VietBest

Full Version: Im Lặng Còn Vang
You're currently viewing a stripped down version of our content. View the full version with proper formatting.
Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16
(2022-05-26, 11:23 AM)Ech Wrote: [ -> ]“Tĩnh động đều từ nơi ấy. Cho nên, nếu cô đã có gan ăn mặc hở hang thiếu thốn vải vóc để vào cửa thiền, thì hãy phát huy thêm bản lĩnh mà trút bỏ hết xiêm y giả tạm ra khỏi tấm thân giả tạm ngay nơi đây đi!

Cô gái trơ mắt, ngơ ngác. Sư quát:

“Trút bỏ hết đi!”

Chiêu này hiệu quả với cô này nhưng gặp 1 cô khác chịu chơi có thể sẽ lập tức trút hết tuốt tuồn tuột ngay tại chỗ.  Face-with-stuck-out-tongue-and-winking-eye_1f61c
(2022-05-27, 08:42 PM)TNNA Wrote: [ -> ]Chiêu này hiệu quả với cô này nhưng gặp 1 cô khác chịu chơi có thể sẽ lập tức trút hết tuốt tuồn tuột ngay tại chỗ.  Face-with-stuck-out-tongue-and-winking-eye_1f61c

Vậy thì Sư Ông đi ra thôi Shy
THÁNG TƯ, NHỚ MÌ GÓI…
VŨ THẾ THÀNH

Tháng tư và mì gói nào có liên quan gì với nhau. Tháng tư năm 75 chỉ là cột mốc, thoắt chốc mì gói đã trở thành sơn hào hải vị trong các bữa ăn của người dân Sài Gòn.

Những năm sau 75, con đường vương bá của mì gói bất ngờ nổi lên. Miền Tây là vựa lúa mà Sài Gòn thiếu gạo mới đau, dù chiến tranh đã trôi qua vài năm rồi. Mỗi tháng tiêu chuẩn gạo của kỹ sư như tôi được 13 kg. Gạo thiếu, thay một phần gạo bằng mì gói. Một kg gạo quy thành sáu gói mì, và chỉ một kg gạo được quy đổi thành mì gói thôi, còn lại là những lương thực độn khác như bo bo, bột mì, khoai sắn. Rồi đến lúc bao bì gói mì cũng không đủ, cho mì vụn vào túi nylon đóng bao nửa kg.

Mì vụn hay không, không thành vấn đề, vì trước sau mì cũng được bóp vụn để nấu canh. Tô canh bành ky, mì vụn lõng bõng. Gói bột nêm đi kèm trở nên thần thánh. Có ai ngờ nổi?

Rồì mì gói bị đổi tên thành “mì ăn liền”. Ai đầu têu đổi tên mì gói? – Tôi không biết, nhưng chữ “mì ăn liền” nhanh chóng trở thành tiếng lóng mang nghĩa “chụp giựt” trong một xã hội… “mì ăn liền”. Bây giờ tiếng lóng này vẫn còn thông dụng.

Tôi không nhớ mì gói có mặt ở miền Nam từ hồi nào, có lẽ cuối thập niên 60 hay đầu 70. Hồi đó thức khuya học thi, làm một tô mì gói thì cái đầu trở nên sáng suốt lạ thường.

Hình như chỉ có hai hãng sản xuất mì gói, mì Vị Hương Tố nổi trội hơn so với mì Colusa. Nổi trội hơn chỉ vì dễ mua, đến tiệm chạp phô gần nhà, có thứ nào mua thứ đó. Cũng đôi lần tôi nếm thử mì gói Đại Hàn, vị lạ và cay, nhưng tôi vẫn thích mì gói Hai Tôm hơn.

Thiệt tình, tôi cũng chẳng bao giờ đặt câu hỏi trong đầu về mức dinh dưỡng của mì gói. Đơn giản, đó là món ăn vặt. Nấu mì gói nhanh lẹ hơn hơn chiên cơm. Đêm hôm học thi, thời gian đâu mà bày vẽ nấu nướng, hơn nữa mùi vị của tô mì gói cũng đậm đà, dễ chịu, và dễ…nuốt.

Rồi đến thời khó khăn, cái thời mà có nhà khoa học hùng biện trên báo, rau muống bổ hơn thịt bò. Mẹ tôi không tin – Bà già bán xôi mù chữ không tin nhà khoa học. Còn tôi, như bao người trong nước thưở đó, ăn để tồn tại thì mì gói, bo bo , khoai sắn gì cũng như nhau, để ý làm chi đến chuyện dinh dưỡng. Mà chẳng phải mì gói đang được tôn vinh thành món canh vương bá đấy sao?

Ít ai biết mì gói còn là món mồi đưa cay rất… tới. Mì gói đưa cay làm tôi nhớ đến chuyện liều lĩnh, bạt mạng một thời.

Hồi đó tôi đang làm ở một Trung tâm nghiên cứu, thỉnh thoảng xuống phòng thằng bạn, cùng trường nhưng khác khoa, nói chuyện đời. Thằng này giỏi tử vi, nó gần như thuộc lòng quyển “Tử vi đẩu số” của Nguyễn Phát Lộc, còn tôi chỉ mới biết xem chập chững. Tôi không tin chuyện bói toán, bây giờ vẫn không tin, nhưng thời buổi khi đó nhiều nỗi hoang mang, bế tắc, nên cũng tập tành coi tử vi chơi, để xem đời mình lắm rệp cỡ nào.

Có hôm hai thằng luận tử vi, từ 3 giờ đến 6 -7 giờ chiều vẫn chưa mãn cuộc. Nó “phán” (tôi nhớ đại khái), số mày, Mệnh, tử phủ vũ tướng – Quan, hóa khoa, xương khúc hồng đào đủ cả. Nhưng tất cả đều ngộ Không- Kiếp, Hóa kỵ. Số mày, làm vua thì đi tu, làm quan thì đi tù… Tôi bật cười ha hả – nói, Điều tao muốn biết là, tao có số đi nước ngoài hay không thôi. Dẹp cung Mệnh- Thân- Quan lộc gì đó qua một bên, luận cung Thiên Di cho kỹ. Đi không được thì ở đây Thân-Mệnh cũng chẳng nghĩa lý gì.

Câu chuyện tới hồi gay cấn, thằng bạn chợt hỏi, Có chút gì để mềm môi không? Tôi lắc đầu, cuối tháng, túi thằng nào cũng rỗng. “Thầy” lại gật gù, Liệu có thể lên phòng lab pha chế ra thứ gì đó nhâm nhi không? Thằng bạn gốc nhà trâm anh thế phiệt, nên lúc nào cũng nói năng thủng thỉnh. Tôi ngẫm nghĩ, phòng lab dĩ nhiên có đủ thứ hóa chất tinh khiết, có thể “sáng tạo” được. Tôi trả lời, Đợi đấy!

Tôi vào phòng thí nghiệm, lấy chai ethanol 96 độ, tự nhủ, tinh khiết tới cỡ này chắc không đến nỗi…. Rót ethanol vào bình erlenmeyer (loại bình có thể lắc để trộn dung dịch), pha loãng với nước cất để còn 30 độ. Chưa hết, cho thêm chút đường dextrose (tương tự như đường glucose) để có chút đậm đà, rồi vài lát chanh nữa.

Tôi mang rượu xuống, cùng với một dĩa mì gói bóp vụn, vắt vài giọt chanh. Thiệt bất ngờ, bắt mồi không thể tả. Từ rượu tới mồi, tất cả đều tinh khiết để luận tử vi với cung Thiên Di thần thánh.

Trẻ người non dạ, tôi đã không ý thức được rằng, cồn trong phòng thí nghiệm, dù tinh khiết 96 độ, cũng chỉ là cồn công nghiệp, không phải cồn thực phẩm. Vậy mà mà hai thằng cũng chia nhau cạn hết nửa lít, không bị ngộ độc methanol thì đúng là trời độ. Ngẫm lại, chẳng có cái dại nào giống dại nào.

Mì gói thời gian khổ trở thành sơn hào hải vị. Bữa cơm trong nhà có khi chỉ là tô canh mì gói, một trái hột vịt luộc dầm nước mắm loãng, pha chút gia vị mì gói. Vậy mà chỉ chan canh, còn hột vịt thì “tế nhị” nhường nhau, ưu tiên người già con nít.

Chừng 20 năm sau này, mì gói “nâng cấp” trở thành món ăn thường xuyên của sinh viên, lao động nghèo, và tiện lợi làm hàng cứu trợ. Mới đây tôi còn chứng kiến một em sinh viên ăn một lúc hai gói mì. Khỏi cần chất đạm chi cho đỏ da thắm thịt, chỉ cần chất bột chất béo, ăn mì gói như thế thì no lâu, phải thế không em, những tiềm năng của đất nước? Hai trăm gói mì trị giá bằng một tô phở bò Kobe.

