2024-04-06, 05:20 PM
THANH NAM - CÁI SAY NHƯ MUỐN CHUYỂN QUA CÁI SẦU
Tên thật là Trần Đại Việt, nhà văn, nhà thơ Thanh Nam sinh năm một ngàn chín trăm ba mươi mốt tại Nam Định và mất năm một ngàn chín trăm tám mươi lăm tại Seattle, Hoa Kỳ, do bệnh ung thư thanh quản.
Ông vào Nam năm một ngàn chín trăm năm mươi ba, hợp tác và làm tổng thơ ký với nhiều tờ báo như: Thẩm Mỹ, Văn, Hiện Đại, Nghệ Thuật, Kịch Ảnh và nhiều nhật báo khác. Cùng với Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Tô Kiều Ngân, ông phụ trách chương trình thơ nhạc Tao Đàn trên đài phát thanh Sài Gòn, đài Quân Đội. Vợ ông là nhà văn Túy Hồng.
Thanh Nam còn là người đặt lời cho một số các bản nhạc của Hoàng Trọng, Ngọc Bích, Nguyễn Hiền. Qua Mỹ năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm, ông làm tổng thơ ký cho tờ Đất Mới. Ông đã xuất bản hơn hai mươi tiểu thuyết, hồi ký, và một tập thơ mang tên Đất Khách (1983).
Thanh Nam làm thơ không nhiều, dẫu bài nào ông viết cũng hay. Chính vì bài nào cũng hay, nên tôi thật là khó lựa chọn.
******
THƠ XUÂN ĐẤT KHÁCH
1.
tờ lịch đầu năm rớt hững hờ
mới hay năm tháng đã thay mùa
ra đi từ thuở làm ly khách
sầu xứ hai xuân chẳng đợi chờ
**
Thanh Nam viết bài Thơ Xuân Đất Khách vào năm một ngàn chín trăm bảy mươi bảy, nghĩa là, sau hai năm, ông đặt chân đến Mỹ.
Hững hờ, có nghĩa là thờ ơ, có nghĩa là không thiết tha. Ông thấy mình thờ ơ và chẳng thiết tha gì khi tờ lịch đầu năm vừa rớt xuống. Xứ người mà, mới hai năm, còn nhiều lạ lẫm, có chi vui, nhất là mỗi khi tết đến. Mà nói cho thẳng thừng ra, có ở đến nhiều năm đi nữa, thì tết, cũng khó mà vui cho trọn vẹn như lúc còn ở quê hương.
Ở quê, không cần xem ngày tháng, chỉ cần thấy cái chộn rộn ở ngoài đường, ngoài ngõ, hoa cỏ nở bung, thấy cái nắng, cái gió, nghe tiếng chim hót rộn ràng, thấy bà con người ta lo phơi hành, phơi kiệu, là biết, tết sắp về. Còn xứ người, cắm mặt làm, tối về chỉ kịp lên giường, ngủ cho đủ giấc, sớm mai dậy còn lo cày bừa. Ngày nào cũng như ngày đó. Nên chỉ lúc chạm tờ lịch, thì mới hay, tết sắp sửa về.
Thanh Nam nhắc tới từ “ly khách”, làm tôi nhớ quá chừng đến Tống Biệt Hành của Thâm Tâm: ly khách, ly khách, con đường nhỏ / chí nhớn chưa về bàn tay không / thì không bao giờ nói trở lại / ba năm mẹ già cũng đừng mong.
Con người ta ngộ vậy đó. Hở chút, xa nhà, là đã cảm thấy mình lạc lõng rồi, cảm thấy mình là “ly khách” rồi. Ly là ly biệt, là xa cách. Khách nghĩa là người lạ. Ly khách nghĩa là người lạ từ chốn xa, người phải xa quê hương. Trong khổ mở đầu, Thanh Nam tự gọi mình là ly khách, và áo não than, sầu nơi xứ người cũng đã được hai năm.
Hai năm, chẳng biết xuân là gì!
****
2.
trôi dạt từ đông sang cõi bắc
hành trình trơ một gánh ưu tư
quê người nghĩ xót thân lưu lạc
đất lạ đâu ngờ buổi viễn du
**
Đông là phương đông. Bắc là vùng tây bắc của nước Mỹ. Thanh Nam trôi dạt từ nơi này đến nơi kia của quả địa cầu. Xa đến thế thì thôi. Đi xa như vậy, mà hành lý mang theo của ông, chỉ duy mỗi một gánh - ưu tư.
Thanh Nam ưu tư gì? Thì ưu tư vận nước, ưu tư gia đình, ưu tư cho chính mình. Ra đi, thương mình một, thương người còn ở lại đến hai, ba. Lại xót xa mỗi khi nghĩ đến mình, rồi đây, thân lưu lạc nơi đất lạ quê người, sẽ ra sao.
