VietBest
Thơ Tuệ Sỹ - Printable Version

+- VietBest (https://vietbestforum.com)
+-- Forum: Giải Trí và Nghệ Thuật / (Entertainment and Art) (https://vietbestforum.com/forum-42.html)
+--- Forum: Thơ Văn (https://vietbestforum.com/forum-60.html)
+--- Thread: Thơ Tuệ Sỹ (/thread-23655.html)

Pages: 1 2 3


Thơ Tuệ Sỹ - schi - 2022-06-05

Hận thu cao


Quỳ xuống đó nghe hương trời cát bụi
Đôi chân trần xuôi ảo ảnh về đâu
Tay níu lại những lần khân chìm nổi
Hận thu cao mây trắng bỗng thay màu
Ta sẽ rủ gió lùa trên tóc rối
Giọng ân tình năn nỉ bước đi mau
Còi rộn rã bởi hoang đường đã đổi
Bởi phiêu lưu ngày tháng vẫn con tàu
Vẫn lăn lóc với đá mòn dứt nối
Đá mòn ơi cười một thuở chiêm bao
Quỳ xuống nữa ngủ vùi trong cát bụi
Nửa chừng say quán trọ khóc lao xao
Tay níu nữa gốc thông già trơ trọi
Đứng bên đường nghe mối hận lên cao

Nha Trang 1973


Luống cải chân đồi

Vác cuốc xuống chân đồi
Nắng mai hồng đôi môi
Nghiêng vai hờn tuổi trẻ
Máu đỏ rợn bên trời

Sức yếu lòng đất cứng
Sinh nhai tủi nhục nhiều
Thân gầy tay cuốc nặng
Mắt lệ nóng tình yêu

Thầy tóc trắng bơ vơ
Con mắt xanh đợi chờ
Đèn khuya cùng lẻ bóng
Khúc ruột rối đường tơ

Tuổi Thầy trông cánh hạc
Cánh hạc vẫn chốc mồng
Mắt con mờ ráng đỏ
Ráng đỏ lệ lưng tròng

Chân đồi xanh luống cải
Đời ta xanh viễn phương
Sống chết một câu hỏi
Sinh nhai lỡ độ đường

Nh.Tr. 1975


Ta biết

Ta biết mi bọ rùa
Gặm nhắm tàn dây bí
Ta vì đời tranh đua
Khổ nhọc mòn tâm trí

Ta biết mi là dế
Cắn đứt chân cà non
Ta vì đời đổ lệ
Nên phong kín nỗi hờn

Ta biết mi là giun
Chui dưới tầng đất thẳm
Ta vì đời thiệt hơn
Đêm nằm mơ tóc trắng

Rừng Vạn Giã 76


Tống biệt hành

Một bước đường thôi nhưng núi cao
Trời ơi mây trắng đọng phương nào
Đò ngang neo bến đầy sương sớm
Cạn hết ân tình, nước lạnh sao?
Một bước đường xa, xa biển khơi
Mấy trùng sương mỏng nhuộm tơ trời
Thuyền chưa ra bến bình minh đỏ
Nhưng mấy nghìn năm tống biệt rồi
Cho hết đêm hè trông bóng ma
Tàn thu khói mộng trắng Ngân hà
Trời không ngưng gió chờ sương đọng
Nhưng mấy nghìn sau ố nhạt nhòa
Cho hết mùa thu biệt lữ hành
Rừng thu mưa máu dạt lều tranh
Ta so phấn nhụy trên màu úa
Trên phím dương cầm, hay máu xanh

Nh.Tr. 77


Tôi vẫn đợi

Tôi vẫn đợi những đêm dài khắc khoải
Màu xanh xao trong tiếng khóc ven rừng
Trong bóng tối hận thù, tha thiết mãi
Một vì sao bên khoé miệng rưng rưng
Tôi vẫn đợi những đêm đen lặng gió
Màu đen tuyền ánh mắt tự ngàn xưa
Nhìn hun hút cho dài thêm lịch sử
Dài con sông tràn máu lệ quê cha
Tôi vẫn đợi suốt đời quên sóng vỗ
Quên những người xuôi ngược Thái Bình Dương
Người ở lại giữa lòng tay bạo chúa
Cọng lau gầy trĩu nặng ánh tà dương
Rồi trước mắt ngục tù thân bé bỏng
Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu
Rồi nhắm mắt ta đi vào cõi mộng
Như sương mai, như ánh chớp, mây chiều

