Định Hướng Trước Thềm Năm Mới
#16
3. Tiếp nhận tình yêu của Chúa, đời sống sẽ có mục đích và ý nghĩa

Có người đã nói, đời sống chỉ có ý nghĩa khi chúng ta biết mình sống để làm gì và chết mình sẽ đi về đâu. Khi chúng ta tiếp nhận tình yêu của Chúa và trở nên môn đồ của Ngài, chúng ta sẽ tìm thấy mục đích và ý nghĩa của đời sống. Chúng ta không sống cho chính mình nhưng sống cho Chúa và người chung quanh. Sứ đồ Phao-lô viết:

Chúa Cứu Thế đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình (Thư II Cô-rinh-tô 5:15,).

Nếu chúng ta chỉ sống cho mình, tích lũy của cải cho mình và đặt hy vọng vào đời tạm này, đến hồi chung kết cuộc đời chúng ta sẽ lo sợ và tuyệt vọng. Trái lại, nếu chúng ta sống cho người khác, sống cho Chúa và tìm kiếm những giá trị trường tồn, khi đối diện với cái chết, chúng ta sẽ bình an, vì biết điều gì đang chờ đón chúng ta. Cách đây khoảng mười năm, một người bạn Mỹ của chúng tôi bị ung thư. Bác sĩ cho biết bà chỉ sống được vài tháng nữa. Khi chúng tôi đến thăm, thấy bà ốm yếu, tiều tụy, như một ngọn đèn sắp tắt. Trong khi chúng tôi không biết nói lời gì để an ủi bà thì bà nói một câu mà chúng tôi không bao giờ quên. Bà nói: Tôi không buồn, không lo sợ về tình trạng của mình. Đây là lễ Tạ Ơn cuối cùng của tôi trên đời này, đến Giáng Sinh là tôi đã được về Nước Chúa, tôi sẽ được gặp Chúa Cứu Thế Giê-xu là Đấng tôi yêu kính, tôn thờ suốt cả cuộc đời. Tôi sung sướng đón chờ ngày đó. Và đúng như thế, bà bạn của chúng tôi đã về nước Chúa trước lễ Giáng Sinh. Khi chúng ta tiếp nhận tình yêu của Chúa, chúng ta sẽ được làm con của Chúa. Chúng ta cũng vẫn đối diện với sinh lão bệnh tử, nhưng chúng ta không cô đơn, buồn chán hay tuyệt vọng vì biết rằng có Chúa luôn đi bên cạnh, dìu dắt cuộc đời mình. Người tin Chúa cũng biết rằng khi từ giã đời tạm này, mình sẽ được sống yên vui phước hạnh đời đời bên cạnh Chúa trong vương quốc của Ngài. Đây là cái nhìn của người tìm thấy ý nghĩa đích thực của đời sống.

N Minh , Trình bày .
Reply
#17
Hay Thương Xót - Có Lòng Trong Sạch .

Ngày xưa đi học, chúng ta được dạy: “Thấy người hoạn nạn thì thương…” Thật ra thì không được dạy, tự nhiên trong chúng ta ai cũng có tình thương. Thấy người sống trong những hoàn cảnh đáng thương như nghèo đói, bệnh tật mà không động lòng trắc ẩn thì thật là thiếu tình người. Vì vậy khi đọc lời dạy sau đây của Chúa Giê-xu, một số người cho rằng đây là một lời dạy không cần thiết cho lắm, vì ai ở đời cũng đã biết điều nầy. Chúa dạy:

Phước cho những kẻ hay thương xót vì sẽ được thương xót (Phúc Âm Ma-thi-ơ 5:7)

Mới đọc câu nầy, chúng ta thấy hình như có một sự đổi chác: có lòng thương thì mới được thương lại. Thật ra đây là lời dạy đi chung với những lời dạy khác chúng ta đã tìm hiểu trong những bài trước. Chúa Giê-xu đang nói về những bước theo Chúa. Người theo Chúa là người trước hết ý thức được tính cách băng hoại tâm linh của mình. Kế đó, người ấy ăn năn, than khóc về tội lỗi. Bước thứ ba, người ấy mềm lòng, khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa, rồi người ấy mong ước đức công chính của Thiên Chúa được thực hiện. Bước thứ năm, trong mối quan hệ với người, người ấy thấy thân phận của mình cũng chẳng hơn gì thân phận của người khác, do đó người ấy động lòng trắc ẩn với những người đồng cảnh ngộ.

