Người về qua cõi phù vân ... Nghiêng vai trút gánh phong trần bỏ đi...

Lục Sơn Thanh Khê
#61
Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng
Vô Thường

    Một lần nọ tôi đi khám bệnh từ thiện cho những đứa trẻ mồ côi tật nguyền ở Thủ Đức. Thật ra tôi không muốn đi, vì đó là Chủ Nhật, ngày để nghỉ ngơi. Ngày mà tôi có thể nằm dài trên sofa vừa uống bia vừa xem trận bóng ngoại hạng, thi thoảng gào lên tức tối, cứ y như là cả cuộc đời chỉ có mỗi chuyện đá bóng vào gôn là có ý nghĩa.

    Tôi khám qua quýt cho xong. Lúc ra về tôi lướt qua những ma sơ chăm sóc trẻ. Họ chẳng có gì đặc biệt, không phấn son với những chiếc áo dòng màu xanh. Nhưng khi gần tới cổng, tôi thấy một ma sơ dáng người nhỏ thó, chiếc lưng còng xuống, vẻ như đang gánh một vật gì đó quá lớn trên vai. Cam chịu. Cô chỉ có một cánh tay trái, tay phải đã cụt.

    Khi bước qua, tôi cúi đầu, chào theo phép lịch sự tối thiểu của một bác sĩ. Nhưng lúc cúi xuống, vô tình tôi cảm nhận được một mùi hương thanh thoát tỏa lan nhẹ nhàng từ cánh tay đang kéo chiếc cổng sắt nặng nề.

    Tại sao ma sơ tật nguyền này lại có đôi tay thơm tho đến thế?
    Câu hỏi đó theo tôi suốt chặng đường về. Để rồi từng đêm từng đêm tôi bị mùi hương đó ám ảnh. Tôi nói với đồng nghiệp, mọi người đều bật cười và trêu: Mày nên đi khám tâm thần, bị ảo khứu, nguy hiểm lắm. Ha ha… sau những nụ cười vui vẻ ấy tôi đâm hoang mang. Không lẽ mình bị tâm thần? Không lẽ đôi tay xấu xí, tật nguyền ấy lại có thể ám mình? Tôi có rất nhiều đôi tay để ám cơ mà? Những đôi tay hồng hào, mềm mát như gió của bạn tình, những đôi tay đầy ma lực từng ngón như rắn lên xuống, làm tôi kiệt sức bao lần.

    Quyết không để mình bị tâm thần lãng như vậy, tôi đi Thủ Đức một chuyến nữa, vẫn người ma sơ có đôi tay gớm ghiếc ấy mở cổng và vẫn mùi hương thanh khiết bay, váng vất như hương hoa hồ điệp. Người ma sơ tên Thị Mây bối rối cúi xuống trả lời khi nghe tôi hỏi: Dạ… tại sơ bị tai nạn giao thông. Chỉ vậy thôi, đúng chỉ vậy thôi, tai nạn giao thông nghiền nát cánh tay phải của ma sơ. Như vậy đó, ừ thì cũng như bao người cụt chân, cụt tay khác bị tai nạn. Thế thôi. Có gì mà vướng bận?

    Tôi quay về Sài Gòn, nhủ lòng mình rảnh và vớ vẩn quá. Lo công việc đi, còn bao nhiêu thú để ăn chơi, còn bao nhiêu bàn tay đẹp để nắm, để sờ mó những khi bản năng thôi thúc, đúng không? Nhưng tất cả vẫn như cũ. Hết ngày rồi lại đêm mùi hương cánh tay đó vẫn thoang thoảng quanh tôi. Khi thì dịu dàng như mùi hoa chanh, khi thì nồng nàn như mùi hoa nguyệt quế. Tôi sợ đến nỗi, tưởng mình đã điên. Sao kỳ lạ đến như vậy? Một ma sơ có đôi tay cụt vì tai nạn thì có gì là bất thường? Tôi điện thoại cho thằng bạn thân, thạc sĩ chuyên khoa tâm thần, nó cười hú hú lên rồi phán: Mày bị con nhỏ “viêm cánh” bỏ bùa rồi, ha ha ha, mày có gu với mùi hôi đó, cưới đi, để tối tối hit hít ngửi ngửi cho sướng, ha ha ha. Tôi cũng ha ha ha trong ngượng ngùng.

    Nhân dịp có chuyên gia tâm lý bên Mỹ qua dự hội nghị Chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân tai biến mạch máu não. Tôi liên lạc xin một cuộc hẹn để tư vấn. Thật khó, vì bà ta không có ý định là qua Việt Nam khám chữa bệnh. Người nước ngoài rất rõ ràng trong công việc. Sau khi hỏi hết mọi chuyện, bà Rose, chuyên gia tâm lý Mỹ, nhìn tôi từ đầu đến chân rồi dừng ở khoảng giữa. Tôi hơi ngượng một một chút với cái nhìn soi mói ấy.
    – Lần cuối cậu quan hệ tình dục khi nào?
    Tôi quan hệ tình dục thì liên quan gì đến một vụ ám ảnh cánh tay cụt, tôi suy nghĩ như thế, nhưng vẫn trả lời: “Cách đây ba tháng”.
    – Tại sao lâu thế? Tôi nghĩ vấn đề của cậu là một thiếu thốn trong việc quan hệ, hay không thỏa mãn trong vấn đề chăn gối nên mới như vậy.
    Trời… Sao người nước ngoài hay liên kết mọi sự rắc rối cuộc sống vào trong tình dục thế kia? Hay họ xem việc đó cũng giống như ăn, ngủ, cầu nguyện?
    Bó tay. Tôi hay dùng nhiều từ “thông dụng” như thế. Chứ còn biết làm gì? Nhiều khi ngủ tôi mở bung hết cửa sổ xịt nước hoa khắp phòng mà không thể đuổi được mùi hương đó.

    Tôi đành quấy quả trở xuống Thủ Đức. vẫn người ma sơ có cái tên quê mùa Thị Mây ấy mở cổng. Và vẫn lời đáp nhẹ như bấc, sơ bị tai nạn giao thông. Nhưng ánh mắt ma sơ nhìn tôi rất khó hiểu.
    Lần này tôi không về vội, tôi đi lang thang trong khuôn viên ngôi nhà dòng dưới hàng cây bàng xanh thẳm lá. Tôi ngồi xuống một chiếc ghế đá. Không gian thật thoáng đãng và thanh bình. Bầu trời rất trong và mây trắng trôi nhởn nhơ. Tôi giật mình tự hỏi, sao tháng ngày qua tôi cuống cuồng hết đi rồi chạy, đầu óc lúc nào cũng căng thẳng để được gì? Tôi chưa bao giờ chịu dừng lại ngồi xuống bên một tách trà thơm để ngắm nhìn cuộc sống, hay đơn giản hơn để đọc một trang sách.

    Vô tình tôi nhìn vào căn phòng đối diện. Tiếng cười the thé của lũ trẻ tật nguyền vọng ra, có một ma sơ già ngồi giữa chúng. Bà ta vỗ tay nhè nhẹ vào nhau, hết nghiêng nhìn đứa này ríu rít cười, đến nghiêng nhìn đứa kia nheo mắt. Cả căn phòng như bừng sáng. Thứ ánh sáng trong trẻo thánh thiện. Nụ cười móm mém không có son môi, không có phấn má, mà sao đẹp đến thế. Lũ trẻ bu quanh chạy tới chạy lui ríu rít. Tiếng ú ớ vỡ ra thành hàng ngàn tiếng leng keng reo lên trong gió. Tôi như chết lặng, sững sờ trước hình ảnh ấy. Đẹp quá, thật quá, lộng lẫy quá. Nắng chan hoà, gió cũng chan hoà. Không biết bao lâu tôi mới choàng tỉnh. Bối rối nhận ra có một linh mục già ngồi kế bên. Khuôn mặt ông ta toát lên một vẻ hiền từ bình an. Ánh mắt như chờ đợi tôi trút nỗi lòng. Tôi hỏi, sao cánh tay ma sơ Mây bị cụt. Trầm ngâm một chút ông kể:
- Năm 16 tuổi, thay vì như những cô gái khác, ngây thơ vui đùa cùng bạn bè, Mây cùng mẹ Mây đến nhà dòng này xin khấn trọn đời. Lúc đó Mẹ bề trên nhìn Mây ái ngại, vì Mây là con một, gia đình lại giàu có. Mẹ ruột của Mây rưng rưng nước mắt, nhưng trong giọt nước mắt ấy có một tình yêu, một niềm tự hào.

