LTP Học Phật Pháp
Trường Bộ Kinh
Digha Nikaya


21. Kinh Ðế-thích sở vấn
(Sakka-panha sutta)

--ooOoo--

21. KINH ĐẾ-THÍCH SỞ-VẤN

105. TRONG TRƯỜNG-HỢP NÀO ĐỨC PHẬT GIẢNG KINH ĐẾ-THÍCH SỞ-VẤN?

Vào một thời kia, đức Phật ngụ trong hang Nhơn-đà-sa-la (Indasàla), núi Tỳ-đà-sơn (Vediya), phía Bắc làng Am-bà-la (Ambasanda), gần thành Vương-xá (Ràjagaha) thuộc nước Ma-kiệt-đà (Magadha). Lúc bấy giờ, Vua Trời Đế-Thích (Sakka), cùng với Thiên-chúng đến chiêm-ngưỡng Thế-Tôn và thưa hỏi về Chánh-Pháp.
Nhơn đó, đức Phật giảng Kinh nầy để giải-thích rõ ràng về sáu câu hỏi của vua Trời Đế-Thích, có liên-quan đến (1)hận-thù, (2)tật-đố, (3)tầm-cầu và vọng-tưởng, (4)biệt-giải-thoát luật-nghi, (5)sự hộ-trì các căn, (6)tham-ái. Vua Trời Đế-Thích rất hoan-hỷ và thoải-mái và nói lên các điều lợi-ích khiến tâm mình hoan-hỷ khi được nghe Chánh-Pháp do Thế-tôn thuyết-giảng.

106. NỘI-DUNG KINH ĐẾ-THÍCH SỞ-VẤN.

A.- Ý Chánh: Kinh Đế-Thích Sở-Vấn, (sở = chỗ; vấn = hỏi) ghi sáu câu về Phật-Pháp của vua Trời Đế-Thích thỉnh-hỏi Đức Phật.

B.- Phân đoạn: Kinh chia ra hai phần:

1. Phần I: Trời Đế-Thích sai Ngũ-Kế đi đánh đàn ở chỗ Phật ngự:

Vua Trời Đế-Thích cùng với chư Thiên đến núi Tỳ-đà-sơn;
- Càn-thát-bà Ngũ-Kế vâng lịnh vua Trời tấu nhạc ở động Nhơn-đà-sa-la, núi Tỳ-đà-sơn;
- Vua Trời nhắc lại chuyện xưa, muốn đến đảnh-lễ gặp lúc đức Phật đang nhập-định, nên nay đến đây.

2. Phần II: Sáu câu hỏi của vua Trời Đế-Thích và lời giải-đáp của đức Phật:

- Câu hỏi 1: Do đâu có hận-thù?
Đáp: Do tật-đố và xan-tham;
Câu hỏi 2: Do đâu có tất-đố và xan-tham?
Đáp: Do ưa ghét mà có tật-đố và xan-tham; ưa ghét do dục; dục do tầm-cầu;
Câu hỏi 3: Do đâu có tầm-cầu?
Đáp: Do các loại vọng-tưởng và hý-luận. Muốn diệt vọng-tưởng, cần thân-cận với hỷ, ưu, xả, khi chúng chẳng câu-hữu với tầm-cầu.
Câu hỏi 4: Phải thành-tựu pháp biệt-giải-thoát luật-nghi như thế nào?
Đáp: Thân-hành, khẩu-hành và tầm-cầu mỗi thứ đều có hai loại: phải biết thân-cận với loại nào làm gia-tăng thiện-pháp, và tránh xa loại nào làm bất-thiện-pháp tăng-trưởng. Thành-tựu biệt-giải-thoát luật-nghi là như thế.
- Câu hỏi 5: Phải hộ-trì các căn như thế nào?
Đáp: Mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc-cảm, ý phân-biệt muôn pháp (muôn sự-vật), mỗi thứ đều có hai loại, chỉ nên thân-cận với loại nào là tăng-trưởng thiện-pháp mà thôi. Hộ-trì các căn là phải làm như thế.

- Câu hỏi 6: Các Sa-môn, Bà-la-môn đồng-tu có đồng cứu-cánh, đồng an-ổn và đồng phạm-hạnh với nhau không?

- Đáp: Không, chỉ có các Sa-môn, Bà-la-môn nào đã giải-thoát khỏi tham-ái mới đồng phạm-hạnh, đồng mục-đích, đồng an-ổn.

Thoả-mãn và hoan-lạc, Vua Đế-Thích đọc bài Kệ kể ra sáu đìều lợi-ích của niềm hoan-hỷ khi nghe được Chánh-Pháp.

107. TRÍCH-ĐOẠN: DO ĐÂU CÓ HẬN-THÙ?

... Bạch Thế-Tôn, do kết-sử nào, ... tất cả các loài ... sống với nhau trong hận-thù?
- Do tật-đố và xan-tham... Nầy Thiên-chủ, tật-đố và xan-tham do ưa ghét làm nhân-duyên, do ưa ghét làm tập-khởi; ưa ghét có mặt thì tật-đố, xan-tham có mặt; ưa ghét không có mặt thì tật-đố, xan-tham không có mặt... Nầy Thiên-chủ, ưa ghét do dục làm nhân-duyên, do dục làm tập-khởi, dục khiến chúng khởi lên;... (nếu) dục không có mặt thì ưa ghét không có mặt... Nầy Thiên-chủ, dục do tầm làm nhân-duyên, do tầm làm tập-khởi, tầm khiến dục sanh-khởi; ... (nếu) tầm không có mặt, thì dục không có mặt... Nầy Thiên-chủ, tầm lấy các loại vọng-tưởng hý-luận làm nhân-duyên, lấy các loại vọng-tưởng hý-luận làm tập-khởi...(nếu) các loại vọng-tưởng hý-luận không có mặt thì tầm không có mặt...

- Bạch Thế-Tôn, ... phải thành-tựu con đường nào (để) diệt-trừ các loại vọng-tưởng hý-luận?

- Nầy Thiên-chủ, có hai loại hỷ,... có hai loại ưu, ... có hai loại xả: loại câu-hữu với tầm, và loại chẳng câu-hữu với tầm. Loại không câu-hữu với tầm và tứ thì thù-thắng hơn... Nầy Thiên-chủ, phải thân-cận với loại hỷ, ... ưu, ... xả nào mà thiện-pháp được tăng-trưởng... và bất-thiện-pháp bị suy-giảm,... (cũng) chẳng câu-hữu với tầm và tứ, thì thù-thắng hơn... Nầy Thiên-chủ, vị Tỳ-kheo phải chứng-đạt như vậy, phải thành-tựu con đường như vậy, mới thích-hợp và hướng-dẫn đến sự diệt-trừ các vông-tưởng hý-luận....

108. HỌC KINH ĐẾ-THÍCH SỞ-VẤN, CHÚ-Ý ĐIỂM NÀO?

Kính Đế-Thích Sở-Vấn quan-trọng ở điểm đức Phật chỉ dạy cách diệt-trừ hận-thù để cuộc sống chung được hoà-mục và an-ổn. Diệt-trừ bằng cách tìm ra nhân-duyên đã gây ra hận-thù.

Đức Phật đã dùng phương-pháp tìm nhân-duyên dây chuyền đưa đến sự hận-thù, từ tật-đố (= ganh-ghét), xan-tham (= bỏn-sẻn) cho đến các vọng-tưởng hý-luận, mà quan-trọng nhứt là sự tầm-cầu chạy theo các dục-vọng. Nguyên-tắc căn-bản là chớ thân-cận vào các nhân-duyên nào làm bất-thiện-pháp tăng-trưởng và đồng thời làm suy-giảm các thiện-pháp. Trong việc nầy, sự hộ-trì các căn là điểm rất thiết-yếu.

https://budsas.net/uni/u-kinh-truongbo/truong-tn2.htm

--ooOoo--

Sư Toại Khanh Giảng Kinh Ðế-Thích Sở Vấn 1 (1-4)

https://toaikhanh.com/videotext.php?vid=wSiMYDfRvFY&abt=Kinh+%C3%90%E1%BA%BF-Th%C3%ADch+S%E1%BB%9F+V%E1%BA%A5n+1

Kinh Ðế-Thích Sở Vấn 1

Quote:Kalama tri ân bạn buithibuukim ghi chép.
11/02/2022 - 04:02 - buithibuukim
KINH ĐẾ THÍCH SỞ VẤN 1
(Giảng 23/8/2016)

B21. KINH ĐẾ THÍCH SỞ VẤN – Sakka –panha sutta (1)

Nếu bà con máy tốt thì vừa nghe vừa mở dùm google tìm chữ ‘Kinh Đế Thích vấn đạo’ của trang Bình Anson, phần Chú giải quí vị đọc thêm, coi như cái dàn bài.
(https://budsas.net/uni/u-kinh-truongbo/truong21.htm)

Còn bây giờ chúng ta đọc Chú giải của Chánh Kinh.

Đức Thế Tôn thành Đạo năm 35 tuổi. Từ lúc Ngài nhận lời giáng trần nhập thai vào bụng bà Maya tức ngược dòng thời gian 35 năm trước thì Đế Thích cũng đã là một vị thiên vương rất già, rất cao tuổi do tuổi thọ trung bình cõi Đao Lợi là 36 triệu năm nhân loại. Lúc đó Đế Thích đã sống đủ 36 triệu năm rồi, chỉ còn dư một ít thôi. Đế Thích theo dõi quan sát hỗ trợ giúp đỡ Bồ tát từ trong bụng mẹ cho đến lúc Đản sinh, lớn lên, có gia đình rồi đi xuất gia trong đêm Ngài 29 tuổi. Đế Thích chính là người thỉnh tóc Bồ tát cắt bỏ bên bờ sông Anoma lúc Ngài quyết định xuất gia. Bồ tát nắm búi tóc mình cầm thanh gươm cắt và nguyện nếu chuyến đi này Ngài chứng quả thì nắm tóc đừng rơi xuống. Khi Ngài chú nguyện vậy Ngài liệng nắm tóc lên hư không. Lúc đó Đế Thích là người rước búi tóc đem về trời lập tháp thờ trên đó. Sau đó khi Thế Tôn thành Đạo, Đế Thích xuống đảnh lễ Ngài.

Trong Chánh Kinh kể lại một lần đó Đức Thế Tôn biết rõ hôm nay Đế Thích sẽ đến, nhưng cơ duyên để chứng Thánh quả hôm nay chưa chín muồi. Và cuộc gặp gỡ đó cũng không giúp được gì cho thiên vương, nên Đức Thế Tôn nhập vào Quả định ‘Phalasamapatti’.

Quả Định là sao? – Một vị Thánh từ Tu đà hườn, Tư đà hàm, A na hàm, A La hán những khi cảm thấy mệt mỏi hoặc cần được an dưỡng không phải bận bịu chuyện gì hết, không nhớ nghĩ chuyện chúng sinh, chuyện độ đời, chuyện thế gian mà muốn nghỉ ngơi một cách tuyệt đối, thì các ngài có 2 cách. 
  1. Một là các ngài nhập Thiền diệt (nếu vị đó đã từng chứng Phi tưởng phi phi tưởng, tầng thiền vô sắc cao nhứt). Tức là vị này nhập thiền đó rồi ra khỏi thiền đó, rồi chú nguyện là kể từ hôm nay trở đi một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, bảy ngày tôi sẽ sống trong tình trạng không có tâm thức. Đúng như vậy, sau khi chú nguyện xong thì tâm thức vị đó biến mất hoàn toàn tuyệt đối. Vị đó chỉ còn lại cái xác ấm thôi, cái thân còn thân nhiệt chớ vị đó hoàn toàn không biết gì hết, tâm thức hoàn toàn vắng mặt. Thì đúng sáu ngày, bảy ngày vị đó xuất định. Khi xuất định thì tâm đầu tiên xuất hiện là tâm Tam hoặc Tứ quả. Thì giai đoạn 7 ngày đó gọi là Thiền diệt thọ tưởng định, gọi tắt là Diệt định hoặc Thiền diệt. Đó là cách an dưỡng thứ nhứt của vị Thánh.
  2. Cách an dưỡng thứ hai, là vị đó xét thấy thời gian mình không có nhiều. Mình cần nghỉ ngơi có nửa tiếng, một tiếng, hai tiếng đồng hồ thôi thì vị đó không nhập Thiền diệt, mà nhập Quả định. Nghĩa là vị đó quan sát hơi thở của mình, quan sát cảm thọ, quan sát tâm của mình nói chung là 4 niệm xứ vị đó chọn một. Quan sát và thấy đây là vô thường, đây là khổ, đây là vô ngã. Trong lúc đó vị đó chỉ mất một, hai loại tâm thôi. Sau khi quan sát như vậy thì có loại tâm thánh quả cao nhứt mà vị đó chứng, thí dụ vị đó chứng Nhị quả, thì lúc đó một loạt tâm Nhị quả xuất hiện liên tục. Còn nếu vị đó mới Sơ quả như ngài A Nan thì có một loạt tâm Sơ quả xuất hiện liên tục. Liên tục bao lâu thì tùy vị này muốn, tiếng Pali là ‘Paricchindakala’ (là thời hạn mà vị Thánh muốn).

Hôm nay cũng vậy, Thế Tôn muốn nghỉ ngơi. Thay vì nằm im thì không có khỏe bằng để cho một loạt vô số tâm Tứ quả xuất hiện liên tục. Và lúc này Ngài không biết chuyện gì khác ngoài ra cảnh Niết bàn.

(Thay vì chúng tôi giảng từ trên xuống mà chúng tôi bắt ngang trở ngược lên và từ trên đi xuống cuối Kinh. Bà con có đọc Chánh Kinh sẽ thấy). Lúc đó có một tiên nữ tên là Bhunjati đã đắc Nhị quả xuống hầu Phật. Khi thấy Phật nhập thiền như vậy thì vị này chỉ đứng hầu thôi, đợi Ngài xả định. Thì lúc đó Đế Thích cũng tới. Đế Thích thấy Đức Phật nhập định nên ra đi và dặn tiên nữ Bhunjati là khi nào Thế Tôn xả định thì xin thưa lại với Ngài dùm là thiên vương Đế Thích có đến đảnh lễ mà thấy Ngài đang nhập thiền. Sau này khi Đế Thích xuống hầu Phật, thì Đế Thích có kể lại câu chuyện đó. Đức Phật có xác nhận rằng: “Hôm đó tiên nữ Bhunjati có nhắn lại với Như Lai là thiên vương Đế Thích có đến gặp Như Lai, và chính tiếng xe của ngài đã làm cho ta xuất định”.

Trong Chú giải nói rõ chỗ này. Đó là vì ngài A Nan Đa kể lại nguyên văn lời Phật thì ngài kể lại như vậy. Nhưng mình phải hiểu rằng một khi người ta đã nhập định người ta không có nghe cái gì hết. Cho nên cách nói của Đức Thế Tôn mình phải hiểu thế này: “Ta xả định ngay khi ngài vừa rời đi”. Mà theo văn phạm Pali thì câu đó cũng có thể hiểu như vậy. Còn nếu dịch kiểu khác là: “Chính vì tiếng xe của ngài mà ta xả định”cũng được nhưng dịch như vậy thì vô tình mình làm mâu thuẫn một vấn đề giáo lý quan trọng. Đó là người nhập định thì làm sao nghe được. Cho nên câu này trong Chú giải đề nghị mình hiểu là: “Ta xả định ngay khi ngài vừa rời đi và để lại những tiếng động”. Tức là ngài đi chưa bao lâu, mới vừa rời đi ta đã xả định. Và lúc đó ta còn kịp nghe âm thanh từ chiếc xe của ngài. Đại khái vậy. Chúng ta cũng cần ghi nhận thêm là xe Đế Thích không phải xe dởm, dở, như xe mình đi um sùm, mà bởi vì với thiên nhĩ người ta có thể nghe được bất cứ họat động, vận động nào cũng để lại âm thanh tối thiểu. Ngay cả khoa học hôm nay cũng nhìn nhận có những tần số âm thanh tai con người không nghe được. Như maximum khả năng tai người có thể chịu được 120 decibel, cho nên mình nghe cỡ 85 – 90 là đã điếc con ráy rồi. Tuy nhiên có những làn sóng âm thanh quá thấp vài ba decibel thì tai người không nhìn nhận được. Như có những trận sóng thần thì những loài thú nghe được âm thanh ba động dao động trong lòng đất, lập tức nó lìa bỏ tránh xa bờ biển càng nhiều càng tốt. Chớ không phải như mình. Lúc mình nghe được âm thanh ầm ầm thì đã muộn rồi. Những hình ảnh màu sắc cũng vậy, có những cái quá vi tế mình không thấy được. Chẳng hạn tia sáng laser hoặc tia hồng ngoại mắt mình thấy không được.

Ở đây điểm sơ cho bà con thấy Đế Thích là một người hộ trì Đức Phật từ khi Ngài ở trong bụng mẹ đến lúc Ngài chào đời. Kinh nói cả bữa cơm của nàng Sujata thì Đế Thích cũng là người xuống giữ lửa cho nồi cơm đó không bị gián đoạn. Tức là theo dõi Bồ tát để giúp đỡ đến mức như vậy đó. Tức là lúc nồi cơm của Sujata được nấu thì Đế Thích là người đứng giống như mình kêu là đút củi vô lò mà Sujata hoàn toàn không biết.

Hôm nay (lúc giảng Kinh này) Đế Thích nhận ra những dấu hiệu báo tử. Đó là thấy mình mệt mỏi, hào quang lu mờ và có cảm giác như đổ mồ hôi trong người, thần trí không vui vẻ, vòng hoa trang điểm trên người bị héo đi. Đế Thích biết rằng mình sắp từ trần. Trong Kinh nói chỉ có vị A na hàm trở lên mới không sợ chết thôi. Chớ chúng sanh nào trước khi chết cũng có một chút ít nhiều e sợ. Ngay cả vị thánh Tu đà hườn là luôn luôn tin chắc mình không bị đọa, nhưng thình lình đối diện với cái chết cũng có một chút e sợ. Ngoại trừ bậc Lậu tận “khinasava” (ở đây ám chỉ Tam và Tứ quả). Mình không còn thân kiến, ít ra chuyện đối diện với cái chết cũng là cái sốc lớn, quí vị biết không? Trong Chú giải giải thích ngay cả chúng sanh dưới địa ngục khổ như vậy, muốn chết để mà thoát nhưng trong giây phút cận tử biết mình sắp chết vẫn sợ. Đó là bản chất tự nhiên của phàm phu mình.

Đế Thích nghĩ đến người mà có thể trấn an định kinh cho mình chỉ có Đức Phật thôi nên Đế Thích mới xuống. Chú giải ghi thêm là Đế Thích rủ thêm người bạn thiên tử thân thiết với mình, đặc biệt là thiên tử Pancasikha cùng xuống hầu Phật. Đế Thích biết rằng Pancasikha có một sự thân quen với Thế Tôn ở mức đặc biệt. Nghĩa là chuyện riêng tư gì Pancasikha cũng thưa với Phật hết. Người ta thì xuống hỏi Đạo, thưa hỏi chuyện gì nghiêm túc, còn Pancasikha thì thương Phật, coi Phật như cha như một người ông rồi chuyện gì cũng thỏ thẻ thưa hết. Đế Thích biết vậy nên Đế Thích nghĩ người này đi chung với mình sẽ giống như người dẫn đường. Xuống thì Pancasikha vào lễ Phật và hát cúng dường Phật một tình khúc vừa nói về ái dục vừa có tinh thần giải thoát. Chú giải nói thêm là Thế Tôn sau khi ngồi im lắng nghe và Ngài ngỏ lời khen, thì như vậy có phải thế Tôn ưa thích, có hoan hỷ gì trong lời hát đó hay không? – Tuyệt đối không, một mảy may không có. Ngay cả một vị A na hàm mà 7 tuổi còn không thích trong 5 dục, không thèm nghe người ta hát thì nói chi vị A la hán, một vị Chánh Đẳng Chánh Giác, Vô thượng Điều ngự thì làm sao mà thích được chuyện đó.

Sau khi Pancasikha xin phép thì Phật đồng ý cho Đế Thích vào gặp Ngài. Chú giải ghi thêm trong đêm đó hào quang của các vị này đã phủ trùm ngọn núi thế Tôn đang ở, khiến dân làng chung quanh tưởng núi đang bị cháy. Trong Chánh Kinh có chi tiết đức trời Đế Thích thưa với Phật rằng sự ra đời của Thế Tôn đã đem lại cho thiên cung Đao Lợi và các cảnh giới Dục thiên một sự thịnh vượng đặc biệt. Có nghĩa trước khi Thế Tôn ra đời số người sanh thiên rất ít. Kể từ khi có Tam bảo số người sanh thiên nhờ thiền định, bố thí, giữ giới, phục vụ, cung kính, nhờ nghe Pháp nhiều hơn. Tuy nhiên cạnh đó Đế Thích thưa lại thế Tôn một câu chuyện buồn. Đó là trong dòng Thích Ca có một cô tín nữ. Cô hộ trì một nhóm tỳ kheo bằng cách cúng dường thực phẩm, thuốc men, trú xứ, y áo sau khi cô mất cô về trời. Những vị sư được cô hộ trì lại không tu tập nhiều, công đức cũng không nhiều, nên khi chết rồi thay vì sanh vào cảnh giới của hội chúng Đao Lợi thì các vị này lại sanh vào cảnh giới của hội chúng Càn thát bà. Hội chúng ở đây mình tạm hiểu như giai cấp. Tức là như cùng sống với nhau trong thành phố sài Gòn, nhưng trong đó có những người lao động tự do, phu khuân vác, có những người tiểu thương (buôn bán nhỏ, tạp hóa, bán hàng rong), khá hơn là giới trung lưu như công chức nhà nước, làm ông cò ông quận, cảnh sát trưởng. Có những đại gia làm chủ cơ sở kinh doanh lớn, làm tổng giám đốc, chủ tịch tập đoàn v.v…nhiều lớp cùng sống trên đất Sài Gòn, nhưng là những giới khác nhau.

Ở đây cũng vậy. Cùng có mặt trên Đao Lợi nhưng tầng lớp khác nhau. Những vị tỳ kheo được cô tín nữ này hộ trì thì do thiếu công đức, tu hành chưa rốt ráo, nên khi lên đó ở vào hội chúng của Càn thát bà, suốt đời chỉ làm việc mua vui cho người khác. Đế Thích ngỏ lời tán thán và tri ân sự ra đời của Đức Phật. Bên cạnh đó Đế Thích nói thêm có những người tuy được gặp Phật nhưng không được ân triêm lợi lạc giống như người khác.

Tại sao tôi đặc biệt nhấn mạnh chỗ này, vì có một điều tôi muốn gửi trong room mình. Các vị còn nhớ tôi định nghĩa chữ Tiratana (Tam Bảo) hay không? – Phật – Pháp – Tăng là ba món quý trong đời. Quý là bởi vì muốn trở thành Phật thì khó vô cùng. Xương thịt Phật đem bố thí nhiều như núi. Máu mình đổ ra như biển như sông. Nhiều kiếp vô lượng kiếp như vậy mà bất thối (không thối chuyển). Các vị tưởng tượng trong room hay facebook mà người ta viết một hai cái comment mà mình hiểu ngầm thôi đó chớ không rõ ràng lắm là người ta coi rẻ, xúc xiểm mình, khinh bỉ, châm chọc, khiêu khích mình là mình đã chịu không nổi rồi. Đó là thế giới ảo, vậy mà chư vị Bồ tát muốn thành Phật là phải chịu đựng tất cả những rác rưởi nhân gian, từ sự xúc phạm tay chưn cho đến những lời nói, câu viết. Tất cả là phải gánh chịu hết, mà trong vô lượng kiếp như vậy mới trở thành Phật. Cái gì cho được thì cho, cái gì giúp được người khác thì giúp, có dịp học đạo thì học đạo, có dịp tu thiền thì tu thiền. Nói chung là tất cả thiện pháp tu tập được thì lập tức tu tập, không có bỏ qua cơ hội. Mà suốt nhiều kiếp như vậy mới trở thành Phật. Khó dữ lắm. Nên một vị Phật ra đời là của hiếm. Nên Phật được gọi là của báu là vậy.

Một vị Phật có điểm đặc biệt là 
  1. ai Ngài cũng thương, 
  2. đức lành nào Ngài cũng có, 
  3. điều gì Ngài cũng biết. 
Nên mình gặp rắc rối mà mình gặp Ngài là coi như cái gì cũng xong, Ngài giải quyết cho mình. Nhiều khi trong muôn hàng tỷ đại kiếp không có vị nào ra đời hết. Thì một con người như vậy làm sao không gọi là của hiếm được!

(còn tiếp)
Reply
(tt) Sư Toại Khanh Giảng Kinh Ðế-Thích Sở Vấn 1 (2-4)

https://toaikhanh.com/videotext.php?vid=wSiMYDfRvFY&abt=Kinh+%C3%90%E1%BA%BF-Th%C3%ADch+S%E1%BB%9F+V%E1%BA%A5n+1

Thứ hai, Pháp Bảo là những sự thật trong cuộc đời này. Những sự thật đó mãi mãi nằm trong bóng đêm không một ai biết tới, tới khi vị Chánh Đẳng Giác ra đời thì Ngài mới phơi mở cho mọi người biết: 

  1. ‘Đây là con đường dẫn tới sự sa đọa. 
  2. Đây là con đường dẫn tới cảnh giới Dục thiên. 
  3. Đây là con đường dẫn tới Phạm thiên.
  4. Đây là con đường dẫn tới sự chấm dứt sanh tử. 
  5. Đây là con đường dẫn tới quả vị Thinh Văn. 
  6. Đây là con đường dẫn tới quả vị Độc Giác, và 
  7. đây là con đường dẫn tới quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác’. 
Những sự thật này vốn dĩ là quy luật thiên thu của trời đất. Nhưng khổ nỗi khi không có vị Chánh Đẳng Giác ra đời thì những chuyện này người ta chỉ biết một ít thôi. Thí dụ chỉ biết bố thí, trì giới, phục vụ là công đức. Hễ là người có công đức thì chết rồi có hy vọng ok hơn người cả đời cùng hung cực ác. Họ chỉ biết đại khái vậy thôi. Các vị học đạo các vị thấy rồi, chỉ riêng phần Tương Ưng là đã có dịp mình tiếp cận biết bao nhiêu vấn để giáo lý. Chỉ riêng Tương Ưng chớ chưa nói những bộ Kinh khác.

Phật Bảo là 
  1. đấng Pháp Vương, 
  2. tự mình giác ngộ, 
  3. bản thân Ngài là của báu. 
Còn Pháp Bảo là lời dạy của đấng Pháp Vương đó.  Lời dạy đó bao gồm 
  1. những chân lý, những sự thật mà không phải do các ngài sáng chế ra. 
  2. Các ngài chỉ là người khơi dậy, khai mở cho mình thấy. 
Nên những lời dạy đó được gọi là Pháp Bảo.

Tăng Bảo là 
  1. những điển hình, 
  2. những gương sống cụ thể của Pháp Bảo. 
Thí dụ đức Phật ngài dạy: đây là giới, đây là định, đây là tuệ, là Tứ diệu đế, Thất giác chi…Ngài chỉ dạy thôi mình đâu thấy cụ thể. Mình nghe thì hiểu nhưng đâu biết Thất giác chi nằm ở đâu. Lúc bấy giờ mình mới thấy à Tăng Bảo là đây. Tăng Bảo đây không phải là tăng ni. TĂNG BẢO ĐÂY ÁM CHỈ TẤT CẢ THÁNH NHÂN KHÔNG PHÂN BIỆT NHÂN, THIÊN, TĂNG, TỤC (trời, người, người xuất gia, cư sĩ không phân biệt). Nhớ nghe. Mình không học định nghĩa này, rồi mình bất mãn một ông sư nào đó rồi mình nói Tăng Bảo gì thấy ghê, thấy ghét, nản, chán là không phải. Hiểu vậy không đúng!

Tăng Bảo mà trong Kinh đức Phật ngài dạy thì mình không có duyên gặp, không có cửa đâu. Nếu hôm nay mà có thì người ta lên núi lên rừng dưới biển ở hết rồi. Hỏng ai cho mình thấy đâu, thời này nè. Cho nên Tăng Bảo là những vị Thánh, có thể là những vị bần tăng khổ sãi, te tua rách nát trên núi. Mà cũng có thể kể là những vị Thọ thần trong đền trong miễu mình không biết. 

  1. Tất cả nhân, thiên, tăng, tục mà chứng từ Sơ quả trở lên được gọi là Tăng Bảo
  2. Bởi vì sao? – Bởi vì họ là cái MÔ HÌNH CỦA PHÁP BẢO (modul). 
  3. Tăng Bảo chỉ có trong thời Phật.
Như vậy trong Chú giải đã giải thích tại sao gọi là Tam bảo.

  1. Phật Bảo là người thành tựu tất cả thiện pháp và có thể giúp cho người khác được như mình.
  2. Pháp Bảo là lời dạy của con người đó.
  3. Tăng Bảo là những người hành trì theo con người đó.
Tất cả đều là của hiếm hết nên gọi là Bảo. CHỈ CÓ NGƯỜI ĐẠI PHƯỚC MỚI GẶP TIN, HIỂU VÀ HÀNH ĐƯỢC LỜI PHẬT. Nhờ vậy có được những công đức mà người không phải Phật tử không thể có được. Lý do tại sao được gọi là Bảo là như vậy đó. 

  1. BẢO có nghĩa là PHẬT lợi ích như thế nào, hiếm hoi như thế nào. 
  2. PHÁP lợi ích như thế nào, hiếm hoi như thế nào, 
  3. TĂNG là lợi ích như thế nào, hiếm hoi như thế nào mới gọi là ‘bảo’. 
  4. Đặc biệt, điều thứ tư: phải là người đại phước mới gặp được Tam bảo, tin được Tam bảo. 
Gặp cái gì? 
– Gặp trong điều kiện thích hợp, bữa hổm mình đã học rồi:

Gặp được Tam bảo ở đây là không vướng phải những chướng duyên trong thời kỳ còn Phật Pháp. 

Có 8 chướng duyên, Pali là ‘abhabbathana’. Nghĩa là 
  1. khi Đức Phật ra đời hoặc khi giáo pháp của Ngài còn, mình lại là người tà kiến sâu nặng, thứ tà kiến bất trị; 
  2. hoặc khi Tam Bảo còn ở đời mà mình lại là đui mù câm điếc, khùng điên mất trí; 
  3. khi Tam bảo còn ở đời mà mình lại sanh ra trong những vùng biên địa, ở những xứ sở xa xôi, không có điều kiện tiếp cận với văn minh của loài người.
Chẳng hạn có một địa danh rất nổi tiếng đó là đảo Paque, Mỹ gọi đảo Easter. Nó nằm một mình giữa biển khơi, cách Chile 3.000 km là chỗ nó gần thế giới nhất. Mà 3.000 đó lại là 3.000 trên biển mới ghê! Thí dụ mình sanh ở VN mà ở vùng sâu vùng xa như đảo Lý Sơn Quảng Ngãi, đảo Hòn Khoai, Hòn Nghệ hoặc Hòn Tre, Hòn Rái. Hoặc không cần ra ngoài khơi, ở trong nội địa mà vùng như Năm Căn, U Minh là coi như cả đời không biết gì hết. Bây giờ thì khá, còn có tivi, internet, chớ cách đây cả trăm năm về trước mà nghe tới U Minh là thấy ‘lạnh’ rồi! Nếu thời kỳ của Chánh Pháp mà mình lại ở những nơi chốn vùng sâu vùng xa như vậy thì coi như cũng là một chướng duyên lớn.

Cho nên chữ ‘gặp’ đây có nghĩa là mình ở cái chỗ mà mình có thể tiếp cận được tăng ni, Kinh sách, Phật tử và trong điều kiện tâm sinh lý hoàn hảo (không khùng điên, đui mù, câm điếc …), không ở trong xứ binh đao khói lửa, chiến tranh, can qua, mạng người mong manh thì làm sao học Đạo? Cho nên phải hội đủ những điều kiện này mình mới học Đạo được.

Học bằng kiểu gì? 
– Học bằng niềm tin chánh tín, tức là đức tin đi với trí tuệ
  1. Tin bằng chánh tín, 
  2. hiểu bằng chánh kiến, chánh trí. 
Chỉ có người đại phước mới gặp được Tam bảo kiểu này. Tuy nhiên, gặp rồi nhưng tùy vào ba la mật mỗi người mà ta nhận được gì từ Tam Bảo. Tôi thí dụ như trong room này có người nghe sao thấy nhức đầu quá, như những bữa giảng có động chạm A Tỳ Đàm nhức đầu quá bỏ chạy. Hoặc có những người tôi để ý thấy nghe thuyết Pháp họ chỉ thích nghe kể chuyện vui, chuyện ma. Có người đặc biệt lưu ý mấy câu danh ngôn. Rồi có người đặc biệt lưu ý mấy chi pháp. Có người lưu ý mấy chuyện cổ tích liên hệ cuộc đời Đức Phật, v.v…Bây giờ còn có nhiều người quan tâm những bài tôi giảng liên quan thiền quán Vipassana.

Nghĩa là 
  1. tùy vào căn duyên, 
  2. tùy vào khuynh hướng tâm lý, 
  3. tùy vào phước báo ba la mật 
mà chúng ta đến với Đạo theo cách tiếp cận nào, cái nào mới thực sự đáp ứng thị hiếu của mình. 

Ba la mật là những việc thiện được thực hiện với lý tưởng cầu giải thoát. Ai trong nhiều đời quá khứ từng chán đời, từng sợ sanh tử rồi làm các điều lành mong giải thoát, những việc làm đó (việc lành làm với tâm nguyện cầu giải thoát) được gọi là ba la mật.

Vậy nếu đời trước mình có ba la mật nhiều thì bây giờ gặp được Tam bảo mình sẽ nhận được nhiều lợi lạc hơn người kém ba la mật hoặc ba la mật yếu

Nhớ nghe, cái này rất quan trọng.

Tôi nhắc lại lần nữa, quý vị chỉ cần tiếp xúc người nào đó trong chừng vài ngày các vị sẽ thấy, họ thích cái gì khi họ đến chùa, họ thích cái gì khi họ xem Kinh, họ chú ý cái gì khi họ nghe giảng. Bởi vì điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào khuynh hướng tâm lý của họ. 

Cũng không cần tôi phải nói nhiều, các vị dò trong Kinh, các vị ngồi yên xếp bằng nhắm mắt là các vị thấy, khỏi giải thích thêm. Đó là thời Đức Phật, rõ ràng Ngài còn đó trước mặt họ đó, vậy mà 
  1. có người chỉ thích làm cư sĩ thôi, thích hộ trì chư tăng thôi, không đi xuất gia. 
  2. Rồi có người đi xuất gia rồi khoái học Tam tạng thôi. Khoái học Phật ngôn thuộc lòng bộ này qua bộ kia, Kinh này qua Kinh nọ. 
  3. Có người xuất gia rồi lại khoái lên rừng, ở cheo leo một mình ma thiêng nước độc, lam sơn chướng khí, trong khi Phật thì còn đó. 
Theo mình tưởng tượng nếu mình gặp Phật thì mình không có rời Ngài đâu. Suốt đời mình đi theo Ngài. Ngài có đuổi mình cũng mình đi xa xa chớ không bỏ Ngài được. 

Nhưng mà có người đành lòng gặp Phật, xuất gia theo Phật, tưởng sao, xin Phật cho một câu gì đó xong lên rừng ở rồi chết luôn ở trển. Mà trường hợp này nhiều lắm!
 
Rồi có người gặp Phật rồi, xuất gia rồi lại 
  1. khoái làm Pháp sư. 
  2. Có vị khoái làm Luật sư. 
  3. Có vị muốn lên rừng làm đầu đà sư. 
  4. Có vị lại vừa tu cho mình lại cũng muốn có đệ tử. Có vị lại muốn một mình mình cả đời không có đệ tử nào hết (như ngài Bakkula). 
 
Nga`i Bakkula
Người ta đến quỳ dưới chân ngài, chỉ xin ngài ngồi yên đó thôi đừng nhúc nhích gì, ‘Ngài chỉ chứng minh cho con, làm thầy bổn sư cho con’, mà cũng không thèm làm. Ngài không hề muốn có đệ tử tăng tục, sống đến 160 tuổi, viên tịch theo cách xá lợi tự mất. Cả đời ngài không có bịnh. Cả đời ngài cũng không nhận thức ăn đặc biệt từ một thí chủ nào hết. Ngài cứ ôm bát nhà nhà Ngài ghé, củ khoai củ chuối miếng bánh thì Ngài về ngài sống. Không hề có một người nào cúng dường cho ngài trọn vẹn mà ngài chỉ nhận một ít thôi, nhà nhà nhận một ít, cả đời vậy, 80 năm. Khi 80 tuổi ngài mới đi xuất gia, đặc biệt xuất gia được 7 hôm thì ngài chứng quả La hán. Từ đó ngài không có nhận đệ tử. Cứ vậy cho đến khi 160 tuổi . Một buổi chiều ngài họp chư tăng lại ngài nói khuya nay tôi đi. Ngài xin từ giã anh em, trong suốt thời gian ở đây có cái gì làm phiền sám hối hết. Tới lúc ngài viên tịch ngài xếp bằng nhập đề mục Hỏa giới tam muội, chú nguyện rằng ‘Khi nào tâm tử (tâm viên tịch) xuất hiện thì xin lửa tự phát cháy, tự hỏa thiêu di hài của ta và không để lại một dấu vết nào hết’. Ngài chú nguyện xong thì trong vòng 2 giây rưỡi đồng hồ là ngài viên tịch. Ngài tịch xong thì lửa tự phát cháy và không để lại dấu vết. Nói chung cả đời ngài không để lại một dấu vết nào hết. (hết truyện kể về ngài Bakkula)

Bữa hổm có người đọc quyển ‘Chuyện phiếm thầy tu’ của chúng tôi họ hỏi trong đó có bài ‘Kỷ vật nào cho em’ thì bài đó tôi có nói đến một chuyện là trong đời này có hai hạng người: 
  1. đệ nhất hiền giả và 
  2. đệ nhị hiền giả. 
Trong đó tôi viết theo kiểu cà rỡn chỉ nói đệ nhị thôi. 

Tôi nói mình sống ở đời mà khi mình ra đi không để lại dấu vết gì tai hại cho đời sau thì đó là đệ nhị hiền giả. Rồi có người hỏi vậy đệ nhất là sao. Thì tôi nói đúng ra quí vị tự đoán. 

  1. Người mà đi không để lại gì xấu cũng không để lại gì tốt cho đời đó là đệ nhị hiền giả
  2. Còn đệ nhất đây có nghĩa là đi, chẳng những không để lại cái xấu mà còn để lại cái tốt thì đó là đệ nhất.
  1. Chỉ có đời sống một bậc Thánh mới thật sự là không để lại cái xấu. 
  2. Còn phàm phu, cho dù là sống dễ thương cách mấy, sống đẹp cách mấy, nhưng chỉ cần mình còn là phàm phu, thì sự có mặt của một người phàm lúc vui lúc buồn cũng là một cái để cho người khác nhìn. 
Thí dụ tôi là một người cư sĩ, một ông già từ hồi nhỏ tôi sống một mình 90 năm không vợ con gì hết. Tôi dành dụm một số tiền tôi về ở một ngôi làng, một góc phố nào trong một căn nhà tôi thấy yếu quá, thì tôi vô bịnh viện một hai bữa rồi tôi chết luôn, hoặc là tôi chết tại nhà. Trong suốt thời gian đó tôi không gây thù gây oán nợ nần, không làm gì tai tiếng hết. 

Nếu nói theo kiểu thế gian thì tôi đi tôi không để lại cái xấu. Nhưng mà không! Tôi có để lại cái xấu, đó là tôi để lại tấm gương: có nhiều người họ nhìn kiểu sống tôi họ thích. Như vậy cũng không được. Họ thích kiểu sống của một người độc thân suốt đời, thì cái đó không được. Đó cũng là một cách để lại . 

Theo tinh thần Phật Pháp cái mà mình ĐỂ LẠI TỐT NHỨT CHO ĐỜI ĐÓ LÀ HÌNH ẢNH GIẢI THOÁT. Đó là cái để lại đẹp nhứt. 

Mà anh để lại bất cứ hình ảnh nào mà nó gợi ý cho người ta về sự sanh tử, cho dầu đó là nếp sống đẹp nhưng nó vẫn là một gợi ý sanh tử. Cái này nhiều người không học Đạo dễ hiểu lầm.

Cách đây khoảng 20 năm tôi có một buổi giảng ở Cồn Phụng Bến Tre.Tôi nói về thiện ác, thì có một ông cụ năm đó tám mấy tuổi rồi. Ông khoe với tôi, ông nói: “Tui nghe giảng vậy cũng vui vì tui năm nay tám mấy tuổi rồi, cả đời tui coi như không có làm gì ác hết. Hồi nhỏ chỉ có ruộng nương theo ba má. Rồi lớn lên lấy vợ đẻ con rồi tiếp tục ruộng nương nữa. Không có đâm heo thuốc chó, đốt nhà, cướp của giết người, không gây thù chuốc oán ai hết tui cũng vui quá. Coi như đời này tui đã không làm ác”. Thì tôi thấy ổng đang sung quá tôi im luôn. Chớ hỏng lẽ giờ mình nói thiệt là “Dạ thưa cụ, ác có 3 kiểu: thân làm ác, khẩu nói ác, còn ý ác nữa. Cụ khoái câu cá, hoặc cụ thấy người ta bị khổ mà cụ thấy vui thì cũng là ác rồi. Chớ không cần đâm heo thuốc chó mới gọi là ác”. Thấy người ta đang hứng chí, với lại người ta nghĩ vậy cũng được 5/10 rồi thì thôi.

Tôi trở lại bài. Đế Thích thưa với Phật là Thế Tôn ra đời đã khiến cho thiên giới của con được hưng thịnh và cảnh giới của A tu la bị thoái giảm. Tuy nhiên có một số người biết được Phật Pháp rồi, nhưng không có được ân triêm lợi lạc như người khác. Bởi vì sức người có hạn, lực bất tòng tâm, nhiều khi muốn tu học hơn nữa mà không được. Có biết bao nhiêu người kể cả tăng ni cạo tóc đắp y, nhưng khi đi vào đạo rồi thì lý tưởng sống của họ không liên hệ gì tới Pháp học Pháp hành. Họ lại đi chăm lo một chuyện khác mà họ lại thấy cái đó là cái hay. Thì tùy vào cái ba la mật của mình mà mình nhận được gì từ Phật Pháp. Đó là đoạn số 10.

Từ đoạn số 12 trở đi là bài kệ của thiên tử Gobakka . Đế Thích kể lại câu kệ của thiên tử Gobakka. Ông này hồi ở dưới trần là một người con gái trong dòng họ Thích Ca. Nhưng vì ổng nhàm chán thân nữ, Chánh Kinh ghi rõ ổng từ bỏ tâm niệm nữ nhân, trau giồi ý chí nam nhân, cộng với các công đức bố thí, trì giới cho nên khi mất rồi nàng chuyển thành chàng. Đây là một trong những chỗ hiếm hoi nói về những chi tiết liên quan Phật Độc Giác.

Đó giờ mình nghe giảng hay đọc Kinh mình biết Chánh Đẳng Giác chắc chắn là người nam. Chuyển luân vương bắt buộc phải là người nam, Ác ma thiên tử, Đế Thích bắt buộc phải là người nam. Trên Phạm thiên không có nam nữ giới tính nhưng tất cả hình dáng đều là người nam. 

Còn Độc Giác thì sao? Tôi không có thấy chỗ nào xác định nhưng tôi chỉ khẳng định một điều Độc Giác không thể là nữ. 
Vì sao? 
– Là vì mình thấy: 
  1. Những quả vị như Thiên vương Đế Thích, Ác ma thiên tử, Chuyển luân vương mà không là nữ, thì làm sao Độc giác là nữ được ? 
  2. Thứ hai, cái ba la mật nào đã tạo nên quả vị Độc Giác thì ngay bản thân ba la mật đó đã đi ngược lại cái nữ tính, đã phủ nhận cái nữ tính từ lâu người ta mới chứng được Độc Giác. Nói vậy thôi đó là suy diễn. 
  3. Nhưng hôm nay chính thức trong Kinh này xác nhận là Độc Giác bắt buộc phải là nam nhân. Bà con nhớ nếu mai mốt tôi có hỏi Kinh nào thì bà con nói Sớ giải Kinh Đế Thích vấn đạo (Trường Bộ).
Sẵn đây tôi nói luôn Độc Giác là sao? 
– Trong đời này có vô lượng chúng sinh, nhưng khuynh hướng chỉ có 4 thôi:

  1. Một, đời đời muốn sống chết buồn vui trong 5 dục. Đó là hạng chúng sanh Dục giới.
  2. Thứ hai, chán đời sống dục cảm mà muốn thiền định. Nhưng thiền định của người này còn liên hệ vật chất. Như muốn tu thiền là để sanh về cõi nào đó cũng có trăng, sao, hoa lá, hồ nước, hoa viên. Mặc dù lòng không thích hưởng thụ 5 dục nhưng đề mục tu thiền vẫn là vật chất, vẫn muốn sanh về cõi nào đó có chỗ ở hẳn hoi, cụ thể chớ không phải mơ mơ hồ hồ. Hạng này muốn tu thiền nhưng vẫn còn muốn hình danh sắc tướng. Đó là hạng chúng sanh Sắc giới.
  3. Hạng thứ ba, họ cũng thích thiền định nhưng họ chán luôn cả hình danh sắc tướng. Họ không thích vẻ ngoài vật chất nữa, họ tu thiền Vô sắc và trở thành Phạm thiên Vô sắc.
  4. Hạng thứ tư, họ nhàm chán mọi hình thức hiện hữu. Họ thấy rằng dầu sanh về cảnh giới nào đi nữa thì trước sau nó chỉ là cái vòng luẩn quẩn loanh quanh. Sanh về cõi Vô sắc cao nhứt là Phi tưởng phi phi tưởng, 84.000 đại kiếp tưởng sao hết tuổi thọ lại lọt xuống cõi Dục, cũng tiếp tục nẻo cũ đường xưa: sa đọa, đau khổ, bất thiện, tiếp tục cái vòng quay mới. Nên lòi ra hạng thứ tư này là không muốn sanh tử nữa.
Hạng thứ tư này chia ba trường hợp: 
  1. Họ làm các công đức và nguyện ngay khi nào duyên chín muồi thì tôi sẽ thành Phật với một sự giúp đỡ của ai đó. Hạng này gọi là Thinh Văn Giác.
  2. Trường hợp thứ hai, chán khổ lắm và muốn tự mình tìm đường giải thoát. Nghĩa là lúc nào duyên chín muồi thì tôi giải thoát không cần thầy gì hết, cũng không muốn làm thầy ai hết gọi là Độc Giác: Paccekabuddha (pati + eka = pacceka).
  3. Trường hợp thứ ba, Toàn Giác là trên không có thầy, muốn tự mình tìm Đạo nhưng dưới thì sẵn lòng cưu mang vô lượng đệ tử.
(còn tiếp)
Reply
(tt) Sư Toại Khanh Giảng Kinh Ðế-Thích Sở Vấn 1 (3-4)

https://toaikhanh.com/videotext.php?vid=wSiMYDfRvFY&abt=Kinh+%C3%90%E1%BA%BF-Th%C3%ADch+S%E1%BB%9F+V%E1%BA%A5n+1

Trong ba trường hợp này các vị thấy hạng thứ ba Toàn Giác là khó nhứt. Vì sao gọi là khó? 
– Vì nếu mình cầu Đạo giải thoát cho riêng mình thì mình không cần trang bị nhiều như vậy. Nhưng chính vì muốn làm thầy cho người khác nữa cho nên vị này phải trang bị rất nhiều thứ. Đặc biệt trong đó là Nhất thiết trí, nghĩa là cái gì Ngài cũng biết

Tại sao cái gì Ngài cũng biết?
– Là bởi vì khi Ngài gặp chúng sanh nào, nhìn họ, biết họ muốn cái gì. Rồi Ngài còn nhớ ba đời tám kiếp ngày xửa ngày xưa, người này đã gieo duyên lành gì, và hôm nay người đó thích hợp nghe cái gì.

