Posts: 6,357
Threads: 98
Likes Received: 3,352 in 1,717 posts
Likes Given: 2,182
Joined: Jun 2020
Reputation:
171
(2023-10-03, 04:53 PM)TiểuHồLy Wrote: Nếu không biết tác giả 4 câu thơ đó của thầy Tuệ Sỹ đi nữa, thì THL cũng không thể nào suy diễn ra một bối cảnh "yêu tuyệt hảo" được. Ví dụ như câu một, có thể làm độc giả nam tư tưởng về nàng con gái có đôi mắt biếc, ngây thơ đi trẩy hội. Nhưng câu hai bắt đầu với, "Khoé môi cười", là biểu lộ cười theo kiểu "nhếch mép", không phải nụ cười dành cho nàng mắt biếc ngây thơ. Chắc dành cho tác giả? Câu ba "Như cò trắng giữa đồng xanh bất tận", nói lên sự ngụp lặn trong bất tận, sự sung mãn, sự tròn trịa, sự đủ đầy, sự hưng thịnh, cũng không thể nào dùng cho nàng được rồi. Lại là cảm giác của tác giả? thì THL cảm thấy thi sĩ này hơi bị thô thiển đối với "mắt biếc ngây thơ" mới gặp lần đầu, và chữ yêu bị hấp tấp vội vàng, dù chỉ là "khoảnh khắc chiêm bao". Dục vọng bất đạt thành.....? Tùy độc giả muốn điền vào há. Giả thuyết cố chấp, mơ không có tội.
Có lẽ tư duy của THL đã thành cổ...............loa!.
Vậy chắc mình thuộc dạng kg bình thường vì đọc mấy câu thơ này Kỳ chỉ nghĩ đến thời gian thôi, cô gái đẹp đó giống như thanh xuân, tuổi trẻ của một người.
Mình chính thức botay.com mình luôn.
Kiếp luân hồi có sinh có diệt
Đời vô thường giả tạm hư không
Ngũ uẩn: “Sắc bất dị không”
An nhiên tự tại cho lòng thảnh thơi.
-CT-
願得一心人,
白頭不相離.
Posts: 6,914
Threads: 133
Likes Received: 4,875 in 2,059 posts
Likes Given: 2,357
Joined: May 2021
Reputation:
67
Mời mọi người ly cà phê và cùng cầu nguyện cho sức khoẻ thầy Tuệ Sĩ.
Posts: 2,598
Threads: 205
Likes Received: 693 in 283 posts
Likes Given: 178
Joined: Aug 2019
Reputation:
41
Một Tuệ Sỹ cũng tốn mấy trang giấy mực của cộng đồng mạng VB , thêm Bùi Giáng nữa thì ko biết khi nào ...
hãy nghe
Bùi Giáng viết về thơ Tuệ Sỹ
Tuệ Sỹ một vị sư. Ông viết văn quá nghiêm túc, những sở tri của ông về Phật học quả thật quảng bác vô cùng. Thấy ông vẻ người khắc khổ, không ai ngờ rằng linh hồn kia còn ẩn một nguồn thơ thâm viễn u u…
Một bữa ông đọc cho tôi nghe hai câu thơ chữ Hán của ông:
Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy
Hiện tiền vị liễu lạc hoa phi
Ông bảo làm sao tiếp cho hai câu để nên một bài tứ tuyệt. Tôi đề nghị với ông nên nhờ Ni cô Trí Hải tiếp giùm. Ông ngượng nghịu bảo tôi đừng nên rỡn đùa như thế. Vậy tôi xin lai rai thử viết:
Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy
Hiện tiền vị liễu lạc hoa phi
Phiêu bồng tâm sự tân toan lệ
Trí Hải đa tàm trúc loạn ty
Và xin ông chả nên lấy thế làm bực mình.
Nhưng ai có ngờ đâu nhà sư kín đáo e dè kia, không hề bao giờ có vướng lụy, lại còn mang một nguồn thơ Việt phi phàm? Một bài thơ “Không đề” của ông đủ khiến ta khiếp vía mất ăn mất ngủ:
Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn
Mới nghe bốn câu thôi, tôi đã cảm thấy lạnh buốt linh hồn, tê cóng cả cõi dạ.
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng
Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn
Tôi hoảng vía đề nghị: Đại Sư nên gác bỏ viết sách đi. Và làm thơ tiếp nhiều cho, Nếu không thì nền thi ca Việt mất đi một thiên tài quá lớn.
Ông đáp: – Để về hỏi lại cô Trí Hải xem có đúng như lời thế chăng.
Đôi mắt ướt tuổi vàng
Khung trời
Hội cũ
Xin xuống giòng thư thả như thế. Ắt nhìn thấy chất trang trọng dị thường của hoài niệm. Hoài niệm gì? – Cung trời hội cũ.
Một hội đạp thanh? Một hội nao nức? – “Giờ nao nức của một thời trẻ dại?”.
Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ…
Mở lời ra, nguồn thơ trực nhập vào trung tâm cơn mộng chiêm niệm. Đầy đủ hết mọi yếu tố bát ngát: một cung trời xán lạn bao la, một hội cũ xao xuyến, một tuổi vàng long lanh… Một đôi mắt ướt ngậm ngùi của hiện tại.
Nhưng mạch thơ đi ngầm. Tiết nhịp âm thầm nhiếp dẫn. Thi sĩ không cần tới một hình dung từ nào cả, vẫn nói được hết mọi người đều “phải nói” với mọi người “muốn nghe” với riêng mình “không thiết chi chuyện nói”.
Người thi sĩ xuất chúng xuất thần thường có phong thái khác thường đó. Họ nói tất ít mà nói rất nhiều. Họ nói rất nhiều mà chung quy hồ như chẳng thấy gì hết. Họ nói cho họ, mà như nói hết cho mọi người. Nói cho mọi người mà cơ hồ chẳng bận tâm gì tới chuyện thiên hạ nghe hay chẳng nghe. Nỗi vui, nỗi buồn của họ, dường như chẳng phi giống lối vui buồn của chúng ta. Do đó chúng ta trách móc họ một cách lệch lạc hết cả (par manque de justice interne).
