Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực để thách thức thế giới hay đây sẽ là một thử thách
#1
« Quả bom » Putin và hoàng đế đỏ Tập Cận Bình : Nắm quyền bằng mọi giá

[Image: 25RETKWORZMBBECWBDPWVF3TDE.jpg]

[img][/img][img][/img]Sai lầm chiến lược lớn lao nhất của Vladimir Putin trong 22 năm cầm quyền là quyết định xâm lăng Ukraina. Tập Cận Bình thì quyền lực bao trùm dù Trung Quốc đang yếu đi.

 Đang bị cả hai phe chống và ủng hộ chiến tranh chỉ trích, người ta cho rằng Putin có nguy cơ mất quyền trong một năm nữa ; còn ông Tập chỉ có thể bị lật đổ nếu bại trận nhục nhã trong một cuộc chiến.

Hồ sơ chính của các tuần báo kỳ này được dành cho tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh chân dung ông chủ điện Kremlin chiếm trang bìa tuần báo L'Obs với dòng tựa lớn « Putin, quả bom người ». Ông « bạn thân » họ Tập thì ngự trị trên trang nhất Courrier International, tay cầm quả địa cầu, được chạy tít « Trung Quốc, sự thống trị của Tập Cận Bình ». Trên L'Express, ảnh Tập Cận Bình ngự trị trên đám đông được đăng kèm với nhận định « Trung Quốc, bước đại thụt lùi ». The Economist chọn khung cảnh đại hội đảng cộng sản với màu cờ đỏ rực, và tựa chính « Thế giới mà Trung Quốc muốn ».

Loạt hỏa tiễn chỉ để trả thù vụ cầu Kertch
L'Obs nhận thấy không có sự sỉ nhục nào lớn hơn đối với nhà độc tài nước Nga : vào lúc ba giờ sáng ngày 08/10, khi Vladimir Putin vừa mừng sinh nhật tuổi 70, một vụ nổ làm sập một phần cây cầu Kertch nối với bán đảo Crimée của Ukraina bị ông sáp nhập năm 2014.

Đó cũng là tấn công vào chủ nghĩa đế quốc của Putin khi nhấn mạnh vào tính dễ tổn thương, hay tệ hơn nữa, là muốn báo trước hồi kết. Nghịch lý của cuộc chiến điên rồ mà Nga đang tiến hành, là quyền lực Putin càng yếu đi, nguy cơ đẩy mạnh chiến tranh càng lớn, và phía sau là mối đe dọa nguyên tử mà tổng thống Nga vẫn thường xuyên nêu ra. Liên tiếp thất bại trên chiến trường, đối mặt với sự bất bình của dân chúng vì lệnh động viên và cả trong giới thân cận, Putin không có mấy chọn lựa.

Khi thấy ngọn lửa từ trời rơi xuống - 83 hỏa tiễn Nga tấn công vào 10 thành phố Ukraina hôm 10/10 gieo rắc tang thương cho thường dân - câu hỏi đặt ra từ sự trả thù mù quáng này, là chừng nào Vladimir Putin bị mất cả lý trí ? Khi nào Putin thực sự bị tách rời khỏi thực tế về quân đội của ông ta, về xã hội, về thế giới, tin rằng một mình ông có thể làm đảo lộn trật tự quốc tế ? Làm thế nào có thể tự dối lòng về những nhược điểm lớn lao và sự tham nhũng của quân đội, đánh giá quá thấp quyết tâm vệ quốc của người Ukraina, và khả năng của phương Tây ?

Xâm lăng Ukraina : Sai lầm lớn nhất của Putin trong 22 năm cầm quyền
Cho đến nay, Vladimir Putin vẫn được coi là một nhà chiến lược nham hiểm, sẵn sàng thẳng tay đàn áp để đạt mục tiêu. Syria là một ví dụ : Putin đã cứu được Assad, nhờ Obama rút lui không muốn can thiệp. Từ bao giờ Vladimir Putin quyết định rằng Crimée và Donbass vẫn chưa đủ, cần phải biến toàn bộ Ukraina thành chư hầu như Belarus ? L'Obs đề nghị đọc lại bài diễn văn của Putin đăng trên trang web điện Kremlin ngày 12/07/2021, khẳng định người Nga và Ukraina « là cùng một dân tộc ». Ý tưởng này được lặp lại trong tuyên bố hôm 24/02 trên truyền hình, khởi động cuộc xâm lăng Ukraina.

