"Chỉ có dòng sông mới hiểu được mình"
#91
(2021-06-06, 08:58 PM)Autumn Breeze Wrote: Niềm vui và hạnh phúc bao người mong muốn. Cám ơn anh đã chia sẽ cho tụi em xem cùng.

Chào bạn Autumn Breeze,

Hân hạnh được cô nương ghé qua.
Tương tâm thi thủy thanh trần sát
Chuyển hải triều âm tỉnh mộng hồn
Reply
#92
Ở làng quê nọ, trời đã hạn hán trong khoảng thời gian rất lâu. Các cánh đồng đều khô hạn, cỏ cây héo úa cuộc sống trở nên vô cùng khó khăn. Hàng tháng đã trôi qua và mọi người dường như đã mất hết kiên nhẫn. Nhiều gia đình đã rời khỏi làng, còn những gia đình khác chỉ còn biết chờ đợi trong tuyệt vọng. Cuối cùng ông trưởng làng quyết định tổ chức một buổi cầu nguyện tập thể trên ngọn đồi cao nhất vùng. Ông thuyết phục tất cả mọi người trong làng đến dự và mỗi người phải mang theo một vật thể hiện lòng tin của mình.

Chiều thứ bảy, những người dân làng với vẻ mặt mệt mỏi tập trung trên ngọn đồi và đều không quên mang theo những đồ vật thể hiện lòng tin. Có người mang theo một cái móng ngựa may mắn, có người mang theo chiếc mũ bảo vật của gia đình… Mặc dù chẳng ai tin chúng có thể thay đổi điều gì nhưng họ cũng đã mang theo rất nhiều thứ quý giá. Tất cả những người tham dự bắt đầu cầu nguyện và giơ cao những vật tượng trưng cho niềm tin. Như thể có phép màu, mây đen kéo tới và trời đổ mưa – những giọt mưa đầu tiên sau bao tháng trời khô hạn. Mọi người đề hân hoan vui sướng và ngay lập tức nổ ra một cuộc tranh cãi xem đồ vật nào đã mang lại may mắn cho ngôi làng. Ai cũng cho rằng đồ vật của mình là linh thiêng nhất. Bỗng người ta nghe thấy tiếng một em bé gái reo lên:

– Con đã biết thế nào trời cũng đổ mưa mà. Mẹ thấy không, con mang theo chiếc ô này, bây giờ thì mẹ con mình về nhà mà không bị ướt!

Em bé giơ cao chiếc ô và cùng mẹ đi về nhà trong niềm hân hoan. Những người còn lại nhìn theo và hiểu rằng chính em bé mới là người có niềm tin lớn nhất. Niềm tin ấy đã mang mưa đến.

Lời bàn:

Thật khó có thể chấp nhận rằng, khi ta đánh mất niềm tin vào con người hay cuộc đời này là do ta đã không có đủ niềm tin vào chính mình. Nhưng đó lại là sự thật. Vì ta tin rằng những điều kiện thuận lợi may mắn từ bên ngoài sẽ mang tới sự an toàn và hạnh phúc lâu bền, nên ta mới ra sức rượt đuổi, nắm bắt, nâng niu và bám chặt vào nó. Bỏ tâm chạy theo cảnh như thế, nên khi cảnh bị dao động hay biến mất thì tâm trở nên bơ vơ lạc lõng cũng là lẽ đương nhiên. Dù biết rằng ta không thể sống tách rời với ngoại cảnh, nhưng ta phải cố gắng luyện tập cho mình khả năng bớt lệ thuộc vào sự may rủi của hoàn cảnh bằng cách tin tưởng vào chính bản thân mình. Tất nhiên, phải hiểu được giá trị đích thực của mình thì ta mới tin tưởng mình được. Còn lỡ như không thấu hiểu hết con người của mình thì ta cũng nên nhờ những bậc có hiểu biết lớn chỉ điểm cho. Để từ đó ta tìm cách phát huy những ưu điểm nổi bật và tìm cách khơi dậy những năng lượng tiềm ẩn. Tin sâu vào thực lực chính mình, ta sẽ có đủ bản lĩnh để đương đầu với mọi tình huống.

Người trẻ bây giờ thường làm ra vẻ rất tự tin, nhưng niềm tự tin của họ thật đơn điệu. Chỉ vì kiến thức của họ được một ngôi trường danh tiếng xác nhận qua bằng cấp, tài nói năng của họ mang lại nhiều mối quan hệ tốt, vóc dáng cao ráo của họ được nhiều người để ý, hay chỉ vì quần áo của họ thuộc hàng hiệu đắt tiền là họ đã tràn đầy tự tin và vênh mặt trước mọi người. Thật tội nghiệp! Những kẻ chỉ thấy được giá trị của mình qua sự công nhận hời hợt của người khác thì phải đành chấp nhận thường xuyên lạc mất cái tôi linh thiêng của mình thôi. Vì nhận xét và tình cảm của người khác cũng rất vô thường, luôn biến đổi. Huống chi, khi ta chỉ tập trung vào những điểm chỉ đem lại cảm xúc yêu thích từ kẻ khác trong nhất thời thì thế nào ta cũng sẽ bỏ bê những giá trị sâu sắc bên trong. Sống giữa cuộc đời đầy biến động này mà lại thiếu đi những đức tính quan trọng như bình tĩnh, nhẫn nại, khiêm cung, bao dung, lạc quan, uyển chuyển...thì làm sao ta đứng vững được?

