2021-12-18, 07:05 PM
Gió qua thềm
Trần Lệ Thường
Hết giờ làm việc. Tôi vừa bước ra ngoài cửa công ty đã thấy người đàn ông ấy đứng đợi. Mặt tôi sa sầm xuống khi ông ta đi đến bên tôi. “Yên! Ba nói chuyện với con một lát đi”. “Không có gì để nói hết”- Tôi nói câu này lần trước cách nay cũng hơn một tháng rồi. Thỉnh thoảng ông ấy lại tìm tôi hoặc gọi điện thoại. “Ngày mai sinh nhật Vũ Bão, con đưa em đến gặp ba một lát đi. Ba muốn mừng sinh nhật nó”. Nhếch mép cười nhạt, không nhìn ông, tôi bỏ đi. Giờ tan tầm, đường đông người, tôi len vào dòng người, lòng thấy dửng dưng.
Về gần đến nhà tôi đã thấy má ngồi trên bậc thềm, tóc rối bời buột hững hờ sau gáy. Gió thổi những sợi tóc bay phủ lên mặt, lấp ló một đôi mắt thất thần. Tim tôi thắt lại đau nhói. Cơn đau hơn hai mươi năm trời đeo đẳng không rời. “Gió lớn quá má ngồi ở đây làm gì?”- Tôi vén mấy sợi tóc lòa xòa trên mặt má. Má cười ngây ngô, bày những chiếc răng ố vàng: “Đợi Yên!”. “Con về rồi nè!”. Tôi ngồi xuống cạnh bên, nắm bàn tay má. Bàn tay gầy guộc xanh xao. Chiều nào má cũng ngồi ở đây đợi tôi đi làm về, nghịch với mấy chiếc lá bàng đỏ rụng ngoài đường. Gió lớn lá rơi nhiều lắm.
Thằng Vũ Bão trong nhà chạy ra chân khập khiễng, tay cầm chiếc bong bóng đỏ. Nó vấp té, chiếc bong bóng bể “Bụp!”, miệng nó méo xệch rồi bật ra tiếng khóc. Nó đã hơn hai mươi tuổi. Vậy mà vẫn như đứa trẻ con. Khi má có mang nó, ba cặp kè với người đàn bà khác đi thâu đêm đến sáng. Má ghen tuông rình rập đến bỏ cả việc làm, nói nói cười cười vô ý thức, Vũ Bão chào đời với gương mặt đần độn, và cái đầu của một đứa trẻ không bao giờ trưởng thành. Tôi tên Yên, còn nó đã được chọn sẵn cái tên khi còn trong bụng là Bình. Trước thảm kịch gia đình tôi, ông bà ngoại đặt tên nó Vũ Bão. Tôi đỡ nó đứng lên, lau nước mắt trên khuôn mặt ngờ nghệch, tôi năn nỉ hứa hẹn một hồi lâu nó mới nín khóc. Má nhặt chiếc bong bóng bể lên, cho vào miệng mút thành những cái bóng nhỏ bằng đầu ngón tay rồi buộc lại như một chùm nho. Ngày còn nhỏ tôi cũng đã từng chơi như vậy. Vũ Bão thích quá giành lấy. “Cho Vũ Bão đi má”. Má không bằng lòng nhưng thấy nó sắp khóc và nghe tôi năn nỉ má đành phải đưa cho nó. Chúng tôi cùng ngồi trên thềm nhà nhìn ra đường, hàng cây bàng bên lề đường lá đã đỏ hết. Bên này là má, bên kia là Vũ Bão, hai người mà tôi thấy mình phải có trách nhiệm đến hết một đời.
Ba tuổi, tôi được ông bà ngoại đón về cùng với má và em tôi. Lúc ấy Vũ Bão vừa chào đời, ông bà tuyệt đối không cho ba bén mảng đến nhà hay gặp gỡ chị em tôi. Ba thỉnh thoảng đến trường gặp tôi, đưa đi chơi, mua quà bánh. Tôi còn quá nhỏ để hiểu chuyện gì đã xảy ra trong gia đình. Tôi hớn hở mang đồ chơi về nhà khoe với mọi người. Dì Ba đã đánh tôi và mắng nhiếc ba thậm tệ “Đàn ông là một giống đực có hai chân và ba cái đầu”. Má ngồi thu người, rút hai chân trên salon cười ngặt nghẽo nhắc lại. Cậu Út thì nhăn mặt. “Chị nói ai thì có người”.
