Im Lặng Còn Vang
NHÀNH BAN TRẮNG
Nguyên Hương

Tôi gặp hắn trong một tour du lịch. Tôi là phiên dịch tập sự nghĩa là mới sinh viên ngoại ngữ năm thứ hai. Phiên dịch chính là anh Khắc, ông anh họ thường cho tôi đi theo để... cho oai!

Một công đôi việc, tôi được tập tành trò chuyện với khách nước ngoài, anh Khắc có được người mặt mũi sáng sủa để sai vặt. Mỗi khi anh Khắc nhờ tôi giặt dùm quần áo để trả ơn anh đã cho tôi đi theo tôi thường cong môi:

- Mấy ai có được người sai vặt xinh xắn thế này không?

Anh Khắc tuồn một tràng nào là nhờ anh tôi biết đó biết đây không tốn một xu nào, lại được nếm đủ mùi vị cây trái khắp nơi cũng không tốn một xu nào, đến chụp hình cũng chẳng tốn. Cái máy tự động của anh cứ rửa một cuốn phim là hơn một nửa có cái mặt của tôi. Một lần anh gật gù:

- Huyền mà sống ở Sa Pa thì mau giàu lắm. Cứ một lần chụp hình ai là khách phải trả khoảng một đô-la.

- Thật không? - Tôi cười hì hì.

- Định lên Sa Pa lập nghiệp hay sao mà vui vẻ vậy?

- Ở một mùa hè có kiếm đủ tiền trang trải năm học không?

Anh Khắc phì cười:

- Đồ thực dụng. Cái chuyện du khách phải trả tiền mới cho chụp hình đang bị người ta phàn nàn.

- Cụ thể là ai phàn nàn?

- Chính du khách!

-...

- Dù ban đầu chính họ đã đề nghị được trả tiền. Khi ấy các cô gái Mông còn rụt rè lắm, thấy người lạ là xấu hổ lẩn tránh. Năn nỉ ỉ ôi mãi họ mới cho chụp, lại còn che bớt mặt đi nữa kìa.

- Con gái Mèo hay lắm à?

- Cứ nịnh nọt anh đi rồi có ngày được biết. Nghe nói đến chợ tình chưa?

- Có. Nghe nhiều. Kẻ khen người chê càng khiến em tò mò.

Hắn có mặt trong chuyến đi Sa Pa mùa xuân năm ấy. Khách du lịch nước ngoài không thích có người lạ đi chung xe nên anh Khắc dặn tôi ai hỏi thì trả lời rằng hắn là phiên dịch, và tôi tuột xuống trở thành người phục vụ. Mỗi khách nhận mỗi phần ăn đựng trong túi nilon riêng. Ăn xong, họ nhét giấy vụn, vỏ chuối, cùi dưa leo, vỏ chai nước... Tóm lại là tất cả rác rưởi vào lại trong túi rồi nhìn quanh tìm chỗ vứt. Không có một thùng rác nào trên đường cả. Họ đưa túi rác cho tôi! Lần lượt từng người một.

Còn vô số chuyện khác mà người phục vụ phải làm, nếu không có hắn hẳn đã có nhân viên phục vụ chính hiệu đi theo đoàn. Khách có tám người, tài xế nữa là chín, xe mười hai chỗ ngồi, còn thêm ai được nữa. Thấy tôi lườm lườm nhìn hắn, anh Khắc nói nhỏ:

- Con cưng của sếp anh, vui vẻ nhé! - Rồi anh nháy mắt - Biết đâu lại là duyên thì nhờ Huyền mà đời anh lên hương.

Bực mình mà không thể không bật cười. Anh Khắc là vậy luôn khôi hài được trong mọi tình huống. Có lẽ nhờ vậy mà lịch làm việc của anh luôn kín mít thời gian?

Tôi cũng phải tập tính khôi hài, bắt đầu từ việc mỉm cười nhẹ nhàng khi hắn đưa cái túi rác. Khách đã đành, hắn cũng bắt tôi ôm cái túi này ư? Tôi đưa cả hai tay ra nhận như cái túi là một báu vật vậy. Rồi quay hỏi anh Khắc bằng mắt :

- Được không?

Anh Khắc gật gù.

Đến một đoạn đường vắng vẻ, tôi định tống cái túi rác qua cửa xe, anh Khắc vội vàng chặn lại:

- Đừng!

-...

- Du khách sẽ đánh giá chúng ta không biết bảo vệ môi trường, ý thức kém.

- Em phải giữ từng cái túi này đến bao giờ?

- Đến nơi nào có thùng rác.

-...

- Du khách nhìn chúng ta và đánh giá. Lúc này, dù muốn dù không, mình cũng là đại diện của đất nước... về một mặt nào đó. - Giọng anh không khôi hài tí nào.

Tôi thở hắt ra:

- Nếu quả thật họ thông qua anh em mình để đánh giá thì chắc họ đang nghĩ rằng đàn ông Việt Nam không lịch sự tí nào. Ai lại bắt phái nữ phải...

- Hướng dẫn du lịch không thể vừa thuyết minh, vừa bận rộn với những cái túi. Phân công lao động xã hội hợp lý.

Tôi tắt, không nói gì được nữa. Muốn co chân lên ghế, thay đổi tư thế ngồi cho đỡ mỏi nhưng chợt nhớ ra mình đang đại diện cho phái nữ của đất nước nên lại thôi. Trời lạnh giá, ngồi thẳng lưng trên ghế với cái áo hai lớp cổ dựng đứng lên, nhìn màn sương chiều bàng bạc qua rừng cọ Phú Thọ, tôi tự hỏi liệu xe có đến kịp chợ tình khuya nay? Đường dốc ngoằn ngoèo thăm thẳm thế kia và mịt mù khói bốc ra từ chân mây...

Cái ngủ đến lơ mơ cho đến khi xe chồm lên lắc mạnh một cái, giật mình mở mắt tôi thấy đầu mình đang ở trên vai hắn, vai áo bông mùa đông to xù êm như một cái gối.

- Bạn ngủ ngon quá!

Rồi hắn rút trong túi ra một cái khăn len:

- Bạn chưa có kinh nghiệm về vùng cao thì phải?

Ghê chưa. Một cái khăn quanh cổ lại còn một cái trong túi. Công tử bột! Nhưng tôi phải cảm ơn hắn và quấn cái khăn vào cổ.

- Anh đến Sa Pa nhiều lần rồi à?

Hắn gật đầu:

- Năm ngoái lẽ ra tôi đã xây một khách sạn ở đó...

Xây khách sạn? Hắn? Chỉ hơn tôi vài ba tuổi là cùng. Chợt nhớ ra hắn là con sếp, tôi thôi trố mắt. Hắn nhìn ra cửa xe:

-... Nhưng không tìm được người tin cậy để giao việc quản lý nên thôi. Thời buổi này việc gì động đến tiền là người ta...

Tôi thấy khó chịu, rất khó chịu mà không giải thích được vì sao.

- Người ta cũng có người này người nọ chứ! - Tôi nặng giọng.

- Tôi chỉ thấy “người này”, chưa được thấy “người nọ” bao giờ - Giọng hắn lững lờ.

- Có lẽ vì anh chỉ tiếp xúc với những người giống anh thôi - Tôi định phang một câu nhưng bắt gặp ánh mắt anh Khắc, tôi cố ghìm lại, vội dịu giọng mà lòng tức anh ách:

- Có rất nhiều “người nọ”, mà anh chưa gặp đó thôi.

- Cũng mong gặp được, dù chỉ một người. Bạn sẽ giới thiệu cho tôi một người như vậy chứ?

Chẳng lẽ ngay lập tức cởi cái khăn ra mà trả lại. Được rồi, tôi sẽ chỉ cho hắn thấy tiền của hắn chẳng là cái quái gì cả. Anh Khắc nhìn vẻ mặt càu cạu của tôi, chuyển đề tài:

- Chuyến này em lên Sa Pa cũng chụp ảnh à?

- Vâng - Hắn gật - Báo tổ chức cuộc thi ảnh chủ đề bản sắc dân tộc. Em định đốt vài cuốn phim, may ra được giải nào chăng.

- Giải thưởng được bao nhiêu tiền? - Tôi bộp chộp hỏi.

- Vấn đề không phải ở đó? - Hắn cười.

Kiểu cười này, nếu không có anh Khắc, hẳn tôi đã độp cho một câu đích đáng. Giờ thì tôi biết rõ mình ghét hắn, và có lý do để ghét.

Đáng buồn là hắn có lý!

Chuyến đi Sa Pa lần ấy và thêm vài chuyến khác nữa hắn đều có mặt, đang săn ảnh mà. Cứ hắn xòe tiền ra là mọi việc xoay nhanh như bôi dầu mỡ dù trước đó tưởng chừng như không nhúc nhích được dù chỉ một ly. Có lần xe hư trên đường, thợ bắt phải đợi đến mai vì đã có ba bốn xe khác nằm chờ và điều quan trọng là không có phụ tùng thay thế? Muốn mua phải đến chợ cách đó sáu mươi cây số, vừa đi vừa về và nhiệt tình làm suốt đêm cũng phải đến sáng mai. Người thợ nói chắc chắn như đinh đóng cột. Hắn cười cười kéo người thợ về một góc, tay kia cho vào túi. Tôi có cảm giác cái áo dày cộm của hắn độn toàn những tờ giấy bạc mầu xanh. Một tiếng đồng hồ sau, chiếc xe bon bon chạy dưới trời gió. Có trời mới biết phụ tùng lấy ở xe nào ra!

Một giò lan treo lủng lẳng nhà ven đường hắn dừng lại hỏi mua. Cô gái trẻ măng bối rối trả lời :

-Đây là giò lan của bố, không nghe nói bán, xin thông cảm.

Hắn đặt một tờ giấy bạc trên bộ cửa, rồi thêm một tờ nữa, và một tờ nữa... cô gái ngập ngừng:

-Hay là mai anh quay lại, hôm nay bố vắng nhà.

Hắn tiếp tục xếp những tờ giấy bạc chồng lên nhau. Và giò lan thuộc về hắn, không đợi người bố về.

Anh Khắc nói với tôi:

-Thôi, chuyến nào có hắn thì em ở nhà vậy.

Tôi lắc đầu. Lịch học hành kín mít, sắp xếp để đi được một chuyến đâu phải dễ. Việc gì vì hắn mà tôi bỏ qua cơ hội trau dồi. Nói với anh Khắc vậy mà lòng tôi cồn cào ấm ức. Phải làm một điều gì đó, một điều gì đó... Một điều gì đó để tôi quên đi nỗi căm ghét hắn. Cái cảm giác căm ghét này khiến tôi trở nên bực bội và cau có.

Phải tự tạo ra tình huống vậy. Có một người bạn tên Thu An học cùng cấp III thi rớt đại học giờ ở nhà phụ gia đình bán chim cá cây cảnh, thỉnh thoảng tôi vẫn ghé và hai đứa bạn bạn bè bè như xưa. Tôi dặn Thu An thế này, thế này... dù giá nào cũng nhất quyết từ chối.

Vào một buổi sáng chủ nhật đẹp trời tôi rủ hắn đi chơi. Hắn có vẻ ngạc nhiên lắm. Tỷ tỷ lần tôi từ chối lời mời của hắn dù biết hắn có riêng một tủ sách đủ các tác giả cổ kim đông tây và các loại từ điển mà sinh viên ngoại ngữ chỉ thấy trong mơ. Đừng hòng mua được tôi...

Dạo quanh phố xá, huyên thuyên đủ chuyện trên đường, ngang hàng chim hoa cá cảnh tôi như tình cờ reo lên:

- Con chim dễ thương quá!

Con nhồng đen tuyền dẩu cái mỏ vàng rực:

- Kính chào quý khách. Quý khách nghe nhạc cổ điển không ạ?

Và chẳng đợi khách đồng ý hay không, con nhồng véo von: “Em có ba và em có má. Em yêu em như búp trên cành...”. Không thể không bật cười.

- Con chim ngộ nghĩnh quá! - Tôi nói, biết lời của mình tác động đến hắn như thế nào.

Như thường lệ, hắn rút tiền ra. Tôi quay sang chậu cá cảnh ra vẻ không chú ý đến cuộc ngã giá. Loáng thoáng giọng nhỏ nhẹ của Thu An:

-Rất tiếc con chim biết nói này đã có người đặt mua, vài ngày nữa họ đến lấy. Tôi đã hứa....

Tôi tiếp tục ngắm nghía những chậu kiểng cho đến khi giọng hắn vang lên hài lòng và hồ hởi:

- Mình về thôi!

Cái lồng đong đưa trên tay hắn. Tôi sững sờ nhìn Thu An. Thu An tránh ánh mắt của tôi, đỏ mặt cúi xuống. Xấp tiền dày cộm nằm trên quầy.

o O o

Ra trường nhận công tác ở công ty du lịch. Những du khách, những chuyến đi... và năm tháng...

Tôi gặp lại hắn, tình cờ, trong một chuyến đi. Hắn đưa một đoàn khách từ Sài Gòn ra Hà Nội. Tôi đón đoàn tại Sân bay Nội Bài rồi cùng lên Tây bắc, vùng “du lịch xanh” đang hấp dẫn khách nước ngoài. Hắn rộng miệng cười:

- Chào cố nhân. Mình đã có một baby. Còn bạn?

