2021-09-23, 08:23 AM
MỘT ĐỜI ĐÃ ĐỦ
HUỲNH TRỌNG KHANG
Đó là một câu chuyện đẹp. Tôi có thể đảm bảo thế. Chúng tôi là một gia đình nhỏ. Ba, mẹ và tôi.
Đáng lẽ tôi có một em gái nhỏ nữa, nhưng khi em lên năm tuổi, lúc em đang chơi trên đường, Trời đã xuống và mang em đến ngôi nhà đầy kẹo của người. Mẹ tôi kể như thế. Sau này, khi lớn hơn, tôi biết không phải vậy, cũng như tôi biết nhiều chuyện không thật, như những bài ca dao, không có thật.
Hai ta cách một dòng sông.
Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang.
Nhà tôi và nhà em chỉ cách mấy con đường, nhưng tôi chẳng có cành hồng nào, nên không thể ngả xuống làm cầu cho em sang được, nên em lấy chồng. Ngày em lấy chồng, tôi về ngồi bên dòng sông, bên sông cũng không có cành hồng nào, dòng sông quê tôi, tôi ngồi tôi khóc. Sau đó tôi lấy vợ, một người tôi được bạn mai mối. Từ lúc yêu đến lúc cưới, chúng tôi đi ăn tối chung với nhau được tám lần.
Chuyện bịa như ca dao. Sau này tôi không tin nữa, nhưng hồi nhỏ thì tôi tin. Như cách mẹ cố làm ngày tôi sinh ra trở thành ngày đặc biệt. Tôi sinh trùng vào ngày với Thomas Edison. Điều đó không khiến tôi trở thành nhà phát minh khi lớn lên. Phát minh lớn nhất đời tôi là con trai tôi. Nhưng hồi nhỏ, mẹ lúc nào cũng xem đó là một dự báo tôi sẽ trở thành con người tài ba trong tương lai.
Mọi sự diễn ra không theo ý định của mẹ, tôi học tài chính, tôi làm ngân hàng, về hưu năm sáu mươi tuổi, chức lớn nhất là trưởng phòng. Tôi xuất hiện lần duy nhất trên khung báo vỏn vẹn năm mươi chín chữ. Được tuyên dương vì nhặt được của rơi và hoàn trả.
Giờ tôi không còn nhớ số tiền đó, lạm phát phi mã khiến cho nó giờ đây cũng không còn mấy giá trị. Tờ báo thậm chí không đăng hình tôi. Vợ tôi cắt mẩu báo ấy ra, lộng khung rồi treo tường. Con tôi thì không chú ý lắm.
Giá mà tôi nhặt được số tiền đó rồi đem trả lại hồi tôi tám tuổi, tôi sẽ được mẹ hôn lên má, thưởng cho tôi món đá bào xirô dâu do chính mẹ làm. Nhưng tôi lại được tuyên dương khi đã ngoài năm mươi, nên tôi chẳng có ly đá bào xirô dâu nào.
Mẹ tôi khi ấy quá già để có thể quay cần trục của chiếc máy bào đá. Mẹ tôi ở chùa.
Hồi mẹ bước sang tuổi bảy mươi, một ngày mẹ gọi tôi về quê. Vợ tôi nhận được cuộc gọi. Lúc đó, tôi đang ở công ty. Vợ tôi hớt hải nhắn lại cho tôi. Khi về đến nhà, vợ đã dọn sẵn hành lý. Tôi ra xe. Bảy tiếng sau tôi ngồi ăn cơm với mẹ.
Bốn năm trước. Khi ba tôi đang tưới cây ngoài vườn, Trời đã xuống mỉm cười với ba, ba mỉm cười với Trời, và cả hai người nắm tay nhau đi về phía hoàng hôn.
