Cờ bạc là bác THẰNG BẦN
#16
Umbrella


Thua 50 triệu đồng sau 30 phút đánh bạc online


'Còn thở là còn gỡ, suy nghĩ đó khiến tôi thua trắng gần 100 triệu đồng trong một tháng vì cờ bạc online'.

"Tôi từng chơi cờ bạc online và đã thua hết 50 triệu đồng (số tiền này tôi rút ra từ thẻ tín dụng) trong vòng 30 phút vì tin theo lời tư vấn của tuyến trên. Sau đó là những chuỗi ngày bán vàng, bán chứng khoán, vay mượn người thân, chờ nhận lương để có tiền nạp vào tài khoản để tiếp tục chơi vì tôi quyết tâm phải gỡ gạc lại số tiền đã mất bằng niềm tin "còn thở là còn gỡ". Nhưng càng chơi, tôi càng thua và càng cay cú, tôi chơi cả ngày lẫn đêm và tôi đã thua thêm gần 40 triệu đồng nữa trong vòng một tháng.

Tôi rất hiểu cảm giác của các bạn dính vào cờ bạc vì tôi từng trải qua. Vì thế, tôi chân thành khuyên các bạn hãy dừng tay và tìm kiếm công việc khác mà làm ăn, hoặc xem một bộ phim giải trí nào đó để tĩnh tâm lại. Những gì đã mất rồi thì đừng nên tiếc nuối nữa, dừng lại sớm sẽ mất ít, càng lún sâu lại càng mất nhiều. Tôi buông bỏ được vì tôi biết những người từng chơi cờ bạc online chẳng ai có kết quả tốt đẹp cả. Quay đầu là bờ".

Đó là chia sẻ của độc giả Mailemaichi về bài học xương máu khi dính vào tệ nạn cờ bạc online. Nạp tiền thật, chơi bằng tiền ảo rồi lại rút ra bằng tiền thật, đó chính là ma lực thu hút số lượng người chơi bài bạc trên các trang web đánh bạc trực tuyến. Mỗi ván chơi chỉ diễn ra trong chưa đầy hai phút, các con bạc bị mờ mắt bởi số tiền lớn có thể thu được nếu thắng cuộc nên không ngần ngại ném vào hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Thế nhưng, phần đông trong số nó đều kết thúc trong cảnh trắng tay, càng gỡ càng thua.

Cũng từng có người quen dính vào cờ bạc, bạn đọc Mèo Con chia sẻ: "Bạn tôi mê cờ bạc, làm cho gia đình bao phen sóng gió, nhà cửa, đất đai của bố mẹ phải bán hết để trả nợ cho con. Điều đó đồng nghĩa với việc bố mẹ phải làm việc nhiều hơn để mưu sinh. Bạn tôi từng là niềm tự hào của cha mẹ, nhưng giờ tất cả chỉ còn lại sự tự ti với hàng xóm, láng giềng, là sự lo lắng cho cuộc sống cả gia đình về sau, nỗi trăn trở không biết con có thoát được khỏi cờ bạc với bao lần hứa hẹn.

Thương bố mẹ lao lực vì mình, bạn tôi phần nào dứt ra được cơn nghiện cờ bạc để làm lại, nhưng cũng chỉ được phần nào mà thôi. Mỗi khi có một chút tiền lương và thời gian nhàn rỗi, bạn tôi lại muốn chơi một chút cho vui. Nhưng vui đâu không thấy, cứ sau mỗi lần như vậy, tôi lại thấy bạn hỏi vay tiền khắp nơi và nợ nần chồng chất.

Giờ đây, bạn bè đều xa lánh. Và tất nhiên chuyện đó cũng không giấu được bố mẹ. Làm việc mệt nhọc dưới tâm lý luôn đau đáu vì con, người mẹ ấy đã không may bị tai nạn và qua đời. Tôi gọi cho bạn động viên nhưng cũng không nói được gì nhiều vì đầu dây bên kia chỉ nghe thấy tiếng khóc".

Đồng cảm với những hoàn cảnh éo le khi dính vào cờ bạc, độc giả Huệ Trần bày tỏ: "Bạn nữ cùng phòng với tôi hai lần trốn nợ vì cá độ bóng đá. Đến lần thứ ba, tôi cho mượn 15 triệu đồng để trả nợ. Bạn hứa với tôi rằng 'có chết cũng không động tới bóng bánh nữa'. Nhưng cứ mỗi khi tới mùa bóng là chân tay bạn lại ngứa ngáy. Bao nhiêu tiền tích trữ, bạn lại đổ vào cá độ. Hết tiền, bạn lại quay qua làm nhà cái, thức đêm thức hôm để kiếm được 100-200 ngàn đồng.

Bệnh dạ dày của bạn di căn, muốn chuyển qua ung thư, cộng thêm việc thức đêm làm bạn ngày càng xuống sức. Làm ra được 1-2 triệu đồng, bạn lại đi cá độ. Ăn không được thì coi như làm không công. Mùa dịch này, bạn ở nhà, không tiền, nên lại ngồi canh bóng. Giờ đến 100 ngàn đồng bạn cũng không có, nợ nần lên đến mấy chục triệu đồng, ngày nào cũng than chán, muốn chết".

Trong khi đó, chia sẻ về kinh nghiệm vượt qua cơn nghiện cờ bạc, bạn đọc Thongpvuit cho rằng: "Bản thân tôi cũng từng vướng vào cá độ bóng đá online. Ban đầu, thấy bạn bè chơi cũng có thắng, có thua, lại thích xem bóng đá nên tôi thử xem thế nào, rồi nghiện lúc nào không hay. Ai vướng vào hoàn cảnh đó mới biết được, muốn dứt nhưng không biết làm thế nào, vì tâm lý thắng thua cứ ám ảnh, khiến tôi tiếc nuối.

Thời buổi dịch bệnh khó khăn này, nếu còn có công việc để làm, hãy cố gắng tiết kiệm trả nợ. Lương hàng tháng, thay vì giữ lại, bạn hãy chuyển về cho cha mẹ giữ hộ, chỉ nên để lại một khoản đủ chi tiêu sinh hoạt phí mà thôi. Bạn cũng không nên để tiền trong tài khoản mà nên chuyển thành tiền mặt, vì khi không có tiền trong tài khoản, bạn cũng dễ cai nghiện cờ bạc online hơn.

Bên cạnh đó, hãy cố gắng đọc sách, nghe nhạc thiền sẽ giúp bản thân nhẹ nhàng và suy nghĩ thoáng hơn. Cuối cùng, hãy xem quanh ta vẫn còn nhiều người nghèo khổ, khó khăn, thế nên thay vì 'đốt tiền' vào cờ bạc, bạn có thể dùng số tiền đó, dù ít hay nhiều, để giúp đỡ những hoàn cảnh đáng thương khác".

Lấy dẫn chứng về chính con đường vượt qua cơn nghiện cờ bạc của bản thân, độc giả Home2019town chia sẻ: "Tôi biết đến cờ bạc online qua bạn bè, và đã mất tất cả số tiền tiết kiệm vào đó. Nhiều đêm, tôi thức trắng đến tận sáng, tiền mất, sức khỏe giảm... trong khi không có ai bên cạnh. Nhưng tôi đã hoàn toàn thoát ra khỏi cờ bạc online và bắt đầu đi làm để tiết kiệm lại từ đầu. Đến hiện tại, tôi cũng đã có được số tiền để cuộc sống yên bình mặc dù không nhiều.