    Năm 18 tuổi, Mây ra dáng một thiếu nữ mơn mởn, tóc dài đen nhánh, đôi tay xinh đẹp mềm mại, rất khéo nấu ăn, thêu thùa. Nhưng lúc nào Mây cũng giấu mình trong chiếc áo dòng tu kín đáo.

    Có một đêm cô gõ cửa Mẹ bề trên, xin cho được ra làng mồ côi, chăm nuôi mấy em nhỏ. Mẹ bề trên ưng thuận. Thế là đôi tay đẹp kia hằng ngày mớm cơm đút cháo cho mấy em. Có khi các em sốt, Mây thức trắng đưa bàn tay mình đặt lên trán chúng, xem nhiệt độ thế nào, rồi nhúng khăn lau tới lau lui. Bàn tay búp măng mũm mĩm không còn nữa, mà thay vào đó là bàn tay không ngần ngại hốt phân dãi của các em đi đổ. Nhiều đêm, thấy đôi tay ấy chắp lại trước ngực cầu nguyện. Cầu nguyện điều gì không ai biết. Chỉ biết rằng đôi tay đó không còn như xưa…

    Hôm kia, có một bé chạy tung tăng trong sân, cổng để mở, bé băng ra đường. Xe tải dìu dập trên xa lộ lớn. Em bé ấy quá nhỏ, và lao ra quá nhanh, nên không ai kịp trở tay. Rầm, khi tất cả các sơ chạy ra thì tiếng em bé khóc lên thất thanh thật to. Bên cạnh em, Mây nhắm nghiền mắt. Cánh tay phải bị bánh xe nghiền nát. Máu chảy lênh láng.

    Khi tỉnh dậy cô kể: Lúc đó, con đang đứng trên dải phân cách chờ băng qua đường thì thấy nó lao ra giữa xa lộ, con sợ quá, chạy ào đến, ôm nó, lăn vội vào. Tội nghiệp nó lắm, nó sợ quá, khóc thét lên. Nghe Mây kể, mọi người chưa hết bàng hoàng. Sao cô kể chuyện hồn nhiên đến thế? Liều cả mạng mình mà không tiếc chỉ để cứu một đứa bé tật nguyền, rồi còn tội nghiệp vì nó sợ khóc thét lên. Có lẽ Mây bị khùng mất rồi Không khùng ai làm thế ? Từ đó cô lại xin Mẹ bề trên đứng gác cổng ra vào, cô sợ các em tật nguyền kia, không ý thức lại lao ra giữa dòng xe. Cô nói cuộc sống đáng quý lắm.
    – Con xin lỗi mẹ, vì con cứ đòi hỏi mẹ hết lần này đến lần khác. Mẹ bề trên bật khóc: Con đâu có gì phải xin lỗi. Con luôn đòi hỏi để phụng sự người khác.
    Thế là từ đó, Mây thành người gác cổng* Khi được hỏi tại sao cô bị cụt tay, cô đáp nhẹ như bấc, bị tai nạn giao thông.
    Tôi không dám hỏi, cô có tiếc vì mất cánh tay không. Vì hỏi như vậy là thừa. Ngay cả mạng mình cô còn không tiếc.

    Vị linh mục già kết thúc câu chuyện. Nắng chiều rải rác xuống thềm như một tràng hoa rực rỡ. Chỉ có hoa nắng mới kết vừa vương miện cho những con người ở đây. Tất cả loài hoa thế gian, tất cả kim cương, ngọc bảo thế gian khi đính vào vương miện chỉ làm cho nó trần tục hơn, vật chất hơn mà thôi.

    Bây giờ tôi mới biết, vi sao đôi tay của Mây có hương thơm kỳ lạ. vằ bây giờ tôi mới biết tại sao nụ cười và ánh mắt những người ở đây luôn ẩn chứa một trời long lanh nắng sớm.

    Bởi vì như linh mục Nguyễn Tâm Thường đã viết: Hy sinh vì người khác luôn cho hương thơm bay ngược chiều gió. Gánh nặng vì tình yêu luôn song hành cùng sức mạnh vô song. Bất cứ gỗ đá nào chạm phải tình yêu đều trở nên bao dung mềm mại.

    Tôi về thành phố, thấy lòng mình bỗng chật. Những gì trước đây tôi cho là đúng, bây giờ tôi đâm nghi ngờ. Những gì trước đây tôi luôn theo đuổi, giành giật để có, bây giờ thấy chẳng còn quan trọng nữa.

    Những tay thét ra lửa, những tay sừng sỏ mà tôi từng kính nể, bỗng dưng tôi thấy họ bình thường. Họ cố gắng dùng đôi bàn tay chứng tỏ mình, khuếch trương mình, những cái họ có được chỉ là thứ trơ trẽn. Họ không bình yên trên vật chất họ có được. Họ khoác những chiếc áo sang trọng, tay đeo đầy những kim cương, xịt toàn nước hoa hảo hạng, nhưng không bao giờ có mùi hương thanh tao, dịu ngọt, tỏa lan khắp bầu trời.

    Tôi bị ám ảnh, vì trong tôi hoài thai một lẽ sống. Tôi muốn thoát khỏi bàn tay của chính mình. Tôi là người tìm kiếm bàn tay đẹp.
    Bàn tay biết dang ra, biết sẻ chia là bàn tay đẹp. Bàn tay biết nắm lấy tay người bất hạnh hơn mình để cùng bước là bàn tay đẹp. Bàn tay biết nâng niu, gìn giữ cái đẹp, cái chân, cái thiện, là bàn tay đẹp. Và hàng ngàn định nghĩa về bàn tay đẹp khác.Có bàn tay cầm nắm rất nhiều, có thể điều khiển người khác. Có bàn tay xòe ra ăn từng đồng lẻ bố thí. Có bàn tay khéo léo làm nên những tuyệt tác nghệ thuật. Có bàn tay vụng về chỉ làm đổ vỡ mọi thứ khi chạm vào. Có bàn tay cho đi. Có bàn tay giữ lại. Nhưng khi về với đất, bàn tay nào cũng rỗng. Rỗng tuyệt đối.

    Vậy sao không ướp hương cho đôi tay mình, tôi tự hỏi lòng như thế. Có hàng ngàn cách ướp hương. Như ma sơ Mây, ướp hương thánh thiện, âm thầm, khiêm cung, bé nhỏ, mà hương thơm lại bay vượt mọi không gian. Có bao giờ Mây kể lể với Giêsu về mình không? Chắc không, vì Mây không có thời gian cho mình, đủ biết lo cho mọỉ người thôi.

    Khi sinh ra, tay tôi nắm chặt. Khi chết đi tay tôi buông thõng. Từ nắm chặt đến buông thõng, một hành trình dài đầy nụ cười hạnh phúc và nước mắt đau thương.