Mẹ tôi kể. Tôi cố tin. Mẹ sống một mình đã bốn năm. Bà muốn tôi dắt bà lên chùa trên núi, ngôi chùa bà hay dắt tôi đi mỗi ngày rằm, khi xưa. Không có đường cho xe máy lên, chỉ có những bậc thang dài bất tận. Tôi nắm tay mẹ tôi, mẹ tôi đứng tới hông tôi. Người càng già càng bé lại.
Bụng to của tôi làm nặng bước chân của tôi. Thời gian níu chặt những bước chân của mẹ tôi. Hai mẹ con mồ hôi nhễ nhại. Mái chùa xa mỗi lúc lại mờ. Đến lúc chân mẹ tôi không đi nổi nữa, tôi khom lưng xuống, cõng mẹ đi nốt quãng đường còn lại.
"Mẹ sẽ ở lại đây" - mẹ nói, sau khi lạy Phật xong. Tôi vẫn không thở ra hơi. "Mẹ hãy lên thành phố sống cùng chúng con". Mẹ lắc đầu. Mẹ đã quyết. Đó là lần đầu tiên tôi cõng mẹ. Cũng là lần cuối cùng.
Tôi xuống núi một mình. Bắt xe trở lại thành phố. Tôi kể với vợ con tôi. Vợ tôi khóc. Con tôi hình như không quan tâm lắm. Tối đó, tôi ngủ không được. Tôi gọi mẹ, nhưng hình như mẹ đã ngủ. Hôm sau, tôi không gọi lại cho mẹ.
Mọi chuyện cứ thế tiếp tục. Mấy tháng sau, tôi được tăng lương theo đúng quy trình. Con tôi hình như có bạn gái. Dạo này nó ít nói chuyện với vợ chồng tôi.
Tôi nghĩ khi đến tuổi mẹ, tôi sẽ cõng vợ tôi lên chùa, hai chúng tôi sẽ ở đó, làm công quả, sống nốt những ngày còn lại.
Người tính không bằng trời tính. Vợ tôi mắc ung thư. Tôi đã về hưu. Bảo hiểm không chi trả nhiều. Chuyện không được lâm li như phim Hàn. Cứ thế, bệnh càng biến chuyển theo hướng xấu.
Con tôi đang ở Los Angeles. Lần cuối tôi gọi cho con, con nói con bận. Mà con bận thiệt. Công ty luật quốc tế không phải chuyện đùa. Con di chuyển qua lại giữa các thành phố và các quốc gia.
Cả đời tôi chưa bao giờ ra khỏi nước Việt Nam này. Con hơn cha là nhà có phúc. Dù đôi khi tôi thấy tủi thân, sao bọn nhỏ bây giờ không đứa nào chịu ở lại trong nước, cứ xuất ngoại hết, rồi chỉ còn bọn già chơi với nhau.
Một lần, khi tôi đang đút cháo cho vợ. Tóc em rụng hết, như mẹ tôi lúc bà xuống tóc. Em ngước nhìn tôi, đôi mắt ngơ ngác: "Em yêu anh".
Hình như kể cả trước lúc nên vợ nên chồng chúng tôi cũng ít khi nói những lời như thế. Tôi tự hỏi chúng tôi có phải lấy nhau vì tình yêu hay không? Tôi đã sáu mươi tuổi rồi, lần đầu tiên tôi nhận ra suốt từng ấy năm, tôi ở bên cạnh một người tôi chẳng có chút tình yêu nào.
Rồi vợ mất. Con không về kịp để dự tang lễ. Gia đình con về khi đã được bốn chín ngày. Cháu tôi. Bốn đứa. Chúng đều nói tiếng Anh. Tôi không nói được tiếng Anh. Tôi không thể đến Mỹ sống với con. Con rồi sẽ cho tôi vào viện dưỡng lão.
Tôi tiễn con ra sân bay. Trở về ngôi nhà của mình. Ngồi uống một ly cà phê, chiêm nghiệm về toàn bộ đời tôi. Tất cả chỉ có thế, kỳ thực không có chút biến cố lớn nào. Tầm thường. Không phải đời ai cũng phải diễn ra như truyện.