Năm ngoái, Sài Gòn mắc đại dịch thê thảm, cả 3-4 tháng bị phong tỏa tuyệt đối, nhà nào biết nhà nấy. Rau quả thịt cá không mua được, mì gói trở thành món ăn cầm cự để tồn tại của dân Sài Gòn. Nhiều nhân viên y tế cũng ăn mì gói để dằn bụng cho qua ca trực đêm. Vậy mà lại bùng lên vụ mì gói có chứa chất gây ung thư ethylen oxide (EO). Hầu hết các nước trên thế giới kể cả Mỹ, Nhật, Canada… đều cho phép xài chất EO, chỉ có EU là cấm. Khác biệt quan điểm về an toàn thực phẩm giữa các quốc gia là chuyện thường. Nhưng vài KOLs, không chút kiến thức về an toàn thực phẩm, hay về luật chơi xuất khẩu đã nhảy lên facebook hùng hồn khuyến cáo…

Sáng nay tôi vào tiệm phở. Bàn bên cạnh là đôi vợ chồng trẻ và đứa con chừng 6-7 tuổi. Cả cha lẫn mẹ đều thay phiên nhau, vừa dụ ngọt, vừa đút phở cho con. Còn thằng nhỏ vừa hờ hững há miệng, vừa nhìn vào smart phone chơi game.

Tôi bỗng nhớ tuổi thơ của mình, phải giả vờ ốm mới được mẹ cho ăn phở. Tôi nhớ tô canh mì gói bóp vụn, nhớ quả trứng luộc chia năm xẻ bẩy, nhớ cả những năm tháng gian khổ mà sao đâu đó vẫn còn chút tình người thật mặn.

Mì gói ăn vặt, mì gói lên hương, mì gói cứu trợ, rồi mì gói tai bay vạ gió với đủ thứ chuyện buồn vui của đời người. Mì gói của một thời như thế đó, làm sao quên được!
Ông tác giả này lộn bột ngọt Vị hương tố với mì gói Vị hương. May mắn cho ông là cả hai hiệu của cùng một chủ người Việt gốc Hoa. Winking-face4
BÃO
Ngô Thị Ý Nhi


Tôi sinh ra ngoài vòng lễ giáo. Mẹ tôi, một người đàn bà góa đang xuân không giữ được tiết hạnh đã lầm lỡ sinh tôi. Cha tôi, một người đàn ông đã yên ổn gia đình cũng không thuộc giòng họ Sở đã bắn tiếng xin đến nhận con. Ngoại tôi nghiến răng trả lời: “Thà con gái tui mang tiếng chửa hoang chớ tui không hề dạy con tui đi phá hoại gia cang người khác”. Tôi trở thành đứa con không cha. Mẹ ôm chặt tôi vào lòng. Mẹ đặt tên tôi là Bão, chữ bão dấu ngã. Đó là một ngày tháng năm, nắng nung trời nẻ đất.

Tôi lớn lên trong gian nhà cổ ba gian hai chái. Căn nhà rường đã cũ kỹ với tháng năm mà ngoại và mẹ thay nhau đắp chỗ này, vá chỗ kia. Lần tu bổ cuối cùng là chống đỡ cái chái đầu nam và trổ thêm cho nó một cửa sổ ngó ra vườn. Trước kia, đây là căn “buồng gói” tối tăm mục nát mà mẹ đã giao cho tôi bảo rằng tôi đã lớn.

Mặc dầu đi vào đi ra vẫn có mẹ trong nhà nhưng tôi phải rời bỏ vòng tay âu yếm yêu thương của mẹ rất sớm. Những bức tường, những cánh cửa bàn khoa như bao nhiêu cặp mắt phán xét đè xuống mẹ con tôi. Thế là tôi trốn ra vườn, khu vườn thênh thang cây trái. Một lần, chừng như tôi lên bốn mẹ đi chợ về mua cho tôi một quả bóng nhựa. Quả bóng đỏ làm tôi thích mê man. Tôi mang quả bóng ra vườn chạy nhảy. Trong một cú xoay người, cả tôi, cả bóng lao vào vòng tay mẹ. Hai mẹ con cười khanh khách. Vòng tay mẹ xiết lấy người tôi, đôi môi mẹ mơn man trên vầng trán thơ dại của tôi. Bàn tay bé xíu của tôi níu cổ mẹ. Nhưng vừa khi đó mẹ bỗng sững người lại. Tôi ngơ ngác nhìn lên. Ngoại đó. Ngoại đứng nơi bậc cửa nhìn, thở hắt ra một tiếng: “báu lắm đó”, rồi bà quay ngoắt vào trong. Tôi còn bé dại lắm nhưng lờ mờ nhận ra là mẹ con tôi đã làm một điều gì không phải phép. Tôi đứng im cúi đầu. Một con kiến bò nghênh ngang trên mu bàn chân tôi, cắn một miếng đau nhói rồi thản nhiên bò xuống. Tôi đưa tay xoa chỗ đau ngước mắt nhìn mẹ. Mẹ đang khóc. Mùa này cây khế đang hoa, thả những nụ li ti xuống mặt nước. Cái vại cao ngang cổ tôi. Tôi nhìn vào. Vại nước đầy loăng quăng.

Từ đó tôi hiểu rằng tôi không được như anh Khiêm, dù anh lớn hơn tôi sáu tuổi. Tôi không được lẫy hờn để mẹ dỗ dành, không được vòi quà khi mẹ về chợ. Mà với tôi mẹ cũng rất kiệm lời khen mỗi khi xem bài vở. Tình thương của mẹ dành cho tôi cứ lặn hết vào trong. Có khi là một gói kẹo giấu dưới đáy giỏ, là mấy cuốn truyện tranh tìm được đâu đó, là khẩu súng nhựa bắn nước để tôi chơi một mình với mấy bụi cây. Những món qùa giấm dúi đó lâu lâu cũng bị ngoại và anh Khiêm bắt gặp. Ngoại quay đi không nói gì nhưng anh Khiêm thì ghen tức ra mặt. Trẻ con, những phần chia giấu diếm ắt phần đó phải nhiều hơn. Mà anh ghen tức với tôi làm gì khi anh là niềm hãnh diện của mẹ, là đại diện cho phần đời đẹp đẽ mà mẹ đã sống. Bên cạnh mẹ anh tung tăng tíu tít hồn nhiên ngửng cao đầu. Còn tôi… tôi còn nhớ một năm tôi và anh Khiêm theo mẹ đi kỵ cố. Trong khi tôi thơ thẩn góc sân nhặt nắp chai bia chơi môt mình thì có một bà già, già như ngoại đến nâng cằm tôi lên. Đôi mắt hấp háy nhìn thẳng vào mắt tôi, bàn tay nhăn nheo sờ soạng lên môi, lên mũi rồi vân vê vành tai tôi săm soi từng chút một. Tôi rùng mình. Mẹ đứng đó tự bao giờ. Mẹ nhỏ giọng bảo tôi:
– Con thưa mụ đi.
Tôi lí nhí lặp lại:
– Thưa mụ.
Bà buông tôi ra quay về phía mẹ:
– Thằng “lỡ” đây phải không?
Mẹ cúi đầu:
– Dạ.
Tiếng “dạ” khó khăn như bị chặn ngang cổ. Đôi mắt đỏ hoe, mẹ quay đi len lén chùi nước mắt.
Từ đó mỗi lần có dịp kỵ giỗ, cưới xin, thấy tôi xớ rớ bên mẹ là anh Khiêm quát:
– Mày thì ở nhà. Mày chỉ làm cho mẹ khóc.
Tôi ở nhà. Tôi cũng chẳng ham gì đến đó. Mẹ để sẵn cho tôi một tô cơm và niêu cá bống thệ kho tiêu. Những con cá mẹ kho đậm màu săn lại, cong vòng lên mặn mà, vừa bùi vừa ngọt. Kỵ cố vào tháng chạp trời mưa lạnh. Tôi nhìn bụi chuối xơ xác sau hè vừa bưng tô cơm nguội ăn một mình. Tiếng mưa rả rích, tiếng gió lùa qua cửa bàn khoa. Quen rồi, buồn nhưng không khóc.

Ngày cuối đời của mẹ cũng vậy. Lời cuối cùng dành cho tôi chỉ vỏn vẹn một câu: “Cha con đó”. Tôi nhìn người đàn ông trước mặt, nghe âm vang câu nói như bật ra từ những ray rứt dồn nén suốt những tháng năm bão tố. Ngoại đã cho phép gọi ông về vì thương thân tôi côi cút. “Đã mất mẹ thì còn có cha mà dựa.” Ông đứng một lúc nhìn những giọt nước mắt trào ra từ khóe mắt nhắm nghiền của mẹ rồi kéo tôi ra ngoài. Thế cũng xong. Mẹ đã mãn nguyện lắm rồi. Dù sao cũng nói được cái điều ai cũng biết, điều mà ngay lúc mới hoài thai tôi người ta đã đồn dậy Huế.

