Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16
(2022-07-16, 11:00 AM)Ech Wrote: [ -> ]Lương Hòa Bến Lức, sư phụ hay quá, mấy địa danh này sư phụ cũng biết hé. Tưởng nó chút xíu không người biết đến chứ.
Nhà thằng bạn thân ở thị xã bến lức , hay về dưới chơi nên biết, còn qua tiền giang là quê ngoại tui
HẠNH PHÚC
Nguyên Ngọc
Tôi có một chuyện cay đắng về hạnh phúc, mà lại ở Tây Nguyên, nơi tôi gắn bó hơn nửa cuộc đời và yên trí đã hiểu đến tận cùng. Sự thể là ngày ấy, vậy mà thấm thoắt đã mười bảy năm, chúng tôi làm một bộ phim về Tây Nguyên và anh đạo diễn bỗng nảy ý tưởng độc đáo không sử dụng diễn viên chuyên nghiệp vào các vai chính, chỉ mời đúng người dân tộc tại chỗ. Lặn lội khắp cao nguyên từ cực bắc đến cực nam, cuối cùng chọn được hai cô gái Ba Na thật đẹp, cô em, xin gọi là H’Lan, năm ấy mười bảy, rực rỡ đến chói chang, cô chị, cũng xin gọi là H’Nga, mười chín, đằm thắm, đậm đà. Ngày ấy cao su quốc doanh chưa nhiều và lấn vào sát làng như bây giờ, các gia đình vẫn còn được ít rẫy, hôm chúng tôi đến hai chị em vừa ở rẫy về, đang tắm ngoài giọt nước đầu làng. Ở Tây Nguyên người ta gọi bến nước của làng là “giọt”, kể cũng hơi lạ, dòng nước trong và khỏe gần như bất tận được dẫn từ núi cao về theo một hệ thống những thân tre chẻ đôi nối vào nhau thô sơ mà khéo léo, có khi quanh co đến năm bảy cây số trong rừng, cuối cùng đổ ra thành hàng chục vòi, mát lạnh đến tê người những chiều hè oi nồng chưa tắt hẳn nắng, lại phảng phất mùi vị không thể lẫn của rừng sâu, thoảng thôi nhưng thấm tận da thịt. Nước tuôn ra mạnh hơn cả nước máy thành phố, sao gọi là giọt? Thì ra ở lâu mới biết, bến nước đầu làng, với người Tây Nguyên đi xa, hay người Tây Nguyên nay không còn làng, sẽ mãi mãi nhỏ từng giọt kỷ niệm cả kiếp không nguôi, vào tận đáy tâm hồn. H’Lan, bây giờ đã là một người đàn bà đẫy đà ba con mỗi lần gặp chúng tôi vẫn thường nhắc lại cái buổi chiều ấy, mười bảy năm trước, khi chúng tôi ra tìm em ở giọt, cô gái đang mặc nguyên cả quần áo vậy mà tắm, mơn mởn, tươi mát, khỏe mà mềm, rực rỡ mà dịu dàng. Nghe chúng tôi về “bắt người đi đóng phim”, cô sợ quá vùng té chạy. Đám con trai cũng đang tắm ở giọt, mình trần, chỉ mỗi chiếc khố, phô những múi thịt cuồn cuộn đen bóng đẫm nước, phá lên cười giòn tan…
Ừ vậy mà đã mười bảy năm…
H’Nga và H’Lang đi cùng chúng tôi hơn bốn tháng. Vào vai không đặc biệt xuất sắc, nhưng có những điều rất nhỏ diễn viên chuyên nghiệp học mấy cũng không bằng. Như cách vén váy sà xuống cạnh bếp ở góc nhà sàn, một chút buông thả mà kín đáo, xếp hai chân về một bên, và khẽ nghiêng đầu thổi bùng ngọn lửa vẫn âm ỉ ngày đêm; cách đứng dậy, gọn, khỏe, khoát dây gùi lên vai, bên này rồi bên kia, bước ra hiên, thoăn thoắt xuống cầu thang, gùi nặng thế mà thong dong đến lạ; hay buổi chiều tà ở rẫy về, cất tiếng ót ót gọi heo thả rong, và nhìn đàn heo rối rít ùa về như mẹ âu yếm đón đàn con… Trong nghệ thuật vốn vậy, chính những điều nhỏ tưởng không đáng kể đó tạo nên mùi vị không thể thay thế của tác phẩm…
Cuối cùng rồi phim cũng xong, đoàn giải tán. Tôi có tham gia đôi lần những đoàn làm phim như vậy, tôi biết, ba bốn tháng thôi, mà cảm giác rất dài. Bởi vì suốt những ngày tháng ấy người ta không chỉ đi cùng nhau, làm việc cùng nhau, ăn ở cùng nhau; mà còn cùng nhau, cố tình lôi kéo nhau, người ta còn đắm đuối, cố tình tự đánh chìm mình vào một cuộc sống khác hẳn ngoài đời, quyết liệt hơn, hạnh phúc hơn, đau đớn hơn, biết là giả chứ nhưng lại thật hơn thật vì sự tích tụ và cường độ cực cao của nó…
Rồi phim xong. Đột ngột. Bao giờ cũng đột ngột. Đột ngột màn hạ xuống. Một giấc mơ, một cơn mê dài đột ngột được đánh thức. Những người chuyên nghiệp, dạn dày sân khấu, chừng nào đã quen. Nhưng còn hai cô gái Ba Na của tôi? H’Nga ngơ ngác: Hết rồi sao bác? Em hỏi. Hết rồi thật. Ngày mai các cô sẽ trở về làng. Tôi ở trên này đã lâu, tôi biết cuộc sống đang chờ đợi các cô trở về không giống như trong phim các cô cùng chúng tôi vừa dựng, đúng hơn là vừa “sống”, mê đắm. Mà bây giờ, trở về, điều gì đang chờ các cô?… Hầu như có thể chắc chắn, mươi năm nữa, cũng chẳng cần lâu đến thế đâu, chỉ năm ba năm, nhớ tìm về thăm, tôi sẽ gặp hai người đàn bà trên rẫy, vẫn còn phảng phất nét đẹp xưa, nhưng sẽ khác lắm, cháy nắng, con – đứa thứ mấy? – địu trễ nãi trên lưng, đến chiếc áo bạc màu cũng chẳng cần cài cho hết cúc, mặc cho vú vê chảy dài lòng thòng… Tôi cũng biết điều đó, cái cảnh hầu như sẽ chắc chắn đó, sẽ chẳng là gì cả trong hạnh phúc mà họ vui nhận trong cuộc đời, thanh thản, bình yên… Nhưng có thể giúp họ tìm đến một hạnh phúc khác không, một hạnh phúc mới mà họ có thể và xứng đáng được hưởng… Bây giờ nhớ lại, quả thật tôi rắp tâm thực hiện một kế hoạch, mà tôi tin. Ở thiện chí trong sáng của mình. Tin ở điều thật sự tốt lành sẽ đem lại được cho những người tôi suốt đời yêu quý. Còn hơn thế, biết đâu một con đường hạnh phúc mới mẻ có thể mở ra cho bao người nữa trên này, cũng quá xứng đáng được có như hai cô…
Tôi có một anh bạn là giám đốc một cơ quan cấp tỉnh, cơ quan ấy có một cái nhà khách. Anh sẵn sàng nhận ngay hai chị em vào làm ở đấy, cả chị vợ anh cũng hăng hái đồng tình. Chính chị lo lắng thu xếp cho các cô vừa làm vừa học. Thậm chí chúng tôi còn trù tính các bước tiếp theo cho hai cô sau giai đoạn có thể là tạm thời ở nhà khách này. Không ai nói ra, dường như không dám nói hẳn ra, nhưng quả thật chúng tôi mong muốn đưa các cô “đi xa” hơn nhiều. Một cuộc đổi đời, tại sao không?… Không dám nói, vì nó đẹp quá, cái tương lai mong ước ấy, mà cái đẹp ở đời bao giờ cũng mong manh. Lại nữa… nhưng mong ước của chúng tôi, của tôi, cho hai cô, cho người khác, theo cách nghĩ của tôi, tôi có quyền không? Ta có quyền hình dung một cách hạnh phúc của mình suy ra, cho người khác không? Lo lắng không nhiều, mong ước tốt lành át đi tất cả…
Xong xuôi, tôi trở về Hà Nội, đinh ninh đã làm một việc “đúng lương tâm”, đúng cả tâm huyết lâu dài vẫn ấp ủ với vùng đất và người đã thành ruột thịt. Cũng có lúc lại thoáng vẩn lên đôi chút băn khoăn: chúng tôi đang làm một cuộc thử nghiệm, mà có thể là thử nghiệm với cả cuộc đời hai con người. Thực tế hay phiêu lưu… Hồi hộp chờ…
… Bận công việc đi xa một thời gian, vừa trở về, vội gọi điện ngay cho anh bạn giám đốc. Bên kia đầu dây, giọng anh rõ ràng là buồn, cả giận nữa:
- Chúng nó đi hết rồi!