Sài gòn 78


Quán trọ của ngàn sao

Mắt em quán trọ của ngàn sao
Ngọt ngất hoang sơ ánh rượu đào
Pha loãng nắng tà dâng cát bụi
Ấm lòng khách lữ bước lao đao
Mắt huyền thăm thẳm mượt đêm nhung
Mưa hạt long lanh rọi nến hồng
Sương lạnh đưa người xanh khói biển
Bình minh quán trọ nắng rưng rưng

Trại giam Phan Đăng Lưu, Sài gòn 79


Buổi sáng tập viết chữ thảo

Sương mai lịm khói trà
Gió lạnh vuốt tờ hoa
Nhè nhẹ tay nâng bút
Nghe lòng rộn âm ba

Sài Gòn 80


Hạ sơn

Ngày mai sư xuống núi
Áo mỏng sờn đôi vai
Chuỗi hạt mòn năm tháng
Hương trầm lỡ cuộc say

Bình minh sư xuống núi
Tóc trắng hờn sinh nhai
Phương đông mặt trời đỏ
Mùa hạ không mây bay

Ngày mai sư xuống núi
Phố thị bước đường cùng
Sư ho trong bóng tối
Điện Phật trầm mông lung

Bình minh sư xuống núi
Khóe mắt còn rưng rưng
Vì sư yêu bóng tối
Ác mộng giữa đường rừng

Tháng 9/1983


Mộng ngày

Ta cỡi kiến đi tìm tiên động
Cõi trường sinh đàn bướm dật dờ
Cóc và nhái lang thang tìm sống
Trong hang sâu con rắn nằm mơ

Đầu cửa động đàn ong luân vũ
Chị hoa rừng son phấn lẳng lơ
Thẹn hương sắc lau già vươn dậy
Làm tiên ông tóc trắng phất phơ

Kiến bò quanh nhọc nhằn kiếm sống
Ta trên lưng món nợ ân tình
Cũng định mệnh lạc loài Tổ quốc
Cũng tình chung tơ nắng mong manh

Ta hỏi kiến nơi nào cõi tịnh
Ngoài hư không có dấu chim bay
Từ tiếng gọi màu đen đất khổ
Thắp tâm tư thay ánh mặt trời?

Ta gọi kiến, ngập ngừng mây bạc
Đường ta đi, non nước bồi hồi
Bóc quá khứ, thiên thần kinh ngạc
Cắn vô biên trái mộng vỡ đôi

Non nước ấy trầm ngâm từ độ
Lửa rừng khuya yêu xác lá khô
Ta đi tìm trái tim đã vỡ
Đói thời gian ta gặm hư vô

Sài Gòn 1984


Vết rạn

Áo lụa mỏng đẹp bờ vai thiếu phụ
Tóc nàng xanh chỉ nói một tình riêng
Tôi nhạc sỹ, nhưng âm thầm ngược gió
Nàng yêu chồng cho giấc ngủ bình yên
Nắng lụa đỏ phủ tường rêu xám bạc
Lá cây xanh nghiêng xuống mắt mơ màng
Người có biết mặt trời kia sẽ tắt ?
Tôi yêu người từ vết rạn thời gian

Tuệ Sỹ


RE: Thơ Tuệ Sỹ - abc - 2023-09-29

hôm nay đi lanh quanh , tình cờ đọc một bài bình thơ , và có chút suy tư
đâu đó vẫn có những vần thơ chạm vào và làm nảy sinh những rung động , chỉ là những rung động khó mà nói thành lời
còn bình thơ thì giống như khi còn đi học ... như là mổ xẻ phân tích bài thơ, đôi khi xuất phát từ những rung động nhưng khi đi sâu vào từng chi tiết thì hình như hơi cưỡng ép . nhưng lấY ý bỏ lời thì đôi khi cũng học được ít nhiều . tui nhìn bài viết dưới đây thì biết là bình thơ , nên chỉ đọc thơ và ngẫm nghĩ xem cái rung động của mình nó nặng nhẹ cỡ nào rồi hãy đọc bài bình