Trong một cuộc vui, ta hỏi họ vài điều. Họ lơ đễnh thờ ơ, ta tưởng họ kiêu bạc. Trong lúc mọi người đang gào khóc giữa đám tang, họ phiêu nhiên đi qua, trông có vẻ như mỉm cười, niêm hoa vi tiếu. Ta tưởng họ tàn nhẫn thô bạo.
Vua Gia Long ngày xưa đã từng lấy làm quái dị về thái độ Nguyễn Du: “Trẫm dùng người, không phân biệt kẻ Nam kẻ Bắc. Ai có tài thì trẫm trọng dụng (…). Cớ sao khanh lại u sầu ít nói suốt năm như thế?”.
Ông vua kia lấy làm lạ là phải lẽ lắm, hợp với lương tri thói thường thiên hạ lắm. Ông không thể hiểu vì sao vị di thần kia cứ miên man như nằm trong cõi mộng thần di, hồn dịch!
Vua đã ban cho chan hòa mưa móc, lộc trọng quyền cao đặc ân thâm hậu như thế, cớ sao Liệp Hộ chưa vừa lòng, vẫn chưa cứ thả mộng chạy lang thang về chân trời hướng khác.
Đáp: Ấy chính bởi đôi mắt nhìn đây mà thấy những đâu đâu.
Đôi mắt ướt tuổi vàng
Khung trời hội cũ
Đôi mắt ướt? Đôi mắt của ai? Vì sao ướt? Vì lệ trào, hay là vì quá long lanh?
Thi sĩ không nói rõ. Ấy là giữ một khoảng trống vắng lặng phóng nhiệm cho thơ.
Tha hồ chúng ta tự do nghĩ hai ba lối. Hoặc là đôi mắt thi nhân ướt trong hiện tại vì nhớ nhung một trời hội cũ. Hoặc là đôi mắt giai nhân nào long lanh dịu mật như nước suối chan hòa, soi bóng một khung trời hội cũ bất tuyệt nào, mà ngày nay tại hạ đã đánh mất rồi chăng?
“Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang”
Áo nào màu xanh? Màu xanh màu chàm của cô gái Mán gái Mường, gái núi nào xưa kia băng rừng và thi nhân đã ngẫu nhiên một lần nhìn đắm đuối?
Tôi nói không sai sự thật mấy đâu. Vì Tuệ Sỹ vốn xưa kia ở Lào. Cha mẹ ông kiều cư trên đất Thượng Lào Trung Việt. Bà mẹ ông thỉnh thoảng cũng trở về Sài Gòn tới chùa viếng ông đem quà cho ông một đôi dép riêng biệt, một tấm khăn quàng riêng tây.
Đôi mắt ướt tuổi vàng
Khung trời hội cũ
Áo màu xanh
Không xanh mãi
Trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ.
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ?
Mình là thân Bồ-tát, quanh năm kinh kệ trai chay, thế sao bỗng nhiên một phút vội vã lại dám làm thân du thủ? Dám gác bỏ kệ kinh? Dám mở cuộc thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn?
Phải có nhìn thấy khuôn mặt khắc khổ chân tu của Tuệ Sỹ, mới kinh hoàng vì lời nói thăm thẳm đơn sơ nọ. Lời nói như ngân lên từ đáy sâu linh hồn tiền kiếp, từ một quê hương trên thượng du bao la rừng núi gió sương canh chiều nguyệt rung rinh trong đêm lạnh.
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng
Mối tình rộng thả suốt biển non im lìm lạnh lẽo. Một hạt muối vẫn chưa tan. Một nếp u ẩn của lòng mình bơ vơ không gột rửa.
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Ta tưởng như nghe ra “cao cách điệu” bi hùng của một Liệp Hộ, một Nerval, một chỗ trầm thanh nhất trong cung bậc Nietzche.
Thi nhân đã mấy phen ngồi ngó trăng tàn? Ngồi trên một đỉnh đá? Bốn bề rừng thiêng giăng rộng ngút ngàn màu trăng xanh tiếp giáp tới chân trời xa xuôi đại hải?
Đỉnh đá và hạt muối là hai chốn kết tụ tinh thể của núi và biển. Đỉnh đá quy tụ về mọi hương màu trời mây rừng rú. Hạt muối chứa chất cái lượng hải hàm của trùng dương. Đó là cái bất tận của tâm tình dừng sững tại giữa tuyết nguyệt phiêu du:
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng
Một tiếng “buồn chăng” lơ lửng nửa như chất vấn, nửa như ngậm ngùi ta thán, dìu về cả một khúc tâm thanh đoạn trường:
Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân
Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanhTiết nhịp lời thơ lại biến đổi:
Đếm tóc bạc
Tuổi đời
Chưa
Đủ
Bụi đường dài
Gót
Mỏi
Đi
Quanh
Tiết điệu rạc rời như gót mỏi đi quanh. Một tuổi đời chưa đủ? Một tuổi xuân chưa vừa? Một tuổi vàng sớm chấm dứt? Một tuổi “đá” sớm từ giã mọi yêu thương?
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối nguồn xa
Ngược nước
Xuôi ngàn
Bài thơ dừng lại. Dư âm bất tuyệt kéo dài trong đêm lữ thứ khép mình trong bốn bức tường với nhạt nhòa ủ rũ ngục tù.
Chỉ một bài thơ, Tuệ Sỹ đã trùm lấp hết chân trời mới cũ Đường Thi Trung Hoa tới Siêu Thực Tây Phương.
(1973)
Bùi Giáng
ps: bài viết trích trong trang web thuvienphatviet.com
Posts: 3,030
Threads: 65
Likes Received: 2,106 in 1,489 posts
Likes Given: 3,002
Joined: Mar 2018
Reputation:
32
Lặng nhìn mây trắng dần tan
Võ vàng nguyệt khuyết khảy đàn trầm u
Cao sơn quyện áng sương mù
Tứ bề lưu thủy, thuyền du cõi nào?
Posts: 3,030
Threads: 65
Likes Received: 2,106 in 1,489 posts
Likes Given: 3,002
Joined: Mar 2018
Reputation:
32
Lặng nhìn mây trắng dần tan
Võ vàng nguyệt khuyết khảy đàn trầm u
Cao sơn quyện áng sương mù
Tứ bề lưu thủy, thuyền du cõi nào?