Đây có lẽ là sai lầm chiến lược lớn lao nhất của Vladimir Putin trong 22 năm cầm quyền. Bảy tháng sau, cuộc chiến đã chuyển sang giai đoạn thứ ba, rất nhiều tướng lãnh bị thay thế, phải rút quân khỏi Kiev và liên tục bị tái chiếm những phần đất đã cướp được ở miền đông và miền nam. Mất quá nhiều binh sĩ và vũ khí, Putin phải ra lệnh động viên khiến 700.000 thanh niên phải chạy trốn...Nga bị nghi ngờ về những vụ phá hoại đường ống dẫn khí, cáp ngầm...nhưng vũ khí tối thượng vẫn là nguyên tử.

Bốn giả thiết về việc Putin dùng vũ khí nguyên tử
Loại vũ khí này khủng khiếp đến nỗi suốt 77 năm qua, dù xảy ra biết bao xung đột và chinh chiến, vẫn chưa bao giờ đụng đến. Trong bài « Nếu ông ta ấn vào nút bấm », chuyên gia Mỹ Joseph Cirincione đưa ra bốn giả thiết.

Trước hết, nếu chỉ nhằm phô diễn sức mạnh, Putin cho bắn hỏa tiễn vào Hắc Hải hay một khu vực không người ở của Ukraina. Không có người chết, không thiệt hại nhiều, nhưng vẫn gây một cú sốc toàn cầu kể từ Hiroshima và Nagasaki. Vụ nổ nguyên tử cuối cùng ngoài trời là do Trung Quốc cho thử vào tháng 10/1980, sau đó đều thực hiện dưới lòng đất. Lời nhắn cho phương Tây là « Hãy dừng lại và rút lui ».

Giả thiết thứ hai, dùng vũ khí nguyên tử có sức công phá thấp, 10 kilotonne chẳng hạn (Hiroshima là 15 kilotonne), tấn công một mục tiêu quân sự - nơi tập trung quân, căn cứ, cảng...Hỏa tiễn hành trình Iskander có thể được dùng đến. Hàng trăm, hàng ngàn hoặc mấy chục ngàn người chết, thiệt hại kinh khủng từ hỏa hoạn, phóng xạ...nhưng nếu ở cách xa vài trăm cây số sẽ không bị ảnh hưởng. Trong cả hai trường hợp, Nga lập tức bị quốc tế cô lập hoàn toàn, Mỹ không trả đũa bằng nguyên tử nhưng dùng vũ khí quy ước đánh vào đơn vị đã bắn hỏa tiễn chẳng hạn.

Giả thiết thứ ba là Putin cho thả quả bom 50 kilotonne xuống Ukraina, mạnh gấp ba, bốn lần Hiroshima. Hàng trăm ngàn người sẽ thiệt mạng, mức độ hủy diệt chưa từng thấy. Một số chuyên gia ở Hoa Kỳ cho rằng phải tái lập răn đe hạt nhân, nhưng số khác muốn trả đũa ồ ạt bằng vũ khí quy ước. Khác với Nga, trong những thập niên qua Mỹ đã chế tạo được những vũ khí quy ước chính xác và mãnh liệt, có thể đáp trả một cách tàn khốc. Đơn vị đã tấn công nguyên tử sẽ bị biến thành tro bụi.

Khả năng cuối cùng là Putin dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật khoảng 50 kilotonne đánh vào một mục tiêu NATO, có thể ở Trung Âu, chẳng hạn một căn cứ không quân Ba Lan, nơi xuất phát các chuyến bay đưa hàng viện trợ sang Ukraina. Trường hợp này rất có thể Mỹ trả đũa bằng nguyên tử. Nhưng tiếp theo là gì ? Putin muốn trở thành một tỉ phú về hưu ẩn thân ở nơi nào đó, hay tung ra hàng trăm đầu đạn nữa để rồi bị chôn vùi dưới tàn tích của Matxcơva ? Theo giám đốc nhóm điều tra Bellingcat, Christo Grozev trên tờ Tribune de Genève, Putin nay không chỉ bị những người phản chiến chống đối mà cả phe ủng hộ chiến tranh. Nếu cứ tiếp tục như hiện nay, ông ta sẽ bị rơi đài trong vòng một năm.

