2021-08-05, 06:00 PM
(2021-08-04, 08:19 PM)Sophie Wrote: Anh anattā đã làm gì mà có đến cả núi sai lầm vậy?
Khi viết thì tôi tập trung suy nghĩ lướt qua về những gì mình hiểu và đã trải qua chút kinh nghiệm và gõ xuống, có lẽ do tập trung vào những ý nghĩ trong đầu nên viết "chúng ta... " trong câu mà bạn Sophie trích ra và hỏi. "Cái núi" là tôi muốn nói về độ lớn của Cái Ta, Self, hoặc Ego. Bởi vì có thể với anattā cảm nhận thì mình vẫn còn cả nguyên cái núi phiền não chình ình, tổ bố; và với những người khác thì có lẽ cái ta của họ chỉ như hòn non bộ hay là một chỏm đá nhỏ thôi.
Sai lầm và dính mắc là anattā nói về bản thân mình đã trải qua một thời gian dài trong quá khứ mấy mươi năm từ khi ra đời cho đến tuổi trung niên, đã ngộ nhận, sai lầm để rồi xây dựng kiến tạo cái Ngã, cái Tôi của mình một cách không mệt mỏi, nhiều khi còn tự hào nữa chứ. Và quá trình này đã làm khổ cho chính mình rất nhiều, mà nào đâu biết nguyên nhân. Hãy thử nghĩ trong mấy chục năm với những ý niệm, cảm nghĩ, tham vọng hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, hoặc hằng giây đã liên tục bồi đắp cái ngã của mình một cách sai lầm như vậy. Mỗi một ý nghĩ tham đắm, mỗi một cảm giác si mê giống như là từng viên đá, viên sỏi một, cứ vun bồi thì nó lớn cỡ quả núi là cũng còn mừng. Giả sử nó lớn bằng 4 cái núi bao chung quanh thì anattā chỉ còn nước ngồi ngắm mà thôi. :) Và khoảng bảy tám năm về trước, anattā mới chợt hiểu rằng mọi sự mọi vật là do duyên kết hợp mà thành, duyên hết thì vật tan, tức là: vạn vật là vô ngã. Không có cái gì là true-self or real-self (chân ngã, tự tính, chân tánh... bla bla bla...) ở trong thân tâm này.
Và sau khi hiểu được lẽ vô ngã như vậy, thì anattā bắt đầu tự thân cất bước, tìm học về chính mình. Mới thấy rằng mình đã chất chứa một núi sal lầm do tham đắm xây đắp cái ta, và dính mắc trầm trọng. Vậy thì chẳng còn còn đường lối hay cách thức nào khác hơn là hằng ngày chịu khó đổ mồ hôi sót con mắt mà đập cái núi này, và lượm từng mảnh đá vụn sai lầm dính mắc vào cái tôi mà mình đã vun đắp mà liệng bỏ đi. Lắm khi may mắn đập bể ra được một viên đá khá lớn bằng trái banh bóng rỗ thì có chút mừng, vui vui, nhưng nhìn lại thì thấy cái núi cũng còn sừng sững giữa trời gió lộng thì quả là hơi ngán. Ngán thì ngán, nhưng cũng phải hì hục đập núi tiếp, nếu không nó sẽ tự bồi đắp lại thì càng oải nữa. Nhiều khi mệt quá, thì anattā nghỉ xả hơi một chút và ngâm mấy câu thơ này (có thay đổi một chút):
anattā đập núi đá Ta
Mệt,
Ngồi nghỉ bên hàng dậu mồng tơi.
Cuộc đời này thật buồn.
Vậy thì bạn Sophie biết được tôi đã làm hay nghĩ gì sai lầm rồi, phải không?
Đôi khi ghé vào thread của bạn Sophie và thấy Sophie viết những suy tư và đôi khi tự nêu nghi vấn đôi điều về con đường tìm hiểu nội tâm (theo K), nên
anattā vào viết vài lời cổ động chân thành để bạn tự tin hơn. Go ahead!
Bạn Sophie muốn một sự tự do mới? Một ngày nào đó không xa thì tình cờ khi bạn Sophie quan sát, chú tâm trên một chiếc lá, thì thấy được đời sống hoạt động bên trong chiếc lá, màu sắc lung linh, và rồi thấy cả thế giới trong đó, vì mọi vật đều có tương quan (relations, conditions), vậy có thể gọi là một sự tự do khám phá mới không? Cách nay mấy thế kỷ, nhà thơ thần bí học người Anh dường như đã tình cờ thể nghiệm được một lần, hoặc là do công phu ông đã đào luyện mà thấy được, và viết ra những vần thơ này:
Dịch xuôi:
Nhìn vũ trụ trong một hạt cát
Và thiên đàng trong một cành hoa hoang dại
Nắm giữ vô tận trong lòng bàn tay
Và vĩnh cửu trong phút giây
Dịch thơ:
Trong hạt cát ta ngắm nhìn vũ trụ
Nhìn thiên đàng giữa hoa dại hoang sơ
Ôi thiên thu lắng đọng chỉ một giờ
Giữ vô tận trong bàn tay bé nhỏ
Thơ William Blake
(Bản dịch thơ của Lê Cao Bằng, Calgary, Canada)Muốn được cái thấy như vậy thì không có cách nào hơn là... tập quan sát, chú tâm được phút nào hay phút nấy, được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Tích tiểu thành đại, dần dà sự chú tâm đủ mạnh mẽ thì có thể thấy được. Mà thấy được như vậy chưa hẳn là làm cái ta mình nhỏ bớt, trái lại cũng không chừng, vì mình thấy được cái người khác không thấy, vô tình hay hữu ý cái ngã mình nó phồng lên mà mình vô tâm không biết. Cho nên, phải cẩn trọng khi tìm học về tâm trí mình và sở đắc được cái gì đó.
...
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore