Không muốn viết nhiều ở bên kia vì lần tạp nham này hơi dài
.
Truyện Hiệp Khách Hành tôi nhớ đại khái như vầy. Có hai ông võ lâm cao thủ kia một hôm tình cờ ra đảo nọ và phát hiện ra một hang động, trong vách đá của hang động có khắc lời thơ của bài thơ Hiệp Khách Hành (tôi không google thêm về bài thơ HKH để xem trí nhớ tới đâu
) và những hình vẽ "minh họa" cho từng lời thơ. Hai ông này vốn là cao thủ nên nhìn là biết ngay đây là một kho võ công tối thượng nên hai ông đã nhận nơi này làm quê hương bỏ hết tất cả và định cư trên hòn đảo để luyện võ theo những tấm hình và dòng thơ khắc trên vách đá. Luyện như vậy gần hết đời tuy võ công so với lúc trước đã tiến bộ tới mức không tưởng nhưng hai ông vẫn biết rằng bản thân chưa lãnh hội được hết cái cao thâm của môn võ đó. Vì vậy hai ông cho thuộc hạ đi mời những chưởng môn và tuyệt đỉnh cao thủ của võ lâm trung nguyên ra đảo để cùng tham khảo.
Biết bao nhiêu những chưởng môn đã ra đi nhưng không ai trở về nên quần hùng trung nguyên rất sợ bị hai vị thưởng thiện phạt ác sứ giả của đảo Long Mộc tới mời đi. Trong truyện lần này có anh chàng Thạch Phá Thiên vốn là người trung hậu thật thà nhưng vì mưu gian mà phải trở thành chưởng môn của một bang phái tên Trường Lạc và vì thế nên được mời.
Ra tới đảo thì mọi người đều ngạc nhiên vì thấy những chưởng môn đời trước vẫn sống ... nhăn răng, hóa ra là vì đam mê võ thuật nên mấy ông bà ấy bỏ quên cả môn phái, gia đình, vợ cả, bồ nhí mà tình nguyện ở lại để luyện cho bằng được những võ công trong hình vẽ và câu thơ của HKH.
Thạch Phá Thiên đi loanh quanh nghe và thấy mấy ông bà ấy cãi nhau ỏm tỏi về " sự liễu phất y khứ / ngân câu chiếu bạch mã / tạp đạp như lưu tinh / thiên lý bất lưu hành / tương trích đạm Chu Hợi / trì trường khuyến Hầu Doanh / nhàn quá Tín Lăng ẩm / thoát kiếm tất tiền hoành ..." tôi chỉ nhớ lộn xộn có vậy. Mỗi ông cắt nghĩa một kiểu và cãi nhau ỏm tỏi làm Thạch Phá Thiên nghe mà phát chán nên đi lòng vòng cho đỡ nhức đầu. Tới một thạch động kia TPT thấy Long Mộc hai vị đảo chủ ngồi xếp bằng chăm chú nhìn vào nguyên bài thơ được khắc trên vách, TPT cũng tò mò nhìn theo. Nhìn một lúc thì chàng thấy khí huyết bắt đầu nhộn nhịp, ánh mắt chàng nhìn vào chữ nào thì một huyệt đạo nào đó trên cơ thể lại chuyển hóa theo. Cứ thế từng kinh mạch nương theo những dòng thơ mà khởi động, một lúc sau TPT thấy trong người huyết mạch tràn trề như muốn trào ra nên anh chàng phải đứng lên múa tay múa chân để giảm bớt áp lực của nội công đang dâng trào như đại hải trong người. Trong lúc múa thì những hình vẽ của từng câu thơ lại hiện ra trong tâm trí như "sự liễu phất y khứ" làm chàng cũng vung tay áo như một loại chưởng phong phối hợp với nội công trong người mà phóng ra. Hình vẽ "tạp đạp như lưu tinh" làm cho những huyệt đạo liên quan máy động và khiến TPT phải phóng chân chạy như môt loại khinh công vv.
Cứ vậy mà TPT diễn múa lại từng hình người trong những thạch động khác cho tới hết bài thơ. Sau đó nội công của TPT ổn định lại và dung hòa với ý nghĩ của chàng, TPT mở mắt ra định thần nhìn lại thì thấy Long Mộc đảo chủ phờ phạc vì đã thử chống lại những chiêu thức của TPT và cái vách đá khắc bài thơ đã bị nội công của ba người phá tan.
Long Mộc đảo chủ cất tiếng cười sảng khoái vì cái tâm ý cuối cùng của hai ông là tìm ra người có thể lãnh hội được cái uyên thâm của "Hiệp Khách Hành" nên mới tiếng" "Chúc mừng Thạch chưởng môn đã hoàn thành tâm nguyện cho tụi tôi nhưng xin hỏi bí quyết nào đã giúp cho Thạch trưởng môn ngộ ra tâm pháp".
Thạch Phá Thiên ngớ người ra và trả lời: "Tiểu bối xin lỗi vì đã làm hỏng bức vách và bài thơ khắc trên đó nhưng bí quyết thì tiểu bối không có vì tiểu bối không biết chữ nên nhìn vào từng chữ khắc trên vách làm tiểu bối nhớ những con nòng nọc ngày xưa thấy trong suối cạnh ngôi nhà ở với má khi còn nhỏ xíu rồi khi nhìn những con nòng nọc đó tự nhiên khí huyết trong người cứ nhảy lên theo những con nòng nọc đó và làm cho tiểu bối phải múa tay múa chân vậy thôi"
Long Mộc đảo chủ mới nhìn nhau và phá ra cười "Té ra là thế, vị cao nhân đã sáng tạo ra bộ võ công này thật vi diệu khôn lường. Chỉ những người đơn sơ và thành thật như Thạch bang chủ mới có thể ngộ ra cái cao thâm của tâm pháp, còn chữ nghĩa nhiều thì lại không gíup ích gì cả"