- Sắp.

- Đáng tiếc cho ngành du lịch và có thể là một tổn thất. Các đấng đàn ông không thích vợ đi tour đâu.

Có thể xem đó là một lời khen? Tôi cười, nhớ lại chuyện xưa và nhận ra tất cả đã là kỷ niệm.

Đoàn lên Sa Pa vào lúc chín giờ tối. Nửa đêm mới có chợ tình nhưng du khách vẫn không chịu nằm yên trong khách sạn. Hồi đi với anh Khắc, quán xá nơi này còn đơn sơ lắm nhưng bây giờ đã có quán xây kiên cố và cửa kính. Nhưng sưởi thì vẫn rất dân dã. Mỗi bàn một xô than hồng rực, hơ tay xong áp vào má thơm thơm mùi khói.

Quả là tôi và hắn không có duyên với Sa Pa. Lần đi cùng anh Khắc, chợ tình không họp được vì rét mướt quá, dân các bản xa trên núi không về được. Đêm nay cũng vậy, khá nhiều khách du lịch lang thang trong sương đêm chờ một phiên chợ đã bị hoãn từ trước một ngày.

-Hôm qua lũ về - Cô gái đong đưa váy xòe, tay đưa cao chùm túi thổ cẩm líu lo kể - nghẽn hết đường đi, làm sao mà xuống núi được.

Lũ giữa mùa xuân? Chẳng biết cô gái thật hay không, một phiên dịch cáu kinh hỏi lại (Hẳn anh ta đã quá quen với những phiên chợ tình và đang bị giá buốt hành hạ)

- Tại sao không nói sớm?

Cô gái cười khúc khích, thấp thoáng một chiếc răng bịt bạc, tay lúc lắc chùm túi thổ cẩm. Có thể đọc được câu trả lời trong động tác lúc lắc ấy

- Không họp chợ tình, không có du khách đợi, hàng lưu niệm bán cho ai?

Sáng, lạnh đóng băng. Nhưng chỉ sau hai tiếng đồng hồ xe chạy về hướng Điện Biên là trời ấm dần. Rồi hôm sau nữa về gần đến Sơn La du khách được ngắm một phong cảnh ngoạn mục. Nắng ấm Điện Biên còn lưu luyến sau lưng và sương mù Sơn La đang đợi phía trước. Tất cả, người và xe, những con ngựa thồ hàng trên đường, những cô gái Mèo bất ngờ hiện ra sau khúc cua gấp khúc và những nhành ban chấp chới hoa trắng vươn lên từ thung lũng... tất cả chờn vờn giữa nắng rực xen lẫn mù sương lãng đãng khiến người ta phân vân không biết đã đến lúc phải mặc chiếc áo ấm lên người chưa. Để rồi về đến Sơn La, cái lạnh như từ thịt da tỏa ra, ai cũng nặng thêm vài ba cân với mũ, áo, khăn len dày cộm trên người.

Hắn nhìn tôi:

- Tây bắc không phải là tour dành cho hướng dẫn viên nữ.

Vẫn cái kiểu trịch thượng ấy. Định độp lại một câu nhưng chợt nhớ anh Khắc. Phải, du khách lúc này chỉ thấy hắn và tôi, dù muốn dù không hắn và tôi cũng đang đại diện cho đất nước về một mặt nào đó.

- Tôi đang có mặt tại đây đó thôi! - Tôi trả lời nhẹ nhàng. Thốt lên xong, nhìn vẻ mặt hắn, ngay lập túc tôi nhận ra câu trả lời nhẹ nhàng của mình châm biếm thế nào.

Lạy trời, chúng ta là đại diện của... Xin đừng ăn miếng trả miếng vào lúc này. Hãy mỉm cười lên, hãy để du khách khen rằng hướng dẫn viên Việt Nam, nhất là tour Tây Bắc, là dễ thương nhất thế giới. Mặc hắn lừ lừ nhìn tôi. Xin đừng tuôn lời nặng nề ra đây. Trong những du khách nói tiếng Anh này hình như có người biết nói tiếng Việt hay ít nhất là nghe và hiểu được. Mỗi lần tôi nói chuyện, cảm thấy ông ta nhìn mình đầy ngụ ý. Đó là người đàn ông cao lớn tóc mầu râu bắp, chiếc máy ảnh trên tay thường chớp lên vào lúc bất ngờ nhất. Như đêm Sa Pa chợ tình không họp, ai cũng buồn bực trở về khách sạn, vậy mà không biết bằng cách nào ông ta chụp được bức ảnh cô gái đang níu tay khách hàng nài nỉ mua cho cái túi thổ cẩm, người trì người kéo giữa dày đặc bóng đêm và sương mù.

Ngay lúc này, trong khi ai nấy nhanh chóng đi về phòng chất đồ đạc để kịp dạo quanh phố chiều vì ngày mai là đi về các bản làng xa tận trong rừng, ông ta cũng tỏ vẻ định đi về phòng nhưng bước chân rất chậm, mắt hướng về phía hắn và tôi. Có tấm ảnh nào ghi lại cảnh lừ mắt vừa rồi không?

o O o

Phố núi nhỏ xíu. Chúng tôi rời khách sạn khi chiều đã muộn, dạo quanh đến hai vòng phố mà trời vẫn chưa hết chiều. Lịch tối nay là đến mười giờ mới đi tắm suối nước nóng cách thị xã bảy km. Tôi làm đầy thời gian của khách bằng cách vào quán ăn dân tộc. Một điều lạ là những người khách đến từ xứ sở của thức ăn nhanh lại rất thích thú và sẵn lòng ngồi nhìn kiểu nấu nước của lửa than bập bùng khói. Họ có thể ngồi hàng giờ để quan sát cách nấu món ăn họ muốn biết.

Trong khi mọi người tò mò nhìn người đầu bếp cho nếp vào ống lam, nút lại rồi nướng trên lửa, khi chín, lột quanh như lột vỏ chuối, thích thú nhìn từng cuộn nem rán vàng dần trong chảo dầu sôi thơm lừng... thì người đàn ông tóc mầu râu bắp chỉ nhìn cô gái phục vụ bàn. Tôi ngạc nhiên: cô không đẹp nếu không muốn nói là hơi thô. Con gái vùng cao thường hơi thô.

Rồi tôi nhận ra điều ông ta chú ý là cái vòng bạc trên cổ cô gái. Dưới ánh đèn từ trên trần xòa xuống và ánh lửa nhảy nhót hắt ra từ bếp, khi bước chuyển động của cô tình cờ đến giao điểm của các tia sáng, cái vòng lại lóe lên lấp lánh.

- Tôi muốn mua cái vòng ấy! - Ông ta nói với hắn bằng tiếng Anh.

Khách đôi khi có những ý thích lạ đời như vậy. Tôi thấy nhẹ người khi ông ta nói với hắn chứ không phải với tôi. Tôi tránh cuộc mặc cả bất ngờ bằng cách chúi mắt về phía bếp lửa thơm thơm mùi thịt nướng với hạt tiêu rừng. Nhưng rồi hắn gọi tôi:

- Huyền!

Tôi ngước mắt lên. Hắn nhún vai:

- Loại này bán đầy ngoài chợ nhưng ông ta đã trả giá đến năm mươi đô-la vẫn không bán. Cô ấy nói đây là vòng hứa hôn.

- Nói với ông ấy mai sẽ có.

- Tôi nói rồi. Nhưng ông ta muốn cái vòng này.

Một người ngông chăng? Hay là chuộng đồ cổ?

- Tôi biết làm gì đây? - Tôi nói. Và từ chỗ ngồi của mình, ông ta đưa tay về phía tôi. Rõ ràng ông ta hiểu tiếng Việt dù nói với tôi bằng tiếng Anh:

- Cô là phụ nữ, cô ấy sẽ nghe lời cô!

Tất cả mọi người đều nhìn về cô gái, cả những bàn khác. Cô đứng yên, vẻ mặt rụt rè trước cuộc mua bán xem ra kỳ cục này. Chắc chắn cô không muốn bán? Hay chờ giá cao hơn?

- Hãy trả giá cao hơn! - Người đàn ông tóc màu râu bắp nói như ra lệnh.

Tim tôi bỗng nhiên thắt lại. Tấm ảnh ông ta chụp ở Sa Pa hiện ra. Và Thu An “... Tao biết mày giận tao, khinh tao... Huyền... Từ lâu tao mơ được có một cái quán riêng của mình. Số tiền đó đủ cho tao bắt đầu...”. Rồi giọng hổ thẹn trở nên phẫn nộ: “... Tại mày. Hắn quyết mua bằng được con chim cũng vì mày. Nếu tao không bán, hắn cũng vẫn cứ...”

Năm tháng đi qua, bình tâm nhìn lại, tôi không giận Thu An nữa. Chính tôi đã đẩy bạn mình vào một thử thách không cân sức, đẩy bạn mình đến chỗ phản bội lời hứa.

Cô gái này, nếu quả thật là vòng hôn ước, cô cũng đang bị đẩy vào một cuộc không cân sức. Từ bản làng xa xôi trên núi cao khô cằn sỏi đá, gùi măng củi xuống chợ, đi bộ từ sáng sớm đến chiều tối, mùa đông căm căm giá rét cho đến mùa gió nắng bức bối, mỗi ngày kiếm được bao nhiêu đồng, quy ra có được một đô-la không? Và những ngày mưa lũ kéo về... Người chủ dưới xuôi lên đây học những món ăn của dân tộc cô rồi mở quán, cô được thuê chạy bàn với bao nhiêu tiền mỗi ngày?

- One hundred dollars!

- Thưa ông, với số tiền ấy, ông sẽ có số vòng gấp mười lần như vậy vào sáng mai...

- Xin vui lòng dịch theo lời tôi!

Giọng ông ta mềm mỏng, nhẹ nhàng, lịch sự nhưng đầy quyền lực. Rõ ràng chiếc vòng phải thuộc về ông ta, không thể nào khác.

- Ông ấy sẽ trả cô một trăm đô-la... - Tôi nói với cô gái, cố giữ giọng mình bình thản. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu cô gật đầu và chỉ xót xa, một chút xót xa thôi.

Cô im lặng. Những ngón tay thô mân mê chiếc vòng. Sau lưng cô, ánh lửa chập chờn hắt những quầng sáng vàng rực.

- Một trăm mười đô-la?

Những ngón tay thô bồn chồn trên chiếc vòng.

- Một trăm hai mươi đô-la?

Những ngón tay thô xao xuyến.

- Một trăm ba mươi đô-la?

Những ngón tay thô chững lại. Tim tôi đập mạnh. Tôi nhận ra mình đang mong cô gái từ chối. Mồ hôi ướt tóc cô rồi kìa, vì bếp lửa?...

- Thưa ông. - Tôi nói thật nhanh, cô gái gật đầu mất thôi - Thưa ông, quà tặng tình yêu là vô giá. Cô ấy không bán đâu, dù bao nhiêu đi nữa.

Ánh mắt ông ta nhìn tôi là lạ. Rồi ông ta mỉm cười, vẫn rất lịch sự nhẹ nhàng:

- Nếu cô thuyết phục được cô ấy, bất cứ giá nào. Cô sẽ được số tiền bằng như vậy. Cái vòng đẹp quá.

Không phải vì cái vòng. Chắc chắn không phải vì cái vòng. Ống cơm lam bốc cháy trên bếp. Người đầu bếp vẫn mải nhìn về phía này. Mùi khét lẹt. “Cô sẽ được số tiền bằng như vậy”. Người đàn ông này đã đọc thấu lòng tôi và đang đẩy tôi vào cuộc, ý định điên rồ vụt đến trong tôi. Cả hai, tôi và cô sẽ cùng... hoặc cùng...

- Với một trăm năm mươi đô-la, cô sẽ mua một cái vòng khác đẹp hơn, lại còn thừa rất nhiều tiền để mở một quầy hàng bán chỉ thêu, gương lược... Cô sẽ nhàn hạ hơn... - Tôi nói với giọng ngọt ngào nhất và thấy cổ họng mình khô khốc.

Ánh mắt hắn đăm đăm nhìn tôi.

-... Hoặc cô sẽ mua một cái giống hệt cái vòng này, người yêu của cô không biết đâu mà. Và cô có tiền mua tặng anh ấy một món quà... nhiều món quà... Hai trăm đô-la?

Những ngón tay thô rời chiếc vòng, từ từ thõng xuống.

Thôi rồi, chúng tôi, cô và tôi... thôi rồi. Bên trong chiếc áo len dày cộm, toàn thân tôi đẫm mồ hôi.

- Hai trăm đô-la, cô đủ sức có một căn nhà vững chãi gấp nhiều lần những ngôi nhà chênh vênh sườn núi và tha hồ mua sắm đệm chăn, nồi niêu xoong chảo... Bắt đầu cuộc sống lứa đôi mà không gánh nặng nợ nần.

- Hai trăm mười...

- Không bán đâu mà!