Chúa Giê-xu đã kể câu chuyện sau đây cho chúng ta thấy rõ vấn đề nầy hơn. Chúa nói về hai người mắc nợ. Một người mắc một món nợ kết sù, bán hết gia tài điền sản cũng không đủ để trả nợ. Người nầy không có tiền để trả nên đã van nài với chủ nợ và chủ đã tha hết mọi món nợ. Người nầy có một người bạn mắc nợ mình vài trăm bạc, nhưng người ấy đã nhất quyết bắt bạn phải trả cho xong món nợ dù người bạn đã hết lòng van nài xin bạn khuất cho mình. Người chủ nợ nghe tin, đã bắt người bạn thiếu tình thương kia, cho giam vào ngục đến khi người ấy trả xong nợ mới thôi.
Reply
#18
Đây là câu chuyện cho thấy ý nghĩa của câu: “Phước cho những kẻ hay thương xót vì sẽ được thương xót!” Người ý thức cảnh ngộ tuyệt vọng của mình, mang trên người món nợ không bao giờ trả nổi sẽ biết thương người cùng mang nợ như mình. Thiếu ý thức về số phận hẩm hiu của mình, chúng ta sẽ khó động lòng trắc ẩn trước những khổ đau của người khác. Người đã hưởng được ơn thương xót, sẽ thật sự biết thương xót người khác. Đó là ý nghĩa lời dạy của Chúa Giê-xu.

Ý thức tình trạng tội lỗi của mình, biết rằng mình không xứng đáng nhận ân huệ của Chúa, chúng ta sẽ có thể xử sự với người khác với nhiều thông cảm, biết cách thương người như Chúa đã thương mình. Có thể nói người không biết thương người là người chưa thật sự kinh nghiệm tình thương Chúa dành cho mình. Nhớ rằng mình tội lỗi xấu xa mà Chúa còn thương, chúng ta sẽ yêu thương và thông cảm với người khác dẽ dàng hơn và khi thương người như vậy, Chúa sẽ tiếp tục gia tăng tình thương của Ngài cho chúng ta. Đây không phải là một sự đổi chác nhưng là kết quả tất nhiên của một tâm hồn biết thông cảm, biết thương người. Biết rõ tình thương Chúa dành cho mình, ta sẽ yêu thương người khác dễ dàng hơn và tự nhiên ơn lành của Chúa sẽ càng chan hòa trên đời sống của chúng ta.

:rose4:
Reply
#19
Chúa Giê-xu nói  :phước cho người có lòng khó nghèo, phước cho người than khóc, phước cho người khiêm nhu, phước cho người đói khát về công chính, phước cho người có lòng nhân. Hạnh phúc thứ sáu, Chúa Giê-xu phán:

Phước cho kẻ có lòng trong sạch vì sẽ thấy Đức Chúa Trời (Phúc Âm Ma-thi-ơ 5:8)

Thế nào là trong sạch? Trong sạch dĩ nhiên là ngược lại với dơ bẩn, nhưng chữ trong sạch cũng có nghĩa thuần khiết, tinh ròng, như mật nguyên chất, như vàng y, không pha với kim loại nào khác. Trong sạch cũng hàm ý được thanh lọc như thóc lúa được xay, được giã, được sàng sảy, không còn rơm hay trấu.