Cho nên tin vào chính mình là tin vào tài năng và cả đức hạnh của mình nữa. Tài năng không chỉ để kiếm được nhiều tiền hay khiến người khác ngưỡng mộ, mà còn phải đem tới nhiều an vui cho chính mình và những người thân sống bên cạnh. Tài năng mà không có đức hạnh, chỉ để phục vụ cho cái tôi ích kỷ bé nhỏ của mình thôi thì tài năng ấy sớm muộn gì cũng sẽ đưa ta đến chỗ hủy diệt vì sự chủ quan và kiêu ngạo. Đức hạnh mà không có tài năng thì tuy không làm nên sự nghiệp lớn hay không giúp đỡ được nhiều người về phương diện vật chất, nhưng chính đức hạnh mới đem lại giá trị bình an và hạnh phúc bền vững trong tâm hồn. Khi ta có bình an và hạnh phúc thật sự, tự nó sẽ tỏa chiếu đến mọi người xung quanh qua thái độ sống của mình. Điều ấy không nhất thiết phải có nhiều tài năng mới làm được. Hãy bình tâm nhìn lại! Đừng mê mải chạy theo xu hướng chung nữa. Hãy quay về khơi dậy giá trị chân thật của mình để vững tin đi tới.

Nên nhớ, tâm mới là nguồn gốc sinh ra mọi cảm giác hạnh phúc hay khổ đau, còn hoàn cảnh chỉ đóng vai trò tác nhân mà thôi. Thay vì cứ chạy theo những vọng tưởng điên đảo, vắt kiệt sức ra để chụp bắt hết đối tượng này đến đối tượng khác, thì ta hãy trở về làm tan biến đi những đòi hỏi không cần thiết hay không hợp lý của tâm mình. Dù trong giờ phút này tâm ta đang rất xáo động hay đang rớt xuống những cung bậc rất thấp vì đã lỡ gây ra rất nhiều lầm lỗi, nhưng với quyết tâm mạnh mẽ quay về chính mình cộng với những bài thực tập rèn luyện thân tâm đúng đắn, thì chắc chắn ta sẽ mau chóng chữa lành những vết thương ấy và khôi phục lại vị trí làm chủ cuộc đời mình. Hãy tin vào bản chất thanh tịnh và mầu nhiệm vốn có của mình. Nó không bao giờ bị hư hao hay hủy diệt.

Đừng buồn nhìn xơ xác
Đời cần chút đổi thay
Hoa xưa rồi thắm lại
Vườn cũ ngát hương bay.

Trích từ: Tìm Hiểu Về Trái Tim
Tác giả: Đại Đức Thích Minh Niệm

Kết luận:

Niềm tin là sức mạnh có thể khiến thế giới tan vỡ xuất hiện trong ánh sáng, là sức mạnh mang mưa về tưới mát cho những vùng đất đang mùa khô hạn. 

Trong sâu thẳm tâm hồn mỗi con người đều có một góc khuất, mà có khi suốt cả cuộc đời, người khác cũng không thể chia sẻ được. Mọi khó khăn chướng ngại ta đều phải một mình tiếp nhận, rồi lại một mình âm thầm hóa giải.

Nhưng hãy nhớ, dù chuyện gì xảy ra cũng đừng để mất niềm tin vào cuộc sống, vì chúng ta không thể biết được ngày mai còn bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn đang chờ mình trải nghiệm, còn bao nhiêu đoạn đường đang đợi mình bước tiếp và bao nhiêu cánh cửa thử thách đang cần mình nỗ lực để thành công.

Có vui, có buồn thì mới là trần thế. Có đắng, có ngọt thì mới là cuộc đời. Chỉ cần ta luôn giữ vững niềm tin, bình thản nếm trải hết những dư vị mà cuộc đời ban tặng thì những tháng năm lưu lạc ở cõi hồng trần này quả sẽ không là uổng phí.

Nước càng nhạt thì càng trong suốt; người càng bình thản thì càng vui vẻ an nhiên.

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên,
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền
(TS Trúc Lâm Đầu Đà)
Tương tâm thi thủy thanh trần sát
Chuyển hải triều âm tỉnh mộng hồn
Reply
#93
Bài viết rất hay - cám ơn anh đã chia sẽ.

Niềm tin từ tâm - niềm tin vào bản thân giúp mình vững vàng trước những nghịch cảnh, không cảm thấy mặc cảm, tự ti bởi những hạn chế của mình…, từ đó tích cực tu tâm dưỡng tánh giúp cho đời sống ngày một tốt đẹp hơn.
Cô chủ nhà Vườn Hoa Việt  ♪♫

Reply
#94
(2021-06-09, 08:18 PM)Autumn Breeze Wrote: Bài viết rất hay - cám ơn anh đã chia sẽ.

Niềm tin từ tâm - niềm tin vào bản thân giúp mình vững vàng trước những nghịch cảnh, không cảm thấy mặc cảm, tự ti bởi những hạn chế của mình…, từ đó tích cực tu tâm dưỡng tánh giúp cho đời sống ngày một tốt đẹp hơn.

Thân chào bạn Autumn Breeze,

Cuộc sống con người là chuỗi ngày tu tập.

