2022-05-29, 02:24 PM
THÁNG TƯ, NHỚ MÌ GÓI…
VŨ THẾ THÀNH
Tháng tư và mì gói nào có liên quan gì với nhau. Tháng tư năm 75 chỉ là cột mốc, thoắt chốc mì gói đã trở thành sơn hào hải vị trong các bữa ăn của người dân Sài Gòn.
Những năm sau 75, con đường vương bá của mì gói bất ngờ nổi lên. Miền Tây là vựa lúa mà Sài Gòn thiếu gạo mới đau, dù chiến tranh đã trôi qua vài năm rồi. Mỗi tháng tiêu chuẩn gạo của kỹ sư như tôi được 13 kg. Gạo thiếu, thay một phần gạo bằng mì gói. Một kg gạo quy thành sáu gói mì, và chỉ một kg gạo được quy đổi thành mì gói thôi, còn lại là những lương thực độn khác như bo bo, bột mì, khoai sắn. Rồi đến lúc bao bì gói mì cũng không đủ, cho mì vụn vào túi nylon đóng bao nửa kg.
Mì vụn hay không, không thành vấn đề, vì trước sau mì cũng được bóp vụn để nấu canh. Tô canh bành ky, mì vụn lõng bõng. Gói bột nêm đi kèm trở nên thần thánh. Có ai ngờ nổi?
Rồì mì gói bị đổi tên thành “mì ăn liền”. Ai đầu têu đổi tên mì gói? – Tôi không biết, nhưng chữ “mì ăn liền” nhanh chóng trở thành tiếng lóng mang nghĩa “chụp giựt” trong một xã hội… “mì ăn liền”. Bây giờ tiếng lóng này vẫn còn thông dụng.
Tôi không nhớ mì gói có mặt ở miền Nam từ hồi nào, có lẽ cuối thập niên 60 hay đầu 70. Hồi đó thức khuya học thi, làm một tô mì gói thì cái đầu trở nên sáng suốt lạ thường.
Hình như chỉ có hai hãng sản xuất mì gói, mì Vị Hương Tố nổi trội hơn so với mì Colusa. Nổi trội hơn chỉ vì dễ mua, đến tiệm chạp phô gần nhà, có thứ nào mua thứ đó. Cũng đôi lần tôi nếm thử mì gói Đại Hàn, vị lạ và cay, nhưng tôi vẫn thích mì gói Hai Tôm hơn.
Thiệt tình, tôi cũng chẳng bao giờ đặt câu hỏi trong đầu về mức dinh dưỡng của mì gói. Đơn giản, đó là món ăn vặt. Nấu mì gói nhanh lẹ hơn hơn chiên cơm. Đêm hôm học thi, thời gian đâu mà bày vẽ nấu nướng, hơn nữa mùi vị của tô mì gói cũng đậm đà, dễ chịu, và dễ…nuốt.
Rồi đến thời khó khăn, cái thời mà có nhà khoa học hùng biện trên báo, rau muống bổ hơn thịt bò. Mẹ tôi không tin – Bà già bán xôi mù chữ không tin nhà khoa học. Còn tôi, như bao người trong nước thưở đó, ăn để tồn tại thì mì gói, bo bo , khoai sắn gì cũng như nhau, để ý làm chi đến chuyện dinh dưỡng. Mà chẳng phải mì gói đang được tôn vinh thành món canh vương bá đấy sao?
Ít ai biết mì gói còn là món mồi đưa cay rất… tới. Mì gói đưa cay làm tôi nhớ đến chuyện liều lĩnh, bạt mạng một thời.
Hồi đó tôi đang làm ở một Trung tâm nghiên cứu, thỉnh thoảng xuống phòng thằng bạn, cùng trường nhưng khác khoa, nói chuyện đời. Thằng này giỏi tử vi, nó gần như thuộc lòng quyển “Tử vi đẩu số” của Nguyễn Phát Lộc, còn tôi chỉ mới biết xem chập chững. Tôi không tin chuyện bói toán, bây giờ vẫn không tin, nhưng thời buổi khi đó nhiều nỗi hoang mang, bế tắc, nên cũng tập tành coi tử vi chơi, để xem đời mình lắm rệp cỡ nào.
Có hôm hai thằng luận tử vi, từ 3 giờ đến 6 -7 giờ chiều vẫn chưa mãn cuộc. Nó “phán” (tôi nhớ đại khái), số mày, Mệnh, tử phủ vũ tướng – Quan, hóa khoa, xương khúc hồng đào đủ cả. Nhưng tất cả đều ngộ Không- Kiếp, Hóa kỵ. Số mày, làm vua thì đi tu, làm quan thì đi tù… Tôi bật cười ha hả – nói, Điều tao muốn biết là, tao có số đi nước ngoài hay không thôi. Dẹp cung Mệnh- Thân- Quan lộc gì đó qua một bên, luận cung Thiên Di cho kỹ. Đi không được thì ở đây Thân-Mệnh cũng chẳng nghĩa lý gì.