Lớn dần lên tôi hiểu và vô cùng đau khổ trước tình trạng của má và Vũ Bão. Tôi chạy trốn khi ba đến trường đón, không nghe điện thoại và xa lánh ông bà nội. Nghe ai nói đến cha, tôi đều phát cáu. Cha là gì chứ? Chẳng phải ông bà đã nuôi chị em tôi lớn đó sao? Tôi chưa bao giờ gọi một tiếng “ba” dù gượng gạo.
Có tiếng con Huyền gọi vào nhà ăn cơm. Cậu Út có hai người con là thằng Khiêm và con Huyền. Hai đứa kém tôi vài tuổi. Những lúc không có mặt tôi hay ông bà ngoại, anh em nó thường trêu chọc Vũ Bão. Chúng bắt thằn lằn, con kiến đưa cho Vũ Bão ăn, bắt Vũ Bão bò dưới nền nhà làm chó. Cậu Út không biết những chuyện như vậy nhưng mợ Út thì có lẽ biết. Ánh mắt miệt thị, cái cười khinh rẻ của mợ khiến trong tôi nỗi uất hận càng dâng đầy. Tôi chỉ mong có một ngày đem má và Vũ Bão rời khỏi nơi này mặc dù ông bà ngoại rất yêu thương chúng tôi. Có một lần tôi về nhà bắt gặp Vũ Bão vừa bò vừa khóc, còn thằng Khiêm, con Huyền đang cười sặc sụa. Tôi tát mỗi đứa một cái rồi lôi em tôi đứng lên. Trước vẻ giận dữ và đôi mắt long lên dữ tợn của tôi, hai đứa không dám đánh trả. Dì Ba luôn giảng hòa khi chuyện như vậy xảy ra. Rõ ràng dì có thiên vị thằng Khiêm, con Huyền. Hai đứa nó còn trêu chọc cả má tôi, ông bà ngoại nghe thấy là mắng liền.
Chúng tôi vào nhà ăn cơm, bữa ăn nặng nề như bao bữa ăn khác. Có gượng gạo giả dối đến mấy thì mọi người cũng không thể chấp nhận được hành vi của má và Vũ Bão. Má thường hay ho, sặc thức ăn văng đầy, Vũ Bão thì vừa ăn vừa chảy nước dãi, mép dính đầy cơm, nên hai người phải ăn riêng. Tôi luôn ăn cùng với má và em tôi. Bởi đó là máu thịt của tôi.
Có một lần thấy Vũ Bão ở mải trong nhà tù túng tôi đưa nó đi chơi, gương mặt ngờ nghệch của nó khiến mọi người đều nhìn, tôi quắc mắt lên nhìn lại và sẵn sàng gây chuyện nhưng mọi người tảng lờ nhìn đi nơi khác. Vũ Bão đòi chơi bể banh rồi đu quay. Nhưng khi đang ở trên cao nó bỗng sợ hãi, hét toáng lên rồi nhảy xuống trước khi máy quay dừng lại. Chẳng biết ai đó đã ẵm nó lên tốc chạy trong đám người đang bu đông nghịt. Nó bị gãy một chân, đi khập khiễng đến bây giờ. Tôi thấy mình có lỗi với nó. Sự ray rứt, ân hận cứ giày vò tôi. Nó đã quá bất hạnh rồi tôi còn mang thêm bất hạnh cho nó. Năm đó tôi học lớp mười hai.
Người đã đưa Vũ Bão đi bệnh viện hôm ấy bỗng dưng xuất hiện thường xuyên trước mặt tôi. Gọi điện vài lần, sau đó mời uống nước. Chỉ vì muốn trả ơn nên tôi đã gặp nhưng chỉ sau vài lần tôi đã nói huỵch tẹt ra điều ám ảnh trong đầu. “Anh là một giống đực có hai chân và ba cái đầu”. Người đó biến mất như bị bốc hơi. Anh ta cho là tôi có gien di truyền.