Tâm tức Phật,
Phật tức Tâm,
Diệu chỉ minh minh đạt cổ câm.
Xuân lai tự thị xuân hoa tiếu,
Thu đáo vô phi thu thuỷ thâm.
(Tuệ Trung thượng sỹ)
Tương tâm thi thủy thanh trần sát
Chuyển hải triều âm tỉnh mộng hồn
Reply
#95
Đêm tân hôn, một vị thần hiện ra và nói với cô dâu chú rể: “Ta sẽ cho các con một điều ước”. Cả hai vợ chồng vội nói: “Chúng con muốn được sống bên nhau trọn đời”. Vị thần trả lời: “Để có nó, các con phải vượt qua thử thách”. Hai vợ chồng cùng khẳng định: “Chúng con đã từng vượt qua rất nhiều thử thách để lấy được nhau. Chúng con không sợ đâu!”. Thế là, vị thần đưa cả hai đến một hòn đảo và nói: “Các con hãy cùng nhau vượt qua phía bên kia hòn đảo”. Và họ nắm tay nhau lên đường...

Trước ngã ba đầu tiên, người chồng muốn rẽ phải, nhưng người vợ lại muốn rẽ trái. Cuối cùng người chồng đành chiều theo ý vợ. 

Đến ngã ba thứ hai, họ lại tranh cãi nhau. Người chồng đòi vợ phải nhượng bộ mình.

Đến ngã ba tiếp theo thì không ai chịu nhường ai. Họ thỏa thuận mỗi người đi theo một ngả nhưng sẽ hú lên để tìm nhau.

Đi một đoạn thì không nghe được tiếng vợ nữa, người chồng vội vàng quay lại kiếm nàng nhưng vì lối rẽ quá nhiều, nên anh ta đành quỳ xuống xin thần giúp đỡ.

Vị thần hiện ra và nói: 
“Ở đây con đường nào cũng dẫn đến đích nhưng các người đã không biết đi bên nhau, ngươi sẽ không tìm được cô ấy nữa đâu”. Người chồng giật mình tỉnh giấc và hiểu ra đó chỉ là giấc mơ, anh cúi xuống hôn người vợ trẻ của mình và nói: “Chúng ta sẽ ở bên nhau trong bất cứ hoàn cảnh nào, em nhé!”.

Lời bàn: 

Khi người yêu, khi đồng đội không thuận ý với ta nữa vì một sự kiện nào đó cứ lập đi lập lại nhiều lần thì mình hãy chấp nhận.  Nếu không khoảng cách sẽ xa dần vì đôi bên không chung điểm tựa. Yêu thương, hôn nhân, đồng đội không chỉ là ngắm nhau mà còn cùng nhau nhắm chung mục đích, mục tiêu - cả hai hoặc ít nhất là một bên phải hy sinh cái tôi để "nên một" chứ không ngoằn ngoèo ngã rẽ. Hoặc thật lòng thương yêu đến mức cắt phéng cái tôi của mình để an lạc thuận ý bên kia, hoặc thật sự mạnh để vui nhịn nhường.

Đáng thương là khi tách ra, vui theo lối mới cõi riêng chẳng bao lâu thì lạc lối, rối beng, đi lung tung xèng. Hối hận về lắm thứ. Kỷ niệm đẹp lại về, tiếc quá xá cũng muộn rồi. Lại nghĩ... phải chi hồi đó biết nhường, vui nhịn thì dẫu có bại cũng vui chung lối như hẹn ước ban đầu thời vào dự án.

Ai mà không có những nỗi khổ niềm đau hay khó khăn, nhưng vấn đề là trái tim ta có đủ lớn để chứa đựng nó hay không. Nếu trái tim ta nhỏ mà khó khăn bên ngoài quá lớn thì tất nhiên ta sẽ không chứa đựng nổi. Một người cha quyết định từ bỏ đứa con hư hỏng vì sợ nó làm ảnh hưởng những đứa con còn lại thì đó không hẳn là một quyết định sai, nhưng ông đã thất bại. Tình thương của người cha như dòng sông thì tại sao không chịu nổi nắm muối của con? Một trái tim thật sự rộng lớn thì đâu cần đòi hỏi gì thêm nơi đối tượng đang yếu ớt.

Ta thường hiểu lầm chữ nhẫn nhục có nghĩa là đè nén hay cắn răng chấp nhận, trong khi ý nghĩa của nó thật hay và gần gũi: chịu đựng. Chịu có nghĩa là đồng ý chấp nhận; đựng có nghĩa là cái khả năng có thể dung chứa. Chấp nhận mà không có khả năng dung chứa thì cũng như không. Dòng sông vì có dung lượng lớn hơn cái tô gấp chục ngàn lần nên mới chứa đựng được nhiều muối.

Thi hào Nguyễn Du cũng đã từng nói “Có dung kẻ dưới mới là lượng trên”. Người có khả năng dung chứa được kẻ khác, dù kẻ ấy có như thế nào cũng không ghét bỏ hay loại trừ thì đó mới thực là người trên. Cho nên, nhẫn nhục không phải là thái độ hèn nhát, mà đó là sự thực tập mở rộng dung lượng trái tim để chứa đựng được những khó khăn lớn.

Ta không thể nói tội tình gì mình phải nhẫn nhục. Bởi cuộc đời không phải lúc nào cũng thuận theo ý mình, nếu ta không chuẩn bị sẵn một dung lượng trái tim khá lớn thì có lúc ta sẽ gục ngã trước hoàn cảnh hay đánh mất người thương.

Nắm muối không hề mặn
Với lượng cả dòng sông
Lỗi lầm kia bé nhỏ
Với cõi lòng mênh mông.


Trích từ: Tìm Hiểu Về Trái Tim
Tác giả: Đại Đức Thích Minh Niệm

Kết luận:

Được bên cạnh người mình yêu thương là điều hạnh phúc nhất. Nhưng “đường đời muôn lối rẽ”, cuộc sống biết bao thăng trầm, đến một lúc nào đó, nhiều người buộc phải bỏ rơi “nửa kia” để đi tìm một lối đi khác cho riêng mình. Nhưng cuộc sống đâu chỉ là sống cho riêng mình.

