Posts: 3,919
Threads: 6
Likes Received: 149 in 124 posts
Likes Given: 129
Joined: Dec 2019
Reputation:
69
Tìm Hiểu Về Nghiệp (Tiếp Theo)
Trong khóa thiền vừa rồi, khi nói về luật Nghiệp Báo tôi đã gởi đến các bạn một đoạn văn về Nghiệp báo. Đoạn văn này nói: "Ta không hề dạy rằng: Nghiệp đã tạo có thể bị tiêu diệt không phải trả các quả trong đời sống này, trong đời sống kế tiếp hay trong đời sống kế tiếp nữa".
Những điều Đức Phật dạy là: “Ta không dạy rằng: có thể chấm dứt Nghiệp đã tạo, đã tích lũy, mà không phải nhận chịu hậu quả của chúng”, điều này có nghĩa là “Nghiệp sẽ không bị tiêu diệt khi chưa được trả quả trong đời sống này, trong đời sống kế tiếp, hay trong các đời sống kế tiếp nữa”. Đức Phật tiếp tục: “Ta không dạy rằng: Sự đau khổ có thể chấm dứt mà không cần phải nhận chịu hậu quả của các Nghiệp đã tạo”. Câu này có nghĩa là: “Không thể chấm dứt sự đau khổ khi chưa nhận chịu hậu quả của Nghiệp đã tạo” hay: “Phải nhận chịu hết hậu quả của Nghiệp đã tạo, đau khổ mới chấm dứt”.
Trước tiên khi đọc câu này, chúng ta cảm thấy hơi kỳ lạ, câu đầu tiên nói rằng: “Nghiệp sẽ không chấm dứt nếu quả của chúng chưa được trả”. Quả của các Nghiệp có thể trả trong kiếp sống này, trong kiếp sống kế tiếp hay trong các kiếp sống tiếp theo nữa. Nhưng theo luật về Nghiệp báo thì Nghiệp sẽ vô hiệu nếu nó không trả quả vào lúc nó phải trả quả. Có những Nghiệp trả quả trong kiếp sống này, có những Nghiệp trả quả trong kiếp sống tới, có những Nghiệp trả quả trong những kiếp sống sau kiếp tới và vô số kiếp sau đó nữa, cho đến khi chúng ta trở thành một vị A La Hán và chết.
Nếu Nghiệp phải trả quả trong kiếp sống này mà không trả quả được bởi vì thiếu điều kiện thuận lợi thì Nghiệp này vô hiệu. Những Nghiệp phải trả quả trong kiếp này, nhưng nếu Nghiệp đó không trả quả vì lý do nào đó thì chúng trở thành vô hiệu và chúng sẽ không trả quả trong kiếp tới hay trong những kiếp sau nữa. Cũng vậy, những Nghiệp phải trả quả trong kiếp kế tiếp, nhưng nếu Nghiệp đó không trả quả trong kiếp kế tiếp vì lý do nào đó thì chúng trở thành vô hiệu và chúng sẽ không trả quả trong những kiếp sau nữa, cho đến khi chấm dứt vòng sinh tử luân hồi. Cũng vậy, những Nghiệp trả quả bắt đầu trong kiếp sống này và kéo dài cho đến các kiếp sau nữa cho đến khi chấm dứt vòng luân hồi sẽ trở thành vô hiệu khi chúng ta trở thành A La Hán và chết.
Những Nghiệp cho quả trong kiếp này, sẽ không bị tiêu diệt hay vô hiệu nếu chưa trả quả trong kiếp sống này. Nhưng sau kiếp sống này chúng sẽ không trả quả nữa và trở thành vô hiệu.
Loại Nghiệp thứ hai cho quả trong kiếp sống tới. Bao lâu chúng trưa trả quả trong kiếp sống tới, và bao lâu mà kiếp sống tới còn hiện hữu thì Nghiệp đó không trở thành vô hiệu. Khi thời gian cho quả đã trôi qua, có nghĩa là khi người tạo Nghiệp đã tái sinh trong kiếp tới, thì Nghiệp này trở thành vô hiệu.
Loại Nghiệp thứ ba cho quả trong kiếp thứ ba và các kiếp sống tới cho đến khi chấm dứt vòng luân hồi, những Nghiệp này sẽ không vô hiệu bao lâu chúng ta còn ở trong vòng sinh tử luân hồi.
Ở đây, Chú Giải giải thích rằng: chúng ta không thể nào thoát khỏi hậu quả của Nghiệp khi chúng ta còn ở trong vòng sinh tử luân hồi.
Câu thứ hai nói rằng: không thể chấm dứt sự đau khổ nếu không trả các Nghiệp đã tạo. Câu này có nghĩa là nếu chưa trả hết quả của Nghiệp đã tạo thì chúng ta không thể chấm dứt đau khổ. Chúng ta không thể vứt bỏ loại Nghiệp này. Nếu vứt bỏ Nghiệp này, có nghĩa là không nhận chịu hậu quả của nó, thì đau khổ của chúng ta không thể chấm dứt. Trong thực tế, làm sao có thể trả hết các Nghiệp quá khứ được, bởi vì Nghiệp quá khứ quá nhiều, một khối Nghiệp khổng lồ mà chúng ta đã tạo trong nhiều kiếp quá khứ. Nếu chúng ta phải nhận chịu tất cả quả của Nghiệp tốt xấu, mà ta đã tạo ra từ trước đến nay, mới có thể chấm dứt được đau khổ thì chẳng bao giờ chúng ta hết đau khổ được.
Câu trên hàm ý rằng: “Trước khi chúng ta trở thành A La Hán hay rời bỏ vòng luân hồi sinh tử này thì chúng ta phải nhận chịu các hậu quả của các Nghiệp đã tạo”. Như vậy, tất cả chúng sinh đều phải nhận chịu hậu quả của Nghiệp đã tạo. Không chúng sinh nào không nhận chịu hậu quả của các Nghiệp tốt xấu mình đã tạo. Như vậy, những gì hàm ý trong câu này, theo ý kiến của tôi, là tất cả chúng ta phải nhận chịu hậu quả của các Nghiệp tốt xấu đã tạo. Nếu chúng ta không trả hết hay nhận chịu hết các Nghiệp tốt xấu mà mình đã tạo trong quá khứ thì sẽ không chấm dứt được đau khổ.
Hãy lấy trường hợp Trưởng lão Angulimāla. Như các bạn đã biết, Trưởng lão Angulimāla trước đây là một tên cướp đã giết cả ngàn người. Khi được gặp Đức Phật, được nghe những lời giáo hóa của Ngài, Trưởng lão Angulimāla vứt bỏ vũ khí trở thành học trò của Đức Phật. Sau khi trở thành một nhà sư, Trưởng lão Angulimāla tinh tấn hành thiền và trở thành một vị A La Hán.
Trong thời gian làm tên cướp, trưởng lão Angulimāla giết cả ngàn người, và đã tạo nhiều Nghiệp ác. Những Nghiệp này sẽ trả quả trong kiếp sống này, sẽ trả quả trong kiếp tới, và sẽ trả quả trong các kiếp sống sau nữa. Những Nghiệp phải trả quả trong kiếp tới và phải trả quả trong các kiếp sống sau nữa sẽ vô hiệu bởi vì Ngài không còn tái sinh nữa, nhưng Ngài phải nhận chịu hậu quả của Nghiệp trả trong kiếp sống hiện tại. Bởi thế trong những ngày làm nhà sư Ngài đã nhận chịu nhiều quả đau khổ như bị đánh đập, ném đá và đói khát vì không ai dâng cúng cho Ngài… Sau khi Trưởng Lão trở thành một nhà sư rồi, nhưng mọi người vẫn còn sợ Ngài. Mỗi khi thấy Trưởng Lão, họ sợ hãi bỏ chạy, vào nhà đóng chặt cửa lại, bởi vậy Ngài rất khó có được đầy đủ thức ăn. Đôi lúc người ta ném đá Ngài, đá trúng đầu Ngài làm bể đầu chảy máu. Ngài đau khổ bởi vì phải nhận chịu quả của các Nghiệp xấu mà Ngài đã tạo, và các Nghiệp này đã cho quả trong kiếp hiện tại. Nhưng với các quả sẽ trả trong kiếp kế tiếp và trong các kiếp sau nữa sẽ trở thành vô hiệu bởi vì Ngài đã ra khỏi vòng luân hồi và khi chết Ngài chết với tư cách là một vị A La Hán. Như vậy, trong trường hợp của Trưởng Lão Angulimāla thì Trưởng Lão đã thành tựu trong việc làm chấm dứt đau khổ mà không cần phải nhận chịu tất cả các hậu quả của Nghiệp đã tạo. Ngài chỉ nhận chịu các quả của Nghiệp trả trong kiếp hiện tại mà thôi.
Posts: 3,919
Threads: 6
Likes Received: 149 in 124 posts
Likes Given: 129
Joined: Dec 2019
Reputation:
69
MỘT SỐ CÂU HỎI LIÊN QUAN ĐẾN NGHIỆP
Cây cỏ, cát đá có Nghiệp không?
Một số người nghĩ rằng: đây là câu hỏi khờ dại, nhưng có một số người, hy vọng là không có các bạn ở đây, nghĩ rằng: Cây cỏ, cát đá có Nghiệp. Theo Phật Giáo cây cỏ, cát đá không phải là chúng sinh mặc dầu chúng có đời sống, nhưng không phải là sinh vật, theo Vi Diệu Pháp thì gọi chúng là không có mạng sống, điều này có nghĩa chúng không phải là chúng sinh. Và vì không phải là chúng sinh cho nên chúng không có Nghiệp. Tuy không có Nghiệp, nhưng cây cỏ, cát đá cũng tùy thuộc vào một số điều kiện Vật Chất như độ ẩm, khí hậu, chất bổ dưỡng v.v… Mặc dầu không có Nghiệp, nhưng chúng cần có những điều kiện để khởi sinh và sống còn. Như vậy, cây cỏ cát đá cũng cần một số điều kiện mặc dầu chúng không có Nghiệp. Sự liên hệ nhân quả giữa những vật vô tri này sẽ được giảng giải sau này với những dẫn chứng về Paṭṭhāna (Duyên Hệ Duyên).
Đối với súc vật thì chúng có Nghiệp không? Tất cả súc vật đều có Ngũ Uẩn như con người; bởi thế, chúng là sinh vật hay chúng sinh, bởi vì là chúng sinh nên chúng có Nghiệp. Chúng sinh tạo Nghiệp và tích tụ Nghiệp. Loài vật sinh ra làm con vật cũng là kết quả của Nghiệp ác đã tạo trong quá khứ. Như vậy, loài vật cũng có Nghiệp và cũng có làm hay tạo ra Nghiệp, nhưng cây cỏ, đất đá và những vật vô tri khác không có Nghiệp.
Một vài đoạn trong sách Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo) đề cập đến Nghiệp và quả của Nghiệp, đây là những đoạn văn rất quan trọng chúng ta cần phải ghi nhớ:
“Nghiệp và quả liên hệ làm thành một cái vòng giống như hạt giống và cây, cái này sinh ra cái kia, rồi cái kia sinh ra cái này, khó biết đâu là đầu, đâu là cái bắt đầu”. Nghiệp và quả cái này theo cái kia. Đây là Nghiệp Thiện hay Nghiệp Ác, và do hậu quả của Nghiệp Thiện và Nghiệp Ác nên có tái sinh vào bốn đường dữ hoặc tái sinh làm người hay trời. Trong suốt thời gian chúng sinh đang hiện hữu, chúng sinh tạo nên các Nghiệp mới. Tạo nên các Nghiệp mới nên phải nhận quả của Nghiệp mới này trong tương lai. Như vậy, Nghiệp và quả của Nghiệp diễn biến, diễn biến… như vậy, như vậy…
Cũng như hạt và cây, hạt mọc thành cây rồi cây lại có hạt, rồi do hạt này lại có cây mới, cây mới lại sinh ra hạt, hạt mới này lại sinh ra cây… cũng giống như trường hợp chúng ta nói “gà đẻ ra trứng, trứng nở ra gà”, khó nói cái gì đầu tiên. Chúng tiếp tục diễn biến không có cái gì đầu tiên. Không thể nào cho ta thấy cái gì khởi đầu. Nếu chúng ta có thể trở về quá khứ để tìm nhân của nó, thì dầu có trở về bao xa đi nữa, cũng không bao giờ thấy được cái khởi đầu. Như vậy, không có cái khởi đầu của Nghiệp và quả của nó mặc dầu có cái vòng luân lưu của Nghiệp và quả trong vòng luân hồi tái sinh. Không thể nào chỉ ra được trong tương lai vòng tái sinh. Nhưng trong tương lai chúng chắc chắn sẽ khởi sinh, bởi vì hể có Nghiệp hiện tại thì sẽ có quả trong tương lai.
Trong triết học của Hindu có lý thuyết Sam-khya, một trong sáu lý thuyết triết học của đạo này, tin tưởng rằng: quả có sẵn trong nhân, nhưng dưới trạng thái không hiển lộ, khi nhân hiển lộ thì nó thành quả. Theo lý thuyết triết học này thì quả đã có sẵn trong nhân. Khi nhân chín muồi và khi nhân đạt đến tầng mức cao nhất của sự chín muồi thì biến thành quả. Trong triết thuyết này Nghiệp hay nhân và quả đều là một.
Phật Giáo không chấp nhận triết thuyết đó, trong Phật Giáo được dạy rằng: Nghiệp là một chuyện, và quả là một chuyện khác. Thanh Tịnh Đạo nói: “Không có Nghiệp trong quả, và quả không có mặt trong Nghiệp”. Như vậy, không có Nghiệp ‘trong’ quả và không có quả ‘trong’ Nghiệp.
Nghiệp và quả là hai thứ khác nhau, mặc dầu trong cái này không có cái kia, mặc dầu chúng khác nhau, nhưng không thể nào có quả mà không có Nghiệp, và chẳng bao giờ có trường hợp có quả mà không có Nghiệp. Như vậy, quả và Nghiệp có sự liên hệ nhân và quả. Nhưng quả là một chuyện và nhân là một chuyện khác, chúng không đồng hóa với nhau.
Muốn tạo nên lửa, người ta có thể dùng một kính phóng đại để dưới ánh nắng mặt trời; rồi dưới kính phóng đại để một mãnh giấy hay một miếng bông. Ánh nắng mặt trời xuyên qua kính, hội tụ tại một điểm, tạo ra sức nóng làm cháy tờ giấy hay miếng bông và tạo ra lửa. Lửa không nằm sẵn trong ánh nắng mặt trời. Lửa không nằm sẵn trong giấy hay bông gòn. Lửa cũng không nằm ngoài ánh nắng mặt trời, giấy hay bông gòn. Nhưng khi phối hợp ba nhóm yếu tố này lại theo điều kiện nào đó thì lửa phát sinh. Chúng đã phối hợp theo điều kiện. Như vậy, lửa không hiện hữu trong ánh nắng mặt trời, không hiện hữu trong giấy, không hiện hữu trong miếng bông. Nếu lửa hiện hữu trong những tia sáng của mặt trời, trong giấy hay trong bông thì chúng đã cháy rồi, và luôn luôn lúc nào chúng cũng sẽ cháy. Lửa không ở trong chúng; bởi vậy, khi đặt chúng riêng rẽ thì chúng không thể cháy được; nhưng khi đặt chúng với nhau, trong một số điều kiện nào đó, thì lửa sẽ phát sinh. Vậy do đâu mà lửa hiện hữu. Lửa hiện hữu bên trong hay bên ngoài chúng? Chúng ta không thể nói lửa hiện hữu nơi đâu ngoài những vật đó. Lửa chỉ khởi sinh khi có sự phối hợp của nhiều thành phần qua phương tiện “điều kiện” hay “tạo duyên”. Điều kiện hay duyên ở đây là mặt trời, giấy và bông gòn. Khi đặt các thứ ấy với nhau trong một điều kiện nào đó thì sẽ có lửa, nhưng lửa không hiện hữu trong tia nắng mắt trời, trong kiếng, trong giấy hay trong bông, nhưng nếu không có những thứ này thì không thể tạo nên lửa.
Tương tự như vậy, không có Quả trong Nghiệp và không có Nghiệp trong Quả. “Không thể nào tìm được Quả trong Nghiệp, không thể nào tìm được Quả ngoài Nghiệp. Không có Nghiệp nào còn duy trì trong Quả mà nó đã tạo”. Như vậy, không thể nào tìm được Quả trong Nghiệp cũng không thể nào tìm được Quả ngoài Nghiệp. Không có Nghiệp nào còn duy trì trong Quả mà nó đã tạo. Như vậy Nghiệp không duy trì trong Quả. Có nghĩa là Nghiệp không nằm trong Quả mà nó đã tạo. Nghĩa là trong Nghiệp không có Quả của Nghiệp. Không có Quả hiện diện trong Nghiệp, không có Quả nào ở trong Nghiệp, nhưng Quả vẫn còn sinh ra từ Nghiệp đó. Quả sinh ra từ Nghiệp và hoàn toàn tùy thuộc vào Nghiệp. Như vậy, tất cả tùy thuộc vào Nghiệp, hoàn toàn tùy thuộc vào Nghiệp mà Quả của Nghiệp phát sinh.
Không chỗ nào trong vòng luân hồi tái sinh có thể tìm thấy chúa trời, Thượng Đế hay đấng sáng tạo. “Thật vậy, vòng luân hồi tái sinh không phải do Đấng Sáng Tạo, Chúa Trời hay Thượng Đế tạo ra sự vật. Chúng là kết quả tự nhiên của luật Nghiệp Báo”. Chỉ có hiện tượng của Nghiệp và Quả của Nghiệp trôi chảy mà thôi. Chúng tiếp tục trôi chảy. Sự trôi chảy của hiện tượng Vật Chất và Tâm này được gọi là vòng tái sinh. Chẳng có Chúa Trời, Đấng sáng tạo hay Thượng Đế hiện diện, chỉ có hiện tượng tâm vật lý tùy thuộc vào các điều kiện tiếp tục trôi chảy thôi.
Posts: 3,919
Threads: 6
Likes Received: 149 in 124 posts
Likes Given: 129
Joined: Dec 2019
Reputation:
69
LỢI ÍCH CỦA SỰ HIỂU BIẾT LUẬT NGHIỆP BÁO
Là những người Phật Tử chúng ta hiểu luật Nghiệp Báo theo những lời dạy của Đức Phật. Sự hiểu biết về luật Nghiệp Báo này mang lại nhiều lợi ích. Sau đây là một vài lợi ích.
1. Hiểu biết luật Nghiệp Báo làm thoả mãn óc tìm tòi hiểu biết của chúng ta về sự bất bình đẳng của người, của chúng sinh.
Chúng ta muốn biết tại sao chúng sinh khác nhau, tại sao chúng sinh không giống nhau, mặc dầu chúng đều là chúng sinh. Tại sao có sự bất đồng giữa người với người, giữa loài vật với loài vật. Sự bất đồng giữa các chúng sinh đã được giải thích một cách hữu lý theo luật Nghiệp Báo. Sự hiểu biết về luật Nghiệp Báo thỏa mãn lòng mong mỏi hiểu biết của chúng ta về sự bất đồng giữa các chúng sinh. Chúng ta không lấy làm ngạc nhiên khi thấy rằng: nhờ hiểu biết luật Nghiệp Báo mà nhiều người đã trở thành Phật Tử.
2. Hiểu biết luật Nghiệp Báo mang lại niềm hy vọng cho chúng ta.
Chúng ta luôn luôn hy vọng mình sẽ khá hơn, tốt hơn trong tương lai. Chúng ta không thỏa mãn với những gì mà chúng ta đang có trong hiện tại. Chúng ta có thể luôn luôn cải thiện điều kiện và hoàn cảnh chúng ta bằng cách tạo những Nghiệp Lành. Như vậy hiểu biết luật Nghiệp Báo mang lại cho ta niềm hy vọng. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ mất niềm hy vọng.
3. Hiểu biết luật Nghiệp Báo sẽ an ủi chúng ta những khi chúng ta gặp nghịch cảnh.
Hiện nay con người gặp rất nhiều nghịch cảnh, và gặp nghịch cảnh nhiều lần trong cuộc sống của họ: Mất của cải, tài sản, buôn bán lỗ lã, mất bạn bè, mất người thân yêu. Những người không hiểu biết luật Nghiệp Báo khi gặp những nghịch cảnh như thế họ sẽ không có niềm an ủi, họ có thể trở nên thất vọng, xuống tinh thần nhiều khi hủy cả mạng sống của mình, nhưng những người hiểu biết luật Nghiệp Báo có thể hiểu rằng: những nghịch cảnh này là kết quả của những Nghiệp mà họ đã làm trong quá khứ, họ sẽ thấy chẳng có ai để trách cứ ngay cả trách cứ chính mình. Như vậy, người hiểu luật Nghiệp Báo sẽ có được niềm an ủi lớn lao khi gặp cảnh không toại ý hay nghịch lòng.
4. Hiểu biết luật Nghiệp Báo giúp ta có đủ sức mạnh tinh thần, không bị chao đảo trước mọi thăng trầm của cuộc sống.
Sống trong cuộc đời này, nhiều lúc chúng ta phải chịu cảnh thăng trầm theo cuộc sống. Chúng ta không thể nào tránh khỏi thành công và thất bại, được danh, mất danh, được lợi, mất lợi, được khen bị chê, đau khổ, hạnh phúc trong cuộc sống này. Khi hiểu biết luật Nghiệp Báo thì dầu gặp cảnh thành công hay thất bại, Hạnh phúc hay đau khổ chúng ta vẫn bình tâm. Đứng trước mọi hoàn cảnh tốt xấu chúng ta sẽ không bị chao đảo, lay động. Không bị giao động trước sự thành công hay thất bại là một điều rất quan trọng. Khi thành công hạnh phúc người ta cảm thấy hân hoan thỏa mãn, nhưng khi gặp thất bại người ta sẽ âu sầu buồn nản xuống tinh thần. Bởi vậy, cuộc sống của họ mang nhiều nỗi khốn cùng đau khổ. Nếu chúng ta hiểu biết luật Nghiệp Báo, chúng ta có thể đối diện với nghịch cảnh một cách bình thản không bị chúng ảnh hưởng.
