhạc sĩ thiên giới. Còn mùi hương họ thích mùi hương của các thứ hoa, trái, lá, củ, rễ thực vật và sống trong đó.

Chữ ‘gandha’ là ‘mùi’. Chữ gandhabba cũng có nhiều nghĩa. Về trú xứ họ là người đặc biệt thích mùi hương các loại trái, các loài hoa, lá, củ, rễ thực vật, có khi họ sống trong đó. Dĩ nhiên Càn thát bà ở cõi cao như Đao Lợi hoặc cõi tứ thiên vương, họ có lâu đài riêng họ chỉ thích nhạc thôi. Nhưng Càn thát bà từ cõi Tứ thiên vương trở xuống cõi người thì họ có thể sống trong các củ, lá, hoa trái, rễ cây. Nhiều khi mình đốn cái cây đó là mình đã phá chỗ ở của họ. Nếu họ có phước riêng thì họ sẽ có một trú xứ mới. Còn nếu phước họ kém quá thì họ sẽ đi theo cái cây đó họ về nhà mình. Có nghĩa là mình đóng tủ, bàn, giường thì họ sống luôn trong đó. 

Đây cũng là lý do để ta thấy rằng trong Kinh cấm vị tỳ kheo không được đốn cây. 

Do 
  1. một là xâm phạm chỗ ở của chúng sanh khác mà mình không thấy. 
  2. Thứ hai là mình không tôn trọng mầm sống, như vị tỳ kheo ăn trái cây mà hủy hoại cái hột trong trái đó cũng không được. Nên theo Luật, thí chủ muốn cúng dường cho đúng thì khi dâng trái cây phải làm động tác nhỏ gọi là tịnh tác (kappiya), nghĩa là lấy dao gọt nhẹ ngang chút xíu trên cái chóp giống như đã hủy rồi. 
  3. Thứ ba vị tỳ kheo nếu sống đúng theo tinh thần nguyên thủy là vị đó có lý do nào để tàn phá thực vật? Bởi vì tỳ kheo sống chủ yếu bằng đi bát, sau đó về chuyên tâm thiền định, còn trú xứ chỉ là chỗ qua đêm, trú mưa nắng, còn ngoài ra thì thôi cũng không ăn đời ở kiếp một chỗ, cũng không mất thì giờ để chăm sóc thân thể, y áo, chỗ ở của mình. Bản thân tỳ kheo chỉ cần sạch sẽ, gọn gàng. Vật dụng tỳ kheo chỉ có 8 món (tam y quả bát, kim chỉ, vải lược nước, dao cạo tóc). Do đó tỳ kheo không có nhu cầu đốn phá, hủy hoại cây này cây kia. (Coi thêm quyển “Chúng sanh và sanh thú’ – Giác Nguyên)

2/ Nội dung thứ hai Phạm thiên thuyết giảng: bốn thần túc

Notes:
Bốn thần túc: (còn gọi là [b]Bốn [/b]như ý túc)
  1. Dục thần túc thiền định phát sanh do năng lực của ý muốn, tư tưởng mà đạt được thần thông. Dục ở đây chỉ cho ước muốn, mong cầu một cách thiết tha, mong muốn đạt được những gì mình chưa có; hay mong cầu và tìm cách đạt được những sở nguyện.

  2. Cần thần túc còn gọi là Tinh tấn thần túc là thiền định phát sanh nhờ vào sức tinh tấn nỗ lực tu tập. Khi đã có mong cầu thì phải tinh tấn nổ lực để tu tập làm thiện, đoạn trừ các ác.

  3. Tâm thần túc là thiền định phát sinh nhờ sức mạnh của tâm niệm. Một lòng chuyên tâm nhất niệm trụ nương vào sức mạnh của tâm, nên định dẫn phát sanh (thiền định do tâm niệm phát sanh).

  4. Quán thần túc là có trí tuệ, thiền định phát sinh nhờ sức mạnh tư duy quán sát Phật lý, nương vào sức mạnh tư duy quán sát nên phát sanh sức định.

Nói về bốn thần túc (Iddhipada) những nhân tố tối cần để hoàn thành Đạo nghiệp. Đạo nghiệp đây là thiền định, Đạo quả và cả Pháp học Pháp hành nói chung tất cả Thiện Pháp.

Có nghĩa là muốn hoàn tất cái gì thì trước tiên phải có: chanda: là sự tha thiết + viriya: sự nỗ lực đúng mức + citta: dụng tâm đúng mức.

Dụng tâm đây theo A Tỳ Đàm là tất cả tâm thiện hiệp thế và siêu thế. Nghĩa là mỗi vị phàm hay Thánh muốn làm gì là phải có cái chủ tâm. Phàm phu mình học Đạo bằng tâm cầu danh cầu lợi tức là học bằng tâm tham. Nếu là tâm tham thì không gọi là tâm như ý túc được. Bởi Tâm như ý túc là tâm thiện (tâm thiện hiệp thế và siêu thế). Mình đi qua Miến Điện dựng chùa, cất liêu, xây cốc, học Tam Tạng, học Pali, học giáo lý rồi đi hoằng Pháp, hướng dẫn vận động chỗ này chỗ kia mà bằng cái tâm cầu danh cầu lợi thì cái đó không phải là Tâm như ý túc.

Do đó muốn hoàn thành Đạo nghiệp:
  1. Trước hết là phải có lòng tha thiết. 
  2. Hai là phải có sự nỗ lực đúng mức. 
  3. Ba là có dụng tâm đúng mức. 
  4. Bốn là phải có trí tuệ đúng mức (vimamsa). 

Kinh nói muốn đắc thiền tối thiểu là Cận định thì cũng phải có Tứ như ý túc này:

Iddhi: ý muốn, thần thông
Pada: nền tảng, cơ sở

-> Iddhipada: nền tảng hay cơ sở để hoàn thành tâm nguyện nào đó trong thiện pháp. Sở dĩ Hán Tạng dịch là ‘Thần túc’ bởi vì ‘iddhi’ là thần thông cũng là ý muốn của người đắc Ngũ thiền sắc giới. 

  1. Muốn đắc Ngũ thiền phải có Tứ, Tam, Nhị và Sơ thiền. 
  2. Muốn đắc Sơ thiền thì phải tu thiền Chỉ. Mà muốn tu thiền Chỉ phải có bốn cái Dục, Cần, Tâm, Thẩm:

  1. Dục như ý túc (chanda): sự thiết tha hành Đạo.
  2. Cần như ý túc (viriya): sự nỗ lực đúng mức. Chớ xìu xìu ển ển ầu ơ ví dầu làm sao mà được?
  3. Tâm như ý túc (citta): Phải thực hiện việc đó bằng tâm lành, phải có lý tưởng tốt.
  4. Thẩm như ý túc (vimamsa): làm gì cũng phải có trí tuệ (ngay cả những việc nhỏ nhặt như đi vệ sinh hay xỉa răng cũng phải có cái trí trong đó).

Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn Đức Phật cũng đã xác nhận: Ta – Như Lai đã tu tập thành mãn cụ túc bốn pháp này (Dục, cần, tâm, thẩm) cho nên nếu ta muốn ta có thể kéo dài tuổi thọ. Các vị có nhớ cái này không? Ngài nói hoài mà ngài A Nan không thỉnh Đức Phật trụ thế thêm nữa.

Như vậy bất cứ Đạo nghiệp lớn nhỏ, cao thấp, sâu cạn, rộng hẹp nào trong Phật pháp hay trong cuộc đời thì cũng thảy đều dựa vào 4 thành tố tâm lý rất đỗi quan trọng này.

(còn tiếp)
Reply
(tt) Sư Toại Khanh Giảng Kinh Xa-Ni-Sa - Trường Bộ 18 (2-3)

https://toaikhanh.com/videotext.php?vid=X6NOZe-mko4&abt=Kinh+Xa-Ni-Sa

3/ Nội dung thứ ba Phạm thiên thuyết giảng: ba con đường tu chứng (Okasadhigama)

Nội dung Pháp thoại thứ ba này là ba con đường tu chứng (Okasadhigama). Gồm:

Nhờ nghe Pháp:
  1. không tiếp tục hưởng dục, sống ác nữa.
  2. đời sống chuyển hóa từ thô sang tế.
  3. biết phân biệt thiện ác.
Ba con đường tu chứng này nếu nói sơ qua thì hoặc là không hiểu, hoặc là thấy cũng thường quá. Nhưng Chú giải nói chỗ này rất sâu.

Cách số (1): là ám chỉ trình độ Sơ thiền. Người chứng Sơ thiền thì lìa bỏ 5 dục. 

Chúng sanh trong đời có nhiều hạng. 
Hạng thứ nhứt là sống chết, buồn vui trong 5 dục (chúng sanh dục giới). 
Hạng thứ hai có trình độ Đáo đại, tức biết lìa bỏ 5 dục. Họ thấy 5 dục nó lầy lụa, thấp kém, sống mà phải đi kiếm cái này phải nhìn cái kia, để nghe cái nọ, để ngửi cái khác nó thô lậu quá nên có người nhàm chán 5 dục. Họ chỉ sống bằng niềm vui của người Định mạnh và ly dục. 

Tại sao Định mạnh và Ly dục là vui? 
– Nhờ ly dục nên vị đó không còn bất mãn (vô sân) thứ gì ở đời. 
‘Bất mãn’ đây là 
  1. vị này không còn bị nắng gió mưa sương muỗi mòng làm cho bực mình. 
  2. Vị này cũng không bị tiếng đời thị phi làm cho bực mình. 
Nói chung là không bực mình vì thất vọng, sợ hãi, ghen tuông hờn giận nữa (dĩ nhiên còn phàm nên ở mức độ tạm thời). 

Người ly dục thực sự 
  1. không còn thích trong 5 trần, 
  2. không bị cuốn hút hấp dẫn trong sắc đẹp, tiếng hay, vị ngon, xúc lạc, 
cho nên khả năng bất mãn, sợ hãi, ghen tuông không còn nữa. 

Sở dĩ biết Đạo rồi mà nghe người ta khen cũng khoái, nghe người chê cũng giận thì biết lúc đó khả năng ly dục của mình có vấn đề. Bởi trong Kinh nói rõ muốn chứng Sơ thiền anh phải ly dục

  1. Bỏ 5 dục thì tự nhiên anh có được 5 Chi thiền. 
  2. Bản thân 5 Chi thiền thì đối lập với 5 triền cái. 
  3. Mà 5 triền cái trong đó có thích trong dục và bất mãn trong dục. 
Nên điều đầu tiên nhờ nghe pháp mà không tiếp tục sống ác nữa, không tiếp tục hưởng dục, không tiếp tục sân si, bất mãn nữa nghĩa là vậy.

Cách (2), thứ hai, nhờ nghe Pháp mà đời sống tự chuyển hóa từ thô sang tế
Trong Kinh nói: đời sống chúng sinh nằm trong ba hành: 
  1. Thân hành là hơi thở ra vào. 
  2. Khẩu hành là hai tâm sở Tầm, Tứ. 
  3. Ý hành là thọ và tưởng cũng là 2 tâm sở.
  1. Người chứng Nhị thiền (theo cách tính Kinh Tạng ) thì không còn khẩu hành nữa (không còn Tầm Tứ). 
  2. Người chứng Ngũ thiền không còn thân hành nữa (không còn hơi thở). Đây cũng là lý do mà các vị Thánh có thiền luôn viên tịch ngay sau khi ra khỏi tứ thiền. Bởi vì khi tâm nhập vô Tứ thiền thì hơi thở biến mất nên các vị thánh La hán chứng thiền luôn Niết bàn ở thời điểm này, vì các ngài không có tịch kiểu mà hước hước do phổi lấy hơi vô không được, lấy hơi lên, ngáp ngáp…
  3. Vị Thánh La Hán có Tứ thiền không tịch theo kiểu xấu đó, mà vị đó nhập vào Tứ thiền. Ở Tứ thiền cái tâm đó tế đến mức hơi thở không còn nữa. Không còn vì nó không còn cần nữa.
Nên 
  1. Nhị thiền chấm dứt khẩu hành, 
  2. Tứ thiền chấm dứt thân hành. 
  3. Ý hành sẽ chấm dứt khi vị Thánh nhập Thiền diệt thọ tưởng định. 
Khi không có tâm nữa thì cũng không còn thọ tưởng. 

Thọ, Tưởng là hai khía cạnh nổi bật của tâm thức. 
  1. Thọ là cảm giác, 
  2. Tưởng là cái biết phản xạ theo kinh nghiệm. 
Tâm là phải biết cảnh . 

  1. Đối với người không có trí thì họ biết bằng sanna (tưởng) còn panna là trí. 
  2. Dầu tâm của một vị Phật thì cũng phải có Tưởng, nhưng các ngài không có sống hoàn toàn trong cái biết của Tưởng như phàm phu. 
Mình khác bậc Thánh, mình còn phiền não chấp này chấp kia là 
  1. vì cái panna của mình quá ít, quá thưa quá mỏng. 
  2. Mình chủ yếu sống bằng sanna không thôi.
Tôi nhắc lại cái biết của Tưởng là cần thiết cho tâm chớ không phải phàm thánh. Tuy nhiên phàm là chỉ sống hầu hết bằng tưởng thôi. Còn trong Hành uẩn của mình thường vắng mặt trí tuệ. Bậc thánh trong tâm cũng có Tưởng nhưng nó có như một thành tố bất khả ly của tâm, nhưng bên cạnh nó và trong Hành uẩn của vị Thánh thường xuyên có trí tuệ. Nhớ nhe, chớ không phải Tưởng uẩn là của phàm.

Cho nên: 
1. Nhờ nghe Đạo mà người ta ly dục. 
2. Nhờ nghe Đạo mà người ta đi xa hơn trong thiền định. 
3. Nhờ nghe Đạo mà chứng thánh.

Chú giải còn nói thêm. 

Nhờ nghe Đạo mà tâm mình chuyển hóa từ thô sang tế. 

1/ Ở số (1) chưa đắc thiền nhưng nhờ nghe Đạo mà được Sơ thiền. 

2/ Ở số (2) nhờ nghe đạo từ Sơ thiền mình tiến lên các tầng thiền khác cao hơn. 
  1. Ở sơ thiền không còn dục nhưng còn hỷ lạc và hơi thở. 
  2. Ở tứ thiền thì không còn hỷ lạc, chỉ còn xả và hơi thở cũng mất. 
Như vậy càng tu tập càng chuyển hóa từ thô sang tế. 

3/ Ở số (3) nhờ nghe Đạo mà phân biệt thiện ác. Cái này quá sâu, sâu dữ lắm!

Phân biệt thiện ác ở đây là biết rõ:

- THAM SÂN SI LÀ BẤT THIỆN so với tín, Tấn, Niệm,Định, Tuệ.
- Biết rõ thiền dục giới (thứ tâm tu thập thiện) là thấp kém so với tâm thiền sắc giới.
- Biết rõ tâm thiền sắc giới là thấp kém so với thiền vô sắc.
- Biết rõ thiền hiệp thế là thấp kém so với trí Sơ Đạo Tu đà hườn.
- Biết rõ trí hữu học là thấp kém so với quả vị La Hán.

