Posts: 13,352
Threads: 204
Likes Received: 1,531 in 716 posts
Likes Given: 1,683
Joined: Oct 2018
Reputation:
185
Tui nhớ đã có lần nhà văn Nguyễn Quang Sáng gây ra một trận sóng gió trong đây với một câu truyện đỏ. Hôm nay chúng ta đọc một câu chuyện khác, mang màu sắc khác thử xem.
"CON CHIM QUEN TIẾNG HÓT”
Nguyễn Quang Sáng
Bà nội tôi là kho chuyện đời xưa, mỗi đêm một chuyện cho đàn cháu nội, cháu ngoại, lũ nhỏ vây quanh bà trên bộ ván ngựa gỗ giữa nhà trong ánh sáng tù mù của ngọn đèn dầu.
Chuyện này không phải là chuyện đời xưa. Chuyện của nhà mình nhưng lúc đó bà còn trẻ, tụi con chưa có, vậy cũng là chuyện đời xưa phải không?
Đêm ấy, bà kể:
Ông tôi có nuôi một con nhồng. Con nhồng đẹp lạ lắm. Nó như một cô công chúa khoác chiếc áo choàng đen, ấy là bộ lông mượt mà của nó, từ mí mắt kéo đến cổ nó là một đường vàng hình lưỡi câu. Viền quanh cổ là một đường mầu trắng, như công chúa quấn qua cổ chiếc khăn bằng lông cừu, mỏ vàng và đôi chân cũng vàng.
Ông tôi vốn là một thợ mộc, cho nên cái lồng của nó như một cái lâu đài. Con nhồng lúc nào cũng vui tươi, nhảy nhót trong chiếc lồng lộng lẫy treo trước hiên nhà. Vừa đẹp, lại vừa biết nói, nó là niềm vui của cả xóm, không chỉ cho trẻ con mà cho cả người lớn.
Thấy có người thoáng qua, nó cất tiếng: "Chào khách". Khi người dừng lại trước mặt nó, nó hỏi: "Khỏe không". Ai hỏi gì thì nó dạ. Nó bắt chước giọng ông, nó gọi bà: "Em ơi, em". Nó bắt chước giọng bà, nó gọi ông: "Anh ơi, anh". Trong nhà đang nói chuyện, bỗng chợt nghe tiếng cười, nó cười: "Khậc khậc" y như giọng cười của ông. Thỉnh thoảng nó lại cất tiếng: "Thôi, thôi thôi" nghe như lời can gián thiết tha của một cô gái.
- Khách!
- Ngồi trong nhà nghe nó nói, biết là có khách sắp vào nhà.
Người lớn hay trẻ nhỏ hàng xóm, mỗi lần đến chơi với nó cũng cho nó một trái ớt. Thò mỏ gắp trái ớt, nó mừng nó nhảy.
Trong nhà ai cũng dạy nó tiếng nói lịch sự, lễ phép. Nhưng hình như bấy nhiêu tiếng đó, nghe hoài cũng nhàm, bớt vui. Chẳng biết đứa nhỏ nào cắc cớ dạy thêm cho nó vài tiếng chửi cục cằn: "Đồ đểu, cút, cút đi".
Ngày đầu, nghe những tiếng lạ lùng đó, bọn nhỏ vỗ tay và nó được nhiều ớt hơn mọi ngày. Nhỏ vui đã đành, người lớn cũng vui... nghe nó chưởi "đồ đểu" người nghe không nghĩ là mình đểu nên chẳng ai giận, nghe nó bảo "cút, cút" người ta không cút mà cười và lại thưởng cho nó ớt ngon hơn, nhiều hơn. Nó nói riết thành quen không ai để ý nó quên tiếng hót từ lúc nào.
Bỗng một hôm có một chiếc xe hơi đậu lại trước nhà. Quan huyện từ trong xe bước ra. Một người to lớn bệ vệ trong bộ đồ tây trắng, cà vạt đỏ, giày đen. Quan huyện đến để đặt ông đóng nhái bộ salon thời Louis. Đã là quan thì phải oai quyền, trước mặt ai không chào không hỏi.
Quan huyện vào tới cửa thì con nhồng cất tiếng:
- Đồ đểu!
Quan huyện giật mình:
- Đồ đểu! Đồ đểu!
Thấy quan huyện không thưởng cho nó trái ớt, nó lại cất tiếng:
- Đồ đểu! Đồ đểu!
Quan huyện trợn tròn hai con mắt. Ông tôi thấy vậy sợ điếng, vội cúi rạp mình rước quan vào. Ông liếc nhìn bà. Hiểu ý ông, bà rối rít mời quan ngồi, rót nước mời quan uống.
Đang chào đang hỏi khách, bà bỗng nghe bên ngoài có tiếng đánh "bốp" một cái. Bà bước ra, bà thấy con chim bị ông đập vào cây cột, nát đầu. Trên thân cột còn một đốm máu bê bết, còn con nhồng thì nằm dưới đất như một miếng giẻ rách đen.
Chẳng biết ông sợ hay ông giận, bà chỉ nghe ông lẩm bẩm:
- Không! Nó bảo "cút đi" thì nhà này chỉ có chết.
Thương con nhồng, bà tôi quỳ xuống trước cái xác của nó. Chẳng biết lúc ấy bà tôi đau đớn thế nào, bây giờ trong ánh đèn dầu, tôi thấy hai giọt nước mắt của bà.
Con chim chết, hết chuyện, bọn tôi có đứa thò chân xuống đất, bà đưa tay kéo lại.
Và sau câu chuyện bao giờ bà cũng rút lời răn dạy:
- Cho nên, biết thì nói, không biết thì đừng nói theo lời người khác, chết oan đó, các con!
Hết
Posts: 3,919
Threads: 6
Likes Received: 149 in 124 posts
Likes Given: 129
Joined: Dec 2019
Reputation:
69
Tội nghiệp con nhồng . Nó nói nhưng có biết gì đâu ?
Posts: 13,352
Threads: 204
Likes Received: 1,531 in 716 posts
Likes Given: 1,683
Joined: Oct 2018
Reputation:
185
Ô SIN
Tạ Thị Thanh Hải
Theo lời mách của một bà chị họ xa, cô đồng ý lên Hà Nội làm ô sin. Ở cái làng quê heo hút này, nghèo thì nghèo thật, nhưng người ta lại thừa tự trọng, coi ô sin là cái nghề mạt hạng, vì họ nghĩ có khi cả đời chả bao giờ vắt cho cha mẹ được cái khăn mặt thì không thể đành lòng đi hầu hạ cái đứa con nít của người dưng.
Hoàn cảnh cực chẳng đã mà cô phải khăn gói quả mướp rời quê đi làm nghề ấy. Bà mẹ cô mới qua một cơn tai biến. Anh trai cô phải bán đi hai phần mảnh vườn để chữa trị cho mẹ mà vẫn vay nợ tứ tung. Hai vợ chồng anh đi làm phu hồ, mỗi tháng được vài triệu tiền công. Cô thì cắm mặt vào bốn sào ruộng bạc phếch. Bữa nay lo bữa mai. Khổ nỗi, hai vợ chồng ông anh chưa đầy bốn mươi tuổi mà có tới bốn đứa con gái , đứa lớn mười bốn, còn đứa bé mới lên ba.
Từ ngày bà mẹ nằm liệt giường, không khí gia đình lúc nào cũng u ám, xám xịt. Bà chị dâu vốn hiền lành là thế, giờ cũng biết nói cạnh nói khóe về cái gánh nặng mà chị đang phải mang. Cũng chưa đến độ hỗn láo mà dám đả động đến bà mẹ chồng gần bảy mươi tuổi, nhưng với cô em chồng quá lứa thì chị coi như thùng nước gạo để trút mọi nỗi vất vả bực dọc…
Bà mẹ thương cô lắm, cứ khóc ròng, nói ú ớ không thành tiếng, ý chừng bảo cô ở nhà , đừng đi. Cô nắm bàn tay nhăn nheo xương xẩu của mẹ, cười gượng: “Mẹ để con đi nhé, biết đâu con lại lấy được chồng thành phố…” Trên chuyến xe khách lọc cọc, suốt cả hành trình gần bốn tiếng đồng hồ, cô chỉ kéo sụp cái mũ vải xuống, thi thoảng chấm nước mắt. Cô chẳng mơ gì viễn cảnh đổi đời, chỉ mong mỗi tháng kiếm được vài triệu dành dụm gửi về cho anh trai thêm vào trả nợ, thế là mừng lắm rồi.
Cô không đẹp, thậm chí có thể nói là xấu. Bàn chân to bè, cái dáng người cục mịch, mái tóc vàng quạch và xơ xác như rễ tre. Cô lại không hoạt bát tinh khôn, chỉ được cái chăm chỉ, cần mẫn, hiền lành. Học xong cấp 2 , cô ở nhà làm ruộng cùng mẹ. Năm hai mươi tuổi,cũng có đám đánh tiếng hỏi cô, nhưng đó là một gã trai mới ở tù về vì tội cố ý gây thương tích. Bà mẹ nghĩ thương con, mong con có tấm chồng, ổn thỏa thì ở với nhau, mà không thì coi như kiếm đứa con. Nhưng anh trai cô nhất định không đồng ý. Anh bảo: “Lấy cái loại vũ phu như vậy, mỗi lần nó không vừa ý, nó lại đánh như đánh chó con, vừa khổ vừa nhục thế thì ở vậy cho xong.” Mẹ ngấm nguýt: “Anh giữ nó ở lại để hầu hạ vợ con anh chứ gì.!” Mẹ con cứ như mặt trăng mặt trời, cô ở giữa, chả biết nghe ai cho phải. Cứ ậm ờ như vậy, cô chưa kịp trả lời thì đã nghe chuyện anh ta sắp làm đám hỏi với một cô xã dưới.
Bẵng đi vài năm, lại có một đám khác nhờ người mai mối đánh tiếng. Lần này thì mẹ cô lại kịch liệt phản đối, vì ông ta hơn bốn mươi tuổi, đã có hai đời vợ, mà cả hai đều chết trẻ. Cô vợ cả thì bị băng huyết khi đẻ sinh đôi hai đứa con đầu lòng. Cô thứ hai chưa kịp có con thì bị tai nạn lao động, sống thực vật mấy tháng rồi qua đời. Mẹ cô bảo đàn ông có số sát thê ấy đừng có tơ tưởng đến. Nếu muốn thì kiếm một đứa con nuôi sau này làm chỗ dựa tuổi già, mà không thì chăm lũ cháu cho chu đáo, mai này già chả lẽ nó nỡ lòng bỏ mặc mình. Thế là tuổi xuân của cô qua đi trong những tiếng thở dài của mẹ, tiếng khóc inh ỏi của lũ cháu và sự cộc cằn của người anh trai…
***
Tháng thứ nhất:
Bà chị họ dẫn cô đến một ngôi nhà nhỏ trong một ngõ sâu hun hút. Căn nhà chỉ có một phòng ngủ dành cho hai vợ chồng với đứa con nhỏ. Đứa con lớn thì vừa ngủ vừa học trên cái gác xép to bằng hai cái chiếu. Cô sẽ trải cái đệm mỏng ngủ ở phòng khách, ngay trên lối đi vào nhà vệ sinh. Hai vợ chồng nhà ấy quê ở tận Tuyên Quang, học cùng nhau từ thời phổ thông, quyết chí bám trụ lại Hà Nội. Người vợ trạc tuổi cô, là công chức nhà nước, mới sinh con thứ hai được sáu tháng, giờ đến lúc phải đi làm. Anh chồng là nhà báo, đi sớm tối thất thường, cũng có khi ở nhà cả mấy ngày để viết bài.
Anh chồng thì mồm miệng bẻo lẻo, chị vợ lại ít nói. Anh chồng làm hợp đồng, thỏa thuận các điều khoản rõ ràng nhưng riêng khoản thù lao của cô thì anh nói khéo: “Vợ chồng tôi đều là công chức, lương ba cọc ba đồng, cũng vì hoàn cảnh ngặt nghèo hai bà đều yếu đau không giúp đỡ được nên phải dè sẻn thuê ô sin. Nên ngoài tiền lương ra, chúng tôi không thể hỗ trợ thêm cô khoản nào cả. Cùng là người nhà quê lên phố mưu sinh, rất mong cô thông cảm. Cô chăm sóc bọn trẻ tốt, ắt chúng có tình cảm gắn bó. Biết đâu chúng coi cô như mẹ, mai này lớn, học hành tử tế, cuộc sống sung túc, lại tìm về cô để trả ơn…”.
Cô hiểu và cũng không có ý đòi hỏi gì cả. Nhiệm vụ của cô là đưa đón thằng con lớn đi học vì trường nó không tiện đường đi làm của bố mẹ, rồi về chăm sóc đứa con nhỏ, giặt giũ, lau chùi dọn dẹp. Bữa trưa chỉ mình cô ăn cơm nên không nấu, cô tự ra đầu ngõ mua cơm hộp hoặc ăn gì tùy ý. Tất nhiên bữa trưa cô phải tự túc. Cô thì được cái ăn uống dễ tính, gói mì tôm hay củ khoai, thế nào cũng xong . Buổi chiều chị vợ đi làm về, mua đồ ăn tối và cho cả bữa sáng hôm sau.
Công việc nhà nói chung nhẹ nhàng hơn việc làm ruộng nhiều, chỉ việc chăm sóc hai đứa trẻ là cô thấy khó khăn nhất. Một tay cô từng chăm bẵm bốn đứa cháu, nhưng người nhà quê, nuôi dễ như thả bèo. Hai đứa con nhà này thì như bố nó nói “con nhà lính, tính nhà quan”. Thằng con lớn lớp 2, tính lầm lì giống mẹ, động tí là dỗi không ăn cơm, không chịu tắm, dọa sẽ mách bố nếu cô không làm theo ý nó. Đứa con gái nhỏ thì từ sáng đến chiều mới được bú mẹ, khóc ngằn ngặt như xé vải, một ngày nôn trớ không biết bao nhiêu lần.
Cô chăm chúng ban đầu theo bản năng, và tất nhiên luôn nghe được những lời ca cẩm phàn nàn của chị vợ. Chị ta quẳng cho cô một mớ sách về nuôi dạy trẻ, bảo khi nào con bé ngủ thì tranh thủ mà đọc. Khổ nỗi, lúc con bé ngủ, cô lại xoay ra giặt giũ, lau nhà, làm gì có thời gian mà đọc. Nên cái sự chăm sóc bọn trẻ của cô chưa tiến bộ được là bao.
Theo hợp đồng là cứ cuối tháng âm lịch thì anh chị chủ sẽ thanh toán tiền công cho cô một lần. Cuối tháng âm lịch đầu tiên ấy, nếu tính từ ngày cô đến làm thì là một tháng tám ngày, cô ngập ngừng xin tiền lương để kịp gửi về quê, thì chị vợ nhấm nhẳng: “Tôi chưa đến ngày lĩnh lương, để tối anh ấy về, xem anh ấy có tiền thì tạm ứng cho chị một ít vậy.”
Buổi tối, người chồng về, say mèm, nôn một đống tướng ở chân giường, cô lại lụi cụi lau dọn. Chị vợ mặt nặng như chì, cầm cái khăn lau mặt cho chồng mà như cọ bàn bếp. Sáng hôm sau, lúc cả nhà ngồi ăn sáng, cô toan mở lời thì chị vợ gắt: “Mới sáng ra, cô đã vòi vĩnh, hãm tài quá”. Cô im bặt.
Suốt mấy ngày cô không dám nghe điện của anh trai gọi lên. Vợ chồng họ cũng tảng lờ như vờ quên. Mấy ngày sau, anh chồng mới bảo: “Cơm không ăn thì gạo còn đó, hay là sáu tháng tôi gửi cô một lần, cô lại chả để dành được một món to ấy chứ.”Cô đành ngậm ngùi đồng ý và chờ đợi.
***
Tháng thứ hai:
Chị vợ sai cô sắp xếp lại tủ quần áo, cho cô mấy bộ đã cũ mà chị ấy không mặc vừa nữa. Thôi thì cũ người mới ta, cô nhận tất. Chị vợ bảo cô đi cắt tóc cho gọn, để khi bế vác con bé trên vai, tóc cô không dính vào miệng nó. Mái tóc vàng quạch xơ xác giờ cắt ngắn đi, tự nhiên nhìn lại hợp mốt. Mới ăn nước máy một thời gian mà cô trông sáng sủa ra, sạch sẽ gọn gàng hẳn. Đấy là theo lời nhận xét của anh chồng, chứ cô thì biết mình chả bao giờ gột được cái vẻ nhà quê cả.
Hai đứa trẻ bắt đầu quen với sự chăm sóc tận tâm của cô. Cô thấy công việc của mình thảnh thơi nhẹ nhàng hơn một chút. Mỗi lần đưa đón thằng lớn đi học, đám xe ôm đầu ngõ buông lời tán tỉnh, cô đỏ bừng mặt. Chị vợ cảnh báo: “Cô đừng tin mấy gã bờm xơm đó. Để tôi tìm cho một đám tử tế, hiền lành”. Cô chả mơ ước có diễm phúc ấy. Nhưng trái tim người đàn bà quê mùa ngoài ba mươi tuổi chưa một lần biết yêu như mảnh đất cằn cỗi, giờ bất chợt len lỏi, mơn man những ý nghĩ mới mẻ với rung cảm nhẹ nhàng.
Anh chồng lẻo mép mỗi sáng trước khi đi làm thường cố tình quên một thứ gì đó, đứng dạng chân trên xe kêu cô vợ mang ra rồi hôn đánh chụt lên má vợ một cái. Cái cảnh ấy ban đầu cô cũng chẳng để ý, vì cô nghĩ người thành phố, họ văn minh nên bày tỏ tình cảm công khai như vậy cũng là chuyện thường. Nhưng gần đây, chả hiểu sao, cô lại hay lén nhìn cảnh vợ chồng họ âu yếm, đùa giỡn tình cảm. Và cô thở dài…
***
Tháng thứ ba:
Mỗi khi anh chồng ở nhà viết bài là chị vợ lại dặn cô cho con bé con ra công viên gần nhà chơi cho thay đổi không khí, chứ cứ um úm trong nhà khéo nó cớm nắng, và nhất là để có không gian yên tĩnh cho bố nó tập trung làm việc. Và buổi trưa hôm ấy, thế nào chị vợ cũng mua mấy hộp cơm về cả nhà ăn.
Một hôm, hai cô cháu đang chơi ở công viên thì trời trở cơn mưa. Cô bế con bé về, cố chạy thật nhanh để tránh mưa nhưng về đến đầu ngõ thì mưa bất chợt ào xuống. Trưa hôm ấy, con bé lên cơn sốt mà chị vợ thì báo không về vì mưa ngập đường . Cô và anh chồng loay hoay với con bé. Anh nhúng cái khăn mặt vào chậu nước ấm đưa cô lau người, chườm trán cho con; anh lắc lắc bình sữa rồi đứng làm trò cho cô dỗ con bé ăn; anh pha thuốc theo sự chỉ dẫn của cô.
Cô có cảm giác như họ đang diễn cảnh một gia đình đầm ấm quấn quýt vậy. Những động chạm vô tình của anh chồng khiến cô chợt nóng bừng người, tim đập thình thịch, hồi hộp như một đứa trẻ đang ăn vụng sợ bị bắt gặp. Khi con bé đã thiu thiu ngủ, anh chồng bảo: “Cô Luyến có tài dỗ trẻ đấy. Cô mà làm mẹ thì chắc chăm con khéo lắm!”. Tự nhiên cô thoáng đỏ mặt.
Đâu phải cô không muốn và chưa từng nghĩ đến điều đó. Nhưng một người vừa xấu, vừa nghèo lại nhiều tuổi như cô, ở quê đã bị coi là gái ế. Cô biết rằng chẳng có gì sánh được với tình mẹ con. Bốn đứa cháu một tay cô chăm bẵm, nhưng cô biết tình cảm chúng dành cho cô làm sao bằng dành cho mẹ chúng. Cô cũng từng nghĩ sẽ chăm sóc mấy đứa cháu, coi nó như con, chả lẽ lúc mình già cả, chúng nỡ bỏ mặc? Nhưng mấy đứa cháu gái ấy, rồi biết đâu chúng đi lấy chồng xa hết, hoặc giả như chúng gặp phải thằng chồng ích kỉ gia trưởng, thì mong hóng gì. Thế nên cô vẫn cứ nhen nhóm cái tâm nguyện được làm mẹ.