Để tránh búa rìu dư luận cha tôi đã tìm cách đưa cả gia đình vào Đà Nẵng làm ăn. Tôi lớn lên trong lòng thành phố, những ánh mắt phán xét, những ánh mắt thương hại đuổi theo tôi suốt quãng đời thơ ấu. Mẹ mất năm tôi học lớp mười hai, đủ khôn lớn để nuốt vào lòng những giọt nước mắt. Có cha và mất mẹ, cán cân chênh vênh quá. Cái được bù chi nổi cái mất. Đưa mẹ đi rồi tôi ngồi thờ thẩn nhìn mưa chảy thành dòng trước mái hiên.

Mùa này mưa bão. Gió quật tơi bời hàng chuối xác xơ. Sao mẹ không dặn dò tôi một điều gì đó? Tôi gục đầu vào đôi bàn tay… Biết mình không qua khỏi, mẹ lần lượt gọi từng đứa con vào phòng. Mẹ dặn dò gì chỉ riêng người đó biết. Mỗi người nắm lấy bí mật của riêng mình, nắm lấy lời ký thác của mẹ. Cả anh Khiêm, cả Lụa, mỗi người ở lại phòng mẹ lâu lắm để nghe mẹ nói. Khi bước ra, mắt anh Khiêm hoe đỏ, còn Lụa thì ôm mặt chạy ra sau vườn nức nở. Phần tôi, mẹ chỉ nói một câu, chưa đầy một phút. Điều mẹ nói hiển nhiên ai cũng biết. Mẹ không có gì gởi gắm cho tôi sao?

Ngay cả với Lụa, đứa con gái đâu phải do mẹ rứt ruột đẻ ra…

Tôi còn nhớ ngày Lụa bước vào nhà tôi. Một con bé đen đủi nhếch nhác, gầy khẳng gầy khiu như con chuồn chuồn kim ngơ ngác. Mẹ nó là bạn hàng của mẹ, buôn bán thua lỗ mất sạch vốn. Tiền hàng họ không trả được mà nhà lại đông con bèn đem gán cho mẹ tôi như một hình thức trừ nợ. Mẹ chép miệng: “Thôi, nuôi làm phúc”.Trái với thân xác còm cõi của nó, con bé có sức chịu đựng bền bỉ đến không ngờ. Nó ý thức ngay thân phận của nó trong ngôi nhà này. Sáng sớm, mới thức dậy đã nghe tiếng chổi của nó quét lạt sạt trước ngõ, sau vườn. Bếp lửa cháy đỏ với cơm canh nóng sốt. Mà Lụa chỉ mới bằng tuổi tôi. Vậy mà nó gọi tôi bằng anh ngọt xớt dù chỉ nhỏ hơn tôi ba tháng tuổi. Thấy nó ngồi thu lu trong góc bếp mờ mịt khói và tro, ôm khư khư cuốn tập, mẹ bảo: “Thôi thì cố học cho hết cấp hai rồi phụ với bác mua bán.” Năm đó tôi lên cấp ba, vào Quốc học, Lụa có tên trong danh sách được tuyển vào Hai Bà Trưng. Học cho biết sức mình thế thôi chứ Lụa biết phận mình lắm. Đôi mắt thật buồn, Lụa xếp hết sách vở thành một chồng, lấy dây buộc lại. Bàn tay Lụa vuốt mãi chiếc áo học sinh gấp lại, cho vào ngăn kéo. Bắt gặp cái nhìn của tôi, Lụa ngập ngừng một chút, đổi giọng vui vẻ:
– Thôi, học chừng đó cũng đủ rồi. Em sẽ theo bác tập tành mua bán. Em sẽ giỏi như bác.

Tôi nhìn Lụa cười chợt nhận ra rằng em đã lớn. Mà em lớn thật. Lớn trong cái dáng gầy guộc, trong bước đi tất tả, trong chiếc nón lá dãi dầu. Tôi thấy trong em, hiện thân cả cuộc đời đầy chịu đựng lo toan của mẹ. Từ ngày có em công việc bán mua của mẹ nhẹ nhàng hẳn. Nắng tháng tư, tháng năm Lụa đổ đậu xanh đầy sân phơi phóng. Em bảo phải phơi năm sáu nắng thì khi cất đậu mới không bị mọt. Mẹ buôn hàng nằm, có một cửa hàng nhỏ gần chợ An Cựu. Cửa hàng này ngoại trao lại cho mẹ tập tành từ hồi còn con gái. Mẹ cất đậu xanh, bột ngọt, dầu ăn… bán lại cho các bạn hàng trong chợ. Sau này, phía trước mẹ còn bày thêm một ít hàng bán lẻ: giấy tiền vàng bạc, nhang nến, mấy lọ thủy tinh đựng các mẫu trầm, mấy ngọn đèn dầu nho nhỏ mà người ta thường thắp trong các am miếu. Bước vào gian hàng của mẹ lúc nào cũng phảng phất một mùi hương sám hối.

Cuộc đời của mẹ quanh đi quẩn lại là bốn bức tường. Vậy mà lòng mẹ… Chẳng biết mẹ nghĩ gì, mùa tựu trường năm đó khi mua sắm cho anh em tôi, mẹ lôi ra một xấp vải trắng đưa cho Lụa bảo: “Con may gấp áo cho kịp mà nhập học với người ta.” Lụa sững người, tròn xoe mắt không tin vào những gì mình nghe thấy. Em ôm xấp vải vào lòng nước mắt trào ra. Từ đó, em như một đứa con của mẹ. Một cô con gái chịu thương chịu khó tận tụy trong mọi công việc của gia đình, cô con gái nết na, hiếu hạnh mà những phút cuối đời mẹ đã gom hết sức tàn gọi riêng vào phòng ký thác. Là một thằng con trai tôi không ganh tị với em nhưng tôi lặng thầm nuốt những giòng nước mắt.

Tôi nhận được điện thoại của Lụa vào buổi tối, khi đang ngồi một mình ở bàn làm việc. Tôi cầm ống nghe với một chút ngạc nhiên:
– Lụa đấy hở em?
– Dạ…
Tiếng dạ nhỏ và ngập ngừng làm tôi hỏi dồn:
– Có chuyện gì không em?
– Dạ… sắp đến ngày giỗ mẹ.
– Anh biết, anh nhớ ngày mà.
Im lặng. Tôi nghe đầu dây bên kia hình như là tiếng khóc. Tiếng khóc được nén lại, nghẹn ngào. Chuyện gì vậy? Mẹ mất hơn mười năm rồi. Đây đâu phải là lần giỗ đầu tiên.
– Năm nay… anh về?
– Ừ, anh Khiêm gọi điện bảo anh thu xếp công việc về giỗ mẹ và giải quyết một số việc nhà.
– Vừa rồi… bão lớn lắm.
– Anh có nghe anh Khiêm nói. Nhà mình bị tốc mái phải không? Anh Khiêm đã cho người sửa lại.
– Dạ… Anh…
Tôi chờ đợi và sực nhớ ra:
– Phía gia đình em thế nào? Cả nhà thường không?
– Dạ… thường. Anh… Cây bưởi bị chặt rồi anh.

Câu nói hấp tấp của Lụa chưa kịp làm tôi ngạc nhiên thì phía bên kia đã cúp máy. Tôi đặt ống nghe xuống ngơ ngẩn. Không biết nghĩ gì tự nhiên tôi bước đến mở ngăn kéo, cái ngăn kéo đựng các thứ linh tinh mà tôi không nở vứt bỏ. Tôi rút một lá thư của Lụa. Một bông hoa khô nhẹ bỗng rơi xuống tay, rã ra từng mảnh. Hoa bưởi… Trong số cây trái vườn tôi có cây bưởi. Cũng chẳng có gì đặc sắc vì quả chua mà ít khi đậu quả đến già. Chỉ có mùa hoa, tràn trề, sung mãn. Lụa hái từng chùm, bỏ vào trong túi áo rồi le te theo mẹ xuống chợ. Mùi hương quanh quẩn theo em suốt ngày. Lớn lên một chút, đến tuổi làm dáng hình như em có cách giữ mùi hương quanh mình mà không cần mang hoa theo. Dĩ nhiên những chùm hoa cao cao đó em phải nhờ tôi hái. Nhưng tôi chỉ giúp vài lần thôi. Sau đó Lụa phải đổi. Tôi “mua” những ly nước đậu ván rang pha đường vừa thơm vừa ngọt của em bằng những chùm hoa bưởi trắng tinh khôi để trong chiếc rỗ tre nho nhỏ. Đi học về, uống chén nước em pha ngọt đến ruột đến gan. Tôi đi xa lâu rồi, cả chục năm trời rồi phải không Lụa? Thế mà em không quên, năm nào cũng gởi cho tôi một bông hoa khô bé xíu, gửi kèm theo thư. Mỗi năm chỉ một lá thôi, khi thì nhân dịp giỗ bà, khi thì giỗ mẹ nếu tôi không thu xếp được để về. Những bức thư… Trong ngăn kéo linh tinh này nếu lục lại tôi sẽ tìm đủ mười hai lá thư không thiếu lá nào cả. Tôi không có ý giữ gìn nhưng có một cái gì đó níu tay tôi lại không để tôi vứt đi cùng bao giấy tờ vô nghĩa khác. Tôi bâng khuâng thả lá thư vào ngăn kéo như đưa tay khép một khoảng trời riêng đầy xao xuyến. Và giờ đây, những mẫu hoa khô đang nằm trong tay tôi run rẩy. Tôi không bóp nát bông hoa nhưng có cảm giác một cái gì đó đang đau đớn vụn vỡ giữa tay mình.