Tập Cận Bình quyền lực trong một Trung Quốc đang xuống dốc
Nhìn sang Trung Quốc, quyền lực của Tập Cận Bình bao trùm lên đảng cộng sản trong đại hội lần thứ 20 sắp khai mạc, là nhận định chung của tất cả các tuần báo. Hồ sơ của Courrier International mang tên « Tập Cận Bình, nhân vật quyền lực của một đất nước bị yếu đi ».

Dù có những lời đồn đãi trước đó như Lý Khắc Cường sẽ lên thay, đảo chánh…truyền thông Hoa lục đồng loạt nhắc lại những định hướng chiến lược của ông Tập như « thịnh vượng chung », « phục hưng quốc gia ». Thậm chí còn có thể được tặng danh hiệu « cường lĩnh » (lingxiu, lãnh tụ mạnh mẽ), mà người duy nhất cho đến nay được gọi là Mao Trạch Đông. The Economist ví von, sẽ không có tách trà nào không được đặt đúng chỗ, không một tiếng thầm thì phản kháng nào nghe được trong đại hội. Trên 1 triệu viên chức cao cấp của đảng đã bị trừng phạt trong 10 năm qua, bộ máy công an, quân đội đều nằm trong tay ông Tập.

Không có sự kiện chính trị nào lại huy động bằng ấy nhân lực và tài lực. Dù nhiều nơi hãy còn bị phong tỏa vì Covid, những băng-rôn đỏ giăng mắc khắp nơi kêu gọi công dân « nhiệt liệt chào mừng » đại hội. Chưa bao giờ, kể từ khi Mao Trạch Đông chết, một cá nhân lại được tôn vinh như thế. Hồi Đại hội 15 năm 1997, ông Tập là phó bí thư tỉnh ủy Phúc Kiến, được vào Trung ương Đảng nhưng với số phiếu thấp nhất. Lần này sự sỉ nhục đó không thể nào lặp lại. Nhiều nhà quan sát cho rằng Tập Cận Bình còn muốn nắm quyền thêm hai nhiệm kỳ nữa. Năm 2032, ông sẽ 79 tuổi, vẫn còn « trẻ » hơn Mao lúc qua đời (82 tuổi) và Đặng Tiểu Bình khi về hưu (85 tuổi).

Theo The Economist, ông Lý Khắc Cường hết nhiệm kỳ thủ tướng nhưng ở tuổi vẫn còn được là ủy viên thường trực Bộ Chính trị, có thể trở thành chủ tịch Quốc Hội. Người thay ông Lý được cho là Hàn Chính (Han Zheng), hiện là phó thủ tướng thường trực. Nhưng nếu Hàn Chính phải về hưu ở tuổi 68, một phó thủ tướng khác là Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua), 59 tuổi có hy vọng được đưa lên, hay Uông Dương (Wang Yang) 67 tuổi. Cả hai ông này không có quá trình làm việc nhiều năm với Tập Cận Bình, nhưng Lý Khắc Cường cũng vậy. Có thể vai trò thủ tướng không còn quan trọng nên ông Tập không phải khẩn cấp giao phó cho một người thân thiết hơn.

Bất ngờ trước băng-rôn đòi truất phế
Trong không khí « chào mừng đại hội đảng », không ngờ trong dân cũng có người cả gan vuốt râu hùm. Ngày 13/10, một cột khói đen bốc lên phía trên xa lộ vành đai, một biểu ngữ treo ở cầu Tứ Thông (Sitong) gần trường đại học Nhân Dân danh giá kêu gọi « Truất phế kẻ độc tài Tập Cận Bình, kẻ ăn cắp của Nhà nước ». Một băng-rôn khác đòi hỏi « Không phong tỏa nhưng cần tự do, không chỉ đạo mà phải bỏ phiếu. Chúng tôi không muốn làm nô lệ mà là công dân ».