Nhưng ở cái miền quê hẻo lánh còn nặng tư tưởng phong kiến ấy, việc một cô gái không có chồng mà lại có con sẽ trở thành đề tài đàm tiếu đến hết đời người đàn bà. Ừ thì thôi họ nói kệ họ, có ai sống được hộ mình đâu, lúc già cả ốm đau thiên hạ nào đến chăm mình. Nhưng ngặt nỗi, muốn kiếm một đứa con cũng đâu phải dễ như múc thùng nước, cắt đám rau từ ruộng nhà khác về ruộng mình. Cánh thanh niên trai tráng khỏe mạnh trong làng hầu như đi làm ăn xa, ở nhà chỉ còn những gã quanh năm say mèm hay những ông già râu dài hơn tóc. Giờ lên thành phố, lạ nước lạ cái, biết ai xấu ai tốt, ai khỏe ai bệnh mà dám làm liều. Những lời nói và cử chỉ của anh chồng khiến cô bỗng nhiên bối rối. Cái suy nghĩ bấy lâu cô cố chôn vùi, giờ tự nhiên được khơi ra, lại âm ỉ len lỏi vào cả những giấc mơ hừng hực mà bẽ bàng…
***
Tháng thứ sáu:
Anh trai cô gọi điện lên báo tháng này đến hạn trả món nợ Ngân hàng, cuối tháng lại giỗ bố, bảo cô sắp xếp kịp về. Trong bữa ăn tối, cô xin phép vợ chồng chủ nhà cuối tháng cho nghỉ ba ngày, và cũng ngập ngừng nói về khoản thù lao “bấy lâu anh chị giữ hộ”. Anh chồng bảo cô yên tâm, còn hứa sẽ đưa cô ra tận chỗ bắt xe khách tiện nhất mà giá vé rẻ hơn trong bến. Chị vợ chỉ dặn cô phải thu xếp lên đúng ngày vì chị không xin nghỉ được.
Cả nửa năm không được về thăm nhà thăm mẹ, cô lại háo hức suốt đến mức đêm không ngủ được. Cô hay soi gương và cười tủm tỉm. Nhìn thấy cô đổi khác như thế này, chắc mẹ cô vui lắm. Rồi cả chị dâu nữa, thế nào cũng khen cô trẻ và xinh ra, và lại nhắc chuyện chồng con của cô.
Nhưng rồi gần đến ngày về, thì một sự cố bất ngờ xảy ra: anh trai của chị chủ bị tai nạn lao động khá nặng, bị thương ở đầu, giập nát cả bàn tay trái, phải đưa xuống Bệnh viện 108 để nối khớp. Nghe anh chồng kể thì khổ nỗi, nhà ấy cũng neo người, ông bà thì già yếu, mấy đứa con lít nhít, cô vợ bị bệnh tim, hễ căng thẳng suy nghĩ lại ngất lả đi. Có ông anh đồng hao đưa xuống viện thì hôm trước hôm sau cũng về luôn.Thành thử nhờ được mỗi vợ chồng cô em gái ở Hà Nội.
Chị vợ chạy đi chạy lại, có đêm còn ở lại bệnh viện. Anh chồng phải xin nghỉ ở nhà viết bài để tranh thủ vào thay ca cho vợ. Cô tất bật với công việc nhà cửa, còn phải đi chợ nấu cơm mang vào viện nữa. Ruột gan cô nóng như lửa đốt , chả biết rồi anh chị chủ có thu xếp cho cô về đúng ngày được không. Mọi việc cứ rối tinh rối mù lên. Chị vợ hễ về đến nhà là cáu gắt. Anh chồng vốn bẻo lẻo nói cười thế mà giờ cũng thở dài sườn sượt. Rồi họ vặc nhau, tiếng bấc tiếng chì, loáng thoáng cả chuyện tiền nong gì đó. Cô cứ lúi húi quanh quẩn trong gian bếp, lấm lét nhìn họ rồi lại nhìn lên tờ lịch treo tường đếm ngày.
Buổi tối hôm đó, chị vợ lại tất tả vào bệnh viện. Anh chồng cũng phóng xe đi. Gần nửa đêm, anh chồng về, say lảo đảo, mãi mới đẩy nổi cái xe máy lên hè, vào nhà nằm kềnh ngay xuống cái đệm mỏng ở phòng khách mà cô mới trải ra để chuẩn bị đi ngủ. Cô pha cốc nước chanh muối ấm, đập lát gừng tươi, nâng đầu anh ta dậy cho uống. Anh ta uống một hơi hết sạch rồi lại nằm vật ra. Anh ta từng bảo không uống được rượu, bần cùng lắm mới phải uống.Từ ngày cô đến ở thì đây là lần thứ hai thấy anh ta say. Lần trước anh ta bị chị vợ cằn nhằn chì chiết mãi… Cô kéo chân anh ta đặt ngay ngắn lên đệm, lấy chiếc màn chụp lên, rồi đành bế con bé con vào phòng trong ngả lưng.
Gần sáng, cô loáng thoáng nghe thấy tiếng nôn ọe , rồi tiếng xối nước trong nhà vệ sinh. Cô lơ mơ nghĩ : Ừ, nôn ra được chắc sẽ nhẹ người và tỉnh hơn. Cô yên tâm ngủ tiếp. Bỗng cô cảm thấy có hơi thở nóng hầm hập sau gáy, thoảng mùi hồng xiêm chín. Rồi một bàn tay mềm và ấm vuốt ve tấm lưng tròn lẳn của cô. Trong trạng thái mơ màng, cô thấy những giấc mơ ám ảnh bấy lâu hừng hực dội về. Và khi bàn tay ấy chạm mơn man vào khuôn ngực phốp pháp của cô, thì cô giật mình choàng tỉnh. Cô ngồi bật dậy. Nhưng vòng tay của người đàn ông lẻo mép ấy kéo ghì cô xuống. Bên cạnh, con bé con vẫn ngủ say. Căn phòng kín bưng. Bóng tối thỏa hiệp, đồng lõa… Nỗi khát khao bức bách như đống rơm khô nỏ, chỉ một que diêm là bùng cháy dữ dội. Cô không nghĩ được gì nữa, thả mình xuống trong phập phồng, tan chảy, mê man …
Cửa bật mở. Chị vợ đứng sững vài giây trước cửa phòng. Và sau đó một trận cuồng phong dữ dội tất yếu xảy ra. Anh chồng lắp bắp thanh minh. Cô cúi gằm chịu trận. Cái túi bạc phếch và mấy bộ quần áo cũ rích của cô bị ném vèo ra cửa. Chị vợ nghiến răng: “ Bấy lâu tao đã có ý đề phòng, mà giờ mới sểnh ra một chút, mày đã giở trò mèo mả gà đồng. Cút đi, đồ mạt hạng, trơ trẽn, đừng để tao thấy mày thêm một phút nào nữa…”
Lý gian và tình cũng gian nốt. Cô làm sao có quyền dám lên tiếng thanh minh hay đòi hỏi bất cứ điều gì nữa. Cô thất thểu xách túi quần áo đi bộ ra bến xe. Cũng may trong túi còn mấy trăm ngàn anh chồng mới đưa tiền chợ, đủ để cô mua vé về quê. Lại lóc cóc trên hành trình gần bốn tiếng, nhưng cô không khóc được nữa. Cô chỉ canh cánh nghĩ một điều: phải nói làm sao với anh trai về tiền công đi làm nửa năm nay của mình đây?
Cả tháng trời, cô lầm lũi như một tên tội đồ. Bà mẹ nhìn cô, nước mắt rỉ ra từ khóe mắt nhăn nheo. Ông anh trai hằm hằm, gầm gừ cả ngày, tối đến lại mang chai rượu ra hè ngồi uống. Bà chị dâu ra ngấm vào nguýt, nói móc máy như đâm vào tim gan cô. Tất cả chỉ biết cô bị quỵt tiền công vì dại. Không một ai hiểu được cảm giác hạnh phúc hiếm hoi cô từng nếm trải và đến giờ vẫn râm ran trong cô. Những lúc ra đồng làm một mình hay khi cặm cụi giặt một chậu quần áo to tướng của cả nhà, cô lại đỏ mặt cười thầm.
Những cơn mơ đến bất chợt hàng đêm. Lăn cuốn, xối xả, hừng hực, mê man….Cô mơ hồ về một mầm sống đang nhú lên trong mình. Bản năng đàn bà với khát khao được làm mẹ trỗi dậy. Cảm xúc ấy giúp cô tạm quên đi ánh mắt lo âu vời vợi của mẹ, lãng đi giọng chì chiết nặng trịch của bà chị dâu. Suốt mấy tuần, giấc mơ ấy cứ trở đi trở lại. Tỉnh dậy, mồ hôi cô vã ra như tắm, khuôn ngực đầy vết xước đỏ.
Nhưng rồi một buổi sớm thức dậy, cô thấy bụng dưới khẽ quặn đau. Cô đến tháng. Vậy là chấm hết những giấc mơ. Cuộc giao hoan vội vã không để lại dấu vết. Chỉ còn nỗi ê chề cứ đeo đẳng người đàn bà tội nghiệp…
🍀Tạ thị Thanh Hải.
Posts: 13,352
Threads: 204
Likes Received: 1,531 in 716 posts
Likes Given: 1,683
Joined: Oct 2018
Reputation:
185
HOA MÍA
Ngô Hòa Bình
( Tác phẩm đạt giải 3, cuộc thi “Làng Việt thời hội nhập”)
– Ối làng nước ơi!… cháy…cháy!..chá…áy…
Thạc la thất thanh, khuôn mặt tái nhợt nhăn nhúm, đôi đồng tử giãn ra làm mi mắt căng tới mức phần lòng trắng hiện rõ. Hệt như người ta vẽ tranh biếm hoạ với đôi mắt mở to hết cỡ. Một cái vòng tròn màu trắng bạc nhờ nhợ thất thần bao quanh đôi đồng tử màu đen bé xíu. Mấy người coi vườn gần đó nghe tiếng la liền chạy tới hò nhau tìm cách dập lửa, ngọn lửa đã lan quá rộng. Thời tiết đang mùa hanh khô, nắng như rang.
Vườn nhà Thạc khá rộng lại tách biệt xa khu nhà dân cư nên không có nước. Gần đó có con suối nhưng mùa này là mùa cạn, con suối có chế độ nước theo mùa. Mùa mưa suối trở thành nơi câu cá và nguồn nước tưới tiêu cho nông dân trồng cây ngắn ngày. Mùa cạn nó trơ lòng lổn nhổn sỏi đá chỉ tiện cho mấy đứa trẻ trâu chơi trò trốn tìm hoặc bọn trộm mía dễ bề tẩu thoát. Lửa vẫn ngùn ngụt cháy, mọi người đang lúng túng không biết làm thế nào. Măng đứng ngó nghiêng dáo dác khoảng 30 giây rồi chạy vụt đi, một lúc sau nó quay lại trên tay cầm mấy con dao. Nó bắt đầu lao ra vườn chặt mía vứt ra xa, nó chặt thoăn thoát, mỗi nhát dao có tới hai, ba cây mía đổ nhào. Thạc khóc không thành tiếng ngồi thụp xuống, mía cháy mà nó còn làm gì thế kia, giọng lạc đi, yếu ớt ” Mày làm gì thế Măng ơi! Ôi mía của tôi hu hu…”. Măng vẫn không ngừng chặt thoăn thoắt, miệng nói to:
– Phải khoanh vùng đám cháy, nhanh lên!
Mấy người coi vườn nghe thấy thế liền hiểu ý. Nghĩa là phải chặt mía vòng quanh đám cháy để cắt đứt đường di chuyển của lửa, tránh việc nó lan rộng cháy cả vườn và cháy lan sang nhà khác. Ngay lập tức mỗi người cầm lấy một con dao chạy đi, họ chặt không thương tiếc, những nhát dao chưa bao giờ sắc ngọt đến thế. Khoảng trống họ tạo ra ngày càng rộng, có nghĩa là số mía bị đốn hạ càng nhiều. Lúc này thêm mấy bà thím trong làng nghe tiếng hò hét của đám trông vườn cũng vừa tới kịp. Họ cầm những chiếc sào tre gạt vội đám lá mía khô, nỏ dễ bắt lửa, dưới đất sang bên để tạo ra khoảng đất trống ngay chỗ đám đàn ông vừa chặt mía quăng ra đủ rộng ngăn cách giữa phần vườn mía đang cháy và phần còn lại.
Tiếng nổ lốp bốp của bẹ mía cháy lẫn trong tiếng phập… phập, rào.. rào của những cây mía bị đốn hạ làm tim Thạc thắt lại rát buốt. Mía cháy chính là Thạc đang cháy, mía chết chính là Thạc đang chết. Thạc không nỡ cầm dao đốn hạ những cây mía mà hàng ngày anh nâng niu chăm bón, nhổ từng nhánh cỏ, bóc từng bẹ lá. Mùi mía cháy bay toả khắp không gian, mùi mật mía thơm ngọt ngào là hương vị đặc biệt khó quên. Mùa lạnh, người ta thường đốt một đống lửa trước sân nhà, vừa ngồi quây quần bên đống lửa hơ bàn tay xua đi giá lạnh của mùa đông vừa nướng mía ăn. Thạc đã từng rất thích mùi mía nướng, vậy mà lúc này chính nó lại làm miệng Thạc thấy đắng ngét.
***
Trưa nay đang định chạy xe về nhà ăn cơm thì Măng ới Thạc qua lán bảo ” cháu có chai rượu ngâm chuối hột lâu không uống, lại có đĩa mồi vịt nướng, ăn một mình đau tức, chú sang ăn với cháu”.
Thạc bốc vội nắm hạt kê cho con Tre rồi xoa đầu nó bảo ” ăn đi, lão! ngoan, ở nhà, cho tôi đi uống chút cay cay cho đời bớt đắng”. Tre mổ vào tay Thạc, cổ họng nó phát ra tiếng khèng khẹc như có ý ngầm bảo, úi dào đời ông cả cay cả đắng có gì mà bớt. Cứ ra vẻ yêu không cần đáp lại mà đêm đêm nghe tiếng thở dài cũng làm tôi mất ngủ. Nói thế chứ mày hiểu gì cuộc đời mà biết cay với đắng. Thạc bỏ mặc con Tre vừa ăn vừa lầm bầm khèng khẹc, cạu cọ khó tính, đi vội sang lán Măng.
Hai chú cháu uống cũng độ vài ba chén, thấy nó nhiệt tình nên nể vì mà ở lại chứ rượu Thạc chẳng thích thú gì, cơ mà vịt nướng thì ngon đáo để. Mùi lá mắc mật quện đượm chút mật ong tẩm ướp thơm ngậy đưa cay thuận miệng lắm. Măng có gì ngon cũng gọi Thạc qua ăn. Thanh niên trong làng hầu như ra ngoài phố tìm việc hết chỉ có nó là ở lại làng.
Cách đây 25 năm, bố nó là người đầu tiên đưa giống mía tím về trồng ở cái làng này, tới giờ mía tím đã lan ra khắp huyện, tỉnh. Đi tới đâu cũng thấy người ta trồng mía, có năm được giá cao, nhiều người trong làng xây nhà lầu, mua xe hơi. Phất lên nhờ cây mía mà đi xuống cũng vì cây mía. Mấy năm thiên tai, hạn hán, mất mùa liên tục nhiều gia đình phải bán đất, bán nhà để trả nợ vì vay vốn trồng mía.
Cái lán của Măng nhỏ xíu chắc chỉ khoảng 10 mét vuông, phía dưới đổ cột bê tông quây kín để nuôi gà, vịt. Phía trên cũng đổ bê tông làm thành sàn để ngủ, tường làm bằng phên liếp có hai cái cửa sổ bé xíu nhìn ra vườn, thi thoảng có những đợt gió thổi vào mát rười rượi. Trên tường ngoài vài bộ quần áo bảo hộ lao động ra thì đồ vật có giá trị nhất là cây đàn ghi ta đã khá cũ kỹ nhưng bề mặt gỗ trơn láng, có vẻ như nó được ôm ấp và lau chùi hàng ngày. Uống được ba chén rượu Măng đứng dậy với tay lấy cây đàn, bàn tay sần sùi ngắn ngủi dùi đục với những dấu tích vết cứa cào của lá mía sắc bén ngang dọc trên mu bàn tay, đầu ngón tay thâm xì nhựa cỏ. Đôi bàn tay nông dân của Măng lướt trên những phím đàn trông thật ngộ, không phải những ngón tay thon dài, trắng trẻo của người nghệ sỹ mà sao nghe vẫn êm ái da diết thế:
“Con đường xưa em đi
Vàng lên mái tóc thề
Ngõ hồn dâng tái tê
Anh làm thơ vu quy
Khách qua đường lắng nghe
Chuyện tình ta đã ghi
Những mùa trăng vu quy
Vì mưa gió không về
Chiến trường anh bước đi
Có nàng hoen đôi mi
Ngóng theo đường vắng hoe
Hỏi còn ai cố tri…”
Thạc lim dim đôi mắt nhấp chút rượu, tự dưng thấy thèm thuốc lào ghê gớm. Cứ mỗi lần có chút hơi men lại nhớ chiếc điếu cày, hay mỗi lần nghe nó hát Thạc lại thèm thuốc, cũng không rõ nữa. Bước thấp bước cao quay về lán tìm chiếc điếu cày, móc trong túi áo ngực gói thuốc lào véo một miếng cho vào nõ điếu rồi quẹt diêm, ném que diêm cháy dở ra vườn, mắt lim dim, hồn phiêu diêu trên những nương mía. Mía ngọt lịm như môi nàng thiếu nữ đang yêu, như lòng mẹ ấm êm ngọt dịu, như dòng suối Lầm quanh năm tươi mát…
Trong lúc Thạc phê pha say thuốc, que diêm cháy dở bị ném ra vườn đã kịp bén vào lá mía khô. Tới khi dập xong lửa thì đám cháy đã cướp đi nửa vườn mía và cả chiếc lán tồi tàn lợp bằng lá mía. Chỉ tại điếu thuốc lào.
***
– Vườn mía nhà chú Thạc cháy gần nửa rồi mẹ ạ!
– Ừ! Khổ thân ông ấy, nhưng vẫn còn may
– May là sao hở mẹ?
Bà Đoan nhìn Măng cười buồn.
– Thì mới cháy có một nửa, còn một nửa bán đi đủ hoà vốn… chứ mía mà ra hoa thì…
Bà Đoan bỗng dừng lại ngập ngừng, khuôn mặt ngoài bốn mươi còn mặn mà xuân sắc của bà như trùng xuống, ánh mắt nhìn ra xa xăm nơi những qủa đồi mía lượn vồng xanh ngắt. Từng đợt gió nhè nhẹ thổi qua đám lá lào xào như muốn nhắc nhớ những kỷ niệm đã qua hẳn nhiên vẫn rực rỡ trong tâm trí của người đàn bà nông thôn miền núi.
Bố mẹ Đoan quê gốc ở Hà Nam Ninh, theo chính sách khai hoang vùng kinh tế mới của nhà nước mà di tản tới vùng núi này. Người miền xuôi sinh ra ở miền núi giữa bao người miền ngược. Ngày đó người Kinh rất ít nên thường sống co cụm với nhau. Cùng học chung lớp chung trường, bố mẹ cùng quê, cách nhau cái dậu mùng tơi đã khiến cho Tuấn, Đoan và Thạc thành bộ ba thân thiết từ bé.
Ba đứa chơi cùng nhau đủ thứ trò. Từ cởi truồng tắm mưa, chơi khăng, đánh đáo, nhảy dây, đuổi bắt… Nhiều khi đánh chửi nhau chí chóe, giận nhau vài ngày rồi lại thân thiết như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Cho tới khi học lên cấp 3, mỗi đứa đều có chút thay đổi về thể chất và tâm sinh lý. Sự thay đổi đó dường như khiến cho cả ba có chút ngượng ngập, giữ ý hơn, nhất là Đoan.
