Posts: 1,517
Threads: 6
Likes Received: 203 in 96 posts
Likes Given: 291
Joined: Oct 2020
Reputation:
26
(2021-05-22, 07:49 PM)Háo Sắc Wrote: Anh khiêm tốn quá, giọng anh không muốn khen cũng không được. Bữa nào cho tui chôm giọng anh qua trang khác tán gái nha j/k
Tôi mới thuộc dạng rống giải sầu nè lâu lâu gặp hên có bài trúng ngay âm vực của mình nên mới nghe tàm tạm .
Nhìn icon uống bia thèm quá mà không uống được nữa. tôi chỉ e nhạc của tôi sẽ hại anh bạn té ê mờ ông
thơ của anh đủ làm tim của bao cô thổn thức
khoảng này tôi chịu thua , làm 1 shot cho ấm người
Posts: 2,374
Threads: 120
Likes Received: 28 in 15 posts
Likes Given: 1
Joined: May 2020
Reputation:
40
Duyên Nghiệp
Tình cảm gia đình cũng như tình cảm đôi lứa nam nữ là một loại tình cảm liên quan đến Nghiệp. Khi giữa bạn và một người có Nhân Duyên thì mới gặp nhau, nhưng ở lại bên nhau lâu hay mau còn tuỳ thuộc vào Nghiệp. Bao gồm trong chữ Nghiệp, ân cũng có, mà Oán cũng có. Ân thì gọi là ân tình, là Thiện Duyên, Oán thì gọi là Nghiệt Duyên vậy.
Nếu người đối xử tốt, lo lắng và yêu thương bạn nhiều, chứng tỏ họ đã nợ bạn ân tình trong kiếp nào đó. Nhưng nếu bạn yêu họ nhiều và luôn quan tâm họ nhưng họ vẫn làm khổ bạn hết lần này đến lần khác thì đó là vì kiếp xưa bạn đã vay ân tình của họ nên kiếp này khi đủ Duyên, bạn phải trả lại nợ xưa. Tất cả những khổ đau đều có nguyên nhân sâu xa của nó chứ không có điều gì là ngẫu nhiên cả.
Trong Nghiệp Duyên hay hàm chứa OÁN nhiều hơn là ÂN, gặp nhau là để trả Nghiệp cho nhau. Khi Nghiệp Lực chiêu cảm, bạn thấy người bạn yêu như là cả thế giới của bạn, thậm chí họ quan trọng còn hơn cả cuộc đời của bạn.
( Bởi vậy mới có rất nhiều người sẵn sàng chết vì người mình yêu ).
Dù họ đối xử với bạn ra sao bạn cũng chấp nhận, dù họ xấu-đẹp gì thì trong mắt bạn họ vẫn là người đẹp nhất, không ai thay thế được. Dù họ có làm khổ bạn bao nhiêu bạn cũng không thể rời xa họ, chính bạn cũng không hiểu tại sao và không thể nào thoát ra được cho đến khi bạn trả xong Nghiệp thì cảm thấy lòng mình nguội lạnh với đối tượng kia một cách không ngờ.
Khi Nghiệp đã dứt, nhìn lại quãng đường đã qua, bạn sẽ không hiểu tại sao lúc đó bạn lại khờ dại như vậy, tại sao bạn không sớm chia tay người từng làm khổ bạn, tại sao lúc đó bạn lại yêu họ tới mức quên mất phải yêu bản thân mình, để rồi bây giờ gặp lại bạn chẳng còn chút cảm xúc nào dành cho họ.
Khi đang bị Nghiệp chi phối, dù bạn có vùng vẫy muốn thoát ra nỗi khổ đó cũng khó mà thoát được. Chỉ trừ khi bạn biết tu tập, thấu đạt lý NHÂN QUẢ NGHIỆP BÁO, tự mình quán chiếu rồi công phu tu niệm và sám hối thường xuyên thì mới mong xoay chuyển được Nghiệp Quả.
Duyên Nghiệp thật là luẩn quẩn và đáng sợ như vậy đó, nên khi hiểu rồi ta hãy cố gắng làm sao đừng gieo ân oán với ai trong kiếp hiện tại nữa, để sau này hoặc vị lai ta khỏi phải luân hồi gặp lại trả nợ cho ai..
- ''Từng đối mặt ngàn ngày sao chẳng nhớ
Chỉ một lần gặp gỡ khó mà quên!
- Tình cảm con người chính là một chữ Duyên
Biển đời rộng, riêng một người ta thấy.'' Là vậy đấy!
Như Nhiên
Namo Buddhaya
Posts: 3,919
Threads: 6
Likes Received: 149 in 124 posts
Likes Given: 129
Joined: Dec 2019
Reputation:
69
Quote:Nhưng nếu bạn yêu họ nhiều và luôn quan tâm họ nhưng họ vẫn làm khổ bạn hết lần này đến lần khác thì đó là vì kiếp xưa bạn đã vay ân tình của họ
Cùng gặp nhau trong cuộc sống để trả nghiệp rất khó . Câu hỏi được nêu lên là: Nếu hai bên cùng tái sanh trong một thời điểm, nhưng người ở phương Đông, kẻ ở phương Tây, hoặc kẻ tái sinh làm người, bên kia làm thú, hay kẻ làm người phàm, người kia đã trở thành một vị thánh . Làm sao trả được nghiệp ân tình xưa cũ ?
