Tin Lành Hy Vọng
#46
Sự Khôn Ngoan Bày Tỏ Về Đức Chúa Trời

Châm Ngôn 2:5-10

“Quyển sách luật pháp này chớ xa miệng ngươi, hãy suy ngẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước” (Giô-suê 1:8).

Câu hỏi suy ngẫm: Vua Sa-lô-môn cho thấy sự khôn ngoan bày tỏ về Đức Chúa Trời như thế nào? Đường lối của Ngài ra sao? Sự khôn ngoan Chúa ban đem đến kết quả nào và giúp bạn áp dụng ra sao trong cuộc sống?

Vua Sa-lô-môn khuyên dạy mỗi con dân Chúa rằng khi chúng ta hết lòng tìm cầu sự khôn ngoan, thì sự khôn ngoan sẽ bày tỏ cho chúng ta về Đức Chúa Trời và đường lối của Ngài. Điều đầu tiên sự khôn ngoan sẽ bày tỏ cho chúng ta là hiểu biết sự kính sợ Đức Giê-hô-va và điều tri thức của Đức Chúa Trời (câu 5). Khi học về sự khôn ngoan, chúng ta sẽ biết rằng Chúa là Đấng ban sự khôn ngoan cho mỗi con dân Ngài, sự dạy dỗ của Chúa đem lại điều tri thức và thông sáng cho con người (câu 6). Sự khôn ngoan cho con người biết rằng Chúa muốn con người sống ngay thẳng và Ngài là Đấng bảo vệ, phù hộ, giữ gìn những người sống theo sự dạy dỗ của Ngài (câu 7-8). Nhờ sự khôn ngoan, con người biết và hiểu rõ hơn sự công bình, chánh trực, công minh của Chúa. Khi hiểu được sự công chính của Ngài, con người sẽ tránh xa đường ác và nhận được niềm vui phước hạnh trong tâm hồn (câu 9-10).

Qua lời dạy của Vua Sa-lô-môn, chúng ta biết rõ rằng sự học hỏi chỉ giúp cho chúng ta có kiến thức, nhưng sự khôn ngoan của mỗi chúng ta là do Đức Chúa Trời ban cho. Có kiến thức mà thiếu sự khôn ngoan Chúa cho, dẫn đến những áp dụng bất cập trong cuộc sống, lắm khi gây nên nhiều hệ lụy. Chúa muốn chúng ta dùng sự khôn ngoan Chúa ban để sống theo tiêu chuẩn thánh của Ngài. Khi chúng ta hiểu và vâng theo luật pháp của Chúa, thành công và phước hạnh sẽ ở cùng với chúng ta, y như Lời Đức Chúa Trời đã phán cùng ông Giô-suê ngày xưa cũng như chúng ta ngày nay: “Quyển sách luật pháp này chớ xa miệng con, hãy suy ngẫm ngày và đêm, để cẩn thận làm theo mọi điều đã chép trong đó; vì như thế, con mới được thịnh vượng trong con đường mình và mới thành công” (Giô-suê 1:8 BTTHĐ).

Ngày nay, Chúa Thánh Linh là Thần Lẽ Thật đang ở trong mỗi con dân Chúa, sẽ ban cho chúng ta sự khôn ngoan, và Ngài hướng dẫn, chỉ dạy chúng ta mỗi ngày để chúng ta có thể áp dụng kiến thức vào cuộc sống cách phải lẽ và đẹp lòng Chúa. Nhờ sự khôn ngoan Chúa ban, chúng ta có được tri thức và thông sáng để sống công bình chính trực theo Lời Chúa dạy. Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời sẽ dạy dỗ chúng ta đường lối của Chúa, để qua đó mỗi chúng ta sẽ kinh nghiệm sự bình an, vui thỏa mỗi ngày khi vâng theo Chúa.

Bạn đã cầu nguyện xin Chúa ban cho mình khôn ngoan để sống theo lời dạy của Chúa chưa?

Kính lạy Chúa, con tạ ơn Chúa ban cho con sự khôn ngoan để con học hiểu Lời Ngài và biết được ý Chúa trên đời sống con. Xin Thánh Linh Chúa hướng dẫn con sống theo ý Chúa mỗi ngày.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ê-xê-chi-ên 30.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Reply
#47
Đức Tin Khiến Của Dâng Nhỏ Trở Nên Lớn

Nếu bạn giống tôi, có thể bạn đang suy nghĩ: “Tôi đã từng từ bỏ những gì cho chúng nhỉ? Công việc bàn giấy ư? Thì giờ đi tập thể dục? Phải tiêu tiền nhiều hơn? Vóc dáng của tuổi hai mươi? Hay giấc ngủ?” Dường như chẳng có gì nhiều nếu so với công việc của một số giáo sĩ lớn, những người đã dâng cuộc đời cho Phúc Âm.