Nghĩa là biết rõ đống phân là vật đáng gớm. Tới chút nữa, biết rõ đống phân đó so với miếng phân dính trong áo quần thì đống phân đó nhiều chớ cái dính áo quần là không đáng kể. Sau đó biết thêm chút xíu phân dính áo quần tuy nó đỡ hơn đống phân nhưng vẫn dơ hơn cái áo chỉ có mồ hôi và dính sình. Sau đó biết cái áo dính sình dính mồ hôi dầu sao vẫn còn dơ so với cái áo chỉ có chút xíu sình mà không có mùi. Rồi cứ từ từ thì cái áo bị nhăn dầu sao cũng không bằng cái áo thẳng thớm có ủi có mùi long não, thí dụ vậy.

Cứ so từ từ thì phân biệt thiện ác ở đây nghĩa là:

- Biết rõ Phi phúc hành (12 bất thiện) là kém hơn Phúc hành (thiện dục & thiện sắc).
- Biết rõ Phúc hành là kém hơn Bất động hành (thiền vô sắc).
- Biết rõ Bất động hành là tội lỗi so với thánh trí.
- Mà thánh trí hữu học cũng còn chút lỗi lầm so với thánh trí vô học La Hán.

Trong ba nghĩa chuyên cần không dễ duôi: 
  1. Một là không coi thường điều ác nhỏ mà làm. 
  2. Hai là không coi thường điều thiện nhỏ mà không làm. 
  3. Thứ ba, không dễ ngươi có nghĩa là dầu cho một chút dấu vết tái sanh thì cũng phải xem là đáng lìa bỏ. Dầu sanh về cõi nào đi nữa, dầu có hiện hữu thì sự hiện hữu đó cũng còn là đáng trách, đáng lìa bỏ.
Nội dung 3 lợi ích nhờ nghe Đạo này rất đặc biệt là vậy. Tức là 

  1. nhờ nghe Đạo mà ta biết bỏ dục, bỏ ác
  2. Thứ hai, nhờ nghe Đạo mà cái thiện từ thô sang tế
  3. Thứ ba, quan trọng hơn, nhờ nghe Đạo mà ta lần lượt bỏ ác sang thiện đã đành, bỏ thiện thô qua thiện tế đã đành mà bỏ luôn thiện tế, bởi chứng quả La Hán thì không còn thiện ác.
Còn nhiều cách giải thích khác theo Sớ giải.

Ôn lại: 

A/ Cách (1) là Sơ thiền. Cách (2) là Tứ thiền. Cách (3) là Thánh đạo.
B/ Câu (1) ám chỉ cho Giới học. Câu (2) ám chỉ Định học. Câu (3) ám chỉ Tuệ học.
C/ Câu (1) ám chỉ Sơ thiền. Câu (2) ám chỉ tất cả các tầng thiền từ nhị thiền đến Phi tưởng phi phi tưởng. Câu (3) ám chỉ quả vị La hán.
D/ Câu (1) ám chỉ nội dung Tạng Luật. Câu (2) ám chỉ nội dung Tạng Kinh. Câu (3) ám chỉ nội dung Tạng A Tỳ Đàm.

Tóm lại trong 3 con đường tu chứng vị Phạm thiên nói:

“ Một, nhờ nghe Đạo mà người ta lìa ác, lìa dục. Thứ hai nhờ nghe Đạo mà người ta chuyển hóa cái thiện từ thô sang tế. Thứ ba, nhờ nghe Đạo mà người ta phân biệt được cái gì là thiện ác”.

Cái phân biệt thiện ác ở đây rất sâu: 
  1. Thấy rằng tham sân si là ác, thiện dục giới là thiện. 
  2. Thấy rằng thiện mà còn kẹt trong dục nó là ác, so với cái thiện liên hệ với thiền sắc giới. 
  3. Thiền sắc giới nó vẫn còn kém hơn thiền vô sắc. 
  4. Vị đó còn thấy rằng thiền vô sắc còn kém hơn Thánh trí bậc thấp. 
  5. Thấy Thánh trí bậc thấp lại kém so với bậc cao.
Vậy phân biệt thiện ác đây có nghĩa 
  1. tránh cái ác để chọn cái thiện đã đành, 
  2. mà còn biết bỏ cái thiện thấp để lên cái thiện cao.
Xong phần định nghĩa rõ ràng . Chú giải còn ghi: “Tương truyền rằng một thời gian dài sau khi Đức Phật viên tịch thì rất đông các vị trưởng lão tôn túc vào mỗi mùa an cư hay đem bài Kinh này ra tụng đọc và đàm luận với nhau”. 

Bài Kinh này 
  1. tuy ngắn gọn 
  2. nhưng được xem là nói toàn bộ nội dung Phật Pháp dễ hiểu dễ nhớ nhứt, 
và chúng tôi tuyệt đối đồng ý nhận xét này.

4/ Nội dung 4 vị Phạm thiên thuyết giảng: Bốn Niệm Xứ

Phạm Thiên nói về Bốn Niệm Xứ (phần này mình đã học, nay ôn lại):

- Thân quán niệm xứ: lấy sắc uẩn làm đề tài quán chiếu.
- Thọ quán niệm xứ: quán chiếu thọ uẩn, quán thân tâm.
- Tâm quán niệm xứ: quán chiếu hành uẩn.
- Pháp quán niệm xứ: quán chiếu cả 5 uẩn.

*Thân quán niệm xứ là hành giả quán niệm tất cả cái gì liên hệ tới vật chất trong tấm thân này, bởi quán thân trong thân là như vậy. Biết rõ là mình đang đi, đứng, nằm, ngồi, nói, cười, tắm rửa, ăn uống, nhai, nuốt, cọ quậy, nhúc nhích, xê dịch, di chuyển. Là quán sát mọi sinh hoạt lớn nhỏ.

Thứ hai là quán sát bản chất của thân nó là gì? – Nó là đất, nước, lửa, gió, nó là dơ bất tịnh, là xương trắng, là tử thi.

Tiếp theo hành giả quán chiếu sắc uẩn bằng cách nhìn hơi thở để thấy vô thường của danh sắc. Hơi thở ra hơi thở vô là sắc pháp, mà lúc ra lúc vô đó là vô thường. Cái tâm của lúc hơi thở ra lúc hơi thở vô nó ra sao. Mình đang thở ra bằng tâm gì, đang thở vô bằng tâm gì. 

Tuy nói là quán chiếu thân quán niệm xứ mà thực ra sắc pháp ở đây chỉ là cái ‘nền’ để quán chiếu cái khác. Tuy nhiên vì nó là cái nền cho nên được gọi là thân quán niệm xứ.

Tôi nói lại lần nữa: sở dĩ gọi là ‘thân’ (quán niệm xứ) ở đây bởi vì cái nền tảng của pháp môn đầu tiên này là lấy cái ‘thân này’ làm đề mục. Thân quán niệm xứ là chú ý hai khía cạnh của thân tức sắc uẩn: BẢN CHẤT CỦA NÓ LÀ GÌ VÀ SINH HOẠT CỦA NÓ RA SAO.

* Thọ quán niệm xứ là để ý xem cảm giác của thân tâm đang ra sao: dễ chịu hay khó chịu. Nhìn để biết chúng có mặt và dần dần qua chúng hành giả thấy được tam tướng của chúng.

* Tâm quán niệm xứ là nhìn tâm đang cao thấp (dục hay thiền, thiện hay ác, phàm hay thánh). Lúc đầu nhìn để biết chúng đang có mặt. Sau đó để thấy rằng tam tướng của chúng. 

1/ Chưa chứng Thánh thì sống trong niệm xứ để cầu chứng Thánh. 
2/ Chứng Thánh rồi vẫn tiếp tục sống với sự quán chiếu 4 niệm xứ, vì hai lý do:

- Một, bậc thánh không còn gì để làm ngoài việc quan sát danh sắc.
- Hai, để Thánh thấp chứng được tầng Thánh cao hơn.

Tức là 

  1. lúc đầu nhìn chúng để biết đang có mặt,
  2. sau đó từ từ thấy cả tam tướng 
4 đề mục niệm xứ đều như vậy hết. 

Chớ đừng có ham bắt chước, coi sách ba mớ rồi xài quán chiếu rồi cái này là danh đi, sắc đi, cái này là sắc khó chịu hay dễ chịu. Dẹp, dẹp, dẹp, tôi ghét nhứt cái vụ đó. 

Làm ơn chánh niệm dùm! 
Làm ơn coi trong chánh Kinh Đức Phật không có nói ba cái vụ sắc đi, danh đi. Không có có! Mà tôi biết trong room này có người nghe nổi khùng lên vì quí vị đã được hướng dẫn vậy rồi. Nhưng tôi xin nói chung là ở trong chánh Kinh không có!

Chánh Kinh chỉ dạy mình sống sao biết vậy thôi . Rồi lâu ngày khi cái niệm nó mạnh rồi, ba la mật nó đủ, chín muồi rồi, thì tự nhiên ngay trên cái nền tảng chánh niệm đó nó bật ra. Nó bật ra, bật ra: a thì ra, đây đây, cái này là vô thường, cái này là khổ, là vô ngã. Rồi, rồi, cái này là danh cái này là sắc. 

Cái thấy đó mới là chứng ngộ.

Còn mà cứ ôm một đống Kinh, học như con két: đất nước lửa gió, đất là cứng mềm nghe, nóng lạnh là lửa nghe, trương phồng di động là gió nghe, rồi tan chảy quến tụ là nước nghe. …

Học cho biết nhưng mà ÔM CỨNG NGẮC cái đó là sẽ bị CÁI SỞ TRI CHƯỚNG. 

Làm ơn nhớ dùm là không thể nào có pháp hành mà thiếu pháp học. 

Tuy nhiên cái mà anh có được trong pháp thành (Đạo Phật có ba: pháp học, pháp hành và pháp thành), những cái anh thấy được khi anh chứng NÓ KHÔNG GIỐNG cái lúc anh học. 

Anh học để anh hành, chớ không phải học để biết mai mốt chứng cái gì. 

Bởi vì sao? 
– Bởi cái bậc Thánh họ thấy nó không giống như cái mình đã học dù NÓ KHÔNG MÂU THUẪN. Những gì bậc Thánh thấy không chống trái với Tam Tạng. Tuy không chống trái, không có nghĩa là nó giống. (Không biết nói trong room có hiểu không?). 

Các vị chưa uống cà phê mà tôi có tả cái gì đi nữa các vị cũng không tài nào hình dung ra cà phê, dù tôi có nói cà phê nó giống bắp rang, giống gạo rang, đậu rang, là nói cho vui vậy thôi chớ làm sao cà phê mà giống gạo rang bắp rang đậu rang được.

(còn tiếp)
Reply
(tt và hết) Sư Toại Khanh Giảng Kinh Xa-Ni-Sa - Trường Bộ 18 (3-3)

https://toaikhanh.com/videotext.php?vid=X6NOZe-mko4&abt=Kinh+Xa-Ni-Sa

Thì ở đây cũng vậy. Buổi đầu làm ơn nhớ sống chánh niệm dùm, dĩ nhiên người có Giáo lý vẫn tốt hơn người mù tịt.


  1. Thứ nhứt là phải có Giáo lý, 
  2. thứ hai là có ba la mật đời trước. 

Hai cái này cộng lại thì tu tốt hơn. Còn không thì làm ơn nhớ dùm tập trung sống chánh niệm. Lâu dần khi chánh niệm mình nó mạnh rồi, không bỏ sót bất cứ chi tiết nào của thân, tâm, danh, sắc hết. Không bỏ sót! Nói nó quá, mình còn nhớ cả mình đêm nay mình đi vào giấc ngủ bằng hơi thở ra hay vào.Và buổi sáng khi cái niệm đầu tiên xuất hiện là mình biết rõ đó là hơi thở vào hay ra. Biết rõ là mình bỏ hai chân xuống khỏi giường bằng chân phải hay chân trái. Nhớ rõ như vậy! Niệm mạnh như vậy đó! Ngay cả lúc giựt mình chỉ có tích tắc là niệm quay trở lại liền thì cái niệm đó, cái niệm mà sắp chửi người ta mà thắng lại kịp, mình giơ tay tính chọt người ta mà rút tay lại kịp, cái niệm đó mới là cái niệm mạnh (tính nổi sùng lên mà kềm lại cái sùng nó mất đi). Khi niệm nó mạnh rồi thì CÁI TRÍ nó làm việc. Chớ làm ơn đừng có buổi đầu mà ôm ấp lý thuyết nó nhiều quá, nghe!

Tôi nói rõ lại lần nữa: Tôi không dám chống lại mấy thiền sư, mà tôi kính cẩn nghiêng mình đề nghị kính thưa bà con: Tất cả lý thuyết của các vị thiền sư, đầu tiên là kinh nghiệm cá nhân. Và kinh nghiệm luôn gắn liền với dấu ấn cá nhân. Những gì là sở trường sở đoản của họ đều gắn vào trong kinh nghiệm đó. Và họ trao truyền cho mình kinh nghiệm đó thì mình hãy xem kinh nghiệm đó là TÀI LIỆU THAM KHẢO, chớ không nên coi nó là lương phương diệu dược, coi như là thần chú hộ mệnh rồi sống chết với nó thì tôi xin nói rõ đó là tào lao. Bởi vì mỗi vị dạy thiền người ta có một kinh nghiệm riêng và kinh nghiệm đó nó được thiết lập, được xây dựng, được hình thành, được tạo ra từ nền tảng của bản thân. Mà đã gọi là nền tảng bản thân thì nó có một dấu ấn cá nhân rất nặng, rất sâu và rất đậm trong đó. Tôi có những vấn đề của tôi, tôi có những mặt mạnh mặt yếu của tôi nên khi tôi dạy thiền thì bắt buộc tôi phải kéo theo trong đó những mặt mạnh mặt yếu của tôi. Thí dụ như tôi là người uyên bác, tôi khoái pháp học thì khi tôi dạy thiền, cách dạy của tôi là nó mang, nó phảng phất cái hơi hướng của một thằng cha coi như uyên bác. Còn nếu tôi là vị thiền sư không coi nặng pháp học thì trong kiểu dạy của tôi nó phảng phất cái hơi hướng của người không giỏi pháp học. Nhớ nhe, nhớ cái này rất quan trọng!


Tôi nhắc lại lần nữa: căn bản vẫn là chánh Kinh của Đức Phật. Còn những kinh nghiệm, kể cả trong Chú giải thì cũng chỉ để tham khảo thôi. Tôi nhớ tôi cũng đã nói không biết bao nhiêu ngàn triệu lần đó là: TẠI SAO ĐỨC THẾ TÔN CÓ NHIỀU CHỖ NGÀI KHÔNG NÓI CHI TIẾT? – Bởi vì rất đơn giản Ngài là bậc Pháp Vương, nhà nhà người người ba cõi đều ngó Ngài, chăm bẳm nhìn Ngài, lắng nghe coi Ngài nói cái gì và xem lời Ngài khuôn vàng thước ngọc. Cho nên điều Ngài nói ra làm sao mà ai ai cũng có thể đem vào ứng dụng được. Mà nếu muốn trở thành một quy tắc chung thì nên tránh đi sâu vào chi tiết. Bởi vì khi càng vào sâu chi tiết thì càng đóng khung vấn đề. Không biết bà con hiểu cái này không ta?