Mấy năm học đại học tôi cũng có vài người theo đuổi nhưng “quái vật thuộc giống đực” của dì Ba luôn khiến mọi người hoảng sợ bỏ chạy mặc dù cùng loại. Họ luôn nghĩ rằng tôi được sinh ra từ nơi một người đàn bà mất trí và may mắn hơn em tôi. Dì Ba đã nhồi nhét vào đầu tôi con quái vật đó khi tôi mới lên ba. Nó ám ảnh, theo suốt tôi hơn hai mươi mấy năm. Con quái vật mà đến bây giờ vẫn còn là điều bí mật đối với dì Ba cho dù dì đã hơn bốn mươi tuổi.
Nỗi oán hận cứ canh cánh bên lòng nên tôi không có một chút tình cảm gì với bên nội. Những ngày sắp mất, ông nội khăng khăng đòi gặp tôi. Ông khuyên hãy quên đi, tha thứ cho ba. Con người không thể toàn vẹn được. Về với ba để gia đình sum họp, tôi sẽ thấy ấm áp hơn, sẽ biết hạnh phúc là gì. Tôi im lặng nhìn đôi môi khô đang mấp máy thều thào dừng tiếng một. Ông nội đã hơn tám mươi tuổi. Ông mất, tôi không rơi một giọt nước mắt nào. Có lẽ tôi chỉ khóc một lần vào cái ngày ba đưa đi chơi về bị dì Ba đánh. Người ta có thể làm điều gì đó để rồi sau đó nói rằng ân hận, rằng xin hãy tha thứ...
Má tôi, từ một người phụ nữ xinh đẹp, có học thức, sống trong một gia đình kinh doanh giàu có, ai đã khiến ra nông nỗi này. Thằng Vũ Bão vì sao sinh ra là một đứa trẻ đần độn. Tôi muôn đời không tha thứ cho mình vì cái chân tật nguyền của nó thì tôi làm sao có thể tha thứ cho ai.
Sau bữa cơm chiều, tôi vào phòng mở máy vi tính làm việc. Có đêm tôi thức đến hơn ba giờ sáng. Khi đứng lên tôi bị choáng váng, tưởng có thể ngất đi. Như vậy vào giường nằm tôi sẽ dễ dàng ngủ được dù chỉ vài giờ đồng hồ. Má ngồi trên giường thắt dây thun. Những sợi thun nhỏ đủ màu được thắt lại với nhau thành một sợi dây dài. “Cho Yên nhảy dây”. Trong ký ức má hình như không biết đến sự có mặt của Vũ Bão. Má sinh nó trong tình trạng tinh thần không ổn định. Nhưng trong tận cùng sâu thẳm cũng có một vài kỷ niệm như rong rêu bám bên bờ trí nhớ.
Một chiều đi học về trời mưa, tôi thấy cả nhà đang táo tác chạy tìm má. Má đã bỏ đi đâu lúc trời bắt đầu mưa. Tôi chỉ còn kịp thay chiếc áo dài rồi tuôn chạy ra khỏi nhà. Vòng quanh mấy phố gần đó rồi xa hơn, xa hơn nữa... Tôi chợt nhận ra mình sắp đến nhà của ba. Ngày còn nhỏ, tôi đã lén dẫn Vũ Bão đến đây. Chuyện đó xảy ra rất lâu rồi. Nghe nói ba có đưa vài người đàn bà về sống chung. Không hiểu sao được một thời gian họ lại chia tay. Tôi cũng không cần biết.
Ba sắp nghỉ hưu, ngồi nhà tưới cây cảnh. Thời tuổi trẻ trăng hoa như cây bàng lá đỏ, lá rụng hết rồi chỉ còn lại thân cây khô đét xám xịt. Ba lại có ý đón má và chị em tôi về. Sự phản đối ở nơi ông bà ngoại không còn quyết liệt nữa. Hình như thời gian đã làm nhạt nhòa tất cả. Chỉ còn lại tôi trong nỗi đau hận không nguôi.