Tuấn càng lớn càng điển trai, lãng tử lại khéo mồm khéo miệng, hài hước, câu chuyện của Tuấn luôn làm Đoan cười suốt buổi. Hẳn nhiên những kẻ hài hước thường được lòng phái đẹp chăng? Đoan có vẻ thân với Tuấn hơn. Thạc thì cục mịch chân chất, ít nói có lẽ vì vậy mà Thạc trở thành người luôn lắng nghe mọi chuyện của hai đứa còn lại. Chỉ có Đoan là sướng nhất, mấy năm học cấp ba chẳng bao giờ nó phải tự đạp xe đến trường, thường thì nó ngồi sau xe của Tuấn trừ những ngày xe Tuấn bị hỏng, nó mới chịu ngồi xe của Thạc. Hình như chơi bộ ba bao giờ cũng có một đứa lẻ ra, Thạc ngày nào cũng lững thững đạp xe sau hai đứa, nghe chúng nó ríu ran trò chuyện rồi cười đùa khúc khích. Những lúc như thế Thạc thường lặng im ngắm nhìn Đoan, nụ cười của Đoan dường như có ánh nắng ban mai nhảy nhót, như dòng suối Lầm róc rách chảy quanh bản làng, như làn gió mùa thu mát rượi mỗi sớm tinh sương. Nụ cười của Đoan đã ám ảnh Thạc suốt cả thời tuổi trẻ mà cứ nghĩ đến lòng lại thấy xôn xao.
Rồi một ngày Đoan ốm, chỉ có Thạc và Tuấn đến trường. Trường huyện cách nhà 5 km, cả đi và về là 10 cây số. Hai đứa đạp xe im lặng hàng ngang bên nhau. Như mọi ngày Thạc vừa đạp xe vừa đếm từng cây phi lao hai bên đường, nghe tiếng gió rì rào dịu nhẹ trên những tán cây, tiếng gió dường như mạnh bạo hơn mọi ngày bởi thiếu tiếng cười của Đoan, thiếu tiếng ríu ran trò chuyện và thiếu cả tiếng pha trò hài hước của Tuấn.
– Tao sẽ lấy Đoan- Tuấn cất lời sau hồi lâu im lặng, hai đứa đã đi được gần nửa con đường đến trường. Đàn ông dễ hiểu nhau quá mà, chỉ có Đoan là không nhận ra rằng cả hai thằng đàn ông mới lớn đều yêu nó.
– Mày có chắc là mày yêu Đoan hơn tao không- Thạc hỏi
– Tao không chắc, nhưng có một điều tao chắc chắn rằng Đoan thích tao hơn mày.
Đến lượt Thạc im lặng, tình yêu không phải là mớ rau hay tấm áo để nhường nhau. Thạc muốn giữ mãi nụ cười toả nắng ấy đi suốt cuộc đời.
Ngày Đoan ốm cũng là ngày Tuấn và Thạc nghỉ học, hai đứa đạp xe vào suối Lầm, vứt xe bên bờ suối để bơi thi, nước suối trong veo dịu mát, đứng trên bờ còn nhìn rõ từng viên sỏi dưới lòng suối. Hàng ngày sau mỗi buổi đi học về hai đứa vẫn thường rủ nhau ra suối tắm, riêng Đoan từ ngày lên cấp ba nó nhất định không chịu tắm suối như hồi bé nữa.
Đây là lần đầu tiên hai đứa bơi thi, mặc dù đã bơi cùng nhau rất nhiều, nhưng chưa bao giờ nghiêm túc và quyết liệt như lần này. Kết quả là không đứa nào thắng đứa nào. Hai thằng lại kéo nhau lên bãi cỏ khá rộng ven bờ suối, hai thanh niên đang tuổi bẻ gãy sừng trâu tỷ thí bằng nắm đấm. Lần này Thạc thắng, để lại trên mặt Tuấn một vết bầm khá rộng bên mắt trái. Cũng vì cú đấm mạnh tay đó của Thạc mà bộ ba rã đám, không còn đi chung thân thiết như ngày trước nữa.
Không những thế Đoan còn mắng Thạc té tát vì cái tội đã làm Tuấn đau. Đoan đâu biết cú lên gối của Tuấn cũng làm Thạc suýt gãy xương sườn, đau cả tuần không khỏi. Đoan chẳng mấy quan tâm đến lí do hai thằng đánh nhau, chỉ vì bênh vực Tuấn mà Đoan nỡ lòng mặt lạnh với Thạc. Đoan luôn bảo Tuấn đạp xe thật nhanh để bỏ Thạc lại phía xa, không phải Thạc không đủ sức để chạy theo sát hai đứa mà vì Thạc không muốn Tuấn đi quá nhanh mà đánh ngã Đoan. Năm cuối cấp cứ như thế trôi qua trên cả sự rạn nứt nửa trẻ con, nửa người lớn của bộ ba ấy. Tuấn đỗ vào cao đẳng Nông –Lâm, Đoan đỗ cao đẳng sư phạm hai đứa công khai yêu nhau, chỉ riêng Thạc do nhà nghèo lại đông em nên quyết định ở nhà trồng ngô nuôi lợn giúp bố mẹ nuôi các em ăn học.
Tuấn và Đoan tốt nghiệp cao đẳng hai đứa tính làm đám cưới. Ngày Thạc nhận được thiệp mời từ tay Tuấn, hai đứa lại rủ nhau ra suối Lầm. Lần này không phải để thi bơi hay tỷ thí võ thuật nữa. Hai thằng ngồi bên bờ suối cùng im lặng nhặt những viên sỏi ném ra xa, nghe tiếng nước bắn lên tung toé.
Một buổi chiều âm u như chính lòng Thạc. Vết bầm trên mắt Tuấn đã không còn nữa, nhưng vết đau bên mạng sườn của Thạc đã chuyển lên tim. Thạc thấy tim mình nhói buốt khi nghĩ đến nụ cười toả nắng của Đoan, cơ hội để hôn lên nụ cười ấy như giấc mơ tan biến vào đêm, như viên sỏi chìm vào lòng suối. Lớn lên cùng nhau, chơi với nhau thân thiết tới độ ấy thì cần gì phải nói. Nhiều khi mọi lời nói đều trở nên vô nghĩa trước những thanh âm khác. Thanh âm của tuổi thơ, của sự thấu hiểu, của tình thân gắn bó trên cả tình bạn thông thường của ba đứa. “Tao sẽ đem hạnh phúc đến cho Đoan, cô ấy sẽ không bao giờ phải khóc, mày yên tâm” Tuấn cất lời phá tan bầu không khí u ám bao trùm giữa hai đứa. Câu nói của Tuấn cứ như thể con rể tương lai đang xin phép bố vợ sắp cưới vậy. Thạc im lặng không trả lời, anh nhặt một viên sỏi ném ra xa nghe tiếng nước bắn lên tung toé. Trong khoảnh khắc ấy Thạc tin lời Tuấn. Nhưng cuộc đời không phải lúc nào cũng chiều lòng người.
Tuấn là một thanh niên khá thông minh và nhạy bén, sau khi tốt nghiệp Tuấn đã đem nhiều giống cây trồng mới về cho xã. Trong đó thành công nhất là cây mía. Mía là giống cây dễ thích nghi, đất đồi cũng được, phù sa cũng được, mầm mía lên nhanh và khỏe. Nếu được mưa ở giai đoạn đầu sinh trưởng cây mía to và nhiều nước. Nhà Tuấn khá giả lên nhanh chóng nhờ cây mía, không những thế Tuấn còn giúp đỡ bà con về kỹ thuật và nhân giống rộng ra khắp huyện.
Từ khi lấy Tuấn cũng như ngày sống cùng bố mẹ đẻ, Đoan không phải vất vả gì. Cô sống trong cảnh an nhàn sung sướng, hàng ngày được Tuấn đưa đi làm trên chiếc xe Sim Sơn láng coóng. Cuộc sống của vợ chồng Tuấn là niềm mơ ước khát khao của nhiều người. Thế rồi Đoan có bầu và sinh thằng Măng (tên gọi ở nhà, thật ra tên nó được bố đặt là Nguyễn Trọng Nghĩa) Đoan mong muốn thằng bé khỏe mạnh và có sức sống mãnh liệt như cây măng rừng. Cái tên như vận vào người Măng lớn lên khỏe mạnh, thông minh. Hồi mới tập đi thi thoảng nó lon ton chạy ra đầu ngõ, Thạc bắt được ngấu nghiến thơm lấy thơm để, không biết vì yêu hay vì ghét. Có lần chẳng hiểu Thạc thơm thế nào mà má thằng bé đỏ bầm hiện rõ vết răng, sưng mấy hôm không khỏi. Đoan càng ghét Thạc ra mặt, hễ thấy bóng dáng Thạc là Đoan lảng đi chỗ khác hoặc bế Măng về nếu đang chơi bên nhà hàng xóm.
Thấm thoát Măng cũng đã được chín tuổi, các em của Thạc cũng đã lập gia đình, chỉ còn mình Thạc, bố mẹ già và ngôi nhà vẫn ở nguyên chỗ đó, ngay sát cạnh nhà Tuấn-Đoan. Thạc lấy cớ chăm bố mẹ già yếu mà chưa tính lập gia đình. Thực ra trong lòng anh trống vắng hoang hoải chỉ có hình bóng của Đoan.
Hàng ngày quan sát qua hàng rào mùng tơi, nhìn Tuấn chiều chuộng vợ con, nhìn Đoan vui đùa với Măng lòng anh cũng đủ ấm áp. Lạ thật, có phải yêu là mong cho người mình yêu được hạnh phúc? Cuộc sống cứ thế yên bình trôi theo ngày tháng mặc kệ những tình si nhân thế, mặc kệ những đớn đau hay hạnh phúc của đời người. Mía cũng vậy, mọc mầm rồi lên xanh, bóc bẹ và cao vút, vun gốc và nhặt cỏ… chẳng mấy chốc là đến vụ đốn hạ. Cây mía còn biết chờ heo may tháng 11 để xuống mật ngọt đậm đà tròn vị, còn Thạc như ngày và tháng, cứ vậy mà trôi qua. Nhưng ngày và tháng cũng còn có đổi thay, hôm nay nắng, ngày mai mưa, ngày thứ âm u mây mù giăng lối. Lòng Thạc tịnh không hư vô, vui buồn theo vui buồn của “hàng xóm”.
Mía vẫn lên xanh và đung đưa theo gió, nhưng năm đó mía ra hoa. Người ta bảo mía ra hoa thì coi như mất mùa vì thân mía hết nước, cây trở nên khô khỏng, ở giữa thân mía hình thành mảng xốp trắng nhẹ như ruột bấc đèn dầu, rút nước lên nuôi hoa hết. Hoa mía rất hiếm khi nở, hơn mười năm đem mía về làng, đây là lần đầu tiên Tuấn trực tiếp thấy hoa mía.
Hoa mía màu trắng, bông dài vút lên trời cao, không khác gì bông lau. Năm đó, Tuấn đã dốc toàn bộ số vốn liếng dành dụm được để thầu gần mười héc ta trồng mía với hy vọng thắng lớn, anh sẽ mua căn nhà trên thành phố để chuyển vợ con lên đó, sau này tiện cho thằng Măng có điều kiện học hành. Tuấn lo lắng mất ăn mất ngủ, hoa mía mới lên lác đác. Tuấn chạy đôn chạy đáo kêu gọi các thương lái quen, nhưng đều nhận được cái lắc đầu ái ngại. Chẳng có cách nào khác, Tuấn tự thuê xe rồi đem mía ra thành phố bán, được ít nào hay ít đó. Tuấn không thể ngồi yên nhìn mía chết, không thể để tài sản tích lũy bao năm bay theo hoa mía.
Khi hoa mía đã lan trắng nửa quả đồi cũng là thời điểm Tuấn thực hiện được chuyến hàng thứ bảy, nhưng chuyến đó Tuấn đã không về nhà. Do chở quá nặng khi đi qua dốc Cun, xe bị mất lái, cả người và xe lao xuống vực. Đoan khóc rất nhiều, nước mắt tưởng thành sông.
Tuấn đã không sống được để giữ lời hứa. Năm đó hoa mía phủ trắng cả chục héc ta như màu khăn tang đội trên đầu mẹ con Đoan, màu trắng bàng bạc buồn tẻ trong buổi chiều quê như lời tiễn biệt người đã từng đem mía về làng. Sự ra đi đột ngột của Tuấn đã làm Thạc vừa buồn vừa giận. Buồn theo nỗi buồn của Đoan, giận vì Tuấn đã không giữ lời hứa rằng không bao giờ làm Đoan phải khóc. Buồn vì mất đi người bạn thân mà chẳng ra thân, ghét không ra ghét. Từ ngày hai đứa chúng nó lấy nhau, Tuấn và Thạc như có hàng rào vô hình ngăn cách. Cái thứ tình cảm dở ông dở thằng giữa hai đứa, Thạc cũng chẳng hiểu nổi thật ra nó là gì. Lúc thì ganh tỵ như tình địch, lúc lại thương như người thân, lúc lại căm như kẻ thù.
Giờ đây Đoan vừa mất đi người đàn ông yêu thương cô, vừa mất đi tài sản mà hai vợ chồng đã tích lũy chục năm qua.
Cô vô cùng lúng túng không biết phải làm gì với vườn mía nở hoa trắng xóa. Không biết phải làm gì với cuộc đời mình khi không còn có Tuấn bên cạnh. “Đoan bớt đau buồn, bên cạnh Đoan vẫn còn có Thạc, cần gì Đoan cứ gọi Thạc giúp”. “Vậy theo Thạc bây giờ tôi phải làm gì?”. “Theo tôi việc đầu tiên là đốt vườn, vì nếu chặt mía xếp đống vào đốt thì mất rất nhiều công chặt, vì vậy cách hay nhất bây giờ là đốt cả vườn. Mía đã ra hoa thì không khác gì củi, không thể ăn được nữa. Đừng tiếc”
Nghe tới đó Đoan lại khóc, có thứ cây gì nở hoa mà ác nghiệt như cây mía không? Cũng từ ngày đó, Đoan không còn thảnh thơi cắp cặp đến trường như trước được nữa, cô tất bật từ sáng tới tối, một buổi lên lớp, buổi còn lại thì lao ra vườn như mọi người phụ nữ nông thôn khác. Nhưng Đoan không chịu trồng mía như mọi người, cô đổ lỗi cho mía đã đem Tuấn đi. Mặc dù Thạc thuyết phục rất nhiều rằng không phải năm nào mía cũng ra hoa, rằng chỉ trồng mía mới có thu nhập cao hơn trồng các loại cây khác…
Biết tính Đoan ương ngạch và cố chấp có thuyết phục cũng vô ích, Thạc đành im lặng âm thầm giúp đỡ mẹ con Đoan. Lúc thì đưa Măng đi học, khi nó bị ngã giãn dây chằng ở chân do leo trèo. Lúc thì lợp giúp mái nhà bị tốc mái do gió bão, khi thì chạy qua bắt giúp con lợn xổng chuồng chạy giông. Lúc thì sửa cái quạt điện không chịu chạy khi cần…
Đoan vẫn lạnh lùng như thế, chẳng thay đổi gì cả. Mỗi lần Thạc làm giúp việc gì đó Đoan chỉ bảo “Đừng tốt với tôi quá, tôi không có gì để trả cho Thạc đâu”. Cần gì phải trả thứ gì, Thạc hoàn toàn tự nguyện, người ta bảo ” yêu mà đòi hỏi được đáp lại là con người, yêu mà không đòi hỏi đáp lại là thiên thần”. Chỉ có Măng là thay đổi, nó lớn lên từng ngày và học giỏi y như bố nó ngày trước. Mỗi lần được điểm mười nó lại réo tên Thạc từ đầu ngõ để khoe.
Thạc lặng lẽ như vậy bên mẹ con Đoan. Măng gần như đã coi Thạc là người thân không thể thiếu trong cuộc đời nó. Có chuyện gì cũng đem kể với chú Thạc, từ chuyện nó bị mấy đứa trong lớp giấu cặp xách cho tới chuyện con mèo bỏ ăn kêu gào cả ngày rồi bỗng nhiên bỏ đi mất, chuyện bị mẹ mắng vì cái tội quên nấu cám cho lợn… Thôi thì đủ thứ chuyện linh tinh lang tang trên trời dưới biển gì nó cũng kể cho Thạc nghe. Hai chú cháu như hai người bạn thân thiết giống như ngày nào Tuấn và Thạc cũng đã từng thân thiết như thế. Có lần nó hỏi “Sao chú không sang ở với mẹ con cháu nhỉ?” nghe câu đó Thạc chợt đưa mắt nhìn Đoan, Đoan giả tảng ngó lơ chỗ khác, vờ như không nghe thấy.
Tình cảm là thứ gì đó thật kỳ lạ, nó không dễ dàng có đối với ai đó và cũng chẳng dễ dàng mất đi đối với Thạc. Đúng rồi, người ta chỉ yêu thôi, đâu có lỗi gì. Thạc chấp nhận “yêu chay” không mong nhận lại, không đòi hỏi, không làm phiền thì mắc mớ gì Đoan cấm. Miễn là Đoan để cho Thạc được quan tâm giúp Đoan những điều nhỏ nhặt hàng ngày trong cuộc sống là Thạc thấy vui rồi. “Chú Thạc là thiên thần, mà thiên thần thì chỉ ở một mình và đi giúp đỡ người khác thôi”. “Cháu rất thích thiên thần đấy” Măng cười hôn nhiên, nụ cười con trẻ.
Mười năm sau. Có phải tên Măng như định mệnh gắn anh với rừng với nghề nông nên anh đã chọn quay trở về sau khi tốt nghiệp chuyên ngành mà trước đây bố Tuấn đã chọn. Cái nghề mà thanh niên thời này chẳng mấy ai lựa chọn. Anh trở về làng thuyết phục mẹ trồng mía.
Thời gian như liều thuốc chữa lành nỗi đau mất mát nhưng nó lại hằn vết tích lên khuôn mặt nhân gian khiến cho nhan sắc tàn phai, thanh xuân vụn vỡ. Người ta bảo mỗi người đều phải chịu trách nhiệm về khuôn mặt của mình sau tuổi ba mươi. Bởi gương mặt, ánh mắt thể hiện rất rõ biến cố nội tâm của đời người, là tấm gương phản chiếu những trầm tích của thời gian, những thăng trầm đớn đau hay hạnh phúc trải qua.
Đoan không còn đẹp, da không còn căng tràn như hồi con gái. Khuôn mặt thoáng những u buồn khắc khổ, nhưng mỗi khi cười khuôn mặt vẫn bừng lên rạng rỡ, nụ cười giam giữ một đời người. Kẻ bị giam giữ không ai khác là Thạc, mặc dù cuộc sống của Thạc giờ đã khác trước rất nhiều. Nhờ cần cù chịu khó cùng với mấy năm được mùa mía, anh đã xây được nhà khang trang to đẹp, không ít người đánh tiếng mai mối con gái, cháu gái, nhưng Thạc chẳng chịu gặp gỡ ai. Tối ngày chỉ loanh quanh trong vườn mía với Tre. Có mía để sống, có Tre làm bạn thì cần gì lấy thêm ai nữa. Thật ra mọi người nghe Thạc nói vậy thôi, ai mà không biết Thạc si tình Đoan, lo cho Đoan không có ai chăm sóc. Mấy năm thằng Măng đi học xa nhà, Thạc luôn có Tre bên cạnh. Đoan lấy ai làm bầu bạn? Lúc trái nắng trở trời ốm đau, đêm hôm khuya sớm.