Độc Giác và Thinh Văn có thể biết được kiếp trước người khác nhưng sàng lọc trong núi quá khứ đó để tìm ra ‘tử huyệt’ để thuyết Pháp cho họ đắc quả thì Độc Giác và Thinh Văn không có khả năng. Nhưng vị Chánh Đẳng Giác thì chỉ liếc qua một cái, chỉ nói một câu thôi là đủ rồi.

Tiếp theo, đoạn 13. Rồi Thế Tôn suy nghĩ đã lâu Đế Thích sống đời trong sạch, thì nay Đế Thích hỏi gì ta sẽ trả lời cái đó.

Tôi ôn lại sợ bà con quên, là hôm nay Đế Thích xuống không phải chỉ để cầu Pháp mà vì Đế Thích biết mình sắp mất rồi. Cái chết cận kề rồi nên mới xuống hầu Phật. Chú giải nói: “Đã lâu Sakka này sống đời trong sạch”. 

Trong sạch là sao? 
– Đế Thích là vua cõi Đao Lợi, vị này mất thì vị khác thay thế. Nhưng có trường hợp nếu vị Đế Thích vừa mất có đủ phước để trở lại thì không cần người khác. Nếu vị đó không còn đủ phước để trở lại thì lập tức, tự nhiên (luật vũ trụ) trong cõi Đao Lợi sẽ có nhân vật số 2 ở vào vị trí đó.

Tiền thân của Đế thích: Thanh niên Bakha

Chú giải nói kiếp trước khi làm Đế Thích thì Đế Thích hiện tại là chàng thanh niên tên Bakha. Ổng là người dân nông thôn, tự nhiên bữa đó ngồi trong xóm nhìn mặt trời . Ổng nghĩ: "Trời đất bao la vầy mà chỉ cần mặt trời mất tiêu thì người ta lấy gì sống! Rồi mặt trăng nữa chứ. Những đêm có trăng thấy sạch sẽ sáng sủa, thơ mộng, đêm không có thì tối thui sợ muốn chết." 

Ổng suy nghĩ tiếp: "Mặt trăng mặt trời như vậy không có thì người ta sống không nổi, nhưng chắc chắn những cái này phải có người chưởng quản chớ. Người đó chắc chắn phải là người có nhiều phước báo. Cũng như tất cả Bồ tát Chánh Đẳng Giác đều có điểm bắt đầu giống nhau ở chỗ, các Ngài nghĩ đời này cái gì cũng có cặp hết: đen trắng, sáng tối, mập ốm, cao thấp, tốt xấu, sạch dơ, nam nữ, ngày đêm, nóng lạnh, dài ngắn …Nếu cuộc đời này là biển khổ thì nó phải có cái không khổ chứ. Nên mình làm công đức để hướng tới cái không khổ đó .", dù ngài chưa biết cái không khổ đó là cái gì.

Ở đây cũng vậy, ông này ổng nhìn mặt trời ổng suy nghĩ nếu không có nó người ta chết hết. Nếu vũ trụ này hay như vậy thì chắc phải có người điều hành cai quản nó. Mà người đó chắc chắn phải là người nhiều phước báo. 

ng nghĩ vậy nên ổng bắt đầu làm phước, mong sau này nắm giữ càn khôn. Ổng nghĩ CÔNG ĐỨC LÀ LÀM VIỆC GÌ MÀ KHIẾN MÌNH VÀ NGƯỜI KHÁC ĐƯỢC VUI VẺ MỘT CÁCH AN TOÀN VÀ LÀNH MẠNH. Từ suy nghĩ đó ngài làm những chuyện mà tưởng ngài khùng. Đó là đi trên đường thấy chỗ nào hầm hố, chông gai sình lầy là ngài dọn dẹp cho nó bằng phẳng, sạch sẽ. Nhiều người thấy ngài làm vậy cũng nhào vô làm thành một nhóm., thành một nhóm thiện nguyện làm việc xã hội.

Ngài sống trong một xã hội đa thê, ngài có 4 vợ. Trong đó 3 cô ủng hộ chồng hết mình từ việc nhỏ dần tới việc lớn. Sửa đường, làm đường, xây tiểu đình (nhà mát) cho bà con ngồi nghỉ chân, hốt thuốc …qui mô càng lớn dần nên có mấy người ghét bảo vua nói đám này phản động. Vua cho bắt về không điều tra gì hết mà cho voi giầy, giẫm, chà đạp (Pali: maddati). Ông Sakka này suy nghĩ nếu việc của tui làm tầm bậy thì tui chết tui không oán than, nhưng nếu nó là công đức thực sự thì mấy con voi phải đồng cảm với chúng tôi. Ngài chú nguyện vậy thì đám voi tới chỉ nhìn nhìn rồi bỏ đi. Nhiều lần vậy cuối cùng người ta báo lên vua. Vua kêu vô hỏi các ngươi có bùa chú phù phép gì hay không. Bakha nói ‘Dạ có một loại bùa duy nhứt thôi. Đó là tôi chủ trương sống luôn làm người khác vui vẻ an toàn lành mạnh’. Vua nghe vậy thương không phạt mà còn ban thưởng, khích lệ họ tiếp tục làm thiện.

Trong 4 cô vợ của thanh niên Bakha (tiền thân Đế Thích) có 3 cô hỗ trợ chồng làm thiện. Còn một cô là Sujata suốt ngày phấn son nữ trang không biết tạo công đức, nên khi thanh niên Bakha cùng 3 cô vợ và nhóm bạn 33 người chết sanh về trời hết, thanh niên Bakha làm thiên chủ Đế Thích, còn những người kia làm thiên tử, đại lực tiên ông, ba cô vợ làm ba thiên hậu của Đế Thích. Đế Thích nhìn lại kiếp sống trước không thấy cô vợ thứ tư (dĩ nhiên chuyện này tôi kể cũng ngại vì nó hơi phong thần). Đế Thích quán xét thấy bà vợ đó bị đọa làm một con cò bên bờ biển. Ngài chạnh lòng thương, dùng thần thông tạo nhịp cầu cảm thông nói cho bả hiểu ngày xưa không tu giờ phải như vậy. Đồng thời hướng dẫn con cò nguyện từ hôm nay giữ giới không gần cò đực, không bắt cá sống, phải giữ Bát quan. Con cò nghe hiểu và chấp nhận, phát nguyện giữ giới theo hướng dẫn của Đế Thích. Mấy ngày sau Đế Thích xuất hiện, giả làm con cá sống nằm gần mé nước. Cò đi tới vừa chạm mỏ vô thì con cá giãy. Cò suy nghĩ cá này còn sống mình thọ giới rồi nên không ăn. Đế Thích biết chính xác là con cò đã giữ giới nghiêm. Một thời gian sau cò nhịn ăn chết về trời làm bà thiên hậu thứ tư của Đế Thích. Kể từ lúc cô vợ thứ tư này về trời Đế Thích có thêm một ngoại hiệu nữa. Xưa giờ gọi là Sakka nghĩa là người bố thí một cách trịnh trọng. Giờ có thêm tên là Sahassanetto (vị ngàn mắt), và tên nữa là Sujampati (chồng của Sujata). (Hết chuyện về thanh niên Bakha)

Muốn làm Đế Thích phải hội đủ những đức tánh căn bản: 
  1. hiếu kính cha mẹ, 
  2. sống tôn trọng người trưởng thượng, 
  3. kềm chế không nổi sân hận, 
  4. cái gì mình có cho được thì cho.
Tiền bạc thì đem lại cho mình cảm giác (hưởng thụ vật chất từ tiền bạc), mà nếu ta biết cho ra tiền bạc mà thấy vui thì cũng là mình đang phát huy một tác dụng khác của tiền bạc. Nhiều người không hiểu chỗ này. Họ cứ tưởng hễ cho đi là mất. Cho đi tiền bạc, nhìn người khác vui họ cũng vui, đó là kiểu vui cao quý hơn nhưng cũng không phải dễ làm. Đế Thích là người biết vui kiểu vui đó. 

Nói tới công đức 
  1. có người bỏ tiền ra là vì thương người. 
  2. Có người bỏ tiền bạc và công sức, thời gian ra để cầu công đức cho mình đời sau được sung sướng vui vẻ. 
  3. Có người bỏ thời gian, công sức, tiền bạc ra để cầu giải thoát. 
Đó là do ba trình độ khác nhau. 
  1. Hạng đầu tiên là cầu hưởng thụ dục cảm. 
  2. Hạng thứ hai là cầu phước quả nhân thiên. 
  3. Hạng thứ ba là cầu giải thoát khỏi Tam giới.
Muốn trở thành Đế Thích còn phải là người luôn luôn nói lời từ ái. Vị đó luôn luôn tâm niệm rằng ‘Tôi chỉ nhìn người khác bằng tâm từ chứ không thể nào nhìn bằng tâm sân’. Cho nên vị đó không háy, nguýt, lườm, liếc. ‘Tôi chỉ có thể nói bằng tâm từ nên tôi không nói chấm biếm, chỉ trích, chửi rủa người khác, làm người khác bị đau, bị nhột, bị sốc’. Đó là ái ngữ, mắt không nhìn người khác bằng tâm bất thiện, miệng không nói người khác bằng tâm bất thiện.

Tuy nhiên vì những công đức của Đế Thích trong thuở tiền thân không liên hệ tới Tam bảo, cho nên khi về trời tuy ngồi vào ghế thiên vương nhưng lúc Phật ra đời có nhiều vị cư sĩ sau khi gặp Phật làm phước chứng Đạo họ về trời thì công đức liên hệ tới Tam Bảo lớn hơn công đức của Đế Thích. Cho nên Đế Thích làm vua nhưng đang đi trên đường tuy hư không bao la nhưng gặp vị khác phước nhiều hơn cũng tránh qua một bên. Vì Đế Thích tự hiểu rằng mình không thể nào đương đầu với một người phước nhiều hơn mình. Do vậy dẫn đến hệ lụy là làm vua mà không có thực quyền.

Trong Kinh nói chư thiên có điểm hay, khác hơn loài người là các vị đứng cạnh tôi, các vị không biết rằng công đức tu hành của tôi nhiều hơn, bằng, hay kém quí vị. Quí vị không biết, nhiều lắm quí vị chỉ nghĩ đây là ông sư, rồi thôi. Nhưng trên cõi trời thì không như vậy. 

Ở cõi trời người ta nhìn mình là biết ngay ông này hơn, kém mình như thế nào. Cho nên mang danh là Đế Thích nhưng cũng phải tránh đường các vị kia hoài. 

Một hôm Đế Thích suy nghĩ phải làm sao mình bổ sung công đức chứ không làm vua kiểu này hoài được. Đế Thích quan sát thấy hôm nay ngài Mahakassapa (ngài Đại Ca Diếp đầu đà) mới vừa xả Thiền diệt. Thí chủ cúng dường cho người xả Thiền diệt thì luôn nhận được hiện nghiệp, tức là quả báo trổ trong vòng 7 ngày trở lại. Một là ngay lúc đó. Hai là trong vòng 7 ngày trở lại. 

Cho nên Đế Thích cùng bà Sujata hóa thành hai ông bà lão trong một xóm nghèo, ở trong một căn nhà xập xệ tồi tàn. Ngài Ca Diếp ôm bát từ từ bước tới thì có hai ông bà cụ lụm cụm chống gậy đi ra để bát. Nhưng làm sao qua được huệ nhãn của ngài? Ngài vừa nhìn thấy hai ông bà cụ là hỏi ngay hai người là ai. Thì họ nói thiệt con là thiên vương. Ngài Ca Diếp nói: “Ta cố ý đi vô xóm nghèo là để giúp mấy người nghèo. Còn hai ông bà có nghèo thiệt không mà vô đây. Đừng có lấy phần của người nghèo”. Đế Thích mới nói thiệt: “Thưa ngài, con được tiếng là thiên vương mà con đi trên đường con cứ tránh hoài, không làm việc gì được. Kể ra con là nghèo nhứt trong mấy ông Đế Thích. Con hứa chỉ xin một lần này thôi”. Ngài Ca Diếp nhận phần thực phẩm đó. Sau đó hai vợ chồng đảnh lễ ngài về trời thì bây giờ đã không còn sợ kém ai nữa hết, do công đức cúng dường vị đại Thinh văn vừa xả thiền diệt.

Câu chuyện cho ta thấy ở đời người không biết Đạo thì đấu với nhau về tiền bạc, về nhan sắc, nhưng theo tinh thần Phật Pháp thì muốn hơn ai thì phải là về công đức: tu tâm, tu tuệ và tu phước. 

  1. Tu tâm là tu thiền chỉ, 
  2. tu tuệ là tu thiền quán, 
  3. tu phước là làm các việc bố thí, trì giới, cúng dường, phục vụ, cung kính… 
Nhiều Phật tử mạnh về tu tuệ nhưng thiếu tu phước, không nặng lắm về thập thiện cũng không được. 

Còn nếu nặng về thập thiện mà không tu Tứ niệm xứ cũng bậy. 

Phải có cả tu tuệ, tu tâm và tu phước.

Thế Tôn quán xét thấy Đế Thích đã sống cuộc đời trong sạch như vậy nên nói ‘Nay ta dành cơ hội cho đế Thích muốn hỏi gì thì hỏi, ta sẽ giải thích cho nghe’.

Chánh Kinh ghi

Đế Thích nói: “Bạch Thế Tôn, vì sao tất cả chúng sanh trên đời này ráng lắm đi nữa cũng không cách nào thương nhau cho được. Mà cứ người này thù ghét người kia, người kia thù ghét người nọ mà cứ sống trong sự tương tranh, đấu đá từ đời này qua đời khác đến nỗi sự đấu đá tương tranh đó trở thành gần như thuộc tính căn bản của phàm phu ba đời mười phương. Ở đâu và lúc nào hễ chúng sanh gặp nhau là trong vòng 3 giây là phải có tương tranh. Tại sao vậy?”

Đức Phật dạy: “Do bủn xỉn và đố kỵ mà nhân thiên luôn tương tranh và đấu đá nhau”.

- Bủn xỉn là không muốn mình bị mất gì.

- Đố kỵ là không muốn người khác được gì.

Do thương ghét mà có hai thứ đó.

Chú giải nói rõ bủn xỉn (=bỏn xẻn) có nhiều trường hợp. Quí vị không muốn đem vật chất chia sẻ cũng là bỏn xẻn. Không muốn người khác ké mình về tiếng tăm (thương hiệu) cũng là bỏn xẻn. Không muốn người ta vô ở chỗ của mình, không muốn người ta xài món đồ của mình cũng là bỏn xẻn.

Chú giải nói chỉ có Tu đà hườn, bậc Sơ quả mới vĩnh viễn không còn bỏn xẻn. Còn phàm phu thì dứt khoát phải còn bủn xỉn.

Hai tâm trạng bủn xỉn và đố kỵ từ đâu mà có? – Do thương và ghét. Mình thích (thương) vật nào đó thì mình không muốn nó về tay người khác.

Đố kỵ (ghen tỵ) cũng do hai nhân: thương hoặc ghét. 

  1. Mình thương người đó quá mà thấy người đó đi với người khác, vui vẻ với người khác thì mình chịu không nổi. Đó là đố kỵ do thương.
  2. Đố kỵ do ghét, như cái thằng đó mình ghét nó quá mà tại sao nó học quá sức giỏi, nó làm ăn thành tựu như ý luôn, cái gì nó muốn cũng được. Mình ghét nó quá mà tại sao nó được như vậy!
(còn tiếp)
Reply
(tt và hết) Sư Toại Khanh Giảng Kinh Ðế-Thích Sở Vấn 1 (4-4)

https://toaikhanh.com/videotext.php?vid=wSiMYDfRvFY&abt=Kinh+%C3%90%E1%BA%BF-Th%C3%ADch+S%E1%BB%9F+V%E1%BA%A5n+1

Đế Thích hỏi tiếp: “Thương ghét do đâu mà có?”. 
Trả lời : “Thương ghét do dục mà có”.

Dục ( chando) đây là ý muốn. 

Dục có 5:
  1. Ý muốn trong việc kiếm tìm.
  2. Ý muốn trong lúc thủ đắc.
  3. Ý muốn trong việc hưởng thụ.
  4. Ý muốn trong việc tích trữ.
  5. Ý muốn trong việc phân phát, xử lý (sử dụng).
Nghĩa là trong 5 dục: sắc, thinh, khí, vị, xúc, những thứ mình nghe, ngửi, nếm, đụng … Không học Kinh thì mình không ngờ đời sống vật chất mình có những rắc rối vô cùng. Thí dụ thấy người ta có chiếc xe mình cũng có ý muốn được có, vậy mình mới đi tìm. Cái giai đoạn đi tìm đó là mình đang sống trong cái muốn (dục).

Giai đoạn thứ hai: khi mình mua được chiếc xe thì lúc đó cái thích của mình qua giai đoạn hai: cái muốn của người đang thủ đắc.


Cái muốn thứ ba là cái muốn sử dụng: mỗi lần chạy là thấy khoái.
Tôi đang thí dụ chiếc xe nhưng tất cả 5 cảnh trần khác đều y chang như vậy: 

  1. Kiếm tìm là 1 giai đoạn. 
  2. Sở hữu được là một giai đoạn. 
  3. Sử dụng là 1 giai đoạn. 
  4. Bảo trì là 1 giai đoạn. 
  5. Lúc đem ra sử dụng với người khác cũng là giai đoạn. 
Tức là suốt trong quá trình hưởng dục giai đoạn nào chúng ta cũng sống trong cái muốn, và luôn luôn sống trong cái muốn.

Chình vì luôn sống trong 5 dục với những cái muốn này, nên phàm phu mới nảy sinh ý niệm thương thích ghét sợ. Nhiều lần tôi cũng đã nói, vị Thánh A na hàm không còn thích dục trần nữa nên cũng không còn tâm sân, tức không còn thương ghét. Còn thích 5 trần mới còn thương ghét người này vật nọ cảnh kia. Cái này quí vị phải học thuộc lòng. (Hiểu đã đành nhưng phải học thuộc lòng):


“CÒN THÍCH 5 TRẦN MỚI CÒN THƯƠNG GHÉT NGƯỜI NÀY, VẬT NỌ, CẢNH KIA”.


Tiếp theo, dục này do đâu mà có? – Năm thứ dục vừa kể đều xuất phát từ TÀ TƯ DUY (micchavitakka = Tà Tầm).


Tà tư duy ở đây nói gọn là tham ái & tà kiến. Nói rộng là Dục tư duy, Sân tư duy và Hại tư duy.


Bữa này là dịp cho bà con thấy ra một chuyện: đó là trong các phiền não thì tâm sân nó không đáng sợ. Bởi nó không phải là nhân sanh luân hồi. Có nó hay không có nó người ta vẫn luân hồi. Cái ‘ái’ mới là nhân luân hồi. Còn ái thì còn luân hồi. Tâm sân, thấy đâm cha chém chú, máu lửa ngất trời, chinh chiến can qua tùm lum nhưng riêng tâm sân không phải là nguyên nhân sanh tử, mà tâm tham mới là gốc. Nên đây là lý do tại sao có nhiều chỗ quí vị thấy Đức Phật kể phiền não Ngài không kể tâm sân. Ngài kể ái, mạn, kiến, nghi. Thỉnh thoảng khi nào cần lắm ngài mới nhắc tới tâm sân. Thường Ngài nhắc là ái, kiến, hoặc ái, mạn, kiến, hoặc thêm nữa là ái, mạn, kiến, nghi (hoài nghi). Nhưng cái chánh vẫn là ái và kiến. Có chỗ Ngài nói ái và vô minh, nhưng lúc nào anh ái cũng dẫn đầu.


Cho nên người không còn tha thiết trong 5 dục thì không còn thương ghét. 5 dục (ý muốn = ‘chanda’) đó từ đâu nó ra? – ra từ Tà tư duy. Tà tư duy đây Chú giải nói gọn là ÁI & TÀ KIẾN. Hiểu rốt ráo ‘ái’ là thích cái này cái kia. Mà tất cả cái thích đều là Khổ Đế. Bất cứ cái thích nào cũng là Tập đế. Vậy Tập đế chính là thích trong Khổ đế.


‘Kiến’ là do tà kiến chấp một cái ‘tôi’ thường hằng vĩnh cửu (thường kiến), hoặc chấp không có cái ‘tôi’ chết rồi là hết (đoạn kiến). Chính cái chấp tà kiến này nuôi dưỡng tham ái của phàm phu. Còn bậc thánh hữu học thì không còn tà kiến, chỉ còn tham ái của thánh hữu học thôi, mà tham ái đó có cho vui chớ không đáng kể. Bởi vì tầng thánh thấp nhứt Tu đà hườn chỉ đi tối đa 7 kiếp nữa thôi, nên đối với tôi (Giác Nguyên) tầng sơ quả cũng coi như Niết bàn rồi, có điều bánh xe họ chưa dừng hẳn, chỉ đi thêm mấy tour nữa thôi. Tất cả đã đi vào quỹ đạo, đi vào dòng chảy rồi, nước đã vào ống, không còn đường khác.


Như vậy thương ghét ở đời do Dục. Dục thì do hai tà tư duy. Tà tư duy thì từ ‘papancasanna’ (chữ này ngài Minh Châu dịch là hý luận, nhưng tôi không muốn dịch, hơi phân vân). Tôi định nghĩa cho bà con nghe, chữ ‘papanca’ là ‘chướng ngại’.


Papanca gồm 3 phiền não: ái, mạn, kiến.


Tà tư duy đây ám chỉ cho ái & kiến. Mà ái & kiến lúc này lại do chính ái và kiến trước đây tạo nên. Các vị nghe kịp không? – Tức bây giờ tôi còn là phàm, chưa phải là thánh. Thì chính tham ái, kiêu mạn, tà kiến của tôi bây giờ (là 10g20) một lát nữa đây tôi thích cái này tôi thích cái kia, tôi ghét người này tôi ghét người nọ. Như vậy chính cái phiền não lúc này nó lại hỗ trợ cho cái phiền não lúc sau. Nếu lúc 11g mà tôi vẫn tiếp tục là phàm thì quí vị hiểu ngầm là tới 11g20, 11g45 tôi tiếp tục thương cái này ghét cái kia nữa. Cho nên ái mạn kiến chính lại là duyên cho ái mạn kiến.


Tiếp theo, vua trời Đế Thích hỏi Đức Phật: “Làm sao bỏ được ái, mạn, kiến?” Phật dạy: “Phải biết sống phân biệt cái gì nên và không nên trong đời sống vật chất và tinh thần”. 


Tôi nhớ đã nhiều và rất nhiều lần tôi nói với bà con, Kinh điển thì rất nhiều, nhưng toàn bộ Kinh Phật gom gọn lại chỉ có hai điều cần nhớ thôi. Đó là:
CHUYỆN GÌ NÊN LÀM VÀ CHUYỆN GÌ KHÔNG NÊN LÀM.
Cái gì nên làm thì mình thực hiện. Cái gì không nên làm thì mình kiêng tránh. Căn bản Đạo Phật chỉ có hai chuyện đó.


Đức Phật Ngài dạy: “Trong mấy mươi năm trụ thế hoằng Đạo, ta chỉ có dạy hai điều thôi. Ta nói rõ cho các ngươi biết cái gì trên đời này là khổ. Điều thứ hai là làm sao để lìa bỏ cuộc đời đau khổ này (khổ và con đường thoát khổ). Và con đường đó chỉ gói gọn trong 2 điều: chuyện gì nên làm và chuyện gì không nên làm.


Chuyện gì nên làm? 

– Chuyện gì mà nó khiến cho thiện pháp được tăng trưởng, ác pháp bị suy giảm thì đó là chuyện nên làm.

Chuyện gì nó khiến cho ác pháp tăng trưởng mà thiện pháp bị sụt giảm thì chuyện đó không nên làm. Dầu đó là một hành động, một cử chỉ, một câu nói hay một dòng suy tưởng chớp nhoáng qua đầu, mà hễ nó là nguyên nhân, là điều kiện hỗ trợ cho ác pháp thì bản thân nó là bất thiện.


Còn nếu nó là điều kiện, là nhân duyên, là sự hỗ trợ cho thiện pháp phát triển thì đó là điều cần và điều thiện.


Cho nên ở đây Đế Thích hỏi Thế Tôn làm sao diệt trừ ái mạn kiến thì Đức Phật ngài dạy rằng phải biết sống có sự lựa chọn trong đời sống vật chất và tinh thần. ‘Tinh thần’ ở đây là biết rõ cảm giác nào nên có và nên tránh’. Nói trên lý thuyết thiền định thì tầng thiền càng ít chi thiền càng tốt vì càng xa 5 dục. Như Sơ thiền có đủ 5 chi thiền vì còn gần với dục. Các tầng thiền sau ít dần các chi thiền. Đến tầng Tứ thiền thì chỉ còn Xả và Định nên đương sự không còn khổ, lạc, thương, ghét nữa.


Bất thiện dĩ nhiên nên tránh, nhưng thiện thô thiển vẫn không sánh bằng thiện vi tế. Cảm giác nào liên hệ phiền não ( ) thì nên tránh cảm giác nào hướng đến tinh thần xuất ly thì nên có.


Toàn bộ lời Phật in ra giấy mấy chục cuốn nhưng bài Kinh này thu ngắn lại. Nghĩa là thế giới này có tương tranh đấu đá là vì người ta có đố kỵ và bủn xỉn. Đố kỵ và bủn xỉn đó đi ra từ cái thương ghét. Mà cái thương ghét đi ra từ 5 kiểu dục. Năm kiểu dục thì đi ra từ tà tư duy. Tà tư duy đây chính là ái và kiến. Ái và kiến lại đi ra từ cái ái kiến trước đây. Ái mạn kiến bây giờ nó đi ra từ tà tư duy. Tà tư duy thì đi ra từ 3 cái chướng ngại, mà muốn tránh 3 chướng ngại này vị hành giả, người cầu Đạo giải thoát nói chung phải lưu tâm đến hai điều: đó là đời sống vật chất và tinh thần của mình có điểm nào liên hệ tới phiền não và điểm nào liên hệ tới sự xuất ly. 


Cụ thể:
- Chỗ ở nào mình càng ở mà phiền não càng nhiều, tham nhiều hơn, sân nhiều hơn thì chỗ ở đó BẤT THIỆN.
- Người nào mình càng thân cận thiện pháp càng phát triển mà phiền não giảm đi thì đó là NGƯỜI TỐT.
- Về cảm giác, có những lúc chúng ta sống rất vui nhưng chúng ta để ý cái vui đó có hỗ trợ cho đời sống tu tập tâm linh của mình hay không, hay những cái vui đó là những ngày hè vacation với gia đình với tình yêu với bạn bè thì cái vui đó thứ nhứt là chóng tàn, thứ hai là sẽ để lại những vị đắng. Năm nay tôi 47 tuổi, chưa có gia đình nhưng tôi nghĩ với tuổi này cho phép tôi có một chút thẩm quyền, một chút tư cách để nói về chuyện đó. Có nghĩa là trong 47 năm ‘tang thương’ trong cuộc đời phù du này tôi thấy chỉ có cái vui trong THIỆN PHÁP là nó ngọt trước mắt nó ngọt sau lưng và nó ngọt dài dài về sau. Tất cả những niềm vui nào mà nó không liên hệ tới Phật Pháp thì nó chỉ ngọt trước mắt, sau đó nó đắng nó cay nó chua nó chát, nó hôi nó nồng nó khê về sau. Tôi không biết rằng trong room này có bao nhiêu phần trăm bà con đồng cảm với tôi, nhưng riêng tôi, tôi có thể nói theo kiểu ngoài đời là trước vong linh của mẹ tôi và trước điện tiền Tam Bảo tôi nghiêm túc xác nhận rằng tôi đã thực sự cảm nhận như vậy. 


Tôi đã có kinh nghiệm bằng vàng như vậy: TẤT CẢ NIỀM VUI NÀO MÀ KHÔNG LIÊN HỆ ĐẾN THIỆN PHÁP THÌ SỚM MUỘN NÓ ĐỂ LẠI VỊ ĐẮNG. Hoặc nhẹ nhàng nhứt, nó để lại một sự ê chề, một sự ngao ngán, một sự ngán ngẫm, tẻ nhạt, vô vị đến mức chịu không nổi. Nó giống như một buổi tiệc tàn với một đống nôn mửa vậy đó. Đó là tôi đang nói đến niềm vui, tôi chưa nói đến các cảm giác khác, các nỗi khổ niềm đau, nghe.

Cho nên gom gọn lại thế giới này có tương tranh bởi vì có thương ghét. Thương ghét thì đi ra từ 5 dục. Năm dục đi ra từ ái mạn kiến. Mà muốn giải quyết ái mạn kiến này anh phải bảo đảm anh đang sống trong điều kiện sống tinh thần đang ra sao, anh đang sống trong đời sống vật chất như thế nào. Có nghĩa những người anh đang chơi, đang thân cận, ở gần, giao thiệp, liên lạc, đang quan hệ những người đó đang ra sao.Những sách báo nào, trang web nào, room, paltalk nào anh đang nghe đang đọc mỗi ngày. Những email, facebook nào quí vị thường lên đó tán gẫu, họp mặt … Để ý những cái đó! Coi cái nào liên hệ tới Phật Pháp, cái nào chỉ liên hệ đến thị dục, thị hiếu của mình, những sự quan sát này (để ý xem mình đang sống ra sao, sống với cái gì), chính sự để ý này giúp cho ÁI MẠN KIẾN CỦA MÌNH NGÀY MỘT MỎNG ĐI, MỘT MÒN HAO ĐI. Mà những thứ đó mỏng đi mòn đi thì mình sẽ được an lạc, sạch sẽ hơn. Đống rác mình dẹp càng sớm thì chỗ ở mình càng vệ sinh, càng an toàn, thông thoáng, càng dễ thở hơn.


Bữa nay giảng tới đây thôi. Còn đoạn sau dài thăm thẳm để sau. Bữa hổm tôi có hứa bài Kinh này giảng nhanh là sao? – Là toàn những đề tài bà con nghe biết rồi hết rồi, mình chỉ ôn lại thôi.

Ok, hẹn lại bà con sáng mai cũng giờ cũ, 9g Florida. Ngay lúc này có ai mà nấu cơm thì tôi giảng thêm tí nữa. Chúc các vị một đêm vui một ngày vui./.


Mục Lục các Bài Giảng

(hết)
Reply
Trường Bộ Kinh
Digha Nikaya

21. Kinh Ðế-thích sở vấn
(Sakka-panha sutta)

https://budsas.net/uni/u-kinh-truongbo/truong21.htm

--ooOoo--

21. KINH ĐẾ-THÍCH SỞ-VẤN

105. TRONG TRƯỜNG-HỢP NÀO ĐỨC PHẬT GIẢNG KINH ĐẾ-THÍCH SỞ-VẤN?

Vào một thời kia, đức Phật ngụ trong hang Nhơn-đà-sa-la (Indasàla), núi Tỳ-đà-sơn (Vediya), phía Bắc làng Am-bà-la (Ambasanda), gần thành Vương-xá (Ràjagaha) thuộc nước Ma-kiệt-đà (Magadha). Lúc bấy giờ, Vua Trời Đế-Thích (Sakka), cùng với Thiên-chúng đến chiêm-ngưỡng Thế-Tôn và thưa hỏi về Chánh-Pháp.

Nhơn đó, đức Phật giảng Kinh nầy để giải-thích rõ ràng về sáu câu hỏi của vua Trời Đế-Thích, có liên-quan đến (1)hận-thù, (2)tật-đố, (3)tầm-cầu và vọng-tưởng, (4)biệt-giải-thoát luật-nghi, (5)sự hộ-trì các căn, (6)tham-ái. Vua Trời Đế-Thích rất hoan-hỷ và thoải-mái và nói lên các điều lợi-ích khiến tâm mình hoan-hỷ khi được nghe Chánh-Pháp do Thế-tôn thuyết-giảng.

106. NỘI-DUNG KINH ĐẾ-THÍCH SỞ-VẤN.

A.- Ý Chánh: Kinh Đế-Thích Sở-Vấn, (sở = chỗ; vấn = hỏi) ghi sáu câu về Phật-Pháp của vua Trời Đế-Thích thỉnh-hỏi Đức Phật.

B.- Phân đoạn: Kinh chia ra hai phần:

1. Phần I: Trời Đế-Thích sai Ngũ-Kế đi đánh đàn ở chỗ Phật ngự:

Vua Trời Đế-Thích cùng với chư Thiên đến núi Tỳ-đà-sơn;
- Càn-thát-bà Ngũ-Kế vâng lịnh vua Trời tấu nhạc ở động Nhơn-đà-sa-la, núi Tỳ-đà-sơn;
- Vua Trời nhắc lại chuyện xưa, muốn đến đảnh-lễ gặp lúc đức Phật đang nhập-định, nên nay đến đây.

2. Phần II: Sáu câu hỏi của vua Trời Đế-Thích và lời giải-đáp của đức Phật:

- Câu hỏi 1: Do đâu có hận-thù?
Đáp: Do tật-đố và xan-tham;

Câu hỏi 2: Do đâu có tất-đố và xan-tham?
Đáp: Do ưa ghét mà có tật-đố và xan-tham; ưa ghét do dục; dục do tầm-cầu;

Câu hỏi 3: Do đâu có tầm-cầu?
Đáp: Do các loại vọng-tưởng và hý-luận. Muốn diệt vọng-tưởng, cần thân-cận với hỷ, ưu, xả, khi chúng chẳng câu-hữu với tầm-cầu.

Câu hỏi 4: Phải thành-tựu pháp biệt-giải-thoát luật-nghi như thế nào?
Đáp: Thân-hành, khẩu-hành và tầm-cầu mỗi thứ đều có hai loại: phải biết thân-cận với loại nào làm gia-tăng thiện-pháp, và tránh xa loại nào làm bất-thiện-pháp tăng-trưởng. Thành-tựu biệt-giải-thoát luật-nghi là như thế.

- Câu hỏi 5: Phải hộ-trì các căn như thế nào?
Đáp: Mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc-cảm, ý phân-biệt muôn pháp (muôn sự-vật), mỗi thứ đều có hai loại, chỉ nên thân-cận với loại nào là tăng-trưởng thiện-pháp mà thôi. Hộ-trì các căn là phải làm như thế.

- Câu hỏi 6: Các Sa-môn, Bà-la-môn đồng-tu có đồng cứu-cánh, đồng an-ổn và đồng phạm-hạnh với nhau không?
- Đáp: Không, chỉ có các Sa-môn, Bà-la-môn nào đã giải-thoát khỏi tham-ái mới đồng phạm-hạnh, đồng mục-đích, đồng an-ổn.

Thoả-mãn và hoan-lạc, Vua Đế-Thích đọc bài Kệ kể ra sáu đìều lợi-ích của niềm hoan-hỷ khi nghe được Chánh-Pháp.

107. TRÍCH-ĐOẠN: DO ĐÂU CÓ HẬN-THÙ?

... Bạch Thế-Tôn, do kết-sử nào, ... tất cả các loài ... sống với nhau trong hận-thù?
- Do tật-đố và xan-tham... Nầy Thiên-chủ, tật-đố và xan-tham do ưa ghét làm nhân-duyên, do ưa ghét làm tập-khởi; ưa ghét có mặt thì tật-đố, xan-tham có mặt; ưa ghét không có mặt thì tật-đố, xan-tham không có mặt... Nầy Thiên-chủ, ưa ghét do dục làm nhân-duyên, do dục làm tập-khởi, dục khiến chúng khởi lên;... (nếu) dục không có mặt thì ưa ghét không có mặt... Nầy Thiên-chủ, dục do tầm làm nhân-duyên, do tầm làm tập-khởi, tầm khiến dục sanh-khởi; ... (nếu) tầm không có mặt, thì dục không có mặt... Nầy Thiên-chủ, tầm lấy các loại vọng-tưởng hý-luận làm nhân-duyên, lấy các loại vọng-tưởng hý-luận làm tập-khởi...(nếu) các loại vọng-tưởng hý-luận không có mặt thì tầm không có mặt...

- Bạch Thế-Tôn, ... phải thành-tựu con đường nào (để) diệt-trừ các loại vọng-tưởng hý-luận?

- Nầy Thiên-chủ, có hai loại hỷ,... có hai loại ưu, ... có hai loại xả: loại câu-hữu với tầm, và loại chẳng câu-hữu với tầm. Loại không câu-hữu với tầm và tứ thì thù-thắng hơn... Nầy Thiên-chủ, phải thân-cận với loại hỷ, ... ưu, ... xả nào mà thiện-pháp được tăng-trưởng... và bất-thiện-pháp bị suy-giảm,... (cũng) chẳng câu-hữu với tầm và tứ, thì thù-thắng hơn... Nầy Thiên-chủ, vị Tỳ-kheo phải chứng-đạt như vậy, phải thành-tựu con đường như vậy, mới thích-hợp và hướng-dẫn đến sự diệt-trừ các vông-tưởng hý-luận....

108. HỌC KINH ĐẾ-THÍCH SỞ-VẤN, CHÚ-Ý ĐIỂM NÀO?

Kính Đế-Thích Sở-Vấn quan-trọng ở điểm đức Phật chỉ dạy cách diệt-trừ hận-thù để cuộc sống chung được hoà-mục và an-ổn. Diệt-trừ bằng cách tìm ra nhân-duyên đã gây ra hận-thù.

Đức Phật đã dùng phương-pháp tìm nhân-duyên dây chuyền đưa đến sự hận-thù, từ tật-đố (= ganh-ghét), xan-tham (= bỏn-sẻn) cho đến các vọng-tưởng hý-luận, mà quan-trọng nhứt là sự tầm-cầu chạy theo các dục-vọng. Nguyên-tắc căn-bản là chớ thân-cận vào các nhân-duyên nào làm bất-thiện-pháp tăng-trưởng và đồng thời làm suy-giảm các thiện-pháp. Trong việc nầy, sự hộ-trì các căn là điểm rất thiết-yếu.




--ooOoo--

Sư Toại Khanh Giảng Kinh Ðế-Thích Sở Vấn 2 (1-3)

https://toaikhanh.com/videotext.php?vid=Je-2UksxRO0&abt=Kinh+%C3%90%E1%BA%BF-Th%C3%ADch+S%E1%BB%9F+V%E1%BA%A5n+2

Kinh Ðế-Thích Sở Vấn 2

Quote:Kalama tri ân bạn- buithibuukim ghi chép.
13/02/2022 - 09:28 - buithibuukim
KINH ĐẾ THÍCH SỞ VẤN (2) – SAKKA PANHA SUTTA
(Giảng ngày 24/8/2016)

Sáng nay chúng ta giải quyết phần còn lại của bài Kinh Đế Thích Sở Vấn.

Nội dung Kinh này gồm 14 câu hỏi & đáp:

1. Issamacchariya: bủn xỉn và đố kỵ.
2. Payappiya: thương ghét
3. Năm dục: chanda
4. Tà tư duy (tà tầm): vitakka
5. Chướng ngại: Papanca
6- 7- 8. Hỷ- ưu- xả: somanassa - domanassa - upekkha.
9. Thân hành: kayasamacara.
10. Khẩu hành: vacisamacara
11. Tầm cầu: pariyesana
12. Thu thúc các căn: indriyasamvaro.
13. Khuynh hướng sai biệt, đa dạng: anekadhatu.
14. Lý tưởng hay cứu cánh hành trì: accantanittha

Ôn lại: Thiên vương Đế thích biết mình sắp chết xuống hầu Phật hỏi Đạo. Câu đầu tiên Đế Thích hỏi vì đâu chúng sinh trong đời cứ tương tranh đấu đá nhau. Từ trên thiên giới xuống tới cõi dục, tới con trùn con dế tương tranh giết chóc làm khổ nhau đời này qua đời khác, thế hệ này qua thế hệ khác trong mọi hoàn cảnh, mọi không gian thời gian. Vì sao vậy?

Thế Tôn dạy bởi do hai pháp bất thiện là bủn xỉn và đố kỵ. Bủn xỉn là không muốn mình bị mất cái gì. Không muốn chia sẻ cái mình có cho ai dầu về tinh thần hay vật chất. Còn đố kỵ là không muốn người khác được cái gì.

Hai cái này từ đâu mà có? – Bủn xỉn do ghét thương mà có. Mình thích cái đó quá nên không muốn cho ai: bủn xỉn do thương. Cái đối tượng đó mình không ưa nên cũng không muốn cho: bủn xỉn do ghét.

Đố kỵ cũng có hai. Người mình thương quá mà giờ họ tìm tới người khác mình chịu không nổi: tật đố do thương. Tật đố (ganh ghét, ghen tỵ) do ghét là cái người đó mình ghét quá nên không muốn họ được cái gì.

Nên thế giới này tương tranh đấu đá là do bủn xỉn đố kỵ. Bủn xỉn & đố kỵ lại đi ra từ cái ghét thương. Ghét thương lại đi ra từ 5 dục (chanda = muốn, tha thiết). Dục gồm chưa có muốn cho có. Có rồi muốn bảo trì, rồi hưởng thụ, tích lũy v.v…Chính vì mình tha thiết cái gì đó mình mới bận tâm để bủn xỉn để ganh tỵ. Nếu mình không coi nặng vật đó, cảnh đó, người đó thì làm gì có bủn xỉn, ganh tỵ. Quý vị ngó lại dùm tôi coi những trường hợp nào cái bủn xỉn đố kỵ quý vị xuất hiện là đều phải dựa vào một người hay vật nào đó theo quý vị là có giá trị. Nghĩa là quý vị có tha thiết (chanda) người đó vật đó mới nảy sinh ra thương ghét –> nảy sinh bủn xỉn đố kỵ. Nếu vật đó, chuyện đó không ra gì hết thì mình đâu quan tâm.

Đế Thích hỏi Thế Tôn vì đâu mà có 5 dục. Ngài trả lời do tà tư duy. Tà tư duy thì do ái và kiến. Ái là ngày nào mình còn thích trong 5 trần vật chất thì mình còn thương ghét. Vị A na hàm và Phạm thiên nói chung không có tâm sân vì họ không còn thích trong 5 dục nữa (Phạm thiên phàm phu chỉ hết sân tạm thời). Không còn thích trong dục nên không còn tình cảm ái luyến người này người kia. Không còn thích 5 dục nên không còn thích sắc, thinh, khí, vị, xúc. Nếu không thương mến người này người kia, không thích sắc thinh khí vị xúc một cách đặc biệt thì dứt khoát cũng không còn sân hận, bất mãn, ghen tuông, đố kỵ, sợ hãi, bủn xỉn. Nếu họ còn phàm thì mai này rời cõi Phạm thiên họ trở về đơn vị gốc cõi Dục giới thì mọi thứ trở lại như cũ. Nhưng ngày nào Phạm thiên phàm phu đó ở cõi phạm thiên thì họ không có sân. Còn riêng vị A na hàm thì vĩnh viễn không còn thích 5 dục trần nữa nên cũng vĩnh viễn không còn sân.

Chữ ‘sân’ trong A tỳ đàm nghĩa rất rộng. Ở ngoài đời không học giáo lý nghe chữ sân hận thì hiểu nghĩa là giận, ghét. Còn A tỳ đàm nói giận ghét là một phần của tâm sân thôi. Sợ hãi cũng là sân: sợ ma, sợ chuột, sợ rắn, sợ nước, sợ bóng đêm … Tất cả sợ, ghét, giận, tiếc của, hối tiếc … đều là ‘sân’ hết. Người nào còn thích trong 5 dục sắc thinh khí vị xúc người đó mới có sân.

Trong đời sống này kẻ nào tự thấy mình còn hờn giận, còn tức tối, ghét bỏ, bất mãn thì kẻ đó phải tự hiểu rằng mình còn đa mang 5 dục trùng trùng ở trong lòng. Hãy nhớ cái đó, dầu người đó tự thấy mình không có. Tôi đã gặp người như vậy rồi. Họ nói với tôi sao họ không có tha thiết: ‘Đối với tôi ăn cái gì cũng được, mặc cái gì cũng được.Tôi mua cái nhà tại vì bà xã với mấy đứa con chớ tui không tha thiết. Xe cộ tui đi xe gì cũng được. Giày dép, áo quần cái gì tui cũng được. Mà tui cũng không rượu chè thuốc lá, nghiện ngập, không có bài bạc, không thích đi du lịch, mua sắm’.

Tôi đã gặp người như vậy đó. Mà tôi tin chắc trong room quý vị cũng có gặp chớ không phải chỉ có tôi. Có nghĩa là họ biết đi làm ngoài sở, về đưa hết lương cho vợ. Bà xã cho ăn cái gì thì ăn cái đó. Còn con cái thì cũng hỏi thăm học hành sao, chuyện nhà cần thì giúp, xong rồi ổng cũng vô đọc sách hà. Người như vậy thì quý vị để ý: một là họ có dục ngầm. Có nghĩa họ thích cái gì đó họ chưa nói ra, bởi vì không có điều kiện, không đúng hoàn cảnh. Trường hợp thứ hai họ đúng là người thiểu dục thiệt. Thì tôi xin hứa một điều, người thiểu dục thì thiểu sân. Cái đó tôi bảo đảm 1.000%, ít dục là ít sân. Còn có trường hợp tôi phải kể ông đó ra là nhìn hình thức thì đúng là thiểu dục, nhưng trong bụng ổng ngầm thích cái gì đó mà mình hỏng biết. Chỉ là chưa gặp đúng cảnh thôi.

Tiếp theo, Đế Thích hỏi Thế Tôn tiếp tục. Đây là một bài Kinh nếu mình đọc sơ qua thì thấy không có gì ghê gớm. Sớ giải Kinh này đáng được xem là Kinh gối đầu cho hành giả Tuệ quán. Nó hay đến mức khi đọc tôi phải băn khoăn. Tôi nghĩ hỏng lẽ mình giảng hết cái này sao trời! Người hành giả thực sự thì vì một câu nói của mình thôi, đó là ‘bài Kinh này quan trọng cho hành giả nè’, thì họ sẽ một là tự lục lạo, còn nếu bí quá thì họ liên lạc thẳng với chúng tôi. Hoặc quý vị ra núi Dinh gặp ngài Thanh, ngài Hộ Pháp nếu quý vị ở trong nước. Đã ở ngoài này thì quý vị có học ngoại ngữ đọc thẳng vô bản documentary của Kinh này, hoặc gọi thẳng chúng tôi. Nhưng giảng chung đại chúng thì tôi nản bởi cái phần nó rất là sâu. Nó sâu từng câu một, thưa quý vị! Cho nên Chú giải Kinh này rất đáng để được xem là sách gối đầu cho hành giả Tuệ quán.