Posts: 3,030
Threads: 65
Likes Received: 2,106 in 1,489 posts
Likes Given: 3,002
Joined: Mar 2018
Reputation:
32
Tiếp tục làm hao giấy mực của VB chơi. Đọc bài thơ "Không Đề" của thầy Tuệ Sỹ cũng chẳng đủ làm cho THL phải có cái suy nghĩ như bút văn Bùi Giáng. Sao BG cứ phải ép thơ của thầy Tuệ Sỹ theo hướng trần tục thế nhỉ? Là vô tình hay cố ý nà? Thầy Tuệ Sỹ vừa khai bút với 2 câu thơ,
"Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy
Hiện tiền vi liễu lạc hoa phi"
Với hai câu thơ này, ý của tác giả vẫn còn mơ hồ mông lung với chữ "nghiệp" nên trước mắt chỉ thấy liễu rớt hoa bay,
Bổng dưng bút văn của BG quất 2 câu sau,
"Phiêu bồng tâm sự, tân toan lệ,
Trí Hải đa tàm, trúc loạn ty."
Đọc 2 câu thơ sau là thấy phàm tục rõ ràng; Trí Hải viết hoa, tức là ám chỉ tên của ni sư. Một đờn ông mà nghe đờn bà tâm sự đau khổ và rơi lệ trong đêm thì sẽ làm gì? lại còn chữ "trúc loạn ty" nữa. Chữ "ty" sau "trúc loạn" thì ắt là không thanh tao rồi.
Cái nhìn nhận của THL qua bài thơ Không Đề của thầy Tuệ Sỹ như sau,
Câu 1 & 2: Nói về thời niên thiếu của thầy; khi mắt ướt (mắt tươi của thời tóc ba giá; không phải mắt khô già nua); áo màu xanh=có thể nói về tuổi đời không thể xanh mãi (vạn vật vô thường);
Câu 3 & 4: Khoảnh khắc thức tỉnh cảm thấy đánh mất đi thời gian quý báu để thắp đèn khuya mà kể chuyện trăng tàn, trăng vốn dĩ sáng, khuyết, và tàn; định luật của thiên nhiên thì thắp đèn thức khuya để làm điều vô bổ mà chi?
Câu 5 & 6: Ý tưởng tìm đường giác ngộ vẫn còn đó muôn thủa, đá và muối tượng trưng cho sân si vẫn chưa tan.
Câu 7 & 8: Chớp nhoáng thời gian đã đi qua mau, nhìn lại có thấy buồn vì chưa đạt được kiến/sở nguyện chăng?
Câu 9 & 10: Tóc đã bạc, sắp hết 1 kiếp người chưa đủ để tìm ra chân như; bụi trần vẫn mù mịt mà gót đã mỏi chỉ vì loanh quanh với luân hồi sanh tử.
Câu 11 & 12: Giờ ngó lại thì đã muộn màng; Suối=chơn tâm; suối nguồn xa=chơn tâm vẫn còn xa vời vợi; ngược nước xuôi ngàn=đã hiểu ra giai không giác ngộ phải đi ngược dòng luân hồi sẽ tìm ra. Có thể là 1 lời nhắn nhủ cho thế hệ mai sau. Thêm một giả thuyết nữa, nếu thầy Tuệ Sỹ chưa thấu đáo thì câu kết ẩn dụ cứ phải chạy ngược chạy xuôi luẩn quẩn trong hệ tuần hoàn trong khi "suối nguồn xa".
Thi sĩ thì thích ẩn dụ ý mình, nhưng nhiều khi độc giả lại hiểu sai ý, làm bài thơ vốn dĩ thanh tao lại trở thành trần tục tục. Âu cũng là cái nghiệp của thi ca. Độc giả bắt bụi trần phải theo bụi trần, độc giả cho thanh cao mới được thanh cao, là vậy.
Super duper
Lặng nhìn mây trắng dần tan
Võ vàng nguyệt khuyết khảy đàn trầm u
Cao sơn quyện áng sương mù
Tứ bề lưu thủy, thuyền du cõi nào?
Posts: 5,439
Threads: 45
Likes Received: 3,429 in 1,735 posts
Likes Given: 2,615
Joined: Mar 2021
Reputation:
27
(2023-10-04, 08:39 AM)abc Wrote: Một Tuệ Sỹ cũng tốn mấy trang giấy mực của cộng đồng mạng VB , thêm Bùi Giáng nữa thì ko biết khi nào ...
hãy nghe
Bùi Giáng viết về thơ Tuệ Sỹ
Tuệ Sỹ một vị sư. Ông viết văn quá nghiêm túc, những sở tri của ông về Phật học quả thật quảng bác vô cùng. Thấy ông vẻ người khắc khổ, không ai ngờ rằng linh hồn kia còn ẩn một nguồn thơ thâm viễn u u…
Và xin ông chả nên lấy thế làm bực mình.
Nhưng ai có ngờ đâu nhà sư kín đáo e dè kia, không hề bao giờ có vướng lụy, lại còn mang một nguồn thơ Việt phi phàm? Một bài thơ “Không đề” của ông đủ khiến ta khiếp vía mất ăn mất ngủ:
Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn
(1973)
Bùi Giáng
ps: bài viết trích trong trang web thuvienphatviet.com
Đọc hết bài này, Sầu thích nhất câu thơ tô đậm
Lại nhớ đến bài "Từ Độ ánh Trăng Tan".
Vấn thế gian, tình là chi...
Posts: 5,439
Threads: 45
Likes Received: 3,429 in 1,735 posts
Likes Given: 2,615
Joined: Mar 2021
Reputation:
27
Vấn thế gian, tình là chi...
Posts: 2,598
Threads: 205
Likes Received: 693 in 283 posts
Likes Given: 178
Joined: Aug 2019
Reputation:
41
Mười lăm năm một bước đường
Đau lòng lữ thứ đoạn trường Cha ơi
Đêm dài tưởng tượng Cha ngồi
Gối cao tóc trắng rã rời thân con
Phù sinh một kiếp chưa tròn
Chiêm bao hạc trắng hãi hùng thiên cơ
Tuần trăng cữ nước tình cờ
Lạc loài du tử mắt mờ viễn phương
Tàn canh một đổ vô thường
Bơ vơ quán trọ khói sương đoạ đày
TUỆ SỸ
Thương nhớ
Nha Trang, 1976.