đây là bài thơ (hay trích một phần)

“Em mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn
Khoé môi cười nắng quái cũng gầy hao
Như cò trắng giữa đồng xanh bất tận
Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao.”

và đây là bài bình

Ai có thể tưởng được đây là bài thơ ngắn của một nhà sư?
“Em mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn
Khoé môi cười nắng quái cũng gầy hao
Như cò trắng giữa đồng xanh bất tận
Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao.”

Ở đây không cần phải luận bàn làm gì cái sở học uyên bác và trí tuệ cao thâm của nhà sư tác giả bốn câu thơ ấy. Chỉ nói riêng chút xíu về hồn thơ, hơi thơ của ông qua vài bài thơ mà nhiều người từng đọc và say mê. Trước nhất là bài thơ vừa đọc ở trên (có trong thi phẩm Giấc Mơ Trường Sơn), tựa đề: Thoáng Chốc.
Bài thơ bắt đầu bằng nhân vật ở ngôi thứ ba: “Em” (cô ấy, người ấy); mà cũng có thể là nhân vật ngôi thứ hai lắm! Em. Vâng, tôi nói với em đấy. Không nói bằng lời mà bằng tâm.
Em: mắt biếc, ngây thơ
Tả một người đẹp chỉ bằng mấy chữ. Mắt biếc: cửa sổ tâm hồn. Ngây thơ: tâm hồn. Chỉ nhìn vào cửa sổ là thấy được cái gì ẩn sâu bên trong. Cửa sổ xanh biếc, xanh như ngọc, mở ra một tâm hồn trong trắng ngây thơ. Không những vậy, cái vẻ ngây thơ còn được xác định thêm bằng khung cảnh chung quanh, bằng sự rộn rịp đông đảo của một ngày hội lớn; qua đó, thi nhân thấy “em” ngây thơ chi lạ giữa chốn lễ hội chen chúc những người là người. Lễ hội nào đây? Phải là lễ hội lớn ở chùa thì mắt biếc mới giao cảm với cái nhìn của thi nhân. Tết thượng nguyên? Lễ Phật Ðản? Không. Những ngày lễ hội này vui lắm. Khí trời ấm cúng, lòng người nô nức hân hoan. Không thích hợp để lòng mình bất chợt nẩy sinh một nỗi buồn vu vơ, hoặc bỗng dưng mà tha thiết yêu người như vậy. Phải là ngày Lễ hội Vu Lan. Mùa thu. Gió lành lạnh. Buồn buồn. Một ngày lễ tuy cũng là hội lớn nhưng không rộn ràng vui tươi như ngày xuân hay Phật Ðản. Ngày ấy, những người con xa gia đình sẽ nhớ cha nhớ mẹ hơn; những nhà tu sẽ dễ chạnh lòng hơn.
Nơi sân chùa, tiếng trống, tiếng chuông, tiếng mõ, ban kinh sư nhịp nhàng câu kinh tiếng kệ, hàng nghìn người bu quanh đàn tràng chờ đợi giờ phút giành giật thực phẩm cúng cô hồn… Và em bỗng nổi bật giữa chốn lễ hội ấy, với đôi mắt ngạc nhiên quan sát, tìm hiểu quang cảnh lễ hội một cách thú vị. Và rồi một thoáng bất chợt bắt gặp nhà sư thi sĩ.
Khoé môi cười nắng quái cũng gầy hao
Nắng lúc ấy không còn gay gắt nữa. Màu nắng bỗng dưng dịu xuống… Dịu không phải vì nắng thu mà vì một khoé môi cười. Khoé môi cười làm cho “nắng quái” hao gầy đi, giảm gắt đi. Nói cách khác, trời nắng gắt bỗng dưng êm dịu đi khi nàng nở một nụ cười. Nụ cười gì đấy nhỉ? Cười với ai? Cười với bạn bè? với người thân? hay với nhà sư thi sĩ? Có lẽ là cười với nhà sư. Em mỉm cười thay một lời chào. Nhưng cười thế nào mà nắng quái cũng gầy hao? Cười thế nào mà lòng bỗng bâng khuâng, dìu dịu… để không kềm được lời ca:
Em mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn
Khoé môi cười nắng quái cũng gầy hao