Chuyến viễn du này, thật khó để biết, khi nao mới là ngày quay trở lại!
****
3.
thức ngủ một mình trong tủi nhục
dặm dài chân mỏi bước bơ vơ
giống như người lính vừa thua trận
nằm giữa sa trường nát gió mưa
**
Thức ngủ gì thì cũng chỉ một mình. Một mình với những nỗi lo, với những muộn phiền, buồn bã, với cả tủi, cả nhục, khi bỗng dưng mình, gia đình mình, vận đời xô đẩy, nên bước phải lưu vong.
Khác gì đâu người lính vừa thua trận. Giữa sa trường, thân phơi nát gió mưa!
****
4.
khép mắt cố quên đời chiến sĩ
làm thân cây cỏ gục ven bờ
chợt nghe từ đáy hồn thương tích
vẳng tiếng kèn truy điệu mộng xưa
**
Đôi khi, cả tập thơ, người ta chỉ tìm thấy một bài thơ hay. Đôi khi, cả trường thi, người ta chỉ tìm thấy một khổ thơ hay, hoặc một câu thơ hay, hoặc một từ, đột ngột xuất hiện, làm sáng bừng lên, làm rộn rã lên, làm luồng gió mát ban trưa, làm trăng ngời sáng giữa màn đêm u hoài, tăm tối.
Từ mà tôi muốn nói lời khen ngợi, đó chính là từ “truy điệu”. Truy điệu là bày tỏ lòng thương tiếc với người không còn nữa: chợt nghe từ đáy hồn thương tích / vẳng tiếng kèn truy điệu mộng xưa.
Ông đã muốn khép mắt để cố quên đời chiến sĩ, như thân cây cỏ khô, gục ngã ở bên đàng. Nhưng rồi ông: chợt nghe từ đáy hồn thương tích / vẳng tiếng kèn truy điệu mộng xưa.
Mộng xưa không còn, mộng xưa đã chết rồi, và tiếng truy điệu như đang được cất lên, như đang được vọng về, tiếc thương hồn tử sĩ, có tên “mộng xưa”.
****
5.
ơi hỡi quê hương bè bạn cũ
những ai còn ai mất giữa sa mù
mất nhau từ buổi tàn xuân đó
không một tin nhà, một cánh thư
**
Bài Thơ Trên Đất Khách của Thanh Nam thiệt là buồn. Càng đọc, nỗi buồn càng mỗi tăng lên.
Ông gọi tên quê hương, gọi tên bè bạn cũ. Ông hỏi thinh không, chớ ai mất, ai còn. Từ cái tháng vừa tàn mùa xuân ấy, đến nay, ông không một tin nhà, mà cũng chẳng cánh thư.
****
6.
biền biệt thời gian mòn mỏi đợi
rối bời tâm sự tuyết đan tơ
một năm người có mười hai tháng
ta trọn năm dài, một tháng tư
**
Lại là một khổ thơ rất buồn. Buồn đeo đẳng. Buồn dai dẳng. Buồn cứ hoài ở trong lòng. Buồn chẳng chịu đi cho.
Biền biệt nghĩa là biệt tăm, không có tin tức gì cả. Thời gian cứ biền biệt. Và ông, ông cứ mòn mỏi đợi, đợi tin nhà.
Lòng ông rối bời, nôn nao, lo lắng. Một năm, người ta, chỉ có mười hai tháng. Riêng ông, một tháng tư thôi, cái tháng tư vừa qua mùa xuân ấy, sao mà nó dài dằng dặc, dài bằng suốt cả năm.
Một tháng mà như bằng một năm!
****
7.
chấp nhận hai đời trong một kiếp
đành theo giông bão phũ phàng đưa
đầu thai lần nữa trên trần thế
kéo nốt trăm năm kiếp sống nhờ
**
Lại một đoạn thơ rất hay. Hay vì cách ví von của Thanh Nam rất lạ. Ông gọi những tháng năm sống ở quê nhà là một đời, tị nạn ở xứ người là đời kế tiếp. Người ta một kiếp một đời. Còn ông, một kiếp, ngắt ra, làm hai đời, là vậy đó.
Ông đành: chấp nhận hai đời trong một kiếp / đành theo giông bão phũ phàng đưa / đầu thai lần nữa trên trần thế / kéo nốt trăm năm kiếp sống nhờ.
Cái đời thứ hai, giống như chết đi rồi, mà Diêm Vương ổng bảo, chưa tận số, sao lù đù vác xác xuống đây? Rồi cái, ổng úm ba la, thấy mình bay lên trần thế lại. Có điều, Diêm Vương ổng lộn, quăng lên, không nhằm nước Việt mà nhằm qua xứ Mỹ.
Thì thôi, kéo tiếp vậy, cho nốt một trăm năm, cái kiếp sống nhờ!
****
8.