Tiếp theo thiên vương hỏi Thế Tôn 5 tha thiết đó do gì mà có. Đức Phật nói do 2 tà tư duy (tà tầm) là ÁI & KIẾN. Thông thường mình nghe tà tư duy gồm Dục tư duy, Sân tư duy và Hại tư duy. Nhưng ở đây Thế Tôn không nói kiểu đó. Ngài nói tà tư duy có hai thôi là ái và kiến. Trong A tỳ đàm nói rõ là ái và kiến bao trùm ba cái kia. Vì Dục tư duy là niềm đam mê trong việc hưởng thụ trần cảnh. Sân tư duy là bất mãn trong trần cảnh. Hại tư duy là có lòng đem lại sự bất lợi cho chúng sinh khác. Cả ba cái này chỉ có ở người nào còn đủ ái và kiến.

Ái là 108 ái, tức là 3 thọ (thọ lạc, thọ khổ, và thọ trung tính (thọ xả)) trong 6 trần x bản thân và ngoại thân x ba thời quá khứ hiện tại vị lai (3x6 = 18 x2 = 36 x 3 = 108).

Kiến là 62 tà kiến trong Kinh Phạm Võng.

Ngài nói mình còn tha thiết trong đời bởi vì mình còn hai cái ái và kiến này. Ái là còn thích cái này cái kia. Kiến là còn chấp thường chấp đoạn. 

Trong room còn nhớ 3 thường kiến, 3 đoạn kiến không ? 

Thường kiến:
  1. tin vào một cái tôi còn hoài đi từ đời này sang kiếp khác. 
  2. tin vào một đấng chí tôn, 
  3. tin vào một cõi vĩnh hằng nào đó. 
Đoạn kiến: 
  1. vô hành kiến là cho rằng thiện ác giống nhau. 
  2. vô nhân kiến là cho rằng mọi thứ ngẫu nhiên mà có. 
  3. vô hữu kiến là cái gì mình không thấy được, không chứng minh được thì là không có (như luân hồi, quả báo, thánh nhân …).
Tiếp theo thiên vương hỏi Thế Tôn hai tà tư duy đó dựa vào đâu mà có. Thế Tôn trả lời do 3 chướng ngại tưởng. Tức là cái ái kiến lúc này là do cái ái kiến trước đây làm nền tảng. Và ái kiến bây giờ sẽ là nền tảng cho ái kiến về sau. Nên nếu tham ái và tà kiến ngay bây giờ, ngay lúc này không được đoạn trừ thì nay mai mình lại tiếp tục tham ái và tà kiến.

Khi học giáo lý Duyên khởi chúng ta biết ‘ái’ và ‘kiến’ chính là 4 thủ. 4 thủ có mặt –> hai hữu có mặt – > có tái sanh. Tái sanh về cảnh khổ thì khỏi nói. Tái sanh về cõi lành thì sống hết tuổi thọ lọt xuống lại đơn vị gốc.

Trong tam giới này, hai chữ ‘tái sanh’, phải hiểu ngầm 99,9 % là về cảnh khổ, đi xuống, chớ đừng mong làm tiên làm thần! 

Các vị không tin coi lại Kinh Rùa Mù, Kinh Sừng Bò, Kinh Đầu Móng Tay. Các vị còn nhớ 3 bài Kinh đó không?

Kinh Rùa Mù Ngài nói rằng con rùa mù trăm năm nó trồi lên biển một lần. Tình cờ nó chun vào lỗ ván thì cái xác suất đó thấp như thế nào thì chuyện một người chết rồi trở lại cảnh giới người, cảnh giới chư thiên nó còn thấp hơn vậy nữa.

Kinh Sừng Bò Ngài dạy ngài A Nan: trong con bò, sừng có hai mà lông vô số. Đó là một tỉ lệ chênh lệch rất lớn. Cũng vậy, số chúng sanh chết rồi mà trở lại hai cõi nhân, thiên chỉ là số sừng bò thôi. Còn số đọa lạc bốn đường khổ nhiều như lông bò vậy.

Kinh Đầu Móng Tay: Đức Thế Tôn lấy một ít đất trên đầu móng tay ngài hỏi chư tăng số đất ở đầu móng tay ta và số đất trên đại địa này cái nào nhiều. Chư tăng : “Bạch Thế Tôn, chắc chắn số đất trên đại địa nhiều hơn”. Ngài nói số người chết rồi mà trở lại hai cõi nhân thiên chỉ như là số đất trong móng tay Ngài thôi. Còn số chết rồi mà đi xuống thì như đất địa cầu vậy.

Ngoài ra còn các Kinh khác nữa. Như Ngài dạy: “Này các tỳ kheo, máu mà các ngươi đổ ra trong đời quá khứ vì bịnh tật, vì chiến tanh, vì đâm chém thù hận, vì tai nạn nói chung là máu mỗi người mình đổ ra trong dòng luân hồi nhiều hơn nước bốn biển! Rồi sữa mẹ mà mình bú trong dòng luân hồi (mỗi người) nó nhiều hơn nước trong bốn biển. Rồi nước mắt mỗi người khóc trong dòng luân hồi nhiều hơn nước trong bốn biển! Trái đất này ¾ là nước. Nước bao la sâu thẳm, mênh mông. Ấy vậy mà khối lượng đó chẳng là gì so với máu, lệ, sữa mẹ mà chúng ta đã biết qua trong vô thủy luân hồi. 

Nghĩ cái đó mới ngán! Cho nên hễ ngày nào còn ái, mạn, kiến là ngày đó chúng ta còn tiếp tục đầu tư sanh tử. Đó là papanca, ở đây dịch là ‘hý luận’ tôi khó chịu lắm. Đúng là papanca có nghĩa là hý luận, nhưng trong trường hợp này nó có nghĩa là ‘chướng ngại’, có nghĩa nó ngăn trở con đường giải thoát, Niết bàn.

Tiếp theo vua Đế Thích hỏi bằng cách nào diệt trừ ái mạn kiến. Thế Tôn nói rằng ái mạn kiến có hai: có loại nên có và có loại không nên có. Hành giả Tuệ quán hay kẻ không biết Phật Pháp đều có thể hành động theo ái mạn kiến. Nhưng tu tập với ái mạn kiến vẫn tốt hơn là sống với ba thứ đó mà không tu tập.

‘Mạn’ là 9 thứ: chấp bằng, chấp thua và chấp hơn. Rất nhiều bà con cứ nghe ‘ngã mạn’ là nghĩ nghĩa là ta đây, cống cao, ngã mạn, tự đắc, tự mãn, tự kiêu, tự đại, tự tôn, tự hào… Xin thưa cái đó mới 1/3 của ngã mạn thôi. Mà ‘ngã mạn’ là CÓ LÒNG SO SÁNH MÌNH VỚI NGƯỜI, DẦU LÀ MÌNH SO THUA, SO BẰNG HAY SO HƠN thì đều là ngã mạn hết. Thí dụ cái mặc cảm, cái tự ti cũng là ngã mạn, mà tự tôn, tự đại cũng là ngã mạn. Thấy ta không thua sút ai cũng là ngã mạn.

Cái ái mạn kiến là không nên nhưng có trường hợp nếu hành giả Tứ Niệm Xứ còn là phàm phu, vừa trong lúc đang tu tập mà có một chút mạn, chút ái thì không sao. Tức còn bị tác động ít nhiều bởi 3 phiền não đó thì không sao. Không sao đây không phải là tốt nhưng vẫn là hơn người không tu tập, người không có gì.

(còn tiếp)
Reply
(tt) Sư Toại Khanh Giảng Kinh Ðế-Thích Sở Vấn 2 (2-3)

https://toaikhanh.com/videotext.php?vid=Je-2UksxRO0&abt=Kinh+%C3%90%E1%BA%BF-Th%C3%ADch+S%E1%BB%9F+V%E1%BA%A5n+2

Tiếp theo ngài nói 3 Thọ. Ngài nói tất cả cảm thọ cũng vậy. Tất cả niềm vui, nỗi khổ, cảm giác tẻ nhạt, vô vị nó cũng có hai: có những niềm vui nên có và có những niềm vui không nên có.

  1. Những niềm vui nên có: niềm vui từ sự tu tập chánh pháp, niềm vui từ Hỷ giác chi, niềm vui từ sự thành tựu tín, tấn,niệm, định, tuệ.
  2. Niềm vui do sự hưởng thụ 5 dục trần là không nên có.
Khổ cũng vậy. 
  1. Khổ mà do sự tiếp xúc 5 trần thì không nên có. 
  2. Khổ mà do những thử thách trên đường tu tập thì nên có. 
Thí dụ vị tỳ kheo ngồi trong bóng cây mà trời hè quá nóng, vị đó tự nhủ cái nóng này nó không là một phần tỷ của cái nóng dưới địa ngục. Bây giờ mình dễ duôi mai mốt lọt xuống dưới thì nó nóng gấp ngàn triệu tỷ cái này. Khổ (thân ưu, tâm ưu) do tu tập cũng có .

Nhưng đời tu nếu tu chân chánh, tu rốt ráo, thiết tha, tinh tấn thì tôi bảo đảm hai chuyện: thứ nhứt các vị sẽ có những niềm vui mà người không tu tập không thể nào biết được, không thể có được. Còn điều này tôi cũng bảo đảm luôn nếu quý vị tu tập đúng đường quý vị cũng trải qua những giây phút ‘tang thương’ lắm. thí dụ như thèm mà không được ăn, muốn cái đó mà không dám, rồi phải gồng mình, phải chịu đựng những cảm giác, cảm xúc mà người không tu tập không thể ngờ nổi.

Cho nên có những niềm vui nên có vì có liên hệ đến tu học. Những niềm vui chỉ liên hệ đến dục trần thì không nên. Có những nỗi khổ niềm đau nên có vì nó có từ những thử thách tu tập, tu hành, thử thách tâm linh. Còn những nỗi khổ niềm đau có từ chuyện mình va chạm trần cảnh thì không nên.

Rồi cảm giác xả thọ là sự vô vị nhạt nhẽo, nhàm chán, hờ hững, lãnh đạm, lạnh lùng… thì những cảm giác này cũng có hai loại: 
  1. Cảm giác xả thọ từ chuyện hưởng thụ vật chất, hưởng thụ trần cảnh không nên có. 
  2. Nhưng cảm giác tẻ nhạt vô vị của đời tu thì nên có. 
Thí dụ người đời đâu bao giờ hình dung chuyện một người có gia đình mà bây giờ bỏ vợ chồng con cái qua một bên, chiều ra am ra cốc ở vườn ở rừng, ở núi ngồi một mình. Có nhiều khi hành thiền an lạc nhưng cũng có khi cảm thấy cô đơn, lẻ loi rất lạ, vì không có ai chia sẻ quan điểm, nhận thức của mình về Phật Pháp hết. Những giây phút đó quý vị sống bằng cảm giác Xả thọ ê chề. 

Thì những ê chề đó nó có từ tinh thần tu học, từ nhận thức tu tập thì nên có. Còn những ê chề do mình thừa mứa, thỏa mãn trong 5 dục trần thì không nên có.

Đức Phật dạy: “Này các tỳ kheo, khi ta nhìn thấy một vị tỳ kheo ngồi ngủ gật ở trong rừng ta vẫn hoan hỷ hơn là ta nhìn thấy một tỳ kheo ở trong phố”. 

Vì sao? 
– Vì ta nhìn vị tỳ kheo ở trong làng mạc phố xá ta nghĩ không biết lát nữa đây vị này sẽ gặp những rắc rối phiền phức gì. Ai sẽ làm phiền vị này. Vị này sẽ bị phiền phức bởi những trần cảnh nào. Nhưng ngược lại, khi ta nhìn thấy một vị tỳ kheo ở trong rừng sâu dầu ngồi ngủ gục, ta vẫn nghĩ rằng vị này sau khi tỉnh dậy thì sẽ tiếp tục tinh tấn”.

Đức Phật có những bài Kinh, những lời dạy rất gần với mình. Chẳng hạn: “Này các tỳ kheo, tất cả chư Phật ba đời mười phương đều tán thán trú xứ viễn ly xa vắng. Này các tỳ kheo, những khi ta sống một mình, nhìn trước sau chung quanh không có ai, ta cảm thấy an lạc thoải mái. Cho đến việc sinh hoạt cá nhân như tiểu tiện cũng cảm thấy thoải mái”. Đó là Chánh Kinh, nói cho đến việc như đại tiện tiểu tiện thì vị tỳ kheo cũng cảm thấy thoải mái chớ đừng nói đến chuyện khác.

Trong Kinh có những bài đặc biệt mà mình không đọc, lại đi trông ngóng chư tăng giảng cái gì nghe cái đó. Cái đáng trách nhứt là cứ nghe những bài ‘pháp an toàn’, tức những bài Pháp mà giảng không sợ ai bắt bẻ. Quanh năm cứ Phật Đản đem Sử Phật ra kể, dâng y thì đem ý nghĩa dâng y giảng, Vu Lan thì đem hiếu đạo ra giảng, đầu năm thì mấy cái vụ phước đức, cầu tài cầu lộc gì đó. 

Mình không chịu bỏ thời gian nghiên cứu Kinh điển nên không ngờ di sản Thế Tôn để lại phải nói là đồ sộ, vô giá, cực kỳ lợi lạc quý hiếm và thú vị.

Ngài dạy rằng các cảm thọ gồm thọ Khổ, thọ Ưu, thọ Xả cũng đều phải được phân hai: cái nào nên có và cái nào nên không.

Toàn bộ giáo lý Thế Tôn Ngài có giảng bao nhiêu pháp môn đi nữa gom gọn lại cũng chỉ có hai: NÊN TRÁNH VÀ NÊN CÓ.

Ngay khi nghe Phật giảng xong 3 Thọ thì Đế Thích chứng Dự Lưu và mệnh chung tại chỗ rồi lập tức sanh lại làm Đế Thích như cũ. Chỉ có ông ấy và Phật biết được chuyện này (Pali Chú giải đoạn cuối 363 nói rõ chuyện này):

“Sakko pana sotapanno jato”: đức trời Đế Thích đắc được Dự lưu.
“Sotapanno ca hutva bhagavato puratoyeva cavitva tarunasakko hutva nibbatti”: đắc xong rồi chết rồi trở lại làm một Đế Thích trẻ.
“Devatananhi cavamananam attabhavassa gatagatatthanam nama na pannayati”: tất cả chư thiên chung quanh không hề biết chuyện gì xảy ra (gatagatatthanam), chuyện ổng chết rồi ổng trở lại không ai biết gì hết.
“Dipasikhagamanam viya hoti”: nó giống như ngọn lửa cái đèn vừa chao qua một cái. (Các vị tưởng tượng ngọn đèn không tắt (dipasikha) rồi ngọn lửa chỉ chao qua một cái thì quý vị đâu thể gọi là ngọn đèn tắt được, vì rõ ràng vẫn còn thấy ngọn lửa. Nhưng thực ra ngọn lửa hồi nãy thấy thì đã mất rồi nó được nuôi dưỡng bằng hóa chất mới đốt lượng hydro mới tạo ra ánh lửa mới). Nhưng vì nó quá nhanh nên mình không thấy. Ở đây cũng vậy, Đế Thích chứng Sơ quả rồi chết mà không ai biết hết.

Ngay chỗ đó riêng Đế Thích vì căn cứ vào cái chết của mình mà biết chuyện đó. Còn Thế Tôn do cái trí của mình mà biết chuyện đó. Chỉ có hai người này biết được chuyện đó mà thôi.

Sau đó Đế Thích nghĩ: Ta đã là vị Dự lưu thì thôi ta hãy hỏi tiếp Thế Tôn những câu hỏi về nội dung cao hơn, những vấn đề khó khăn hơn dành cho những bước tu tập cao hơn.

Ở đây tôi giảng sơ về vấn đề ‘cảm thọ’ chớ Chú giải giảng về cảm thọ hay ghê lắm.

Tức là pháp môn Tứ Niệm Xứ có nội dung nhắm đến hai đề mục (kammatthana):

- Đề mục sắc pháp (rupakammt) gồm oai nghi (tư thế sinh hoạt: đi đứng nằm ngồi khóc cười tắm rửa, ăn uống nhai nuốt, gãi, cào, co duỗi v.v…), hơi thở ra vào, tử thi, thể trược.
- Đề mục danh pháp (arupakammt ). Arupa ở đây không phải là vô sắc mà là phi sắc. Phi sắc tức là danh. Trong tiếng Anh ‘no’ là không có, ‘not’ là không phải, hoặc là ‘đừng’. Thí dụ ‘thiền vô sắc’ là của người chán sắc pháp, họ dùng đề mục tinh thần để đắc chứng thiền vô sắc, sanh về cõi không có sắc pháp, không có vật chất. ‘Arupa’ ở đây không phải ‘vô sắc’ như vậy mà nó là ‘phi sắc’, nghĩa là nó ‘không phải sắc pháp’ chớ không phải ‘không có sắc pháp’. Mai mốt đọc Kinh thấy chữ ‘arupakammt’ thì bà con nhớ hiểu đây là ‘danh pháp’, chớ không phải đề mục ‘vô sắc’ trong trường hợp này thôi.

Đề mục ‘danh pháp’ ở đây nói gọn có 3: xúc, thọ và tâm. Nói rộng thì có 5: xúc, thọ, tưởng, tư, tâm (thức): phassa, vedana, sanna, cetana, vinnana.

Tại sao có chỗ kể thành ba mà không kể thành năm? 
– Chú giải giải thích, ba cái xúc, thọ và tâm là 3 cái nổi bật dễ ghi nhận nhứt, mặc dù kể cho đủ thì đề mục danh pháp phải gồm có 5. Nghĩa là từ Thọ quán niệm xứ, Tâm quán niệm xứ và Pháp quán niệm xứ là gồm 5 cái này luôn:

Tattha yassa phasso pakato hoti: đối với một số hành giả khi hành như vậy thì Xúc nổi bật (Pakato: rõ ràng, nổi bật). Đối với một số người thì Thọ nổi bật. Có một số người thì Tâm thiện ác nổi bật so với hai cái kia.

1/ Xúc: Đối với một số hành giả khi thấy, nghe hoặc ngửi mùi họ biết cái này là do mắt, cảnh sắc & nhãn thức cộng hưởng lại, từ cái thức đó mới ra cái thọ này. Thay vì mình thấy cái đó đẹp, hoặc mình nghe cái đó mình giận mình thích thì vị đó chỉ ghi nhận ‘đây là nhãn xúc, đây là nhĩ xúc, tỷ xúc …’ thôi.

2/ Thọ: khi hành giả tiếp xúc trần cảnh chỉ chú ý cảm giác mình lúc đó thôi: ‘đang khó chịu – khó chịu. Dễ chịu ha – dễ chịu. Đau – đau, lạnh, khổ, xả …’, họ biết rõ vậy. Đó là những người khi họ tu tập cái thọ nổi bật với họ.

3/ Tâm: họ biết đây là tham nè, là sân … thì đó là tâm nổi bật.

Trong đây có nói rõ là dĩ nhiên không phải toàn bộ cái xúc hiển hiện (chữ ‘kevalan’: toàn bộ), không phải toàn bộ cái thọ hiển hiện mà cái xúc họ ghi nhận đến đâu thì họ chỉ ghi nhận đến đó mà thôi.

Cho nên Đức Thế Tôn đã nhìn vào căn tánh của vua Đế Thích mà Ngài trả lời theo câu vua trời hỏi. Cũng câu hỏi đó (Làm sao diệt trừ được các pháp chướng ngại) thì tôi xin bảo đảm 1.000% các vị cũng biết có vô số (chớ không phải triệu hay tỷ) cách trả lời. Riêng trong trường hợp này Thế Tôn nhìn rõ căn cơ sở tánh vua Đế Thích nên Ngài chọn câu trả lời bằng cách Ngài lựa cái ‘thọ’ làm đề tài giảng cho vua nghe.

Nhắc lại ở đây Chú giải nói thêm là đề mục Tứ Niệm Xứ có hai loại: đề mục sắc pháp và đề mục danh pháp. Đề mục sắc pháp bao gồm thể trược, tử thi, tiểu đại oai nghi & hơi thở. Đề mục danh pháp hoặc có ba hoặc năm. Có ba là xúc, thọ và tâm. Kể 5 là xúc, thọ, tưởng, tư & thức. Dù kể 3 hay 5 thì cũng giống nhau. 

Mình không phải là hành giả Tứ Niệm Xứ, lại không học A Tỳ Đàm thì mình nghe phần giải thích này rất khó chịu. Làm sao mà khi tôi thấy tôi nghe tôi lại quán chiếu về xúc về thọ được? – Nhưng có thực tập thì mới thấy. Có người họ không quan tâm cảm giác về Xúc mà họ chỉ biết ‘ồ, cái này do xúc mà có, cái này do thọ mà có, cái này do tưởng do tư mà có’.

Ở đây cũng giải thích một chuyện thú vị là: 
Hành giả có hai cách quán chiếu Tập khởi của danh sắc:

- Quán chiếu về nhân: Hành giả thấy rằng xúc, thọ, tưởng, tư, thức này cộng lại thành ra sự hiện hữu của ta. Cái biết của ta là do 6 căn mà có (vatthunissita).
- Hành giả thấy rằng ngoài 5 uẩn không có chúng sinh, vậy 5 thứ này ở đâu mà có. Thấy rằng do vô minh mà có 3 hành (thân hành, khẩu hành và ý hành). Từ đó mới có thức tái sanh và lục nhập. Vậy vô minh là gốc của sự hiện hữu này (avijjahetuka).

Đó là quán chiếu về nhân, quán chiếu về quả. Quán chiếu nhân là hành giả thấy mọi hiện hữu của mình do xúc, thọ, tưởng, tư và thức mà có. Mà những cái đó vốn dĩ từ cộng ghép, lắp ráp.

Mà khối tổng hợp đó từ đâu mà có? 

– Là từ vô minh về Bốn Đế mới có 3 hành (các nghiệp thiện ác). Từ các nghiệp thiện ác đó mới có các thức tái sanh cõi này cõi nọ. Từ thức tái sanh mới dẫn đến 6 căn (lục nhập). Từ lục nhập mới có xúc này nè –> Bây giờ mới quay trở lại quán chiếu Xúc này. Tức là thay vì trước đây mình nghe cái đùng mình chỉ hết hồn thôi. Bây giờ mình biết liền: ‘nghe, đang nghe, nhĩ thức, nhĩ thức’, hoặc là ‘nhĩ xúc’. Chỉ ghi nhận cái đó thôi. Và ngay khi mình ghi nhận ‘nhĩ xúc’ đó là mình hiểu ngầm nhĩ xúc này từ 6 căn mà có. Và 6 căn đó do thức tái sanh mà có –> Thức tái sanh đó do 3 hành mà có. –> Ba hành đó do vô minh trong Tứ đế mà có.

Có người sẽ thắc mắc: Tại sao trong một khoảnh khắc ngắn như vậy mà người ta có thể ‘biết’ nhiều như vậy? –Các thiền sư trả lời: Anh phải có kiến thức trước thì lúc đó sự ghi nhận của anh mới bén được.

Tôi ví dụ. Quý vị rất thương mẹ và biết rất nhiều về mẹ, biết rõ ràng về mẹ mình. Cho nên buổi trưa mình đang ngủ mình nghe cái ‘xạc’ mình nhìn ra ngoài thì thấy cái áo mẹ phơi trên bờ giậu rớt xuống. Cùng ngay lúc đó, tôi xin hỏi trong room, các vị có thể cùng ngay lúc nhìn thấy cái áo đó quý vị có thể biết đây là áo của mẹ mình không? Quí vị có thể biết cái áo ở đâu rớt không? Mẹ phơi ở bờ giậu. Biết liền. Biết chớ làm sao không! Có tu mới biết, cái biết đó nó nhanh lắm!

Tiếp theo khi vua biết mình đắc Sơ quả rồi vua hỏi thêm Thế Tôn làm sao để mình giữ giới thanh tịnh. Đức Phật dạy muốn giữ giới thanh tịnh chỉ cần lưu ý thân và khẩu. Xem cái gì nên và không nên. Câu đáp này là toàn bộ Luật Tạng.

Nhắc lại, muốn giữ giới thanh tịnh – trong trường hợp này theo cơ tánh riêng Đế Thích, thì Ngài trả lời: ‘Muốn giữ giới trong sạch thì phải chú ý tới thân hành (kayasamacara: hoạt động của thân) và khẩu hành (vacisamacara: hoạt động của khẩu).

Tiếp theo, muốn giữ giới thanh tịnh cũng phải lưu ý tới lý tưởng sống (pariyesana), (xin xem lại Kinh Thánh Cầu – Trung Bộ). Trong Kinh Thánh Cầu, Đức Phật ngài dạy: “Này các tỳ kheo, có những người sống trong cuộc đời sanh tử này mà từng giây phút hiện hữu họ lại liên tục và tiếp tục đầu tư sanh già đau chết. Bên cạnh đó có những người sống trong cõi đời sanh tử này, từng phút từng giây họ lại hướng đến sự giải thoát”.

Đối với chúng tôi đó là một bài Kinh đặc biệt quan trọng. 
Vì sao? 
– Từ sáng dậy rồi đi làm tới chiều về, trong một ngày như vậy thì giây phút nào tâm tư quý vị hướng đến đời sống tâm linh, và được bao lâu và như thế nào?

Đức Phật xác nhận rằng miệng mình nói sợ sanh tử, nhưng phải nói phần lớn thời gian trong ngày, phần lớn tâm tư tình cảm tiền bạc công sức của mình trong một ngày, một tuần, một tháng, một năm thì đều là hướng đến sự đầu tư sanh tử. 

Cho nên lý tưởng sống của người cầu đạo giải thoát phải nhớ rằng: "Trách nhiệm không phải là gánh nặng và gánh nặng không phải là trách nhiệm". Có nghĩa là chuyện phải làm với cha mẹ, vợ chồng, con cái thì mình phải làm, nhưng hãy nhớ rằng đó là trách nhiệm, chớ không phải là gánh nặng đè lên vai mình. Vì khi mình để nó trở thành gánh nặng thì mình không còn thì giờ tu tập. 

Có một hình ảnh ẩn dụ tôi mong bà con nhớ dùm. Đó là luôn luôn đọc câu thần chú này:

“Tôi đắp mền để ấm chớ không phải trùm mền cho nó ngộp”.

(còn tiếp)
Reply
(tt và hết) Sư Toại Khanh Giảng Kinh Ðế-Thích Sở Vấn 2 (3-3)

https://toaikhanh.com/videotext.php?vid=Je-2UksxRO0&abt=Kinh+%C3%90%E1%BA%BF-Th%C3%ADch+S%E1%BB%9F+V%E1%BA%A5n+2

Đời sống đối với mình nó là cái mền làm mình ngộp hay cái mền làm mình ấm là do mình thôi. Khi tròn bổn phận thì mình vui. Chớ sống tắc trách thì đâu có vui. Có duyên đi tu thì không nói rồi. Còn không, làm chồng làm cha làm con thì mình phải có trách nhiệm, nhưng phải nhớ trách nhiệm đó là cái mền làm mình ấm chứ không làm mình nghẹt thở.

Cho nên bài Kinh Thánh Cầu Ngài dạy: Có những kẻ mang thân sinh tử lại tiếp tục đầu tư sanh tử cho đời sau kiếp khác. Đó là phàm cầu (cầu: kiếm tìm). Còn Thánh cầu là trong thân sanh tử mà lại hướng đến sự giải thoát sanh tử.


Ở đây vị tỳ kheo muốn giữ giới trong sạch thì phải luôn tâm niệm rằng giữ giới không phải để ràng buộc mình mà giữ giới để trang nghiêm chính mình


  1. Cái bậy của phàm phu là nghĩ tự do là muốn làm gì thì làm. 
  2. Thánh nhân thì định nghĩa tự do là không bị cái ‘muốn’ điều khiển
Vị tỳ kheo đó phải luôn xét coi những hoạt động nào của thân, hoạt động nào của miệng nên và không nên: 
  1. Những gì hại mình hại người đời này đời sau, đó gọi là không nên. 
  2. Còn hoạt động nào của thân của miệng mà đem lại lợi ích cho mình cho người, làm cho mình vui, cho người khác vui, vui cho đời này đời sau thì cái đó mới gọi là nên.

Cho nên chuyện giữ giới đầu tiên là phải ghi nhận thân hành nào nên và không nên, khẩu hành nào nên và không nên.


Tiếp theo vị tỳ kheo phải quan tâm đến lý tưởng sống hiện tại của mình (pariyesana). Trong thân sanh tử này ta đang trang nghiêm giới hạnh để làm gì, trang nghiêm giới hạnh để hướng đến các quả vị Ác ma thiên tử, Đế Thích, Phạm thiên, chuyển luân vương hay ta trang nghiêm thân khẩu để hướng đến cứu cánh giải thoát. Vị tỳ kheo xác định rõ cứu cánh của mình thì giới hạnh đó được xem là giới học Vô lậu. Còn không thì giới học Hữu lậu (còn hướng tới sanh tử).


Tiếp theo Đế Thích hỏi Thế Tôn thế nào là hộ trì các căn (thu thúc lục căn thế nào). Đức Phật cũng một lần nữa xét thấy căn tánh của Đế Thích là chỉ hợp với chuyện nên và không nên, do tính ổng lu bu. Các vị để ý từ trên xuống hết 14 câu hỏi Đức Phật cứ nhắc đi nhắc lại một tinh thần thôi cho vua Đế Thích. Hỏi thu thúc lục căn làm sao thì Ngài cũng dạy Đế Thích: Khi 6 căn biết 6 trần thì hành giả đương nhiên phải có 6 thọ (hay 3 thọ, 5 thọ). Hành giả biết rõ cảm thọ nào là nên và không nên (sevitabba asevitabba).


Ở đây vị tỳ kheo thu thúc lục căn phải lưu ý đến xúc, thọ có những cái nên & không nên. Mình từ chối không đi đến những chỗ ăn chơi cũng có nghĩa là từ chối cái xúc không nên. Mình đến chùa đến thiền viện có nghĩa mình đang tìm đến những cái xúc nên. Gặp bạn tốt là cái xúc nên, mà gặp người bất thiện thì chỉ có tinh thần đi xuống thì đó là không nên.


Nên nhớ chữ ‘xúc’ đây nghĩa rất rộng. Mở một trang web, một chương trình TV, gặp gỡ một người, đọc 1 trang báo, nghe 1 bản tin, tìm đến 1 nơi chốn, tất thảy đều là 6 xúc hết. Trong đó chỉ có hai loại nên và không nên.


Tiếp theo Đế Thích hỏi: “Bạch Thế Tôn, có phải tất cả những người xuất gia tu hành sa môn Bà la môn đều cùng một tư tưởng, cùng một giới hạnh, cùng một mong cầu, cùng một chí hướng hay không (tiếng Pali là accantanittha: mục đích, lý tưởng, cứu cánh, điểm đến ở cuối đường).


Đức Phật dạy rằng “Chỉ có Thánh nhân mới được gọi là tương đồng. Phàm phu thì cái gì cũng khó lường”.


Tầng thấp nhất Thánh nhân là Tu đà hườn thì chuyện đầu tiên là không còn thân kiến, không còn chấp rằng đây là sắc, thọ, tưởng, hành, thức của tôi, tôi chính là sắc thọ tưởng hành thức. Ngay trên điểm đồng này, tất cả những dị biệt còn lại đều trở thành vô nghĩa. Ngàn, tỷ vị thánh trong đó có Sơ, Nhị, Tam, Tứ quả, Độc giác, Toàn giác, ví dụ vậy (trong Kinh nói có những hội chúng cả 5.000 vị Độc giác ngồi chung với nhau. Có những hội chúng mấy trăm vị Thinh Văn, ngàn vị ngồi chung với nhau) thì giữa các vị có điểm đồng tối thiểu và cực kỳ căn bản, đó là ‘Đây không phải là tôi, tôi không phải là cái này. Sắc thọ tưởng hành thức không phải là tôi, tôi không phải là sắc thọ tưởng hành thức”.


Riêng phàm phu thì khác. Phàm phu có học đạo và phàm phu không có học đạo là đã khác nhau, cái này không cần nói. Rồi giữa những phàm phu có học đạo lại có khác nhau nữa. Có vị thì hướng đến quả vị Chánh Đẳng giác, Độc Giác, Thinh Văn Giác. 


Trong đám có học đạo lại chia hai phe. 
  1. Nhóm một hiểu vạn hữu là vô ngã vô thường, do duyên mà có, có rồi phải mất. 
  2. Nhóm hai, ‘tôi’ am tường lý duyên khởi, ‘tôi’ am tường lý Bốn đế, ‘tôi’ am tường lý tam tướng, trong đám đông này chỉ có một mình ‘tôi’ là hiểu lý vô ngã sâu sắc nhứt, không ai bằng ‘tôi’. Tức là ngay trong đám tu học ngon lành lại lòi ra cái đám tự hào về kiến thức vô ngã của mình. Các vị coi bậy cỡ nào.

Tôi cũng đã nhắc không biết bao nhiêu lần: người bị bịnh thì phải uống thuốc. Chuyện uống thuốc đó tuyệt đối không có cái gì đáng để mình tự hào tự đắc, tự mãn, tự kiêu tự đại tự tôn. Và mai này mình có hết bịnh, thì cái chuyện hết bịnh nó cũng không phải là cái gì để mình tự hào tự đắc tự kiêu. Mình học Đạo cũng vậy. Quý vị có hành thiền, có giữ giới, có bố thí có cái gì đi nữa thì cũng chỉ là ‘uống thuốc’ thôi! Mai này quý vị có trở thành A la hán để cho người khác quỳ lạy quý vị, họ có tôn kính quý yêu quý vị thì là chuyện của người ta, nhưng bản thân vị A la hán thì không hề thấy rằng mình là ghê gớm. Không thấy mình hay ho gì hết. Ngài chỉ thấy một chuyện rất đơn giản: CHUYỆN NÊN LÀM ĐÃ LÀM RỒI VÀ KIẾP NÀY LÀ THÂN CUỐI (Vô hữu hậu thân: không còn thân sau nữa). Vị đó không lấy đó làm điều để mà tự đắc tự kiêu, thấy mình hay hơn người khác, người khác không sánh bằng mình. Chuyện đó không có !


Cho nên chỉ có thánh nhân, ở tầng thánh thấp nhất là đã có điểm tương đồng rất căn bản, căn cơ. Đó là vạn hữu do duyên mà có, có rồi phải bị mất. Mọi nỗ lực tu tập chỉ là ‘uống thuốc để chữa bịnh. Bịnh hết rồi thì thôi không còn chuyện gì để nói’.


Còn phàm phu mình không biết đạo thì dựa vào tiền bạc, nhan sắc, sức khỏe. Tới lúc học được đạo rồi thì lại dựa vào giới hạnh, kiến thức, công đức mà mình hành trì được. Quái gở vậy!


Ở đây Thế Tôn xác định với thiên vương Đế Thích chỉ có thánh nhân mới đáng được gọi là tương đồng nhau về tư tưởng, tương đồng nhau về cứu cánh, về lý tưởng, về điểm đến ở cuối đường. Còn phàm phu thì chuyện đó hoàn toàn khó lường.


Kết thúc bài Kinh thì vua khoe với Thế Tôn bây giờ cảm giác của con cùng lúc rất nhiều lợi ích: con có thể làm chủ được cõi tái sanh của con. Con có đi đến cảnh giới nào đi nữa thì con cũng được những điều con muốn. Vị Đế Thích biết rõ cuối cùng sẽ đi về cõi Tịnh cư cao nhứt.


Vua Đế Thích, bà Visakha, ông Cấp Cô Độc, ba người này gọi là Vattarata: kẻ khoái sanh tử. Đế Thích bây giờ trẻ măng. Ổng sẽ làm Đế Thích 36 – 40 triệu năm nữa. Sở dĩ đến 40 là vì Đế Thích lúc nào cũng sống lâu hơn người khác mới mất. Ổng trở xuống cõi người làm Chuyển luân vương rồi đắc Nhị quả Tư đà hàm. Từ đó ổng trở về trời làm Đế Thích một lần nữa ổng đắc A na hàm. Rồi từ A na hàm này ổng đi luôn. Có nghĩa từ bây giờ ổng chỉ còn hai lần cõi Dục nữa thôi, và 5 lần cõi Sắc. Tổng cộng là 7 lần tái sinh. Có nghĩa 1 lần làm chuyển luân vương, 1 lần làm đế Thích cõi dục. Xong ổng sẽ về cõi tịnh cư thấp nhứt là cõi Vô phiền, sau đó Vô nhiệt, rồi Thiện hiện, Thiện kiến. Cuối cùng là cõ Sắc cứu cánh (Akanittha).


Như vậy không kể thời gian Đế Thích ở cõi Dục, chỉ kể thời gian Đế Thích đi về Tịnh Cư là thấy ngán rồi. Cõi đầu tiên là Vô phiền là 1.000 đại kiếp. Vô nhiệt là 2.000. Thiện hiện là 4.000 đại kiếp. Thiện kiến là 8.000. Sắc cứu cánh là 16.000 đại kiếp. Tổng cộng còn luân hồi 31.000 đại kiếp!


Có nghĩa là ngài Xá Lợi Phất, ngài Mục Kiền Liên, A Nan, Ca Diếp mọi người đã Niết bàn hết rồi mà Đế thích, bà Visakha, ông Cấp Cô Độc, ba vị Mạnh thường quân hộ Pháp đắc lực và tích cực nhứt này họ phải 31.000 đại kiếp nữa thì họ mới kết thúc cuộc chơi và tới điểm đến cuối đường. Dĩ nhiên mình phải hiểu ngầm là từ đây về sau các vị đó không còn phải biết cảnh sanh ly tử biệt, bịnh hoạn, già nua nữa, không còn đau đớn sợ hãi nữa. Nhưng nếu nói rốt ráo lấy từ cái nhìn của phàm phu thì mình phải nhìn nhận những kiếp luân hồi sắp tới họ rất sướng. Nhưng với cái nhìn của Thánh nhân thì đó là sự lập lại rất tẻ nhạt, mà cái ớn nhứt trên đời này là sống mà không có đam mê.


Tôi xin kết thúc bài Kinh này bằng câu chuyện tào lao, mà mong quý vị ghi nhận coi đó như điểm chốt lại bài Kinh này. 


Một ngày kia, có anh tín đồ rất ngoan đạo bên Thiên Chúa ảnh chết. Hồn ảnh về Thiên đường gặp đức Chúa Trời ở đó. Ảnh nhìn thấy kim cương khối nào khối nấy to như đá tảng trong công viên . Rồi ở đó mỹ nữ giai nhân, bông hoa trái đầy đủ trời xanh mây trắng nắng vàng. Những dòng suối, những thiên thần, thỏ trắng, bầy nai vui vẻ lắm. Đức Chúa Trời hỏi ảnh một câu: “Con cả một đời ngoan đạo. Giờ con muốn gì thì ta sẽ ban cho con một điều ước”. Ảnh nhìn quanh ảnh nói: “Thưa đấng Chí Tôn, con ở dưới trần con mê kim cương quá, con cũng là người háo sắc, con cũng thích đi du lịch. Ở trần gian làm gì có cảnh đẹp như vầy, có người đẹp lộng lẫy như vầy. Mà kim cương ở dưới trần tụi con tính bằng carat, mà ở đây kim cương tảng tảng thế này. Con thưa với Chúa Trời con biết tánh con. Con lên đây ở một thời gian là thấy mọi thứ cũng vậy hà, mà hiện giờ trước mắt con nhớ làng quê con ở dưới quá đi. Cho nên Chúa Trời thương cho con một điều ước thì cho con xin bốn chữ ‘Không bao giờ chán’. Chúa Trời mới nói đây là một ước mơ thông minh nhứt từ xưa đến giờ ta biết được. Ai cũng mong đẹp, giàu, có tình yêu, có quyền lực nhưng đặc biệt cái mơ ước này của con, ta cho là thông minh nhứt.

Đối với tôi, từ góc nhìn một tu sĩ Phật giáo, tôi nói câu chuyện này là toàn bộ tinh hoa Phật Pháp. Tại sao vậy? – Tại vì con trùn con dế nó đam mê trong đời sống của nó, nó tiếp tục nó làm trùn làm dế. Chúng ta là những người hưởng dục, chúng ta còn đam mê trong 5 cảnh dục thì chúng ta không bao giờ chán, mãi không chán, tiếp tục chìm sâu đắm đuối trong đó. Trong khi đó, nói theo giáo lý Duyên khởi tham là đắm, ái là đắm, thủ là đuối. Ái duyên thủ rồi đắm rồi đuối! Ước mơ của anh giáo dân này rất thông minh nhưng rất Phật Pháp. Có nghĩa con không mong giàu sang, con không mong cái gì cao siêu, con chỉ mong ‘đừng bao giờ chán’.


Hôm nay mình thấy rằng Đế Thích, rồi Cấp Cô Độc, bà Visakha ngay bây giờ còn tha thiết (vattarata) chuyện luân hồi. Họ chưa đành lòng giũ áo ra đi. Nhưng cái ớn nhứt một ngày nào đó họ chán rồi mà tuổi thọ họ chưa hết, sống mà tôi gọi là những ngày tàn đó thì nó nản lắm! Dĩ nhiên bậc Thánh người ta không còn bất mãn nữa, nhưng nhìn từ góc độ của mình thì mấy chục ngàn đại kiếp cứ đi ra đi vô, hít thở, hít thở. Nếu trên cõi trời biết rõ ờ đây là danh đây là sắc. Cái này danh nè, cái này sắc nè. Cái này sanh, cái này diệt. Sanh – diệt – danh – sắc – sanh – diệt – danh – sắc…cũng nản!


Rồi kết thúc bài Kinh bằng câu chuyện ‘Không bao giờ chán’. Quý vị nhớ dùm câu chuyện này, tuy nó là chuyện của Chúa nhưng nó cực kỳ Phật giáo, vô cùng Phật giáo!


Chúc các vị một ngày vui, ngày mai chúng ta sẽ gặp lại nhau./.


Mục Lục các Bài Giảng


(hết)
Reply
Trường Bộ Kinh
Digha Nikaya


23. Kinh Tệ-túc
(Pàyàsi sutta)


https://budsas.net/uni/u-kinh-truongbo/truong23.htm

--ooOoo--

23. KINH TỆ-TÚC

112. TRONG TRƯỜNG-HỢP NÀO KINH TỆ-TÚC ĐƯỢC THUYẾT-GIẢNG?

Vào một thời kia, Tôn-giả Cưu-ma-la Ca-diếp (Kumàra Kassapa) cùng với đại-chúng Tỳ-kheo đến đô-thị Tư-bà-hê (Setavyà) của nước Câu-tát-la (Kosala), ngụ trong rừng Thi-xá-bà (Simsapà). Tôn-giả là bậc A-la-hán, đệ-tử nổi tiếng của đức Phật trước kia. Bấy giờ có Bà-la-môn Tệ-Túc (Pàyàsi), lãnh-chúa của vùng nầy, nghe danh-tiếng của Tôn-giả Cưu-ma-la Ca-diếp, đến xin yết-kiến.

Kinh nầy chẳng phải do đức Phật thuyết-giảng mà là một bài tường-thuật cuộc tranh-luận giữa Bà-la-môn Tệ-Túc với Tôn-giả Cưu-ma-la Ca-diếp, về tà-kiến: ''Không có đời sau, không có các loại hoá-sanh, hành-vi thiện-ác không có quả-báo.'' Bằng các thí-dụ cụ-thể, Tôn-giả Cưu-ma-la Ca-diếp đã chứng-minh sự vô-lý của tà-kiến đó, đồng thời chỉ rõ kẻ mang tà-kiến phải gánh chịu đau khổ, bất-hạnh lâu dài, và khuyên Tệ-Túc nên mau vứt bỏ tà-kiến đi, khiến cho Tệ-Túc được tỉnh-ngộ và xin qui-y ngôi Tam-Bảo.

113. NỘI-DUNG KINH TỆ-TÚC.

A.- Ý Chánh: Cuộc tranh-luận về tà-kiến: ''chẳng có Luân-hồi, quả-báo.''

B.- Phân đoạn: Kinh có thể chia ra ba phần:

1. Phần I: Tệ-Túc đến yết-kiến Tôn-giả Cưu-ma-la Ca-diếp, để nói lên tà-kiến của mình:

- Tệ-Túc trình-bày tà-kiến: chẳng có đời sau, chẳng có các loài hoá-sanh; hành-vi thiện ác chẳng có quả-báo;

Câu hỏi đầu-tiên của Tôn-giả Ca-diếp: ''Mặt trời, mặt trăng thuộc thế-giới nầy hay thế-giới khác?''

Tệ-Túc đáp:''Mặt trời, mặt trăng thuộc thế-giới khác'', tuy chấp-nhận có thế-giới khác, nhưng vẫn giữ tà-kiến trên.

2. Phần II: Cuộc tranh-luận giữa Tệ-Túc và Ca-diếp:
- Luận-cứ của Tệ-Túc (TT): vì người chết chẳng trở lại báo tin, nên biết chẳng thể có đời sau được.

. TT: Có nhiều kẻ kia phạm giới, khi gần chết được tôi dặn nếu bị sanh vào khổ-cảnh, thì trở lại báo cho tôi biết. Chẳng ai trở lại báo cho tôi biết cả. Vậy thì chẳng có đời sau.

. Ca-diếp (CD): Thí-dụ như có tội-nhơn bị xử-tử, lại xin kẻ hành-hình cho phép mình về thăm bà-con rồi trở lại chịu chết, thì có được phép không? Ở dưới điạ-ngục, qủi-sứ đâu có cho ai ra khỏi ngục, trở về nhà.

. TT: Có nhiều kẻ giữ giới đầy-đủ, khi gần chết được tôi dặn nếu được sanh lên cõi Trời thì trở lại báo tin cho tôi biết. Chẳng ai trở lại báo tin cả.

. CD: Thí-dụ như có người té xuống hầm phân, nay được tắm rửa sạch-sẽ, có còn muốn té trở lại hầm phân chăng? Chư Thiên rất ghê tỡm mùi hôi của loài Người, nên có bao giờ muốn trở lại đấy để báo tin.

- Luận-cứ của Tệ-Túc: vì không thấy tận mắt, nên chẳng tin.

. CD: Có kẻ sanh lên cõi Trời Ba-mươi ba, ở đấy một ngày lâu bằng một trăm năm nơi cõi Người, nếu có trở lại báo tin cho ông thì ông đã chết từ lâu rồi.

. TT: Tôi chẳng thể tin được có cõi Trời Ba mươi ba và tuổi thọ ở cõi ấy dài đến như vậy, vì mắt tôi còn chưa thấy được như thế.

. CD: Có người sanh ra đã mù, lầm cho rằng chẳng có màu sắc, vì chính họ chẳng trông thấy gì. Chỉ có bực Sa-môn tu-hành tinh-tấn chứng đắc thiên-nhãn thanh-tịnh mới trông thấy được cõi Trời Ba mươi ba.
Luận-cứ của Tệ-Túc: Nếu làm lành, giữ giới, được sanh lên cõi Trời sướng hơn, cớ sao ai cũng tham sống ở đây, chẳng ai tự-sát để sớm lên cõi Trời?