Qua màn mưa, tôi thấy má đứng dưới hiên nhà bên cạnh ba tôi. Bằng những bước chân vội vã tôi đến nắm tay má lôi đi. “Má! Sao má đến đây?”. Má ghị lại ngó ngoái nhìn ba. “Cảm ơn! Cảm ơn anh nghe!” “Má!”. Tôi lôi má đi vừa mở chiếc áo mưa trùm lên đầu má. “Yên! Má phải cảm ơn người ta đã cho má đụt mưa”. “Má biết ai đó không?”. “Ai?”. Má ngơ ngác hỏi lại. Có cái gì ùa vỡ trong tôi, như đập ngăn nước bị bể. Lòng tôi cuồn cuộn phong ba. Tôi đưa tay lên má. Mặt tôi lạnh băng và ướt nước mưa. “Má đi đến đó làm gì?”. Giọng tôi lạnh lùng khô khốc. “Má muốn đi thăm...”. Đang nói má ngập ngừng im lặng như cố nhớ điều gì. “Má muốn đi thăm ai?”. “Má cũng không biết nữa. Má muốn đi...”. Rồi má đung đưa cánh tay tôi đang nắm. “Đừng giận! Đừng giận, má không đi nữa!”. Má nói không đi nữa nhưng thỉnh thoảng cả nhà lại phải đi tìm má. Hàng xóm ở nơi ba nói thấy má hay lảng vảng trước nhà. Và bao giờ đi về má cũng cảm ơn chủ nhà dù trời có mưa hay không?
“Chị Yên!” Vũ Bão vào phòng ngồi phịch xuống giường “Hử?”. Mắt vẫn dán vào màn hình vi tính tôi lơ đãng lên tiếng. “Ba thằng Khiêm nói sinh nhật nó sẽ mua bánh kem, mua xe, sẽ đưa nó đi chơi...”. Nó vụt cười hi hí. “Nó có bạn gái rồi đó chị”. Thằng Khiêm cũng sắp thi tốt nghiệp trung học phổ thông. “Ờ!”. Tay tôi vẫn gõ bàn phím. “Ba nó nói...”. “Cứ ba, cứ ba hoài...”. Quay phắt sang nó tôi gắt “cậu út thì nói là cậu út...” . Cứ mỗi lần nghe ai nói đến từ ba, tôi lại thấy tức giận. Thấy nó sợ hãi miệng méo xệch đi sắp khóc. Tôi lại ray rứt xốn xang. Ngồi xuống bên cạnh nó, tôi dịu dàng vỗ về. “Vũ Bão muốn gì nè?”. Nó liền tươi tỉnh, hớn hở. “Ngày mai sinh nhật Vũ Bão”. “Chị biết rồi, Vũ Bão cũng có bánh kem...” “Có ba nữa”. Tôi thở ra. “Không cần có ba Vũ Bão cũng có bánh kem”. “Vũ Bão muốn có ba như thằng Khiêm”. Nãy giờ má ngồi cắm cúi thắt dây thun vụt lên tiếng. “Mua cho Vũ Bão đi”. “Không mua được má à!”. Tôi lại thở ra. Sao ngần ấy năm sống chung với má và Vũ Bão tôi không điên, thật là chuyện thần kỳ. “Không có tiền hả?” . Má lại hỏi. “Có những thứ tiền cũng không mua được má ơi!” . Tôi chặc lưỡi. Biết là má sẽ không hiểu.
Dì Ba chợt bước vào phòng nhìn chúng tôi ái ngại: “Yên! Ba con mất rồi!”. Dì nói như hụt hơi và lần đầu tiên dì nói đến ông ấy mà không chống hai tay lên hông, xỉa xói - “Người ta vừa gọi điện thoại cho hay, ông ấy bị nhồi máu cơ tim...”.
Ban chiều ba còn đến công ty tìm tôi, tuy có vẻ mệt mỏi nhưng người ông vẫn mập mạp. Sao dì Ba không vỗ tay reo cười? Còn tôi, sao không thấy nhẹ nhàng thanh thản lại còn cảm thấy nặng nề hơn, ngột ngạt hơn. Chẳng còn ai để oán hận, thù ghét. Cảm giác bị mất, bị mất một thứ gì đó cứ lan rộng trong tôi khiến tôi cứ ngồi trơ trơ như đá. Má và Vũ Bão nhìn dì Ba và tôi với vẻ hiếu kỳ như muốn hỏi “Có chuyện gì xảy ra?”. Hai người không biết có cảm giác gì không?
Bây giờ tôi mới hiểu, người ta có thể làm điều gì đó để rồi sau đó nói rằng ân hận, rằng xin hãy tha thứ.
“Chị Yên!”. Vũ Bão lay nhẹ tay tôi . “Ba mất rồi!” và tôi bật khóc.