Thời tiết xấu quá, chuyến bay phải hoãn tới, hoãn lui. Đến khi đáp xuống Phú Bài thì đã mười giờ tối. Anh Khiêm mở cửa cho tôi trong tiếng mưa rả rích. Đêm đó, tôi ngủ trên chiếc giường cũ của mình nghe căn nhà sao trống trãi quá. Mẹ mất, ngoại cũng không còn, Lụa thì đã về quê. Nhà chỉ còn o Đậu với anh Khiêm. Căn nhà này lâu lâu lại thiếu đi một người như thế.
Tôi xa nhà từ khi vào năm học đại học. Đó là con đường tốt đẹp, bình yên nhất mà mẹ thu xếp cho tôi vào phút cuối đời. Cha tôi thực hiện ngay bổn phận bao năm rồi mình thiếu sót. Chu cấp tiền ăn học cho tôi trong bốn năm đại học. Nhờ đó, cuộc sống của tôi sau này cũng nguôi sóng gió.

Mẹ trả Lụa về với gia đình nhưng thay vì cấp cho em một khoản tiền làm vốn thì mẹ giao cho anh Khiêm quản lý và cứ tháng tháng Lụa lên anh Khiêm nhận tiền ăn học. Tốt nghiệp Sư phạm, em trở về xin một chân bán sách. Thấy tôi ngạc nhiên, em buồn buồn: “Em nhận được phân công đi xa lắm. Em cũng muốn đi nhưng anh Khiêm không bằng lòng.” Anh Khiêm không bằng lòng. Rồi sao nữa? Mười năm rồi em làm một cô bán sách lầm lũi đi về. Mười năm rồi em mài mòn em bằng những bước đi luẩn quẩn bên bờ sông Hương quạnh quẽ. Rằm, mồng một, sợi dây vô hình nào đã buộc em đều đặn trở về thắp lên bàn thờ một nén nhang thơm. Bàn thờ có bà, có mẹ.
Dạo đám tang bà, tôi còn là một sinh viên nghèo, nhếch nhác phải nhảy tàu về quê nhưng không kịp.
Lụa khóc: ”Bà đi rồi. Em với anh Khiêm ngồi cạnh mà mắt bà cứ ngóng mãi ra cửa. Chắc bà chờ anh.”
Góa chồng năm mười tám tuổi, bà ở một mình nuôi dạy con. Suốt một đời vào ra khuôn phép, tảo tần gánh vác, giữ gìn nề nếp gia phong. Thế rồi tôi cất tiếng khóc chào đời. Tất cả tan tành trong phút chốc. Tiếng khóc cứa vào tim như một niềm tủi nhục. Ngoại còng lưng cúi đầu gánh tiếng thị phi. Tôi hớt hãi nhảy tàu về chịu tang bà mà trong thẳm sâu vẫn nghe âm vang tiếng bà gọi, vẫn tin bà chờ tôi đến phút cuối đời. Tôi đứng trong vườn ngơ ngác. Khu vườn dậy lên mùi thơm ổi chín. Chợt nhớ một lần bà tìm được trong vườn một quả ổi lớn lắm, quả ổi bị chim ăn một góc. Bà liếc nhanh vào nhà. Anh Khiêm đang học bài ở đó, còn tôi, chơi lúc thúc bên mấy bụi nhài. Bà nâng quả chín trên tay, ngắm nghía một lúc rồi gọi:
– Nì, Bão.
Tôi ngước lên, đứng yên, lo lắng. Nhưng bà đã đến bên chìa quả ổi cho tôi. Quả ổi chín vàng ươm. Con chim nào mổ vào lòng quả chín để lộ ra lòng quả đỏ như son. Tôi nhận lấy bằng cả hai bàn tay lem luốc của mình, chợt nhận ra mắt bà và mắt mẹ sao mà giống nhau đến lạ lùng. Cứ ươn ướt nước. Khi ngoại đi rồi, tôi nhâm nhi trái chín, từng chút một. Cả đời, chưa bao giờ tôi được ăn một trái ổi thơm mềm, ngon đến thế.

Tôi trở mình. Những giọt mưa đều đều ướt cả giấc mơ tôi…

Anh em tôi ngồi lại để thu xếp việc nhà sau bữa cơm trưa. Một mâm cơm cúng đơn sơ, tươm tất do tay Lụa vun vén. Vấn đề được giải quyết rất nhanh. Tôi cần bổ sung giấy tờ để hợp thức hóa ngôi nhà. Nhà cửa thì cũng như con người vậy. Cần gốc gác, chứng từ. Gia đình tôi chẳng ai có ý nghĩ sẽ bán nhà nhưng trên pháp lý, cuốn sổ đỏ là điều cần thiết. Kết thúc vấn đề anh Khiêm nói như phân trần:
– Em thì đi xa, anh phải ở lại gánh vác. Nhà cửa xuống cấp quá. Năm nào anh cũng phải tu sửa.
Tôi mơ màng:
– Sao em cứ thấy căn nhà này giống hình ảnh của ngoại, của mẹ.
– Đời ngoại, đời mẹ cực khổ mấy cũng cố chịu đựng mà giữ lấy đất đai ông bà. Anh cũng sẽ không bao giờ bán đi. Anh sẽ tu bổ, sẽ xây dựng.
Tôi im lặng một chút rồi nhìn anh:
– Nhưng anh có thấy nhà mình bây giờ lạnh lẽo, quạnh quẽ quá không. Em nghĩ xây dựng một căn nhà điều cần là thổi cho nó một linh hồn. Mà việc này phải có bàn tay phụ nữ, một người anh yêu thương thực sự.
Anh Khiêm quắc mắt nhìn tôi, rồi nhìn ra cửa sổ. Gốc bưởi cụt ngọn sừng sững ở đó. Góc vườn xác xơ, trống trải bày ra. Giọng anh đanh lại:
– Đó là việc riêng của mỗi người. Anh cũng cần phải tính toán, phải thu xếp.
– Vâng, vì anh là đàn ông, là trụ cột. Cả đời bà và mẹ còng lưng gánh vác, chịu đựng, lo toan. Mà em nhìn quanh hình như phụ nữ xứ mình ai cũng có cái dáng dấp của bà, của mẹ. Em nghĩ đã đến lúc cất bớt đi những gánh nặng không cần thiết trên những đôi vai gầy tội nghiệp. Cần có cái nhìn khác đi để cuộc sống nhẹ nhàng thanh thản hơn.
– Vậy thì để linh hồn bà và mẹ thanh thản nhẹ nhàng cần phải làm gì? Ngày ngoại mất em không về kịp, mẹ mất em nhận được một câu. Với em, mẹ cho. Với anh, mẹ gởi gắm. Em nhận, rồi tự do bay nhảy. Anh nhận, rồi trăn trở băn khoăn. Cuối đời, gần nửa tiếng đồng hồ mẹ giữ anh ngồi bên mẹ. Anh hiểu, đâu phải đứa con nào cũng được mẹ đặt hết kỳ vọng vào mình.
– Người ta kỳ vọng vào những người mình yêu thương. Mười năm rồi. Đến lúc mỗi người cần nhìn lại xem đã thực hiện đến đâu những gì mẹ dặn dò, mong mỏi. Em tin rằng mẹ mong chúng ta hạnh phúc. Để có em trên cõi đời này mẹ cay cực thế nào, tủi nhục thế nào? Tất cả, mẹ nuốt hết. Tại sao thế? Nếu đơn giản chỉ là chuyện lỡ lầm thì chỉ cần nhờ y học can thiệp. Bao nhiêu người làm thế. Anh biết đó, người ta giải quyết nhanh và gọn thế nào. Nhưng mẹ đã cưu mang em, đã cho em được nhìn đời, được lớn lên bên cạnh anh. Về tình thương của mẹ, em không hề có mặc cảm mình kém cạnh anh.
– Lớn lên bên cạnh nhau nhưng mỗi người mỗi khác. Cách nhìn của họ hàng, làng mạc đặt vào mỗi người cũng khác. Anh mở mắt chào đời, anh đã thuộc về ngôi nhà này. Đó là điều hiển nhiên. Cũng như trong tâm thức của bà, của mẹ hiển nhiên căn nhà này phải thuộc về anh..
– Nhưng giấy tờ, pháp lý, chính quyền lại không nghĩ vậy. Thế nên em mới phải ngồi đây… để ký.
Anh Khiêm nghiến răng gằn giọng:
– Mày… mày là thằng Bão.
– Vâng, em là Bão. Chỉ có điều lâu lắm rồi em không còn băn khoăn tự hỏi mình là hiện thân hay là hậu quả của những cơn bão tung hoành.
Tôi đẩy xấp giấy tờ về phía anh:
– Đây, những gì thuộc về anh, anh cứ giữ lấy.
Chống tay xuống bàn tôi đứng dậy:
– Còn những gì thuộc về em, dứt khoát em sẽ mang theo.