Tôi nghĩ rằng, mình cần chia sẻ những kinh nghiệm bản thân đã trải qua đến những người đang bị lạc đường để giúp các bạn từ bỏ cờ bạc và làm lại từ đầu:

1. Cài đặt lại điện thoại, laptop - nơi mà bạn đã dùng tài khoản online để chơi. Mục đích khi bạn cài đặt lại mọi thứ là dần dần sẽ không nhớ được tên và mật khẩu của app đó.

2. Hãy lên mạng xem phim để giải trí, nó sẽ giúp bạn không còn suy nghĩ về cờ bạc, dần dần sẽ quên tài khoản và mật khẩu app cờ bạc.

3. Hãy phụ và làm tất cả các việc có thể để giúp cha mẹ, không để thời gian rảnh rỗi nhiều để bớt cơ hội tiếp cận lại cờ bạc online.

Những hành động ở trên sẽ chiếm lấy đi gần như tất cả quỹ thời gian của bạn, dần dần bạn sẽ không còn nghĩ về cờ bạc nữa, thậm chí quên luôn website, tài khoản và mật khẩu của cờ bạc online.

Hãy luôn nhớ trong đầu một câu rằng: 'Nếu bạn có thể đứng dậy lần này thì sẽ mãi mãi không bao giờ gục ngã nữa' ".

Thành Lê
Reply
#17
Umbrella


Làm lại cuộc đời sau 22 năm 'phá gia chi tử'

Tôi biết đánh lô đầu tiên năm 16 tuổi, rồi lần lượt 'nướng sạch' toàn bộ số tiền dành dụm, tích góp của bố mẹ vào lô đề.

Tôi là người gốc Nam Định, sáu tuổi lên Hà Nội theo gia đình. Giờ tôi đã gần 40 tuổi, sống ở Sài Gòn cũng được 15 năm, lấy vợ từ năm 28 tuổi. Năm 16 tuổi, tôi biết đánh con lô đầu tiên. Suốt từ đó đến năm tôi 22 tuổi là một chuỗi ngày đau khổ của bố mẹ. Đến bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy xót xa và thương họ.

Tôi trộm từ cái nhẫn của mẹ, đến con heo đất bà tiết kiệm, tôi còn nhớ rất rõ ánh mắt của bà thẫn thờ khi thấy số tiền dành dụm vất vả bao năm trời đã bị tôi lấy hết và "nướng sạch" vào lô đề từ lúc nào. Bao nhiêu tiền của bố mẹ tôi tằn tiện tích góp đều phải mang đi trả nợ hết cho tôi. Lắm lúc, có kẻ đến nhà đòi bợ, mẹ tôi lại phải lạy lục van xin được mỗi tháng trả dần 500.000 đồng cho tới khi hết nợ.

Hồi cấp hai, bố tôi bảo "con chỉ cần thi đỗ tốt nghiệp thôi, rồi lên cấp ba bố lo cho". Khi ấy tôi chỉ mải chơi, chẳng học hành gì, quyển vở cả năm học cũng không ghi được hết năm trang giấy, bố mẹ tôi buồn lắm. Nhưng rồi gần đến kỳ thi, tôi ôn luyện và thi đậu vào trường cấp ba thuộc "top 5" của Hà Nội bấy giờ, đến mức cô chủ nhiệm cũng không tin nổi.

Học cấp ba, tôi vẫn chứng nào tật ấy, lại thêm cái khoản chơi bởi hư hỏng, lô đề. Mẹ tôi khóc suốt, còn bố chỉ mong tôi ráng học hết cấp ba để có cái bằng tốt nghiệp, rồi sẽ cho tôi đi nghĩa vụ quân sự để mong con được ngoan ngoãn như người ta. Ai ngờ, tôi tốt nghiệp cấp ba loại giỏi, đậu vào trường đại học yêu thích. Bố té ngửa không hiểu tôi thi kiểu gì trong khi cả ba năm học đều là học sinh kém, nổi tiếng nghịch ngợm.

Học xong đại học, 22 tuổi, tôi bỏ vào Sài Gòn, coi như đi trốn nợ và không quên lấy nốt chiếc xe máy còn lại của bố. Tôi gọi điện chỉ chỗ cầm đồ cho ông mang tiền ra chuộc lại. Tóm lại, tôi là điển hình cho sự khốn nạn của một đứa "phá gia chi tử".

Thế rồi gần 20 năm trôi qua, bằng sự may mắn và nỗ lực, giờ tôi có nhà, có xe, có vợ con ở tuổi 37. Trong khi đó, nhiều bạn của tôi hồi đó là học sinh giỏi, giờ cũng chỉ là nhân viên bình thường với lương tháng chục triệu. Thế mới thấy, học giỏi hay không, không hẳn quyết định tương lại của mình. Bố mẹ bây giờ rất yên tâm về tôi. Tôi cũng luôn cố gắng về thăm ông bà, hay thỉnh thoảng kiếm lý do, đặt vé cho ông bà vào đây chơi, đi du lịch mỗi năm vài lần, để mong muốn bù đắp lại những chuỗi ngày cực khổ vì tôi năm xưa.

Thế nên, nếu bạn có dính vào cờ bạc, lô đề và đang nợ nần hàng trăm triệu cũng chưa là gì cả. Quan trọng nhất là trước tiên bạn phải bỏ được chúng đã. Cờ bạc, lô đề rất dễ ngấm vào máu, vì khoa học đã chứng minh, khi đánh bạc, cơ thể tiết ra một loại hormone gây hưng phấn và dễ nghiện. Hãy tránh xa môi trường tiêu cực và bạn có thể làm lại được tất cả, miễn là bạn cho thấy mình quyết tâm tới mức nào. Đừng để sa lầy thêm nếu không bạn sẽ mất tất cả.

Nói thật, đến giờ, tôi vẫn không hiểu vì sao ngày xưa tôi có thể làm được mấy việc tày đình đó nữa. Giờ có nhà, xe đầy đủ, tất cả đều là do tôi tự làm ăn, bằng kinh nghiệm và chút may mắn của mình. Hy vọng các bạn đang ở trong tình cảnh giống tôi của quá khứ sẽ sớm tìm được lối thoát và làm lại cuộc đời mình khi còn chưa muộn.

Moon Autumn
Reply
#18
Umbrella


U30 gánh nợ tiền tỷ


29 tuổi, từ một kẻ 'tay trắng thành công' được mọi người ngưỡng mộ, tôi bỗng đánh mất hết mọi thứ.

Năm nay tôi 29 tuổi, đã có một bé trai đang học lớp 3 và một bé gái gần một tuổi. Từ cách đây chín năm, tôi cũng từng kinh doanh, buôn bán rất thuận lợi. Sẵn đà thừa thắng xông lên, cộng với khao khát tuổi trẻ, ham làm giàu nhanh để lo cho gia đình, giúp vợ con có cơ hội thay đổi cuộc sống, tôi đã đánh liều vay thêm hơn một tỷ đồng để làm ăn. Với số vốn kiếm được 600 triệu đồng trong hai năm đầu kinh doanh, tôi mở thêm năm cửa hàng thời trang nữa.