Chưa hết. Ngay lúc ấy, ngay ở quang cảnh tưng bừng lễ hội ấy, mà tự dưng dáng em bỗng trở thành hiện thân của một con cò trắng giữa đồng xanh. Rõ ràng là em đang đứng giữa rừng người mà sao thi nhân lại thấy khác đi. Thấy em nổi bật lên, không phải như con cò trắng đứng giữa bầy cò đen; cũng không phải như con cò trắng đứng giữa bầy gà, bầy vịt, mà đứng giữa đồng xanh bát ngát. Tất cả mọi người chung quanh đều mất dạng, không hiện hữu. Chỉ có một mình em áo trắng, ngây thơ, mắt biếc, đứng giữa đất trời mênh mông.
Như cò trắng giữa đồng xanh bất tận
Mắt biếc, ngây thơ, trong chiếc áo dài trắng, đứng lặng lẽ, nở một nụ cười, giữa đám người chộn rộn. Ôi, đẹp như thế, làm sao mà lòng khỏi bâng khuâng xao động; làm sao mà chẳng thành thơ; làm sao mà khỏi yêu được! Vì vậy:
Ta yêu người
Ðừng vội, hãy đọc ngang đó, ngắt ngang đó thôi. Khoan đọc tiếp mấy chữ cuối. Khoan chấm dứt bài thơ. Hãy dợm một chút ở nơi này. Và hãy mượn bài thơ của thi nhân để diễn tả thể cách yêu bình phàm của chúng ta:
Em mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn
Khoé môi cười nắng quái cũng gầy hao
Như cò trắng giữa đồng xanh bất tận
Ta yêu người.

Ta yêu người, chấm hết. Rồi bắt đầu bước chân chinh phục, chiếm hữu. Bước chân đó mỗi người có một cách riêng, không cần phải nói ra. Chỉ cần: Ta yêu người, là xong.
Cái trình tự thương yêu của người trần sẽ trôi đi như thế. Thấy em mắt biếc, trong trắng, dịu dàng, cười rất có duyên, nổi bật giữa đám phàm phu tục tử khác… thì phải yêu thôi. Vâng, ta yêu người, tôi yêu cô, anh yêu em. Phải là như thế. Bài thơ của chúng ta, dù theo vần điệu và thể loại thì không muốn cắt ngang đó, tức lắm; nhưng trên thực tế đời sống thì chúng ta cắt ngang đó cái rụp, đâu có cần suy nghĩ gì nữa. Ðẹp, có duyên như vậy thì… yêu! Bài thơ chấm dứt, có một đoạn kết rất thực tế, rất phổ thông, rất là người.

(Vĩnh Hảo) Đọc thơ Tuệ Sỹ

ps: hình như Vĩnh Hảo là nhà văn


RE: Thơ Tuệ Sỹ - phai - 2023-09-29

Tôi không là Phật tử nhưng mê thơ vì vậy có nhiều tu-sĩ-nhà-thơ làm tôi mê phục như thầy Tuệ Sĩ hay Giác Nguyên.

Đọc bài thơ trên tôi cũng đắm chìm trong cái đẹp của lời/hồn thơ nhưng vì không phải là Phật tử nên chắc chắn có cái cảm nhận khác với ông Vĩnh Hảo. Viết lời bình thì tôi không viết được vì không quen nên cảm nhận một bài thơ hay cũng chỉ giữ cho riêng mình.

Ông Vĩnh Hảo cũng thơ/văn một bồ và cũng một thời đi tu với thầy Tuệ Sĩ. Sau này vì thời thế nên ông Vĩnh Hảo hoàn tục và lấy vợ, vợ ổng đẹp lắm đó.
Thầy Tuệ Sĩ nghe nói đang bịnh nặng lắm và như là bs nói mạng thầy chỉ còn vài tháng nữa thôi. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất sắp mất đi một tài năng kiệt xuất  Crying-face4 .