Posts: 899
Threads: 1
Likes Received: 1,103 in 231 posts
Likes Given: 1,012
Joined: Jul 2020
Reputation:
95
...
Đọc lại thơ Tuệ Sỹ
Nguyễn Mộng Giác
Nguồn: Văn Học số 65, tháng Bảy năm 1991
Cuối năm 1988, khi tin hai vị tu sĩ Phật giáo Trí Siêu (Lê Mạnh Thát) và Tuệ Sỹ bị nhà cầm quyền
Cộng sản Việt Nam kêu án tử hình truyền ra hải ngoại, nhiều người mới tò mò tìm đọc những gì
hai vị này đã viết. Họ tìm thấy những bài khảo cứu văn sử học của Lê Mạnh Thát, và những tùy bút
đầy chất thơ phiêu bồng của Tuệ Sỹ.
Rất nhiều người đã ngạc nhiên. Dường như không có gì gần gũi
giữa những bài khảo cứu khô khan, những bài thơ "viễn mộng" với những hoạt động chính trị nhằm
lật đổ một chế độ chuyên chế, chưa nói tới những hoạt động nguy hiểm đến độ chính quyền phải lập
tòa án đặc biệt và kêu án tử hình.
Hồi đó, báo chí đã cho đăng tải một số thơ cũ và mới của Tuệ Sỹ.
Bài "Tôi Vẫn Đợi" dưới đây là bài Tuệ Sỹ mới làm sau này, có lẽ lúc đang bị giam chờ ngày ra tòa:
Tôi vẫn đợi những đêm xanh khắc khoải
Màu xanh xao trong tiếng khóc ven rừng
Trong bóng tối hận thù tha thiết mãi
Một vì sao bên khóe miệng rưng rưng
Tôi vẫn đợi những đêm đen lặng gió
Màu đen huyền ánh mắt tự ngàn xưa
Nhìn hun hút cho dài thêm lịch sử
Dài con sông tràn máu lệ quê cha.
Tôi vẫn đợi suốt đời quên sóng vỗ
Quên những người xuôi ngược Thái bình dương
Người ở lại với bàn tay bạo Chúa
Cọng lau gầy trĩu nặng ánh tà dương.
Rồi trước mắt ngục tù thân bé bỏng
Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu
Rồi khép lại hàng mi về cõi mộng
Như sương mai, như bóng chớp, mây chiều.
Thú thật đọc xong bài thơ này, cảm tưởng ban đầu của tôi là hơi hụt hẫng, thất vọng.
Thơ của một người tử tù đây ư?
Không nói ra, nhưng lâu nay tôi vẫn giữ một định kiến hoặc một ước lệ về thể loại thơ tù.
Ước lệ về khung cảnh thơ: song sắt, vách ngục, máu tra tấn, thân còm cõi...
Ước lệ về không khí thơ: u uất, phẫn nộ, khinh mạn, oán hờn...
Định kiến về nhân cách người thơ: cao ngạo, bất khuất, quắc mắt mà nhìn kẻ đưa mình ra pháp
trường, uy vũ kềm kẹp không làm cho run sợ. Và định kiến về dự phóng cho tương lai:
ngục tù không ngăn được diễn tiến tất yếu của lịch sử, thân tù đơn độc nhỏ nhoi dù bị hủy diệt
cũng không ngăn được những con người bất khuất khác noi gương tiếp nối...
Thơ người tử tù phải là một sứ điệp rõ ràng làm cương lĩnh cho hành động. Đem bao nhiêu
cái khuôn thước có sẵn trên đây mà so với bài thơ Tuệ Sỹ, tôi bị hụt hẫng hoang mang là phải!
Tôi đã dựa vào những khuôn thước trí tuệ thông tục mà đọc bài thơ,
và cố tìm hiểu sứ điệp ẩn giấu sau mười sáu câu thơ tám chữ.
Trước hết là khuôn thước thời gian. Nếu căn cứ vào tiêu chuẩn này,
bài thơ được phân làm hai phần: phần dự phóng tương lai của ba đoạn thơ đầu, bắt đầu bằng
các chữ Tôi vẫn đợi; phần trở lại thực tại tù tội ở bốn câu cuối bắt đầu bằng ba chữ Rồi trước mắt.
Nếu chia bài thơ ra hai phần như vậy, thì ý nghĩa của bài thơ tù đượm chất bi quan, như con hổ
bị giam trong cũi sắt nhớ tiếc và mơ tưởng núi rừng thung lũng mênh mông của những ngày tự do.
Ba đoạn thơ đầu là những dấu hỏi dành cho tương lai, mở ra những khả thể để đến đoạn cuối
là một dấu than đột ngột tàn nhẫn, như một giọt lệ rỏ lên mọi hy vọng, chấm dứt mọi khả thể.
Một số bài thơ của Cao Bá Quát (cũng là một tử tù) được làm theo dạng này,
gần gũi nhất là bài Quá Dục Thúy Sơn (Qua núi Dục Thúy) dưới đây:
Thiên địa hữu tư sơn
Vạn cổ hữu tư tự
Phong cảnh dĩ kỳ tuyệt
Nhi ngã diệc lai thử
Ngã dục đăng cao sầm
Hạo ca ký vân thủy
Hữu ước nải vi tư
Phàm sự đại đô nhĩ
Trời đất có núi ấy .
Muôn thuở có chùa này
Phong cánh đã kỳ tuyệt
Lại thêm ta đến đây
Ta muốn lên đỉnh núi
Hát vang gửi nước mây
Ao ước mà không được
Việc đời thường như vầy.
(Ngô Lập Chi dịch)
Tuệ Sỹ từ ô cửa ngục gửi ra cho nhân gian những tiếng thở dài hay sao?
Tôi đã kiểm chứng cách hiểu ban đầu của mình bằng cách đọc lại lần nữa toàn bài thơ,
và bớt chú tâm đến những mốc thời gian mở đầu các tiểu đoạn.