🍀Trần Lệ Thường.
Trần Lệ Thường
Hết giờ làm việc. Tôi vừa bước ra ngoài cửa công ty đã thấy người đàn ông ấy đứng đợi. Mặt tôi sa sầm xuống khi ông ta đi đến bên tôi. “Yên! Ba nói chuyện với con một lát đi”. “Không có gì để nói hết”- Tôi nói câu này lần trước cách nay cũng hơn một tháng rồi. Thỉnh thoảng ông ấy lại tìm tôi hoặc gọi điện thoại. “Ngày mai sinh nhật Vũ Bão, con đưa em đến gặp ba một lát đi. Ba muốn mừng sinh nhật nó”. Nhếch mép cười nhạt, không nhìn ông, tôi bỏ đi. Giờ tan tầm, đường đông người, tôi len vào dòng người, lòng thấy dửng dưng.
Về gần đến nhà tôi đã thấy má ngồi trên bậc thềm, tóc rối bời buột hững hờ sau gáy. Gió thổi những sợi tóc bay phủ lên mặt, lấp ló một đôi mắt thất thần. Tim tôi thắt lại đau nhói. Cơn đau hơn hai mươi năm trời đeo đẳng không rời. “Gió lớn quá má ngồi ở đây làm gì?”- Tôi vén mấy sợi tóc lòa xòa trên mặt má. Má cười ngây ngô, bày những chiếc răng ố vàng: “Đợi Yên!”. “Con về rồi nè!”. Tôi ngồi xuống cạnh bên, nắm bàn tay má. Bàn tay gầy guộc xanh xao. Chiều nào má cũng ngồi ở đây đợi tôi đi làm về, nghịch với mấy chiếc lá bàng đỏ rụng ngoài đường. Gió lớn lá rơi nhiều lắm.
Thằng Vũ Bão trong nhà chạy ra chân khập khiễng, tay cầm chiếc bong bóng đỏ. Nó vấp té, chiếc bong bóng bể “Bụp!”, miệng nó méo xệch rồi bật ra tiếng khóc. Nó đã hơn hai mươi tuổi. Vậy mà vẫn như đứa trẻ con. Khi má có mang nó, ba cặp kè với người đàn bà khác đi thâu đêm đến sáng. Má ghen tuông rình rập đến bỏ cả việc làm, nói nói cười cười vô ý thức, Vũ Bão chào đời với gương mặt đần độn, và cái đầu của một đứa trẻ không bao giờ trưởng thành. Tôi tên Yên, còn nó đã được chọn sẵn cái tên khi còn trong bụng là Bình. Trước thảm kịch gia đình tôi, ông bà ngoại đặt tên nó Vũ Bão. Tôi đỡ nó đứng lên, lau nước mắt trên khuôn mặt ngờ nghệch, tôi năn nỉ hứa hẹn một hồi lâu nó mới nín khóc. Má nhặt chiếc bong bóng bể lên, cho vào miệng mút thành những cái bóng nhỏ bằng đầu ngón tay rồi buộc lại như một chùm nho. Ngày còn nhỏ tôi cũng đã từng chơi như vậy. Vũ Bão thích quá giành lấy. “Cho Vũ Bão đi má”. Má không bằng lòng nhưng thấy nó sắp khóc và nghe tôi năn nỉ má đành phải đưa cho nó. Chúng tôi cùng ngồi trên thềm nhà nhìn ra đường, hàng cây bàng bên lề đường lá đã đỏ hết. Bên này là má, bên kia là Vũ Bão, hai người mà tôi thấy mình phải có trách nhiệm đến hết một đời.
Ba tuổi, tôi được ông bà ngoại đón về cùng với má và em tôi. Lúc ấy Vũ Bão vừa chào đời, ông bà tuyệt đối không cho ba bén mảng đến nhà hay gặp gỡ chị em tôi. Ba thỉnh thoảng đến trường gặp tôi, đưa đi chơi, mua quà bánh. Tôi còn quá nhỏ để hiểu chuyện gì đã xảy ra trong gia đình. Tôi hớn hở mang đồ chơi về nhà khoe với mọi người. Dì Ba đã đánh tôi và mắng nhiếc ba thậm tệ “Đàn ông là một giống đực có hai chân và ba cái đầu”. Má ngồi thu người, rút hai chân trên salon cười ngặt nghẽo nhắc lại. Cậu Út thì nhăn mặt. “Chị nói ai thì có người”.
