Tổng thống Donald Trump phát biểu về kết quả sớm từ cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 tại Phòng Đông của Nhà Trắng, vào ngày 4 tháng 11 năm 2020. (Carlos Barria / Reuters)
Bí ẩn ngày 3/11 và câu chuyện 'tái ông Donald Trump thất phiếu'
Bình luậnNguyên Vũ • 22:45, 05/11/20• 3068 lượt xem
Người phương Tây có câu: “Những gì không giết được ta sẽ khiến ta mạnh lên”, phải chăng tổng thống Donald Trump đang khiến chúng ta có thêm lòng tin vào điều ấy.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 3/11/2020 đã thu hút sự chú ý của người dân toàn thế giới với những diễn biến hết sức gay cấn và bất ngờ. Vào 2h20 rạng sáng ngày 4/11 giờ Washington, tổng thống Trump đã tổ chức họp báo công bố chiến thắng trong cuộc bầu cử với số phiếu đại cử tri dự tính của ông là 305 và lợi thế dẫn trước khó có thể đảo ngược ở hầu hết các bang chiến trường. Đồng thời ông cũng phàn nàn về việc tạm ngưng kiểm phiếu ở các bang Michigan, Pennsylvania và Georgia, lưu ý về việc ông sẽ đưa vụ việc lên Tối cao Pháp viện nếu có bất cứ sự gian lận nào xảy ra.
Và đến sáng ngày 4/11 bất ngờ đã xảy ra.
Từ 3:30-4:30 AM, người ta "tìm thấy" 140.000 phiếu qua thư cho Biden ở Wisconsin
Từ 3:30-5:00 AM, người ta "tìm thấy" 200.000 phiếu qua thư cho Biden ở Michigan
Từ 2:00-4:00, người ta "tìm thấy" 1.000.000 phiếu qua thư ở Pennsylvania.
Tất cả đều cho Biden.
Không có cái nào cho tổng thống đương nhiệm Donald Trump.
Lúc này, ứng cử viên Joe Biden có thêm một lượng lớn những phiếu bầu qua thư, khiến ông ta vượt lên dẫn trước và tổng thống Donald Trump có nguy cơ thất cử.
Những người ủng hộ tổng thống Trump đã nghĩ đến một kịch bản tồi tệ và viễn cảnh u ám cho nước Mỹ và có lẽ là cả thế giới trong 4 năm sắp tới khi nước Mỹ không còn Trump làm tổng thống và cái đầm lầy mà Donald Trump đang tát cạn sẽ dâng lên ít nhất là ngập chính trường nước Mỹ.
Nhưng có lẽ người ta đã quên rằng đây không phải là lần đầu mà Donald Trump gặp biến cố. Trong cuộc đời, Trump đã gặp nhiều "mưa gió" và đã lội ngược dòng thành công, thậm chí lật ngược tình thế, biến bất lợi thành chiến thắng ngoạn mục.
Chúng ta hãy cùng điểm lại những sự việc này.
Bốn lần nộp đơn phá sản, lập kỷ lục phá sản trên thương trường Hoa Kỳ
Donald Trump đã bốn lần nộp đơn phá sản cho 4 công ty khiến Bankruptcy.com liệt ông vào danh sách người nắm giữ kỷ lục phá sản hàng đầu trong những thập kỷ gần đây. Tất cả các công ty của Trump nộp đơn xin phá sản đều liên quan đến các khách sạn, sòng bạc ông từng sở hữu tại thành phố Atlantic. Cả bốn lần xin phá sản của Donald Trump vào các năm 1991, 1992, 2004 và 2009 đều là xin phá sản công ty mà ông ta có phần vốn theo chương 11 của Luật Phá sản Mỹ. Tuy không ảnh hưởng mấy đến danh tiếng cá nhân nhưng việc tài trợ cho công trình xây dựng Taj Mahal năm 1991 khiến Trump lâm vào khoản nợ 900 triệu USD và mất gần 5 năm để khắc phục bằng cách bán đi nhiều tài sản riêng như du thuyền, máy bay, cổ phần của mình ở một số công ty khác.
Và cuối cùng Donald Trump đã vượt qua để tiếp tục thành công trên thương trường.
Cuối cùng Donald Trump đã vượt qua tất cả để tiếp tục thành công trên thương trường. (Ảnh: Getty)
Chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016
Không ai có thể nghĩ rằng một tay ngang chưa có kinh nghiệm gì trên chính trường lại dám ra tranh cử với một nhân vật dày dạn, đầy kinh nghiệm và thành tích chính trị bên Đảng Dân chủ như cựu ngoại trưởng Hillary Clinton. Tình thế lúc ấy là ứng cử viên Donald Trump không nhận được thiện cảm của nhiều cử tri do lối nói ăn nói trực diện thẳng thắn, có lúc thô lỗ - trái ngược với lối phát ngôn đầy “kỹ thuật chính trị” của các chính trị gia chuyên nghiệp. Khỏi phải nói tới truyền thông cánh tả đối với ông khi ấy đã ghét cay ghét đắng.