Cô gái mấp máy môi và quay người bỏ chạy. Khung cửa rất hẹp, ngoắt một cái, cô đã biến mất khỏi tầm mắt.

o O o

Việc cuối cùng của tour là tiễn khách ra sân bay, chúc thượng lộ bình an và vẫy tay chào. Người đàn ông tóc màu râu bắp đi sau cùng với chiếc máy chụp hình choàng qua vai. Gần đến phòng cách ly, chợt ông quay lại:

- Tôi muốn hỏi cô một câu?

Tiếng Việt rất sõi. Dù đã đoán trước, tôi vẫn ngạc nhiên.

- Hôm ấy, cô không muốn cô gái ấy bán chiếc vòng, phải không?

-...

- Nhưng tại sao cô lại thuyết phục một cách ngọt ngào đến thế?

- Vậy mà vẫn thất bại, không mua được để vui lòng ông!

- Đừng nói với tôi như vậy. Cô không muốn trả lời câu hỏi của tôi ư?

Biết trả lời thế nào đây?

Reply
🖥️ VĨNH BIỆT 'PHÂY-BÚC'
* Nguyễn Đông Thức

Thằng con trai 28 tuổi ế chỏng ế chơ của tôi một hôm bỗng tuyên bố giữa bữa cơm:
- Chủ nhật này con đưa bạn gái con về giới thiệu với ba mẹ được không?
Vợ tôi tròn mắt:
- Con? Có bạn gái?
Thằng khỉ làm bộ mặt nghiêm nghị:
- Mẹ làm gì vậy? Tại con chưa muốn thôi, chứ muốn là… 30 giây! Xếp hàng cả đống!
- Thì con cứ đưa về đi - tôi có ý kiến - Nhà mình thoải mái!
Vợ tôi lườm tôi:
- Thoải mái gì? Không phải ai muốn vô nhà này cũng được đâu! Bạn trước đã! Thấy được rồi mới muốn gì muốn nha!

Thằng con tôi cười hehe:
- Không phải được mà là quá được! Mẹ thấy là chịu liền cho coi! Công dung ngôn hạnh đầy!
- Nó tên gì? Mấy tuổi? Làm gì? - vợ tôi thăm dò.
- Dạ tên Trang, 24 tuổi, làm phòng kế toán cùng công ty với con.
- Vậy là tuổi con ngựa?
- Dạ.
Vợ tôi tính trong 10 giây:
- Dần với Ngọ… Nằm trong “tam hợp”. Cũng hợp với mẹ luôn. Được!
- Em thiệt tình! - tôi nhăn nhó - Giờ này mà cứ mê tín! Thử nó mê đứa nào “tứ hành xung” coi em có cản được không?
- Sao không? - vợ tôi trừng mắt - Không phải vụ tuổi nhưng phải có chuẩn đàng hoàng chứ! Nhà này không có chuyện con đặt đâu cha mẹ ngồi đó đâu!
Con tôi tỉnh bơ:
- Con bảo đảm mẹ thấy là chịu liền mà!
Đến lượt tôi sực nhớ:
- Con nói nó tên Trang?
- Dạ. Sao ba?
- Trời! Ba lo nhứt chuyện này, sao lại dính đúng luôn vậy?
- Gì vậy anh? - vợ tôi hỏi.
Tôi thở dài:
- Thì thằng con mình tên Nghĩa! Tên hai đứa gộp lại…
Con tôi ngoác miệng cười:
- Nghĩa Trang! Hehe! Tụi bạn con chọc rồi! Càng vui! Đích đến cuối cùng của mọi người mà!
Rồi nó nghiêm lại, chốt hạ:
- Vậy trưa chủ nhật nha ba mẹ! Trang sẽ đi chợ rồi tới đây sớm để phụ làm cơm với mẹ…
-------
Mới chín giờ sáng chủ nhật, Trang chạy xe máy tới, phía trước vừa treo vừa chất mấy bịch hàng mới mua ở siêu thị. Tiêu chuẩn “công” và “dung” có vẻ đúng. Con nhỏ mặt mày dễ coi, sáng sủa, tướng tá gọn gàng, ăn mặc lịch sự. Đi chợ nhanh nhẹn thế kia, chắc là chuyện thường làm. Nó vui vẻ chào tôi và vợ tôi rồi ào ào xách đồ vào nhà và bất chợt… rú lên:
- Trời! Đẹp quá!
Thì ra đó là cái bình hoa vợ tôi lo đi mua cắm từ sáng sớm để trên bàn ăn để chuẩn bị tiếp khách đặc biệt. Trang móc ngay điện thoại, chụp hình lia lịa, rồi nhí nhoáy bấm tới bấm lui một lúc mới cười khì:
- Xong!
Nó bắt đầu bày biện các thứ vừa mua đầy mặt bàn trong bếp. Vợ tôi mon men tới gần, bị nó mời:
- Bác để con làm đi! Có gì thì anh Nghĩa phụ. Con làm hai món thôi, nhanh lắm! Bún chả giò, xúp mì ngôi sao nấu thịt bằm. Bảo đảm ngon, no!
- Để bác rửa rau cho? - vợ tôi rụt rè.
- Dạ không!
Sau lời tuyên bố chắc nịch, Trang nhào qua rửa rau. Nó vặn một chậu nước đầy, thảy rau vô và cứ vừa xả nước ào ào vừa kỳ cọ từng cọng rau. Tôi biết chắc bà vợ mình đang xót cho cái đồng hồ nước đang quay kim vèo vèo nhưng rất lạ là bà lại im ru, làm như đang bị khớp trước nàng dâu tương lai hậu hiện đại.
- Rửa rau dưới vòi nước đang chảy mới tốt nha bác! - Trang quay qua nói với vợ tôi, rồi mặc cho vòi nước chảy xối xả, nó lại móc điện thoại ra bấm bấm, vừa coi vừa chỉ đạo thằng con tôi làm này làm nọ, điều mà chưa bao giờ thằng khỉ làm cho mẹ.
Vợ tôi len lén đi tới nhìn vô cái điện thoại coi có gì trong đó. Trang cười:
- Con coi lại Gu-gồ chỉ làm chả giò cho chắc bác ơi!
Bữa ăn rồi cũng được dọn ra, bày biện đẹp mắt. Thằng Nghĩa mặt tươi rói xoa tay mời ba mẹ vào bàn. Vợ chồng tôi vừa cầm đũa thì Trang đưa tay cản lại:
- Hai bác chờ con xíu!
Nó lại cầm điện thoại chụp xạch xạch xạch, lại nhoay nhoáy bấm bấm một lúc. Vợ tôi không thể không thắc mắc:
- Con làm gì vậy?
- Dạ con pốt Phây-búc (*).
- Là cái gì?
- Dạ là mạng xã hội đó bác! Vui lắm! Con pốt cho các bạn biết con đang èn-choi trưa nay cho tụi nó thèm chơi. Đó, đó, tụi nó còm lia lịa rồi nè! - Trang đưa điện thoại qua cho Nghĩa coi. Thằng nhỏ vừa đọc vừa cười tủm tỉm.
- Hai bác lớn tuổi nên chơi Phây-búc cho đỡ buồn. Ngồi một chỗ trò chuyện, trao đổi thông tin, hình ảnh khắp thế giới với cùng lúc cả ngàn người bạn. Lại được thoải mái nói tâm trạng của mình, bình luận chuyện người khác, chém gió, chơi games, nghe nhạc, xem phim thoải mái… Cả gia đình, dòng họ ngồi một chỗ vẫn biết hết nhứt cử nhứt động của nhau. Anh Nghĩa! Sao anh không chỉ hai bác chơi Phây-búc vậy? - Trang cự Nghĩa.
- Sợ ba mẹ nói mất thời giờ! Ba mẹ hay la anh mỗi lần anh thức khuya để chat - Nghĩa nói.
- Trời, vậy mà còn không biết chỉ hai bác chơi! Ba má em cũng cự em, em chỉ xong là mỗi người ôm một cái điện thoại, hết la hehehe! Vui lắm hai bác ơi!
--------
Bạn bè tôi cũng chơi Phây-búc lâu nay, có rủ tôi nhưng tôi giấu dốt, làm bộ chê là trò vớ vẩn, mất thì giờ. Sau buổi gặp Trang, thằng Nghĩa bắt đầu hướng dẫn tôi vào cuộc. Từng bước một, tôi dần dần bị cuốn hút vào trò chơi mới. Cũng động chút là chụp hình, pốt, ghi sì-ta-tớt, like, còm… cả ngày.
Bạn bè đông dần, trong đó bạn ngoài đời càng ngày càng ít hơn bạn ảo. Các bạn ảo này mới là vui, vì chả quen biết gì, thậm chí cái tên cũng ảo, thí dụ Loài hoa bé dại, Ai thèm nhớ anh, Thiên thần mắc đọa, Cá mập chết đuối... Hầu hết không biết mặt mũi thế nào. Có người đưa con chim, bông hoa, cờ nước... làm ảnh đại diện. Kể cả họ có đưa ảnh chân dung thì cũng không có gì bảo đảm là thật. Bạn ảo thì khỏi úy kỵ, bình luận ào ào, khen chê chửi rủa vung vít. Nói chung dù là một thế giới ảo, Phây-búc đúng là vui ra phết, y lời con dâu tương lai đã nói, tha hồ tán dóc. Tôi còn thấy sở dĩ nó được thiên hạ khoái như điên vì còn là một phương tiện tự sướng vô địch về mặt tinh thần. Từ đó lúc nào tôi cũng kè kè cái điện thoại bên cạnh, đến mức đi ngủ cũng để một bên, thấy rung báo có tin là lại mở ra bấm bấm nhấn nhấn.
Vợ tôi nổi điên:
- Anh cười thằng Nghĩa con Trang rồi bây giờ còn lậm hơn tụi nó! Anh vừa phải thôi nha! Toàn trò chuyện với mấy đứa con gái thôi phải không?
- Con gái đâu mà con gái! - tôi chống chế.
- Hôm nọ anh nằm bấm, tôi nhìn thấy rồi! Toàn hình con gái! Mê quá há! Anh coi chừng tôi, lộn xộn tôi cho anh lên đường ngay tức khắc!
Khi vợ xưng “tôi” là biết có chuyện rồi! Tôi kêu trời:
- Không có đâu em ơi. Bạn ảo thôi, có gặp đâu! Chơi cho vui thôi mà! Em cũng chơi đi cho vui? Bạn của anh cũng là bạn của em - tôi đề nghị.
- Không! Tôi không có rảnh! Mà tưởng tôi ngu hả, mấy người tạo group riêng, có trời mới biết đang nói gì với nhau!
Tôi sửng sốt nhìn vợ. Sao nàng lại biết cả vụ này nữa trời? Vợ tôi như hiểu cái nhìn ấy, cười:
- Vợ anh không ngu đâu nha! Coi chừng đó! Bạn gái ảo thôi phải không? Nhất định không gặp phải không?
- Đúng rồi! Em tin anh đi! - Tôi nói chắc như bắp.
---------
Bất ngờ có một cô gái với gương mặt đẹp như mơ và cái tên cũng quá thơ mộng - Giọt nắng bên thềm - xuất hiện xin làm bạn với tôi, cùng dòng nhắn tin: “Qua bạn bè, em rất thích những lời bình của anh. Xin anh cho em được làm bạn. Có thêm một người bạn tốt, cảm thông, chia sẻ, cuộc sống của mình sẽ nhẹ nhàng hơn”. Trời, hay như vậy làm sao tôi từ chối?

Giọt nắng bên thềm tỏ ra là một cô gái rất thông minh, tinh tế, đặc biệt qua những câu chat riêng tỏ ra rất hiểu tôi. Em nói mới 30 nhưng đã một lần dang dở. Em nói mới chơi Phây nên rất ngại việc phơi bày rộng rãi cảm xúc riêng tư. Không hiểu sao em lại tin tôi và rất thích trò chuyện với tôi, nên xin được tạo group riêng hai người. Thấy không hại gì, tôi... nhận lời. Từ đó thỉnh thoảng tôi lại được xem những tâm trạng buồn vui của Giọt nắng , những tấm hình Giọt nắng thật đẹp trong những bộ quần áo thời trang, kể cả bikini gợi cảm trên bãi biển... Tôi bắt đầu chat thường xuyên với Giọt nắng , điều lạ là em chỉ chat vào ban ngày, lúc tôi đi làm. Em xin lỗi tôi, nói là ban đêm không tiện, sẽ giải thích với tôi sau. Càng ngày em càng tỏ ra có tình cảm với tôi, hôm nào em không lên Phây, tôi cũng thấy thiêu thiếu, nhơ nhớ.

Một hôm bất ngờ em nhắn: “Chắc em không chơi Phây nữa, hoặc sẽ bỏ group của mình và lock anh luôn. Em nghĩ đến anh nhiều quá! Mà anh thì đã có gia đình... Em rất ngại... ”. Tôi hốt hoảng: “Đừng em! Không sao đâu, không có chuyện gì đâu. Mình chỉ là bạn trên Phây thôi mà...”. “Nhưng em cứ nghĩ đến anh và muốn gặp anh. Em không thích chỉ làm bạn ảo của anh. Anh có cho em gặp không? Em muốn mời anh ăn sáng uống cà phê, từ nay mình sẽ trò chuyện ngoài đời thỏa thích với nhau...”.
Bạn nghĩ tôi có thể từ chối lời mời ấy được không?