- Ai? Đi đâu?
- Ai nữa! Hai chị em. H’Lan theo một đoàn ca nhạc dưới vùng biển lên biểu diễn. Con em đi, con chị cũng bỏ về nhà luôn. Nghe nói đã theo một tay buôn gỗ nào đó tận miền Tây Nam Bộ lên. Cũng đi mất rồi.
- Đi đâu?
- Về tuốt trong miền Tây…
Tôi vội bay lên. Không gặp. Hỏi thăm, chỉ có những tin tức mơ hồ. Đi tìm, bặt tăm…
Suốt hai năm.
Rồi họ trở về. H’Nga về trước. Với một cái bụng chửa. Không cần hỏi cũng biết, tay buôn gỗ nọ đã có vợ ở nhà rồi. Cô gái về, sụp xuống lạy cha: Cha giết con đi, con muốn chết. Ông già ngồi suốt ngày ngơ ngác nhìn nắng. Chỉ thầm thì mãi một câu: “Người Kinh dữ quá!…”.
Di dân lớn lên Tây Nguyên. Bây giờ người Kinh rất nhiều. Ông không hiểu, ông sợ.
Một năm sau, H’Lan cũng trở về. Cũng lại mang về cho ông già một đứa cháu không cha.
Tôi đã biết hai cô gái trong suốt bốn tháng các cô đi cùng đoàn phim. Cô chị, H’Nga, đằm thắm, vẻ ngoài trầm tĩnh. Mà đôi mắt rất ướt. Rất đa tình, và rất kín đáo. Đúng hơn, dồn nén. Ở đoàn, thỉnh thoảng cô lại bị lên cơn. Cũng có hôm đột ngột bỏ đi, chúng tôi bổ đi tìm, cuối cùng gặp ở một làng cô có họ hàng xa cách đến hàng trăm cây số. Tôi có biết, có ngờ đâu, tôi làm sao hình dung một cô gái như vậy khi gặp một tay buôn gỗ lậu lang thang trên Tây Nguyên đang bị khai phá tràn lan. H’Nga gặp tay giang hồ ấy chính tại nhà khách của cơ quan anh bạn tôi, dân buôn gỗ lậu bây giờ tất không thể không có quan hệ với những nơi như vậy. Tôi dở quá, tôi chẳng đoán trước được điều gì cả. Tôi có lo thì là lo nhiều hơn cho cô em, H’Lan, rực rỡ quá, mơn mởn quá, lại không trầm tĩnh được bằng chị. Rực rỡ và bồng bột… Hóa ra cả hai chị em, trầm lắng hay cháy bỏng, chẳng ai thoát được hậu quả cuộc toan tính hạnh phúc của chúng tôi, của tôi đầy thiện chí nhất quyết thu xếp cho họ. Cuộc sống dữ dằn đã dứt họ ra khỏi mưu sự đầy tham vọng mà ngây thơ đến tệ hại của chúng tôi. Của tôi. Và đập nát cuộc đời họ.
Đập nát, tôi không nói quá đâu. Gần đây tôi có trở lại. H’Nga đau ốm liên miên, xơ xác. Cậu con trai không có cha nay đã là một chàng thiếu niên khôi ngô. Cháu chỉ học xong cấp một rồi nhất định ở nhà làm rẫy nuôi mẹ. H’Lan thì đã ba đời chồng, bốn mặt con, chẳng đứa nào có cha, cuối cùng lấy một anh chàng Ba Na, gia đình có vẻ yên ổn hơn, nhưng cả hai vợ chồng đều thất nghiệp. Giọt nước đầu làng không còn. Rừng trên đầu nguồn bị phá hết, còn nước đâu mà dẫn về. Từ lâu ở nơi xưa là giọt nước thương yêu, đã mọc lên một cây me, cành lá xum xuê. Tại gốc me ấy bây giờ là một cái “chợ lao động”, thanh niên Ba Na thất nghiệp suốt ngày ngồi ở đấy, hút thuốc vặt, mòn mỏi chờ các ông bà chủ người Kinh đến thuê làm bất cứ công việc gì. Mà họ cũng không còn nhiều sức đâu. Buồn, uống rượu, rượu cần không còn, rượu cần là thứ người ta ủ công phu, gửi cả tâm hồn, cả linh hồn vào đấy, khi người ta sống vui, thoải mái, và hy vọng, tin, tin cuộc đời, tin ngày mai, khi người ta yêu, tin tình yêu… Không còn ruợu cần, uống rượu trắng của người Kinh thôi, thứ rượu hung dữ, đốt cháy tâm can. Rồi rượu trắng cũng không đủ tiền mua, bèn mua cồn pha ra mà uống. Mòn mỏi tới cả giống nòi…
Vậy đó, cuộc thử nghiệm hay ho của tôi. Về hạnh phúc. Hóa ra rất có thể độc ác, phá nát cuộc đời người ta với tình yêu chân thành và mưu tính hạnh phúc đẹp đẽ cho người khác bằng toan tính độc đoán và kiêu căng của mình.
Tôi không chối tội, nhưng có phải chỉ có riêng tôi?
Từng có, còn có bao nhiêu kế hoạch to lớn, hùng hồn về hạnh phúc từng được toan tính, và áp đặt, bằng nhiều cách, trong suốt lịch sử lâu dài của con người…
12- 2012
Nguồn: vanviet.info
MÓN NỢ TRẦN AI
NGUYỄN THẮM
Tại một phiên tòa xử ly hôn.
Đáng nói ở đây là anh chồng không đồng ý ly hôn. Anh đề nghị người vợ phải đền bù tuổi thanh xuân và chi phí cơ hội anh đã mất đi vì chị. Khi nào chị trả hết cho anh món nợ ấy anh sẽ chấp nhận buông tay.
Khi hội đồng xét xử hỏi, anh nói trong nghẹn ngào: Lúc hai đứa còn học cấp ba, cả hai đều nhà nghèo, anh đã nghỉ học đi phụ hồ để phụ tiền cho chị đi học Cao đẳng. Khi chị ra trường chưa có việc, mấy tháng trời anh đã đi làm công nhân vất vả để lo cho hai đứa. Khi hai người về sống với nhau và chị mang thai, thương vợ, sợ cảnh nghèo đeo bám, anh đã theo bạn bè lên Sài Gòn làm môi giới bất động sản, lương lúc đó rất khá. Nhưng vì chị sinh con, muốn được chồng yêu thương, quan tâm, chăm sóc, anh đã bỏ công việc để về lại vùng quê này sinh sống với mức lương công nhân chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình.