5. Hiểu biết luật Nghiệp Báo giúp chúng ta biết được tiềm năng to lớn của chính mình; đó là chính chúng ta có thể tạo nên tương lai cho chúng ta.
Chúng ta phải nhận hậu quả của các Nghiệp mà chúng ta đã tạo, bởi thế chúng ta có thể tạo tương lai cho chính mình bằng cách tạo nên những Nghiệp thiện trong hiện tại. Chúng ta có đủ năng lực để tạo tương lai cho chính chúng ta nếu chúng ta có sự hiểu biết về luật Nghiệp Báo. Không những biết đến năng lực tiềm tàng của mình, chúng ta còn biết rằng: chính năng lực này sẽ tạo dựng cho đời sống tương lai của chúng ta. Chúng ta có năng lực để tạo cho đời sống tương lai của chúng ta tốt hơn đời sống hiện tại. Như vậy, sự hiểu biết luật Nghiệp Báo đã giúp cho chúng ta hiểu rằng: chúng sinh có năng lực tiềm tàng để tạo nên tương lai này. Chúng ta không cần tìm kiếm năng lực bên ngoài cũng không cần tìm kiếm năng lực của các vị thánh thần để tạo nên tương lai của chúng ta. Thực vậy, chỉ một mình chúng ta mới có thể tạo nên tương lai cho chúng ta.
6. Hiểu biết luật Nghiệp Báo giúp cho chúng ta hiểu biết trách nhiệm của mình.
Nhờ hiểu biết Quả của Nghiệp mà ta đang nhận chịu có nguyên nhân là Nghiệp của chính chúng ta; chúng ta an vui hạnh phúc hay đau khổ chính chúng ta phải chịu trách nhiệm. Do hiểu biết rằng chúng ta phải chịu trách nhiệm về những hạnh phúc và đau khổ của chúng ta nên chúng ta không trách cứ kẻ khác hoặc trách cứ hoàn cảnh hay điều kiện bên ngoài. Như vậy, nhờ hiểu biết luật Nghiệp Báo mà chúng ta có trách nhiệm về chính mình. Nếu chúng ta muốn tốt đẹp hơn trong tương lai thì chúng ta phải tạo các Nghiệp Thiện ngay bây giờ. Tóm lại, nhờ hiểu biết luật Nghiệp Báo, chúng ta sẽ trở thành người có trách nhiệm về chính mình.
7. Hiểu biết luật Nghiệp Báo cũng giúp chúng ta tránh xa hành vi xâm hại kẻ khác và trở thành người có lòng bi mẫn đối với tất cả chúng sinh. Nếu chúng ta làm hại kẻ khác thì chúng ta sẽ nhận chịu các hậu quả đau thương do Nghiệp của chúng ta đã tạo.
Vì không muốn tự mình làm mình đau khổ nên chúng ta sẽ không làm kẻ khác đau khổ. Như vậy, hiểu biết luật Nghiệp Báo giúp chúng ta tránh được những hành vi xâm hại hay gây thương tích cho chúng sinh. Tại sao hiểu biết luật Nghiệp Báo giúp chúng ta có lòng bi mẫn đối với chúng sinh khác? Bởi vì chúng ta hiểu biết rằng: Khi có lòng bi mẫn đối với chúng sinh khác là chúng ta đã tạo các Nghiệp Thiện Lành, và các Nghiệp Thiện Lành này sẽ trả quả tốt đẹp trong tương lai.
8. Nhờ hiểu biết luật Nghiệp Báo nên chúng ta có thể giúp cho xã hội này sống an vui hạnh phúc, có tình thương, có hiểu biết, có sự sống chung hài hòa.
Còn nhiều lợi ích của sự hiểu biết luật Nghiệp Báo nữa. Tôi mong muốn các bạn tự suy nghĩ và cho thêm vào.
Posts: 3,919
Threads: 6
Likes Received: 149 in 124 posts
Likes Given: 129
Joined: Dec 2019
Reputation:
69
Phật Pháp Căn Bản Phần I –
Các Loại Nghiệp (1-2)
Tác giả: U Silananda
Người dịch: Sư Khánh Hỷ
https://theravada.vn/phat-phap-can-ban-p...ai-nghiep/
CÁC LOẠI NGHIỆP
Sau khi đã tìm hiểu Nghiệp một cách tổng quát, bây giờ chúng ta hãy nghiên cứu các loại Nghiệp.
Trước tiên, Nghiệp có thể chia làm hai loại: Thiện Nghiệp và Bất Thiện Nghiệp. Một cách phân loại khác là phân loại theo chức năng. Tôi không thể giảng giải ở đây về chi tiết ở các loại Nghiệp khác nhau này. Nếu các bạn muốn biết nhiều chi tiết hơn về các loại Nghiệp này thì các bạn hãy đọc trong Vi Diệu Pháp Lược Giải (Abhidhammathasangaha).
Nghiệp được chia làm bốn nhóm, mỗi nhóm gồm bốn Nghiệp.
Nhóm đầu tiên phân loại theo chức năng.
Nhóm thứ hai phân loại theo cách thức cho quả.
Nhóm thứ ba phân loại theo thời gian trả quả.
Nhóm thứ tư phân loại theo nơi chốn cho quả.
- Khi phân loại theo chức năng chúng ta có bốn loại Nghiệp.
- Đầu tiên là Nghiệp Tạo Tác, có nghĩa là Nghiệp tạo ra hậu quả.
- Thứ hai là Nghiệp Hỗ Trợ. Nghiệp Hỗ Trợ chính nó không tạo ra quả, nhưng Nghiệp này hỗ trợ cho Nghiệp Tạo Tác.
- Thứ ba là Nghiệp Cản Trở. Nghiệp này, cũng vậy, chính nó không tạo ra quả, nhưng nó làm cản trở cho Nghiệp Tạo Tác.
- Thứ tư là Nghiệp Hủy Diệt. Nghiệp Hủy Diệt hủy diệt quả của Nghiệp Tạo Tác.
Như vậy tùy theo chức năng của các Nghiệp mà Nghiệp được chia làm bốn.
Chẳng hạn Nghiệp tạo tác giúp cho một người sinh ra làm người. Như vậy kết quả của Nghiệp Tạo Tác là một người ra đời. Trong suốt cuộc sống của người này, y hưởng thụ sức khỏe tốt, giàu có, sống lâu, sắc đẹp v.v… Những điều mà người này có được là hậu quả của Nghiệp Hỗ Trợ. Nếu người này không mạnh khỏe, nếu người này nghèo, nếu người này không sống lâu thì đó là do Nghiệp Cản Trở phát sinh. Nếu người này chết vì tai nạn hay chết ngay tức khắc bởi một bệnh nào đó thì đó là Nghiệp Hủy Diệt đã phát sinh. Nghiệp Tạo Tác cho kết quả vào lúc hoài thai cũng như trong suốt đời sống. Và Nghiệp Hỗ Trợ đã hỗ trợ cho Nghiệp Tạo Tác này. Nghiệp Cản Trở đã cản trở Nghiệp Tạo Tác và Nghiệp Hủy Diệt đã hủy diệt quả của Nghiệp Tạo Tác.
- Nghiệp cũng được phân chia làm bốn loại theo cách thức mà nó cho quả.
Đó là bốn loại Nghiệp cho quả liệt kê sau đây: Cực Trọng Nghiệp, Cận Tử Nghiệp, Tập Quán Nghiệp, Bảo Lưu Nghiệp.
Loại thứ nhất là Cực Trọng Nghiệp. Cực Trọng Nghiệp nghĩa là Nghiệp có năng lực mạnh mẽ, cho quả vượt trội hơn các Nghiệp khác. Cực Trọng Nghiệp Thiện là các tầng thiền, Cực Trọng Nghiệp Bất Thiện là năm trọng tội: giết mẹ, giết cha, giết A La Hán, làm Phật bị thương, và chia rẽ Tăng. Chấp thủ tà kiến cũng bao gồm trong đó. Chấp thủ tà kiến có nghĩa là cho rằng: không có nhân, không có quả v…Loại thứ hai là Cận Tử Nghiệp. Cận Tử Nghiệp là Nghiệp mà một người tạo ra ngay trước khi chết. Mặc dầu người này có thể thường xuyên làm các Nghiệp Thiện hay Nghiệp Ác trong đời sống, nhưng Nghiệp Thiện hay Ác họ tạo ra ngay trước khi chết có năng lực mạnh mẽ hay ưu tiên để trả quả. Nghĩa là Cận Tử Nghiệp hay Nghiệp làm ngay trước khi chết có năng lực trả quả ưu tiên hơn “Tập Quán Nghiệp ” và “Bảo Lưu Nghiệp”.Loại thứ ba là Tập Quán Nghiệp: Là Nghiệp chúng ta thường xuyên làm hằng ngày theo thói quen hay tập quán. Có người thường tạo hai loại Nghiệp Ác và Nghiệp Thiện hằng ngày, tạo thành thói quen, lập đi lập lại mãi không bỏ được.
- Loại thứ tư là Bảo Lưu Nghiệp: Là Nghiệp không nằm trong ba loại Nghiệp trên. Nếu không có Cực Trọng Nghiệp, Cận Tử Nghiệp hoặc Tập Quán Nghiệp thì Nghiệp Bảo Lưu có cơ hội trả quả.
- Nghiệp phân biệt theo thời gian trả quả:
- Đó là bốn loại Nghiệp cho quả liệt kê sau đây: Nghiệp trả quả tức khắc, Nghiệp trả trong kiếp tới, Nghiệp trả sau kiếp tới cho đến khi chấm dứt vòng luân hồi, và Nghiệp vô hiệu
Nghiệp trả tức khắc còn gọi là Hiện Nghiệp là Nghiệp trả quả ngay trong kiếp sống này.Nghiệp trả quả tiếp theo là Nghiệp trả quả trong kiếp tới sau khi ta lìa bỏ kiếp sống hiện tại.Nghiệp trả quả sau kiếp tới cho đến khi chấm dứt vòng luân hồi. Nghiệp này còn gọi là nghiệp vô tận.
- Nghiệp vô hiệu thật ra không phải là một loại Nghiệp riêng biệt. Nếu Nghiệp tức khắc không thể cho quả trong kiếp sống này thì trở thành vô hiệu. Nếu Nghiệp cho quả trong kiếp sau không đủ điều kiện thuận lợi để trả quả thì trở thành vô hiệu, nhưng Nghiệp vô tận thì không thể vô hiệu được; Nghiệp này tồn tại cho đến khi chấm dứt vòng luân hồi. Chỉ tới lúc chấm dứt vòng luân hồi Nghiệp này mới chấm dứt. Khi Nghiệp thứ nhất, thứ hai, và thứ ba này không thể cho quả trong thời gian trả quả thì chúng trở thành vô hiệu.
Trong bốn loại Nghiệp trên thì Nghiệp vô tận tức Nghiệp trả quả sau kiếp tới cho đến khi chấm dứt vòng luân hồi là Nghiệp quan trọng nhất đối với chúng ta. Khi Nghiệp trả quả tức khắc và Nghiệp trả qua trong kiếp tới không đủ điều kiện thì chúng trở thành vô hiệu, nhưng Nghiệp vô tận giúp chúng sinh ở trong các cảnh khổ có cơ hội tái sinh làm người và làm trời sẽ theo ta cho đến lúc chấm dứt vòng luân hồi. Tất cả chúng sinh có kho chứa Nghiệp vô tận này, khi có hoàn cảnh hay cơ hội thuận tiện chúng ta sẽ nhận quả của các Nghiệp này.
- Nghiệp phân biệt theo nơi chốn trả quả.
Đó là bốn loại Nghiệp cho quả liệt kê sau đây:
Ác Đạo Bất Thiện Nghiệp, Dục Giới Thiện Nghiệp, Sắc Giới Thiện Nghiệp, Vô Sắc Giới Thiện Nghiệp.
Ác Đạo Bất Thiện Nghiệp: Là những Nghiệp cho quả trong bốn ác đạo, và cũng cho quả trong dục giới và sắc giới.Dục Giới Thiện Nghiệp: là những Nghiệp thiện cho quả ở dục giới; và cũng cho quả ở sắc giới và vô sắc giới.Sắc Giới Thiện Nghiệp: Là những Nghiệp chỉ cho quả ở cõi sắc giới.
- Vô Sắc Giới Thiện Nghiệp: Là những Nghiệp chỉ cho quả ở cõi vô sắc giới. Muốn hiểu rõ Nghiệp ở các cõi bạn phải hiểu ba mươi mốt cõi, và phải hiểu mỗi cõi cho quả như thế nào, bạn phải tìm kiếm học hỏi chi tiết về các quả của các Nghiệp này trong sách Vi Diệu Pháp. Tôi chỉ cho các bạn biết một số căn bản về các loại Nghiệp, đồng thời kích thích óc tò mò, mong muốn tìm hiểu của các bạn để các bạn thích thú trong việc tìm hiểu, học hỏi nhiều hơn.
Nếu các bạn muốn tìm hiểu nhiều hơn các bạn nên đọc cuốn A Comprehensive Manual of Abhidhamma (Vi Diệu Pháp Tập Yếu) do Tỳ khưu Bodhi hiệu đính (Sư Khánh Hỷ dịch).
Bây giờ chúng ta hãy trở về với việc phân loại các loại Nghiệp một cách thực tiễn hơn. Khi chúng ta hiểu thế nào Bất Thiện Nghiệp, thế nào là Thiện Nghiệp thì chúng ta sẽ tránh làm các việc bất thiện, và chúng ta sẽ thực hành các Thiện Nghiệp.
Bất Thiện Nghiệp chia làm mười loại:
Ba Nghiệp bất thiện thuộc về thân, bốn Nghiệp bất thiện thuộc về khẩu, và ba Nghiệp bất thiện thuộc về ý.
Ba Nghiệp bất thiện thuộc về thân gồm: Sát sinh, trộm cắp, và tà hạnh. Sát sinh là sát hại hay chấm dứt mạng sống chúng sinh. Sát hại chúng sinh bao gồm giết người, giết súc vật, và ngay cả những côn trùng bé nhỏ. Những gì gọi là chúng sinh đều không được giết hại. Người giết hại một chúng sinh nào là người ấy tạo Nghiệp ác.
Trộm cắp là lấy của ai vật gì không được chủ nhân của vật đó bằng lòng.
Tà hạnh là thông dâm với kẻ khác không phải là vợ hay chồng mình.
Ngoài hành vi tà dâm, tà hạnh còn có nghĩa là làm bất cứ hành vi tà vạy nào.
Bốn Nghiệp bất thiện thuộc về khẩu gồm: Nói dối, nói lời đâm thọc, nói lời nói dữ, nói lời vô ích.
Nói dối: là nói điều không thật. Nói dối chỉ thật sự trở thành Nghiệp bất thiện khi nói dối với chủ tâm làm hại và làm mất sự an toàn của kẻ khác.Nói lời đâm thọc: là nói những lời nói nhằm mục đích gây ra sự chia rẽ người khác.Nói lời nói dữ: là mắng nhiếc chửi rủa, nói những lời cộc cằn thô lỗ.
- Nói lời vô ích: là nói những lời vô bổ, làm mất thời giờ mà không đem đến lợi ích tinh thần.
Ba Nghiệp bất thiện thuộc về ý gồm:
Tham lam: Mong muốn chiếm đoạt của cải người khác. Đó là khi thấy vật gì thuộc quyền sở hữu của kẻ khác mà khởi tâm ham muốn lấy làm của mình; như vậy mới gọi là tham Tham lam không phải chỉ là thích thú, dính mắc vào vật gì của kẻ khác mà là có tà tâm mong muốn chiếm đoạt vật sở hữu của kẻ khác làm của mình.Sân hận: Là giận dữ, chán ghét, mong muốn kẻ khác bị hại, bị thương tích, bị chết.
- Tà kiến: Là cho rằng: không có Nghiệp, không có quả của Nghiệp v…
Ba hành vi này không phải thực hiện bởi thân hay khẩu, nhưng chỉ là những ý nghĩ trong tâm. Do đó, tham, sân, và tà kiến được gọi là ba hành vi chỉ phát khởi trong tâm.
Trên đây là mười Nghiệp bất thiện. Một khi đã biết đây là những Nghiệp bất thiện thì nên tránh chúng.
Trong mười Bất Thiện Nghiệp trên, chúng ta không thấy đề cập đến giới uống rượu. Chú Giải giải thích là giới uống rượu nằm trong Bất Thiện Nghiệp thứ ba. Giới thứ ba tiếng Pāḷi là Kāmesu micchācārā. ‘Kāmesu’ có nghĩa là dục lạc thế gian hay năm dục lạc giác quan (dục lạc về sắc, dục lạc về thinh, dục lạc về hương, dục lạc về vị, dục lạc về xúc, dục lạc về pháp) chứ không phải chỉ là dục lạc nam nữ. Như vậy uống rượu và dùng chất say là một hành vi bất thiện thuộc về dục lạc thế gian, đó là vị trần. Như vậy, uống rượu và dùng chất say nằm trong hành vi bất thiện thuộc về thân, hay nằm trong giới thứ ba là tà hạnh.
(còn tiếp)
Posts: 3,919
Threads: 6
Likes Received: 149 in 124 posts
Likes Given: 129
Joined: Dec 2019
Reputation:
69
Bây giờ chúng ta nói đến Nghiệp Thiện.
Có hai nhóm Thập Thiện Nghiệp thuộc Dục giới.
Nhóm thứ nhất chỉ là mười Thiện Nghiệp đối nghịch với mười Bất Thiện Nghiệp ta đã nói trên. Đó là:
- Không sát sinh,
- Không trộm cắp,
- Không tà hạnh,
- Không nói dối,
- Không nói lời đâm thọc,
- Không nói lời nói dữ,
- Không nói lời vô ích,
- Không tham (không có tà tâm mong muốn chiếm đoạt vật sở hữu của kẻ khác làm của mình),
- Không sân (có từ tâm),
- Không tà kiến (có chánh kiến), nghĩa là biết nhân, biết quả, biết nhân quả và biết mọi việc trên thế gian đều tùy thuộc vào một số các việc khác.
Mười Thiện Nghiệp Dục Giới này chỉ là mười Nghiệp đối nghịch với mười Bất Thiện Nghiệp mà thôi.
Nhóm mười Thiện Nghiệp thứ hai là:
- Bố thí: Giúp đỡ người nghèo khó hay dâng cúng thực phẩm và vật dụng đến chư tăng.
- Trì giới: Giữ giới luật trong sạch: không sát sinh, trộm cắp, tà hạnh…
- Tham thiền: Luyện tâm, Phát triển tinh thần, hành Thiền Định và Thiền MinhSát…
- Cung kính: Tôn kính người lớn tuổi, tôn kính người đáng tôn kính, nhường chỗ cho người đáng nhường.
- Phục vụ: giúp đỡ người khác, làm các công việc cho cộng đồng, làm công quả cho chùa, giúp người khác làm việc thiện.
- Hồi hướng công đức: Trước hết, đi làm phước rồi hồi hướng hay chia phước lành đến mọi người. Chia phước là giúp mọi người có cơ hội được hưởng phước báu qua hành vi phước thiện của mình. Chia phước không phải là tặng hoặc bố thí phước báu của mình cho người khác và mình không còn phước báu nữa. Chia phước báu là hành vi phước thiện tạo thành Nghiệp tốt. Chia phước càng khiến cho phước báu mình được gia tăng.
- Tùy hỉ: Hoan hỉ với phước báu của người khác, nghĩa là khi được người khác chia phước báu cho ta thì ta nói: Sādhu, sādhu, sādhu (lành thay, lành thay, lành thay). Có nghĩa là ta hoan hỉ, hạnh phúc với phước báu người khác đã tạ Khi bạn hoan hỉ với phước báu của người khác thì chính bạn cũng được phước báu. Đó là vì khi bạn hoan hỉ, vui mừng thì sự hoan hỉ, vui mừng này đã lấy phước báu của người khác làm đối tượng. Đây là một thiện tâm. Chú Giải nói rằng: Dù cho người làm việc phước thiện có chia phước cho bạn hay không, thì bạn cũng có thể hoan hỉ với việc phước thiện của họ đã làm. Như vậy, nếu được người khác chia phước thì bạn hãy nói: “Sādhu, sādhu, sādhu” hay “lành thay, lành thay, lành thay”. Nếu họ không chia phước báu cho bạn, nhưng nếu bạn thấy hay bạn nghe rằng: người đó đã làm việc phước thiện thì bạn cũng có thể thực hành việc hoan hỉ phước báu của người khác bằng cách vui mừng hoan hỉ với phước báu này.
- Nghe pháp: Là nghe giáo pháp của Đức Phật. Việc học tập các loại nghệ thuật như: điêu khắc, vẽ tranh hoặc các học thuật chuyên môn để mở mang kiến thức mà không làm hại hay gây thương tổn cho ai cũng bao gồm trong phần nghe pháp.
- Thuyết pháp: Giảng dạy giáo pháp. Phần này cũng bao gồm cả việc giảng dạy Phật pháp và một vài loại ngành nghề, học thuật không xâm hại hay tổn thương đến kẻ khác và không chống trái những lời dạy của Đức Phật.