Bàn về Nghiệp thật khó lắm thay !
Thêm nữa .
Chúng ta nên nhớ chữ Nghiệp trong Phật giáo chỉ là một phần của đời sống, vì ngoài Nghiệp, con người còn có ý chí nữa . Vì thế, chúng ta không thể đổ lỗi tất cả do Nghiệp .
Good research, Ms. Hải đăng .
Posts: 2,374
Threads: 120
Likes Received: 28 in 15 posts
Likes Given: 1
Joined: May 2020
Reputation:
40
(2021-05-25, 12:36 AM)LeThanhPhong Wrote: Cùng gặp nhau trong cuộc sống để trả nghiệp rất khó . Câu hỏi được nêu lên là: Nếu hai bên cùng tái sanh trong một thời điểm, nhưng người ở phương Đông, kẻ ở phương Tây, hoặc kẻ tái sinh làm người, bên kia làm thú, hay kẻ làm người phàm, người kia đã trở thành một vị thánh . Làm sao trả được nghiệp ân tình xưa cũ ?
Bàn về Nghiệp thật khó lắm thay !
Thêm nữa .
Chúng ta nên nhớ chữ Nghiệp trong Phật giáo chỉ là một phần của đời sống, vì ngoài Nghiệp, con người còn có ý chí nữa . Vì thế, chúng ta không thể đổ lỗi tất cả do Nghiệp .
Good research, Ms. Hải đăng .
Đọc thấy hay nên rinh về
Posts: 2,374
Threads: 120
Likes Received: 28 in 15 posts
Likes Given: 1
Joined: May 2020
Reputation:
40
BUỒN CON CHIM SÁO
Đêm khuya trăng rớt mặt sông
Chiều nay em đã theo chồng về dinh
Con chim sáo đậu sân đình
Sáo bay sao nỡ tội tình bỏ tôi
Lục bình líu ríu mãi trôi
Sông quê bên lở bên bồi có nhau
Suốt đời mưa nắng dãi dầu
Nước ròng nước lớn nào đâu quản gì
Bây giờ kẻ ở người đi
Buồn con chim sáo còn chi hỡi người
Nỉ non điệu lý chơi vơi
Bông mù u rụng một trời đau thương
Nỗi buồn sâu thẳm đoạn trường
Sông kia ai rõ mà lường đục trong
Bao lời thề hẹn mênh mông
Trách sao cha mẹ lựa chồng kén sui
Một mai em có ngậm ngùi
Thèm ăn bí luộc nhớ mùi canh chua...
Hãy về thăm lại chốn xưa
Mà coi trăng rớt già nua ánh vàng.
© Nhạc sĩ - nhà văn Trà Bình
Posts: 2,374
Threads: 120
Likes Received: 28 in 15 posts
Likes Given: 1
Joined: May 2020
Reputation:
40
Đây là câu chuyện thật của hai mẹ con đi vượt biên được viết theo văn của người miền Nam .
Tác giả là người miền Trung nên sẽ có nhiều sai sót.
Và bài viết cũng để nhớ về hai vị ân nhân nơi mảnh đất Cần Giờ với tấm lòng trân trọng.
ÔNG TƯ ĐỜN
Có một chuyện cứ để nằm trong bụng , lâu lâu lại thấy như có lỗi với người ta vậy đó . Dễ chừng đã hai mươi lăm năm , nhớ hồi dẫn con Cà Na đi vượt biên nó mới hai tuổi đui hà . Hai má con tui theo sự sắp đặt của mấy người trong đường dây tổ chức vượt biên . Thì chạng vạng cở đâu sáu bảy giờ . Lúc này trước con hẻm nằm trên đường Trần Quang Diệu, người bán hàng đầu ngỏ cũng đang lo dọn cái xe đẩy bán cà phê với mấy cái ghế nhỏ, lui cui về nhà . Bà bảy bán cóc ổi xoài kế bên cũng mau dọn cho xong mớ hàng còn ế nhệ ra đó . Làm ăn buôn bán trong hoàn cảnh miền Nam đang thay đổi bộ mặt mới của chính quyền Bắc Việt, nói thiệt là khó khăn vàng trời, trăm bề khổ sở với cái bọn công an, hể hở cái là hốt hết hàng hóa để đưa về phường cái gọi là xử lý . Người dân miền Nam lúc bấy giờ chỉ biết đưa mắt nhìn nhau mà ứa nước mắt, bị có luật lệ gì đâu, luật rừng thì có . Đã nói kẻ chiến thắng họ muốn làm gì thì họ cứ làm tỉnh khô như người rừng người rú thôi .