Cách đây 2 ngày tôi cũng có giảng chỗ này. Thí dụ như trong chánh Kinh nói: muốn khỏe mạnh thì nên thường xuyên vận động tay chân và ăn nhiều rau trái, tránh đồ chiên xào, nước, cái nào ăn sống được ăn tươi được thì ăn, còn không thì nên hấp là tốt nhứt. Còn Chú giải nói: ăn rau là tốt vì rau có tám muôn bốn ngàn loại rau mà trong các cách ăn rau gồm rau luộc, rau nấu canh, rau xào, rau ăn sống. Rồi trong các loại rau ăn sống gồm nhiều kiểu ăn trực tiếp hay bóp gỏi. Mà bóp gỏi nó có nhiều trường hợp gỏi chay gỏi mặn. Gỏi mặn thì mình bỏ thêm cái gì, gỏi chay thì bỏ thêm cái gì. Gỏi chay thì thêm dầu hào, dầu mè, giấm rồi chanh. Rồi chanh có nhiều loại chanh giấy chanh dây chanh cây v.v… cứ như vậy một hồi thay vì trong Kinh nói đơn giản: muốn khỏe thì các con thường xuyên vận động, ăn nhiều rau trái, tránh chiên xào nướng, dầu mỡ. Hết! Chánh tạng nói bao nhiêu đó mà khi mình đi quá sâu, càng đi vào chi tiết thì mình tự đóng khung vấn đề.


Thì các thiền sư là những người thích nói nhiều . Các vị bàn mịt mù trong khi Đức Phật nói rất đơn giản. Cái đơn giản của Ngài nhà nhà người người đều chấp nhận được hết. Còn khi anh đi sâu quá thì nó sẽ chỏi rất nhiều người, bởi họ không chịu nổi cái sâu của anh.


Bữa nay tôi nói hơi dài bởi vì chỗ này tôi nghĩ rằng nó quan trọng. Trong quyển ‘Chuyện phiếm thầy tu’ (2) chúng tôi sẽ đặc biệt có những bài viết rất ngắn, y như quyển (1) nhưng chúng tôi sẽ có những đề nghị nho nhỏ. Đó là cái thái độ cần có đối với Pháp học, Pháp hành, nghiên cứu kiểu gì, Kinh gì, tại sao…Rồi chúng ta nên có thái độ gì với các kinh nghiệm của thiền sư pháp sư giảng sư, lắng nghe nhưng không phải đem vô mình bất cứ thứ gì.


Tôi trở lại Tứ Niệm Xứ:


Thân quán niệm xứ là lấy Sắc uẩn làm đề tài chính. Buổi đầu quan sát bản chất và sinh hoạt của nó ra sao chỉ bằng chánh niệm rồi từ từ trên nền tảng đó cái Tuệ nó hiện ra.


Thứ hai, Thọ quán niệm xứ là biết rõ cảm giác thân tâm. Chỉ nhìn nó thôi lâu ngày thì trên nền tảng niệm đó cái Tuệ nó làm việc.


Thứ ba, Tâm quán niệm xứ, chỉ biết rõ đây là thiện ác, dục thiền, phàm thánh. Để cái niệm nó làm việc, lâu ngày đến một lúc nào đó cái Trí nó làm việc. Còn chuyện quán niệm sâu quá, nó mang tính chất bác học hàn lâm, từ chương lý thuyết quá thì coi chừng sụp hố.


Thứ tư, Pháp quán niệm xứ này là sự tổng hơp của ba niệm xứ đầu tiên. Nghĩa là ở Thân quán là mình biết rõ đây là đi, đứng, nằm, ngồi. Còn ở Tâm quán là tâm thiện tâm ác. Ở Thọ quán, đây là thọ khổ thọ lạc. Còn ở Pháp quán niệm xứ thì nó chuyên nghiệp hơn: bực mình – biết rõ đây là Sân triền cái, nghe cái gì mà thích – biết rõ đây là Dục triền cái. Buồn ngủ – biết rõ đây là Hôn thụy triền cái. Vui trong thiện pháp – biết rõ đây là Hỷ giác chi. Nhìn vào khả năng định tâm – biết rõ đây là Định giác chi. Nhìn sự an tĩnh vắng mặt của các phiền não – biết rõ đây là Tĩnh giác chi.


Tôi nhắc lại, ở ba niệm xứ đầu các vị biết đây là người đàn bà, đây là người đàn ông, đây là ông cụ đây là bà lão, đây là đứa bé trai, đây là bé gái. Đó là ở ba niệm xứ đầu. Còn ở niệm xứ thứ tư thì sao? – Đây là người đàn bà. Bà này là y tá của bệnh viện phụ sản Từ Dũ, biết chuyên nghiệp vậy. Đây là ông cụ, ông này là ông giáo già trường làng ở Hóc Môn, Bà Điểm, Bình Chánh, Cần Giuộc. Thằng bé này là học sinh cấp hai của trường Lê Quí Đôn, Bùi thị Xuân gì đó. Biết một cách chuyên nghiệp. Biết đây là ông kỹ sư cầu đường, kỹ sư Nông lâm, biết đây là bác sĩ về máu, về xương, phụ khoa, nhi khoa, biết rõ. Cái biết đó đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn.


Cũng giống như ba cái niệm đầu biết đây là tâm tham tâm sân, đây là thọ dễ chịu khó chịu, cái biết này không đòi hỏi kiến thức nhiều. Nhưng ở Pháp quán niệm xứ thì bắt buộc phải có Pháp học và cái trí phải bén. Biết rõ đây là Hỷ giác chi, Xả giác chi, biết đây là Dục triền cái, Sân triền cái, đây là nhãn xứ, đây là nhĩ xứ.


Như vậy ở Pháp quán niệm xứ mình quán chiếu cả 5 uẩn gồm chung. Và phải nói rõ buổi đầu Tứ niệm xứ chỉ là NIỆM thôi (làm gì biết đó). Rồi dần dần TRÍ TUỆ nó làm việc. Các vị hỏi tôi làm việc kiểu nào thì tôi xin thưa: Anh biết rõ cái gì nó đang xảy ra anh đã là Thánh 50% rồi, anh đã là Á thánh rồi!


Trong Kinh nghiệm thiền quán có câu này:


“Gặp chuyện mà vẫn không thất niệm, đó là hành giả thiền sinh. Thường xuyên chánh niệm, đó là thiền sư. Mà luôn luôn chánh niệm, đó là Thánh nhân”.


Gặp chuyện mà không thất niệm, có nghĩa lúc giật mình là niệm liền. Hoặc lúc khẩn cấp, giận quá, vui quá vẫn chực nhớ để mà niệm thì đó là hành giả.


Nhưng đó là gặp chuyện vẫn niệm thì là thiền sinh. Còn thường xuyên chánh niệm thì là thiền sư.


Nên nhớ thời Đức Phật không có khái niệm ‘thiền sư’. Chữ ‘sư’ là nói theo thời này thôi (nghĩa là có khả năng dạy cho người khác). Phải nói rõ bên Miến Điện không có như bên Thái Lan hoặc các xứ khác trong đó có mình. Nghĩa là thích thì cứ gọi là ngài Pháp sư, ngài giảng sư, ngài thiền sư. Theo tôi biết chánh phủ và giáo hội có quy định rõ ràng, thuyết Pháp ai có khả năng thì thuyết nhưng tước hiệu, thí dụ như ngài Pa Auk Sayadaw ngài được gọi là Mahakammtthanacariya, nghĩa là thiền sư . Thì cái này phải do Giáo hội và chính phủ họ chính thức công khai xác nhận. Nhớ cái đó, cái khái niệm này là của thời sau Đức Phật mới có. Đời xưa, một là học với Đức Phật, học với các vị thánh tăng. Còn không thì học với người nào sư huynh hay tiền bối đi trước mình.


5/ Nội dung thứ 5 thuyết giảng: Bảy Pháp hỗ trợ Định học – Samadhiparikkhara
(ngài Minh Châu dịch là Bảy Pháp định tư lương)


Parikkhara: linh kiện, phụ tùng, thiết bị, điều kiện hỗ trợ = tools, supports, equipment = dụng cụ, phương tiện làm việc. Thí dụ sa môn có 8 món parikkhara (pháp cụ) gồm tam y, quả bát, dây lưng, kim chỉ, vải lược nước, dao cạo tóc.


Ở đây có 7 pháp hỗ trợ cho Định. MỖI CHI ĐẠO TRONG BÁT CHÁNH ĐẠO LUÔN ĐƯỢC HỖ TRỢ BẰNG CÁC CHI ĐẠO CÒN LẠI.


Có nghĩa là anh muốn có chánh mạng (sinh kế thanh tịnh), muốn hoàn tất chánh mạng này thì anh phải có chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh định, chánh niệm, chánh tinh tấn.


Và anh muốn có chánh niệm thì anh cũng phải có chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh định. Có nghĩa mỗi chi đạo trong Bát chánh đạo luôn được hỗ trợ bằng các chi đạo còn lại. Lúc đó, những chi đạo hỗ trợ được gọi là parikkhara.


Đây là bài Pháp thoại tôi cho là rất, rất quan trọng. Phải nói ông Phạm thiên này đã cho mình cái định nghĩa rất hay về Pháp sư. Pháp sư không phải là người nhớ nhiều, nói nhiều, nói hay hấp dẫn cuốn hút, không phải! Mà Pháp sư là người có khả năng nói gọn mà không thiếu gì hết, nói rộng mà vẫn có đường về chớ không tản mạn lạc lối. Nói ít hay nói nhiều vẫn luôn đưa ra được định hướng. Nói ít hay nhiều đều có thể một nội dung mà người ta lấy bỏ túi về làm của. Đó mới gọi là pháp sư. Chớ còn nói cho hay mà cuối cùng người ta không có cái gì bỏ túi thì không được gọi là Pháp sư.


Trong bài Kinh này ta phải nhận rằng ông Phạm thiên Sanankumara là vị Pháp sư đích thực. Nghĩa là chỉ trong có mấy tiêu mục của một Pháp thoại không dài lắm mà ông đã mở ra được một nội dung nhất quán, xuyên suốt của toàn bộ Tam tạng. Chẳng hạn ổng mở ra ba con đường tu chứng: nhờ nghe Đạo mà bỏ dục lìa ác. Nhờ nghe Đạo mà chuyển hóa cái thiện từ thô sang tế. Nhờ nghe Đạo mà bỏ luôn cả cái tế. Rất là độc đáo!


Có nghĩa ổng giải quyết dứt điểm dòng chảy Duyên khởi: Do vô minh trong Tứ Đế mới có 3 hành. Từ ba hành mới có 32 quả Thức. Bây giờ ổng giải quyết ngay cái khâu Hành. Ổng nói rằng vị đó thấy rõ ‘ác’ là cái đáng tránh đã đành, mà cái thiện thấp cũng là cái phải lìa bỏ. Và cái thiện cao cũng là cái đáng phải lìa bỏ vì phải đạt đến mức độ không thiện không ác mới thực sự là hoàn tất Đạo nghiệp. Rất là xuất sắc!


Vị đó giảng như vậy cho chư thiên cõi Đao Lợi nghe xong vị đó kết thúc thế này:
“Bằng 4 Dự lưu phần: niềm tin tuyệt đối vào Tam bảo và thành tựu Giới hạnh tuyệt đối (không vì lý do nào mà vi phạm) thì được gọi là Tu Đà hườn”.


Một bài Pháp rất là sâu! Giảng xong như vậy thì là thiên vương Tỳ sa môn Vessavana sau đó kể lại cho Dạ Xoa Janavasabha nghe. Và vị này đã kể hầu Thế Tôn tại ngôi nhà gạch. Và Thế Tôn kể lại cho ngài A Nan.


Như vậy chúng ta đã học xong bài Kinh Janavasabha mà dịch sang tiếng Việt là ‘Nhân kiệt”.


Ngày 16 chúng tôi về Mỹ. Ngày mai là buổi giảng cuối, rồi bắt đầu bữa nào chúng tôi sẽ thông báo sau. Ngay bây giờ không phải là sớm đâu để quý vị bàn nhau coi sau Trường Bộ chúng ta sẽ học tiếp Kinh gì. Bây giờ là Kinh 18 đã xong, như vậy còn lại không nhiều (34 bài – 18). Đặc biệt hai bài Kinh cuối rất là dài, chiều dài bằng một Kinh rưỡi vì trừ ra nội dung trùng nhiều. Kinh Tệ Túc giảng nhanh, Kinh Đại Niệm xứ giảng nhanh chậm tùy duyên, Kinh Đế Thích sở vấn, nhanh. Kinh Đại hội học rồi, xem lại Lục đại chân Kinh (bà con thấy chưa, nó quá đặc biệt). Kinh Đại Điển tôn, học nhanh …hai Kinh cuối, chậm, nghĩa là học lâu. Như vậy mình chuẩn bị sau Trường Bộ mình học cái gì.


Chúc các vị một ngày vui!/.


(Hết)

Mục Lục các Bài Giảng
Reply
Trường Bộ Kinh
Digha Nikaya

19. Kinh Ðại Ðiển Tôn
(Mahàgovinda sutta)
https://budsas.net/uni/u-kinh-truongbo/truong19.htm

--ooOoo--

19. KINH ĐẠI ĐIỂN-TÔN

097. TRONG TRƯỜNG-HỢP NÀO ĐỨC PHẬT GIẢNG KINH ĐẠI ĐIỂN-TÔN?

Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại núi Linh-Thứu (Gijjhakùta), gần thành Vương-xá (Ràjagaha), có vị Trời Càn-thát-bà (Gandhabba), tên là Ngũ-Kế (Pancasikha) đến yết-kiến, xin tường-thuật lại với Thế-Tôn, các điều đã nghe tại buổi lễ Bố-tát tại Thiện-Pháp-đường trên cõi Trời Ba-mươi-ba.

Ngũ-Kế kể lại, chư Thiên sau khi nghe Thiên-chủ Đế-Thích (Sakka) trình-bày tám pháp như-thật của Thế-Tôn, thì có vị Đại-Phạm Thiên-vương xuất-hiện và thuật lại tiểu-sử của vị Bà-la-môn Đại Điển-tôn (Mahà Govinda). Vị nầy có một thời chấp-chánh lo quốc-sự rất vẹn-toàn, sau xuất-gia tu-hành và đem giáo-lý ra giúp nhiều đệ-tử tu-tập được sanh lên cõi Trời Đại-Phạm.