- Có chánh kiến: Có quan kiến đúng đắn, nghĩa là có kiến thức đúng đắn về nhân quả v… Quan kiến đúng đắn hay Chánh Kiến thật ra chỉ là ngược lại với tà kiến. Có quan kiến đúng đắn rất quan trọng, nếu có quan kiến sai lầm thì mọi việc làm của ta đều không phải là Thiện Nghiệp. Chúng ta phải có quan kiến đúng đắn hay Chánh Kiến về Nhân, về Quả, và những gì liên quan đến Nhân Quả.
Ba Thiện Nghiệp đầu tiên: bố thí, trì giới, và tham thiền là ba bước đầu tiên mà người Phật Tử phải thực hành.
Bố thí: Trong mười Ba La Mật hay mười phẩm hạnh cao thượng mà một vị Bồ Tát phải thực hành trọn vẹn thì bố thí là pháp đầu tiên. Bố thí (dāna) ở đây có nghĩa là cho ra, giúp đỡ hay cúng dường v.v… Bố thí (dāna) rất quan trọng vì bố thí giúp cho tâm của chúng ta êm dịu, và mềm dẽo. Bố thí còn tạo cơ hội cho chúng ta loại trừ Tham Ái, dính mắc. Mỗi khi chúng ta cho ra vật gì, không những ta cho ra vật đó mà còn dứt trừ tâm Tham Ái, dính mắc vào vật đó nữa. Như vậy, khi thực hành hạnh bố thí, chúng ta cũng đồng thời thực hành hạnh dứt bỏ, Tham Ái dính mắc vào vật ta cho ra.
Trì giới: còn được gọi là giữ phẩm hạnh đạo đức. Giữ giới là kiểm soát thân khẩu. Khi giữ giới là ta giữ phẩm hạnh trong sạch, ta không để cho thân và khẩu ô nhiễm bởi hành động và lời nói bất thiện. Là cư sĩ, bạn có thể giữ năm giới hay tám giới như các bạn đang thực hành trong khóa thiền này, nếu bạn muốn thực hành giới luật nhiều hơn bạn có thể giữ mười giới.
Tham thiền: giúp cho tâm thanh tịnh, an lạc hay đưa đến những tiến bộ tinh thần cao, khai mở trí tuệ. Bạn có thể hành Thiền Định hay Thiền Minh Sát. Do hành Thiền Định bạn có thể đạt được định tâm cao. Nếu bạn thành công trong việc thực hành một trong bốn mươi đề mục Thiền Định bạn có thể thực hành thêm để có thần thông. Qua hành Thiền Minh Sát bạn sẽ đạt đến chỗ dứt sạch mọi ô nhiễm trong tâm hay đạt cứu cánh Niết Bàn.
Cung kính và phục vụ: Đó là Thiện Nghiệp thứ tư và thứ năm: Cung kính những người đáng cung kính, và phục vụ giúp đỡ mọi người; hai điều này có thể bao gồm trong Thiện Nghiệp thứ hai, giới luật trong sạch, bởi vì khi bạn thực hành giới bạn kiểm soát hành động và lời nói. Cung kính và phục vụ là một biểu hiện của sự kiểm soát thân và khẩu, do đó được bao gồm trong giới luật, Thiện Nghiệp thứ hai.
Hồi hướng chia phước bao gồm trong Thiện Nghiệp thứ nhất, bố thí. Tùy hỉ hay hoan hỉ với phước báu của người khác cũng bao gồm trong bố thí bởi vì liên hệ đến sự bố thí, không phải mình cho ra, nhưng người khác cho ra.
Nghe pháp, thuyết pháp, và có quan kiến đúng đắn đều nằm trong Thiện Nghiệp thứ ba là tham thiền. Nghe pháp là một loại phát triển tinh thần. Thuyết pháp cũng thuộc phát triển tinh thần bởi vì bạn đang phát triển tâm mình. Có quan kiến đúng đắn hay có Chánh Kiến cũng thuộc về phát triển tinh thần.
Như vậy, chúng ta có thể thu gọn mười Thiện Nghiệp còn lại ba Thiện Nghiệp: Bố thí, trì giới, tham thiền. Yếu tố sáu và bảy vào yếu tố một: Bố thí; bốn và năm vào yếu tố thứ hai: Trì giới; tám; chín và mười vào yếu tố ba: Tham thiền.
- Bố thí: bao gồm hồi hướng (6), tùy hỉ (7).
- Trì giới bao gồm cung kính (4), phục vụ (5).
- Tham thiền bao gồm nghe pháp (8) thuyết pháp (9), Chánh Kiến (10).
Bây giờ chúng ta đã hiểu Bất Thiện Nghiệp và Thiện Nghiệp, chúng ta có thể theo lời dạy của Đức Phật trong kinh Pháp Cú:
“Không làm điều ác nào,
Làm các hạnh lành,
Thanh lọc tâm ý,
Đó là lời dạy của chư Phật.
Câu đầu tiên trong bài kệ Pháp Cú này là Sabbapāpassa akaraṇaṁ (Không làm điều ác nào). Chữ sabbapāpassa có hai phần: ‘Sabba’ có nghĩa là tất cả, và ‘pāpa’ có nghĩa là điều ác, như vậy “sabbapāpassa” có nghĩa là tất cả điều ác. Nhưng khi nói “Không làm tất cả các điều ác”, người ta có thể tranh biện: Nếu bạn nói “không làm tất cả các điều ác”, như vậy có nghĩa là “có thể làm ít điều ác cũng được”. Bởi thế, ở đây ta phải dịch là “không làm điều ác nào” tức là không làm điều bất thiện, không tạo các ác Nghiệp. Sau đó là “hoàn thành những việc thiện” có nghĩa là vun bồi Thiện Nghiệp hay làm những việc thiện; tiếp theo là thanh lọc tâm ý. Tâm chúng ta có nhiều phiền não hay ô nhiễm, bởi vậy Đức Phật dạy chúng ta hãy thanh lọc tâm. Câu Pháp Cú trên Đức Phật dạy chúng ta tránh xa điều ác, vun bồi hạnh lành, và thanh lọc tâm ý.
Chú Giải Kinh Pháp Cú giải thích câu đầu của bài kệ này, sabbapāpassa akaraṇaṁ là không làm những hành vi bất thiện, điều này dễ hiểu.
Câu thứ hai, kusalassa upasampadā là làm khởi sinh các hành vi thiện lành, và phát triển những gì cần phải phát triển. Như vậy, ở đây câu: “vun bồi thiện tâm” hay “hoàn thành những việc thiện” là làm phát sinh Thiện Nghiệp, và tiếp tục, tiếp tục làm phát sinh Thiện Nghiệp, nghĩa là liên tục tạo Thiện Nghiệp. Câu này có nghĩa không phải chỉ làm việc thiện một lần mà phải tiếp tục làm việc thiện nhiều lần cho đến khi Thiện Nghiệp phát triển.
Chú Giải cũng nói rằng: phải làm việc thiện cho đến khi đạt A La Hán đạo (Arahatta Magga) nghĩa là cho đến khi Giác Ngộ. Tôi nghĩ rằng: Chú Giải liên kết điều này với cuộc đời của Đức Phật. Là một hoàng tử, Đức Phật từ bỏ đời sống thế tục, xuất gia tu hành. Và trong sáu năm Ngài sai lầm thực hành khổ hạnh trong rừng, cuối cùng Ngài bỏ lối tu khổ hạnh, thực hành trung đạo và thành chánh quả. Từ lúc xuất gia cho đến khi Giác Ngộ Ngài đã thực hành và phát triển Thiện Nghiệp.
Thứ ba sacittapariyodapanaṁ (Thanh lọc tâm ý), có nghĩa là làm cho tâm trong sạch, thoát khỏi năm chướng ngại. Thanh lọc tâm khỏi năm chướng ngại (phiền não) là một việc làm quan trọng bởi vì bao lâu vẫn còn chướng ngại trong tâm thì vẫn chưa thể hi vọng Giác Ngộ.
(hết)
Posts: 3,919
Threads: 6
Likes Received: 149 in 124 posts
Likes Given: 129
Joined: Dec 2019
Reputation:
69
LÝ DUYÊN SINH
Lần trước tôi đã nói đến luật Nghiệp Báo. Luật Nghiệp Báo là một phần của Luật Nhân Quả. Hôm nay tôi sẽ nói đến một phần khác của Luật Nhân Quả, đó là Lý Duyên Sinh.
Về Luật Nhân Quả, có ba quan niệm được nêu ra:
- Tất cả sự vật dù là sinh vật hay những vật vô tri đều được tạo ra bởi Thượng Đế hay Phạm Thiên.
- Sinh vật hay vật vô tri phát sinh tự nhiên không có nhân nào cả. Có nghĩa là chúng khởi sinh và hoại diệt không do nhân nào cả.
- Sinh vật hay vật vô tri không do ai tạo ra cả, cũng chẳng phải không do nguyên nhân nào tạo ra cả; nhưng mọi sự vật khởi sinh do nhiều nguyên nhân và nhiều điều kiện. Đây là quan kiến của Phật giáo.
Luật Duyên Sinh dạy cho chúng ta biết rằng: không có gì độc lập một mình. Mọi sự vật đều có liên hệ, và mọi sự vật đều tùy thuộc vào một số sự vật khác để phát sinh.
Lý Duyên Sinh là Luật Nhân Quả chi phối chúng sinh, hay sinh vật còn được gọi là Vòng Tái Sinh hay Vòng Hiện Hữu. Trong Phật Giáo còn có một Luật Nhân Quả khác đó là Duyên Hệ Duyên. Luật Duyên Hệ Duyên bao trùm cả sinh vật và vật vô tri hay bao trùm cả vật hữu tình và vật vô tình. Patthāna (Duyên Hệ Duyên) không những nói đến sự liên hệ của sự vật này với sự vật kia mà còn nói chúng liên hệ với nhau như thế nào, theo đường lối nào, theo lực nào hay theo điều kiện nào. Như vậy, Luật Duyên Sinh và luật Duyên Hệ Duyên có khác nhau chút ít.
Lý Duyên Sinh là những lời dạy rất quan trọng trong giáo pháp của Đức Phật. Đây là đặc điểm khiến Phật Giáo khác với các tôn giáo khác. Trong khi đi tìm khởi nguyên của sự vật, hầu hết các tôn giáo đều bí lối, vì họ không thể tìm ra nguyên nhân, nên họ phải tự tìm lối thoát bằng cách cho rằng, hay quan niệm rằng: khởi nguyên của sự vật là một quyền lực siêu nhiên, không ai biết được, là đấng sáng tạo hay Thượng Đế. Nhưng theo Phật giáo, nguồn gốc của chúng sinh được giải thích một cách hữu lý, đặc biệt qua Lý Duyên Sinh, khiến những người hiểu biết có thể chấp nhận được.
Một cách ngắn gọn Lý Duyên Sinh nói rằng: “Khi mặt. Do cái này khởi sinh nên cái kia khởi sinh”. thuộc vào một số sự vật khác. Cái này có mặt thì cái kia có Mọi sự vật khởi sinh đều tùy. Dầu cho Đức Phật có xuất hiện trên thế gian này hay không thì Luật Duyên Sinh vẫn luôn luôn hiện hữu. Đức Phật xuất hiện, khám phá ra Luật Duyên Sinh, công bố, làm hiển lộ ra và dạy cho thế gian.
Ngay cả trước khi Giác Ngộ Đức Phật đã biết đến Luật Duyên Sinh rồi. Trong một bài giảng ở Dīgha Nikāya cũng như ở Saṁyutta Nikāya có ghi rõ rằng: “Tất cả các vị Bồ Tát vào đêm trước ngày Giác Ngộ Đạo Quả đều đã suy tư đến Luật Duyên Sinh và hành Thiền Minh Sát trên mười hai yếu tố của Luật Duyên Sinh này. Kết quả của viêc hành Thiền Minh Sát trên mười hai yếu tố của Luật Duyên Sinh, Bồ Tát đã thành Phật. Như vậy, Luật Duyên Sinh đã được Đức Phật biết đến trước khi thành đạo. Công thức của Luật Duyên Sinh khởi đầu bằng Vô Minh, nhưng đường lối quán xét của Đức Phật khác hơn. Đức Phật quán xét theo chiều ngược lại. Ngài bắt đầu từ yếu tố Già, Chết.
- Là một chúng sinh ai cũng phải Già Chết. Ngày qua ngày, giờ qua giờ, phút qua phút, giây qua giây chúng ta đang trở nên già. Như vậy già là một sự kiện hiển nhiên của đời sống. Cái Già luôn luôn đi song hành với chúng ta trong mọi lúc. Một ngày nào đó, đời sống này sẽ đi đến chỗ chấm dứt. Chỗ chấm dứt của đời sống được gọi là “chết”, không ai có thể tránh được sự chết. Như vậy, ai cũng tiến đến Già và Chết, không ai có thể tránh được Già và Chết. Đây là một sự kiện thực tế và chúng ta không thể trốn khỏi thực tế này.
- Bồ Tát đã quán xét như vầy: Bây giờ có Già và Chết. Cái gì là điều kiện của Già và Chết, hay do nguyên nhân gì Già và Chết khởi sinh? Bồ Tát thẩm xét và thấy rằng: Do có Sinh nên có Già và Chết. Bởi vì chúng ta sinh ra làm người nên chúng ta trở nên già từng ngày, từng giờ, từng phút, và cuối cùng chúng ta sẽ Chết. Phân tích tận cùng thì nhân của Già và Chết là Sinh. Bởi vì có sự khởi đầu, có diễn tiến, thì sẽ có chấm dứt. Như vậy, Sinh hay Tái Sinh là nguyên nhân hay điều kiện của Già và Chết.
- Bồ Tát không chấm dứt ở đây mà Ngài quán xét ngược chiều thêm nữa. Ngài quán xét: Tại sao có Sinh và Tái Sinh? Cái gì là nguyên nhân hay điều kiện của tái sinh? Trong khi cố gắng tìm kiếm nguyên nhân của Sinh, Ngài khám phá ra đó là “Hữu” hay “Trở thành”. “Hữu” hay “Trở thành” có nghĩa là làm cho cái gì đó “Có” hay làm cho cái gì đó “Trở thành”. Thực ra “Hữu” hay “Trở thành” đó là “Nghiệp”. Bồ Tát khám phá ra nguyên nhân của Tái Sinh là Nghiệp (kamma). Như các bạn biết, có hai loai Nghiệp: Nghiệp Thiện và Nghiệp Bất Thiện. Nghiệp Thiện cho quả thiện hay quả vui, Nghiệp Bất Thiện cho quả bất thiện hay quả khổ. Tái sinh làm người là quả của Thiện Nghiệp. Như vậy, được tái sinh làm người là vì chúng ta đã làm một số Nghiệp Thiện trong quá khứ. Có thể có một số người tái sinh vào địa ngục. Họ tái sinh vào địa ngục vì họ đã làm một số Bất Nghiệp Thiện trong quá khứ. Thiện Nghiệp hay Bất Thiện Nghiệp là nguyên nhân hay điều kiện để tái sinh làm người hay tái sinh làm các loài khác. Tại sao chúng sinh làm cả hai Nghiệp thiện ác? Đâu là nguyên nhân hay điều kiện khiến Thiện Nghiệp và Bất Thiện Nghiệp khởi sinh.
- Đôi lúc ta làm Nghiệp Thiện, đôi lúc ta làm Nghiệp Ác bởi vì ta có Tham Ái mạnh mẽ. Tham Ái mạnh mẽ trở thành bám víu, Chấp Thủ (upadāna). Chấp Thủ là điều kiện khiến Thiện và Bất Thiện Nghiệp khởi sinh. Chẳng hạn, chúng ta nghe người ta nói rằng: cảnh trời an vui hạnh phúc hơn cõi người nên chúng ta muốn tái sinh vào đó. Ta có sự dính mắc, chấp thủ vào cảnh đó nên chúng ta muốn tái sinh vào đó. Để được sinh vào cảnh trời, chúng ta phải làm một cái gì đó. Đôi lúc ta gặp được những lời khuyên đúng nên ta làm một số việc thiện và tạo Nghiệp Thiện. Đôi khi ta được hướng dẫn sai lầm nên tạo một số Ác Nghiệp, như giết dê cừu để cúng tế chẳng hạn. Nếu ta nghe theo lời hướng dẫn sai lầm rồi hi sinh tánh mạng súc vật để cúng tế kỳ vọng sẽ được sinh về cõi trời thì chúng ta đã tạo Nghiệp Bất Thiện. Bởi thế có khi ta làm việc thiện, có khi ta làm việc bất thiện vì ta có tham muốn mạnh mẽ, hay có Chấp Thủ được sinh vào một cõi tốt đẹp hơn. Dầu tạo nghiệp lành hay tạo Nghiệp dữ, chúng ta đều phải nhận chịu hậu quả của Nghiệp. Tạo Nghiệp lành sẽ hưởng quả vui, sẽ tái sinh vào cõi trời hay cõi người. Tạo Nghiệp dữ sẽ mang quả khổ, sẽ tái sinh vào bốn cõi khổ (súc sinh, ngạ quỉ, a tu la, địa ngục). Bởi vì chúng ta có Tham Ái mãnh liệt hay Chấp Thủ được sinh vào cõi tốt đẹp hơn nên chúng ta làm điều thiện hay tạo Thiện Nghiệp.
- Bồ Tát lại tiếp tục quán sát. Cái gì là điều kiện cho Thủ? Nguyên Nhân nào làm cho Thủ khởi sinh? Ngài tìm ra rằng: Tham Ái bình thường là điều kiện cho Tham Ái mạnh mẽ khởi sinh. Điều này có nghĩa là: Trước tiên ta có Tham Ái vào việc gì đó, rồi ta dính mắc vào vật đó, không thể nào bỏ được, không thể nào buông bỏ nó đi. Khi đạt đến mức độ Tham Ái mãnh liệt như vậy thì gọi là chấp thủ. Trước khi đạt đến tầng mức này, trước khi Thủ phát sinh thì có Tham Ái bình thường. Như vậy, Tham Ái bình thường là điều kiện cho Tham Ái hay nhân cho Tham Ái mạnh mẽ, Tham Ái mạnh mẽ trở thành Thủ. Vậy Tham Ái là Nhân hay điều kiện của Thủ. Giả sử, bạn đi vào một cửa tiệm và thấy một vật gì đẹp đẽ. Trước tiên bạn thích vật đó. Bởi vì vật đó đẹp. Rồi bạn không thể nào rời khỏi vật đó. Thế là bạn muốn làm chủ vật đó và quyết định mua. Khởi đầu thấy vật đó bạn chỉ thích. Đó là Tham Ái, nhưng sau đó bạn không thể rời xa vật đó, bởi vì bạn thích mạnh mẽ vào vật đó. Đó là Thủ. Khi đã đến giai đoạn Thủ rồi thì không thể tách rời khỏi vật đó. Cả hai Tham Ái và Chấp thủ đều là một loại tâm sở giống nhau. Đó là Tâm Sở Tham, nhưng nồng độ dính mắc của chúng khác nhau. Ở Tầng mức Tham Ái thì sự dính mắc không nặng, nhưng khi đạt đến tầng mức Chấp Thủ thì Tham Ái trở nên mạnh mẽ hơn khiến bạn không thể tách rời sự vật mình ưa thích. Như vậy, điều kiện cho sự Chấp thủ hay sự dính mắc mạnh mẽ, đó là Tham Ái bình thường.
- Tại sao có Tham Ái? Hay tại sao ta có sự thích thú vào vật đó? Bạn thích một vật nào đó bởi vì bạn cảm thấy vật đó tốt đẹp. Có những Cảm Thọ Lạc với vật đó. Đôi khi vật đó không đẹp, bạn không thích vật đó. Khi không thích vật đó cũng là Tham Ái, bởi vì bạn dính mắc vào vật có đặc tính tốt đẹp. Ngay cả khi bạn thấy một vật xấu thì bạn cũng có Tham Ái phát sinh. Không phải bạn Tham Ái với vật đó, nhưng bạn Tham Ái với cái đẹp của vật đó. Đôi khi Cảm Thọ trung tính cũng là Tham Ái, bởi vì dính mắc vào Cảm Thọ trung tính đó. Như vậy, Cảm Thọ là khổ hay trung tính đều là điều kiện cho Tham Ái.
- Tại sao có Cảm Thọ? Chúng ta có Cảm Thọ tốt hay Cảm Thọ xấu về một vật nào đó. Đâu là Nhân hay Điều kiện của Cảm Thọ này?Bởi vì ta có sự tiếp xúc với đối tượng nên mới có Thọ. Nếu không có tiếp xúc với đối tượng thì sẽ không có Cảm Thọ. Như vậy, Cảm Thọ là điều kiện hay nguyên nhân của Xúc. Xúc ở đây không phải chỉ là sự vật gặp đối tượng, nhưng Xúc là một cái gì đó khởi sinh như sự tiếp quản của sự vật ấy. Chẳng hạn, như khi bạn thấy một vật thì phải có vật thấy và phải có mắt. Khi vật thấy đi vào lộ của mắt thì sẽ có sự thấy hay xúc thấy. Khi mắt thấy cảnh sắc thì xúc thấy khởi sinh, sẽ có sự thấy. Đồng thời, cũng khởi sinh cái người ta gọi là xúc, tức là tâm sở đóng vai trò như sự tiếp nối. Bởi vì sự tiếp nối này mà Cảm Thọ đi tiếp theo và những tâm sở khác cũng đi theo. Như vậy, điều kiện của Cảm Thọ là Xúc với đối tượng.