Anh Khiêm đi rồi. Tôi ngồi thừ người một lúc rồi bước ra vườn. Trời hé lên chút nắng yếu ớt của một ngày sắp tắt. Tôi lại bắt gặp cái vại nước mưa và Lụa. Vẫn cái vại nước mưa chứa đầy loăng quăng. Lụa đang khóc, đôi vai gầy run run cúi xuống vại nước mưa. Cây khế cũng đang vào mùa hoa. Những chấm hoa li ti rụng xuống bám vào tóc Lụa. Nhưng tôi, tôi không còn là thằng bé con với quả bóng đỏ năm xưa. Tôi bước đến, nắm tay lên thành vại:
– Lụa.
Em vẫn cúi đầu thả những giòng nước mắt. Những giọt nước mắt xối vào lòng tôi bỏng rát:
– Anh không biết phút cuối cùng mẹ dặn dò em những gì nhưng mười năm rồi, anh biết có những điều em không làm được, phải không? Đừng hành hạ mình nữa, đừng trói buộc mình nữa, Lụa. Lòng mẹ nhân hậu và bao dung.

Lụa quay mặt đi, khổ sở:
– Mẹ dặn… mẹ muốn…
– Không, những gì mẹ dặn riêng em, em cứ giữ lấy. Còn anh, anh biết rõ những gì mẹ muốn. Suốt một đời cưu mang mẹ chỉ mong mỏi một điều là các con mình vuông tròn hạnh phúc.

Tôi đặt tay lên vai Lụa, xoay người em đối diện với tôi:
– Mà hạnh phúc đang chờ phía trước, em có dám lên đường không…
(2022-06-21, 10:36 AM)Ech Wrote: [ -> ]BÃO
Ngô Thị Ý Nhi

...

Ngày cuối đời của mẹ cũng vậy. Lời cuối cùng dành cho tôi chỉ vỏn vẹn một câu: “Cha con đó”.

...

Phần tôi, mẹ chỉ nói một câu, chưa đầy một phút. Điều mẹ nói hiển nhiên ai cũng biết. Mẹ không có gì gởi gắm cho tôi sao?

...

Câu chuyện cảm động, đọc không phải chỉ muốn khóc. Sợ mấy người thấy mình xụt xịt thì kỳ ghê!

Lúc nào mẹ cũng ngắn gọn với Bão. Câu gì chỉ một câu mà "hiển nhiên ai cũng biết", không lẽ là câu này, "Cha con đó"?

Anh Ech và các bạn ai biết không?
(2022-06-21, 01:58 PM)Green Grass Wrote: [ -> ]Câu chuyện cảm động, đọc không phải chỉ muốn khóc. Sợ mấy người thấy mình xụt xịt thì kỳ ghê!

Lúc nào mẹ cũng ngắn gọn với Bão. Câu gì chỉ một câu mà "hiển nhiên ai cũng biết", không lẽ là câu này, "Cha con đó"?

Anh Ech và các bạn ai biết không?

Quote:Lời cuối cùng dành cho tôi chỉ vỏn vẹn một câu: “Cha con đó”.

Thì đúng là câu đó mà. Câu chuyện cảm động thiệt, anh đọc cũng thấy rưng rưng trong lòng.
(2022-06-21, 02:13 PM)Ech Wrote: [ -> ]Thì đúng là câu đó mà. Câu chuyện cảm động thiệt, anh đọc cũng thấy rưng rưng trong lòng.

Cỏ đọc hơn 1 lần và nối kết lại được câu đó mẹ Bão nói. 

Cỏ cũng nghĩ là câu này, nhưng vẫn hy vọng đâu đó trong câu chuyện, có chi tiết hay câu nói Cỏ bị missed, vd như "Mẹ yêu con", để Bão có thể đi hết đoạn đường còn lại biết chắc rằng mẹ Bão yêu Bão.

Thôi không viết nữa, xụt xịt nữa, kỳ quá đi. 

Cám ơn anh Ech.
TÌNH LỠ
Chu Thị Hồng Hạnh

Sau bao nhiêu ngày nghĩ tới, nghĩ lui bữa nay ăn cơm xong chị nhẹ nhàng mở lời với anh:

– Chỉ còn nửa tháng nữa là hết hợp đồng nhà, em tính nói với anh, dạo này em không khỏe, mình trả nhà rồi ai về nhà nấy.

Anh giãy nảy lên:

– Em nói thế mà nghe được à! Thằng này có phải con nít đâu mà vui thì ở, buồn thì đi.

Chị đành phải tung chiêu cuối cùng:

– Em bị viêm gan siêu vi C, giờ nếu ở chung lây sang cho anh thì nguy hiểm lắm.

Anh hoảng hốt:

– Ờ vậy thì đường ai nấy đi, còn tiền cọc tính sao?

Chị cười buồn:

– Mai em về nhà em, anh cứ ở cho hết tháng, rồi làm việc với chủ nhà, tiền cọc anh cứ lấy mà tiêu (thật ra tiền cọc là của chị)

– Anh “ừ” nhẹ tênh. Vậy là chấm hết một cuộc tình…

Nửa năm trước chị gặp anh ở câu lạc bộ dưỡng sinh. Cùng cảnh góa bụa nên cả hai dễ dàng tìm được tiếng nói chung. Tuy đã 60 tuổi nhưng trông chị vẫn trắng trẻo, đầy đầy đặn, phúc hậu. Anh hơn chị 5 tuổi nhưng vì chăm tập thể thao nên nhìn anh rất phong độ, đẹp trai. So với ông chồng già đã khuất của chị thì anh hơn hẳn, vừa chiều chuộng, vừa ga lăng. Muốn hoa có hoa, muốn thơ có thơ. Facebook, Zalo, Viber suốt ngày tưng bừng, rộn rã. Ánh mắt lấp lánh của chị như ngầm công bố cho mọi người biết về quan hệ mới của hai anh chị.

Các con của chị đều rất thương mẹ, nên vui vẻ tán đồng. Mấy người con của anh đã có gia đình riêng cũng không phản đối.

Vẫn là đứa con gái mà chị coi như bạn đề nghị:

– “Mẹ với bác đi thuê căn hộ ở chừng vài tháng xem sao, nếu hợp thì tiến tới, thông báo với họ hàng hai bên, làm một cái lễ nho nhỏ mẹ à. Còn nếu không hợp thì thôi, cũng đỡ mang tiếng”.

Vậy là chị bàn với anh rồi cùng đi thuê căn hộ
nho nhỏ. Tiền cọc một tháng, tiền nhà 3 tháng chị trả hết, vì anh nói sổ tiết kiệm của anh chưa tới kì hạn.

Ngay bữa cơm chung đầu tiên chị đã ngỡ ngàng. Anh ngồi cắm cúi ăn hết món này đến món khác, miệng thì sai chị liên tục. Bữa cơm có một tiếng mà chị đứng lên ngồi xuống không biết bao nhiêu lần, lúc lấy ớt, lúc thêm mì chính, món thì bỏ thêm một chút đường… Sau đó vừa nhìn chị dọn dẹp bát đĩa, anh vừa xỉa răng tanh tách và nói:

– “Vợ anh ngày xưa nấu ăn ngon lắm, em cố gắng xem sách dạy nấu ăn đi. Anh là ngày phải ăn đủ ba bữa tươm tất, món ăn lúc nào cũng phải nóng sốt, không ăn lại đồ cũ được đâu em”.

– Chị chạnh lòng nhớ đến chồng mình. Vì lớn hơn chị nhiều tuổi nên anh rất nhường chị, chị nấu gì anh ăn nấy, đến bữa cơm anh toàn gắp cho chị những món mới, còn anh thì lẳng lặng ăn lại đồ ăn cũ từ bữa trước. Mấy chục năm chung sống chưa khi nào anh đòi hỏi chị bất cứ điều gì.

Ngày nối ngày chị bắt đầu nuối tiếc cuộc sống yên ả trước khi gặp anh. Sáng làm biếng gặm trái bắp rồi coi phim bộ, trưa chiều gọi ông đi qua, bà đi lại tô hủ tiếu, đĩa xôi cũng xong. Còn giờ đây mới mở mắt ra chị đã phải tất tả ra chợ, lo mua đồ ăn cho đủ 3 bữa tươm tất như lời anh dặn. Về nhà hì hụi, lọ mọ dưới bếp cả buổi, đến bữa thì ngồi như học sinh chưa thuộc bài chờ anh kiểm tra, ban phát những lời khen tằn tiện. Con anh 3 đứa, cộng 6 đứa cháu nội ngoại thường xuyên ghé chơi, xem chị chăm anh như thế nào.