. CD: Thí dụ như có vị Bà-la-môn chết, để lại gia-tài. Con trai người vợ lớn đòi lấy hết gia-tài. Người vợ nhỏ đang mang thai, ngăn lại, bảo chờ sanh ra, nếu được con trai thì sẽ được một phần. Nhưng người con trai trưởng thúc-hối, cứ đòi lấy ngay hết gia-tài. Người vợ bé vào phòng riêng lấy dao rạch bụng, để biết con trai hay con gái. Vì hành-động ngu-xuẩn đó mà cả mẹ lẫn con trong bụng bị hại. Hành-vi tự-sát để được sanh lên Trời cũng lại giống như thế.
Luận-cứ của Tệ-Túc: vì chẳng thấy ''linh-hồn'' ra khỏi thân-thể khi chết, nên tin chẳng có đời sau.

. TT: Một tên tử-tội bị đem đi cân rồi bị nhốt sống trong một cái chum đậy kín, và nổi lửa đốt. Sau khi mở chum ra, chẳng thấy ''linh-hồn'' người chết đi ra, chỉ thấy thi-thể nặng hơn thân-hình lúc còn sống.

. CD: Tôn-chủ ngủ trưa, nằm mộng thấy mình đi du-ngoạn đó đây. Các người hầu-cận đứng bên có thấy ''linh-hồn'' của Tôn-chủ thoát ra di du-ngoạn chăng? - Thân-thể người sống có sức nóng nên mềm-nhẹ hơn khi đã chết cứng.

. TT: Giết một tử-tội bằng cách lột da, lóc thịt, gân, cho đến xương-tủy, lật ngữa, lật sấpkéo cong lại, nào thấy đâu ''linh-hồn'' được thoát ra ngoài.

. CD: Thí-dụ như có người thổi tù-và, tiếng nghe êm tai. Người ấy đặt tù-và xuống. Có các kẻ khác đến bên tù-và, lật sắp, lật ngữa, cũng chẳng nghe âm-thanh phát ra. Chỉ khi người thổi tù-và thổi hơi vào mới nghe được tiếng tù-và. Sự ngu-xuẩn của các kẻ kia cũng giống như những ai muốn thấy ''linh-hồn'' trong thây chết bị lật úp, lật ngữa mà đi thoát ra vậy.
Lại lấy một thí-dụ khác: một người thờ lửa, có việc phải đi xa, dặn con nên canh-chừng lửa, đừng để tắt; nếu bị tắt thì nên dùng đồ quây lửa mà nhen-nhúm lại. Thằng bé ham chơi, quên canh-chừng nên lửa tắt; nó lấy đồ quay lửa ra, chẻ làm hai, chẻ làm bốn, làm tám, cũng chẳng thấy lửa đâu. Sự ngu-xuẩn của đứa bé cũng như những người trước muốn tìm thấy cho được cái ''linh-hồn'' thoát ra khi chết.

- Luận-cứ của Tôn-giả Ca-diếp về Luân-hồi và quả-báo:

. CD: ''Nầy Tôn-chủ, tôi sẽ kể vài thí-dụ; người có trí, nhờ các thí-dụ mà hiểu ý-nghiã của lời nói.

. Ví-dụ về đoàn lữ-hành: có đoàn lữ-hành đông-đảo được hai người lãnh-đạo, nên chia ra làm hai đoàn. Một đoàn đi trước, mang theo nhiều vật-liệu, lương-thực, xuyên qua bãi sa-mạc, dọc đường gặp một quỷ Dạ-xoa giả-dạng người, khuyên nên bỏ các vật-liệu, lương-thực đi cho nhẹ, vì đến nơi kia sẽ có nhiều hơn. Người lãnh-đạo nghe theo, nhưng đến nơi chẳng thấy có gì cả, lại gặp sự bất-hạnh bị quỷ Dạ-xoa ăn thịt. Đoàn thứ hai cũng gặp quỷ giả-dạng, gạt-gẫm bảo bỏ bớt đi vật-liệu và lương-thực, nhưng người lãnh-tụ chẳng nghe theo. Khi đi đến nơi, nhìn thấy đống xương trắng-hếu, mới biết đoàn lữ-hành trước vì đã quá tin theo lời nghe nói (của Dạ-xoa) mà phải chịu cảnh bất-hạnh. Cũng vậy, Tôn-chủ chớ có nghe theo tà-kiến, chúng sẽ đưa Tôn-chủ vào đau-khổ, bất-hạnh lâu-dài.

. Ví-dụ khác: Một người nuôi heo thấy một đống phân khô, gói lại trong bịt, đội lên đầu, đem về cho heo ăn. Dọc đường bị mưa, phân ướt chảy dơ dáy khắp mình-mẫy. Các người khác thấy vậy, khuyên nên bỏ bịt phân đi, nhưng kẻ ấy chẳng chịu, cứ tiếp-tục đội bịt phân ướt về. Nầy Tôn-chủ, chớ nên cố-chấp vào tà-kiến như người đội phân kia, nó sẽ đưa Tôn-chủ vào đau-khổ và bất-hạnh lâu-dài.

. Ví-dụ khác nữa: Hai người đánh bạc; một người khi thua thì lấy con xúc-xắc ngậm vào miệng. Kẻ kia thấy vậy, xin đổi xúc-xắc, lấy mấy con cũ đem thoa thuốc độc vào. Một chặp, người ấy lấy xúc-xắc có thoa thuốc độc ra mà đổ. Đối-thủ bị thua, liền lấy xúc-xắc đó ngậm vào miệng, nên phải chịu đau-đớn vô-ngần. Nầy Tôn-chủ, hãy từ bỏ ngay các tà-kiến, nó sẽ đưa Ngài vào đau-khổ, bất-hạnh lâu dài.

. Ví-dụ chót: Hai người bạn lên đường tìm của-cải. Dọc đường, họ gặp một đống gai quăng bỏ. Họ bó lại hai bó và mang đi. Lại gặp nhiều bó dây gai; một người bỏ bó gai, lấy dây gai, còn người kia thì chẳng chịu bỏ. Qua đến các nơi khác, họ lần-lượt gặp nhiều vải bông, ... sắt, ... thiếc, ... chì, ... bạc và vàng. Người thứ hai lần-lượt bỏ các món cũ, chọn lấy vàng đem về; còn người kia vẫn cố giữ bó gai mà anh đã mang theo từ xa. Dĩ nhiên người mang bó gai về chẳng được vợ con hoan-nghinh, còn anh kia được gia-đình vui mừng đón tiếp. Nầy Tôn-chủ, hãy từ bỏ ác-kiến, chúng sẽ đưa Ngài vào đau-khổ và bất-hạnh lâu-dài.

3. Phần III: Tôn-giả Ca-diếp dạy phép lập tế-đàn.

Tệ-Túc: Ngay tại thí-dụ đầu-tiên về mặt trời, mặt trăng, tôi đã bỏ tà-kiến và tin có đời sau, có quả-báo, nhưng vì muốn nghe trọn lời dạy của Tôn-giả Ca-diếp nên tiếp-tục hỏi thêm. Giờ đây tôi xin quy-y ngôi Tam-Bảo và xin thưa hỏi về việc tổ-chức lễ tế-đàn.

CD: Việc tế-đàn chẳng cần có thú-vật bị giết, kẻ tham-dự phải từ bỏ tà-kiến, phải có chánh-kiến; một tế-đàn như thế sẽ đem lại quả-báo lớn, lợi-ích lớn.
- Tệ-Túc tổ-chức bố-thí cho người nghèo những thức như cháo, đồ ăn phế-thải, vải thô... nên quả-báo là được sanh lên cõi Trời thấp nhứt là cõi Tứ Đại Thiên-Vương. Có thanh niên Uttara bị bỏ qua trong cuộc bố-thí nầy, sau khi chê-trách lối bố-thí của Tệ-Túc, tổ-chức một lễ tế hoàn-bị, với tế-vật có phẩm-chất tốt, có lòng thành, nên được sanh lên cõi Trời cao hơn, là cõi Tam Thập tam Thiên.

114. HỌC KINH TỆ-TÚC NÊN CHÚ-Ý ĐẾN ĐIỂM NÀO?

1. Tà-kiến nói trong Kinh Tệ-Túc: ''chẳng có luân-hồi, chẳng có quả-báo''. Người cho rằng chẳng có đời sau là vướng phải tà-kiến được gọi là đoạn-kiến, nghiã là cho rằng chết là hết. Người mắc đoạn-kiến lại chủ-trương rằng, hễ còn đang sống đây, phải cố hưởng-thọ cho mau mau, cho nhiều nhiều, tất cả các khoái-lạc, cần gì phải lánh ác làm lành, kẻo khi mất chẳng còn hưởng được nữa, ''uổng đời'' lắm ! Lý-luận như thế, làm sao tránh khỏi sa vào đường ác khi chết, mà ngay lúc còn sống cũng khó lòng mà được người khác kính-nễ.

2. Mắt có thấy, tai có nghe, mới biết chắc là có; đó chỉ là kinh-nghiệm của một cá-nhơn về thực-tại bên ngoài. Nhưng nếu chẳng thấy được, chưa nghe được một sự-vật gì, đó chẳng phải là lý-do vững-chắc để quả-quyết rằng sự-kiện đó chẳng có. Đấy là điểm cần lưu-tâm đến, khi học Kinh Tệ-Túc.

Vì lẽ các cảnh-giới khác với cõi nhân-gian, chẳng thể chỉ rõ ra cho mắt thấy, cho tai nghe được, nên Tôn-giả Cưu-ma-la Ca-diếp mới dùng khá nhiều thí-dụ cụ-thể -- có phần dí-dỏm ! -- của đời sống hằng ngày mà chứng-minh với Tôn-chủ Tệ-Túc. Các thí-dụ đó chỉ có giá-trị tượng-trưng, gợi-ý, nhằm giúp người nghe tự mình suy-gẫm thêm về các sự-vật xuất-thế-gian mà thôi. Chỉ khi nào tu-chứng được thiên-nhãn-thông, bấy giờ mới ''mở mắt ra'' mà đến gần Chơn-Lý.


--ooOoo--

Sư Toại Khanh Giảng Kinh Tệ Túc (1-2)


Kinh Tệ Túc

Quote:Kalama tri ân bạn buithibuukim ghi chép.

15/02/2022 - 10:24 - buithibuukim

KINH TRƯỜNG BỘ - BÀI 23 KINH TỆ TÚC

Hôm nay chúng ta học bài Kinh Trường Bộ số 23, Kinh Tệ Túc.

Kinh này được thuyết giảng bởi ngài Đồng Tử Ca Diếp lúc đó Đức Thế Tôn đã Niết bàn.

Có một số chuyện chúng ta cần biết thêm về nhân danh và địa danh trong đây.

Thời Đức Phật có 5 vị Ca Diếp: Uruvelakassapa – Gayakassapa – Sisakassapa – Mahakassapa – Kumarakassapa.

Ba vị đầu tiên là ba anh em xuất gia theo đạo thờ lửa. Lúc Đức Phật mới vừa thành Đạo xong thì ba anh em đã theo Ngài xuất gia, họ có trong tay 1.000 đệ tử. Cho nên kỳ đại hội Thánh tăng đầu tiên trong rằm tháng giêng đầu tiên tại ngôi chùa Phật giáo đầu tiên (chùa Trúc Lâm ở Vương Xá do vua Tần Bà Sa La cúng dường), lần đó ta thấy có 1.250 vị tỳ kheo đều đắc lục thông hết, túc số lớn như vậy là nhờ do nhóm này của ba anh em Uruvelakassapa, Gayakassapa và Sisakassapa.

Còn ngài Mahakassapa là đệ nhất đầu đà. Ngài xuất thân gia thế, ngài đẹp như tượng vàng. Bởi ngài từ Phạm thiên sanh xuống nên ngài không thích đàn bà. Không thích đàn bà đây do ngài ly dục chớ không phải là gay như người thời nay. Gia đình ép ngài lấy vợ nên ngài cho làm một tượng vàng, nói nếu có người nào đẹp như vậy thì ngài lấy. Mà không ngờ là gia đình ngài tìm được một người giống như vậy nên ngài phải lấy. Cưới nhau được mấy bữa cả hai chán đời rủ nhau đi tu. Rồi sau đó (chuyện dài lắm) cả hai đều đắc A la hán hết.

Vị cuối cùng là ngài Kumara Kassapa. Vị này có duyên đặc biệt là, cuối thời giáo pháp của Đức Phật Ca Diếp (Phật trước Phật mình) có 5 vị tỳ kheo thấy Pháp Phật suy đồi, pháp học pháp hành không còn ai tha thiết nên 5 vị dắt nhau lên một mỏm núi rất cheo leo. Muốn lên đây phải bắc cái thang rất nguy hiểm. Lên xong xô bỏ thang là coi như không còn đường trở vào. Lên xong 5 vị đạp bỏ thang, nguyện với nhau sống chết gì cũng ở tu không trở lại. Ở đó được mấy ngày thì đến ngày thứ ba có một vị đắc A la hán, có thần thông vị này bay đi khất thực, đem đồ ăn về cho anh em. Mấy vị kia nói nếu đã có lòng quyết tu đi tìm cái chết rồi thì không thể ăn được nên họ từ chối không ăn. Vị này từ giã bay về trú xứ của mình. Đến ngày thứ tư thêm một vị nữa đắc A na hàm, cũng có thần thông và bay đi bát đem về, nhưng 3 người còn lại không ăn. Do vậy vị đắc A na hàm này cũng từ giã về trú xứ của mình. Ba người còn lại vừa nóng, đói, khát và chết, tất cả đều sanh thiên. Trong ba người đó, đến đời Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời thì một vị là vua Pukkusa, là người bỏ ngôi vua mà đi tìm Phật. Trên đường thì tự đắp y, rồi tình cờ gặp Phật trong nhà kho chứa cỏ khô. Ổng gặp mà không biết đó là Phật, chỉ biết Ngài đẹp vậy thôi. Ổng ngủ chung trong nhà kho đó suốt đêm tới gần sáng thì Ngài thuyết Pháp ổng nghe, ổng đắc Tư đà hàm. Sau đó ổng đi ra ngoài bị con Dạ Xoa giết chết (nói gọn vậy đi, chuyện dài lắm).

Như vậy trong 5 vị quyết tử tu hành ngày xưa thì có hai vị đắc, một là A la hán, một A na hàm. Bây giờ còn lại 3, thì một vị là vua Pukkusa, một vị nữa là ngài Bahiya.

Bahiya là người lái buôn bị chìm tàu, tấp vô hoang đảo, không còn áo quần mới lấy vỏ cây làm áo mặc nên người ta kêu là ‘Người mặc áo vỏ cây’. Người ta đồn nhau ông này chắc là thánh nhân, thấy ăn mặc lạ quá. Hồi đầu ổng không nghĩ vậy nhưng thấy người ta bái lạy quỳ quỳ cung kính, nuôi dưỡng thức ăn tận miệng riết ổng cũng sanh tâm bậy, tự tưởng ổng là thánh thiệt. Có một vị trời là bạn cũ biết chuyện, thương ổng sợ ổng bị sa đọa nên nhắc ổng nói ông không phải thánh đâu. Muốn thấy thánh thứ thiệt thì ông nên đi gặp Đức Phật. Ổng nghe nên đi tìm Phật. Lúc ổng gặp được Phật thì lúc đó Phật đang đi bát. Ổng xin nghe Pháp thì Đức Phật từ chối. Ngài từ chối vì muốn đợi cho cái tâm ổng chín muồi. Rồi Ngài nói: “Trong thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe…”. Các vị còn nhớ vụ đó không? Khi Ngài nói vậy thì ổng vô gốc cây ngồi ổng đắc A la hán, rồi cũng bị Dạ Xoa giết.

Tại sao có vụ Dạ Xoa? 
– Bởi vì ngày xưa có nhóm 5 công tử nhân ngày lễ hội rủ nhau mướn một cô ca kỹ giúp vui. Họ đến một khu vườn đẹp vắng, cô này mang rất nhiều nữ trang vòng vàng trên người. Mấy công tử này con nhà giàu, nhưng nhìn thấy cô này động lòng tham hè nhau giết cô này cướp của. Trước khi chết cô này hận quá có lời nguyền: ‘Nếu quả thật có kiếp sau thì cái đám quỷ này đi đâu ta đuổi theo tận nơi giết tiệt trả mối thù hôm nay’. Chính lời nguyền đó cộng với nghiệp giết người nên 5 công tử này sanh ra đời nếu không bị cô kia báo oán thì cũng bị người khác giết. Suốt nhiều kiếp như vậy, thì đến kiếp cuối gặp Phật thích Ca Mâu Ni thì mấy cậu công tử ‘trời ơi’ hồi xưa đó giờ một người sanh lại làm Bahiya – Là ông gặp Phật dọc đường rồi Ngài dạy cho câu kệ, ổng đắc A la hán xong ra đường bị con bò húc chết. Con bò đó là do Dạ Xoa nó khiến. Còn người thứ hai là Pukkusa – người gặp Phật trong nhà cỏ, cũng đắc A na hàm xong bị con bò húc. Một con bò khác nhưng cũng chính con Dạ Xoa nó khiến.

Như vậy nhóm bạn tu ngày xưa là 5 người. Bà con nhớ kỹ coi chừng lộn. 5 công tử con nhà giàu là khác. 5 vị tỳ kheo lên mỏm đá tu là câu chuyện khác. Tuy là 2 câu chuyện khác nhưng trong đó có những nhân vật trùng lặp. Như 2 nhân vật Bahiya và Pukkusa là có mặt trong đám công tử ‘trời ơi’ ngày xưa nhưng lại có mặt trong nhóm 5 vị tỳ kheo khả kính lên tu ở mỏm đá cheo leo. Còn mấy người kia không có mặt.

Như vậy 3 người còn lại trong nhóm 5 vị tu quyết tử là: một là ngài Pukkusa, hai là ngài Bahiya. Người thứ ba là Kumara – chính là nhân vật mình đang học trong bài Kinh này.

Vị này sau khi tu quyết tử chết sanh về trời, luân hồi nhiều kiếp. Đến đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, có một người con gái đi lấy chồng một ngày kia đi nghe Pháp rồi phát tín tâm đi xuất gia, không muốn ở ngoài đời nữa. Có một điều nàng không ngờ là trong những ngày cuối trước khi đi tu, nàng gần gũi chồng thì có mang mà nàng không biết. Nên nàng đi xuất gia mấy tháng thì cái bụng nàng lớn từ từ, cuối cùng nàng sinh con. Các vị tưởng tượng một tỳ kheo ni chỉ cần sờ, chạm một người đàn ông là đã bị lột y rồi. Bên tăng thì nhẹ hơn chút. Một vị tăng mà xúc chạm da thịt với phụ nữ thì chỉ bị phạt nặng thôi. Phải nhờ 21 vị tỳ kheo khác phục hồi giới phẩm cho mình, nhưng có nghĩa cũng còn cứu được. Nhưng bên ni thì khác, một tỳ khưu ni chỉ cần chạm vào da thịt người đàn ông khác mà bằng sự thích thú là bị lột y liền, vĩnh viễn suốt đời không được làm ni nữa. Cho nên bà tỳ kheo ni này tu mấy tháng mà có mang rồi sinh con thì quí vị tưởng tượng phản ứng của hội chúng khủng khiếp cỡ nào. Nhưng xui cho bả là lúc đó tuy Đức Phật còn tại thế mà tỳ kheo ni tự động phân thành hai nhóm. Nhóm thứ nhứt đi theo Đức Phật, nhóm thứ hai đi theo Đề Bà Đạt Đa là do Đề Bà Đạt Đa chiêu dụ họ. Bà này nằm trong nhóm theo Đề Bà Đạt Đa nên khi cổ có mang ổng bị ê mặt. Ổng quyết định trục xuất, lột y không cho nàng ở trong ni chúng nữa. Nàng biết mình không phạm giới nên khi nghe mấy người bạn tu khác khuyên nên đến gặp Thế Tôn, nàng đến gặp Ngài. Ngài giao cho ngài U Pa Li là đệ nhất luật sư giải quyết vụ này. Ngài Upali mời những nữ cư sĩ có tiếng giải quyết. Họ hỏi bả cặn kẽ xong lên trình với ngài Upali và Đức Phật. Đức Phật nói nếu như vậy thì tỳ kheo ni này không phạm tội, do bả có mang trước khi đắp y. Nhà vua nghe chuyện nói nếu tỳ kheo ni này tiếp tục muốn tu nữa thì đứa bé đó vua sẽ đem về nuôi. Rồi vua đem về nuôi và đặt tên đứa bé là Kassapa (là một trong những cái tên phổ biến thời đó).

Có nhiều truyền thuyết cho rằng chữ ‘Kassapa’ này có cùng nguồn gốc với chữ ‘kacchapa’ (nghĩa là con rùa). Người Ấn Độ nguyên thủy xưa có những bộ tộc thờ rùa. Có bộ tộc thờ lửa, thờ rắn v.v…Người ta lấy đặc điểm sinh hoạt đó của bộ tộc để đặt tên cho dòng dõi. Nên tên Kassapa xuất phát từ tên một bộ tộc thờ rùa, hoặc sống gần một chỗ nhiều rùa.

Đứa bé được vua nuôi một thời gian thì lớn lên vua hỏi nó muốn đi tu không, nó nói muốn. Vậy là vua giao nó trong chùa cho đi tu (lúc đó Kumara mới 7 tuổi). Đức Phật nhìn thấy Kumara Ngài biết đây là bậc đại nhân, đã tu hành 100.000 đại kiếp. Thời gian tu ba la mật của ngài tương đương với ngài A Nan, tương đương với ngài Maha Ca Diếp, ngài Upali, ngài Câu Hy La. Kumara là con mồ côi nên thỉnh thoảng Đức Phật được cúng dường cái gì Ngài nói với các tỳ kheo là đem cho Kassapa đi. Chư tăng mới hỏi: “Bạch Thế Tôn,Kassapa nào?” bởi vì nhiều Kassapa quá, thì Đức Phật ngài nói Kumarakassapa. Chữ ‘kumara’ đây là ‘child, kid = trẻ con. Từ câu gọi của Đức Phật, từ đó ngài có ngoại hiệu là Kumarakassapa. Về sau khi 20 tuổi thành thanh niên, thọ đại giới tỳ kheo rồi đắc A La Hán đi nữa thì cũng vẫn được gọi là Kumarakassapa.

Vào một đêm khuya, lúc đó ngài đã thọ đại giới rồi và ở trong khu rừng Andhavana (Rừng người mù). Tôi nhớ đã giải thích chuyện này rồi, quí vị còn nhớ không ta. Gọi là rừng Người mù là do thời Phật Ca Diếp có ông cư sĩ ổng đắc A na hàm đi quyên góp để về xây Bảo tháp xá lợi. Ổng quyên được nhiều vàng khi đi qua khu rừng này gặp đám cướp 500 đứa giết ổng và cướp số vàng đó. Chúng không hề biết là vừa tạo một trọng nghiệp: cướp vàng (làm tháp xá lợi) là một tội nặng, kế nữa là chúng giết một vị thánh A na hàm. Hai tội cộng lại trong vòng nháy mắt chúng vừa ra tay giết vị A na hàm này thì tích tắc cả đám 500 mạng đều bị mù lòa tại chỗ và sau khi chết bị sanh về địa ngục. Trong thời gian chưa chết thì 500 người mù này cứ rờ rờ mà sống trong rừng. Từ đó người ta gọi là khu rừng người mù. Cái tên đó kéo dài đến đời Đức Phật mình (chuyện đó cũng lạ).

Thì ngài Kumarakassapa vào khu rừng này tu thiền. Ngài gặp lại một người bạn xưa giờ là một vị Phạm thiên.Vị trời này nhớ bạn xưa mới tìm hiểu, biết bạn mình đang ở đây nên xuống giúp bằng cách đặt một số câu hỏi lạ lùng mà Kumara không hiểu. Rồi nói nếu không hiểu thì nên đến hỏi ý nghĩa ở Đức Phật. Ngài Kumara đem bài kệ đó đến hỏi Đức Phật và Đức Phật giải thích cho ngài từng điều từng điều. Sau khi nghe xong, trở về tu thì ngài đắc A La hán. Nhưng điều quan trọng ở chuyện này là vì ngài đã bắt đầu tu hành đắc chứng bằng một bài kệ mà toàn là hình ảnh ví dụ. Nên khi đắc A La Hán rồi ngài trở thành một người mà Đức Phật khen là Đệ nhất Citrakathi : ‘người nói chuyện bằng những ví dụ minh họa’.

(Citra: hình ảnh

Cathi: nói chuyện –> Citracathi: người nói chuyện bằng ví dụ minh họa).

Ngài là đệ nhất, vô địch trong chư tăng về khả năng này. Những vị khác mà giải thích về Thiền quán, về thiền chỉ, về duyên sinh, Bốn Đế, Thất Giác Chi cứ lo giải thích số 5 số 7 số 3 số 8, riêng ngài thấy mình chậm hiểu là ngài cho một núi ví dụ, nói chừng nào mình hiểu thì thôi. Bậc thầy thiên hạ về cái tài này.

Các vị tưởng tượng chuyện đó xảy ra trong khoảng 10 năm đầu tiên sau khi Phật thành Đạo. Ngài thành Đạo năm 35 tuổi, chuyện ngài Kumara xảy ra lúc Thế Tôn 45 tuổi trở lại. Như vậy vị này ít nhứt là nhỏ hơn Thế Tôn 45 tuổi. Cho nên khi Thế Tôn tịch rồi thì vị này sống rất lâu. Giống như bà Visakha đắc quả lúc 7 tuổi, mà Kinh nói bà sống tới 120 tuổi. Giống mấy đại đệ tử cao đồ của Đức Phật tuổi thọ rất dài. Như ngài Pakula sống tới 160. Ngài Anurudha đệ nhất thiên nhãn sống 150. Ngài A Nan, ngài Ca Diếp, bà dì mẫu Gotami, bà Visakha đều 120. Riêng ngài Cấp Cô Độc thì yểu đi sớm. Mà yểu nhứt trong đó là ngài Rahula, có bốn mấy năm chục là ngài tịch rồi.

Chúng tôi dạo một vòng để các vị biết ngài Kumara là ai. Bây giờ chúng ta trở lại nội dung bài Kinh.

Lúc bấy giờ có ông vua Tệ Túc, ổng không tin chuyện kiếp trước kiếp sau. Ổng chỉ tin cái gì ổng thấy được, sờ chạm, ngửi được chứng minh được. Còn cái gì quá tầm nhận thức suy diễn của ổng thì ổng bèn cho đó là không có! Nhưng dù sao ổng cũng có chút lòng kính mộ, thương quý ngài nên ổng tới hỏi đạo. Ổng nói thiệt với ngài là không tin trời đất gì hết, không tin kiếp trước kiếp sau, không tin cái gì không thấy sờ chạm được, cái gì không chứng minh được là cái đó không có thiệt. Cho nên ngài Kumara dùng nhiều ví dụ để giải thích cho ổng nghe.

Coi trong Chánh Kinh các vị thấy không? “Lúc bấy giờ vua Payasi khởi lên tà kiến như sau: là không có đời sau, không có các loài hóa sanh, hành vi thiện ác, không có quả báo”.

Ổng nghĩ vậy, mà đây cũng là cách nghĩ của rất nhiều người bây giờ kể cả người VN mình. Họ cho chết rồi là hết, còn mấy cái loại khuất mày khuất mặt là do người ta bịa ra thôi. Rồi còn thiện ác là do mình nghĩ thôi chớ làm gì có chuyện báo ứng? Cũng như chuyện phủ nhận các loài hóa sanh là theo tôi thấy nhiều lắm. Nhiều người tìm đủ cách để phủ nhận. Họ nói đâu có bằng chứng nào chứng minh ma quỷ, chư thiên có thiệt. Trong room này tôi không biết ai đang nghe. Tôi chỉ xin gởi chung cho những ai nghi ngờ hoặc không tin một câu nói thôi:

Nếu quý vị muốn tin cái gì thì quý vị nên dựa vào những bằng chứng, chớ đừng cuồng tín. Nhưng nếu quý vị muốn bác bỏ cái gì đó thì quý vị cũng làm ơn dựa vào những bằng chứng. Nhe!

Chớ theo tôi biết những người tuổi trẻ hôm nay đụng đâu bác đó để chứng tỏ mình là người có đầu óc khoa học, là trí thức thời đại, thời thượng, chỉ tin cái gì có chứng minh, có lý do hợp lý…Mình quên một chuyện là tin cái gì phải có bằng chứng, mà muốn bác cái gì cũng phải có bằng chứng. Mình không thấy con vi trùng không có nghĩa là con vi trùng đó không có. Mình không nghe được những tần số âm thanh nhỏ (hạ âm), đề xi ben nó quá thấp chỉ có con chó con cá heo nó nghe được, thì không lẽ những cái đó không có? Có chứ! Con chó phân biệt được mấy trăm mùi, mình thì không vậy. Cái vali có một tép heroin trong đó là con chó nó ngửi biết chớ còn mình đâu có ngửi được gì đâu. Những lần có động đất sóng thần mấy con thú nhốn nháo, xôn xao là nó di tản hết. Còn con người mình tới phút cuối mình mới hay đã động đất, đang động đất. Còn mấy con kia biết trước hết rồi. Có nghĩa khả năng cảm nhận sự việc của mỗi loài mỗi khác. Chư thiên và những người khuất mày khuất mặt có khả năng khác. Chúng ta là loài người, thân thể nặng nề, có máu có thịt có xương có da còn rất nhiều rào cản sinh học. Nó không cho phép mình sự bén nhạy của một số loài chúng sinh. Chính vì vậy mình cứ tưởng cái gì mình không biết là cái đó không có, thì suy nghĩ đó hơi khờ!

Ông vua này theo kiểu đó, nói cái gì ta không thấy không biết là nó không có. Ổng nghe đồn ngài Kumarakassapa biết nhiều, có thể giải tỏa những hoang mang nghi hoặc về kiến giải của thiên hạ, nên ổng tìm tới thăm. (Chuyện dài lắm bà con tự coi thêm. Tôi chỉ giảng cái gì trong đây không có).

Nghe ổng nói vậy thì ngài Kumara nói là không được, không nên như vậy. Cái gì có mình phải thấy là có. Cái gì không mình phải thấy là không. Đại vương phải biết mình chết rồi đâu phải là hết, còn có đời sau kiếp khác. Những loài khuất mày khuất mặt cũng là những chúng sanh nhưng trong hình dạng khác, trong hình thức tồn tại đặc biệt khác nhân loại, nhưng điều đó không có nghĩa là không có. Ông vua nghe ổng không tin, ngài mới lần lượt cho các ví dụ.

(còn tiếp)
Reply
(tt và hết) Sư Toại Khanh Giảng Kinh Tệ Túc (2-2)


Ví dụ đầu tiên là phải tin là có đời sau, tin các loài khuất mày khuất mặt là có thiệt. Các hành vi thiện ác cũng có quả báo chứ không phải không có.

Ông vua kể là ổng biết có những người chuyên môn sống trời ơi đất hỡi, chằn ăn trăn quấn, hung dữ, bất thiện, tội lỗi. Ổng dặn họ là họ chết mà có sa đọa thì về báo cho ổng biết. Ổng cũng dặn những người sống hiền lành nhân đức là có đi về trời thì cũng về báo ổng biết. Tuy dặn vậy nhưng khi họ chết ông không thấy họ về báo hay nhắn cho biết giờ họ đang ở đâu. Chính vì vậy trẫm thấy thiên đường địa ngục, kiếp sau là không có thật. Trẫm cho rằng chết rồi là hết.


Ngài nói cho ổng nghe những ví dụ. Nếu người ta về trời thì cơ hội người ta quay lại báo tin cho mình không có vì nhiều lý do: Thứ nhứt, tuổi thọ người trên cõi trời như cõi Tứ thiên vương một ngày đêm trên đó bằng 500 năm nhân loại. Cõi Đao Lợi một ngày đêm bằng 1.000 năm nhân loại. Với họ thời gian họ ở cõi trời rồi nhớ lại để về gặp lại thân nhân là rất khó, vì chỉ trong tích tắc mà thôi. Như nước ta có địa danh ngọn núi ở Bắc Ninh tên là Lạn Kha quí vị biết không, bênTàu có chuyện giấc mộng Nam Kha. Nghĩa là chư thiên khi sanh về trời mà trở lại thăm người thân rất hiếm, vì tuổi thọ họ dài , rất lâu. Họ có nghĩ về mình như nghĩ mấy con muỗi vậy vì con muỗi sống không lâu. Khi họ nhớ về mình thì mình đã chết mất rồi.


Thứ hai là khi chúng ta mang hình hài khác thì cái tâm tư tình cảm chúng ta cũng khác. Đây là sự thật phũ phàng mà bà con phải nhớ. Các vị rờ người các vị đi, đây là xương đây là thịt, đây là tay là bàn chân mình. Khi mình sống là mình bị nhốt trong hình hài này thì mình có những suy tư, tâm tư, tình cảm nó hợp với hình hài đó. Thử mai này mình mang cái hình hài mà không tự sờ bóp được. Nó như khói, mình có thể đi mây về gió, có thể nhìn thấu mọi việc, đi đứng không trở ngại, cơ thể hoàn toàn nhẹ nhõm, nhẹ tênh không bịnh hoạn, không có cảm giác tê buốt, nhức mỏi khó chịu. Không cảm giác buồn ngủ, đói khát như nhân loại, thì trong hình hài như vậy, cái tâm tư tình cảm mình chắc chắn cũng khác đi.


Cho nên nếu họ sanh về trời, chuyện mà họ nhớ lại mình có nhiều rào cản lắm. Cón nếu họ bị đọa về địa ngục là khỏi nói rồi. Các vị tưởng tượng lửa 300 độ nó kinh khủng thế nào. Mà nếu nó 30.000 độ thì tưởng tượng nó còn gì nữa. Trong Kinh ví dụ một chút xíu lửa bằng hạt cải dưới địa ngục nếu đem lên mặt đất mình thì nó có thể làm khô hạn cằn cỗi cả một vùng đất trong suốt nhiều năm. Các vị tin hay không thì tùy nhưng tôi thấy chuyện đó nếu có cũng không gì lạ. Ác một chỗ do nghiệp khiến nên mình bị đốt trong lửa đó mà không chết được. Nóng thê thảm vậy mà dứt khoát không chết. Khi nào hết nghiệp trở lên mình mới biết nóng thiệt. Nó đốt làm mình bị khờ đi.


Nên trong Kinh nói những chúng sanh ở dưới cõi khổ lên tánh linh họ rất thấp, tại vì mang thân người nhưng vì bị khổ lâu ngày, quá nhiều năm nên bị khờ. Nhiều người khả năng nhận thức, hiểu biết của họ hạn chế đến mức mình nhìn họ mình ngại luôn. Có nghĩa khả năng suy diễn, tưởng tượng, hình dung, nhận thức của họ nó nghèo đến mức khó tin. Hoặc là họ sống ù lì, sống chỉ gói gọn trong một không gian sinh hoạt nhỏ hẹp của tình cảm, của vật chất. Dù họ có ở trong điều kiện gì thì không gian tâm lý không gian sinh hoạt của họ rất là hạn chế. Cho nên có đi về trời hay bị đọa thì cơ hội quay lại nhắn tin cho mình rất là ít.


Ngài nói thêm, chư thiên ngoài chuyện họ nhớ mình thì mình đã chết rồi còn có chuyện là họ gớm mình dữ lắm. Họ coi mình còn tệ hơn đống rác nữa. Như chư thiên Đao Lợi họ gớm mình đến 100 do tuần họ còn nghe mùi mình.


Cứ như vậy các vị coi các ví dụ sau, nếu ngày mai siêng thì tôi giải thích. Nhưng hoàn toàn bài Kinh này giải thích thì có nhiều cái thú vị, còn không thì bà con coi tự hiểu lấy. Đây cũng lần đầu tiên bà con thấy tôi có cách dễ giảng vậy vì bài Kinh này bà con tự coi được.


Nghĩa là ngài kể nhiều câu chuyện để giải thích cho ổng nghe rằng chuyện tái sanh là có thật. Chuyện đời sau kiếp khác là có thật. Chuyện hành vi thiện ác cho quả báo là có thật. Chỉ vì để soi sáng tâm hồn của ổng mà ngài đã kể liên tục rất nhiều hình ảnh ví dụ. Sau khi ngài kể xong thì ổng phát tín tâm, phát nguyện trở thành người Phật tử. Tuy nhiên cuối bài Kinh lại có một vấn đề rất lớn. Đó là tin thì tin, nhưng tin rất yếu, tin cho có vậy thôi. Nghĩa là ổng nghe nói làm phước thì được phước, làm tội thì bị tội nên thôi giờ xuất kho, ổng là vua mà, xuất kho cho người ta thay mặt ổng làm phước, nhưng ổng tiếp tục ăn chơi rượu thịt chè chén, mỹ nữ bình thường, chỉ khác là bây giờ ổng có tin ít nhiều. Mỗi ngày ổng cho người xuất kho ra, thay mặt ổng làm phước bố thí cho mấy người tu hành, mấy người già cả, cô nhi, cơ nhỡ, đói khổ…Người đại diện ổng làm việc đó tuy là làm dùm ổng nhưng lại làm với tất cả tâm hồn, tất cả tín tâm, tất cả niềm tin, và lòng từ bi thương người. Cho nên người làm dùm ổng chết rồi được sanh về cõi Đao Lợi. Còn riêng ông Payasi này ổng tuy có tin tưởng, có gián tiếp làm phước nhưng chính vì ổng quá hờ hững, quá sơ sài trong chuyện làm thiện (tâm không gắn bó, không khắng khít) cho nên khi chết rồi ổng sanh vào một tòa lâu đài bỏ không.


Lâu đài bỏ không là khi quý vị làm phước đủ phước về trời thì trên đó xuất hiện một tòa lâu đài sẵn bằng vàng, ngọc để mai này các vị về ở. Tức lâu đài xuất hiện trước rồi các vị xuất hiện sau. Đó là trường hợp của Nandiya. Tức là ổng làm phước nhiều đến mức trên đó xuất hiện một lâu đài trước chư thiên biết là sẽ dành cho ai. Trường hợp thứ hai là khi nào mình lên trên đó nó mới có. Trường hợp thứ ba là có khi mình là một vị trời trên đó mình vừa chết thì lâu đài cũng biến mất theo mình, vì mình là khói nó cũng là khói. Nó được gọi là vàng vì khi mình còn sống nó chói rực như vàng. Nhưng phù du ở chỗ nó có do phước, phước của chư thiên, cho nên vị chủ nhân mất rồi nó biến mất. Cũng có trường hợp thứ tư, là vị đó do cách làm phước của họ, nếu vị trời đó có cơ hội trở lại thì khi mệnh chung nó vẫn còn đó để vị này tái sử dụng. Trong room có hiểu không ta? – Chính cái phước báo của mình nó xếp như vậy chớ chính mình không biết.


Thời Đức Phật có một vị tỳ kheo tên là Gavampati. Các vị còn nhớ Đức Phật lúc mới thành Đạo có một thanh niên tên là Yasa đã tìm đến với ngài? – Vị này cũng đi xuất gia trong một đêm tối. Vị này cũng có 3 tòa lâu đài như Tất Đạt, đi xuất gia rồi cả nhà cũng đều đắc quả hết. Trong nhóm bạn thân 54 người của vị này có một người tên là Gavampati (gavam: con bò ; pati: chủ) = Govinda (bữa hổm mình học bài Kinh Đại Điển Tôn). Govinda là ‘con bò chúa’ hoặc ‘chủ trại bò’. Ở đây Gavampati cũng có nghĩa là chủ trại bò. Và vị này nằm trong nhóm bạn của tỳ kheo Yasa. Nghĩa là vị này tuổi đời cũng lớn lắm, tầm tầm đức Phật. Vị này xuất gia và đắc A La hán. Trước khi làm người có tên Gavampati thì vị này là một vị tiên ở cõi Tứ thiên vương. Trước khi chết sanh về cõi người và xuất gia đắc A La Hán thì lâu đài trên cõi tiên của vị đó không mất, vì chính nghiệp báo của vị này khiến cho như vậy, vị này còn có cơ hội trở lại. Lúc đắc A La Hán, buổi trưa mà muốn nghỉ trưa thì ngài bay về trên đó để nghỉ. Chuyện lạ như vậy!


Các vị đọc thấy Kinh Trường Bộ nói: “Cung điện trống không của Serisaka”. Đây là một hiểu lầm rất lớn. Không phải cung điện trống không của Serisaka mà chính xác là ‘cung điện mang tên Serisaka’, vì phía trước lâu đài này có hai cội cây sirisa rất lớn, nên chư thiên gọi là lâu đài Serisaka. Lâu đài này chính là của ngài Gavampati, rồi ông vua Payasi này khi chết về Tứ Thiên vương không có chỗ ở (do cái phước của ổng). Ổng thấy lâu đài còn trống nên vào đó ở. Ngài Gavampati buổi trưa lên trên đó, lúc này tuổi ngài già lắm. Ngài thấy ông đó nên hỏi: “Ở đâu mà tới đây?”. Ổng nói con xuất thân là vua Payasi ở cõi người có tà kiến, nhưng nhờ ngài Kumarakassapa ngài thuyết Pháp nên con bỏ được tà kiến đó.Nhưng do con làm phước xìu xìu ển ển nên phước con giờ chỉ đủ về Tứ thiên vương thôi, không đủ phước để có lâu đài riêng. Con thấy chỗ này trống thì con ở.


Chú giải nói, với thiên nhãn ngài Gavampati nhìn thấy lâu đài ngoài sa mạc trên mặt đất mình, và nói rằng ở đó có lâu đài bằng vàng không ai ở mà rất vừa với công đức của ông. Ông hãy về đó ông ở thay vì ở đây ông chỉ là người ở tạm. Nay mai tôi Niết bàn thì nó sẽ biến mất. Nếu ông về đó thì ông ở luôn.


Ngài dặn dò như vậy xong thời gian sau ngài Niết bàn, và lâu đài biến mất. Riêng về Payasi này đi về một lâu đài bỏ hoang ở sa mạc (cõi người). Các vị nhớ chư thiên mang tiếng là cõi Tứ thiên vương nằm trên cõi người nhưng thực tế trên mặt đất của cõi nhân loại mình trên hành tinh này vốn có rất nhiều vị trời thuộc hội chúng Tứ thiên vương. Có nghĩa quốc tịch họ là Tứ thiên vương nhưng họ định cư lâu ngày dài hạn ở trên cõi nhân loại này.


Đây là bài Kinh rất độc đáo ở chỗ là chúng tôi không giải thích hết vì nó dài thăm thẳm và nội dung bà con đọc rất dễ hiểu. Chẳng hạn trong đây có một ví dụ rất đẹp. Đó là ổng hỏi ngài vậy chớ mình làm phước muốn mau hưởng phước mình có thể tự sát để cho cái phước đó trổ quả liền hay không.


Ngài nói với ổng chuyện đó giống như chuyện một cô vợ bé đọc di chúc của chồng là gia tài này sẽ thuộc về cô nếu cô sanh con trai. Bả vì nôn nóng muốn dành tài sản với bà vợ cả nên cái bụng bả mới mấy tháng mà bả tự rạch bụng coi trong đó là trai hay gái để cãi lộn với bà vợ cả. Các vị tưởng tượng chuyện đó ngu và nguy hiểm thế nào, không thể nào có chuyện đó được! Chuyện làm phước ở đây nếu muốn đi sớm mà tự sát mong quả nó trổ ngay thì không thể. Vì mỗi lần tạo nghiệp cái tâm lực mạnh yếu khác nhau. Có những cái nghiệp nó phải năm kiếp, 10 kiếp, 80 kiếp, 800 kiếp nữa mới trổ quả.Có những nghiệp mình lam buổi sáng mà buổi chiều nó có quả, chẳng hạn những hành động phước đức hoặc những hành động tôi lỗi đặc biệt thì phải trổ quả trong vòng một ngày. Có khi làm hồi tuổi trẻ, đến trung niên mới gặt quả. Có trường hợp làm tuổi trẻ tuổi già mới gặt quả. Có trường hợp làm trung niên mà tuổi già mới hái quả. Cho nên những chuyện đó mình không có biết! Và những cái đó không có gì ngoài khả năng hiểu của bà con hết trơn. Phải động não nghe, tôi không giải thích nữa.


Rồi xin hẹn lại bà con ngày mai. Chúc các vị một ngày vui. Nhớ đọc kỹ bài Kinh đó một chút nhe!/.


Mục Lục các Bài Giảng

(hết)
Reply
Trường Bộ Kinh
Digha Nikaya

23. Kinh Tệ-túc
(Pàyàsi sutta)

--ooOoo--

23. KINH TỆ-TÚC

112. TRONG TRƯỜNG-HỢP NÀO KINH TỆ-TÚC ĐƯỢC THUYẾT-GIẢNG?

Vào một thời kia, Tôn-giả Cưu-ma-la Ca-diếp (Kumàra Kassapa) cùng với đại-chúng Tỳ-kheo đến đô-thị Tư-bà-hê (Setavyà) của nước Câu-tát-la (Kosala), ngụ trong rừng Thi-xá-bà (Simsapà). Tôn-giả là bậc A-la-hán, đệ-tử nổi tiếng của đức Phật trước kia. Bấy giờ có Bà-la-môn Tệ-Túc (Pàyàsi), lãnh-chúa của vùng nầy, nghe danh-tiếng của Tôn-giả Cưu-ma-la Ca-diếp, đến xin yết-kiến.

Kinh nầy chẳng phải do đức Phật thuyết-giảng mà là một bài tường-thuật cuộc tranh-luận giữa Bà-la-môn Tệ-Túc với Tôn-giả Cưu-ma-la Ca-diếp, về tà-kiến: ''Không có đời sau, không có các loại hoá-sanh, hành-vi thiện-ác không có quả-báo.'' Bằng các thí-dụ cụ-thể, Tôn-giả Cưu-ma-la Ca-diếp đã chứng-minh sự vô-lý của tà-kiến đó, đồng thời chỉ rõ kẻ mang tà-kiến phải gánh chịu đau khổ, bất-hạnh lâu dài, và khuyên Tệ-Túc nên mau vứt bỏ tà-kiến đi, khiến cho Tệ-Túc được tỉnh-ngộ và xin qui-y ngôi Tam-Bảo.

113. NỘI-DUNG KINH TỆ-TÚC.

A.- Ý Chánh: Cuộc tranh-luận về tà-kiến: ''chẳng có Luân-hồi, quả-báo.''

B.- Phân đoạn: Kinh có thể chia ra ba phần:

1. Phần I: Tệ-Túc đến yết-kiến Tôn-giả Cưu-ma-la Ca-diếp, để nói lên tà-kiến của mình:

- Tệ-Túc trình-bày tà-kiến: chẳng có đời sau, chẳng có các loài hoá-sanh; hành-vi thiện ác chẳng có quả-báo;

Câu hỏi đầu-tiên của Tôn-giả Ca-diếp: ''Mặt trời, mặt trăng thuộc thế-giới nầy hay thế-giới khác?''

Tệ-Túc đáp:''Mặt trời, mặt trăng thuộc thế-giới khác'', tuy chấp-nhận có thế-giới khác, nhưng vẫn giữ tà-kiến trên.