Câu chuyện tới hồi gay cấn, thằng bạn chợt hỏi, Có chút gì để mềm môi không? Tôi lắc đầu, cuối tháng, túi thằng nào cũng rỗng. “Thầy” lại gật gù, Liệu có thể lên phòng lab pha chế ra thứ gì đó nhâm nhi không? Thằng bạn gốc nhà trâm anh thế phiệt, nên lúc nào cũng nói năng thủng thỉnh. Tôi ngẫm nghĩ, phòng lab dĩ nhiên có đủ thứ hóa chất tinh khiết, có thể “sáng tạo” được. Tôi trả lời, Đợi đấy!
Tôi vào phòng thí nghiệm, lấy chai ethanol 96 độ, tự nhủ, tinh khiết tới cỡ này chắc không đến nỗi…. Rót ethanol vào bình erlenmeyer (loại bình có thể lắc để trộn dung dịch), pha loãng với nước cất để còn 30 độ. Chưa hết, cho thêm chút đường dextrose (tương tự như đường glucose) để có chút đậm đà, rồi vài lát chanh nữa.
Tôi mang rượu xuống, cùng với một dĩa mì gói bóp vụn, vắt vài giọt chanh. Thiệt bất ngờ, bắt mồi không thể tả. Từ rượu tới mồi, tất cả đều tinh khiết để luận tử vi với cung Thiên Di thần thánh.
Trẻ người non dạ, tôi đã không ý thức được rằng, cồn trong phòng thí nghiệm, dù tinh khiết 96 độ, cũng chỉ là cồn công nghiệp, không phải cồn thực phẩm. Vậy mà mà hai thằng cũng chia nhau cạn hết nửa lít, không bị ngộ độc methanol thì đúng là trời độ. Ngẫm lại, chẳng có cái dại nào giống dại nào.
Mì gói thời gian khổ trở thành sơn hào hải vị. Bữa cơm trong nhà có khi chỉ là tô canh mì gói, một trái hột vịt luộc dầm nước mắm loãng, pha chút gia vị mì gói. Vậy mà chỉ chan canh, còn hột vịt thì “tế nhị” nhường nhau, ưu tiên người già con nít.
Chừng 20 năm sau này, mì gói “nâng cấp” trở thành món ăn thường xuyên của sinh viên, lao động nghèo, và tiện lợi làm hàng cứu trợ. Mới đây tôi còn chứng kiến một em sinh viên ăn một lúc hai gói mì. Khỏi cần chất đạm chi cho đỏ da thắm thịt, chỉ cần chất bột chất béo, ăn mì gói như thế thì no lâu, phải thế không em, những tiềm năng của đất nước? Hai trăm gói mì trị giá bằng một tô phở bò Kobe.
Năm ngoái, Sài Gòn mắc đại dịch thê thảm, cả 3-4 tháng bị phong tỏa tuyệt đối, nhà nào biết nhà nấy. Rau quả thịt cá không mua được, mì gói trở thành món ăn cầm cự để tồn tại của dân Sài Gòn. Nhiều nhân viên y tế cũng ăn mì gói để dằn bụng cho qua ca trực đêm. Vậy mà lại bùng lên vụ mì gói có chứa chất gây ung thư ethylen oxide (EO). Hầu hết các nước trên thế giới kể cả Mỹ, Nhật, Canada… đều cho phép xài chất EO, chỉ có EU là cấm. Khác biệt quan điểm về an toàn thực phẩm giữa các quốc gia là chuyện thường. Nhưng vài KOLs, không chút kiến thức về an toàn thực phẩm, hay về luật chơi xuất khẩu đã nhảy lên facebook hùng hồn khuyến cáo…
Sáng nay tôi vào tiệm phở. Bàn bên cạnh là đôi vợ chồng trẻ và đứa con chừng 6-7 tuổi. Cả cha lẫn mẹ đều thay phiên nhau, vừa dụ ngọt, vừa đút phở cho con. Còn thằng nhỏ vừa hờ hững há miệng, vừa nhìn vào smart phone chơi game.
Tôi bỗng nhớ tuổi thơ của mình, phải giả vờ ốm mới được mẹ cho ăn phở. Tôi nhớ tô canh mì gói bóp vụn, nhớ quả trứng luộc chia năm xẻ bẩy, nhớ cả những năm tháng gian khổ mà sao đâu đó vẫn còn chút tình người thật mặn.
Mì gói ăn vặt, mì gói lên hương, mì gói cứu trợ, rồi mì gói tai bay vạ gió với đủ thứ chuyện buồn vui của đời người. Mì gói của một thời như thế đó, làm sao quên được!