đổi ngược họ tên cha mẹ đặt
tập làm con trẻ nói ngu ngơ
vùi sâu dĩ vãng vào tro bụi
thân phận không bằng đứa mãng phu
**
Cái chỗ: đổi ngược họ tên cha mẹ đặt / tập làm con trẻ nói ngu ngơ, thì dễ hiểu quá rồi, không cần nói thêm làm chi nữa. Giờ thì lo mà sống, lo mà: vùi sâu dĩ vãng vào tro bụi. Vùi sâu những danh giá, những địa vị từng có. Chúng hôm nay, đã tro bụi hết cả rồi.
Ở chỗ này, tôi muốn được nói thêm một chút. Người di tản, họ khác lắm với những người chủ động đi định cư ở xứ người. Đi định cư là sự lựa chọn trong chủ động. Còn di tản, họ bị động. Họ rối ren, họ chẳng còn nghĩ được gì cho thông suốt vào những giờ phút sinh tử ấy. Họ cũng không sẵn anh em bà con để nương nhờ, cậy cục. Ngoài hai bàn tay trắng, khi ra đi, họ chẳng kịp mang theo tài sản nào.
Nên, nếu Thanh Nam có nói: thân phận không bằng đứa mãng phu, nghĩa là, không bằng kẻ ít học, thấp hèn, thì cũng có cái lý của nó, chớ chẳng phải không!
****
9.
canh bạc chưa chơi mà hết vốn
cờ còn nước đánh phải đành thua
muốn rơi nước mắt khi tàn mộng
nghĩ đắt vô cùng giá tự do
**
Rồi ông rầu rĩ: canh bạc chưa chơi mà hết vốn / cờ còn nước đánh phải đành thua / muốn rơi nước mắt khi tàn mộng / nghĩ đắt vô cùng giá tự do.
Quá hay, thơ Thanh Nam quá hay. Câu nào ra câu nấy, không thiếu, không thừa, dầu chỉ là một chữ. Cuộc đời mà ví như canh bạc. Rõ ràng, còn nước đánh, vậy mà phải đành thua. Hay đến vậy, thì thôi.
Không dưng, chỗ này, tôi cũng tặc lưỡi một cái. Mới thấy, cõi đời là cái nơi, không nói gì được trước. Nó đầy rẫy bất ngờ. Và, đầy rẫy, cả những vô lý, khó tin.
Muốn rơi nước mắt, cái cụm từ ấy mới làm ta xúc động làm sao. Muốn rơi nước mắt khi tàn mộng. Biết, chỉ là cơn mộng thôi, một cơn mộng dài, một cơn mộng lớn, mà cũng không tránh được những đau lòng quá đỗi.
Nghĩ đắt vô cùng giá tự do. Để được tự do, như Thanh Nam giờ đây, cũng thiệt là bi ai quá!
10.
bằng hữu qua đây dăm bảy kẻ
đứa nuôi cừu hận, đứa phong ba
đứa nằm yên phận, vui êm ấm
đứa nhục nhằn lê kiếp sống thừa
**
Xứ người, thưa thớt bạn bè. Đã thế, lại mỗi đứa mỗi nơi, mỗi đứa, mỗi hoàn cảnh.
Mà kiểu nào, thì cũng, kiếp sống thừa thôi!
****
11.
mây nước có phen còn hội ngộ
thâm tình viễn xứ lại như xa
xuân này đón tuổi gần năm chục
đối bóng mình ta say với ta.
**
Giọng thơ Thanh Nam vừa cổ điển vừa hiện đại, nên, tuổi nào, đọc thơ ông cũng đặng, giới nào, đọc thơ ông, cũng thấy bóng dáng mình trong đó.
Mây và nước, vốn thứ trên trời, thứ kia ở dưới đất, thế mà, có đôi khi, chúng còn gặp nhau. Còn lũ chúng ta, xưa kia, nơi quê nhà, từng tình thâm, khác gì anh em ruột thịt, bây giờ, lại khó thể thăm nhau. Tết, đứa nào ở nhà đứa đó.
Nên, nhà thơ đành: xuân này đón tuổi gần năm chục / đối bóng mình ta say với ta.
Mình ta, say với ta!
******
ĐÊM CUỐI NĂM UỐNG RƯỢU MỘT MÌNH
1.
Rượu buồn ta rót cho ta
Bạn gần không đến bạn xa chưa về
Rót nghiêng năm tháng vào ly
Mắt nheo bóng xế tay che tuổi buồn
**
Cứ lục bát là tôi thích. Tôi cũng không lý giải được vì sao tôi thích lục bát. Có lẽ, lục bát là một thể thơ, coi vậy chớ khó mà làm hay được lắm. Nhàng nhàng thì nhiều, chớ xuất sắc, ít ai dám vỗ ngực, tự xưng, là tôi.