    Vô Thường

[Image: 2-BAF138-F-8683-45-A2-8-CAF-5216-C9-EA3-A3-A.jpg]
Kiếp luân hồi có sinh có diệt
Đời vô thường giả tạm hư không
Ngũ uẩn: “Sắc bất dị không”
An nhiên tự tại cho lòng thảnh thơi.
-CT-

願得一心人,
白頭不相離.
Reply
#62
Bài viết nào chị post cũng hay  Clap em đọc mà rơi cả nước mắt đây - không biết người khác có như em không vậy? 💧
Cô chủ nhà Vườn Hoa Việt  ♪♫

Reply
#63
(2021-03-29, 03:38 AM)Autumn Breeze Wrote: Bài viết nào chị post cũng hay  Clap em đọc mà rơi cả nước mắt đây - không biết người khác có như em không vậy? 💧

Cám ơn em gái, chị cũng thích những bài viết nhẹ nhàng.  Sau những lúc làm việc mệt, đọc để thư giãn và cũng giúp đầu óc mình thanh thản trở lại.  Chị thì kg mít ướt được như em, khó khóc nhè lắm, nhiều lắm thì mắt cũng chỉ cay cay thôi, chắc tại lúc trẻ quen nuốt ngược nước mắt vô trong nên khi lớn kg biết khóc.   Lol
Kiếp luân hồi có sinh có diệt
Đời vô thường giả tạm hư không
Ngũ uẩn: “Sắc bất dị không”
An nhiên tự tại cho lòng thảnh thơi.
-CT-

願得一心人,
白頭不相離.
Reply
#64
KHOẢNG CÁCH

Có một vị hiền triết đã hỏi các đệ tử rằng: "Tại sao trong cơn giận dữ người ta thường phải thét thật to vào mặt nhau?"

Sau một lúc suy nghĩ, một trong những đệ tử ấy đã trả lời: "Bởi vì người ta mất bình tĩnh, mất tự chủ!"

Vị hiền triết không đồng ý với câu trả lời, ngài bảo: "Nhưng tại sao phải hét lên trong khi cả hai đang ở cạnh nhau, tại sao không thể nói với một âm thanh vừa phải đủ nghe ?"

Các đệ tử lại phải ngẫm nghĩ để trả lời nhưng không có câu giải thích nào khiến vị thầy của họ hài lòng.

Sau cùng vị hiền triết đưa ra lời giải đáp. Ông bảo: "Khi hai người đang giận nhau thì trái tim của họ đã không còn ở gần nhau nữa. Từ trong thâm tâm họ cảm thấy giữa họ và người kia có một khoảng cách rất xa, nên muốn nói cho nhau nghe thì họ phải dùng hết sức bình sinh để nói thật to. Sự giận dữ càng lớn thì khoảng cách càng xa, họ càng phải nói to hơn để tiếng nói của họ bao trùm khoảng cách ấy.

Còn khi hai người bắt đầu yêu nhau thì thế nào? Họ không bao giờ hét to mà chỉ nói nhỏ nhẹ, tại sao? Bởi vì trái tim của họ cận kề nhau. Khoảng cách giữa họ rất nhỏ..."

Rồi ngài lại tiếp tục: "Khi hai người ấy đã yêu nhau thật đậm đà thì họ không nói nữa, họ chỉ thì thầm, họ đã đến rất gần nhau bằng tình yêu của họ. Cuối cùng ngay cả thì thầm cũng không cần thiết nữa, họ chỉ cần đưa mắt nhìn nhau, thế thôi! Vì qua ánh mắt đó họ đã biết đối phương nghĩ gì, muốn gì ..."

Người kết luận:

"Khi các con bàn cãi với nhau về một vấn đề, phải giữ trái tim của các con lúc nào cũng cận kề. Đừng bao giờ thốt ra điều gì khiến các con cảm thấy xa cách nhau... Nếu không thì có một ngày khoảng cách ấy càng lúc càng rộng, càng xa thì các con sẽ không còn tìm ra được đường quay trở về !"

Lượm

[Image: 166021662-2846324055631847-840518186499020537-o.jpg]
Kiếp luân hồi có sinh có diệt
Đời vô thường giả tạm hư không
Ngũ uẩn: “Sắc bất dị không”
An nhiên tự tại cho lòng thảnh thơi.
-CT-

願得一心人,
白頭不相離.
Reply
#65
TRÂN TRỌNG NHAU NHIỀU HƠN

Cá vì bơi trong nước nên thường quên mất sự tồn tại của nước. Chim vì nương theo gió để bay nên không hề biết đến sự có mặt của gió.”

Chim và cá thật giống với chúng ta – những người không biết quý trọng người đối tốt với mình. Vì chúng ta đã quen với việc họ tốt với mình, nên chúng ta dễ quên đi cái tốt của họ. Ta coi đó là lẽ dĩ nhiên, là những thứ mình đương nhiên phải có. Nhưng thực tế thì sao?

Người ta đối xử tốt với bạn vì nghĩ bạn xứng đáng. Do đó, bạn cũng nên cho họ thấy mình xứng với tất cả những gì họ đã cho đi. Chuyện tình cảm giống như việc đun nước trên bếp lửa. Bạn phải liên tục trở củi để duy trì được nhiệt độ sôi của nước. Nếu như bạn lơ là trong việc giữ lửa, nước dù đã sôi cũng sẽ trở nên nguội lạnh.

Một người vợ chỉ biết hi sinh, trong khi người chồng lại chỉ biết hưởng thụ. Hơn nữa, anh ta lại cứ mãi nhớ nhung mối tình đầu. Vì thế, anh ta luôn cảm thấy không hài lòng với người vợ hiện tại.

Rồi một hôm, người chồng vô tình được ngược dòng thời gian trở về quá khứ trong một giấc mơ. Trong mơ, anh ta không những lấy được người trong mộng mà còn trở thành một ca sỹ nổi tiếng. Dù đã có trong tay những gì mình hằng mong muốn, nhưng anh ta vẫn thấy như thiếu thiếu một cái gì đó. Cho đến khi gặp lại người vợ hiện tại, lúc đó cô ấy đã thành vợ của người khác, anh được ăn lại bát mỳ do cô nấu. Đây chính là món ăn đầu tiên mà vợ nấu cho anh ăn. Hương vị quen thuộc gợi nhắc anh nhớ đến lời vợ từng nói. “Hương vị của bát mỳ sẽ khiến anh nhớ ra những điểm tốt của em mỗi khi anh thấy ghét em.”

May mắn thay là anh chồng trong câu chuyện vẫn còn có cơ hội để quay đầu lại. Nhưng trên thực tế, có nhiều thứ một khi đã mất đi sẽ vĩnh viễn không thể tìm lại được.

Mỗi lần thất vọng là một lần ta chết trong lòng. Chúng ta sẽ rời đi khi thấy mình đã chịu đủ những ấm ức. Đừng tùy tiện chà đạp lên lòng tốt của người khác. Đừng để bản thân phải rơi vào cảnh hối hận muộn màng.

Khi lên núi chơi, một cậu bé đã hét lên một tiếng trong vô thức. Thế là bốn bề rừng núi đều vọng lại một âm thanh tương tự. Cậu bé vui mừng, cuối cùng thì cũng tìm được người chịu nói chuyện với mình. Sau đó, cậu bé liên tục hỏi: “Bạn là ai?“, “Bạn ở đâu?“. Mỗi lần như thế, cậu chỉ nhận lại được những câu hỏi tương tự từ phía núi rừng. Cậu bé rất tức giận và hét lên: “Tôi hận bạn.” Lúc đó, toàn bộ núi rừng cũng như đang hét vào mặt cậu bé: “Tôi hận bạn…”.
Cậu bé mang ấm ức trong lòng chạy về nhà nói với mẹ. Mẹ đáp lại rằng: “Lần này, con thử lên núi nói tôi yêu bạn để xem núi sẽ đáp lại ra sao.” Cậu bé nghe theo lời mẹ. Và quả nhiên, cả vùng núi non trùng điệp như được lấp đầy bởi câu nói “Tôi yêu bạn“.