VŨ THẾ THÀNH
Tháng tư và mì gói nào có liên quan gì với nhau. Tháng tư năm 75 chỉ là cột mốc, thoắt chốc mì gói đã trở thành sơn hào hải vị trong các bữa ăn của người dân Sài Gòn.
Những năm sau 75, con đường vương bá của mì gói bất ngờ nổi lên. Miền Tây là vựa lúa mà Sài Gòn thiếu gạo mới đau, dù chiến tranh đã trôi qua vài năm rồi. Mỗi tháng tiêu chuẩn gạo của kỹ sư như tôi được 13 kg. Gạo thiếu, thay một phần gạo bằng mì gói. Một kg gạo quy thành sáu gói mì, và chỉ một kg gạo được quy đổi thành mì gói thôi, còn lại là những lương thực độn khác như bo bo, bột mì, khoai sắn. Rồi đến lúc bao bì gói mì cũng không đủ, cho mì vụn vào túi nylon đóng bao nửa kg.
Mì vụn hay không, không thành vấn đề, vì trước sau mì cũng được bóp vụn để nấu canh. Tô canh bành ky, mì vụn lõng bõng. Gói bột nêm đi kèm trở nên thần thánh. Có ai ngờ nổi?
Rồì mì gói bị đổi tên thành “mì ăn liền”. Ai đầu têu đổi tên mì gói? – Tôi không biết, nhưng chữ “mì ăn liền” nhanh chóng trở thành tiếng lóng mang nghĩa “chụp giựt” trong một xã hội… “mì ăn liền”. Bây giờ tiếng lóng này vẫn còn thông dụng.
Tôi không nhớ mì gói có mặt ở miền Nam từ hồi nào, có lẽ cuối thập niên 60 hay đầu 70. Hồi đó thức khuya học thi, làm một tô mì gói thì cái đầu trở nên sáng suốt lạ thường.
Hình như chỉ có hai hãng sản xuất mì gói, mì Vị Hương Tố nổi trội hơn so với mì Colusa. Nổi trội hơn chỉ vì dễ mua, đến tiệm chạp phô gần nhà, có thứ nào mua thứ đó. Cũng đôi lần tôi nếm thử mì gói Đại Hàn, vị lạ và cay, nhưng tôi vẫn thích mì gói Hai Tôm hơn.
Thiệt tình, tôi cũng chẳng bao giờ đặt câu hỏi trong đầu về mức dinh dưỡng của mì gói. Đơn giản, đó là món ăn vặt. Nấu mì gói nhanh lẹ hơn hơn chiên cơm. Đêm hôm học thi, thời gian đâu mà bày vẽ nấu nướng, hơn nữa mùi vị của tô mì gói cũng đậm đà, dễ chịu, và dễ…nuốt.
Rồi đến thời khó khăn, cái thời mà có nhà khoa học hùng biện trên báo, rau muống bổ hơn thịt bò. Mẹ tôi không tin – Bà già bán xôi mù chữ không tin nhà khoa học. Còn tôi, như bao người trong nước thưở đó, ăn để tồn tại thì mì gói, bo bo , khoai sắn gì cũng như nhau, để ý làm chi đến chuyện dinh dưỡng. Mà chẳng phải mì gói đang được tôn vinh thành món canh vương bá đấy sao?
Ít ai biết mì gói còn là món mồi đưa cay rất… tới. Mì gói đưa cay làm tôi nhớ đến chuyện liều lĩnh, bạt mạng một thời.
Hồi đó tôi đang làm ở một Trung tâm nghiên cứu, thỉnh thoảng xuống phòng thằng bạn, cùng trường nhưng khác khoa, nói chuyện đời. Thằng này giỏi tử vi, nó gần như thuộc lòng quyển “Tử vi đẩu số” của Nguyễn Phát Lộc, còn tôi chỉ mới biết xem chập chững. Tôi không tin chuyện bói toán, bây giờ vẫn không tin, nhưng thời buổi khi đó nhiều nỗi hoang mang, bế tắc, nên cũng tập tành coi tử vi chơi, để xem đời mình lắm rệp cỡ nào.
Có hôm hai thằng luận tử vi, từ 3 giờ đến 6 -7 giờ chiều vẫn chưa mãn cuộc. Nó “phán” (tôi nhớ đại khái), số mày, Mệnh, tử phủ vũ tướng – Quan, hóa khoa, xương khúc hồng đào đủ cả. Nhưng tất cả đều ngộ Không- Kiếp, Hóa kỵ. Số mày, làm vua thì đi tu, làm quan thì đi tù… Tôi bật cười ha hả – nói, Điều tao muốn biết là, tao có số đi nước ngoài hay không thôi. Dẹp cung Mệnh- Thân- Quan lộc gì đó qua một bên, luận cung Thiên Di cho kỹ. Đi không được thì ở đây Thân-Mệnh cũng chẳng nghĩa lý gì.