Một nhân duyên tốt không phải để lại ấn tượng đẹp trong lòng đối phương trong lần đầu gặp mặt, mà quen biết nhau lâu ngày, người ta vẫn muốn ở bên bạn cho đến tận sau cùng.

Một nhân duyên tốt không phải thu hút đối phương bằng vẻ ngoài kiều diễm, mà khi đủ hiểu lòng nhau, người ta vẫn cảm thấy yêu thích những tính cách mà bạn có.

Một nhân duyên tốt không cần tiếc vì gặp nhau quá trễ, mà trải qua bao nhiêu thăng trầm, người ta vẫn cảm thấy được quen biết bạn là điều thật tốt đẹp.

Một nhân duyên tốt không cần đến sớm, mà đến rồi sẽ không rời đi nữa, bởi đôi bên đều biết cách trân trọng giữ gìn.

Bách niên ân ái song tâm kết
Thiên lý nhân duyên nhất tuyến khiên.
Tương tâm thi thủy thanh trần sát
Chuyển hải triều âm tỉnh mộng hồn
Reply
#96
Ở Đài Nam có đạo tràng do một Ni Sư trụ trì, một hôm Ni Sư bị tiếng kêu khóc làm tỉnh giấc, khi vừa mở mắt liền thấy một đám người già trẻ gái trai thân thể đều bị phỏng đến quỳ trước mặt, Ni Sư kinh ngạc và hỏi: “cớ sao mọi người lại khốn khổ đến thế, ai đã làm như vậy với các vị?”. 

Trong ấy có người dẫn đầu nói “đây đều là do vị đệ tử hộ pháp tên đó họ đó của thầy dùng nước sôi để tạt chúng tôi đấy!”.

Trụ trì nghe xong liền kinh hoàng và hỏi tiếp “sự việc này xảy ra lúc nào?”

Vị dẫn đầu trả lời “Chính lúc vừa rồi, chúng tôi không hiểu sao cô ta lại dùng nước sôi tạt chúng tôi, thấy cô ta cầm ly nước sạch và tụng chú Đại Bi, ngỡ rằng, cô ta sẽ ban cam lồ cho chúng tôi, đâu ngờ, cô ta lại dùng nước sôi tạt chúng tôi chứ, xin sư phụ vì chúng con mà làm chủ!”.

Ni sư muốn tiếp tục hỏi rõ vấn đề thì bỗng nghe tiếng gà gáy, thức giấc mới biết vừa rồi chỉ là một giấc mộng Nam Kha.

Càng nghĩ càng thấy khó hiểu, vị đệ tử hộ pháp mà họ nói đó, ngày thường rất từ bi, nay sao lại dùng nước sôi đi tạt chúng sanh vô hình chứ?

Sau khi thọ trai xong, Ni Sư liền nhờ đệ tử gọi điện cho vị hộ pháp ấy đến hỏi chuyện. Khi vị hộ pháp ấy đến, Ni Sư liền hỏi.
 - Sáng nay con ở nhà có làm việc gì không bình thường không?” 

Đệ tử đáp rằng:
- Dạ không, sáng nay con ở nhà vẫn tu tập công khóa buổi sáng, bỗng cảm thấy bầu không khí trong nhà có gì đó lạ lạ, nên bèn trì 21 biến chú Đại Bi để sái tịnh.” 

Ni Sư nghe xong, suy nghĩ một hồi, bỗng trừng mắt nhìn cô và nói rằng: 
- Lúc con rải nước Đại Bi thì tâm con đang nghĩ gì?” 

Vị hộ pháp ấy đáp: 
- Con dùng nước Đại Bi để xua đuổi tà ma, như vậy có gì sai không thầy?”.

Ni sư đáp: 
- Con thật quá đỗi sai lầm, khi con tu tập công khóa buổi sáng, các oan gia trái chủ của con đều rất hoan hỷ mà đến nghe kinh, thấy con trì niệm nước chú Đại Bi, họ rất vui mừng và muốn được sự gia trì của nước Đại Bi, ai ngờ con dùng tâm sân để rải nước, kết quả nước Đại Bi biến thành nước sôi, vô tình làm họ bị phỏng, thật đáng thương xót.”

Cô hộ pháp ấy kinh hoàng hỏi Ni Sư rằng: “sao thầy lại biết được chuyện đó?”.

- Sáng nay họ đều đến chỗ ta để thưa kiện, sao ta lại không biết được chứ!”

Lời bàn:

Ở đây trong câu chuyện chúng ta đều thấy vị hộ pháp rải nước Đại Bi với tâm Xua đuổi chứ không phải tâm từ bi.

Trong đời sống cá nhân, gia đình và xã hội, chúng ta đều đã có những kinh nghiệm riêng về sức tàn phá của tâm sân hận. Nó có sức huỷ hoại hơn bất cứ một thứ vũ khí nào. Sân hận gây nên sự cáu gắt, căng thẳng và đau khổ, chúng ta nên tu tập để diệt trừ tâm sân hận. Đó không phải là vấn đề cá nhân mà còn là vấn đề xã hội, bởi vì “Nếu chúng ta muốn thay đổi xã hội, trước hết hãy thay đổi chính mình”. Nếu chúng ta muốn thế giới này trở nên nhân ái hơn, trước hết chúng ta phải đến với người bằng lòng nhân ái, nếu chúng ta muốn mọi người bớt bạo động thì trước hết chúng ta phải an hoà và trầm tĩnh “Hãy mỉm cười hạnh phúc sẽ luôn đến với bạn”.