Tôi không tìm thấy những tiếng thở dài. Không có cả những lời than van.
Thoang thoảng đâu đó, khi rõ rệt, khi mơ hồ, tôi có cảm tưởng đang nghe một tiếng võng đưa,
hoặc những lời mẹ ru con dìu dặt, mơn trớn, vỗ về.
Có cái gì rộng rinh không thể gói trọn bằng ngôn ngữ hoặc ý niệm cụ thể.
Tôi bắt đầu ngờ vực cách phân định thời gian rành mạch ban đầu,
và thử tìm đọc bài Tôi Vẫn Đợi theo một cách khác.
Chẳng hạn thử tìm hiểu ý nghĩa của màu sắc và âm thanh.
Nếu như vậy, mỗi đoạn thơ bốn câu tự nó đã mang đủ một sứ điệp trọn vẹn,
không còn cần đến cả bài. Xin đọc lại đoạn thơ đầu:
Tôi vẫn đợi những đêm xanh khắc khoải
Màu xanh xao trong tiếng khóc ven rừng
Trong bóng tối hận thù tha thiết mãi
Một vì sao bên khóe miệng rưng rưng.
Đúng là một tập hợp của những thi ảnh phức tạp (đôi khi mâu thuẫn nhau)
với những nối kết lỏng lẻo, mờ nhạt, nhưng vẫn lập thành một khối thống nhất nhờ liên hệ
văn phạm và vần điệu hợp nhất một cách bình thường.
Câu thứ nhất nói đến màu xanh của đêm, câu thứ hai giải thích thêm một ẩn ngữ (màu xanh trong
tiếng khóc ven rừng). Ẩn ngữ này tưởng lại được giải thích trong câu thứ ba (màu xanh trong tiếng
khóc, trong bóng tối hận thù) nhưng không, đó chỉ là một liên hệ giả. Những thi ảnh của hai câu thơ
đầu được lặp lại ở hai câu sau (khắc khoải ố tha thiết, tiếng khóc ố rưng rưng), thêm vào đó, chữ
trong khiến chúng ta có cảm tưởng như hai câu sau là phụ ý chuyển của hai câu trước. Thật sự không
phải vậy. Hai câu sau bay bổng lên một vũ trụ khác, cất cánh khỏi những hệ lụy nhân gian, những ti tiện
của tranh chấp và thù hận, để đạt đến một cõi sáng láng hơn, cao cả hơn, mà biểu trưng là một ánh sao,
một nụ cười. Bốn câu thơ di chuyển theo chiều cao, từ bậc thấp của những tranh chấp ti tiện đớn đau
đến bậc cao của thức tỉnh giác ngộ.
Đoạn thơ thứ nhì
Tôi vẫn đợi những đêm đen lặng gió
Màu đen huyền ánh mắt tự ngàn xưa
Nhìn hun hút cho dài thêm lịch sử
Dài con sông tràn máu lệ quê cha.
được thừa hưởng tinh chất của đoạn thứ nhất nên sự chuyển hóa đơn giản hơn,
không quá rối rắm mâu thuẫn hoặc quằn quại vươn mình lên như ý thơ của đoạn thứ nhất.
Thơ đoạn này di chuyển theo chiều rộng và cũng bắt đầu bằng một màu sắc: màu đêm đen.
Bố trí văn phạm của đoạn thơ thứ nhì cũng giống y như đoạn thơ trước,
câu sau luôn giữ nhiệm vụ giải thích một chữ quan trọng của câu trước
(đêm đen trong câu 5 và màu đen của câu 6, ánh mắt của câu 6 và nhìn hun hút của câu 7,
dài thêm lịch sử của câu 7 và dài con sông của câu 8).
Từ màu đêm đen, Tuệ Sỹ không gợi nhớ màu đêm u tối của sinh lão bệnh tử mà gợi ra màu đen
của một ánh mắt. Phải rồi, tất cả cuộc đời bắt đầu bằng một cái nhìn, một lối nhìn. Có những cái nhìn
chìm đắm chết đuối vào sắc tướng, có những cái nhìn thấu suốt được chân lý của cuộc sinh hóa.
Thơ di chuyển theo chiều rộng của thời gian, thơ nhìn ra được diễn tiến của cuộc đời tự ngàn xưa,
nhìn ra được cốt tủy mọi biến động của lịch sử cũng như thấu hiểu do đâu có cảnh núi xương sông
máu trên quê hương thân yêu. Ánh mắt người tử tù không dừng lại ở những phẫn nộ oán hờn tầm
thường và ước vọng dung tục. Ánh mắt đó vượt ra ngoài, vượt lên trên mọi thứ song sắt, vách ngục,
kể cả song sắt vách ngục của mê chấp.
Sức chuyển biến của thơ, sức thăng hoa của ý đến cuối Câu thơ thứ tám như vậy là đã đến đỉnh chót
của nó, đáng lý sau câu thứ tám, Tuệ Sỹ có thể dừng lại, không cần phải viết thêm gì nữa. Trong ngục
tối, nhà thơ sống với màu xanh xao của chút ánh sáng lọt qua cửa ngục và màu đen mênh mông,
từ đó làm chất liệu khởi thủy của sáng tạo và suy tưởng. Nhưng chúng ta đừng quên rằng người tử tù
còn cảm nhận được sự sống của thế giới bằng những tiếng động bên ngoài. Hai đoạn thơ sau của
Tuệ Sỹ là một hành trình khác, khởi đầu không bằng màu sắc mà bằng âm thanh. Xin đọc lại cả hai đoạn cuối:
Tôi vẫn đợi suốt đời quên sóng vỗ
Quên những người xuôi ngược Thái bình dương
Người ở lại với bàn tay bạo chúa
Cọng lau gầy trĩu nặng ánh tà dương.
Rồi trước mắt ngục tù thân bé bỏng
Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu
Rồi khép lại hàng mi về cõi mộng
Như sương mai, như bóng chớp, mây chiều.