- Tại sao Xúc khởi sinh? Xúc khởi sinh, như trong trường hợp thấy, bởi vì mắt và vật thấy tiếp xúc nhau. Như vậy, Xúc xảy ra khi có mắt và vật thấy. Giác quan tiếp xúc với cảnh, gọi là nhãn căn. Có sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm; tương ưng với sáu đối tượng hay sáu trần là sắc, thinh, hương (khí), vị, xúc, pháp. Khi Căn và Trần gặp nhau thì có Xúc. Như vậy, Xúc có nhân hay điều kiện là Lục Căn và Lục trần.
- Cái gì là điều kiện của Lục Căn, Lục trần?
- Các yếu tố của Lục Căn, Lục Trần là Vật Chất, có yếu tố là Tâm. Bồ Tát quán sát và thấy rằng: bởi vì có Vật Chất và Tâm nên mới có các Căn và Trần. Như vậy, Vật Chất và Tâm là điều kiện hay Duyên của Lục Căn và Lục Trần.
- Cái gì là Duyên khiến cho Vật Chất và Tâm khởi sinh?
- Vật Chất và Tâm không thể khởi sinh nếu không có Thức. Chỉ khi nào có Thức, chỉ khi Thức khởi sinh thì Vật Chất và Tâm mới khởi sinh. Thức và một số Tâm Sở khởi sinh cùng lúc, nhưng Thức (hay Tâm Vương) được gọi là chủ hay kẻ lãnh đạo bởi vì nếu không có Thức, thì Tâm Sở không thể khởi sinh cùng với Thức được. Thêm vào đó, vào lúc tái sinh, một số yếu tố Vật Chất cũng khởi sinh. Nhưng yếu tố Vật Chất này chỉ khởi sinh khi Thức khởi sinh. Như vậy, điều kiện hay Duyên khiến cho Vật Chất và Tâm khởi sinh đó là Thức. “Thức” ở đây để chỉ cho cả hai: Thức phát sinh vào lúc tái sinh và Thức kéo dài trong suốt cuộc sống.
- Cái gì là điều kiện hay Duyên cho Thức khởi sinh? Thức ở đây” có nghĩa là Thức Quả, Thức Quả là Quả của một số sự kiện khởi sinh với tư cách là Quả của một số cái gì đó… Chẳng hạn như khi thấy một vật gì mà chúng ta thích thì có Thức Thấy khởi sinh, Thức Thấy khởi sinh là kết quả của một số Thiện Nghiệp trong quá khứ. Khi chúng ta thấy một vật gì chúng ta không ưa thích thì cũng có một loại Vật Chất và Tâm khởi sinh, Thức Thấy này là Quả của một số Bất Thiện Nghiệp trong quá khứ. Thức khởi sinh vào lúc tái sinh là Quả trực tiếp của Nghiệp trong quá khứ. Như vậy, khi Bồ Tát suy xét tại sao Thức khởi sinh, đặc biệt là Thức Quả thì Ngài thấy rằng: bởi vì có những Thiện Nghiệp hay Bất Thiện Nghiệp trong quá khứ nên Thức khởi sinh. Như vậy, điều kiện hay Duyên cho Thức khởi sinh là Kamma (Nghiệp). Kamma ở đây là Saṅkhāra (Hành Nghiệp).
- Tại sao Thiện Nghiệp và Bất Thiện Nghiệp khởi sinh? Bởi vì có Vô Minh. Bởi vì chúng ta có Vô Minh nên không hiểu được bản chất thực sự của sự vật. Bởi vì chúng ta vô minh không hiểu được Vô Thường, Khổ và Vô Ngã của sự vật, nên chúng ta tạo Nghiệp Thiện và Bất Thiện. Bởi vì không hiểu bản chất thực sự của sự vật và không hiểu Tứ Diệu Đế nên không hiểu những điều kiện hay Duyên cho Thiện Nghiệp và Bất Thiện Nghiệp khởi sinh, không thấy rõ Vô Minh là điều kiện hay Duyên cho Nghiệp Thiện và Bất Thiện khởi sinh. Chuỗi suy xét về Thập Nhị Nhân Duyên chấm dứt ở chỗ Bồ Tát tìm ra Vô Minh. Nếu chúng ta theo tiến trình tìm hiểu của Đức Phật thì chúng ta hiểu Luật Duyên Sinh theo chiều ngược. Nhưng mô thức thông thường là Luật Duyên Sinh mà chúng ta thường thấy trong các bài pháp được trình bày theo chiều thuận, từ khởi đầu cho đến chấm dứt. Nếu chúng ta đi từ yếu tố khởi đầu cho đến yếu tố chấm dứt của Luật Duyên Sinh thì chúng ta bắt đầu với yếu tố Vô Minh bởi vì có Vô Minh làm duyên nên mới có Hành Nghiệp hay Nghiệp Thiện và Bất Thiện. Bởi vì có Nghiệp Thiện và Bất Thiện làm duyên nên Thức phát sinh, Thức là Duyên do Danh Sắc (Vật Chất và Tâm)…Như vậy, chúng ta có thể hiểu Luật Duyên Sinh theo chiều thuận hoặc theo chiều nghịch, từ khởi đầu đến chấm dứt hay từ chấm dứt đến khởi đầu. Hoặc đôi khi chúng ta có thể lấy yếu tố ở giữa xét ngược hay xét xuôi các yếu tố.
(còn tiếp)
Posts: 3,919
Threads: 6
Likes Received: 149 in 124 posts
Likes Given: 129
Joined: Dec 2019
Reputation:
69
Mặc dầu khi chúng ta xét theo chiều ngược, chúng ta chấm dứt với Vô Minh, nhưng Vô Minh không phải là nguyên nhân đầu tiên. Vô Minh không phải là không có duyên trước đó, có nghĩa là không phải Vô Minh không có điều kiện. Vô Minh là một hiện tượng có điều kiện. Điều kiện của Vô Minh là Lậu Hoặc (Āsava). Khi có Vô Minh thì sẽ có Vô Minh khác theo sau, tiếp theo là những Vô Minh khác nữa. Như vậy, Vô Minh sau là quả của Vô Minh trước, hay Vô Minh sau có Vô Minh trước làm điều kiện. Như vậy, chúng tiếp tục diễn biến bởi vì Vô Minh là một trong những Lậu Hoặc. Bất kỳ lúc nào Lậu Hoặc khởi sinh thì Vô Minh cũng khởi sinh. Như vậy, Vô Minh chịu điều kiện hay duyên bởi Lậu Hoặc.
Tổng cộng có mười hai (12) yếu tố hay mười hai bước trong Luật Duyên Sinh:
- Vô Minh,
- Hành Nghiệp,
- Thức,
- Danh Sắc (Vật Chất và Tâm ),
- Lục Nhập,
- Xúc,
- Thọ,
- Ái,
- Thủ,
- Hữu,
- Tái Sinh rồi
- Già – Chết.
Khi nhìn vào mười hai yếu tố này, chúng ta thấy một số yếu tố thuộc về quá khứ, một số yếu tố thuộc hiện tại và một số yếu tố thuộc về tương lai. Đây là cách giải thích về Luật Duyên Sinh theo Chú Giải. Trong số mười hai yếu tố thì Vô Minh và Hành Nghiệp thuộc về quá khứ; Tái Sinh, Già – Chết thuộc về tương lai. Tám yếu tố ở giữa là Thức, Vật Chất-Tâm, Lục Nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu thuộc về thời hiện tại.
Nhưng chúng ta đừng hiểu lầm những điều nói trên đây, mặc dầu mười hai yếu tố này được phân chia ra ba thời kỳ, nhưng chúng ta đừng hiểu lầm rằng chúng chỉ xuất hiện trong các thời kỳ đã kê trên; bởi vì trong đời sống này, trong một đời sống này thôi, thì chúng ta cũng kinh nghiệm được cả mười hai yếu tố. Nói cách khác, chúng ta đừng hiểu Chú Giải theo nghĩa đã được giảng giải mà phải xuyên qua ba thời kỳ mới thấy rõ Luật Duyên Sinh. Bởi vì ngay trong kiếp sống này chúng ta cũng thấy được Vô Minh, chúng ta thấy được Hành Nghiệp, và chúng ta thấy đầy đủ các yếu tố của Luật Duyên Sinh. Như vậy chúng ta có thể thấy tất cả mười hai yếu tố của Luật Duyên Sinh trong kiếp sống này. Nhưng khi mười hai yếu tố này được chia ra theo ba thời kỳ, thì một số yếu tố thuộc về quá khứ, một số yếu tố thuộc về hiện tại và một số yếu tố thuộc về tương lai. Nếu ta lấy Vô Minh và Hành Nghiệp là quá khứ thì Tái Sinh, Già-Chết là tương lai và các yếu tố còn lại là hiện tại. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ tái sinh và già chết trong kiếp sống tương lai, chúng ta sẽ Già-Chết ngay trong kiếp hiện tại này. Nếu lấy Vô Minh và hành nghiệp là đời sống quá khứ, thì tái sinh, già và chết ngay trong kiếp sống này là tương lai. Như vậy, qua mười hai yếu tố được phân chia theo ba thời kỳ, chúng ta sẽ kinh nghiệm được mười hai yếu tố này ngay trong kiếp sống này. Có nghĩa là ngay trong kiếp sống này ta thấy được cả ba thời kỳ. Chúng ta không cần phải hoàn toàn xuyên qua ba thời kỳ mới kinh nghiệm được tất cả những yếu tố này.
Chúng ta phải thận trọng về vấn đề này bởi vì nhiều người nghĩ rằng: Chú Giải dạy ta phải xuyên suốt cả ba thời kỳ một cách trọn vẹn mới thấy được vòng Duyên Sinh. Bởi nghĩ chưa hiểu thấu đáo, nên họ nói rằng Chú Giải nói sai. Thật ra, Chú Giải không nói là bạn phải xuyên qua cả ba thời kỳ mới thấy trọn vẹn vòng Duyên Sinh. Những điều mà Chú Giải nói là: những yếu tố này thuộc về quá khứ, những yếu tố kia thuộc về hiện tại và những yếu tố tiếp theo thuộc về tương lai. Như vậy, trong thực tế nếu chúng ta nhìn vào chính mình, chúng ta sẽ biết rõ rằng: Chúng ta kinh nghiệm được tất cả các yếu tố ngay trong kiếp sống này. Thật vậy, chúng ta kinh nghiệm tất cả mười hai yếu tố ngay trong kiếp sống này. Nhưng khi nhìn những yếu tố này trên quan điểm kiếp sống hiện tại hay trên quan điểm kiếp tới thì chúng sẽ trở thành hiện tại, quá khứ và tương lai. Trong mô thức Duyên Sinh, chỉ nói đơn giản: Một điều kiện làm điều kiện cho những điều kiện khác, hay một Duyên này làm điều kiện cho Duyên kia. Nhưng trên thực tế, theo lời dạy của Đức Phật, thì không hề có chuyện một nhân sinh ra một quả.
Phật Giáo chấp nhận nhiều nhân sinh ra nhiều quả. Điều này có nghĩa là để cho Hành khởi sinh thì Vô Minh không phải là điều kiện hay nhân duy nhất mà còn có những điều kiện hay những yếu tố khác đi kèm. Có nhiều điều kiện khác hay duyên khác như Tham Ái hoặc những tâm sở khác làm Duyên. Khi nói đến một Duyên này làm Duyên cho Duyên kia là chúng ta muốn nói đến nguyên nhân chính hay điều kiện chính. Như vậy chúng ta phải hiểu rằng: không phải chỉ có một điều kiện hay Duyên mà thôi.
Luât Duyên Sinh không phải dễ hiểu, nếu muốn hiểu rõ Luật Duyên Sinh bạn phải hiểu chút ít về Vi Diệu Pháp. Ý tôi muốn nói là hiểu biết Vi Diệu Pháp cho đến một từng mức nào đó chứ không có ý nói phải hiểu hoàn toàn Vi Diệu Pháp. Thêm vào đó muốn hiểu rõ Luật Duyên Sinh một cách trọn vẹn thì bạn phải hiểu Luật Duyên Hệ Duyên (Paṭṭhāna: Luật về Điều Kiện)
Như tôi đã nói trước đây, Luật Duyên Sinh chỉ giảng giải sự liên hệ hay duyên của sự vật này đối với sự vật kia, nhưng Luật Duyên Sinh không giải thích chúng liên hệ với nhau như thế nào? Chúng duyên với nhau theo cách thức nào. Đôi lúc ta không hiểu chúng liên hệ với nhau như thế nào thì chúng ta sẽ có sự hiểu lầm về sự liên hệ của chúng. Có một số liên hệ không phải là liên hệ nhân quả; đôi khi hai duyên cùng khởi sinh một lúc nhưng một duyên gọi là tạo điều kiện và một duyên gọi là chịu điều kiện. Trong trường hợp này chúng ta chỉ hiểu rõ nhờ biết về Luật Duyên Hệ Duyên: Như hai người liên hệ nhau nhưng liên hệ là cha con, vợ chồng hay bạn bè. Đó là lãnh vực của Duyên Hệ Duyên. Như vậy, muốn hiểu rõ Luật Duyên Sinh cần phải có sự hiểu biết về Luật Duyên Hệ Duyên. Nếu không biết luật Duyên Hệ Duyên, thì sự hiểu biết về Luật Duyên Sinh của chúng ta sẽ không trọn vẹn.
Ngay cả việc hiểu biết Luật Duyên Sinh mà không biết được Luật Duyên Hệ Duyên là một điều khó khan; thêm vào đó, những từ có tính cách chuyên môn dùng trong Vi Diệu Pháp cũng cần phải hiểu rõ, từ nào đại diện cho nghĩa lý nào. Nghĩa tổng quát của Luật Duyên Sinh là mỗi sự vật khởi sinh đều tùy thuộc vào một sự vật khác, không có gì khởi sinh mà không có nhiều nguyên nhân, hay không có cái gì có thể tự tạo ra mà không có nguyên nhân. Mọi sự vật đều có sự liên hệ, mọi sự vật đều tùy thuộc vào một số điều kiện hay duyên để khởi sinh.
Sau bài này chúng ta sẽ học về Luật Duyên Hệ Duyên. Sự khác nhau giữa Lý Duyên Sinh và Duyên Hệ Duyên có thể hiểu được qua ví dụ sau đây:
Luật Duyên Sinh nói rằng: hai người này liên hệ nhau. Luật Duyên Hệ Duyên nói thêm họ liên hệ theo cha và con, hay anh và em, vợ và chồng v.v…
Luật Duyên Sinh nói đến sự liên hệ của mười hai duyên. Theo chiều thuận thì:
- Vô Minh duyên Hành Nghiệp
- Hành Nghiệp duyên Thức
- Thức duyên ‘Vật Chất và Tâm’ (Danh Sắc)
- ‘Vật Chất và Tâm’ duyên Lục Nhập.
- Lục Nhập duyên Xúc.
- Xúc duyên Thọ.
- Thọ duyên Ái.
- Ái duyên Thủ.
- Thủ duyên Hữu.
- Hữu duyên Sinh.
- Sinh duyên Già – Chết, Lo Âu Phiền Muộn, Uất Ức Than Khóc, Khổ Thân, Khổ Tâm, Thất Vọng.
Như vậy, chúng khởi sinh một khối đau khổ.
Khởi sinh, hoại diệt hay biến mất cũng bao gồm trong Luật Duyên Sinh. Thật ra, không phải là Luật Duyên Sinh mà phải nói là Luật Duyên Diệt hay dùng một chữ gì đó. Điều này giống như thứ tự thông thường mà Luật Duyên Sinh nói đến. Có nghĩa là bởi vì có sự biến mất của Vô Minh nên có sự biến mất của Hành Nghiệp. Bởi vì có sự chấm dứt của Hành Nghiệp nên có sự chấm dứt của Thức v.v… Đó là xét Lý Duyên Sinh theo chiều ngược. Xét theo chiều ngược không có nghĩa là đi trở lại. Xét theo chiều ngược ở đây là xét theo sự biến mất, ngược với thứ tự khởi sinh.
Như vậy, khi có sự già và chết, bị áp lực của sự già chết thì có sự Vô Minh khởi sinh. Khi đau khổ vì già chết, họ đau khổ từ cái gọi là Lậu Hoặc; trong số các Lậu Hoặc có Vô Minh trong đó. Một khi có Vô Minh thì sẽ có Nghiệp Thiện hay Nghiệp Bất Thiện v.v… Như vậy, vòng luân hồi hay vòng đời sống tiếp tục chuyển biến. Nếu chúng ta không loại trừ được nguyên nhân gốc rễ của nó là những phiền não thì không thể chấm dứt vòng tái sinh.
Ngay cả khi chúng ta hành thiền, đặc biệt là Thiền Minh Sát, chúng ta cắt đứt vòng tái sinh tại một số điểm. Chúng ta không để cho vòng tái sinh diễn biến khi chúng ta hành Thiền Minh Sát. Như các bạn đã biết, khi Hành Thiền Minh Sát bạn có thể phá vỡ sự kết nối giữa Thọ và Ái. Mặc dù có Thọ, nhưng bạn sẽ không có Tham Ái nếu các bạn đang Hành Thiền Minh Sát. Do Hành Thiền Minh Sát bạn có thể cắt đứt một số kết nối trong Luật Duyên Sinh.
Khi bạn đang có một Lạc Thọ, nếu bạn không chánh niệm, không ghi nhận rằng: đây là Lạc Thọ thì bạn sẽ thích thú vào Thọ đó. Như vậy, khi bạn thích Lạc Thọ đó là bạn đã để cho vòng Duyên Sinh hay vòng tái sinh tiếp tục quay. Khi có Khổ Thọ phát sinh thì Lạc Thọ sẽ biến mất và bạn dính mắc vào Lạc Thọ đã mất thì bạn cũng để cho vòng tái sinh tiếp tục chuyển. Bạn có thể có Vô Ký Thọ. Vô Ký Thọ cũng rất tốt, và bạn thích Vô Ký Thọ. Khi bạn thích Vô Ký Thọ, thì một lần nữa bạn để cho bánh xe tái sinh tiếp tục chuyển. Khi thực hành Thiền Minh Sát, bạn cố gắng chánh niệm mỗi khi Thọ chiếm ưu thế. Khi bạn chánh niệm như thế là bạn đang cắt đứt vòng tái sinh. Nếu bạn thành công, hoàn toàn thành công trong việc thực hành của mình, và đạt A La Hán thì bạn sẽ cắt đứt hay hủy diệt hoàn toàn vòng tái sinh.
Những yếu tố trong Lý Duyên Sinh được diễn tả là một khối đau khổ. Khối đau khổ này tiếp tục diễn biến cho đến khi chúng ta loại trừ được hết tất cả các phiền não.
Nếu chúng ta muốn thoát ra khỏi vòng tái sinh, nếu chúng ta muốn đập vỡ vòng tái sinh này và hết khổ thì chúng ta phải làm một cái gì đó để chấm dứt vòng tái sinh tiếp tục di chuyển này. Đó là phải áp dụng chánh niệm vào đối tượng khởi sinh trong giây phút hiện tại. Khi bạn thực hành Thiền Minh Sát là bạn cố gắng chặt đứt hay cắt đứt vòng tái sinh. Bạn cố gắng chấm dứt không để cho vòng tái sinh này tiếp tục quay. Trong mỗi phút giây chánh niệm tốt đẹp, trong mỗi phút giây hiểu biết bản chất thực sự của sự vật thì bạn đã hướng đến việc loại trừ vòng tái sinh.
Với mục đích đó chúng ta hành Thiền Minh Sát. Chúng ta hy vọng rằng: một ngày nào đó chúng ta sẽ hoàn thành mục đích của chúng ta là cắt đứt vòng tái sinh hay vòng hiện hữu này.
*Nếu chúng ta hiểu Lý Duyên Sinh theo cách đơn giản là: Vật gì khởi sinh đều tùy thuộc vào những vật khác. Nhưng nếu chúng ta hiểu Luật Duyên Sinh với toàn thể mô thức của nó thì chúng ta không có thể chỉ nói đơn giản như vậy được, bởi vì tại mỗi phút giây, mỗi khoảnh khắc, chúng ta không thể có trọn đủ mười hai yếu tố.
**Chữ Hành (Saṅkhāra) trong Ngũ Uẩn (Saṅ-khārakkhandha) và chữ Hành trong Luật Duyên Sinh có nghĩa khác nhau. Nghĩa đầu tiên của chữ Hành là “tạo” hay “sản xuất ra cái gì”. Đây là nghĩa tác động. Nghĩa thứ hai của chữ hành là “được làm ra” hay “được tạo nên”. Đây là nghĩa thụ động. Như vậy, chữ Saṅkhāra (Hành) có hai nghĩa. Thực ra không phải chỉ có hai nghĩa mà còn có những nghĩa khác nữa. Nhưng ở đây chỉ cần hiểu hai nghĩa này. Đó là: “cái gì được tạo ra”, và “cái gì tạo ra cái khác”. Chữ Hành trong Lý Duyên Sinh có nghĩa là Nghiệp (Kamma). Nghiệp là cái gì tạo ra quả của nó. Đó là hiểu chữ Hành theo nghĩa tác động. Nhưng khi chúng ta nói các Hành là Vô Thường (Sabbe saṅkhāra aniccā ti) thì Hành ở đây có nghĩa thụ động. Chữ Saṅkhāra ở đây có nghĩa là tất cả mọi sự vật có điều kiện, nghĩa là những sự vật được tạo ra hay bị điều kiện. Bởi vậy, mỗi khi thấy chữ Saṅkhāra (Hành) trong một bài kinh nào chúng ta phải thận trọng để hiểu nghĩa chính xác của nó. Chúng ta phải biết chúng được hiểu với nghĩa tác động hay nghĩa thụ động. Chữ Saṅkhāra trong Ngũ Uẩn được hiểu theo nghĩa tích cực hay nghĩa tác động, bởi vì chữ Saṅkhārakkhandha trong Ngũ Uẩn được dẫn đầu bởi Cetanā (Sự cố ý) có nghĩa là Hành hay Nghiệp hoặc Hành Nghiệp. Bở vậy, chữ Hành trong Hành Uẩn, phải được hiểu nghĩa tác động, tức là Nghiệp tạo ra một cái gì hay tạo quả. Trong Lý Duyên Sinh, chữ Hành cũng được hiểu theo nghĩa tác động. Câu: “Các Hành đều Vô Thường” trong Pháp Cú Kinh, phải được hiểu theo nghĩa thụ động, có nghĩa là cái được tạo ra. Như vậy, chữ Hành ở đây, chúng ta phải hiểu ít nhất là hai nghĩa.