Thơ Thanh Nam buồn. Cái buồn nằm trong từng con chữ. Cái buồn nằm trong những lúc lên giọng những lúc xuống giọng. Chỉ trong một khổ thơ thôi, mà Thanh Nam dùng đến ba điệp từ “ta”, “bạn”, “buồn”, đủ hiểu, cô đơn lắm, một mình lắm. Luẩn quẩn vào ra, chỉ: rượu buồn ta rót cho ta / bạn gần không đến bạn xa chưa về.
Nhậu một mình, uống một mình, không ai mời, không ai cụng, và cũng chẳng có ai rót cho. Chợt thấy mình già rồi, khi: rót nghiêng năm tháng vào ly / mắt nheo bóng xế tay che tuổi buồn.
****
2.
Rót đầy băng giá cô đơn
Rót thao thức nhớ rót hờn giận quên
Thôi đừng thôi hãy lặng yên
Ngủ ngoan đi nhé cơn điên thuở nào
**
Cũng như thế, ở khổ thơ thứ hai, Thanh Nam vẫn liên tiếp dùng những điệp từ “rót”, “thôi”.
Nỗi một mình, mỗi lúc, mỗi một nhiều hơn. Không chỉ là năm tháng, không chỉ là tuổi buồn, mà, bây giờ, là: rót đầy băng giá cô đơn / rót thao thức nhớ rót hờn giận quên.
Chỉ muốn được nổi giận, chỉ muốn được quên đi, để khỏi hóa điên, những cơn điên của thời tuổi trẻ, nhưng lại sợ tội tình vợ con: ngủ ngoan đi nhé cơn điên thuở nào.
****
3.
Rót ta với bóng cùng nhau
Ngất ngư rót mãi tỉnh vào cơn say
Bốn mươi lăm tuổi rồi đây
Lá xanh còn được bao ngày phù du
**
Cuối cùng, thì cũng tìm được một người bạn, đó là cái bóng. Bèn ân cần với nó: rót ta với bóng cùng nhau / ngất ngư rót mãi tỉnh vào cơn say / bốn mươi lăm tuổi rồi đây.
Say thì say, chớ cũng còn nhớ tuổi mình. Khổng Tử chia cuộc đời người ta làm sáu giai đoạn. Tứ thập nhi bất hoặc. Ngũ thập tri thiên mệnh. Bốn mươi tuổi là cái tuổi chẳng còn những nghi hoặc, bởi trí tuệ đã mở mang. Năm mươi tuổi thì phải biết mệnh trời.
Thanh Nam viết bài thơ này lúc ông bốn mươi lăm tuổi, là cái độ tuổi này đây. Nên, ông mới nói: lá xanh còn được bao ngày phù du.
Phải khen ông, ông Thanh Nam ạ. Bốn mươi lăm tuổi mà thốt được lời như vậy, thì rất đáng để khen.
Cứ như tôi, bốn mươi lăm tuổi, mà lúc nào, cũng ngỡ, đời này dài lắm. Mình vẫn còn, hoài mãi, những ngày mai.
****
4.
Rót đau nhân thế mơ hồ
Nửa khôn ngoan thức nửa rồ dại mê
Nửa đời lăn lóc vòng xe
Rã rời xích chuyển ê chề bánh xoay
**
Biết được cõi này phù du, lại biết được nhân thế rất mơ hồ. Tự nhận mình, khôn ngoan cũng có đấy, nhưng chỉ một nửa thôi, nửa kia, là rồ dại, là ngu ngơ, là mê đắm.
Rồi thì biết đời này vốn chỉ là một vòng xe, mà sợi xích của nó, đã rã rời, mà bánh xoay của nó, đã ê chề lắm nỗi.
Bốn mươi lăm tuổi, viết thơ được như thế, kể cũng chỉ trên đầu ngón tay!
****
5.
Ngó lui hun hút đêm dài
Những xuân đã lánh những đời đã xa
Rót thêm chén nữa mời ta
Cái say như muốn chuyển qua cái sầu
**
Người ta thì ngó tới phía trước, ông Thanh Nam, ổng ngó lui về phía sau, làm tôi nhớ đến Bùi Giáng: xin chào nhau giữa con đường / mùa xuân phía trước miên trường phía sau.
Thì đúng rồi, ông Thanh Nam đây: ngó lui hun hút đêm dài / những xuân đã lánh những đời đã xa.
Thơ lục bát là phải vần, là phải điệu, điệu đàng, điệu bộ, điệu nghệ. Không có những thức điệu ấy, thì, lục bát tiêu tùng
Thanh Nam viết lục bát rất giỏi:
Những xuân đã lánh những đời đã xa
Rót thêm chén nữa mời ta
Cái say như muốn chuyển qua cái sầu
Một loạt xa, ta, qua, “a” mở miệng ra, rồi chúm miệng lại “ầu”, cái sầu!