Vì kinh tế khó khăn nên hai vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn, cãi vã dẫn đến chị nhất định muốn bỏ anh.
Chị vợ cười méo xệch, những lọn tóc xoăn xòa xuống che nửa mặt, nhưng đôi mắt chị đăm đăm u sầu: - Đúng rồi, món nợ đời này em làm sao trả được.
Chị nói rồi òa lên khóc trong tủi hờn, như chiếc lò xo bị dồn nén quá lâu nay nó bật ra: nhưng cuộc sống hôn nhân nay đã đi vào bế tắc, xin hội đồng xét xử cho nguyên đơn được ly hôn.
Trên đường về, câu nói của chị vợ cứ văng vẳng hoài bên tai, “món nợ đời này” làm tôi có chút xốn xang.
Về khuya, tôi bật chiếc đèn nhỏ, nhìn khuôn mặt của mình soi vào cánh cửa kiếng cửa sổ, cái bóng nhờ nhờ trong ánh đèn ngủ hắt lên yếu ớt, khiến tôi bình tâm suy nghĩ về những món nợ đời mà tôi chưa từng một lần nghĩ đến, chứ nói gì đến chuyện vay-trả, mà có lẽ chẳng ai đòi nợ tôi cả, nhưng suy cho cùng món nợ trần ai ấy ai mà chẳng vướng phải, lấy gì để trả cho hết cho đời nhẹ tênh...
***
Ngày chúng ta cất tiếng khóc chào đời, chúng ta đã nợ đấng sinh thành hình hài bé nhỏ, nợ mẹ chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau, nợ mẹ những đêm khuya đau nhức đến mất ngủ. Nợ ba cả những tháng ngày nhọc nhằn mưa nắng để giúp gia đình nhỏ đủ ăn đủ mặc. Chúng ta nợ cả một bầu trời thương yêu, chở che của ba mẹ từ khi lọt lòng, chập chững những bước đi đầu tiên, đến những năm tháng nuôi con khôn lớn thành người. Món nợ tình thân nặng tựa núi Thái Sơn, rộng tựa dải Ngân Hà ấy chúng ta lấy gì để báo đáp?
Ba, mẹ chưa từng một lần nhắc nhở chúng ta, chưa bao giờ kể lể về những khó nhọc trên đường đời mưu sinh. Ba, mẹ chỉ biết hi sinh tất thảy để cho con mình có được tương lai tươi sáng. Rồi đến khi những đứa con trưởng thành, tự bước đi trên con đường vận mệnh của chính mình, mấy người yêu thương, săn sóc đấng sinh thành như ba, mẹ đã từng yêu thương, săn sóc ta từ khi thơ dại đến khi trưởng thành. Ba, mẹ nào cũng chỉ mong con mình thành công, hạnh phúc - có lẽ đó chính là cách mà chúng ta trả món nợ sinh thành tốt nhất có thể, những câu nói ân cần, quan tâm khi ba mẹ ốm đau - vậy là quá đủ.
Nhưng cuộc sống hiện đại, người ta nghiện điện thoại, nghiện mạng xã hội, nghiện giao tiếp với người lạ hơn là quan tâm đến tình thân. Đã đôi lần chứng kiến những đứa con oan nghiệp lừa ba, mẹ mình sang nhượng đất đai, nhà cửa, đến khi là chủ sở hữu rồi, chúng vội vàng trở mặt sẵn sàng đẩy ba, mẹ ra ngoài đường, ở ngôi nhà hoang tàn, anh em mâu thuẫn, chửi bới, xúc phạm nhau, kiện cáo nhau…nhưng lạ đời là những người con ấy cực kỳ thích rao giảng đạo đức trên các trang mạng xã hội, trong cuộc xã giao.
Tôi đã từng gặp người đàn ông 14 năm ròng rã đi kiện chính con trai mình để đòi lại tài sản mà ông đã từng tin tưởng giao cho con. Vợ của ông can ngăn : “ông gần đất xa trời rồi, lấy lại cũng có sống bao nhiêu nữa đâu mà cực khổ, để làng trên xóm dưới dị nghị, dù gì nó cũng là con mình”. Ông khóc trong uất nghẹn, nhưng lại quả quyết vô cùng: “Nó đối xử tôi với bà như vậy, tôi không thể trơ mắt ra nhìn, tôi lấy về rồi sẽ bán hết quyên góp làm từ thiện, chứ nhất định không để lại cho đứa con trời đánh đó”. Nước mắt người cha nghẹn ngào trong nỗi tủi hổ, cơ cực, đau đến tan nát cõi lòng. Bà mẹ u uất, thở dài: “Âu cũng là cái nợ đời tôi với ông phải trả”.
Có những gia đình đông con, họ chia ngày, chia tháng ra để nuôi ba, nuôi mẹ già đang ốm đau, bệnh tật. Đúng là “cha, mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày”. Liệu có cha, mẹ nào đi đòi đền bù cuộc đời mình từ những đứa con không? Chắc hẳn không bao giờ có chuyện đó, bởi cha mẹ chỉ biết hi sinh tất thảy, chứ nào mong nhận lại điều gì. Đến những đứa con sa cơ, lầm lạc cờ bạc, rượu chè, phá gia chi tử, phá sản từ vài tỷ đến vài chục tỷ bạc. Ba mẹ phải đứt ruột bán số tài sản cả đời bôn ba phương bắc, trời nam mới có được để trả nợ đậy cho con, với suy nghĩ mong manh “cái nợ nó phải trả ở kiếp này, thôi còn con là còn của”.
Nhưng con nào có nghĩ đến sự hi sinh ấy mà đổi thay, hay lại tiếp tục trượt dài trên những con dốc số phận do chính họ tạo ra cho mình.
Chúng ta, nợ thầy, cô những con chữ. Từ khi bập bẹ, đến khi ê a “o tròn như quả trứng gà, ô thì đội mũ, ơ thì thêm râu”…đến khi chúng ta đọc thông viết thạo, sở hữu vài ba ngoại ngữ mà thể hiện với đời. Ở chúng ta giờ đây cả một bầu trời tri thức, nhưng đã từng bao giờ chúng ta nhớ đến món nợ thầy cô hay chưa, hay nghĩ đó là trách nhiệm, là nghĩa vụ của thầy, cô khi nhận những đồng lương ít ỏi.
Những đứa học trò quý, những ngày lễ, sinh nhật hay dịp đặc biệt sẽ nhớ đến thầy, cô và gửi những lời chúc tốt đẹp. Có những trò vô tâm, học xong rồi quên luôn tên thầy, mặt cô…trong tiềm thức có khi quên lãng đi cả một bầu trời kỷ niệm gắn với những năm tháng cắp sách tới trường để học từng con chữ. Nhưng chưa bao giờ thầy nào, cô nào yêu cầu chúng ta phải trả món nợ này cả, thầy cô trong suy nghĩ chưa hẳn có ý nghĩ về việc “học trò nợ mình”, mà thầy cô nghĩ “mình nợ cuộc đời, nợ học trò những con chữ lênh đênh…”, thế nên hết lớp đò này sang sông, đến lớp trò khác thầy cô luôn tận tình dạy bảo. Từ những bài học làm người phải lễ phép với người lớn, hòa nhã với bạn bè, nhặt được của rơi trả người đánh mất…đến những câu nói truyền cảm hứng khiến một cậu học trò nghèo muốn bỏ học ra đời kiếm sống, phải nhìn nhận lại và chấp nhận khó khăn nhưng bước tiếp hành trình học tập để ngày hôm nay đây, cậu ấy được vươn mình ra biển lớn.
Người ta bảo nợ tiền, nợ bạc dễ trả, nợ tình, nợ nghĩa trả sao đây?