2. Phần II: Cuộc tranh-luận giữa Tệ-Túc và Ca-diếp:

- Luận-cứ của Tệ-Túc (TT): vì người chết chẳng trở lại báo tin, nên biết chẳng thể có đời sau được.

. TT: Có nhiều kẻ kia phạm giới, khi gần chết được tôi dặn nếu bị sanh vào khổ-cảnh, thì trở lại báo cho tôi biết. Chẳng ai trở lại báo cho tôi biết cả. Vậy thì chẳng có đời sau.

. Ca-diếp (CD): Thí-dụ như có tội-nhơn bị xử-tử, lại xin kẻ hành-hình cho phép mình về thăm bà-con rồi trở lại chịu chết, thì có được phép không? Ở dưới điạ-ngục, qủi-sứ đâu có cho ai ra khỏi ngục, trở về nhà.

. TT: Có nhiều kẻ giữ giới đầy-đủ, khi gần chết được tôi dặn nếu được sanh lên cõi Trời thì trở lại báo tin cho tôi biết. Chẳng ai trở lại báo tin cả.

. CD: Thí-dụ như có người té xuống hầm phân, nay được tắm rửa sạch-sẽ, có còn muốn té trở lại hầm phân chăng? Chư Thiên rất ghê tỡm mùi hôi của loài Người, nên có bao giờ muốn trở lại đấy để báo tin.

- Luận-cứ của Tệ-Túc: vì không thấy tận mắt, nên chẳng tin.

. CD: Có kẻ sanh lên cõi Trời Ba-mươi ba, ở đấy một ngày lâu bằng một trăm năm nơi cõi Người, nếu có trở lại báo tin cho ông thì ông đã chết từ lâu rồi.

. TT: Tôi chẳng thể tin được có cõi Trời Ba mươi ba và tuổi thọ ở cõi ấy dài đến như vậy, vì mắt tôi còn chưa thấy được như thế.

. CD: Có người sanh ra đã mù, lầm cho rằng chẳng có màu sắc, vì chính họ chẳng trông thấy gì. Chỉ có bực Sa-môn tu-hành tinh-tấn chứng đắc thiên-nhãn thanh-tịnh mới trông thấy được cõi Trời Ba mươi ba.

Luận-cứ của Tệ-Túc: Nếu làm lành, giữ giới, được sanh lên cõi Trời sướng hơn, cớ sao ai cũng tham sống ở đây, chẳng ai tự-sát để sớm lên cõi Trời?

. CD: Thí dụ như có vị Bà-la-môn chết, để lại gia-tài. Con trai người vợ lớn đòi lấy hết gia-tài. Người vợ nhỏ đang mang thai, ngăn lại, bảo chờ sanh ra, nếu được con trai thì sẽ được một phần. Nhưng người con trai trưởng thúc-hối, cứ đòi lấy ngay hết gia-tài. Người vợ bé vào phòng riêng lấy dao rạch bụng, để biết con trai hay con gái. Vì hành-động ngu-xuẩn đó mà cả mẹ lẫn con trong bụng bị hại. Hành-vi tự-sát để được sanh lên Trời cũng lại giống như thế.

Luận-cứ của Tệ-Túc: vì chẳng thấy ''linh-hồn'' ra khỏi thân-thể khi chết, nên tin chẳng có đời sau.

. TT: Một tên tử-tội bị đem đi cân rồi bị nhốt sống trong một cái chum đậy kín, và nổi lửa đốt. Sau khi mở chum ra, chẳng thấy ''linh-hồn'' người chết đi ra, chỉ thấy thi-thể nặng hơn thân-hình lúc còn sống.

. CD: Tôn-chủ ngủ trưa, nằm mộng thấy mình đi du-ngoạn đó đây. Các người hầu-cận đứng bên có thấy ''linh-hồn'' của Tôn-chủ thoát ra di du-ngoạn chăng? - Thân-thể người sống có sức nóng nên mềm-nhẹ hơn khi đã chết cứng.

. TT: Giết một tử-tội bằng cách lột da, lóc thịt, gân, cho đến xương-tủy, lật ngữa, lật sấpkéo cong lại, nào thấy đâu ''linh-hồn'' được thoát ra ngoài.

. CD: Thí-dụ như có người thổi tù-và, tiếng nghe êm tai. Người ấy đặt tù-và xuống. Có các kẻ khác đến bên tù-và, lật sắp, lật ngữa, cũng chẳng nghe âm-thanh phát ra. Chỉ khi người thổi tù-và thổi hơi vào mới nghe được tiếng tù-và. Sự ngu-xuẩn của các kẻ kia cũng giống như những ai muốn thấy ''linh-hồn'' trong thây chết bị lật úp, lật ngữa mà đi thoát ra vậy.

Lại lấy một thí-dụ khác: một người thờ lửa, có việc phải đi xa, dặn con nên canh-chừng lửa, đừng để tắt; nếu bị tắt thì nên dùng đồ quây lửa mà nhen-nhúm lại. Thằng bé ham chơi, quên canh-chừng nên lửa tắt; nó lấy đồ quay lửa ra, chẻ làm hai, chẻ làm bốn, làm tám, cũng chẳng thấy lửa đâu. Sự ngu-xuẩn của đứa bé cũng như những người trước muốn tìm thấy cho được cái ''linh-hồn'' thoát ra khi chết.

- Luận-cứ của Tôn-giả Ca-diếp về Luân-hồi và quả-báo:

CD: ''Nầy Tôn-chủ, tôi sẽ kể vài thí-dụ; người có trí, nhờ các thí-dụ mà hiểu ý-nghiã của lời nói.

Ví-dụ về đoàn lữ-hành: có đoàn lữ-hành đông-đảo được hai người lãnh-đạo, nên chia ra làm hai đoàn. Một đoàn đi trước, mang theo nhiều vật-liệu, lương-thực, xuyên qua bãi sa-mạc, dọc đường gặp một quỷ Dạ-xoa giả-dạng người, khuyên nên bỏ các vật-liệu, lương-thực đi cho nhẹ, vì đến nơi kia sẽ có nhiều hơn. Người lãnh-đạo nghe theo, nhưng đến nơi chẳng thấy có gì cả, lại gặp sự bất-hạnh bị quỷ Dạ-xoa ăn thịt. Đoàn thứ hai cũng gặp quỷ giả-dạng, gạt-gẫm bảo bỏ bớt đi vật-liệu và lương-thực, nhưng người lãnh-tụ chẳng nghe theo. Khi đi đến nơi, nhìn thấy đống xương trắng-hếu, mới biết đoàn lữ-hành trước vì đã quá tin theo lời nghe nói (của Dạ-xoa) mà phải chịu cảnh bất-hạnh. Cũng vậy, Tôn-chủ chớ có nghe theo tà-kiến, chúng sẽ đưa Tôn-chủ vào đau-khổ, bất-hạnh lâu-dài.

. Ví-dụ khác: Một người nuôi heo thấy một đống phân khô, gói lại trong bịt, đội lên đầu, đem về cho heo ăn. Dọc đường bị mưa, phân ướt chảy dơ dáy khắp mình-mẫy. Các người khác thấy vậy, khuyên nên bỏ bịt phân đi, nhưng kẻ ấy chẳng chịu, cứ tiếp-tục đội bịt phân ướt về. Nầy Tôn-chủ, chớ nên cố-chấp vào tà-kiến như người đội phân kia, nó sẽ đưa Tôn-chủ vào đau-khổ và bất-hạnh lâu-dài.

. Ví-dụ khác nữa: Hai người đánh bạc; một người khi thua thì lấy con xúc-xắc ngậm vào miệng. Kẻ kia thấy vậy, xin đổi xúc-xắc, lấy mấy con cũ đem thoa thuốc độc vào. Một chặp, người ấy lấy xúc-xắc có thoa thuốc độc ra mà đổ. Đối-thủ bị thua, liền lấy xúc-xắc đó ngậm vào miệng, nên phải chịu đau-đớn vô-ngần. Nầy Tôn-chủ, hãy từ bỏ ngay các tà-kiến, nó sẽ đưa Ngài vào đau-khổ, bất-hạnh lâu dài.

. Ví-dụ chót: Hai người bạn lên đường tìm của-cải. Dọc đường, họ gặp một đống gai quăng bỏ. Họ bó lại hai bó và mang đi. Lại gặp nhiều bó dây gai; một người bỏ bó gai, lấy dây gai, còn người kia thì chẳng chịu bỏ. Qua đến các nơi khác, họ lần-lượt gặp nhiều vải bông, ... sắt, ... thiếc, ... chì, ... bạc và vàng. Người thứ hai lần-lượt bỏ các món cũ, chọn lấy vàng đem về; còn người kia vẫn cố giữ bó gai mà anh đã mang theo từ xa. Dĩ nhiên người mang bó gai về chẳng được vợ con hoan-nghinh, còn anh kia được gia-đình vui mừng đón tiếp. Nầy Tôn-chủ, hãy từ bỏ ác-kiến, chúng sẽ đưa Ngài vào đau-khổ và bất-hạnh lâu-dài.

3. Phần III: Tôn-giả Ca-diếp dạy phép lập tế-đàn.

Tệ-Túc: Ngay tại thí-dụ đầu-tiên về mặt trời, mặt trăng, tôi đã bỏ tà-kiến và tin có đời sau, có quả-báo, nhưng vì muốn nghe trọn lời dạy của Tôn-giả Ca-diếp nên tiếp-tục hỏi thêm. Giờ đây tôi xin quy-y ngôi Tam-Bảo và xin thưa hỏi về việc tổ-chức lễ tế-đàn.

CD: Việc tế-đàn chẳng cần có thú-vật bị giết, kẻ tham-dự phải từ bỏ tà-kiến, phải có chánh-kiến; một tế-đàn như thế sẽ đem lại quả-báo lớn, lợi-ích lớn.

- Tệ-Túc tổ-chức bố-thí cho người nghèo những thức như cháo, đồ ăn phế-thải, vải thô... nên quả-báo là được sanh lên cõi Trời thấp nhứt là cõi Tứ Đại Thiên-Vương. Có thanh niên Uttara bị bỏ qua trong cuộc bố-thí nầy, sau khi chê-trách lối bố-thí của Tệ-Túc, tổ-chức một lễ tế hoàn-bị, với tế-vật có phẩm-chất tốt, có lòng thành, nên được sanh lên cõi Trời cao hơn, là cõi Tam Thập tam Thiên.

114. HỌC KINH TỆ-TÚC NÊN CHÚ-Ý ĐẾN ĐIỂM NÀO?

1. Tà-kiến nói trong Kinh Tệ-Túc: ''chẳng có luân-hồi, chẳng có quả-báo''. Người cho rằng chẳng có đời sau là vướng phải tà-kiến được gọi là đoạn-kiến, nghiã là cho rằng chết là hết. Người mắc đoạn-kiến lại chủ-trương rằng, hễ còn đang sống đây, phải cố hưởng-thọ cho mau mau, cho nhiều nhiều, tất cả các khoái-lạc, cần gì phải lánh ác làm lành, kẻo khi mất chẳng còn hưởng được nữa, ''uổng đời'' lắm ! Lý-luận như thế, làm sao tránh khỏi sa vào đường ác khi chết, mà ngay lúc còn sống cũng khó lòng mà được người khác kính-nễ.

2. Mắt có thấy, tai có nghe, mới biết chắc là có; đó chỉ là kinh-nghiệm của một cá-nhơn về thực-tại bên ngoài. Nhưng nếu chẳng thấy được, chưa nghe được một sự-vật gì, đó chẳng phải là lý-do vững-chắc để quả-quyết rằng sự-kiện đó chẳng có. Đấy là điểm cần lưu-tâm đến, khi học Kinh Tệ-Túc.

Vì lẽ các cảnh-giới khác với cõi nhân-gian, chẳng thể chỉ rõ ra cho mắt thấy, cho tai nghe được, nên Tôn-giả Cưu-ma-la Ca-diếp mới dùng khá nhiều thí-dụ cụ-thể -- có phần dí-dỏm ! -- của đời sống hằng ngày mà chứng-minh với Tôn-chủ Tệ-Túc. Các thí-dụ đó chỉ có giá-trị tượng-trưng, gợi-ý, nhằm giúp người nghe tự mình suy-gẫm thêm về các sự-vật xuất-thế-gian mà thôi. Chỉ khi nào tu-chứng được thiên-nhãn-thông, bấy giờ mới ''mở mắt ra'' mà đến gần Chơn-Lý.

https://budsas.net/uni/u-kinh-truongbo/truong-tn2.htm

--ooOoo--


Sư Toại Khanh Giảng Kinh Ba Lê (1-2) 

Ghi Chú Quan Trọng: Bài giảng gồm 2 phần:

1/ Sư tiếp tục giảng Kinh Tệ Túc xong (post này, #850)
2/ Sau đó, Sư sẽ giảng Kinh Ba-Lê (post #851)

Kalama tri ân bạn buithibuukim ghi chép.

22/02/2022 - 12:06 - buithibuukim
TRƯỜNG BỘ KINH 
23.KINH TỆ TÚC (tt)

(Bài giảng ngày 17/10/2016)

Chúng tôi chỉ mất một phút để giải thích lý do vắng mặt trong thời gian vừa qua. Đó là chúng tôi nhận lời dạy dạy một lớp 7 ngày trên Dallas. Tiếp theo là 7 ngày tại Houston, sau đó trở về (..) dùng máy không tiện không vào room được. Chúng tôi không thể dạy bù, vì ở Houston chúng tôi dạy từ 9g sáng – 11g trưa. Nghỉ một lát rồi 2g trưa – 5g chiều. Nghỉ một lát rồi từ 7g – 10g đêm. Suốt nhiều ngày vậy nên vừa sụt cân vừa mất ngủ, sinh hoạt hơi ác vậy, nên không nghĩ đến chuyện dạy bù vì quá mệt!

Cũng phải nói thêm là chúng tôi thiết tha hy vọng những bài thu trong suốt thời gian đó mà bà con tìm lại liên lạc được những người trong room này thì rất là nên. Bởi vì đó là loạt bài giảng chúng tôi cho rằng rất căn bản về Phật học. Chẳng hạn như 12 Duyên khởi, về Bốn Đế, đặc biệt là Bốn Niệm Xứ.

Thưa quý vị, hôm nay chúng ta học tiếp bài Kinh Tệ Túc .  Sau đó học Kinh Ba Lê. 

Hôm trước mình đã học rất đại khái rất sơ sài về bài Kinh Tệ Túc. Nó cũng có lý do chớ không phải không. Phải nói hôm đó chúng tôi lười, quá sức lười mà mệt nữa. Nhưng nội dung bài Kinh đó cũng mềm chớ không có gì ghê gớm.

Một ông vua không có niềm tin vào kiếp trước kiếp sau. Có một chuyện chúng tôi đã nói rất nhiều lần. Là có những người khoác lên mình cái màu áo gọi là trí thức hiện đại, cho rằng mình không tin quàng xiên, đồng cốt, không tin chuyện mê tín dị đoan, như vậy mình là người văn minh, người trí thức. Nhưng họ quên một chuyện là cẩn thận không bao giờ thừa. Đúng là chuyện quàng xiên đồng cốt mình không nên tin. Nhưng không phải cái gì mình không thích, hoặc không thấy, hay không chứng minh được thì đều cho là không có. Đó là chuyện rất không nên! Tôi nói nhiều lần rồi, mình muốn tin gì đó mình phải tìm một bằng chứng, chứng minh. Nhưng mình muốn phản bác, phủ nhận, chối bỏ một cái gì đó thì mình cũng phải có bằng chứng. 

Chẳng hạn giờ các vị nói rằng không có ma quỷ vì không thấy, không chứng minh được bằng kiến thức khoa học các vị có; thì tôi cũng xin hỏi ngược lại là bằng vào kiến thức khoa học các vị sở hữu, các vị đã tìm ra được chứng minh nào để xác minh rằng những ma quỷ, những hàng phi nhơn khuất mày khuất mặt không có thật. Nhớ phải có phản biện nữa nghe. Chớ còn không chỉ có một chiều phiến diện thì cũng kẹt, nghe. Tôi không bắt trong room trở thành người mê tín dị đoan. (mất âm thanh chút xíu). Tôi nhắc lại, mình không muốn tin cái gì đó thì mình cũng phải có bằng chứng như là mình phải có bằng chứng như khi muốn tin cái gì đó.

Các vị hỏi tôi có thần thông hay không. Tôi dĩ nhiên trả lời là không. 

Các vị hỏi tôi dựa vào cái gì mà tin Phật?

Tôi trả lời thế này: 

Vô thường:

Tôi dựa vào một số chuyện mà bản thân tôi có thể thấy được, cảm nhận được. Chẳng hạn Phật dạy cái gì cũng vô thường, từ trăng sao hoa lá, cây cỏ đất đá, chim muông thú vật, những buồn vui, những thành bại trong một đời người. Với tuổi này tôi càng lúc càng thấy đúng là mọi sự mình không thể tin được! Nó hôm nay như vậy thì ngày mai hoặc chiều nay nó có thể khác đi. Một người sáng nay đi sông sổng nhưng trưa nay họ có thể lăn đùng ra chết. Và họ mang theo bao nhiêu thứ từ danh phận, tình cảm, tương lai, bao nhiêu buồn vui, thề thốt hứa hẹn gì đi nữa cũng mang theo xuống mồ hết. Cho nên thứ nhứt Đức Phật dạy vô thường tôi tin.

Điều thứ hai Đức Phật dạy rằng nếu vạn hữu là vô thường thì có đáng gì để mình đi kiếm tìm một cái tôi trong cuộc đời phù du ảo mộng này: 
  1. tôi buồn tôi vui, 
  2. người ta thương tôi, 
  3. người ta ghét tôi, 
  4. người ta tấn công tôi,
  5. người ta làm tổn hại tôi… 

Nhưng cái ‘tôi’ là gì? 

– Chính Đức Phật dạy mình rõ cái này: Hành giả thấy rằng hơi thở ra nó không phải là hơi thở vào. Dĩ nhiên trong chánh niệm thì không có Kinh nào dạy như vậy. Kinh chỉ dạy đơn giản là ‘Thở ra biết thở ra, thở vào biết thở vào. Thở ra ngắn biết ngắn. Thở vào dài biết dài. Thở ra bằng tâm trạng gì: khó chịu hay dễ chịu, thiện hay ác thì hành giả biết rất rõ’. Đó là Chánh Kinh. 

Nhưng trong các kinh nghiệm Tuệ quán chúng ta biết được thì khi hành giả quán chiếu lâu ngày như vậy. Lâu là bao nhiêu. Lâu đây có thể là một ngày, một tuần, một tháng, một năm, tùy vào căn cơ của hành giả. Hành giả sẽ dần dần tiếp tục theo dõi như vậy, tiếp tục chánh niệm như vậy, tiếp tục biết mình và tỉnh thức như vậy. 

Dần dần hành giả sẽ nhận ra 
  1. hơi thở vào không phải là hơi thở ra; 
  2. hơi thở ra không phải là hơi thở vào; 
  3. cái tâm biết hơi thở ra không phải là cái tâm biết hơi thở vào; 
  4. cái buồn của hồi nãy không phải là cái buồn bây giờ; 
  5. cái vui của khi nãy không phải là cái vui của bây giờ.

Đó, từ từ hành giả nhận ra cái đó. Và hành giả thấy rằng cái gọi là ‘tôi’ nó là sự lắp ráp rất là bẽ bàng. Tức là không có cái gì đi liên tục từ thời điểm này sang thời điểm khác. Chỉ trong một phút là đã không có, thì nói gì một giờ, một ngày một tháng, một năm rồi thì là một đời. Không có! Cho nên Phật dạy là lắp ráp, nó đã vô thường rồi là mình đã nản rồi. Hiểu thêm nó là đồ lắp ráp, đúng nó là đồ lắp ráp.

Một điều nữa là Ngài dạy mình 
  1. tất thảy những buồn vui trong đời sống này là do mình áp đặt những khái niệm lên mọi sự. 
  2. Khi mình áp đặt lên đó những khái niệm ‘của tôi’ thì mình sợ nó bị mất. 
  3. Rồi mình ra sức mình bảo quản nó, giữ gìn nó, đổ mồ hôi, xót con mắt vì nó. 
  4. Một ngày kia khi mình buông ý niệm ‘của tôi’ đi thì nó khác. 

Chẳng hạn mình nghĩ đó là chồng mình, vợ mình. Một ngày nào đó ly dị rồi thì chuyện xảy ra cho con người đó, cho thân xác đó, cho hình hài đó nó không còn ảnh hưởng vào nội tâm mình như là thuở nào nữa. Như vậy, các vị thấy rõ ràng là cái buồn vui, cái dễ chịu khó chịu của mình nó luôn luôn gắn liền với những khái niệm, những ý niệm, những kinh nghiệm, những hồi ức. Nếu mình dàn xếp lại cái đó, chắc chắn những buồn vui của mình nó sẽ khác đi rất nhiều.

Tôi nhớ đã xem ở đâu chuyện một người bao nhiêu năm còng lưng làm lụng nuôi vợ nuôi con. Một ngày kia khi đứa bé bị bịnh phải chở vào bịnh viện thì ảnh mới phát hiện ra đứa bé không phải là con mình. Ngay lúc ảnh biết nó không phải là con của mình thì cảm giác nó như thế nào, tôi nghĩ rằng trong room đã hình dung được. Nó là sự xót xa, sự bẽ bàng, nó là cảm giác hụt hẫng không tả được. 

Cái đau thứ nhứt là đứa bé được mình cưng chiều bấy lâu bây giờ nó không phải là con mình nữa. 
Cái chuyện nó không phải con mình nó còn mở ra một vấn đề khác rất lớn. Đó là vợ mình đã cắm sừng mình. Người đàn bà mình đã thương yêu lo lắng bấy lâu nay đã phản bội mình. 

Đứa bé 8 tuổi là bả đã phản bội mình ít nhứt 8 năm. Đứa bé 12 tuổi là bả đã phản bội mình ít nhứt 12 năm. Đứa bé 6 tuổi là bả phản bội mình ít nhứt là 6 năm . 

Mặc dù có thể đó là một tai nạn hoặc chuyện tình một đêm, nhưng trong lòng một người đàn ông chuyện đó đâu đơn giản như vậy. Khi ổng nhận ra đứa bé không phải con ổng thì cảm giác 
  1. trước nhứt đối với nó ổng không còn như ngày nào. 
  2. Còn cảm giác với vợ ổng không còn như thuở nào chỉ vì một ý niệm ‘tôi là’ và ‘của tôi’ mà thôi.
Cho nên ở đây hành giả quán chiếu danh sắc, quán chiếu 5 uẩn, 6 xứ, 12 xứ, 18 giới để nhận ra con mình: con của mình; vợ mình: vợ của mình. Vợ đây là 6 căn 6 trần. Con đây cũng là 6 căn 6 trần. Vợ con đây cũng là 18 giới (6 căn+ 6 cảnh+ 6 thức).

Khi nhận ra như vậy, hành giả tự nhiên có sự buông bỏ. Dĩ nhiên trong room này có nhiều người nghe đến đây cười thầm: ‘Ủa ổng giảng vậy mà ổng hết phiền não chưa, mà mình đã nghe giảng bao nhiêu năm nay mà mình đâu có hết phiền não đâu?’. Tôi xin nhắc lại câu chuyện cái anh chàng bị chứng thần kinh phân liệt thấy mình là hột thóc (không biết trong room còn nhớ không?). Ảnh bị chứng tâm thần nghĩ mình là một hột thóc. Cho mình là hột thóc nên ảnh sợ bị gà ăn, ảnh cứ chun vô tủ trốn. Gia đình đưa ảnh vô bác sĩ, chữa được thời gian thấy ảnh lành cho về. Được ít hôm gia đình lại chở ảnh vô bịnh viện. Bác sĩ nói: ‘Sao bữa hổm thấy anh ok rồi mà’. Ảnh nói: ‘Thưa bác sĩ em biết. Em là con người. Em không thể nào là hột thóc, em biết hết trơn, nhưng em sợ mấy con gà nó không biết!’.

Các vị thấy không? Cái biết của ảnh về thân phận con người của ảnh nó giống hệt như cái biết của tất cả phàm phu chúng ta về thân phận vô ngã vô thường của mình. Là sao? – Tức là anh này biết ảnh không phải hột thóc, nhưng cái biết của ảnh ngờ ngợ, ngờ ngợ. Ảnh ngờ ngợ ít nhứt là 3 điểm: ảnh ngờ ngợ về hình dáng và trọng lượng hột thóc + ảnh ngờ ngợ về trọng lượng và hình dáng của con gà + ảnh ngờ ngợ về hình dáng và trọng lượng của ảnh, làm sao với sức vóc mấy chục kí của ảnh mà bị con gà hai ba kí nó nuốt được? Có nghĩa trong cái biết của ảnh có cái gì đó nó ngờ ngợ. Trong vũ trụ bao la này làm gì có hột thóc nào mấy chục kí như hình hài của ảnh? Cho nên nếu ảnh biết rõ con gà nó ra sao, hột thóc ra sao và hình hài ảnh ra sao thì không cách chi mà ảnh có cái sợ kỳ cục là sợ con gà nó không biết ảnh không phải là hột thóc! 

Mình cũng vậy. Mình học Đạo nhưng không hành trì, không thường xuyên thực tập quán chiếu, cho nên ai đụng tới mình,chỉ cần một email thôi, một message thôi, một câu nói thôi, thậm chí một ánh mắt một kiểu nhìn, một kiểu cười đểu nhếch mép mình cho rằng coi thường là mình đã nổi điên nổi dịch lên. 

Vì sao? 
– Vì cái biết của mình về vô ngã vô thường nó ở cái mức ngờ ngợ thôi, nó lan man, nó mang máng thôi. Cái đó phải tự mình hiểu. Đừng có cười cái anh bị tâm thần phân liệt hồi nãy tôi kể, tưởng ảnh khùng. Hỏng có. Mình khùng cũng cỡ ảnh! Bởi vì nếu không ngờ ngợ về mình, không ngờ ngợ về lời Phật thì mình đã không nổi dịch vì cho rằng mình bị tổn thương.

Tôi cũng vô cùng ngạc nhiên khi thấy không ít người cứ hành trì ba mớ, học giáo lý ba mớ tự cho mình giỏi khi họ quên mất một chuyện vô cùng quan trọng. Đó là, kiến thức giáo lý nó chẳng là cái gì để anh tự hào hết khi nó chưa đủ để anh ‘sống với lũ’. Nói kiểu trong nước, tức là sống với phiền não

  1. Cái giáo lý anh học nó không đủ để hộ trì anh thì anh lấy gì để tự hào tự mãn tự kiêu tự đắc tự tôn? 
  2. Và nếu anh có chấm dứt được phiền não, anh có là một vị thánh, thì một lần nữa chuyện anh trở thành thánh cũng chẳng là gì để tự hào hết. 

Bởi vì như xưa nay anh bịnh, giờ anh hết bịnh thì chỉ có khùng mới tự hào hết bịnh! Mình mừng không hết thì thôi chớ có gì mà tự hào tự kiêu!

Dĩ nhiên là tôi đang nói từ góc độ phàm phu mình, chớ các bậc thánh thì hoàn toàn không phải vậy. Ai là thánh thì mình phải quỳ lạy, bởi vì đó là của hiếm trong vũ trụ. Bởi vì trong cuộc đời này, kẻ mà có đủ nhận thức để thương người để chán đời là đã hiếm; nói chi một người đã dứt hẳn phiền não, dứt một cách triệt để, thì người đó là đáng quý đáng kính. Người đó phải tu tập hàm dưỡng trong nhiều đời nhiều kiếp.

Tôi cũng đã nói không biết bao nhiêu lần. Là chúng ta đến với Đạo có hai tâm thái:

- Tâm thái tu hành kiểu lượm ve chai, cầu phước báo, cầu trí tuệ, cầu công đức, cầu hạnh lành, mong được cái này đắc cái kia.

- Kiểu tu an toàn là kiểu của người đi đổ rác: thấy cái gì rác là đổ, cứ như vậy. Nếu ai hỏi tôi thì tôi đề nghị thế này: ĐỪNG MONG THÀNH THÁNH, NẾU CÓ PHẢI MONG THÌ CHỈ MONG ĐỪNG LÀ PHÀM NỮA

Bởi khi chúng ta có lòng mong thành thánh thì nguy hiểm vô cùng. Thường khi chưa kịp thanh thánh thì đã TƯỞNG mình là thánh. Cái này nó bậy vô cùng! 

  1. Bố thí ba mớ đã cho mình là Visakha, Cấp Cô Đọc. 
  2. Giữ giới ba mớ tưởng mình là ngài Upali. 
  3. Đầu đà hai ba đêm tưởng mình là Ca Diếp. 
  4. Học ba bốn bài giáo lý tưởng mình là ngài A Nan. 
  5. Suy nghĩ được ba mớ tưởng mình là ngài Xá Lợi Phất,… 

Thật ra tất cả những HIỂM NẠN đó đi ra từ đâu? 
– Từ cái chỗ anh tu bằng tâm trạng NGƯỜI LƯỢM VE CHAI. Anh tu để anh huơ. Còn anh tu kiểu người đi đổ rác thì an toàn lắm: cứ thấy rác là đổ. Cứ thấy rác là đổ!

1/ Người giữ chánh niệm cứ thấy nó vui thì biết ĐÂY LÀ THAM. Làm ơn, lầm cũng được. Dầu nó không phải tham mà mình ghi nhận nó tham cũng không sao, vì nó không có hại. Chỉ cần biết nó vui nó thích thì ‘đây là tham’. Thấy nó mát, lâng lâng biết ‘đây là thọ lạc’. Thấy vui thấy thích biết nó ‘tham’ cho tôi. Tôi bảo đảm 99% là đúng. Trong room này có người học A Tỳ Đàm thế nào cũng đòi cãi với tôi, các vị nói là có tâm tham thọ hỷ cũng có tâm thiện thọ hỷ thì đổ cái gì? – Tôi kêu ‘đổ’ đây là ghi nhận ‘tâm tham’ cho tôi.
Không có nguy hiểm gì hết, cứ đi hỏi các vị cao tăng coi ổng nói vậy có đúng không. Thà hiểu lầm tâm Thiện thọ hỷ là tâm tham, hiểu lầm vậy còn không nguy hiểm bằng tưởng tâm Tham thọ hỷ là tâm Thiện thọ hỷ là chết! Nhớ cái này.

2/ Thứ hai là cỡ mình thiện nó hiếm như sao ban ngày. Cho nên 
  1. cứ thấy khoái khoái, thấy vui vui cứ đẩy hết là ‘bất thiện’ cho tôi. Cứ ghi nhận đây là tâm bất thiện. 
  2. Còn không thì ‘đây là tâm thọ hỷ, Hỷ đây là Hỷ vô thường’. 

Cứ nhớ như vậy nó an toàn hơn.

Tôi tin Phật. Tôi không có thần thông, nhưng vì sao tôi tin Phật? 
– Tôi tin vì những điều tôi vừa nói trên. 
  1. Phật dạy mọi thứ là vô thường, mọi thứ là lắp ráp. 
  2. Những buồn vui của mình là do những ảo giác, những vọng niệm mà ra. 
  3. Phật dạy hạnh phúc thật sự của thế gian vốn dĩ không có. 
  4. Hạnh phúc của thế gian đi ra từ phiền não, từ ảo giác. 
  5. Mình do có thích mới có ghét. 
  6. Do có đam mê mới có bất mãn. 
  7. Phật dạy rằng nếp sống an toàn nhứt chỉ là CHÁNH NIỆM

Các vị vào Trường Bộ, bài Kinh Chuyển Luân Thánh Vương và bài Ưu Đàm Bà La – Sư Tử Hống coi có phải như vậy không.

Bài Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Đức Phật ngài dạy: “Này các tỳ kheo, giống như con chim cút nó ẩn thân bằng cách chun xuống dưới mấy luống cày, nhờ vậy mấy loài chim lớn không ăn thịt nó, hoặc như con rùa giấu mình trong cái mai mới được an toàn. Giống như vậy thì vị tỳ kheo không nên lai vãng trong ma giới (cảnh giới của phiền não) bằng cách an trú trong Bốn Niệm Xứ”.

Chỗ an toàn nhứt của phàm phu mình chính là sống trong chánh niệm. Bởi vì chỉ có chánh niệm anh mới có cơ hội anh ‘sờ’ được các công đức anh muốn, mặc dù TU KHÔNG PHẢI CẦU CÔNG ĐỨC MÀ LÀ CẦU BỎ PHIỀN NÃO. 

Nhưng phải nói anh 
  1. muốn có từ tâm, 
  2. muốn có trí tuệ, 
  3. có thiền định, 
  4. tàm úy, 
  5. có đức tin, 
  6. bố thí,
  7. trì giới, 
  8. phục vụ, 
  9.  thông, 
  10. tha thứ 
  11. v.v… 
thì anh PHẢI CÓ ĐỜI SỐNG CHÁNH NIỆM. 

Bởi vì khi 
  1. anh thất niệm rồi thì sụp hố anh không biết. 
  2. Sống thất niệm giống như một người đi tìm vàng, tìm trầm, đi buôn qua sa mạc, trên biển mà thiếu cẩn trọng vậy. 
Chỉ cần thiếu cẩn trọng có thể bị chết trên biển, trong rừng, trên sa mạc, núi cao…Chánh niệm quan trọng như vậy đó.
Cho nên tôi tin Phật ở điều Ngài dạy là “Chỉ có chánh niệm con mới an lạc, mới an toàn”. Điều này tôi tin! Tôi thấy ở bản thân tôi. Tôi mà thất niệm, có những lúc cả tuần lễ mà tôi sống niệm mạnh (niệm mạnh đây tôi không dám nhận là hành giả nghe, tôi uống mật gấu cũng không dám) tôi tập một tuần như vậy, không tiếp phone, đi ra vô một mình, ngay cả trồng hoa, tưới cây tỉa kiểng tôi tâm niệm một tuần này là tôi sống chánh niệm. Ở bên Châu Âu tôi làm điều này rất tốt. Bên đó khách khứa ít, họ chỉ đến theo định kỳ, và họ đến có báo trước. Thì những ngày tháng sống như vậy nó an lạc lạ lắm quý vị. May mà chưa có đắc gì đó! Về điểm này tôi tin Đức Phật.

Điều cuối cùng tôi tin ở Đức Phật đó là tất cả những gì mình thích hay ghét đều làm mình khổ hết
  1. Thích thì nó là gánh nặng kiểu thích. 
  2. Mà mình ghét bỏ mình trốn chạy nó thì nó lại là gánh nặng kiểu khác. 
  3. Mình càng mong nó sẽ thấy nó lâu đến mau đi.
  4. Còn càng có ý trốn chạy nó thì tự nhiên nó sẽ mau đến mà lâu đi.
Tôi ví dụ chuyện nhỏ thôi. Thí dụ hành giả tu Tứ Niệm xứ ngồi xếp bằng lại nó đau quá, ngứa quá, nóng nực, khó chịu, tê mỏi quá, mà mình có ý mong cho nó hết là nó sẽ nằm lỳ ở đó không chịu đi. Rồi mình mong có cơn gió mát, mong tiếng chuông giờ xả thiền thì sẽ thấy nó dài đăng đẳng nó không chịu tới.

Cho nên thương thích và ghét sợ nó là một cặp trời sinh. Trong Kinh Đức Phật đã dạy như vậy. 
  1. Đối với người chấm dứt dục ái thì người đó không còn sân. Người không còn sân thì dứt khoát người đó không còn dục ái. Bởi vì dục ái và sân là một cặp. Đó là trong Vipassana. 
  2. Còn trong Samatha thì khi đắc đến Tứ thiền rồi hành giả sẽ không còn khổ và lạc, vì khổ và lạc là một cặp. 
  1. Ghét với thương là một cặp. 
  2. Dục ái và sân là một cặp. 
  3. Bất mãn và đam mê, vui với buồn, thương với ghét đều là một cặp.
Nên hễ không còn thương thích đam mê thì cũng không còn bất mãn trốn chạy vì đây là một cặp. Hễ người nào sân nhiều thì mình hiểu ngầm người này có nhiều đam mê, tuy trước mắt mình họ có thể là người rất giản dị, nhưng tận đáy sâu tâm cảm họ thì chắc chắn họ có những đam mê, trông đợi gì đó mà không được nên họ mới bất mãn. Thí dụ có những người dơ chút xíu chịu không được vì họ luôn luôn trông đợi cái sạch. Có những người suốt ngày vẻ mặt của họ như cái nùi giẻ vậy. Là tại vì họ thấy cái này dơ, cái kia dơ, một chút xíu bụi chịu không nổi, một giọt nước dính trên bàn chịu không nổi. 

Vì sao? 
– Vì họ đã có niềm trông đợi, chờ mong sự sạch sẽ quá nhiều. Có những người một chút tiếng động cũng không chịu nổi vì họ đã chờ mong sự yên tĩnh quá nhiều. Khi mình có lòng trông đợi, chờ mong cái gì đó quá nhiều thì mình sẽ thường trực sống trong bất mãn khi không có được nó.

Cho nên đây là những điều chúng tôi dựa vào đó để tin Phật dù chúng tôi chưa có thần thông. Chúng tôi không phải là người cuồng tín chưa thấy đã tin mà chúng tôi dựa vào cái này nên tin Phật nói đúng. Chính Đức Phật cũng như khoa học nhìn nhận với chúng ta một điều là vạn hữu có nhiều hình thức tồn tại. Không phải cái gì có trên đời này chúng ta cũng nhận biết nó qua hình ảnh âm thanh bằng mắt bằng tai. Khoa học cũng nhìn nhận và tôi cũng đã nói không biết bao nhiêu lần là âm thanh có những tần số hạ âm mà tai thường không nghe được. Chỉ con vật như chó hoặc những phương tiện điện tử nó ghi nhận được. Như vậy những tần số âm thanh đó không phải không có mà vì nó quá thấp, nó vượt khỏi khả năng ghi nhận của mình. Chỉ vì cấu trúc sinh học của mình chỉ cho phép đến mức đó thôi. Mắt cũng vậy, người cận thị ở mức nào, mấy chấm, người viễn thị ở mức nào, mấy chấm thì họ còn thấy được cái gì đó, mà qua khỏi mức đó hoặc dưới mức đó họ không thấy được. Mũi cũng vậy. Con chó nó biết được mấy trăm mùi mà con người mình thì không. Nói vậy có nghĩa là không phải cái gì mình không thấy là không có. Vạn hữu có nhiều hình thức tồn tại từ cực thô cho đến cực vi.

Chúng tôi vừa ôn lại cho quý vị bài Kinh Tệ Túc. 
Ngài Kumara Kassapa tìm mọi cách cho vua thấy rằng 
  1. muốn tin cái gì cũng phải có bằng chứng; 
  2. nhưng muốn bác cái gì cũng phải tìm bằng chứng.

(Xong phần 1 - Sư giảng xong Kinh Tệ Túc)
(Post tiếp theo: Phần 2 - Sư giảng Kinh Ba Lê)
Reply
Trường Bộ Kinh
Digha Nikaya


24. Kinh Ba-lê
(Pàtika sutta)


https://budsas.net/uni/u-kinh-truongbo/truong24.htm

--ooOoo--

24. KINH BA-LÊ

115. TRONG TRƯỜNG-HỢP NÀO ĐỨC PHẬT GIẢNG KINH BA-LÊ.

Vào một thời kia, đức Phật ngụ gần thành A-dật-di (Anupiya), thuộc bộ-lạc Mạt-La (Malla). Sáng hôm ấy, đức Phật đi khất-thực, thấy còn sớm nên ghé qua tịnh-xá của du-sĩ Bhaggava. Tại đây, du-sĩ nầy nhắc lại lời nói của vương-tử Thiện-Tịnh (Sunnakkhatta) thuộc bộ-lạc Ly-xa (Licchavi), khi từ bỏ chẳng tu-tập dưới sự chỉ-dẫn của Thế-Tôn nữa, vì Thế-Tôn chẳng khiến cho ông ta chứng được các pháp thần-thông và giải-thích sự khởi-nguyên của thế-giới.

Nhơn đó, đức Phật giảng Kinh Ba-lê-tử (Pàtikaputta) cho Bhaggava nghe. Về phương-diện thần-thông, Ngài đã chỉ cho Thiện-Tịnh thấy rõ Ngài biết trước sự tái-sanh của tu-sĩ loã-thể Korakkhattiya tu theo hạnh con chó; việc loã-thể Potikaputta thảm-bại khi đòi thi đua thần-thông với Thế-Tôn. Về phương-diện khởi-nguyên của thế-giới, Thế-Tôn kể rõ có bốn truyền-thống giải-thích sự chuyển thành của thế-giới nầy: chư Thiên từ cõi Quang-Âm đến, hoặc từ cõi Khiddàpadosikà (bị nhiễm dục-lạc), hoặc từ cõi Mano-padosikà (tâm-trí bị nhiễm), hoặc từ cõi Vô-tưởng hữu-tình đến, sanh qua cõi Phạm-Thiên rồi đoạ-lạc xuống cõi nhơn-gian. Đức Phật kết-kuận, Giáo-pháp của Ngài nhằm mục-đích giúp chúng-sanh thoát khỏi vĩnh-viễn Khổ-đau, chớ chẳng quá chú-trọng đến các thần-thông hoặc chấp-trước về sự khởi-nguyên của thế-giới.

116. NỘI-DUNG KINH BA-LÊ.

Kinh Ba-Lê lấy tên tu-sĩ loã-thể Patikaputta, kẻ đã nói khoác là muốn thi-đua thần-thông với đức Phật.

A.- Ý Chánh: Hai vấn-đề thần-thông và khởi-nguyên thế-giới chẳng liên-hệ chi đến mục-đích chánh của Giáo-Pháp đức Phật là nhằm tận-trừ mọi Khổ-đau

B.- Phân-đoạn: Kinh có thể chia ra ba phần:

1. Phần I: Tu-sĩ Bhaggava nghe đức Phật nói lý-do vì sao Thiện-Tịnh (Sunnakkhatta) đã từ-bỏ Chánh-pháp.

Thiện-Tịnh đến gặp đức Phật và nói lý-do ông ta rời bỏ việc tu-tập theo Thế-Tôn vì Ngài chẳng cho ông thấy các thần-thông và chẳng giải-thích việc khởi-nguyên của thế-giới. Đức Phật nói mục-đích của Chánh-pháp đâu phải là hai vấn-đề đó, mà là dạy cách tận-diệt vĩnh-viễn mọi Khổ-đau cho chúng-sanh.

- Thần-thông của đức Phật biểu-hiện ra việc tiên-đoán loã-thể Korakkhattiya, tu theo hạnh con chó bò bốn chơn, bảy ngày nữa sẽ bị trúng-thực chết và thác-sanh vào loài A-tu-la. Thiện-Tịnh cũng xác-nhận lời tiên-đoán của đức Phật đã đúng với sự-thật xảy ra.

- Đức Phật lại tiên-đoán sự hoàn-tục của loã-thể Kandaramasuka, người mà Thiện-Tịnh cho là bực A-la- hán giữ đúng bảy giới-hạnh, và nghĩ sằng rằng Thế-Tôn đang ganh-tị với người nầy. Thiện-Tịnh cũng xác-nhận việc Kandaramasuka về sau chết mất cả danh-dự.

2. Phần II: Loã-thể Ba-lê-tử thách đức Phật thi đua thần-thông:

- loã-thể Patikaputta (Ba-lê-tử) tuyên-bố khoác-lác với dân Bạt-kỳ rằng y có thể thực-hiện pháp thần-thông bằng hai lần đức Phật.

- Khi đức Phật đến, loã-thể Ba-lê hoảng-sợ, chẳng thể đứng lên, mông bị dính chặt dưới ghế, mặc dầu có nhiều người tới nhắc việc ông ta đã thách thi-đua thần-thông với đức Phật.

- Thiện-Tịnh đến gặp Thế-Tôn và xác-nhận sự thảm-bại của loã-thể Ba-lê trong việc nầy.

3. Phần III: Vấn-đề khởi-nguyên của Thế-giới: Đức Phật bảo Ngài biết có bốn truyền-thống giải-thích về sự khởi-nguyên của Thế-giới, nhưng Ngài chẳng chấp-trước vào truyền-thống nào cả.

Khi thế-giới từ giai-đoạn chuyển-hoại bước sang giai-đoạn chuyển thành, trên cõi Trời Đại-Phạm, cung Phạm-Thiên bỏ trống, có một vị Thiên thác-sanh đến trước, tự-nhận là Đại-Phạm Thiên-vương, sắc-tướng đẹp, tuổi-thọ dài lâu, tự xem mình là Tổ-phụ của các vị đến sau. Lần-lượt về sau có chư Thiên cõi khác đến:

theo truyền-thống 1, thì có chư Thiên từ cõi Quang-âm đến, sau khi hết phước thác-sanh xuống cõi nhơn-gian.

theo truyền-thống 2, thì có chư Thiên từ cõi Khiddàpadosikà đếnchư Thiên nầy bị nhiễm dục-lạc, nên sau thác-sanh xuống cõi nhơn-gian

theo truyền-thống 3, thì có chư Thiên từ cõi Manopadosikà đến, vì tâm-trí bị ô-nhiễm ganh-ghét lẫn nhau, nên sau thác-sanh xuống cõi nhơn-gian;

theo truyền thống 4, thì có chư Thiên cõi Vô-tưởng hữu-tình thiên đến, và khi một tưởng-niệm khởi lên nơi họ thì họ bị thác-sanh xuống cõi nhơn-gian.

Đức Phật kết-luận: Giáo-pháp của Ngài, chẳng chú-trọng đến thần-thông, hay khởi-nguyên thế-giới, mà nhằm giúp chúng-sanh tận-trừ vĩnh-viễn mọi Khổ.

117. HỌC KINH BA-LÊ, NÊN CHÚ-Ý ĐẾN ĐIỂM NÀO?

1. Thiện-Tịnh, vương-tử thuộc dòng Ly-xa, nguyên là Tỳ-kheo theo tu-tập bên cạnh đức Phật trong ba năm, sau bỏ theo ngoại-đạo cũng vì quá ham-muốn đắc thần-thông và tin theo các tà-thuyết mê-tín. Đức Phật thường nhắc-nhở các đệ-tử, mục-đích của Chánh-Pháp là sự giải-thoát khỏi mọi Khổ-đau trong kiếp sống Luân-hồi; một khi chứng được các quả-vị thì tự-nhiên các thần-thông sẽ đến, chẳng cần phải nôn-nóng.

2. Sự giải-thích về nguồn-gốc của đời sống tại thế-gian nầy được đức Phật trình-bày qua bốn truyền-thống, nhưng Ngài bảo thêm: ''Ta biết như vậy, (nhưng) Ta không có chấp-trước. Vì không có chấp-trước, Ta tự-thân thấu hiểu được sự an-tịnh. Chính nhờ chứng-ngộ sự an-tịnh nầy mà Như-Lai không rơi vào lầm-lỗi.''


--ooOoo--

Sư Toại Khanh Giảng Kinh Ba Lê (2-2)

Ghi Chú Quan Trọng: Bài giảng gồm 2 phần:

1/ Sư tiếp tục giảng Kinh Tệ Túc xong (post trước, #850)
2/ Sau đó, Sư sẽ giảng Kinh Ba-Lê (post này, #851)

https://giacnguyen.com/videotext.php?vid=xPin2l63wxs&abt=Kinh+Ba-L%C3%AA

https://toaikhanh.com/videotext.php?vid=xPin2l63wxs&abt=Kinh+Ba-L%C3%AA

Bài Giảng Kinh Ba-Lê



Kinh Ba-Lê
Quote:Kalama tri ân bạn buithibuukim ghi chép.