Giống không, vần điệu của ca dao, của dân ca, của lời mẹ ru, mà chỉ xứ Việt, chỉ nước Việt mới có.
Quá tuyệt. Thanh Nam làm thơ lục bát quá tuyệt. Cái tuyệt nằm ở sự nên thơ. Cái tuyệt nằm ở vần điệu. Cái tuyệt nằm ở hình ảnh tạo nên. Cái tuyệt nằm ở sự liên tưởng.
Liên tưởng về cái chất rất Việt Nam.
Có đến nơi đâu, thì, nguồn gốc, cũng Việt Nam!
****
6.
Bốn mươi lăm tuổi rồi sao
Ngó gương xưa thấy tóc râu rối bù
Trán hằn dăm lũng ưu tư
Cuộc chơi phù thế chừng như mỏi mòn
**
Bốn mươi lăm tuổi, mà đã thảng thốt, rồi sao! Thì phải rồi, hồi xưa, ông Y Vân, ổng từng viết nhạc đó: em ơi, có bao nhiêu, sáu mươi năm cuộc đời.
Giờ, bốn mươi lăm tuổi, là hơn nửa đời người rồi: ngó gương xưa thấy tóc râu rối bù / trán hằn dăm lũng ưu tư / cuộc chơi phù thế chừng như mỏi mòn.
Làm thơ lục bát mà muốn hay, thì không chỉ giỏi vần, giỏi điệu, mà còn phải giàu có cả về từ vựng nữa.
Ông Thanh Nam, ổng đủ cả hai điều ấy!
****
7.
Sóng nhồi thác đẩy mưa tuôn
Đời trôi chảy mãi mộng tròn lần khân
Bốn mươi lăm tuổi quay nhìn
Cái trôi cùng với cái chìm đuổi đeo
**
“Lần khân”, nghĩa là chần chừ, kéo dài nhằm trì hoãn. Lâu lắm, tôi mới lại nghe từ này. Thanh Nam vẻ như rất bối rối với số tuổi quá nửa đời người của mình, nên ông lặp đi lặp lại mãi con số bốn mươi lăm tuổi.
Tôi lại sực nhớ về thời cuộc lúc này, một ngàn chín trăm bảy mươi tư, dầu sôi lửa bỏng. Nên cũng không trách được những lo lắng, những muộn phiền, những âu sầu, mà gần như, lúc ấy, ai cũng hệt.
****
8.
Tiếc gì trận gió thu reo
Tóc xanh phơ phất chạy theo mộng vàng
Hỏi ta ngày xế năm tàn
Rượu buồn sao chẳng rót tràn xót thương
**
Tóc còn xanh mà mộng đã vàng, rồi, ngày xế năm tàn. Những ý đối, những vế đối, những từ đối trong thơ của Thanh Nam, liên tục xuất hiện. Gần như trong toàn bài thơ, không chỗ nào mà ông không sử dụng phép đăng đối .
Thế nên, thơ ông buồn nhưng đọc không chán, thơ ông sầu nhưng đọc không ngán, là nhờ những cấu trúc đăng đối, khiến đọc lên, nghe chữ rất giòn, rất sinh động.
****
9.
Ngủ say mai sớm lên đường
Đấu trường lại múa dăm đường võ quen
Ta ru ta khúc ưu phiền
Ngủ ngoan đi nhé, cơn điên thuở nào.
**
Buồn mấy thì cũng phải sống. Sầu mấy, thì cũng phải đối diện. Đối diện với cuộc đời. Đối diện với đấu trường cơm áo, mà mỗi thế võ sai, là mỗi lần trượt vào lằn sinh tử.
Ngủ cho say. Tự mà ru mình đi. Lại nhớ câu của ông Trịnh Công Sơn, ổng viết: ru từng chiếc bóng, lênh đênh vào giấc ngủ ngon.
Cho tôi tay gối mong manh!
******
KẾT
Thơ Thanh Nam hiền. Nói một cách khác, thơ ông thuần hậu, nhẹ nhàng. Chỉ xót xa, đau đớn, ngậm ngùi, chớ không hằn học, căm ghét hay thù hận.
Thơ không lên giọng dạy đời, chỉ bảo, cũng không xuống giọng rên rỉ, khóc than. Thơ Thanh Nam không cường điệu, không thương vay khóc mướn, và cũng chẳng làm bộ làm tịch. Thơ ông không giả tạo, lại càng không kịch tính.
Thơ ông không đỏm dáng. Nó lành như cuộc đời ông. Và, buồn như cuộc đời ông. Một kiếp hai đời, chỉ vỏn vẹn năm mươi tư năm, ngắn ngủi!
Sài Gòn 03.04.2024
Phạm Hiền Mây
lượm của Mây về
Tên thật là Trần Đại Việt, nhà văn, nhà thơ Thanh Nam sinh năm một ngàn chín trăm ba mươi mốt tại Nam Định và mất năm một ngàn chín trăm tám mươi lăm tại Seattle, Hoa Kỳ, do bệnh ung thư thanh quản.