Ứng cử viên Trump lúc đó còn đơn độc ngay trong chính Đảng Cộng Hòa với sự bất đồng của các bậc trưởng thượng trong Đảng giành cho ông.
Nhưng bằng việc giành được đa số phiếu đại cử tri ở cả những bang thường bầu chọn cho Đảng Dân Chủ như bang Wisconsin…
Donald Trump đã giành chiến thắng.
Liên tục bị tấn công bằng truyền thông cánh tả
Bất chấp việc Donald Trump liên tục bị tấn công bởi các hãng truyền thông lớn của cánh tả và kể cả Big Tech bằng các thủ đoạn: kiểm duyệt vô lý, khai thác thông tin tiêu cực, đoạn chương thủ nghĩa, khai thác một nửa sự thật, hoặc mô tả khiếm khuyết, lờ đi những thành tích mà tổng thống Trump và chính quyền của ông đã làm được cũng như những sai lầm thất bại của đối thủ của Trump… Trump vẫn nhận được sự ủng hộ cuồng nhiệt của đa số người dân ở những nơi ông xuất hiện bởi phong cách đã hứa là làm và thành tích thực tế cải thiện vị thế quốc gia cũng như cuộc sống người dân của chính quyền Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Năm 2017, tỷ lệ ủng hộ tổng thống Trump là 49%, trong khi có đến 53% người được khảo sát không tin vào truyền thông cánh tả, theo khảo sát năm 2017 của Emerson College.
Năm 2020, Tổng thống Trump nhận được tỷ lệ hài lòng về điều hành đất nước lên tới 49% trong cuộc thăm dò dư luận gần nhất. Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ khi ông nhậm chức tổng thống.
Tổng thống Trump: "Một trong những vấn đề rắc rối mà truyền thông gặp phải đối với tôi là tôi không có sợ họ". (Ảnh: ERIC BARADAT/AFP qua Getty Images)
Cáo buộc thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016
Theo bản tóm tắt của ông Bộ trưởng Tư pháp William Barr, cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller cho thấy Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử 2016 của Hoa Kỳ để giúp ông Trump thắng cử nhưng ông Trump cũng như bất cứ ai trong chiến dịch tranh cử lại không âm mưu hoặc phối hợp với nước Nga trong cuộc tranh cử.
Ông Mueller nói: "Trong khi báo cáo không kết luận Tổng thống phạm tội, nhưng cũng không giải tội cho ông."
Tuy nhiên, vào ngày 6/10/2020 giám đốc tình báo Hoa Kỳ John Ratcliffe công bố các tài liệu giải mật về kế hoạch dàn dựng tin đồn Tổng thống Donald Trump thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử 2016, những tài liệu bao gồm các bản ghi chú chép tay từ cựu giám đốc CIA John Brennan trong một cuộc họp ngắn với cựu Tổng thống Barack Obama. Và chúng cho thấy rằng đây là một kế hoạch vận động mà bà Hillary Clinton đã phê duyệt để "khuấy động một vụ bê bối" bằng cách quy kết Tổng thống Donald Trump thông đồng với Nga trong cuộc tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ 2016, năm mà với Trump, bà ta là đối thủ trực tiếp ở bên phía đảng Dân chủ. Và rõ ràng là tổng thống Obama và phó tổng thống Joe Biden lúc đó có dính líu đến âm mưu này.
“Gậy ông đã đập lưng ông”, còn tổng thống Trump điềm nhiên tiến bước.
Luận tội và mưu toan truất phế vì vụ Ukraine
Ngày 5/2/2020 trong phiên tòa tại Thượng viện, các lãnh đạo phụ trách luận tội phế truất của đảng Dân chủ đã cáo buộc ông Trump lạm dụng quyền lực bằng cách gây sức ép để điều tra đối thủ chính trị của ông, trong đó có cả cựu Phó tổng thống Joe Biden. Đảng Dân chủ cáo buộc tổng thống đã dùng khoản viện trợ 400 triệu đô la cho Ukraine để gây sức ép, buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phải điều tra công ty con trai cựu phó tổng thống Biden và khi Quốc hội bắt đầu thực hiện điều tra việc này thì ông Trump đã cản trở.
Các thượng nghị sĩ đã bỏ phiếu 52 phiếu thuận, 48 phiếu chống cho điều khoản luận tội đầu tiên và 53 phiếu thuận, 47 phiếu chống cho điều khoản luận tội thứ hai.
Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts tuyên bố: “Thượng viện đã xét xử Donald Trump, Tổng thống Hoa Kỳ, trước [cáo buộc trong] hai điều khoản luận tội phế truất do Hạ viện đưa ra chống lại ông, và việc hai phần ba thượng nghị sĩ có mặt không thấy rằng ông có tội trước những cáo buộc trong những điều khoản đó: Do đó, [tôi] ra lệnh và tuyên án rằng Donald John Trump được tha bổng trước những cáo buộc trong điều khoản luận tội nói trên”.
Trong suốt cuộc điều tra luận tội phế truất và phiên tòa xét xử ông tại Thượng viện, tổng thống Trump đã liên tục phê phán rằng việc này là một trò lừa bịp có tính đảng phái. Ông đã công bố nội dung bản đàm thoại giữa ông và tổng thống Ukraine và cho rằng đó là bằng chứng rõ ràng về sự vô tội của ông.
Một lần nữa, Donald Trump lại vững vàng vượt qua.
Tổng thống Donald Trump đến Tòa nhà Quốc hội ở Washington phát biểu Thông điệp Liên bang vào ngày 4/2/2020 (Photo by MANDEL NGAN/AFP via Getty Images)
Âm mưu đáng ngờ lây nhiễm virus cho vợ chồng Trump và các yếu nhân của đảng Cộng Hòa trong đợt vận động bầu cử 2020
Rạng sáng ngày 2/10 Tổng thống Trump tweet rằng ông và đệ nhất phu nhân đã dương tính với virus Vũ Hán. Đây là một tin gây choáng váng cho dư luận nước Mỹ và thế giới.
Điều lạ lùng là nhiều thành viên Đảng Cộng hòa và chính phủ của Donald Trump giữ các vị trí chủ chốt cũng có kết quả dương tính với virus. Không phải là lúc nào khác mà lại là lúc này, khi đang trong thời gian tranh luận bầu cử, và không chỉ là một hai người mà họ đồng loạt nhiễm bệnh.
Các vụ lây nhiễm đã làm chao đảo chiến dịch tranh cử tổng thống đang bước vào tháng quyết định cuối cùng, làm xáo trộn thị trường tài chính quốc tế, và có khả năng trì hoãn bất kỳ cuộc bỏ phiếu xác nhận vị trí thẩm phán của bà Amy Coney Barrett khi ba thành viên của đảng Cộng hòa có kết quả dương tính, trong đó có hai Thượng nghị sĩ trong Ủy ban Tư pháp, là những người sẽ bỏ phiếu xác nhận trực tiếp bà Amy Coney Barrett.
Nếu sự cố này không lấy được tính mạng của Donald Trump, nó sẽ lấy đi thời gian quý báu của ông trong giai đoạn nước rút và cho những cuộc mít tinh tiếp xúc với khối cử tri đông đảo hùng hậu ủng hộ ông.
Không thể loại trừ rằng đây là một âm mưu.
Nhưng tổng thống Donald Trump đã phục hồi sau 3 ngày điều trị.
Cáo buộc Donald Trump trốn thuế
Trên tờ báo cánh tả New York Times, tổng thống Trump bị cáo buộc chỉ đóng 750 USD thuế liên bang trong mỗi năm 2016 và 2017, sau nhiều năm báo cáo thua lỗ nặng nề trong công việc kinh doanh.
Ông Trump đã không hề trốn tránh thuế. Ông trả trước chúng. Khi ông chỉ trả 750 USD tiền thuế trong hai năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, đó là bởi vì ông đã thanh toán vượt mức trong hai năm trước đó.
Theo yêu cầu, ông đã thực hiện khoản nộp thuế ước tính là 1 triệu USD vào năm 2016 và 4,2 triệu USD vào năm 2017. Sau đó, hóa ra là ông đã không nợ thuế nhiều đến vậy, nhưng thay vì đòi lại tiền, ông đã để Sở Thuế Vụ Hoa Kỳ (IRS) giữ lại và bù trừ nó cho bất kỳ khoản thuế nào trong tương lai mà ông sẽ chịu.
Vì vậy, khi ông Trump chỉ trả 750 USD tiền thuế trong hai năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, đó là bởi vì ông đã thanh toán vượt mức trong hai năm trước đó; và số tiền thuế nộp dư ra đó bù cho một phần khoản thanh toán sau này của ông.
Trong một thời gian dài, ông Trump đã nộp thừa tiền thuế của mình đến 72 triệu USD.
Và lại một lần nữa, tổng thống Donald Trump đã vượt qua những thị phi cố ý nhắm vào mình trước cuộc bầu cử ngày 3/11.
…
Sau rất nhiều cuộc tấn công và thử thách, Tổng thống Trump đã vững vàng vượt qua. (Ảnh: NTDVN tổng hợp)
Và giờ đây là sự việc đột ngột dừng cuộc kiểm phiếu và xuất hiện số phiếu kỳ lạ qua thư cho Joe Biden khiến ông này vượt lên dẫn trước, dẫn đến khả năng tổng thống Trump không thể tái đắc cử.