Le Figaro cuối tuần cho biết chỉ vài phút sau, tác giả đã bị tóm lên xe công an. Đội quân kiểm duyệt lập tức vào cuộc để xóa hết dấu vết cuộc biểu tình ngắn ngủi này trên mạng, chặn tất cả những từ khóa và các video hiếm hoi. Một cư dân mạng khoe trên Vi Bác là đã nhìn thấy, và danh khoản bị khóa ngay.

Courrier International trích dịch The Diplomat nhận định, Tập Cận Bình tiếp tục ngự trị trong khi những thách thức trong và ngoài nước bị che giấu. Về địa chính trị, việc ủng hộ Vladimir Putin đặt Bắc Kinh trong thế khó xử. Lo ngại trước tấm gương Matxcơva bị trừng phạt, Trung Quốc tìm cách tự cung tự cấp về năng lượng, công nghệ, thực phẩm…nhưng một loạt thiên tai đã xảy ra, làm đậm thêm những khó khăn hiện có như khủng hoảng địa ốc. Chủ tịch Trung Quốc nhất thiết sẽ cố tránh để xảy ra những cuộc khủng hoảng tiền đại hội.

Bảy sai lầm của Tập Cận Bình khiến Trung Quốc « đại thụt lùi »
L’Express nêu ra bảy sai lầm dẫn đến bước « đại thụt lùi » của Tập Cận Bình. Thứ nhất là nỗi ám ảnh « zero Covid », càng nặng nề thêm tại Bắc Kinh vào lúc gần đến đại hội đảng. Cư dân bị buộc xét nghiệm PCR mỗi hai hoặc ba ngày, và chính quyền gởi tin nhắn vào điện thoại khuyến cáo người dân không ra khỏi thủ đô trong tuần lễ từ 01/10. Kinh tế suy sụp, chưa kể chi phí khổng lồ cho đội ngũ « đại bạch » phụ trách dịch tễ, nhưng vài tiếng nói hiếm hoi đòi nới lỏng liền bị dập tắt. Chế độ sợ rằng bệnh viện sẽ tràn ngập bệnh nhân, vì vac-xin nội địa không hiệu quả.

Thứ hai, nợ nần đang rình rập nền kinh tế. Những tên tuổi lớn về địa ốc như Evergrande, Fantasia, Logan…lần lượt rơi rụng ; những công trường xây dựng liên tục bị đóng, mở vì Covid làm công việc ngưng trệ. Nếu cộng cả nợ Nhà nước, công ty quốc doanh, chính quyền địa phương và tín dụng đen, số nợ lên đến 300 % GDP Trung Quốc. Thứ ba là công nghệ : ông Tập đưa ra khoảng 50 biện pháp thô bạo đánh vào các tập đoàn trong lãnh vực này, khiến bốn đại gia Baidu, Alibaba, Tencent, Xiaomi bị sụt gần phân nửa trên thị trường chứng khoán, riêng Alibaba mất 3/4 giá trị. Lấy cớ bảo vệ người tiêu dùng, đảng cộng sản siết chặt kiểm soát thông tin.

Thứ tư, là chính sách ngoại giao hung hăng với phương Tây đã gây phản tác dụng. Thứ năm, hình ảnh Trung Quốc trở nên xấu xí hơn bao giờ hết vì vi phạm nhân quyền. Đàn áp thẳng tay người Duy Ngô Nhĩ, bóp nghẹt tự do Hồng Kông, dùng vũ lực đe dọa các nước láng giềng…khiến hiện nay 82 % người Mỹ có ấn tượng xấu với Bắc Kinh, tỉ lệ này ở Nhật Bản là 87 %. Thứ sáu, Tập Cận Bình đã đi quá xa trong việc gây áp lực lên Đài Loan, khiến người dân đảo quốc càng ý thức hơn về bản sắc, các nước láng giềng lo củng cố quan hệ với Mỹ và tăng cường quốc phòng. Cuối cùng, Bắc Kinh miệng hứa giảm thiểu khí gây hiệu ứng nhà kính, nhưng lại tăng gấp đôi lượng than đá sử dụng.