Thời gian đầu, mọi thứ dường như rất ổn định, tôi kiếm tiền khá dễ. Những cũng chính điều đó khiến tôi bắt đầu mải chơi, sa vào các tệ nạn và bị cuốn theo chiều tiêu cực lúc nào không hay. Chểnh mảng làm ăn, các cửa hàng của tôi dần mất khách, khiến doanh thu bị sụt giảm rất nhiều. Tôi kinh doanh lay lắt như vậy cho đến năm 2019 thì chính thức sập tiệm. Trong tay tôi khi ấy chỉ còn duy nhất một cửa hàng, cố bám víu vào đó để duy trì cuộc sống cho gia đình và chi trả tiền lãi ngân hàng mỗi tháng.

Trong thoáng chốc, tôi đã đánh mất hết mọi thứ mà mình đã mất bao công sức gây dựng, làm cho vợ con, gia đình cũng bị liên lụy, khổ theo. Vợ tôi âm thầm chịu đựng, hy sinh bản thân, thậm chí còn sẵn sàng về ngoại vay tiền để trả bớt những khoản nợ cần thiết. Chứng kiến chồng điêu đứng, gia đình lâm vào cảnh khó khăn, túng quẫn, bản thân vất vả tới mấy nhưng vợ tôi vẫn luôn một lòng động viên tôi làm lại từ đầu.

Mẹ tôi năm nay đã 50 tuổi, nhưng vẫn phải đi làm để có tiền lo cho các con, đỡ đần phần nào gánh nặng kinh tế gia đình. Mẹ thậm chí còn làm mọi thứ để lo trả nợ cùng vợ chồng tôi. Nghĩ lại tất cả, tôi càng thấy điều đáng tiếc nhất của cuộc đời mình chính là lúc làm được mà không biết giữ. Thời trước, tôi từ một đứa không học hết phổ thông, chỉ có hai bàn tay trắng bước vào kinh doanh, ấy vậy mà thành công rực rỡ, là tấm gương mơ ước của biết bao nhiêu người. Những đó đã là chuyện của quá khứ.

Giờ đây, cuộc sống của tôi khổ cực và mệt mỏi vô cùng do nợ nần chồng chất. Niềm tin trong tôi cũng còn nữa. Tôi mất hết các mối quan hệ bạn bè, làm ăn... Vợ tôi từng mơ ước đi làm ở bệnh viện, thích xe Vespa - ước mơ tưởng chừng như rất đơn giản với nhiều người, nhưng giờ tôi cũng không thể làm được cho vợ. Đêm nào tôi cũng chỉ còn biết dằn vặt, suy nghĩ, tự trách bản thân mình đã lầm đường để rồi phải trả giá.

Hy vọng các bạn đọc được những chia sẻ này của tôi hãy lấy đây làm bài học sống cho mình, để đừng vì những lạc thú ở đời mà đánh mất bản thân, đánh mất bàn đạp tương lai của mình rồi phải trả cái giá quá đắt.

Nguyen Huu Hoat
Reply
#19
Umbrella


Tay trắng tuổi 30

Không nhà, không xe, mất việc, tài khoản tiết kiệm gần âm, bạn gái mới chia tay... tuổi 30 của tôi gói gọn trong hai từ 'thất bại'.

Tự nhìn nhận lại bản thân khi vừa bước sang ngưỡng cửa 30 tuổi, tôi thấy một chuỗi những thất bại, từ sự nghiệp đến chuyện tình cảm. Tôi tự hỏi, tại sao tuổi 30 lại áp lực đến vậy? 30 tuổi của tôi hiện tại không nhà, không xe, tài khoản tiết kiệm gần âm, bạn gái mới chia tay, mất việc, chỉ có kinh nghiệm làm việc khoảng sáu năm.

Không có nền tảng gia đình tốt nên khi bước ra cuộc sống, tôi hiển nhiên có nhiều mong cầu. Nhưng cuộc đời mỗi người là không giống nhau, tùy vào những con đường mà chúng ta lựa chọn mà kết quả của chặng đường được chốt lại ở ngưỡng 30 tuổi là khác nhau. Có người khá thành công khi vợ con đề huề, chất lượng cuộc sống tốt, có điều kiện chăm sóc cho gia đình; có những người trở thành những chuyên gia trong ngành, công việc thăng tiến; những cũng có những người như tôi, cảm nhận được sự thất bại.

Những năm đầu lúc mới ra trường, với trình độ chuyên môn, khả năng sáng tạo, cộng thêm một chút may mắn, được giới thiệu, nên tôi có thể tự viết phần mềm và bán cho doanh nghiệp. Với chút vốn ít ỏi có được, cộng với khoản tích góp khi đi làm cho doanh nghiệp nước ngoài trong vài năm, tôi đứng ra khởi nghiệp với niềm tin tự chủ tài chính và phát triển vững mạnh công ty. Khi đó, tôi có một số thành tựu nhất định về công nghệ. Nhưng rồi hiện tại, công ty đã phá sản vì những lý do khách quan, lẫn chủ quan.

Nói về thành công thì hiện tại là quá xa vời với tôi. Vì tôi là người phải tự mình làm và tự chịu trách nhiệm, nên một cú ngã như vậy cũng khiến tôi khó khăn để gượng dậy. Ngồi trong căn phòng, nơi bốn bức tường bao quanh, tôi thấy lạc lõng giữa những hướng đi của cuộc đời mình. Tôi không muốn so sánh bản thân với người khác để sống chậm hơn và tự an ủi mình rằng "rồi từ từ tôi sẽ vượt qua nó".

Tôi của tuổi 30 hiện tại là như vậy, thành công là bản thân vẫn còn lành lặn, sức khỏe vẫn còn tốt, sáng ngủ dậy thấy tim còn đập, não vẫn còn suy nghĩ bình thường. Tôi thấy mấy đứa nhỏ mới vào đại học toàn gọi mình là "chú", có lẽ vì tôi quá già nua sau những sóng gió đầu đời. Hay những lúc về thăm nhà, sẽ luôn có những câu hỏi như "bao giờ con lấy vợ?", "công việc của con như thế nào rồi?"... chờ sẵn tôi. Nhưng nhìn ba mẹ già vẫn còn khoẻ, tôi lại thầm cảm ơn cuộc đời và chỉ mỉm cười, đáp rằng tôi ổn.

Tôi không biết các bạn đồng trang lứa có đang phải chịu những áp lực giống như tôi hay không, nhưng nếu bạn đang phải đối mặt với những thất bại trong cuộc sống, cảm thấy tuyệt vọng, thì hãy nhìn vào câu chuyện của tôi.