Xưa ở một làng nọ có hai cụ già bằng tuổi nhau, tuy là hàng xóm nhưng cuộc sống của họ hoàn toàn khác nhau.

Một trong hai người có khuôn mặt nhân hậu, ăn nói nhẹ nhàng, hàng xóm hết lời khen ngợi bà nhân hậu, tốt tính và sẵn sàng nói chuyện với bà.Người còn lại nhìn mọi người "bằng nửa con mắt", thường xuyên bàn tán, phán xét sau lưng người khác, và nổi nóng khi cảm thấy không vừa ý, con cái đến thăm thì bà chê nọ chê kia.

Lâu dần, các con không muốn về thăm bà nữa, hàng xóm tránh mặt, cuộc sống của bà càng ngày càng nghèo khó nhưng tính tình vẫn không hề thay đổi.

Một người gắt gỏng giống như thùng thuốc nổ, dù vận may có đến thì nó cũng sợ hãi bỏ đi.

Lòng dạ hẹp hòi là cái gốc của tai họa, tấm lòng rộng mở là cánh cửa dẫn đến phúc lành.


Ở nơi đông người, nếu một người nổi nóng, tất cả mọi người đều không vui.

Trong gia đình cũng vậy, tính khí hung bạo của một người có thể ảnh hưởng đến bầu không khí hòa thuận của cả gia đình. Tính tình xấu giống như một loại virus, nó lây lan rất nhanh và để lại hậu quả vô cùng tồi tệ.

Một người cha bị sếp phê bình và trở về nhà với tâm trạng bực bội. Thấy vợ chưa chuẩn bị bữa tối, anh ta quát tháo ầm ĩ và đá cả con chó cưng bên cạnh. Con chó sợ hãi chạy ra khỏi cửa, chẳng may đụng phải cậu con trai mới đi học về, khiến cậu bé ngã dúi dụi. Vậy là một ngày lẽ ra rất tốt đẹp đã bị phá hỏng bởi sự nóng giận vô cớ ấy.

Nếu bạn mất bình tĩnh và gây gổ với người nhà, gia đình bạn sẽ luôn trong tình trạng căng thẳng, thậm chí dẫn đến tan nát. Trong cuộc sống, đừng để sự nóng nảy phá hỏng gia đình bạn. Nhà có yên ấm, vạn sự mới được như ý. Chỉ cần kiềm chế tính nóng, hòa nhã với mọi người, gia đình tự khắc hòa thuận, làm ăn ắt phát đạt. Cuộc sống là thế, đừng để sự nóng nảy cướp đi phúc khí, lấy đi vận may của bạn và chỉ để lại những ân oán. Trong suốt quãng đời còn lại, hãy là một người hiền lành và rộng lượng, giữ tâm thái bình tĩnh, phúc khí cho người thân, gia đình. Đừng vì một chút oán giận mà quên đi thâm ân của người khác. Có lòng yêu thương thì sẽ có tất cả.

Kết luận:

Có những chuyện thoạt nhìn thì rất lớn, rất hệ trọng nhưng qua một thời gian ngoảnh lại thấy chỉ như gió thổi mây bay. Có những nỗi đau tưởng như long trời lở đất nhưng thời gian qua đi tất cả đều tan thành dĩ vãng.

Đã thương nhau thì phải hòa thuận nhịn nhường nhau.

Vợ chồng phải nhường nhịn nhau, khi chồng giận vợ nhường, khi vợ tức chồng nhịn, đợi qua cơn tức giận sẽ nhã nhặn khuyên bảo nhau. Có khi nhường nhịn người ngoài dễ hơn nhường nhịn người trong nhà vì người ngoài coi nhau như là khách nhịn một chút cho qua, ít khi gặp lại nhau, người trong nhà ra vào gặp nhau nên có gì bực tức khó nhịn được.

Tập nhẫn nhục phải thực hiện ngay trong gia đình trước, khi ở gia đình đã thành công thì đối với người ngoài không khó. Có nhiều người đối đãi với bạn bè hàng xóm rất nhã nhặn vui vẻ, trái lại cư xử trong nhà thì thô bỉ cáu kỉnh. Đó là không biết thực hiện hạnh nhẫn nhục cho chính đáng.

Nhẫn nhục bậc thấp nhất là những người có quyền thế bề trên, bậc trung là những người ngang hàng mình, bậc thượng là những kẻ dưới tay mình, Phật tử chúng ta phải tiến từ bậc thấp đến bậc cao tột cùng.

Đã nhẫn nhịn được, cần phải hỷ xả, không nên ôm ấp buồn phiền trong lòng. Đã là phàm tục như nhau thì có ai tránh được sự lỗi lầm, khi người này phạm lỗi lầm người kia vui vẻ tha thứ, lúc người kia phạm lỗi lầm người này sẵn sàng hỷ xả.

Được vậy, trong gia đình sẽ giữ mãi được vẻ ấm êm tình hòa mục, bằng không thì khó thấy sự vui vầy. Cha mẹ luôn luôn có thái độ bao dung sẵn sàng tha thứ lỗi lầm của con; anh em rộng lượng dung thứ nhau cho tình cốt nhục thêm nồng; vợ chồng vui vẻ tha thứ cho nhau để giữ một niềm thủy chung như nhất.