Và tại quán cà phê Chiều tà thơ mộng, tôi đã gặp Giọt nắng bên thềm. Đó chính là... vợ tôi!😥

Hix! Với sự hướng dẫn tích cực của cô dâu tương lai tuổi Ngọ, nàng đã sử dụng Phây-búc thành thạo và cho tôi một vố nhớ đời...
Vĩnh biệt Phây-búc!😥

Reply
Khi tôi 64.
Phan Hồn Nhiên

1. Sảnh đợi vắng lặng. Các mặt ghế nhẵn thín, đỏ chói, liên kết với nhau bằng thanh inox trắng lạnh. Hưng thả người xuống chiếc ghế đầu tiên. Cảm giác cứng đờ ghê tởm truyền thẳng vào da thịt khiến anh nhận ra mặt ghế cũng đúc từ kim loại chứ không phải nhựa hay gỗ.

Dù rất mỏi, anh tránh dựa vào lưng ghế lạnh toát. Hưng nhìn chăm chú mặt đồng hồ màu trắng với những chữ số La Mã to khác thường treo trên khoảng tường phía sau quầy tiếp bệnh nhân. Vài phút nữa, 12 giờ khuya. Con trai anh đã được đưa vào phòng cấp cứu đặc biệt. Việc của anh lúc này chỉ là chờ đợi.

Có tiếng chân bước hối hả. Một thứ tiếng ồn ngẫu nhiên nhưng gây náo loạn. Sau khúc quanh cuối dãy hành lang, một người lao vụt ra. Anh ta cao và gầy một cách đáng sợ, khoảng ngoài hai bảy. Bàn tay bấu chặt phía dưới cổ, như thể anh ta đang gắng sức kiềm chế hỗn hợp âm thanh sắp buột ra khỏi cuống họng. Bước chậm lại, anh ta nhìn quanh rồi ngồi vật xuống đầu kia dãy ghế, run rẩy dữ dội, đến mức sự rung động thấm vào kim loại lan truyền sang Hưng. Anh ta không ngớt lầm bầm điều gì đó, cái yết hầu nhọn hoắt chuyển động cuồng loạn như sắp xé rách lớp da cổ tái nhợt. Chừng mươi phút sau, ngớt run rẩy, anh ta gục mặt vào hai bàn tay.

Một cách kín đáo, Hưng quan sát người lạ. Sự kinh hoàng sầu thảm tựa lớp màng trắng đục khiến mọi đường nét đều nhòe nhoẹt, như nhìn trên màn hình TV bị rối nhiễu. Ngoài tường kính, vẳng lên tiếng còi hụ cùng ánh đèn chớp của một xe cấp cứu đang băng qua khoảng sân bệnh viện. Vài y tá trực túa ra sảnh, chạy không tiếng động theo lối thang bộ. Hưng vẫn ngồi im. Nhưng người lạ đã đứng bật dậy, lách qua cửa xoay rồi biến mất.

Bác sĩ đồng ý cho anh đưa con về nhà ngay trong đêm. Đứa bé mười một tháng tuổi đã được tiêm thuốc. Nhịp thở trở lại bình thường. Lúc này nó đang ngủ im bên trong chiếc nôi lớn có quai xách. Trao cho anh túi bìa giấy đựng phim, đơn thuốc cùng một danh thiếp, ông ta giải thích đều đều với Hưng về Ehlers-Danlos type bốn - một bệnh hiếm khởi nguồn từ chứng rối loạn gen. Ngưng một chút, ông ta miêu tả biểu hiện một vài biến chứng nguy hiểm. "Tôi có biết về chúng - anh cắt lời bác sĩ - Một căn bệnh dính líu đến gen di truyền. Ông sẽ nói thế, phải không?". Ông ta im lặng nhìn anh bằng đôi mắt hẹp, vằn đỏ vì thức khuya. "Anh có thể đưa thằng bé đến phòng khám riêng của tôi. Bất kỳ lúc nào. Địa chỉ và điện thoại có trên danh thiếp". Ông bác sĩ quay lưng bỏ đi, chẳng buồn nghe lời cảm ơn.

Một lần nữa Hưng cúi nhìn đứa con trong nôi. Sau đó anh bước ra khỏi khu vực cấp cứu, bấm thang máy xuống tầng hầm để xe. Khi anh lái xe ra đường thì đã quá nửa đêm từ lâu.

2. Đối diện cổng bệnh viện, hộp đèn trạm xe buýt phả quầng sáng vàng yếu ớt. Khoảng tối quanh đó thẫm lại, dày đặc hơn. Một người đứng im, bóng đổ dài trên mặt đường nhựa. Chỉ có đồ mất trí mới chờ chuyến xe buýt không bao giờ hiện ra trong đêm, Hưng tự nhủ. Đèn pha xe hơi chiếu thẳng. Anh chợt nhận ra gã trai trẻ ban nãy trong sảnh. Anh cho xe chậm lại, trờ sát lề. Bấm nút hạ kính, Hưng lên tiếng lạnh lẽo: "Có muốn quá giang không?". Mất mấy giây, người đứng một mình mới hiểu ra. Anh ta hấp tấp chui vào xe từ cửa bên kia, khựng lại khi thấy chiếc nôi. Hưng cho biết băng sau bỏ không. Tuy nhiên người lạ rụt rè đề nghị được ngồi ghế trước, ôm đứa bé, còn cái nôi có thể xếp ra đằng sau.

Anh ta thu xếp mọi thứ nhanh gọn. Khi anh ta tìm được tư thế thoải mái, tựa hẳn vào lưng ghế, đứa bé vẫn nhắm mắt ngủ yên trên ngực anh ta.

- Anh cho xe đi thẳng năm cây số nữa. Ngã tư chạm đường cao tốc, tôi sẽ xuống.

- Được! - Hưng gật đầu - Cậu chợp mắt chút đi. Đến nơi, tôi sẽ gọi.

- Phiền anh thức tôi vậy! - Nụ cười gắng gượng khiến mặt người lạ có các hốc tối khó coi - Gọi tôi là Đông.

Đồng hồ báo xăng vẫn còn đầy. Đường nhựa trơn mượt gây cảm giác cái xe cũ đang trôi xuống dốc. Những vệt đèn pha ngược chiều hung hãn cắt xuyên bóng tối như mắt lũ thú rừng. Tiếng rì rầm của động cơ chỉ lan truyền đến khuỷu tay Hưng. Phần cơ thể còn lại nhúng ngập trong tình trạng không cảm giác. Suốt nửa năm vừa qua, anh sống sót nhờ tìm thấy trạng thái yên tĩnh này. Anh không hiểu nổi nguyên nhân tai họa. Anh không nghĩ hay làm được gì hòng ngăn tai họa diễn ra. Sau đó thì tất cả trở thành chuyện đã rồi. Chỉ có đứa con trai nhỏ của anh như tàn tích sót lại, nằm bên bờ lỗ thủng rỗng hoác của cơn ác mộng.

Hưng đưa mắt nhìn con trai. Khuôn mặt nhỏ ngoẹo về một bên, bàn tay bé xíu đặt trên vai người lạ lúc ẩn lúc hiện trong bóng tối. Một hình ảnh quen thuộc. Quen thuộc đến mức ghê khiếp. Hệt như anh lại nhìn thấy An, vào cái hôm anh đón cô và con trai mới sinh từ bệnh viện về nhà.

Họ mới ngoài ba mươi. Mọi thứ đang vận hành ổn thỏa. Ngay suốt quãng thời gian mang thai mệt mỏi, An vẫn không mất đi vẻ xinh đẹp và sáng suốt luôn khiến anh ngạc nhiên. Cuộc sống gia đình chẳng có gì phàn nàn. Trước đó không lâu, bằng tiền dành dụm, họ vừa mua chiếc xe mà giờ đây anh đang điều khiển. Ngôi nhà thứ hai của họ. Biểu tượng hạnh phúc của họ.

Anh nhớ hôm ấy, buổi sáng, trời mưa lây rây. Xe chạy tốc độ trung bình trên đại lộ thưa thớt. Máy lạnh trong xe điều chỉnh ở khoảng 26 độ C, thích hợp với đứa trẻ vừa chào đời ba ngày. Họ không nói gì. Sự tĩnh lặng chia sẻ.

Nhìn nghiêng, vầng trán An trắng xanh, thẳng và mịn. Dựa hẳn vào lưng ghế, tay ôm đứa trẻ, cô bỗng cười khe khẽ, rồi nhoài người lấy đĩa chọn lọc The Beatles đặt vào đầu đọc. "When I'm sixty four. You'll be older too. And if you say the word I could stay with you..." Giọng hát trầm mượt vang lên thong thả, đượm vẻ chế giễu dịu ngọt. Đúng khi ấy, anh chợt nhận ra không khí trong xe phảng phất một mùi gì đó gợi sự bất an. Vợ anh áp môi lên trán con trai, bình thản: "Mùi máu. Từ người em!". Anh gật đầu. Chưa bao giờ anh thấm thía nỗi buồn bã xót thương như giây phút đó...

Nhiệt độ trong xe cũng khoảng 26 độ C. Con trai anh được sưởi ấm trên ngực người lạ, ngủ ngon lành. Đường nét gương mặt nhìn nghiêng của gã quá giang khá đẹp. Hưng rùng mình nghĩ vợ anh có vài nét tương đồng với kẻ xa lạ này. Bất thình lình, Đông mở choàng mắt. Đôi mắt ráo hoảnh cho biết anh ta hoàn toàn không ngủ. Những ngón tay dài mảnh đeo mấy chiếc nhẫn cầu kỳ rẻ tiền gõ nhè nhẹ trên gò má. Lúc này, anh ta đượm vẻ tự tin và làm chủ tình thế, khác hẳn hình ảnh hoảng loạn tại bệnh viện.

- Hồi nãy, cậu ở khu cấp cứu có chuyện gì? - Hưng phá vỡ sự im lặng.

- Người quen của tôi cần đến bệnh viện. Tôi đưa ông ta đi! - Đông ngập ngừng.

- Chỉ vậy thôi sao? - Hưng ngờ vực.

- Người đó bị chấn thương sọ não - giọng nói thì thào, rồi đột ngột vang to, the thé - Một vết thương sau gáy làm ông ấy bất tỉnh. Chỗ rách máu chảy nhiều không tin nổi...

- Ai gây ra chuyện đó? - Hưng hỏi, dù đoán được lời đáp.

- Nếu ông ấy không dọa bỏ rơi tôi, thì tôi đâu có phát khùng! - Gã quá giang úp mặt vào bàn tay, đột ngột khóc nức. Nước mắt anh ta nhiều đến mức rỉ qua các kẽ ngón, biến mất trong mấy cái nhẫn - Dù sao thì tôi cũng đã đưa ông ấy đi cấp cứu và gọi điện báo cho người nhà ông ấy để họ tới bệnh viện...

Đứa trẻ thở khò khè và bắt đầu khóc to. Bỗng dưng, nỗi chán nản khủng khiếp xâm chiếm Hưng. Mùi máu váng vất từ người ngồi cạnh, quen thuộc. Nhưng anh chẳng hứng thú gì với các bí mật kẻ khác. "Đừng khóc như đàn bà nữa. Dỗ nín con trai giùm tôi!" - Anh lên tiếng, chỉ muốn được yên. Nghiêng đầu chùi khô mắt vào vai áo, Đông vỗ nhẹ lưng đứa trẻ. Thằng bé dịu xuống. Mọi thứ lại im ắng. Nhưng bầu không khí trong xe chẳng còn như cũ.

Giao lộ đường cao tốc lấp loáng phía trước. Lơ lửng trên cao, các bảng điện giao thông nhấp nháy. Xe chạy chậm lại. Đông nói yếu ớt: "Về nhà một mình sợ lắm. Giá anh cho tôi trọ qua đêm nay!". Đèn vàng ngã tư chuyển màu đỏ. Chiếc xe lao vụt qua giao lộ như một kẻ tâm thần mù lòa. Bằng hành động liều lĩnh, Hưng ngỡ như đã quyết định bẻ ngoặt cuộc sống anh sang hướng khác, mù mờ và bất ổn. Ở một khía cạnh nào đó, anh chỉ làm cho việc đánh mất khả năng kiểm soát đời mình hiện hình rõ nét hơn.

3. Người quá giang ở lại trong căn hộ ba phòng ngủ của Hưng. Một tuần rưỡi trôi qua. Anh ta chưa có dấu hiệu thu xếp rời đi. Anh ta cũng tuyên bố chẳng việc gì phải trở lại cái công ty thiết kế nơi anh ta làm designer và trả lời các câu hỏi khó chịu. Một cách tự nhiên và vô lo, Đông chiếm căn phòng nhỏ có toa-lét riêng và hai cửa sổ. Hồi mới chuyển về đây, An dự tính sẽ dành căn phòng hơi tách biệt này cho khách. Thực sự là vợ chồng anh chưa từng có vị khách nào đến ở qua đêm.