Lại nhớ cái đận Đoan tụt huyết áp ngã ngay trên bục giảng, được đồng nghiệp đưa đi bệnh viện. Thạc biết tin chạy đến đem theo tô cháo gà, vậy mà Đoan vẫn cứ nguây nguẩy ” Đừng tốt với tôi quá, tôi không có gì để trả cho Thạc đâu”. Ôi dào, ai cần trả, cứ ăn đi cho khỏe rồi tính. Ngồi quấy quá một chốc, Thạc bỏ ra ngoài, cứ ngồi ì ra đấy cháo nguội hết, tính con mẹ này nó vậy, chờ Thạc đi mới chịu ăn, lạ gì nữa. Măng chẳng hề biết gì về chuyện mẹ nó bị ngất, lúc ấy cu cậu đang chuẩn bị thi tốt nghiệp nên Đoan không muốn con phải lo lắng. Mấy ngày Đoan nằm viện, Thạc tất bật lo cơm cháo cho nàng, đã thế lại còn đàn lợn gần chục con cả ngày réo rít gọi Thạc cho ăn, nghe sốt cả ruột. Con Tre đủng đỉnh đi lại trong nhà, cái đuôi dài sặc sỡ cong vút của nó cứ đánh qua đánh lại theo nhịp bước. Nó như có vẻ rất thích chí. Đáng đời ai bảo yêu không cần đáp lại, đầu bù tóc rối chưa? Mày thì biết gì về tình yêu mà triết lí, tao chỉ cần có cơ hội giúp đỡ Đoan là hạnh phúc nhất trên đời rồi, hiểu không, đồ vẹt già.!
Nương mía cách nhà khá xa, anh dựng lều để trông coi. Dư sức thuê người trông vườn nhưng Thạc vẫn muốn tự mình làm việc đó, mía như sinh mạng của anh rồi.
***
Mía cháy, chiếc lều dựng tạm để trông vườn cũng cháy. Con Tre không biết còn sống hay đã chết cháy. Thạc lang thang trong vườn mía còn nham nhở vết tích, mùi mía cháy vẫn còn thơm buốt ruột. Tre ơi!
Thạc đi xuống cuối vườn nơi cách đây vài năm Thạc đã bắt gặp nó nằm thoi thóp trong bụi tre già, nó cũng già, một chân gãy gần đứt lìa, tiếng kêu yếu ớt. “Mày có vợ con gì không? Hay chắc cũng giống tao. Thôi, theo tao về nhà, tao chữa lành vết thương, khi nào khỏi thì đi tìm gia đình của mày nhé”. Vừa nâng chú vẹt già trên tay, Thạc lầm bầm như nói với chính mình vậy, không biết nó nghe có hiểu gì không mà nằm im thít trong lòng tay Thạc. Sau vài ngày đắp lá, cho ăn uống đầy đủ, vẹt già đã hồi phục sức khỏe. Thạc đem thả ở đâu nó cũng mò về, cả ngày thập thễnh quanh quẩn dưới chân Thạc. Nó đi lại không khác gì một tay thọt chân khó tính, suốt ngày cằn nhằn, thi thoảng nó ngứa mỏ mổ vào chân Thạc đau điếng. Cũng từ ngày về nhà Thạc, nó chưa một lần dùng tới đôi cánh, mặc dù bộ cánh của nó khá đẹp và sặc sỡ.
– Sao chú gọi nó là Tre?
– À! Tao tìm thấy nó trong bụi tre già cuối vườn thì gọi vui vậy thôi. Cái gì chẳng phải có tên. Đến cái bút viết còn có bút bi, bút mực, bút chì… nữa là.
– Kệ. Cháu cứ gọi nó là vẹt già!
– “Đoan ơi, Đoan ơi”- con Tre ngúng nguẩy chiếc đuôi sặc sỡ kêu lên
– Đấy! mày thấy chưa? Nó phản ứng đấy
Điều buồn cười nhất là những câu Thạc dạy nó không nói được câu nào, bộ nhớ của nó chỉ lưu được hai từ “Đoan ơi”. Khổ nỗi hai từ đó Thạc không hề dạy, chỉ là hằng ngày Thạc vẫn thường đứng bên này dậu mùng tơi, gọi qua nhà bà góa hàng xóm “Đoan ơi, đàn lợn kêu quá tôi vừa cho ăn rồi nhé. Đoan ơi! Thấy chum nước hết nên tôi vừa bơm hộ… Đoan ơi…” và câu trả lời mà Thạc nhận được vẫn chỉ là “Đừng tốt với tôi quá, tôi không có gì để trả cho Thạc đâu”. Ơ hay, cái con mụ, nói câu mấy chục năm không chán.
Thạc tìm Tre khắp ngõ ngách hàng rào bụi rậm trong vườn mà không thấy. Sao mày không dùng đôi cánh mà bay lên khỏi đám cháy, hay tại mày già quá không thể bay nổi nữa. Khổ thân mày, có lẽ đã chết cháy cùng đám mía rồi cũng nên. Thạc buồn như vừa mất đi người thân.
***
– Mẹ ơi! Chú Thạc như bị ốm hay sao ấy. Mẹ sang xem giúp con, con ra xã công chứng ít giấy tờ.
– Ốm gì ông ấy. Chắc đang nằm ngủ thôi.
– Mẹ cứ sang kiểm tra đi, bình thường giờ này chú ấy đã đi làm lâu rồi. Hay chú ấy buồn vì mía ra hoa? Hôm qua con ra vườn kiểm tra thấy mía nhà chú ấy nở hoa mẹ ạ
– Thôi chết! Mía nở hoa thật hả con!
– Không có điềm lành dữ gì đâu, mẹ yên tâm- Măng trấn an mẹ- Mía là cây hàng năm, thời gian sinh trưởng cho tới lúc thu hoạch là 12 tháng. Nếu để quá thời gian đó mà không thu hoạch thì nó sẽ ra hoa. Cũng giống như rau cải mẹ trồng đó, nếu không ăn hết để quá lứa nó sẽ nở hoa. Mía cũng vậy, trồng từ tháng 11 năm trước thì đến tháng 11,12 năm sau nên thu hoạch. Mẹ tính xem, giờ đã là tháng tư rồi.
Măng giục mẹ qua nhà chú Thạc, anh vừa nhận được quyết định tuyển dụng của sở nông nghiệp. Trước đây vì lo cho mẹ mà Măng đã nhiều lần từ chối nhưng giờ thì anh hiểu rồi. Phải để cho hai con người ương ngạnh, cứng đầu ấy có cơ hội gần nhau. Anh cũng có nhiều điều kiện hơn để giúp đỡ bà con nông dân về kỹ thuật nuôi trồng. Măng muốn tìm hướng đi mới cho cây mía. Xuất khẩu mía tím là điều anh nghĩ tới, không thể để cây mía tím mà bố anh cất công nhân giống gần ba chục năm nay chông chênh không tìm được đầu ra. Nông dân không tiêu thụ được, đứng trước nỗi lo hoa mía.
Thạc ốm thật, cơ thể nóng ran, khắp người đau nhức khó chịu. Thạc ốm vì nhiều lẽ, không chỉ vì vườn mía cháy, không chỉ vì con Tre mất tích mà còn vì chiều qua, Thạc phát hiện một vài luống mía ra hoa. Đã hơn chục năm kể từ ngày Tuấn mất, mía lại nở hoa. Mía cháy, mía nở hoa… ừ thì coi như năm nay Thạc mất mùa mía. Đau lắm, thương lắm nhưng sao bằng thương tiếc con Tre già. Hằng ngày nhìn bước đi bì bạch của nó, nghe nó càu nhàu gọi “Đoan ơi, Đoan ơi” Thạc thấy bớt cô đơn trống vắng, lúc nào cũng như có người bầu bạn tâm sự. Bố mẹ mấy năm trước đã bỏ Thạc về Tây phương cực lạc, giờ lại tới con Tre cũng bỏ Thạc mà đi.
– Thạc ơi!
– Thạc ơi!
Bà Đoan gọi mấy câu không thấy Thạc trả lời bèn đẩy cửa bước vào. Mặc dù đều đã ngoài bốn mươi, hai người vẫn gọi nhau bằng tên như ngày còn đi học.
– Đoan đấy à?
– Thạc ốm phải không?
– Tôi chỉ hơi mệt một chút
– Măng nó nhờ tôi đem cháo qua cho Thạc đây, dậy ăn đi cho nóng
– “Đừng tốt với tôi quá, tôi không có gì để trả cho Đoan đâu”
– Giời ạ. Ông trả đũa tôi đấy à?
Thạc gượng cười, trên khuôn mặt hiện rõ nét mệt mỏi.
– Người ta bảo “Yêu mà đòi hỏi được đáp lại là con người, yêu mà không đòi hỏi được đáp lại là thiên thần”
– Thiên thần nào mà xấu xí như Thạc chứ?
Đoan cũng cười, nụ cười tỏa nắng trên khuôn mặt hằn nhiều dấu tích thời gian. Nụ cười giam giữ một đời người, hẳn nhiên không còn rực rỡ trong tâm trí ai đó nhưng với Thạc chỉ nhìn thôi, lòng đã thấy xôn xao.
Posts: 13,352
Threads: 204
Likes Received: 1,531 in 716 posts
Likes Given: 1,683
Joined: Oct 2018
Reputation:
185
GIỮA NGƯỜI VỚI NGƯỜI
Nguyễn Ngọc Tư
.
Bắt đầu bằng những vết rạn nhỏ không thấy được bằng mắt thường, cuộc tình của em mẻ một mảnh sau bữa bồ khoe ca trực tối qua có thằng trộm trâu bị đánh suýt chết, ngay lúc cấp cứu bồ kịp lấy điện thoại chụp cái ảnh thằng nhỏ nằm rúm ró tải ngay lên mạng xã hội, thiên hạ ào vô thích quá trời. Nhỏ em nghĩ bồ quên vai trò mình là bác sĩ còn thằng nhỏ là bệnh nhân, nhưng sao có thể quên kẻ đang chịu đau đớn kia là một con người?
Chuyện đã cũ rồi, tình cũng thành tình cũ, nhưng em nói không bao giờ ghé lại ngôi nhà trên mạng của bồ, giờ cũng là một địa chỉ đông khách thăm. Em sợ lại gặp trên ấy gương mặt biến dạng của người phụ nữ bị chồng thiêu, bàn tay rụng đốt của một em bé bị bạo hành… những con người buộc phải đến khoa cấp cứu trong tình trạng bên bờ sống chết. Chỉ với điện thoại thông minh buộc vào mạng xã hội là thành một cần câu, anh bác sĩ ung dung biến ca trực của mình thành buổi câu tin nóng hổi. “Và bằng mồi người”, em nói, không cười.
Hai chữ mồi người thịnh hành khá lâu, lúc những trang báo lá cải bắt đầu câu người đọc bằng những tình duyên, đường cong, rãnh sâu của diễn viên người mẫu. Lần hồi cũng lạt miệng, mồi câu không còn móc vào giới phù hoa. Đầu năm những người bán bắp luộc chết giấc với tin nồi nước luộc có pin đèn, cuối năm giới hủ tiếu gõ sập tiệm với tin nước dùng chuột cống. Mẹ em nấu chè dừa non bán, hổm rày lo rầu sợ mở báo thấy đăng tin chè bưởi có thuốc rầy, chẳng hạn. Tai bay vạ gió, biết đâu chỉ vì một người bán chè nào đó ở cổng trường thấy một cậu học trò chửi thề ghê quá, bảo ban nó mấy câu, ai ngờ nó để bụng về tung lên mạng cái câu ăn chè bưởi ngộ độc thuốc trừ sâu. Những trang báo đói ngấu chộp lấy, năm giây sau cả nước biết tin, tẩy chay món chè của bà già.
Em hỏi tôi đọc lung tung xèng vậy, có chuyện nào truyền thuyết nào về cái sự người không ngó thấy người, kiểu như truyền thuyết về tháp Babel giải thích rằng bởi vì Chúa trời trừng phạt nên chúng ta không nghe và hiểu nhau. Đâu phải tự dưng mà lịch sử thế giới triền miên những cuộc chiến vì tôn giáo, sắc tộc, màu da, nhìn nhau chỉ để nhận diện giặc hay ta. Điện thoại thương hiệu Mỹ, Hàn, hoàn toàn không mắc mớ gì tới chén cơm của mình đâu mà vẫn tung toé những lời nhiếc mắng trên diễn đàn công nghệ. Một vụ cướp tiền giữa ban ngày, người ta chỉ thấy giấy bạc bay mà không thấy nạn nhân. Hôi bia cũng vì chỉ thấy bia lăn lóc ra đường.
“Tụi mình cứ như bị lời nguyền”, em nói. Bạn bè vẫn gọi em là con Tám càm ràm, vì cái tính đa cảm đa sự. Biết đâu những bộ tộc trong rừng rậm châu Phi, họ đang lưu truyền một vài lời nguyền rằng người ta luôn bị che mất tầm nhìn bởi những bức tường vô hình. Chọn bầy đàn này, nghĩa là chống lại bầy đàn khác. Chọn tôn giáo này buộc phải miệt khinh người của tôn giáo khác. Đến và đi cùng lúc, trong cái cách người ta gần lại có ẩn chứa sự xa nhau.
Ngay cả mạng xã hội, thứ dùng để chia sẻ, cũng đi bên lằn ranh chia rẽ. Nó giúp em tìm lại rất nhiều bạn học cũ, tham gia những chuyến công tác xã hội, quen và yêu anh bác sĩ đẹp trai. Nhưng mạng xã hội cũng góp tay cho đường ai nấy bước. Mẹ em tiếc thằng rể hụt, nói tao thấy nó hiền queo, có gì để chê đâu. Em nói với mẹ, nhiều khi người ta ác mà không biết. Thí dụ, một người thấy cô gái trèo thành cầu để nhảy sông tự vẫn, anh ta đắn đo không biết nên giữ cô lại, hay cứ để cổ nhảy và ta chụp ảnh đem lên mạng câu ngàn cái tặc lưỡi suýt xoa. Cái đắn đo ấy, dù là trong khoảnh khắc, cũng đáng sợ.
Ngay cả đồ chơi mà cũng điều chỉnh được hành vi con người, làm cho tình người xao lãng, động vật cấp cao coi vậy mà dễ tổn thương.
.
Posts: 13,352
Threads: 204
Likes Received: 1,531 in 716 posts
Likes Given: 1,683
Joined: Oct 2018
Reputation:
185
MÁ.
LÊ NGUYỆT MINH
Năm hai mươi tuổi, tôi về làm dâu nhà má. Lúc đó má 40 tuổi. Nhà chồng tôi bé tí, đầu thừa đuôi thẹo. Tôi lấy ổng vì sự mai mối của người chị cùng chỗ làm. Lúc ổng đến nhà chơi, tôi còn đi chơi với bồ chưa về. Thế mà tôi quyết lấy ổng chỉ vì nhà ổng con một. Hơn nữa, mẹ tôi nói con gái lớn rồi, để lâu không lấy chồng dễ sinh hư. Một mẹ một con, bố ổng chết hồi nào không biết. Nhưng cái nhà một mẹ một con nhìn rất chán. Chật chội, như cái áo rách vá mãi vẫn thủng.
Má chồng tôi người miền Bắc. Bà rất đanh đá. Công việc của má là bán buôn ở chợ. Bà bán đủ thứ trên đời, gặp gì bán đó, lỗ cũng bán, rẻ cũng bán, đắt cũng bán mà đôi khi cho không. Nhiều lần theo má đi bán, thấy kỳ quá, tôi mới quạu:
– Má bán gì kỳ cục vậy?
Má trả lời:
– Cỡ nào cũng phải bán được, lỗ tao cũng bán, lấy tiền mua cái khác về bán lời hơn. Chứ vì chờ lãi hai nghìn bạc, rồi mãi mới bán được, làm sao xoay được vốn?
Biết là thế, nhưng đúng kiểu thần linh thiên địa ơi, bán trên trời dưới đất kiểu bả, tôi cười đau cả bụng. Mà công nhận, bả có giang buôn bán thiệt chứ, có khi bả mua đâu được gánh chuối, đi vòng cái chợ thôi đã thấy bán hết veo rồi.
Mà kiểu của bà, chả đi lấy hàng đâu xa, lấy đầu chợ bán cuối chợ, thế mà vẫn có lời.
Nhưng má bị thần kinh, cứ ngày nào nắng to là leo lên nóc nhà chửi búa xua, chửi tầm bậy tầm bạ, bà con lối xóm cười đau cả bụng. Má chửi văn hoa chữ nghĩa ì xèo, câu này nối câu kia, nghe không thấy nhục chỉ thấy tức cười.
Tôi ở với mẹ đẻ hai mươi năm thì ở với má bốn mươi năm.
Bốn mươi năm, mẹ chồng nàng dâu khắc khẩu chửi lộn không biết bao nhiêu lần. Mà tôi thì thương bả, nhưng vẫn bực. Cứ bán ế là về má kiếm chuyện chửi hết đứa này đứa kia.
Tôi thuộc lòng câu má chửi chồng tôi:
– Cha tiên sư nó, mới ngày nào còn ở trong đũng quần mà giờ chui ra nói chuyện nguyệt hoa. Suốt ngày úp mặt vào quần, nóc nhà xa hơn chợ. Đẻ con khôn mát cái quần rười rượi, đẻ con dại thảm hại cái quần.
Mỗi lần sắp cãi lộn, má sẽ phi ra trước cửa chửi vào. Cả xóm sẽ nghe thấy.
Có lần, bực quá, tôi đôi co với bả khi bả đuổi cổ tôi với ba đứa con ra khỏi nhà:
– Tiên sư chúng mày, xéo hết ra khỏi nhà.
– Tôi không đi, bà trả tiền sửa nhà cho tôi tôi mới đi.
– Mày đập nhà ra mà lấy.
– Tôi không đập, bà đập trước đi.
Thế mà sau này tôi vẫn thương bả và hối hận vì bao lần cãi nhau.
Chỉ vì…
Má chồng tôi đã vào tuổi bảy mươi rồi. Lưng bắt đầu gập xuống, những ngón chân quen đi đất toẽ ra, hầu như quanh năm dính cát dính đất. Bà có thói quen nhai trầu suốt ngày, lâu lâu lại nhổ đánh toẹt vào tường. Cả mảng tường loang lổ vì trầu bà nhổ. Các con tôi phàn nàn bà rất nhiều lần, nhưng bà chỉ cười, mắt lấp lánh như được khen chứ không phải vì bị càm ràm. Bà đặc biệt có một tình yêu cháu nội không ai sánh được. Thằng Minh là cháu đích tôn. Mỗi khi tôi hoặc chồng đánh nó vì Minh không nghe lời hay học dốt, chỉ cần thấy chồng tôi tay lăm lăm cái roi là mẹ chồng sẽ chạy ngay ra trước cửa, chỉ tay vào mặt chúng tôi, hét lên:
– Ối giời đất ôi, tao từ Thanh Hoá lặn lội vào Sài Gòn năm chục năm nay, lấy chồng đẻ năm đứa con chết mất bốn, còn mình mày, được mỗi thằng cháu đích tôn, tiên sư mày đánh nó thế hả?
Bà gào bà chửi, tay chỉ vào nhà không hạ xuống. Ngại quá, chồng tôi tảng lơ dắt xe ra ngõ đi mất hút. Cũng vì bênh thằng Minh mà có lần bà đi chợ mua về trái dưa hấu để chưng Tết, thằng cháu nội thèm ăn, lấy dao bổ ra làm đôi. Đêm giao thừa, cả nhà phải ăn dưa. Tôi thì bực, mẹ chồng lại xoa đầu thằng Minh khen đáo khen để.
– Cháu bà ngoan, nhờ mày mà đầu năm được ăn dưa đỏ, may mắn cả năm.
Tính bà thế, đã yêu ai thì yêu ngất trời, gặp cái có gì cho ngay cho luôn. Hàng xóm chị dì cô bác nào được lòng má chồng tôi, chỉ cần thấy bà thấy bóng họ thôi, bà sẽ gọi vào nhà bằng được, mời ăn hết cái này cái kia. Nhưng ai mà bà đã ghét thì bà chửi, bà chì bà chiết không thương tiếc. Bực cái tính bà, tiện lời là chửi là la là mắng, tôi chẳng bao giờ dám đưa bạn về chơi.
Bảy mươi tuổi. Nhưng mẹ chồng tôi vẫn đi bán. Đi chân đất, đầu đội nón, mặc cái áo có may hai túi đằng trước, đòn gánh hai sọt đi khắp Sài Gòn. Dù mưa hay nắng, bà vẫn đi. Ngày nào cũng tối mịt mới về.