Mỗi lần tới, trẻ con thì la hét, bầy bừa, người lớn thì ăn nhậu tới khuya. Khách về chị rửa bát, dọn dẹp. Còn anh ôm cây đàn guitar ra ban công ngồi gảy. Ngày mới quen nhau chị mê đắm tiếng đàn của anh, ngồi hàng giờ ngắm mái tóc bồng bềnh của anh buông xõa xuống trán. Giờ đây chị mỏi mệt, hững hờ đấm cái lưng nhức nhối, vì suốt ngày phải hầu con, trông cháu người ta. Chồng cũ chị không biết đàn, không biết hát, nhưng trong nhà từ việc lớn đến việc bé anh cặm cụi làm, lo cho chị hết.

Mới hơn 2 tháng chị đã phải tới nhà anh nấu 3 cái đám giỗ, rửa cả một nhà chén bát. Mấy cô em gái anh không hề phụ chị một chút nào, mà còn ngồi thi nhau kể. Anh ngày xưa đẹp trai như thế nào, tài giỏi ra sao, bao nhiêu người đẹp hơn hoa hậu theo đuổi, mà anh lại chọn chị. Phúc ba đời nhà chị đó nên chị cố gắng mà lo liệu cho tốt.

Thỉnh thoảng hai đứa con chị đảo qua xem mẹ có khỏe không, thì anh đi tới, đi lui nhìn đồng hồ ngầm nhắc chị sắp đến giờ nấu cơm. Chị biết ý nói với con lần tới mẹ con gặp nhau ở nhà riêng của chị, giờ chị vẫn đang để không. Chị vẫn tranh thủ mỗi lần đi chợ, ghé về tưới cây, nhổ cỏ, thắp nén nhang cho chồng đỡ quạnh hiu. Mới hơn 2 tháng mà tiền để dành của chị vơi đi quá nhiều. Trước lúc mất, chồng chị đưa cho chị 2 quyển sổ tiết kiệm hơn 2 tỉ. Tiền lãi hàng tháng, tiền các con biếu thêm chị sống rất thoải mái, thỉnh thoảng còn đi du lịch đó đây.

Từ ngày quen anh đến giờ, mọi chi phí chị phải lo, ngoại trừ tháng đầu chung sống anh góp 5 triệu tiền cơm. Anh luôn nói là chờ đến hạn rút tiết kiệm anh sẽ đưa cho chị. Tiền giỗ chạp, tiền đóng học cho cháu anh, chị cũng phải bỏ ra. Chị chán lắm rồi, chị nản lắm rồi. Ngày khổ một thì đêm khổ mười. Anh thì còn đang hừng hực mà chị nào huyết áp cao, nào tiểu đường chị chiều anh không nổi. Mới vài ngày trước đây sau khi gần gũi, anh dài giọng đay nghiến:

– “Em lúc nào cũng nằm như khúc gỗ ấy, chả bằng một góc vợ anh”. Rồi anh lăn ra ngáy, còn chị cả đêm ra ban công ngồi ôm mặt khóc. Đến sáng chị quyết định bằng mọi giá phải về nhà cũ thôi….

Anh chị chia tay rất nhẹ nhàng. Giờ mỗi lần nhớ lại chị coi quãng thời gian gần 3 tháng ấy như một giấc mơ,

CÓ ĐIỀU GIẤC MƠ DÙ ĐẸP, DÙ XẤU THÌ CŨNG PHẢI TỈNH THÔI
Chiếc áo lem vết dầu của người cha lam lũ
Yến Phượng

Ba tôi làm việc ở gara sửa xe. Lúc nhỏ, mỗi lần thấy ba về tôi liền chạy ào đến nhưng bộ quần áo lấm lem và bàn tay đen kịt của ba đã ngăn tôi lại. Tôi luôn né những cái ôm của ba. Trong lòng tôi chỉ ước ba mình giống ba bạn Tâm, bạn Hùng… Mỗi sáng các chú ấy mặc sơ mi trắng, xách cặp đi làm, còn ba tôi mặc bộ đồ công nhân lấm lem, hôi rình mùi dầu nhớt dù mẹ luôn giặt rất kỹ.

Năm đó bác Hai tôi gả chồng cho chị Hạnh. Bà nội dặn mọi người phải mặc đẹp để chụp ảnh đại gia đình. Mẹ mua cho ba chiếc quần tây xám và áo sơ mi trắng. Ba diện đồ mới vào, nhìn ba sáng sủa hẳn ra, nhưng đôi tay với những chiếc móng dính dầu nhớt thì chẳng thể nào sạch được. Đành tạm chấp nhận, ba chỉ có thể tươm tất đến vậy thôi.

Lúc xe rước dâu chuẩn bị rời đi thì xe bị chết máy. Ba xắn tay áo, bò dưới gầm xe mò mẫm. Lúc xe khởi động được thì chiếc áo trắng của ba đã dính mấy vết dơ. Ba không có thời gian thay đồ khác, mà cũng chẳng có đồ để thay. Ba phải theo xe để đề phòng lại trục trặc.

Lúc cả nhà tôi lên chụp ảnh cùng cô dâu chú rể. Ba mẹ cười rất tươi, còn tôi mặt chù ụ. Mãi sau này mỗi khi nhìn tấm ảnh chụp chung duy nhất của cả nhà, tôi luôn ước thời gian quay ngược, tôi sẽ tươi cười hồn nhiên, nắm tay ba mẹ trong tấm hình đẹp nhất.

Có lần, tôi mang thư mời của nhà trường mời ba dự lễ tổng kết vì năm đó tôi đậu học sinh giỏi cấp tỉnh, được tuyên dương. Ba mặc lại chiếc áo trắng từng mặc hồi đám cưới chị Hạnh. Chiếc áo dù giặt kỹ nhưng vẫn còn những vết dơ.

Tôi phụng phịu: “Hay ba đừng đi”. Ba cười: “Vinh dự của con gái ba mà, không đi sao được”. Ba cầm tay tôi đi giữa sân trường, tươi cười chào các thầy cô đầy hãnh diện. Nhưng mặt tôi đỏ bừng, đầu cúi gằm không dám ngẩng lên.

Tan lễ, ba nói sẽ chở tôi đi ăn kem, vì tôi xứng đáng được thưởng. Tôi hét lên: “Con không ăn kem. Sao ba không mặc áo đẹp? Sao ba không làm công chức như ba của các bạn?”.

Ba sững sờ nhìn tôi, giọng khẽ khàng: “Ba có thể mua áo đẹp, nhưng tiền của ba là để nuôi con ăn học. Ba không biết làm công chức, nhưng đồng lương sửa xe của ba cũng đủ nuôi con…”. Câu nói nhẹ nhàng ấy làm đau tôi tới ngày trưởng thành. Tôi giận mình không biết thương ba, thấu hiểu những việc ba làm…

Tôi vào đại học, ba động viên tôi: “Con ráng học hành, ba còn sửa xe được là còn nuôi được con”. Tôi úp mặt vào vai ba. Mùi dầu nhớt khiến tôi cay mắt.

Tôi đi dạy kèm, chạy bàn, rửa chén thuê để kiếm thêm tiền mua sách vở. Bàn tay tôi chai sần, vương mùi dầu mỡ. Xòe bàn tay, tôi nhớ bàn tay ba với những chiếc móng đen, nước mắt tôi lặng lẽ chảy… Mỗi lần gọi về nhà, tôi luôn nhắc ba đừng lo cho tôi, ba làm việc ít thôi, đừng cố quá… Nghe giọng ba cười hiền: “Tay ba còn vặn ốc được mà con”…

Tôi học năm thứ hai, mẹ đột ngột gọi điện thoại, giọng uất nghẹn: “Về liền đi con, ba mất rồi”. Hơn 100 cây số đường xe đò về nhà, tôi tê dại với nỗi đau. Tôi cứ dằn vặt mình tại sao lại là ba? Ba còn chưa nhìn thấy tôi tốt nghiệp, trưởng thành, mua áo mới cho ba…

Mọi người vẫn để ba nằm đó chờ tôi. Tôi run bần bật khi cầm tay ba. Tôi xoa bóp mãi đôi tay lạnh giá, mong một phép màu cho tay ba ấm lại. Tôi úp mặt vào tay ba. Đôi bàn tay đã vì tôi chưa một ngày được nghỉ…

Mẹ tôi vuốt ve mãi mấy bộ quần áo sẽ mang theo cho ba. Mớ đồ ít ỏi, cũ kỹ; cả chiếc áo sơ mi lấm lem năm nào. Tôi nghẹn ngào cầm chiếc áo cũ. Tôi sẽ chẳng còn cơ hội nhìn thấy ba mặc chiếc áo này nữa…

Ngày tôi tốt nghiệp, chỉ có mẹ lên thành phố dự với tôi. Tôi ngẩng nhìn trời xanh, dù đã cố nén nhưng nước mắt vẫn lặng lẽ chảy. Tôi ước gì có ba ở bên, mặc áo cũ cũng được, áo nào cũng được và ba mỉm cười với tôi...