Sáng, Đông dậy khá sớm. Anh ta tắm, mở nước lớn và hát mấy bài cũ kỹ của The Beatles. Giọng hát lạc điệu, hòa với tiếng nước chảy ồn ĩ. Anh ta sử dụng quần áo và khăn tắm của chủ nhà, không chút bận tâm. Lần nọ, cắm phích nước pha sữa cho con, Hưng đi ngang  cánh cửa khép hờ, chợt nhận thấy vị khách ngồi lười biếng trên bệ cửa sổ, với khăn tắm quấn ngang bụng, thả cái nhìn lang thang trong khoảng không vô định.

Yêu cầu vị khách chớ nên sơ suất, Hưng ngầm ý nhắc nhở việc lẩn trốn. Đông gật đầu, nhưng sau đó, lại thản nhiên phạm các sai lầm tương tự hoặc tồi tệ hơn. Có đêm, phòng anh ta vẳng ra tiếng khóc tru như tiếng chó sói. Hưng choàng dậy, gõ nhẹ lên cánh cửa không khóa. Anh ta nằm im, vờ như đã ngủ say.

Điều duy nhất khiến Hưng kiên nhẫn cho phép vị khách ở lại là anh ta nấu ăn khá ổn và có khả năng đặc biệt chăm sóc con trẻ. Bất cứ lúc nào thằng bé con anh khóc ngặt hay nôn trớ, chỉ cần Đông chạm vào, mọi việc sẽ mau chóng ổn thỏa. Nằm gọn trong cánh tay Đông hay được anh ta bế cho gối đầu lên vai, đứa bé tỏ ra yên ổn và hài lòng. Bằng mấy bài hát lạc điệu nhưng đượm sức vỗ về kỳ dị, anh ta hát ru không mệt mỏi. Đôi khi, đứa trẻ toét miệng, nở nụ cười hiếm hoi. Đôi mắt to, trong suốt của nó hướng về bố, đượm vẻ ngạc nhiên ngây thơ. Những giây phút ấy, Hưng rơi vào trạng thái tê liệt. Ngỡ như An vẫn ở trong nhà, đang bế con, lơ đãng nhìn anh. Và gia đình nhỏ của họ vẫn nguyên vẹn, hạnh phúc ghê gớm.

Có lần, Hưng bước nhẹ đến phía sau dáng người cao lênh khênh của Đông, cầm bàn tay bé bỏng của con trai áp lên môi. Thình lình, Đông quay ngoắt lại khiến mũi Hưng sượt qua lớp áo mỏng của anh ta. Mùi đàn ông hoang dã, khêu gợi, và cũng thật phù phiếm. Khoảnh khắc ngắn ngủi, anh tỉnh ra. Không phải An. Nhưng anh đang lặp lại các động tác từng làm với An. Phải chăng đến một lúc nào đó, người ta phải chấp nhận cuộc sống là những chi tiết vụn vặt lặp đi lặp lại, không chọn lọc đối tượng? Phát hiện này khiến anh rùng mình. Nhận ra Hưng đang gần sát bên, người ở trọ hơi lùi lại, bàng hoàng nhưng mau chóng mỉm cười.

Một vài lần, Hưng thử đề cập nguy cơ bất ổn nếu Đông bị phát hiện ẩn náu trong nhà anh. Anh sắp lấy được visa. Dính líu tới một tội phạm sẽ phá hỏng tất cả. Nghe Hưng nói, kẻ ở trọ khựng lại: "Đừng có đuổi tôi, nhé!". Câu nói giống một mệnh lệnh hơn lời van vỉ. Trong vài giây, anh chợt hiểu kẻ lạ sẽ không dễ dàng rời đi. Tình trạng anh rơi vào thật trớ trêu, kỳ dị và không sao chống cự. Cách duy nhất là chấp nhận nó.

Một cách đều đặn hơn, Hưng giao những việc nhà lặt vặt cho kẻ ở trọ. Anh ta hoàn tất chúng lúc được lúc không.

- Vì sao lúc nào các cửa sổ cũng mở toang? Nếu khép lại, căn hộ sạch sẽ hơn nhiều! - Đông hơi cau có, khi trong bữa ăn sáng, Hưng nhờ anh ta hút bụi sô-pha.

- Này, sao vợ anh đi vắng lâu thế? Công tác dài ngày đến giờ vẫn chưa về?

- Cô ấy không sống với tôi nữa! - Anh đáp đơn giản.

- Chạy theo gã đàn ông khác sao? Là một gã ngoại quốc giàu sụ, hả? Thế mà anh vẫn ghi nhớ sở thích của cô ta! - Đông cười rú lên, rồi nín bặt, sợ sệt nhìn Hưng.

Cốc cà phê trên bàn của anh đã cạn. Đông ăn một lượng khá lớn bánh mì mứt, trứng rán, và cả một thanh sô-cô-la. Chừng như đọc được ý muốn thoáng qua của người đối diện, Đông lấy thêm một cốc to và đầy từ máy pha cà phê, đặt trước Hưng.

- Đêm qua anh mất ngủ hả?

- Ừ!

- Anh cảm thấy cô độc, khổ sở vì bị vợ phản bội, đúng không?

- Thôi đi! - Hưng nói khẽ, khó chịu - Con tôi lại sốt. Tôi thức chườm mát cho thằng bé. Gần sáng, nó mới ngủ tí chút.

Đông phàn nàn dai dẳng vì sao anh không đánh thức. Anh ta có thể thức đêm với đứa trẻ. Dù sao, anh ta cũng đâu có phải dậy sớm đi làm... Khi Đông nhắc anh cứ để đứa con ở nhà, anh ta sẽ chăm sóc cẩn thận, Hưng thờ ơ lắc đầu:

- Lát nữa, tôi đưa nó đến bệnh viện! - Hưng chợt nhớ vị bác sĩ có đôi mắt hẹp.

- Anh không tin tôi! Anh sợ tôi sẽ bắt cóc thằng nhỏ, mang đi mất sao? - Đông cười, nhưng không che giấu sự trách móc.

- Trái lại thì đúng hơn! - Hưng thành thật - Tôi chỉ mong có người họ hàng nào đó nhận nuôi thằng bé. Nhưng chẳng ai muốn gánh một đứa trẻ bệnh tật.

Tất cả vẻ bỡn cợt trên mặt Đông biến mất. Thay vào đó, một sự kinh hoàng ghê gớm, hơn cả cái hôm đầu tiên Hưng nhìn thấy anh ta ở bệnh viện. Hưng muốn giải thích thêm vài thứ, cho rõ ràng hơn. Nhưng anh không sao nói được. Một điều gì đó chen giữa họ, không thể chạm vào, nhưng họ nhìn thấy hình bóng lởn vởn của nó. Cả hai ngồi im lặng, với nỗi kinh ngạc và cam chịu.

4. Luồng sáng xanh từ cái đèn halogen hắt xuống chùm tia bất động. Mùi chlorine tẩy trùng phảng phất làm cho không khí như lạnh hơn vài độ C. Tiếng nước rầm rì trong ống máng đặt ngầm dưới vách tường đột nhiên tuôn chảy ồng ộc. Rồi cũng thình lình như thế, nó im bặt. Vị bác sĩ đặt đứa trẻ kiệt quệ lên mặt giường nhỏ, bắt đầu các bước kiểm tra thông thường. Đôi lúc, ông ta liếc nhanh về phía Hưng, suy tính. Sau khi tiêm cho thằng bé một mũi thuốc, ông cho biết khoảng hai tiếng nữa, nó sẽ hết sốt, huyết áp trở lại bình thường và Hưng có thể mang con về nhà. Thanh toán xong một khoản lớn tiền khám và tiền thuốc, anh quyết định hỏi thẳng:

- Thực sự, con tôi sẽ sống được bao lâu nữa?

- Nếu nội soi qua đường thực quản, mới có câu trả lời chính xác. Tuy nhiên không thể làm thế với đứa trẻ mười một tháng tuổi! - Bác sĩ  hơi nhíu mày - Thật lạ, nhưng này, tôi có cảm giác rõ ràng anh không muốn cứu đứa bé!

- Tôi ký hợp đồng, qua Úc làm việc vài năm. Tôi không thể mang theo con!

- Một lý do dễ nghe nhất! - Đôi mắt hẹp của bác sĩ ánh lên cái nhìn tinh thông.

- Ông đoán đúng. Về sâu xa, tôi thấy thời gian của mình đang bị phí hoài bởi những trách nhiệm mệt mỏi! - Hưng nói chậm, bải hoải - Những kẻ ngu xuẩn sẽ nhìn nhận tôi là kẻ tàn nhẫn. Nhưng tôi tin ông biết vì sao tôi nghĩ thế.

- Tôi hiểu. Ai cũng muốn từ bỏ một điều gì đó.

- Đúng vậy. Tôi muốn bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn khác! - Hưng bế đứa con ngủ thiêm thiếp, đặt vào trong nôi - Tôi cần thay đổi. Tất cả.

- Thôi được. Tôi sẽ chú ý xem ai muốn nuôi một đứa trẻ có tĩnh mạch quá mong manh! - Vị bác sĩ đùa nhẹ nhàng, không phải không chua chát - Tôi sẽ gọi anh sớm.

- Cám ơn bác sĩ! - Anh đứng dậy. Sự nhẹ nhõm đi cùng cảm giác trống trải kỳ dị.

Từ phòng khám tư của vị bác sĩ, Hưng đi thẳng về khu căn hộ, không ghé qua nhà trẻ gửi con.

Gã ở trọ nói đúng. Chẳng có lý do gì để anh phải lo lắng người ta lấy mất đứa bé một khi chính anh cũng muốn nó không hiện diện trong cuộc sống anh nữa.

Gần bước vào thang máy, anh chợt nhớ cần mua sữa và tã giấy nên ghé sang siêu thị dưới chân tòa nhà. Anh gửi tạm cái nôi trên mặt bàn gần quầy thu ngân. Quay trở ra, với hàng hóa lỉnh kỉnh trên tay, máu dưới da như đông lại khi anh nhìn vào cái nôi trống rỗng. Một sự trùng hợp kinh hoàng.

Nữ thu ngân hiểu ngay chuyện gì xảy ra khi thấy vẻ mặt Hưng. Cô ta há miệng, như sắp hét lên báo động. Anh ngăn lại. Một thoáng lưỡng lự, khi anh nghĩ xem có nên thanh toán chỗ hàng hóa vừa chọn hay không. Cuối cùng thì anh vẫn xếp chúng vào bên trong chiếc nôi.

Ở công viên nhỏ giữa các block nhà, anh ngồi trên băng ghế, suy nghĩ tình thế của mình. Về đứa con bị mất đúng khi anh muốn nó bị mất đi. Cảm giác sợ hãi mà anh không thấu hiểu...

Chuỗi ý nghĩ sáng rõ, rành mạch. Gần đấy, một người già đang cho một con chó ăn từng mẩu bánh mì bẻ nhỏ. Tiếng chim lích rích trong bụi cây. Một đợt gió thốc đến từ phía sau, làm cho đám lá khô trên cỏ bay thốc lên, đổ dồn về phía băng ghế anh ngồi. Vài hạt nước mưa lác đác khiến mặt ghế nhờn lạnh, gợi cảm giác ghê tởm. Anh xoa nhẹ gương mặt. Da anh cũng lạnh và khô nẻ, như các miếng vỏ khô gần rụng khỏi thân cây. Cứ thế, dù muốn giấu kín, luôn có một phần con người anh vẫn bị hở ra ngoài. Anh cứ ngồi im như thế, bao lâu không rõ, trong buổi sáng cuối xuân lạnh lẽo và đơn độc tột cùng.

Đông biến khỏi căn hộ, chẳng để lại một tin nhắn. Anh gọi cho cậu ta. Chuông reo, không ai nhấc máy. Trong phòng nhỏ dành cho khách, những tạp chí và các vỏ đĩa phim bừa bộn. Gió lùa qua cửa sổ quên cài chốt. Đột nhiên trong Hưng dậy lên ước muốn được nhốt mình trong bóng tối. Anh tắt hết bóng điện, kéo mạnh tấm rèm vải dày, cắt đứt luồng sáng cuối cùng. Trong căn hộ rộng lớn, các món đồ nội thất chỉ còn hiện diện bằng những đường viền mờ tối. Anh đi xuyên qua vệt bụi lơ lửng.

Sáng sớm, Hưng ngồi im trên giường, chờ nghe tiếng con trai khóc hay một bài hát  When I'm 64 lạc điệu vẳng ra từ phòng tắm bên kia vách tường. Nhưng không gì cả. Chẳng phải đây là điều ta mong chờ đấy ư, anh tự hỏi, vậy mà sao khi nó diễn ra, hệt như mọi việc được chất lên một cái thùng xe và mặc sức lao xuống vực?

5. Các thủ tục cho chuyến đi hai năm đột nhiên nhanh chóng hơn cả mong đợi. Công ty nơi Hưng sẽ đến làm việc đã gởi qua e-mail một số hồ sơ để anh xem, chuẩn bị trước. Vị bác sĩ có đôi mắt hẹp gọi, thông báo một đôi vợ chồng lớn tuổi giàu có muốn nhận đứa bé. Họ biết rõ sự rối loạn gen trong quá trình cấu tạo chất collagen khiến tĩnh mạch đứa bé dễ bị vỡ, và hứa sẽ chữa trị tích cực.

