Nhật Ngân còn có bút hiệu khác khi viết nhạc là
Ngân Khánh.
Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Nhật Ngân (1942-2012) – Một huyền thoại của dòng nhạc vàng
Nhạc sĩ Nhật Ngân là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất của dòng nhạc vàng, đã để lại cho đời nhiều tác phẩm bất hủ: Rước Xuân Về Nhà, Cảm Ơn, Lời Đắng Cho Cuộc Tình, Ngày Đá Đơm Bông… Ngoài ra, những tác phẩm tiêu biểu nhất trong sự nghiệp của Nhật Ngân là khi viết chung cùng nhạc sĩ Trần Trịnh trong nhóm Trịnh Lâm Ngân: Qua Cơn Mê, Xuân Này Con Không Về, Mùa Xuân Của Mẹ, Yêu Một Mình, Hồn Trinh Nữ, Lính Xa Nhà, Người Tình Và Quê Hương, Thư Xuân Trên Rừng Cao, Tâm Sự Người Hát Bài Quê Hương, Hát Cho Mai Sau…
Ngoài ra, nhạc sĩ Nhật Ngân (tên thật là Trần Nhật Ngân) còn kết hợp với nhạc sĩ Mặc Thế Nhân (tên thật là Phan Công Thiệt) cùng hợp soạn những bài nhạc vàng nổi tiếng Cho Vừa Lòng Em, Một Lần Dang Dở, Cho Người Vào Cuộc Chiến, ký bút danh là Phan Trần (ghép từ họ của 2 nhạc sĩ).
Nhạc sĩ Nhật Ngân và Mặc Thế Nhân (ghép chung thành Phan Trần) Không chỉ sáng tác nhiều trước 1975, mà cho đến sau này, cùng với Anh Bằng, Lam Phương… nhạc sĩ Nhật Ngân là 1 số ít nhạc sĩ trước 1975 vẫn giữ được sức sáng tác bền bỉ sau năm 1975 tại hải ngoại. Những sáng tác tiêu biểu của ông trong thời gian này là Gửi Người Về Cát Bụi, Người Lính Già Xa Quê Hương, Chiều Qua Phà Hậu Giang… cùng rất nhiều bài hát dịch lời Việt cho nhạc ngoại như Mưa Trên Biển Vắng, Những Lời Dối Gian, Bến Thượng Hải, Một Kiếp Phong Ba, Tình Nhạt Phai, Xa Em Kỷ Niệm, Xin Thời Gian Ngừng Trôi, 999 Đóa Hồng…
Nhạc sĩ Nhật Ngân sinh năm 1942 tại Thanh Hóa, là con út trong một gia đình sáu người con. Vì cha là một công chức thường phải di chuyển nhiều, nên từ nhỏ nhạc sĩ Nhật Ngân từng sống ở nhiều nơi: di chuyển vào Huế, sau đó trải qua phần lớn thời gian thiếu thời tại Ðà Nẵng. Tại Huế và Đà Nẵng, ông được các linh mục dạy nhạc. Khoảng cuối thập niên 1950, nhạc sĩ Nhật Ngân theo mẹ vào Sài Gòn và học trung học ở trường nam sinh Võ Trường Toản và được hướng dẫn thêm về nhạc từ những người thân trong họ, đó là học violon và piano với giáo sư Ðỗ Thế Phiệt, học sáng tác với nhạc sĩ nổi tiếng Nhật Bằng.
Sau khi đậu tú tài, Nhật Ngân quay trở lại Đà Nẵng dạy nhạc và Việt văn tại trường Phan Thanh Giản. Theo lời nhạc sĩ Nhật Ngân, đây cũng là thời gian ông sáng tác ca khúc đầu tay là Tôi Đưa Em Sang Sông vào năm 1960. Ông kể lại, khi trở về dạy học ở Ðà Nẵng đã gặp và yêu một cô gái trạc tuổi. Tuy nhiên vào thời đó, các gia đình ở miền Trung chỉ gả con gái cho những người có chức phận, còn nhạc sĩ Nhật Ngân thì chỉ là anh giáo dạy học còn rất trẻ, nên cô gái đã đi lấy chồng khác theo sự sắp đặt của gia đình. Từ mối tình không thành, ông đã sáng tác Tôi Đưa Em Sang Sông. Mặc dù chưa có phương tiện phổ biến rộng rãi trong thời gian đầu, nhưng Tôi Ðưa Em Sang Sông đã trở thành một ca khúc được giới học sinh, sinh viên Ðà Nẵng rất ưa thích, chép tay chuyền cho nhau hát. Nhạc sĩ Nhật Ngân cũng nói rằng sau đó ông đã gửi ca khúc này vào Sài Gòn nhờ nhạc sĩ Y Vân phổ biến giùm, điền thêm tên nhạc sĩ Y Vũ (em của nhạc sĩ Y Vân) là đồng sáng tác.