Hôm ấy trời mưa, phố ngập lênh láng, má không về, cả nhà đứng ngồi không yên…
Chín giờ tối, má chồng tôi vẫn chưa thấy về. Thằng Minh bỏ ăn tối để chờ bà về mang bánh hỏi heo quay cho nó như đã hứa. Ruột tôi nóng như lửa, chồng tôi lâu lâu lại đi ra cửa rồi đi xuống bếp, bồn chồn. Sài Gòn đang giữa mùa mưa, cơn mưa đã kéo dài suốt từ hai giờ chiều, hầu như không hề nhỏ lại, nước không kịp rút. Cả xóm, nhà nào cũng lênh bênh nước, thau chậu bắt đầu bập bềnh trôi khắp các ngõ hẻm, cu Minh hò reo như đang được tham gia trò chơi mới. Hồi sáng má gánh hai gánh chuối nặng oằn vai quày quả lên đò để qua bên quận Năm. Giờ không biết bán hết chưa, mưa thế này. Bảy mươi tuổi, chân đất áo mỏng, trời mưa. Hàng ngày nóng nảy với má là thế, nhưng hôm nay, dù mưa to gió lớn, đổ rần rần xuống mái tôn, nhưng không được nghe giọng chửi oang oang của má, sao tôi thấy ngôi nhà này tĩnh lặng đến nghẹt thở. Không biết má đi đâu, chín giờ ba mươi phút rồi.
– Ông Định, đi tìm xem bả đâu chứ. Ngồi đó hoài.
Tôi đá văng cái chổi quét nhà, nước mưa bắn lên tung tóe khi chồng tôi cứ ngồi nghe cải lương từ chiếc radio. Bị nước bắn lên người, ổng nổi điên:
– Khùng hả, tự đi được thì tự về được. Mưa vầy, ngập nước, đi sao nổi mà đi.
Nghe chồng nói vậy, tôi càng khùng lên, phăm phăm dắt xe ra khỏi nhà. Tới đầu ngõ, nước đã ngập non bánh xe. Xe chết máy. Tôi đứng đạp mãi không chịu nổ. Thứ đàn ông mắc dịch. Mẹ đẻ ông chứ mẹ đẻ tui hả?
Đang lầm bầm thì bà cụ ở đâu xuất hiện. Giữa mưa, giọng vẫn oang oang:
– Mày đi đâu giờ này?
Tôi ngẩng phắt lên. Chiếc xe ngã chỏng vó xuống rãnh nước. Người tôi ướt sũng vì vội đi chả kịp mặc áo mưa. Người má cũng ướt, chiếc nón vẫn đội méo mó muốn rách. Chân má ngập trong nước. Quang gánh vẫn còn nhưng chuối đã hết.
Nhìn má, tôi vừa xót vừa bực:
– Bà đi gì mà đi dữ vậy. Làm tôi lo muốn chết.
Bà chẳng nói gì, vén quần cao tận bẹn, lò dò từng bước vào nhà.
Lòng tôi xót xa. Nhưng máu nóng vẫn bốc lên. Có phải tôi tệ đến mức để má phải đi buôn thúng bán bưng cả những ngày mưa như thế này đâu.
Má đã về. Cả nhà tôi thở phào. Con Lý con Hoài chị thằng Minh đều thở phào, dù hàng ngày chúng rất vô tâm, nội muốn nói gì làm gì thì tùy, chúng chỉ phàn nàn chuyện má hay nhổ bã trầu vào tường nhà. Cu Minh nhảy cẫng lên. Không phải vì nội đã về mà vì sắp được ăn bánh hỏi với heo quay. Giờ trời có mưa thì mặc, có ngập tới đâu cũng mặc. Má về là được. Chắc mệt quá nên không nghe má la lối như mọi khi. Hoặc do đã bán hết hàng nên má vui.
Thằng chồng tôi vẫn điềm nhiên trước mẹ của ổng, đang ướt sũng nước mưa. Vở cải lương chưa hết. Đang tới đoạn hay, chồng tôi ca rống lên:
– Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi
Đù, hay, mùi thiệt. Hết sẩy luôn.
Xuống ca, hắn vỗ đùi đánh đét.
Má tôi ngứa mắt, chỉ tay vô mặt chồng tôi, nhưng lại nói rất nhỏ nhẹ, đưa đẩy:
– Tao bảo mày đi mua dưa leo đã mua chưa? Đúng là đẻ con dại thảm cái đũng quần bà. Nhìn vợ mày đi, sáng làm tối làm, lo cho cháu tao con mày mà giờ mày ngồi ca cổ hả thằng trời đánh thánh vật kia. Túy ngọa với sa trường. Xưa nay ra trận chết hết nghe chưa, mình tao trở về nghe chưa?!
– Sao má biết hay vậy?
Biết chồng khen móc khen mói, xong bà vẫn có vẻ rưng rưng xúc động. Bà chẳng thèm thay quần áo, lại bếp, hất hàm cho tôi bày bánh hỏi với heo quay ra mâm.
– Cả nhà ăn rồi, bà mua làm chi.
– Tiên sư chúng mày. Tao đi bán buôn để cho chúng mày ăn ngập mặt, sướng cái lỗ mồm, được ăn được nói được gói được mở còn chê hả. Cháu bà đâu rồi?
Bà xăng xái thái thịt rồi bày ra ba cái dĩa be bé, bưng cho ba đứa cháu mỗi đứa một dĩa. Ánh mắt bà nhìn thằng cháu nội lấp lánh như có lửa. Mùi heo quay khiến chồng tôi quên cả ca với cổ, bay vô má, thong thả bày bánh bày thịt vô cái tô, để ăn.
Má thấy thế, chửi:
– Tao chẳng còn được bao lâu, lúc tao nghẻo rồi, chúng mày mà đánh mắng cháu nội tao thì tao về tao bóp cổ.
– Thôi, má nói hoài. Hai gánh chuối hồi sáng, má để đâu rồi? – Tôi vặn.
– Mày hỏi làm gì, ăn đi.
– Má không nói, tôi không ăn.
– Tao bán hết rồi.
Má nói nhưng quay đi, lảng qua chuyện khác.
Tôi nuốt miếng bánh không trôi, chắc má đã đem cho khi mưa to, bán ế.
Tôi nhất định phải làm ra chuyện này.
Sáng rồi. Đêm qua cả nhà tôi ngủ muộn. Phần vì mưa quá ướt hết cả chăn chiếu, mái tôn đã lụp xụp còn bị bục bị nát, nước rỉ xuống nền nhà. Nằm chỗ này ướt chỗ kia. Má hầu như không ngủ, cứ trằn trọc, lâu lâu má lại chửi cộc lốc những câu vô nghĩa. Má than sao số tôi khổ thế này. Chồng chết, con khờ. Ừ thì con khờ. Trong mắt má, chồng tôi chỉ là gã xe ôm khờ khạo, bất tài vô dụng. Cả đời ổng không ăn của ai cái gì cũng như không ai ăn được của ổng cái gì. Má chồng kết luận về ổng: Mày là cái thằng dân ngu cu đen, rõ chưa?!
Mỗi khi lên cơn, thần linh thiên địa từ đâu như nhập vào má, mắt má chồng tôi long sòng sọc. Má leo lên cột điện ngay trước nhà, cứ nhằm trưa nắng là leo lên, má cứ thế lôi tên “thằng Định, thằng Định” ra mà mắng nhiếc. Chồng tôi lại dắt xe chuồn khỏi nhà. Cả đời ổng mỗi lần câm lặng dắt xe đi, là mỗi lần má la hét lên cơn phía sau lưng.
Hồi trẻ, mới về làm dâu. Má ngọt ngào với tôi lắm, mẹ mẹ con con. Thế mà sau này những lần lên cơn càng lúc càng dày đặc.
Tôi buồn lắm. Giận mẹ đẻ tôi đã ép tôi lấy ông Định, ham cái cảnh một mẹ một con. Đã vậy, bà bói còn nói sau này về cái nhà đó, chị sẽ cầm quyền cả nhà người ta luôn. Bà mẹ, tưởng cầm quân sung sướng thế nào. Ai dè khổ thấy mẹ. Đi làm công nhân viên nhà nước, một nách ba đứa con, nối nhau chui ra, nhỉnh hơn nhau như quả trứng gà trứng vịt. Gặp thằng chồng tối ngày đi nhậu, một mình tôi cáng đáng hết. Vừa lo con vừa lo sửa nhà.
Nhiều lần đi làm về, đón ba đứa con ở nhà trẻ, về cơm nước, đếu thấy thằng chồng đâu. Lại nhậu rồi. Tôi lại gửi con hàng xóm đi tìm ổng, biết ngay đang ngồi quán nhậu. Thấy ổng là tôi lủi về ngay. Về tới nhà, là xỉn. Lè nhè:
– Không say không về, say về sao nổi. Hả con mẹ mày, kêu tao về làm chi, tính làm tao xấu hổ với bạn bè hả?!
Nói xong, ổng vác cái đòn gánh đuổi đánh. Tôi dắt ba đứa con chạy té đái đi trốn. Ra cái bãi kho gần nhà, toàn cỏ lau um tùm ngồi đợi tới khuya thằng chồng mắc dịch ngủ say mới dẫn con rón rén về. Ba mẹ con chui xuống gầm giường ngủ, vì sợ nó thấy lại đánh.
Trên gác xép, má chồng sau một ngày buôn thúng bán bưng, ngủ say tít, gáy ầm nhà, như đàn ông. Má chẳng bao giờ hay biết hoặc để ý những đêm say xỉn của con trai mình, và cảnh con dâu bồng ba đứa cháu nội của má đi trốn ngoài bãi kho.
Cay đắng trước gánh nặng gia đình, bao lần tôi đã cự nự tay đôi với má.
Lại ra trước cửa, lại chửi váng lên. Nào đũng quần, nào nguyệt nào hoa rồi lại còn hát Lưu Kim Đính, Dương Vân Nga… vừa hát vừa múa may quay cuồng như đang ở cõi khác.
Tôi tính bỏ cái nhà này mà đi. Cô Tư hàng xón, người má chồng quý lắm, có gì cũng cho, khuyên: Thôi vợ thằng Định, chấp bà ấy chi, bả bị thần kinh mà.
Ừ thì thôi, dù sao tôi cũng có con với con trai bà ấy rồi.
Mùa mưa sắp hết. Nhưng dường như trước khi kết thúc, để chuyển qua mùa khô, ông trời phải xối nước xuống thật nhiều. Tôi ghét mưa. Vì mưa Sài Gòn sẽ thành cống rãnh hết, những khu ổ chuột sẽ trở nên bẩn thỉu, nhếch nhác. Cái nhà của má và chúng tôi đang ở là một hình tam giác tù tù, bà bói nói đất ấy là dạng đầu thừa đuôi thẹo, sẽ có lộc. Lộc đâu chả thấy, thấy to tiếng quanh năm. Tôi đã bắt đầu nghĩ tới việc sửa nhà. Nhưng lấy tiền đâu ra. Bao nhiêu thứ giật gấu vá vai vẫn không đủ. Hầu như suốt đời chồng chỉ dành tiền cho việc ăn nhậu. Nhậu cho say về ngủ như chết, chả cần biết con học gì, ăn gì hay mẹ ổng đau ốm, bán mua ra sao. Hai người đàn bà và ba đứa trẻ trong một ngôi nhà tuềnh toàng chật hẹp, dù vất vả như nhau nhưng hễ gặp là cắn cấu nhau.
– Đ.m Sài Gòn, mày là dâu hay là mẹ tao hả?
Lúc đầu bà cứ chửi tôi kiểu như vậy. Nhưng sau dần thấy tôi đi sớm về khuya, vất vả lo toan bà dần bớt lời. Bà không nói không rằng, cứ lẩn mẩn với chợ với đò xuôi xuôi ngược ngược. Ngày nào mà sáu giờ tối tôi đi làm về thì năm rưỡi chiều bà đã đứng hóng chuyện với hàng xóm. Thấy tôi, má lủi lủi rồi cũng về nhà. Đó là những khi tâm tính bình thường. Còn lúc lên đồng lên cơn, thì tôi ái ngại vô cùng.
Cái nhà này có hai “nền văn hóa” luôn đổi ca nhau, khi chồng tôi không nhậu và má chồng không bị cơn tâm thần chế ngự thì tôi là chủ tướng của cả nhà, hét ra lửa. Nhưng một khi chồng tôi say, thì má im re, còn tôi sẽ dẫn ba đứa con đi trốn. Hoặc lúc má trèo lên cột điện chửi những từ tục tĩu lẫn bay bướm thì cả tôi lẫn chồng đều muối mặt với bà con lối xóm.
Cuộc đời một là chết luôn đi, hai là phải thay đổi. Tôi cũng có tí ăn học. Và đã quyết sống như điều mình nghĩ. Thằng chồng kia có thể chết, vì loại thích nhậu không nên sống dai, nhưng còn ba đứa con, ít ra chúng phải có cái phòng riêng ngăn nắp sạch sẽ để ở.
Có nghị định bốn mốt hay ba chín gì đó, giảm biên chế công nhân viên chức, lãnh một cục rồi nghỉ luôn giùm cái. Tôi chả bàn với chồng, chả kể với bà má tâm thần, quyết cái rụp. Nghỉ việc, lĩnh tiền, sửa nhà.
Những ngày sửa nhà, là những ngày tôi mong lão chồng cứ đi đâu thì đi, đừng về. Và má muốn gánh bao nhiêu chuối, bao nhiêu xoài qua đò sang quận Năm bán thì bán, giờ nào về thì về. Miễn sao tôi được yên thân mà sửa nhà sửa cửa.
Má đi, đi miết. Chẳng nói chẳng rằng. Nhìn dáng má gầy gầy và chiếc đòn gánh bạc thếch nhẵn thín ở giữa oằn xuống vì gánh chuối, và má vừa gánh vừa bước xuống đò, lòng tôi cũng chênh vênh xót xa.
Nhưng cuộc đời má đã gắn với cái đò kia, với con sông kia, với cuối chợ, đầu chợ. Dù bán chẳng lời bao nhiêu nhưng má vẫn muốn đi. Vì không đi thì nhớ. Dù ốm dù cảm, một năm không có ngày nào má không đi. Sáng cảm ho đấy, cho cái đòn gánh lên vai, chiều về lại nói cười oang oang. Má có cái kiểu, mê tiền đến mờ mắt. Ngày nào chợ về cũng tha về một mớ tiền, mà toàn tiền kẻ không hà. Má cất vào trong cái ruột tượng để dành. Nói má đưa đây cho tôi sửa nhà, má nhất quyết không chịu, má nói ở bao nhiêu mà sửa. Tao để dành cho cháu tao.
Rồi cái nhà cũng xong. Tôi gánh thêm khoản nợ. Nhưng việc thì đã mất.
Xây nhà xong nhưng không có tiền để mời bà con xóm giềng tới mừng. Vì tiền hết, nợ nhiều. Chồng tôi buông một câu gọn lỏn:
– Rách việc. Đời ta coi bốn bể là nhà.
Bà già chồng nghe vậy, ngồi phe phẩy cái quạt làm bằng mo cau, trông rất kỳ cục, mồm vẫn nhai trầu, lần này bà nhổ toẹt ra cái sân mới. Một khoảng màu đục và bẩn loang loáng. Tôi khùng lên, quát:
– Trời đất ơi, cái nhà mới cất đẹp đẽ, sao bà không nuốt luôn đi, mắc mớ gì phun bừa bãi vậy hả?!
Bà không trả lời tôi, chỉ tay vào mặt con trai bà, không quên vén cái quần xa tanh đã cũ màu bạc phếch lên tận đùi.
– Mày dám cởi truồng đi ra đường không. Mới ngày nào nằm trong quần bà, giờ lại coi bốn bể là nhà hả? Loại dân ngu cu đen như mày, suốt đời áo mặc đéo qua khỏi đầu, mà bày đặt nói giọng trượng phu với hai con gái già này hả?
– Bình, lại đây. Bà chửi chồng tôi xong, hất mặt gọi tên tôi, rất nghiêm trọng:
– Đây, tao cho mẹ thằng Minh ít vốn làm ăn. Coi như tao góp cho cháu tao.
Bà cầm một gói vuông vuông bọc nhiều lớp giấy báo. Đưa cho tôi. Tôi biết đó là tiền lẻ đi chợ của bà. Tôi không thèm bóc ra, vì đoán chả được bao nhiêu.
– Tôi lấy của bà làm gì. Bà cất đi mà phòng thân.
– Thân tao của mẹ cha tao cho. Việc đéo gì phải phòng với bị. Giải phóng rồi, giờ phòng cái lỗ mồm thôi.
Bà cất tiền vào phòng ngủ của tôi, nhét sâu trong ruột gối và cần thận bỏ cái gối vào tủ, mấy sợi dây dù buộc hai mép tủ lại. Một kiểu tự vệ phòng thủ của cải rất độc đáo.
Ý là bà đã đưa thì từ giờ số tiền ấy là của tôi.
Rồi bà quày quả đi bán. Non trưa bà mới đi. Trời bắt đầu như bị rang như bị rang khô bởi cái nóng sau Tết. Nhưng cả đời má đi chân đất. Bàn chân như một thứ hộ vệ đắc lực, nứt nẻ và thô kệch cuốc cái thân già khắp ngõ khắp phố của quận Tám lẫn quận Năm.
Tôi mua dép cho bà, được hai hôm bà mang dép cho hàng xóm. Lý do, tao thích hạ thổ cho khỏe. Phương châm sức khỏe của bà là hãy chạm vào đất cả khi ngủ. Đi chân đất. Ngủ nằm đất. Gác đầu lên tay làm gối. Ngủ là ngáy như sấm rền. Đời bà hầu như không nằm giường bao giờ. Không giường không gối không chăn không chiếu. Thế mà ốm đau hầu như không bao giờ ghé thăm má.
Đợi má đi rồi. Tôi mới vào phòng ngủ, gỡ gói tiền trong gối ra, xem là bao nhiêu. Thì trời ơi. Một miếng vàng bốn số chín dầy cục, bọc nilon kín mít. Cả cây vàng chứ không ít. Má lấy đâu ra số vàng này, khi mà cái nón rách má kêu không dám mua vì sợ tốn, khi mà cái áo vá ba chỗ má vẫn mặc vì tiết kiệm không chịu mua áo mới. Trong khi mỗi ngày về má đều mua nào gà nào heo bào bánh nào đủ thứ đồ ăn cho các con tôi.
Hay là má có lời thật khi rắp tâm bán buôn kiểu mua đầu chợ bán cuối chợ. Hơn nữa, một người mê tiền như má, sao lại cho tôi cả cây vàng?
Hôm má đưa cho tôi một cây vàng cũng là ngày má đi tối mờ tối mịt mới về. Chồng tôi đi nhậu từ bốn giờ chiều sau một ngày trúng mánh. Tôi đi sục sạo khắp những chợ má từng bán mà không thấy bóng dáng bà già Bắc kì đâu cả. Tôi gọi má ơi, má ơi, bà nội cu Minh ơi, bà nội cu Minh ơi. Nhưng đáp lại là tiếng honda lao qua ào ào. Có thằng cha chết tiệt ở đâu nhao tới, tưởng tôi là gà, hỏi đi không em ơi. Đi đâu? Lại còn giả bộ hả? Địt bố mày, tao đi tìm mẹ chồng tao, không phải hạng phò phạch mà đi với không đi nghe chưa?
Được nước, tôi chửi thả phanh. Bao nhiêu vốn từ của má hàng ngày như nhập cả vào mồm tôi, tôi ném hết cả vào mặt thằng cha kia. Nhưng chửi xong, thì cũng chẳng thấy má.
Trời Sài Gòn về đêm, những quán nhậu lên đèn. Đờn ca tài tử inh ỏi các ngõ phố quán xá. Xen lẫn tiếng cụng ly dô dô như bất tận. Đã đi tìm má bao nhiêu lần, nhưng lần nào tôi cũng hồi hộp run rẩy. Má có mệnh hệ gì tôi nhục với con tôi.
Khuya quá rồi, tôi ngồi trong công viên vô định. Bỗng điện thoại reo.
Giọng má lạc cả đi:
– Bình hả con, mày ra ngã tư Hòa Lân đón mẹ về.
