2021-11-23, 11:53 PM
GIỮA NGƯỜI VỚI NGƯỜI
Nguyễn Ngọc Tư
.
Bắt đầu bằng những vết rạn nhỏ không thấy được bằng mắt thường, cuộc tình của em mẻ một mảnh sau bữa bồ khoe ca trực tối qua có thằng trộm trâu bị đánh suýt chết, ngay lúc cấp cứu bồ kịp lấy điện thoại chụp cái ảnh thằng nhỏ nằm rúm ró tải ngay lên mạng xã hội, thiên hạ ào vô thích quá trời. Nhỏ em nghĩ bồ quên vai trò mình là bác sĩ còn thằng nhỏ là bệnh nhân, nhưng sao có thể quên kẻ đang chịu đau đớn kia là một con người?
Chuyện đã cũ rồi, tình cũng thành tình cũ, nhưng em nói không bao giờ ghé lại ngôi nhà trên mạng của bồ, giờ cũng là một địa chỉ đông khách thăm. Em sợ lại gặp trên ấy gương mặt biến dạng của người phụ nữ bị chồng thiêu, bàn tay rụng đốt của một em bé bị bạo hành… những con người buộc phải đến khoa cấp cứu trong tình trạng bên bờ sống chết. Chỉ với điện thoại thông minh buộc vào mạng xã hội là thành một cần câu, anh bác sĩ ung dung biến ca trực của mình thành buổi câu tin nóng hổi. “Và bằng mồi người”, em nói, không cười.
Hai chữ mồi người thịnh hành khá lâu, lúc những trang báo lá cải bắt đầu câu người đọc bằng những tình duyên, đường cong, rãnh sâu của diễn viên người mẫu. Lần hồi cũng lạt miệng, mồi câu không còn móc vào giới phù hoa. Đầu năm những người bán bắp luộc chết giấc với tin nồi nước luộc có pin đèn, cuối năm giới hủ tiếu gõ sập tiệm với tin nước dùng chuột cống. Mẹ em nấu chè dừa non bán, hổm rày lo rầu sợ mở báo thấy đăng tin chè bưởi có thuốc rầy, chẳng hạn. Tai bay vạ gió, biết đâu chỉ vì một người bán chè nào đó ở cổng trường thấy một cậu học trò chửi thề ghê quá, bảo ban nó mấy câu, ai ngờ nó để bụng về tung lên mạng cái câu ăn chè bưởi ngộ độc thuốc trừ sâu. Những trang báo đói ngấu chộp lấy, năm giây sau cả nước biết tin, tẩy chay món chè của bà già.
Em hỏi tôi đọc lung tung xèng vậy, có chuyện nào truyền thuyết nào về cái sự người không ngó thấy người, kiểu như truyền thuyết về tháp Babel giải thích rằng bởi vì Chúa trời trừng phạt nên chúng ta không nghe và hiểu nhau. Đâu phải tự dưng mà lịch sử thế giới triền miên những cuộc chiến vì tôn giáo, sắc tộc, màu da, nhìn nhau chỉ để nhận diện giặc hay ta. Điện thoại thương hiệu Mỹ, Hàn, hoàn toàn không mắc mớ gì tới chén cơm của mình đâu mà vẫn tung toé những lời nhiếc mắng trên diễn đàn công nghệ. Một vụ cướp tiền giữa ban ngày, người ta chỉ thấy giấy bạc bay mà không thấy nạn nhân. Hôi bia cũng vì chỉ thấy bia lăn lóc ra đường.
“Tụi mình cứ như bị lời nguyền”, em nói. Bạn bè vẫn gọi em là con Tám càm ràm, vì cái tính đa cảm đa sự. Biết đâu những bộ tộc trong rừng rậm châu Phi, họ đang lưu truyền một vài lời nguyền rằng người ta luôn bị che mất tầm nhìn bởi những bức tường vô hình. Chọn bầy đàn này, nghĩa là chống lại bầy đàn khác. Chọn tôn giáo này buộc phải miệt khinh người của tôn giáo khác. Đến và đi cùng lúc, trong cái cách người ta gần lại có ẩn chứa sự xa nhau.
Ngay cả mạng xã hội, thứ dùng để chia sẻ, cũng đi bên lằn ranh chia rẽ. Nó giúp em tìm lại rất nhiều bạn học cũ, tham gia những chuyến công tác xã hội, quen và yêu anh bác sĩ đẹp trai. Nhưng mạng xã hội cũng góp tay cho đường ai nấy bước. Mẹ em tiếc thằng rể hụt, nói tao thấy nó hiền queo, có gì để chê đâu. Em nói với mẹ, nhiều khi người ta ác mà không biết. Thí dụ, một người thấy cô gái trèo thành cầu để nhảy sông tự vẫn, anh ta đắn đo không biết nên giữ cô lại, hay cứ để cổ nhảy và ta chụp ảnh đem lên mạng câu ngàn cái tặc lưỡi suýt xoa. Cái đắn đo ấy, dù là trong khoảnh khắc, cũng đáng sợ.
Ngay cả đồ chơi mà cũng điều chỉnh được hành vi con người, làm cho tình người xao lãng, động vật cấp cao coi vậy mà dễ tổn thương.