BÀI KINH BA LÊ – PATIKA SUTTA

Bài Kinh này nếu quý vị tự đọc thì chắc chắn 99% trong room này đồng ý với chúng tôi là hơi khó đọc, không phải ghê gớm khó hiểu mà vì nội dung lê thê mà lại hơi lạ so với những bài khác. Bài Kinh này toàn là chuyện kể nhiều hơn. Tôi giúp quý vị một việc trong bài này nói riêng cũng như trong lớp Kinh Tạng nói chung là đọc lại diễn dịch lại nội dung Kinh căn cứ theo Chú giải, và trình bày cho nó mềm hơn gọn hơn một chút.


Nội dung bài Kinh nói nhiều điều:


* Thế Tôn có trí tuệ bao la như hư không. Ngài có bao nhiêu điều để nói với chúng ta. Ấy vậy mà nếu duyên lành chúng ta ít quá, trí tuệ chúng ta ít quá, huệ căn mình hạn chế quá thì khi mình gặp một vị Chánh Đẳng Chánh Giác mình không có chuyện gì để mình học ở Ngài, nếu có là có rất ít. Trong Tăng Chi Ngài nói rõ:


“Này các tỳ kheo, có những người lọt xuống hố phân mà họ lọt nửa người thì Như Lai còn có chỗ nắm. Họ lọt lên tới ngực Như Lai cũng còn có chỗ nắm. Họ bị ngập tới cổ Như Lai còn có chỗ nắm. Họ ngập lên tới mũi Như Lai còn có chỗ nắm. Họ ngập lên tới trán, họ còn ló búi tóc Như Lai còn có chỗ nắm, thậm chí còn một chỏm tóc Như Lai cũng còn có chỗ nắm kéo họ lên. Nhưng có những người, này các tỳ kheo họ lọt sâu đến mức mà họ không còn ló cái gì lên để Như Lai cầm nắm”.


Khiếp như vậy đó! Tôi năn nỉ van xin các vị đừng có bao giờ nghĩ rằng Thế Tôn là toàn năng, muốn làm cái gì thì làm. Đây là cách nghĩ mình tưởng là mình tôn vinh Đạo sư nhưng thực ra là mình phỉ báng Đạo sư. 


Vì sao? 
– Vì nếu Thế Tôn là toàn năng, muốn làm gì thì làm thì hôm nay chúng ta đâu có chuyện ngồi đây đánh vật với Paltalk bữa nói được bữa không, bữa nghe được bữa nghe không. Làm sao mà hôm nay chúng ta còn sống trong một thế giới đầy đe dọa thiên tai nhân họa như thế này; Hôm nay chúng ta đã về trời ngồi hết, toàn là thánh nhân hết rồi!

Vấn đề là Phật trí vô biên nhưng chỉ độ người hữu duyên. Cho nên mình thấy ông Bhaggava này được gặp Phật, được xuất gia, nhưng các vị coi kỹ đi. Xuyên suốt bài Kinh là câu chuyện giữa Thế Tôn và du sĩ tên là Bhaggava kể lại một nhân vật là Sunakkhatta, lát nữa đây tôi sẽ nói rõ về nhân vật này. Tôi điểm nội dung chung bài Kinh này sợ lát nữa tôi quên.


Một trong những nội dung lớn của bài Kinh này là, một khi vốn liếng tu hành, vốn liếng hàm dưỡng của anh nghèo quá thì cho dầu anh có gặp vị Chánh Đẳng Chánh Giác đi nữa thì cái anh nhận được từ Ngài rất hạn chế, và khả năng anh làm phiền Ngài rất là lớn! Có những vị đến với Phật chỉ bằng một câu nói thôi rồi sau đó về rừng viên tịch. Đức Phật đã tán thán những vị đó như thế này: “Này các tỳ kheo, đó là một bậc hiền trí, đến với chánh Pháp này không làm phiền nhiễu Như Lai”. Câu nói đó mình đọc qua nghe không có gì ghê hết, nhưng nếu quý vị ngồi ngẫm ngẫm lại thấy nó sâu lắm. Đức Phật đã bao nhiêu máu, bao nhiêu xương Ngài đổ trong dòng luân hồi để trở thành Chánh Đẳng Chánh Giác. Ai Ngài cũng thương, thương hơn cả mẹ thương con. Mẹ có lúc còn đánh con đau, có lúc muốn mắng con một trận cho đã nư, nhưng Thế Tôn thì không. Thế Tôn không muốn mắng không muốn đánh ai hết. Ấy vậy mà có người Ngài độ không được là vì họ không có duyên. Cái trí Ngài hiểu hết căn tánh chúng sinh. Ngài biết người này huệ căn như vậy như vậy, trí tuệ đức tin, giới hạnh, phước báo, cái tham, sân người này như vậy như vậy cái khuynh hướng tâm lý người này như vậy như vậy v.v…Ngài biết rất rõ, nhưng Ngài thấy người này không có chỗ nào để Ngài gọi là gợi ý cho họ giác ngộ, không có, không có chỗ!

Cho nên nội dung thứ nhứt bài này là: Nếu kiếp này anh không đắc gì hết thì tối thiểu anh phải tu phải học như thế nào đó để mai sau anh gặp Phật, tối thiểu không được là tỷ kheo đệ nhất này đệ nhất kia thì ít ra anh cũng được câu ‘Đó là bậc hiền trí’: “Này các tỷ kheo, vị đó là bậc hiền trí đến với Chánh Pháp này, làm xong lời ta dạy và ra đi trong lặng lẽ, không có làm phiền nhiễu Như Lai.

* Ông Sunakkhatta này có tiền kiếp từng giết chết một vị Phật Độc Giác. Vị Độc Giác có điểm là ngài tự ngộ nhưng không cần có 32 tướng tốt. Có điều đặc biệt là nữ thì không bao giờ thành Độc Giác. Vì một người nữ muốn thành Độc Giác thì khi ba la mật tròn đủ tự nhiên người này sẽ là nam. Ở đây không phải vấn đề kỳ thị mà đó là chuyện tự nhiên. Khi anh tu hành đến mưc độ nào đó thì tự nhiên trong tâm khảm, trong đáy lòng của anh không còn chỗ cho nữ tính nữa. Nhớ nghe! Nên tất cả các bậc tự ngộ khi đạt tới chỗ đó tự nhiên họ không còn chỗ cho nữ tính. Thế là họ phải mang thân nam. Tuy nhiên Chánh Đẳng Giác không bao giờ bị tử thương bởi sụ tấn công của ai khác: ‘Đao thương bất nhập bách độc bất xâm’. Nhưng riêng Độc Giác thì không. Độc Giác tuy tự ngộ nhưng có thể do tiền nghiệp mà bị ai đó giết.


Trường hợp này cũng vậy. Ông Sunakkhatta này kiếp trước từng giết chết vị Phật Độc Giác bằng cách bắn một viên sạn vào trong lỗ tai ngài. Ổng chết rồi ổng bị đọa địa ngục rồi khi ổng trở lên nhiều đời và nhiều đời ổng cứ bị chết thảm, cứ bị tay bay họa gởi, tên bay đạn lạc, chết bờ chết bụi, chết sông chết suối, chết ghềnh chết bãi, toàn là các kiểu đó không. Đặc biệt ổng bị điếc triền miên, cứ sanh ra là điếc. Các vị hỏi sao kỳ, thì cái đó là bất khả tư nghì của nghiệp! Do ổng cố ý tấn công nhĩ căn của người ta nên đời sau sanh ra nhĩ căn ổng có vấn đề.


Như trong Kinh nói vua A Dục làm rất nhiều phước, trong đó có cái phước đặc biệt là thời Phật Thích Ca Mâu Ni, ổng từng là một đứa bé. Bữa thấy Đức Phật đi bát lúc đó ổng đang lấy đất nắn thành quách nhà cửa. Ổng gặp Ngài ổng thương quá đi. Thương quá mà đâu có gì cúng, ổng mới bê nguyên đống đất ổng nặn đem cúng cho Ngài. Đức Phật mới nói với ngài A Nan lấy miếng đất đó bẻ nhỏ nhỏ ra rải trước đường để Ngài đi lên cho đứa bé đó hoan hỷ. Thì lúc đó tay chân đứa bé dơ hầy mà vật nó cúng cũng là bùn đất, nên nó cúng, hoan hỷ thì có hoan hỷ nhưng có pha một chút ái ngại. Ái ngại vì lễ phẩm hơi dơ. Mà cái này thuộc về nghiệp quả bất khả tư nghì. Cho nên mấy trăm năm sau đứa bé đó là vua A Dục, sanh ra quyền lực nghiêng trời, phước báo hưởng không hết, nói theo trong Kinh cái uy lực của vua A Dục từ mặt đất mà cảm được chư thiên một do tuần lên trên, cảm xuống dưới lòng đất một do tuần. Cho nên Long xà, thiên thần trong tầm đó mà ổng đi đến đâu đều nể mặt ổng ba phần hết.


Có một lần, ổng đi đến hồ nước gặp Long Vương. Ổng hỏi Long Vương có biết chỗ nào (ta nghe giảng rằng) thờ răng của Thế Tôn dắt ta đến cho ta thấy. Long Vương mới đưa ổng đi coi. Ổng tự biết oai lực mình nhiều, ổng nói “Ta là vị đại đế coi cả Diêm Phù Đề này, toàn cõi Ấn Độ. Ta muốn rước chiếc răng này về thờ trong cung”. Long Vương nói khoan, ngài nhìn kỹ chúng tôi đã tôn trí chiếc răng trong điện thờ như thế nào. Nếu ngài nhắm sẽ làm hơn như vậy thì ngài đem đi. Còn nếu ngài không bì được thì xin ngài để lại đây cho chúng tôi thờ.


Rồi vua A Dục nhìn thấy kim cương, ngọc trai tảng tảng chớ không còn là viên nữa, mà là tảng. Còn dạ minh châu thì thúng này qua thúng nọ, đầy rẫy tới không cần đốt đèn. Còn mã não, san hô, hổ phách thì đầy ra, một số lượng mà ổng có nằm chiêm bao cũng không thấy được. Ổng mới nhìn nhận: “Đúng, ta là đại đế, coi cả cõi Diêm Phù nhưng phải nói một điện thờ quá cỡ thế này không cách chi ta có nổi. Sự bảo trì nghiêm mật như thế này ta cũng không có nổi”.


Cho nên ổng quyền lực như vậy, nhưng do hồi xưa ổng bố thí có chút lòng ái ngại lễ phẩm hơi dơ nên ổng sanh ra có màu da rất xấu. Tướng ổng mà theo trong Kinh tả mà mình kết hợp với sách vở đời nay thì ổng y chang như tổng thống Abraham Lincol của Mỹ vậy đó: người cao lều khều, lêu nghêu. Tay chân thì lỏng khỏng mà mặt mày rất khiêm tốn. Cái ngoại dạng, nhân dáng rất là khiêm tốn!


Hơi lạc đề nhưng tôi nói cho nghe cái nghiệp bất khả tư nghì, tại sao ông kia giết Phật Độc Giác nên cái tai ổng bị điếc. Chính vì bị điếc, nên khi gặp Phật Thích Ca ổng đi xuất gia ổng đắc được Tứ thiền nhưng lại không có Ngũ thông. Là vì Ngũ thông trong đó có cái thiên nhãn thiên nhĩ. Mà ông này thì không tài nào đắc thiên nhĩ được, do nghiệp lực ngày xưa nó cản. Cho nên ổng nhìn thấy chư thiên đi đứng, miệng nhép nhép, cười nói tùm lum mà ổng chỉ thấy thôi chớ không có nghe được. Ổng ức lắm nên vô hỏi Phật là Phật có thể hướng dẫn ổng cho ổng có thiên nhĩ hay không. Đức Phật biết cái tiền nghiệp của ổng nên dạy ổng là hãy đừng nghĩ đến chuyện đó nữa. Ổng mới hỏi Thế Tôn có khả năng đó hay không. Thế Tôn nói có khả năng đó. Ổng nói nếu thế Tôn có thì Thế Tôn dạy cho con. Đức Phật nói là ông không thể làm chuyện đó. Lúc đó ổng oan trái với Đức Phật. Ổng nghĩ Đức Phật một là giấu nghề, hoặc hai là thực sự không có khả năng đắc thiên nhĩ.


Ổng bất mãn chuyện đó rồi ổng kiếm chuyện khác. Ổng không chịu học giáo lý Duyên khởi, không chịu học A Tỳ Đàm mà ổng lại đi tìm hiểu nguồn gốc thế giới theo quan điểm của thế gian. Như là cái vòng luân hồi này được bắt đầu như thế nào, hồi nào. Mà lẽ ra Đức Phật ngài dạy rất nhiều lần. Ngài không nói nguồn gốc thế giới qua khía cạnh không gian và thời gian như chúng sinh, Ngài không nói con gà có trước hay cái trứng có trước mà chỉ nói làm sao có cái trứng, chỉ vậy thôi. Còn chuyện trước đây thoạt kỳ thủy, buổi đầu làm sao gà có hay trứng có trước. Bởi vì nguồn gốc thế gian mà suy luận theo phàm phu thì Ngài có nói cho mình biết mình cũng bị điên, mình hiểu không nổi. Nội cái không gian nói chiều thứ tư chiều thứ năm mình nghe là đã mad rồi.


Thứ hai, vấn đề mình phải giải quyết không phải chuyện nguồn gốc kiểu đó, mà vấn đề chính là ‘Tôi đã vì đâu có mặt trong kiếp sống này, và làm sao kiếp kế tôi đừng tái sanh nữa?’ Nhớ bao nhiêu đó.


* Sẵn đây tôi nói luôn kỳ rồi lớp dạy bên Houston tôi đã gom lại giáo lý Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Tứ Niệm Xứ trong một công thức mà tôi mong rằng hôm nay trong dịp học về ông Sunakkhatta này ổng đến hỏi Thế Tôn về vũ trụ quan, thì nhân dịp này tôi ôn lại cho bà con,vì tôi e rằng bà con không có dịp nghe lại loạt bài giảng đó. Biết đâu trong room có người nghe loạt bài giảng này đắc được thì công đức tôi vô lượng! Tôi rất tâm đắc mấy bài này, một ngày giảng 8 tiếng mà 7 ngày như vậy! Bữa hổm tôi giảng thế này:


Toàn bộ thế giới, vô lượng vũ trụ này chỉ gói gọn trong đau khổ và hạnh phúc, trong thiện và trong ác mà thôi. Bốn chữ: thiện – ác – buồn – vui.
- Thiện cách mấy cũng cho ra cái vui vô thường.
- Ác cách mấy cũng cho ra cái buồn, khổ vô thường.
- Thiện là gì? – Thiện nghiệp là sáu căn biết sáu trần bằng tâm lành (tâm thiện).
- Ác nghiệp là 6 căn biết 6 trần bằng tâm bất thiện.
- Hạnh phúc (do thiện nghiệp) là 6 căn biết 6 trần như ý.
- Đau khổ là 6 căn biết 6 trần bất toại.


Thiện – > (tạo ra) hạnh phúc
Ác – > (tạo ra) đau khổ


Thiện nghiệp là 6 căn biết 6 trần bằng tâm thiện thì bây giờ anh biết 6 căn của anh biết 6 trần bằng tâm thiện thì mai này anh có 6 căn biết 6 trần như ý.


Ác nghiệp là khi 6 căn của anh biết 6 trần bằng tâm bất thiện thì mai này 6 căn 6 trần của anh bất toại.


Ở đây nếu có người hỏi 6 căn biết 6 trần là sao thì tôi xin giải thích thêm. Khi các vị làm động tác bố thí có phải các căn (6 căn) đang làm việc không? Khi trì giới có phải 6 căn đang làm việc không? Khi các vị đánh lộn cũng có phải 6 căn đang làm việc không? Các vị ăn phở, đánh ghen,đốt nhà, cướp của, quét chùa, đúc tượng, in Kinh …có phải là 6 căn đang làm việc không? – Việc thiện ác gì cũng do 6 căn làm việc.


Như vậy tôi quay lại: Sunakkhatta không chịu học giáo lý, không chịu học mấy số 6 này. Sunakkhatta phải hiểu rằng thay vì đi tìm khởi nguyên thế giới theo nghĩa của thế gian thì mình đi tìm nguyên nhân nào đã tạo ra thế giới này. Thế giới này là gì? – Thế giới này chỉ gồm 4 thứ: thiện ác buồn vui.


Thiện là 6 căn biết 6 trần bằng tâm lành. Khi 6 căn nó biết 6 trần bằng tâm lành thì nó là nhân, nó sẽ tạo ra quả là 6 căn biết 6 trần như ý.


Còn ác là khi nào 6 căn biết 6 trần bằng tâm ác thì đó là nhân, sẽ tạo ra quả là 6 căn biết 6 trần bất toại.


Chỉ bao nhiêu đó thôi. Không có người, không có thú, không có phàm có thánh gì hết. Chỉ có mấy con số 6 này thôi.


Cứ đọc như con nít vậy đó, mà tôi năn nỉ cầu khẩn van xin quý vị làm ơn ba cái vụ niệm này niệm kia dẹp hết. Vì niệm một đống mà phiền não không bỏ được thì niệm dùm tôi mấy câu này cũng được. Đừng có nghe quyến rủ gây mê cứ đi niệm ba cái quái gở, cầu cái này cầu cái kia. Làm ơn niệm mấy con số 6 này thôi. Bữa hổm bên Houston tôi làm cho một mách. Tôi nói ‘nguyên đám quý vị bú bình’. Mà cũng may, tôi tới ngày đầu tiên họ là đám bú bình mà tới ngày tôi đi họ mọc răng, mà coi như họ ăn mía được luôn. Tôi rất là mừng! Cái ngày tôi đi khi tôi dò bài lại tôi thấy họ ‘ăn mía được’, ‘nhai xương’ được luôn, mà cái ngày đầu tiên đó họ chỉ có răng sữa thôi, nghe!


Cho nên nhớ cái này, đọc như con nít, rất quan trọng:


“Toàn bộ vũ trụ chỉ là thiện ác buồn vui. Thiện là gì? – Thiện là 6 căn biết 6 trần bằng tâm lành. Ác là gì? – Ác là 6 căn biết 6 trần bằng tâm ác. Hạnh phúc là 6 căn biết 6 trần như ý. Đau khổ là 6 căn biết 6 trần bất toại”.


Bữa tôi nghe ông đó ổng nói một câu mà tôi vừa đau lòng dùm ổng mà cảm giác cũng rất là khó nói. Ổng nói ‘Bản thân con và nhiều bạn bè đi chùa mấy chục năm bây giờ hơn một nửa đã lên bàn thờ mà nói tới giáo lý ấm a ấm ớ’. Đi chùa Nam Tông mấy chục năm tới bây giờ người ta kêu cầu vãng sanh vẫn mê, là vì đâu? – Là vì mình không biết là trong Tam tạng Pali nói cái gì. Thế là hôm nay lấy cái tay lùa cái tủ Kinh qua một bên để rồi cầu vãng sinh. Có động trời hay không? Là vì mấy chục năm qua họ chỉ được kêu gọi làm phước thôi. Mà nó khổ một nỗi trong room này tôi biết có nhiều người nghe cái này họ rất giận mà tôi không thể không nói: đó là đại họa của Phật giáo! Người có điều kiện hoằng Pháp thì không muốn hoằng hoặc không biết hoằng. Còn người có thể hoằng được thì họ lại không có điều kiện. Mà Phật tử thì là một đám đông rất lạ lùng. Họ là một lực lượng đáng nể, đáng sợ nhưng đôi khi cũng là đáng …chán! Là bởi vì họ đi theo cái trào lưu, anh nào mạnh họ đi theo, ‘Phù thịnh bất phù suy’. Cứ chùa to Phật lớn tiếng tăm lừng lẫy thì nói tào lao thiên tướng nhắm mắt họ đi theo. Họ không có khả năng giám thích, nói rất là buồn! Bây giờ có rất nhiều người Nam Tông bỏ đi qua Bắc Tông mà lý do là vì họ không được học giáo lý. Tôi nói rõ giáo lý không hề có Nam Bắc. Vấn đề là giáo lý đó có phải con đường dẫn đến an lạc giải thoát hay không. Cho nên phải nhớ bốn cái này.


* Chính vì Sunakkhatta không nhớ bốn cái này nên Sunakkhatta có những cái tà kiến, mong đợi, chờ trông rất là tào lao. Dĩ nhiên cuối cùng các vị thấy hai câu chuyện được kể lại trong bài Kinh này cuối cùng là: Sunakkhatta khi mà bất mãn đã lìa bỏ Thế Tôn. Sunakkhatta quay lại với những người thầy ngoại đạo, rồi cuối cùng cả thầy lẫn trò đều không đi về đâu hết. Nội dung bài Kinh này quan trọng nhứt là gì?


“Khi anh không có hành trang thích hợp, khi anh không có khả năng hàm dưỡng tu tập hành trì thì dầu có gặp Chánh Đẳng Chánh Giác đi nữa thì cái lợi lạc mà anh có được: một là không có, hai là cực kỳ hạn chế và làm phiền các ngài mà thôi”.


Nội dung thứ hai là đoạn cuối bài Kinh nói không rõ lắm, nhưng trong Chú giải nói rất rõ:
“Du sĩ Bhaggava nghe xong bài Kinh quan trọng như vậy nhưng không thể đoạn trừ một chút phiền não nào hết. Nhưng bài Kinh này đã là một chút duyên lành, một chút chủng tử cho việc giác ngộ mai này của du sĩ”.


Câu này rất là buồn. Tức là những nhân vật được kể trong câu chuyện này và cả nhân vật được nghe lại đều là những người vô duyên vô phước!
Đối với tôi, bài Kinh này là một thau nước đá (chớ không phải nước lạnh) tạt vô mặt, để tôi tỉnh ra, tôi mới nhớ ra: ‘À thì ra chúng ta có lọt vào một thung lũng đầy kim cương đi nữa mà nếu chúng ta bị mù thì trớt quớt. Nếu chúng ta bị dốt nát không biết kim cương là cái gì, không biết cách sử dụng kim cương để thay đổi cuộc đời, chúng ta có lọt vào thung lũng kim cương thì cũng vậy thôi”. Cũng vậy, khi mình thiếu duyên lành, thiếu công đức thì có gặp Chánh Đẳng Giác ra đời một ngàn vị một triệu vị thì cũng vậy thôi. Tôi biết nhiều người rất là khó chịu, nói một vị chớ sao nói tới ngàn vị. Đúng! Mà mình gặp đâu có dưới một tỷ. Số Phật mà mình gặp – Chánh Đẳng Giác đó – mình gặp chắc là tám trăm ngàn tỷ chớ không phải là tỷ. Mình đã gặp nhiều lắm. Luân hồi mà, biết bao nhiêu nếu so với vòng luân hồi. Mà mình giờ vẫn còn ngồi đây, là tại vì mình không có trang bị gì hết.


Cho nên nội dung thứ hai bài Kinh này là:


“Nếu không đủ duyên để chứng Đạo thì tối thiểu chúng ta cũng gieo được duyên lành”.
Hôm nay quý vị học một miếng giáo lý thì gieo được một miếng. Mai này mình gặp Phật mình đốt ngắn giai đoạn được một chút. Mình đỡ làm phiền Ngài một chút. Tội nghiệp Ngài! Coi Kinh thường, nghe giảng thường phải nói thương Phật lắm. Rất là thương! Muốn thương Phật dễ lắm, mình nghĩ lại mình nè. Một lần mình nhịn ai đó nó khó cỡ nào, quý vị. Một lần mình rứt ruột mình lấy một phần nhỏ một phần ngàn tài sản mình cho nó khó cỡ nào, quý vị. Một lần mình chiết thời gian, chiết chút xíu công sức mồ hôi để giúp đỡ người khác khó cỡ nào. Một lần mình làm thiện khó cỡ nào. Một lần mình tu chánh niệm, một lần tu samatha, tu vipassana khó cỡ nào. Một lần đứng trước cám dỗ mà giữ được giới khó cỡ nào. Một lần mình biết dành thời gian để học Đạo mà học bằng niềm đam mê hứng thú nó khó cỡ nào… Mà Đức Thế Tôn đã trải qua vô lượng đại kiếp Ngài làm hết những cái khó đó. Kinh khủng lắm chớ không phải tầm thường!


Tôi nhắc lại. Một lần mình làm được thiện sự nào nho nhỏ, một công đức bé bé là mình đã thấy nó khó rồi. Mà bây giờ Ngài đã tu bao nhiêu để Ngài có Giới như vậy, có Định như vậy, có Tuệ như vậy, có giải thoát như vậy, có tri kiến như vậy. Ngài có được chừng đó công đức để có thể làm cha lành ba cõi, làm Đạo sư của muôn loài đâu phải dễ quý vị. Hạnh lành của Chánh Đẳng Giác thì nhiều lắm, mà trong đó có nổi bật điều này. Là Ngài hướng đến Trí tuệ không có điều gì Ngài không biết. Bởi chính vì cái gì Ngài cũng biết nên Ngài mới có thể độ được tất cả những người hữu duyên. Nghĩa là Ngài nhìn cái mũi mình là Ngài biết mình muốn cái gì. Biết căn cơ mình trong nhiều đời nhiều kiếp nó hợp với cái gì. Bên cạnh Trí tuệ Ngài còn có cái Đại Bi. Đặc điểm của chư Phật là đại trí và đại bi. Dĩ nhiên còn vô số hạnh lành khác nhưng phải nói niệm Phật mà mình nhớ hai cái gọn nhứt là hai cái đó.


À quên, bữa hổm trong hai cái lớp giảng ở tôi có nhắc lại cái kiểu lạy Phật của tôi mà tôi thấy một số người cũng có vẻ đồng tình:


Cái lạy thứ nhứt khi quỳ trước tượng Phật, là Thế Tôn không có thể giúp cho con thoát chết, nhưng Thế Tôn có thể giúp cho con không sợ chết, coi cái chết không ra gì.


Cái lạy thứ hai là Thế Tôn không thể cho con những gì con muốn nhưng Thế Tôn có thể giúp cho con không muốn cái gì.


Cái lạy thứ ba, Thế Tôn không thể đưa mọi người đi đến vô lượng vũ trụ tham quan nhưng Thế Tôn có thể dạy mọi người thấy rằng đi đâu cũng vậy thôi. 


Trong room còn nhớ ba cái này không ta. Ba cái này rất quan trọng!

Mỗi người có một cách lạy Phật. Thí dụ : cái lạy thứ nhứt là Thế Tôn thành tựu Giới hương. Cái lạy thứ hai là Thế Tôn thành tựu Định hương. Cái lạy thứ ba là Thế Tôn thành tựu Tuệ hương. Nhưng đặc biệt ba điều tôi vừa nói là ba vấn đề giáo lý rất quan trọng: Thế Tôn không thể giúp con không chết nhưng Thế Tôn có thể giúp cho con coi thường cái chết.
 Thế Tôn không thể cho con những gì con muốn nhưng Thế Tôn có thể dạy con không muốn cái gì. Thế Tôn không thể đắt con đi đến bất cứ nơi nào con cần con thích nhưng Thế Tôn có thể dạy cho con thấy rằng đi đâu cũng vậy thôi.

Đây là ba điều quan trọng mà tiếc rằng Sunakkhatta đã không có dịp biết tới. Thế là Sunakkhatta đã hướng tới những điều rất vớ vẩn tào lao và đã lìa bỏ Thế Tôn.

Tôi vừa trình bày cho bà con bài Kinh Ba Lê. Những gì mà chúng tôi vừa nói nếu mà bà con hữu duyên, bà con không có tệ như Sunakkhatta thì bài học sáng nay đã đủ bù cho thời gian vừa qua mà chúng ta không có học. Làm ơn nhớ dùm ba con số 6 quan trọng vô cùng. Làm ơn nhớ ba cái đó nó quan trọng kinh hoàng lắm!


Một, vấn đề của vô lượng vũ trụ là gì? – Vấn đề của tất cả chúng sanh là không biết vấn đề của mình nó nằm ở đâu. Chính vì không biết vấn đề của mình nó nằm ở đâu nên cái không biết đó là vấn đề lớn nhất.


Vấn đề của tất cả phàm phu là chúng ta không hiểu rằng toàn bộ vô lượng vũ trụ nó chỉ là THIỆN – ÁC – BUỒN – VUI. Không có thiện ác buồn vui thì làm gì có chúng sinh, có thế giới.


Thiện là 6 căn biết 6 trần bằng tâm lành,
Ác là 6 căn biết 6 trần bằng tâm bất thiện.
Buồn là 6 căn biết 6 trần bất toại.
Vui là 6 căn biết 6 trần như ý.
Thiện thì tạo ra hạnh phúc. Hạnh phúc là 6 căn biết 6 trần như ý,
Ác nó tạo ra đau khổ. Đau khổ là 6 căn biết 6 trần bất toại.


Cứ bao nhiêu đó đọc tới đọc lui. Các vị có thể liên kết dùm tôi, vẽ bản đồ là:


Thiện (6 căn biết 6 trần bằng tâm lành) = > Hạnh phúc (6 căn biết 6 trần như ý).
Ác (6 căn biết 6 trần bằng tâm ác) = > Đau khổ (6 căn biết 6 trần bất toại).


Nhớ cái này là hành giả Tứ niệm xứ sướng vô cùng. Mai này có đi qua Miến Điện, đi đâu ngồi thiền cứ nhìn cái gì cứ nhớ mình nhìn bằng tâm bất thiện là : ‘ Rồi, 6 căn biết 6 trần bằng tâm ác’ thì nó sẽ tạo ra ‘6 căn biết 6 trần bất toại’. Mà hễ ‘6 căn biết 6 trần bằng tâm lành’ thì nó sẽ tạo ra ‘6 căn biết 6 trần như ý’.


Cứ nhớ bao nhiêu đó. Mà có một điều nữa: NÓ BẤT TOẠI CỠ NÀO THÌ NÓ CŨNG VÔ THƯỜNG. MÀ NÓ NHƯ Ý CỠ NÀO THÌ NÓ CŨNG VÔ THƯỜNG.


Nhớ nghe. Cho nên tôi nói giáo lý mình có ba cấp:


- Cấp một, biết đạo rồi sợ ác không làm nữa.
- Bước hai biết thiết tha yêu mến điều lành.
- Bước ba, tiếp tục lánh ác làm thiện nhưng trong tâm trạng hiểu rằng tất thảy đều là của giả, đều là của tạm, đều là phương tiện.


Đó là ba bước, bước một lánh ác vì không muốn khổ. Bước hai hành thiện vì muốn được vui. Bước ba thấy rằng khổ hay vui đều là vô ngã vô thường. Ba cái này rất là quan trọng.
Chúc các vị một ngày vui và hẹn lại ngày mai./.

Mục Lục các Bài Giảng

(hết)
Reply
Trường Bộ Kinh
Digha Nikaya


25. Kinh Ưu-đàm-bà-la sư tử hống
(Udumbarikà-Sìhanàda sutta)


https://budsas.net/uni/u-kinh-truongbo/truong25.htm

--ooOoo--

25. KINH ƯU-ĐÀM-BÀ-LA SƯ-TỬ HỐNG

118. TRONG TRƯỜNG-HỢP NÀO ĐỨC PHẬT GIẢNG KINH ƯU-ĐÀM-BÀ-LA SƯ-TỬ HỐNG?

Vào một thời kia, đức Phật ngụ ở núi Kỳ-xà-quật (Gijjhakùta), gần thành Vương-xá (Ràjagaha). Vào một buổi chiều, có gia-chủ Tán-đà-na (Sandhana) đến vườn hoa của nữ-hoàng Ưu-đàm-bà-la (Udumbarika) gặp du-sĩ Ni-câu-đà (Nigrodha), cùng với các du-sĩ ngoại-đạo khác đang bàn chuyện phiếm rất ồn-ào. Chặp sau, thấy Thế-Tôn đi đến, hội-trường im-lặng lại, và du-sĩ Ni-câu-đà mời đức Phật trả lời câu hỏi mà họ đang bàn-luận: ''Pháp nào được Thế-Tôn dạy cho các đệ-tử được tịnh-lạc và xem là căn-bản phạm-hạnh?''.

Nhơn đó, đức Phật trước vạch cho họ thấy các lối tu khổ-hạnh của ngoại-đạo chỉ đem lại sự ô-uế; rồi sau đó, Ngài giảng rõ các pháp-tu như: (1) dẹp năm triền-cái, (2) tu-tập bốn tâm vô-lượng, (3) hướng tâm đến Túc-mạng-minh, Thiên-nhãn thuần-tịnh; được đem chỉ-dạy cho các đệ-tử để làm căn-bản phạm-hạnh.

Bấy giờ, khi nghe gia-chủ Tán-đà-na nhắc lại lời du-sĩ Ni-câu-đà trước đây có chỉ-trích đức Phật không đủ sức thuyết-pháp, vị du-sĩ nầy liền xin thú-tội và được Thế-Tôn chấp-nhận. Đức Phật lại bảo, ai tin theo và tu-tập Chánh-Pháp của Ngài, chỉ trong vòng bảy ngày là có thể hưởng được quả-báo an-lành. Nhưng tiếc thay, các du-sĩ ngoại-đạo cứ ngồi ủ-rũ, im-lặng, tâm-tư còn bị tà-kiến đè nặng, chẳng biết nghe lời khuyến-cáo. Đức Phật liền rống tiếng rống con sư-tử tại vườn Ưu-đàm, rồi ra về.

119. NỘI-DUNG KINH ƯU-ĐÀM-BÀ-LA SƯ-TỬ HỐNG.

Tên Kinh Ưu-Đàm-Bà-La Sư-Tử Hống dịch từ chữ Pali, Umdumbarika Sihanàda Suttanta, nên nghe lạ tai. Udumbarika là tên vị nữ-hoàng chủ ngôi vườn; Sihanàda là tiếng sư-tử rống (hống= rống); Suttanta là Kinh.

A.- Ý Chánh: Lời giảng Chánh-Pháp của đức Phật như tiếng rống của con sư-tử; tiếc thay bọn ngoại-đạo mắc tà-kiến nặng-nề nên chẳng biết tin theo.

B.- Phân đoạn: Kinh có thể chia ra bốn phần:

1. Phần I: Các du-sĩ ngoại-đạo bàn-luận ồn-ào trong vườn Ưu-đàm-bà-la:
Gia-chủ Tản-đà-na đến gặp du-sĩ Ni-câu-đà;
- Lời chỉ-trích của Ni-câu-đà rằng đức Phật chẳng biết thuyết-pháp;
- Ni-câu-đà thỉnh Phật giảng: Pháp nào là Pháp được dạy cho đệ-tử làm căn-bản phạm-hạnh.

2. Phần II: Đức Phật vạch rõ chỗ sai-lầm trong lối tu khổ-hạnh của ngoại-đạo.
Trước hết, đức Phật chỉ-trích lối tu khổ-hạnh ép-xác của ngoại-đạo: luôn luôn đứng, hoặc ngồi chò-hỏ, hoặc bò lết như chó, liếm tay cho sạch chẳng rửa, v.v... (xin xem thêm chi-tiết ở bản Kinh số 7: Kassapa)
- Lối tu khổ-hạnh ngoại-đạo đưa đến nhiều cấu-uế: hoan-hỷ và tự-mãn, chê người, mong có nhiều đồ-đệ, mong được cúng-dường hậu-hĩ, hay tức-giận, và oán-thù, mang nhiều tà-kiến...

3. Phần III: Đức Phật giảng Chánh-Pháp
bốn pháp chế-ngự (về Luật): chẳng sát-sanh, chẳbg trộm-cắp, chẳng tà-hành, chẳng nói dối.
- diệt năm triền-cái: tham, sân, hôn-trầm thụy-miên, trạo hối và nghi;
- tu-tập bốn tâm vô-lượng: từ, bi, hỷ, xả;
- hướng tâm đến Túc-mạng-minh và Thiên-nhãn thuần-tịnh.

4. Phần IV: Gia-chủ Tán-đà-na nhắc lại lời Ni-câu-đà đã chỉ-trích đức Phật chẳng biết thuyết-pháp.
Ni-câu-đà xin thú-tội vì đã chỉ trích sai-lầm; đức Phật chấp-nhận lời chịu tội nầy.
- Đức Phật bảo, ai biết tin và tu-tập theo Chánh-Pháp, trong vòng bảy ngày, sẽ hưởng được quả-báo an-lành.
- Trước cảnh-tượng các du-sĩ ngoại-đạo chỉ ngồi ủ-rũ, câm-lặng, mang nặng tà-kiến, đức Phật rống lên tiếng rống sư-tử, rồi ra về.

120. TRÍCH-ĐOẠN: LỜI CHỈ TRÍCH ĐỨC PHẬT CỦA DU-SĨ NI-CÂU-ĐÀ VÀ XIN THÚ-TỘI.
... Nầy Tôn-giả Nigrodha, có nói,... ''Sa-môn Gotama luận-đàm với ai? Đối-thoại với ai?... Trí-tuệ của Sa-môn Gotama bị hư-hoại vì sống với không-xứ. Sa-môn Gotama không giỏi để điểu-khiển một hội-chúng, không đủ sức để đối-thoại, chỉ đề-cập đến những vấn-đề ngoại-biên. Cũng như con bò một mắt, đi vòng tròn và chỉ đi phía bên ngoài ... Nếu Sa-môn Gotama đến tại hội-chúng nầy, chỉ có một câu hỏi, chúng tôi có thể chận đứng ngay... có thể lăn tròn Sa-môn Gotama như lăn tròn một cái bình không.'' Nay Thế-Tôn đã đến đây, Tôn-giả hãy chứng tỏ... làm cho Thế-Tôn ... lăn tròn như một cái bình không.
Khi nghe nói vậy, du-sĩ Nigrodha ngồi im-lặng, ủ rũ, vai sụp xuống, gục đầu, ưu-tư ...
- Bạch Thế-Tôn, con đã phạm tội một cách ngu-si, mờ-ám, bất-thiện, khi con nói về Thế-Tôn như vậy, ... mong Thế-Tôn chấp-nhận cho tội ấy là phạm tội, để con ngăn-ngừa về sau.
- Nầy Nigrodha, ... Ta chấp-nhận tội của Ngươi ... ai thấy phạm tội là phạm tội và phát-lộ đúng với hành-động, thời tương-lai sẽ được ngăn-ngừa.

121. HỌC KINH ƯU-ĐÀM-BÀ-LA, CHÚ Ý ĐIỂM NÀO?

1. Các điểm quan-trọng trong Kinh nầy đều đã có nơi các Kinh số 2: Sa-Môn Quả, Kinh số 7: Kassapa.
2. Với tên Kinh Ưu-đàm-bà-la Sư-tử Hống, Kinh nầy ví lời thuyết-pháp hùng-hồn của đức Phật giữa đám ngoại-đạo còn mắc tà-kiến khiến họ phải run-sợ, câm miệng, với tiếng rống của con sư-tử giữa bầy thú rừng kinh-khiếp trước chúa sơn lâm, đáng làm cho ta phải suy-gẫm mà sớm vứt bỏ ngay các ý-kiến cố-chấp.


--ooOoo--


Sư Toại Khanh Giảng Kinh Ưu-Đàm-Bà-La Sư Tử Hống (1-2)

https://toaikhanh.com/videotext.php?vid=ba741pCVn9s&abt=Kinh+%C6%AFu-%C4%90%C3%A0m-B%C3%A0-La+S%C6%B0+T%E1%BB%AD+H%E1%BB%91ng

Kinh Ưu-Đàm-Bà-La Sư Tử Hống

Kalama tri ân bạn buithibuukim ghi chép.


28/02/2022 - 04:12 - buithibuukim
KINH ƯU-ĐÀM-BÀ-LA SƯ TỬ HỐNG – Udumbarika –Sihanada sutta
Giảng ngày 18/10/2016
Bây giờ tôi đổi chiến thuật là mỗi ngày giảng không nhiều nữa. Giảng ít thôi, đỡ mệt mình mà đỡ mệt cho người ta.

Hôm nay mình học Kinh Ưu đàm bà la Sư Tử Hống. Nội dung Kinh này quý vị thấy rồi. Có một nhóm du sĩ trong khu vườn Udumbarika , chữ này có chỗ dịch là ‘Cây Sung’. Nội dung là cuộc đối thoại giữa Thế Tôn và các du sĩ do ông Nigrodha cầm đầu. Chúng tôi giảng phải chèn tờ giấy nên không dùng bàn phím được. Mọi việc xin trông cậy vào quý vị nghe.

Các du sĩ có đề nghị với Đức Phật, xin Đức Thế Tôn giảng cho họ nghe về pháp môn hay con đường hành trì mà Ngài vẫn thường giảng cho các đệ tử của Ngài. Đức Phật nhìn thấy căn tánh của các vị này cho nên Ngài chọn cách thuyết giảng gián tiếp. Thay vì trực tiếp nói con đường hành trì theo tinh thần Tam học, tinh thần Bát Chánh Đạo một cách trực tiếp thì trước hết Thế Tôn nói về pháp môn khổ hạnh trước.

Ngài nói rằng dầu có hành trì bao nhiêu pháp môn khổ hạnh, nhưng quan trọng nhứt khi anh hành trì pháp môn khổ hạnh bằng tâm trạng là khen mình chê người, nghĩa là tu được bao nhiêu thấy mình hay bấy nhiêu rồi coi người khác không ra gì. Ngài nói có bao nhiêu pháp môn tu hành đi nữa mà nếu người tu không có tâm buông bỏ, không có lòng hướng đến giải thoát buông bỏ phiền não, mà cứ một mực tu tập từ góc độ ngã chấp thì như vậy càng tu tập càng thêm cấu uế, càng khiến cho mình trở nên bất tịnh mà thôi.

Chuyện này rất quan trọng, mà có thể nói 99%, nói huỵch tẹt luôn là người Việt mình không chú ý điểm này. Cứ chọn rồi cho rằng con đường mình đang đi, cái kiểu cách tu hành, hành trì của mình là số một. Rồi mình nhìn người khác coi người ta không ra gì hết. Tôi nói rõ nghe, cho dầu mình đi đúng đường, cho dầu mình đang tu tập giới định tuệ bằng tinh thần đó là đã không xong rồi; nói chi con đường hành trì không nằm trong Đạo đế, không nằm trong Bát chánh Đạo và lại không hướng đến Diệt đế (Niết bàn). Bởi vì nếu mình thấy mọi hiện hữu là khổ - như hôm qua tôi nói, thế giới chỉ là thiện- ác- buồn- vui thôi. Chính cái thiện nó tạo ra cái vui, mà cái ác tạo ra cái buồn.

Thiện (6 căn biết 6 trần bằng tâm lành) => hạnh phúc (6 căn biết 6 trần như ý) là quả.

Ác (6 căn biết 6 trần bằng tâm bất thiện) => đau khổ (6 căn biết 6 trần bất toại) là quả.
Nếu hiểu như vậy thì thấy rằng có mặt ở đâu trong trời đất này, từ cõi Phi tưởng phi phi tưởng (cõi cao nhất trong tam giới) cho đến cõi thấp nhất là các tầng địa ngục, hay các cảnh giới bàng sinh (trùn, dế, sâu, giòi, côn trùng …), hoặc mấy lần đi biển chúng tôi nhìn mấy con oyster (con hàu) bám trong đá chúng tôi phải nói là rùng mình. Nghĩ rằng bây giờ mình chun vô đó làm một con hàu trong đá thì không biết kiếp nào ra khỏi. Bởi vì cơ hội làm lành, cơ hội hướng tâm về điều thiện thì làm sao có ở cái con hàu như vậy, ở con trùn trong đất như vậy! Cơ hội ở mấy con đó thấp lắm! Mà ba cõi mình cứ luân phiên mình đi lúc trồi lên lúc lặn xuống. Thấy như vậy thì mới chán mới sợ sanh tử.

Pháp môn Tứ Niệm Xứ là quan sát 6 căn, cũng chính là quan sát 5 uẩn, cũng chính là quan sát 12 xứ, cũng chính là quan sát 18 giới coi nó hoạt động ra sao. Lúc đầu chỉ biết ghi nhận nó đang ra sao rồi dần dần mới ngộ ra nhiều chuyện. Tôi đã nói không biết bao nhiêu lần, lúc đầu cứ giữ chánh niệm đi. Đừng có nghe người ta bày là quán chiếu quán chiếu. .. Tôi năn nỉ đừng có ham cái đó. Cứ sống chánh niệm một thời gian, tự dưng một lúc nào đó, 2 ngày, 5 ngày, 1 tháng, 2 tháng, 6 tháng, tự nhiên trong cái chánh niệm đó cộng với kiến thức Phật Pháp của mình thì tự nhiên mình ngộ ra những điều mà mình không có từng nghĩ tới, hoặc cho mình có biết mà biết ‘qua nước bọt’ của người khác, biết qua kiểu cà phê dão thôi.

Khi mình sống chánh niệm lâu ngày mình mới thấy rằng cái gọi là ‘tôi’ nó chỉ là sự lắp ráp của các thành tố danh sắc. Của hơi thở trước hơi thở sau. Của những hơi thở vào hơi thở ra. Của những tâm thiện tâm ác. Của những cảm xúc buồn cảm xúc vui. Và rõ ràng không hề có một cái gì mà nó tồn tại liên tục quá một giây đồng hồ. Danh sắc cứ tiếp nối nhau sanh diệt. Khi đó hành giả mới thấy ra những điều:

1/ Buông bỏ ý niệm ‘tôi’ và ‘của tôi’. Từ đó mới thấy rằng mình có đắc gì đi nữa cũng là chứng đắc cái vô ngã vô thường. Chớ không có gì ghê gớm để mình có thể chấp chặt vào trong đó.

2/ Tôi cũng đã nói rất nhiều lần là học giáo lý cho nhiều, mà giáo lý đó, cái biết đó nó không đủ để giảm bớt phiền não của mình, để cắt đứt phiền não của mình, không đủ để thay đổi cái nhìn tào lao của mình thì cái biết đó giống như nước biển vậy. Nghĩa là một người đi trên biển dưới chân là nước nhưng họ vẫn hoàn toàn có thể chết khát. Phật Pháp học cho nhiều, mà học kiểu gì tôi không biết, hành kiểu gì tôi không biết, miễn là cách học cách hành đó nó không đủ để mình giảm bớt phiền não, giảm bớt cái tham cái thích, giảm bớt sân giận, bất mãn, chống đối, hiềm khích, bla bla bla… thì cái biết đó giống như nước biển vậy. Đúng nó là nước. Nó có thể cho mình chút cảm giác mát mát, cho mình chút dễ chịu của người tắm biển, nhưng ta hòan toàn có thể chết khát trên cái vùng biển mình có mặt. Vì sao? – Là vì nước đó không uống được!

Nhớ nghe, thuộc lòng Tam tạng mà chưa có hành trì, hoặc hành trì không đúng mức, chưa đúng cách thì cũng giống như người đi trên biển mà chịu chết khát vậy!