Tương thân tương ái thanh xuân vĩnh
Đồng đức đồng tâm hạnh phúc trường
Tương tâm thi thủy thanh trần sát
Chuyển hải triều âm tỉnh mộng hồn
Reply
#97
ĐỐI NGƯU ĐÀN CẦM - ĐÀN GẢY TAI TRÂU

Sách “Ly hoặc luận” của Mâu Tử có chép câu chuyện: 

Công Minh Nghi gảy khúc đàn Thanh giác cho trâu nghe, trâu vẫn cúi đầu gặm cỏ như cũ. Chẳng phải trâu không nghe thấy, chỉ bởi khúc đàn không hợp với nó mà thôi. Công Minh Nghĩa bèn dùng đàn phỏng theo tiếng kêu của ruồi muỗi và tiếng nghé con gọi mẹ, con trâu lập tức vẫy đuôi, dỏng tai, đồng thời đi qua đi lại mà lắng nghe.

(Nguyên văn: 公明仪为牛弹清角之操,伏食如故.非牛不闻,不合其耳也.转为蚊虻之声,孤犊之鸣,即掉尾奋耳,蹀躞而听.)

Người đời sau dựa vào đấy mà biên ra câu chuyện chi tiết hơn, dùng làm nguồn gốc cho câu thành ngữ Đối ngưu đàn cầm:

Thời Chiến Quốc, ở nước Lỗ có vị nhạc sư nổi tiếng tên gọi Công Minh Nghi, rất giỏi chơi đàn.

Một hôm, ông đến vùng ngoại ô chơi đàn thì nhìn thấy một con trâu già đang ăn cỏ trên thảm cỏ xanh mướt. Công Minh Nghi nhất thời hứng thú cầm đàn đi đến bên cạnh con trâu già và gảy một khúc nhạc rất tao nhã có tên là “Thanh giác”. Nhưng con trâu già như không nghe thấy gì, vẫn tiếp tục gặm cỏ.

Công Minh Nghi cho rằng có thể khúc nhạc này quá tao nhã không hợp với con trâu nên đã đổi sang gảy một làn điệu khác, thậm chí ông còn tấu khúc nhạc sở trường của mình nhưng nó vẫn không có phản ứng gì cả.

Cuối cùng, Công Minh Nghi nghĩ ra cách dùng đàn tạo ra âm thanh của ruồi muỗi vo ve và tiếng nghé con kêu mừng rỡ. Lúc này, con trâu già không gặm cỏ nữa, dỏng tai chăm chú lắng nghe, và ve vẩy cái tai như thể để xua đuổi muỗi đi.

Công Minh Nghi hiểu ra rằng, con trâu không thể nhận thức được âm nhạc nên dù bản nhạc có hay đến mấy thì nó cũng không hiểu được, chỉ có âm thanh gần với hiểu biết của nó thì mới có thể khiến nó chú ý.

Từ đó về sau, câu thành ngữ “Đối ngưu đàn cầm” (Đàn gảy tai trâu) được sử dụng như để nói về những người không có khả năng tiếp thu, hoặc nói về việc giảng đạo lý cao thâm cho người không hiểu đạo lý là chuyện phí công. Ngoài ra, thành ngữ này còn được dùng để nói đến việc người nói phải tìm hiểu kỹ đối tượng để có cách truyền đạt hiệu quả nhất.

Lời bàn:

Có đôi khi người ta nghĩ mọi thứ quá phức tạp mà quên hết những chân lí đơn giản nhưng vô cùng hữu ích trong cuộc sống.

Cuộc sống giống như một ly trà, bất luận đầy hay vơi, nóng hay lạnh, nồng hay nhạt, cũng đều có dư vị riêng của nó. Con người cũng vậy, chẳng ai giống ai, mỗi người có một lý tưởng, một cách sống riêng, có người ôm giấc mộng giàu sang, có người mong được sống an nhàn, có người lại chỉ cần một tâm hồn thư thái…

Nhưng giữa cuộc sống đầy bon chen này, con người rất khó giữ được trạng thái vô lo vô nghĩ, không ưu phiền vấn vương. Người ta cứ mải mê chạy theo những điều phù phiếm trước mắt mà quên mất những giá trị thật sự của đời người. Kỳ thật, cuộc sống đôi khi đơn giản hơn chúng ta tưởng rất nhiều.

- Giữa người với người, có thể gần, cũng có thể xa. Giữa việc với việc, có thể phức tạp, cũng có thể giản đơn. Giữa tình cảm với nhau, có thể sâu, cũng có thể cạn. Đừng mong cầu mọi người đối xử với mình đặc biệt, cũng chẳng nên hy vọng họ sẽ bớt đi những toan tính.

- Cuộc sống có người nói ít làm nhiều, cũng sẽ có kẻ chỉ biết hoa chân múa tay. Bạn không nên quá bận lòng, chỉ cần quản tốt việc của bản thân, còn lại mọi việc hãy thuận theo nhân duyên.

- Với người không có duyên, dù bạn nói bao nhiêu lời cũng là thừa; còn như đã hữu duyên thì chỉ cần xuất hiện, bạn cũng có thể đánh thức mọi giác quan của họ.

- Có một số việc, vừa phân trần trắng đen đã trở thành quá khứ. Có một số người, giận hờn vài ngày đã trở thành dĩ vãng. Có những nỗi đau, vừa cười lên đã tan thành bọt nước. Có những hoàn cảnh, nhờ chịu chút thương đau mà trở nên kiên cường.

- Cuộc sống không có “Nếu Như”, chỉ có “Hậu Quả” và “Kết Quả”.