Ôi giời đất ôi, từ quận Tám má đã thẳng tiến lên tận ngã tư Hòa Lân. Mười giờ đêm và hơn hai mươi cây số. Tôi chạy xe như điên. Bà già khùng điên này đi đâu mà mò lên tận đó.
Gặp được má. Bà ngồi co ro bên đường:
– Trời ạ, bà tính đi bụi thiệt hả?
– Tao… tao…
Má ấp úng đầy hối lỗi. Trên đường về tôi tra hỏi cỡ nào bả cũng không nói vì sao đi được tới đây. Càng ngày hành tung càng bí ẩn. Được rồi, đã có cách.
Sáng sớm hôm sau. Tôi đi làm cho một quán nhậu. Chồng tôi cũng đi sớm. Phải nhốt má ở nhà, cho bả khỏi đi. Tám mươi rồi. Lẩm cẩm rồi, cả cuộc đời thuộc chợ hơn thuộc mặt con cháu, giờ đi tiếp chắc tôi chết trước má vì hồi hộp.
Nghĩ vậy, tôi khóa cửa nhà, mua sẵn đồ ăn uống và để má chồng trong đó.
Tạm yên tâm, má sẽ không đi lang thang nữa.
Ai ngờ, tối tôi vừa đi làm về, má đã chờ sẵn ở cửa và lao đi.
Đi đâu giờ này. Má không nói,đi như chạy trốn. Chán quá, tôi thây kệ.
Sáng sớm hôm sau, má về, gọi tôi lên gác. Giọng đầy bí mật:
– Tao cho vợ thằng Định này.
– Gì nữa đây? Tôi hỏi cộc lốc
– Thì mày cầm đi, hỏi đéo gì lắm thế. Má cầm tay tôi ấn vào nắm tiền lẻ. Mấy ngày nay ngày nào má cũng làm vậy. Còn dặn, mày đừng nói cho chồng biết.
Không đi bán nữa. Vì chồng tôi đã chặt cái đòn gánh của má giấu đi. Thế nhưng má vẫn ra chợ, vẫn phải mua và bán đi được cái gì đó, thì bả mới vui. Cái nghiệp chợ bám lấy má như không muốn buông tha.
Chủ nợ bắt đầu đòi tiền vì nợ lâu quá, lãi mỗi ngày một dày thêm. Tôi bắt đầu nghĩ tới số tiền vàng má đưa. Lấy cái đó trả nợ. Nhưng lòng tôi nặng trĩu. Tôi chỉ muốn giữ lại, cất đi cho má. Phòng khi có chuyện không lành. Một cây vàng, có lẽ được tính bằng cả ngàn cả vạn bước chân má rảo bộ khắp hang cùng ngõ hẻm, được ki cóp từ những ngày nắng ngày mưa. Và ở đó là kết quả của trăm ngàn lần má tiết kiệm không dám sắm sửa gì cho bản thân. Thậm chí, đôi dép má không dám mua, cái khăn mặt cũ và rách hơn cả khăn lau má vẫn cố dùng. Không được. Tôi không thể đụng vào khối tài sản của má, dù nó không nhiều, nhưng lại có một giá trị đặc biệt.
Nhưng tôi vẫn chưa nghĩ ra cách trả nợ.
Tối nay lại có cái đám cưới ở quận Tư. Lâu lắm tôi không sắm sửa se sua gì cho bản thân. Mọi thứ dồn hết cho thằng Minh, con Lý, con Hoài ăn học hội hè…
Đứng trước gương, tôi thấy mình thật vô vị. Áo quần cũ cả rồi. Đi tiệc thế này, quê quá luôn. Tôi hậm hực đi ra khỏi nhà.
Má vẫn đi từ sáng tới tối mịt. Mỗi lần về vẫn mua đồ ăn. Nhưng trông má mệt mỏi, rã rời. Đợt này, mật độ những lần lên cơn của má ngày một dày đặc. Cả nhà từ vợ chồng con cái quyết không đụng đũa vào những gì má mua về vì vừa bỏ vô miệng một miếng, nuốt chưa trôi đã muốn ói ra ngoài, vì má chửi dữ quá. Má nói ăn cho sướng mồm đi, ăn xương ăn máu của tao rồi úp mặt vào nguyệt vào hoa vào túy ngọa với sa trường đi. Chồng tôi giận má, không nói một câu. Tôi cũng giận. Không ăn, tôi nói với má:
– Tôi có kêu má mua đâu, mua về ăn thì má đay nghiến, không ăn thì má khóc lóc này nọ. Lần sau làm ơn má đừng mua gì về đây nữa.
Má buồn. Hôm sau không mua đồ ăn về thật. Đỡ nghe má nhiếc móc xỉa xói. Thế nhưng, nếu không mua cái này, má lại mua cái khác. Chợ đời như ăn vào não của má rồi. Bán với mua như hai kẻ thân thuộc nằm hai bên và má thì ở giữa.
Sau hôm tôi đi đám cưới một tuần với bộ đồ cũ xì, má đi chợ về, lại gọi tôi lên gác, giọng rất nghiêm trọng:
– Mẹ thằng Định, lên đây, tao bảo.
Má chia tay ra cái hộp nhựa màu đỏ. Má đưa tôi. Mở ra là sợi dây chuyền óng a óng ánh, rất đẹp mắt. Má chủ động đeo vô cổ tôi. Má nói: mày vì gia đình này mà khổ, tao mua cho mày để đi cưới hỏi nhà ai thì có cái mà khoe, kẻo người ta thấy mày xú xứa quá lại khinh cho.
Tôi há hốc mồm. Nhìn má đang sung sướng cài khóa sợi dây chuyền lên cổ cho tôi. Giống như chính má mới là người được tặng quà. Bàn tay nhăn nheo, bờ vai mảnh khảnh run run và đôi mắt đục mờ.
Tôi nén khóc. Mà nước mắt cứ trào ra. Tôi cố nói nhỏ nhẹ với má:
– Bà thương con dâu, bà nói đi con sẽ nhận. Bà lấy tiền đâu mà mua sợi dây này.
Má im luôn. Gặng hỏi mãi không nói. Tôi đòi trả lại sợi dây, nhưng má giãy nảy, đừng, đừng. Rồi má nói:
– Tao nói sợ mày chửi tao. Tao không ăn cắp của ai đâu mà mày sợ. Tao mua bằng tiền đi vay của con Huế đầu ngõ. Mỗi ngày tao trả dần cho nó 50 ngàn.
– Má lấy đâu ra 50 ngàn, còn tiền lời nữa? Tôi đang lo vì mụ Huế là dân giang hồ, chuyên cho vay nặng lãi, không từ một ai.
– Tao đi… ăn xin ở chợ đó. Con Huế nó không lấy lời. Tình làng nghĩa xóm, nó mà đòi tao xé xác nó ra.
Mắt tôi cay xè. Tôi khóc òa lên. Tôi chỉ biết đôi co với má bao năm nay, tôi đã bao giờ lo được gì cho má? Má ơi.
Tôi thật lòng không muốn má chạy chợ nữa. Cuộc sống đã dần bớt khó khăn đi một chút. Kệ chứ, nợ nần thì là quái gì. Còn người còn của, còn nợ còn trả, còn sống còn cày. Lo gì, một đời ta muôn vàn đời nó. Mỗi lần ăn uống phủ phê má vẫn chẳng nói thế là gì. Má hãy ở nhà đi, má già rồi. Lỡ xe pháo làm sao đôi chân má chống lại được. Má bảo, còn sống còn đi. Đời tao yêu nhất cái chợ, yêu nhì là thằng cháu đích nhôm của tao. Mai có chết hôm nay tao cũng phải ra chợ.
Ở cái chợ bẩn thỉu quanh năm rác rến và ngập nước ấy, có gì vui mà nó lấy hết cuộc đời của má? Vậy mà má có những người bạn chợ yêu quý má lắm. Một thứ tình cảm thân thương khó tả. Má cũng hay cãi lộn với họ. Cả chợ, có ai má từ đâu. Ai cũng đôi lần bị má ném những thứ tục tĩu vào mặt. Nhưng họ chả chấp. Có lẽ cái kiểu chửi như hát hay của má, ví von chất ngất, lên bổng xuống trầm lại là một kiểu bản sắc chẳng ai có. Người Sài Gòn thích vui, thích cái gì ấm áp chân thật. Má thì chẳng thiếu. Chửi người ta xong lát sau đã cười khơ khơ khơ như chả có mẹ gì đã xảy ra. Má còn hát đủ thứ âm nhạc. Suốt ngày ngoài chợ mà nhạc gì, vở cải lương gì má cũng rành. Buồn buồn, chợ ế, má lại hát hò nói nối xuống ca vài câu cho mấy cô mấy dì nghe. Ai cũng vỗ tay tán thưởng. Có phải vì thế mà má thèm chợ, nhớ chợ đến miệt mài?
Cấm một bà già năm mươi năm gắn với cái chợ đúng là điều khó hơn lên trời.
Thôi thì má cứ đi nếu thích.
Nhưng lạ thật, lâu rày má đâu còn bán. Má cũng ít ghé chợ cũ. Má đi đâu xa tít. Tôi chẳng rõ má đi đâu nữa. Mà sao không bán buôn má vẫn có tiền?
Chiều nay, tôi đi làm về sớm. Dì Tư hàng xóm chạy vô nhà, kêu tôi lên xe dì chở ra công viên gần nhà. Dì chỉ cho tôi phía xa xa kia. Trời ơi, là má chồng tôi. Má đi chân đất, đầu trần, tóc xổ tung, đang ngồi co ro giơ cái mũ rách ra xin tiền người qua lại. Té ra má vẫn đi xin mỗi ngày.
Tôi đau thắt ruột. Và xấu hổ với dì Tư vô cùng. Tôi đến bên má, gần như chắp tay lạy má:
– Má ơi, con lạy má má thương con thương cháu má đừng làm nhục con như vầy. Má về đi. Má còn đi ăn mày thế này mai… mai con chết cho má coi.
Nhìn thấy tôi, má đứng phắt dậy, bỏ đi. Vừa đi vừa lẩm bẩm:
– Địt bố nó, mình càng nhân nhượng nó càng lấn tới.
Rồi sau hôm đó, má không đi ăn xin nữa. Má lại đi bán. Má xuất hiện trở lại ở chợ, khiến mấy bà bạn già mừng rơn. Thấy má, họ như thấy có một sự mạnh mẽ vô hình tiếp sức.
Má nói: Mấy ngày rồi tôi đi thăm họ hàng xa, nay đi bán lại.
Thì ra má cũng sợ người ta biết, nói thác đi. Má lại gánh chuối đi bán. Nhưng không mua đầu chợ bán cuối chợ, má mang thẳng vô cổng khu chung cư mới xây ngay sau.ngay sau chợ bán. Mới nửa buổi, đám trật tự đô thị có lệnh “làm đẹp” đường phố, thế là hai gánh chuối của má bị hốt đi. Má đứng giữa phố chửi váng lên. Nhưng cái xe đã lăn bánh với đủ các thứ tịch thu được, trong đó có hai gánh chuối của má.
Má đứng bần thần, tiếc của. Hai gánh chuối mua bằng số vốn đi ăn xin cả tuần. Không được, phải lấy lại. Má cố chạy theo chiếc xe. Nhưng thân già xơ xác…
Má vấp té giữa phố.
Người qua lại nháo nhào. Họ đưa má về nhà. Đầu gối má tím bầm. Nhìn má, một nỗi ấm ức dấy lên trong tôi. Phía sau một gánh hàng rong, là miếng cơm của cả gia đình, mấy người có biết không?
– Thôi, dẹp, từ mai tao không đi bán gì nữa. Má nói.
Tưởng má chỉ nói vậy thôi. Ai dè má không đi bán nữa thật, sau cái hôm bị trật tự đô thị thu giữ hàng. Có lẽ không phải vì má sợ mấy ông sếp mặt búng ra sữa, chỉ cỡ tuổi thằng cháu nội của má, mà là vì cái chân đau, trật khớp sau cú ngã hôm rồi. Kéo theo bao nhiêu sức lực của má. Cả tuần liền má ở nhà rồi, không ghé chợ. Dù biết má đau nhưng tôi vẫn thấy nhẹ nhõm trong người. Mỗi ngày ra khỏi nhà của má, tôi không yên tâm chút nào. Kiểu gì cũng có chuyện. Hơn nữa, cuộc đời phải có lúc nghỉ ngơi chứ.
Mấy bà bạn già của má, không thấy má chạy chợ, rủ nhau tới tận nhà ghé thăm má. Họ chẳng mang theo đồ ăn gì, mỗi người góp một vài chục ngàn cho chung vào bao thư, nhét vô túi áo má, nói tụi tôi biếu chị để mua thuốc men.
Má vui ra mặt, không phải vì được cho tiền mà vì được gặp bạn bè. Một tuần ở nhà của má có lẽ phải dài bằng cả tháng trời.
Má nói với mấy người bạn, giọng rất quyết liệt:
– Mai tôi lại đi. Mấy dì đừng lo. Tôi khỏe như trâu, khỏi ốm ngay ấy mà.
Thế mà má đã không giữ được lời như đã hứa với bạn chợ của má. Sau hôm ấy, má bị té thêm lần nữa khi ra cửa và nằm luôn tại chỗ. Đến tối, người má tím tái, co giật liên hồi. Cả nhà đưa má vào viện. Bác sĩ khám, cau mày:
– Tôi nói thiệt, nếu còn tiền thì để bà cụ lại điều trị. Còn khó khăn thì nên đưa về. Chẳng còn được bao lâu.
Buồn. Chồng tôi vẫn có cái tật ngồi im trước mọi sự vui buồn, lớn nhỏ trong đời. Tôi nói:
– Còn nước còn tát, cả đời má chịu khổ rồi…
Ở viện được hai tuần, tôi bán cả cây vàng của má và sợi dây chuyền để thuốc thang. Má vẫn không thuyên giảm, má nằm bất động, chỉ đôi mắt là lúc nào cũng như muốn nói. Má vời tôi lại, đôi môi khô héo bập bẹ:
– V…ề…
Má muốn về. Chắc vì má sợ tốn kém. Đời má chưa lúc nào má hào phóng với bản thân.
Chồng tôi nói đưa má về thôi, còn tiền đâu mà cầm cự.
Tối ấy đưa má về, tôi buồn ngủ quá, dặn chồng canh má giùm mươi phút đi chợp mắt thì má đã ngủ thật sâu.
Một giấc ngủ dài nhất trong đời mỗi người.
Má đi thật rồi. Nhẹ nhàng thanh thản. Tôi nhào vào má, thế là từ rày không còn để nghe má la rầy nữa rồi. Tôi thật khốn nạn, tham giấc ngủ nên không ở bên má phút cuối.
Chồng tôi khóc òa lên, lần đầu tiên trong đời tôi thấy chồng khóc, ổng vục mặt lên hai bàn tay, bờ vai rung lên nức nở.
Lần trong túi áo má, một tờ giấy ghi nợ. Má ghi lại số tiền những ai nợ má. Chẳng được bao nhiêu. Má còn dặn trong đó: Đời tao nợ nần nhiều rồi. Người ta có khổ thì mới phải đi vay. Xóa hết cho họ.
Sao má khổ thế này, đó là cách má trả nợ cuộc đời đấy ư? Suốt đời má toàn cho tôi những bí mật, những bất ngờ. Mà điều nào cũng khiến tôi nhói đau.
Ngày má mất là ngày cu Minh đỗ đại học. Niềm vui và nỗi buồn đan xen. Nó là đứa đã thoát án tử giữa những đứa bạn đồng lứa đã chết vì nghiện hút của khu xóm này.
Sau này Minh được nhà trường cho du học bên Nhật. Nếu còn sống chắc má sẽ vui biết bao. Mười năm qua đi, cả khu xóm cũ đã bán nhà và đi hết. Nhưng ngôi nhà của má vẫn còn nguyên. Chồng tôi muốn bán đi, chia tiền cho các con làm ăn. Nhưng tôi không chịu, giữ lại ngôi nhà, để nhớ về má.
Mười năm rồi. Lòng tôi vẫn băn khoăn ân hận, ân hận vì bao nhiêu lần cãi tay đôi với má. Với tôi, má đâu chỉ là má chồng. Mà má là cuộc sống của cả nhà tôi.
Giờ tôi cũng có con dâu. Nhưng chúng là người thế hệ khác, hôm nay nhìn lên bàn thờ má, chúng đâu biết hết được chuyện ngày xưa?
🍀 Lê Nguyệt Minh
Posts: 13,352
Threads: 204
Likes Received: 1,531 in 716 posts
Likes Given: 1,683
Joined: Oct 2018
Reputation:
185
Gió qua thềm
Trần Lệ Thường
Hết giờ làm việc. Tôi vừa bước ra ngoài cửa công ty đã thấy người đàn ông ấy đứng đợi. Mặt tôi sa sầm xuống khi ông ta đi đến bên tôi. “Yên! Ba nói chuyện với con một lát đi”. “Không có gì để nói hết”- Tôi nói câu này lần trước cách nay cũng hơn một tháng rồi. Thỉnh thoảng ông ấy lại tìm tôi hoặc gọi điện thoại. “Ngày mai sinh nhật Vũ Bão, con đưa em đến gặp ba một lát đi. Ba muốn mừng sinh nhật nó”. Nhếch mép cười nhạt, không nhìn ông, tôi bỏ đi. Giờ tan tầm, đường đông người, tôi len vào dòng người, lòng thấy dửng dưng.
Về gần đến nhà tôi đã thấy má ngồi trên bậc thềm, tóc rối bời buột hững hờ sau gáy. Gió thổi những sợi tóc bay phủ lên mặt, lấp ló một đôi mắt thất thần. Tim tôi thắt lại đau nhói. Cơn đau hơn hai mươi năm trời đeo đẳng không rời. “Gió lớn quá má ngồi ở đây làm gì?”- Tôi vén mấy sợi tóc lòa xòa trên mặt má. Má cười ngây ngô, bày những chiếc răng ố vàng: “Đợi Yên!”. “Con về rồi nè!”. Tôi ngồi xuống cạnh bên, nắm bàn tay má. Bàn tay gầy guộc xanh xao. Chiều nào má cũng ngồi ở đây đợi tôi đi làm về, nghịch với mấy chiếc lá bàng đỏ rụng ngoài đường. Gió lớn lá rơi nhiều lắm.
Thằng Vũ Bão trong nhà chạy ra chân khập khiễng, tay cầm chiếc bong bóng đỏ. Nó vấp té, chiếc bong bóng bể “Bụp!”, miệng nó méo xệch rồi bật ra tiếng khóc. Nó đã hơn hai mươi tuổi. Vậy mà vẫn như đứa trẻ con. Khi má có mang nó, ba cặp kè với người đàn bà khác đi thâu đêm đến sáng. Má ghen tuông rình rập đến bỏ cả việc làm, nói nói cười cười vô ý thức, Vũ Bão chào đời với gương mặt đần độn, và cái đầu của một đứa trẻ không bao giờ trưởng thành. Tôi tên Yên, còn nó đã được chọn sẵn cái tên khi còn trong bụng là Bình. Trước thảm kịch gia đình tôi, ông bà ngoại đặt tên nó Vũ Bão. Tôi đỡ nó đứng lên, lau nước mắt trên khuôn mặt ngờ nghệch, tôi năn nỉ hứa hẹn một hồi lâu nó mới nín khóc. Má nhặt chiếc bong bóng bể lên, cho vào miệng mút thành những cái bóng nhỏ bằng đầu ngón tay rồi buộc lại như một chùm nho. Ngày còn nhỏ tôi cũng đã từng chơi như vậy. Vũ Bão thích quá giành lấy. “Cho Vũ Bão đi má”. Má không bằng lòng nhưng thấy nó sắp khóc và nghe tôi năn nỉ má đành phải đưa cho nó. Chúng tôi cùng ngồi trên thềm nhà nhìn ra đường, hàng cây bàng bên lề đường lá đã đỏ hết. Bên này là má, bên kia là Vũ Bão, hai người mà tôi thấy mình phải có trách nhiệm đến hết một đời.