Mối quan hệ giữa người với người cũng giống như câu chuyện giữa cậu bé và ngọn núi. Trước khi muốn mở cửa trái tim của người khác, bạn cần phải mở cửa trái tim của mình đã. Mọi mối quan hệ có sự tương tác qua lại giữa đôi bên thì mới có thể lâu bền. Hãy luôn ghi nhớ những điều tốt đẹp mà người khác đã dành tặng cho bạn và đối xử với họ bằng sự chân thành.

Sự hy sinh từ một phía giống như việc ném đá xuống hồ. Ngoài việc có thể khiến cho hồ nước gợn vài con sóng lăn tăn, nó chẳng thể để lại bất cứ vết tích nào. Sự lạnh lùng ấy sẽ làm cho đối phương tổn thương sâu sắc.

Sau khi chung sống được năm năm, hôn nhân của cặp vợ chồng nọ bắt đầu có những rạn nứt. Không biết từ lúc nào, cuộc sống của hai vợ chồng không còn những ngọt ngào thuở mới cưới. Hai người giống như đang gắng gượng để sống qua ngày. Cuối cùng, người chồng đã đề nghị ly hôn vì quá chán nản. Người vợ cũng chỉ lẳng lặng, nhanh chóng dọn hành lý rời khỏi căn nhà.

Không lâu sau, trong một lần đi uống rượu đến nửa đêm mới về, người chồng chợt thấy trống trải khi bước chân vào căn nhà. Anh thấy mình cô đơn trong căn nhà yên tĩnh. Đêm đó, anh cứ trằn trọc không tài nào ngủ được. Sáng hôm sau, anh hạ quyết tâm đi tìm lại người vợ yêu dấu mà mình đã đánh mất.
Những người đối tốt với bạn giống như cái bóng của bạn. Lúc nào, nó cũng âm thầm bảo vệ bạn từ phía sau lưng. Nhưng không có ai mãi đứng ở một chỗ để đợi bạn nếu bạn không bao giờ quay đầu nhìn lại. Điều đáng sợ nhất trong một mối quan hệ nằm ở việc bạn không hề hay biết những gì người khác đã làm cho bạn.

Khi những tình cảm này vẫn còn thuộc về bạn và bạn vẫn còn cơ hội để bù đắp, xin hãy yêu một cách chân thành. Hãy bắt đầu từ chính lúc này, khi mà bạn vẫn còn thời gian và tuổi trẻ. Học cách trân trọng nhau nhiều hơn.

Tĩnh Tâm

[Image: t%C3%ACnh-y%C3%AAu.jpg]
Kiếp luân hồi có sinh có diệt
Đời vô thường giả tạm hư không
Ngũ uẩn: “Sắc bất dị không”
An nhiên tự tại cho lòng thảnh thơi.
-CT-

願得一心人,
白頭不相離.
Reply
#66
Hoa và rễ

Trong ngôi chùa kia, có hai thầy trò, ngày nọ người học trọ bỗng thích trồng hoa. 

Khi xong thời kinh, khi hết việc chùa, người học trò lại loay hoay ngoài vườn, cuốc đất, ươm mầm, giâm cành, tưới nước, chăm hoa. 

Thấy học trò say mê ở mãi ngoài vườn với những luống hoa, người thầy mỉm cười nói:
“Con muốn trồng hoa thì trồng, trồng hoa gì cũng được, làm gì cũng được, nhưng phải nhớ đừng cho nó mọc rễ!”

Không phải không cho hoa mọc rễ, mà không cho lòng mọc rễ với hoa, mọc rễ đối với tất cả những việc mình làm. “Mọc rễ” là cố chấp, là dính mắc, là bám víu, là không buông xuống được, là những khoảnh khắc chúng ta cố nắm chặt tay lại để giữ một điều gì đó từ cuộc sống.

Đau khổ đến khi chúng ta cố bám vào thứ đã mất đi, hay cố chấp tiếc nuối đối với một thứ gì đó đã không còn, những chiếc rễ bị đứt lìa ra theo thứ nó cố bám chặt vào vừa bị cuộc sống lấy đi mất, nên nhất định phải đau.

Khi để tâm mình “mọc rễ”, bám víu, vào một thứ gì, chúng ta sẽ bị chính thứ đó làm cho tổn thương.

Buồn cũng được, nhưng đừng để lòng mọc rễ với nỗi buồn, vì chắc chắn những chiếc rễ sẽ gom góp hết những gì đắng nhất của nỗi buồn rồi làm thành nỗi đau. Nỗi buồn như một vết trầy xước nhỏ, còn nỗi đau là một vết thương to; nỗi buồn thì mơ hồ, còn nỗi đau luôn rất thật.  

Vui cũng được, nhưng đừng để lòng mọc rễ với niềm vui, vì chắc chắn những chiếc rễ sẽ cố gop hết những gì đẹp nhất của niềm vui, rồi ra sức giữ lại, không muốn mất, không cho mất, không được mất. Nhưng có thứ gì không mất? Có niềm vui nào không phai? Nên khi cố bám víu vào niềm vui, ngay lúc đó, thứ đó không còn là niềm vui nữa, mà bắt đầu trở thành những âu lo.

Làm việc thiện cũng được, nhưng đừng để lòng mọc rễ với những việc làm thiện, nói mãi về việc làm của mình, muốn ai cũng nghe cũng biết về việc làm của mình, muốn người nhận phải nhớ, không được quên, rồi chẳng còn thời gian để làm được thêm một việc nào khác nữa. 

Những chiếc rễ bám vào đất, lâu ngày, sẽ làm cho đất phai màu, những chiếc rễ cố chấp bám víu vào những việc thiện đã làm, lâu ngày, sẽ làm cho những việc thiện không còn đẹp như buổi ban sơ nữa.

Khi bám víu vào một suy nghĩ, sẽ bị mắc kẹt trong một suy nghĩ. Khi bám víu vào việc làm, sẽ bị mắt kẹt trong việc làm. Khi bám víu vào vẻ bề ngoài, sẽ bị mắc kẹt trong những sắc tướng; và khi cố bám víu vào sự sống, sẽ mang đến nỗi lo sợ đối cái chết, nỗi lo sợ cái chết làm chúng ta hoang mang đến cùng cực, không thể bình thản sống trọn vẹn được một ngày nào. 

Không buông xuống được những việc thiện mình đã làm là không có trí tuệ, không buông xuống được những người mình giúp đỡ là không có từ bi. 

Trong tương lai, khi nhìn lại, có lẽ chúng ta sẽ tự cười nhạo bản thân vì một số điều đang làm trong hiện tại, dù làm việc thiện, nhưng vừa không có trí tuệ, vừa không có từ bi...

Vô Thường

[Image: 07932085-6826-4-B04-A84-E-1-E0-AF2-A79-BA8.jpg]
Kiếp luân hồi có sinh có diệt
Đời vô thường giả tạm hư không
Ngũ uẩn: “Sắc bất dị không”
An nhiên tự tại cho lòng thảnh thơi.
-CT-

願得一心人,
白頭不相離.
Reply
#67
TÌNH BẠN

Hai ngưởi đi trên con đường vắng vẻ. Đến một đoạn, họ có cuộc tranh luận khá gay gắt và một người đã không kiềm chế được giơ tay tát vào mặt bạn mình. Người kia bị đau nhưng không hề nói một lời. Anh viết trên cát: "Hôm nay, người bạn thân nhất của tôi đã tát vào mặt tôi".

Họ tiếp tục đi, đến một con sông họ dừng lại và tắm ở đấy. Anh bạn kia không may bị vọp bẻ và suýt chết đuối, may mà được người bạn cứu. Khi hết hoảng sợ, anh viết lên đá: "Hôm nay, người bạn thân nhất đã cứu sống tôi".