RE: Thơ Tuệ Sỹ - abc - 2023-09-29

bạn Phai

tui cũng một ý đó , cái rung động khó diễn tả thành lời

là nhà văn thì viết lách là sở trường nên họ thoải mái hơn khi muốn diễn tả , nhưng khi đọc mình chỉ cảm nhận những gì họ viết ra 

còn cái rung động của bài thơ /object chính thì khác lắm


trong thực tập thiền quán bên đạo Phật , người ta hay nói thấy Pháp , ngộ đạo , đạt đạo theo tui là những rung động này


RE: Thơ Tuệ Sỹ - phai - 2023-09-29

(2023-09-29, 09:15 AM)abc Wrote: bạn Phai

tui cũng một ý đó , cái rung động khó diễn tả thành lời

là nhà văn thì viết lách là sở trường nên họ thoải mái hơn khi muốn diễn tả , nhưng khi đọc mình chỉ cảm nhận những gì họ viết ra 

còn cái rung động của bài thơ /object chính thì khác lắm


trong thực tập thiền quán bên đạo Phật , người ta hay nói thấy Pháp , ngộ đạo , đạt đạo theo tui là những rung động này

Chào sư phụ của Ếch.

Nhất là bài thơ tưởng như thơ tình yêu của một bậc chân tu như thầy Tuệ Sĩ rất khó có thể cảm nhận theo cung cách thường.

“Em mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn
Khoé môi cười nắng quái cũng gầy hao
Như cò trắng giữa đồng xanh bất tận
Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao.”

Ba câu trên là ba câu thơ rất đẹp tả cái đẹp của "em", mỗi người chúng ta có thể thấy cái đẹp rất khác biệt.

Nhưng câu kết "ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao" như là có bãng lãng trầm hương dấu thiền. 
Ừ, thì ta yêu người đó bởi vì người đáng yêu như ba câu thơ trên thì có ai mà cưỡng nổi nhưng ta, tác giả, yêu chỉ vì một sát na của "khoảnh khắc chiêm bao", một sát na của "mộng" đã làm hồn thi sĩ trong ta rung động. Nhưng sau một sát na mộng đó ta lại trở về với ta thực.


Ngẫm nghĩ thêm về bài thơ. Bài thơ do một tu sĩ viết nhưng ta ở trong thơ cũng có thể là bất cứ "ta" nào đã đọc. 
Ngày hội lớn không nhất thiết là lễ hội nào đó mà cũng có thể là cuộc hội nhân gian ta và em tình cờ gặp nhau. Nhân gian phải chăng là cuộc hội lớn nhất của đời người, bất kỳ những ngày hội khác ta có thể không tham gia nhưng "cuộc hội ngộ nhân gian" chắc chẳng ai muốn mất đi  Wink   
Hẳn ai trong chúng ta, những người có chút máu lãng mạn, cũng đã thấy xao xuyến rung động khi tình cờ thấy một "mắt biếc ngây thơ" một "môi cười làm gầy hao nắng quái" ở nơi nào đó giữa đời.
Nên giữa phố chợ đông người, bãi biển nên thơ ... mà thấy em của ba câu thơ đầu thì hỏi sao ta của câu thơ cuối không vì "khoảnh khắc chiêm bao" mà yêu người.


RE: Thơ Tuệ Sỹ - abc - 2023-09-29

bạn Phai 

tui nói gọn là ... có một chút gì đó ... một chút thôi là ...

Grinning-face-with-smiling-eyes4


RE: Thơ Tuệ Sỹ - anattā - 2023-09-29

(2023-09-29, 09:35 AM)phai Wrote: Chào sư phụ của Ếch.

Nhất là bài thơ tưởng như thơ tình yêu của một bậc chân tu như thầy Tuệ Sĩ rất khó có thể cảm nhận theo cung cách thường.

“Em mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn
Khoé môi cười nắng quái cũng gầy hao
Như cò trắng giữa đồng xanh bất tận
Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao.”

Ba câu trên là ba câu thơ rất đẹp tả cái đẹp của "em", mỗi người chúng ta có thể thấy cái đẹp rất khác biệt.

Nhưng câu kết "ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao" như là có bãng lãng trầm hương dấu thiền. 
Ừ, thì ta yêu người đó bởi vì người đáng yêu như ba câu thơ trên thì có ai mà cưỡng nổi nhưng ta, tác giả, yêu chỉ vì một sát na của "khoảnh khắc chiêm bao", một sát na của "mộng" đã làm hồn thi sĩ trong ta rung động. Nhưng sau một sát na mộng đó ta lại trở về với ta thực.


Ngẫm nghĩ thêm về bài thơ. Bài thơ do một tu sĩ viết nhưng ta ở trong thơ cũng có thể là bất cứ "ta" nào đã đọc. 
Ngày hội lớn không nhất thiết là lễ hội nào đó mà cũng có thể là cuộc hội nhân gian ta và em tình cờ gặp nhau. Nhân gian phải chăng là cuộc hội lớn nhất của đời người, bất kỳ những ngày hội khác ta có thể không tham gia nhưng "cuộc hội ngộ nhân gian" chắc chẳng ai muốn mất đi  Wink   
Hẳn ai trong chúng ta, những người có chút máu lãng mạn, cũng đã thấy xao xuyến rung động khi tình cờ thấy một "mắt biếc ngây thơ" một "môi cười làm gầy hao nắng quái" ở nơi nào đó giữa đời.
Nên giữa phố chợ đông người, bãi biển nên thơ ... mà thấy em của ba câu thơ đầu thì hỏi sao ta của câu thơ cuối không vì "khoảnh khắc chiêm bao" mà yêu người.

Tôi đọc bài thơ và chưa nghĩ ra được cái ý của "khoảnh khắc chiêm bao", nhưng khi đọc đến lời bình của Phai thì tôi đồng tình và cảm thấy rất gần hoặc hợp với ý của nhà thơ về bốn chữ đó.  Winking-thumbs-up-smiley-emoticon

Còn chữ "nắng quái" thì Phai nghĩ sao? 

Tôi đang hình dung, mường tượng về cái nắng-mà-quái này. Chắc có lẽ khi khóe môi em nở nụ cười, thì cái nắng bốc khói, nắng gắt... bổng nhiên hạ nhiệt xuống và khiến không khí xung quanh mát dịu hẳn đi.

Clinking-beer-mugs4


RE: Thơ Tuệ Sỹ - phai - 2023-09-29

(2023-09-29, 07:33 PM)anattā Wrote: Tôi đọc bài thơ và chưa nghĩ ra được cái ý của "khoảnh khắc chiêm bao", nhưng khi đọc đến lời bình của Phai thì tôi đồng tình và cảm thấy rất gần hoặc hợp với ý của nhà thơ về bốn chữ đó.  Winking-thumbs-up-smiley-emoticon

Còn chữ "nắng quái" thì Phai nghĩ sao? 

Tôi đang hình dung, mường tượng về cái nắng-mà-quái này. Chắc có lẽ khi khóe môi em nở nụ cười, thì cái nắng bốc khói, nắng gắt... bổng nhiên hạ nhiệt xuống và khiến không khí xung quanh mát dịu hẳn đi.

Clinking-beer-mugs4

Cảm ơn thiền sư đã đồng tình với cảm nhận của tôi về "khoảnh khắc chiêm bao". Trong đời mình đã biết bao lần có những "khoảnh khắc chiêm bao" như vậy, phải không  Wink ?

Còn "nắng quái" tôi cũng cảm nhận giống anh "nắng-mà-quái". Có rất nhiều chữ dùng để tả nắng như anh viết "nắng gắt/xế", "ngày/chiều/sáng nắng", "nắng cháy/lửa/đỏ" vv nhưng tại sao nhà thơ lại dùng chữ "quái" cho nắng. Tôi cảm nhận chữ "quái" nhà thơ cố ý dùng để tương phản với chữ "thiện". Cái nắng quái dị của cuộc đời hay cái nắng quái trừu tượng (cái bất thiện) đang làm tâm hồn ta khô nẻ cằn cỗi, cái nắng quái đó bỗng chốc thành gầy hao khi môi em chợt mỉm cười. Vì nắng quái đó đã gầy hao nên ta thấy đời bỗng thành một cánh đồng xanh bất tận để cánh cò em hay lòng ta thênh thang xoải cánh. 