Tất cả những ý nghĩa nầy cho thấy trong sạch là thuần khiết, được thanh tẩy, luyện lọc kỹ càng. Nhưng đây không phải là trong sạch bề ngoài mà là từ bên trong. Chúa Giê-xu nhấn mạnh: “Phước cho những kẻ có LÒNG trong sạch.” Lòng trong sạch nghĩa là trong sạch thật sự, trong sạch từ bên trong chứ không phải chỉ có lớp vỏ đạo đức. Chúa Giê-xu nhấn mạnh đến tấm lòng vì đó là nơi chi phối mọi hoạt động của con người. Chúa dạy: “Từ nơi lòng mà ra những ác tưởng, những tội giết người, tà dâm, dâm dục, trộm cướp, làm chứng dối và lộng ngôn.” Lòng người là nơi cần được thanh tẩy trước nhất. Con người chỉ thấy bên ngoài. Nhưng Thiên Chúa thấu suốt tâm hồn chúng ta, chúng ta không thể giả vờ trong sạch bề ngoài được. Ngày xưa Chúa đã quở những người đạo đức giả là mồ mã tô trắng bên ngoài còn bên trong đầy xương người chết! Trong sạch từ bên trong đó là điều ta cần hơn cả.
Reply
#20
Người có lòng trong sạch được hứa là sẽ thấy Đức Chúa Trời. Thiên Chúa Thánh khiết, không ai trong chúng ta diện kiến được, nhưng người có tâm hồn trong sạch sẽ được trông thấy Chúa. Trông thấy là ý thức được sự hiện diện của Chúa mỗi ngày trong đời sống bằng đức tin của chúng ta. “Thấy Đức Chúa Trời” cũng có nghĩa là chúng ta được sống mãi mãi với Chúa chiêm ngưỡng Ngài đời đời trong cõi vĩnh hằng.

Người thường nhìn lên bầu trời ban đêm chỉ thấy chi chít những vì sao. Cũng bầu trời đó, đối với nhà thiên văn là những hành tinh, những chòm sao với vị trí và khoảng cách. Những người đi biển nhìn lên bầu trời đó biết được phương hướng để đi. Cùng một bầu trời mà mỗi người thấy một khác tùy theo khả năng. Ta chỉ có khả năng trông thấy Chúa khi tâm hồn ta trong sạch. Và ngược lại, trông thấy Thiên Chúa, ý thức sự hiện diện của Ngài chính là yếu tố giúp ta sống trong sạch.

Trong sạch là điều thế giới nầy cần hơn cả. Hơn lúc nào hết, ô dơ bẩn thỉu đã đi thật sâu vào mọi lãnh vực của đời sống, từ chính trị đến tôn giáo, từ học đường đến nơi làm việc. Những sự thật ghê tởm được phanh phui làm người ta nghi ngờ tất cả.

Khuất Nguyên ngày xưa nói: “Cả đời đục, một mình ta trong, cả đời say, một mình ta tỉnh. Đây là một câu nói tự phụ vì ở đời nầy có ai trong sạch hoàn toàn đâu! Tuy nhiên dù không nói được: “Cả đời đục, một mình ta trong, cả đời say một mình ta tỉnh,” ít nhất ta cũng nói được rằng: “Cả đời đục ta phải làm cho trong, cả đời say, ta phải làm cho tỉnh!” Dĩ nhiên tự sức ta không thể làm được, chỉ một mình Thiên Chúa đã vào đời chịu chết cho chúng ta mới có thể thanh tẩy tội lỗi chúng ta và giúp chúng ta sống một đời trong sạch.

Bạn muốn sống hạnh phúc trên đời không? Một trong những hạnh phúc đó là sống trong sạch, trong sạch từ bên trong. Sống trong sạch tâm hồn ta sẽ thấy được Thiên Chúa, một dung nhan đẹp đẽ mà chỉ những người có lòng trong sạch mới được chiêm ngưỡng.

Mục sư Nguyễn Thỉ
Reply