"Anh gặp may, hả?" - Tiếng bác sĩ như vẳng đến từ hành tinh xa xăm. Hưng cho biết sẽ quyết định và trả lời sớm.

Tối thứ bảy, sau nhiều trì hoãn, anh mở tủ, thu xếp hành lý. Chiếc va li màu xanh, sau chuyến đi du lịch cuối cùng của anh và An, vẫn nằm dưới đáy tủ. Một cách chậm rãi, anh mở nắp. Bên trong, lớp vải lót vương vãi nhiều cát mịn. Những hạt cát từ quần áo tắm trong kỳ nghỉ hè cuối cùng của họ. Mùi muối. Hương vị gió biển. Tiếng cười tươi sáng của An.

Tất cả bỗng ùa ra, xâm chiếm căn phòng nhỏ. Giữa những mảnh ký ức vụn nát ấy, anh chợt nhớ câu chuyện họ nói với nhau khi nằm giữa hõm cát, về đứa con đang thành hình trong An, về tình yêu bền vững và một tương lai chung được đảm bảo... "Vậy mà em bỏ mặc anh và con. Chúng ta đã sai hết, phải không?" - Hưng lầm bầm. Nhỏm phắt dậy, tức giận điên cuồng, anh nhét đồ đạc đi xa vào va-li, đóng sầm nắp lại. Ngồi thở dốc, bỗng anh tự hỏi giờ này con anh ở đâu? Đang làm gì? Có đau ốm hay không? Chộp điện thoại, anh gọi cho Đông, đầu mối duy nhất.

Khi anh đang xem chương trình thể thao phát lúc mười giờ, chuông cửa reo lên. Đứa con trai của anh được Đông ôm trước ngực bằng một cái địu trẻ em bọc vải. Hưng đưa tay đón con. Thằng nhỏ hồng hào và khá hoạt bát. Trên ngực áo Đông, có một vệt dãi trớ ra từ miệng đứa bé. Cảm giác ấm áp trở lại. Niềm vui sâu thẳm mà anh không thể hình dung hiện ra, khi ôm con trai vào lòng.

Vị khách mang theo hộp mì xào mua bên phố ăn đêm của người Hoa. Hai người ngồi bên bàn. Đứa trẻ vẫn nằm trên ngực Hưng, ngủ say. Thức ăn còn nguyên. Hưng chỉ uống nước ấm trong khi Đông nốc hết cốc này sang cốc khác thứ nước dầm trái cây màu đỏ phảng phất mùi rượu. Bằng vẻ tỉnh táo khó tả, anh ta kể với Hưng vài khó khăn khi một mình đối diện với bệnh tật của đứa trẻ, rồi niềm quyến luyến khiến anh ta khát khao giữ chặt thằng bé, không đáp các cú điện thoại của Hưng.

- Tại sao cậu cứ phải làm toàn chuyện bất thường như thế? - Anh nhìn thẳng vào mắt Đông, thật sự muốn biết.

- Tôi khiếp sợ phải sống một mình lắm! - Đông thì thào - Hồi trước, tôi thèm khát được ai đó thương yêu. Nhưng giờ, tôi hiểu, chỉ cần có ai đó để cho tôi thương yêu là đủ. Anh không hiểu đâu...

- Hôm ở bệnh viện, sợ bị bỏ rơi, nên anh đã trừng phạt cái gã bỏ rơi anh?

- Anh nghĩ tôi dám làm vậy ư? - Khách cười nhợt nhạt - Tôi xạo đó. Chúng tôi chia tay lâu rồi. Khi ông ấy bị tai nạn, tôi đến, đưa đi cấp cứu. Tôi rất khiếp sợ khi nhìn thấy máu. Lúc anh cho quá giang, tôi mừng lắm. Và tôi rất muốn anh để mắt đến tôi...

Hưng lặng im, thấm thía bản chất thực của nỗi cô độc. Những kẻ như anh, như Đông, chẳng còn gì để nương tựa, ngoài chính bản thân mình. Và điều ghê gớm nhất mà người ta phải đối diện trong quãng thời gian ấy, không phải nỗi đau đớn hay buồn rầu, mà là chống lại nguy cơ thoái hóa nhân cách, sự nhẫn tâm, ngụy trang dưới lớp vỏ tuyệt vọng. Anh áp tay lên đầu con, lắng nghe hơi thở ấm dịu lan tỏa trên lồng ngực. Cảm giác bình yên khiến giá lạnh trong anh tan mờ dần.

Họ nằm im cạnh nhau. Hơi thở chậm rãi, mệt mỏi. Đông lên tiếng: "Vợ anh có nói khi nào quay về không?". Hưng đáp, sau hồi lâu im lặng: "Cô ấy mất rồi. Đúng nửa năm trước. Vợ tôi không thể thoát khỏi quy luật tàn bạo của những chuỗi gen. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao như thế. Chúng tôi có rất nhiều thứ. Thế mà đột nhiên với cái chết của cô ấy, tất cả mất sạch. Cuộc sống này, có gì là an toàn đâu. Cậu hiểu không, tôi đã phát điên lên".

Nước mắt ứa ra, anh khóc, không còn tự chủ. Bàn tay mềm và lạnh của Đông lần tìm tay anh, siết chặt: "Chúng ta sẽ không sao. Rồi sẽ ổn. Dù sao thì cũng phải sống đến già, can đảm...".

Họ thức suốt đêm. Ngoài cửa sổ, bóng những con cú bay vụt qua các đám mây lừ đừ trôi.

             ***

Hưng trì hoãn chuyến bay, thương lượng lại bản hợp đồng với công ty nhận anh làm việc. Cuối cùng, họ cũng thỏa thuận việc một chuyên viên cấp cao của dự án mang theo đứa con chưa đầy một tuổi.

Anh và con ra sân bay bằng tắc-xi. Không ai đưa tiễn. Đứa bé được anh địu trước ngực, đôi mắt tròn ngây thơ, ngạc nhiên nhìn đám đông chuyển động không ngừng.

Hoàn tất thủ tục và gửi hành lý, anh bước sang khu vực cách ly. Những mặt ghế kim loại đỏ chói. Anh ngồi xuống, hôn nhẹ lên trán con. Từ chiếc loa vô hình, mấy bản nhạc không lời của The Beatles vẳng xuống.

Anh chợt ngoảnh nhìn đầu ghế bên kia, chờ đợi một bóng người hoảng loạn sẽ hiện ra, ngồi xuống gần bên. Những con người đủ màu sắc in bóng lờ mờ lên bức tường kính, chộn rộn, tất bật tỏa vào nhiều hướng.

Anh cứ nhìn mãi đám đông vô định ấy cho đến khi tiếng loa âm oang gọi hành khách vào cổng, chuẩn bị lên máy bay.

🍀Phan Hồn Nhiên.

Reply
Quote:Khi tôi 64.
Phan Hồn Nhiên

1. Sảnh đợi vắng lặng. Các mặt ghế nhẵn thín, đỏ chói, liên kết với nhau bằng thanh inox trắng lạnh. Hưng thả người xuống chiếc ghế đầu tiên. Cảm giác cứng đờ ghê tởm truyền thẳng vào da thịt khiến anh nhận ra mặt ghế cũng đúc từ kim loại chứ không phải nhựa hay gỗ.

....

Đo^ng la` mo^.t thie^n tha^`n cu?a Hu+ng va` đu+'a be'.

Cheer
Reply
(2022-03-13, 07:06 AM)LeThanhPhong Wrote: Đo^ng la` mo^.t thie^n tha^`n cu?a Hu+ng va` đu+'a be'.

Cheer

Đọc truyện này có 2 chi tiết làm tui suy nghĩ. Thứ nhất là không biết câu chuyện xảy ra ở nước nào, chắc không thể là ở Mỹ rồi. Không có chuyện mà quăng cái ghế baby ra sau, rồi ngồi ôm đứa nhỏ vào lòng trên 1 chiếc xe đang lao trên đường cao tốc như vậy ở Mỹ. Thứ hai là chuyện vô công rồi nghề của Đông. Tui nhớ, tui có thời kỳ cà nhỏng khi còn trẻ, tối ngày chỉ xách đít đi cua gái, uống cà phê với bạn bè, ăn chơi vô lối dù không có tiền. Tui có cái lý do đơn giãn để biện minh cho chuyện đó là tui đã cố gắng tìm việc làm nhưng không tìm ra được việc gì thích hợp. Tui nhớ đến cô em họ bên vợ, lúc ấy đã hơn 20 tuổi mà suốt ngày giam mình trong phòng, ôm vừa laptop vừa desktop, chơi games bằng tay và cả bằng chân. Phòng hôi hám, đồ ăn chén dĩa vứt đầy. Bà mẹ và bà chị chỉ biết ôm đầu kêu trời. Thế nhưng rồi đến một ngày đẹp trời cô nàng cũng bước ra khỏi phòng, rồi lấy chồng, trở thành bà chủ nhỏ, làm ăn phát đạt. Tui cũng đi làm siêng năng mấy chục năm trời, xếp thương, bạn mến. Cứ nhìn hai thằng con, thấy lo lo vì cả hai thằng đều say mê chơi games nhưng cũng ráng nghĩ positive chút, chắc tụi nó rồi cũng sẽ vào nề nếp thôi.

Tối qua ăn uống với bạn bè, có tên kể về cậu em họ của hắn. Tên này ra trường Berkeley, cũng đi làm nhưng thường thì vài tháng rồi quit job, chê xếp ngu dốt, hay là xếp bossy quá. Hắn thuộc dạng cái gì cũng biết Shy Rốt cuộc hắn quyết định không đi làm, ở nhà chơi games và ăn bám bố mẹ. Năm nay hắn đã gần 50 tuổi và vẫn tiếp tục làm khổ bố mẹ hắn vì bố mẹ hắn vẫn phải còng lưng đi làm để support thằng con khốn nạn này. Đời vẫn luôn có những câu chuyện như thế, nghĩ đến để thấy cái khổ của mình chả là cái đinh gì Lol

Reply
Mặc dù Đông vô tích sự nhưng cũng giúp người cha hồi tâm thương đứa bé. Không biết Đông sinh sống bằng cách nào, tác giả không nói rõ.
Reply
(2022-03-13, 11:16 AM)Ech Wrote: Tối qua ăn uống với bạn bè, có tên kể về cậu em họ của hắn. Tên này ra trường Berkeley, cũng đi làm nhưng thường thì vài tháng rồi quit job, chê xếp ngu dốt, hay là xếp bossy quá. Hắn thuộc dạng cái gì cũng biết  Shy Rốt cuộc hắn quyết định không đi làm, ở nhà chơi games và ăn bám bố mẹ. Năm nay hắn đã gần 50 tuổi và vẫn tiếp tục làm khổ bố mẹ hắn vì bố mẹ hắn vẫn phải còng lưng đi làm để support thằng con khốn nạn này. Đời vẫn luôn có những câu chuyện như thế, nghĩ đến để thấy cái khổ của mình chả là cái đinh gì  Lol

Đại ca này vì không bị áp lực của cuộc sống nên không cần suy nghỉ lo lắng nhiều. Kiểu này 1  là đuổi ra, 2 là bắt mỗi tháng phải đóng vài trăm để anh ta phải ra ngoài làm việc. Gặp xếp khó cũng phải ráng nhịn. Người ta là xếp chứ đâu phải mình là xếp mà người ta phải chiều mình
Vung cước tung hoành viện dưỡng lão
Thần quyền xưng bá trường mầm non
Reply
(2022-03-13, 11:16 AM)Ech Wrote: Tui cũng đi làm siêng năng mấy chục năm trời, xếp thương, bạn mến. Cứ nhìn hai thằng con, thấy lo lo vì cả hai thằng đều say mê chơi games nhưng cũng ráng nghĩ positive chút, chắc tụi nó rồi cũng sẽ vào nề nếp thôi.

Ku viết thiếu rồi lẽ ra là "xếp thương, bạn mến, tri kỷ cưng" mới đúng với phúc phần ku  Wink .

Đùa chơi chút nhưng mà mày đừng lo hai thằng ku Ếch con tướng đẹp lắm nhất là thằng lớn, nói theo phim tầu là ... nhất định tụi nó sẽ không làm mày thất vọng  Wink .

Thằng con ông anh tao cũng vậy đó, từ trung học tới đại học cứ chúi mũi vào những cái games không quan tâm tới bất cứ cái gì kể cả ... con gái.
Ông anh tao sợ muốn chết tưởng nó không thẳng nhưng rồi vào một ngày đẹp trời nó gần 30 tuổi dẫn về 1 con bạn gái đầu tiên trong đời và cũng xinh đáo để làm ông anh tao mừng muốn rơi lệ  Lol .

Giờ nó sống thật đàng hoàng.

Nãy viết thiếu, thằng ku con ông anh nó còn chơi cả cần sa nữa.
Reply
(2022-03-13, 01:50 PM)NhuCanhVitBay Wrote: Khi xưa tui còn tuổi teen thì tui quậy từ làng xóm, tới trường cũng chạy luôn! Vậy mà mẹ tui luôn nhã nhặn dạy tui từ tốn. Khi bực tức lắm bà mới kêu tui ngồi xuống giường rồi cầm con dao phay chẻ củi..." Bây giờ mẹ hết lời nói với mày rồi, thôi thì mẹ chém mày 1 nhát rồi tự chém mẹ 1 nhát. Chứ không còn lời nào nói được nữa...! "

 Vậy mà sao khi cải tạo tập trung nên người ( Nhờ ơn cách mạng ...! ) Bây giờ tui mới trở nên con người tốt, dể thương, dể mến như bây giờ !!!  Face-with-rolling-eyes4

Please

hehehe..... Nhờ cách mạng, ... nên Sầu và TT thương

Lol
Vung cước tung hoành viện dưỡng lão
Thần quyền xưng bá trường mầm non
Reply
(2022-03-13, 03:15 PM)RungHoang Wrote: hehehe..... Nhờ cách mạng, ... nên Sầu và TT thương

Lol


hehehe..... Nhờ cách mạng, ... nên Sầu và TT thấy là muốn chém liền banana-skipping-rope-smiley-emoticon
Reply
(2022-03-13, 03:47 PM)Thuctinh Wrote: hehehe..... Nhờ cách mạng, ... nên Sầu và TT thấy là muốn chém liền banana-skipping-rope-smiley-emoticon

Biết mà. Mở miệng ra là chém là đánh, mà thật ra .... cưng thí bà  Face-with-stuck-out-tongue-and-winking-eye_1f61c
Vung cước tung hoành viện dưỡng lão
Thần quyền xưng bá trường mầm non
Reply
(2022-03-13, 03:57 PM)RungHoang Wrote: Biết mà. Mở miệng ra là chém là đánh, mà thật ra .... cưng thí bà  Face-with-stuck-out-tongue-and-winking-eye_1f61c

Cưng anh thôi à, anh ăn cháu Vịt không, TT đãi anh ăn? Rollin banana-skipping-rope-smiley-emoticon
Reply
(2022-03-13, 08:29 PM)Thuctinh Wrote: Cưng anh thôi à, anh ăn cháu Vịt không, TT đãi anh ăn? Rollin banana-skipping-rope-smiley-emoticon

Ông bà nói "Thương để trong bụng"

Biggrin Biggrin
Vung cước tung hoành viện dưỡng lão
Thần quyền xưng bá trường mầm non
Reply
(2022-03-13, 08:38 PM)RungHoang Wrote: Ông bà nói "Thương để trong bụng"

Biggrin Biggrin

Cưng không thương nên nói thẳng Lol
Reply
CÁI NHÌN KHẮC KHOẢI
Nguyễn Ngọc Tư

Khoa điện thoại cho tôi từ phòng lab:

- Hình xong rồi, đã lắm. Mày kiếm đâu ra ông già ngon vậy?

Tôi cười, gác máy rồi xách xe chạy lại chỗ Khoa. Những tấm ảnh đen trắng treo trên dây còn đọng nước, giọt rất tròn và trĩu. Khoa nghiêng đầu ngắm:

- Mày coi, hình như, trong mắt ông già này có nước.

- Mày cận bao nhiêu độ rồi?

Khoa mắc cở tháo cặp kính ra, đôi mắt đờ đẫn.

- Hôm trước ba rưỡi, bây giờ chắc ba tám rồi.

- Mắt mày cũng còn ngon lắm.

Khoa lại hỏi tôi cái câu ban nãy, "mày kiếm ông này ở đâu mà thần thái vậy?". Tôi không trả lời, ngước mắt nhìn về những bức ảnh của tôi. Trong mảng tối sáng trong vắt, khuôn mặt một người đàn ông hiện lên, trầm lặng mà sâu sắc.

Và tôi lại thấy mình ở trong một căn chòi chăn vịt cất dựa mé kinh Chiếc. Căn chòi đầy khói. Cái mẻ un ám khói chất đầy giỏ dừa khô. Khói ngùn ngụt khói. Ngồi trên cái sạp ghe đóng thưa bằng tre chẻ thẻ, một người đàn ông ngồi nhìn ra cửa. Cô độc. Gió vụt vụt vô chòi. Ông làm nghề nuôi vịt đẻ chạy đồng. Hôm nay ở đồng Rạch Mũi, ngày mai ở Nhà Phấn Ngọn, xa nữa lại dạt đến Cái Bát không chừng. Ông đậu ghe, dựng lều, lùa vịt lên những cánh đồng vừa mới gặt xong, ngó chừng chừng sang những cánh đồng lúa vừa mới chín tới và suy nghĩ về một vạt đồng khác lúa vừa no đòng đòng. Đời của ông là một cuộc đời lang bạt. Một cuộc sống trên đồng khơi. Chòi cặm ở đâu cũng được, miễn có chỗ khô ráo cho ông nằm. Buổi sáng, ông lùa bầy vịt ra đồng, tay cầm cây trúc không róc đọt, bù xù. Bầy vịt ngàn hai trăm con, ngoi quẫy, vẫy vùng, rúc vào những nùi rạ mới, nhặt từng hột lúa. Con vịt xiêm tên Cộc cũng ào ra cùng bọn chúng, những lúc đó, không phải vì bụng đói, mà vì mùi rạ thơm quá, ngọt quá, ngụp mỏ vào thấy sướng người. Ông ngồi bệt trên bờ mẫu, khăn sọc cũ quấn đầu, nón vải nâu lốm đốm mủ chuối. Ông ngó lũ vịt và vấn điếu thuốc châm lửa, phà khói lên trời. Và trời rất xa xanh, trong. Ông kêu :

- Cộc, biểu!

Con Cộc chạy lại, vẫy nước và cọ đầu vào bắp đùi đen bóng của ông.

Buổi tối buồn lắm. Đêm nào cũng như đêm nấy, lùa vịt vô chuồng, tắm táp qua loa, ông khom lưng thổi phù phù vô cái bếp un cho căn chòi đầy khói rồi nằm đưa võng. Gió vụt vụt vô chòi. Con Cộc lò mò ra đống rơm dập dềnh dưới mé kinh, vùi mình vào đó ngủ một giấc. Nó tưởng lâu vậy, dài vậy mà lúc ngó lên vẫn thấy chao chát ngọn đèn đỏ lòm. Ông kêu:

Cộc, biểu!

Con Cộc chạy lại, vẫy nước và cọ đầu vào bắp đùi đen bóng của ông.

Buổi tối buồn lắm. Đêm nào cũng như đêm nấy, lùa vịt vô chuồng, tắm táp qua loa, ông khom lưng thổi phù phù vô cái bếp un cho căn chòi đầy khói rồi nằm đưa võng. Gió vụt vụt vô chòi. Con Cộc lò mò ra đống rơm dập dềnh dưới mé kinh, vùi mình vào đó ngủ một giấc. Nó tưởng lâu vậy, dài vậy mà lúc ngó lên vẫn thấy chao chát ngọn đèn đỏ lòm. Ông kêu:

- Cộc, giận gì mà xuống đó vậy mậy?

Cộc lạch bạch đi lên. Nó ghé ngang cái lưới bao rào vịt, thò mỏ vào mổ một con vịt ta khác. Gây chuyện chơi cho vui. Nó là con vịt chúa gây chuyện. Ngoài những lúc này, nó khá cộc cằn, tư lự. Mấy người bạn lang bạt của ông chụm lại nhậu lần nào cũng nhằn: "Cha nội sống như vầy rầu thấy mẹ, mai mốt con vịt xiêm đó chết rồi, cha sống với ai". Ông cười, "còn thằng con tao". Nó ở chợ. Lâu lắm mới về thăm ông một lần, về tới, ngoài việc kêu ông bán bầy vịt ra ngoải sống với nó, còn chuyện ông cưới vợ, nó nói, nó con trai, biết cô đơn là cái gì rồi, khổ lắm, buồn lắm. Nó giục ông từ năm nó mười hai tuổi. Ông ngạc nhiên lắm. Nhưng rồi ông biết rằng, nó đã học được ông cái tánh rộng lòng đồng khơi, như trời cao. Ông vò đầu nói với nó, cũng khó khăn thiệt, nhưng ông quen rồi. Nghề nuôi vịt mà, nghèo, lang thang, đeo mang người nữa, không đành.

Tháng Tám. Ông trở về kinh Mười Hai, quê ruột của ông. Chèo gần tới nhà ông thấy một người phụ nữ ngồi dưới bực cỏ đợi tàu. Chiều rồi, tàu cuối chạy lúc ba giờ rưỡi đi qua đã lâu lắm. Dưới ghe ngó lên, mặt người phụ nữ buồn so, buồn như sắp đâm đầu xuống sông mà chết. Ông chèo lựng khựng cho ghe đi tới. Qua khỏi đám lá, ông quạt chèo trở lại. Ông hỏi chị nọ đi đâu, chị khóc như mưa bấc, "Tôi cũng không biết mình đi đâu". Lãng xẹt vậy đó. Ông ngại ngần ngó những tia nắng đỏ cuối cùng đậu phía dưới đám dừa nước:

- Cô có sao không?

Người phụ nữ lắc đầu. Ông biểu chị xuống ghe cho quá giang. Chị vẫn khóc.

- Tôi biết đi đâu mà quá giang bây giờ. Hay ... làm ơn cho tôi theo anh đêm nay nghen.

Ông suy nghĩ rất lâu và trả lời một câu nhỏ xíu trong khi tụi vịt đạp đầu chen nhau dưới sạp ghe bằng tre đóng thưa thớt rộ lên lạc cạc inh ỏi. Đôi chân đàn bà dè dặt bỏ xuống đầu ghe, con Cộc cúi đầu không nói không rằng lùi lụi lại tính mổ một cái vô chân chị mừng chơi nhưng ông la: "Cộc! Bị đòn nghe mậy". Nó dừng lại, đủng đỉnh qua đi. Chị khịt mũi cái sột, lau nước mắt kêu: "Trời, vịt gì mà khôn quá vậy?". Con vịt ngoắc ngoắc cái đầu lại, ý nói, Vịt Xiêm chứ vịt gì, thiệt tình.

Qua thêm ba đám lá dày nữa là về tới nhà ông. Nhà vắng, vườn hoang, lúc chạng vạng buồn hiu hắt. Ông đi năm ba tháng về một lần, về đúng vạt đồng sau vừa chín. Hồi đi, con tắc kè ễnh bụng kêu è è, hồi về đã thấy đeo trên cột nhà mấy con tắc kè con, da chưa bông chưa hoa, mốc cời, đầu chờ vờ như cá lóc gặp nước mặn. Ông đẩy cửa bước vô trước, tay quơ mớ váng nhện lùng nhùng, đốt cái đèn, thổi lù lù mớ củi ướt. Chị ôm cặp đồ ngồi gá nhẹ mép ván, ngó quanh. Ông lượng xượng, "Nhà bỏ lâu, bê bối quá chừng". Rồi khói bay lên, ấm áp.

Ở căn nhà lá cũ mèm này, ông có nhiều kỷ niệm. Mỗi khi trở về nó lại chảy thành dòng dịu ngọt trong ông, nó chảy khẽ giửa những mạch máu. Những ngày thơ ông có ba má, những ngày trẻ ông có người chăn gối cùng. Có cây lụa bên hè làm chứng, mỗi lần nhà đổ bánh xèo, vợ ông ra hái đọt lụa, đứng tần ngần, "phải ảnh có nhà để ăn". Chiến tranh, ông đi biền biệt. Ngày về, chỉ còn đứa con trai. Nó khóc, kể, "Bửa đó cúng đình, có cải lương, má rũ con đi. Tuồng Thoại Khanh Châu Tuấn đó ba. Hát chưa xong khúc Thoại Khanh ngồi đờn cho công chúa Châu Tuấn nghe, thì pháo đằng đồn Chẹt bắn lại, má con chết luôn". Mùa đó lụa ra lá từng chùm trắng xanh, non nhuốt. Ông bắt thèm ứa nước mắt. Cũng thằng con ông, sau này nó nhằn: "Chuyện buồn mà ba nhớ làm chi cho tới già vậy không biết. Ông bảo ông có nhớ gì đâu. Thiệt đó, thằng nhóc, có nhớ gì đâu. Thằng con chép miệng, "Khổ quá!"

Người phụ nữ ông lượm chiều đó còn khổ hơn. Chị quê Cây Khô, lỡ thời, thương thằng (xin lỗi!) thợ gặt miệt Bình An đổ xuống. Không biết gốc gác, cội nguồn người ta mà thương gì ác nhơn vậy không biết. Làm vợ thợ gặt, sống đời thợ gặt. Chị ngồi vấn vạt áo: "Ai cũng nói em ngu, cực cỡ nào em cũng chịu, miễn là mình thương người ta". Vậy mà thằng đó (xin lỗi!) tệ thiệt, làm ít, nhậu nhiều. Tới đây, nhậu nhẹt, nợ nần, chị ra gánh trả. Nợ nhiều quá, mấy cái quán tạp hóa đòi lấy xuồng, nửa đêm chồng chị trốn đi, bỏ chị lại. Không biết quê chồng, không về được quê mình, chị ra bờ sông ngồi khóc.