.
Nguyễn Ngọc Tư
.
Bắt đầu bằng những vết rạn nhỏ không thấy được bằng mắt thường, cuộc tình của em mẻ một mảnh sau bữa bồ khoe ca trực tối qua có thằng trộm trâu bị đánh suýt chết, ngay lúc cấp cứu bồ kịp lấy điện thoại chụp cái ảnh thằng nhỏ nằm rúm ró tải ngay lên mạng xã hội, thiên hạ ào vô thích quá trời. Nhỏ em nghĩ bồ quên vai trò mình là bác sĩ còn thằng nhỏ là bệnh nhân, nhưng sao có thể quên kẻ đang chịu đau đớn kia là một con người?
Chuyện đã cũ rồi, tình cũng thành tình cũ, nhưng em nói không bao giờ ghé lại ngôi nhà trên mạng của bồ, giờ cũng là một địa chỉ đông khách thăm. Em sợ lại gặp trên ấy gương mặt biến dạng của người phụ nữ bị chồng thiêu, bàn tay rụng đốt của một em bé bị bạo hành… những con người buộc phải đến khoa cấp cứu trong tình trạng bên bờ sống chết. Chỉ với điện thoại thông minh buộc vào mạng xã hội là thành một cần câu, anh bác sĩ ung dung biến ca trực của mình thành buổi câu tin nóng hổi. “Và bằng mồi người”, em nói, không cười.
Hai chữ mồi người thịnh hành khá lâu, lúc những trang báo lá cải bắt đầu câu người đọc bằng những tình duyên, đường cong, rãnh sâu của diễn viên người mẫu. Lần hồi cũng lạt miệng, mồi câu không còn móc vào giới phù hoa. Đầu năm những người bán bắp luộc chết giấc với tin nồi nước luộc có pin đèn, cuối năm giới hủ tiếu gõ sập tiệm với tin nước dùng chuột cống. Mẹ em nấu chè dừa non bán, hổm rày lo rầu sợ mở báo thấy đăng tin chè bưởi có thuốc rầy, chẳng hạn. Tai bay vạ gió, biết đâu chỉ vì một người bán chè nào đó ở cổng trường thấy một cậu học trò chửi thề ghê quá, bảo ban nó mấy câu, ai ngờ nó để bụng về tung lên mạng cái câu ăn chè bưởi ngộ độc thuốc trừ sâu. Những trang báo đói ngấu chộp lấy, năm giây sau cả nước biết tin, tẩy chay món chè của bà già.
Em hỏi tôi đọc lung tung xèng vậy, có chuyện nào truyền thuyết nào về cái sự người không ngó thấy người, kiểu như truyền thuyết về tháp Babel giải thích rằng bởi vì Chúa trời trừng phạt nên chúng ta không nghe và hiểu nhau. Đâu phải tự dưng mà lịch sử thế giới triền miên những cuộc chiến vì tôn giáo, sắc tộc, màu da, nhìn nhau chỉ để nhận diện giặc hay ta. Điện thoại thương hiệu Mỹ, Hàn, hoàn toàn không mắc mớ gì tới chén cơm của mình đâu mà vẫn tung toé những lời nhiếc mắng trên diễn đàn công nghệ. Một vụ cướp tiền giữa ban ngày, người ta chỉ thấy giấy bạc bay mà không thấy nạn nhân. Hôi bia cũng vì chỉ thấy bia lăn lóc ra đường.
“Tụi mình cứ như bị lời nguyền”, em nói. Bạn bè vẫn gọi em là con Tám càm ràm, vì cái tính đa cảm đa sự. Biết đâu những bộ tộc trong rừng rậm châu Phi, họ đang lưu truyền một vài lời nguyền rằng người ta luôn bị che mất tầm nhìn bởi những bức tường vô hình. Chọn bầy đàn này, nghĩa là chống lại bầy đàn khác. Chọn tôn giáo này buộc phải miệt khinh người của tôn giáo khác. Đến và đi cùng lúc, trong cái cách người ta gần lại có ẩn chứa sự xa nhau.
Ngay cả mạng xã hội, thứ dùng để chia sẻ, cũng đi bên lằn ranh chia rẽ. Nó giúp em tìm lại rất nhiều bạn học cũ, tham gia những chuyến công tác xã hội, quen và yêu anh bác sĩ đẹp trai. Nhưng mạng xã hội cũng góp tay cho đường ai nấy bước. Mẹ em tiếc thằng rể hụt, nói tao thấy nó hiền queo, có gì để chê đâu. Em nói với mẹ, nhiều khi người ta ác mà không biết. Thí dụ, một người thấy cô gái trèo thành cầu để nhảy sông tự vẫn, anh ta đắn đo không biết nên giữ cô lại, hay cứ để cổ nhảy và ta chụp ảnh đem lên mạng câu ngàn cái tặc lưỡi suýt xoa. Cái đắn đo ấy, dù là trong khoảnh khắc, cũng đáng sợ.
Ngay cả đồ chơi mà cũng điều chỉnh được hành vi con người, làm cho tình người xao lãng, động vật cấp cao coi vậy mà dễ tổn thương.
.