Mỗi khi chúng ta gặp chữ Hành chúng ta không thể dịch chỉ bằng một chữ tiếng Anh, một chữ tiếng Miến hay một chữ tiếng Việt. Chúng ta phải hiểu tùy theo chữ Hành nằm trong bản kinh nào, nên hiểu chúng theo nghĩa tác động hay nghĩa thụ động. Trong nhiều bản dịch tiếng Pāḷi bây giờ, người ta dịch ra nhiều chữ khác nhau. Tôi không biết họ dịch như vậy có đúng hay không, không biết họ dịch theo nghĩa tác động hay theo nghĩa thụ động. Tốt hơn chúng ta nên dịch là “tạo điều kiện” hay “bị điều kiện” hoặc “cái tạo ra một cái gì” hay “cái được tạo ra”.
(hết)
Posts: 3,919
Threads: 6
Likes Received: 149 in 124 posts
Likes Given: 129
Joined: Dec 2019
Reputation:
69
Trung Bộ Kinh
Majjhima Nikaya
135. Tiểu kinh Nghiệp phân biệt
(Cùlakammavibhanga sutta)
Như vầy tôi nghe.
Một thời, Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ) Jetavana (Kỳ-đà-lâm), tại tinh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc).
Rồi thanh niên Subha Todeyyaputta đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.
Ngồi xuống một bên, thanh niên Subha Todeyyaputta bạch Thế Tôn:
-- Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì giữa loài Người với nhau, khi họ là loài Người, lại thấy có người liệt, có người ưu?
Thưa Tôn giả Gotama, chúng tôi thấy có người đoản thọ, có người trường thọ; chúng tôi thấy có người nhiều bệnh, có người ít bệnh; chúng tôi thấy có người xấu sắc, có người đẹp sắc; chúng tôi thấy có người quyền thế nhỏ, có người quyền thế lớn; chúng tôi thấy có người tài sản nhỏ, có người tài sản lớn; chúng tôi thấy có người thuộc gia đình hạ liệt, có người thuộc gia đình cao quý; chúng tôi thấy có người trí tuệ yếu kém, có người có đầy đủ trí tuệ.
Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì, giữa loài Người với nhau, khi họ là loài Người, lại thấy có người liệt, có người ưu?
-- Này Thanh niên, các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu.
-- Tôi không hiểu nghĩa một cách rộng rãi điều mà Tôn giả Gotama nói một cách vắn tắt, không có giải nghĩa rộng rãi. Lành thay, nếu Tôn giả Gotama thuyết pháp cho tôi để tôi có thể hiểu nghĩa một cách rộng rãi điều mà Tôn giả Gotama nói một cách vắn tắt, không có giải nghĩa rộng rãi.
-- Vậy này Thanh niên, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ nói.
-- Thưa vâng, Tôn giả.
Thanh niên Subha Todeyyaputta vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
-- Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, sát sanh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loại chúng sanh. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, nếu được đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy phải đoản mạng. Con đường ấy đưa đến đoản mạng, này Thanh niên, tức là sát sanh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loài hữu tình.
Nhưng ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay đàn ông, từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh vào thiện thú, Thiên giới, ở đời. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào thiện thú, Thiên giới, ở đời, nếu người ấy đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy được trường thọ. Con đường ấy đưa đến trường thọ, này Thanh niên, tức là từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình.
Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, tánh hay não hại các loài hữu tình, với tay, hay với cục đất, hay với cây gậy, hay với cây đao. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, nếu người ấy đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy phải bị nhiều bệnh hoạn. Con đường ấy đưa đến nhiều bệnh hoạn, này Thanh niên, tức là tánh hay não hại các loài hữu tình với tay, hay với cục đất, hay với cây gậy, hay với cây đao.
Nhưng ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, tánh không hay não hại các loài hữu tình, với tay, hay với cục đất, hay với cây gậy, hay với cây đao. Do nghiệp ấy thành đạt như vậy.. thiện thú... người ấy được ít bệnh hoạn. Con đường ấy đưa đến ít bệnh hoạn... tánh không não hại... hay với cây đao.
Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, phẫn nộ, nhiều phật ý, bị nói đến một chút thời bất bình, phẫn nộ, sân hận, chống đối, và tỏ lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy... cõi dữ... xấu sắc. Con đường ấy đưa đến xấu sắc, này Thanh niên, tức là phẫn nộ... bất mãn.
Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, không phẫn nộ, không nhiều phật ý, dầu cho bị nói đến nhiều, cũng không bất bình, phẫn nộ, sân hận, chống đối, và không tỏ lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy.... thiện thú... đẹp sắc (pasadika: hoan hỷ) Con đường ấy đưa đến đẹp sắc, này Thanh niên, tức là không phẫn nộ... không bất mãn.
Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, tật đố, đối với người khác được quyền lợi, được tôn trọng, cung kính, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường, sanh tật đố, sanh tâm, ôm ấp tâm tật đố. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy... ác thú... quyền thế nhỏ. Con đường ấy đưa đến quyền thế nhỏ, này thanh niên, tức là tật đố... ôm ấp tâm tật đố.
Nhưng ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, không có tật đố, đối với những người khác được quyền lợi, được tôn trọng, cung kính, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường, không sanh tật đố, không sanh tâm, không ôm ấp tâm tật đố. Do nghiệp ấy... thiện thú... quyền thế lớn. Con đường ấy đưa đến quyền thế lớn, này Thanh niên, tức là không tật đố... không ôm ấp tật đố.
Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, không bố thí cho Sa-môn hay Bà-la-môn, đồ ăn uống, y phục, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, ngọa cụ, nhà cửa, đèn đuốc. Do nghiệp ấy.. đọa xứ... tài sản nhỏ. Con đường đưa đến tài sản nhỏ. ngọa cụ, nhà cửa, đèn đuốc.
Nhưng ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông có bố thí cho Sa-môn hay cho Bà-la-môn các đồ ăn uống... ngọa cụ, nhà cửa, đèn đuốc. Do nghiệp ấy... thiện thú... nhiều tài sản. Con đường đưa đến nhiều tài sản nhỏ... ngọa cụ, nhà cửa, đèn đuốc.
Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông ngạo nghễ, kiêu mạn, không đảnh lễ những người đáng đảnh lễ, không đứng dậy đối với người đáng đứng dậy, không mời ngồi những người đáng mời ngồi, không nhường chỗ đi cho những người đáng được nhường chỗ đi, không tôn trọng những người đáng tôn trọng, không cung kính những người đáng cung kính, không cúng dường những người đáng cúng dường. Do nghiệp ấy... đọa xứ... thuộc gia đình hạ liệt. Con đường đưa đến gia đình hạ liệt.. không cúng dường những người đáng cúng dường.
Nhưng ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, không có ngạo nghễ quá mạn, đảnh lễ những người đáng đảnh lễ... cúng dường những người đáng cúng dường. Do nghiệp ấy... thiện thú... vào gia đình cao quý. Con đường đưa đến gia đình cao quý... cúng dường những người đáng cúng dường.
Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, sau khi đi đến Sa-môn hay Bà-la-môn, không hỏi: "Thưa Tôn giả, thế nào là thiện? Thế nào là bất thiện? Thế nào là phạm tội? Thế nào là không phạm tội? Thế nào là cần phải thực hành? Thế nào là không cần phải thực hành? Tôi đã làm gì để phải không lợi ích và đau khổ lâu dài? Hay tôi đã làm gì để được lợi ích và an lạc lâu dài? Do nghiệp ấy... đọa xứ... trí tuệ yếu kém. Con đường đưa đến trí tuệ yếu kém... lợi ích, hạnh phúc lâu dài?"
Nhưng ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, sau khi đến Sa-môn hay Bà-la-môn, có hỏi: "Thưa Tôn giả, thế nào là thiện? Thế nào là bất thiện... lợi ích, an lạc lâu dài? Do nghiệp ấy... thiện thú... đầy đủ trí tuệ. Con đường đưa đến đầy đủ trí tuệ... lợi ích, an lạc lâu dài?".
Ở đây, này Thanh niên, con đường đưa đến đoản thọ, dẫn đến đoản thọ, con đường đưa đến trường thọ, dẫn đến trường thọ; con đường đưa đến nhiều bệnh, dẫn đến nhiều bệnh; con đường đưa đến ít bệnh, dẫn đến ít bệnh; con đường đưa đến xấu sắc, dẫn đến xấu sắc; con đường đưa đến đẹp sắc, dẫn đến đẹp sắc; con đường đưa đến quyền thế nhỏ, dẫn đến quyền thế nhỏ; con đường đưa đến quyền thế lớn dẫn đến quyền thế lớn; con đường đưa đến tài sản nhỏ, dẫn đến tài sản nhỏ; con đường đưa đến tài sản lớn, dẫn đến tài sản lớn; con đường đưa đến gia đình hạ liệt, dẫn đến gia đình hạ liệt; con đường đưa đến gia đình cao quý, dẫn đến gia đình cao quý, con đường đưa đến trí tuệ yếu kém, dẫn đến trí tuệ yếu kém; con đường đưa đến đầy đủ trí tuệ, dẫn đến trí tuệ đầy đủ.
Này Thanh niên, các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu.
Khi nghe nói vậy, thanh niên Subha Todeyyaputta nói với Thế Tôn:
-- Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày những gì bị che kín, chỉ đường cho những người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc; cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích.
Con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và chúng Tỷ-kheo Tăng. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
Chân thành cám ơn anh HDC và nhóm Phật tử VH đã có thiện tâm gửi tặng ấn bản điện tử.
(Bình Anson hiệu đính, dựa theo bản Anh ngữ "The Middle Length Discourses of the Buddha", Tỳ kheo Nanamoli và Tỳ kheo Bodhi dịch, 1995).
15-07-2004
Majjhima Nikaya 135
Culakammavibhanga Sutta
The Shorter Exposition of Kamma
Translated from the Pali by Ñanamoli Thera
Quote:Introduction (by Bhikkhu Khantipalo)
You want: long life, health, beauty, power, riches, high birth, wisdom? Or even some of these things? They do not appear by chance. It is not someone's luck that they are healthy, or another's lack of it that he is stupid. Though it may not be clear to us now, all such inequalities among human beings (and all sorts of beings) come about because of the kamma they have made individually. Each person reaps his own fruits. So if one is touched by short life, sickliness, ugliness, insignificance, poverty, low birth or stupidity and one does not like these things, no need to just accept that that is the way it is. The future need not be like that provided that one makes the right kind of kamma now. Knowing what kamma to make and what not to make is the mark of a wise man. It is also the mark of one who is no longer drifting aimlessly but has some direction in life and some control over the sort of events that will occur.
1. Thus have I heard. On one occasion the Blessed One was living at Savatthi in Jeta's Grove, Anathapindika's Park.
Then Subha the student (brahmin), Todeyya's son, went to the Blessed One and exchanged greetings with him, and when the courteous and amiable talk was finished, he sat down at one side. When he had done so, Subha the student said to the Blessed One:
2. "Master Gotama, what is the reason, what is the condition, why inferiority and superiority are met with among human beings, among mankind? For one meets with short-lived and long-lived people, sick and healthy people, ugly and handsome people, insignificant and influential people, poor and rich people, low-born and high-born people, stupid and wise people. What is the reason, what is the condition, why superiority and inferiority are met with among human beings, among mankind?"
3. "Student, beings are owners of kammas, heirs of kammas, they have kammas as their progenitor, kammas as their kin, kammas as their homing-place. It is kammas that differentiate beings according to inferiority and superiority."
4. "I do not understand the detailed meaning of Master Gotama's utterance spoken in brief without expounding the detailed meaning. It would be good if Master Gotama taught me the Dhamma so that I might understand the detailed meaning of Master Gotama's utterance spoken in brief without expounding the detailed meaning."
"Then listen, student, and heed well what I shall say."
"Even so, Master Gotama," Subha the student replied. The Blessed One said this:
5. "Here, student, some woman or man is a killer of living beings, murderous, bloody-handed, given to blows and violence, merciless to all living beings. Due to having performed and completed such kammas, on the dissolution of the body, after death, he reappears in a state of deprivation, in an unhappy destination, in perdition, in hell. If, on the dissolution of the body, after death, instead of his reappearing in a state of deprivation, in an unhappy destination, in perdition, in hell, he comes to the human state, he is short-lived wherever he is reborn. This is the way that leads to short life, that is to say, to be a killer of living beings, murderous, bloody-handed, given to blows and violence, merciless to all living beings.
6. "But here some woman or man, having abandoned the killing of living beings, abstains from killing living beings, lays aside the rod and lays aside the knife, is considerate and merciful and dwells compassionate for the welfare of all living beings. Due to having performed and completed such kammas, on the dissolution of the body, after death, he reappears in a happy destination, in the heavenly world. If, on the dissolution of the body, after death, instead of his reappearing in a happy destination, in the heavenly world, he comes to the human state, he is long-lived wherever he is reborn. This is the way that leads to long life, that is to say, to have abandoned the killing of living beings, to abstain from killing living beings, to lay aside the rod and lay aside the knife, to be considerate and merciful, and to dwell compassionate for the welfare of all living beings.
7. "Here, student, some woman or man is one who harms beings with his hands or with clods or with sticks or with knives. Due to having performed and completed such kammas, on the dissolution of the body, after death, he reappears in a state of deprivation...If instead he comes to the human state, he is sickly wherever he is born. This is the way that leads to sickness, that is to say, to be one who harms beings with one's hands or with clods or with sticks or with knives.
8. "But here some woman or man is not one who harms beings with his hands, or with clods, or with sticks, or with knives. Due to having performed and completed such kammas, on the dissolution of the body, after death, he reappears in a happy destination...If instead he comes to the human state, he is healthy wherever he is reborn. This is the way that leads to health, that is to say, not to be one who harms beings with his hands or with clods or with sticks or with knives.
9. "Here, student, some woman or man is angry, much given to rage; even when little is said, he is furious, angry, ill-disposed, resentful, he shows ill-temper, hate and surliness. Due to having performed and completed such kammas, on the dissolution of the body, after death, he reappears in a state of deprivation...If instead he comes to the human state, he is ugly wherever he is reborn. This is the way that leads to ugliness, that is to say, to be furious, angry, ill-disposed, resentful, and to show ill-temper, hate and surliness.
10. "But here some woman or man is not angry or much given to rage; even when much is said, he is not furious, angry, ill-disposed, resentful, nor does he show ill-temper, hate or surliness. Due to having performed and completed such kammas, on the dissolution of the body, after death, he reappears in a happy destination...If instead he comes to the human state, he is beautiful wherever he is reborn. This is the way that leads to beauty, that is to say, not to be angry or given to much rage; even when much is said, not to be furious, angry, ill-disposed or resentful, or to show ill-temper, hate or surliness.
11. "Here, student, some woman or man is envious; he envies, begrudges and harbors envy about others' gains, honor, veneration, respect, salutations and offerings. Due to having performed and completed such kammas, on the dissolution of the body, after death, he reappears in a state of deprivation...If instead he comes to the human state, he is insignificant wherever he is reborn. This is the way that leads to insignificance, that is to say, to be envious, to envy, begrudge, and harbor envy about others' gain, honor, veneration, respect, salutations and offerings.
12. "But here some woman or man is not envious, he does not envy, begrudge or harbor envy about others' gain, honor, veneration, respect, salutations and offerings. Due to having performed and completed such kammas, on the dissolution of the body, after death, he reappears in a happy destination...If instead he comes to the human state, he is influential wherever he is reborn. This is the way that leads to influence, that is to say, not to be envious, not to envy, begrudge or harbor envy about others' gain, honor, veneration, respect, salutations and offerings.
13. "Here, student, some woman or man is not a giver of food, drink, cloth, sandals, garlands, perfumes, unguents, bed, roof and lighting to monks or brahmins. Due to having performed and completed such kamma, on the dissolution of the body, after death he reappears in a state of deprivation...If instead he comes to the human state, he is poor wherever he is reborn. This is the way that leads to poverty, that is to say, not to be a giver of food, drink, cloth, sandals, garlands, perfumes, unguents, bed, roof and lighting to monks and brahmins.
14. "But here some woman or man is a giver of food, drink, cloth, sandals, perfumes, unguents, bed, roof and lighting to monks and brahmins. Due to having performed and completed such kamma, on the dissolution of the body, after death, he reappears in a happy destination...If instead he comes to the human state, he is rich wherever he is reborn. This is the way that leads to riches, that is to say, to be a giver of food, drink, cloth, sandals, garlands, perfumes, unguents, bed, roof and lighting to monks and brahmins.
15. "Here, student, some woman or man is obdurate and haughty; he does not pay homage to whom he should pay homage, or rise up for whom he should rise up, or give a seat to whom he should give a seat, or make way for whom he should make way, or worship him who should be worshipped, or respect him who should be respected, or revere him who should be revered, or honor him who should be honored. Due to having performed and completed such kammas, on the dissolution of the body, after death, he reappears in a state of deprivation...If instead he comes to the human state, he is low-born wherever he is reborn. This is the way that leads to low birth, that is to say, to be obdurate and haughty, not to pay homage to whom he should pay homage, nor rise up for..., nor give a seat to..., nor make way for..., nor worship..., nor respect..., nor revere..., nor honor him who should be honored.
16. "But here some woman or man is not obdurate or haughty; he pays homage to whom he should pay homage, rises up for whom he should rise up, gives a seat to whom he should give a seat, makes way for whom he should make way, worships him who should be worshipped, respects him who should be respected, reveres him who should be revered, honors him who should be honored. Due to having performed and completed such kammas, on the dissolution of the body, after death, he reappears in a happy destination...If instead he comes to the human state, he is high-born wherever he is reborn. This is the way that leads to high birth, that is to say, not to be obdurate or haughty, to pay homage to whom he should pay homage, to rise up for..., to give a seat to..., to make way for..., to worship...respect...revere...honor him who should be honored.
17. "Here, student, some woman or man when visiting a monk or brahmin, does not ask: 'What is wholesome, venerable sir? What is unwholesome? What is blamable? What is blameless? What should be cultivated? What should not be cultivated? What, by my doing it, will be long for my harm and suffering? Or what, by my doing it, will be long for my welfare and happiness?' Due to having performed and completed such kammas, on the dissolution of the body, after death, he reappears in a state of deprivation...If instead he comes to the human state, he will be stupid wherever he is reborn. This is the way that leads to stupidity, that is to say, when visiting a monk or brahmin, not to ask: 'What is profitable?...Or what, by my doing it, will be long for my welfare and happiness?'
18. "But here some woman or man when visiting a monk or brahmin, asks: 'What is profitable, venerable sir?...Or what, by my doing it, will be long for my welfare and happiness?' Due to having performed and completed such kammas, on the dissolution of the body, after death, he reappears in a happy destination...If instead he comes to the human state, he is wise wherever he is reborn. This is the way that leads to wisdom, that is to say, when visiting a monk or brahmin, to ask: 'What is profitable, venerable sir?...Or what, by my doing it, will be long for my welfare and happiness?'
19. "So, student, the way that leads to short life makes people short-lived, the way that leads to long life makes people long-lived; the way that leads to sickness makes people sick, the way that leads to health makes people healthy; the way that leads to ugliness makes people ugly, the way that leads to beauty makes people beautiful; the way that leads to insignificance makes people insignificant, the way that leads to influence makes people influential; the way that leads to poverty makes people poor, the way that leads to riches makes people rich; the way that leads to low birth makes people low-born, the way that leads to high birth makes people high-born; the way that leads to stupidity makes people stupid, the way that leads to wisdom makes people wise.
20. "Beings are owners of kammas, student, heirs of kammas, they have kammas as their progenitor, kammas as their kin, kammas as their homing-place. It is kammas that differentiate beings according to inferiority and superiority."
21. When this was said, Subha the student, Todeyya's son, said to the Blessed One: "Magnificent, Master Gotama! Magnificent, Master Gotama! The Dhamma has been made clear in many ways by Master Gotama, as though he were turning upright what had been overthrown, revealing the hidden, showing the way to one who is lost, holding up a lamp in the darkness for those with eyes to see forms.
22. "I go to Master Gotama for refuge, and to the Dhamma and to the Sangha of bhikkhus. From today let Master Gotama accept me as a lay follower who has gone to him for refuge for life."