Lớn dần lên tôi hiểu và vô cùng đau khổ trước tình trạng của má và Vũ Bão. Tôi chạy trốn khi ba đến trường đón, không nghe điện thoại và xa lánh ông bà nội. Nghe ai nói đến cha, tôi đều phát cáu. Cha là gì chứ? Chẳng phải ông bà đã nuôi chị em tôi lớn đó sao? Tôi chưa bao giờ gọi một tiếng “ba” dù gượng gạo.
Có tiếng con Huyền gọi vào nhà ăn cơm. Cậu Út có hai người con là thằng Khiêm và con Huyền. Hai đứa kém tôi vài tuổi. Những lúc không có mặt tôi hay ông bà ngoại, anh em nó thường trêu chọc Vũ Bão. Chúng bắt thằn lằn, con kiến đưa cho Vũ Bão ăn, bắt Vũ Bão bò dưới nền nhà làm chó. Cậu Út không biết những chuyện như vậy nhưng mợ Út thì có lẽ biết. Ánh mắt miệt thị, cái cười khinh rẻ của mợ khiến trong tôi nỗi uất hận càng dâng đầy. Tôi chỉ mong có một ngày đem má và Vũ Bão rời khỏi nơi này mặc dù ông bà ngoại rất yêu thương chúng tôi. Có một lần tôi về nhà bắt gặp Vũ Bão vừa bò vừa khóc, còn thằng Khiêm, con Huyền đang cười sặc sụa. Tôi tát mỗi đứa một cái rồi lôi em tôi đứng lên. Trước vẻ giận dữ và đôi mắt long lên dữ tợn của tôi, hai đứa không dám đánh trả. Dì Ba luôn giảng hòa khi chuyện như vậy xảy ra. Rõ ràng dì có thiên vị thằng Khiêm, con Huyền. Hai đứa nó còn trêu chọc cả má tôi, ông bà ngoại nghe thấy là mắng liền.
Chúng tôi vào nhà ăn cơm, bữa ăn nặng nề như bao bữa ăn khác. Có gượng gạo giả dối đến mấy thì mọi người cũng không thể chấp nhận được hành vi của má và Vũ Bão. Má thường hay ho, sặc thức ăn văng đầy, Vũ Bão thì vừa ăn vừa chảy nước dãi, mép dính đầy cơm, nên hai người phải ăn riêng. Tôi luôn ăn cùng với má và em tôi. Bởi đó là máu thịt của tôi.
Có một lần thấy Vũ Bão ở mải trong nhà tù túng tôi đưa nó đi chơi, gương mặt ngờ nghệch của nó khiến mọi người đều nhìn, tôi quắc mắt lên nhìn lại và sẵn sàng gây chuyện nhưng mọi người tảng lờ nhìn đi nơi khác. Vũ Bão đòi chơi bể banh rồi đu quay. Nhưng khi đang ở trên cao nó bỗng sợ hãi, hét toáng lên rồi nhảy xuống trước khi máy quay dừng lại. Chẳng biết ai đó đã ẵm nó lên tốc chạy trong đám người đang bu đông nghịt. Nó bị gãy một chân, đi khập khiễng đến bây giờ. Tôi thấy mình có lỗi với nó. Sự ray rứt, ân hận cứ giày vò tôi. Nó đã quá bất hạnh rồi tôi còn mang thêm bất hạnh cho nó. Năm đó tôi học lớp mười hai.
Người đã đưa Vũ Bão đi bệnh viện hôm ấy bỗng dưng xuất hiện thường xuyên trước mặt tôi. Gọi điện vài lần, sau đó mời uống nước. Chỉ vì muốn trả ơn nên tôi đã gặp nhưng chỉ sau vài lần tôi đã nói huỵch tẹt ra điều ám ảnh trong đầu. “Anh là một giống đực có hai chân và ba cái đầu”. Người đó biến mất như bị bốc hơi. Anh ta cho là tôi có gien di truyền.