Lớp trẻ bi quan trước tương lai, nhà đầu tư lần lượt rời Hoa lục
Về mặt kinh tế xã hội, có đến 20 đến 25 % thanh niên dưới 24 tuổi bị thất nghiệp. Hoạt động kinh tế bị chậm lại vì từ hai năm rưỡi qua có những thành phố bị phong tỏa toàn bộ, khiến các chủ công ty không còn tuyển dụng, thậm chí sa thải bớt nhân viên.

Nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp không tìm được việc làm đành chọn cách tiếp tục học lên để chờ thời, những ai cần phải kiếm sống trở thành người giao hàng hoặc lao động phổ thông. Số khác chọn cách chạy trốn thực tế, chẳng hạn tại 3.300 ngôi chùa ở miền quê hiện có rất nhiều nhà sư trẻ - theo tạp chí Sixth Tone. Một hiện tượng hoàn toàn mới mẻ trong một đất nước lâu nay chạy theo đồng tiền, có tên là « thảng bình » (tang ping) hay « bãi lạn » (bai lan) – nằm dài không làm gì cả, để cho mọi việc trôi đi. Sự bi quan của lớp trẻ càng đe dọa thêm một nền kinh tế vốn đã khó khăn.

Còn đối với các nhà đầu tư ngoại quốc, Trung Quốc rõ ràng không còn là miền đất hứa. Công ty tư vấn Sneci cho biết hiện có rất nhiều khách hàng, nhưng khác với trước, họ đến không phải để nhờ giúp đỡ thâm nhập vào thị trường Hoa lục, mà muốn được tư vấn cách ra đi. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đóng lại thời kỳ mở cửa, đẩy mạnh chủ nghĩa dân tộc trong kinh tế. Không chỉ ưu đãi các công ty nội địa, doanh nghiệp ngoại quốc còn bị cạnh tranh bất chính bằng nhiều chiêu trò. Chẳng hạn những cuộc rà xét gắt gao về tiêu chí môi trường, trong khi các công ty cạnh tranh của Trung Quốc chỉ được kiểm tra sơ sài cho có lệ.

Liệu ông Tập có thể bị hạ bệ ?
Cũng trên L’Express, bà Thái Hà (Cai Xia), nguyên hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương đang sống lưu vong ở Hoa Kỳ cho biết Tập Cận Bình thực ra là một quan chức không có tài cán gì, đi lên nhờ dựa vào tên tuổi của người cha là Tập Trọng Huân, một trong « bát đại nguyên lão ».

Tập Cận Bình dù có học ngành hóa ở đại học Thanh Hoa, nhưng đi tắt, nhập học nhờ thuộc giai cấp công-nông-binh, chứ không phải do thi tuyển như Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào. Còn bằng tiến sĩ mác-xít cũng ở đại học Thanh Hoa, theo nhà báo Anh Michael Sheridan thì luận án đầy những đoạn đạo văn, có lẽ do cấp dưới làm giúp và các giáo sư nhắm mắt cho qua như thường lệ.

Theo bà Thái Hà, nguy cơ duy nhất khiến ông Tập có thể bị lật đổ là một thất bại nhục nhã trong chiến tranh. Nếu tấn công Đài Loan, cuộc chiến có thể không diễn ra như dự tính, Đài Bắc với sự trợ giúp của Washington gây thiệt hại nặng nề cho Hoa lục thì giới tinh hoa và quần chúng có thể bỏ rơi Tập Cận Bình, tuy nhiên đảng Cộng sản sẽ không sụp đổ. Muốn gợi ra một tiền lệ, phải lần về thế kỷ 19, khi hoàng đế Càn Long (Qianlong) thất bại trong việc chinh phục Trung Á, Miến Điện và Việt Nam.