Posts: 3,919
Threads: 6
Likes Received: 149 in 124 posts
Likes Given: 129
Joined: Dec 2019
Reputation:
69
LUẬT DUYÊN HỆ DUYÊN
(See posts # 526-528, p 36)
Posts: 3,919
Threads: 6
Likes Received: 149 in 124 posts
Likes Given: 129
Joined: Dec 2019
Reputation:
69
Phật Pháp Căn Bản Phần I –
Hướng Dẫn Hành Thiền
Tác giả: U Silananda
Người dịch: Sư Khánh Hỷ
https://theravada.vn/phat-phap-can-ban-p...anh-thien/
HƯỚNG DẪN HÀNH THIỀN
Muốn hành thiền, trước tiên bạn phải tìm một nơi thích hợp để giúp cho việc hành thiền của bạn được tốt đẹp. Nơi thích hợp là nơi yên tịnh. Bạn có thể tìm được nơi yên tịnh trong thiên nhiên. Tuy nhiên, nếu bạn hành thiền trong nhà, bạn phải tìm một nơi thích hợp cho việc định tâm của bạn, và mỗi khi hành thiền bạn nên đến đó. Bạn có thể tôn trí nơi hành thiền bằng một pho tượng hay ảnh Phật, đèn, hoa và thắp một nén nhang để hỗ trợ cho việc hành thiền. Tuy nhiên, những thứ trên không phải là điều thiết yếu. Ðiều quan trọng là bạn phải có một nơi yên tịnh để hành thiền.
Bắt đầu hành thiền, bạn phải chọn một thế ngồi thoải mái thích hợp với bạn. Bạn có thể ngồi xếp bằng, lưng giữ thẳng. Nếu ngồi kiết già, hai chân tréo vào nhau, quá khó đối với bạn thì bạn có thể ngồi bán già, đặt chân này lên chân kia. Nếu ngồi bán già cũng còn khó khăn đối với bạn thì bạn có thể ngồi theo “lối Miến Ðiện” hay còn gọi là “lối dễ dàng”, chân này đặt trước chân kia, hai chân rời ra mà không chồng lên nhau. Nếu vẫn còn thấy khó khăn, bạn có thể ngồi trên ghế hoặc trên băng dài. Bạn cũng có thể dùng gối đệm nếu muốn. Mặc dầu ngồi kiết già là tư thế lý tưởng, nhưng bạn phải quyết định chọn cho mình một tư thế thích hợp để có thể duy trì việc hành thiền một cách tốt đẹp nhất. Dầu ngồi ở tư thế nào đi nữa, điều quan trọng là phải giữ thân thể và lưng cho ngay thẳng.
Chúng ta sẽ nói đến ba loại thiền:
- Thiền Tha Thứ,
- Thiền Từ Ái (Niệm Tâm Từ) và
- Thiền Minh Sát.
Posts: 3,919
Threads: 6
Likes Received: 149 in 124 posts
Likes Given: 129
Joined: Dec 2019
Reputation:
69
Chúng ta hành Thiền Tha Thứ để loại bỏ mọi cảm giác
Thiền Tha Thứ có ba phần:
- xin người khác tha thứ cho mình,
- tự mình tha thứ cho người khác, và
- chính mình tha thứ cho mình.
Trước khi muốn viết gì lên bảng đen, bạn phải chùi sạch bảng. Cũng vậy, trước khi tha thứ cho người khác và tha thứ cho chính mình, bạn phải được người khác tha thứ. Ðôi khi bạn làm một điều gì sai lầm đối với người nào, bạn cảm thấy ân hận. Ðặc biệt lúc hành thiền, bạn muốn giữ tâm trong sạch thanh tịnh nhưng những tư tưởng ăn năn hối tiếc này cứ lảng vảng trong tâm trí khiến cho việc hành thiền của bạn bị rối loạn. Do đó, điều trước tiên bạn phải xin người khác tha thứ cho bạn.
Sau đó, chính bạn phải tha thứ cho người khác về những lỗi lầm của họ. Có thể, có người nào đó làm điều gì sai lầm đối với bạn và làm bạn giận dữ, bực tức thì bạn cũng phải lọai bỏ những tư tưởng sân hận ấy đi để cho tâm trí được thảnh thơi. Bạn phải tha thứ cho mọi người, nếu không tha thứ thì bạn không thể hành thiền được; bởi vậy, Thiền Từ Ái và Thiền Tha Thứ đi liền với nhau, nếu bạn không thể tha thứ cho một người nào đó thì bạn không thể rải tâm từ tới họ được. Như vậy, điều thứ hai là bạn phải tha thứ cho mọi người
Một điều rất quan trọng nữa là bạn phải tha thứ cho chính mình. Ðôi khi bạn cảm thấy tha thứ cho mình là một điều khó khăn. Nếu bạn không thể tha thứ cho chính mình thì những tư tưởng sân hận, bực tức về chính mình sẽ quấy rối việc hành thiền của bạn. Bởi thế, điều thứ ba là trước khi hành thiền từ ái là bạn phải hành thiền tha thứ cho chính mình.
Như vậy, Thiền Tha Thứ là điều kiện tiên quyết để hành Thiền Từ Ái.
Posts: 3,919
Threads: 6
Likes Received: 149 in 124 posts
Likes Given: 129
Joined: Dec 2019
Reputation:
69
11 LỢI ÍCH NIỆM RẢI TÂM TỪ - METTA
Thực hành Thiền Từ Ái sẽ đem lại cho ta mười một lợi ích sau đây , như Đức Phật đã dạy :
1 - Ngủ được an lạc .
2- Thức dậy được an lạc .
3- Không thấy ác mộng .
4- Được mọi người yêu mến.
5- Được các hàng phi nhân yêu mến.
6- Được chư-thiên hộ trì.
7- Lửa, thuốc độc, khí giới không làm hại được.
8- Tâm an định mau.
9- Gương mặt trong sáng,
10- Tỉnh táo lúc lâm chung.
11- Nếu chưa trở thành bậc Thánh A-ra-hán thì sẽ hóa sinh trong cõi trời sắc giới phạm -thiên.
(PHẬT GIÁO THERAVĀDA VN)
(LTP kết mô đen với Lợi Ích số 10 .)
--ooOoo--
THIỀN TỪ ÁI (NIỆM TÂM TỪ)
Tâm từ (metta) là một trong bốn đề mục của Tứ Vô Lượng Tâm hay phạm trú (Brahma- vihara: nơi trú ngụ của các bậc phạm thiên). Thiền từ ái được giải thích và hướng dẫn kỹ càng trong sách Visudhimagga (Thanh Tịnh Đạo). Người nào muốn hành thiền từ ái một cách nghiêm túc cần phải theo đúng những lời chỉ dẫn trong sách này.
Phần thực hành ghi lại ở đây là để bổ túc cho các thiền sinh hành Thiền Minh Sát. Trong khi hành Thiền Minh Sát, thiền sinh cần dành thì giờ mỗi ngày (khoảng 30 phút) để thực hành bốn pháp hỗ trợ.
- Niệm tâm từ là một trong bốn pháp hỗ trợ đó.
- Ba pháp kia là: Niệm Ân Đức Phật, Niệm Cơ Thể Ô Trược, và Niệm Sự Chết
Lòng từ ái có thể ví như một lọai dầu nhớt chế vào máy giúp máy chạy trơn tru. Không ai muốn lái một chiếc xe đã hết dầu nhớt vì sợ xe hư, thế mà ít ai nhớ châm thêm dầu nhớt từ ái trong sự liên hệ với mọi người; thảo nào có rất nhiều sự bế tắc, nhiều trục trặc trong sự liên hệ với nhau. Nếu người ta chịu châm một ít dầu nhớt từ ái vào sự liên hệ giữa người với người thì biết bao sự tắt nghẹn, bế tắt được giảm thiểu; biết bao nỗi giận hờn, ghen ghét thù hận, ác ý, ganh tỵ sẽ vắng mặt trên thế gian.
Thực hành Thiền Từ Ái sẽ đem lại cho ta mười một lợi ích sau đây, như Đức Phật đã dạy:
- Ngủ an lành.
- Không gặp ác mộng.
- Thức dậy an lành.
- Được mọi người thương mến.
- Được phi nhân thương mến.
- Được Chư Thiên bảo vệ.
- Lửa, thuốc độc, và vũ khí không làm hại.
- Dễ tập trung tâm ý.
- Mặt mày trong sáng dễ mến.
- Không bối rối trong lúc chết.
- Nếu tâm từ được phát triển cao hơn thì được tái sinh về cõi Phạm Thiên.
Muốn hưởng được lợi ích trên, chúng ta phải thực hành Thiền Từ Ái.
Từ ái là một loại tình thương, lòng thành thật mong muốn tất cả chúng sinh được an vui hạnh phúc. Lòng từ ái chẳng dính dấp gì đến sự luyến ái, dính mắc vào riêng một cá nhân nào. Ðó là một tình thương thật trong sạch, một sự ước mong thành thật cho chính mình và cho người khác. Khi lòng từ ái chân thành tràn ngập tâm bạn, bạn cảm thấy an bình và tĩnh lặng, nguồn an lạc thanh tịnh này sẽ tuôn tràn đến những người mà bạn hướng tâm đến. Khi bạn hướng lòng từ ái này đến tất cả chúng sinh, tất cả chúng sinh sẽ được thấm nhuần lòng từ ái của bạn. Tư tưởng từ ái này cũng sẽ tạo một bầu không khí thân thiện, an lành giữa mọi người, khiến cho sự liên hệ giữa mọi người được hài hòa, thoải mái.
Khi thực hành Thiền Từ Ái, bạn khởi đầu rải tâm từ cho chính mình, bạn mong ước cho chính mình được an vui hạnh phúc. Khi đọc thầm câu: “Nguyện cho tôi tràn đầy tình thương, khoan dung, tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại” không có nghĩa là bạn ích kỷ, bởi vì muốn rải tâm từ ái đến người khác thì trước tiên bạn phải có tư tưởng từ ái với chính mình.
Khi rải tâm từ ái cho chính mình bạn cũng lấy mình làm ví dụ điển hình. Ðiều này có nghĩa là bạn nói: “nguyện cho tôi tràn đầy tình thương, khoan dung, tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại” thì đồng thời bạn cũng liên tưởng rằng: “ta muốn có tràn đầy tình thương, khoan dung, tha thứ, muốn có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại” thì người khác cũng có mong cầu như ta vậy, lấy bụng ta suy ra bụng người ta cũng cầu mong cho “người khác có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại” như ta vậy.
Sau khi rải tâm từ cho chính mình, bạn rải tâm từ đến cho tất cả chúng sinh. Sở dĩ bạn phải rải tâm từ cho mình trước bởi vì nếu chính ta không đuợc an lạc tĩnh lặng thì làm sao có thể rải sự an lạc tĩng lặng đến cho người khác. Bởi vậy, trước khi rải tâm từ đến mọi người, mọi chúng sinh, bạn phải khởi động và vun bồi lòng từ ái này trong chính mình.
Bạn có thể rải tâm từ bằng nhiều cách:
A/ Bạn có thể rải tâm từ đến tất cả chúng sinh căn cứ theo chỗ ở. Chúng sinh ở đây bao gồm cả súc vật, côn trùng v.v…
- Trước hết, bạn rải tâm từ đến tất cả chúng sinh trong nhà bạn.
- Tiếp theo đó bạn rải tâm từ đến tất cả chúng sinh trong khu vực bạn đang cư ngụ, trong thành phố, trong quận, trong tiểu bang, trong nước, trên thế giới, trong vũ trụ, và cuối cùng là rải tâm từ đến tất cả chúng sinh một cách tổng quát.
Khi nói các câu trên, bạn hãy cố gắng hình dung ra những chúng sinh mà bạn hướng đến đang mạnh khoẻ, an lạc và hạnh phúc. Tư tưởng từ ái của bạn sẽ đến với họ và khiến họ thật sự mạnh khoẻ, an lạc và hạnh phúc. Việc hành Thiền Từ Ái kéo dài trong mười lăm phút.
B/ Bạn cũng có thể rải tâm từ ái đến từng hạng người:
- Thầy tổ,
- cha mẹ,
- thân bằng quyến thuộc,
- bạn bè,
- người không quen biết,
- người không có thiện cảm với mình và
- tất cả chúng sinh.
Posts: 3,919
Threads: 6
Likes Received: 149 in 124 posts
Likes Given: 129
Joined: Dec 2019
Reputation:
69
Phật Pháp Căn Bản Phần I –
Thực Hành Thiền Tha Thứ Và Thiền Từ Ái
Tác giả: U Silananda
Người dịch: Sư Khánh Hỷ
https://theravada.vn/phat-phap-can-ban-p...ien-tu-ai/
THỰC HÀNH THIỀN THA THỨ VÀ THIỀN TỪ ÁI
Khi hành Thiền Tha Thứ, xin bạn chắp hai tay và đọc:
Vì lầm lạc và không minh mẫn nên tôi đã có hành động, lời nói và ý nghĩ sai lầm làm thiệt hại và gây ra đau khổ cho người khác, cho chúng sinh khác. Xin tất cả mở rộng lòng từ bi và trí tuệ tha thứ cho tôi.
Tôi thành thật tha thứ cho tất cả những ai đã có hành động, lời nói và ý nghĩ sai lầm làm thiệt hại và gây ra đau khổ cho tôi.
Tôi thành thật tha thứ cho chính tôi và nguyện từ nay về sau làm lành, lánh dữ, giữ tâm trong sạch.
Bạn nên đọc các câu trên từ năm đến mười lần trước khi hành Thiền Từ Ái hay Niệm Tâm Từ.
Ngay sau Thiền Tha Thứ, bạn có thể hành Thiền Từ Ái như sau:
1. Rải tâm từ qua từng hạng người:
Khi hành Thiền Từ Ái theo cách này, bạn có thể niệm thầm trong tâm vào khoảng mười lần những câu sau đây:
Nguyện cho tôi tràn đầy tình thương, khoan dung, tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại.
Nguyện cho thầy tổ tôi tràn đầy tình thương, khoan dung, tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại.
Nguyện cho cha mẹ tôi tràn đầy tình thương, khoan dung, tha thứ,có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại.
Nguyện cho những người trong gia đình tôi tràn đầy tình thương, khoan dung, tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại.
Nguyện cho thân bằng quyến thuộc tôi tràn đầy tình thương, khoan dung, tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại.
Nguyện cho bạn bè tôi tràn đầy tình thương, khoan dung, tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại.
Nguyện cho những người cùng sở làm với tôi tràn đầy tình thương, khoan dung, tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại.
Nguyện cho tất cả thiền sinh tràn đầy tình thương, khoan dung, tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại.
Nguyện cho những người không quen biết tôi tràn đầy tình thương, khoan dung, tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại.
Nguyện cho những người không có thiện cảm với tôi tràn đầy tình thương, khoan dung, tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại.
Nguyện cho tất cả chúng sinh tràn đầy tình thương, khoan dung, tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại.
Nguyện cho tất cả chúng sinh đừng có oan trái lẫn nhau, hãy cho được sự an vui, đừng có khổ, đừng làm hại lẫn nhau, đừng hẹp lượng; hãy cho được sống lâu, đừng có bệnh hoạn, hãy cho được thành tựu đầy đủ, hãy giữ mình cho được an vui; tất cả chúng sinh đang đau khổ, xin cho dứt khổ, đang kinh sợ, xin cho hết kinh sợ, đang thương tiếc, xin cho hết thương tiếc.
2. Rải tâm từ đến chúng sinh theo nơi chốn:
Khi hành Thiền Từ Ái theo cách này, bạn có thể niệm thầm trong tâm vào khoảng mười lần những câu sau đây:
Nguyện cho tôi tràn đầy tình thương, khoan dung, tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại.
Nguyện cho tất cả chúng sinh trong nhà này tràn đầy tình thương, khoan dung, tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại.
Nguyện cho tất cả chúng sinh trong khu vực này tràn đầy tình thương, khoan dung, tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại.
Nguyện cho tất cả chúng sinh trong thành phố này tràn đầy tình thương, khoan dung, tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại.
Nguyện cho tất cả chúng sinh trong tiểu bang này tràn đầy tình thương, khoan dung, tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại.
Nguyện cho tất cả chúng sinh trong nước này tràn đầy tình thương, khoan dung, tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại.
Nguyện cho tất cả chúng sinh trên thế giới thân tràn đầy tình thương, khoan dung, tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại.
Nguyện cho tất cả chúng sinh trong vũ trụ tràn đầy tình thương, khoan dung, tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại.
Nguyện cho tất cả chúng sinh tràn đầy tình thương, khoan dung, tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại.
Nguyện cho tất cả chúng sinh đừng có oan trái lẫn nhau, hãy cho được sự an vui, đừng có khổ, đừng làm hại lẫn nhau, đừng hẹp lượng; hãy cho được sống lâu, đừng có bệnh hoạn, hãy cho được thành tựu đầy đủ, hãy giữ mình cho được an vui; tất cả chúng sinh đang đau khổ, xin cho dứt khổ, đang kinh sợ, xin cho hết kinh sợ, đang thương tiếc, xin cho hết thương tiếc.
Sau khi hành thiền tha thứ và thiền từ ái các bạn hành Thiền Minh Sát.
(Con xin hết lòng thành kính tri ơn Sư Khánh Hỷ đã hết lòng hướng dẫn chúng con về hai phương pháp Hành Thiền Tha Thứ và Thiền Từ Ái . Ngưỡng nguyện Sư luôn luôn có sức khoẻ để dạy chúng con Phật Đạo . Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật . )
Hết Phật Pháp Căn Bản I
Posts: 3,919
Threads: 6
Likes Received: 149 in 124 posts
Likes Given: 129
Joined: Dec 2019
Reputation:
69
Phật Pháp Căn Bản II –
Đặc Tính Siêu Việt Của Phật Giáo (1-2)
ĐẶC TÍNH SIÊU VIỆT CỦA PHẬT GIÁO
Chúng ta đã nói đến những vấn đề thật khó hiểu đó là luật Nghiệp Báo, Luật Duyên Sinh và luật Duyên Hệ Duyên. Bây giờ chúng ta sẽ nói đến những vấn đề dễ hiểu hơn và hứng thú hơn. Đó là: những khía cạnh siêu việt của Phật Giáo, những điểm quan trọng then chốt của đạo Phật.
1. Đức Phật – một con người.
Điều đặc biệt đầu tiên của Phật Giáo là người sáng lập ra Phật Giáo không phải là một vị Thượng Đế, một vị trời, một đấng tiên tri, một sứ giả của Thượng Đế hay một đấng cứu rỗi. Đức Phật là một con người, nhưng không phải là một người bình thường như mọi người. Đức Phật là một người phi thường không ai có thể so sánh được. Ngài chẳng bao giớ nói Ngài là đấng sáng tạo. Ngài cũng chẳng bao giờ nói Ngài là một con người, nhưng chúng ta biết rằng: Đức Phật là một con người bởi vì Ngài sinh ra bởi con người. Ngài sinh ra là một con người, Ngài sống như một con người và Ngài chết như một con người.
Một lần nọ, trên đường đi đến xứ Benares, Đức Phật đã gặp một đạo sĩ, Ngài trả lời với vị đạo sĩ đó rằng: Ngài là một vị A La Hán, có nghĩa là: Ngài là một chúng sinh hoàn hảo trên thế gian này. Và Ngài nói: “Ta là một vị thầy; không có vị nào trên ta; không có vị nào cao thượng hơn ta (Điều này có nghĩa Ngài là một vị thầy tốt đẹp nhất). Ta là kẻ độc nhất có sự hiểu biết đúng đắn tất cả những gì mà ta cần biết, và những hiểu biết đó do chính ta tự biết. Ta đã trở nên an tịnh, mát mẻ, nguội lạnh (Có nghĩa là đã nguội lạnh hay thanh tịnh tất cả Tham Ái, hay phiền não trong tâm), và ta đã tận diệt, tất cả mọi phiền não trong tâm.
Như vậy, Đức Phật đã loại trừ tất cả mọi phiền não trong tâm và Ngài trở thành an tịnh, tĩnh lặng, mát mẻ, nguội lạnh, Ngài không còn Tham Ái và Ngài biết được tất cả những gì cần phải biết. Ngài biết tất cả mọi sự và tự mình ngộ lấy không thầy chỉ dạy.
2. Không có kẻ sáng tạo.
Mặc dầu Đức Phật là một con người, nhưng Ngài là một con người có lòng bi mẫn vượt trội, trí tuệ vượt trội, và đức hạnh vượt trội hơn tất cả thần thánh. Phật Giáo không chấp nhận có một vị Thượng Đế hay đấng sáng tạo. Như vậy, trong Phật Giáo không có Thượng Đế hay đấng sáng tạo. Hầu hết các tôn giáo trên thế gian này đều chấp nhận có một đấng sáng tạo; đó là Thượng Đế, Chúa Trời hay PhạmThiên hay một tên gì đó tương tự. Như vậy theo Phật Giáo không có đấng sáng tạo, do đó không có ai tạo ra những gì trên thế gian này cả. Thế giới Vật Chất có được tùy thuộc vào những định luật vật lý hay định luật thiên nhiên. Và chúng sinh hay vật hữu tình đến với thế gian này theo luật Nghiệp Báo. Luật Nghiệp Báo cũng là định luật tự nhiên. Chúng sinh và vật vô tri đều tùy thuộc vào luật tự nhiên, vận hành một cách tự nhiên không cần có một tác nhân hay đấng sáng tạo nào cả.
3. Không có những giáo thuyết huyền bí.
Đặc tính thứ ba của Phật Giáo là không có các giáo thuyết bí mật nào. Trong Phật Giáo tất cả các lời giảng dạy của Đức Phật được rộng mở cho tất cả mọi người để họ phân tích, suy tư tìm hiểu. Trong Phật Giáo không có các lời dạy hay giáo thuyết đặc biệt chỉ dành riêng cho đệ tử của Ngài thôi.