Mấy năm học đại học tôi cũng có vài người theo đuổi nhưng “quái vật thuộc giống đực” của dì Ba luôn khiến mọi người hoảng sợ bỏ chạy mặc dù cùng loại. Họ luôn nghĩ rằng tôi được sinh ra từ nơi một người đàn bà mất trí và may mắn hơn em tôi. Dì Ba đã nhồi nhét vào đầu tôi con quái vật đó khi tôi mới lên ba. Nó ám ảnh, theo suốt tôi hơn hai mươi mấy năm. Con quái vật mà đến bây giờ vẫn còn là điều bí mật đối với dì Ba cho dù dì đã hơn bốn mươi tuổi.
Nỗi oán hận cứ canh cánh bên lòng nên tôi không có một chút tình cảm gì với bên nội. Những ngày sắp mất, ông nội khăng khăng đòi gặp tôi. Ông khuyên hãy quên đi, tha thứ cho ba. Con người không thể toàn vẹn được. Về với ba để gia đình sum họp, tôi sẽ thấy ấm áp hơn, sẽ biết hạnh phúc là gì. Tôi im lặng nhìn đôi môi khô đang mấp máy thều thào dừng tiếng một. Ông nội đã hơn tám mươi tuổi. Ông mất, tôi không rơi một giọt nước mắt nào. Có lẽ tôi chỉ khóc một lần vào cái ngày ba đưa đi chơi về bị dì Ba đánh. Người ta có thể làm điều gì đó để rồi sau đó nói rằng ân hận, rằng xin hãy tha thứ...
Má tôi, từ một người phụ nữ xinh đẹp, có học thức, sống trong một gia đình kinh doanh giàu có, ai đã khiến ra nông nỗi này. Thằng Vũ Bão vì sao sinh ra là một đứa trẻ đần độn. Tôi muôn đời không tha thứ cho mình vì cái chân tật nguyền của nó thì tôi làm sao có thể tha thứ cho ai.
Sau bữa cơm chiều, tôi vào phòng mở máy vi tính làm việc. Có đêm tôi thức đến hơn ba giờ sáng. Khi đứng lên tôi bị choáng váng, tưởng có thể ngất đi. Như vậy vào giường nằm tôi sẽ dễ dàng ngủ được dù chỉ vài giờ đồng hồ. Má ngồi trên giường thắt dây thun. Những sợi thun nhỏ đủ màu được thắt lại với nhau thành một sợi dây dài. “Cho Yên nhảy dây”. Trong ký ức má hình như không biết đến sự có mặt của Vũ Bão. Má sinh nó trong tình trạng tinh thần không ổn định. Nhưng trong tận cùng sâu thẳm cũng có một vài kỷ niệm như rong rêu bám bên bờ trí nhớ.
Một chiều đi học về trời mưa, tôi thấy cả nhà đang táo tác chạy tìm má. Má đã bỏ đi đâu lúc trời bắt đầu mưa. Tôi chỉ còn kịp thay chiếc áo dài rồi tuôn chạy ra khỏi nhà. Vòng quanh mấy phố gần đó rồi xa hơn, xa hơn nữa... Tôi chợt nhận ra mình sắp đến nhà của ba. Ngày còn nhỏ, tôi đã lén dẫn Vũ Bão đến đây. Chuyện đó xảy ra rất lâu rồi. Nghe nói ba có đưa vài người đàn bà về sống chung. Không hiểu sao được một thời gian họ lại chia tay. Tôi cũng không cần biết.
Ba sắp nghỉ hưu, ngồi nhà tưới cây cảnh. Thời tuổi trẻ trăng hoa như cây bàng lá đỏ, lá rụng hết rồi chỉ còn lại thân cây khô đét xám xịt. Ba lại có ý đón má và chị em tôi về. Sự phản đối ở nơi ông bà ngoại không còn quyết liệt nữa. Hình như thời gian đã làm nhạt nhòa tất cả. Chỉ còn lại tôi trong nỗi đau hận không nguôi.