Anh bạn kia ngạc nhiên hỏi : "Tại sao khi tôi đánh anh, anh viết lên cát, còn bây giờ anh lại viết trên đá?".

Mỉm cười, anh trả lời: "Khi một người bạn làm chúng ta đau, chúng tay hãy viết điều gì đó trên cát, gió sẽ thổi bay chúng đi cùng sự tha thứ... Và khi có điều gì đó to lớn xảy ra, chúng ta nên khắc nó trên đá như khắc sâu vào ký ức của trái tim, nơi không ngọn gió nào có thể xóa nhòa được..."

Hãy học cách viết trên cát và đá...

Lượm



Kiếp luân hồi có sinh có diệt
Đời vô thường giả tạm hư không
Ngũ uẩn: “Sắc bất dị không”
An nhiên tự tại cho lòng thảnh thơi.
-CT-

願得一心人,
白頭不相離.
Reply
#68
Hôm nay là tròn 20 năm cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trở về “Cát Bụi”.  Có người buồn nuối tiếc cho một nhạc sĩ tài hoa, có người vẫn kg tha thứ được cho một “kẻ phản bội, văn nô của csVN”.  Kẻ đã lên đài phát thanh Sài Gòn kêu gọi các nghệ sĩ hát bài “Nối Vòng Tay Lớn” để ăn mừng chiến thắng của csBV cưỡng chiếm miền Nam sau 30 tháng 4, 1975.  Cuộc đời của ông trong âm nhạc, trong chính trị luôn mang những điều khó hiểu.  Là một đứa sinh sau đẻ muộn, tôi kg lên án ông, tôi thích nhạc của ông vì chất triết lý của thân phận con người được ẩn giấu khéo léo trong từng ca từ, những bài “thiền ca” để người nghe cũng như người hát suy gẫm lại cuộc đời mình.  

...

“Cho Một Người Nằm Xuống”

Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây
Đã vui chơi trong cuộc đời nầy
Đã bay cao trong vòm trời đầy

Rồi nằm xuống, không bạn bè, không có ai
Không có ai, từng ngày, không có ai đời đời
Ru anh ngủ vùi, mùa mưa tới
Trong nghĩa trang này có loài chim thôi!

Anh nằm xuống cho hận thù vào lãng quên
Tiễn đưa nhau trong một ngày buồn
Đất ôm anh đưa về cội nguồn

Rồi từ đó, trong trời rộng, đã vắng anh
Như cánh chim, bỏ rừng, như trái tim bỏ tình
Nơi đây một lần, nhìn anh đến
Nhưng xót xa đành nói cùng hư không!

Bạn bè còn đó anh biết không Anh?
Người tình còn đó anh nhớ không anh?
Vườn cỏ còn xanh, mặt trời còn lên
Khi bóng anh như cánh chim chìm xuống.

Vùng trời nào đó anh đã bay qua?
Chỉ còn lại đây những sáng bao la
Người tình rồi quên, bạn bè rồi xa
Ôi tháng năm, những dấu chân người cũng bụi mờ.

Anh nằm xuống, như một lần vào viễn du
Đứa con xưa đã tìm về nhà
Đất hoang vu khép lại hẹn hò
Người thành phố, trong một ngày, đã nhắc tên

Những sớm mai, lửa đạn
Những máu xương chập chùng
Xin cho một người vừa nằm xuống
Thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang.

Ca khúc Cho một người vừa nằm xuống, còn có một tên khác là Hát cho người nằm xuống. Bài hát này được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết khoảng giữa, cuối năm 1968, khi người bạn thân của nhạc sĩ là Chuẩn tướng Không quân Lưu Kim Cương đã đền nợ nước.

Sáng ngày mùng 2 tháng 5 vào hồi 10 giờ, Ðại tá Lưu Kim Cương lúc đó đang là Tư Lệnh Không Ðoàn 33 chiến thuật, ông đích thân chỉ huy đơn vị bảo vệ vòng đai phi trường để đẩy lui một cánh quân địch tại khu nghĩa trang Pháp gần ngã tư Bảy Hiền. Ông đã tử trận vì một trái B40 được bắn ra từ phía địch quân trúng ngay tấm mộ bia bên cạnh ông, sức nổ và miểng đạn đã làm ông tắt thở ngay tại chỗ.

Ông được truy thăng cấp bậc Chuẩn tướng và truy tặng đệ tứ đẳng Bảo quốc Huân chương kèm theo Anh dũng Bội tinh với nhành dương liễu. Tang lễ của ông được tổ chức theo lễ nghi quân cách của một tướng lĩnh.

Nhà báo/Nhà văn Văn Quang có ghi lại: “Một buổi chiều năm Mậu Thân 1968, ngồi ở nhà hàng Pagode tôi gặp Khánh Ly và Ngọc Anh đi cùng Trịnh Công Sơn. Chúng tôi rủ nhau đi ăn cơm chiều. Ăn ở một quán bụi xong đã đến giờ giới nghiêm – thời gian đó Sài Gòn giới nghiêm từ 5 giờ chiều đến 5 giờ sáng. Khánh Ly nhờ tôi đưa Trịnh Công Sơn về … Đêm đó là đêm đầu tiên tôi đưa Trịnh Công Sơn về building Cao Thắng. Ở cái building đó chỉ có một phòng gắn máy lạnh, là của một thương gia bán huy chương ở ngay chợ Bến Thành thuê làm phòng riêng, cho tôi ở chung nhưng không lấy tiền. Sơn mang đến cây đàn guitar, ở lại phòng tôi vài ngày, tôi không nhớ rõ bao nhiêu ngày. Nhưng chính ở đó anh sáng tác hoặc hoàn tất bản ‘Tình Xa’. Tôi có cái máy ghi âm hiệu Akai, trong khi tôi đi làm, Sơn vẫn thường dùng để nghe lại bản nhạc mình đang hoàn thành. Rồi chợt một hôm nghe tin Lưu Kim Cương chết ở phi trường Tân Sơn Nhất, Khánh Ly lên phòng tôi, cô ngồi lặng, Sơn chỉ nhìn và cũng lặng yên. Ít ngày sau, bài ‘Cho Một Người Vừa Nằm Xuống’ ra đời … “.

Lý An

[Image: C5-F12366-3-F25-418-F-BF38-FF2-F679-E5-F1-D.jpg]



Kiếp luân hồi có sinh có diệt
Đời vô thường giả tạm hư không
Ngũ uẩn: “Sắc bất dị không”
An nhiên tự tại cho lòng thảnh thơi.
-CT-

願得一心人,
白頭不相離.
Reply
#69
Xin đừng gọi "những người đàn bà cũ"
Gieo chút tự ti khiến lệ tuôn trào 
Ai chẳng mong hạnh phúc đến ngọt ngào
Bất hạnh đó người chân thành đâu kém!

Gạt bỏ thị phi, chẳng ngại bon chen!
Mạnh mẽ nữa khi chọn "ô thêm lượt"
Nếu có chăng họ hiểu thêm mất, được 
Sẽ lặng lẽ hơn, kiệm cả tiếng cười.

Thừa tự tin nên bất chấp miệng đời 
Họ hiểu chứ "khi hòn chì ném lại"
Xót xa lắm mắt con thơ ngây dại
Đau đớn mà, ai chọn cách "mồ côi"!

Chẳng còn thời gian cho mộng ước xa xôi
Phụ nữ mà xin một lần yếu đuối
Đừng nghĩ họ khó khăn rồi thay đổi
Nhẹ nhàng thôi chữ duyên nợ trong đời.