Đúng là trong dòng chảy sinh mệnh này làm sao chúng ta tránh được những khúc cua, ngã rẽ của cuộc đời. Có những lúc chúng ta rơi vào hố sâu của bi quan, gần như tuyệt vọng. Những lúc ấy bỗng rất cần một bàn tay giơ ra để chúng ta nắm lấy, hà hơi, tiếp sức cho chúng ta những tia hi vọng, gieo vào tâm trí chúng ta những hạt mầm tươi sáng, giúp chúng ta xóa bỏ được những áng mây đen trên đầu để nhìn thấy sau bầu trời xám xịt kia, trên tầng cao vời vợi ấy vẫn là bầu trời xanh, ánh nắng vàng.
Những người ấy có thể chỉ lướt qua cuộc đời chúng ta, hoặc chúng ta chỉ bắt gặp họ trong những câu chữ, sách vở mà họ viết, nhưng đã khiến chúng ta thay đổi để sống tốt hơn mỗi ngày. Họ chưa từng quay lại để nói rằng: bạn nợ tôi đấy nhé!
Chúng ta nợ nhiều lắm, những món nợ trần ai chẳng bao giờ kể hết được, nợ nụ cười của chị tạp vụ khi pha cho mình ly cafe buổi sáng, nợ chị lao công một khuôn viên sạch sẽ khiến tâm hồn ta cũng như được dọn dẹp sạch khỏi những bộn bề. Nợ hàng cây xanh mát thứ không khí trong lành. Nợ bầu trời trong xanh thứ cảm xúc dịu ngọt. Nợ những chú chim ca tiếng hót lảnh lót vui tươi…
Chúng ta nợ cuộc đời một lời cảm ơn vào sớm mai, khi ta vẫn là người may mắn tỉnh giấc để sống và trải nghiệm một ngày mới. Chúng ta nợ thời gian đã giúp chúng ta xóa nhòa những dấu vết đau thương, đã lặng lẽ giúp đỡ chúng ta kiên trì như dòng nước chảy âm thầm nhưng đủ bào mòn những tảng đá lớn, thời gian là thứ công bằng nhất trên trần gian.
Miên man mãi tôi quay về với suy nghĩ đến câu chuyện của đôi vợ chồng buổi sáng nay. Đương nhiên rồi, chị vợ chẳng thể đền bù món nợ thanh xuân và chi phí cơ hội mà anh chồng đã đòi. Chắc hẳn cũng sẽ chẳng có một đơn vị nào định giá được, một công ty tài chính nào xác định để quy món nợ ân tình ra tiền để mà đền bù cho xứng đáng cả. Chỉ là tự bản thân chúng ta nên nhìn nhận ra những món nợ ấy, để có cách đối đãi phù hợp.
Có thể ba, mẹ lúc về già sẽ trái tính, trái nết một chút nhưng nếu nghĩ đến nợ lớn lao ấy, chúng ta dễ dàng chấp nhận mà yêu thương, trân quý đấng sinh thành. Có thể thầy cô không đòi hỏi món nợ ấy, nhưng để có ngày hôm nay, chẳng ai có thể tự mình trưởng thành mà không cần một người thầy dìu dắt, dẫn đường, có thể chỉ là người chỉ chúng ta cách thức làm việc hiệu quả, cách thức mưu sinh trong dòng đời xuôi ngược, để chúng ta biết ơn và kính trọng.
Hãy cảm ơn người bạn đời của mình khi những lúc vất vả gian lao vẫn cùng mình nắm tay vượt qua giông bão, vợ chồng nào mà chẳng có mâu thuẫn, nhưng tại sao chúng ta không lấy cái hạn chế của người này cộng khuyết điểm của người kia rồi chia đôi ra, ai mà chẳng có những giá trị tốt đẹp riêng và những hạn chế khó khắc phục, nếu đủ yêu thương, đủ chân thành, đủ hiểu về “món nợ đời” - người ta dễ dàng tha thứ cho nhau, dễ dàng chấp nhận tính xấu của nhau…để cùng cộng hưởng, yêu thương và chăm lo cho con cái của mình.
Cuộc chia ly nào mà chẳng đớn đau, yêu thương nào đến hồi kết mà chẳng cay đắng, ly hôn nào cũng dẫn đến hậu quả, những ngã rẽ, những tổn thương, những khúc cua mà những đứa con thơ phải chịu…
Mấy ai từng nghĩ vì cảm xúc nhất thời của người trưởng thành sẽ khiến cuộc đời con đi sai mãi mãi, biết đâu đấy trên đường đời gập gềnh sẽ xô đẩy các con đến bến bờ của tang thương, bi đát, khổ đau cả một đời….
Ôi những món nợ trần ai, ai định giá dùm, ai nói cho tôi cách để trả món nợ nặng nghĩa, nặng tình.
Bức tranh cuối cùng
Trần Thùy Mai
Căn phòng vẽ của anh hồi ấy chỉ có mình anh ra vào. Mỗi lần bước ra, anh lại khóa chặt cửa. Sở dĩ như thế là vì anh ngấm ngầm giận tôi. Suốt đời tôi sống nhẫn nhịn, vâng lời chồng, cưng con, chiều lòng được cả họ. Vậy mà hôm ấy, tôi đã đánh thằng Hân gãy một cây roi dâu.
-Tôi vừa đánh con vừa khóc như điên dại.
" Có gì nghiêm trọng vậy ?". Khi trở về, nhìn những dấu roi trên tay thằng con, anh hỏi.Sau vườn nhà có một bọng đất sét, thằng Hân đã lấy nặn thành tượng một người nữ lõa lồ, giữa hai bắp vế đầy vun nó còn cẩn thận nhét vào một nắm tóc rối. Tôi mắng con " mất dạy ! ". Hân mếu máo: " Con thấy sao thì làm lại y như vậy mà. Sau lưng nhà mình có mấy cô chiều nào cũng xuống bến sông tắm ". Tôi nghẹn lời. Nó mới mười ba tuổi. Nhìn những mảnh tượng vỡ, anh bảo: " Con rất có hoa tay. Nó còn nhỏ, biết gì là tốt xấu. Sao mình nặng tay như vậy ". " Động trời như thế mà anh còn xem là nhẹ ? ". Tôi không hiểu vẻ mặt tôi lúc đó thế nào mà anh quay người, bỏ vào phòng vẽ đóng sập cửa. Tính anh vẫn vậy, giống như sấm sét, khi bùng lên thì không sao dập tắt nổi.
Thực ra đã lâu rồi, hai vợ chồng rất ít nói với nhau. Tối đến, trước khi đi ngủ, tôi niệm kinh trước bàn Phật, những lời nguyện cứ kéo dài ra, khi tôi vào phòng thì anh đả ngủ. Hồi mới cưới, anh thường trêu tôi, bảo tôi trông giống cô bé không thuộc bài phải lên bục giảng. Sau này, mỗi lần cố thức đợi tôi, anh không còn nụ cười âu yếm chế giễu ấy nữa. Vẻ chịu đựng của tôi cuối cùng đã làm anh tự ái. Sau chuyện cái tượng của thằng Hân, anh rút về bên phòng vẽ, ngủ luôn bên đó. Sau đó, chúng tôi đã trở lại hòa thuận, nhưng anh cũng không quay về nữa. Tôi một mình, nước mắt nhiều đêm chảy ướt gối. Tôi không hiểu điều gì đã xảy ra. Tôi yêu chồng, một lòng tận tụy với chồng. Vậy mà mỗi lúc anh gần tôi, một nỗi ghê sợ tự thâm tâm làm tôi chùn lại, như con ốc thu mình vào vỏ cứng...
Hai vợ chồng riêng giữ hai phòng đã là chuyện bình thường trong suốt năm sáu năm. Thế rồi, một tối mùa đông, bỗng anh vào phòng tôi. Đã lâu tôi quen với những đêm thanh tịnh, nên thấy anh bước đến ghé nằm vào bên giường, tôi lùi lại, cảm giác như người ăn chay lâu ngày ngửi thấy mùi tanh thịt cá ở miệng chén. " Ba nằm đây thì để em ra phòng khách ngủ ". Nghe nói thế, anh níu tay tôi: " Đừng, đừng, ngồi lại với anh một chút ". Anh phều phào nói.