Thỏa thuận song phương, hệ quả toàn cầu
Nhìn chung, The Economist thấy rằng « Trung Quốc đang gây áp lực mạnh mẽ lên châu Á và xa hơn nữa ». Càng lớn mạnh thì Bắc Kinh càng mở rộng ảnh hưởng sang các nước láng giềng, vươn vòi ra tận châu Mỹ la-tinh và địa cực. Đảng coi trọng « quyền lực của diễn văn », duy trì quan hệ với các đảng chính trị khắp nơi, mời những chính khách trẻ đến thăm Hoa lục, tuyển mộ các nhà báo trên khắp thế giới làm việc cho truyền thông Trung Quốc. Các chính phủ phương Tây chỉ hoài công kêu gọi lương tâm của một đại cường. Để có được sự hợp tác trên các vấn đề quốc tế, từ đại dịch đến giải trừ quân bị, Trung Quốc luôn đòi hỏi những nhượng bộ.

Việc gầy dựng ảnh hưởng song phương của Bắc Kinh đang phá vỡ trật tự thế giới. Khi một cường quốc phương Tây bỏ quên một nước vốn tự hào là có vị trí chiến lược, Bắc Kinh nhận ra ngay. Hồi tháng Tư, các viên chức cao cấp Mỹ đã chậm chân khi đến thăm quần đảo Salomon ở Nam Thái Bình Dương, sau khi có tiết lộ về một hiệp ước an ninh với Trung Quốc.

Trung Quốc đánh hơi rất giỏi những nước bất mãn muốn tìm một đối tác khác. Các quốc gia Trung Á khi muốn có tuyến xe lửa do Trung Quốc xây dựng để bớt lệ thuộc vào Nga, đã đánh đổi một nhà độc tài để lấy một nhà độc tài khác. Trong một số trường hợp, Trung Quốc là cái phao cứu sinh cho những nhà lãnh đạo chuyên quyền như Viktor Orban ở Hungary hay Bachar Al Assad ở Syria.

Nhưng có lẽ không nguyên thủ nào cần đến chiếc phao của Trung Quốc đến như Vladimir Putin. Nếu Nga còn tồn tại được bất chấp trừng phạt, Bắc Kinh coi là thất bại của phương Tây và sẽ rất hài lòng. Trong khi chờ đợi, có thể mua dầu khí đại hạ giá, và lại được trả một phần bằng nhân dân tệ. Một nước Nga tuyệt vọng sẽ ngưng bán các loại vũ khí tân tiến cho Ấn Độ và Việt Nam – hai đối thủ của Bắc Kinh, và quên đi sự lấn lướt của Trung Quốc tại Bắc Cực.

[Image: with-love-smiley-emoticon.gif]
Reply
#2
Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực để thách thức thế giới 
hay đây sẽ là một thử thách đối với Trung Quốc ?


Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 20 đã kết thúc. Hôm 23/10/2022 trước ống kính truyền hình thế giới chính ông Tập Cận Bình thông báo được Đảng tín nhiệm giao phó thêm một nhiệm kỳ thứ ba. Nhân vật số 1 của đảng Cộng Sản Trung Quốc dẫn đầu một phái đoàn 6 người trong Ban Thường Vụ mới của Bộ Chính Trị : tất cả là những người trung thành với ông.

Việc trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất từ sau Mao Trạch Đông sẽ giúp ông Tập Cận Bình nhanh chóng thực hiện tham vọng đưa Trung Quốc trở thành « trung tâm » của thế giới, cho phép Bắc Kinh áp đặt trật tự mới về ngoại giao, quân sự và kinh tế ? Hay trái lại đó sẽ là một trở ngại trên con đường xây dựng một xã hội « hài hòa » và thịnh vượng chung cho 1,4 tỷ người dân Trung Quốc ? 