Là con người ai chẳng sợ đơn côi 
Ngoài thì bão giông, trong thì quyến rũ
Có mạnh mẽ người vẫn là phụ nữ
Cần ai kia để có chỗ tựa vào

Ai đó à cứ thành thật gửi trao 
Đến với họ sau những ngày giông bão 
Thương họ hơn sau những gì tần tảo
Bởi Xuân nào cây trái chẳng đơm bông! 

Mạnh Dũng

[Image: 707-BCC7-B-B399-47-E6-B37-D-B6-F4-B2400-F97.jpg]
Kiếp luân hồi có sinh có diệt
Đời vô thường giả tạm hư không
Ngũ uẩn: “Sắc bất dị không”
An nhiên tự tại cho lòng thảnh thơi.
-CT-

願得一心人,
白頭不相離.
Reply
#70
NGẪM

🐄 bò làm mệt than với chó
“ tao mệt qúa”
🐶 chó gặp mèo tâm sự
“ bò nó kêu mệt. chắc nó làm việc qúa sức.nó muốn nghĩ 1 chút”
🐱mèo gặp dê tán chuyện:
“ bò nó muốn nghĩ 1 ngày vì công việc làm nó mệt qúa.có lẽ ông chủ bắt nó làm việc qúa sức.”
🐐 dê gặp gà.
“ bò nó đòi nghĩ làm.ông chủ bắt nó làm đến kiệt sức thì phải”
🐓 gà gặp heo nói:
“ biết chuyện gì chưa? bò nó đòi đổi chủ và nghỉ việc đấy”
🐷 heo  mách bà chủ;
“ bò nó định đổi chủ hay sao.nghe nói nó muốn bỏ việc.vì công việc qúa nặng”
🙍‍♀️ bà chủ nói với ông chủ:
“ bò nó định tạo phản, nó muốn đổi chủ”
🙎‍♂️ông chủ tức giận quát:
“ A con bò này đã lười còn định tạo phản à...thịt nó thôi”
  👉 kết qủa...bò bị giết thịt.....

****** ***** Chuyện là *************

nếu con bò không than với những kẻ nhiều chuyện thêm bớt thì nó sẽ không bị giết.
và nếu như ông chủ không hồ đồ nghe theo lời thị phi mà hỏi rõ trắng đen thì đã không giết chết con bò.
👉 vậy nên đừng có gặp ai cũng kể khổ, vì trên đời này rất ít người biết thông cảm cho người khác, đa phần họ toàn nghe như chuyện cười rồi lan truyền khắp nơi.
👉 một câu chuyện nói ra qua kẻ thứ hai thì nó đã bị hoán đổi rồi. Vậy nên cũng đừng vội phán xét hay trách móc người khác, khi mình chỉ nghe chuyện từ một phía.
👍làm người thông minh tinh tế thì mình phải biết lắng nghe và tìm hiểu sự việc.

[Image: DFDC8-DD8-21-C0-4-CF8-86-E1-57-AB69-F41997.jpg]
Kiếp luân hồi có sinh có diệt
Đời vô thường giả tạm hư không
Ngũ uẩn: “Sắc bất dị không”
An nhiên tự tại cho lòng thảnh thơi.
-CT-

願得一心人,
白頭不相離.
Reply
#71
VÔ THƯỜNG

Cuộc sống và vạn vật xung quanh chúng ta, từng giờ từng phút luôn luôn biến đổi theo không gian và thời gian, không có bất kỳ sự vật, hiện tượng nào là tồn tại vĩnh viễn. Đó chính là “Vô thường”

Vô thường có nghĩa là không có gì thường xuyên và trường tồn mãi mãi. Tấm thân con người là vô thường. Quy luật Sinh – Lão – Bệnh – Tử là quy luật muôn thuở của mỗi con người. Tai nạn, bệnh tật bất thường ập đến. Cuộc đời con người cũng vậy, nay còn mai mất. Không ai có thể đoán trước được điều gì

Tâm ta vô thường, lúc ta yêu tha thiết nhưng gặp nghịch cảnh, trướng duyên thì chuyển thành oán hận. Lòng tin giảm sút, dễ lung lay, lý tưởng, ý chí cũng dễ thay đổi.

Cuộc sống hối hả, xô bồ, con người ai cũng chạy theo công việc tất bật mỗi ngày ngày, tranh đấu trên chính trường, thương trường, trách nhiệm đối với gia đình và xã hội, chợt nhìn lại thì thấy mình đã già. Thời gian trôi qua, đời người thật ngắn ngủi, để rồi thoáng chốc hiểu ra một điều đó là: được sống một cuộc sống thanh nhàn, hưởng chọn vẹn niềm yêu thương là điều vô cùng quý giá, nên thời gian cũng vô thường như vậy

Tiền vô thường, tiền không phải là tất cả, cho nên đừng quá coi trọng đồng tiền, càng không nên quá lãng phí khi sử dụng nó. Khi ta ra đời thì cũng đã chẳng có một đồng, khi chết rồi cũng chẳng mang đi được một xu… Nếu dùng tiền để mua được sức khỏe, niềm vui thì tại sao không làm? Nếu dùng tiền mà mua được hạnh phúc, an nhàn, tự tại thì thật xứng đáng. Người biết đâu là giá trị thực của đồng tiền thì kiếm tiền và tiêu tiền rất khoa học. Ta nên làm chủ đồng tiền, đừng bo bo làm tôi tớ cho tiền điều khiển.

Thế gian vô thường, tài sản của chúng ta có thể bị mất vì nhiều nguyên nhân khác nhau, do thiên tai, hỏa hoạn, trộm cướp,

Vì vậy, mỗi chúng ta hãy coi “Danh vọng vẻ vang chỉ là quá khứ, tiền tài, chức tước chỉ là tạm thời với hiện tại”. Sức khỏe của bản thân mới chính là cuộc sống của mình trong tương lai.

Cuộc sống là vậy, không nên than trách tự làm khổ mình rồi làm khổ mọi người. Giáo lý nhà Phật cho rằng, sự sung sướng và hạnh phúc trong cuộc đời tùy thuộc vào sự thưởng thức nó ra sao.

Người hiểu đời là người rất quý trọng và biết thưởng thức những gì mình đã và đang có, không ngừng phát hiện thêm ý nghĩa của nó để làm cho cuộc sống được an vui và ý nghĩa hơn.

Hãy tạo cho mình thói quen tự tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Hãy tốt bụng, chia sẻ với tất cả mọi người, vui vì làm việc thiện. Sớm muộn nhìn lại, đến lúc quá nửa đời người ta đã dành khá nhiều cho sự nghiệp, cho gia đình, cho con cái, bây giờ thời gian còn lại chẳng bao nhiêu nên dành cho mình, sống thế nào cho vui thì sống, việc nào đúng đạo lý thì làm, điều thị phi không thèm nghe và nghĩ ngợi, mình đâu phải sống giả dối đẹp lòng vì ý thích của người khác, nên sống thật với mình.

Con người ta chịu đựng, nhẫn nhịn, hóa giải và xua tan nỗi đau đều chỉ có thể dựa vào chính bản thân mình. Thời gian là vị thầy thuốc giỏi nhất sẽ xoa dịu mọi vết thương trong cuộc sống. Quan trọng là khi đau buồn chúng chọn cách sống như thế nào.

Hiểu được vô thường, nhân quả, phải có tấm lòng rộng mở, yêu và biết thưởng thức cuộc sống, biết đủ thì lúc nào cũng được hưởng an vui và hạnh phúc. Con người sẽ giữ được bình tĩnh trước hoàn cảnh đổi thay bất ngờ trong cuộc đời và thản nhiên trước cảnh ân ái chia ly khi hiểu được vô thường và con người dám hy sinh tài sản, sinh mạng để làm việc nghĩa.