Lúc ấy tôi mới thấy bàn tay anh lạnh ngắt, và mặt anh đỏ tía, mắt lạc thần. Tôi kêu thét lên. Những dấu hiệu của một cơn đột qụy. Vậy là cuối cùng anh đã quay về với tôi, không phải để sống, mà để chết.
Đêm cuối cùng trước cửa phòng cấp cứu hồi sức, tôi đứng lặng, gió lạnh phả từng cơn vào mặt. Gió buốt thấu xương, chẳng biết từ đâu thổi lại ? Hình như cơn gió này đã theo tôi suốt một đời rồi. Bạn bè, bà con đến. Tôi bảo: " Anh khá rồi, không sao ". Con trai tôi ngạc nhiên: " Bác sĩ bảo ba con đã trụy mạch rồi. Mẹ không nhớ à ? ". Tôi trào nước mắt, úp mặt vào vai con: " Con đừng hỏi, mẹ xin con, để mẹ yên... Mẹ sợ lắm ! ".
Tôi sợ. Anh đã quay về với tôi. Điều đó đối với tôi có ý nghĩa lớn lắm. Tôi không muốn ai biết giờ chót của anh, sợ e có người nào sẽ đến... Linh cảm đàn bà mách bảo cho tôi những điều chẳng lành... Đúng như vậy, con trai tôi quay ra phía sau bệnh viện để lo thủ tục, quay ra bảo tôi: " Ai vừa vào thăm ba ? ". Tôi giật mình." Ai ? ". " Con thấy một người quàng khăn đen che gần hết mặt bước ra ". " Sao mẹ không thấy ? ". " Mẹ quên à, phòng này còn có cửa sau ".
Anh trở về nhà trong chiếc quan tài phủ kín hoa. Người ta lấy hết những bức tranh còn lại treo quanh chỗ anh nằm. Hân nhắc tôi: " Mẹ à, trong phòng vẽ của ba chắc còn vài bức nữa ". Tôi nhớ, nhưng căn phòng đã khóa. Nhiều người khuyên phá khóa ra. Tôi bảo: " Đừng ". Căn phòng đó là thế giới riêng của anh, tôi đã cách ly nó với toàn bộ ngôi nhà khi anh còn sống. Giờ đây anh vừa nhắm mắt, tôi sợ kinh động đến nó. Dường như tự thâm tâm, tôi sợ nó sẽ nhập vào ngôi nhà, sẽ giành lại anh, anh giờ đây đã quay về với thế giới của tôi...
Trong ba hôm, những vòng hoa ngập căn phòng lung linh ánh nến. Sao những bông hoa này cũng tươi như hoa cưới của tôi ngày xưa ?Anh đang nằm đây, sát bên tôi, im lìm và thanh khiết, không gây cho tôi cảm giác như khi ngửi chiếc chén của người ăn mặn. Qua tấm kính, khuôn mặt anh hướng về tôi, mắt nhắm, thanh thản lạ lùng...
Tôi đưa anh đi. Trầm nhang xông ngát cả khu vuờn trước khi đám giàn cai vào rước anh. Hình như chưa bao giờ tôi cảm thấy rõ ràng tôi là vợ anh bằng lúc này, cái cảm giác mà khi anh còn sống tôi đã không hề cảm thấy.
Ngoài bờ rào, một người đàn bà bồng một đứa trẻ đang hướng về phía tôi. Cô ta đang nhìn anh lần cuối, cũng như tôi, khuôn mặt dày nước mắt. Tôi run lên, vịn tay vào vai con trai, bước đi. Cùng lúc hai nỗi đau trùm lên tim tôi. Cô ta không quàng khăn che mặt nữa, khuôn mặt như phơi ra trước những đôi mắt nhìn soi mói. Đứa trẻ trong tay cô ta ngước đôi mắt thơ ngây nhìn ra chung quanh, chân tay nó khua khoắng không ngừng trong lòng mẹ. Một tiếng " choang " vang lên, người ta đã đập vỡ cái bình gốm thô. Tiếng đập ấy nhằm báo hiệu cho linh hồn biết chẳng còn gì để lưu luyến nữa, và báo hiệu cho tất cả những người sống biết từ đây cuộc đời đã chuyển sang một chặng khác rồi...
Ngoài bờ rào, người đàn bà và đứa bé vẫn đang nhìn về phía tôi. Tôi cảm thấy rất rõ nỗi tủi hổ của họ. Cô ta đã xin bịt khăn tang, nhưng con trai tôi từ chối. Cô ta không có vị trí nào trong gia tộc của chúng tôi. Tôi quay đi. Tôi đã ngậm đắng nuốt cay, nhẫn nhịn gần nửa cuộc đời chỉ để hôm nay đứng ở vị trí này, danh chính ngôn thuận đưa chồng đi lần chót.
Một năm sau, khi nhận được giấy tòa án mời đến, tôi mới biết Thảo đã đưa đơn xin truy nhận cha cho con mình. Thần kinh tôi vừa mới tạm dịu xuống chợt như đột ngột hoảng loạn. Bên tai tôi đột ngột nghe tiếng " xoảng " khủng khiếp, tiếng xoảng xua đuổi linh hồn, tiếng của chiếc bình vỡ tan.
Tôi chạy vào phòng mình, trùm chăn kín mặt, nghẹn ngào lẩm bẩm: Anh đã quay về rồi mà ? Anh đã quay về, ghé lưng nằm trên chiếc giường này, anh là của tôi. Điều đó đối với tôi có ý nghĩa lớn lắm... Con trai tôi đến ngồi bên tôi: " Mẹ nghĩ sao ". Tôi run run; " Con cứ bàn với luật sư, mẹ không có can đảm nhắc tới chuyện này nữa ".
Tôi không ra tòa. Tôi biết Thảo bồng con đến tòa nhiều lần, nhưng vẫn chưa toại nguyện... Luật pháp đòi hỏi phải xét nghiệm ADN, mà muốn con trai tôi chấp nhận thử ADN cùng với đứa bé thì phải có bằng chứng cụ thể thuyết phục được quan tòa... Nhưng sẽ không bao giờ có bằng chứng cụ thể... Chồng tôi không lưu lại một dấu tích gì nói lên ý nguyện của anh về đứa bé...
Năm này tiếp năm khác trôi qua. Trên bàn thờ anh, những cây thần tài trong lọ sứ đã vươn cao, xanh ngắt. Năm tháng làm lòng tôi dịu lại. Con trai tôi đã thi đậu kỳ thi công chức. Sáng sáng, tôi ủi sơ mi và cà vạt cho con đi làm, nóng lòng mong con sớm có người chăm sóc. Một đời nữa sẽ sống trong ngôi nhà này... Từ khi anh mất đi, các gallerie càng ráo riết tìm mua tranh của anh, dường như những bức tranh ấy là một gia tài mà anh đã để lại để chuộc những nỗi đau anh đã không tránh được cho chúng tôi khi còn sống...
" Con nghĩ là trong phòng vẽ vẫn còn một số tranh nữa " - con tôi nói.
Không còn cách gì hơn là phá ổ khóa, bởi chìa khóa đã mất tăm không ai tìm được. Cánh cửa rít lên mở ra nơi ẩn náu cuối cùng của anh, với những đồ đạc trong phòng: chiếc ghế đẩu mà anh ngồi vẽ, chiếc sofa đơn độc mà anh nằm năm xưa. Cả giá vẽ cũng phủ đầy bụi... chừng mười bức tranh còn nằm trên vách, trong những bức tranh ấy, những người đàn bà hiện ra với hoa trái và chim câu, với sông với suối... rất nhiều người nữ nhưng chỉ có một khuôn mặt.