3/ Cho nên ở đây Ngài mới nói có hành trì bao nhiêu đi nữa mà nếu không quán chiếu danh sắc, ngũ uẩn, tiếp tục hành trì trong ý niệm đam mê danh đam mê lợi, đam mê trong sở đắc, sở chứng, trong thành tựu nhỏ nhít của mình thì khổ hạnh đó chỉ làm mình khổ thân thôi, chớ cũng chẳng được lợi ích gì hết. Chú giải có nói một chuyện quan trọng là đề nghị chúng ta xem lại bài Kinh Lõi Cây – Mahasaropama sutta (Trung Bộ Kinh). Chính Chú giải đã xác nhận như vậy, đề nghị chúng ta xem lại bài Lõi Cây.

Bài Kinh Lõi Cây Đức Phật Ngài dạy: chánh Pháp Ngài dạy giống như một cội danh mộc. Có những người đến với Đạo, đi xuất gia rồi được người cúng dường, được trọng vọng, lễ bái nổi tiếng. Ngài nói những cái được đó chỉ là cành lá của cây danh mộc thôi.

Tiếp theo, đối với người thành tựu giới hạnh, không vì danh vì lợi mà vi phạm giới hạnh thì vị này đi đến một bước nữa, vượt qua khỏi cành lá nhưng còn bị vướng kẹt ở vỏ ngoài, cái vỏ sần sùi của cây.

Thứ ba là người tu tập thiền định được coi là vượt qua khỏi lớp vỏ sần sùi mà vô lớp vỏ trong. Người thành tựu Ngũ thông (Thắng trí hiệp thế) mà ở đây phải hiểu là Ngũ thông, là thành tựu các loại thần thông của phàm phu như thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm thông, túc mạng thông, sanh tử thông. Thành tựu 5 cái này được gọi là Lokiyania.

Phải có cái thứ sáu nữa là Lậu tận trí (Lậu tận thông) thì mới kể là thánh. Còn nếu mới chỉ có 5 thần thông kia mà bay nhảy tung tăng soi rọi thế giới, lắng nghe cuộc đời thì Ngài nói cái đó mới chỉ là giác cây thôi.

Tôi nhắc lại: 

  1. cành lá giống như sự lễ bái cúng dường, tiếng tăm, uy tín.
  2. Giới hạnh thanh tịnh thì mới là vỏ ngoài thôi.
  3. Thiền định là vỏ trong.
  4. Thần thông là cái giác cây.
  5. Mà chỉ có Thánh trí đạo quả mới là cái lõi cây.

Đó là đối với con đường Bát Chánh Đạo mà còn như vậy thì nói chi người đam mê trong các pháp môn khổ hạnh, trong các pháp môn thuộc về giới cấm thủ.

Cho nên ở đây Ngài dạy rõ, Ngài kêu tu tập Chỉ Quán song tu. Thiền Chỉ hiểu rộng là 40 đề mục, nhưng trong bài Kinh này Thiền Chỉ mà Ngài đề nghị là TỨ VÔ LƯỢNG TÂM. 

Thiền Chỉ có nhiều đề mục (40 lận), trong đó mỗi đề mục có cái hay riêng .  

  1. Như các đề mục kasina xanh, vàng, đỏ, trắng, đất, nước, lửa, gió, hư không, ánh sáng. Những đề mục này ngoài tác dụng giúp cho tâm an định, nó còn có thể giúp hành giả khi đắc thiền hóa hiện các loại thần thông.
  2. Đề mục thứ hai là các đề mục hơi thở, đề mục bất tịnh, thể trược ngoài tác dụng giúp tâm an định, giúp mình thành tựu định học, nó còn có tác dụng là nền tảng rất tốt để ta nhàm chán thân sanh tử và đó là nền tảng cho pháp môn Tuệ quán sau này.
  3. Loại đề mục thứ ba để hàm dưỡng đức độ bản thân chính là Bốn vô lượng tâm. Hoặc đề mục Tùy niệm Phật, Pháp, Tăng, Thí, Giới, Thiên. Những đề mục này ngoài chuyện giúp mình an định nội tâm còn giúp mình công đức lớn lắm. Thí dụ tu đề mục đất nước lửa gió chỉ được cái an định và khả năng hóa hiện thần thông, nhưng nói về cái phước nó không bì được với niệm Phật. Mặc dù niệm Phật không dẫn tới đắc thiền, nhưng một người nhiều năm nhiều tháng niệm Phật, tôi nhắc lại chỉ đắc Cận định thôi nhưng công đức chẳng thể nghĩ bàn.

Nhưng phải nói rõ pháp môn niệm Phật trong Phật giáo Nam truyền Pali Tạng thì cách niệm ở đây khác bên Tịnh Độ. 

  1. Bên Tịnh Độ mình cứ réo Nam Mô lục tự Di Đà mà không cần hiểu nghĩa chữ A Di Đà nghĩa là gì, ngoài hiểu nôm na đó là hồng danh vị Tây phương giáo chủ tiếp dẫn đạo sư. Vị phóng quang tiếp dẫn thánh chúng, tiếp dẫn cái vong của mình lên Cửu phẩm Liên hoa. Chỉ biết mơ hồ vậy. 
  2. Nhưng niệm Phật trong Kinh điển Pali truyền thống Phật giáo nguyên thủy thì không phải vậy. Niệm Phật ở đây là không phải niệm riêng đức Phật nào hết, mà NIỆM CHUNG TẤT CẢ CHƯ PHẬT. Không niệm riêng đức Phật nào mà niệm các đức tánh, hạnh lành, phẩm chất bất khả tư nghì của tất cả chư Phật.

Thí dụ mình niệm Thế Tôn, Thế Tôn theo tiếng Hán không giống chữ Pali. Pali, Thế Tôn là ‘Bhagava’ là người thành tựu tất cả điều tốt đẹp nhứt, an lạc nhứt. 

Chữ ‘bhagava’ dịch sát là ‘có phần’. Chữ ‘phần’ đây là: 
  1. Về hạnh lành, về phước báu cái gì chư Phật cũng top hết. 
  2. Cái gì tốt nhứt là các ngài có đầy đủ. 
  3. Cái gì hay nhứt đẹp nhứt chư Phật có không sót đó gọi là bhagava.

Phật là gì? 
– Phật đây là tất cả chư Phật. Phật có hai nghĩa: một là ‘tỉnh giấc’ từ giấc ngủ phiền não, tỉnh giấc từ cơn mơ phàm phu sanh tử. 

  1. Nghĩa thứ nhứt là người thức giấc.
  2. Nghĩa thứ hai chữ ‘buddho’ là người hiểu biết lý Tứ Đế.

Chữ ‘Sugato’: Thiện Thệ cũng có nhiều nghĩa. Thiện thệ là bậc đã đến và đi trên con đường đẹp nhất mà chư Phật ba đời mười phương đã đến và đi. Đã đến và đi theo cách đẹp nhất. Chữ ‘Thệ’ này hay có hay nhưng không có lột được hết nghĩa chữ Sugato. ‘Thệ’ đây có nghĩa là đi luôn không có về. Như Khổng Tử đứng nhìn dòng nước chảy nói: “Thệ như tư phù bất xả trú dạ” (Dòng nước cứ trôi đi biền biệt không quay về suốt cả ngày lẫn đêm – xả: dừng; trú dạ: ngày đêm). Chuyện đời cũng giống vậy thôi. Chữ sugato ở đây dịch Thiện thệ là nghĩa khác. 

Thiện thệ là ‘người đi không về, không có quay lui sanh tử’. Còn ‘sugato’ đây nghĩa là ‘người đã đến và đi theo cách đẹp nhất, theo con đường đẹp nhất, theo hành trình, lộ trình hoàn hảo nhất’.

Rồi ‘Purisaradammasarathi’ : Điều Ngự Trượng Phu, nghĩa là thay vì đi xe bò dạy bò điều khiển bò, cỡi voi thì điều khiển voi, đi xe ngựa điều khiển ngựa, nhưng riêng Thế Tôn có khả năng điều khiển nhân thiên trong ba giới bốn loài trong đời này. Người ta chỉ có khả năng dạy thú nhưng Ngài có khả năng dạy cả trời, người, gọi là Purisaradammasarathi.

‘damma’ : well train = khéo, giỏi, người đã được đào tạo ngon lành.

‘sarathi’ : người đánh xe = xa phu

‘purisa’ chỉ chung cho nhân, thiên.

Bla bla bla … mười hồng danh như vậy. Niệm Phật bên Phật giáo Nam truyền là niệm như vậy đó, từng hồng danh một của chư Phật chớ không phải của một đức Phật nào hết. Nhờ niệm như vậy công đức vô lượng chẳng thể nghĩ bàn.

Trong bài Kinh này Đức Thế Tôn không nói hết 40 đề mục mà Ngài chọn 4 đề mục Phạm trú (pháp Phạm thiên, luôn luôn an trú thường trực). Đó là từ- bi- hỷ- xả.

- Từ là mong cho người ta được an lạc an lành.

- Bi là mong cho người ta đừng có khổ. Tức là lòng mình có bất nhẫn, có trắc ẩn trước nỗi đau của chúng sinh.
- Hỷ là vui với nhân lành và quả lành của người khác. 
  1. Vui với nhân lành là thấy người ta làm thiện, người ta tu hành (có giới, có thiền có trí, có kham nhẫn, có lòng vị tha bác ái …) thì mình vui theo. 
  2. Vui với quả lành người ta là thấy người ta được giàu, được đẹp, tiếng tăm mình vui với người ta mà không ganh tị. Đó là Hỷ Phạm trú, hỷ trong 4 vô lượng tâm.
- Xả là cảm giác hay tâm trạng thanh thản khi nghĩ về nghiệp riêng của muôn loài, chớ không phải là sự vô cảm, lạnh lùng sắt máu của người tàn nhẫn gỗ đá. Xả đây là sự thanh thản của cái người nghĩ về cái nghiệp riêng của muôn loài. 

Thí dụ thấy ai khổ ai cần mình giúp. Nhưng giúp đến mức độ nào đó mà mình có ghét họ cách mấy họ cũng có một núi nghiệp chờ sau lưng họ. Mình có thương có giúp họ cách mấy họ cũng có một núi nghiệp chờ sau lưng họ. Có nghĩa sự giúp đỡ, sự can thiệp của mình chỉ ở mức độ nào đó thôi, chớ mỗi người có một nghiệp riêng. Và cái này phải trau giồi thường xuyên tu tập liên tục như vậy, ngày ngày chưa đủ mà phải giờ giờ phút phút. Cứ nhớ như vậy.

Khổ một nỗi là KHI KHÔNG HÀNH TRÌ THÌ TẤT CẢ LỜI PHẬT ĐỀU KHÓ HIỂU KHÓ TIN. Khi có hành trì mình mới thấy ra chuyện đó, có nghĩa là:
 
  1. Thường xuyên sống chánh niệm thì cái nhìn của mình với 6 trần nó khác đi. 
  2. Thường xuyên tu tập Bốn Phạm trú này thì cái lòng mình đối với cuộc đời cũng khác. 

Ở đây tôi cũng mở ngoặc nói thêm một chút kinh nghiệm của các thiền sư mà các vị bày tôi thấy cũng có lý. 

Các vị nói: 
  1. Một người tu tập nhiều đời nhiều kiếp phước căn sâu dầy thì nơi đâu và lúc nào người ta cũng có thể tu tập được chánh niệm hay từ tâm hay các đề mục thiền Chỉ nói chung. 
  2. Riêng những người thiếu phước thiếu trí, duyên lành mỏng muốn trau dồi chánh niệm thì phải có môi trường hoàn cảnh thích hợp, thầy bạn ok.

Bữa hổm mình có học nhân sanh các Giác Chi bà con còn nhớ không? 

Nhân sanh các Giác Chi thì trong đó anh muốn có trí thì anh phải gần người có trí. Muốn có niệm phải gần người có niệm. Riêng bậc đại căn đại trí thì người ta không cần môi trường gì hết, nghĩa là duyên tới thì ‘bùm’ thành thánh liền. Còn mình thì phải biết thân . Mình phải có môi trường điều kiện, đặc biệt là pháp môn Tứ vô lượng tâm. 

  1. Muốn trau dồi Tứ vô lượng tâm buổi đầu anh phải ở nơi nào CỰC KỲ THÍCH HỢP. 
  2. Muốn tu chánh niệm thì phải ở chỗ thích hợp nhưng riêng Tứ vô lượng tâm thì phải thêm chữ ‘cực kỳ’ (thích hợp). 

Tức là 
  1. anh ở chỗ thầy tốt bạn tốt chưa đủ, mà 
  2. trong thời buổi này anh phải tránh cả nguy cơ liên lạc với cuộc đời một cách không cần thiết. 

Thí dụ như mình tu tâm từ, tu bi, hỷ, xả mà 
  1. ở chung với người tốt, với minh sư thiện hữu 
  2. mà cứ lén lén vô facebook, lén lén vô email, chit chat, lén lén alo. 
Thì tôi xin hứa với quý vị trước vong linh của mẹ tôi, chuyện đó là bất khả - impossible mission. Cứ sân si suốt ngày thì tu cái nỗi gì! Cho nên tôi không có thần thông, mà chỉ cần tôi liếc thấy hành giả nào chạm tay cái phone, cái lap top, chạm tay cái ipad thì tôi nghĩ rằng tôi đã hiểu hành giả đó tu tới đâu.

Vì 3 lý do. 
  1. Một, nếu đó là một hành giả miên mật tinh tấn thì thời gian đâu anh rờ vô mấy thứ này trừ khi anh còn đang theo đuổi pháp học, trừ khi anh còn đang theo đuổi ân oán tình thù của thế nhân. Thứ nhứt là anh không có thì giờ. 
  2. Thứ hai, nếu anh là một hành giả miên mật thì ngoài chuyện không có thì giờ ra thì anh còn có tâm tư nào, có hứng thú nào để anh cần đến những thứ đó. 
  3. Thứ ba, anh là hạng người nào mà những thứ đó nó không tác động đến tâm tư anh, anh nói dùm tôi. Anh có dám nói nó không ảnh hưởng anh hay không?

Cho nên muốn tu tập bốn Phạm trú này hành giả trước hết phải lánh xa môi trường có tiềm ẩn nguy cơ tác động tiêu cực lên công phu mình đang tu tập, đang hành trì.

Tôi dừng lại hơi lâu ở đề mục Bốn Phạm trú là tại vì bản thân tôi có một tâm nguyện. Bây giờ tôi 47 rồi, nhiều lắm là 3 năm nữa 50 tuổi là cái chết. 

Nếu tôi chết sớm thì tôi mong trước ngày chết tôi và quý vị trong room này 

  1. Tối thiểu có 7 năm tu Niệm Xứ, 
  2. mà tu kiểu bậc thượng 100%, chớ tu mà cầm đồng hồ là không phải. 

Tu phải liệng đồng hồ đi là 7 năm. Và 7 năm tu từ tâm. 

Nghe tôi đi! Còn quý vị hỏi hai con số 7 này ở đâu thì cứ vô google đánh tiếng Anh: seven years Satipatthana, hoặc seven years vipassana tự nhiên sẽ thấy, nhớ nghe! 

Còn muốn gọn thì 
  1. chạy lên núi Dinh hỏi ngài Thanh, 
  2. chạy về chùa Giác Quang quận 8 hỏi ngài Tịnh Giác, 
  3. hoặc hỏi sư trưởng Biên Hòa hoặc 
  4. chùa Bửu Long hỏi ngài Viên Minh, 
  5. chùa Vĩnh Long hỏi thượng tọa Giác Giới, 
  6. chạy ra Vũng Tàu hỏi thượng tọa Chánh Minh, nghe .

Những vị tôi gởi địa chỉ đó. 

  1. Hỏi chớ tại sao có người nhắc đến Tứ Niệm Xứ mà nhắc đến 7 năm là sao. 
  2. Hỏi tại sao có người nhắc đến Bốn vô lượng tâm mà nhắc đến 7 năm là sao? 

Trong Kinh có nói cái đó không, đó là tối thiểu. Chính Thế Tôn cũng nhìn nhận ‘Ta nhiều kiếp và nhiều kiếp 7 năm tu từ tâm, từ đó sanh về Phạm cung, từ đó không trở lui thế giới suốt 7 đời như vậy’.

Chớ còn mình rải tâm từ cái kiểu mỗi ngày ngồi thiền rải sơ sơ thì không phải là kiểu Phạm trú trong Kinh đề nghị. Rải kiểu mình vậy không thể đắc Định. Còn kiểu tu tâm Từ như Đức Phật dạy là có thể dẫn đến đắc Định. Rải như vầy:

- Đối tượng: bao nhiêu đối tượng: nam, nữ, phàm, thánh, siêu, đọa.

- Hướng: Đối tượng nhân với 10 hướng gồm đông, tây, nam, bắc, đông nam, tây nam, đông bắc, tây bắc, trên, dưới = 10
- Các lời nguyện, như mong cho họ được an lạc. Mong cho họ đừng oan trái lẫn nhau. Mong cho họ đừng có sầu muộn. Mong cho họ đừng có sợ hãi. Mong cho họ hãy biết tự bảo trọng lấy mình.

Bao nhiêu lời nguyện nhân với hướng nhân với đối tượng (đối tượng x hướng x lời nguyện) – (Xin xem lại quyển A Tỳ Đàm bìa xanh có hình tháp ở trước. Hoặc Thanh Tịnh Đạo, đọc phần Định, Bốn Phạm trú).

Cách Từ Bi Quán, rải Bốn Phạm trú là như vậy đó. Thí dụ:

Xin cho tất cả người nam ở hướng đông được bốn, năm điều gì đó. Rồi xin cho tất cả người nam ở hướng tây được gì gì đó. Xin cho tất cả người nam ở hướng nam được cái gì đó, rồi tất cả người nam ở hướng bắc được gì gì đó. Xin cho tất cả người nam ở các hướng phụ… gì gì đó.

Rồi qua nữ: xin cho tất cả người nữ ở hướng nam được cái gì, ở hướng bắc được cái gì, bla, bla, bla …

Các vị tưởng tượng đi, chỉ hình dung là đã thấy muốn định rồi. Có nghĩa là quý vị chỉ cần phóng tâm một chút, phóng dật một chút thì làm sao có thể rải chính xác đối tượng đó, hướng đó rồi lời nguyện nào, tổng cộng vậy là mấy trăm. Lòng mình dán chặt vào trong đó làm sao nó phóng nổi. Và nếu đủ duyên thì nó đắc định, mà công đức thì vô lượng. 

Có ba phước lớn trong đời của một vị tu tập: phước vật, phước đức và phước trí. Ba phước này bao trùm tất cả công đức dầu hữu lậu hay vô lậu.

1. Phước lớn thứ nhứt: Phước vật.

Phước vật là sự chia sẻ vật chất của mình cho người khác. 

Công đức phước vật lớn nhỏ, nhiều hay ít thì tùy thuộc vào ba thứ: 
  1. đối tượng: Hữu ân, đức độ, tập thể 
  2. vào tâm trạng: Hữu trợ, vô trợ . Và 
  3. sau mới tới vật thí: Hợp pháp / hợp đạo (hay không). 

Nếu vật thí đó không hợp pháp hợp đạo thì công đức nó khác. Vật thí hợp pháp hợp đạo là vật đó không phải do lừa đảo mà có, không phải do mình hành hạ, làm khổ chúng sanh mà có (giết cá giết gà để làm phước thì vật thí đó không thanh tịnh). Nên vật thí cũng là một phần.

Thứ hai là nội tâm người thực hiện công đức bố thí. Anh thực hiện điều đó bằng sự tự phát hay do dự hay sự tác động, tức hữu trợ hay vô trợ. Khi anh thực hiện vậy có bằng sự can thiệp của trí tuệ hay không, tức hợp trí hay ly trí.

Thứ ba là thọ hỷ hay thọ xả. Nên tâm trạng người bố thí cũng quan trọng.

Như vậy vật thí, tâm trạng người bố thí, thứ ba là đối tượng bố thí. Đối tượng đó là có đức độ hay không, là cá nhân hay tập thể, là người có hữu ân với mình hay không (như cha mẹ).

Có thể tuy cha mẹ là người không đức độ, người không có giới tu, nhưng cha mẹ đối với con luôn có từ bi hỷ xả, dĩ nhiên phần tham ái tôi không nói, thì trên đời này không có ai dám chết cho mình trừ cha mẹ, không có ai dám nhịn ăn nhịn mặc, dám chịu phần thiệt để tốt cho mình trừ cha mẹ. Cho nên đền đáp cho cha mẹ cũng là một công đức lớn. 

Cho nên đối tượng có ba: là 
  1. người hữu ân với mình, 
  2. bản thân người đó có đức độ, và 
  3. đối tượng tập thể.

Đối tượng tập thể có nhiều phước hơn cá nhân. Đối tượng có đức độ nhiều phước hơn đối tượng không có đức độ. Đối tượng hữu ân với mình sẽ nhiều công đức hơn người không có gì với mình. Thí dụ cho bà hàng xóm không bằng cho má mình. Nhưng nói hơn đây cho biết vậy thôi, chớ không phải suốt đời mình đi kiếm chỉ ba hạng này thôi mà không đếm xỉa những người khác.

Đó là phước vật. Trong Kinh nói quả báo phước vật lớn nhứt là cúng dường cho tập thể Tứ phương tăng. Bởi tứ phương tăng vừa đáp ứng cùng một lúc các điều kiện: nói tới tăng là phải có đức độ (tăng tào lao thì không kể). Thứ hai, tăng là tập thể.

Cho nên ba cái phước vật, phước đức, phước trí gồm ba con số bốn:

* Phước vật không gì hơn Tứ phương tăng. Nhưng đừng vậy mà buồn tủi nói tui nghèo tui lấy gì cúng cho tứ phương tăng. Mình nghèo mình vẫn có thể cúng theo cách nghèo của mình. Thí dụ mình mua cái ấm nhôm để vô chùa cho chư tăng mười phương họ tới có họ xài. Mua cây chổi cỏ để trong chùa cho người ta lấy đó quét dọn chùa, chư tăng tới được sạch sẽ. Tức là mua cái gì mà đám đông có thể xài như cái thảm chùi chân,…

2. Phước lớn thứ hai: Phước đức.

Phước đức đây không có gì qua được Bốn vô lượng tâm. Đó, nãy tôi nói 7 năm tu vô lượng tâm là chỗ đó. 

Phước đức là phước đem lại cho mình tuổi thọ, nhan sắc, uy tín, quyền lực, sức khỏe. Mà anh muốn có phước đức thì làm nhiều thứ như phục vụ, bố thí, v.v… 

Bố thí là vừa phước đức, phước trí vừa phước vật. 

Mình bố thí mà chủ ý, tác ý mình hướng đến cái gì thì cái đó sẽ dẫn mình đến cái phước tương ứng

Thí dụ tôi cúng bữa cơm, tôi mong rằng người ta ăn bữa cơm này người ta sẽ tu thiền tốt hơn. Tôi làm một bữa bánh xèo đãi hành giả, tôi mong rằng hành giả bữa nay có bữa ăn bớt thèm để tu tập ngon lành hơn thì cũng là công đức.


(còn tiếp)
Reply
(tt) Sư Toại Khanh Giảng Kinh Ưu-Đàm-Bà-La Sư Tử Hống (2-2)

https://toaikhanh.com/videotext.php?vid=ba741pCVn9s&abt=Kinh+%C6%AFu-%C4%90%C3%A0m-B%C3%A0-La+S%C6%B0+T%E1%BB%AD+H%E1%BB%91ng

Bà con làm mấy cái này phước báo vô cùng. 


Cách 1:
Cứ cúng dường chư tỳ kheo, chư tăng một tháng hai ngày, mồng một tức bữa trước chư tăng làm lễ phát lồ sám hối. Cúng vị sắp đi xa, vị đi xa mới về, tỳ kheo bịnh, tỳ kheo nuôi bịnh, tỳ kheo đang trong lớp học đang khóa học, đang khóa thiền, tỳ kheo trong mùa an cư bla bla bla … phước báo vô lượng. Tuy nhiên có hai ngày tôi muốn bà con nhớ đó là chư tỳ kheo, sa di nói chung sau ngày phát lồ sám hối mỗi tháng hai ngày. 

  1. Ngày 30 các vị sám hối, thì mồng một quý vị cúng dường trai tăng là công đức ngon lành, vì lúc đó chư tăng sạch sẽ như tờ giấy trắng. 
  2. Ngày 15 người ta làm lễ sám hối, thì ngày 16 mình cúng trai tăng. Đó là một kiểu.
Cách 2:
Kiểu thứ hai, bà con kiếm rồi rủ ai đó, trình trụ trì một tiếng rồi cúng trong tháng có 8 ngày Bát quan.


Như vậy ba phước: phước vật, phước trí, phước đức thì phước vật (vật chất) là mình chia sẻ, cúng dường tài sản vật chất cho người khác, gồm các đối tượng có đức độ hay không có đức độ; tập thể hay cá nhân, người hữu ân hay người vô can. Trong đó đối tượng Tứ phương tăng là phước lớn nhứt vì vừa là tập thể, vừa là đám đông có đức độ. Ở đây tôi cũng nói rõ luôn, những cá nhân tăng ni mà quý vị nghi ngờ thì không nên bất mãn. Cứ nghĩ họ không mắc mớ gì cái tâm mình hết là xong. Chớ còn vì một cá nhân, một vài cá nhân nào đó mà mình bất mãn Tam bảo thì chuyện đó rất là không nên, rất là bất thiện. Nhớ cái đó!


Phước đức là những công đức nào đem lại sự hàm dưỡng cho hạnh lành của mình nói chung. 


Về tinh thần như là phục vụ, vị tha, giữ giới, tu tâm từ, …những cái phước đó đem lại tuổi thọ, nhan sắc, sức khỏe, quyền lực, tiếng tăm, uy tín. 

Có nhiều cách để tạo công đức, như bố thí. Khi bố thí cái lòng mình ngoài chuyện chia sẻ vật chất ra còn mong cho người ta nhờ bữa ăn này mà người ta có thêm sức khỏe. Nhờ bữa ăn này người ta được hết bịnh, người ta đẹp người đẹp da, …thí dụ vậy. Bố thí vậy ngoài phước vật còn là phước đức nữa.

Trong các phước vật thì phước cúng dường Tứ phương tăng là lớn nhứt

Trong các phước đức thì Tứ vô lượng tâm là lớn nhứt.

3. Phước lớn thứ ba: Phước trí.


Phước trí gồm có hai: pháp học và pháp hành. Pháp học là trau giồi kiến thức giáo lý Phật học nói chung. Đặc biệt pháp học không có gì hơn là A tỳ Đàm, pháp hành thì không gì hơn Tứ Niệm Xứ.


Như vậy có ba con số 4 là: 

  1. Phước vật là Tứ phương tăng. 
  2. Phước đức là Tứ vô lượng tâm (4 Phạm trú). 
  3. Phước trí chính là học về 4 pháp chân đế (Tâm – Tâm sở - Sắc pháp – Niết bàn) và hành là hành Tứ Niệm Xứ (quan sát lại danh sắc của mình).

* Hồi nãy tôi nói sơ pháp bố thí nó có thể là phước vật mà cũng có thể là phước đức cũng có thể là phước trí . 


Vì sao? 
– Vì khi tôi bỏ tiền cúng dường cho một học viện, thiền viện, một lớp thiền, một nhóm người hành thiền hay nhóm người học đạo, dầu đó là tăng ni hay cư sĩ, cúng dường chư tăng thì lúc nào cũng tốt hết. Chư tăng đang mùa an cư, chư tăng sắp đi xa, chư tăng đi xa mới về, hoặc hỗ trợ cho tăng ni bị bịnh, hỗ trợ cho người nuôi bịnh thì vừa là phước vật vừa là phước đức. 

Nếu mình biết nghĩ là họ nhờ sự hỗ trợ này mà tu hành tốt hơn là lúc đó mình gieo cả phước trí nữa.

Còn nói về cư sĩ, đó giờ mình chỉ biết cúng dường chư tăng, trai tăng ni xuất gia, mình không biết một chuyện nữa là nếu một địa phương nào không có tăng ni, mình có thể mời bạn bè mình, những người thọ Bát quan về nhà mình hoặc về một ngôi nhà nào có điều kiện rộng rãi, rồi mình lo cơm cho họ trong ngày đó để họ đọc sách, xem Kinh, hành thiền, luận Đạo. 


Một tháng 8 ngày mình làm được mấy ngày thì tốt mấy ngày. Mà điều này theo tôi biết Phật tử VN không rõ chứ bên Thái Lan, Miến Điện, những ngày Giới người ta đem đồ ăn vô chùa, trước là cúng dường chư tăng, sau là người ta ăn với nhau trong chùa. Rồi người ta nghe Pháp, xem Kinh, hành thiền. 

VN mình không biết chuyện đó. Cho nên qua buổi giảng này bà con nào làm được chuyện đó thì rất tốt, rất đáng tùy hỷ. Đó là nhân nói về 4 pháp Phạm trú tôi nói rộng ra về ba phước: phước vật, phước đức,phước trí.

Trở lại bài Kinh. Bài Kinh này Đức Phật trước hết ngài dạy rằng dầu theo pháp môn nào đi nữa nhưng nếu mình tu tập, hành trì bằng ý niệm ngã chấp ‘tôi’ đang tu hành, ‘tôi’ đang hành trì, tôi có giới, tôi có định, tôi có tuệ, tôi thế này thế kia, giới tôi hơn người ta, định tôi hơn người ta, tuệ tôi đức độ tôi, kham nhẫn, từ tâm, kiến thức của tôi hơn người ta, bla bla bla …Khi mình hành trì bằng tâm niệm như vậy (khen mình chê người), hành trì bằng ý niệm ngã chấp thì không tốt.


Bài Kinh này đọc kỹ thấy rất là sâu. Nội dung bài Kinh:


1/ Lìa bỏ các pháp môn hành trì thuộc giới cấm thủ, không nằm trong Đạo đế, không nằm trong Bát Chánh Đạo.


2/ Dầu hành trì pháp môn nào mà còn vướng kẹt trong ý niệm ngã chấp, còn khen mình chê người là chưa tốt.


3/ Ở trong bài Kinh này Đức Thế Tôn đề nghị con đường Chỉ Quán song tu. Ở chỗ khác, thiền Chỉ thì ngài nói về hơi thở, nhưng Chỉ ở đây Ngài nói về Bốn pháp Phạm trú (còn được gọi là Bốn Vô Lượng Tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả) 


Đừng coi thường, nghĩ rằng Bốn pháp Phạm trú không mắc mớ gì tới giải thoát. Bởi vì nếu mình tu, lấy bốn đề mục này để trau giồi định tâm thì hoàn toàn có thể đắc định như thường. Đối với một người đắc định thì họ tu Vipassana ngon lành. 

Quý vị nhớ dùm điểm này: thiền Chỉ không dẫn tới giải thoát nhưng thiền Chỉ mà làm nền cho Tuệ quán thì không chi sánh bằng. 

  1. Còn người tu thuần Quán, chỉ Vipassana thôi thì nói rõ, một là ít phước mới tu như vậy. 
  2. Còn người đại phước thì Chỉ Quán song tu. 
Đó là lý do bà con vào Kinh Tạng thấy Đức Phật ngài nói về Bốn thiền, ngài nói mình có cảm giác như lấy một món đồ trong túi ra vậy. Bởi thời đó chung quanh Ngài, trước mặt sau lưng Ngài toàn là bậc đại căn đại duyên.

Hôm nay chúng ta học bài Kinh này chúng ta thấy rằng đề mục thiền Chỉ nào cũng là để trau giồi Định học (Định tâm, khả năng tập trung tư tưởng). 


Tuy nhiên trong số đó, 
  1. Đề mục niệm Phật đem lại công đức vô lượng. 
  2. Đề mục thể trược tử thi hỗ trợ khả năng nhàm chán sanh tử đời sau kiếp khác. 
  3. Đề mục Phạm trú cũng là thiền Chỉ cũng là đề mục để luyện cho đắc định, dầu mình không thể hóa hiện thần thông bằng 4 đề mục này nhưng mình hoàn toàn có thể nhập định bằng 4 đề mục này. 
  4. Với khả năng nhập định này chúng ta tu thiền Quán rất là tốt.

Đức Thế Tôn đúc kết rằng một người đã tu tập thành tựu định tâm qua Tứ vô lượng tâm thì người đó có thể tu tập tốt hơn người không có định tâm. 


Ở đây Ngài gợi ý nữa, là con đường thiền Quán tốt nhứt chính là con đường của người đã đi qua thiền Chỉ. Nếu không đi qua thiền Chỉ, tu thiền Quán cũng có thể đắc Đạo nhưng nếu bỏ lên bàn cân mình cân thì nó vẫn không bằng người có thiền Chỉ trước: khả năng niệm,khả năng quán chiếu của họ sẽ tốt hơn.

Cuối bài Kinh Đức Phật có nhắc đến chuyện Tam minh. Có nghĩa một vị có Định vị đó có thể nhớ được, thành tựu được hai cái minh trước khi thành thánh: Túc mạng minh (thấy được quả sanh tử, và Sanh tử minh là nhân sanh tử. Thấy được toàn bộ vũ trụ, thế giới này nó chỉ là tồn tại, vận hành, hoạt động trong thế giới của nhân quả mà thôi. Nhớ nghe, chỗ này nhiều người đọc không hiểu. Hỏi tại sao 2 cái minh đầu nó quan trọng. Túc mạng minh là nhớ quả sanh tử. Nhớ rằng thời đó kiếp đó ta đã sanh ra làm vua, làm hoàng hậu, làm ăn mày, ăn cướp, du đãng, làm con trùn, con dế, con heo, con trâu, bò, chó, ngựa …Đó là quả sanh tử. Thấy ở kiếp sống đó ta vui buồn ra sao, nhân dáng, ngoại hình ra sao. Đó là nhớ quả sanh tử.


Còn Sanh tử minh là nhớ nhân sanh tử: làm cái nghiệp đó nó dẫn tới cái đó, làm cái nghiệp kia dẫn tới cái kia.


Một người hữu duyên khi quán chiếu cái quả và cái nhân sanh tử như vậy thì họ sẽ nhận ra điều khác nữa mà một người hành giả không có thiền, không có định, không có thần thông thì không thấy được.


Tôi nhắc lại hành giả tu thuần thiền quán không có định, không có thần thông thì họ chỉ thấy được danh sắc trong khả năng hình dung của họ thôi. Thí dụ họ thở ra thở vào họ thấy được hơi thở trước không phải là hơi thở sau. Họ thấy cái tâm biết hơi thở trước không phải cái tâm biết hơi thở sau. Họ thấy rằng hơi thở trước nó mất rồi mới có hơi thở sau. Cái tâm mà biết hơi thở trước nó phải mất thì nó mới có cái tâm của hơi thở sau. Thấy như vậy. Họ thấy rằng cái gì có rồi phải mất. Họ thấy rằng mọi thứ không tồn tại quá một giây. Họ thấy rằng toàn bộ sự hiện hữu của họ nói riêng và tất cả chúng sanh nói chung chỉ là sự ráp nối về bản chất, về không gian và thời gian chỉ là sự ráp nối cái này cộng với cái kia nó mới ra cái nọ. Đó là người tu thiền Quán mà không có Chỉ.


Còn người tu thiền Quán mà có Chỉ thì sao? 

– Từ chỗ họ có khả năng định tâm họ đắc thiền đắc thần thông, 
  1. họ có thể quán chiếu họ thấy nhiều hơn. 
  2. Khi mình thấy bằng thần thông thì đức tin của mình đối với danh sắc nhiều hơn là người không có.
Tôi phải xác định điều đó. Thí dụ tôi không có thần thông, tôi chỉ thấy quẩn quanh trong đại oai nghi, tiểu oai nghi, hồi nãy là đi đứng, ngồi, bây giờ nằm. Hồi nãy đau giờ hết đau. Hồi nãy nực bây giờ mát. Nãy mát bây giờ nực. Tôi chỉ quẩn quanh bao nhiêu, thấy danh sắc là vô ngã vô thường.

Còn riêng ông có thần thông thì cái thấy của ổng về vô ngã vô thường nó nhiều hơn tôi, nó dễ sợ hơn tôi và khẳng định hơn. Thí dụ ổng thấy cảnh giới ở cõi này như vậy, ở cõi kia cũng như vậy. Ổng thấy đời này như vậy mà đời trước cũng như vậy. Ta như vậy mà người khác chung quanh ta cũng thảy đều như vậy. 


Cái thấy vô ngã vô thường trong danh sắc của người đắc thiền đắc thần thông nó rộng hơn nó sâu hơn mà nó chắc chắn hơn, được xác tín rõ ràng hơn.

Đó là lý do tại sao Đức Phật luôn khuyến khích mình tu tập Chỉ Quán song tu


Đó là chuyện đời xưa. Đời nay phước mỏng, nghiệp dầy tội dầy chúng ta không còn điều kiện. 

Nhưng chí ít, khi làm phước nhớ nguyện: 

“Nếu con không đủ duyên lành chứng Đạo bậc Thánh đời này thì 
  1. mong cho đời sau đời đời sanh ra tu thiền Chỉ dễ dàng. 
  2. Có Phật ra đời thì con xin gặp gỡ. 
  3. Nếu không được gặp Phật thì con xin có đủ điều kiện có cơ hội gặp gỡ minh sư thiện hữu, 
  4. đồng thời sanh ra làm người tam nhân đắc chứng thiền định thần thông dễ dàng.”

Đây là một lời nguyện rất quan trọng. 


Ai thường xem Kinh điển sẽ thấy Bồ tát luôn luôn ly dục, thường thường ly dục, sanh ra là ly dục. 

  1. Cho nên dầu làm vua bỏ ngôi rất dễ. 
  2. Làm triệu phú đại gia bỏ nhà rất dễ.
  3. Vợ đẹp con ngoan có đó nhưng bỏ rất dễ. 
Đó là khả năng ly dục của Bồ tát.

Thứ hai, Bồ tát có khả năng đắc thiền rất dễ. Bồ tát bỏ nhà vô rừng cứ 3 giây là phải đắc thiền, là vì 

  1. khả năng ly dục của Ngài, cộng với 
  2. trí tuệ của Ngài cộng với 
  3. những công đức khác. 
Thí dụ một người phải thể lực như thế nào đó thì chuyện tu tập thiền định mới dễ. Chắc quý vị trong room không biết chuyện này? 

Quý vị coi Kinh lâu lâu thấy các vị A La Hán có vị tật bịnh tùm lum đó là trường hợp đặc biệt. 

Nhưng mình phải biết một điều là cấu trúc sinh học của những vị tam nhân đắc thiền phải khác người bình thường. Nghĩa là vào những giây phút ngặt nghèo nhứt, quyết liệt nhứt, khốc liệt nhứt thì sức khỏe của họ cũng đủ để hoàn tất chuyện tu hành

Những chỗ này phải coi Kinh kỹ mới thấy chớ đọc lơ mơ thì không thấy. 

Đó là lý do tại sao người ta đắc A La Hán khi tịch rồi để lại xá lợi. Bởi vì công đức nhiều đời của họ đã khiến họ có cấu trúc sinh học hơi đặc biệt hơn người bình thường. 

Thí dụ họ có thần kinh thép, khi họ chịu tu rồi, thân xác (chớ không phải cơ bắp nghe) họ nhờ phước bố thí, phước từ tâm, phước ba la mật của họ hỗ trợ họ có sức khỏe tối thiểu để họ hoàn tất Đạo nghiệp vào những giây phút ngặt nghèo nhứt. Như trong miệng cọp mà người ta vẫn đắc Đạo được. Trong khi mình thì hoảng loạn. Các vị biết khoa học nhìn nhận mỗi người sinh ra nhóm máu nào không cần biết nhưng có nhóm máu nóng, máu lạnh. Họ thuộc nhóm máu nào thì là người thiếu kiên nhẫn, thuộc nhóm máu nào thì là người dễ lãnh đạm, hờ hững, thuộc nhóm nào thì là người giàu nhiệt huyết, hứng khởi… những cái đó theo trong Kinh mình là do tiền nghiệp tác động cơ cấu sinh học của mình. Thì có ba la mật để hỗ trợ tâm sinh lý trong giây phút đắc thiền đắc đạo. 

Không phải tu ba la mật chỉ hỗ trợ về mặt tinh thần mà còn cả vật chất. 

Nên vị A La Hán kiếp chót dầu họ nghèo cách mấy mà trong giây phút quyết liệt nhứt họ vẫn có đủ sức khỏe để vượt qua phút đó.

--ooOoo--

Sau khi Thế Tôn đúc kết nội dung bài Kinh:


1/ Pháp môn khổ hạnh là giới cấm thủ đi ngược lại tinh thần của Đạo Đế là cái phải tránh.


2/ Dầu hành trì bằng pháp môn nào mà hành trì bằng ý niệm khen mình chê người, bằng ý niệm tôi và tôi là, của tôi thì đó cũng là sai lầm. 


Trong đây đề nghị mình quay lại với bài Kinh Lõi Cây của Trung Bộ. Trong đó Đức Phật ngài dạy 
  1. một người đi đến giáo pháp này chỉ vì danh xưng lợi lộc, tiếng tăm, quyền lực cúng dường mà đam mê quên hết lý tưởng đạo nghiệp ban đầu, hạng đó được gọi là vừa lòng quá sớm với cành lá của một cây danh mộc. 
  2. Thứ hai, có người coi thường danh lợi nhưng họ lại tự hào tự đắc tự kiêu về giới hạnh thanh tịnh của họ thì hạng mà chỉ thành tựu giới hạnh không gọi là vỏ ngoài sần sùi của cây. 
  3. Hạng tu tập các tầng thiền định, đắc thiền này thiền kia gọi là cái vỏ trong của cây. 
  4. Rồi có các loại thần thông thì được gọi là giác cây. 
  5. Chỉ có thánh trí giải thoát mới là lõi cây.

Bài Kinh này nhắc một số điều:
- Một là lựa đường đúng mà đi.
- Hai, dầu anh đi đường đúng mà phải có tâm trạng đúng, một lý tưởng đúng.
- Ba, Đức Phật đề nghị con đường Chỉ Quán song tu mà ở đây chính là Bốn pháp Phạm trú.


Trong Kinh nói sau khi giảng như vậy lẽ ra các vị này nếu đủ duyên đã đắc. Còn không tối thiểu thì các du sĩ này cũng xuất gia theo Phật. Nhưng có hai vấn đề phút cuối:


- Một là Đức Thế Tôn xét thấy rằng những người này có ráng lắm thì trong kiếp này họ cũng không đắc được cái gì. 

- Ngài biết rõ ngay thời điểm Ngài đang giảng đó thì Ác ma thiên tử đang có mặt và dùng thần lực can thiệp vào, khiến các du sĩ phóng tâm, không tập trung nghe. 

Chú giải nói rất rõ: Đức Thế Tôn thấy rằng nếu Ngài có can thiệp vào sự quấy rối của Ác Ma họ cũng không đắc được gì. Và họ cũng không đủ duyên để xuất gia, cho nên Ngài chỉ thuyết Pháp để gieo duyên cho họ và từ đó Ngài đi luôn, dùng thần thông Ngài bay đi.

Đoạn cuối ghi: 


  1. Những đám du sĩ này họ nghe xong bài Kinh họ cũng không có được Pháp thượng nhân nào hết. 
  2. Nhưng mà ít nhiều họ cũng gieo được duyên lành cho chủng tử giác ngộ đời sau kiếp khác.

(Tesam pana paribbajakanam kincapi idam suttantam sutva viseso na nibbatto ayatim pana nesam vasanaya paccayo bhavissatiti. Sesam sabbattha uttanamevati).


Bài Kinh này ôn lại chuyện mà tôi cho là rất quan trọng cũng đã nói ngày hôm qua. Đó là:
- Một khi mình đã thiếu duyên lành thì có gặp Chánh Đẳng Giác mình cũng không được ân triêm lợi lạc bao nhiêu hết.
- Nếu mình đủ duyên lành thì không ai phá mình được hết. Còn khi mình thiếu duyên lành thì nó đủ thứ trục trặc kể cả trước mặt một vị Chánh Đẳng Chánh Giác.
- Dù sao đi nữa nếu không đắc, nhưng hễ có lòng lành, còn lòng hướng đến giải thoát sanh tử thì ít gì chúng ta cũng có dịp để gieo duyên. Nên hôm nay chỉ trong room này nhiều khi ráng nhét một câu mà tôi thấy quan trọng tôi cũng ráng. Bởi vì chuyện duy nhứt tôi có thể làm được là gieo vô lòng quý vị một chủng tử, kể cả quý vị có nghĩ gì về con người của tôi, về Pháp thoại của tôi, về bài giảng của tôi, nhưng tôi làm được một việc mà tôi rất thích. Đó là buổi giảng hôm nay bà con có thể không thấm thía nhưng mai này, một ngày hai ngày năm ngày mười ngày, năm sau mười năm sau hai mươi năm sau lúc đó tui đã lăn đùng chết ngắc rồi, nhưng một lúc nào đó quý vị thấm thía một câu nói của tôi rồi khi gặp Phật ra đời Ngài chỉ khảy cái móng tay thôi, khảy cái móng mình đi nó lẹ. 


--ooOoo--

Chẳng hạn bài giáo lý ngày hôm qua rất quan trọng. Đó là thế giới này chỉ nằm trong thiện ác buồn vui.

Thiện là 6 căn biết 6 trần bằng tâm lành => tạo ra quả vui, là 6 căn biết 6 trần như ý.
Ác là 6 căn biết 6 trần bằng tâm bất thiện => tạo ra quả là 6 căn biết 6 trần bất toại.
Nghe thì rất là thường nhưng nội dung Phật Pháp ngắn gọn bao nhiêu đó. Thấy được cái này là thấy ‘ồ, thì ra thế giới này là đồ giả, nó là đồ ráp!’ 


Và toàn bộ vô lượng vũ trụ từ cõi A tỳ địa ngục lên đến cõi Phi tưởng phi phi tưởng cũng nằm trong ấy câu này.

Thiện tạo ra niềm vui nào thì niềm vui đó cũng vô thường.

Ác tạo ra khổ nào thì cái khổ đó cũng vô thường. 

Nhưng còn mang thân sanh tử, còn chất nặng phàm tâm thì phải biết lánh ác hành thiện. 

Lánh ác hành thiện có ba hạng:

1. Lánh ác là vì sợ bị khổ.
2. Thích làm thiện là vì muốn được vui.
3. Lánh ác làm thiện để cầu thoát sanh tử. Hạng này đáng nể nhứt, cũng lánh ác hành thiện nhưng không phải vì sợ khổ vì muốn được sướng mà để cầu giải thoát. 


Cuối cùng khi chứng Thánh rồi thì cái thiện trở thành bản chất tự nhiên của mình; nó không còn là pháp môn hành trì nữa.

Không biết trong room có nghe kịp không? 

– Khi mình còn là phàm thì lánh ác làm thiện là cái pháp môn tu tập, là đường lối HÀNH TRÌ. Nhưng khi thành thánh rồi thì lúc bấy giờ cái lòng lành của mình lúc đó:
  1. biết là A La Hán hết thiện chỉ còn tâm Duy tác. 
  2. Nếu Thánh hữu học thì tâm thiện lúc đó là một chuyện rất TỰ NHIÊN. 
Dĩ nhiên đúng là thánh hữu học thì còn hành trì, nhưng vị Tu đà hườn không còn thân kiến nữa . 
Sự vắng mặt của thân kiến lúc đó để lại cho họ sự thanh tịnh. 
Sự thanh tịnh này không giống như mình lúc có lúc không, mà vị Tu đà hườn trong A Tỳ Đàm nói họ diệt trừ thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ . 