Ca khúc nổi tiếng thứ 2 được ký tên Nhật Ngân là Đêm Nay Ai Đưa Em Về (khác với ca khúc Ai Đưa Em Về của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 được sáng tác sau đó 10 năm), được nhạc sĩ Nhật Ngân sáng tác với cảm hứng từ niềm cảm mến một nữ ca sĩ nổi danh đầu thập niên 1960. Ca khúc này với giọng hát Lệ Thanh rất quen thuộc với thính giả của các đài phát thanh thời đó. Năm 1965, nhạc sĩ Nhật Ngân gia nhập quân ngũ, phục vụ ngành TLC, một năm sau ông được chuyển về làm trưởng ban văn nghệ của Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung cho đến năm 1975. Trong thời kỳ này, ông kết hợp với nhạc sĩ Trần Trịnh để trở thành nhóm sáng tác Trịnh Lâm Ngân nổi tiếng với rất nhiều bài quen thuộc như Qua Cơn Mê, Mùa Xuân Của Mẹ, Yêu Một Mình, Người Tình Và Quê Hương, Thư Xuân Trên Rừng Cao…, và đặc biệt là Xuân Này Con Không Về là một trong những ca khúc đi liền với tên tuổi của ca sĩ Duy Khánh, vì vậy đã có nhiều người lầm tưởng chính Duy Khánh là tác giả.
Nói thêm về bút danh Trịnh Lâm Ngân, được ghép từ 3 cái tên Trần Trịnh, Lâm Đệ và Nhật Ngân. Trong 3 cái tên này thì Trần Trịnh và Nhật Ngân là 2 nhạc sĩ đã khẳng định được tên tuổi trước đó, còn Lâm Đệ là người vô danh. Sau này, trên Paris By Night, nhạc sĩ Nhật Ngân kể lại rằng Lâm Đệ là con trai của chủ hãng đĩa Sóng Nhạc, chỉ đánh đàn chứ không biết sáng tác.
Chủ của hãng đĩa Asia Sóng Nhạc vào thời điểm đó là ông Nguyễn Tất Oanh, và khi người viết gặp cô Hồng (vợ của nhạc sĩ Hoàng Trang), là con gái của ông Nguyễn Tất Oanh, thì cô Hồng cho biết ông Lâm Đệ không phải là con trai của ông chủ hãng Sóng Nhạc như lời nhạc sĩ Nhật Ngân đã kể, mà đó chỉ là sự hiểu lầm trong cách xưng hô, dẫn đến sự ngộ nhận của chính nhạc sĩ Nhật Ngân. Kể từ sau đó, 2 nhạc sĩ Trần Trịnh và Nhật Ngân hợp tác cùng nhau để viết nhạc, chứ không liên quan gì đến cái tên Lâm Đệ.
Nhạc sĩ Nhật Ngân lập gia đình vào năm 1969 và có ba người con. Người con gái lớn của ông tên Ngân Khánh, đã tốt nghiệp cử nhân về âm nhạc Ðại học Fullerton, nam California. Ông đã lấy tên Ngân Khánh để ký dưới một số nhạc phẩm như Một Mai Giã Từ Vũ Khι’ và Cám Ơn.
Nhạc sĩ Nhật Ngân nổi tiếng là người yêu thương vợ con. Giới nhạc sĩ đa số thường bay bướm, nhưng nhạc sĩ Nhật Ngân gắn bó trọn đời với một người vợ duy nhất trong cuộc hôn nhân hơn 40 năm. Ông cũng sáng tác một số ca khúc để tặng cho vợ.
/* nguồn:
https://nhacxua.vn/tieu-su-nhac-si-nhat-ngan-1942-2012/