Đức Phật bảo, Bà-la-môn Đại Điển-tôn chính là tiền-thân của Ngài; giáo-lý Ngài dạy vào thời ấy chỉ đưa người tu-hành sanh lên cõi Trời Phạm mà thôi, còn nay Ngài đã chứng-đắc ngôi-vị Phật, với giáo-pháp Bát-Chánh-Đạo, Ngài chỉ rõ con đường phạm-hạnh đưa đến an-tịnh, thắng-trí, giác-ngộ và Niết-Bàn.

098. NỘI-DUNG KINH ĐẠI ĐIỂN-TÔN.

Phần lớn nội-dung Kinh Đại Điển-tôn chép lại lời tường-thuật của vị Càn-thát-bà, về con đường sanh lên cõi Trời Đại-Phạm. Đức Phật chỉ giảng một phần ngắn vào cuối Kinh, nói về con đường Phạm-hạnh đưa tới sự giác-ngộ, giải-thoát và chứng-đắc Niết-Bàn.

A.- Ý Chánh: Đường-tu Bà-la-môn chỉ đưa đến việc tái-sanh lên cõi Trời Đại-Phạm, còn chưa được hoàn-mãn bằng đường-lối giác-ngộ và giải-thoát hoàn-toàn trong giáo-lý của đức Phật.

B.- Phân đoạn: Kinh nầy chia ra ba phần:

1. Phần I: Cảnh Trời Ba-mươi-ba trong dịp lễ Bố-tát

- Ngũ-Kế đến yết-kiến đức Phật;
- Quang-cảnh Thiện-Pháp-đường khi vị Trời Đế-Thích giảng tám pháp như-thật của Thế-Tôn;

2. Phần II: Vua Trời Phạm thuật lại tiểu-sử của Đại Điển-Tôn:

- Vị Đại-Phạm Thiên-vương xuất hiện;
- Tiểu-sử của Bà-la-môn Đại Điển-Tôn, theo lời tường-thuật của vị Trời Đại-Phạm;
- Đại Điển-Tôn chấp-chánh;
- Đại Điển-Tôn tịnh-cư, tu Thiền-định;
- Vị Đại-Phạm Thiên xuất-hiện và chỉ-dạy Đại Điển-Tôn;
- Công-đức giáo-hoá của tu-sĩ Đại Điển-Tôn;

3. Phần III: Đại Điển-Tôn là tiền-thân của đức Phật:

- Đức Phật cho biết, Đại Điển-Tôn chính là tiền-thân của Đức Phật;
- Đức Phật so-sánh hai đường-tu giữa Bà-la-môn và Phật-giáo.

099. TRÍCH-ĐOẠN: 8 PHÁP NHƯ-THẬT CỦA THẾ-TÔN

''...Nầy chư Thiên-hữu ! 
  1. ... Như-Lai dấn thân vì hạnh-phúc cho chúng sanh, vì an-lạc cho chúng sanh, vỉ lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh-phúc, vì an-lạc cho loài Trời và loài Người ...
  2. ... một vị Giảng-sư thuyết-pháp hướng-thượng...
  3. ... một vị khéo giải-thích các pháp thiện, bất-thiện, có tội, không có tội, ...
  4. ... một vị khéo giải-thích con đường hướng đến Niết-Bàn...
  5. ... một vị sống chung một niềm hoà-hợp, lạc-trú
  6. ... một vị sống thọ-hưởng các lợi-dưỡng với tâm không kiêu-mạn...
  7. ... một vị nói gì thời làm vậy, làm gì thời nói vậy
  8. ... một vị đã vượt khỏi nghi-ngờ, diệt-trừ do-dự.
100. TRÍCH-ĐOẠN: KỆ CỦA VUA TRỜI ĐẠI-PHẠM.

- Nay ta hỏi Phạm-Thiên ...
Ta hỏi điều nghi-ngờ,
Người khác đều muốn biết.
An-trú tại chỗ nào,
Tu-tập tại chỗ nào,
Để chứng quả bất-tử?
- Chính tại Phạm-Thiên-giới:
Nầy Ngươi Bà-la-môn !
Ai bỏ ngã, ngã-sở,
Tâm chuyên-chú nhứt-cảnh,
Tu tập đại-bi tâm,
Thoát-ly mọi xú-uế,
Lánh xa mọi tà-dục,
An-trú ở nơi đây !
Để chứng quả bất-tử,
Chính tại Phạm-Thiên-giới.

101. HỌC KINH ĐẠI ĐIỂN-TÔN, CHÚ-Ý ĐIỂM NÀO?

1. Người tu-hành sơ-cơ thường mong-cầu được tái-sanh lên cõi trời để hưởng sung-sướng. Nhưng khi hết phước ở cõi trời, cũng vẫn phải tái-sanh lại trong vòng Luân-hồi; nếu chẳng biết lo tu-tập thêm, có thể sa vào các đường ác. Mục-tiêu tối-thượng của Giáo-lý nhà Phật là thoát khỏi vĩnh-viễn cảnh sanh-tử Luân-hồi, với sự giác-ngộ và giải-thoát hoàn-toàn cùng sự chứng-đắc vảo cảnh an-tịch của Niết-Bàn.

2. Trong bài Kệ được trích-dẫn trên đây, có câu: ''Tâm chuyên-chú nhứt cảnh'' hơi khó hiểuCâu nầy được Kinh giải-thích như sau: ''Tâm chuyên nhứt cảnh, thưa Tôn-giả, câu ấy tôi hiểu. Trong đời có người lựa chỗ an-trú thanh-vắng, một khu rừng, một gốc cây, một ngọn núi, một hang cốc, một bãi tha-ma, một sơn-lâm, giữa trời không, một đống rơm. Thưa Tôn-giả, như vậy tôi hiểu nghiã tâm chuyên nhứt cảnh.''

https://budsas.net/uni/u-kinh-truongbo/truong-tn2.htm

--ooOoo--

 Toại Khanh Giảng Kinh Đại Điển Tôn và Kinh Đại Hội (1-4)

https://toaikhanh.com/videotext.php?vid=bhhreUUtIa0&abt=Đại+Điển+Tôn+-+Đại+Hội

Đại Điển Tôn Đại Hội

Quote:Kalama tri ân bạn buithibuukim ghi chép.

07/02/2022 - 01:15 - buithibuukim
KINH ĐẠI ĐIỂN TÔN - (Mahagovindasuttam)


Maha: lớn
Govinda: con bò chúa, con bò đầu đàn (gava: con bò + inda : chúa, trùm)
Tuy nhiên đây là tên người.


Thiên Tử Pancasikha thương công chúa Surivavacchasa:

Nội dung: lần đó có một vị trời, vị thiên tử chủng loại Càn thát bà đàn ca hát xướng rất giỏi. Vị này đến núi Linh Thứu lễ Phật và kể hầu Ngài câu chuyện cũ trong một lần Pháp hội trên cõi Đao Lợi. Các vị nào có đọc Kinh Đế Thích Sở Vấn của Trường Bộ hoặc các vị có đọc qua bài viết của chúng tôi có tựa đề là ‘Bản tình ca duy nhứt trong Kinh điển Pali’ thì có lẽ các vị còn nhớ nhân vật này.


Trong thời Thế Tôn mới thành Đạo chưa kịp đi hoằng Pháp, có một thân một mình chưa có học trò đệ tử gì hết, thì ông Pancasikha này đến lễ Phật. Ổng ôm một cây đàn bằng gỗ beluva (tên một loại danh mộc) đến hát cúng dường Đức Phật. Nội dung bài hát đó là những lời nhắn gửi của ổng cho một người tình ổng rất thương. Đó là cô Suriyavacchasa, con gái của vua càn thát bà Timbaru. Cô này không thương ổng mà đem lòng yêu một người khác là con trai của thiên tử Matali, là người đánh xe cho thiên vương Đế Thích.


Đời xưa trong một tiền kiếp thời Đức Phật Ca Diếp thì Pancasikha là một đứa bé mục đồng có tâm lành. Đi chăn bò chăn dê cho người ta mà rủ bè bạn thấy đường hư thì sửa, thấy cầu gãy thì dựng lại, thấy người cơ nhỡ, già cả, neo đơn thì giúp này giúp kia, giúp được gì thì giúp, tức chăn bò mà có lòng hào sảng, vị tha. Làm lành vậy nhưng yểu mệnh, khi chết rồi tánh ham chơi vẫn còn nên về trời sanh vào chủng loại Càn thát bà và xuất hiện trong hình dáng của một vị tiên đồng. Cả đời như vậy bao nhiêu triệu năm trôi qua vẫn sống trong hình dáng của một tiên đồng (tiên mà là tiên thiếu nhi) đầu có 5 chỏm tóc đào. Chỉ riêng vàng ngọc đeo trên người là hàng ngàn tấn. Đẹp vậy mà có điều trẻ con, rồi đem lòng thương cô Suriyavacchasa. Rồi buồn tình sáng tác bài hát, đại khái nói là giống như người tu tìm đến Đạo giải thoát tha thiết Niết bàn thế nào thì ta cũng nhớ thương nàng như vậy.


Khi Đế Thích xuống hầu Phật, Đế Thích trước cái chết thì sợ, không biết chết rồi đi về đâu . Vua cùng với Pancasikha này xuống trần gặp Phật. Đêm đó Ngài đang ở trong cái hang núi. Vì lòng tôn kính Thế Tôn nên Đế Thích không dám trực tiếp tới mà kêu Pancasikha đi vô trước xin phép Đức Phật. Gặp thế Tôn rồi Pancasikha mới nhắc lại chuyện xưa. Là ngày đó trong thời gian của chư thiên thì không có bao nhiêu nhưng thời gian của nhân loại thì cũng hơi lâu lâu nhiều năm. Khi Thế Tôn mới thành Đạo dưới gốc bồ đề ,con có đến con hát cúng dường bài hát như bài hồi nãy con mới vừa hát. Ổng hát lại bài hát đó lần nữa  . 


Đức Phật hỏi: "Ngươi học ở đâu, ai dạy bài hát có nội dung vừa đời vừa đạo vừa trầm luân vừa gỉai thoát như vậy ?" 

Ổng Pancasikha mới nói: "Dạ. Đó là do con thương Phật, con kính Phật cộng với nỗi thất tình cộng ghép lại con ra bài hát đó thôi. Bạch Thế Tôn, đêm nay Thiên vương Đế Thích muốn hầu Thế Tôn mà sai con đến thưa với Đức Thế Tôn để xin phép trước."

Thì khi Đức Phật cho phép, Thiên vương Đế Thích mới đi vào hỏi Đạo, Và Đức Phật giảng xong bài Kinh “Đế Thích Sở Vấn” (chúng ta sẽ học trong thời gian sắp tới). Sau khi nghe xong thì Thiên vương Đế Thích chết tại chỗ (do tuổi thọ đến đó đã mãn) rồi tái sanh trở lại làm Thiên vương Đế Thích trong một hình hài mới. Khổ nỗi trên cõi trời vị trời mà sống mãn kiếp rồi hay là mới lên trên đó thì hình dáng giống nhau y chang, không có trẻ hơn mà cũng không già đi. Nên vị này chết rồi tái sinh trở lại trong cương vị Đế Thích ngay trước mặt Đức Phật. Chuyện đó chỉ có hai người là Thế Tôn và bản thân vua trời Đế Thích biết thôi. Lúc đó thiên vương Đế Thích đã chứng quả Dự lưu rồi. 


Để cảm ơn Pancasikha đã tiến dẫn xin phép cho mình vào hầu Phật bữa đó, vua Thiên vương có hứa là bằng vào uy tín và quyền lực của mình, vua sẽ can thiệp cho Pancasikha được cưới Suriyavacchasa như một cách trả ơn vậy.

Bắt đầu bài Kinh có nói đến nhân vật Pancasikha thì tôi điểm sơ cho bà con nghe là vậy.


Núi Linh Thứu : Tàu dịch là Linh Sơn để nghe có vẻ linh thiêng, vì chữ ‘thứu’ có nghĩa ‘con kên kên’ – Mỹ dịch là Vuture’s peak (đỉnh núi của con kên kên).


Pancasikha kể lại một kỳ Pháp hội trên cõi Đao Lợi mà ông có mặt:

Đêm nay trên núi Linh Thứu thì Pancasikha đến lễ Phật, và kể hầu Ngài một câu chuyện đã xảy ra trong một kỳ Pháp hội trên cõi Đao Lợi mà ông có mặt. Trong buổi Pháp hội đó có Tứ thiên vương của cõi Tứ thiên vương lên, và Đế Thích, nghĩa là chư thiên ở hai cõi Dục thiên thấp nhất họp mặt nhau. 


Trong buổi Pháp hội đó (như hôm qua chúng tôi nói), mỗi tháng chư thiên đều có 8 ngày thuyết Pháp

Người thuyết là 
  1. vị Phạm thiên nào đó hay là 
  2. Đế Thích, hay 
  3. một vị thiên tử nào đó, 
  4. một tỷ kheo nào đó từ cõi người. 
Thí dụ 
  1. thời mà Giáo Pháp còn thì có thể có vị tỳ kheo dưới đây lên, như ngài Mục Kiền Liên chẳng hạn. 
  2. Còn thời không có Giáo Pháp thì có thể Phạm thiên Đế Thích hoặc thiên tử nào đó thuyết. 
Trong buổi Pháp hội hôm đó thì Đế thích là người thuyết giảng.

Đế Thích giảng về 8 Pháp đặc biệt của Đức Phật:


1. Đức Như Lai sống với lòng thương đời.
2. Nội dung chánh Pháp được Thế Tôn thuyết giảng hội đủ 6 đặc điểm, thường được gọi là hồng ân Pháp Bảo (bài Svakkhato …).
3. Pháp Phật có nội dung rõ ràng, dễ hiểu, dễ theo.
4. Con đường và cứu cánh hành trì luôn là một, không mâu thuẫn chống trái nhau.
5.Thầy trò là một dòng chảy không phân biệt, không chia lìa.
6. Phật nhận kính lễ cúng dường với tâm buông bỏ.
7. Nói và làm đi đôi.
8. Lời dạy hiện tại của Ngài nhất quán với truyền thống chánh Pháp 3 đời và bản thân 

Ngài không còn chút gì nghi hoặc về điều mình làm và nói. Điều này rất khó. Thí dụ hôm nay vị Pháp sư giỏi gì thì giỏi thì cũng có chỗ kẹt, chưa đọc cái đó thì không biết. Như ngài Xá Lợi Phất có lần ngài tán thán Đức Phật:

“Bạch Thế Tôn, con nghĩ rằng trong quá khứ và trong tương lai không bao giờ có một vị nào vĩ đại hơn Thế Tôn, nhiều lắm là bằng thôi chớ không thể nào hơn được”

Đức Phật hỏi ngược lại rằng: "Xá Lợi Phất có biết gì về Giới – Định – Tuệ và sự giải thoát của chư Phật trong ba đời mười phương hay không mà Xá Lợi Phật nói như vậy ?"