Với tôi, những khó khăn ở tuổi 30 vẫn chưa phải là gì cả, đồng hồ của tôi có thể chạy hơi chậm, hoặc dù nó bị đứng kim luôn thì cuộc đời mình sinh ra để trải qua những điều đó. Tôi mong các bạn sẽ dám đối mặt với những áp lực đang gặp phải để vượt qua nó và hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Van
Reply
#20
Umbrella


Tái nghiện cờ bạc sau 3 năm


Tôi 30 tuổi, có vợ và con gái 3 tuổi. Khi viết ra những dòng này tôi không biết ngày mai sẽ phải đối diện với mọi người như thế nào.

Tôi lái xe cho công ty, rảnh rỗi và thu nhập khá ổn. Bốn năm trước tôi dính vào lô đề, chơi hết hơn 100 triệu tiền tiết kiệm, nợ chủ lô đề 40 triệu. Gia đình biết và tôi chọn cách đi làm trả nợ dần, sau nửa năm tôi cũng trả hết, cứ nghĩ mình bỏ được cờ bạc rồi. Sau đó tôi chọn đi công trình trong miền Tây, làm việc ở đấy 3 năm để không nghĩ gì đến lô đề nữa.

Một năm trở lại đây tôi chuyển ra Bắc làm việc, lại dính vào cờ bạc. Hàng tháng tôi vẫn gửi tiền cho vợ nhưng luôn lấy lý do để giảm bớt số tiền, hai tháng gần đây chưa đưa vợ đồng nào. Giờ số nợ lên gần 100 triệu rồi, tôi vẫn chưa đủ dũng cảm để nói với gia đình, cầu xin mọi người tha thứ. Với ai tôi cũng nói dối để mượn tiền, thấy thật xấu hổ cho gia đình và vợ con. Ngày mai tôi chọn cách nói ra tất cả để mọi người biết được sự tồi tệ của bản thân, để họ xa lánh tôi thì tôi mới có cơ hội làm lại cuộc đời, vòng xoáy cờ bạc nó làm tôi xấu xa quá rồi. Giờ tôi chỉ muốn đi công trình bên nước ngoài để không còn tiếp xúc với cờ bạc nữa, làm trả nợ. Nhưng tôi chỉ sợ vợ con sẽ rời xa tôi. Tôi không muốn mất gia đình. Mong mọi người cho tôi lời khuyên

Long
Reply
#21
người ta kêu là

Có cháy nhà , mới lòi đuôi chuột



nếu cha mẹ ham mê ngồi sòng
thì sao đòi hỏi con cái mình sống ngoan được ??
bây giờ .. Vân mới hiểu .. vì sao cha mẹ bó tay , không dám dạy con
mình có nên thân đâu ... mà đòi dạy nó

Suytu
Reply
#22
Umbrella


Em tôi dùng 400 triệu tiền tiết kiệm để chơi bạc online


Em trai tôi 28 tuổi, sống cùng tôi. Trước đây em vốn là người chịu khó và tử tế, cứ nghĩ đến tầm này tuổi rồi là tôi có thể yên tâm về em.

Gần đây tôi thấy em có nhiều biểu hiện khác lạ, thường xuyên thức khuya, suốt ngày đóng cửa trong phòng, người phờ phạc, thiếu sức sống. Qua tìm hiểu từ bạn thân em, tôi biết em nghiện đánh bạc qua mạng. Em tâm sự với bạn là đã thua hơn 400 triệu rồi nhưng đó toàn là tiền tiết kiệm, chưa phải đi vay.

Em biết đánh là sẽ thua nhưng không ngừng lại được, cứ đến tối là lại ngứa ngáy chân tay, mò vào chơi bạc tiếp. Tôi thật sự rất lo lắng cho em. Xung quanh có nhiều tấm gương phá sản, trốn nợ vì cờ bạc rồi, tôi không biết phải làm sao để khuyên em vì chắc chắn em không dám nói với tôi, cũng chưa vay tôi đồng nào. Xin mọi người cho tôi lời khuyên.

Hồng
Reply
#23
Umbrella


Làm sao giúp em trai thoát khỏi cờ bạc


Gia đình tôi đang sống không bằng chết, lý do là em trai tôi chơi cờ bạc. Nhà tôi trước giờ nghèo, không có tài sản gì đáng giá.

Bố mẹ cũng lo cho anh em tôi ăn học đến nơi đến chốn, rồi ai cũng có công ăn việc làm ổn định. Thế rồi em trai dính vào cờ bạc. Từ nhỏ, em đã có máu cờ bạc, tết được tiền lì xì là đem ra công viên chơi bầu cua, khi đi làm cũng chơi cá độ đủ thứ. Từ năm 2019 đến nay em nợ chồng chất, nhà tôi đã trả rất nhiều lần cho em mà cứ một thời gian lại phát sinh khoản nợ mới. Mọi người khuyên nhủ em quá nhiều, số tiền trả nợ đã lên đến tiền tỷ, toàn phải tiền đi vay ngân hàng và vay mượn họ hàng.

Em tôi ít nói, rất thụ động, ham mê game, hút thuốc lá, ngoài nhưng vấn đề trên thì em sống không mất lòng ai, làm việc được đánh giá cao. Tôi không biết phải làm gì bây giờ. Gia đình đã sức cùng lực kiệt, giúp không được mà bỏ cũng chẳng xong, thương em vô cùng. Giờ em mất việc chắc bố mẹ tôi không sống nổi, cũng chẳng còn khả năng trả nợ cho em, hoàn cảnh gia đình rơi vào bế tắc trầm trọng. Tôi phải làm sao đây?

Quân
Reply
#24
Umbrella


Mãi trong vòng cờ bạc luẩn quẩn


Tôi vừa bước sang tuổi 28, có vợ và con gái 6 tháng tuổi. Cuộc sống của tôi cứ bấp bênh, lúc vui lúc buồn chỉ vì cờ bạc.

Cả năm tôi chỉ chơi vài lần nhưng năm nào cũng thua 40-50 triệu rồi lại đi làm trả nợ. Tôi không nhớ rõ mình biết chơi cờ bạc từ bao giờ, chỉ biết tổng kết lại là mất rất nhiều, vậy mà vẫn không dứt ra được, cứ bỏ một thời gian dài rồi lại dính vào.

Tôi hiếm khi chơi nhưng tính ăn thua rất lớn, thắng thì muốn thắng nữa, thua lại gỡ không biết trời đất là gì, chỉ đến khi họ không cho vay lãi mới dừng. Tôi từng suy nghĩ, hối hận rồi thề với bản thân rất nhiều lần mà vẫn không bỏ được. Hiện tại, tôi cảm thấy rất mệt mỏi, không tìm thấy lối thoát cho bản thân, chỉ sợ cái vòng luẩn quẩn đó cứ bám theo mình mãi.

Cường
Reply
#25
Umbrella


Đánh mất gia đình hạnh phúc vì cờ bạc online


Tôi 35 tuổi, từng có vợ và một gia đình hạnh phúc. Vợ chồng làm công nhân, không giàu sang gì nhưng cuộc sống tạm ổn.

Cho tới một ngày, tôi dính vào cờ bạc online. Lúc đầu tôi chỉ chơi 100-200 nghìn đồng rồi dần dần chơi những ván bạc vài triệu hoặc bằng cả tháng lương mà không mảy may suy nghĩ. Dĩ nhiên là tôi thua. Càng thua tôi càng cay cú để gỡ và lại thua thêm. Tiền lương, tiền tích cóp được tôi đều nướng hết vào cờ bạc, sau đó đi vay ngân hàng, vay qua app, vay xã hội đen, nói chung vay tất cả những người có thể để chơi tiếp.