My 1 Canadian cent  Wink .


RE: Thơ Tuệ Sỹ - anattā - 2023-09-30

(2023-09-29, 08:43 PM)phai Wrote: Cảm ơn thiền sư đã đồng tình với cảm nhận của tôi về "khoảnh khắc chiêm bao". Trong đời mình đã biết bao lần có những "khoảnh khắc chiêm bao" như vậy, phải không  Wink ?

Còn "nắng quái" tôi cũng cảm nhận giống anh "nắng-mà-quái". Có rất nhiều chữ dùng để tả nắng như anh viết "nắng gắt/xế", "ngày/chiều/sáng nắng", "nắng cháy/lửa/đỏ" vv nhưng tại sao nhà thơ lại dùng chữ "quái" cho nắng. Tôi cảm nhận chữ "quái" nhà thơ cố ý dùng để tương phản với chữ "thiện". Cái nắng quái dị của cuộc đời hay cái nắng quái trừu tượng (cái bất thiện) đang làm tâm hồn ta khô nẻ cằn cỗi, cái nắng quái đó bỗng chốc thành gầy hao khi môi em chợt mỉm cười. Vì nắng quái đó đã gầy hao nên ta thấy đời bỗng thành một cánh đồng xanh bất tận để cánh cò em hay lòng ta thênh thang xoải cánh. 

My 1 Canadian cent  Wink .

 Không hiểu sao, nhà văn Vĩnh Hảo bình đoạn thơ 4 câu đó lại bỏ qua từ "nắng quái"? Ông giả bộ quên để cho những nhà văn thơ khác bình, hay là vì lý do nào khác?

Lời phân tích của Phai về "nắng quái" nghe có lý. Thank you. Cá nhân  anatta thì đồng tình bảy phần, vì cảm thấy dường như vẫn còn thiêu thiếu cái gì đó (ba phần còn lại) ở cái chữ "quái" này, mà nghĩ chưa ra. :)

Clinking-beer-mugs4


RE: Thơ Tuệ Sỹ - phai - 2023-09-30

(2023-09-30, 04:01 PM)anattā Wrote:  Không hiểu sao, nhà văn Vĩnh Hảo bình đoạn thơ 4 câu đó lại bỏ qua từ "nắng quái"? Ông giả bộ quên để cho những nhà văn thơ khác bình, hay là vì lý do nào khác?

Lời phân tích của Phai về "nắng quái" nghe có lý. Thank you. Cá nhân  anatta thì đồng tình bảy phần, vì cảm thấy dường như vẫn còn thiêu thiếu cái gì đó (ba phần còn lại) ở cái chữ "quái" này, mà nghĩ chưa ra. :)

Clinking-beer-mugs4

Anh đồng tình 5 phần là tôi vui lắm rồi Face-with-stuck-out-tongue-and-winking-eye_1f61c vì mỗi người có một cái cảm nhận khác nhau. Nhất là những bài thơ phảng phất hương thiền thi chứ còn như "em tan trường về anh theo Ngọ về" đọc lên ai cũng thấy cùng một khung cảnh  Wink .

Anh nói đúng cả bài thơ với những ngôn từ đẹp như một bức tranh bỗng dưng xen vào chữ "quái", khi tôi đọc bài thơ lần đầu tiên tự nhiên bị khựng lại ở chữ "quái" đó. Thầy Tuệ Sĩ uyên thâm như vậy hẳn là có dụng ý khi dùng chữ này, ý thầy như thế nào ta chỉ biết đoán và cảm nhận theo suy nghĩ của riêng ta.