Má con Cà Na, đứng ngó ra đầu hẻm mà ruột gan nóng như ai bỏ lên chảo rang, thì ở đâu có chiếc xe Honda chạy xề tới nhà mình, chiếc xe dừng lại trước cửa, trên xe bước xuống người đàn ông mặt mày lạ hoắc, rồi cứ vậy mà bước vô nhà tĩnh queo, nhưng trên gương mặt thì lấm la lấm léc như đang đi ăn trộm không chừng . Tui chưa kịp hỏi câu nào,thì nhanh tay thiệt đưa liền ra tờ giấy xếp tư được nhét sâu trong túi quần . Chỉ vậy thôi rồi quay lưng đi ra khỏi nhà cũng thiệt lẹ sau khi nói nhỏ bên tai tui : " Chị thu xếp nhanh tiếng sau tui đón chị ở trước cổng trường Vạn Hạnh nhe " "
Tui nghe vậy thì trái tim đập mạnh mới dữ, nhưng cũng phải coi trong tờ giấy viết gì, chứ đâu người lạ hoắc mà mình tin họ được . Đọc nội dung trong tờ giấy xong thì mới hay phải đi theo người này tới chỗ "ém gà ". Đó là địa điểm một căn nhà trong đường giây tổ chức vượt biên đặng khuya nay sẽ lên "taxi" . Chỉ là tiếng lóng của cái ghe máy nhỏ, nói là nhỏ chứ cũng ém cở mười người như chơi . Rồi họ sẽ đưa ra một chiếc thuyền lớn hơn, đang đậu núp ở một cái góc khuất nào, nhưng đã được ăn chia với công an của địa phương nơi đó .
Hai giỏ đồ được chuẩn bị cả tuần lễ trước trong thời gian chờ ngày giờ của đường dây tổ chức cho biết, gồm mấy bộ đồ và ít đồ ăn khô như bánh kẹo , con Cà Na còn nhỏ nên phải mua thêm một ống sữa, nhìn giống như ống kem đánh răng, rũi khi lên tàu nó có đói thì nặn ra cho con ăn, nghe bà bán hàng nói có nhiều chất bổ dưỡng cũng yên tâm .Nhưng quan trọng là phải có thêm cái áo ấm thiệt dày, chứ trên biển cả mênh mông đâu phải đi vượt biên đường rừng đâu mà có lửa củi để hơ cho ấm .
Tui mau mau bồng con Cà Na trên tay, con nhỏ ngơ ngơ hai mắt tròn đen tưởng má bồng đi chơi, nó đâu biết kể từ giây phút bước ra khỏi căn nhà, thì hai má con tui đang giao số phận cho ông trời định đoạt .
Bà ngoại con Cà Na rưng rưng nước mắt, má tui bả giỏi che giấu cảm xúc lắm, nhưng cái môi bả cũng run run dặn dò tui phải trông chừng con cho kỷ . Còn phần ông ngoại nó, đàn ông mà, liền quay ngoắt cái lưng lại, để che giấu sự xúc động thật mãnh liệt, bởi tôi nhìn hai cái bờ vai gập xuống cùng cái lưng ốm nhách của ông già như đang lên cơn sốt run rẫy thấy mà đứt ruột, đứt gan .
Tôi liền vội bồng con, bước chân mạnh dạn đi bương ra cửa leo lên chiếc xích lô trước con hẻm, mà mắt không dám nhìn ngoái vô nhà, mà rồi tui có nhìn vô chắc tôi cũng chẳng thấy gì bị nước mắt đã oà ra như mưa .
Ra tới trường Vạn Hạnh, thì thấy có người đứng chờ để chở hai má con tui tới điểm hẹn . Khi tới nơi có người đàn bà ra dấu bảo đi theo sau lưng bả bằng khoảng cách xa xa, bả đon đả miệng ngọt xớt như thân tình lắm, bả làm người tốt xách dùm hai giỏ đồ mà tôi đã để hết tâm trí lo lắng, nào là mang cái này hay mang cái kia , thêm cái này bớt ra cái nọ, đặng làm sao cho gọn gàng bị mình còn phải ẳm con nữa . Vậy mà ác nhơn hết sức, khi tôi xuống tới cái ghe nhỏ, thì con mẹ lách mình ở ngõ nào đem theo luôn hai giỏ đồ sinh tử của tôi .Tôi chết điếng trong người sững sờ, có miệng cũng không nói ra lời , nghẹn đắng họng đắng hầu . Thấy trên ghe có sẳn tám người nữa, hỏi có thân quen gì đâu mà kể lễ về chuyện bị mất đồ . Tui ôm con tủi thân nước mắt cứ thế mà ràn rụa .
Người đi cùng chuyến toàn là những người xa lạ nên cũng lặng câm, bị ai nấy đều mang tâm trạng hồi hộp lo lắng không biết chuyến ra đi này có được tốt lành hay phong hiểm ra sao, Trên gương mặt của những người đi cùng chuyến, đều mang nặng những tâm tư, thì mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau, nên ai nấy cứ ngồi im mà ôn lại những gì đã qua trước giờ phút chia ly với những người thương yêu .
Trời tháng mười tối thật mau, chỉ tội cho con Cà Na không có chi ăn hết, mà tui đâu dám mở miệng xin ai, vì sợ làm phiền người ta . Vậy là con nằm trong lòng tôi khóc rấm rức, tôi thấy con khóc muốn đứt ruột, rồi còn bị người cùng đi trừng mắt lên tỏ vẻ khó chịu . Tuii thiệt là không biết kêu đâu cho thấu, chỉ biết ôm con dỗ sao cho con mau nín, mà nó đói quá thì cuối cùng cũng lã người ra ngủ dật dờ trên cánh tay tui mỏi rệu .