Ba tuổi, tôi được ông bà ngoại đón về cùng với má và em tôi. Lúc ấy Vũ Bão vừa chào đời, ông bà tuyệt đối không cho ba bén mảng đến nhà hay gặp gỡ chị em tôi. Ba thỉnh thoảng đến trường gặp tôi, đưa đi chơi, mua quà bánh. Tôi còn quá nhỏ để hiểu chuyện gì đã xảy ra trong gia đình. Tôi hớn hở mang đồ chơi về nhà khoe với mọi người. Dì Ba đã đánh tôi và mắng nhiếc ba thậm tệ “Đàn ông là một giống đực có hai chân và ba cái đầu”. Má ngồi thu người, rút hai chân trên salon cười ngặt nghẽo nhắc lại. Cậu Út thì nhăn mặt. “Chị nói ai thì có người”.
Lớn dần lên tôi hiểu và vô cùng đau khổ trước tình trạng của má và Vũ Bão. Tôi chạy trốn khi ba đến trường đón, không nghe điện thoại và xa lánh ông bà nội. Nghe ai nói đến cha, tôi đều phát cáu. Cha là gì chứ? Chẳng phải ông bà đã nuôi chị em tôi lớn đó sao? Tôi chưa bao giờ gọi một tiếng “ba” dù gượng gạo.
Có tiếng con Huyền gọi vào nhà ăn cơm. Cậu Út có hai người con là thằng Khiêm và con Huyền. Hai đứa kém tôi vài tuổi. Những lúc không có mặt tôi hay ông bà ngoại, anh em nó thường trêu chọc Vũ Bão. Chúng bắt thằn lằn, con kiến đưa cho Vũ Bão ăn, bắt Vũ Bão bò dưới nền nhà làm chó. Cậu Út không biết những chuyện như vậy nhưng mợ Út thì có lẽ biết. Ánh mắt miệt thị, cái cười khinh rẻ của mợ khiến trong tôi nỗi uất hận càng dâng đầy. Tôi chỉ mong có một ngày đem má và Vũ Bão rời khỏi nơi này mặc dù ông bà ngoại rất yêu thương chúng tôi. Có một lần tôi về nhà bắt gặp Vũ Bão vừa bò vừa khóc, còn thằng Khiêm, con Huyền đang cười sặc sụa. Tôi tát mỗi đứa một cái rồi lôi em tôi đứng lên. Trước vẻ giận dữ và đôi mắt long lên dữ tợn của tôi, hai đứa không dám đánh trả. Dì Ba luôn giảng hòa khi chuyện như vậy xảy ra. Rõ ràng dì có thiên vị thằng Khiêm, con Huyền. Hai đứa nó còn trêu chọc cả má tôi, ông bà ngoại nghe thấy là mắng liền.
Chúng tôi vào nhà ăn cơm, bữa ăn nặng nề như bao bữa ăn khác. Có gượng gạo giả dối đến mấy thì mọi người cũng không thể chấp nhận được hành vi của má và Vũ Bão. Má thường hay ho, sặc thức ăn văng đầy, Vũ Bão thì vừa ăn vừa chảy nước dãi, mép dính đầy cơm, nên hai người phải ăn riêng. Tôi luôn ăn cùng với má và em tôi. Bởi đó là máu thịt của tôi.
Có một lần thấy Vũ Bão ở mải trong nhà tù túng tôi đưa nó đi chơi, gương mặt ngờ nghệch của nó khiến mọi người đều nhìn, tôi quắc mắt lên nhìn lại và sẵn sàng gây chuyện nhưng mọi người tảng lờ nhìn đi nơi khác. Vũ Bão đòi chơi bể banh rồi đu quay. Nhưng khi đang ở trên cao nó bỗng sợ hãi, hét toáng lên rồi nhảy xuống trước khi máy quay dừng lại. Chẳng biết ai đó đã ẵm nó lên tốc chạy trong đám người đang bu đông nghịt. Nó bị gãy một chân, đi khập khiễng đến bây giờ. Tôi thấy mình có lỗi với nó. Sự ray rứt, ân hận cứ giày vò tôi. Nó đã quá bất hạnh rồi tôi còn mang thêm bất hạnh cho nó. Năm đó tôi học lớp mười hai.
Người đã đưa Vũ Bão đi bệnh viện hôm ấy bỗng dưng xuất hiện thường xuyên trước mặt tôi. Gọi điện vài lần, sau đó mời uống nước. Chỉ vì muốn trả ơn nên tôi đã gặp nhưng chỉ sau vài lần tôi đã nói huỵch tẹt ra điều ám ảnh trong đầu. “Anh là một giống đực có hai chân và ba cái đầu”. Người đó biến mất như bị bốc hơi. Anh ta cho là tôi có gien di truyền.
Mấy năm học đại học tôi cũng có vài người theo đuổi nhưng “quái vật thuộc giống đực” của dì Ba luôn khiến mọi người hoảng sợ bỏ chạy mặc dù cùng loại. Họ luôn nghĩ rằng tôi được sinh ra từ nơi một người đàn bà mất trí và may mắn hơn em tôi. Dì Ba đã nhồi nhét vào đầu tôi con quái vật đó khi tôi mới lên ba. Nó ám ảnh, theo suốt tôi hơn hai mươi mấy năm. Con quái vật mà đến bây giờ vẫn còn là điều bí mật đối với dì Ba cho dù dì đã hơn bốn mươi tuổi.
Nỗi oán hận cứ canh cánh bên lòng nên tôi không có một chút tình cảm gì với bên nội. Những ngày sắp mất, ông nội khăng khăng đòi gặp tôi. Ông khuyên hãy quên đi, tha thứ cho ba. Con người không thể toàn vẹn được. Về với ba để gia đình sum họp, tôi sẽ thấy ấm áp hơn, sẽ biết hạnh phúc là gì. Tôi im lặng nhìn đôi môi khô đang mấp máy thều thào dừng tiếng một. Ông nội đã hơn tám mươi tuổi. Ông mất, tôi không rơi một giọt nước mắt nào. Có lẽ tôi chỉ khóc một lần vào cái ngày ba đưa đi chơi về bị dì Ba đánh. Người ta có thể làm điều gì đó để rồi sau đó nói rằng ân hận, rằng xin hãy tha thứ...
Má tôi, từ một người phụ nữ xinh đẹp, có học thức, sống trong một gia đình kinh doanh giàu có, ai đã khiến ra nông nỗi này. Thằng Vũ Bão vì sao sinh ra là một đứa trẻ đần độn. Tôi muôn đời không tha thứ cho mình vì cái chân tật nguyền của nó thì tôi làm sao có thể tha thứ cho ai.
Sau bữa cơm chiều, tôi vào phòng mở máy vi tính làm việc. Có đêm tôi thức đến hơn ba giờ sáng. Khi đứng lên tôi bị choáng váng, tưởng có thể ngất đi. Như vậy vào giường nằm tôi sẽ dễ dàng ngủ được dù chỉ vài giờ đồng hồ. Má ngồi trên giường thắt dây thun. Những sợi thun nhỏ đủ màu được thắt lại với nhau thành một sợi dây dài. “Cho Yên nhảy dây”. Trong ký ức má hình như không biết đến sự có mặt của Vũ Bão. Má sinh nó trong tình trạng tinh thần không ổn định. Nhưng trong tận cùng sâu thẳm cũng có một vài kỷ niệm như rong rêu bám bên bờ trí nhớ.
Một chiều đi học về trời mưa, tôi thấy cả nhà đang táo tác chạy tìm má. Má đã bỏ đi đâu lúc trời bắt đầu mưa. Tôi chỉ còn kịp thay chiếc áo dài rồi tuôn chạy ra khỏi nhà. Vòng quanh mấy phố gần đó rồi xa hơn, xa hơn nữa... Tôi chợt nhận ra mình sắp đến nhà của ba. Ngày còn nhỏ, tôi đã lén dẫn Vũ Bão đến đây. Chuyện đó xảy ra rất lâu rồi. Nghe nói ba có đưa vài người đàn bà về sống chung. Không hiểu sao được một thời gian họ lại chia tay. Tôi cũng không cần biết.
Ba sắp nghỉ hưu, ngồi nhà tưới cây cảnh. Thời tuổi trẻ trăng hoa như cây bàng lá đỏ, lá rụng hết rồi chỉ còn lại thân cây khô đét xám xịt. Ba lại có ý đón má và chị em tôi về. Sự phản đối ở nơi ông bà ngoại không còn quyết liệt nữa. Hình như thời gian đã làm nhạt nhòa tất cả. Chỉ còn lại tôi trong nỗi đau hận không nguôi.
Qua màn mưa, tôi thấy má đứng dưới hiên nhà bên cạnh ba tôi. Bằng những bước chân vội vã tôi đến nắm tay má lôi đi. “Má! Sao má đến đây?”. Má ghị lại ngó ngoái nhìn ba. “Cảm ơn! Cảm ơn anh nghe!” “Má!”. Tôi lôi má đi vừa mở chiếc áo mưa trùm lên đầu má. “Yên! Má phải cảm ơn người ta đã cho má đụt mưa”. “Má biết ai đó không?”. “Ai?”. Má ngơ ngác hỏi lại. Có cái gì ùa vỡ trong tôi, như đập ngăn nước bị bể. Lòng tôi cuồn cuộn phong ba. Tôi đưa tay lên má. Mặt tôi lạnh băng và ướt nước mưa. “Má đi đến đó làm gì?”. Giọng tôi lạnh lùng khô khốc. “Má muốn đi thăm...”. Đang nói má ngập ngừng im lặng như cố nhớ điều gì. “Má muốn đi thăm ai?”. “Má cũng không biết nữa. Má muốn đi...”. Rồi má đung đưa cánh tay tôi đang nắm. “Đừng giận! Đừng giận, má không đi nữa!”. Má nói không đi nữa nhưng thỉnh thoảng cả nhà lại phải đi tìm má. Hàng xóm ở nơi ba nói thấy má hay lảng vảng trước nhà. Và bao giờ đi về má cũng cảm ơn chủ nhà dù trời có mưa hay không?
“Chị Yên!” Vũ Bão vào phòng ngồi phịch xuống giường “Hử?”. Mắt vẫn dán vào màn hình vi tính tôi lơ đãng lên tiếng. “Ba thằng Khiêm nói sinh nhật nó sẽ mua bánh kem, mua xe, sẽ đưa nó đi chơi...”. Nó vụt cười hi hí. “Nó có bạn gái rồi đó chị”. Thằng Khiêm cũng sắp thi tốt nghiệp trung học phổ thông. “Ờ!”. Tay tôi vẫn gõ bàn phím. “Ba nó nói...”. “Cứ ba, cứ ba hoài...”. Quay phắt sang nó tôi gắt “cậu út thì nói là cậu út...” . Cứ mỗi lần nghe ai nói đến từ ba, tôi lại thấy tức giận. Thấy nó sợ hãi miệng méo xệch đi sắp khóc. Tôi lại ray rứt xốn xang. Ngồi xuống bên cạnh nó, tôi dịu dàng vỗ về. “Vũ Bão muốn gì nè?”. Nó liền tươi tỉnh, hớn hở. “Ngày mai sinh nhật Vũ Bão”. “Chị biết rồi, Vũ Bão cũng có bánh kem...” “Có ba nữa”. Tôi thở ra. “Không cần có ba Vũ Bão cũng có bánh kem”. “Vũ Bão muốn có ba như thằng Khiêm”. Nãy giờ má ngồi cắm cúi thắt dây thun vụt lên tiếng. “Mua cho Vũ Bão đi”. “Không mua được má à!”. Tôi lại thở ra. Sao ngần ấy năm sống chung với má và Vũ Bão tôi không điên, thật là chuyện thần kỳ. “Không có tiền hả?” . Má lại hỏi. “Có những thứ tiền cũng không mua được má ơi!” . Tôi chặc lưỡi. Biết là má sẽ không hiểu.
Dì Ba chợt bước vào phòng nhìn chúng tôi ái ngại: “Yên! Ba con mất rồi!”. Dì nói như hụt hơi và lần đầu tiên dì nói đến ông ấy mà không chống hai tay lên hông, xỉa xói - “Người ta vừa gọi điện thoại cho hay, ông ấy bị nhồi máu cơ tim...”.
Ban chiều ba còn đến công ty tìm tôi, tuy có vẻ mệt mỏi nhưng người ông vẫn mập mạp. Sao dì Ba không vỗ tay reo cười? Còn tôi, sao không thấy nhẹ nhàng thanh thản lại còn cảm thấy nặng nề hơn, ngột ngạt hơn. Chẳng còn ai để oán hận, thù ghét. Cảm giác bị mất, bị mất một thứ gì đó cứ lan rộng trong tôi khiến tôi cứ ngồi trơ trơ như đá. Má và Vũ Bão nhìn dì Ba và tôi với vẻ hiếu kỳ như muốn hỏi “Có chuyện gì xảy ra?”. Hai người không biết có cảm giác gì không?
Bây giờ tôi mới hiểu, người ta có thể làm điều gì đó để rồi sau đó nói rằng ân hận, rằng xin hãy tha thứ.
“Chị Yên!”. Vũ Bão lay nhẹ tay tôi . “Ba mất rồi!” và tôi bật khóc.
🍀Trần Lệ Thường.
Posts: 13,352
Threads: 204
Likes Received: 1,531 in 716 posts
Likes Given: 1,683
Joined: Oct 2018
Reputation:
185
(2021-12-19, 05:13 AM)LamDdaiNgoc Wrote: Cho bớt im lặng
Anh ximuoi ơi, em ldn luôn nhớ anh. Mong rằng anh luôn bình an mạnh khỏe🌹❤❤❤❤❤❤❤
Em ldn của anh
😉
P.S.: mai này đọc thư tình của em trong mấy bài của bro Ếch nhé anh yêu quý ❤
😁
Tui thiệt thắc mắc: tại sao bà không tự mở 1 thread riêng "Ximuoi yêu dấu" rồi vào đó bà tha hồ mà ba xí ba tú hả? Sao vào thread của người khác làm loạn là sao vậy? Bà có cần tui mở cho bà 1 thread riêng để bà vào đó mà tâm sự với chàng không? Yêu cầu bà đừng có vào đây mà làm chuyện ruồi này được không?
Tui không có tuyệt tình đâu, đã mở riêng cho bà rồi nè: http://vietbestforum.com/showthread.php?...#pid403538
Posts: 6,769
Threads: 132
Likes Received: 4,468 in 1,893 posts
Likes Given: 2,176
Joined: May 2021
Reputation:
67
(2021-12-19, 11:46 AM)Ech Wrote: Tui thiệt thắc mắc: tại sao bà không tự mở 1 thread riêng "Ximuoi yêu dấu" rồi vào đó bà tha hồ mà ba xí ba tú hả? Sao vào thread của người khác làm loạn là sao vậy? Bà có cần tui mở cho bà 1 thread riêng để bà vào đó mà tâm sự với chàng không? Yêu cầu bà đừng có vào đây mà làm chuyện ruồi này được không?
Hồi nào cữ ngỡ mình tưng
Thì ra có kẻ còn khùng hơn ta
Posts: 2,713
Threads: 2
Likes Received: 2,247 in 1,279 posts
Likes Given: 4,860
Joined: Feb 2021
Reputation:
71
Posts: 1,045
Threads: 0
Likes Received: 0 in 0 posts
Likes Given: 0
Joined: Jan 2021
Reputation:
-11
(2021-12-19, 11:52 AM)phai Wrote: Hồi nào cữ ngỡ mình tưng
Thì ra có kẻ còn khùng hơn ta
👍
Dzui
Em suomi là trai nên Bro Ếch nhà ta sùng. Phải học em suomi tánh selbstkontrolle nhé bro Ếch gây sự với thiên hạ
Le bonheur est souvent la seule chose qu’on puisse donner sans l’avoir et c’est en le donnant qu’on l’acquiert.
Hạnh phúc thường lại là điều duy nhất mà chúng ta có thể đem cho đi khi chúng ta không có nó, và chúng ta có thể nhận về khi chúng ta cho đi.‐ Voltaire
Posts: 8,197
Threads: 117
Likes Received: 441 in 314 posts
Likes Given: 158
Joined: Jan 2018
Reputation:
105
(2021-12-19, 12:05 PM)LamDdaiNgoc Wrote: Nói ra trước bàn dân là mình 0 sợ ai hết, yêu là nói yêu, nhớ là nói nhớ, anh ximuoi nhớ kỹ nhé.😁
Cái này là Ximuoi tuy im lặng, nhưng hơi thở vẫn còn vang
Vung cước tung hoành viện dưỡng lão
Thần quyền xưng bá trường mầm non
Posts: 1,045
Threads: 0
Likes Received: 0 in 0 posts
Likes Given: 0
Joined: Jan 2021
Reputation:
-11
Em suomi like ráo, dễ thương quá chời.
Chọc lại bro Ếch
Le bonheur est souvent la seule chose qu’on puisse donner sans l’avoir et c’est en le donnant qu’on l’acquiert.
Hạnh phúc thường lại là điều duy nhất mà chúng ta có thể đem cho đi khi chúng ta không có nó, và chúng ta có thể nhận về khi chúng ta cho đi.‐ Voltaire
Posts: 13,352
Threads: 204
Likes Received: 1,531 in 716 posts
Likes Given: 1,683
Joined: Oct 2018
Reputation:
185
FB Buu Che
Đây là một câu chuyện về phép màu Giáng sinh có thật, xảy ra vào tháng 12 năm 1997 tại Wisconsin, Mỹ.
Một cô bé tên Sarah mắc bệnh ung thư máu và dự kiến sẽ không thể sống để đón Giáng sinh. Anh trai và bà của cô đã đến trung tâm thương mại để nhờ Mark Leonard, một ông già, chuyên đóng vai ông già Noel chuyên đến bệnh viện thăm để trao cho Sarah món quà hy vọng để khuyến khích tinh thần cho Sarah chống chọi với cơn bệnh.
Sau đây là toàn bộ câu chuyện.
Một cậu bé và bà của mình đến gặp ông già Noel tại Trung tâm mua sắm Mayfair ở Wisconsin. Đứa trẻ trèo lên đùi ông già Noel, ôm bức ảnh của một cô bé.
"Ai đây?" - ông già Noel mỉm cười hỏi. "Bạn của bạn? Chị gái của bạn?"
"Vâng, ông già Noel." - anh ấy đã trả lời.
"Em gái của cháu tên là Sarah, em đang bị bệnh rất nặng." - cậu bé buồn bã nói.
Ông già Noel liếc sang người bà đang đợi gần đó và thấy bà đang lấy khăn giấy chấm vào mắt mình.
“Sarah muốn đi cùng cháu để gặp ông, ồ, rất thích, ông già Noel!” - đứa trẻ thốt lên.
"Sarah ấy nhớ ông lắm." - cậu bé nói thêm nhẹ nhàng.
Ông già Noel cố gắng tỏ ra vui vẻ và khuyến khích nụ cười trên khuôn mặt cậu bé, hỏi cậu bé muốn ông già Noel mang gì cho cậu bé vào dịp Giáng sinh.
Khi họ kết thúc chuyến thăm, người bà đến đỡ đứa trẻ vào lòng và bắt đầu nói điều gì đó với ông già Noel, nhưng lại dừng nữa chừng.
"Bà muốn nói cái gì, ạ?" - Ông già Noel niềm nở hỏi.
“Chà, tôi biết hỏi ông thực sự là quá nhiều, nhưng ..” - bà lão bắt đầu, gọi cháu trai của mình đến chỗ một trong những chú lùn của ông già Noel để lấy món quà nhỏ mà ông già Noel đã tặng cho tất cả những vị khách nhỏ tuổi của mình.
"Cô gái trong bức ảnh ... cháu gái của tôi đấy, ông thấy đấy ... cháu ấy bị ung thư máu và dự kiến sẽ không sống được qua được mùa lễ này." - bà nói qua đôi mắt đẫm lệ.
“Dù sao đi nữa, ông già Noel, có cách nào có thể mà ông có thể đến gặp Sarah không? Đó là tất cả những gì Sarah yêu cầu, vào Giáng sinh, là được nhìn thấy ông già Noel ”.