Nói cho hết thì vị Tu đà hườn không còn ganh tị nữa, không còn bỏn xẻn nữa.

Vị ấy biết rõ rằng tất cả chúng sanh ở đời chỉ là đồ ráp thôi, có gì đâu mà ghen ghét.
 

Không còn bỏn xẻn nữa vì vị đó thấy rằng cái gì cũng vô thường vô ngã, có cái gì đáng để giữ để mà tiếc. 
Không còn bỏn xẻn, ganh tị và đặc biệt vị ấy không còn rơi vào bốn pháp thiên vị. Nghĩa là không còn hành xử vì thương vì ghét. Cái này khó. 

Tham còn, sân còn nhưng hành xử đối đãi với đời không còn vướng kẹt trong thiên vị. Vị Tu đà hườn dầu người đó có là mẹ ruột của ngài thì ngài vẫn căn cứ vào phép công bằng mà đối đãi. Dầu người đó là người muốn đâm, muốn giết ngài, thì ngài vẫn căn cứ vào phép công bằng mà đối đãi. 

Tu đà hườn: 
  1. tham còn nhưng cái tham của họ không đủ để họ làm chuyện bất thiện để bị sa đọa. 
  2. Cái sân họ còn nhưng cái sân đó không đủ để họ làm chuyện bất thiện để sa đọa. 
Họ thích những cái nhẹ nhẹ thí dụ thấy gió mát, trăng thanh họ thích, thấy hoa đẹp họ thích. 

Nhưng cái thích đó không đủ để bị đọa. 

  1. Họ không thể vì cái thích đó mà sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu. 
  2. Cái sân của họ cũng còn, thí dụ trời nắng nóng họ cũng khó chịu. 
Mình nạt nộ đánh họ đau họ cũng khó chịu nhưng họ không tạo những phản ứng để bị sa đọa.

Cho nên ở đây Thế Tôn xét thấy Ác ma phá quấy các du sĩ mà Ngài có can thiệp cũng không khiến họ xuất gia, họ cũng không đắc chứng gì, thôi thì thời Pháp hôm nay chỉ để gieo duyên cho họ đời sau kiếp khác. Sau khi xét thấy như vậy, Thế Tôn từ chỗ đó Ngài ra đi.


Đọc những bài Kinh này mình thấy nhiều chuyện đáng suy nghĩ lắm, rất nhiều và rất nhiều!


Bây giờ đã 11g kém. Chúc các vị một ngày vui và hẹn gặp nhau ngày mai./.


Mục Lục các Bài Giảng

(hết)
Reply
Trường Bộ Kinh
Digha Nikaya


26. Kinh Chuyển luân Thánh vương Sư tử hống
(Cakkavati-Sìhanàda sutta)
https://budsas.net/uni/u-kinh-truongbo/truong26.htm

--ooOoo--

26. KINH CHUYỂN-LUÂN THÁNH-VƯƠNG SƯ-TỬ HỐNG .

122. TRONG TRƯỜNG-HỢP NÀO ĐỨC PHẬT GIẢNG KINH CHUYỂN-LUÂN THÁNH-VƯƠNG SƯ-TỬ HỐNG?

Vào một thời kia, đức Phật trú gần thành Ma-du-la (Matulà), nước Ma-kiệt-đà (Magadha), cùng với chư Tỳ-kheo. Lúc bấy giờ, Thế-Tôn gọi các Tỳ-kheo lại và bảo rằng: ''Nầy các Tỳ-kheo, hãy sống tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương-tựa mình, không nương-tựa một ai khác, lấy Chánh-pháp làm ngọn đèn, lấy Chánh-pháp làm nơi nương-tựa, không nương-tựa một gì khác !''

Nhơn đó, đức Phật giảng Kinh Chuyển-Luân Thánh-Vương Sư-Tử Hống nầy, kể lại sự-tích các vị Vua Chuyển-Luân Thánh-Vương đã cai-trị theo Chánh-pháp, chẳng hề dùng dao, gậy, kiếm, mà quốc-độ được hùng-cường, nhân-dân được an-cư lạc nghiệp.

123. NỘI-DUNG KINH CHUYỂN-LUÂN THÁNH-VƯƠNG SƯ-TỬ HỐNG .

Cũng như Kinh Ưu-Đàm-Bà-La Sư-Tử-Hống, Kinh Chuyển-Luân Thánh-Vương Sư-Tử-Hống, với ba chữ Sư-Tử-Hống, tiếng rống của con sư-tử, tượng-trưng cho lời nói của một vị Pháp-vương về Chánh-pháp, hùng-hồn, oai-dõng, tựa như tiếng gầm của chúa sơn-lâm.

A.- Ý Chánh: Các vị vua Chuyển-luân được tôn-xưng là bực Thánh-vương vì biết cai-trị quốc-độ đúng theo Chánh-Pháp.

B.- Phân đoạn: Kinh có thể chia ra 5 phần:

1. Phần I: Đức Phật dạy Tỳ-kheo lấy Chánh-Pháp làm ngọn đèn, làm nơi nương-tựa.

Tự mình làm nơi nương-tựa cho chính mình, lấy Chánh-pháp làm ngọn đèn, chẳng dựa vào gì khác.
Thế nào là lấy Chánh-Pháp làm nơi nương-tựa?

. sống quán-niệm theo Pháp Đại-Niệm-xứ;

. khép mình trong giới-hạn được phép của mình, và trong giới-hạn do Tổ-phụ truyền lại.

2. Phần II: Cuộc đời gương-mẫu của Vua Chuyển-luân Thánh-vương Kiên-Cố-Niệm (Dalhanemi):

Vua Kiên-Cố-Niệm có đầy-đủ bảy món báu: xe báu, voi báu, ngưạ báu, châu-báu, nữ-nhơn báu, gia-chủ báu, và tướng-quân báu;
- Nhơn lễ Bố-tát, vua cởi xe báu Thiên-luân đi chinh-phục bốn phương và dạy Chánh-pháp cho thần-dân; nhờ đó quốc-độ được hùng-cường.
- Sau khi đặt Thái-tử lên vương-vị, vua Kiên-Cố-Niệm xuất-gia đi tu ẩn-cư.

3. Phần III: Cảnh rối-loạn trong nước dưới thời vị vua Quán-đảnh Sát-đế-lợi chẳng theo Chánh-pháp:

Dân chúng vì nghèo đói sanh ra trộm cướp, giết-hại lẫn nhau, gây ra cảnh hỗn-loạn trong nước;
- Hình-phạt quá nghiêm-khắc của chánh-quyền chẳng đem lại sự trị-an cho đất nước;
- Đời sống cơ-cực, đạo-đức suy-đồi cho nên tuổi thọ bị giảm xuống.

4. Phần IV: Cảnh thạnh-trị dưới thời vua Sankha:

Chán-ghét cảnh hỗn-loạn, một só người lánh xa đến nơi hoang-vắng, từ bỏ việc sát-sanh, sống theo đạo-đức, nên tuổi thọ lần lần tăng lên.
- Vua Chuyển_luân Thánh-Vương Sankha ra đời, đem Chánh-Pháp trị nước, quốc-độ càng ngày càng cường-thịnh, tuổi thọ nhơn-loại lên đến tám vạn năm.
Đức Di-Lặc (Metteyya) ra đời tuyên-giảng Chánh-Pháp, chỉ-dạy đời sống phạm-hạnh hoàn-toàn đầy-đủ thanh-tịnh.

5. Phần V: Đức Phật nhắc lại việc lấy Chánh-Pháp làm ngọn đèn, làm nơi nương-tựa cho chính mình:

Dùng pháp Đại Niệm-xứ để giữ chánh-niệm và diệt-trừ tham-ái;
- Giữ theo giới-hạn của mình được cho phép, và theo giới-hạn của Tổ-phụ để lại, để tuổi thọ, sắc đẹp, an-lạc, tài-sản, và thế-lực được tăng-thịnh;
- Thế nào là Tỳ-kheo được tăng thêm về:
. tuổi thọ: tu-tập bốn Thần-túc;
. sắc-đẹp: tuân theo Giới-bổn (Patimokkha)
. an-lạc: tu chứng bốn cấp Thiền-định;
. tài-sản: tu tập bốn vô-lượng tâm;
. thế-lực: diệt-tận các lậu-hoặc khiến Ma-vương chẳng còn cám-dỗ được nữa.

Đó là ngọn đèn Chánh-Pháp mà Tỳ-kheo phải nên nương-tựa, và chỉ nương-tựa vào đó mà thôi.

124 . TRÍCH-ĐOẠN: THÁNH-VƯƠNG CHÁNH-PHÁP.

... Tâu Đại-vương, thế nào là Thánh-vương Chánh-pháp?

- Nầy Thái-tử thân-yêu, con y-cứ vào Pháp, kính-trọng Pháp ... , tự con trở thành Pháp-tràng, ... xem Pháp là thầy, tự trở thành người bảo-vệ hợp-pháp cho thứ-dân, cho quân-đội, cho Sát-đế-lợi, cho quần-thần, cho gia-chủ, cho thị-dân, thôn-dân..., cho các loài thú và loài chim. Chớ có làm gì phi-pháp trong quốc-độ của con... Nếu có người không có tiền-của, hãy đem tiền cho người ấy... Có những Sa-môn, Bà-la-môn từ bỏ dục-vọng, không phóng-dật, thực-hành nhẫn-nhục, từ-ái, nhiếp-phục tự-kỷ... con hãy nghe họ và ngăn-chận (các người khác) khỏi sự bất-thiện và khuyến-khích làm điều thiện. Nầy con thân-yêu, như vậy là Thánh-vương Chánh-pháp.

125. TRÍCH-ĐOẠN: DO ĐÂU TUỔI THỌ BỊ GIẢM?

...Nầy các Tỳ-kheo, ... vì không cho tiền-của những người nghèo, nghèo đói tăng-thịnh; vì nghèo đói tăng-thịnh nên trộm-cắp tăng-thịnh; vì trộm-cắp tăng-thịnh nên đao kiếm tăng-thịnh; vì đao-kiếm tăng-thịnh nên sát-sanh tăng-thịnh; vì sát-sanh tăng-thịnh nên nói láo tăng-thịnh; vì nói láo tăng-thịnh nên nói xấu tăng-thịnh; vì nói xấu tăng-thịnh nên tà-hạnh tăng-thịnh; vì tà-hạnh tăng-thịnh nên ác-khẩu và lời nói phù-phiềm tăng-thịnh, ... nên tham, sân tăng-thịnh, ... tà-kiến..., phi-pháp-dục, phi-lý-tham, tăng-thịnh...
Vì ba pháp nầy tăng-thịnh, nên các sự hiếu-kính đối với cha-mẹ (bị) giảm-thiểu, ... tuổi thọ , sắc đẹp của loài Người bị giảm thiểu (lần lần) ... cho đến chỉ còn sống đến mười tuổi....

126. TRÍCH-ĐOẠN: THẾ NÀO LÀ TỲ-KHEO ĐƯỢC TUỔI THỌ, SẮC ĐẸP, AN-LẠC, TÀI-SẢN, THẾ-LỰC TĂNG THÊM?

- Nầy các Tỳ-kheo, như thế nào là vị Tỳ-kheo tuổi thọ được tăng-thịnh? ... vị Tỳ-kheo tu-tập ... đầy-đủ (bốn Như-ý-túc): Dục thiền-định, Tinh-tấn thiền-định, Tâm-định thiền-định, Tư-duy thiền-định,... một cách tinh-cần, nếu muốn sống kéo dài một kiếp hay (những) năm còn lại của một kiếp; như vậy Ta nói vị Tỳ-kheo tuổi thọ được tăng-thịnh.

- Thế nào là vị Tỳ-kheo sắc đẹp được tăng-thịnh? ... vị Tỳ-kheo sống giữ giới-luật, chế-ngự với sự chế-ngự của Giới-Bổn (Patimokkha), đầy-đủ oai-nghi chánh-hạnh, thấy sự nguy-hiểm trong những lỗi nhỏ-nhặt, thọ lãnh và tu-học trong giới-pháp...
- Thế nào là vị Tỳ-kheo an-lạc được tăng-thịnh? ... vị Tỳ-kheo ly dục, ly ác-pháp, chứng và trú Thiền thứ nhứt, một trạng-thái an-lạc do ly dục sanh..., ... Thiền thứ hai, ...Thiền thứ ba,... Thiền thứ tư...
- Thế nào là vị Tỳ-kheo tài-sản được tăng-thịnh? ... vị Tỳ-kheo an-trú biến mãn bốn phương với tâm từ,... tâm bi..., tâm hỷ... tâm xả, qưảng-đại, vô-biên, không hận, không sân....
- Thế nào là vị Tỳ-kheo thế-lực được tăng-thịnh? ... vị Tỳ-kheo với sự diệt-tận các lậu-hoặc, tự mình biết và chứng, đạt đến và an-trú ngay trong hiện-tại tâm giải-thoát, tuệ giải-thoát, không còn các lậu-hoặc. Nầy các Tỳ-kheo, như vậy là vị Tỳ-kheo thế-lực được tăng-thịnh...

127. HỌC KINH CHUYỂN-LUÂN THÁNH-VƯƠNG SƯ-TỬ HỐNG, NÊN CHÚ-Ý ĐIỂM NÀO?

Kinh Chuyển-Luân Thánh-Vương Sư-Tử Hống phần lớn nội-dung thuật lại sự-tích các vị Chuyển-Luân Thánh-Vương, nhưng đó chẳng phải là phần quan-trọng nhứt. Người học Kinh nên chú-ý đến:

1. Lời dạy của đức Phật: ''Nầy các Tỳ-kheo, hãy sống tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương-tựa mình, không nương-tựa một ai khác, lấy Chánh-Pháp làm ngọn đèn, lấy Chánh-Pháp làm nơi nương-tựa, không nương-tựa một gì khác...'' Đó là lời phó-chúc của đức Phật trước khi Ngài nhập Niết-Bàn.
2. Phần V của Kinh nhấn mạnh đến sự tu-tập của các vị Tỳ-kheo theo đúng Chánh-Pháp, để được tăng tuổi thọ, sắc đẹp, an-lạc, tài-sảm và thế-lực. Tăng tuổi thọ bằng cách tu-tập bốn Như-ý-túc. Tăng sắc đẹp bằng cách giữ giới và các oai-nghi theo chánh-hạnh. Tăng an-lạc bằng cách tu-tập bốn cấp Thiền-định. Tăng tài-sản bằng cách tu-tập bốn tâm vô-lượng: từ, bi, hỷ, xả quảng-đại, vô-biên. Tăng thế-lực bằng cách diệt-tận lậu-hoặc để tâm và tuệ đều được giải-thoát, đủ sức ngăn-ngừa mọi cám-dỗ của Ma-vương.

https://budsas.net/uni/u-kinh-truongbo/truong-tn3.htm

--ooOoo--

Sư Toại Khanh Giảng Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống (1-4)


Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống

Quote:Kalama tri ân bạn buithibuukim ghi chép.
18/03/2022 - 07:45 - buithibuukim

KINH CHUYỂN LUÂN THÁNH VƯƠNG SƯ TỬ HỐNG – Cakkavati Sihanada sutta
Hôm nay chúng ta học tiếp theo là Kinh Chuyển Luân Vương.

Theo Chú giải, trong ngày Thế Tôn thuyết giảng Kinh này, chư tăng gồm 20.000 vị tỳ kheo được người ta mời đi cúng dường trai tăng. Lúc đó Thế Tôn quan sát đám đông Ngài thấy hôm nay số người đắc quả rất đông, riêng chư tăng sẽ chứng quả La Hán sau khi nghe bài giảng của Ngài. Có một điều là chỗ Ngài và chư tăng dùng trưa thì quá chật để có thể đủ chỗ cho hội chúng lớn như vậy. Sau khi dùng trưa xong, thay vì như mọi khi Đức Phật sẽ có một Pháp thoại ngắn để tùy hỷ công đức cho thí chủ, nhưng bữa nay Ngài im lặng không nói gì. Ngài đứng dậy rời khỏi chỗ cúng dường Ngài đi. Dân chúng – những người thí chủ tập thể họ thấy Thế Tôn bỏ đi như vậy họ nghĩ rằng có thể trong buổi cúng dường có chút gì đó chưa được viên mãn nên Thế Tôn không hoan hỷ. Cho nên họ để ý coi Ngài đi về đâu thì họ sẽ đến chỗ đó gặp Ngài để một là tìm hiểu, hai là sám hối.

Họ quý Ngài lắm, có một điều trong room có thể không ngờ được là làm gì có chuyện người ta mời ăn mà không nói gì hết, chỉ im lặng ra đi làm cả một đám đông phải đi theo để xin lỗi. Chuyện này rất khó coi, bởi vì khi mình tận mặt mình nhìn thấy Đức Phật mình mới thấy, mới hiểu được. Là Ngài từ giọng nói, ánh mắt của Ngài ai nhìn cũng thương trừ ra kẻ tà kiến sâu nặng, đại nghịch bất đạo không có duyên Tam bảo thì chịu thua thôi, chớ còn người bình thường nhìn Ngài là phải thương. Trong Kinh nói Ngài giống như Phạm thiên vậy đó, người ta nhìn thì không thể nào khụy chân xuống. Dễ sợ chưa, thương quý Ngài như vậy!

Cho nên khi Ngài đi như vậy thì quần chúng đi theo phía sau. Đức Thế Tôn đi đến chỗ thích hợp thì ngừng lại. Ngài bước vào bên trong lề đường chỗ có mấy gốc cây, Ngài đưa mắt nhìn ngài A Nan. (Chỗ này tôi dịch sát Chú giải thì nói như vậy, chớ trong Chánh Kinh không nói. Tôi đọc và dịch một đoạn bà con nghe).

“Bước khỏi con đường, đến một gốc cây Ngài đưa mắt nhìn ngài A Nan (vị thủ khố Chánh Pháp). Ngài A Nan nhìn thấy ánh mắt đó thì biết ngay là bậc Đạo Sư muốn ngồi ở đây rồi. Cho nên ngài mới trải đại y cho Thế Tôn. Lúc bấy giờ Thế Tôn bắt đầu thuyết Pháp”.

Quần chúng và chư tăng thì ngồi mà chư Thiên thì đầy trên hư không. Bữa đó tổng cộng số người vừa chư thiên vừa người là 84.000. Ngài nói:

“Này các tỳ kheo, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình. Tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một ai khác”

Phải nói cho bà con chữ Pali “Dipa” có hai nghĩa: là ngọn đèn = hòn đảo, tùy chỗ mà hiểu một trong hai nghĩa này.

-‘Ngọn đèn’ nghĩa là giữa cuộc đời tăm tối này, với tâm hồn vô minh của mình thì mình phải lấy Chánh Pháp làm nguồn sáng để theo đó mà đi.

-‘Dipa’ trong đây còn nghĩa là ‘hòn đảo giữa biển khơi’. Nó là chỗ nương tựa, chỗ ẩn nấp, trú ẩn chỗ người ta gửi thân trong cơn nguy biến, tai nạn.

Cho nên chữ ‘dipa’ đây còn có nghĩa là sống lấy chính mình làm hải đảo, chính mình làm ngọn đèn.

Tóm tắt nội dung bài Kinh:

Đức Phật kể câu chuyện về truyền thống các vị Chuyển Luân vương để ẩn dụ Ngài cũng là một vị Chuyển Luân Vương, và các đệ tử của Ngài dầu là tăng ni, cư sĩ nói chung thì giống như những hoàng tử của Chuyển Luân Vương.

Chữ cakkavatti = cakka: bánh xe + vatti: turn = xoay, quay, vặn, xoáy
Cakkavatti: vật gì tròn tròn (wheel) như cái bánh xe cầm trên tay và quay. Vị Chuyển Luân vương cầm cái bánh xe tên tay chỉ cần có ý muốn là mình sẽ có mặt ở nơi nào là lập tức họ sẽ có mặt chỗ đó, cho dầu họ đang ở trên một tấm thảm Ba Tư hay đang ở trong một chiếc xe, hay trong một lâu đài cung điện. Chuyển Luân Vương là người có được cái bánh xe thần kỳ đó. Dĩ nhiên trong room này không có tin, nhưng tôi tin. Vì trong Kinh nói lâu lâu mới có một vị như vậy ra đời. Họ là người rất nhiều phước báu. Phước vật, phước đức phước trí của họ đều ở top dầu trước đó hoặc sau đó rất tệ, nhưng khi cái quả trổ để làm Chuyển Luân Vương thì lúc đó cái gì họ cũng ngon lành hết. Họ có 32 tướng tốt. Những vị có 32 hảo tướng có hai dạng: một là vị đó chắc chắn sẽ thành Phật. Thứ hai, nếu người đó không phải Bồ tát Chánh Đẳng Giác thì tối thiểu cũng là Chuyển Luân Vương. Người này có đủ phước, đủ đức để tất cả các thế lực chính trị, các tổ chức cường hào ác bá, trí phú địa hào cỡ nào đi nữa cũng quy tụ về tâm phục khẩu phục suốt đời quy mạng, thần phục.

Có ba hạng Chuyển Luân Vương:

- Ngọc Luân Thánh vương: cái bánh xe vị đó cầm bằng ngọc. Với bánh xe này vị đó có thể đi đến 4 hành tinh có nhân loại ở. Hôm nay thế giới chỉ biết được hành tinh của mình là có người ở. Họ biết những hành tinh, vì sao khác trong dãy ngân hà có chút ít dấu hiệu sự sống như chút ít nước, ít vi khuẩn chớ chưa hề thấy hành tinh nào có dấu hiệu con người. Trong Kinh nói mỗi một thế giới như vậy gồm 31 cõi, trong đó có 4 hành tinh có nhân loại ở. Ngoài ra có địa ngục A Tỳ, hàng trăm hàng ngàn địa ngục nhỏ khác. Ở trên là 6 cõi Dục thiên: Tứ thiên vương. Đao Lợi, Dạ Ma, Đâu Suất, Hóa Lạc và Tha Hóa Tự Tại. Lên nữa là 16 cõi Sắc Giới. Lên nữa là 4 cõi Vô Sắc. Tổng cộng 31 cõi. 31 cõi này giống như hạt lựu trong một trái lựu. Và mỗi trái lựu như vậy đều có một mặt trăng, một mặt trời.

1.000 trái lựu = 1 tiểu thiên thế giới
2.000 tiểu thiên thế giới = 1 trung thiên
3.000 trung thiên thế giới = 1 đại thiên
Cứ như vậy, vũ trụ có vô số countless đại thiên thế giới.
Vị Ngọc Luân thánh vương dĩ nhiên sức không ra khỏi trái lựu, mà chỉ quẩn quanh trong một trái lựu thôi (trái lựu 31 hạt). Vị này có thể đến được cả 4 hành tinh có nhân loại ở và thu phục hết. (Tôi nhớ đã giảng cái này ở Kinh Tứ Niệm Xứ, bà con còn nhớ không?)

- Kim Luân thánh vương (không phải Kim Luân pháp vương của Kim Dung) là có bánh xe làm bằng vàng (golden wheel). Với bánh xe này vị đó đến được 3 hành tinh thôi, chớ không phải 4.

- Ngân Luân thánh vương, bánh xe bằng bạc. Vị này có thể cai trị được một hành tinh mà thôi, do cái phước chỉ tới đó.

Tuy cả ba vị có sức ảnh hưởng xa gần khác nhau nhưng giống nhau ở chỗ đều có 32 hảo tướng. Vì sao? – Bởi vì muốn đứng đầu thiên hạ phải có tất cả các đức. Mình thấy Hít Le, Pôn Pốt, Mao Trạch Đông v.v… thì họ cũng có khả năng thu phục quần chúng trong một kiếp thời gian, nhưng người mà muốn giết họ thì tới một tỷ lận. Người theo họ lúc đầu thì đông nhưng sau cùng khi lòi bộ mặt gian tà ra thì số người tin họ chỉ còn một ít so với số người muốn giết họ. Mà số người theo họ chia làm ba loại: một là thơ ngây khờ dại không biết là họ đang bị gạt, sống thơ ngây chết dại khờ. Hạng này mỗi lúc ít dần. Hạng thứ hai, biết mình bị gạt nhưng không biết phải làm sao để xoay sở trở mình. Hạng thứ ba biết mình bị gạt, biết mình phải đứng dậy lật đổ, đấu tranh thay đổi mọi sự nhưng lực bất tòng tâm. Nhớ như vậy người mà theo họ có ba hạng trên, phục chúng mà kiểu này rất ma le, lưu manh không phải kiểu phục chúng của Chuyển Luân thánh vương. Nhớ, cái này rất quan trọng!

Cũng cần nhớ mình tu hành thì không làm chính trị. Mình không lật đổ ai, không nên bỏ một đời để nuôi dưỡng nỗi quan hoài về chính trị. Chúng ta cũng không có nhiều thời giờ cho bản thân mình. Tuy nhiên (chữ tuy nhiên này phải viết bằng mực đỏ) rằng, chúng ta không làm chính trị; nhưng trong mọi tình huống có đui mù câm điếc, có dốt nát hay trí thức cỡ nào chúng ta dầu không có ý trực tiếp nhúng tay tham gia chính trị; nhưng kiểu sống, kiểu nghĩ, nói năng, viết lách, kiểu kết bạn, vui chơi, kiểu sống chúng ta trong cuộc đời bản thân đó đã là thái độ chính trị. Cho nên chúng ta cần luôn chuẩn bị cho mình cái hành trang kiến thức, hành trang tâm linh đủ để thích hợp để trở thành nền tảng cho minh quân thánh chúa. Còn nếu minh quân thánh chúa không có ra đời thì ít ra mình không thành danh, không thành sự thì cũng thành nhân. Chuyện này rất quan trọng. Nếu mình không có duyên với cái ông mình đưa lên thì coi như ‘nếu mình không chọn nơi sanh thì cũng chọn nơi sống’.

Trở lại bài Kinh, Đức Thế Tôn dạy rằng các đệ tử có lòng tin nơi ngài thì hãy xem Ngài như một Chuyển Luân vương và bản thân những người tăng tục tin Ngài đó giống như những hoàng tử. Mà hoàng tử thì phải sống trong tâm niệm kế thừa xứng đáng. Luôn nhớ rằng mình phải như thế nào để xứng đáng với truyền thống vua cha, xứng đáng với một người cha rất mực ngon lành trong vũ trụ.

Ngài dạy rằng một hoàng tử của Chuyển Luân vương nói riêng và hoàng tử của tất cả vua chúa trong đời nói chung có những chuyện bắt buộc phải nhớ và phải làm giống nhau. Đó là:

- Không có lòng hủy hoại cái hay cái đẹp mà tiền nhân tiên tổ gầy dựng sáng lập từ lâu trước đó. Tức là kế thừa và giữ gìn, bảo trì những cái xưa cái cũ hay đẹp

- Có trách nhiệm phát huy, mở rộng, kiến tạo, triển khai cái hay mới cho nó dài ra. Tức là giữ cái cũ và tạo thêm cái mới.

Ở đây trong Phật Pháp, Thế Tôn thấy rõ là ngoài Chánh Đẳng Giác ra không ai có khả năng tạo thêm cái mới đâu. Cho nên anh chỉ có một việc là kế thừa di sản cũ của Ngài là đã hay lắm rồi. Rồi Ngài kể chuyện xưa. Mình đọc bài Kinh này mình tưởng đâu Ngài kể một dòng vua Chuyển Luân vương trong một gia tộc nhất định, nhưng không phải. Đây là Ngài kể truyền thống chung của tất cả Chuyển Luân vương là những bánh xe ngọc, bánh xe bạc, vàng đó không phải của cha truyền con nối mà nó tự xuất hiện và tự biến mất tùy thuộc vào ông vua nào đang ngồi trên ngai vàng lúc đó. Thí dụ một vị vua đầy đủ công đức, đầy đủ phước hạnh thì khi vừa lên ngôi là tự nhiên bánh xe có mặt. Còn ông vua trước có mà ông vua sau không có, chỉ cần ông sau này vừa đặt mông lên ngai vàng là bánh xe này lập tức biến mất. Quyền lực vật chất mà gắn liền tâm linh như vậy theo tôi mới là thứ quyền lục hay, bởi nó không thể nào trở thành con dao hai lưỡi trong tay hôn quân bạo chúa được.

Ai nếu mà là người tin Phật phải thấy rằng giải thoát sanh tử là tốt nhứt, không có mặt trên thế gian này là tốt nhứt. Tuy nhiên ngộ nhỡ mình không đủ duyên lành để giải thoát, mình còn ít lâu để sống thì sao? – Thì mình phải có việc duy nhứt để làm là sống thiện. Sống thiện là làm thiện, nói thiện và nghĩ thiện. Sống thiện trước mắt là để hiện tại lạc trú, an lạc hiện tiền. Thứ hai, ngay lúc mình làm thiện là mình lặng lẽ kín đáo âm thầm tạo ra một môi trường sống đẹp trước mắt cho mình, sau đó là cho những người thân cận. Cũng có nghĩa là khi mình làm thiện là mình đang lặng lẽ chọn lấy một thái độ chính trị. Nghĩa là sau khi tôi giữ giới trong sạch, tôi bố thí, hành thiền, khi tôi sống kham nhẫn, chánh niệm, trí tuệ…là lúc đó tôi đang kín đáo lặng lẽ âm thầm cho mai này tôi sanh ra đời thì tự nhiên tôi sẽ đi về một nơi chốn thích hợp với con người của tôi, thí dụ như Bắc Âu, Tây Âu, Nam Mỹ. Mà Tây Âu phải là Thụy Sĩ, là Monaco chớ còn dởm là tôi không vô. Bắc Mỹ thì ngon lành rồi.

Cho nên ngày nào ta còn trên thế giới này ta phải lánh ác làm thiện. Vì: một là hiện tại lạc trú. Khi tâm lành có mặt thì ta được an lạc. Thứ hai nếu có đời sau kiếp khác, có luân hồi báo ứng thì việc thiện này sẽ kiến tạo cho tôi một môi trường sống ngon lành. Môi trường sống đó nó có cho tôi nó cũng chờ đón những con người giống như tôi để thiên hạ cũng được ân triêm lợi lạc ké với tôi. Những người ké đó là những người có tu ít nhiều, hoặc hơn tôi hoặc bằng tôi hoặc kém tôi một chút thì họ mới đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn để cùng góp mặt cộng sinh cộng hưởng cộng trú trong một môi trường lớn như vậy.

Nhớ nghe. Bài Kinh Chuyển Luân vương này đọc sâu thì nó sâu kinh hoàng lắm. Nó như một cương lĩnh chính trị, một tuyên ngôn quan trọng về nhân quyền. Thế giới chỉ an lạc khi chúng ta nhìn nhau bằng tấm lòng hiểu và thương, khi chúng ta sống có trí tuệ và từ bi, khi chúng ta sống có tinh thần trách nhiệm. Đặc biệt là bất cứ ai có mặt trên đời này phải biết tri ơn những vị tiền nhân đã để lại cho mình.

(còn tiếp)
Reply
(tt) Sư Toại Khanh Giảng Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống (2-4)


Giống như những hoàng tử của Chuyển Luân vương kế thừa Vương vị, ngai vàng, kế thừa truyền thống tốt đẹp của phụ vương mình và có trách nhiệm giữ gìn nó một cách thông minh. Ngày xưa cha của mình giữ gìn bánh xe ngọc bằng Chánh Pháp, bằng thứ chánh trị thiệt thà thì hôm nay mình cũng tiếp tục con đường đó, thì bánh xe ngọc đó cũng trở vầ tay mình như châu về hiệp phố.

Sau cùng, không phải Chuyển Luân vương nào cuối đời cũng đi tu, nhưng Đức phật kể lại truyền thống của Ngài. Có một thời Ngài cũng là Chuyển Luân vương, các vị trong hoàng tộc của Ngài cứ thấy tóc bạc là đi tu cũng có. Có vị thấy bánh xe có dấu hiệu xê dịch biết là mình sắp qua đời thì vị đó lập tức bỏ hết giao cho người khác, còn phần mình thì xuất gia để chuẩn bị ra đi.

Trong room mình nhớ bài Kinh này có một chi tiết nhỏ nhưng quan trọng vô cùng. Đó là Bồ tát Thích Ca Mâu Ni nói riêng và tất cả Bồ tát ba đời mười phương nói chung có một điểm giống nhau là người ta thấy một hoa tàn, một cái lá úa, một sợi tóc bạc là đủ để người ta bị sốc,người ta nghĩ đến đời sống tâm linh, nghĩ đến phúc lạc đời sau kiếp khác. Còn mình thì xe cán có lòi phèo cũng chưa chắc biết tu. Sợ thì có sợ thiệt nhưng chữa trị xong thì đâu lại vào đấy. Cho nên điểm đặc biệt của bậc đại căn đại trí đại thừa sống trong cuộc đời này như một viễn khách dừng chân ở ga, ở phi trường, trạm, bến bờ thì là tạm. Vị đó hiểu đó là chỗ tạm ghé chớ không phải là chỗ dừng chân suốt đời chung thân miên viễn thiên thu. Vị đó luôn ý thức mình SẼ RỜI KHỎI CHỖ NÀY MÀ MÌNH ĐI.

Bài Kinh này có nhiều cái đặc biệt. Nếu mình đọc sơ giống như chuyện Ngàn lẻ một đêm không gì xuất sắc. Nhưng ngẫm từng đoạn thì sâu lắm. Nghĩa là bậc hiền trí sanh ra đời phải biết cảm kích, biết tri ơn tiền nhân để tiếp tục giữ lại truyền thống đẹp. Nếu được thì làm thêm cái mới cũng đẹp. Cái quan trọng nhứt là sống ở đời là luôn luôn nhớ rằng mình đang ở cõi tạm nên cái gì cũng là tạm, và luôn luôn trong một tình trạng sẵn sàng vác ba lô lên rồi đi.

Rồi ở đây Ngài kể luôn đường lối chính trị của một Chuyển Luân vương là luôn thuận lòng dân. Làm cái gì cũng cho dân, vì dân và đúng là một đất nước của dân. Những chữ này trên môi vị Chuyển Luân vương là chữ thứ thiệt, có thiệt chớ không phải mị dân, tuyệt đối không dùng chính sách ngu dân.

Cuối cùng Ngài nói về nội dung Chánh Pháp, tu hành và đời sống tâm linh. Là hễ mình đối với người ta làm sao thì người ta cũng đối với mình như vậy. Mình sống bằng tâm tình như thế nào, bằng nội dung như thế nào thì cái mình nhận lại nó cũng như vậy. Sống bằng tâm lành thì thế giới sẽ lành, xã hội sẽ lành và bản thân mình được sống trong không khí lành.Còn nếu mình sống bằng tâm trạng bất thiện, mỗi người bất thiện thì sẽ có một gia đình bất thiện, một xã hội bất thiện, những cộng đồng bất thiện. Cuối cùng là một đất nước bất thiện và toàn bộ quốc dân phải sống trong một bầu không khí bất thiện.

Trong Kinh mô tả tuổi thọ của chúng sanh và số lượng các loài sinh vật gồm động vật, thực vật và khoáng vật trên hành tinh này nó cũng phát triển và suy tàn theo chu kỳ. Học vật lý thì biết cái đỉnh và đáy âm thanh và ánh sáng luôn tồn tại theo hình dạng sóng: lên xuống, lên xuống, thịnh suy, thịnh suy, lên xuống. Từ trong Kinh là sanh diệt, có mất, có rồi mất mọi thứ nó cũng phát triển theo hướng âm dương của Tàu: thịnh suy – âm dương – thịnh suy – sinh trụ diệt – sinh trụ diệt, cứ như vậy. Có một thời nhân loại trên hành tinh này họ mạnh về đời sống tâm linh. Đắc thiền, đắc thần thông, tiếp xúc với chư thiên thoải mái như trong phim hoạt họa, viễn tưởng vậy đó. Rồi có một thời đời sống văn minh tâm linh bị chìm, thay vào đó là văn minh vật chất. Chẳng hạn như hôm nay chúng ta đâu có tu hành, đâu có thiền định, thần thông, đức lành gì. Thế giới hôm nay phải nói là thế giới của nhiễu loạn, của gian trá, lật lọng, lừa đảo, của máu lệ, của súng đạn, của nước mắt – phải nói như vậy.Tuy nhiên chúng ta đang ở vào giai đoạn phát triển cực thịnh của văn minh vật chất. Trong đêm tối 2g sáng mà người bên đây đại dương có thể nói chuyện với người bên kia đại dương. Bên kia họ pha một ly cà phê bốc khói bên đây bờ Thái Bình dương vẫn có thể nhìn thấy làn khói ly cà phê đó, cách mình mấy ngàn cây số như là thần thông vậy. Cái đó không hay ho gì đâu, quý vị đừng tưởng. Mà nó là chu kỳ sinh diệt của vạn hữu trên hành tinh này. Có lúc văn minh tâm linh phát triển cực mạnh. Có lúc người ta muốn đắc thiền đắc thần thông kiểu chỉ búng ngón tay làm cái rẹt. Trong Kinh kể có những thời kỳ, ông vua tự nhiên ngồi buồn sao đó rồi kêu triều thần nói giờ trẫm không muốn làm vua nữa, đứa nào lên ngồi đi trẫm đi tu. Đó là chuyện lạ rồi. Mà cả cái triều thần văn võ cũng bèn xách cái nóp đi tu theo vua, mới ghê chứ! Cả năm bảy trăm mạng vậy, toàn là vua chúa hoàng tộc quan lại thượng đẳng phúc thần không đó! Rồi vào trong rừng tự nhiên ông vua đắc trước rồi triều thần đắc sau. Coi như nguyên đám thần thông thiền định rót rót chết sanh về Phạm thiên. Rồi còn dân chúng thì tìm vua thay thế theo cái kiểu Nghiêu Thuấn. Nghĩa là không phải cha truyền con nối mà là người hiền truyền cho người hiền.

Rồi cũng có một thời nhân loại trên hành tinh này rất ác ôn,côn đồ, lưu manh, giả trá, lừa đảo, lật lọng thì lúc đó cái đám lãnh đạo, nguyên thủ nó cũng phải có bộ mặt tương ứng như vậy. Nó cũng phải có nội dung như thế nào để nó hợp với cái đám đông người ‘trời ơi’. Cho nên mình nghĩ tại sao có minh quân thánh chúa, mà cũng có hôn quân bạo chúa. Mình không thể phủ nhận môi trường nào tạo ra thứ con người đó. Mình u mê, mình dễ dụ quá mới bị thằng ác nó gạt. Cái ngu cái ác nó là chú bác, nó là bà con cô dì. Ngu là bóng tối, mà bóng tối thì là quê hương, là trú xứ, chốn về của gián, chuột và rắn rít. Cho nên khi mình sống bất thiện, chính nhân bất thiện đã tạo ra hôn quân bạo chúa. Chính người dân sống bất thiện thì ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đến môi sinh hành tinh. TrongChú giải nói: có thời chúng sanh nặng về tham. Có thời chúng sanh nặng về sân. Có thời họ nặng về si.

Chúng tôi đọc một đoạn Chú giải cho các vị thấy. Chúng sanh tùy theo chu kỳ mà thay đổi. Lúc thì tham nhiều, mà tham nhiều thì trộm cướp nhiều, chiến tranh nhiều. Thời đó chúng sanh chết rồi thì đi làm ngạ quỷ nhiều, cảnh giới ngạ quỷ cực thịnh. Còn hễ sân nhiều thì chiến tranh nhiều, chết rồi đi về địa ngục nhiều. Còn thời si nhiều thì lúc đó chúng sanh bịnh dịch nhiều. Điều chú ý trong thời bịnh dịch nhiều là số hồi tâm chuyển ý tu hành lại nhiều, nhiều hơn thời tham nhiều sân nhiều.

Chưa hết, khi nhân loại tuổi thọ giảm quá giảm, tuột xuống còn một hai trăm thì có 3 pháp tăng mạnh:

1- Adhammarago: tham ái bất chánh. Khả năng loạn luân rất lớn, lấy vợ bạn, lấy chị dâu, quan hệ tình dục cùng huyết thống (bắt đầu giống thú rồi đó).

2- Visamalobha: nhu cầu hưởng thụ vật chất không thể kiểm soát, vượt tầm kiểm soát. ‘Visama’ = gồ ghề, gập ghềnh, khúc khuỷu.

Quý vị thấy hôm nay có thể nói, thay vì hồi xưa ăn cơm mặc áo ở nhà máy lạnh là đã nhiều, rồi bây giờ riết rồi ăn những thứ quái gở như bắt rắn hổ lấy máu pha rượu uống, lấy nhau thai chế biến uống. Nói chung nhu cầu hưởng thụ quái gở!

3- Micchadhammo. Cái adhammarago là đảo lộn luân thường, còn cái micchadhammo này là thảm trạng rối loạn giới tính. Nghĩa là đàn ông khoái đàn ông, đàn bà khoái đàn bà, rồi người đi thích con thú.

Tuổi thọ nhân loại càng xuống thấp thì sự phát triển, sự sinh sôi của các phiền não và tệ nạn mỗi lúc một dâng cao, gần như mất kiểm soát. Trong đó có 3 cái thảm trạng nổi bật trên:

“101. Adhammaragoti mata matuccha pituccha matulanitiadike ayuttatthane rago. Visamalobhoti paribhogayuttesupi thanesu atibalavalobho. Micchadhammoti purisanam purisesu itthinanca itthisu chandarago”.

Ba thảm trạng đó xuất hiện khi tuổi thọ con người giảm xuống còn một hai trăm. Chúng ta hãy nhớ trong dòng chảy bất tận, miên viễn thiên thu đời kiếp của dòng sanh tử luân hồi thì lâu lâu sẽ có ông Chuyển Luân vương ra đời. Có những khi ông này tiếp nối ông kia tới mấy chục mấy trăm mấy ngàn thế hệ đều là Chuyển Luân Vương hết. Rồi có khi trải qua hàng triệu hàng tỷ năm trên hành tinh này không có vị nào. Chúng ta phải nhớ vậy, vì đâu? – Là vì phải có người có phước thì mới có Chuyển Luân vương. Đặc biệt Kinh nói rất rõ, khi có các bậc tự ngộ (Chánh Đẳng Giác, Độc Giác) ra đời thì sau khi các vị này ra đi một thời gian dài sau đó thế giới này đầy những trường hợp đặc biệt, thí dụ như có Chuyển Luân vương rất nhiều. Những vị Đạo sĩ đắc thiền đắc thần thông, cứu nhân độ thế rất nhiều, rồi tự dưng họ biến mất. Rồi lâu lâu có Phật Độc Giác, Phật toàn Giác ra đời thì chuyện đó lại rộ lên lần nữa. Bởi vì sự có mặt của hai vị này tạo điều kiện cho mấy vị đại nhân quý nhân kia (Chuyển Luân vương hoặc Đạo sĩ đắc Phi tưởng phi phi tưởng) có mặt.

Thí dụ một vị tỳ kheo suốt mấy chục năm theo hầu vị Chánh Đẳng Giác, tu thiền Chỉ thiền Quán theo sự hướng dẫn của vị Chánh Đẳng Giác, mỗi ngày được gặp Phật, được đảnh lễ, được nhìn Phật bằng tình thương kính vô bờ với ngài thì công đức này là vô bờ, sông biển nào chứa cho hết. Các vị không tin nhưng tôi tin! Niệm Phật mà có hiểu giáo lý mới nổi da gà. Niệm Phật mà có giáo lý mới nghe phỉ lạc. Còn cái kiểu cuồng tín, tà tín, mê tín, giáo lý dốt đặc là hoang phí một kiếp người, hoang phí cơ hội gặp gỡ Chánh Pháp. Phải biết thương mình, quý vị. Chớ vô phước vô phần nghe cái này thì như ‘đờn khảy tai trâu’. Tôi biết tôi nói nặng đó quý vị, mà tôi phải nói. Cơ hội gặp được Chánh Đẳng Giác không phải là dễ. Cơ hội mang thân người không phải là dễ. Những cái ‘khó’(cơ hội) này phải cùng lúc gặp nhau, các vị tưởng tượng đâu phải dễ: được mang thân người, được sanh ra đúng thời Chánh Đẳng Giác mà lại tứ chi ngũ căn hoàn chỉnh, mà lại được ở trú xứ gần gũi được Phật, Thánh tăng và thánh chúng. Các vị tưởng tượng đi, những cái khó này phải cùng một lúc hội tụ đầy đủ, thì nó phải khó cỡ nào. Mà chỉ riêng cái khoản mang thân người là đã khó hơn con rùa mù, lâu lâu chọt lên lỗ ván trôi trên biển! Cho nên dễ duôi gì thì dễ duôi, nên nhớ nguyện trước Tam bảo: ‘Con xin nguyện có tệ nào có dễ duôi cỡ sư Giác Nguyên thôi, đừng có xuống nữa!!!’ Nguyện vậy bảo đảm cũng không đến nỗi! Tôi chưa bao giờ dám nhận tôi chuyên cần miên mật nhưng tôi xúi quý vị nguyện vậy: Có tệ lậu gì cũng cỡ ổng mà thôi! Nhe, chạm đáy rồi!

Trong đây nói rõ khi sống bằng tâm bất thiện thì nhiều thứ tệ nạn, thảm trạng sẽ nối đuôi nhau đi theo. Khi chúng sanh sống bất thiện thì tai bay họa gởi nhiều hơn. Thiên tai nhân họa sẽ nhiều hơn. Từ đó tuổi thọ giảm dần bla bla bla …Nó giảm riết coi như từ vô số giảm riết còn 10 tuổi.Khi con người còn 10 tuổi thì thân tướng nhỏ đến mức trong Kinh nói cây cà cây ớt mình muốn hái phải bắc thang.Nó nhỏ như vậy. Lúc đó thế giới loài người hoàn toàn không còn có khái niệm đạo đức nhân luân gì nữa. Sẽ có một số ít trong đó từ từ mới ngộ ra ‘Hình như mình đâu phải con thú, sao mình sống giống nó quá vậy?’. Chính đám người này từ những suy nghĩ này họ bắt đầu quan tâm đến đời sống chánh niệm, đến những chuyện con thú không biết. Thí dụ mình biết cội nguồn mình là ai, là cha là mẹ thì cha mẹ già mình lo. Rồi mình thương ai coi ai là vợ/chồng thì lo cho vợ/chồng. Biết chăm sóc đến đời sống vật chất và tinh thần. Nhờ những suy nghĩ này mình bắt đầu thay đổi. Thay đổi thì tuổi thọ lên dần, lên từ từ cho đến vô số cho đến chu kỳ thì nó tuột xuống. Cứ như vậy.

Tuổi thọ của nhân loại hành tinh này cứ lên rồi xuống, lên rồi xuống là một quy luật vũ trụ.

Thứ hai, có lúc họ sống nặng về phiền não, có lúc sống nặng về thiện pháp đó cũng là luật vũ trụ.

Có lúc hành tinh này là một thiên đường để sống, mà có lúc nó là một cõi địa ngục để chịu đựng, nó cũng là luật vũ trụ.

Và chư Phật luôn luôn ra đời trong thời kỳ tuổi thọ giảm chớ không ra đời trong thời kỳ tuổi thọ tăng. (‘tăng’ tiếng Pali là ‘vaddhamana’ – ‘giảm’ là hayamana) Chư Phật chỉ ra đời trong lúc nhân loại tuổi thọ giảm ‘hayamana’.

(còn tiếp)
Reply