Chiếc ghe bắt đầu nổ máy, đi độ mấy tiếng thì ra tới con sông Thủ Thiêm, nhìn lên bầu trời chỉ chừng mười giờ đêm, rồi nhìn ra sông nước mênh mông thấy trứơc mặt tối thui như chiếc ghe đang đi vào một cõi thiệt mông lung . Chiếc ghe đang chạy ngon lành, trên ghe ai nấy cũng còn im thim thích, thiệt chưa ai kịp nói gì với nhau dẫu một vài lời . Thì bỗng nghe đâu tiếng súng nổ từ xa, ban đầu nghe chừng ba phát cạch.. cạch.. cạch, rồi tiếp theo sau nghe tiếng súng lơn hơn đùng.. đùng.. như đang tới gần chiếc ghe .
Trên ghe bắt đầu nhốn nháo,hổn loạn, làm cho chiếc ghe chồng chành rồi nước sông tràn vào Trong lúc lo sợ tột cùng thì tui nghe cậu trẻ lái ghe nói to .
_ chết mẹ rồi công an tới rồi .
Nghe xong câu nói đó thì mọi người không ai còn bình tĩnh được nữa, sự di chuyển náo loạn kẻ đứng người ngồi, làm cho chiếc ghe như muốn lật nhào úp xuống nước . Thực sự lúc này tui quá hãi hùng chỉ biết ôm lấy con chặt hơn nữa . Trên sông gió càng lộng ào ào trong bóng đêm đen như dầu hắc, không ai còn nhìn thấy ra mặt ai nữa vì ngọn đèn nhỏ đã bị tắt phụp hồi nào không hay .Tiếng cậu lái ghe cố rán giọng lớn hơn giữa bầu trời gió đang thổi mạnh như muốn mang câu nói tan đi vào giữa không gian .
_ Bà con nghe tui , tui lủi vô chổ nước cạn, ai nấy nhanh chân mau nhảy xuống, nhớ núp xuống đám lau sìn nghen .
Miệng chưa dứt câu thì cái ghe đã là là vô cái đám sìn lau sậy ven sông . Thế là mạnh ai nấy tự tìm cho mình một lối thoát, mọi người cùng chen nhau nhảy tủm xuống nước, rồi biến mất trong bóng đêm như bóng ma . Trên chiếc ghe không người lái chỉ còn lại hai má con tôi, thêm một ông già và một cô gái mà thôi . Thì đúng lúc thuyền công an trờ tới, họ bắc loa gọi bằng cái giọng bắc 75 rất đanh thép
_ Mấy người bên kia, mau bước ra rồi lên thuyền mau.
Họ vừa gọi, vừa rọi đèn pha sáng lóa, họ thấy trên ghe giờ chỉ còn đàn bà con nít và ông già, nên thòng cho cái tấm ván dài qua chiếc ghe, cũng may khoảng cách gần xịch nên tui ôm con bước lên cũng không mấy khó khăn .Sau khi dùng đèn pha rọi kỷ càng, họ cho thuyền chạy, rồi đưa vô một căn nhà khá to giữa đồng không mông quạnh . Khi tới nơi thì tui mới biết nơi đây đã có một số người cùng chung số phận như má con tui .
Cái đám người bắt chúng tôi hôm đó, gương mặt họ lạnh như tiền, dõng dạc nói có gì trong người phải nộp sạch ra hết không được cất giấu .
Nói thiệt tui nhìn họ cứ giống như mấy cuốn phim kiếm hiệp coi trước đây, đúng là gặp phải bọn thảo khấu .
Ai nấy đều lột ra hết bỏ vào trong cái nón lá .Còn tôi nghĩ sao cái lá gan cũng to, dấu hai chỉ vàng cột trong đuôi tóc nhất định không lấy ra, ngẩm nghĩ nếu họ có tìm thấy thì cứ giã ngu giã khờ theo kiểu Tôn Tẩn giã điên trong tích xưa, nói không biết cho êm mà qua phà thôi .
Qua một đêm trong căn nhà bí ẩn đó, vì nhà cửa gì mà trông trơ trống trất . Mấy người cùng chung số phận bị tra hỏi cả đêm mà họ gọi là "mần việc" . Trời sáng ra họ cho lên thuyền chở tới bến đò để đưa ra trại giam ở Cần Giờ . Trên chuyến đò chúng tôi khoảng hai mươi người được 4 người công an đi theo canh giữ . Cùng đi trên đò cũng có những người thường dân đi buôn bán . Họ thấy con Cà Na khóc vì đói nên có người hảo tâm cho nó cái bánh ú, tôi mừng cám ơn rồi phải mâm mâm trong miệng mới đút cho con ăn, chứ hai tuổi mà ăn bánh ú dễ mắc nghẹn như chơi .
Cả nhóm vượt biên bị nhốt ở Cần Giờ được mười ngày, thì nghe đâu tổ chức đường dây họ bỏ vàng ra xin chuộc, bị tôi đi cũng đã đóng trước 3 cây vàng, chờ tới đảo hay đâu đó thì người nhà đưa tiếp thêm ba cây vàng nữa cho họ .