Ông già Noel chớp mắt và nuốt nước bọt một cách khó nhọc vì cổ họng của ông dường như nghẹn lại. Ông bảo người phụ nữ để lại thông tin cho các chú lùn của ông về việc Sarah đang ở đâu, và ông sẽ xem mình có thể làm gì. Ông già Noel đã nghĩ về những điều khác trong phần còn lại của buổi chiều hôm đó. Ông ta biết phải làm gì.
"Điều gì sẽ xảy ra nếu nó là con tôi nằm trên giường bệnh đó, chết?" - Ông ta nghĩ với trái tim chìm đắm, "Đây là điều ít nhất tôi có thể làm."
Khi ông già Noel đến thăm một nhóm các cậu bé và cô gái vào buổi tối hôm đó, ông đã nhờ người quản lý lấy tên bệnh viện nhi đồng và địa chỉ, nơi Sarah đang ở chữa bệnh. Anh ta hỏi Rick, trợ lý giám đốc làm thế nào để đến Bệnh viện Nhi đồng.
"Tại sao?" - Rick hỏi, với vẻ mặt khó hiểu.
Ông già Noel đã kể lại cho anh ấy cuộc trò chuyện với bà của Sarah vào đầu ngày hôm đó.
“Oh, dễ thôi…. Tôi sẽ đưa bạn đến đó.” - Rick nói nhỏ. Rick chở họ đến bệnh viện và vào trong bệnh viện cùng ông già Noel. Họ phát hiện ra Sarah đang ở phòng nào. Khuôn mặt của Rick chợt tái đi và anh ta nói rằng anh sẽ đợi ở ngoài hành lang.
Ông già Noel lặng lẽ nhìn vào phòng qua cánh cửa khép hờ và thấy cô bé Sarah trên giường.
Căn phòng đầy ắp những thứ dường như là gia đình của cô ấy; đó là bà và anh trai của cô gái mà anh đã gặp trước đó vào ngày hôm đó. Một người phụ nữ mà anh đoán là mẹ của Sarah đứng cạnh giường, nhẹ nhàng vén mái tóc mỏng của Sarah ra khỏi trán.
Và một người phụ nữ khác mà ông được biết sau đó là dì của Sarah, ngồi trên chiếc ghế gần giường với vẻ mặt mệt mỏi, buồn bã. Họ đang nói chuyện nhẹ nhàng và ông già Noel có thể cảm nhận được sự ấm áp và gần gũi của gia đình cũng như tình yêu và sự quan tâm của họ dành cho Sarah.
Hít một hơi thật sâu và cố gắng nở một nụ cười trên môi, ông già Noel bước vào phòng và hét lên một cách nồng nhiệt, "Ho, ho, ho!"
"Ông già Noel!" - Sarah nhỏ bé thét lên một cách yếu ớt, khi cô cố gắng thoát khỏi giường của mình để chạy đến chỗ ông ta. Ông già Noel chạy đến bên cô và ôm cô một cái thật ấm áp. Một đứa trẻ bằng tuổi con trai của ông - 9 tuổi - ngước nhìn ông với vẻ ngạc nhiên và phấn khích. Làn da của cô nhợt nhạt và mái tóc ngắn cũn cỡn. Da đầu mang những mảng hói đáng kể do tác động của hóa trị liệu. Nhưng tất cả những gì ông thấy khi nhìn cô là một đôi mắt xanh, to tròn. Trái tim anh như tan chảy, và ông phải cố nén nước mắt. Mặc dù đôi mắt ông đang chăm chú vào khuôn mặt của Sarah, nhưng ông vẫn có thể nghe thấy tiếng thở gấp và tiếng nức nở lặng lẽ của những người phụ nữ trong phòng. Khi ông và Sarah bắt đầu trò chuyện, cả gia đình lặng lẽ rón rén đến bên cạnh từng người một, siết chặt vai hoặc tay ông già Noel một cách biết ơn, thì thầm “Cảm ơn” khi họ chân thành nhìn anh bằng đôi mắt sáng long lanh.
Ông già Noel và Sarah đã trò chuyện và trò chuyện, cô ấy hào hứng nói với anh ấy tất cả những món đồ chơi mà cô ấy muốn cho Giáng sinh, đảm bảo với ông ấy rằng năm đó cô ấy là một cô bé rất ngoan. Khi thời gian bên nhau của họ ít đi, ông già Noel cảm thấy được dẫn dắt tinh thần để cầu nguyện cho Sarah và xin phép mẹ của cô gái. Cô gật đầu đồng ý và cả gia đình quay xung quanh giường của Sarah, nắm tay nhau.
Ông già Noel nhìn Sarah một cách mãnh liệt và hỏi cháu bé có tin vào thiên thần không, “Ồ, vâng, ông già Noel… cháu tin ạ!” - Sarah thốt lên.
"Chà, ông sẽ yêu cầu các thiên thần trông chừng cháu nhé." - ông nói.
Đặt một tay lên đầu đứa trẻ, ông già Noel nhắm mắt và cầu nguyện. Anh ta cầu xin Chúa hãy chạm vào cô bé Sarah, và chữa lành cơ thể cô khỏi căn bệnh quái ác này. Ông ta yêu cầu các thiên thần phù hộ cho cô ấy, theo dõi và giữ cô ấy. Và khi anh ấy cầu nguyện xong, vẫn nhắm mắt, anh ấy bắt đầu hát, nhẹ nhàng bài Silent Night (Đêm Thánh Vô Cùng)
“Ðêm Thánh vô cùng, giây phút tưng bừng
Ðất với trời se chữ Ðồng
Ðêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ
Canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa
Ơn châu báu không bờ bến… ”
Cả gia đình tham gia, vẫn nắm tay nhau, mỉm cười với Sarah, và khóc những giọt nước mắt hy vọng, những giọt nước mắt vui mừng cho giây phút này, khi Sarah cười rạng rỡ với tất cả họ. Khi bài hát kết thúc, ông già Noel lại ngồi xuống bên giường và nắm lấy đôi bàn tay nhỏ bé yếu ớt của Sarah.
“Bây giờ, Sarah,” - ông nói một cách đầy uy quyền, “cháu có một công việc phải làm, và đó là tập trung vào việc làm tốt. Ông muốn cháu vui chơi với bạn bè của cháu trong mùa hè này, và ông mong đợi sẽ gặp cháu tại nhà của ông tại Mayfair Mall vào thời điểm này vào năm sau nhé! ”
Ông biết việc tuyên bố điều đó với cô gái nhỏ mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối là rất mạo hiểm, nhưng ông phải làm vậy. Ông phải tặng cô món quà lớn nhất mà ông có thể - không phải búp bê hay trò chơi hay đồ chơi - mà là món quà HY VỌNG.
"Vâng, ông già Noel!" - Sarah thốt lên, đôi mắt sáng ngời. Ông cúi xuống hôn lên trán cô một cái rồi rời khỏi phòng. Ở ngoài hành lang, ngay khi ánh mắt của ông già Noel chạm mắt Rick, một ánh mắt lướt qua giữa họ và họ khóc nức nở không chút xấu hổ.
Mẹ và bà của Sarah nhanh chóng chạy ra khỏi phòng và chạy đến bên ông già Noel để cảm ơn ông.
"Đứa con duy nhất của tôi bằng tuổi Sarah." - anh lí nhí giải thích. "Đây là điều ít nhất tôi có thể làm." Họ gật đầu với sự hiểu biết và ôm chầm lấy anh.
Một năm sau, Santa Mark một lần nữa trở lại phim trường ở Milwaukee cho công việc thời vụ kéo dài sáu tuần mà anh ấy rất thích làm. Nhiều tuần trôi qua và rồi một ngày nọ, một đứa trẻ đến ngồi trên đùi anh.
“Chào, ông già Noel! Nhớ cháu không ?! ”
"Tất nhiên tôi làm." - Ông già Noel tuyên bố (như mọi khi), mỉm cười nhìn cô. Sau cùng, bí quyết để trở thành một ông già Noel ‘tốt’ là luôn khiến mỗi đứa trẻ cảm thấy như thể chúng là đứa trẻ ‘duy nhất’ trên thế giới vào thời điểm đó.
"Năm ngoái ông đến gặp cháu trong bệnh viện!"
Ông già Noel há hốc mồm. Nước mắt lập tức trào ra, anh nắm lấy điều kỳ diệu nhỏ bé này và ôm cô vào lòng.
"Sarah!" - anh thốt lên. Ông hầu như không nhận ra cô ấy, vì mái tóc của cô ấy dài và mượt và má cô ấy ửng hồng - khác hẳn với cô gái nhỏ mà anh ấy đã đến thăm chỉ một năm trước đó Anh nhìn sang và thấy mẹ và bà của Sarah ở bên ngoài đang mỉm cười vẫy tay và lau mắt cho họ.
Đó là Giáng sinh tuyệt vời nhất từ trước đến nay đối với ông già Noel.
Ông ấy đã chứng kiến - và được ban phước là làm công cụ mang lại - điều kỳ diệu của hy vọng. Đứa trẻ quý giá này đã được chữa lành. Ung thư biến mất. Cháu bé Sarah vẫn còn sống và sống thật tốt. Ông lặng lẽ nhìn lên Thiên đường và khiêm tốn thì thầm: “Cảm ơn Cha. ‘Rất vui, Giáng sinh vui vẻ!”
Bài viết Susan Morton Leonard, vợ của ông già Noel
Tên của ông già Noel: Mark Leonard hoặc Santa Mark
PS: đây là bài viết tiếng Anh tui tìm thấy trên google:
https://susans-sea-of-dreams.blogspot.co...racle.html
Posts: 13,352
Threads: 204
Likes Received: 1,531 in 716 posts
Likes Given: 1,683
Joined: Oct 2018
Reputation:
185
TRUYỆN THẬT NGẮN .....
Chung một con ngõ hẹp, hai nhà chung một vách ngăn. Hai đứa chơi thân từ nhỏ, chung trường chung lớp, ngồi chung bàn, đi về chung lối. Chơi chung trò chơi trẻ nhỏ, cùng khóc cùng cười, chung cả số lần bị đánh đòn do hai đứa mãi chơi. Đi qua tuổi thơ với chung những kỷ niệm rồi cùng lớn lên…
Uống chung một ly rượi mừng, chụp chung tấm ảnh... cuối cùng khi anh là chú rễ còn em chỉ là khách mời. Từ nay, hai đứa sẽ không còn có gì chung nữa, anh giờ là riêng của người ta…
--------------
Bàn tay
Hai đứa cùng trọ học xa nhà, thân nhau. Lần vào quán nước, sợ tôi không đủ tiền trả em lòn tay xuống gầm bàn đưa tôi ít tiền. Vô tình đụng tay em... mềm mại.
Ra trường, hai đứa lấy nhau. Sống chung, em hay than phiền về việc xài phí của tôi. Bận nọ tiền lương vơi quá nửa đem về đưa em... chợt nhận ra tay em có nhiều vết chai.
Tự trách, mấy lâu mình quá vô tình.
-------------+--
*Ngậm ngùi*
Ba mất nửa năm, má dẫn hai con nhỏ về quê. Xin được mảnh đất hoang, cùng mần cỏ, dọn nền, lối xóm lạ hoắc tới tiếp dựng mái lá ở tạm. Tối, má gói bánh – nấu. Sáng, hai nhỏ út bưng bán. Má mượn xuồng đi chợ, áo thâm kim, nón lá rách.
Anh Hai ở Sài Gòn, thành đạt, giàu. Hôm về quê, anh đi dọc bờ sông, má thấy, bơi xuồng riết theo, goi tên con hụt hưởi. Anh ngoái nhìn rồi quay mặt đi tiếp. Má tủi, gạt dầm, cúi mặt khóc. Nước mắt má làm xuồng quay ngang!
----+------------
Tết
Ngồi một mình trong căn phòng chung cư ở tầng 15, anh đón Tết một cách lặng lẽ. Ở nơi này vẫn có bánh chưng, bánh tét, vẫn có pháo, có hoa nhưng hình như vẫn thiếu một thứ gì đó.
Đã 35 cái Tết tha hương nhưng hình như trong anh vẫn còn tìm kiếm, dẫu rằng sự tìm kiếm đó ngày càng nhạt nhòa theo năm tháng. Phải chăng ‘thứ ấy’ là hương vị Tết quê nhà?
“Phải đi ngủ sớm thôi” Anh tắt đèn tự nhủ, “Mai còn phải đi làm…”
--------------
*Lương tâm*
Con ốm, nhập viện. Làm thủ tục, bác sĩ mặt lạnh tanh. Biết ý, tay mẹ run run dúi trăm nghìn vào túi “lương y”… Bác sĩ thân mật: “Nằm giường này cháu, đừng lo có bác!”. Biết đâu mẹ đang xỉu dần vì bán máu cho con. Lương tâm?
----++++-----
Xứ lạ quê người
Qua xứ người được vài năm thì ông anh họ của tôi bắt đầu gởi tiền về, giục các con lo học tiếng Anh và vi tính đẻ mai mốt qua đó có thể dễ dàng kiếm việc làm.
Hôm vừa rồi, anh gọi điện về thăm gia đình chúng tôi, tôi hỏi anh có địa chỉ eMail chưa để tiện liên lạc, giọng anh chùng hẳn xuống: ” Suốt ngày hết rửa bát lại dọn bàn trong quán, anh có thì giờ đâu mà biết đến những thứ hiện đại đó hả em?! “.
-----++++
- Nghĩa tình
- Bố bị tai biến mạch máu não, nằm liệt giường. Em phải xin nghỉ việc để về nhà phụ mẹ chăm sóc bố. Hơn năm sau, bố mất. Em lại phải đi làm xa kiếm tiền gởi về cho mẹ trả nợ nần, thuốc men. Mãi bươn chải vì chén cơm manh áo, hơn ba mươi tuổi vẫn chưa lập gia đình.
-Anh hai giục mẹ bán nhà ra ở với ảnh, có dâu có cháu cho vui tuổi già.
- Ngày về căn nhà ngày xưa đã đổi chủ, em chỉ còn biết khóc.
--------------
Bóng nắng, bóng râm
Con đê dài hun hút như cuộc đời. Ngày về thăm ngoại, trời chợt nắng, chợt râm. Mẹ bảo:
- Nhà ngoại ở cuối con đê.
Trên đê chỉ có mẹ, có con Lúc nắng, mẹ kéo tay con:
- Đi nhanh lên, kẻo nắng vỡ đầu ra.
Con cố. Lúc râm, con đi chậm, mẹ mắng:
- Đang lúc mát trời, nhanh lên, kẻo nắng bây giờ.
Con ngỡ ngàng: sao nắng, râm đều phải vội ?
Trời vẫn nắng, vẫn râm...
...Mộ mẹ cỏ xanh, con mới hiểu: đời, lúc nào cũng phải nhanh lên.
--------------
Câu Hỏi
Ngày đầu tiên cô phụ trách một lớp học tình thương đa phần là những trẻ lang thang không nhà cửa.
Cuối buổi học.
- Cô ơi. Dạy tụi con hát đi cô.
- Hát đi cô.
Còn mười phút. Nhìn những cái miệng tròn vo và những đôi mắt chờ đợi, cô dạy cho tụi trẻ bài "Đi học về".
- Hát theo cô nè... Đi học về là đi học về. Con vào nhà con chào ba mẹ. Ba mẹ khen...
Phía cuối lớp có tiếng xì xào:
- Tao không có ba mẹ thì chào ai?
- ...
Cô chợt rùng mình, nghe mắt cay cay.
------------
Ba Và Mẹ
Mẹ xuất thân gia đình trí thức nghèo, yêu thích thơ, văn. Ba tuy cũng được học nhưng là con nhà nông “chánh hiệu”.
Mẹ sâu sắc, tinh tế. Ba chất phác, hiền hòa.
Mỗi khi ba mẹ đấu lý, chị em nó thường ủng hộ mẹ, phản đối ba. Mẹ luôn đúng và thắng.
Hôm ba bệnh nặng, cả nhà lo lắng vào ra bệnh viện.
Tối ba nói sảng điều gì đó không ai hiểu. Nhưng lần đầu tiên nó nghe mẹ nói “Đúng! Ông nói đúng…” Quay đi, mẹ sụt sùi. Nó thút thít khóc.
-----+++----
Tình Đầu
Về quê, lần nào cũng vậy, hễ chạy qua ngã ba An Lạc là tôi cho xe chạy chậm hẳn lại, mắt nhìn vào ngôi nhà khuất sau vườn lá. Một lần, đứa con trai mười tuổi của tôi hỏi:
- Ba tìm gì vậy?
- Tìm tuổi thơ của ba.
- Chưa tới nhà nội mà?
- Ba tìm thời học sinh.
- Nội nói, lớn ba học ở Sài Gòn mà?
- À, ba tìm người... ba thương.
- Ủa, không phải ba thương mẹ sao?
- Ừ, thì cũng ... thương.
- Ba nói nghe lộn xộn quá. Con không biết gì cả.
- Ba cũng không biết.
Chỉ có Hồng Hạ biết. Mà Hạ thì hai mươi năm rồi tôi không gặp.
-----------
Bão
Sống miền duyên hải, công việc của anh gắn liền với tàu, với biển, với những chuyến khơi xa. Anh đi suốt, về nhà chẳng được bao ngày đã tiếp tục ra khơi. Mỗi lần anh đi chị lại lo. Radio, ti vi báo bão. Đêm chị ngủ chẳng yên, sợ bão sẽ cuốn anh ra khỏi đời chị.
Cuộc sống khá hơn, anh không đi biển nữa mà kinh doanh trên bờ. Anh đi sớm về trễ, có đêm vắng nhà, bảo vì công việc làm ăn. Nhưng nghe đâu...
Không phải bão, anh vẫn bị cuốn xa dần. Sóng gió, bão trong lòng chị.
----------
Khóc
Vừa sinh ra đã vào trại mồ côi, trừ tiếng khóc chào đời, chồng tôi không hề khóc thêm lần nào nữa.
Năm 20 tuổi, qua nhiều khó khăn anh tìm được mẹ, nhưng vì danh giá gia đình và hạnh phúc hiện tại, một lần nữa bà đành chối bỏ con. Anh ngạo nghễ ra đi, không rơi một giọt lệ.
Hôm nay 40 tuổi, đọc tin mẹ đăng báo tìm con, anh chợt khóc. Hỏi tại sao khóc, anh nói:
- Tội nghiệp mẹ, 40 năm qua chắc mẹ còn khổ tâm hơn anh.
------------
*Đánh Đổi*
Chị yêu anh vì vẻ lãng mạn và coi thường vật chật. Chị xa anh cũng vì lẽ đó. Nhân chứng của cuộc tình là chiếc xe đạp, nó chở đầy kỷ niệm của một thời yêu nhau.
Mười năm xa cách, anh lao vào cuộc mưu sinh và có một gia sản ít ai bằng.
Tình cờ anh gặp chị tại nhà, nhìn thấy chiếc xe đạp ngày xưa, chị hỏi: anh còn giữ nó? Anh nghẹn ngào: anh làm ra những thứ này mong đánh đổi những gì anh có trên chiếc xe đạp ngày xưa.
----++-+----
*Mẹ tôi*
Mẹ sinh tôi giữa ruộng bùn vì lúc có mang tôi cũng là lúc gia đình lâm vào túng quẫn, mẹ đi cấy thuê lặn lội đồng sâu nước độc nên sinh tôi thiếu tháng. Tôi ốm đau èo uột. Mẹ thường cõng tôi qua sông đến nhà thầy thuốc. Tôi khỏe. Nhưng mẹ phải còng lưng ba năm trời để trả nợ.
Lớn lên tôi định bỏ học đi làm sớm. Mẹ quyết nhịn ăn bắt tôi đến trường. Mẹ là tấm gương soi suốt đời tôi.
-+++++----
Túi khoai thối
Thử hình dung những cơn giận dữ của ta như những củ khoai, mỗi lần giận là bỏ vào túi một củ, ngày càng nhiều và chúng dần thối đi. Nếu không biết bỏ qua lỗi lầm của người khác, cứ giận họ mãi thì với ta chẳng lợi ích gì, họ cũng chẳng vì ta giận họ mà mập hay ốm đi, còn ta khác nào phải mang theo túi khoai vừa thối vừa nặng. Nếu biết bỏ qua, ta sẽ có nhiều bạn, không còn phiền lòng vì túi khoai thối ấy.
Sưu tầm
|