Giáo sư về quan hệ quốc tế William Callahan, London School of Economics, được AP trích dẫn, lưu ý trong những phát biểu gần đây ông Tập Cận Bình luôn quan niệm hệ thống « quản trị », lãnh đạo thế giới đang « đổ vỡ » và Trung Quốc là một « giải pháp » để xây dựng một mô hình, một trật tự mới.  Càng lúc ông Tập càng tin rằng phong cách của Trung Quốc mới thực sự là một « mô hình phổ quát » để áp dụng cho thế giới. Chính vì lô-gic đó, Bắc Kinh sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách « zero-Covid » mặc dù công luận Trung Quốc càng lúc càng bất mãn vì những xáo trộn đối với kinh tế mà biện pháp này gây nên. Việc bí thư thành ủy Thượng Hải, Lý Cường, được bổ nhiệm vào Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị và có triển vọng trở thành thủ tướng là bằng chứng rõ rệt nhất cho phép đưa ra kết luận này. Lý Cường là người đã quyết định phong tỏa nghiêm ngặt Thượng Hải trong nhiều tuần lễ, gây phẫn uất trong công luận Trung Quốc. 
Về kinh tế, đảng Cộng Sản Trung Quốc đề ra mục tiêu đến khoảng năm 2032 thu nhập bình quân đầu người tại quốc gia này phải tương đương với mức trung bình tại một quốc gia phát triển. Điều đó có nghĩa là trong hơn một chục năm, Trung Quốc sẽ phải tìm ra được một phép lạ kinh tế để « GDP tăng lên gấp đôi so với thời điểm 2020 » như ghi nhận của hai chuyên gia Larry Hu và Yuxiao Zhang thuộc viện nghiên cứu tài chính Macquarie, trụ sở tại Sydney, Úc. Đây sẽ là một nhiệm vụ khó hoàn thành vì nhiều lý do. Thứ nhất là nguồn lực lao động đang sụt giảm. Thứ hai là tham vọng lấy công nghệ cao làm động lực phát triển liên tục bị thách thức : Mỹ thu hẹp dần những khả năng cho phép các tập đoàn Trung Quốc tiếp cận với công nghệ mới của phương Tây. Thứ ba, theo hai chuyên gia của viện Macquarie, Bắc Kinh muốn kiểm soát chặt chẽ guồng máy kinh tế và điều đó sẽ không tạo môi trường thuận lợi cho tăng trưởng. 

Nhìn đến vế ngoại giao và an ninh, Đài Loan tiếp tục là « cái gai » theo quan điểm của ông Tập Cận Bình, nhất là khi đảng Cộng Sản Trung Quốc gắn liền hồ sơ này với vấn đề « an ninh ». Trong chiều hướng đó, các chuyên gia chờ đợi Bắc Kinh tiếp tục đẩy mạnh và phát triển sức mạnh quân sự. Đầu tư phát triển từ tên lửa đến tàu ngầm và những công nghệ cao phục vụ cho quân đội sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong những năm sắp tới. Giáo sư Callahan nhấn mạnh Trung Quốc muốn « thống lĩnh thế giới » và một trong những phương tiện để đạt được mục tiêu đó là « một đường lối cứng rắn về chính trị, về ngoại giao ».

 
Nhà nghiên cứu Jean Pierre Cabestan, thuộc Trung Tâm Asia Center tại Hồng Kông ghi nhận, với ban lãnh đạo mới, chủ tịch Trung Quốc giờ đây đứng đầu một cơ quan quyền lực tối cao với toàn là những người thân tín. Ông không cần quan tâm đến việc phải tìm ra thế quân bình giữa các phe phái, chẳng hạn như là giữa cánh bảo thủ và phe chủ trương cải tổ ; phe ôn hòa với cánh diều hâu. William Lam đại học Hồng Kông nói đến một « thắng lợi toàn diện » của ông Tập và đó là dấu hiệu cho thấy ông « chuẩn bị để lãnh đạo đất nước lâu hơn nữa » chứ không chỉ dừng lại khi kết thúc nhiệm kỳ thứ ba. Với điều kiện, tất nhiên, là ông vẫn làm chủ được cuộc chơi trong « nội bộ Đảng » từ nay đến thời điểm đó. Chính ông Tập Cận Bình dường như cũng ý thức được điều này khi tuyên bố với gần 2 300 đại biểu toàn quốc « Đây sẽ là một hành trình dài hơi và đầy gian nan với những giai đoạn đều mang tính quyết định để chúng ta cùng đạt đến đích », nghĩa là « xây dựng một mô hình Trung Hoa ».

[img][/img]rfi
[Image: with-love-smiley-emoticon.gif]
Reply