Ông vào Nam năm một ngàn chín trăm năm mươi ba, hợp tác và làm tổng thơ ký với nhiều tờ báo như: Thẩm Mỹ, Văn, Hiện Đại, Nghệ Thuật, Kịch Ảnh và nhiều nhật báo khác. Cùng với Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Tô Kiều Ngân, ông phụ trách chương trình thơ nhạc Tao Đàn trên đài phát thanh Sài Gòn, đài Quân Đội. Vợ ông là nhà văn Túy Hồng.
Thanh Nam còn là người đặt lời cho một số các bản nhạc của Hoàng Trọng, Ngọc Bích, Nguyễn Hiền. Qua Mỹ năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm, ông làm tổng thơ ký cho tờ Đất Mới. Ông đã xuất bản hơn hai mươi tiểu thuyết, hồi ký, và một tập thơ mang tên Đất Khách (1983).
Thanh Nam làm thơ không nhiều, dẫu bài nào ông viết cũng hay. Chính vì bài nào cũng hay, nên tôi thật là khó lựa chọn.
******
THƠ XUÂN ĐẤT KHÁCH
1.
tờ lịch đầu năm rớt hững hờ
mới hay năm tháng đã thay mùa
ra đi từ thuở làm ly khách
sầu xứ hai xuân chẳng đợi chờ
**
Thanh Nam viết bài Thơ Xuân Đất Khách vào năm một ngàn chín trăm bảy mươi bảy, nghĩa là, sau hai năm, ông đặt chân đến Mỹ.
Hững hờ, có nghĩa là thờ ơ, có nghĩa là không thiết tha. Ông thấy mình thờ ơ và chẳng thiết tha gì khi tờ lịch đầu năm vừa rớt xuống. Xứ người mà, mới hai năm, còn nhiều lạ lẫm, có chi vui, nhất là mỗi khi tết đến. Mà nói cho thẳng thừng ra, có ở đến nhiều năm đi nữa, thì tết, cũng khó mà vui cho trọn vẹn như lúc còn ở quê hương.
Ở quê, không cần xem ngày tháng, chỉ cần thấy cái chộn rộn ở ngoài đường, ngoài ngõ, hoa cỏ nở bung, thấy cái nắng, cái gió, nghe tiếng chim hót rộn ràng, thấy bà con người ta lo phơi hành, phơi kiệu, là biết, tết sắp về. Còn xứ người, cắm mặt làm, tối về chỉ kịp lên giường, ngủ cho đủ giấc, sớm mai dậy còn lo cày bừa. Ngày nào cũng như ngày đó. Nên chỉ lúc chạm tờ lịch, thì mới hay, tết sắp sửa về.
Thanh Nam nhắc tới từ “ly khách”, làm tôi nhớ quá chừng đến Tống Biệt Hành của Thâm Tâm: ly khách, ly khách, con đường nhỏ / chí nhớn chưa về bàn tay không / thì không bao giờ nói trở lại / ba năm mẹ già cũng đừng mong.
Con người ta ngộ vậy đó. Hở chút, xa nhà, là đã cảm thấy mình lạc lõng rồi, cảm thấy mình là “ly khách” rồi. Ly là ly biệt, là xa cách. Khách nghĩa là người lạ. Ly khách nghĩa là người lạ từ chốn xa, người phải xa quê hương. Trong khổ mở đầu, Thanh Nam tự gọi mình là ly khách, và áo não than, sầu nơi xứ người cũng đã được hai năm.
Hai năm, chẳng biết xuân là gì!
****
2.
trôi dạt từ đông sang cõi bắc
hành trình trơ một gánh ưu tư
quê người nghĩ xót thân lưu lạc
đất lạ đâu ngờ buổi viễn du
**
Đông là phương đông. Bắc là vùng tây bắc của nước Mỹ. Thanh Nam trôi dạt từ nơi này đến nơi kia của quả địa cầu. Xa đến thế thì thôi. Đi xa như vậy, mà hành lý mang theo của ông, chỉ duy mỗi một gánh - ưu tư.
Thanh Nam ưu tư gì? Thì ưu tư vận nước, ưu tư gia đình, ưu tư cho chính mình. Ra đi, thương mình một, thương người còn ở lại đến hai, ba. Lại xót xa mỗi khi nghĩ đến mình, rồi đây, thân lưu lạc nơi đất lạ quê người, sẽ ra sao.
Chuyến viễn du này, thật khó để biết, khi nao mới là ngày quay trở lại!
****
3.
thức ngủ một mình trong tủi nhục
dặm dài chân mỏi bước bơ vơ
giống như người lính vừa thua trận
nằm giữa sa trường nát gió mưa
**
Thức ngủ gì thì cũng chỉ một mình. Một mình với những nỗi lo, với những muộn phiền, buồn bã, với cả tủi, cả nhục, khi bỗng dưng mình, gia đình mình, vận đời xô đẩy, nên bước phải lưu vong.