Hãy nghĩ đến việc cho năm nghìn người ăn khi các môn đồ đi ra gom góp thức ăn có sẵn. Chẳng có gì nhiều. Chỉ vài ổ bánh mì. Vài con cá. Hãy nghĩ đến người phụ nữ lấy mấy con cá ra đưa cho một môn đồ. Hẳn là một phần dâng ít ỏi lắm. Nhưng điều quan trọng không phải là những ổ bánh hay mấy con cá to cỡ nào lúc chúng được trao cho các môn đồ, mà là chúng được dâng vào tay ai. Trong tay của Chúa, phần dâng đó là đủ rồi. Và còn hơn thế nữa. Có cả phần dư thừa. Khi được dâng bằng đức tin, thì ngay cả của dâng nhỏ bé cũng trở nên to lớn.

Hãy nhìn những đứa con đức tin của bạn, hãy xem bao nhiêu người sẽ được chăm sóc thuộc linh bởi những đứa con mà bạn đang chăm sóc ngày hôm nay. Con bạn sẽ biết được bao nhiêu người trong cuộc đời chúng? Những gương mặt đang ngồi quanh chiếc bàn giờ này đại diện cho bao nhiêu đứa cháu trong tương lai?
Reply
#48
Nuôi Dưỡng Bằng Lời Chúa

Thi Thiên 1:1-3

“Song lấy làm vui vẻ về luật pháp của Đức Giê-hô-va, và suy ngẫm luật pháp ấy ngày và đêm” (câu 2).

Câu hỏi suy ngẫm: Người được phước làm gì? Người suy ngẫm và làm theo Lời Chúa được phước như thế nào theo hình ảnh ví sánh ở đây? Bạn đang nuôi dưỡng đời sống tâm linh bạn bằng Lời Chúa như thế nào?

Để được phước, Cơ Đốc nhân không chỉ không THEO, không ĐỨNG, không NGỒI với kẻ chối bỏ Chúa, nhưng còn vui thích tiếp nhận và làm theo Lời Chúa. Thay vì để cho những điều thuộc về thế gian lôi kéo, ảnh hưởng trên mình, chúng ta hãy để cho Lời Chúa tác động, làm thay đổi chúng ta. Tuy nhiên, người được phước không chỉ “lấy làm vui vẻ về luật pháp của Chúa” nhưng còn “suy ngẫm luật pháp ấy ngày và đêm” (câu 2). Giống như thức ăn cần được nhai kỹ mới cảm nhận hết sự ngon ngọt của nó; Lời Chúa cần được suy ngẫm mới lãnh hội được ý nghĩa sâu xa, giá trị quý báu Chúa dạy. Chúng ta cần đọc, học và để cho Lời Chúa thấm vào lòng, thành hình trong tâm trí để trở thành nền tảng cho đức tin và động cơ thúc đẩy hành động chúng ta.

Nhân loại đang sống trong một thế giới sa ngã vì tội lỗi, làm sao Cơ Đốc nhân có thể gìn giữ sự thánh khiết của người thuộc về Đức Chúa Trời? Chúng ta “Phải cẩn thận theo Lời Chúa” (Thi Thiên 119:9b). Chúa Giê-xu cầu nguyện cho Lời Đức Chúa Trời là Lời chân lý, thánh hóa chúng ta, “Xin Cha lấy lẽ thật khiến họ nên thánh; Lời Cha tức là lẽ thật” (Giăng 17:17).

Trước giả Thi Thiên 1:3 khẳng định người vui vẻ tiếp nhận, suy ngẫm và làm theo Lời Chúa sẽ được phước giống như cây trồng gần dòng nước, kết quả, và thịnh vượng trong mọi việc làm. “Cây trồng” là cây có chủ và được chủ chăm sóc, là hình ảnh ví sánh cuộc đời của những người làm theo Lời Chúa, gắn bó với Chúa, nhờ Lời Ngài nuôi dưỡng để có thể lớn lên theo thời gian, và kết quả.

Thế nào là một người có đời sống kết quả? Đó là người đem lại ảnh hưởng của Chúa và Lời Chúa đến với những người họ tiếp xúc, mang lại khích lệ và niềm vui trên đời sống người khác. Đời sống luôn có nan đề, nhưng người có Lời Chúa luôn đứng vững giữa mọi phong ba bão tố của cuộc đời vì đời sống của họ bám rễ sâu vào chính Đức Chúa Trời, cho nên khi niềm tin của những người không có Lời Chúa tàn héo trong những hoàn cảnh khó khăn, thì niềm tin của người có Lời Chúa vẫn vững mạnh, bền bỉ trong mọi hoàn cảnh. Ngoài ra, người đọc, suy ngẫm và làm theo Lời Chúa sẽ tìm được phước trong sự mình vâng lời (Gia-cơ 1:25), được thịnh vượng trong mọi việc người làm (câu 3), và chúng ta biết sự thịnh vượng của người được phước không chỉ là sự giàu có vật chất, nhưng là đời sống thuộc linh phong phú, tràn đầy niềm vui, sự bình an và thỏa lòng.