Câu chuyện tới hồi gay cấn, thằng bạn chợt hỏi, Có chút gì để mềm môi không? Tôi lắc đầu, cuối tháng, túi thằng nào cũng rỗng. “Thầy” lại gật gù, Liệu có thể lên phòng lab pha chế ra thứ gì đó nhâm nhi không? Thằng bạn gốc nhà trâm anh thế phiệt, nên lúc nào cũng nói năng thủng thỉnh. Tôi ngẫm nghĩ, phòng lab dĩ nhiên có đủ thứ hóa chất tinh khiết, có thể “sáng tạo” được. Tôi trả lời, Đợi đấy!
Tôi vào phòng thí nghiệm, lấy chai ethanol 96 độ, tự nhủ, tinh khiết tới cỡ này chắc không đến nỗi…. Rót ethanol vào bình erlenmeyer (loại bình có thể lắc để trộn dung dịch), pha loãng với nước cất để còn 30 độ. Chưa hết, cho thêm chút đường dextrose (tương tự như đường glucose) để có chút đậm đà, rồi vài lát chanh nữa.
Tôi mang rượu xuống, cùng với một dĩa mì gói bóp vụn, vắt vài giọt chanh. Thiệt bất ngờ, bắt mồi không thể tả. Từ rượu tới mồi, tất cả đều tinh khiết để luận tử vi với cung Thiên Di thần thánh.
Trẻ người non dạ, tôi đã không ý thức được rằng, cồn trong phòng thí nghiệm, dù tinh khiết 96 độ, cũng chỉ là cồn công nghiệp, không phải cồn thực phẩm. Vậy mà mà hai thằng cũng chia nhau cạn hết nửa lít, không bị ngộ độc methanol thì đúng là trời độ. Ngẫm lại, chẳng có cái dại nào giống dại nào.
Mì gói thời gian khổ trở thành sơn hào hải vị. Bữa cơm trong nhà có khi chỉ là tô canh mì gói, một trái hột vịt luộc dầm nước mắm loãng, pha chút gia vị mì gói. Vậy mà chỉ chan canh, còn hột vịt thì “tế nhị” nhường nhau, ưu tiên người già con nít.
Chừng 20 năm sau này, mì gói “nâng cấp” trở thành món ăn thường xuyên của sinh viên, lao động nghèo, và tiện lợi làm hàng cứu trợ. Mới đây tôi còn chứng kiến một em sinh viên ăn một lúc hai gói mì. Khỏi cần chất đạm chi cho đỏ da thắm thịt, chỉ cần chất bột chất béo, ăn mì gói như thế thì no lâu, phải thế không em, những tiềm năng của đất nước? Hai trăm gói mì trị giá bằng một tô phở bò Kobe.
Năm ngoái, Sài Gòn mắc đại dịch thê thảm, cả 3-4 tháng bị phong tỏa tuyệt đối, nhà nào biết nhà nấy. Rau quả thịt cá không mua được, mì gói trở thành món ăn cầm cự để tồn tại của dân Sài Gòn. Nhiều nhân viên y tế cũng ăn mì gói để dằn bụng cho qua ca trực đêm. Vậy mà lại bùng lên vụ mì gói có chứa chất gây ung thư ethylen oxide (EO). Hầu hết các nước trên thế giới kể cả Mỹ, Nhật, Canada… đều cho phép xài chất EO, chỉ có EU là cấm. Khác biệt quan điểm về an toàn thực phẩm giữa các quốc gia là chuyện thường. Nhưng vài KOLs, không chút kiến thức về an toàn thực phẩm, hay về luật chơi xuất khẩu đã nhảy lên facebook hùng hồn khuyến cáo…
Sáng nay tôi vào tiệm phở. Bàn bên cạnh là đôi vợ chồng trẻ và đứa con chừng 6-7 tuổi. Cả cha lẫn mẹ đều thay phiên nhau, vừa dụ ngọt, vừa đút phở cho con. Còn thằng nhỏ vừa hờ hững há miệng, vừa nhìn vào smart phone chơi game.
Tôi bỗng nhớ tuổi thơ của mình, phải giả vờ ốm mới được mẹ cho ăn phở. Tôi nhớ tô canh mì gói bóp vụn, nhớ quả trứng luộc chia năm xẻ bẩy, nhớ cả những năm tháng gian khổ mà sao đâu đó vẫn còn chút tình người thật mặn.
Mì gói ăn vặt, mì gói lên hương, mì gói cứu trợ, rồi mì gói tai bay vạ gió với đủ thứ chuyện buồn vui của đời người. Mì gói của một thời như thế đó, làm sao quên được!