- Làm người mê đừng mê quá sâu, mê quá sâu sẽ khó thức tỉnh. Lời đừng nói quá tận, nói tận rồi thì thương tổn nhau. Việc đừng quá tuyệt tình, tuyệt tình rồi khó có đường lui. Tình đừng đắm quá sâu, đắm chìm sâu càng khó thoát được. Lợi đừng coi quá nặng, đặt nặng rồi càng không sáng suốt.

- Trong lúc tuyệt vọng nhất hãy nhớ rằng bạn vẫn còn có một sinh mệnh, bạn vẫn còn có một ngày mai. Thuyền đến đầu cầu ắt sẽ thẳng. Mọi chuyện đến tận cùng rồi cũng ổn, nếu còn chưa ổn thì chưa phải tận cùng. Cuối đường hầm tối như mực, bạn hãy tin vẫn còn ánh sáng le lói ở đầu kia.

- Làm người hãy lấy sự chân thành mà đối đãi với nhau, hành xử hãy lấy thiện lương làm gốc. Cứ tùy duyên mà sống giữa đời. Người đối với ta tốt, ta biết ơn và đền đáp. Người đối đãi với ta chẳng tốt, ta cũng hãy mỉm cười bỏ qua. Thuận theo nhân duyên, một lòng hướng thiện, đãi người bằng tấm chân tình, bạn sẽ nhận ra cuộc sống này tràn đầy ý nghĩa và hạnh phúc.

Kết luận:

Sống trên đời không phải ai cũng có thể trở thành truyền thuyết Du Bá Nha và Chung Tử Kỳ có thể dùng âm điệu để thấu hiểu tâm tư nhau. Muốn người bên cạnh hiểu mình thì mình phải nói ra cho người đó biết mình nghĩ gì. Họ cũng như bạn, hỷ-nộ-ái-ố, muốn hiểu nhau thì phải chia sẻ. Lâu dài quen dần, sẽ quen thuộc với tính khí của nhau và từ đó chấp nhận và bao dung với những khiếm khuyết của nhau, bổ sung những chỗ còn thiếu sót, luật bù-trừ, có như vậy thì cuộc sống mới thuận hoà, như thuyền xuôi dòng thuận gió.

Lấy chân tình đáp lại sự chân thành, chớ hà có phải như "đàn gảy tai trâu", không đồng điệu, không thể đi chung đường.

Nơi mộ người cỏ vẫn chưa xanh
Ta tấu khúc Thiên thu trương hận
Tiếc thương ngươi - tri kỷ bạc phận
Gió thét gào, trời u ám kéo mây

Mùa thu năm trước, nhớ vẫn còn đây
Cao sơn lưu thủy - người thấu lòng ta nhất
"Tái ngộ năm sau", ngươi cười đầu nhẹ gật
Giang Tân hiện tại, mỗi ta - kẻ giữ lời
(Du Bá Nha khóc mộ Chung Tử Kỳ)
Tương tâm thi thủy thanh trần sát
Chuyển hải triều âm tỉnh mộng hồn
Reply
#98
Đoạn này hay :




"Làm người mê đừng mê quá sâu, mê quá sâu sẽ khó thức tỉnh. Lời đừng nói quá tận, nói tận rồi thì thương tổn nhau. Việc đừng quá tuyệt tình, tuyệt tình rồi khó có đường lui. Tình đừng đắm quá sâu, đắm chìm sâu càng khó thoát được. Lợi đừng coi quá nặng, đặt nặng rồi càng không sáng suốt."


Cheer
Vung cước tung hoành viện dưỡng lão
Thần quyền xưng bá trường mầm non
Reply
#99
(2021-06-22, 09:49 PM)RungHoang Wrote: Đoạn này hay :




"Làm người mê đừng mê quá sâu, mê quá sâu sẽ khó thức tỉnh. Lời đừng nói quá tận, nói tận rồi thì thương tổn nhau. Việc đừng quá tuyệt tình, tuyệt tình rồi khó có đường lui. Tình đừng đắm quá sâu, đắm chìm sâu càng khó thoát được. Lợi đừng coi quá nặng, đặt nặng rồi càng không sáng suốt."


Cheer

Đồng ý với bạn RH.

Cái khó là "đừng ... quá", hay nói đúng ra là biết "điểm dừng".

Cheer
Reply
Quote:"Làm người mê đừng mê quá sâu, mê quá sâu sẽ khó thức tỉnh. Lời đừng nói quá tận, nói tận rồi thì thương tổn nhau. Việc đừng quá tuyệt tình, tuyệt tình rồi khó có đường lui. Tình đừng đắm quá sâu, đắm chìm sâu càng khó thoát được. Lợi đừng coi quá nặng, đặt nặng rồi càng không sáng suốt."


Nếu nói thế thì TÌNH này bản chất vốn là không tốt và gây nguy hại cho mình. Và nếu thế thì TÌNH này dù ít cũng không tốt cho mình chứ đâu chờ đến phải đắm sâu làm chi. Vậy thì TÌNH này mang ý nghĩa gì theo người viết?

Còn nói về tình yêu nam nữ, chẳng hạn tôi và bạn gái thương yêu nhau, tôi thiệt bụng thiệt dạ thương em, thì tôi muốn làm cho em vui, em hạnh phúc thì cái tình này càng đậm đà thì càng tốt chứ, phải không?