Tôi ước gì còn cơ hội nói với ba câu này: “Ba à, con rất yêu ba. Con hãnh diện về ba”.
(2022-06-22, 11:27 AM)Ech Wrote: [ -> ]Chiếc áo lem vết dầu của người cha lam lũ
Yến Phượng

Ba tôi làm việc ở gara sửa xe. Lúc nhỏ, mỗi lần thấy ba về tôi liền chạy ào đến nhưng bộ quần áo lấm lem và bàn tay đen kịt của ba đã ngăn tôi lại. Tôi luôn né những cái ôm của ba.

...

Tôi ước gì còn cơ hội nói với ba câu này: “Ba à, con rất yêu ba. Con hãnh diện về ba”.

Truyện ngắn này làm LTP nhớ lại truyện ngắn "The Snob" của Morley Callaghan .

https://cpb-ca-c1.wpmucdn.com/myriversid...9i59pl.pdf
(2022-06-22, 10:29 AM)Ech Wrote: [ -> ]Ngày khổ một thì đêm khổ mười. Anh thì còn đang hừng hực mà chị nào huyết áp cao, nào tiểu đường chị chiều anh không nổi. Mới vài ngày trước đây sau khi gần gũi, anh dài giọng đay nghiến:

– “Em lúc nào cũng nằm như khúc gỗ ấy, chả bằng một góc vợ anh”. Rồi anh lăn ra ngáy, còn chị cả đêm ra ban công ngồi ôm mặt khóc.

Tội nghiệp hén. Đàn bà tuổi 60 rồi thì đâu còn ham hố gì ba cái chuyện mây mưa này nữa, chỉ mấy ông thì vẫn rạo rực thôi. Thân phận đàn bà thật khổ, mà ngẫm nghỉ thì mấy ông cũng tội lắm, cái vụ chênh lệch nhu cầu này gây ra biết bao chuyện đau đớn trong lòng.
(2022-06-22, 12:45 PM)Ech Wrote: [ -> ]Tội nghiệp hén. Đàn bà tuổi 60 rồi thì đâu còn ham hố gì ba cái chuyện mây mưa này nữa, chỉ mấy ông thì vẫn rạo rực thôi. Thân phận đàn bà thật khổ, mà ngẫm nghỉ thì mấy ông cũng tội lắm, cái vụ chênh lệch nhu cầu này gây ra biết bao chuyện đau đớn trong lòng.

Rốt cuộc tội hết 2 đàn Rolling-on-the-floor-laughing4
Dễ thấy mồ,mấy ông tìm phụ nữ trẻ thì không bị chênh lệch, nhưng bù lại là cô ấy không hầu hạ chịu đựng như chị trong truyện. Ở đời có cái này, mất cái kia, tùy mình thấy cái nào quan trọng hơn. Nghe tả ông nội trong truyện ớn lạnh, nghe quen quen Rollin
Chân trời hoa thắm
Nguyễn Thị Mai Phương

Một ban mai kỳ lạ. Nắng vỡ ra phía chân trời xa hút chưa được bao lâu thì mưa rắc xuống. Mưa phun lớp bụi mơ màng trước mắt chị, tản ra hai bên đường như tấm rèm mỏng. Chinh cảm thấy hơi lạnh thấm vào da thịt mình, đã cuối Giêng mà vẫn phảng phất rét mướt. Trước mắt Chinh, con đường mới mở thênh thang giữa hai cánh đồng chạy dài tít tắp nối ra cao tốc về thành phố. Chân trời thắm lên màu hoa mới.

Có lẽ nào mình sắp phải xa con bé Nấm. Nó vừa bé xíu như cái nấm ướt mưa ngày nào, vậy mà đã ngoài hai mươi. Nó đi tận Hàn Quốc thì mình nhớ lắm, nhỡ nó lại lấy chồng bên đó thì mình mất con. Thằng Đạt đi học về lại ham thể thao, cả ngày chẳng nói chuyện với mẹ. Chinh cứ lẩn thẩn nghĩ về các con – những tài sản vô giá mà chị có. Bóng Chinh nhỏ dần trong mưa.

“Mẹ xem, phụ nữ thì sao? Thì nhất thiết phải cơm canh ngày mấy bữa, dọn dẹp nhà cửa triền miên, quanh năm chui ra chui vào bếp, tự làm chủ rồi lại làm osin cho chồng con mình? Có mấy đồng tiền bo bo bỏm bỏm, chẳng dám tiêu gì, dành dụm, ốm lăn quay ra lại mang tiền đi chữa bệnh. Chẳng dám mua cái gì ngon mà ăn, hay chọn cái gì đẹp mà mặc, ốm quá rồi mới đường sữa ăn vào, thấm tháp gì, thôi mẹ đừng như thế nữa, sau này con chẳng lấy chồng đâu, nhìn mẹ là hãi rồi”. Con bé Nấm nói với mẹ như thế.

Nó chuẩn bị đi du học, về thăm mẹ mấy hôm mà nói bao nhiêu chuyện, nó bảo mẹ lạc hậu, thời đại nào rồi mà cứ lọ mọ, lo lắng đủ thứ, mẹ đừng tiếc tiền mà nên thuê người dọn nhà để giữ sức khỏe. Nó đi học mẹ không phải gói ghém mang đi gì cả. Nó xót mẹ thì cứ nói vậy chứ mẹ nó quen lam lũ từ bé rồi, nếu không tằn tiện thì hai vợ chồng viên chức nuôi sao nổi hai chị em nó.

“Bố nó sau này tha hồ ăn kim chi Hàn Quốc nhỉ”- chị Chinh quay sang chồng nói nhỏ. Anh Hợi cười hồn hậu: “Cay lắm, cà ghém quê mình ngon hơn, có mua cho bố cân hồng sâm thì mua, Nấm nhỉ”. Nấm đang ngồi xếp quần áo vào va li ngẩng lên đùa: “Con mua cho bố mẹ một chàng Hàn Quốc nhé… Mà con có lấy chồng đâu, bố mẹ cứ khỏe mạnh, thích gì con cũng mua cho”. Bố mẹ Nấm cười mãn nguyện. Con bé này hay mè nheo, khó tính, bắt nạt em suốt mà giờ cũng ra dáng thế rồi. Nấm nhỏ nhắn và xinh đẹp, đôi mắt như viên bi ve màu lam khác biệt.

Cả nhà ai cũng gọi Nấm thay cho cái tên Bảo Châu điệu đà bởi nuôi mãi chẳng lớn là bao. Năm thứ hai đại học, Nấm dành được học bổng xứ Hàn nên háo hức lắm, bố mẹ không phải nuôi Nấm nữa, ngoài thời gian học Nấm sẽ đi khắp đất nước người ta xem sao. Bố mẹ giục Nấm ngủ sớm. Đạt tặng chị Nấm đôi giày rồi tót lên phòng, vừa đi vừa nói với lại: “Ha ha, cuối cùng phù thủy cũng đi rồi, em không bị ăn chửi nữa rồi, chị sang đấy mà ở luôn bên đó với một anh “kim đơ sun” gì đó đi nhé, đừng có về”.

Chinh đi tìm cái hộp đựng quà cho con gái. Một cái vòng cẩm thạch. Bây giờ, đã đến lúc đưa nó cho con bé. Lòng Chinh bỗng khựng lại, nghẹn ngào. Ai đó nói đời đúng là như cuốn sách, đọc kỹ lại thì có khi rơi nước mắt. Cuốn sách đời mình từ lâu Chinh chỉ đọc những trang vui vẻ và hạnh phúc, quên đi những nhọc nhằn gian khổ. Mẩu giấy kia có đưa không, hay là thôi, chắc nó sẽ hỏi, mẩu tin trên báo ngày đó vẫn kia, nằm im ở đáy hòm.

“Anh còn nhớ con Nấm hôm ấy không, tay nó tím ngắt nhỉ”. “Nhớ, tay nó hệt tay em, mười hoa tay tròn xoe, ngón út cong và dài, mắt màu khói rất lạ”. “Tay đó chơi piano hay anh nhỉ, em lại chỉ giỏi nấu cơm và tiêm cho bệnh nhân”. “Con Nấm giỏi ngoại ngữ, chơi đàn hay bù cho em”… “Cũng nên cho con biết, hai mươi năm rồi, mình đã già, anh thấy vậy không”? “Biết hay không nó cũng là con mình, em hay nhỉ, cứ tặng nó cái vòng thôi”...

Con bé Nấm không giống bố mẹ, duy nhất giống mẹ hai bàn tay. Thằng Đạt thì như tạc từ bố ra. Ai cũng bảo con Nấm bị đánh tráo từ lúc mới sinh. Người thì bảo nó là con nuôi, con người khác cho. Nấm yếu ớt từ bé nên khó tính, đành hanh, bố mẹ cũng chiều hơn.

Nhiều lần mẹ bảo, cái tay này của ai, con nuôi thì có cái tay như đúc ra thế này không. Nấm khóc thút thít rồi thôi không hỏi nữa. Năm lần chuyển nhà, bố mẹ Chinh đã làm trong bệnh viện lớn trong thành phố. Nơi đây, chẳng còn ai hỏi gì về sự khác biệt của Nấm.