Rồi mọi chuyện vỡ lở, vợ biết, đã khóc rất nhiều và trách móc tôi. Tôi hứa chỉ cần trả hết chỗ nợ là sẽ không bao giờ chơi cờ bạc nữa. Vợ và gia đình cũng đồng ý sẽ cùng tôi trả nợ. Những tưởng mọi chuyện sẽ qua đi nhưng chỉ một thời gian sau đó tôi lại sa đà, số nợ lại lên đến 120 triệu. Lần này vợ tôi đâm đơn ra tòa, giờ chúng tôi đã ly hôn. Số nợ kia tôi trả được 2/3 rồi, hàng ngày vẫn đem cái đầu nặng trĩu đi làm. Dù buồn nhưng tôi vẫn cố làm để trả nợ và nuôi cô con gái nhỏ 4 tuổi, nợ sắp hết nhưng hạnh phúc gia đình đã tan vỡ rồi, chưa kể niềm tin mà gia đình, người thân, bạn bè dành cho mình đã cạn. Tôi lúc nào cũng mặc cảm, cái giá phải trả đắt quá.

Khải
Reply
#26
Umbrella


Lấy phải chồng nghiện cờ bạc vì không tìm hiểu kỹ


Ngoại trừ cờ bạc, chồng không phải người xấu, anh cũng chịu khó và biết đối nhân xử thế.

Chồng nghiện cờ bạc từ thời trai trẻ. Có thể nói tôi là cô gái ngoan, từ bé chỉ biết học hành, không có kinh nghiệm sống, non kém trong việc chọn người chồng tốt. Tôi nhìn cuộc sống đầy màu hồng, cứ nghĩ mình tốt sẽ gặp được người tốt. Sau khi kết hôn, anh vẫn cờ bạc, thậm chí còn đem tài sản gia đình đi cầm cố. Tôi có thu nhập tốt nên giúp chồng vượt qua nợ nần, tạo dựng sự nghiệp. Chồng hứa sẽ bỏ cờ bạc nhưng tôi chờ 7 năm mà hình như chồng vẫn chơi. Chúng tôi có hai con, giờ tôi chưa biết làm sao để chồng bỏ cờ bạc.

Nhung
Reply
#27
Umbrella


Bố mẹ hết nước mắt vì đứa con như tôi

Tôi 26 tuổi, nghiện cờ bạc. Ngày trước tôi cũng có công việc ổn định nhưng cờ bạc online đã làm tôi đánh mất tất cả.

Không có nơi nào tôi làm được quá 6 tháng vì có lương là lại nạp hết vào tài khoản online để chơi. Rồi bố mẹ kêu tôi về quê làm, thời gian chờ xin việc tôi đã cầm cố xe máy của gia đình. Không biết trò đỏ đen đã ngấm vào tôi từ lúc nào.

Trên dưới chục lần tôi thề sẽ bỏ nhưng đâu lại vào đấy, bố mẹ khóc hết nước mắt vì hết lần này đến lần khác tôi nướng đồ đạc của gia đình vào cờ bạc. Mới đây tôi lại cầm cố chiếc xe máy của anh trai, giờ không dám về nhà. Nợ ngày một nhiều, chủ nợ hối thúc, thật sự tôi đang rất bế tắc. Mong anh chị giúp tôi, 5 ngày rồi tôi chưa dám về nhà.

Nguyên
Reply
#28
Umbrella



Cuộc đời bế tắc ở tuổi 23 vì cờ bạc online


Cuộc đời tôi không nghĩ tới cảnh ngày hôm nay vì cờ bạc online. Tôi đã mất đi lương thiện, giờ là những ngày tăm tối nhất cuộc đời.

Vì cờ bạc online mà tôi không còn là con người. Trong tay tôi từng có có những chiếc laptop xịn, học thêm nghề tại trường uy tín vào buổi tối mà tự đóng học gần 20 triệu, lương tháng gần 10 triệu. Mọi việc ổn thỏa với tôi, có những ngày đi đá bóng xong làm vai ly bia rồi về ngủ khỏi suy nghĩ nữa. Lúc đánh thắng cờ bạc lên cả trăm triệu, để rồi kết cục hôm nay tôi nợ hơn 150 triệu.

Tôi hối hận khi nhìn mẹ già bệnh, cha không còn khỏe nữa. Người ta khuyên nhủ tôi từ bỏ nhiều lắm, thế mà vì mất tỉnh táo tôi cứ lao vào, càng gỡ càng thua. Tôi ân hận khi nghĩ đến những người anh em, bạn bè đã giúp đỡ mình. Chắc hẳn các bạn sẽ trách móc tôi, tôi còn không hiểu tại sao mình lại hành xử như thế nữa. Gần Tết rồi, tôi không đủ tự tin về nhà. Ở quê ai cũng biết tôi chơi cờ bạc online, nợ nần đủ thứ. Trước đây, mọi người từng đánh giá tôi rất cao vì biết vươn lên trong cuộc sống, giờ tôi mất hết rồi, cảm giác này tệ thật. Tôi phải làm gì để vực dậy cuộc đời mình?

Vinh
Reply
#29
Umbrella

Không nhớ nổi số lần bị chồng đánh

Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, điều kiện như vậy nên bố mẹ cãi nhau, đánh nhau như cơm bữa.

Tuổi thơ tôi gắn liền với những trận đánh đập của bố dành cho mẹ. Từ bé, hình ảnh người bố trong tôi chỉ là một người đàn ông không có tài, gia trưởng, vũ phu. Tôi từng khuyên mẹ ly hôn nhiều lần nhưng mẹ không chịu vì thương con, sợ điều tiếng. Cũng vì bản tính mẹ nhu nhược mà bố mẹ vẫn ở với nhau tới giờ.

18 năm cuộc đời, tôi chỉ mong đến ngày học đại học để được xa gia đình. Giờ biết suy nghĩ kỹ, tôi thấy đúng là vì đồng tiền mà vợ chồng có thể đánh chửi nhau suốt. Tôi từng nghĩ lớn lên phải kiếm thật nhiều tiền, đặc biệt là không lấy chồng. Với tôi, 9/10 người đàn ông sẽ là người không ra gì, không tật nọ cũng tật kia.

Tôi và anh là bạn chung lớp đại học, anh nổi tiếng ăn chơi trong trường, cũng quen khá nhiều người trước khi yêu tôi. Ngoài ra, trước khi quyết định lấy nhau, anh hay chơi game, cá độ, đá gà, từng cầm cố đồ nhiều lần để chơi bời. Tôi từng chia tay anh nhiều lần. Tôi lấy anh vì bố mẹ anh rất tốt, thương con cháu. Sau khi cưới, thời gian tôi có bầu, anh từng trộm vàng của chúng tôi đem đi bán để chơi game, cá độ. Tôi đã khóc và tha thứ. Sau đó, tôi không tin chồng nữa, tiền ai kiếm ra người đó giữ, chi phí vợ chồng mỗi người đóng một nửa. Anh khá linh động trong việc xoay vòng tiền, từng bỏ ra vài trăm triệu để cá độ, vài chục triệu vào game online, những khoản tiền này anh tự kiếm tự chơi.