Thí dụ, "Anh sẽ vì em làm thơ tình ái", thì chẳng lẻ lại giảm đô xuống làm thơ con cóc thì thấy quái dị lạ lùng. 2leluoi

Clinking-beer-mugs4
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
(2021-06-23, 03:59 PM)anattā Wrote: Nếu nói thế thì TÌNH này bản chất vốn là không tốt và gây nguy hại cho mình. Và nếu thế thì TÌNH này dù ít cũng không tốt cho mình chứ đâu chờ đến phải đắm sâu làm chi. Vậy thì TÌNH này mang ý nghĩa gì theo người viết?

Còn nói về tình yêu nam nữ, chẳng hạn tôi và bạn gái thương yêu nhau, tôi thiệt bụng thiệt dạ thương em, thì tôi muốn làm cho em vui, em hạnh phúc thì cái tình này càng đậm đà thì càng tốt chứ, phải không?

Thí dụ, "Anh sẽ vì em làm thơ tình ái", thì chẳng lẻ lại giảm đô xuống làm thơ con cóc thì thấy quái dị lạ lùng. 2leluoi

Clinking-beer-mugs4

Dạ Kỳ nghĩ ý của tác giả kg phải nói đến tình yêu sâu đậm thiết tha của những người yêu thương nhau thật sự, “deeply in love”.  Có thể tác giả muốn nói đến những tình cảm bi luỵ kg có kết quả, vì khi để bản thân lún quá sâu vào một vũng bùn thì khó mà buông bỏ rời khỏi được.   Shy
Kiếp luân hồi có sinh có diệt
Đời vô thường giả tạm hư không
Ngũ uẩn: “Sắc bất dị không”
An nhiên tự tại cho lòng thảnh thơi.
-CT-

願得一心人,
白頭不相離.
Reply
Đoạn trên nếu nhìn dưới con mắt của Đạo Giáo thì dể hiểu hơn. Mọi chuyện trên đời khi thái quá thì sẻ đi vào cái "cực", lúc ấy mất đi sự điều hợp, thì biến thành nguy hại.
Bản chất của tình yêu không xấu, nhưng nhiều người vì yêu quá đã trở nên ghen tương khờ dại làm cho gia đình mất hạnh phúc. Cũng có người yêu quá, xem đối phương là cả thế giới của mình, khi mất đi tình yêu thì nhãy lầu hoặc uống thuốc tự kết liễu sinh mạng. Cho nên, giữ sao được trung dung thì tốt cho thân và tâm, cực đoan sẻ mang đến sự huỹ diệt. Thuốc bỗ là tốt, uống quá liều cũng chết người .

Cheer
Vung cước tung hoành viện dưỡng lão
Thần quyền xưng bá trường mầm non
Reply
(2021-06-23, 09:15 PM)RungHoang Wrote: Đoạn trên nếu nhìn dưới con mắt của Đạo Giáo thì dể hiểu hơn. Mọi chuyện trên đời khi thái quá thì sẻ đi vào cái "cực", lúc ấy mất đi sự điều hợp, thì biến thành nguy hại.
Bản chất của tình yêu không xấu, nhưng nhiều người vì yêu quá đã trở nên ghen tương khờ dại làm cho gia đình mất hạnh phúc. Cũng có người yêu quá, xem đối phương là cả thế giới của mình, khi mất đi tình yêu thì nhãy lầu hoặc uống thuốc tự kết liễu sinh mạng. Cho nên, giữ sao được trung dung thì tốt cho thân và tâm, cực đoan sẻ mang đến sự huỹ diệt. Thuốc bỗ là tốt, uống quá liều cũng chết người .

Cheer

Chào bạn RungHoang,

Không sai, cái gì quá liều sẽ trở thành tiêu cực.
Tương tâm thi thủy thanh trần sát
Chuyển hải triều âm tỉnh mộng hồn
Reply
(2021-06-23, 03:59 PM)anattā Wrote: Nếu nói thế thì TÌNH này bản chất vốn là không tốt và gây nguy hại cho mình. Và nếu thế thì TÌNH này dù ít cũng không tốt cho mình chứ đâu chờ đến phải đắm sâu làm chi. Vậy thì TÌNH này mang ý nghĩa gì theo người viết?

Còn nói về tình yêu nam nữ, chẳng hạn tôi và bạn gái thương yêu nhau, tôi thiệt bụng thiệt dạ thương em, thì tôi muốn làm cho em vui, em hạnh phúc thì cái tình này càng đậm đà thì càng tốt chứ, phải không?

Thí dụ, "Anh sẽ vì em làm thơ tình ái", thì chẳng lẻ lại giảm đô xuống làm thơ con cóc thì thấy quái dị lạ lùng. 2leluoi

Clinking-beer-mugs4

Chào bạn anattā, 

Đa tạ nhận định chia sẻ của các hạ.
Tương tâm thi thủy thanh trần sát
Chuyển hải triều âm tỉnh mộng hồn
Reply
(2021-06-23, 06:30 PM)Lục Tuyết Kỳ Wrote: Dạ Kỳ nghĩ ý của tác giả kg phải nói đến tình yêu sâu đậm thiết tha của những người yêu thương nhau thật sự, “deeply in love”.  Có thể tác giả muốn nói đến những tình cảm bi luỵ kg có kết quả, vì khi để bản thân lún quá sâu vào một vũng bùn thì khó mà buông bỏ rời khỏi được.   Shy

Thân tặng tiểu cô nương:

Lũ kết đồng tâm sơn hải cố
Thụ thành liên lý địa thiên trường.
Tương tâm thi thủy thanh trần sát
Chuyển hải triều âm tỉnh mộng hồn
Reply