Ở tù thì ai mà chẳng biết nó cơ khổ tới mức nào, cũng nhờ có con nên tôi được châm chế cho mấy chuyện gọi là lao động . Nhà tù chưa xây cất thêm, nên nhóm người vượt biên được lùa ở chung ở một góc trại, chỉ có mái che chứ chung quanh trống rốc, tui nghĩ nếu mà gặp mùa mưa thì coi như bị ướt nhem cả đám . Đêm trong tù lạnh lẽo muỗi mòng vo ve, ai thấy con bé nhà tui cũng mủi lòng xót thương, người cùng trại giam, họ cho mượn cái khăn tắm quấn cho con bé kẻo bị muỗi cắn .Còn riêng tui thức trắng mấy đêm liền nằm đập muỗi cho con, phần lạnh buốt da không sao ngủ được .
Cũng may có bà cụ cho mượn bộ đồ để thay, không thôi đã năm ngày không tắm rữa hôi hám như kẻ ăn mày . Còn con Cà Na thì có cái khăn quấn trên người, nên hai Má con mang hai bộ đồ duy nhất trên người, nói đi giặt chứ thật ra là đi xã nước lạnh câu từ cái giếng nhỏ trong trại giam . Cái giếng chỉ có nước lên vào buổi sáng chứ khi tới trưa là cạn queo, rồi mang ra phơi ở hàng rào kẻm gai để có mà thay đổi .
Suốt mười ngày trong trại tù ở Cần Giờ, con Cà Na dễ thương hay không biết má nó dễ thương, mà ngày nay nó được trái chuối , ngày mai thì được củ khoai . Lúc đi lấy cơm tù phần cơm cũng nhiều hơn người khác .
Khi tối đến được nghe một người tù hát cải lương, mèng ơi hát hay như Út Trà Ôn cái bản mà ai cũng biết là Tình Anh Bán Chiếu . Ông trưởng trại tù ổng khoái nhất cái câu " tưởng giếng sâu anh nối sợI dây dài , hay đâu giếng cạn anh tiếc hoài sợi dây ... " . Mà ổng khóai cũng đúng bị ông người miền Nam ra tập kết ở ngoài Bắc được trở về làng quê nên ghiền nghe quá đã đó mà, chứ tui nghĩ thời gian ở ngoài Bắc thì ổng chỉ nghe nào Cô gái vót chong hay trường sơn đông trường sơn tây , nhạc đỏ nghe thiệt phát chán .
Sau mười ngày đồng cam cộng khổ, cả nhóm vượt biên chúng tôi được thả ra cùng một lúc, một số người có người nhà đến đón tại Cần Giờ. Lúc này thì tôi mới biết là cùng chung một đường giây tổ chức với nhau cả .
Hai má con được thả ra khỏi trại giam vào lúc 5 giờ chiều, đi ngơ ngác bơ vơ nơi mảnh đất Cần Giờ, trên tóc cột hai chỉ vàng mà đâu dám lấy ra bán bị sợ này sợ nọ .Cũng may mắn cho hai má con, số người được ra cùng ngày họ có gì thì đưa hết cho tui vì họ biết hoàn cảnh tui bị ăn cướp hai giỏ đồ . Với một ít bánh trái đỡ đói .Tôi nghĩ thôi đêm nay ra sạp chợ ngủ đại một tối , bị sáng sớm mới có chuyến tàu về Vũng Tàu vào lúc 6 giờ sáng .
Đang lúc bồng con trên tay lơ ngơ đi tìm hỏi người dân địa phương coi chợ nằm ở đâu .Lúc đi ngang qua một tiệm may đồ, thì thấy có hai vợ chồng tuổi chừng bốn mươi, họ vui vẻ đưa tay ngoắc hỏi .
_ Phải mới ở trỏng ra hôn ? . Thiệt tình ai ngó hai má con tui là họ biết liền là dân vượt biên, bị xơ xác như trái mướp khô đó mà .
Nhìn hai gương mặt hiền lành chất phát của họ, tôi gậc đầu xác nhận . Người vợ vội đứng lên ra nắm tay tôi dắc vô cửa tiệm . Nói là cửa tiệm chứ căn nhà rất nhỏ, độ bề ngang 4 mét bề dài 6 mét, họ ở trên gác còn ở bên dưới thì mở tiệm may .
Vô tới nơi ông chồng liền lên tiếng với giọng nói nghe rất phúc hậu
_ Tối nay tui cho ở một đêm, rồi sáng mai ra bến đò mà về .
Tui mừng quá và có cảm giác như ai đó đang run rũi cho tui gặp được người tốt , tui chưa kịp mở lời cám ơn thì thấy ông quay qua bà vợ dặn dò cơm nước, rồi chỉ ra mé sau cho hai má con được tắm một bữa thoả thích .Nước ngọt ở xứ này cũng phải mua, chứ giếng đào chỉ có nước lờ lợ không dùng được . Tối đến hai má con được ăn cơm trắng, canh chua với tôm thẻ kho rim .
Bữa ăn hôm đó tôi nhớ suốt đời, cái tài nấu nướng của hai vị ân nhân và luôn khắc sâu ân tình của họ . Sau bữa cơm họ lên gác giăng cho tấm mùng thật lớn, họ thật tốt bụng nhường chỗ ngủ cho hai má con, còn họ thì ngủ dưới nhà .