Hiểu vô thường thì con người mới nhận thức được sự vô bổ của những thú vui tạm bợ, giả dối, và sáng suốt đi tìm những niềm vui chân thật. Khi chúng ta có trí tuệ cương quyết gạt bỏ cái vỏ giả dối, thì giá trị chân thật, hạnh phúc chân chính, Tâm Phật sáng suốt muôn đời sẽ hiện ra.

Sinh – Lão – Bệnh – Tử là quy luật muôn thuở, và không một ai có thể chống lại được. Đến khi ra đi thì thanh thản ra đi. Miễn sao sống ngay thẳng không hổ thẹn với lương tâm, để lại cho đời ý nghĩa, dấu mốc tuyệt diệu và cuối cùng đặt cho mình một dấu châm hết thật tròn, một sự an lạc viên mãn

Nhân duyên trong cuộc đời này nếu không quá sâu đậm thì sẽ là mong manh, khi ai đó đem lòng tốt trao con, hãy cứ trân trọng mà đền đáp nhưng đừng tin nó sẽ mãi mãi.

Bất kì chuyện gì trên thế gian nay cũng thế... chỉ được một thời gian. Vì biết vô thường mà tâm con an.

Lượm

[Image: 642577-AE-7801-45-BD-8-DF8-D751509-F3-AFE.jpg]
Kiếp luân hồi có sinh có diệt
Đời vô thường giả tạm hư không
Ngũ uẩn: “Sắc bất dị không”
An nhiên tự tại cho lòng thảnh thơi.
-CT-

願得一心人,
白頭不相離.
Reply
#72
Người ở lại…

Ông không quan tâm người ta mỉa mai ông già còn bày đặt lãng mạn, ông chỉ cần thấy bà cười và hạnhphúc. Với ông, thế là đủ.

Mùa đông lạnh thấu tim gan, cơn mưa phùn lất phất làm ướtnhững cọng tóc lơ thơ. Dáng ông gầy gộc gò lưng trên chiếc xe đạp cũ mềm. Người qua đường thấy da thịt ông tím bầm vì lạnh, nhưng sao đôi môi ông lạinở một nụ cười hạnh phúc?!

Chiếc xe đạp cô đơn dựng bên một bức tường. Ông bước vào khuôn viên nhỏ nhắn được bao quanh bởi những viên gạchnhỏ. Ông cúi xuống tỉ mẩn nhổ những cây cỏ dại mọc trên ngôi mộ, như cáchông chăm chút cho tình yêu của mình ngày bà còn sống. “Tôi lại đến thăm  bà đây…”, chất giọng trầmbuồn sưởi ấm cả không gian lạnh lẽo.

Trước đây, ông yêu mỗi buổi sáng khi thức giấc. Ông thích nhìn đôi mắt bà khi cười, từng nếp nhăn xô lại. Ông thích cách bà ăn cháo hay bõm bẽm nhai trầu. Và ông, yêu cái cách bà gọi âu yếm: “Ông ơi…!”. Người ta sợ tuổi già còn ông thì không. Ông muốn ngắm bà qua từng dấu vết của thời gian ấy, dù đó là bàn tay nhăn nheo hay nụ cười móm mém, dù đó là đôi mắt không còn to tròn ngây thơ như ngày mới cưới. Bởi nó trông biết mình đã đi được quãng đường dài và hạnh phúc nhiều đến thế nào. Sự hiện diện của bà với ông là hiển nhiên, là một thói quen không thể bỏ. 

Người ở lại…

Một chiếc nhẫn ông trao bà hai lần. Ngày cưới, chiếc nhẫn tặng cho một hạnh phúc tròn đầy, và ở tuổi 60, ông tặng bà lần nữa. Tình yêu giản dị như sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời ông. Ông nhớ bà khi rạng ngời sánh bước cùng ông thời trai trẻ, và ông nhớ cả mùi hương trầu phả vào trong da thịt bà lúc tuổi xế chiều. Bà chưa bao giờ biết đến nước hoa hay son phấn, nhưng ông yêu cái mùi nồng của trầu, yêu cái chất riêng rất tự nhiên ấy.

Bà bẽn lẽn, ngại ngùng, dù bà đã cố xô những nếp nhăn để che đi đôi gò má xương xương đang ửng hồng, nhưng đâu thể làm gì khi con tim tuổi già vẫn còn thổn thức. Ông bối rối đưa chiếc nhẫn về phía bà. Đám con cháu ồ lên vỗ tay râm ran. Hơn 30 năm nay, tay bà không bao giờ tách rời chiếc nhẫn ấy. Nhưng khi nhận nó lần nữa từ ông, bà thấy xao xuyến như lúc ông cầu hôn bà ngày trước. Chỉ khác một điều, bây giờ chiếc nhẫn được khắc thêm chữ “Cảm ơn em…”. Ông không quan tâm người ta mỉa mai ông già còn bày đặt lãng mạn, ông chỉ cần thấy bà cười và hạnh phúc. Với ông, thế là đủ. Đâu phải tuổi già thì không được phép yêu? Đâu phải chỉ khi trẻ, con người ta mới được tặng nhau nhữngmón quà bất ngờ? Tấm lòng và sự cảm ơn, ông dành trọn cho người đã đi cùng ông gần hết cuộc đời.

Ngày bà đi, trời đổ mưa. Cơn mưa trầm trút mang theo nước mắt ông về với bà trên chiếc xe tang và vành khăn trắng. Người ta đoán ông sẽ khóc lóc thảm thiết nhưng ông chỉ im lặng, ánh mắt mờ đục nhìn về phía xa xăm. Có lẽ ông thấy bà ở đó, có lẽ ông vẫn nghe hương trầu nồng nàn lẩn khuất đâu đây trong kí ức. Và từ lúc ấy, người ta thường thấy một ông lão đi trên chiếc xe đạp cũ mềm, miếng luôn nở nụ cười như sắp sửa đến gặp điều gì đó khiến ông thấy hạnh phúc.

Ông chăm chú dọn dẹp ngôi mộ, miệng không ngớt kể chuyện xưa. Mưa vẫn lất phất rắc đều lên ngôi mộ. Ông không gạt những giọt nước mưa vô tình lăn trên má. Có chăng nó cũng chỉ đang sẻ chia chút nỗi niềm của một mối tình già mà thôi. Bây giờ, người ta chỉ quan tâm đến những vồ vập khi mới yêu, có ai còn để ý một ông lão ngồi đây, gặm nhấm nỗi cô đơn của ngườiở lại. Ông cất tiếng hát, từng tiếng một vang ra khó nhọc. Nhưng ông vẫn hát, bài ca ấy ông luôn chỉ dành cho một người.

Thắp nén hương cho lời tạm biệt. Ông quay lại nhìn khuôn viên nhỏ của bà một lần nữa. “Hẹn gặp lại...”, giọng ông nghẹn ngào vọng vào trong tiếng mưa. Bóng ông khuất dần sau con đường dài hun hút.

Hôm sau, người ta lại thấy dáng vẻ gầy gò quen thuộc của ông lão với nụ cười hạnh phúc trên môi. Và họ biết ánh mắt xa xăm ấy đang hướng về đâu, về phía một khuôn viên nhỏ phảng phất hương trầu.

Lượm



Kiếp luân hồi có sinh có diệt
Đời vô thường giả tạm hư không
Ngũ uẩn: “Sắc bất dị không”
An nhiên tự tại cho lòng thảnh thơi.
-CT-

願得一心人,
白頭不相離.
Reply
#73
CHÚNG TA ĐỀU GIỐNG NHAU!