Trên giá vẽ vẫn còn bức tranh cuối cùng. Cũng khuôn mặt người nữ ấy, trong trạng thái nguyên sơ, với thân thể mịn màng sáng chói giữa hai bên là mặt trăng, mặt trời tỏa rạng. Da thịt ấy được thể hiện như suối như đồi, từ đó mọc lên những cây xanh đầy hoa trái... Một thứ ánh sáng rực rỡ và huyền nhiệm phủ khắp trên bức tranh, khiến sự trần truồng không hề mang vẻ dung tục, mà chứa đầy sức cuốn hút từ cội nguồn sự sống.
Tôi khựng lại, từ từ ngồi xuống chiếc sofa. Tôi nhìn xuống tấm thân mảnh khảnh của mình, bỗng như thấy lại những tháng ngày rất xa, xa lắm, khi anh còn nhìn tôi bằng ánh mắt âu yếm chế riễu và bảo tôi là cô bé trả bài chưa thuộc...Trời cho tôi không ít hơn cho những người đàn bà khác, vậy mà tôi lại để hoang hóa cánh đồng của mình đến suốt một đời. Đâu phải lỗi tại tôi, mà tại một mặc cảm gì đó sâu thẳm lắm đã ở trong tôi từ thời thơ dại...
Hân đến ngồi bên tôi. Tôi mở mắt, bảo con:
- Những bức tranh này không phải của mình, rồi có ngày mẹ và con sẽ đem vào trong ấy cho cô Thảo.
Hân ngạc nhiên:
- Việc gì phải thế. Cô ấy chẳng có quyền gì cả !
Tôi nhẹ nhàng, xót xa:
- Nếu không có người đàn bà này, ba con có vẽ được không ?
Hân quay lại, phóng một ánh mắt ghê sợ lên bức tranh khỏa thân. Tôi chợt nhớ tới pho tượng đất năm nào nó nặn ra mà tôi đã đập tan. Có phải khi tôi còn thơ ấu cũng đã có ai gieo vào lòng tôi nỗi ghê sợ truyền kiếp đối với xác thịt con người ?
Mùa hè năm sau, thấy khỏe trong người, tôi vào Sài Gòn chơi, nhân dịp thăm Thảo.
Hai mẹ con Thảo sống trong căn phòng chung cư nhỏ trên tầng năm. Tôi đến rất sớm vào sáng chủ nhật, đứa trẻ còn ngủ. Một đứa con gái chừng lên sáu, có vầng trán cao với đôi lông mày thanh thoát. Trông đứa bé nằm, khuôn mặt ngăm ngăm, mái tóc quăn quăn, cái cằm và đôi môi ngang ngạnh, tôi bỗng nhớ đến cảm giác mỗi lần nhìn anh nằm ngủ - như sấm sét còn ngủ trong lòng đất.
Tôi ngồi bên Thảo. Hai chúng tôi đều muốn nói nhưng chẳng biết nói gì. Tất cả đã qua rồi... Không còn gì thay đổi được nữa. Không, có một điều: Tôi nói với Thảo, tôi đã khuyên con tôi đồng ý cho thử ADN.
Trái với điều tôi chờ đợi, Thảo nín lặng một giây, rồi bảo tôi:
- Cảm ơn chị. Ngày ấy em đã vội vã quấy rối cuộc sống của chị. Lẽ ra em phải để cho chị được yên, như ý nguyện của anh lúc còn sống...
Tôi cúi xuống, không muốn Thảo nhìn thấy đôi mắt đỏ. Nhưng Thảo không nhìn tôi:
- Lúc ấy em cứ vội vì sợ cháu sẽ đứt lìa với nguồn cội của mình... Nhưng bây giờ thì em nghĩ lại rồi, không cần phải thử ADN nữa !
Tôi giật mình. Điều gì đã xảy ra ? Thảo hiểu ý, bảo tôi:
- Vì cháu đã bắt đầu vẽ.
Cô kéo tấm màn che vội ở cuối giường, để tôi thấy những bức vẽ màu nước nhỏ ngổn ngang trên nền gạch cũ mòn vẹt. Những bức tranh với màu sắc rực rỡ và mạnh mẽ. Thảo đã tin ở điều gì, tin rằng những bức tranh này chứng minh với người đời rằng nhưng gien của anh đã truyền qua đứa bé ? Hay tin là rồi đứa bé lớn lên sẽ tự làm lấy cuộc đời mình, không cần ấn chứng ?
Tôi cúi nhìn khuôn mặt thơ ngây và hai bàn tay nhỏ mở ra trong giấc ngủ. Những vân hoa hiện rõ trên tay đứa bé, cũng như trên tay con tôi ngày xưa. Ngày xưa...
Tôi thở dài, đã bao nhiêu nước chảy qua cầu từ hai tiếng ngày xưa, ngày mà tôi còn có anh.
Cây Đàn Guitar Cũ
Bùi Phạm Thành
Từ ngày ra trường, Trung sống và làm việc ở Los Angeles, một thành phố đông đảo, ồn ào, và nhộn nhịp nhất của tiểu bang California, không thích hợp với tánh tình trầm lặng của Trung. Thế cho nên khi hãng có mở chi nhánh ở Quận Cam, miền nam của tiểu bang, thì Trung là người đầu tiên xin chuyển về nơi đó. Hầu hết nhân viên trong hãng không muốn bị chuyển đi nơi khác bởi vì họ đã có gia đình và cư ngụ lâu năm ở Los Angeles. Thế cho nên, đơn xin của Trung được hãng chấp thuận ngay lập tức, cho dù ông trưởng phòng không muốn mất đi một nhân viên giỏi giang và siêng năng như Trung.
Hãng cho Trung nghỉ phép một tuần để tìm nơi cư ngụ mới. Vì hãng đã chuẩn bị kỹ càng cho chi nhánh mới, nên đã liên lạc với một văn phòng địa ốc địa phương để giúp nhân viên di chuyển dễ dàng về trụ sở mới. Vì chi nhánh của hãng ở một khu vực kỹ nghệ mới phát triển, chung quanh đều là nhà và chung cư rất mới. Theo lời của nhân viên địa ốc thì khu vực này chưa tới năm tuổi, nên giá thuê hơi cao, bởi vậy Trung đồng ý với Jim, một anh bạn độc thân cùng sở và cùng "cảnh ngộ", để chia nhau ở trong một căn chung cư hai phòng khang trang, mỗi phòng đều có phòng tắm và phòng vệ sinh riêng biệt, ở từng thứ tư của một khu chung cư rất mới, có đầy đủ tiện nghi như phòng tập thể dục, hồ bơi, và cả một khu sinh hoạt chung có bán thức ăn nhẹ, nước giải khát cũng như cà phê và bia.
Một tháng trôi qua thật nhanh, Trung và Jim đã bắt đầu quen thuộc với văn phòng mới cũng như tiện nghi của nơi ở. Trung có máu văn nghệ, hồi còn đi học ở tận tiểu bang Minnesota vẫn nghêu ngao đàn hát với bạn bè. Sau khi ra trường, vì tìm được việc làm ở Los Angeles nên đã tặng hầu hết các vật dụng cũng như quần áo ấm vả cả cây đàn guitar cho những đứa bạn còn ở lại cái vùng băng giá đó. Thằng Jim thì chỉ mê chơi video game, thế cho nên Trung muốn tìm mua một cây đàn guitar để giải khuây.