Chinh nhớ buổi chiều trên núi năm nào. Chùa lọt thỏm ở rừng thông đang trổ nõn. Màu xanh non sáng lên trong nắng. Từ sườn núi, rất nhiều con suối nhỏ, uốn lượn chảy xuống thung lũng, nước tràn sát mép đường. Chỉ cần vượt qua con đường đất là nước suối được hòa vào mặt đầm bao la bên kia. Lũ trẻ con đâu ra nhiều thế, trần trùng trục, thả mình trượt từ đỉnh suối xuống chân núi, tiếng cười đùa huyên náo.

Dọc đường vào chùa hoa dành dành nở thơm ngát, vàng rực. Chinh suýt ngất xỉu trước một bàn tay tím bầm bé xíu thò ra từ cái giỏ nan. Số con bé làm người, cả đêm phơi mưa, dây rốn lòng thòng, nước vừa ngấm đến tã thì trời sáng. Sư cô nắm tay Chinh, “con có lạ không, đây là bàn tay của con đấy”. Chinh cầm bàn tay đứa bé nước mắt trào ra. Hai mươi sáu tuổi, chưa có cả người yêu, Chinh làm gì với đứa bé này? Chinh về kể cho mẹ, mẹ mất ngủ cả đêm rồi cũng nói, thôi con tốt thì thi thoảng qua cho nó tấm quà, con nuôi sao được mà nuôi. Nhưng đêm nào Chinh cũng mơ một giấc mơ giống nhau.

Một hồ nước trong vắt, nằm lọt giữa thung lũng bao phủ bởi rừng cây, ven hồ, muôn loài kỳ hoa dị thảo đua nở. Nước hồ khiến con người xinh đẹp ra, khỏe mạnh, yêu đời. Mặt hồ trên cao như cái gương lồi màu xanh viền bạc. Mây trắng sà tận nơi. Có lẽ tiền kiếp, cô đã thuộc về vùng hồ này. Có đứa bé bơi trong hồ, bàn tay bé xíu giơ lên, nó đòi Chinh bế lên bờ. Đôi mắt nó màu lam khói, khác tất cả những đôi mắt trẻ con nơi này.

Chinh vượt đường về chùa, ôm con Nấm xin sữa khắp nơi trước nhiều cặp mắt dè bỉu “chửa hoang”, “hư hỏng”. Chinh xin đi làm y tá cho một phòng khám tư rồi gặp anh Hợi chồng Chinh sau này. Anh Hợi đã lặng lẽ dắt xe cho Chinh, trực thay cho Chinh ngày cuối tuần để Chinh ở nhà chăm Nấm. Anh chưa bao giờ hỏi Chinh có con với ai, như thế nào. Anh đã thức đêm canh cho mẹ con Chinh ngủ trong phòng cấp cứu, con Nấm rất hay ốm. Mỗi tháng anh đều dành lương mua cho bé Nấm vài hộp sữa. Nhìn Chinh đi làm nhân viên vệ sinh thuê cho bệnh viện sau giờ làm chính để nuôi con anh thương đến thắt ruột.

Đám cưới diễn ra lúc con Nấm lên 3. Đêm đầu tiên làm đàn bà, Chinh khóc như trẻ con. Anh Hợi thì hạnh phúc tràn trề bảo, em lừa được ai chứ sao lừa được anh, anh biết em vẫn là con gái từ lúc gặp em, có một đứa con mình càng có phúc. Chinh như cái cây được tưới nước nguồn trong mát, xinh đẹp ra nhiều, năm sau thì sinh ra thằng Đạt. Chinh bàn với chồng chuyển nhà nhiều lần để các con được vui.

Có lần, Nấm mặc áo dài từ trường về, dỗi không ăn cơm, hỏi mẹ gay gắt: “Mẹ cứ nói thật ra đi, con có phải do mẹ đẻ ra không? Sao con không giống một chút nào mọi người vậy? Mẹ sợ con tổn thương chứ gì? Con cần được biết nguồn gốc thật sự của con chứ? Công ai đẻ ai nuôi con sẽ biết, mẹ nói cho con đi. Có phải tại con không phải con ruột nên bố mẹ chỉ mắng em Đạt mà không mắng con? Mẹ cố tình giấu, con sẽ oán mẹ”. Chinh ôm con vào lòng, dỗ dành: “Cái con bé này cứ đi nghe thiên hạ nói giống hay không giống. Bàn tay mỗi người là riêng biệt mà con giống mẹ đó thôi”. Nấm không hậm hực nữa, nói rất khẽ: “Vâng, được cái bàn tay, vậy cũng được mẹ nhỉ”…

Chinh áp cái vòng cẩm thạch lên má, chồng đã ngủ bên cạnh. Chinh nhìn ra phòng ngoài, Nấm đã dọn xong hành lý đi nằm. Mấy chục năm ôm ấp con bé, chưa khi nào Chinh nghĩ nó là con ai khác. Sau những ngày làm thuê cực nhọc lấy tiền nuôi con, trẻ trung hơ hớ mà đi đâu cũng bị dè bỉu, xua đuổi vì “yêu đương nhăng nhít đẻ con ra đấy mang về cho mẹ”. Nước mắt chan mưa những đêm Nấm ốm trong bệnh viện. Con ngủ, Chinh lại nhận trông thuê bệnh nhân khác để có tiền mua sữa cho con.

Có đêm, con khóc quá, Chinh đành nén cơn xấu hổ lén vạch bầu vú đẹp đẽ trong trắng của mình cho con bú. Từ lúc ấy, Chinh đã quyết, dù chết đói cũng sẽ nuôi bé Bảo Châu. Nó chính là viên ngọc đời tặng cho Chinh. Hoặc nó chính là nữ thần cai quản cái hồ nước kỳ lạ trong giấc mơ của Chinh. Từ ngày có Nấm, bố Chinh bỗng lại đỡ đau ốm, hai ông bà dần cũng xuôi, cũng góp công với Chinh chăm Nấm.

Ngày vợ chồng Chinh dọn nhà đi xa, ông bà chỉ dặn, mọi thứ rồi phù du, chỉ tình yêu thương mới làm cho người ta vĩ đại hơn. Chinh không nghĩ to tát, Chinh chỉ biết dường như cuộc đời chọn mình để làm như thế.

Anh Hợi cũng không đòi có thêm đứa con nào nữa, hai đứa là đủ. Ngày mai, con bé Nấm đi xa, cả nhà đưa nó ra sân bay, Chinh sẽ đeo cái vòng vào tay nó. Nếu tình mẫu tử là bất diệt thì Chinh tin, hơi ấm của cái vòng ấy sẽ bảo vệ nó ở đất nước xa xôi. Biết đâu ở một góc nào đấy trên đời, có người đàn bà cũng đang mong nhớ nó...

Người vùng này kể mãi về một trưa cuối xuân, dễ phải 5 năm sau, Bảo Châu về, mang theo người đàn ông Hàn Quốc và một thằng bé kháu khỉnh. Cổng vừa mở, cả nhà còn ngơ ngác, Bảo Châu đã ôm mẹ khóc nức nở: “Mẹ ơi, con nhớ mẹ, con yêu mẹ”. Rồi cô nhất định tặng mẹ chiếc vòng. Chinh nhìn chồng rồi nhìn thằng Đạt. Anh Hợi gật đầu.

Sau khi cơm xong chỉ còn hai mẹ con, Bảo Châu mới xòe ra cho mẹ xem mẩu báo cũ mà cô tìm được. “Ngày… tháng… năm… tại cổng chùa… một trẻ sơ sinh còn nguyên dây rốn bị bỏ rơi, bên cạnh là chiếc vòng cẩm thạch và bức thư của người mẹ trẻ…”.

Lúc này Chinh mới òa khóc, không ngờ Nấm của chị lại nói: “Sao mẹ lại khóc, con được sống trên đời là do mẹ, con là con mẹ mà. Nhiều năm học xa, đến được chân trời rộng lớn của học thuật và lẽ sống, con mới hiểu, mẹ đã sinh ra con”.
Hai người đàn bà ngồi bên nhau, nhìn ra ô cửa, rất xa kia, chân trời thắm lên màu hoa xuân rạng rỡ.
(2022-06-22, 03:13 PM)Ech Wrote: [ -> ]Chân trời hoa thắm
Nguyễn Thị Mai Phương

...

Lúc này Chinh mới òa khóc, không ngờ Nấm của chị lại nói: “Sao mẹ lại khóc, con được sống trên đời là do mẹ, con là con mẹ mà. Nhiều năm học xa, đến được chân trời rộng lớn của học thuật và lẽ sống, con mới hiểu, mẹ đã sinh ra con”.

Hai người đàn bà ngồi bên nhau, nhìn ra ô cửa, rất xa kia, chân trời thắm lên màu hoa xuân rạng rỡ.

Lời nói đầy tình nghĩa của Nấm thật đáng quý . Nấm biết suy nghĩ sâu sắc, rất xứng đáng với sự hy sinh chịu tai tiếng của Chinh để nuôi Nấm nên người .

Truyện co' hậu, dễ thương .

Thanks-sign-smiley-emoticon
Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16