Những người tiếp xúc với bạn có nhận được sự khích lệ, niềm vui của Chúa qua bạn không?

Lạy Chúa, xin giúp con ham thích đọc, suy ngẫm và làm theo Lời Chúa để đời sống của con luôn gắn bó với Ngài và được nuôi dưỡng từ Ngài để có được một đời sống phước hạnh đích thực.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ê-xê-chi-ên 35.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Reply
#49
Sống Nhờ Lời Chúa

Ma-thi-ơ 4:1-4

“Đức Chúa Giê-xu đáp: Có lời chép rằng: Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời” (câu 4).

Câu hỏi suy ngẫm: Chúa Giê-xu chịu cám dỗ ở đâu và vào thời điểm nào? Ma quỷ cám dỗ Chúa ở lĩnh vực nào trước tiên? Chúa đối phó với sự cám dỗ như thế nào? Bạn thường chống lại cám dỗ bằng cách nào?

Sau khi chịu báp-têm (Ma-thi-ơ 3), Chúa Giê-xu đã được Thánh Linh đem vào hoang mạc để chịu cám dỗ. Hoang mạc ở xứ Palestine là một nơi vắng vẻ, toàn cát, có một số đá sỏi và đá vôi bể vụn như những ổ bánh mì. Tại đây con người dễ cảm thấy cô đơn và bị ruồng bỏ. Hơn nữa, Chúa Giê-xu vừa trải qua bốn mươi ngày đêm kiêng ăn và Ngài đang đói (câu 2). Rõ ràng Chúa đang ở vào một hoàn cảnh đầy thách thức trước những cám dỗ dễ gây tổn hại nhất!

Theo nhu cầu cơ thể vật lý của con người, khi đang đói người ta sẽ rất dễ bị đồ ăn cuốn hút. Ma quỷ hiểu rõ điểm yếu này nên cám dỗ đầu tiên nó đưa đến cho Chúa Giê-xu chính là cám dỗ về thức ăn. Ngoài ra, ma quỷ cũng đánh vào địa vị của Chúa Giê-xu. Trong cảnh cô đơn, lẻ loi ma quỷ muốn Chúa chứng minh Ngài là Con Đức Chúa Trời qua việc thể hiện quyền năng “khiến đá thành bánh” (câu 3). Cả hai khía cạnh cám dỗ mà ma quỷ đưa đến với Chúa đều chạm đến nhu cầu của Ngài trong bối cảnh lúc ấy. Nhưng Cứu Chúa của chúng ta đã không dễ rơi vào cạm bẫy của ma quỷ. Ngài đã dùng vũ khí tối ưu để chống lại, đó chính là Lời Đức Chúa Trời.

Chúa Giê-xu đã trích dẫn trong Phục Truyền 8:3, “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời” (câu 4). Nếu đọc tiếp những cám dỗ sau đó chúng ta thấy Chúa Giê-xu luôn đáp lại với ma quỷ bằng Lời Đức Chúa Trời. Và đó chính là vũ khí “lợi hại” và “đáng sợ” nhất đối với ma quỷ.

Nhờ Lời Chúa mà chúng ta được sống! Lời Chúa không chỉ là vũ khí chống lại mọi sự tấn công của ma quỷ mà còn là thức ăn quan trọng và cần thiết để nuôi dưỡng đời sống thuộc linh. Theo lời khẳng định của Chúa Giê-xu trong câu 4, con cái Chúa sống không phải chỉ nhờ vào bánh (thức ăn) mà thôi, nhưng cần phải có Lời của Đức Chúa Trời nữa. Khi chúng ta nuôi dưỡng, chăm chút cho cơ thể vật lý bao nhiêu, chúng ta càng phải lo lắng và nuôi dưỡng đời sống tâm linh bấy nhiêu. Có câu nói: “No Bible, No Breakfast” tạm dịch “Không có Lời Chúa thì không ăn sáng”. Có bao nhiêu Cơ Đốc nhân cam kết sẽ không ăn sáng nếu trước hết không đọc hay học Kinh Thánh? Nếu mỗi Cơ Đốc nhân đều trung tín giữ kỷ luật đọc và suy ngẫm Lời Chúa thì chắc chắn đời sống tâm linh sẽ được tăng trưởng và sẽ kinh nghiệm được một đời sống sung mãn trong Chúa.

Khi đối diện với cám dỗ và thử thách, bạn có dùng Lời Chúa để chống trả không?