Tôi vừa viết xuống hai chữ khởi đầu. Thật ra, viết như vậy chưa đúng lắm, vì Tuệ Sỹ không làm
một bài thơ khác mà chỉ chuyển hóa lối sử dụng hình ảnh cho thơ. Do đó, bố cục văn phạm của
đoạn thơ thứ ba vẫn giữ y như lối bố cục của hai đoạn thơ trước, còn ý thơ thì cũng tiếp nhận sức
thăng hoa của phần trên để nói lên một ước vọng mà mới đọc qua, chúng ta tưởng là nghịch lý.
Ước vọng được quên, quên hết. Quên những tiếng sóng vỗ của cảnh đời bão nổi ngoài kia, những
đợt sóng tàn bạo khiến nhà thơ phải xắn tay áo nâu lên thử giăng một cánh buồm, từ đó đưa đến cảnh
tù tội gông cùm hiện tại. Quên thân phận bèo bọt của hàng triệu người phải đành đoạn liều chết vượt biển
tìm tự do. Quên cả những cọng lau gầy oằn vai chịu đựng những bạo tàn từ tay bạo chúa của hơn bảy mươi
triệu người ở lại.
Tất cả những điều tưởng là nghịch lý ấy được Tuệ Sỹ giải thích ở đoạn thơ cuối bằng một hình
ảnh, bằng một âm thanh hết sức biểu trưng: tiếng gõ nhẹ của ngón tay lên tường rêu lạnh của ngục tối. Nó biểu
trưng vì đó là một thứ âm thanh lặng lẽ, hoàn toàn trái ngược với tiếng sóng vỗ cuồng nộ ồn ào bên kia vách
ngục. Ngón tay ốm o yếu ớt của một tử tù thân bé bỏng lại gõ vào một vách ngục rêu bám, thì chắc chắn không
tạo ra được tiếng dội nào lớn lao. Cho những bạn tù cùng khu biệt giam. Cho những tên cai ngục. Huống gì là
cho những người không ở vào cảnh tù tội. Đó không phải là loại âm thanh dành cho thính giác,
mà là âm thanh dành cho tri giác, tuệ giác. Âm thanh đó, tiếng gõ nhịp đó không phải do sức mạnh của bắp thịt,
của bạo động nhằm xô ngã tường rêu phá đổ nhà ngục, nhưng lại có một sức mạnh tinh thần lớn lao để đưa con
người vượt lên trên mọi thứ ngục tù: sức mạnh của giác ngộ, của tỉnh thức.
Hai câu thơ cuối khép lại một thế giời huyễn mộng mê chấp, và mở ra một thế giới mới:
Rồi khép lại hàng mi về cõi mộng
Như sương mai, như bóng chớp, mây chiều.
Vẫn còn một câu hỏi lớn: Ý thức được cái sương mai, cái bóng chớp của nhân sinh đã đủ
để ngăn bàn tay bạo chúa và làm cho dòng sông quê cha thôi tràn máu lệ hay chưa?
Đây là câu hỏi nhức nhối thường xuyên ám ảnh Phật tử mỗi lần họ phải đối diện những đàn áp bất công
của xã hội họ đang sống. Mỗi lần như vậy, Phật tử vẫn thường nhắc tới khuôn mẫu sống hài hòa giữa
đạo và đời của các tu sĩ Phật giáo thời Lý, Trần, dù biết cách tổ chức xã hội thời xa xưa đó khác với bây giờ.
Bài thơ của Tuệ Sỹ nhắc tôi nhớ tới câu hỏi nhức nhối này, vì Tuệ Sỹ là một tu sĩ Phật giáo "đi vào cuộc đời", một
Phật tử hành động. Chắc chắn Tuệ Sỹ đã ưu tư đi tìm lời đáp trước khi quyết định hành động chống lại chế độ
Cộng sản. Và suốt thời gian bị giam cầm, Tuệ Sỹ còn có nhiều thì giờ và điều kiện hơn để suy nghĩ về câu trả lời.
Vậy mà sứ điệp Tuệ Sỹ gửi ra ngoài cửa ngục dường như thiếu hẳn chất thực tế.
Bài thơ không hề là một lời tố cáo đầy phẫn nộ, lại không phải là một bài hịch.
Không phải là một tiếng sấm. Ngược lại, như tôi đã so sánh ở trên, đây là những lời ru hiền hòa,
lời vỗ về của mẹ, lời thì thầm của lá, của hoa, của cây cỏ. Không phải là mũi nhọn công phá vào
vách khám mà là một làn hương tỏa lên trên, len qua kẽ ngục và tỏa rộng lên trời cao. Vì sao vậy?
Tôi cho rằng ngay từ cốt tủy của Phật pháp, khả năng hoàn thiện con người và cuộc sống không nằm
ở sức mạnh của tổ chức mà nằm ở sức giác ngộ của cá nhân. Đạo Phật không chấp nhận Cái Duy Nhất,
Cái Tuyệt Đối, Cái Vĩnh Cửu, Cái Sáng Lòa soi đường cho hằng hà sa số đời sống trước sau.
Ai cũng có thể trở thành Phật. Mỗi người tự đốt đuốc lên và chọn con đường sáng láng cho mình, khỏi cần
cẩn thận rón rén đi theo dấu chân của người đi trước. Mỗi người chịu trách nhiệm lấy chính số phận mình.
Mỗi người không cần phải khép nép sợ hãi trước bất cứ Thần lực thiêng liêng nào, vì nếu tỉnh thức, mỗi
người chính là Thần lực thiêng liêng ấy.
Người còn vướng mắc vào những giới hạn, những chấn song của mê chấp thì thường núp vào đám đông,
mong che chở của tập thể. Nhưng lúc đã thấy được chân tướng của những sương mai, bóng chớp,
thì mỗi người đều có một thần lực riêng. Điều đó giải thích được tại sao vào những giai đoạn bi đát nhất
của lịch sử dân tộc, Phật giáo không suy yếu theo mà ngược lại, trở thành chỗ dựa tinh thần mạnh mẽ
góp phần đưa dân tộc qua mọi gian truân thử thách.
Nguyễn Mộng Giác
...
Kính Tiễn Hòa Thượng Thích Tuệ Sĩ!
...
cả nhà
...
(Xin cảm ơn schi đã mở topic này, và cảm ơn các bạn đã post bài vào đây cho dulan được đọc )
...