Trung có ghé qua Guitar Center để thử một vài cây đàn guitar, thế nhưng cái nào "nghe được" thì giá lại "không được", thế cho nên cả mấy tuần vẫn chưa thể quyết định mua. Một hôm, tình cờ đọc thấy trên trang "rao vặt" của một tờ báo có đăng bán cây đàn guitar cũ, thuộc hãng chế tạo đàn danh tiếng của Mỹ, nhưng không cho biết giá bán là bao nhiêu. Không hiểu vì lý do gì, có thể là do sự tò mò, khiến Trung nảy ra ý định muốn xem và nếu có thể sẽ mua, dù là đàn cũ. Người trả lời điện thoại khi Trung gọi là tiếng của một người đàn ông, giọng có vẻ là người lớn tuổi, yếu ớt. Qua một vài câu chào hỏi xã giao, bỗng người đàn ông ở đầu dây bên kia hỏi:
- Anh là người Việt Nam hả?
Trong khoảnh khắc ngạc nhiên, Trung chỉ trả lời với một chữ "Dạ" cộc lốc.
Có tiếng cười nhẹ bên đầu dây:
- Tên anh là Trung thì chắc là người Việt Nam rồi. Tôi tên là Thạch.
Trung đã lấy lại được bình tĩnh:
- Dạ, chào ... bác Thạch. Bác đoán đúng rồi, cháu là Trung, người Việt Nam.
Sau đó thì cuộc đàm thoại trở nên vui vẻ, thân mật hơn. Cuối cùng thì Trung lấy giấy bút ghi địa chỉ của nhà ông Thạch, và hẹn chiều thứ Sáu, sau giờ làm việc, sẽ ghé qua để xem cây đàn. Ông Thạch cho biết vì có chút việc bận, nên muốn hẹn gặp Trung sau 9 giờ chiều.
Ngày giờ qua nhanh, chiều thứ Sáu, Trung theo sự chỉ dẫn của bản đồ đến gặp ông Thạch để xem cây đàn. Căn nhà của ông Thạch ở một góc khuất, cuối đường hơi thiếu ánh sáng vì có nhiều cây lớn, bên cạnh là một miếng đất trống nên có vẻ như riêng biệt. Thời đó chưa có Google Map, nếu không quyển bản đồ thì chưa chắc đã dễ tìm ra.
Vừa gõ được vài tiếng thì ông Thạch đã mở cửa, mời vào. Trong nhà có vẻ nghèo nàn, cũ kỹ, có lẽ vì tiết kiệm nên đèn chỉ vừa đủ sáng để chủ và khách nhận ra nhau. Ông Thạch lên tiếng:
- Tôi ở một mình nên bừa bộn và tối tăm, chắc cậu không phiền ...
Trung cười nhẹ, trấn an:
- Có sao đâu bác ...
Ông Thạch mời Trung ngồi ở chiếc ghế ở bàn ăn, rồi bước vào phía trong, mang ra một cây đàn guitar đưa cho Trung. Vừa cầm đàn trên tay, tim Trung bỗng dưng đập mạnh, có lẽ vừa nhìn thấy tên Martin Co. bằng khảm xà cừ ở chỗ lên dây đàn. Trung dùng ngón tay lướt qua sáu dây đàn thì âm thanh quả là trong trẻo, khi vỗ nhẹ vào thùng đàn và gảy nốt trầm thì âm thanh thật ấm áp tuyệt vời; cây đàn được lên dây đúng nốt, tim Trung dường như rung theo tiếng đàn và đập mạnh hơn. Trung buột miệng:
- Đàn đã được lên dây ... vậy là bác biết chơi đàn ... sao lại bán?
Ông Thạch mỉm cười:
- Không, tôi chả biết đàn địch gì cả ... một nốt nhạc cũng không.
Rồi ông giải thích:
- Cây đàn này của con gái tôi. Nó không còn ở với tôi nữa, nên chẳng lẽ để đó mà phủi bụi, nên muốn bán nó đi ...
Đột nhiên ông Thạch hỏi:
- Cậu có biết hát không?
Trung hơi ngạc nhiên, nhưng cũng thẳng thắn trả lời:
- Cháu cũng biết đàn hát đôi chút, nhưng mấy năm rồi không sờ đến cây đàn hoặc hát hò gì cả.
Ông Thạch gật đầu:
- Vậy bây giờ với cây đàn này đây, cậu hát thử một bài cho tôi nghe được không?
Trung đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, nhưng bỗng dưng cảm thấy hứng thú:
- Nếu thế thì cháu hát thử bài "Cây Đàn Bỏ Quên" cho bác nghe nhé ...
Có lẽ vì âm thanh ngọt ngào của cây đàn và nguồn cảm hứng bất chợt nên Trung đã say sưa đưa tiếng hát quyện vào với tiếng đàn nhịp nhàng, trầm bổng. Sau khi Trung ngưng hát thì ông Thạch có vẻ như rớm nước mắt, cảm động:
- Hay quá, cậu hát hay quá, ước gì ...
Ông Thạch bỏ lửng câu nói, và Trung thì cảm thấy như có một điều gì khác lạ, ấm áp, êm đềm phủ xuống chung quanh hai người.
Tay vẫn ôm chặt cây đàn vào lòng như sợ nó tuột mất, sau vài giây ngần ngừ, Trung nhìn thẳng vào mắt ông Thạch:
- Thưa bác theo như cháu biết thì cây đàn này là loại đắt tiền, bác nên đem ra tiệm đàn để người ta định giá cho, nếu không thì sẽ bị lừa đấy...
Ông Thạch đưa tay ngắt lời Trung:
- Cậu quả là thật thà. Tôi không biết đàn, nhưng tôi biết giá trị của cây đàn. Không ai lừa gạt được tôi đâu. À mà cậu có thích cây đàn này không?
Trung gật đầu:
- Dạ thích, thế nhưng có lẽ bác nên đem ra tiệm đàn để họ định giá cho đúng, vì xem chừng bác cũng cần có thêm một số tiền để đỡ vất vả đấy chứ ...
Ông Thạch cười ra tiếng:
- Hà ... hà ... người xưa có nói "Vật tìm chủ" quả là như thế này đây. Cây đàn này đã tìm ra chủ mới của nó rồi đấy. Vậy thì "vật đi theo chủ" là đúng chứ sao? Tôi tặng cây đàn này cho cậu đấy. Cậu có nhận không?
Sự việc xảy ra quá bất ngờ, khiến Trung nghẹn lời và tim đập liên hồi tưởng chừng như người ngoài có thể nghe được. Trung ấp úng:
- Nhưng ... nhưng mà ...
Ông Thạch ngắt lời:
- Cậu không phải nói thêm điều gì nữa cả. Cậu chỉ cần nói cho tôi biết là tôi tặng cậu cây đàn này thì cậu có nhận hay không mà thôi?
Trung lắp bắp, nói trong hơi thở và nhịp tim đập thình thịch:
- Dạ ... nhận ...
"Thế mới phải chứ!" ông Thạch lập đi lập lại hai ba lần, rồi ngước mặt và giơ hai tay lên như phân trần với trời đất, hay một kẻ vô hình nào đó "cây đàn tìm được chủ mới rồi đấy ... ha ... ha ... ha ... Tốt lắm ... tốt lắm ... Bằng lòng chưa? Bằng lòng chưa? ... ha ... ha ... ha ..."
Đột nhiên ông Thạch quay sang Trung:
- Hôm nay tôi vừa trải qua nhiều việc nên hơi mệt, cần đi ngủ sớm. Thôi cậu hãy mang cây đàn này về nhà đi, và đừng nghĩ ngợi, thắc mắc gì nhiều. Chúc cậu tìm được nguồn vui trong âm nhạc với cây đàn này.
Trung chỉ biết cảm ơn rối rít trong khi ôm chặt cây đàn vào lòng như sợ ông Thạch đổi ý. Và chỉ cảm thấy yên tâm khi đã về đến phòng.