Tiền chung anh vẫn đóng, tuy nhiên mỗi lần tôi hỏi thì phải chờ cả nửa tháng anh mới đóng đủ. Anh không lo tập trung làm ăn, lại ham chơi nên mỗi lần tôi hỏi đến tiền là vợ chồng lại cãi nhau. Tôi khá nóng tính, không kiểm soát được từ ngữ, cứ vậy vợ chồng lại đánh nhau. Tôi từng nghĩ, nếu chồng động tay chân với mình chỉ một lần, tôi sẽ không bao giờ tha thứ. Tuy nhiên vì con, tôi đã bỏ qua cho anh. Đánh được một lần sẽ có lần hai, lần ba, giờ tôi không đếm được nữa. Đặc biệt, anh không bao giờ cho rằng mình sai, chưa bao giờ xin lỗi tôi một lời dù có bao nhiêu chuyện xảy ra.

Trong một vạn điều không chấp nhận được, có một điều duy nhất tôi ghi nhận là anh thương con, cũng vì thế mà tôi lưỡng lự, do dự bao nhiều lần không dám bỏ. Tôi sợ con gái thiếu tình thương của cha. Nếu ly hôn, kinh tế tôi khá ổn, có thể thoải mái lo cho hai mẹ con. Còn không ly hôn, tôi sợ sẽ bước tiếp vào vết xe đổ của mẹ.

Tấm gương lành lặn là bố mẹ tôi xưa kia đã vỡ, tôi chỉ còn cách lựa mảnh vỡ nào lớn nhất, lành lặn nhất để tiếp tục soi rọi bản thân, cố gắng trau dồi từng ngày để trở thành người tốt, người mẹ tốt. Tôi hoàn toàn không muốn trở thành một con người như bố hoặc mẹ. Đó cũng là những gì tôi sợ, sợ con sẽ soi vào tấm gương là bố mẹ nó. Xin cho tôi lời khuyên.

Thu



****


Mỗi lần cãi nhau vợ lại trù tôi gặp tai nạn


Tôi là người chồng trong bài: "Không nhớ nổi số lần bị chồng đánh", vợ đã gửi link cho tôi. Xin chia sẻ thêm để mọi người góp ý khi có cái nhìn từ hai phía.

Về quá khứ, từ khi còn học đại học, tôi không phủ nhận mình ăn chơi, có điều tôi tiêu những đồng tiền do mình làm ra.

Lần đầu thi đại học không được, tôi đi làm luôn. Đến năm đầu đại học, tôi còn một số tiền để chi tiêu, gia đình vẫn trợ cấp. Trong khi các tân sinh viên còn suy nghĩ đầu tư vào kênh đa cấp nào thì tôi đã đi làm phụ. Ham chơi nhưng tôi vẫn nằm trong số hơn 20 sinh viên (8% trong số hơn 250 sinh viên của khoa) được báo cáo ra trường sớm một học kỳ với tấm bằng khá. Có thể đôi lúc tôi may mắn nhưng không may mắn nào theo suốt ba năm rưỡi cả, đó là cả một quá trình phấn đấu của tôi. Trong khi các bạn còn lại đang báo cáo ra trường thì tôi đã đi làm được nửa năm. Tuy nhiên, học đại học chỉ là bước nhỏ trên đường đời; có lúc bạn bước nhanh hơn, có lúc bạn bị bỏ lại.

Tôi không rượu chè và thuốc lá, tuổi trẻ yêu đương đến cỡ nào cũng giữ sự trong trắng cho vợ đến khi đăng ký kết hôn. Trước ở cùng bà nội, bà trông con và lo toan cơm nước hộ, mọi việc nhà tôi không quan tâm. Hơn một năm trở lại, vợ chồng tôi sống riêng, từ chà toilet đến nấu nướng, rửa chén bát... có việc gì là tôi không sẵn sàng làm đâu. Khi mọi thứ bình thường, tôi là người chiều chuộng vợ.

Chúng tôi yêu nhau sau khi tôi ra trường, còn em đang đi thực tập. Đúng như vợ nói, tôi có cờ bạc nhưng chủ yếu chơi bằng số tiền làm ra, không phủ nhận có những lúc người nhà phải gánh vác giúp. Phần vì có thể kiếm ra tiền sớm và chi tiêu không dè xẻn nên quan điểm về chi tiêu của hai vợ chồng khác nhau; tôi phóng khoáng, vợ chặt chẽ. Về kinh tế, tôi đóng góp lúc nhanh lúc chậm vì hơn một năm nay làm việc tự do, khoản này thì vợ tôi là người rạch ròi. Cụ thể là tôi lấy hai cây vàng tôi để trả nợ cờ bạc và rút một khoản tiền trong thẻ. Chúng tôi thống nhất sau này khi bán đất, số tiền đó sẽ trừ vào tiền của tôi khi chia tiền. Tôi không dưới 3 lần đề nghị sau khi bán đất, trả nợ bên nội ngoại, trả cả số tiền của vợ có đóng góp lúc mua đất là hơn trăm triệu (toàn bộ số tiền này có tính lãi để trả lại các bên), số tiền dư không chia mà để hết cho con. Vợ không đồng ý và tôi tôn trọng quyết định của vợ.

Nói thêm, mua cái gì cho tôi như điện thoại, laptop..., rồi khi cãi vã tính đến chuyện chia tiền thì số đó tôi phải trả 100%. Còn mua thứ gì cho vợ như kim cương, điện thoại... thì số tiền đó sẽ tính vào tiền chung, khoản phải đóng góp hàng tháng. Đợt Tết vừa rồi tôi làm không ra tiền, trong số hơn 200 triệu chung còn lại (vay ngân hàng để làm khoản dự phòng) chia đôi ra; nửa của tôi trừ vào khoản tôi phải đóng góp hàng tháng, nửa của vợ thì vợ gửi tiết kiệm, đó là số tiền riêng của em, tôi không quan tâm. Vì vấn đề kinh tế chia rõ vậy nên tôi sử dụng tiền như nào là quyền tôi (chơi game nạp thẻ, mua PC...), vợ không được xâm phạm; đằng này lại đi tra lịch sử giao dịch, tiêu tiền... Tôi cờ bạc lấy vàng tiêu trước và rút tiền thì đã trừ lại khi bán đất chia tài sản. Đồ mua cho cá nhân tự tôi trả, vậy cớ gì phải quan tâm tôi hay thiên hạ tiêu tiền như nào.

Trong cách dạy con, khi bình thường ai cũng yêu chiều con cái, đến khi bực dọc hoặc bảo ban mà con không nghe lời là vợ có xu hướng dùng bạo lực để răn đe. Tôi không đồng ý quan điểm đó. Vợ tôi có bệnh khó ngủ, đã ngủ là không được phát ra tiếng động, nhiều đêm vợ chồng cãi nhau cũng vì con cái không ngủ hay uống sữa bị chớ, ói...