Một phụ nữ da trắng dắt theo con trai 6 tuổi ra ngoài, bà gọi xe taxi, tài xế là một người da đen. 
Thằng bé 6 tuổi trong lòng rất là sợ hãi, bèn hỏi mẹ :
“Người này có phải là người xấu không mẹ? Tại sao người đen thui vậy?”
Người phụ nữ liền nói với con trai :
“Chú tài xế này không phải người xấu, ông ta là một người tốt con à!”
Con trai nhíu mày trầm tư một hồi lại hỏi tiếp :
“Nếu chú ấy không phải là người xấu, vậy chú có phải đã làm điều gì xấu xa, cho nên Thượng Đế mới trừng phạt chú?”
Người mẹ nói : 
“Ông ta là một người rất là tốt, cũng không làm điều gì xấu xa. Vườn hoa của chúng ta có màu hồng, màu trắng, màu vàng … có phải không?”
“Vâng! Đúng ạ!”
“Vậy hạt của hoa có phải đều là màu đen không?”
Đứa bé nghĩ ngợi một lúc :
“Đúng thế ạ ! Toàn là màu đen hết.”
“Hạt giống màu đen cho nở ra những đóa hoa đầy màu sắc và thơm ngát, tô điểm cho cả thế giới này thêm muôn màu muôn vẻ, đúng thế không?”
“Vâng!”
Con trai đột nhiên ngộ ra và nói :
“Vậy là chú tài xế ấy không phải là người xấu rồi ! Cám ơn chú tài xế, chú đã tô điểm cho cả thế giới này thêm muôn màu muôn vẻ, con muốn cầu nguyện cho chú ấy.”
Đứa bé thơ ngây đang ngồi cầu nguyện, người tài xế da đen giờ nước mắt đã lăn dài trên má, lòng nghĩ :
“Vì những người da đen bị xem thường không ngoi đầu lên nỗi, hôm nay, người phụ nữ da trắng này đã dùng lời lẽ ôn hòa dạy con trai mình, hóa giải nỗi ám ảnh về mình trong lòng con, đã vì mình cầu nguyện và chúc phúc, thật sự phải cảm ơn bà ta rất nhiều! ”
Lúc này, xe đã đến điểm dừng, người tài xế kiên quyết không lấy tiền, ông ta nói :
“Lúc bé, tôi đã từng hỏi mẹ cũng cùng một câu hỏi ấy, mẹ nói vì chúng tôi là người da đen, phải chịu thua kém. Nếu khi xưa mẹ tôi đổi thành câu trả lời của bà, hôm nay tôi nhất định sẽ có một thành tựu khác!"

Lượm

[Image: 3-E6-AF551-756-D-4-BC1-8502-46-E059-BBC6-C9.jpg]
Kiếp luân hồi có sinh có diệt
Đời vô thường giả tạm hư không
Ngũ uẩn: “Sắc bất dị không”
An nhiên tự tại cho lòng thảnh thơi.
-CT-

願得一心人,
白頭不相離.
Reply
#74
Ngẫm

KHI KHÔNG VUI

Hãy nghĩ xem mình còn lại bao nhiêu ngày để dằn vặt, còn bao nhiêu thời gian để phung phí? Bạn vui, một ngày cũng qua đi. Bạn buồn, một ngày cũng kết thúc. Nếu nhận ra điều này hẳn sẽ không dễ dãi để cuộc sống mình âm u nữa.

KHI PHIỀN MUỘN

Hãy nghĩ xem phiền muộn thật ra là những phép trừ trong cuộc sống. Gặp nhau một lần là ít đi một lần, sống hết một ngày là giảm đi một ngày, có gì đáng để phí hoài? Không quên tình nghĩa, không nhớ lỗi người, không nghĩ thị phi, không chấp oan trái, không nợ nần ai, không thẹn với lương tâm... là được.

KHI THẤY BI THƯƠNG

Hãy xem cuộc sống là một hành trình, chúng ta đến đây với hai bàn tay trắng thì khi rời đi cũng sẽ như vậy, không thể mang theo dù chỉ là hạt bụi hay một áng mây bay. Những công danh lợi lộc, những thế thái nhân tình, đều phải để lại. Hiểu rõ điều này rồi thì có gì phải bận tâm mà phiền lòng?

KHI KHÔNG ĐƯỢC NHƯ Ý

Hãy so sánh với sự bận rộn của những người giàu có, chúng ta sống biết đủ chính là niềm hạnh phúc. Rồi nhìn qua những người đang đau khổ trong bệnh viện, chúng ta vẫn mạnh khỏe chính là niềm hạnh phúc. Và hãy xem trên thế giới một giây có bao nhiêu người phải rời đi, chúng ta vẫn còn sống chính là niềm hạnh phúc... Con người muốn có một đời sống khỏe thì tâm phải đơn giản, thân phải nhẹ nhàng.

KHI NỔI GIẬN

Hãy nghĩ xem có nên vì những kẻ không đáng mà ấm ức? Có cần vì những việc không quan trọng mà bực mình? Ăn uống đúng cách, làm việc điều độ, vận động vừa đủ, nghỉ ngơi hợp lý, khoản nào tiết kiệm thì tiết kiệm, phần nào nên tiêu xài thì chi ra. Bạn tốt thì gia đình và người thân mới tốt, mọi người đều sẽ tốt.
    
KHI TÍNH TOÁN

Hãy nghĩ xem con người đi một vòng trong thế gian đều trở về điểm 0, sao phải chi li so bì, không biết nhường nhịn? Nói nhiều thì tổn thương người, tính nhiều thì tổn thương thần khí, chi bằng đừng so đo nữa, làm một người vui vẻ dễ chịu, không thẹn với lòng!

Làm người, còn sống được là tốt, có cơm để ăn, có nước để uống, có áo để mặc, có giường để ngủ, có núi để leo, có sách để đọc, có việc để làm, có đường để đi, có người để yêu thương... chính là niềm hạnh phúc lớn nhất rồi!

Lượm

[Image: 18-C53127-AA0-C-4-AA0-8-B2-C-2-EC0-B7-F87-BE4.jpg]
Kiếp luân hồi có sinh có diệt
Đời vô thường giả tạm hư không
Ngũ uẩn: “Sắc bất dị không”
An nhiên tự tại cho lòng thảnh thơi.
-CT-

願得一心人,
白頭不相離.
Reply
#75
ĐẾN BAO GIỜ...

Đến khi nào anh mới nói yêu em
Bởi đã bao mùa lá xanh vàng úa
Đã bao lần nhớ về nhau như thuở
Anh đôi mươi em mười tám trăng tròn.

Đến khi nào cho sông cạn đá mòn
Bao năm tháng vẫn chon von đỉnh núi
Sông vẫn thế lúc cồn cào dữ dội
Khi bình yên tựa như nỗi lòng em.

Đến khi nào ta mới được từng đêm
Vai kề sát và môi mềm hoà quyện
Con sóng nào xô ta xa bờ bến
Con thuyền nào đưa ta đến cõi mơ.

Đến khi nào... ta thôi hoá ngẩn ngơ
Dòng thư viết gửi dại khờ vào gió
Người nơi nao đâu có còn thương nhớ
Nên bây giờ đâu thể nói lời yêu.

Đến khi nào tim mới hiểu một điều
Yêu là ảo... chẳng có nhiều phần thực
Mộng dở dang khiến ta thêm thao thức
Hờn trách chi... những giây phút khạo khờ.

Ta với người chỉ chung một cơn mơ
Nên người trót quên ngỏ lời thương nhớ
Bao mùa hoa dẫu xa xôi cách trở
Vẫn nhớ người... đã nợ một lời yêu...

nguoivotinh

[Image: 171013345-291398119018096-561370681649743823-n.jpg]
Kiếp luân hồi có sinh có diệt
Đời vô thường giả tạm hư không
Ngũ uẩn: “Sắc bất dị không”
An nhiên tự tại cho lòng thảnh thơi.
-CT-

願得一心人,
白頭不相離.
Reply