Ngài Xá Lợi Phất nói: “Dạ, trong cảnh giới chư Phật thì con không có khả năng biết được. Con chỉ biết truyền thống chung của chư Phật, những nét lớn của chư Phật đó là đều hành trì Bốn Niệm Xứ mà thành Đạo. Con chỉ biết vậy thôi”.

Có nghĩa là ngài Xá Lợi Phất cũng còn có chỗ không biết. Nhưng riêng Đức Phật nói riêng và chư Phật ba đời mười phương nói chung thì các Ngài HOÀN TOÀN KHÔNG CÓ CHỖ NÀO KHÔNG BIẾT. 


Trong Kinh còn ghi rõ có những tình huống mà Đức Phật suy nghĩ rằng khi gặp hoàn cảnh như thế này thì chư Phật quá khứ đã làm sao? Có vị nào gặp hoàn cảnh như thế này chưa, và trong trường hợp đó thì chư Phật đã làm sao? Ngài suy nghĩ vậy không phải Ngài không biết. Nhưng đó là truyền thống mà chư Phật, chữ Tathagata là Như Lai ( có nghĩa là đến với cuộc đời này và rời khỏi cuộc đời này theo cái cách của chư Phật ba đời, luôn luôn giống nhau không có khác, hoàn toàn không nghi hoặc). Chính vì hoàn toàn không còn điểm gì nghi ngờ hoang mang nữa hết nên lời dạy của Ngài hoàn toàn nhất quán xuyên suốt trùng khớp với chánh Pháp ba đời mười phương.

(Còn tiếp)
Reply
(tt) Sư Toại Khanh Giảng Kinh Đại Điển Tôn và Kinh Đại Hội (2-4)

https://toaikhanh.com/videotext.php?vid=bhhreUUtIa0&abt=Đại+Điển+Tôn+-+Đại+Hội

Đó là 8 Pháp mà ngài Minh Châu dịch là Tám Pháp như thật:



1/ Pháp như thật đầu tiên không ai chối cãi, phủ nhận được, là sự có mặt của Đức Thế Tôn trong thế gian này hoàn toàn là vì lòng đại bi.

Chú giải có ghi rõ, ở đây chúng tôi nói sơ thôi, là Thế Tôn từ thời sơ phát Bồ đề tâm thì trong các tấm thân sanh tử của Ngài, dầu là voi là rồng, là con người thì trong mọi hình thức tái sinh Ngài thường xuyên hy sinh thân mạng của mình để hoàn thành Đạo nghiệp Phật quả. 

Để chi? 
– Để giúp ích cho vô lượng chúng sinh. 

Chớ chỉ riêng Ngài thì 
  1. cách đây 20 a tăng kỳ về trước nếu muốn thì Ngài đã chứng quả La Hán và Niết bàn. Thậm chí Chú giải cũng xác định là 
  2. cách đây 4 a tăng kỳ, nghĩa là gần hơn một chút, ngay dưới chân Đức Phật Nhiên Đăng, Bồ tát Sumedha đã trải mình cúng dường cho Đức Phật, thì lúc đó nếu muốn, Ngài chỉ cần xê dịch cái ý muốn một chút thôi là Ngài không nghĩ tới chúng sinh mà chỉ nghĩ tới bản thân thôi thì ngay dưới chân đức Phật Nhiên Đăng Ngài đã hoàn toàn đủ sức để trở thành một vị La Hán lục thông Tam minh và Tứ tuệ phân tích.
Chúng ta nhớ chỗ này (Phật tử đến với Giáo Pháp qua 3 ngả: trí tuệ, đức tin và tinh tấn): 
  1. một vị Bồ tát trong hạnh trí tuệ (pannadhika) thì trong lần thọ ký (được chư Phật chánh đẳng giác xác nhận) đầu tiên, thì trong lần thọ ký đó, nếu nói về cơ duyên giác ngộ thì vị đó nếu muốn có thể chứng La Hán cùng Tứ tuệ phân tích (vô ngại). 
  2. Còn cái hạnh đức tin (saddhadhika) thì lần đầu tiên được thọ ký vị đó đủ duyên để chứng lục thông
  3. Còn vị hạnh tinh tấn (viriyadhika) thì trong lần thọ ký đầu tiên vị đó đủ duyên để chứng La Hán Tam minh
Khác nhau một chút vậy đó.

Tại sao chúng tôi phải nói rõ cái này? 
– Bởi chúng tôi muốn nói rằng vì lòng đại bi, không nghĩ tới mình mà nghĩ tới người khác cho nên các Ngài mới tiếp tục đi thêm một quãng đường dài thăm thẳm, để cuối cùng thành Phật, độ cho nhiều người khác. Chớ còn riêng phần Ngài muốn dứt sanh tử thì đã dứt rồi.

2/ Pháp như thật thứ hai Thế Tôn thuyết giảng luôn luôn có nội dung hướng thượng chớ không hướng hạ. Đưa người ta đi lên và đi ra sanh tử, chớ không đưa người ta đi xuống hoặc đi vô.

‘Akalico’ có nghĩa ở đời này nhân và quả có thể cần đến một ngày hai ngày, một đời hai đời, nhưng khoảng cách nhân quả giữa Đạo với Thánh quả thì chỉ một sát na trước và một sát na sau.

'Akalicó có 2 nghĩa: 
  1. Một là thời gian nhân quả giữa Đạo và Quả không xen kẽ. Đây là một chuyện mà trên đời này không có trường hợp nào khít rịt nhau như vậy. 
  2. Thứ hai, Giáo Pháp của Ngài có giá trị ngàn đời, không vì thời gian mà giá trị lời dạy phai phôi, nên cũng gọi là akalico.
‘Ehipassiko’ cũng gọi là thách thức thử nghiệm. Nghĩa là ai nghi ngờ chánh pháp thì hãy tìm hiểu và hành trì. Có những tôn giáo, giáo lý họ e ngại sự phân tích, sự rạch ròi, sự chia chẻ. Đối với giáo pháp chư Phật, một là anh không hiểu, còn hai là anh hiểu lầm, chớ nếu anh hiểu đúng thì chánh pháp chỉ đem lại niềm tin và trí tuệ cho người khác thôi. Nên chánh Pháp của Đức Phật gọi là thách thức thử nghiệm.

'Sanditthikó nghĩa là tự mình thấy: tức là không có cha, mẹ, vợ, chồng, con cái, thầy trò, bè, bạn, thân nhân, láng giềng thân quen cỡ nào cũng không có chuyện người này đắc dùm người kia, mà phải tự mình thân chứng thể nghiệm.

Đạo này phải là đạo của người có trí, đến để mà thấy chớ không phải đến để mà tin. Tinh thần Phật Pháp là ‘Phúc thay cho kẻ nào tìm hiểu rồi mới tin và tin rồi vẫn tiếp tục tìm hiểu’, chớ không phải ‘Phúc thay cho kẻ nào chưa thấy đã tin’.

3/ Đặc điểm thứ ba Pháp như thật của Thế Tôn là Thế Tôn đã hướng dẫn con đường rõ ràng. Toàn bộ Phật Pháp tám muôn bốn ngàn pháp môn được giảng trong 45 năm hoằng hóa độ sinh .

Ngài nói đến cả tỷ vấn đề nhưng nội dung gom lại chỉ có hai: 
  1. một là chuyện nên tránh, 
  2. hai là chuyện nên làm.
Buổi giảng ngày hôm qua bài Kinh Janavasabha, trong đó có phần rất quan trọng, đó là ba con đường tu chứng mà Đức Phật dạy:

- Người có nghe Pháp sẽ bỏ dục bỏ ác. Chuyển hóa từ ác qua thiện.
- Nhờ nghe Pháp, người ta sẽ chuyển hóa từ thiện thô sang thiện tế (Nâng cấp cái thiện).
- Nhờ nghe Pháp mà thấy rõ rằng thiện hơn ác nhưng cái thiện thấp thì thua cái thiện cao, nhưng rốt ráo không còn thiện ác mới là cứu cánh cao nhứt (Bỏ hết thiện ác).

4/ Đức Thế Tôn dạy cho đệ tử cứu cánh con đường luôn nhất quán nhau:

  1. Có những hướng dẫn trong cuộc đời này nghe thì hay nhưng hỏi dẫn về đâu thì ông đạo sư, giáo chủ ấm a ấm ớ. 
  2. Cũng có trường hợp đưa ra một cứu cánh tu hành nghe đã thiệt nhưng con đường hành trì lại mơ hồ, không đưa ra rõ ràng. 
Tôi xin được nói một câu dễ ghét là 99,9% Phật tử Bắc tông VN và hình như cả Tàu nữa niệm Phật (Nam mô A Di Đà) thì ok, mà hễ nói tới thiền thì cực kỳ mơ hồ. Cái gì mà ‘giữ tâm không’, rồi ‘tri vọng’ rồi ‘diệu hữu chân không’, cái gì ‘bát nhã’… rất là mơ hồ. Mà kẹt nhứt , cái căn bản Sơ thiền là gì thì không nói được.

Trong Kinh điển Pali nói rõ: 
  1. một là mình không biết gì hết, 
  2. còn hai thì phải biết rõ ràng Sơ thiền là gì, Nhị thiền là gì, Thân quán niệm xứ là gì, Tâm quán niệm xứ là gì, Sắc uẩn là gì …phải nói rõ ràng . Dầu cho mình trả lời như con két nhưng mà phải nói rõ ràng.
Đức Thế Tôn thì dạy con đường hành trì và cứu cánh hoàn toàn tuyệt đối ăn khớp nhau

Ăn khớp như thế nào? 
– Các vị nghe lại:

Diệt Đế là gì? – Diệt Đế là sự vắng mặt của Tập Đế. 
Đạo Đế là gì? – Đạo Đế là con đường đi ngược lại tinh thần của Tập Đế.

Tôi nhắc lại . 

  1. Mọi hiện hữu là Khổ Đế vì mọi hiện hữu nằm trong ba khổ.
  2. Tập đế là nguyên nhân sanh khổ. Định nghĩa Tập đế là niềm đam mê trong Khổ đế. Mà Khổ đế là mọi hiện hữu, thì Tập đế là niềm đam mê trong các hiện hữu.
  3. Diệt Đế là sự vắng mặt của Tập Đế.
  4. Đạo Đế là con đường hành trì đi ngược lại Tập Đế. Có nghĩa là anh hành trì Bát chánh đạo, hành trì Tam học.
Hành trì là sao? 
– Là anh không tiếp tục thích trong 3 khổ nữa. 

  1. Đủ duyên, anh thành thánh, 
  2. Thiếu duyên thì anh cũng được an lạc hiện tiền, hiện tại lạc trú. 
Nó phải rõ ràng. 

Niết bàn là gì? 
– Niết bàn là sự vắng mặt của tham ái. 

Tứ niệm xứ là gì? 
– Tứ niệm xứ là sự kịp thời ghi nhận phiền não đang xảy ra. Nó phải ăn khớp từ con đường hành trì cho đến cứu cánh như vậy.

5/ “Thế Tôn đã đào tạo một chúng thiện hữu, một chúng hữu học đi trên nẻo Đạo và các lậu tận đã hoàn tất. Ngài và các đệ tử là một.

Nghĩa là có rất nhiều Đạo sư . Nhiều giáo chủ nhìn thì tốt, nhưng giữa Đạo sư và các đệ tử có một khoảng cách rất lớn: phàm phu không bao giờ chạm vào nhau. 

Đây cũng vậy: Chỉ có thánh nhân mới hòa tan vào nhau, còn phàm phu thì không. 

Vì phàm phu 
  1. hễ cùng lo một việc thì thương nhau, mà cùng thích một món thì ghét nhau, đó là một quy luật. 
  2. Thứ hai, là mỗi người theo đuổi một cái tôi riêng thì làm sao có thể hòa tan vào nhau.
Ở đây thì khác. 

Thế Tôn là bậc đã lìa khỏi phiền não. 

  1. Ngài không còn cái gì Ngài thích, cũng không còn cái gì ghét. 
  2. Mà đệ tử Ngài cũng không còn cái gì ghét, không còn cái gì thích. 
  3. Giữa các vị hoàn toàn không có một biên giới, vì giữa các Ngài hoàn toàn không có ý niệm ‘tôi là’, ‘của tôi’. Không có ý niệm ông A bà B, thằng Tý thằng Tèo gì hết. 
  4. Tất cả chỉ là nhất thiết pháp giới vô ngã vô thường
  5. Tất cả chỉ là những giọt nước trong một đại dương không bờ mé, không giới tuyến.
Còn mình, riêng khoản tu Bốn vô lượng tâm là làm không nổi rồi

Nghĩa là 
  1. thương người mà không phân biệt thân, sơ, thù, bạn là mình đã làm không nổi, nói chi 
  2. sự quán chiếu danh sắc, 
  3. quán chiếu năm uẩn, 12 Xứ, 18 giới .
mình làm không nổi! 

Chúng ta có đoàn kết, có hòa hợp, có Giới hòa đồng tu, có Kiến hòa đồng giải đến mức nào đi nữa thì các vị phải đồng ý với tôi: ngày nào chưa bỏ thân kiến thì vẫn còn có ‘cái tôi’ và ‘của tôi’

Mà hễ còn có cái tôi và của tôi, khi mình đã xác định cái tôi là mình đã kín đáo xác nhận thằng Tý nó là thằng Tý, mà thằng Tèo nó là thằng Tèo.

Nhưng ở đây thì giữa Ngài và các đệ tử là những giọt nước biển trong một đại dương. Trong tiếng Pali là ekaramata, nghĩa là ‘chung vui’ (giang sơn thu về một mối, thiên hạ nhất thống).

6/ Thế Tôn được kính lễ cúng dường nhưng Ngài luôn luôn nhận những thứ đó với tâm buông bỏ.

Trong Chú giải nói dài lắm, nói những chuyện hơi phong thần nhưng ở đây tôi kể vắn tắt. Là chư thiên, Càn thát bà, Long vương, Kim sí điểu, Dạ xoa, nhân loại, thiên long bát bộ, tám chúng, sa môn, Bà la môn, chư thiên, Ma vương, Phạm thiên … tất cả những người có chánh kiến (số người không thích Thế Tôn thì không nói), chỉ nói những người kính mến Thế Tôn thì con số đó không thể tính đếm được. Nhưng Thế Tôn trước sau như một .

Chẳng hạn tới đây tôi giảng Kinh Đại Hội các vị sẽ thấy khiếp. Trong đại hội đó thiên chúng đổ về không thể đếm bằng số được. Chỉ đếm bằng các hội chúng thôi: hội chúng Càn thát bà, hội chúng Long vương…Riêng trong đó hội chúng nào mà gọi là tam nhân (tái sinh bằng tâm có trí) thì có số người chứng La Hán là một tỷ! 

Trong khi đó mình thấy thời gian Ngài giảng A Tỳ Đàm trên cõi trời là 800 triệu (non một tỷ), trong đó có đủ các tầng thánh. Có vị đắc Sơ, nhị, tam, tứ quả lung tung. 