Một lần nọ có hai nhà sư xuất thân từ giai cấp Bà La Môn, giai cấp cao trong bốn giai cấp, đến xin Đức Phật cho họ viết ra các lời dạy của Đức Phật theo ngôn ngữ Vedic Sankrit. Ngôn ngữ Vedic Sankrit là một loại ngôn ngữ xưa cũ hơn Sankrit và rất khó học. Họ xin phép Đức Phật được chuyển các lời dạy của Đức Phật ra ngôn ngữ Vedic Sankrit bởi vì họ nghĩ rằng: các lời dạy của Đức Phật sẽ bị ô nhiễm hay bị hủy diệt bởi những người bình dân. Họ yêu cầu như vậy, bởi vì Giáo Pháp được Đức Phật được phổ biến trong cả giai cấp cao và giai cấp thấp. Họ sợ nếu những người giai cấp thấp học hỏi giáo pháp thì những người này sẽ hủy hoại Giáo Pháp. Nhất là một số các nhà sư xuất thân từ giai cấp Bà La Môn luôn luôn nghĩ rằng: nếu giai cấp thấp học hỏi những lời dạy của Đức Phật thì họ sẽ làm ô nhiễm hay hủy diệt những lời dạy đó. Họ muốn những lời dạy của Đức Phật chỉ được dạy cho những người có học thức cao và giai cấp Bà La Môn, giai cấp được cho là cao hơn các giai cấp khác. Đức Phật bác bỏ lời thỉnh cầu của họ và dạy rằng:
“Không nên chuyển đổi những lời dạy của Đức Phật thành ngôn ngữ Sankrit”.
Bởi vậy, người nào không nghe lời Đức Phật mà chuyển đổi những lời giáo huấn phổ thông của Ngài thành ngôn ngữ Sankrit là phạm giới cấm của Đức Phật (vì có các hành vi sai lầm). Như vậy, chuyển dịch những lời dạy của Đức Phật sang ngôn ngữ Sankrit là vi phạm giới luật Đức Phật đã đặt ra. Nếu chuyển đổi những lời dạy của Đức Phật vốn bằng ngôn ngữ phổ thông ra ngôn ngữ Sankrit thì sẽ khiến cho giáo pháp trở nên khó hiểu, và khiến cho mọi người gặp khó khăn trong việc học hỏi, hiểu biết các lời dạy của Đức Phật.
Tiếp theo đó Đức Phật dạy: “Ta cho ta phép các con được học hỏi những lời dạy của ta bằng chính ngôn ngữ của mình”. Điều này có nghĩa là các bạn có thể nghiên cứu học hỏi những lời dạy hay giáo pháp của Đức Phật bằng chính ngôn ngữ của các bạn. Đó là lý do tại sao các bạn đã học giáo pháp của Đức Phật bằng chính ngôn ngữ của mình mà chúng ta đang làm đây. Tôi học Giáo Pháp của Đức Phật bằng tiếng Myanmar, các bạn học bằng tiếng Việt, những người khác học bằng tiếng Anh. Như vậy, giáo pháp của Đức Phật dành cho tất cả mọi người chứ không phải cho một số ít người được lựa chọn.
Trong những ngày cuối cùng của Đức Phật, một ngày nọ, Đức Phật dạy Ānanda: “Này Ānanda, giáo pháp đã được Như Lai tuyên thuyết không có một sự phân biệt nào giữa giáo thuyết bí truyền và giáo thuyết công truyền”. Câu này có nghĩa là không có sự phân biệt giữa những lời dạy cho những người bên trong và người bên ngoài, không có sự phân biệt những lời dạy cho tín đồ Phật Giáo và những lời dạy cho những người không phải là tín đồ. Đức Phật không tạo ra một sự phân biệt nào như thế. Bởi vậy, những lời dạy của Đức Phật được áp dụng cho những người gần với Đức Phật, như những tín đồ Phật Giáo, hay những người xa Đức Phật, như các người ở tôn giáo khác hoặc không theo tôn giáo nào. Những lời dạy của Đức Phật không đặc biệt dành riêng cho một nhóm thiểu số tuyển lựa nào. Những lời dạy của Đức Phật được áp dụng cho tất cả mọi người không phân biệt người bên trong hay người bên ngoài Phật Giáo. Như vậy, những lời dạy của Đức Phật dành cho cả những người thân cận với Ngài lẫn những người không thân cận với Ngài.
Đức Phật dạy rằng: “Đức Phật không phải là vị thầy có bàn tay nắm lại” (đối với Giáo Pháp của Ngài). Một bàn tay nắm lại có nghĩa là gì? Một số các vị thầy có những lời dạy bí mật không dạy cho tất cả mọi người, chỉ dạy cho các học trò của chính họ, những người gần gủi họ, những người rất thân mật và thương yêu của họ, và những người đem lại lợi ích cho họ. Đó là những vị thầy có bàn tay nắm lại. Đức Phật không có thái độ như thế. Đức Phật dạy rằng: “Trong giáo pháp Như Lai, không bao giờ có bàn tay nắm lại”.
Một lần nọ Đức Phật dạy: “Những lời dạy chỉ tốt đẹp khi chúng được mở ra”. Bởi vậy, không có gì bí mật hay bí truyền chỉ được dạy riêng cho một số người trong Giáo Pháp của Đức Phật.
4. Tự do suy tư và tìm hiểu
Điểm đặc biệt tiếp theo là người Phật Tử có quyền tự do suy nghĩ và tìm hiểu. Phật Giáo là một tôn giáo độc nhất trong các tôn giáo khác bởi vì Đức Phật cho phép và khuyến khích “tự do suy tư”, “tự do tìm hiểu”. Chúng ta có thể tìm hiểu, điều tra, thẩm định ngay cả những lời dạy của Đức Phật. Chúng ta có quyền nghi ngờ những lời dạy của Đức Phật. Người Phật Tử phải loại trừ sự nghi ngờ này bằng sự học hỏi, nghiên cứu, và thảo luận.
Như vậy, Đức Phật cho phép tự do tư tưởng. Đây là điều chúng ta không bao giờ thấy có trong lịch sử của các tôn giáo. Nói cách khác, không có tôn giáo nào có tư tưởng tự do phóng khoáng như Phật Giáo.
Một lần nọ, Đức Phật đến thăm viếng dân chúng Kalama, người dân ở đó đến gặp Ngài và nói rằng: “Thưa Ngài, có nhiều vị thầy của nhiều tôn giáo khác nhau đến xứ của chúng tôi. Đầu tiên một vị thầy đến với chúng tôi, và vị này dạy rằng: “Chỉ có những lời dạy của vị thầy này là đúng, còn những lời dạy của các vị thầy khác là sai. Rồi các vị thầy khác đến với chúng tôi và họ cũng nói rằng: những lời dạy của họ mới đúng còn các lời dạy của các vị khác là sai. Chúng tôi rất bối rối phân vân không biết vị thầy nào nói đúng và vị thầy nào nói sai; những lời dạy nào đúng, những lời dạy nào sai. “Chúng tôi phải làm sao bây giờ?”
Đức Phật bèn nói: “Này các bạn Kalama, các bạn nghi ngờ về những lời dạy này, bởi vì có rất nhiều vị thầy đến đây và dạy rằng: chỉ có những lời dạy của họ mới đúng, còn lời dạy của kẻ khác là sai; các bạn nghi ngờ như vậy là phải lắm”. Câu nói này rất quan trọng, bởi vì câu nói này đã cho ta thấy rằng: Đức Phật rất cởi mở trong sự tự do tư tưởng, nhất là tự do tư tưởng về những lời dạy của Đức Phật.
Đức Phật dạy: “Đừng chấp nhận ngay điều gì chỉ vì đơn thuần nghe người ta nói điều đó”
Điều này có nghĩa là: Đừng chấp nhận ngay điều gì là đúng bởi vì đã nghe từ một người nào đó nói. Người nào đó đã nói với bạn rằng: lời dạy này là đúng và bạn chấp nhận đó là đúng ngay. Đức Phật dạy: “Không, không chấp nhận ngay điều gì bởi vì chỉ thuần được nghe lời đó”.
Rồi Đức Phật lại dạy: “Đừng chấp nhận ngay điều gì là đúng do truyền thống từ xưa để lại”.
Điều này có nghĩa là đừng chấp nhận điều gì là đúng vì chúng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, hoặc điều đó theo truyền thống đã có mặt trong một thời gian lâu dài rồi.
Đức Phật dạy rằng: “Đừng chấp nhận ngay điều gì là đúng vì nghe theo lời đồn đại”.
Chẳng hạn như nghe người ta nói như thế này, người ta nói như thế kia… Những lời đồn đại phần lớn không đúng. Như vậy, đừng chấp nhận ngay điều gì là đúng bởi vì điều đó đã được nhiều người đồn đại.
Rồi Đức Phật lại dạy: “Đừng chấp nhận ngay điều gì là đúng bởi vì điều đó được ghi lại trong kinh điển của tôn giáo mà bạn đang theo”. Đó là những điều mà chúng ta đang làm. Chúng ta thường chỉ chấp nhận những điều gì hợp với những kinh sách của tôn giáo mình. Ở đây, Đức Phật dạy rằng: “Đừng chấp nhận ngay điều gì chỉ vì chúng được ghi trong kinh điển mà chúng ta đang theo”. Điều này có nghĩa là: Đừng chấp nhận một cách mù quáng một điều gì, ngay cả khi những điều đó phù hợp với kinh sách của tôn giáo mình. Bất kỳ lúc nào bạn cũng cần phải phân tích, tìm hiểu, và thẩm định chúng.
Đức Phật lại dạy: “Đừng chấp nhận ngay điều gì là đúng, chỉ vì chúng ta cho rằng: nó phải là như vậy”. Có nghĩa là: Bạn nghĩ rằng: chuyện này phải xảy ra như vậy hay sẽ xảy ra như vậy; và khi nghĩ đến chuyện đó, bạn nghĩ rằng: những điều suy nghĩ và kết luận đó là sự thật.
“Đừng chấp nhận ngay điều gì là đúng bởi vì mình đã so sánh với những điều khác đã xảy ra trước đây”.
Đôi lúc bạn liên tưởng từ chuyện này và đem áp dụng cho chuyện kia. Từ chuyện này liên tưởng đến chuyện kia, và kết luận rằng: điều liên tưởng của mình là đúng. Chúng ta thường áp dụng sự liên tưởng này khi chúng ta không thể nào hiểu biết một cách trực tiếp về một điều gì đó. Những gì đến từ sự liên tưởng có thể đúng cũng có thể không đúng. Như vậy, đừng chấp nhận điều gì là đúng chỉ vì chúng ta đã liên tưởng đến một điều khác.
Đừng chấp nhận ngay điều gì là đúng chỉ vì thấy bề ngoài của nó.
Đôi khi bạn nhìn thấy một vật gì đó, và vật đó biểu hiện theo một cách thức mà bạn cho nó là sự thật, là đúng, là tốt. Nhiều khi thấy biểu hiện bề ngoài của một vật gì đó có vẻ tốt đẹp, bạn vừa ý, bạn liền kết luận ngay và đánh giá vật đó theo hình dáng bề ngoài của nó. Đừng nhìn bề ngoài của sự vật mà cho rằng: nó là tốt. Nhiều vật, nhiều sự kiện có sự biểu hiện bên ngoài rất tốt đẹp, nhưng bên trong ẩn dấu những gì ngược lại. Như vậy, đừng nhìn bề ngoài của một vật mà đánh giá nó là tốt đẹp thật sự.
Đừng chấp nhận ngay điều gì là sự thật chỉ vì nó hợp với định kiến của mình đã có từ trước.
Có thể bạn có một vài định kiến trước về một số sự vật nào đó nên khi sự vật xuất hiện phù hợp với những định kiến có sẵn từ trước của bạn, bạn liền đưa ra kết luận rằng: điều đó là đúng, là tốt đẹp. Như vậy, đừng chấp nhận ngay điều gì là sự thật bởi vì nó phù hợp với những ý niệm và định kiến của bạn đã có từ trước.
Đừng chấp nhận ngay một điều gì chỉ vì dường như nó có thể chấp nhận được.
Đôi lúc bạn nghĩ rằng: có một việc gì đó bạn có thể chấp nhận được nên bạn cho đó là sự thật, là tốt đẹp, nhưng Đức Phật dạy rằng: “Đừng chấp nhận ngay điều gì là sự thật bởi vì bạn chỉ thấy dường như có thể chấp nhận được”; Bạn phải điều tra, thẩm xét, bạn phải thật sự hiểu rõ bằng chính sự quán xét của mình để tìm xem nó đúng hay không.
Đừng chấp nhận ngay điều gì là sự thật bởi vì bạn nghĩ rằng: vị thầy đáng kính của ta đã làm hay dạy điều đó.
Điều này có nghĩa là: Bởi vì bạn kính trọng và tin tưởng vị thầy của mình nên tất cả điều gì vị thầy nói ra bạn đều cho là đúng, là sự thật. Đừng xem là sự thật chỉ vì bạn nghĩ rằng: vị thầy đáng kính của ta đã nói. Không nên tin tưởng vào điều gì cho đó là sự thật chỉ vì lời nói hay việc làm đó do vị thầy đáng yêu, đáng kính của ta nói hay làm mà ta phải kiểm chứng lại với những vị thầy khác, phải kiểm chứng lại với kinh điển. Chỉ khi nào bạn tự mình tìm thấy rõ ràng những điều đó đưa đến an lạc và hạnh phúc thì bạn mới chấp nhận nó.
“Đừng chấp nhận ngay điều gì là sự thật bởi vì đã được nghe nói đến v.v… ” Vậy chúng ta phải chấp nhận như thế nào, hay thái độ của chúng ta phải như thế nào trước khi chấp nhận một điều gì?
Đức Phật dạy rằng:
“Khi chính bạn hiểu rằng, biết rằng: điều này là phi đạo đức, điều này bị chê trách, điều này bị những bậc có trí tuệ khiển trách, và điều này khi đem ra thực hành sẽ đưa đến thoái hóa, hư hỏng, đưa đến lo âu, phiền muộn thì đừng chấp nhận nó, hãy từ chối nó.
Điều này có nghĩa là bạn phải tự mình tìm thấy, tự đặt câu hỏi: Phải chăng những điều này là không đạo đức, bị khiển trách bởi những bậc trí tuệ và những điều này nếu thực hành sẽ đưa đến những điều bất hạnh, lo âu, phiền muộn. Sau khi tìm hiểu như vậy và chính bạn đã thấy rõ chúng đem đến sự tàn lụi, lo âu phiền muộn thì hãy từ bỏ chúng. Khi chính bạn hiểu rõ những điều này là đạo đức, những điều này không bị khiển trách, những điều này được các bậc trí tuệ ca tụng tán dương, những điều này nếu đem ra thực hiện sẽ đem lại an lạc hạnh phúc thì bạn hãy chấp nhận sống với chúng và thực hành đúng đắn theo.
Như vậy, ở đây Đức Phật dạy rằng:
“Không phải chỉ chấp nhận chúng thôi. Khi bạn đã chấp nhận chúng rồi thì phải đem ra thực hành. Có nghĩa là bạn sống với chúng. Như vậy, những lời dạy của Đức Phật không phải chỉ chấp nhận thôi. Khi các bạn biết rằng: những điều dạy này là những lời dạy đạo đức, không bị trách cứ, được tán dương bởi những người trí tuệ và đem đến sự an lạc hạnh phúc thì hãy thực hành. Bạn phải thực hành chứ không phải chỉ chấp nhận thôi là đủ.
Như vậy, Đức Phật nhấn mạnh đến sự thể hiện hay sự thực hành. Một khi bạn biết những gì đem lại an lạc, đem lại hạnh phúc thì phải đem ra thực hành. Qua lời dạy cho những người Kalama này, và những lời dạy của Đức Phật trong những trường hợp khác, mà chúng ta không nhắc đến trong bài giảng này, cho phép chúng ta – những học trò của Ngài – tự do suy tư, tự do đặt câu hỏi, tự do tìm hiểu.
(còn tiếp)
Posts: 3,919
Threads: 6
Likes Received: 149 in 124 posts
Likes Given: 129
Joined: Dec 2019
Reputation:
69
Phật Pháp Căn Bản II –
(tt và hết) Đặc Tính Siêu Việt Của Phật Giáo (2-2)
Tác giả: U Silananda
Người dịch: Sư Khánh Hỷ
https://theravada.vn/phat-phap-can-ban-ii-dac-tinh-sieu-viet-cua-phat-giao/
5. Hãy nương tựa vào chính mình và chính mình phải chịu trách nhiệm.
Đặc tính tiếp theo là nương tựa vào chính mình và chính mình chịu trách nhiệm. Chắc bạn còn nhớ những điều Đức Phật dạy về Luật Nghiệp Báo. Luật Nghiệp Báo nói rằng: Nghiệp bất thiện sẽ đem đến quả đau khổ, Nghiệp thiện sẽ đem đến quả an vui. Điều này có nghĩa là nếu bạn tạo Nghiệp tốt, bạn sẽ hưởng quả tốt; nếu bạn tạo Nghiệp xấu, bạn sẽ hưởng quả xấu. Như vậy, để có được kết quả tốt bạn phải dựa vào chính mình. Chính bạn, chỉ có bạn mới chịu trách nhiệm các hậu quả tốt xấu mà bạn đã làm. Bởi vậy, không nên phiền trách người khác về các hậu quả bất thiện mà bạn nhận được; bạn cũng không cần phải cám ơn người đã đem lại điều tốt đẹp cho bạn. Như vậy, trong Phật Giáo, nương tựa vào chính mình hay tự mình nhận chịu trách nhiệm là một yếu tố rất quan trọng.
Đức Phật muốn chúng ta nương tựa vào chính mình, và không nương tựa vào kẻ khác. Đây là điều đi ngược lại với ý muốn của tất cả chúng ta. Chúng ta không muốn tự mình nỗ lực, chúng ta muốn dựa vào kẻ khác. Chúng ta sẽ không muốn hành thiền nếu có người nào có thể hành thiền thay cho chúng ta. Chúng ta không muốn hành Thiền Minh Sát, nếu ta có thể đạt được kết quả của việc hành thiền từ người khác. Nhưng không ai có thể Giác Ngộ thay cho người khác. Giáo huấn của Ðức Phật ngược lại các điều này. Ðức Phật thường dạy rằng: giáo huấn của Ngài, những lời dạy dỗ của Ngài, đi ngược dòng nước, không chảy xuôi theo dòng. Bơi ngược dòng nên cần phải cố gắng nhiều. Bởi vậy, chúng ta phải tự mình nỗ lực. Chúng ta phải nương tựa vào chính mình, chúng ta là kẻ cứu chuộc cho chúng ta. Đó là ý nghĩa của các lời dạy của Đức Phật.
Không bao lâu trước khi Niết Bàn, Đức Phật khuyên dạy chúng đệ tử của Ngài các lời sau đây:
“Con phải là hải đảo của chính mình, sống nương tựa vào chính mình, không có nơi nương tựa nào khác”.
Hãy lấy mình làm hải đảo của chính mình.
Hãy lấy mình làm nơi nương tựa.
Đừng lấy người khác hay vật khác làm nơi nương tựa.
Rồi Đức Phật lại nói tiếp:
“Sống với Giáo Pháp, lấy Giáo pháp làm hải đảo của mình. Sống với Giáo pháp lấy Giáo Pháp làm nơi nương tựa, và không có nơi nương tựa nào khác”.
Đầu tiên Đức Phật dạy: “Hãy sống nương tựa vào chính mình, lấy mình làm hải đảo hay chỗ nương tựa của mình “.
“Lấy mình làm hải đảo hay chỗ nương tựa của mình ” có nghĩa là hãy sống với Giáo Pháp, lấy giáo pháp làm hải đảo hay chỗ nương tựa của mình.
“Lấy giáo pháp làm hải đảo hay chỗ nương tựa của mình ” có nghĩa là hãy thực hành giáo pháp. Khi chúng ta thực hành giáo pháp là chúng ta đã sống mà lấy mình làm nơi nương tựa của chính mình. Chúng ta nương tựa vào chính chúng ta và không nương tựa vào ai khác.
Như vậy, Đức Phật khẩn thiết kêu gọi học trò của Ngài hãy nương tựa vào chính mình và không nương tựa vào ai khác.
“Nương tựa vào chính mình, lấy mình làm hải đảo của chính mình, đừng nương tựa ai khác” Điều này dường như có vẻ trái ngược lại những điều mà Phật Tử chúng ta làm, đó là: nương tựa Phật, Pháp, Tăng hay Quy Y Phật, Quy Y Pháp, Quy Y Tăng.
Và chúng ta cũng thường nghe nói những người nào Quy Y Phật, Pháp, Tăng mới được gọi là Phật Tử. Nương tựa vào Tam Bảo và nương tựa vào chính mình là hai chuyện khác nhau.
“Nương tựa vào Tam Bảo” có nghĩa là chấp nhận Phật, Pháp, Tăng là ba sự hướng dẫn tinh thần; xem Phật, Pháp, Tăng là thầy dạy của chúng ta. Nương theo Phật, Pháp, Tăng để tu hành chứ không phải nương theo Phật, Pháp, Tăng rồi không làm gì cả.
Ở đây, “lấy mình làm nơi nương tựa của mình” có nghĩa là bạn phải dựa vào chính mình, tự mình nỗ lực để đạt được kết quả tốt đẹp trong việc thực hành giáo pháp. Không ai có thể đem kết quả của việc thực hành của họ tặng cho bạn. Không ai có thể tu thay cho bạn. Bạn phải tự mình thực hành. Bạn phải tự mình nỗ lực để đạt kết quả. Như vậy, nương tựa vào Phật, Pháp, Tăng và nương tựa vào chính mình là hai chuyện khác nhau.
Trong kinh Pháp Cú Đức Phật dạy:
“Chính ta là kẻ cứu rỗi ta. Không ai khác có thể là kẻ cứu rỗi ta”.