Đúng 5 giờ sáng họ lên đánh thức tôi dậy, nếu không thôi tôi đã bị ngủ mê mệt, một giấc ngủ thật ngon kể từ lúc bị bắt vô tù mới có lại được .
Hai vợ hồng đưa hai má con tui đi bộ ra bến đò, tôi nắm tay bà vợ mà nước mắt muốn trào, nghẹn ngào nói lời cám ơn tận đáy lòng .
Ra tới bến đò vị ân nhân mua cho tôi ly cà phê đen nói uống cho ấm bụng, mua cho con Cà Na cái bánh giò chéo quảy . Thì chiếc tàu cũng vừa trờ đến . Tôi lúc đó loay hoay định nhờ ông bán dùm một chỉ vàng để làm lộ phí .
Ông xua tay biểu cất đi, rồi cầm ít tiền dúi vô tay tôi, miệng hối thúc tôi mau lên tàu cho kịp chuyến .
Tới giây phút đó tôi mới thấy mình đoảng hậu ghê, tên của hai vợ chồng ông tôi chưa hề biết . Tui chỉ nghe kêu là ông Tư . Người miền Nam thường kêu tên theo thứ tự thì quá nhiều, tên gọi như thế làm sao sau này tìm mà trả lại cái ơn nghĩa này .
Tôi bồng con đứng vô thân tàu nhưng ngoái mặt ra ngoài hỏi.
_ Ông Tư ơi.. ông tên là gì ?.
Ông cười sảng khoái nói .
_ Ở đây ai mà không biết ông Tư Đờn .
Con tàu nổ máy lướt ra khỏi bến, trời lờ mờ sáng tôi vẫn còn thấy bóng hai vợ chồng ông Tư Đờn đứng im trên bến nhìn theo .
...
Ông Tư Đờn ... đã trên hai mươi lăm năm tôi chưa hề trở lại Cần Giờ . Bây giờ tóc trên đầu cũng đã đôi ba sợi bạc, tấm lòng vàng của hai vợ chồng ông tôi cứ thấy nặng mãi ở trong tim . Thôi thì cứ theo dòng đời đưa đẩy, nếu như kiếp này không cho tôi gặp lại hai người, hai vị ân nhân giúp người không cần báo đáp .
Xin cho tôi hẹn lại kiếp sau, bởi nợ gì cũng còn trả được, chứ nợ ân tình làm sao mà trả cho xong !?...
Ngô Ái Loan (Mầu Hoa Khế)
Oct 28,2009
Posts: 3,919
Threads: 6
Likes Received: 149 in 124 posts
Likes Given: 129
Joined: Dec 2019
Reputation:
69
Vào Google tìm thêm, nên được vào Facebook được biết mẹ con tác giả đã định cư ở Mỹ bằng máy bay hơn 30 năm. Giờ này, cô bé đã hơn 30 tuổi .
https://www.facebook.com/photo?fbid=2771...2623088025
Posts: 2,374
Threads: 120
Likes Received: 28 in 15 posts
Likes Given: 1
Joined: May 2020
Reputation:
40
Posts: 3,919
Threads: 6
Likes Received: 149 in 124 posts
Likes Given: 129
Joined: Dec 2019
Reputation:
69
(2021-05-28, 12:43 PM)Hải đăng Wrote: Tìm lẹ vậy quân sư.
Google rồi vào Facebook .
Posts: 2,374
Threads: 120
Likes Received: 28 in 15 posts
Likes Given: 1
Joined: May 2020
Reputation:
40
MỘT CÂU CHUYỆN THẬT CẢM ĐỘNG…
Sáng nào cũng thấy thằng nhỏ cầm cái lon đứng chầu chực trước quán ăn. Tôi để mắt theo dõi thì hễ thấy thực khách vừa kêu tính tiền thì thằng bé chạy vào nhìn vào những cái tô, nếu còn thức ăn dư mứa thì nó vội vã trút vào cái lon rồi chạy ra ngoài đứng ngóng tiếp.
Khi cái lon gần đầy thì nó biến mất, chập sau thấy nó lại có mặt thập thò trước quán tiếp tục. Bàn tôi ngồi thì đứa bé không bao giờ quan tâm tới, vì mỗi sáng tôi chỉ đủ tiền uống 1 ly xây chừng vì tôi cũng nghèo cải tạo mới về sáng nhịn đói ngồi uống cà phê đen như một cái thú hay một cái tật không bỏ được.
Cứ thế, mà hơn một năm tôi mới quen được và tìm hiểu chút ít về hoàn cảnh gia đình của đứa bé. Tôi cố tình làm quen với thằng bé nhờ hôm ấy trời mưa, thằng bé đứng nép vào trong quán. Thằng bé đứng nép vào ngày càng sâu hơn trong quán vì mưa ngày càng lớn chỉ cách tôi chừng độ nửa thước. Tôi vói tay kéo nó ngồi xuống bàn và hỏi nó có thích uống cà phê không?
Thằng bé lắc đầu lia lịa và nói không uống. Tôi hỏi nó làm gì ngày nào cũng ra đây? và hiện sống với ai? Thằng bé như đoán được rằng: tôi chỉ là người khách ghiền cà phê nặng nên hàng ngày đóng đô ở đây nên nó cũng trả lời nhanh nhẹn rằng:
– “Con sống với ba má con, Ba con đi làm xa còn Má con đi phụ buôn bán ở ngoài chợ…”
Tôi hỏi tiếp:
– “Còn con có đi học không ?”