Riêng đêm này trong bài Kinh Đại Hội (Ngài giảng 6 lục đại chân Kinh). Tôi xin lạc đề chỗ này: Chúng tôi rất muốn in lại 6 bài Kinh đó để chiêm nghiệm, để cho Phật tử đọc tụng mỗi lần họ đến đạo tràng Viet Theravada bên Đức (mà có điều cái đám đó mặt họ khờ quá không biết đọc có hiểu hay không.).

Bài Kinh Đại Hội đó chỉ diễn ra đến nửa khuya thôi mà số người chứng Quả là một tỷ (kotisatasahassa arahattappatta):
- koti: 10 triệu (7 số zero)
- sata: 100 (2 zero)
- sahassa 1.000 (3 zero) -> tổng cộng kotisatasahassa là 1 tỷ (12 số zero).

Một tỷ vị chứng La hán! Các vị tưởng tượng chỉ riêng quả vị La hán một tỷ người thì cái hội chúng đó đông cỡ nào? 

Một lát nữa tôi giảng Kinh Đại Hội các vị mới thấy hết hồn. Chư thiên sắc tế đó nghe, mà đông đến mức có những vị họ đứng nghe Pháp mà phải đứng bên đảo Tích Lan. Bởi một phần là không gian chật chội, một phần những vị mà oai lực họ kém họ gặp những vị đức độ nhiều họ thấy nóng nảy khó chịu. Họ không ngồi gần được. Họ phải lùi, lùi riết mà Đức Phật ở trên núi Hymalaya ngài giảng mà coi như số chư thiên về họ tránh, họ lấn lấn riết mà có một cô tiên nữ phải đứng bên đảo Tích Lan cổ nghe mới ghê . Đông vậy đó!

Thế Tôn trước sau như một, nét mặt không bao giờ thay đổi. Ngài ở một mình cũng nét mặt đó. Có một bà lão ăn mày quỳ đảnh lễ Ngài cũng nét mặt đó. Một bà hoàng hậu, một ông tướng quân, một đại gia, một hoàng đế, cả một triều đình quỳ lạy dưới chân Ngài cũng nét mặt đó. Tám ngàn vị tỳ kheo quỳ lạy dưới chân Ngài cũng nét mặt đó. Hàng triệu Phạm thiên, chư thiên lạy Ngài cũng nét mặt đó. Cả một hội chúng hàng tỷ thiên chúng về lễ Phật thì gương mặt Ngài cũng như vậy đó, không hề thay đổi. Ngài luôn luôn nhận sự kính lễ và cúng dường của chư thiên và nhân loại bằng một trạng thái tâm buông bỏ tuyệt đối

Bởi vậy trong đêm sắp thành Đạo, Kinh nói Ngài nằm thấy 5 điềm đại mộng, trong room còn nhớ không?

Ngài thấy Ngài đi kinh hành trên một ngọn núi toàn là phân người mà coi như bàn chân không có dính. Sau này khi thành Phật rồi Ngài mới kể đó là điềm báo Ngài nhận được lễ bái cúng dường của vô số chúng sinh trong các cõi, trong vô lượng vũ trụ, vô lượng thế giới nhưng tâm Ngài không bị dao động.

7/ Nói và làm đi đôi:

Thế Tôn nói sao thì làm vậy, làm sao thì nói vậy, có nghĩa là các vị La Hán không hề giả dối, nhưng có những điều vị Thinh Văn chỉ có thể nói dùm vị khác. Nghĩa là có những hạnh lành các ngài không bì được với người khác, nên các ngài chỉ nói dùm thôi. Các vị có nghe kịp không? 

Thí dụ như một vị La Hán luôn luôn tán thán hạnh lành của vị khác. 
  1. Vị đó nói rằng tôn giả A, tôn giả B, sư A sư S gì đó tâm từ bi vô lượng tế độ chúng sanh không ngại nắng gió mưa sương, dãi dầu sương tuyết đi hoằng Pháp, đó là vị khả kính … Nói tùm lum, cuối cùng bản thân ngài, phiền não ngài thì hết rồi nhưng ngài khen vị kia thì thôi, riêng ngài thì chuyện hoằng Pháp ngài không mặn mà lắm. 
  2. Hoặc một vị La Hán khen như khen ngài A Nan, đó là vị đa văn, học tập không biết mỏi mệt, trí nhớ không giới hạn. Ngài khen ngài Rahula đệ nhất hiếu học v.v… và v.v… Khen, nhưng bản thân mình thì chỉ hết phiền não.
Khen thì khen chớ không phải cái gì khen mình cũng làm nổi.

Nhưng riêng chư Phật thì không. 

Chư Phật đúng: 
  1. không giả dối 
  2. nhưng còn thêm nữa là bất cứ điều tốt lành nào Ngài nói ra cũng đều hoàn toàn làm được. 
  3. Không có bất cứ điều gì tốt trên thế gian này mà đệ tử có thể sánh bằng chớ đừng nói hơn Ngài. 
Thí dụ ngài Ca Diếp ở trên núi trì hạnh đầu đà vậy mà về gặp Phật ngài vẫn quỳ dập đầu trán dưới chân đức Phật ngài đảnh lễ năm vóc sát đất, tâm phục khẩu phục, là bởi ngài biết Thế Tôn dầu ở trong hương thất sang trọng, dầu Thế Tôn trưa nay mới dùng cơm trong hoàng cung của vua thì ngài Ca Diếp vẫn biết rất rõ là Thế Tôn dùng bữa trưa trong hoàng cung hay dùng miếng bánh ở ngoài rẫy ngoài nương chỉ có một cái tâm thôi chớ không có hai. Ngài biết rất rõ. Biết rõ là dầu Thế Tôn qua đêm trong một hang động hay một lâu đài vàng son thì cũng một tâm đó thôi. Trước sau chỉ có một thôi. Người như vậy dù ở núi hay ở trong hoàng cung cũng vậy thôi. 

Trong giới Thinh Văn, ngài Ca Diếp là vua đầu đà, nhưng phải nói so với bản hạnh của Thế Tôn thì bản hạnh của ngài Ca Diếp không bằng một phần tỷ. Bởi Thế Tôn thực hành hạnh đầu đà không biết vô số kiếp. Chẳng những vậy, đầu đà mà để hoàn tất Phật quả thì cái đó mới ghê. 

Tức là nói sao làm vậy, làm sao nói vậy là vậy đó.

(Con tiep)
Reply
(tt) Sư Toại Khanh Giảng Kinh Đại Điển Tôn và Kinh Đại Hội (3-4)

https://toaikhanh.com/videotext.php?vid=bhhreUUtIa0&abt=Đại+Điển+Tôn+-+Đại+Hội

8/ Thế Tôn vượt khỏi nghi hoặc là sao? 


Nghĩa là vị Thinh văn còn có chỗ không biết nhưng Thế Tôn, Chánh Đẳng Giác thì không còn có chỗ nào không biết. Chính từ chỗ không có gì Ngài không biết cho nên không còn nghi hoặc. Do vậy lời Ngài tuyệt đối thuận ứng với Chánh Pháp muôn đời.

Tại hội chúng đó, khi thiên vương Đế Thích giảng như vậy xong thì có một số vị nói thế này: “Trời đất ơi, xuất sắc, xuất sắc, vi diệu, thù thắng! Ước gì được 4 Chánh Đẳng Giác thì thế gian này được lợi lạc biết bao nhiêu!”. 

Có vị mới nói : ‘Cần gì bốn, ba vị Chánh Đẳng Giác là tuyệt vời’. Vị kia nói: ‘Ba vị quá nhiều, chỉ cần hai vị giống như Thế Tôn thì chúng ta tha hồ ân triêm lợi lạc. Pháp vũ tưới nhuần khắp nhân thiên ba cõi’. 

Thì Đế Thích mới chốt lại bằng câu đanh thép: “Thưa quý ngài khả kính. Không bao giờ có chuyện trong một thái dương hệ, trong một vũ trụ mà lại có đến hai vị Chánh đẳng Giác cùng lúc xuất hiện không trước không sau. Xưa giờ chưa bao giờ có vậy. (Bây giờ chúng ta học thêm điều đó nữa, tức là không bao giờ có hai vị Chánh Đẳng Giác cùng xuất hiện).

Nói đến đây thì có một luồng ánh sáng từ phương Bắc xuất hiện. Lúc đó chư thiên các vị nói với nhau là có thể Phạm Thiên sẽ đến với chúng ta. Đúng vậy, một lát sau Phạm thiên Sanamkumara (vị mà mình mới học hôm qua). Vị này thường xuất hiện ở cõi Đao Lợi trong hình dáng của thiên tử Pancasikha ta vừa nhắc đến ở đầu Kinh. (Ở Kinh Janavasabha cũng có nói đến chi tiết này.)

(À quên, bài hôm qua, chỗ nói về ba con đường tu chứng, ở số (2): nhờ nghe Đạo mà chuyển hóa cái thiện từ thấp lên cao, từ thô sang tế. Thì chỗ đó trong Chú giải có nói đến các đề mục. 
  1. Đề mục nào chỉ có thể dẫn đến Cận định thôi. 
  2. Đề mục nào chỉ có thể dẫn đến Sơ thiền thôi. 
  3. Đề mục nào chỉ có thể đến tam thiền, Tứ thiền thôi. 
  4. Và đề mục nào chỉ có thể dẫn đến thiền Vô sắc. 
Xin mua rồi đọc cuốn A Tỳ Đàm bìa xanh của chúng tôi).

Trở lại bài, ông Phạm thiên Sanamkumara này thường xuyên xuất hiện ở cõi Đao Lợi trong hình hài của Pancasikha. Chú giải nói hình dáng tiên đồng của Pancasikha rất được lòng nhiều vị trời trên Đao Lợi. Chỉ có bà Suriyavacchasa thấy yêu ông này như yêu con nít, giống như thương em trong nhà thì thấy có hơi sốc. Trong tình cảm nam nữ bả hơi đặt vấn đề, đòi hỏi nhân dáng của đối phương một chút. Chớ còn trong tâm tình chung chung thiên chúng mà nói ai cũng thấy hình dáng tiên đồng đầu tóc năm chỏm ai cũng thương hết. Nên Phạm thiên Sanamkumara đã thường xuyên xuất hiện ở cõi Đao Lợi trong hình dáng của vị Pancasikha này.

Đế Thích sau khi kể lại cho Phạm thiên Sanamkumara nghe 8 Pháp đặc biệt của Thế Tôn xong rồi, Phạm thiên này mới hỏi: “Các vị bây giờ mới thấy Thế Tôn vĩ đại hay sao? Theo các vị chẳng lẽ Thế Tôn bây giờ mới đại trí tuệ như vậy hay sao? Thôi thì tôi xin kể hầu quí vị một câu chuyện mà nghe xong các vị sẽ biết tôi muốn nói về ai”.

Thế là Phạm thiên Sanamkumara mới kể lại câu chuyện xưa. Câu chuyện đại khái:

Kiếp xưa Bồ tát Thích Ca Mâu Ni có lần là một Bà la môn tên là Mahagovinda, quốc sư của 7 nước. Cha của Bồ tát Mahagovinda này cũng là một quốc sư. Sau khi bố chết Ngài được mời kế nhiệm. Ngài vẫn tiếp tục là quốc sư của 7 quốc gia! Quốc sư đây nghĩa là ngài cố vấn về những vấn đề tinh thần, tâm linh cho các vua, chớ không phải là tể tướng sắp xếp về chính trị, trị an. Đặc biệt 7 vị vua của 7 nước này coi ngài như thầy.

Do là ngày xưa có một xứ trong đó ông hoàng tử chơi thân với con mấy vị quan trong triều. Bữa đó vui vẻ với nhau, mấy công tử con quan mới nói với hoàng tử: "Mai này hoàng thượng có trăm tuổi mà ngài lên làm vua ngài nhớ tụi này nghe." Ông hoàng tử hứa. Sau này vua già, chết, ông vua trẻ lên ngôi mới nhớ lời hứa ngày xưa. Ổng chia đất làm 7 phần. Mà người chia chính là Bồ tát Mahagovinda. Sau khi phân ra, nhóm 7 người này được gọi là huynh đệ Bharata. Chữ ‘Bharata’ sau này trở thành nguồn bài Kinh này, thành nguồn cảm hứng cho tác phẩm Mahabharata của văn chương Ấn Độ cổ đại. Hôm nay người Ấn Độ cũng tự gọi đất nước mình là xứ sở của huynh đệ Bharata. Đồng tiền Rupi của Ấn Độ hay mấy con tem của Ấn Độ phần tiếng Anh vẫn để Indian, nhưng phần tiếng Sanskrit họ vẫn để chữ Bharata. Họ vẫn nhận đất nước của họ là đất nước Bharata, đặc biệt vậy!

Theo Kinh điển xác nhận, nền văn minh Ấn Độ và nhân loại nói chung có những nét tương đồng rất lớn, vì nó được bảo lưu và truyền thừa thông qua các vị Phạm thiên. Chính Phạm thiên họ sống lâu từ trái đất này qua trái đất khác cho nên có những cái hay, cái đẹp họ đem dạy cho những cá nhân xuất sắc nào đó trong loài người để gầy dựng nền văn minh nhân loại. Cũng từ đó có khái niệm ‘thần khải’. 

Thí dụ bên Đạo Hồi họ tin rằng ông Mohamed được thiên thần trao truyền cho ổng bộ Kinh Koran (Quran), từ đó ổng đem dạy lại cho người Hồi giáo. Ý niệm ‘thần khải’ đã hình thành và tồn tại qua suốt nhiều đời nhiều thế hệ trong lịch sử văn minh nhân loại. Hôm nay chúng ta ‘đành đoạn’ gọi giai đoạn trước 6.000 năm là tiền sử (nghĩa là giai đoạn đó chưa có sử sách) còn giai đoạn 6.000 năm trở lại đây là giai đoạn có sử! Thực ra lịch sử nhân loại tồn tại qua các châu lục đã chìm xuống đại dương. Có một số cái còn nằm trong lòng đất các đại lục nhưng phần lớn là đã chìm xuống. Câu ‘Thương hải hóa vi tang điền’ ý niệm đó của Tàu thật ra còn ‘mềm’. Chớ cái chuyện chỗ này là biển mai kia nó là đất . Chỗ này nay là đất, mai kia là biển là chuyện rất bình thường. Ai lên núi Ngũ hành Sơn VN thấy trong lòng núi có những vỏ sò vỏ ốc. Nghĩa là có những hang động ngày xưa nằm dưới biển, giờ nó trồi lên thành hang động trong núi.

Sở dĩ chúng tôi nói các truyền thống văn hóa của nhân loại trên hành tinh này được bảo lưu và truyền thừa thông qua các trung gian gián tiếp và trực tiếp của Phạm thiên là sao? 
– Là các vị đó đem những điều hay cái đẹp của thế hệ này qua thế hệ khác, của trái đất này của hành tinh khác để dạy lại cho những cá nhân xuất sắc. Những cá nhân đó mới trao lại những thế hệ kế thừa. 