Liệu đây là phúc hay là họa, và tổng thống Donald Trump có thể vượt qua thử thách này hay không? Hay đây là một dạng câu chuyện tái ông thất mã của Trung Hoa cổ.
Câu chuyện tái ông thất mã
Một ông lão ở vùng biên ải có con ngựa. Một hôm, con ngựa đi mất, họ hàng thân thích đến thăm hỏi, chia buồn, ông lão lại cười khà khà nói: “Mất ngựa biết đâu lại là cái phúc”.
Mấy tháng sau, con ngựa trở về, theo về cùng nó là một con tuấn mã của người Hồ. Những người thân quen kéo đến xem con tuấn mã và chúc mừng, ông lão lại chau mày nói: “Tự dưng mà lại được tuấn mã, biết đâu lại là cái họa”.
Từ khi được con tuấn mã, con trai ông lão thích lắm, thường cưỡi. Một hôm, chẳng may anh ta ngã ngựa gãy chân. Người thân quen đều đến hỏi thăm, chia buồn, ông chẳng buồn rầu chút nào, thản nhiên nói: “Con trai gãy chân, biết đâu lại là cái phúc”.
Không lâu sau, giặc Hồ xâm chiếm. Trai tráng đều phải ra trận, mười người chết chín khi đọ sức với giặc Hồ. Con trai ông lão vì què chân, không phải đi lính nên đã bảo toàn tính mệnh.
Câu chuyện được trích từ tác phẩm Hoài Nam Tử của Hoài Nam Vương Lưu An, cháu nội Hán Cao Tổ Lưu Bang. Ông là người tinh thông Đạo thuật.
Đạo Đức Kinh của đức Lão Tử có viết: “Họa hề phúc chi sở ỷ. Phúc hề họa chi sở phục”. Nghĩa là: “Họa là nơi phúc nương tựa, phúc là nơi họa ẩn nấp”. Tái ông thất mã minh họa cho cái lý ấy.
Chúng ta thấy rằng, đúng như lời tổng thống Donald Trump đã hứa: đầm lầy đang cạn dần lộ ra sự hủ bại và tội ác của thế lực ngầm. (Họa phẩm “Vượt qua đầm lầy” của họa sĩ John McNaughton ở bang Utah, Hoa Kỳ - ảnh chụp màn hình)
“Tái ông Donald Trump thất phiếu”, rủi hay là may?
Cái lý âm dương, tương sinh tương khắc của Đạo gia đó là: trong âm có dương, trong dương có âm. Do đó, khi có họa thì ắt cũng đã có mầm phúc ẩn chứa trong đó, khi có phúc thì ắt cũng đã có mầm họa ẩn tàng.
Cũng như việc tổng thống Donald Trump đã bao lần gặp thử thách trong nhiệm kỳ đầu tiên, nhưng cuối cùng ông đều có thể vượt qua. Mỗi lần vượt qua sự cố, ông và ekip của mình lại mạnh mẽ hơn, thậm chí nhân cơ hội đó còn khiến đối thủ tổn thất uy tín và sứt mẻ sức mạnh, đẩy họ vào nguy cơ bị vạch mặt và vô hiệu hóa. Chúng ta thấy rằng, đúng như lời tổng thống Donald Trump đã hứa: đầm lầy đang cạn dần lộ ra sự hủ bại và tội ác của thế lực ngầm.
Người phương Tây có câu: “Những gì không giết được ta sẽ khiến ta mạnh lên”, phải chăng tổng thống Donald Trump đang khiến chúng ta có thêm lòng tin vào điều ấy.
Trước đó trong buổi họp báo vào 2h20 sáng ngày 4/11, ông tuyên bố phải ngừng kiểm phiếu và sẽ đưa “sự việc kỳ lạ” này lên Tối Cao Pháp Viện. Phe bảo thủ đang chiếm đa số 6-3 ở Tối Cao Pháp Viện, chưa kể việc thẩm phán Amy Coney Barrett mới được bầu vào, được coi như “bất ngờ tháng 10”. Đây là điều mà phe đối thủ của Trump không thể lường trước sau cái chết của cố thẩm phán RBG.
Và nếu sự việc đi theo chiều hướng đó, không rõ bên nào mới phải chịu tổn thất nhiều hơn. Biết đâu, đầm lầy sẽ càng nhanh cạn nước và càng nhiều quái thú sẽ phải lạnh mình khi lộ diện. Rõ là một công đôi việc.
Chúng ta nào đã có thể kết luận được điều gì, vì mọi việc đang còn ở phía trước. Tuy vậy, “Tái ông thất mã” xưa mà có sống dậy có lẽ sẽ lại lẩm bẩm: “biết đâu bị chơi gian phiếu bầu lại là cái may”.
Nguyên Vũ