Ngày hôm sau, Trung vào trang web của hãng sản xuất đàn Martin, rồi đánh số thứ tự của cây đàn để tìm hiểu thêm, và được biết là cây đàn này đã được làm cách đây hơn năm năm, vì được chế tạo bằng loại gỗ đặc biệt của Phi châu nên số lượng chỉ có hơn hai trăm cây đàn được bán ra thị trường, và trị giá thời bấy giờ là ba ngàn năm trăm đô-la.
Sau khi được biết về chi tiết của cây đàn, Trung lại càng cảm thấy áy náy với cảm giác không công bằng với ông Thạch. Sau nhiều ngày dằn vặt, thứ Bảy tuần sau, Trung quyết định lái xe đến nhà ông Thạch một lần nữa. Đến nơi, Trung hết sức ngạc nhiên vì thấy trước sân nhà có cắm bảng "For Sale". Trung ghi số điện thoại của nhân viên địa ốc rồi gọi và theo lời chỉ dẫn, Trung ghé đến văn phòng địa ốc gặp người đứng bán căn nhà, để tìm hiểu thêm về người chủ nhà, ông Thạch, người mà một tuần trước đây đã tặng Trung cây đàn guitar quý giá, nay lại bán nhà đi đâu, chẳng rõ.
Người nhân viên địa ốc giải thích với Trung:
- Theo luật của địa ốc, để tránh thưa kiện có thể xảy ra sau này. Chúng tôi, nhân viên bán nhà, phải tiết lộ cho người mua tất cả những gì liên hệ đến ngôi nhà đang được rao bán. Ngôi nhà này trước kia chỉ có hai cha con ở chung, và cả hai đều chết trong nhà. Cô con gái 18 tuổi, nghe nói là một nhạc sĩ, bị tai nạn xe cộ, bác sĩ tưởng không có gì nguy hiểm nên cho về nhà. Qua sáng hôm sau thì chết vì ra máu trong não. Người cha của cô ta, vì quá đau lòng, nên lên cơn đau tim và gục chết ngay cạnh cô con gái. Vì căn nhà vẫn còn nợ nhà băng nên phải rao bán để lấy lại vốn, thế nhưng đã hơn một năm vẫn chưa bán được, vì hàng xóm đồn rằng căn nhà đó có ma. Theo tôi thì chỉ là lời đồn đại vẩn vơ vì ngôi nhà bị bỏ hoang cả năm trời, trông có vẻ tối tăm, cũ kỹ, thuộc loại "fixer upper", thế nhưng rất tốt cho người mới mua căn nhà đầu tiên, vì vị trí của nó rất tốt, đất đai rộng rãi, có cả vườn sau, sân trước, và giá thì rất rẻ ... Ông có muốn tôi chở đến đó để xem bên trong nhà hay không?
Kiêu Hãnh
-Yang Phan-
Một lần ghé vào một tiệm cà phê, tôi gọi ly đen đá. Em gật đầu, rồi hỏi thêm:
- Chỗ em có thể yêu cầu nhạc, nếu anh muốn.
- Thế à? Em thấy nhạc gì giống anh hiện tại thì bật.
Em cười rồi lui vào quầy. Tôi phát hiện em pha cà phê bằng vợt. Và khi tôi vừa đốt thuốc lá, em bật “Em bỏ thuốc lá chưa?” của Bích Phương. Tôi bật cười.
- Sao em vẫn pha cà phê bằng vợt?
- Hồi nhỏ em thấy mẹ pha cà phê bằng vợt nên giờ em cũng muốn làm như vậy.
Tôi gật đầu, cảm thấy con người này khá thú vị.
_______
Mỗi lần mệt, tôi hay đến quán của em. List nhạc người chọn rất chất lượng. Đặc biệt, em có thể bàn luận với tôi nhiều chuyện. Chứng khoán. Tỉ số bóng đá. Thậm chí là làm sao để sạch mụn ở lưng.
- Em thích nghe chuyện người khác, nó thú vị.
Sau cùng, em hỏi:
- Em chưa biết anh làm gì?- Nhân viên bình thường thôi.
Em cười lớn. Lúm đồng tiền nơi gương mặt em khiến tim tôi xốn xang.
- Với cà vạt hiệu Hermès?
Lúc đó, tôi đỏ mặt. Tôi nhận ra, em giản dị, nhưng sự tinh quái của người không tầm thường chút nào.
Những lần sau, tôi rủ em đi trung tâm thương mại, người chọn cho tôi mấy bộ đẹp. Nhưng khi tôi muốn tặng em đồ đắt tiền, người lắc đầu:
- Đồ ở đây em mặc không đẹp.
- Hàng hiệu chỉ là xịn thôi. Còn đẹp thì tùy người! – Em cự lại.
Em dắt tôi đi hội chợ ở sân vận động. Cách người tỉ mẩn lựa từng bộ đồ giữa đám đông khiến tôi cười lớn. Nhưng khi em mặc lên, tôi thấy em xinh xắn đến lạ.
- Ừa, đẹp đấy!
Em nháy mắt, như đứa trẻ thắng một trò chơi thú vị.
_________
Tôi đưa em về nhà gặp mẹ mình. Trong căn phòng khách sang trọng, bà ngồi đó, tóc xõa dài, mặc váy lụa bóng. Ở tuổi 60, mẹ tôi vẫn giữ được vóc dáng, cả sự lạnh lẽo bao năm trong bà.
Khi thấy mẹ tôi, em cúi đầu chào. Bà nhìn người tôi yêu, ánh mắt lóe lên điều rất lạ. Tôi nhận ra, mẹ và em có dáng vẻ khá giống nhau.Chúng tôi nói chuyện khá thoải mái. Em kể về công việc của mình, cả việc vươn lên từ nghèo khó. Bỗng nhiên, mẹ tôi cười:
- Thú vị đấy. – Rồi bà quay sang tôi – Muốn chơi cờ vua không?
Tôi nhíu mày khó hiểu trước pha “lái lụa” của bà. Bỗng em lên tiếng:
- Cháu cũng biết chơi cờ vua.
Tôi lẫn mẹ mình đều ngạc nhiên. Bà tặc lưỡi:
- OK, chơi đi!
Ván cờ khá thú vị khi em thể hiện sự thông minh với nước đi khó đoán. Mẹ tôi lên tiếng tiếp:
- Cháu có nghe câu mây tầng nào theo tầng đó không? Con trai cô giàu.
Câu nói đó khiến tôi và em tái mặt. Tay em run run. Cuộc chơi tiếp tục trong im lặng. 10 phút sau, em nói:
- Con không giàu, nhưng đủ thông minh như con trai cô.
- Quan trọng là phải nhiều tiền.– Mẹ tôi đáp trả.
- Mình làm ra tiền, chứ tiền không làm ra mình.
Em chốt hạ, và ăn quân Hậu của mẹ tôi.
_______
Tôi tức giận trước thái độ của mẹ mình. Đó là lần đầu tiên bà phản ứng như vậy.
- Từ khi nào mẹ trở nên đay nghiến như vậy?
Mẹ tôi đáp lại:
- Đứa đó hay đấy, mẹ thích nó.
Khi ấy, tôi ngẩn người chốc lát:
- Là sao mẹ?
- Hồi đó mẹ cũng bị khinh vì nghèo. Mẹ đã cố chứng minh với mẹ chồng rằng mình rất giỏi giang. Nhưng… - Mẹ tôi thở dài - … bà ấy chưa bao giờ chấp thuận.
“Nên mẹ thích người yêu của con.” Bà nói tiếp. “Thời này, chẳng còn nhiều kẻ nhìn thấy giàu sang mà không luồn cúi.”
Tôi nhìn bà thật lâu, để rồi, tôi nhìn thấy sự kiêu hãnh của bà như cách tôi phát hiện điều đó trong em. Liệu khi xưa, có bao người nhìn thấy sự ngạo nghễ trong đôi mắt ấy.
-Yang Phan-
Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16