Điều này có nghĩa là chính bạn, chỉ mình bạn mới có thể cứu rỗi bạn, không ai có thể cứu rỗi bạn được. Đây là điều rất quan trọng. Chúng ta muốn Đức Phật cứu vớt mình, nhưng Đức Phật đã nói rằng: chính các bạn là kẻ cứu chuộc của bạn. Điều này Đức Phật muốn nhấn mạnh là ta không phải là kẻ cứu chuộc các ngươi. Ta không thể cứu rỗi các ngươi, các ngươi phải tự cứu lấy mình. Có nghĩa là không một ai có thể cứu rỗi người khác, đừng hiểu rằng: có người nào đó có thể cứu rỗi được các bạn. Không ai có thể cứu rỗi được người khác. Ai nói rằng: mình có thể cứu rỗi được người khác thì người đó đã nói điều không thật.
Tại sao Đức Phật dạy rằng: “Con hãy cứu chính con. Không ai có thể cứu con. Bởi vì “cứu rỗi chính mình” có nghĩa là loại trừ phiền não. Muốn loại trừ phiền não thì chính bạn phải thực hành. Không ai có thể đi vào trong tâm bạn và lấy đi các phiền não đang nằm trong đó. Nếu chuyện này có thể làm được thì thật là may mắn, tốt đẹp cho chúng ta bởi vì chúng ta chẳng cần hành thiền gì cả. Chúng ta chỉ cần đến gặp vị thầy và để cho vị ấy lấy đi phiền não ra khỏi tâm chúng ta. Điều này không thể nào có được; bởi vậy, Đức Phật mới nói rằng: Ta không thể cứu các ngươi, các ngươi phải tự cứu mình. Bởi vì chính chúng ta mới có thể cứu chúng ta thôi. Chỉ có chúng ta mới có thể loại trừ phiền não trong tâm mình. Không ai có thể đi vào trong tâm chúng ta để loại trừ tham, sân, si cho chúng ta. Không ai có thể loại trừ phiền não trong tâm chúng ta được.
Có nhiều người chỉ trích Phật Giáo, và nói rằng: “Tại sao Đức Phật không thể cứu chúng ta nếu Ngài có tâm bi mẫn với tất cả chúng sinh?”
Đức Phật là người có tâm đại bi. Điều này có nghĩa là Đức Phật có tâm bi mẫn đối với tất cả chúng sinh không trừ một ai. Đức Phật không thể cứu chúng sinh, đơn giản bởi vì không thể nào cứu chúng sinh khác được, không ai có thể cứu vớt chúng sinh khác được, mọi người đều có nghiệp riêng của mình; Đức Phật chỉ hướng dẫn phương pháp và để chúng sinh tự cứu. Nếu Đức Phật có thể cứu chúng sinh thì Đức Phật đã cứu hết rồi. Mục đích của người muốn thành Phật là để cứu chúng sinh, nhưng cứu chúng sinh ở đây có nghĩa là giúp chúng sinh tự cứu.
Đức Phật dạy: “Người nào kiểm soát được chính mình thì người đó có được sự cứu chuộc khó tìm”. Câu này có nghĩa là muốn có được kẻ cứu chuộc khó tìm thì bạn phải kiểm soát chính mình. Bạn phải kiểm soát các căn của mình. Khi các căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm) được kiểm soát thì bạn sẽ tìm được kẻ cứu chuộc khó tìm. Nghĩa là bạn trở thành kẻ cứu chuộc chính mình.
Trong một câu kệ khác Đức Phật dạy: “Chính ta làm điều sai lầm, chính ta làm cho ta ô nhiễm, chính ta loại trừ điều sai lầm và chính ta làm cho ta thanh tịnh”. Như vậy, điều sai lầm hay bất thiện được làm bởi chính ta, và chính ta làm cho ta ô nhiễm. Khi làm điều bất thiện ta đã làm ô nhiễm chính ta. Và chính ta loại trừ điều bất thiện. Khi ngăn giữ không làm điều bất thiện thì chúng ta làm cho chúng ta trong sạch. Khi làm điều thiện là chúng ta đã trong sạch chính mình. Như vậy, trong sạch hay ô nhiễm tùy thuộc vào chính chúng ta. Chúng ta có thể làm cho chúng ta ô nhiễm, chúng ta có thể làm cho chúng ta trong sạch. Chúng ta không thể làm cho người khác ô nhiễm hay trong sạch được. Bởi thế, Đức Phật dạy: “Trong sạch hay ô nhiễm tùy thuộc vào chính ta. Không ai có thể làm cho người khác trong sạch được”. Chúng ta phải ghi nhớ điều này: “Trong sạch hay ô nhiễm tùy thuộc vào chính ta”. Như vậy, chúng ta có thể làm cho chúng ta trong sạch hay ô nhiễm, không ai có thể làm cho người khác trong sạch, không ai có thể làm cho người khác thoát khỏi mọi phiền não.
6. Không chấp nhận giai cấp.
Đạo Phật không chấp nhận giai cấp. Đức Phật sinh ra trong một xã hội mà con người được chia ra làm bốn giai cấp. Đấy là sự phân chia rất khắc nghiệt và ép buộc người giai cấp này không được liên hệ hay cưới hỏi giai cấp khác. Hệ thống giai cấp tạo nên nhiều đau khổ cho mọi người. Đức Phật không chấp nhận hệ thống giai cấp, nhưng chúng ta cũng không thể nói Đức Phật đã loại trừ giai cấp trong xã hội Ấn Độ bởi vì Ngài không thể làm được. Ngài muốn loại bỏ giai cấp, nhưng Ngài không làm được. Chúng ta không thể nói rằng: Đức Phật đã loại bỏ giai cấp ở Ấn Độ, nhưng Ngài loại bỏ hệ thống giai cấp trong những người học trò của Ngài. Bất kỳ một ai khi đã gia nhập tăng đoàn thì phải để giai cấp lại đằng sau và khởi đầu một đời sống mới, vượt lên trên hệ thống giai cấp. Có nghĩa là sau khi trở thành một nhà sư thì họ chỉ là một nhà sư, và họ đã mất giai cấp của mình. Họ không còn giai cấp chiến sĩ, Bà la môn, thương gia hay cùng đinh. Khi đã xuất gia, nhà sư chỉ là nhà sư thôi. Bởi vậy, trong số các học trò của Đức Phật, đặc biệt là những nhà sư, Đức Phật có thể loại bỏ sự phân biệt giai cấp. Người nào đã gia nhập tăng đoàn thì trở thành bình đẳng với những vị sư khác.
Có một câu chuyện về các hoàng tử dòng dõi Thích Ca và người thợ hớt tóc của họ. Các vị hoàng tử và người thợ hớt tóc của mình đều muốn trở thành nhà sư; họ bèn đến gặp Đức Phật, nhưng những vị hoàng tử xin Đức Phật hãy cho người thợ hớt tóc xuất gia trước, và những vị hoàng tử xuất gia sau. Bởi vì trong giáo pháp của Đức Phật, người nào xuất gia trước trở thành đàn anh, người xuất gia sau trở thành đàn em, không phân biệt tuổi lớn hay nhỏ. Bởi vậy, những vị hoàng tử Thích Ca bạch với Đức Phật (Đức Phật cũng thuộc về dòng dõi Thich Ca): “Bạch Ngài, những người thuộc dòng dõi Thích Ca của chúng ta rất cao ngạo. Để loại trừ sự cao ngạo nên chúng con xin Ngài cho người thợ cạo xuất gia trước và để chúng con kính trọng người thợ cạo. Đức Phật đã cho người thợ cạo xuất gia trước, rồi mới cho các hoàng tử dòng Thích Ca xuất gia sau. Các bạn có biết người thợ hớt tóc đó là ai không?
Người thợ cạo đó sau này là Đại Đức Upāli, vị Sư được Đức Phật tuyên dương là “Người Giữ Giới Luật Đệ Nhất”.
Trong kỳ kết tập Tam Tạng lần thứ nhất, chính Ngài Upāli đã tụng đọc thuộc lòng tạng Luật và Ngài Ānanda đã tụng đọc thuộc lòng tạng Kinh. Như vậy, Ngài Upāli đã trở thành một vị đại đức, một nhà sư ưu tú trong số những học trò của Đức Phật. Trước đây Ngài Upāli là một thợ cạo. Thợ cạo được thời này xếp vào giai cấp cùng đinh.
Một trong những điều đặc biệt đáng ca ngợi mà những tôn giáo thời bấy giờ không có được là trong Phật Giáo không có giai cấp. Trong giáo pháp của Đức Phật những người đã trở thành những nhà Sư thì họ trở thành ngang nhau. Những nhà Sư mất hẳn tên và dòng dõi cùng giai cấp của mình. Bây giờ họ chỉ là những nhà Sư hay những ẩn sĩ trong giáo pháp của Đức Phật.
Giáo pháp của Đức Phật được so sánh như một đại dương. Có nhiều dòng sông chảy vào đại dương. Trước khi chảy vào đại dương những dòng sông này có tên riêng, như sông Hằng, sông Cửu Long, sông Hoàng Hà v.v… nhưng một khi những dòng sông này chảy ra đại dương thì chúng sẽ mất hẳn tên riêng của chúng; bây giờ chúng chỉ còn là một thành phần của nước, chúng chỉ là đại dương mà thôi. Cũng vậy, trước khi gia nhập Tăng đoàn thì những nhà Sư có thể là những chiến sĩ, những vị bà la môn, những thương gia, những người cùng đinh; nhưng một khi họ đã gia nhập Tăng đoàn thì họ mất hẳn tên riêng và dòng dõi, nghĩa là họ mất hẳn giai cấp. Bây giờ họ chỉ đơn giản là những nhà Sư, những ẩn sĩ hay là những người con, những học trò của Đức Phật. Đó là đặc tính kỳ diệu thứ tư trong giáo pháp và trong giới luật của Đức Phật. Có tám sự kỳ diệu trong giáo pháp và trong giới luật của Đức Phật, và đây là sự kỳ diệu thứ tư.
Theo lời Phật dạy, một người trở nên thấp hèn hay cao thượng không phải do từ sự sinh trưởng mà do Nghiệp (hay hành vi tạo tác) của họ. Nếu chúng ta tạo Nghiệp tốt thì chúng ta trở thành người cao thượng, nếu chúng ta tạo Nghiệp xấu thì chúng ta trở thành người thấp hèn, dầu cho chúng ta sinh ra ở dòng dõi nào thì điều đó cũng không quan trọng. Như vậy, sinh ra trong dòng dõi cao hay thấp không quyết định được tư cách của một người, tư cách của một người được xác định qua hành vi của người đó. Do đó, Đức Phật dạy hành vi là Nghiệp. Hành vi hay Nghiệp là yếu tố quan trọng quyết định sự thấp hèn hay cao thượng của một người.
7. Sự bình đẳng giữa nữ giới và nam giới trong sự Giác Ngộ.
Một đặc tính khác trong Phật Giáo là phụ nữ không bị đánh giá thấp hơn nam giới, không bị loại ra khỏi khả năng Giác Ngộ. Phụ nữ không bị coi thường, vẫn được xem là có khả năng Giác Ngộ như nam giới. Trong giáo pháp của Đức Phật, phụ nữ được quyền Giác Ngộ như nam giới. Nam hay nữ không phải là yếu tố quan trọng quyết định sự Giác Ngộ hay không. Dù là nam hay nữ, nếu bạn tuân theo những lời chỉ dạy của Đức Phật và tinh tấn thực hành thì bạn sẽ Giác Ngộ. Phụ nữ có đủ khả năng để Giác Ngộ như nam giới. Có những phụ nữ trong nhiều khả năng đặc biệt đã đạt được địa vị cao trọng, thánh thiện nhất. Vào thời Đức Phật còn tại thế, về phía nam giới, Ngài Sariputta có trí tuệ bậc nhất, và Ngài Moggallana có thần thông bậc nhất. Cũng vậy, về phía nữ giới có hai Tỳ Khưu Ni Khema và Uppalavaṇṇa cũng có khả năng và địa vị tương đương. Tỳ Khưu Ni Khema có trí tuệ bậc nhất và Tỳ Khưu Ni Uppalavaṇṇa có thần thông bậc nhất. Như vậy nữ giới cũng có địa vị cao trọng trong giáo pháp của Đức Phật.
Trước khi Đức Phật ra đời, và ngay thời kỳ Đức Phật còn sống, phụ nữ Ấn Độ có địa vị rất thấp kém. Trong giáo pháp của Đức Phật, nữ giới được ngang bằng với nam giới. Nữ giới được mọi người tôn trọng. Phật Tử đến gặp các vị Tỳ Khưu Ni để học hỏi và nghe lời dạy bảo của các Ngài. Phụ nữ có đầy đủ cơ hội giống như nam giới để thực hành giáo pháp của Đức Phật và Giác Ngộ Đạo Quả A La Hán.
Khi bà Gotami, dưỡng mẫu của Đức Phật, xin Ngài cho bà và những phụ nữ khác gia nhập Tăng đoàn, Đức Phật đã từ chối ba lần. Khi ngài Ānanda gặp bà Mahā Pajāpati và hiểu rõ sự từ chối của Đức Phật, Ānanda bèn xin Đức Phật cho bà Mahā Pajāpati và các phụ nữ theo bà xuất gia, Đức Phật lại từ chối. Ānanda bèn thưa với Đức Phật: “Bạch Đức Thế Tôn, những phụ nữ nếu xuất gia tu hành dưới giáo pháp của Ngài có thể đạt được đạo quả không?” Câu này có nghĩa là phụ nữ nếu xuất gia trở thành một vị tu sĩ thì họ có thể đạt được đạo quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán chăng. Đức Phật đã trả lời bằng một câu xác định: “Phụ nữ có khả năng trở thành một vị Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán”. Nghe thế Ānanda bèn bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn, phụ nữ có thể tu hành trở thành Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán vậy thì tại sao Ngài không cho nhũ mẫu Gotami xuất gia tu hành. Nhũ mẫu đã có ơn sâu với Ngài, chính nhũ mẫu đã cho Ngài bú mớm trong khi để con mình cho những người vú khác nuôi”. Cuối cùng Đức Phật chấp nhận cho phụ nữ gia nhập Tăng đoàn.
Nếu bạn đọc giới luật của cả Tỳ Khưu và Tỳ Khưu Ni thì bạn có thể nói có vài sự khác biệt trong hai bộ luật này. Tôi nghĩ rằng: chúng ra phải chấp nhận có những sự khác biệt, nhưng tôi không nghĩ điều đó chống đối lại phụ nữ, chỉ là có sự khác biệt giữa Tỳ Khưu với Tỳ Khưu Ni thôi. Sở dĩ có sự khác biệt như vậy bởi vì đây là những điều cần thiết để ngăn ngừa cũng như tạo sự an toàn và trong sạch cho Tăng Đoàn và Ni Đoàn. Đồng thời sự khác biệt này cũng giúp cho giáo pháp được phát triển thuận lợi. Bởi vậy, trong giới luật của Tỳ Khưu Ni có cấm chế phụ nữ làm một số hành vi mà nam giới không bị cấm. Trong các trường hợp đó, chúng ta có thể nói có vài sự khác biệt hay có thể gọi là sự kỳ thị, nhưng về lãnh vực thực hành để đạt được sự Giác Ngộ thì không có sự phân biệt nào. Nam và nữ đều có đủ khả năng để Giác Ngộ như nhau. Có những phụ nữ có thể đạt được những kết quả tốt đẹp hơn nam giới, và cũng có những người nam có khả năng hay đạt được kết quả tốt hơn nữ. Như vậy, về phương diện thực hành và về phương diện Giác Ngộ không có sự phân biệt hay kỳ thị nào.
Các bạn đã từng nghe câu chuyện về bà Matikamātā. Bà hành thiền theo lời hướng dẫn của ba mươi vị Tỳ Khưu và đã đạt được Giác Ngộ trước ba mươi vị đó. Bà đã đắc tầng thánh thứ ba chứ không phải chỉ là tầng thánh thứ nhất hay thứ nhì; trong khi đó, những vị Sư hướng dẫn cho bà chưa đạt được thành quả nào. Bởi thế, không thể nói rằng bởi vì bạn là người nữ nên bạn không thể đạt được sự Giác Ngộ nào và chỉ có người nam mới Giác Ngộ được. Như vậy, không có sự phân biệt nam nữ về vấn đề Giác Ngộ Đạo Quả trong Phật Giáo.
8. Khoan dung tha thứ.
Một trong những đặc điểm nổi bật trong Phật Giáo là khoan dung tha thứ. Không chỉ khoan dung tha thứ đối với con người mà ngay cả đối với con vật. Lòng khoan dung tha thứ trong Phật Giáo cao thượng hơn tất cả tôn giáo khác. Một lần nọ Đức Phật dạy chư Tăng: “Này các thầy Tỳ Khưu, dù cho có người nào dùng cưa hai lưỡi cưa đứt tay chân con thì con cũng không được để cho tâm bị ô nhiễm mà tức giận người đó. Người nào còn giận dữ khi bị ai cưa tay chân mình thì người đó chưa thực hành đúng theo lời dạy của Như Lai”. Như vậy, dù cho kẻ thù cưa tay chân bạn bằng cái cưa hai lưỡi bạn cũng không nên nóng giận, nếu bạn còn giận dữ thì bạn cũng chưa thực hành đúng theo lời dạy của Đức Phật. Tôi nghĩ đây là điều thực sự khó thực hành. Bởi vậy, trong Phật Giáo sự khoan dung tha thứ, không giận dữ, sân hận có tầm quan trọng đặc biệt. Lòng khoan dung tha thứ này còn được phát triển đến cả các loài thú. Bởi vậy, giới đầu tiên của người Phật Tử phải giữ là không sát hại sinh mạng của chúng sinh dù đó là người, súc vật hay những côn trùng bé nhỏ. Như vậy, lòng khoan dung tha thứ hay tình thương của những người Phật Tử không phải chỉ giới hạn trong sự thương yêu con người mà thương yêu tất cả chúng sinh.
Tôi hy vọng các bạn đã biết câu chuyện của hoàng đế Asoka, một vị vua Ấn Độ. Trước khi trở thành một Phật Tử, vua Asoka là một vị hoàng đế hiếu chiến. Ông đã chinh phạt nhiều quốc gia. Một trong những trận đánh lớn là trận Kalinga, một trận chiến khủng khiếp với hàng trăm ngàn người bị giết. Về sau nhà vua trở thành một Phật Tử. Sau khi trở thành người con Phật, thay vì dùng gươm đao để chinh phục, nhà vua dùng Giáo Pháp của Đức Phật để chinh phục các xứ khác. Ông đã để lại nhiều lời dạy về tình thương, khoan dung tha thứ, những lời dạy này đã được khắc trên nhiều trụ đá. Hiện nay vẫn còn tìm thấy nhiều trụ đá ghi khắc những lời dạy về tình thương của vua Asoka rải rác nhiều nơi ở xứ Ấn Độ. Rất nhiều các lời dạy của ông đã được các nhà khảo cổ tìm thấy. Những câu này được ghi bằng một loại văn tự cổ Ấn Độ. Trong một trụ đá đã ghi lại các lời sau: “Ta tôn trọng mạng sống của những chúng sinh có hai chân, bốn chân, chim chóc, và những sinh vật dưới nước”. Như vậy, những lời dạy của Đức Phật đã chuyển một hoàng đế hiếu sát thành một vị vua nhân từ, không chỉ nhân từ đối với con người mà còn đối với tất cả các sinh vật trên cạn dưới nước.
9. Không có Thánh Chiến.
Một đặc tính đặc biệt là không có thánh chiến trong lịch sử Phật Giáo. Chưa bao giờ có việc nhân danh Phật Giáo để tạo ra những cuộc tàn sát nhau. Trong lịch sử thế giới cũng như trong lịch sử các quốc gia, chưa bao giờ có các cuộc chiến tranh gây ra bởi những người Phật Tử nhân danh Phật Giáo để giết hại tín đồ của các tôn giáo khác. Đạo Phật luôn luôn dạy chúng ta có tình thương, khoan dung tha thứ. Trong lịch sử, những Phật Tử bị sát hại bởi những người nhân danh tôn giáo khác như Hindu và Hồi giáo, chưa bao giờ có những cuộc chiến tranh của những người nhân danh Phật Giáo đi tiêu diệt các tôn giáo khác. Trên một trụ đá vua Asoka đã ghi lại: “Người nào nhân danh tôn giáo mình để tiêu diệt hay bức hại những người theo tôn giáo khác là đã tự đào hố chôn tôn giáo mình”. Một điểm rất quan trọng là không có thánh chiến, không có sự giết hại nhân danh Phật Giáo trong lịch sử Phật Giáo.
Có rất nhiều yếu tố quan trọng, tốt đẹp khác trong Phật Giáo, nhưng tôi nghĩ chúng ta tìm hiểu những yếu tố trên cũng tạm đủ. Tôi nghĩ chúng ta rất may mắn làm một người Phật Tử thực hành theo lời dạy của Đức Phật. Và là một Phật Tử nên chúng ta được tự do tìm hiểu, được tự do đặt câu hỏi, được tự do giải nghi cho bản thân, được tự do truy tầm tìm kiếm. Là người Phật Tử, chúng ta là chủ nhân ông của chính mình, chúng ta là những kiến trúc sư xây dựng tương lai cho chính chúng ta. Chúng ta là những người nương tựa vào chính mình để mang lại an vui hạnh phúc cho bản thân và cho người khác. Những người Phật Tử thực hành theo lời dạy của Đức Phật sẽ là những người có trách nhiệm, là những công dân tốt, cống hiến an bình và hạnh phúc cho xã hội. Những người Phật Tử cố gắng tùy theo năng lực của mình thực hành những việc thiện lành, tránh xa Nghiệp ác và loại trừ phiền não trong tâm.
(hết)
|