Khác gì đâu người lính vừa thua trận. Giữa sa trường, thân phơi nát gió mưa!
****
4.
khép mắt cố quên đời chiến sĩ
làm thân cây cỏ gục ven bờ
chợt nghe từ đáy hồn thương tích
vẳng tiếng kèn truy điệu mộng xưa
**
Đôi khi, cả tập thơ, người ta chỉ tìm thấy một bài thơ hay. Đôi khi, cả trường thi, người ta chỉ tìm thấy một khổ thơ hay, hoặc một câu thơ hay, hoặc một từ, đột ngột xuất hiện, làm sáng bừng lên, làm rộn rã lên, làm luồng gió mát ban trưa, làm trăng ngời sáng giữa màn đêm u hoài, tăm tối.
Từ mà tôi muốn nói lời khen ngợi, đó chính là từ “truy điệu”. Truy điệu là bày tỏ lòng thương tiếc với người không còn nữa: chợt nghe từ đáy hồn thương tích / vẳng tiếng kèn truy điệu mộng xưa.
Ông đã muốn khép mắt để cố quên đời chiến sĩ, như thân cây cỏ khô, gục ngã ở bên đàng. Nhưng rồi ông: chợt nghe từ đáy hồn thương tích / vẳng tiếng kèn truy điệu mộng xưa.
Mộng xưa không còn, mộng xưa đã chết rồi, và tiếng truy điệu như đang được cất lên, như đang được vọng về, tiếc thương hồn tử sĩ, có tên “mộng xưa”.
****
5.
ơi hỡi quê hương bè bạn cũ
những ai còn ai mất giữa sa mù
mất nhau từ buổi tàn xuân đó
không một tin nhà, một cánh thư
**
Bài Thơ Trên Đất Khách của Thanh Nam thiệt là buồn. Càng đọc, nỗi buồn càng mỗi tăng lên.
Ông gọi tên quê hương, gọi tên bè bạn cũ. Ông hỏi thinh không, chớ ai mất, ai còn. Từ cái tháng vừa tàn mùa xuân ấy, đến nay, ông không một tin nhà, mà cũng chẳng cánh thư.
****
6.
biền biệt thời gian mòn mỏi đợi
rối bời tâm sự tuyết đan tơ
một năm người có mười hai tháng
ta trọn năm dài, một tháng tư
**
Lại là một khổ thơ rất buồn. Buồn đeo đẳng. Buồn dai dẳng. Buồn cứ hoài ở trong lòng. Buồn chẳng chịu đi cho.
Biền biệt nghĩa là biệt tăm, không có tin tức gì cả. Thời gian cứ biền biệt. Và ông, ông cứ mòn mỏi đợi, đợi tin nhà.
Lòng ông rối bời, nôn nao, lo lắng. Một năm, người ta, chỉ có mười hai tháng. Riêng ông, một tháng tư thôi, cái tháng tư vừa qua mùa xuân ấy, sao mà nó dài dằng dặc, dài bằng suốt cả năm.
Một tháng mà như bằng một năm!
****
7.
chấp nhận hai đời trong một kiếp
đành theo giông bão phũ phàng đưa
đầu thai lần nữa trên trần thế
kéo nốt trăm năm kiếp sống nhờ
**
Lại một đoạn thơ rất hay. Hay vì cách ví von của Thanh Nam rất lạ. Ông gọi những tháng năm sống ở quê nhà là một đời, tị nạn ở xứ người là đời kế tiếp. Người ta một kiếp một đời. Còn ông, một kiếp, ngắt ra, làm hai đời, là vậy đó.
Ông đành: chấp nhận hai đời trong một kiếp / đành theo giông bão phũ phàng đưa / đầu thai lần nữa trên trần thế / kéo nốt trăm năm kiếp sống nhờ.
Cái đời thứ hai, giống như chết đi rồi, mà Diêm Vương ổng bảo, chưa tận số, sao lù đù vác xác xuống đây? Rồi cái, ổng úm ba la, thấy mình bay lên trần thế lại. Có điều, Diêm Vương ổng lộn, quăng lên, không nhằm nước Việt mà nhằm qua xứ Mỹ.
Thì thôi, kéo tiếp vậy, cho nốt một trăm năm, cái kiếp sống nhờ!
****
8.
đổi ngược họ tên cha mẹ đặt
tập làm con trẻ nói ngu ngơ
vùi sâu dĩ vãng vào tro bụi
thân phận không bằng đứa mãng phu
**
Cái chỗ: đổi ngược họ tên cha mẹ đặt / tập làm con trẻ nói ngu ngơ, thì dễ hiểu quá rồi, không cần nói thêm làm chi nữa. Giờ thì lo mà sống, lo mà: vùi sâu dĩ vãng vào tro bụi. Vùi sâu những danh giá, những địa vị từng có. Chúng hôm nay, đã tro bụi hết cả rồi.