Posts: 899
Threads: 1
Likes Received: 1,103 in 231 posts
Likes Given: 1,012
Joined: Jul 2020
Reputation:
95
(nguồn VĂN VIỆT)
...
Rồi nhắm mắt ta đi vào cõi mộng
Như sương mai, như ánh chớp, mây chiều
Cách nay ít lâu, tôi được TS Bùi Chí Trung chuyển tận tay tập thơ Thiên Lý Độc Hành với lời đề tặng của Thầy Tuệ Sỹ.
Đây là tác phẩm thơ Tuệ Sỹ được soạn thảo công phu và được trình bày vô cùng trang nhã.
Thơ được dịch ra 3 ngôn ngữ Nhật, Anh, Pháp với các dịch giả: Bùi Chí Trung, Nguyễn Phước Nguyên, Dominique de Miscault.
Ngoài thơ và các bài viết, trong sách còn có thủ bút Hán-Nôm của Tuệ Sỹ, ảnh của Hạnh Viên và tranh minh họa của Đào Nguyên Dạ Thảo.
Tập thơ Thiên lý độc hành
Hôm nay, lật giở từng trang sách, nhìn từng bức ảnh, đọc từng bài thơ, chợt nhớ cuộc hạnh ngộ ngắn ngủi với Thầy. Một sáng nọ, nhà thơ Nguyễn Đức Sơn chở Thầy trên chiếc Monkey huyền thoại của mình, ghé lại nơi làm việc của tôi.
Khi ngồi tiếp trà hai vị khách đặc biệt, tôi không ngừng tự hỏi, làm sao có được sự hòa hợp giữa hai con người này, giữa sự trầm lắng, ưu nhã Tuệ Sỹ và sự gai góc, nóng nảy Nguyễn Đức Sơn.
Giờ đây, tôi đã hiểu: Thầy có thể hòa hợp với tất thảy chúng sinh.
*
Để tiễn bước thầy, xin mời đọc những vần thơ của Thầy và bài viết của Thầy Hạnh Viên, trích từ Thi phẩm Thiên lý độc hành.
Sài Gòn ngày 25/11/2023
Ý Nhi
***
Thiên Lý Độc Hành
Thơ Tuệ Sỹ
1.
Ta về một cõi tâm không
Vẫn nghe quá khứ ngập trong nắng tàn
Còn yêu một thuở đi hoang
Thu trong đáy mắt sao ngàn nửa khuya
2.
Ta đi dẫm nắng bên đèo
Nghe đau hồn cỏ rủ theo bóng chiều
Nguyên sơ là dáng yêu kiều
Bỗng đâu đảo lộn tịch liêu bến bờ
Còn đây góc núi trơ vơ
Nghìn năm ta mãi đứng chờ đỉnh cao
3.
Bên đèo khuất miễu cô hồn
Lưng trời ảo ảnh chập chờn hoa đăng
Cây già bóng tối bò lan
Ta ôm cỏ dại mơ màng chiêm bao
4.
Đã mấy nghìn năm đợi mỏi mòn
Bóng người cô độc dẫm hoàng hôn
Bởi ta hồn đá phơi màu nắng
Ôm trọn bờ lau kín nỗi buồn
5.
Từ thuở hồng hoang ta ở đâu
Quanh ta cây lá đã thay màu
Chợt nghe xao xuyến từng hơi thở
Thấp thoáng hồn ai trong khóm lau
6.
Trên đỉnh đèo cao bát ngát trông
Rừng mây xanh ngất tạnh vô cùng
Từ ta trải áo đường mưa bụi
Tưởng thấy tiền thân trên bến không
7.
Khi về ngả nón chào nhau
Bên đèo còn hẹn rừng lau đợi chờ
Trầm luân từ buổi ban sơ
Thân sau ta vẫn bơ vơ bụi đường
8.
Bóng tối sập mưa rừng tuôn thác đổ
Đường chênh vênh vách đá dọa nghiêng trời
Ta lầm lũi bóng ma tròn thế kỷ
Rủ nhau đi cùng tận cõi luân hồi
Khắp phố thị ngày xưa ta ruổi ngựa
Ngang qua đây ma quỷ khóc thành bầy
Lên hay xuống mắt mù theo nước lũ
Dẫm bàn chân lăn cát sỏi cùng trôi
Rồi ngã xuống nghe suối tràn ngập máu
Thân là thân cỏ lá gập ghềnh xuôi
Chờ mưa tạnh ta trải trăng làm chiếu
Nghìn năm sau hoa trắng trổ trên đồi
9.
Gởi lại tình yêu ngọn cỏ rừng
Ta về phố thị bởi tình chung
Trao đời hương nhụy phơi hồn đá
Thăm thẳm mù khơi sương mấy tầng
10.
Một thời thân đá cuội
Nắng chảy dọc theo suối
Cọng lau già trầm ngâm
Hỏi người bao nhiêu tuổi
11.
Bước đi nghe cỏ động
Đi mãi thành tâm không
Hun hút rừng như mộng
Chập chùng mây khói trông
12.
Thân tiếp theo thân ngày tiếp ngày
Mù trong dư ảnh lá rừng bay
Dõi theo lối cũ bên triền đá
Sao vẫn còn in dấu lạc loài
13.
Khi về anh nhớ cài quai nón
Mưa lạnh đèo cao không cõi người
T. S
***
Nối Gót Thiên Lý Độc Hành
Hạnh Viên
Một buổi sáng cuối thu năm 2011, đang ngồi trong quán cà-phê sách ở Đà Lạt tôi nhận được mẫu tin của thầy gởi qua email, chỉ ngắn gọn mấy dòng:
…
Tôi đi lang thang theo đám mây trôi, phương trời vô định. Bờ sông, hốc núi, đâu cũng là chỗ vùi thây. Một chút duyên còn ràng buộc thì còn có cơ hội ngộ, đời này hoặc đời sau.
Thị ngạn am vô trụ xứ.