HUỲNH TRỌNG KHANG
Đó là một câu chuyện đẹp. Tôi có thể đảm bảo thế. Chúng tôi là một gia đình nhỏ. Ba, mẹ và tôi.
Đáng lẽ tôi có một em gái nhỏ nữa, nhưng khi em lên năm tuổi, lúc em đang chơi trên đường, Trời đã xuống và mang em đến ngôi nhà đầy kẹo của người. Mẹ tôi kể như thế. Sau này, khi lớn hơn, tôi biết không phải vậy, cũng như tôi biết nhiều chuyện không thật, như những bài ca dao, không có thật.
Hai ta cách một dòng sông.
Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang.
Nhà tôi và nhà em chỉ cách mấy con đường, nhưng tôi chẳng có cành hồng nào, nên không thể ngả xuống làm cầu cho em sang được, nên em lấy chồng. Ngày em lấy chồng, tôi về ngồi bên dòng sông, bên sông cũng không có cành hồng nào, dòng sông quê tôi, tôi ngồi tôi khóc. Sau đó tôi lấy vợ, một người tôi được bạn mai mối. Từ lúc yêu đến lúc cưới, chúng tôi đi ăn tối chung với nhau được tám lần.
Chuyện bịa như ca dao. Sau này tôi không tin nữa, nhưng hồi nhỏ thì tôi tin. Như cách mẹ cố làm ngày tôi sinh ra trở thành ngày đặc biệt. Tôi sinh trùng vào ngày với Thomas Edison. Điều đó không khiến tôi trở thành nhà phát minh khi lớn lên. Phát minh lớn nhất đời tôi là con trai tôi. Nhưng hồi nhỏ, mẹ lúc nào cũng xem đó là một dự báo tôi sẽ trở thành con người tài ba trong tương lai.
Mọi sự diễn ra không theo ý định của mẹ, tôi học tài chính, tôi làm ngân hàng, về hưu năm sáu mươi tuổi, chức lớn nhất là trưởng phòng. Tôi xuất hiện lần duy nhất trên khung báo vỏn vẹn năm mươi chín chữ. Được tuyên dương vì nhặt được của rơi và hoàn trả.
Giờ tôi không còn nhớ số tiền đó, lạm phát phi mã khiến cho nó giờ đây cũng không còn mấy giá trị. Tờ báo thậm chí không đăng hình tôi. Vợ tôi cắt mẩu báo ấy ra, lộng khung rồi treo tường. Con tôi thì không chú ý lắm.
Giá mà tôi nhặt được số tiền đó rồi đem trả lại hồi tôi tám tuổi, tôi sẽ được mẹ hôn lên má, thưởng cho tôi món đá bào xirô dâu do chính mẹ làm. Nhưng tôi lại được tuyên dương khi đã ngoài năm mươi, nên tôi chẳng có ly đá bào xirô dâu nào.
Mẹ tôi khi ấy quá già để có thể quay cần trục của chiếc máy bào đá. Mẹ tôi ở chùa.
Hồi mẹ bước sang tuổi bảy mươi, một ngày mẹ gọi tôi về quê. Vợ tôi nhận được cuộc gọi. Lúc đó, tôi đang ở công ty. Vợ tôi hớt hải nhắn lại cho tôi. Khi về đến nhà, vợ đã dọn sẵn hành lý. Tôi ra xe. Bảy tiếng sau tôi ngồi ăn cơm với mẹ.
Bốn năm trước. Khi ba tôi đang tưới cây ngoài vườn, Trời đã xuống mỉm cười với ba, ba mỉm cười với Trời, và cả hai người nắm tay nhau đi về phía hoàng hôn.
Mẹ tôi kể. Tôi cố tin. Mẹ sống một mình đã bốn năm. Bà muốn tôi dắt bà lên chùa trên núi, ngôi chùa bà hay dắt tôi đi mỗi ngày rằm, khi xưa. Không có đường cho xe máy lên, chỉ có những bậc thang dài bất tận. Tôi nắm tay mẹ tôi, mẹ tôi đứng tới hông tôi. Người càng già càng bé lại.