Quan điểm của tôi là không dùng đòn roi để dạy con cái, có điều vợ không kiểm soát được cơn giận giữ, đánh mắng con trong tình trạng mất kiểm soát. Trong suy nghĩ của vợ, em vẫn tự hào là hồi xưa có cậu em nghịch ngợm mà bố mẹ không dám đánh, vợ tôi đã đánh cho "lên bờ xuống ruộng" để bây giờ thành người. Đối với vợ tôi, đó là thành tích và giờ cũng dùng cách như vậy (từ suy nghĩ lẫn hành động) để áp dụng lên con.

Sắp 4 năm cưới nhau, đánh nhau 5 lần bởi vợ sẵn sàng xông vào đánh lại tôi, cầm dao và kéo định đâm chém chứ không phải là ngồi im chịu trận với suy nghĩ khi học đại học từng học võ, chồng đánh 10 thì mình cũng phải đánh được 7-8.

Chính xác là vợ chồng tôi đánh nhau, không phải tôi đánh vợ.

Lần vợ chồng đánh nhau gần nhất cũng từ chuyện con cái mà ra. Khi xảy ra mâu thuẫn, tôi cũng để con chơi bên ngoài, vợ chồng đóng cửa bảo nhau (nhưng bảo không được). Quan điểm của tôi là không dùng roi vọt lên con cái mà đặc biệt là vợ tôi lại đánh con trong trường hợp mất kiểm soát. Chừng nào vợ còn suy nghĩ dùng roi vọt dạy con thì tôi vẫn còn suy nghĩ được quyền dùng bạo lực để giải quyết chuyện vợ chồng. Ai nói gì cũng được nhưng tôi vẫn sẽ bảo lưu quan điểm này. Vợ chồng còn có sức mà đánh nhau, trẻ con không có sức kháng cự.

Cuộc sống vợ chồng gần nửa thời gian là sống trong cãi vã từ chuyện tiền bạc đến cách sống, nuôi dạy con... Người ta bảo "vợ chồng đầu ấp tay gối", thế mà mỗi lần cãi nhau vợ lại thắp nhang khấn trời đất trù cho tôi tai nạn, sống cuộc sống khổ cực, sau này không có cả sức khỏe mà đi bán vé số... Vợ còn có cả suy nghĩ dành tiền thuê xã hội đen đánh tôi khi cảm thấy bị áp bức. Cứ mỗi lần bất đồng, cơm nước vợ không nấu, quần áo có bỏ vào máy giặt cũng nhặt đồ của tôi ra, coi như "nước sông không phạm nước giếng".

Mỗi lần vợ chồng đánh nhau xong, khi bình tĩnh tôi đều nói là phụ nữ phải biết mềm mỏng, cứng rắn bạo lực với đàn ông đời nào mà thắng được, thiệt vào thân. "Lạt mềm buộc chặt".

Hưng


****



Tôi coi thường chồng


Tôi là vợ tác giả bài: "Mỗi lần cãi nhau vợ lại trù tôi gặp tai nạn". Tôi nhận ra rằng chúng tôi ly hôn là điều chắc chắn phải xảy ra.

Chồng tôi viết: "Tôi chơi bằng tiền của tôi. Tôi cờ bạc và rất nhiều lần người nhà phải gánh vác nợ". Hay thay, mới một ngày trước tôi còn bị bên đòi nợ gọi điện hàng chục cuộc, nợ này diễn ra một năm nay mà tôi không biết gì. Đúng là một trải nghiệm không quên.

Hết lần này tới lần khác gia đình hai bên đều khuyên nhủ, tôi đã khuyên anh "thay vì nướng tiền vào game thì hãy làm sổ tiết kiệm hoặc mua bảo hiểm cho con, trong khi nợ ngân hàng vẫn còn cả tỷ". Anh bảo: "Tiền tôi tôi chơi, không ai được quyền ý kiến". Anh vẫn chứng nào tật ấy, tiền bạc đóng góp không đúng ngày, trễ nợ ngân hàng. Tôi rất coi thường anh.

Với chi phí sinh hoạt mỗi tháng đều chia đôi thì liệu đồ đạc sau khi ly hôn (đồ sắm chung sắm riêng cũng vậy), chắc chắn cũng sẽ phải chia cho sòng phẳng. Tôi đã soạn bảng chia đều đàng hoàng. Anh là con bạc, nói chuyện đạo nghĩa cái gì? Khi chơi game, cờ bạc thì anh bỏ hàng chục, hàng trăm triệu, tiền nong sinh hoạt nuôi con hàng tháng lại phải ghi rõ từng đồng chi vào việc gì.

Trong cách dạy con, quan điểm của tôi là nói nhẹ nhàng đúng 3 lần, phân tích mà con không hiểu lại còn vùng vằng, lì lợm đòi hỏi, khóc lóc gào thét thì mới đánh. Lần nào đánh xong tôi cũng ngồi ôm con, phân tích lại cho con hiểu là sai chỗ nào, nên như nào. Đánh con là tôi sai, nóng, nhưng rất xót con. Con tôi mang nặng đẻ đau, sẽ phải là người tử tế, biết đúng sai. Trước đây, chồng chưa bao giờ xúc cơm cho con ăn hay dạy con học. Tôi góp ý và đã có thay đổi, cũng chịu khó đọc hoặc kể chuyện cho con.

Tôi dạy dỗ được em trai ngỗ nghịch (là cháu đích tôn được nuông chiều nên chửi đánh cả bà và bố mẹ), điều đó chính xác. Giờ em tôi là sĩ quan quân đội, thành công và trưởng thành, tôi phải tự hào chứ. Tôi là người sống có kỷ luật, giờ giấc, có quy tắc cho mọi việc, sống tiết kiệm. Học và phấn đấu kiếm tiền để hưởng thụ cuộc sống một cách lành mạnh luôn là phương châm sống của tôi.

Sắp 4 năm cưới, mỗi lần quan điểm khác nhau, nói lại nhau không được thì anh luôn là người vung tay trước. Đúng là tôi học võ để khỏe mạnh vì từ bé hay bị bệnh vặt triền miên. Tôi học một năm, cũng coi như tập thể thao. 12 năm rồi không tập, tôi sinh bé khó, bị băng huyết, sức khỏe giảm rõ rệt và không có ý định sinh thêm từ lâu. Tôi luôn là người thua và chịu đau đớn sau những lần đánh nhau ấy. Tôi hận thấu xương tủy vì đánh không lại.

Tiền nong chia đôi thì sao tôi phải dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng, giặt giũ cho anh? Tôi dành thời gian ấy dạy con học tiếng Anh, chơi với con. Ngoài thời gian 10 tiếng đi làm, còn lại tôi dành cho con hết. Xin nói thêm, 4 năm lấy nhau thì tới 3 năm anh đi làm từ sáng tới lúc hai mẹ con tôi ngủ mới về. Đi làm hay đi đâu tôi nghĩ ông trời biết điều đó. Chưa bán được đất mà anh còn kì kèo số tiền lẽ ra là của tôi, nhưng tôi cũng đồng ý chia cho anh luôn. Anh "cạn tàu ráo máng", đã đến nước này rồi thì tôi mua bình yên vậy.