Thư được gởi đi từ chiều hôm trước, nghĩa là tối đó ông đã lang thang đâu đó ngoài bến xe, tìm một chuyến xe nào bất cứ, đi đến một nơi nào khả dĩ, không hẹn trước. Chuyến đi của ông thầy tu không chùa, không đệ tử, không cần nơi đến. Ra đi như vậy, ngoài những ẩn tình riêng chung, nhưng kỳ cùng nó là một thôi thúc một bó buộc đã sẵn có tự bao giờ. Và trở về, cũng là một thôi thúc, bó buộc khác.
Gởi lại tình yêu ngọn cỏ rừng
Ta về phố thị bởi tình chung
Trao đời hương nhụy phơi hồn đá
Thăm thẳm mù khơi sương mấy tầng
Thiên lý độc hành, chuỗi thơ 13 bài, hình thành sau chuyến đi ấy. Nó mở đầu bằng sự trở về, và kết thúc bằng lời gởi gắm một bước chân khác lên đường. Đi cho hết con đường thăm thẳm nhân sinh trường mộng. Hai câu kết để ta đóng lại tập thơ mà không đóng lại được những tâm tình khắc khoải, tương điệu trước một vệt nắng chiều hay một ánh sao xa lay lất cuối trời. Lời nhắn nhủ ân cần không phải là sự êm đềm khép lại cánh cổng vườn nhà sau khi người con đã trở về, nó mở ra lối sau chỉ về một phương trời miên man cô tịch
Mưa lạnh
đèo cao
không cõi người.
Phương trời mờ ảo với ánh sao đêm làm đèn soi lối, lấy ánh trăng trên cỏ làm chiếu mà nằm, để sáng ra tiếp tục cuộc đi mà không biết đêm nay sẽ ở đâu, có ‘may mắn’ tìm được một chỗ ngủ kín gió không. Có khi chỗ đó là cái miếu cô hồn bên đèo vắng, có khi là phía sau cái bệ con sư tử đá khổng lồ trước cổng tam quan một ngôi chùa, nơi có một hốc nhỏ đủ cho một người nằm khuất tầm nhìn khách qua đường. Nghỉ chân và chợp mắt, để ba giờ sáng thức dậy thu vén đi tiếp trước khi nhịp sống đô thị trở lại nơi này cho một ngày mới.
Thân tiếp theo thân ngày tiếp ngày
Mù trong dư ảnh lá rừng bay…
Cái mùi hoang liêu dặm trường nó huyễn hoặc, hấp dẫn như mùi trái cây chín dại ven đường khi đói, như mấy gói lạc rang của một thanh niên tốt bụng đưa cho, để chiều lên đèo, “vì ở đó trong tầm bán kính mười cây số không có nhà ai”, anh ta nói. Mấy gói lạc rang, đủ cho một ngày đi qua cái đèo hoang vu này.
Sau này họa hoằn được nghe kể về chuyến đi, tôi thấy thật khó viết được gì chân xác về những bài thơ này; đó là những con đường nắng chát, bụi bặm, những bầu trời tối sầm trĩu nặng mây đen, những chiều bụng đói, những đêm hun hút ngó về một quê hương nào đã mất. Đó không phải là trang giấy trắng để ta cặm cụi ghi chú vài ý tưởng mộng mơ. Tập thơ này với tôi không phải để đọc, để hiểu hay để viết về; chỉ cần nhìn, cảm, và tưởng tượng. Tôi không lo khi đọc mà không hiểu thơ nói gì, nhưng đáng buồn nếu không tưởng tượng được khung trời nào trong những câu
Từ ta trải áo đường mưa bụi
Tưởng thấy tiền thân trên bến không
Mưa, nắng, gió, bụi, những bước chân miệt mài đi qua rừng, qua phố, để làm gì, để tìm gì? Tìm gì trong màu hoàng hôn phơi trên hồn đá, cái bóng người xiêu đổ bên bờ lau sậy phất phơ nỗi buồn viễn xứ? Xứ sở nào của người, của đá, của những bông lau theo gió bay trắng bốn phương ngàn…
Nắng, bụi, gió, mưa. Thiên nhai hà xứ vô phương thảo*. Cuối trời vạn nẻo nơi nào mà không có cỏ thơm. Một đứa bé chạy theo dúi vào tay ông một cái bánh ngọt, chỉ tay về ngôi nhà lụp xụp bên vệ đường: má con biểu đưa cho ông. Cái tình người nó tự nhiên như cỏ non xanh tận chân trời. Cỏ xanh và hoa lau trắng, màu trắng hoang mang cả trời cô lữ. Giữa dòng ngựa xe phố thị hay trước thảo nguyên xanh ngút ngàn, ở đâu cũng có lúc bất chợt cảm thấy lạc loài, thấy tháng ngày hư ảo, ta muốn đi tìm một cái gì đó khác, đo đếm xem khoảng cách bao xa giữa hai bờ mộng thực; có người đi trong chiều nắng quái, kẻ khác đi trong những giấc mộng khẽ khàng. Nhìn đám bụi mờ dưới bước chân đi, ta không biết đó là tha hương hay là cố quận.
Rồi ngã xuống nghe suối tràn ngập máu
Thân là thân cỏ lá gập ghềnh xuôi
Chờ mưa tạnh ta trải trăng làm chiếu
Nghìn năm sau hoa trắng trổ trên đồi
Ánh trăng sau cơn mưa hiện ra lấp lánh trên cỏ, như trải ra tấm chiếu hoa gấm ngọc ngà.
Nghìn năm sau… kể chuyện Thiên lý độc hành, có người ngay thẳng và thực tế sẽ hỏi: Đi như vậy, tự đọa đày như vậy để làm gì? Những bước chân vô định kia có để lại chút dấu vết nào nơi đá cuội ven đường? Có lẽ không, hoặc có để lại một giấc mơ bên hiên nhà tạm trú đêm qua, không biết mưa lũ cao nguyên rồi sẽ cuốn phăng nó về đâu. Mà Thiên lý độc hành là gì? Đâu phải chỉ là một chuyến đi. Cuộc đi không có lúc khởi hành, không có nơi đến thì làm sao có sự kết thúc trở về.
Khi về anh nhớ cài quai nón
Mưa lạnh đèo cao không cõi người…
Mùa hạ Canh tý, PL. 2564
Hạnh Viên
*天涯何處無芳草 thơ Tô Đông Pha
|