Bụng to của tôi làm nặng bước chân của tôi. Thời gian níu chặt những bước chân của mẹ tôi. Hai mẹ con mồ hôi nhễ nhại. Mái chùa xa mỗi lúc lại mờ. Đến lúc chân mẹ tôi không đi nổi nữa, tôi khom lưng xuống, cõng mẹ đi nốt quãng đường còn lại.
"Mẹ sẽ ở lại đây" - mẹ nói, sau khi lạy Phật xong. Tôi vẫn không thở ra hơi. "Mẹ hãy lên thành phố sống cùng chúng con". Mẹ lắc đầu. Mẹ đã quyết. Đó là lần đầu tiên tôi cõng mẹ. Cũng là lần cuối cùng.
Tôi xuống núi một mình. Bắt xe trở lại thành phố. Tôi kể với vợ con tôi. Vợ tôi khóc. Con tôi hình như không quan tâm lắm. Tối đó, tôi ngủ không được. Tôi gọi mẹ, nhưng hình như mẹ đã ngủ. Hôm sau, tôi không gọi lại cho mẹ.
Mọi chuyện cứ thế tiếp tục. Mấy tháng sau, tôi được tăng lương theo đúng quy trình. Con tôi hình như có bạn gái. Dạo này nó ít nói chuyện với vợ chồng tôi.
Tôi nghĩ khi đến tuổi mẹ, tôi sẽ cõng vợ tôi lên chùa, hai chúng tôi sẽ ở đó, làm công quả, sống nốt những ngày còn lại.
Người tính không bằng trời tính. Vợ tôi mắc ung thư. Tôi đã về hưu. Bảo hiểm không chi trả nhiều. Chuyện không được lâm li như phim Hàn. Cứ thế, bệnh càng biến chuyển theo hướng xấu.
Con tôi đang ở Los Angeles. Lần cuối tôi gọi cho con, con nói con bận. Mà con bận thiệt. Công ty luật quốc tế không phải chuyện đùa. Con di chuyển qua lại giữa các thành phố và các quốc gia.
Cả đời tôi chưa bao giờ ra khỏi nước Việt Nam này. Con hơn cha là nhà có phúc. Dù đôi khi tôi thấy tủi thân, sao bọn nhỏ bây giờ không đứa nào chịu ở lại trong nước, cứ xuất ngoại hết, rồi chỉ còn bọn già chơi với nhau.
Một lần, khi tôi đang đút cháo cho vợ. Tóc em rụng hết, như mẹ tôi lúc bà xuống tóc. Em ngước nhìn tôi, đôi mắt ngơ ngác: "Em yêu anh".
Hình như kể cả trước lúc nên vợ nên chồng chúng tôi cũng ít khi nói những lời như thế. Tôi tự hỏi chúng tôi có phải lấy nhau vì tình yêu hay không? Tôi đã sáu mươi tuổi rồi, lần đầu tiên tôi nhận ra suốt từng ấy năm, tôi ở bên cạnh một người tôi chẳng có chút tình yêu nào.
Rồi vợ mất. Con không về kịp để dự tang lễ. Gia đình con về khi đã được bốn chín ngày. Cháu tôi. Bốn đứa. Chúng đều nói tiếng Anh. Tôi không nói được tiếng Anh. Tôi không thể đến Mỹ sống với con. Con rồi sẽ cho tôi vào viện dưỡng lão.
Tôi tiễn con ra sân bay. Trở về ngôi nhà của mình. Ngồi uống một ly cà phê, chiêm nghiệm về toàn bộ đời tôi. Tất cả chỉ có thế, kỳ thực không có chút biến cố lớn nào. Tầm thường. Không phải đời ai cũng phải diễn ra như truyện.