Thằng bé nói:
– “Con không có đi học… con ở nhà phụ với má nuôi heo…”
Đó là lý do để nói lên sự hiện diện hằng ngày của nó nơi quán ăn nầy. Nghe thằng bé nói như thế, tôi nói với chị chủ quán ăn giúp cho nó lấy những cơm và thức ăn thừa, và cũng từ đó nó không còn đứng lúp ló ngoài cửa quán nửa. Và nhờ tánh tình hiền hậu thật thà chị chủ quán cho nó vô phụ dọn bàn đề lấy thức ăn dư mang về và cho nó ăn uống để phụ việc. Từ đó tôi và nó gần gũi nhau hơn và thân với nhau lắm.
Có lần thằng bé hỏi tôi:
– “Chú làm nghề gì vậy hả chú?”
Tôi chỉ trả lời ngắn gọn là “Chú đang làm thinh”.
Đúng vậy mới cải tạo về mà, vợ con thì đã theo bên ngoại vượt biển hết rồi, nghe đâu đã định cư bên Úc, nay về ở với mẹ già ngày 1 buổi cà phê hai bửa cơm độn qua ngày. Thời gian ngột ngạt chậm chạp trôi qua, may mắn vợ chồng tôi đã bắt liên lạc được với nhau. Thế là những bữa cơm không còn ăn độn khoai củ hay bo bo nữa nhưng vẫn quen cử sáng cà phê quán gần nhà.
Không biết chị chủ quán có bỏ bùa mê hay tôi ghiền chổ ngồi mà không bữa nào vắng tôi. Một hôm, tôi đề nghị theo thằng bé về nhà nó chơi cho biết vì nó nói ở cũng gần không xa lắm. Thấy nó do dự và tỏ vẻ sợ sệt, tôi biết ngay nó đang dấu diếm điều gì
Thương nó lắm, tôi dúi tiền cho nó hoài. Mấy hôm sau tôi lẳng lặng đi theo nó khi nó mang cơm và thức ăn dư về nhà buổi trưa. Khi thấy nó lủi vô một cái chòi nhỏ xíu thì tôi thật sự không ngờ. Đứng dưới gốc cây Gòn cách nhà nó không xa tôi thầm nghĩ, nhà chút xíu như vậy gia đình 3 người ở thì chổ đâu mà nuôi heo. Tôi đang đứng suy nghĩ đốt cũng hết mấy điếu thuốc thì thằng nhỏ lục tục xách lon xách nồi đi ra quán để thu dọn thức ăn buổi chiều.
Đợi thằng bé đi khuất tôi lò mò đến nơi mà hồi nãy nó vào. Đến đó mới nhìn rõ thì thật ra đâu có phải là nhà, một lõm trống được che dựng lên bằng những phế liệu đủ loại muốn chui vào phải khom mọp xuống. Nghe thấy có tiếng chân dừng lại, có tiếng đàn bà vọng ra hỏi. Tôi trả lời là đi kiếm thằng Tuất, thì nghe giọng đàn ông cho biết nó vừa đi khỏi rồi, và hỏi tôi là ai, mời tôi vào…. Vừa khom người chui vào tôi mới thật sự không ngờ những gì hiển hiện trước mắt tôi.
Người đàn ông hốc hác cụt hai giò tuổi cũng trạc tôi nhưng trông yếu đuối, lam lũ và khắc khổ lắm. Một người đàn bà bệnh hoạn xác xơ cả hai đang ăn những thức ăn thừa mà thằng bé vừa mới đem về. Vừa bàng hoàng, vừa cảm động vừa xót xa, nước mắt tôi bất chợt tuôn rơi mặc dù tôi cố nén…
Từ đó, tôi hiểu rõ về người phế binh sức tàn lực kiệt sống bên người vợ thủy chung tần tảo nuôi chồng bao năm nay giờ mang bịnh ác tính nặng nề thật đau xót. Tôi móc hết tiền trong túi biếu tặng và cáo lui. Về đến nhà tôi vẫn mãi ám ảnh hoàn cảnh bi thương của gia đình thằng bé mà tôi bỏ cơm nguyên cả ngày luôn.
Sáng hôm sau ra uống cà phê, thằng bé gặp tôi nó lấm lét không dám nhìn tôi vì nó đã biết trưa hôm qua tôi có tới nhà nó. Nó thì tỏ vẻ sợ tôi, nhưng tôi thực sự vừa thương vừa nể phục nó nhiều lắm. Tôi kêu nó lại và nói nhỏ với nó tại sao không cho tôi biết.
Tội nghiệp nó cúi đầu im lặng làm lòng tôi thêm nỗi xót xa. Có khách kêu trả tiền, như có cơ hội né tránh tôi nó chạy đi dọn bàn và tiếp tục công việc thu dọn thức ăn. Hèn gì sau nầy nó để thức ăn dư phân loại đàng hoàng lắm. Tội nghiệp hoàn cảnh của thằng bé mới mấy tuổi đầu mà vất vả nuôi cha mẹ theo khả năng chỉ tới đó. Cha là một phế binh cũ trước 75 cụt hai chân, mẹ thì bị bệnh gan nặng bụng phình trướng to khủng khiếp và cặp chân sưng vù lên đi đứng thật khó khăn, nước da thì vàng mét như nghệ. Thằng bé là lao động chánh trong gia đình, nó có hiếu lắm. Từ đó tôi thường cho tiền đứa bé mua bánh mì cơm gạo về nuôi cha mẹ.