Lạy Chúa, xin giúp con siêng năng nghiên cứu và học hỏi Lời Chúa để khi con đứng trước cám dỗ, Lời Ngài sẽ giúp con đắc thắng. Xin cho con sống nhờ Lời Chúa!

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ê-xê-chi-ên 36.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Reply
#50
Chúa Nhật Phục Sinh –

Mác 16:1-8

“Đừng sợ chi, các ngươi tìm Đức Chúa Giê-xu Na-xa-rét, là Đấng đã chịu đóng đinh; Ngài sống lại rồi, chẳng còn ở đây; hãy xem nơi đã táng xác Ngài” (câu 6).

Câu hỏi suy ngẫm: Những phụ nữ đã làm gì và lo lắng điều gì? Bạn nhận ra những yếu tố quan trọng nào cần phải có trong đời sống thuộc linh? Thiên sứ đã nói gì với những người phụ nữ? Vì sao điều này lại rất quan trọng? Chúa Giê-xu thật sự là ai đối với bạn?

Vào sáng sớm Chúa Nhật, những phụ nữ đem thuốc thơm đến xức xác Chúa Giê-xu. Khi sự kiện Chúa bị đóng đinh vẫn còn nóng hổi, và đoàn dân gào thét đòi đóng đinh Ngài vẫn chưa rời Giê-ru-sa-lem, thì việc tìm đến mộ Chúa đòi hỏi một tình yêu rất lớn. Sự lo lắng của họ về hòn đá chặn trước cửa mộ cho thấy họ vẫn nghĩ Chúa Giê-xu vẫn đang chết và còn nằm trong mộ. Những phụ nữ này có tình yêu với Chúa, nhưng tình yêu đó không được dẫn dắt bởi đức tin. Họ đã để cho cảm xúc và những điều họ nhìn thấy che mờ những điều Chúa Giê-xu đã nói với họ, nên dù rất thành tâm và yêu Chúa, họ vẫn không tin Lời Ngài.

Điều gì đang ảnh hưởng và hướng dẫn đời sống chúng ta? Đức tin phải đặt trên nền tảng Lời Chúa và vượt trên cảm xúc cùng những điều mắt thấy. Chính sự hiểu biết và trưởng thành trong Lời Chúa sẽ ảnh hưởng trên đức tin chúng ta, và sẽ hướng dẫn những quyết định cũng như cách sống chúng ta mỗi ngày.

Trước sự hoảng sợ của những phụ nữ, thiên sứ đã nói “đừng sợ chi”, Chúa phục sinh đem đến sự bình an dù đối diện với hoàn cảnh nào. “Các ngươi tìm Đức Chúa Giê-xu Na-xa-rét, là Đấng đã chịu đóng đinh”, sai lầm của những phụ nữ là họ vẫn nhìn Chúa là “Đức Chúa Giê-xu Na-xa-rét”, một người đã chết. Họ yêu mến Chúa, chăm chú nghe Ngài dạy dỗ nhưng chỉ dừng lại ở mức độ đó. Tại đây các thiên sứ khẳng định Chúa Giê-xu trong vai trò Con Người đã chịu khổ và chết, nhưng hiện nay Ngài đã sống lại. Rồi thiên sứ truyền đạt cho họ mệnh lệnh “hãy đi nói” (câu 7). Những người phụ nữ này là nhân chứng đầu tiên của sự phục sinh, và trách nhiệm của chứng nhân là “hãy đi nói.” Chúa không đòi hỏi chúng ta nói điều mình không biết, nhưng chỉ nói điều mình đã kinh nghiệm.

Nói cho ai? “…cho các môn đồ Ngài và cho Phi-e-rơ”, là những người gần nhất và cần nghe nhất. Các môn đồ đang sống trong tâm trạng lo lắng, run sợ, do đó họ cần nghe Tin Mừng này. Cũng nói cho ông Phi-e-rơ, vì ông là môn đệ đã chối Thầy mình. Tại đây, chúng ta nhìn thấy tình yêu của Chúa dành cho một người thất bại như Sứ đồ Phi-e-rơ. Chúa Giê-xu đã thấy trước mọi sự, thấy trước những thất bại của các môn đệ, nhưng Ngài vẫn lựa chọn và sử dụng họ trong ân sủng của Ngài. Sự phục sinh của Chúa đem đến sự sống, sức mạnh, lòng can đảm, và một sứ mạng cho cuộc đời những người theo Ngài.

Bạn đang sống và phục vụ thế nào trong năng quyền Chúa Phục Sinh?

Lạy Chúa Giê-xu, con chúc tụng Ngài vì sự sống lại của Ngài. Xin Chúa cho con sống mỗi ngày trong năng quyền phục sinh để hoàn thành sứ mạng của một chứng nhân.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ê-xê-chi-ên 44.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Reply