RE: Thơ Tuệ Sỹ - Ech - 2023-09-30

Biết đâu lỡ tay đánh nhầm nắng quá thành nắng quái Shy


RE: Thơ Tuệ Sỹ - phai - 2023-09-30

(2023-09-30, 05:21 PM)Ech Wrote: Biết đâu lỡ tay đánh nhầm nắng quá thành nắng quái Shy

Đúng là Ếch, nói chuyện đâm hơi thật  Wink .


RE: Thơ Tuệ Sỹ - JayM - 2023-09-30

Lúc trời vừa mưa vừa nắng, Jay thấy ánh nắng có vẻ "quái" thật.  Smiling-face-with-halo4


RE: Thơ Tuệ Sỹ - phai - 2023-09-30

Tò mò hỏi google tiên sinh thì ra tiếng Việt mình có hai chữ "nắng quái"

[Image: 2023-09-30-210926.png]

Nhưng mà nếu "nắng quái" là nắng đã yếu lúc chiều tà thì đâu cần tới môi em cười để nắng gầy hao.

Vậy thì câu thơ chắc chỉ đơn giản tả "em" đứng mỉm cười trong ánh nắng gầy hao của một buổi chiều  Shy .


RE: Thơ Tuệ Sỹ - anattā - 2023-10-01

(2023-09-30, 04:48 PM)phai Wrote: Anh đồng tình 5 phần là tôi vui lắm rồi Face-with-stuck-out-tongue-and-winking-eye_1f61c vì mỗi người có một cái cảm nhận khác nhau. Nhất là những bài thơ phảng phất hương thiền thi chứ còn như "em tan trường về anh theo Ngọ về" đọc lên ai cũng thấy cùng một khung cảnh  Wink .

Anh nói đúng cả bài thơ với những ngôn từ đẹp như một bức tranh bỗng dưng xen vào chữ "quái", khi tôi đọc bài thơ lần đầu tiên tự nhiên bị khựng lại ở chữ "quái" đó. Thầy Tuệ Sĩ uyên thâm như vậy hẳn là có dụng ý khi dùng chữ này, ý thầy như thế nào ta chỉ biết đoán và cảm nhận theo suy nghĩ của riêng ta.

Như Phai đã thấy sự suy nghĩ của tôi về "nắng quái" ở post đầu tiên, thì tôi chỉ cảm nhận được tới đó thôi  -- mà điều này cũng cho thấy rõ là những người biết hay thường làm thơ thì cái cảm nhận của họ về một bài hay đoạn thơ nào đó thì sâu rộng hơn là những độc giả tay ngang như tôi chẳng hạn -- đến khi đọc lời bình của Phai về "nắng quái" thì tôi ngạc nhiên pha lẫn lý thú, và từ lời bình đó tôi mới nương vào và phóng tầm suy nghĩ của mình xa hơn. Chứ trước đó thì chưa có nghĩ thêm được. 

Nên tôi mới nghĩ ngợi thêm về Nắng-quái, và tôi nghĩ rằng thầy Tuệ Sĩ biết về Hán văn khi dùng chữ "quái" này, có thể là ngụ ý "bất thiện" và "thiện" chăng, sự hòa quyện cả hai. Chữ "quái" có nghĩa xấu và tốt (hay). Nghĩa xấu của nó chẳng hạn như là yêu quái (bất thiện), nghĩa ẩn (hay, độc đáo) của nó là "lạ lùng, kỳ dị" như là "quái xế", "quái chiêu". Cảm tưởng cá nhân thì tôi nghiêng về chữ quái hàm ý cả hai, mà như đoạn thơ đã diễn tả thì phần bất-thiện nhiều hơn phần thiện, và tôi suy nghĩ xem 3 phần thiện còn lại đó hình dung nắng-quái như thế nào đây, mà tôi vẫn chưa nghĩ ra được. Nếu thầy có ý dùng "quái" hoàn toàn với nghĩa bất-thiện thì cá nhân tôi đã tưởng tượng quá đà, quá xa, chệch hướng, lạc lối luôn rồi.  2leluoi

Nghĩa nắng-quái trong tự điển của Hồ Ngọc Đức thì tôi thấy nó không ăn chịu gì đến chữ "nắng quái" trong đoạn thơ của thầy Tuệ Sỹ.
Cheer