Vợ tôi làm thủ tục bảo lãnh tôi sang Úc. Ngày tôi đi tôi đau xót phải để lại hai nỗi buồn đó là để mẹ và em gái lại quê nhà và không còn cơ hội giúp đỡ thằng bé nữa. Sang Úc định cư, tôi sống tại tiểu bang Victoria mấy năm đầu tôi hết sức cơ cực vì phải vật lộn với cuộc sống mới nơi đất mới và đối với tôi tất cả đều mới mẻ và xa lạ quá. Từ ngôn ngữ đến thời tiết đã làm tôi lao đao không ít. Thỉnh thoảng tôi gởi tiền về nuôi mẹ và em gái không quên dặn em gái tôi chuyển cho thằng bé chút ít gọi là chút tình phương xa
Mấy năm sau tôi về thăm gia đình, tôi có ghé tìm thằng bé thì nó không còn lấy thức ăn trong quán đó nữa. Tôi mới kể rõ hoàn cảnh thằng bé cho chị chủ quán biết. Chị chủ quán đôi mắt đỏ hoe trách tôi sao không cho chị biết sớm để chị tìm cách giúp gia đình nó. Tôi chỉ bào chữa rằng tại thằng bé muốn giấu không cho ai biết! Tôi ghé vội qua nhà thằng bé thì mới hay mẹ nó đã qua đời vì căn bệnh ung thư gan.
Chỉ còn chèo queo một mình ba nó ở trần nằm một góc trông hết sức thương tâm. Hỏi thăm thì mới biết nó đã xin được việc làm đi phụ hồ kiếm tiền về nuôi cha. Chúa nhật tôi tới tìm thằng bé, chỉ mới có mấy năm mà nó đã cao lớn thành thanh niên rất đẹp trai duy chỉ đen đúa vì phơi nắng để kiếm đồng tiền. Tôi dẫn nó trở ra quán cà phê cũ, thấy nó hơi ái ngại, tôi trấn an là bà chủ quán tốt lắm tại không biết được hoàn cảnh gia đình nó. Ra đến quán ăn chị chủ quán năn nỉ nó về làm với chị, dọn dẹp và bưng thức ăn cho khách nhẹ nhàng hơn đi phụ hồ và chị sẽ trả lương như đang lãnh bên phụ hồ, tối về thức ăn thường bán không hết chị cho đem về nhà dùng khỏi phải mua hay đi chợ. Lần đầu tiên tôi thấy nó khóc, chị chủ quán cũng khóc theo làm tôi phải đứng dậy bỏ ra ngoài để khỏi phải rơi nước mắt vì chịu không nỗi.
Thằng Tuất vừa khóc vừa nói: “Sao ai cũng tốt với gia đình con hết đó, nhưng vì con đang làm phụ hồ cho anh Năm, anh ấy cũng tốt lắm giúp đỡ gia dình con nhiều lắm, sáng nào cũng mua cho ba con gói xôi hay bánh mì trước khi tụi con đi làm. Con cũng mang ơn ảnh nhiều nên con không thể nghỉ được, con xin lổi”. Không biết thằng Tuất nó nói thật hay nó ái ngại khi quay về chỗ mà ngày nào cũng cầm cái lon chầu chực trút đồ ăn dư về nuôi cha mẹ. Phải thông cảm nó, phải hiểu cho nó, phải cho nó có cái hiện tại và tương lai tốt hơn, đẹp hơn ngày trước. Chị chủ quán vừa gạt nước mắt vừa nói “Bất cứ lúc nào con cần đến cô thì con đừng ngại, cho cô biết nhé”
Đời này cũng còn có những hoàn cảnh bi đát ít ai biết đến, và cũng có những đứa con xứng đáng như thằng Tuất. Ngày về lại Úc, tôi đến biếu hai cha con nó hai triệu đồng, thấy nó và ba nó mừng lắm tôi cũng vui lây. Không biết phải giúp gia đình nó như thế nào, tôi chụp hình ba nó, photo giấy tờ ba nó đem về Úc gởi cho Hội cứu trợ thương phế binh bị quên lãng trụ sở ở Sydney. Mấy tháng sau nhận được thư ba thằng Tuất viết qua, ông quá vui mừng khi được Hội bên Úc giúp đỡ gởi tiền về, ông cho biết suốt bao nhiêu năm qua lần đầu tiên ông thấy được niềm hạnh phúc khi cuộc đời phế binh của ông còn có người nhớ đến. Không biết ông ấy vui bao nhiêu mà chính tôi cũng hết sức vui mừng khi thực hiện một việc làm đem niềm vui đến cho những người phế binh sống hết sức đói nghèo bên quê mẹ.
Tôi xin cảm ơn cả hai: người chiến sĩ vô danh sống trong hẩm hiu và Hội cứu trợ thương phế binh đã thể hiện tình người trong công việc hết sức cao cả này.
Tác giả: Minh Tạo
|