Mà thế hệ kế thừa có hai loại: 
  1. kế thừa có phê phán và 
  2. kế thừa không phê phán, kiểu ù lì, kế thừa trong cái mụ mị, trong cuồng tín không có sáng tạo hoặc không hiểu được thâm ý của tiền nhân.
Sau khi đất nước được chia thành 7 phần cho 7 anh em cùng làm vua hết, nhóm đó gọi là Bharata và họ coi ông Govinda này vừa là thầy vừa là cha. Họ đồn thổi nhau là cái gì Mahagovinda cũng biết. Trong tín ngưỡng của người Ấn Độ xưa thì họ tin bậc minh triết nhứt trong nhân loại phải là người có thể tiếp xúc được với Phạm thiên. Từ nền tảng của niềm tin đó người ta thêu dệt rằng bản thân Mahagovinda cũng là người từng thấy và từng tiếp xúc Phạm thiên. 

Mahagovinda có liêm sỉ, biết mình bất xứng với danh tiếng đó nên đã thật lòng cầu Đạo.

Nội dung giáo lý Veda mỗi thời mỗi khác nhưng theo giáo lý Kinh Veda thì thời hoàng kim có nhắc đến việc tu tập thiền định Samatha (chớ bây giờ thì khác). Nhờ vậy nhiều vị Bà la môn biết rằng vấn đề đại nhân tướng, hảo tướng một vị Phật, họ mới biết chuyện tu thiền. Ông Mahagovinda này thông qua Kinh Veda của thời đó nên ổng biết là muốn tiếp xúc Phạm thiên phải tu tập tâm bi. Từ một mảng nội dung của Veda ông biết được phép tu thiền Vô lượng tâm. Ông tu mấy tháng trời không kết quả. 

Lúc đó Phạm thiên Sanamkumara biết được. Phạm thiên Sanamkumara đã từng gặp nhiều vị Phật quá khứ, từng biết rõ là vị này đã được thọ ký, biết nhân vật này là ai. Niềm thao thức trăn trở của nhân vật này rất cần đến sự giúp đỡ của mình. Mà Dục thiên Đế Thích hay Ma vương không có khả năng rồi, nên vị Sanankumara này mới xuống gặp Bồ tát Govinda. 

Chỗ này ta phải mở ngoặc bởi vì nó rất quan trọng: Không phải ai cũng đủ phước đủ duyên để nhận được sự giúp đỡ của những nhân vật quan trọng như vậy, vì chúng ta phải dọn lòng (làm sạch cái tâm, lòng luôn mở rộng, không câu chấp, không tà kiến, luôn sẵn sàng tiếp thu học hỏi điều lành điều thiện) và phải tạo nhiều phước.

Đọc kỹ trong Kinh điển thấy chư vị Bồ tát có một điều rất đặc biệt là gặp điều kiện làm phước thì các ngài làm ngay. Và dầu sanh ra có đắc thiền hay có học hành thế nào đi nữa Bồ tát có hạnh rất đặc biệt, là toàn bộ hành trình tu tập của Bồ tát trong vô lượng kiếp nói chung và trong kiếp chót nói riêng là: 

  1. Chuyện gì hay Ngài luôn học hỏi, và
  2. Bồ tát luôn luôn ĐẠI KỴ là thỏa mãn quá sớm với điều mình có.
Tôi đang nói chuyện Phạm thiên mà phải mở ngoặc chỗ này. Tại sao Phạm thiên xuống gặp con người này (Bồ tát)? 
– Vì con người này là người luôn mở lòng ra đón nhận gió mới. 

Còn mình thì sao? 
– Luôn luôn những điều mình biết là võ lâm vô địch, chí tôn vô thượng! 
(Đó là cái bậy nhứt của mình. Nếu tôi là Phạm thiên mà biết vậy, có thắp nhang tôi cũng không thèm xuống!) 

Cái người đó hiếu học nhưng phải luôn ở trong tình trạng sẵn sàng biết nghi ngờ con đường dưới chân mình. Nói vậy không phải tôi kêu các vị đa nghi, không phải. Nhưng phải biết luôn đặt vấn đề, có khả năng đặt vấn đề khi gặp sự cố sự kiện, chớ không phải lúc nào cũng khư khư. Khư khư là không được!

Cho nên 
  1. Thứ nhứt là phải tạo phước. 
  2. Thứ hai, cái lòng phải luôn mở ra, không cố chấp, không chìm sâu trong ngộ nhận. 
Trong 2 điều kiện này thì chúng ta rất dễ dàng nhận được sự giúp đỡ, sự tiếp sức của người khác, cho dầu đó là của chư thiên, Phạm thiên hay một cá nhân loài người nào đó. Đây ta biết thêm không phải ngẫu nhiên một người tu hành không ra gì, không trăn trở thao thức mà Phạm thiên xuống, không phải dễ đâu.

Thì Phạm thiên biết rất rõ đây là một vị Bồ tát nên Phạm thiên mới xuống giúp. Bữa hổm chúng tôi có giảng Kinh Đại Duyên, trong đó nói rõ là mấy vị Phạm thiên trên cõi Tịnh Cư luôn giúp mấy vị Bồ tát kiếp chót bằng cách hiện ra cho thấy mấy cảnh người già người bịnh, người sắp chết và người xuất gia. 

Trước khi giúp mấy vị Phạm thiên nghĩ gì? 
Nghĩ rằng con người này giống như một con voi đang bị lọt sình. Con voi chỉ cần ra khỏi đống sình này thì nó sẽ là một con voi ngon lành trong khu rừng này. Nhưng khổ nỗi giờ nó đang lọt sình. Cái vị này giờ đang còn đắm say trong 5 dục. Bây giờ chỉ cần cho vị này thấy mấy cảnh đó là kéo voi ra khỏi đống sình. 

Trong room còn nhớ hình ảnh này không ta?

Thế là Phạm thiên Sanamkumara xuất hiện và giảng cho Bồ tát Mahagovinda nghe về con đường tu hành. Khi Bà la môn Mahagovinda nhìn thấy Phạm thiên thì ngài suy nghĩ mình sẽ hỏi gì đây: ‘Chuyện trước mắt trong đời sống thông thường thì mình biết cũng hơi nhiều. Giờ mình hỏi chuyện đời sau kiếp khác đi’. 

Ngài hỏi: ‘Tu tập như thế nào mới chứng được cứu cánh giải thoát không còn già chết nữa’. 
Phạm thiên trả lời: “Ai bỏ ngã, ngã sở, tâm chuyên chú nhất cảnh, tu tập đại bi tâm, thoát ly mọi xú uế, lánh xa mọi tà dục, an trú ở nơi đây để chứng quả bất tử”.

(Amagandhha: hôi thúi .)

Bồ tát nghe, Bồ tát nói: ‘Từ bỏ ngã và ngã sở tôi hiểu’ (Tôi mở ngoặc nói thêm cái này, mình người VN mình đọc ngã, ngã hữu mình ngạc nhiên mình thấy lạ, sao Bồ tát giỏi dữ, ổng nghe ổng hiểu liền. Không phải. Đồng ý ngài trí tuệ, nhưng trong bản Pali thì nghĩa sáng trưng: ‘Từ bỏ ‘cái tôi’ và ‘của tôi’’. Bồ tát nghe vậy mới hiểu chớ mình người VN mà nghe ‘ngã’ và ‘ngã sở hữu’ thì ‘mệt’ quá!)

Bồ tát nghe thì Bồ tát hiểu là từ bỏ ý niệm ‘tôi’ và ‘của tôi’ thì tôi hiểu. 

Phạm thiên mới hỏi ‘Hiểu kiểu nào?’ 
– Tôi hiểu là bỏ hết gia đình rồi xuất gia đi tu.

Câu ‘Tâm chuyên nhất cảnh’ tôi cũng hiểu là bỏ hết sự rối rắm của 5 trần và sống ở một chỗ hoang vắng chỉ có mình mình.

‘Tu tập từ bi tâm’ có nghĩa là rải tâm từ của mình ra các phương các hướng không có phân biệt giới tuyến biên giới. Nhưng câu ‘Lánh xa mọi xú uế’ thì tôi không hiểu xú uế là gì’.

Phạm thiên trả lời: "Xú uế đó là nói dối, sân si, gian trá, hà tiện, ngã mạn, ganh tị, muốn tùm lum. Nói chung các phiền não chính là cấu uế, tu là phải bỏ mới mong đạt cứu cánh giải thoát."

Bồ tát nghe vậy nói: ‘Theo lời ngài nói thì có lẽ phải đi tu rồi. Chớ ở ngoài đời làm sao mà bỏ hết mấy cái này được’. 

Phạm thiên nói: “Ngài thấy được thì ngài làm đi.”

Bồ tát quyết định xuất gia, mới từ giã 7 ông vua. Họ nói tự dưng khơi khơi mà ngài kêu đi cũng khó, hãy cho chúng tôi 7 năm để dàn xếp. Bồ tát nói: ‘Không, 7 năm quá nhiều’. Họ nói ‘Cho tôi xin 7 tháng’. Bồ tát nói ‘Không, 7 tháng quá nhiều’. Họ nói ‘7 ngày đi’, thì Bồ tát ok. Sau đó bắt đầu kéo nhau nguyên một đám đi tu hết, tổng cộng mấy chục ngàn người gồm vua chúa, tướng lãnh, thứ phi, hoàng hậu. Trong số đó có 700 vị Tịnh hạnh (Tịnh hạnh Pali: Nahataka, là những tu sĩ mỗi ngày rửa tội 2 lần bằng cách trầm mình trong nước để tắm gội).

Sau khi xuất gia, Bồ tát tu tập thiền định bằng đề mục Từ, Bi, Hỷ, Xả. Sau đó Ngài đắc thiền. Một số người theo Ngài cũng đắc thiền như Ngài và sanh về Phạm thiên. Một số không đắc thiền nhưng làm được các công đức, chết được sanh về các cõi Dục thiên.

Khi Pancasikha kể đến đây thì ông hỏi đức Phật: "Thế Tôn chắc là còn nhớ chuyện đó mà." Thế Tôn xác định: "Đúng rồi, làm sao ta không nhớ, bởi ta chính là Bà la môn Mahagovinda, vị quốc sư 7 nước." 



Ngài nói câu này quan trọng: "Lúc đó ta chỉ có thể hướng dẫn người ta nhiều lắm là lên Phạm thiên, hoặc thấp một chút là Dục thiên. Nhưng bây giờ con đường ta hướng dẫn là hướng đến quả vị La Hán, tối thiểu phải là Sơ quả Tu đà hườn thông qua con đường Bát chánh đạo." 



Kinh ghi thế này:


“Lúc còn là Bồ tát thì tối đa chỉ hướng dẫn thiền Samatha để giúp người về Phạm thiên hay các cõi Dục thiền (qua thập thiện). Chỉ khi là Phật mới có thể dạy Vipassana qua con đường Bát chánh đạo để đưa đến quả La hán”. 


Nội dung bài Kinh Đại Điển Tôn

*Tóm tắt nội dung bài Kinh:

Thiên tử Pancasikha đến kể lại với Đức Thế Tôn nội dung câu chuyện xưa mà Phạm thiên Sanamkumara có lần kể trên Đao Lợi. Trong kiếp quá khứ, Bồ tát Thích Ca Mâu Ni là một vị Bà la môn đạt đến ngôi vị quốc sư 7 nước, vì muốn gặp được Phạm thiên mà đã tu tập thiền định nhưng không thành công. Phạm thiên vì cảm cái đức của Ngài nên đã xuống dạy cho ngài con đường tu tập theo trình độ của Phạm thiên. Ngài nghe vậy xong, quyết định từ bỏ ngôi vị quốc sư 7 nước đề đi xuất gia. Vua và tướng 7 nước cũng đi tu theo Ngài. Sau đó thầy trò cùng tu tập thiền định với đề mục Bốn Vô Lượng Tâm. Trong số đó những người thượng căn cũng đều đắc chứng thiền định như Bồ tát. Những người kém hơn cũng được sanh về các cõi Dục thiên."

Kết thúc câu chuyện Đức Phật dạy rằng khi còn Bồ tát thì ngài chỉ có thể dạy người ta tu tập thiền Samatha để tối đa là về Phạm thiên và tối thiểu là về các cõi Dục thiên. Nay với trí tuệ của vị Chánh Đẳng Giác thì ngài có thể dạy cho người ta chứng được quả vị La Hán hoặc quả vị Dự Lưu giải thoát sanh tử chớ không phải chỉ quẩn quanh trong các cõi Phạm thiên và Dục thiên.

--ooOoo--

(Hết phần Kinh Đại Điển Tôn, post tiếp Sư giảng Kinh Đại Hội, Trường Bộ 20)

(Còn tiếp)
Reply
Trường Bộ Kinh
Digha Nikaya
20. Kinh Ðại hội

(Mahàsamaya sutta)

--ooOoo--
20. KINH ĐẠI HỘI

102. TRONG TRƯỜNG-HỢP NÀO ĐỨC PHẬT GIẢNG KINH ĐẠI HỘI?

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại rừng Đại-Lâm (Mahàvana) gần thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu), thuộc bộ-tộc Thích-ca (Sakya), cùng với chúng Tỳ-kheo, khoảng năm trăm vị đều chứng quả A-la-hán. Bấy giờ, chư Thiên ở mười phương thế-giới tập-họp lại để chiêm-ngưỡng Thế-Tôn và các Tỳ-kheo.

Nhơn đó, đức Phật giảng Kinh nầy, để giới-thiệu toàn-thể chư Thiên đến tham-dự đại-hội.

103. NỘI-DUNG KINH ĐẠI HỘI.

Kinh nầy tương-đối ngắn, so với các bản Kinh khác thuộc Trường-Bộ Kinh. Phần đầu có bốn bài Kệ ngắn, bốn câu, của bốn vị Trời ở Tịnh-cư thiên tán-thán Thế-Tôn. Phần sau là bài Kệ dài của đức Phật tuyên-bố danh-tánh của chư Thiên tham-dự đại-hội.

Theo thứ-tự, có thể kể ra:

- hàng phi-nhân khoảng bảy mươi ngàn;
- hàng Dạ-xoa, khoảng trăm hai mươi ngàn;
- bốn vị Thiên-vương: Trì-Quốc, Tăng-Trưởng, Quảng-Mục, Đa-văn và Thiên-chúng quyến-thuộc;
- hàng Càn-thát-bà, Long-vương, A-tu-la, và quyến-thuộc;
- các vị Thần nước, đất, lửa, gió, mặt trời, mặt trăng
- bậc Đại-Phạm Thiên-vương và các Thiên-chúng;
- hàng Ma-vương với chúng Ma-quân đông-đảo, nổi cơn giông-tố lớn, định bao vây và bắt trói kẻ còn tham-ái, nhưng chúng phải rút lui, vì chư vị Tỳ-kheo đều là bậc vô-tham, vô-úy, tuân theo lời Phật dạy...