Qua màn mưa, tôi thấy má đứng dưới hiên nhà bên cạnh ba tôi. Bằng những bước chân vội vã tôi đến nắm tay má lôi đi. “Má! Sao má đến đây?”. Má ghị lại ngó ngoái nhìn ba. “Cảm ơn! Cảm ơn anh nghe!” “Má!”. Tôi lôi má đi vừa mở chiếc áo mưa trùm lên đầu má. “Yên! Má phải cảm ơn người ta đã cho má đụt mưa”. “Má biết ai đó không?”. “Ai?”. Má ngơ ngác hỏi lại. Có cái gì ùa vỡ trong tôi, như đập ngăn nước bị bể. Lòng tôi cuồn cuộn phong ba. Tôi đưa tay lên má. Mặt tôi lạnh băng và ướt nước mưa. “Má đi đến đó làm gì?”. Giọng tôi lạnh lùng khô khốc. “Má muốn đi thăm...”. Đang nói má ngập ngừng im lặng như cố nhớ điều gì. “Má muốn đi thăm ai?”. “Má cũng không biết nữa. Má muốn đi...”. Rồi má đung đưa cánh tay tôi đang nắm. “Đừng giận! Đừng giận, má không đi nữa!”. Má nói không đi nữa nhưng thỉnh thoảng cả nhà lại phải đi tìm má. Hàng xóm ở nơi ba nói thấy má hay lảng vảng trước nhà. Và bao giờ đi về má cũng cảm ơn chủ nhà dù trời có mưa hay không?
“Chị Yên!” Vũ Bão vào phòng ngồi phịch xuống giường “Hử?”. Mắt vẫn dán vào màn hình vi tính tôi lơ đãng lên tiếng. “Ba thằng Khiêm nói sinh nhật nó sẽ mua bánh kem, mua xe, sẽ đưa nó đi chơi...”. Nó vụt cười hi hí. “Nó có bạn gái rồi đó chị”. Thằng Khiêm cũng sắp thi tốt nghiệp trung học phổ thông. “Ờ!”. Tay tôi vẫn gõ bàn phím. “Ba nó nói...”. “Cứ ba, cứ ba hoài...”. Quay phắt sang nó tôi gắt “cậu út thì nói là cậu út...” . Cứ mỗi lần nghe ai nói đến từ ba, tôi lại thấy tức giận. Thấy nó sợ hãi miệng méo xệch đi sắp khóc. Tôi lại ray rứt xốn xang. Ngồi xuống bên cạnh nó, tôi dịu dàng vỗ về. “Vũ Bão muốn gì nè?”. Nó liền tươi tỉnh, hớn hở. “Ngày mai sinh nhật Vũ Bão”. “Chị biết rồi, Vũ Bão cũng có bánh kem...” “Có ba nữa”. Tôi thở ra. “Không cần có ba Vũ Bão cũng có bánh kem”. “Vũ Bão muốn có ba như thằng Khiêm”. Nãy giờ má ngồi cắm cúi thắt dây thun vụt lên tiếng. “Mua cho Vũ Bão đi”. “Không mua được má à!”. Tôi lại thở ra. Sao ngần ấy năm sống chung với má và Vũ Bão tôi không điên, thật là chuyện thần kỳ. “Không có tiền hả?” . Má lại hỏi. “Có những thứ tiền cũng không mua được má ơi!” . Tôi chặc lưỡi. Biết là má sẽ không hiểu.
Dì Ba chợt bước vào phòng nhìn chúng tôi ái ngại: “Yên! Ba con mất rồi!”. Dì nói như hụt hơi và lần đầu tiên dì nói đến ông ấy mà không chống hai tay lên hông, xỉa xói - “Người ta vừa gọi điện thoại cho hay, ông ấy bị nhồi máu cơ tim...”.
Ban chiều ba còn đến công ty tìm tôi, tuy có vẻ mệt mỏi nhưng người ông vẫn mập mạp. Sao dì Ba không vỗ tay reo cười? Còn tôi, sao không thấy nhẹ nhàng thanh thản lại còn cảm thấy nặng nề hơn, ngột ngạt hơn. Chẳng còn ai để oán hận, thù ghét. Cảm giác bị mất, bị mất một thứ gì đó cứ lan rộng trong tôi khiến tôi cứ ngồi trơ trơ như đá. Má và Vũ Bão nhìn dì Ba và tôi với vẻ hiếu kỳ như muốn hỏi “Có chuyện gì xảy ra?”. Hai người không biết có cảm giác gì không?
Bây giờ tôi mới hiểu, người ta có thể làm điều gì đó để rồi sau đó nói rằng ân hận, rằng xin hãy tha thứ.
“Chị Yên!”. Vũ Bão lay nhẹ tay tôi . “Ba mất rồi!” và tôi bật khóc.
🍀Trần Lệ Thường.