Tôi làm lĩnh vực công nghệ thông tin và tài chính, căng thẳng nhiều nhưng luôn phấn đấu để được tăng lương, thêm thu nhập và tôi luôn làm được điều đó. Người có năng lực luôn sống bằng bản lĩnh và chính kiến riêng; dám quyết định cách sống và tự đương đầu với mọi khó khăn thử thách; sai ở đâu tôi làm lại ở đó.

Bài bạc sẽ chỉ phá nát gia đình, muốn thay đổi chỉ có thay máu. Đúng là tôi có suy nghĩ cho anh nghèo đi, khổ đi, không có sức khỏe để thấy rằng cuộc sống này còn nhiều niềm vui hơn cắm đầu vào những thứ vô bổ. Chỉ có khi bị điều gì đó xảy ra thì anh mới sáng mắt ra, chắc chắn vậy. Chúng tôi không bao giờ ngồi lại nói chuyện đàng hoàng với nhau được. Điều đó là chắc chắn. Sẽ không ai chịu thay đổi hết. Chồng bị tôi coi thường nên mỗi lần nói chuyện khác quan điểm, vũ lực sẽ là điều hiển nhiên. Tôi đã biết mình phải làm gì. Sống tự do, tự tại mà nuôi con.

Quyên
Reply
#30
Umbrella


Tôi khổ vì biết anh cờ bạc mà vẫn cưới
Tôi không cần chồng làm ra nhiều tiền, chỉ mong anh chí thú làm ăn, đủ lo cho bản thân, không thâm nợ mà khó quá.

Tôi và anh quen nhau khi cả hai làm chung công ty. Anh thường mượn cớ không đủ tiền chi tiêu để mượn tiền tôi. Khi đó tôi biết anh thâm hụt tiền do cờ bạc, cá độ, lô đề nên chỉ nhắc nhở để anh không tái phạm. Tôi mượn mẹ mình 20 triệu đưa cho anh để trả nợ. Tưởng anh lo làm ăn, không chơi bời, cá độ trên mạng nữa nên sau 3 năm, tôi nhận lời cầu hôn của anh. Cưới được một tháng, tôi mới biết anh mượn chị chồng 15 triệu, mượn thêm mẹ tôi 10 triệu, tôi không biết anh tiêu hết tiền vào đâu. Sau đó, tôi lấy một cây vàng trả nợ cho anh nhưng anh vẫn bảo không đủ. Hỏi anh thiếu người ta bao nhiêu, anh không trả lời.

Lúc đó, anh nhờ mẹ tôi chơi hai chưng hụi 2 triệu rồi bảo tôi lấy để trả nợ và chuẩn bị đồ cho con. Hai chưng hụi tầm 60 triệu, tôi cứ tưởng bấy nhiêu đó đã đủ để anh trả hết số nợ, nhưng không ngờ anh lại giấu tôi lấy tiền chơi cá cược trên mạng và thua hết sạch. Hỏi tới thì anh bảo không chơi nữa nhưng nợ nần lại chồng chất. Tôi nên tiếp tục để anh lừa dối hay ly hôn? Xin nhờ chuyên gia và mọi người cho tôi ý kiến để đưa ra quyết định đúng đắn. Xin cảm ơn.

Thúy








Chuyên gia tâm lý Lê Thanh gợi ý:

Chào Thúy,

Bạn quá nhẹ dạ, cả tin nên chồng bạn đã lợi dụng điểm yếu đó để lừa dối bạn. Chồng bạn là người đàn ông dựa dẫm. Ngay từ khi đang yêu nhau, anh ta sẵn sàng vay tiền bạn gái nhiều lần để trang trải sinh hoạt phí hàng ngày. Bạn biết rõ người yêu thiếu tiền vì chơi cờ bạc nhưng chỉ nhắc nhở cho qua. Phải chăng số tiền anh ta vay lúc đó chưa từng trả cho bạn?

Đến khi kết hôn, chồng bạn vẫn hết lần này đến lần khác chơi cá độ, thậm chí vay tiền người thân. Cứ chồng báo nợ về, bạn lại xoay xở để lo cho chồng. Đây chính là hành động tiếp tay cho thói nghiện ngập đen đỏ, cờ bạc của anh ta. Chồng bạn đã hiểu rằng: anh ta cứ nói dối, cứ chơi, nếu bại lộ, vợ biết thì vợ vẫn lo cho anh ta và tha thứ. Nhưng không biết bạn có thể lo cho chồng đến bao giờ bởi tiền chơi cờ bạc là vô cùng, tệ hơn nếu chồng bạn vay nóng bên ngoài, số tiền lãi mỗi ngày sẽ rất lớn. Đã có biết bao gia đình phải bán nhà trả nợ vẫn không đủ chỉ vì có thành viên nghiện cờ bạc.

Bạn chỉ luôn hỏi chồng, nói với chồng, nghe theo chồng, chưa thấy bạn có hành động hay biện pháp quyết liệt để chồng thay đổi. Nghiện chơi cờ bạc cũng giống nghiện thứ khác, để thay đổi cần quyết tâm, thức tỉnh từ chính người trong cuộc; cần sự nghiêm khắc, thấu hiểu của tất cả thành viên trong gia đình. Còn chuyện ly hôn ở đây, tôi thấy khá là khó vì bạn rất yêu chồng. Nếu không yêu, bạn đã không kết hôn với người đàn ông như vậy, không hết lần này đến lần khác giải quyết nợ nần cho chồng. Tuy nhiên, cách thể hiện tình yêu của bạn chưa hợp lý, hay nói cách khác là bạn đã tạo cơ hội để chồng mình lún sâu vào con đường cờ bạc.

Trong câu hỏi của bạn "tiếp tục để chồng lừa dối hay ly hôn" cho thấy bạn vẫn chưa nhận rõ sự nghiêm trọng trong lối sống, hành vi của chồng. Bạn chưa ý thức được sự nghiêm trọng khi chồng mê đắm trong cờ bạc, đỏ đen. Nếu chính bạn chưa tỉnh ngộ thì thấy khó để chồng bạn thay đổi.

Trước hết, bạn cần bảo quản các tài sản có giá trị trong nhà ở một nơi khác. Thông báo để người thân, bạn bè không ai cho chồng bạn vay mượn tiền. Hãy tổ chức một cuộc họp gia đình để chồng bạn tự nói ra những khoản nợ hiện có. Yêu cầu anh ta thống kê một cách rõ ràng và chính bạn nên tìm cách kiểm tra lại các khoản nợ này. Tự chồng bạn phải tu chí làm việc, có trách nhiệm trả nợ. Bạn phải cứng rắn, không nên liên quan đến các khoản nợ. Bởi có thể đến một ngày bạn không còn mái nhà cho con ở, không còn sự tín nhiệm của mọi người xung quanh, chủ nợ kéo đến đòi không cho bạn một ngày bình yên, hay bạn phải thăm nuôi chồng trong tù... Khi mọi thứ trở nên nghiêm trọng hơn so với hiện tại, liệu bạn còn cáng đáng được một mình?

Mong bạn sớm tỉnh ngộ để lo cho cuộc sống tương lai của mình và con nhỏ, đó mới điều quan trọng nhất lúc này.
Reply