104. ĐỌC KINH ĐẠI HỘI, NÊN CHÚ-Ý ĐIỂM NÀO?
Kinh Đại Hội chẳng chứa đựng rõ-rệt một pháp-tu nào, chỉ nhắc lại quang-cảnh huy-hoàng buổi Đại-hội chư Thiên đến chiêm-ngưỡng Thế-Tôn và các vị Tỳ-kheo đắc quả A-la-hán. Tưởng cũng chẳng cần nhớ hết các danh-xưng của chư Thiên, được kể trong Kinh nầy.


--ooOoo--


(tt và hết) Sư Toại Khanh Giảng Kinh Đại Điển Tôn và Kinh Đại Hội (4-4)

https://toaikhanh.com/videotext.php?vid=bhhreUUtIa0&abt=Đại+Điển+Tôn+-+Đại+Hội

BÀI KINH ĐẠI HỘI – Mahasamaya sutta

Trong đời các đức Phật sống lâu thì có 3 kỳ đại hội thiên chúng. Riêng Phật Gotama chỉ có một lần thôi.

Duyên sự:


Bồ tát Tất Đạt có quê ngoại là Devadaha, quê nội là Kapilavatthu của dòng Sakya. Ranh giới của hai bên nội ngoại là dòng sông Rohini nơi 120 năm sau ngài A Nan viên tịch (Bồ tát và ngài A Nan sinh cùng một ngày). Mùa nắng năm đó nước ở kinh rạch sông ngòi khô cạn, sông Rohini cũng vậy. Hai bên nội ngoại khai thác dòng nước hiếm hoi còn sót lại, xảy ra tranh chấp . Hai bên dàn binh đánh nhau. Đức Thế Tôn nghe chuyện nên Ngài xuất hiện và thuyết bài Pháp để giảng hòa hai bên. 


Bà con có coi tranh vẽ về cuộc đời Đức Phật sẽ thấy hình đức Phật dùng thần thông đứng trên hư không phía dưới Ngài là dòng sông, có hai đoàn quân sắp đánh nhau. Đó là nói về câu chuyện này.

Sau khi hòa giải, chuyện qua rồi hai bên nội ngoại bàn với nhau, nói rằng Thế Tôn là bậc Thiên nhân sư mà vì chuyện của hai bên họ tộc mà làm kinh động phiền đến Ngài, nên sám hối bằng cách mỗi bên cử 250 thanh niên xuất gia gieo duyên. Họ định cho 500 người đi tu như để xin lỗi, không ngờ 500 vị này gặp Phật thuyết Pháp rồi thì đắc hết A La Hán, không ai về hết. Ngài mới đưa 500 vị này lên núi Hy Mã Lạp Sơn. Đêm đó trên đỉnh núi Thế Tôn ngồi, chung quanh Ngài là 500 vị La hán. Một số vị trên núi lễ bái chiêm ngưỡng. Chú giải nói thiên chúng trong mười ngàn vũ trụ kéo nhau về, cao nhứt là Phạm Thiên, rồi Tha hóa tự tại, Lạc thiên, Dạ ma, Đâu suất, Đao Lợi, Tứ thiên vương, Càn thát bà, Long vương, cả loài Kim sí điểu (đối thủ của loài rồng) cũng về chung chen nhau lễ Phật, nghe Pháp.


Hồi nãy tôi đã nói, chỉ riêng số chứng quả La Hán là đã một tỷ, rất đông. Những vị phước kém hơn lùi riết lùi qua tới đảo Tích Lan luôn. 


Lúc đó Ác ma thiên tử vẫn rình theo phá Đức Phật, thấy số người đến nghe Pháp đông quá mà số đắc chắc cũng đông nên tìm cách phá. Ác ma hiện những hình ảnh âm thanh ghê rợn cho thính chúng bị phân tâm chia trí không nghe được Pháp. Đức Phật lập tức nhìn thấy. Nếu Ác ma chỉ phá riêng Ngài thì Ngài không phản ứng. Nhưng Ngài biết hôm nay đại chúng nghe Pháp số người đắc quả sẽ rất đông nên không thể để cho Ác ma phá được.

Đức Thế Tôn không làm gì đặc biệt ngoài một câu chú nguyện nội dung cực kỳ đơn giản, là: “Đừng có ai trong Pháp hội này nghe thấy sự có mặt của Ác ma và binh tướng”. Trong Chánh Kinh có nói khi Ngài chú nguyện rồi Ngài nhắc nhở các vị tỳ kheo hãy chánh niệm. Nhưng thực ra Ngài nói vậy để cho chư thiên nghe, chớ chung quanh Ngài toàn mấy vị A La Hán, đâu cần nhắc. Cho nên Chú giải nói các binh tướng hò hét, hô mưa gọi gió, phun lửa phun khói mà họ ngạc nhiên sao mấy người này ngồi tỉnh bơ mắt vẫn hướng về Đức Phật. Điểm đặc biệt là chỗ đó, vì Thế Tôn đã chú nguyện rồi! Nhờ vậy Pháp hội đã diễn ra trong sự tịch mặc tuyệt đối. 


Tùy vào sở thích, tùy vào duyên nghiệp, phước báo của thiên chúng mà mỗi vị đi về phó hội với một hình thức màu sắc khác nhau. Có những nhóm màu xanh, màu vàng, đỏ, tím, hồng, vàng chanh, hồng phấn, mỡ gà, đọt chuối… nên đêm đó đẹp lộng lẫy!

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn dùng Phật trí Ngài suy nghĩ: Đêm nay đại chúng về đông quá chắc chắn không thể một thời Pháp mà đáp ứng được nhu cầu tâm linh của mọi người. 


Ngài xét thấy chúng sanh có vô số nhưng căn cơ sở tánh gom gọn chỉ có 6 món thôi: 

  1. dục tánh (tham nhiều), 
  2. nộ tánh (sân nhiều), 
  3. độn tánh (chậm chạp u tối), 
  4. đãng tánh (buông bắt lăng xăng), 
  5. mộ tánh (nhiều niềm tin) và 
  6. ngộ tánh (sáng suốt thông minh). 
Đêm nay 6 hạng này có đủ thì nên làm sao, nên thuyết độc giảng hay song thoại? 

Độc giảng, một mình Ngài nói thì hiệu quả ít hơn, bởi hình thức đó có thể không làm họ chú ý nhiều. Ngài biết họ nghe Pháp trong hình thức vấn đáp thì họ sẽ thích hơn. Nhưng ai sẽ là người đối đáp với Ngài? 
– Ngài xét thấy hiện giờ khi Chánh Đẳng Giác có mặt thì không có Độc Giác ra đời. Nếu có Độc Giác ra đời thì Độc Giác cũng không phải là người đối thoại với Ngài. 

Mà nếu Độc Giác không phải là người đối thoại thì làm sao hai vị thượng thủ là ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên có thể? 

Nên cuối cùng Ngài quyết định tạo ra một vị hóa Phật, tiếng Pali là Nimmitabuddha.

Trong Chú giải nói rõ, lúc đó Đức Thế Tôn dùng Phật trí soi rọi Ngài thấy trong 100, 1,000, 10.000, 100.000, một triệu, mười triệu, một trăm triệu, một tỷ, mười tỷ, một trăm tỷ, một ngàn tỷ vũ trụ chung quanh Ngài không thấy có một vị Phật nào hết. 


Cho nên Ngài nghĩ phải tạo ra một vị hóa Phật. Ngài hóa ra một người giống như Ngài xuất hiện từ trên hư không và từ từ bước xuống. 

Chú giải ghi một câu rất hay mà đây cũng đáp một phần nào thắc mắc hơi kỳ của tôi, tôi nghĩ trong bụng thôi. Tôi nghĩ:  "Không biết chư Phật nghĩ về nhau là như thế nào ?" Tôi từng nghĩ vậy. Trong thế giới phàm mình, ông bác sĩ 40 tuổi nghĩ về ông bác sĩ 60 tuổi thì xem là tiền bối. Nhưng chư Phật với nhau, Phật đời sau nghĩ về Phật đời trước, biết là bằng nhau 100%, nhưng cảm giác cảm xúc ra sao, có coi là tiền bối hay không? 

Thì trong Chú giải giải thích thế này: "Chư Phật tôn trọng nhau là vì kính PHÁP." Giống như trong đời Đức Phật chỉ có một người duy nhứt mà Ngài tiễn ra cửa là ngài Xá Lợi Phất. Và chỉ tiễn một lần đó khi ngài Xá Lợi Phất về lễ Phật để viên tịch. Kính Pháp chớ không phải kính người.

Chú giải ghi rõ khi vị hóa Phật xuất hiện, vị đó không có chào lễ Đức Phật (giống như hai vị bằng nhau tuyệt đối). Vị này ngồi xuống bên cạnh trên một chỗ giống y như chỗ ngồi của Đức Phật. Rồi bắt đầu vị này hỏi vị kia trả lời.


Chữ ‘sanghassa’ này không phải là chư tăng, mà là thiên chúng’. Chú giải ghi:


“Lúc bấy giờ ngay trong ánh nhìn mọi người đang tập trung chú ý thì vị hóa Phật đi đến, không chào không lễ gì Đức Thế Tôn hết, mà ngồi xuống trên chỗ ngồi y chang đã được tạo ra ngay phía trước Đức Phật.


(samasamam: giống nhau, sama = the same)


Còn một đoạn trên nữa:


“Đức Thế Tôn với trí vô ngại Ngài quan sát trong chư thiên ai là người hữu duyên để Ngài độ. Ngài quan sát 6 cơ tánh chúng sinh. Thế rồi Ngài trải Phật trí Ngài ra trong vô lượng vũ trũ, để tìm có một vị Phật nào khác giống như ta hay không, nhưng không hề thấy vị nào khác.


Athassa etadahosi – “Madiso buddhoyeva sakkuneyya, atthi pana katthaci anno buddho” ti anantasu lokadhatusu anantananam pattharitva olokento annam buddham na addasa.


  1. Với hạng chư thiên dục tánh (tham nhiều) thì Ngài thuyết Kinh Chánh Xuất Gia (Sammaparibbajaniya Sutta). 
  2. Hạng nộ tánh (nóng nảy) thuyết Kinh Tranh Luận (Kalahavivada Sutta). 
  3. Hạng độn tánh (si khờ) Kinh Những Vấn Đề To Lớn (Mahabyuha Sutta). 
  4. Hạng đãng tánh (lăng xăng) giảng Kinh Những Vấn Đề Nhỏ Bé (Kulabyuha Sutta). 
  5. Hạng mộ tánh (nhiều niềm tin) Ngài giảng Kinh Con Đường Mau Chóng (Tuvatta Sutta). 
  6. Hạng ngộ tánh (sáng suốt thông minh) thì Kinh Trước Khi Bị Huỷ Hoại (Purabheda Sutta). 
Tổng cộng là Lục đại chân Kinh.

“Ragacaritanam devatanam sammaparibbajaniyasuttam kathessami, dosacaritanam kalahavivadasuttam, mohacaritanam mahabyuhasuttam, vitakkacaritanam culabyuhasuttam, saddhacaritanam tuvattakapatipadam, buddhicaritanam purabhedasuttam kathessami” tidesanam vavatthapetva puna tam parisam manasakasi…


Xin xem trong Suttanipata bản tiếng Việt là Kinh Tập (Tìm trong mục lục). Nếu tìm không ra thì… Nhưng tốt hơn là để tôi về Mỹ đi . Nếu bà con có nhu cầu quay trở lại thì tôi sẽ quay trở lại Kinh này . Nếu bà con có nhu cầu tôi quay trở lại Lục đại chân Kinh. Bà con phải biết một chuyện là, cũng là chúng tôi, cũng là bài Kinh đó, cũng căn cứ vào Chú giải, nhưng nếu các vị nghe bài giảng của chúng tôi tháng trước tháng sau là nó đã không giống nhau. Chắc chắn nó không mâu thuẫn, nhưng cái sâu cái rộng và cái cảm hứng sẽ khác đi. Cho nên hôm nay chúng tôi giảng lại Lục đại chân Kinh thì có lẽ chúng tôi không dò từng chữ như kỳ trước nhe. Nhưng nội dung tổng quát tôi tin rằng nó sẽ khác đi. Nó sẽ dễ nghe hơn, mềm hơn, dễ nuốt dễ nhai dễ tiêu hóa.


Đại khái Kinh Đại Hội là như vậy. Chư Phật mà sống lâu thì trong đời có ba lần đại hội Thánh tăng. Nhưng riêng Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni thì Ngài thọ chỉ có 80, chỉ có 45 năm trụ thế nên trong đời Ngài chỉ có một lần đại hội Thánh tăng và một lần đại hội thiên chúng 10 phương. Thì riêng trong lần đại hội thiên chúng này, chúng tôi đã nói rõ duyên sự rồi: hai họ gây gỗ nhau suýt dẫn đến chiến tranh. Sau đó sám hối Ngài bằng cách cử 500 người đi xuất gia và đều chứng quả La Hán. Từ chuyện họp mặt của 500 vị này với Thế Tôn trên núi đã dẫn đến sự tụ hội của thiên chúng trong mười ngàn vũ trụ về hầu Phật.


Trong Pháp hội này Thế Tôn đã chọn hình thức thuyết giảng là song thoại vấn đáp. Nghĩa là Ngài tạo ra một hình thức một vị Phật khác giống y hệt như Ngài (Chú giải nói nhìn không biết vị nào là vị nào hết). 


Vị hoá Phật mới hỏi Thế Tôn từng vấn đề, từng nội dung bài Kinh một. Hỏi thì không nhắc tới Kinh nhưng mỗi câu trả lời của Đức Phật thì được các vị kiết tập sư về sau đặt cho một cái tên (bài Kinh). Mỗi câu hỏi có một lời đáp. Mỗi lời đáp như vậy thích hợp cho một hạng, một kiểu tâm lý đang có mặt trong thiên chúng đó. Những vị nặng về tham thì họ có bài Kinh họ nghe đắc quả. Những vị nặng về sân thì họ sẽ có bài Kinh thích hợp với họ. Tổng cộng 6 cơ tánh thì có sáu bài Kinh được thuyết giảng trong hình thức song thoại vấn đáp. Giảng xong thì riêng phần chứng quả La Hán thì trong Kinh nói rõ là một tỷ, còn số còn lại không sao đếm xiết. Và ác ma thiên tử có đến quấy rối trong Pháp hội này và đã được Thế Tôn vô hiệu hóa bằng một lời chú nguyện là ‘Mong sao cho từng người ở đây đừng biết, đừng thấy, đừng nghe, gì về sự có mặt của Ác ma thiên tử’. Nhờ vậy Pháp hội đã diễn ra vô cùng yên tĩnh.

Ok, chúc các vị một ngày vui và chúng ta có được nguyên một tuần lễ ở không, người không giảng kẻ không nghe.


Chúc các vị một ngày vui. Hẹn gặp nhau trong tối thiểu 10 ngày nữa./.


Mục Lục các Bài Giảng

[url=https://toaikhanh.com/mp3.php][/url](Hết)
Reply