- Cô Út không ngại, cứ ở lại đây, chừng nào có hướng đi đâu, mần ăn gì thì đi, nghen.

Nghe xong câu chuyện của chị, ông bập một hơi thuốc lá, nói một câu, bập hơi nữa thì hết điếu.

Chị chịu ở lại. Buổi sáng, chị thức dậy bắc ấm nước lên bếp cho ông uống trà, xong lùa vịt ra đồng. Thả vịt ruộng gần, chị đem cơm ra tới chỗ, dọn trên bờ mẫu, ngồi nhìn trời, nhìn đất, nhìn vịt, chờ ông ăn xong mới đi vô. Ruộng xa, chị thức dậy từ ba giờ sáng nấu cơm dỡ cho ông xách theo. Thuốc gò, giấy quyến mới vơi một ít, chị bỏ lại cho đầy để ông bỏ túi, "Nửa chừng mà hết thuốc chịu không thấu anh Hai à, giửa đồng mông quạnh, buồn chết, hồi đó ảnh ...", chị bỏ câu nói nửa chừng. Mờ mờ trời, chị lụi hụi vô chuồng lấy hột vịt, rồ chở ra chợ xã bán, chị tính:

- Chịu khó ra ngoài đó một chút, bán giá cao hơn anh Hai à. Sẵn hái ít đọt lụa bán luôn, thứ này người ta khoái lắm.

- Nhưng phiền cô quá....

_Có gì đâu.

Chị làm cỏ ngoài sân, trồng lên dấp cá với húng lủi. Chị súc lu đợi trời mưa hứng nước. Chị giặt mùng mền phơi cho thơm nắng. Ông cằn nhằn:

- Cô làm gì như người ở đợ cho tôi vậy?

- Có gì đâu, anh Hai, được ở lại đây là em mừng rồi.

Ông ngoái lại, nói:

- Thiệt tình, cô ở lại để chờ người ta phải hôn cô?

Chị không trả lời, chị cuối đầu đi thẳng. Chị không đẹp lắm, nhưng lúc thổi lửa có duyên. Chị không có duyên lắm nhưng lúc bậm môi bửa củi thấy đẹp. Ông chắc không để ý chuyện này, ông bận đốn so đũa cặm cột, dừng lá dừa nước làm cái nhà tắm cho chị. Ông vừa mài cây búa vừa nói nhỏ nhỏ với con Cộc:

- Mình đàn ông gì cũng được, giờ có thêm người... Ông ngừng lại, vuốt cánh con vịt -vậy hen Cộc?

Cộc không trả lời, kêu cóc cóc, há mỏ đớp vô mắt cá chân ông. Thì vậy chứ còn sao nữa, ý nó muốn nói vậy. Rồi nó đủng đỉnh đi chơi, dạo dạo bậy bạ kiếm trùn đất ăn. Ông nghĩ trong bụng hoài, "Làm vịt như mầy coi bộ sướng. Cộc à, làm người, hỏng làm thì thôi, làm phải cho ngon, thiệt khó".

Thằng con ông đi công tác qua nhà thấy có người lạ nó ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng xong thì mừng. Nó nói: "Ba lúc này ngon rồi nghen". Ông gạt phăng phăng, "Mày chỉ giỏi bậy bạ". Ông không nói với nó vẫn thường thấy chị ôm cái áo người cũ ngồi khóc, chị thường hay kho cá bỏ me, ông vốn không thích. Hễ hổng đi chợ thì thôi, đi về y như rằng mua chai rượu, ông có uống gì nhiều đâu. Thằng con không biết. Thằng con đi dài dài xóm, ai cũng xầm xì chuyện của ba nó với người đàn bà gặt mướn. Cô Ba nó nói: "Tao thấy con mẻ không xứng với ba mày đâu, bỏ nhà theo trai, bị trai bỏ, giờ mới bám víu vô đàn vịt của ổng, đàn bà đàng hoàng, ai ở lại dễ dãi vậy". Thằng con cười, "Sao cũng được, cô Ba à, trước là trước, bây giờ là bây giờ, tốt xấu gì ba con biết, miễn sao ba vui là được rồi". Cô Ba chẩng hẩng.

Nhưng thằng con hơi thất vọng. Hễ chạng vạng, nhốt vịt, tắm rửa xong, ông kêu con Cộc đi dài xóm chơi. Con vịt thì chạy xà quần rượt cắn đám con nít, ông chơi lai rai với bè bạn, họ hàng. Chờ khi khuya mới về. Về ngủ nhà xuồng cặp mé kinh. Nhà mục rồi, đêm nằm nghe mối ăn trẹo trẹo, sợ chị ngại, ông nói: "tánh tôi ở đồng quen rồi, ngủ có gió mới ngon". Không lẽ nói trắng ra, nằm trong nhà, bên này nằm nghe bên kia thở nghe sao được. Những lúc nửa đêm, con Cộc cắm đầu cắm cổ chạy, ông cũng cuốn mùng chạy. Chị mở cửa năn nỉ ông vô nhà, để lạnh chết. Cực chẳng đã ông mới vô, ngồi chí mí ván, chong chong nhìn ra cửa chờ tạnh hột. Chị cảm động ứa nước mắt.

Chị vẫn thuờng đón ghe hàng bông hỏi thăm tin tức cánh thợ gặt An Bình. Tin tức ngày càng xa. Ở đây, trăm ngả sông nuớc, làm sao mà kiếm. Tin tức ngày càng vắng. Lúc rày, mua nắng thất thuờng. Nắng một hơi năm bảy ngày, mưa một hơi năm bảy ngày, bà con nông dân gặt ngay mưa, phơi lúa không được rầu muốn chết. Chị đi chuyên nuớc vô lu, đôi dép Lào cũ mỏng dính, trợt một cái trật gân. Tội nghiệp quá chừng. Ông về nạt nộ một hơi, đã nói mà, cô có chịu nghe tôi đâu. Nói vậy thôi, ông đi chợ huyện mua thuốc cho chị, sẵn mua đôi dép mới làm chị ngại trong lòng lắm. Ông bảo:

- Đôi dép cô mỏng thiếu điều cạo râu đuợc rồi, tiếc làm chi, để té nữa thì khổ.

Những chiều, lùa bầy vịt no căng lườn từ ngoài ruộng về, ông xúc tô cơm, ngồi ngoài gốc cây vú sữa đã bị cưa thành cái đôn, vừa ăn vừa nhìn cây chanh núm bắt đầu ra trái. Dưới cầu ao, chị đang lật đít xoong chùi lọ nghẹ, cảnh chiều êm đềm. Cô Ba đi qua, tròn con mắt.

Một bữa, mưa nhiều, lúc ông đội áo đi, chị dặn:

- Mưa lúc này gầm dữ quá, sét nhiều, anh Hai nhớ vô sớm nghen.

Ông gật đầu, day qua dặn lại:

- Cô Út thôi đừng hứng nước mưa nữa, hỏng chừng mai mốt tôi đi, ai mà uống.

Chị chưng hửng hỏi ông đi dâu, ông trả lời giọng rất buồn:

- Thì cho vịt ăn hết đồng này phải lùa đi chổ khác chớ cô. Vịt đang đẻ rất quạo, nhốt một hai ngày là mất sức. Tôi ở nhà cả tháng rồi, cũng buồn.

Nói vậy rồi ông quay lưng đi. Chị vịn tay vào cửa, nhìn theo.

Buổi chiều, ông về sớm, chị giũ áo mưa của ông phơi lên vách, miệng quở ông trời mưa dai thấy sợ. Chị xúc chén lúa đổ cho con Cộc, miệng hỏi lãng như không: "Cộc, mưa lạnh hôn con?". Cộc không trả lời, nó nghinh lên, ý nói vịt mà lạnh gì, ổng lạnh sao không hỏi, thiệt tình. Ăn cơm xong, chị dọn ra xị rượu nướng mấy con khô cá chạch:

- Anh Hai lai rai cho ấm bụng, mưa quá, nhâm nhi đỡ buồn.

Chị ngồi lắc võng, may hai cái bìa khăn mới mua cho ông, vừa may vừa nói:

- Bây giờ người ta làm khăn mỏng dính, hỏng may xổ chỉ ra nùi nùi hết trơn.

Ông không nói gì, đi xúc chén lúa lại đổ cho đầy mẻ, biểu "Cộc, lại ăn nè". Con vịt không chạy lại cái mẻ mà lạch bạch đi tới chỗ bộ ván ngựa sần sùi nó chui xuống gầm. Cái thau nhôm hôm nắng ông lấy nấu chai trét chiếc ghe giờ được làm mẻ un đang phì phì khói. Ông ngồi trước chai đế trầm ngâm. Chị dè dặt lên tiếng:

- Anh Hai tính chừng nào đi?

- Hai ba bữa nữa. Đi chuyến này qua tới miệt Khánh Hà, chắc đi lâu mới về.

Người đàn bà cuối xuống cắn chỉ, che cái thở dài.

- Cô Út à, tôi... có chuyện muốn nói với cô.

Chị làm rối chỉ:

- Gì vậy anh Hai?

- Sáng nay tôi gặp thằng bạn, nó mới chạy bầy vịt từ nông trường qua. Tôi hỏi, nghe nói có thợ gặt An Bình ở đó.

- Anh Hai!

Ông bước xuống đẩy mớ vỏ dừa vô mẻ un. Xơ dừa mịn, cháy rực, rồi tắt ngắm.

- Ảnh tên Sinh phải hôn cô Út? Ờ, Sinh, ảnh... cũng đang gặt bên đó, cô Út à.

- Anh Hai!

Chị buông cái khăn xuống kêu bàng hoàng.

- Tàu từ chạy nông trường lúc năm giờ, ngang đây, chắc cỡ sáu giờ rưỡi. Cô ráng đón chuyến đó. Để lỡ tới bữa sau, sợ mấy ảnh lại chuyển đồng, kiếm cực lắm. Tính vậy nghen cô Út.

Con Cộc lại hì hụi đi ra, ngỏng cổ lên nhìn ông. Khuôn mặt ông mờ mờ sau làn khói. Khói mắt dịch, làm cay con mắt muốn chết. Cái võng chị ngồi sau lưng ông, chị khom xuống cắn mớ chỉ rối mà buồn. Ông rót ly rượu uống mà buồn.

- Anh Hai à, sao anh tính vậy?

- Tôi biết cô còn nặng lòng cùng ảnh. Qua bển hỏi đầu đuôi gốc ngọn ra làm sao. Nói có tình, mình ở lại, biết đâu người ta có nỗi khổ gì...

Chị bật khóc. Con Cộc điềm đạm lại cái mẻ lúa, nó ăn chậm rãi. Ý nói làm sao mà tôi tội nghiệp hai người quá đi, làm ngườimà khổ vậy, làm vịt còn sướng hơn. Đêm đó, ngoài nhà xuồng, nó nghe ông thở nhẹ mà rất dài. Ai biểu...

Sáng sau ông lùa vịt ra đồng khi trời còn tối mịt tối mò. Ông đuổi vịt đi xa thiệt xa nhưng vẫn nghe tàu bè ghé bến nào rất gần. Ông ngồi bệt bên bờ mẫu, khăn cũ, nón cũ, kêu: "Cộc, biểu!" mà không thèm để ý nó có lại hay không. Kêu chơi vậy thôi. Nhưng Cộc là con vịt có nguyên tắc. Nó vẫn chạy lại, gác đầu lên đùi ông, cọ cọ an ủi. Rồi bất ngờ, ông lùa vịt cắt vạt đồng hối hả trở vô. Ông bỏ quên bịch thuốc trong nhà, thèm quá. Tới liếp tràm bông vàng trong vườn, ông ngồi lại, lũ vịt tràn xuống ao rau muống tắm táp. Ở đây, bỏ ba liếp chuối nữa là tới nhà. Ở nhà, không biết có còn ai...? Ngồi đây thôi, bước vô đó lỡ không còn ai... Hồi lâu, ông nói như chỉ nói với mình:

- Mai mốt mình đi nữa hen Cộc?

Con vịt cạp mắt cá ông, đi thì đi chớ gì.

- Mày đi hoài, mầy mệt không?

Nó há mỏm đóm đen cạp ngón cái chân ông, thì mệt chớ.

- Tao đốn tràm, làm nhà lại, ở luôn nghen.

Con Cộc mổ vô ống quyển ông, rồi nhóng cần cổ dòm ông lom lom, có phải ông chờ bà đó quay lại không? Ông nhìn lên ngọn tràm và thấy mấy cái bông vàng như mấy con sâu rọm đang dịu dàng rơi xuống. Có phải chỉ cần nhìn lại một chút, ông sẽ thấy ngọn khói bay lên không? Gió lùa lá chuối khô giống hệt bước chân ai vậy. Ông mắc ngoái nhìn. Và tôi đã chụp được chân dung ông trong ngoái nhìn khắc khoải đó.

Tôi bảo Khoa:

- Những người như ông già này có rất nhiều ở xứ mình, Khoa à, tao đâu có kiếm gì đâu.

Khoa nhìn tôi và nhìn lại những tấm ảnh, nó ngờ ngợ, "Mầy đang kể về ba mầy, phải không?"./.

Reply