Ở chỗ này, tôi muốn được nói thêm một chút. Người di tản, họ khác lắm với những người chủ động đi định cư ở xứ người. Đi định cư là sự lựa chọn trong chủ động. Còn di tản, họ bị động. Họ rối ren, họ chẳng còn nghĩ được gì cho thông suốt vào những giờ phút sinh tử ấy. Họ cũng không sẵn anh em bà con để nương nhờ, cậy cục. Ngoài hai bàn tay trắng, khi ra đi, họ chẳng kịp mang theo tài sản nào.
Nên, nếu Thanh Nam có nói: thân phận không bằng đứa mãng phu, nghĩa là, không bằng kẻ ít học, thấp hèn, thì cũng có cái lý của nó, chớ chẳng phải không!
****
9.
canh bạc chưa chơi mà hết vốn
cờ còn nước đánh phải đành thua
muốn rơi nước mắt khi tàn mộng
nghĩ đắt vô cùng giá tự do
**
Rồi ông rầu rĩ: canh bạc chưa chơi mà hết vốn / cờ còn nước đánh phải đành thua / muốn rơi nước mắt khi tàn mộng / nghĩ đắt vô cùng giá tự do.
Quá hay, thơ Thanh Nam quá hay. Câu nào ra câu nấy, không thiếu, không thừa, dầu chỉ là một chữ. Cuộc đời mà ví như canh bạc. Rõ ràng, còn nước đánh, vậy mà phải đành thua. Hay đến vậy, thì thôi.
Không dưng, chỗ này, tôi cũng tặc lưỡi một cái. Mới thấy, cõi đời là cái nơi, không nói gì được trước. Nó đầy rẫy bất ngờ. Và, đầy rẫy, cả những vô lý, khó tin.
Muốn rơi nước mắt, cái cụm từ ấy mới làm ta xúc động làm sao. Muốn rơi nước mắt khi tàn mộng. Biết, chỉ là cơn mộng thôi, một cơn mộng dài, một cơn mộng lớn, mà cũng không tránh được những đau lòng quá đỗi.
Nghĩ đắt vô cùng giá tự do. Để được tự do, như Thanh Nam giờ đây, cũng thiệt là bi ai quá!
10.
bằng hữu qua đây dăm bảy kẻ
đứa nuôi cừu hận, đứa phong ba
đứa nằm yên phận, vui êm ấm
đứa nhục nhằn lê kiếp sống thừa
**
Xứ người, thưa thớt bạn bè. Đã thế, lại mỗi đứa mỗi nơi, mỗi đứa, mỗi hoàn cảnh.
Mà kiểu nào, thì cũng, kiếp sống thừa thôi!
****
11.
mây nước có phen còn hội ngộ
thâm tình viễn xứ lại như xa
xuân này đón tuổi gần năm chục
đối bóng mình ta say với ta.
**
Giọng thơ Thanh Nam vừa cổ điển vừa hiện đại, nên, tuổi nào, đọc thơ ông cũng đặng, giới nào, đọc thơ ông, cũng thấy bóng dáng mình trong đó.
Mây và nước, vốn thứ trên trời, thứ kia ở dưới đất, thế mà, có đôi khi, chúng còn gặp nhau. Còn lũ chúng ta, xưa kia, nơi quê nhà, từng tình thâm, khác gì anh em ruột thịt, bây giờ, lại khó thể thăm nhau. Tết, đứa nào ở nhà đứa đó.
Nên, nhà thơ đành: xuân này đón tuổi gần năm chục / đối bóng mình ta say với ta.
Mình ta, say với ta!
******
ĐÊM CUỐI NĂM UỐNG RƯỢU MỘT MÌNH
1.
Rượu buồn ta rót cho ta
Bạn gần không đến bạn xa chưa về
Rót nghiêng năm tháng vào ly
Mắt nheo bóng xế tay che tuổi buồn
**
Cứ lục bát là tôi thích. Tôi cũng không lý giải được vì sao tôi thích lục bát. Có lẽ, lục bát là một thể thơ, coi vậy chớ khó mà làm hay được lắm. Nhàng nhàng thì nhiều, chớ xuất sắc, ít ai dám vỗ ngực, tự xưng, là tôi.
Thơ Thanh Nam buồn. Cái buồn nằm trong từng con chữ. Cái buồn nằm trong những lúc lên giọng những lúc xuống giọng. Chỉ trong một khổ thơ thôi, mà Thanh Nam dùng đến ba điệp từ “ta”, “bạn”, “buồn”, đủ hiểu, cô đơn lắm, một mình lắm. Luẩn quẩn vào ra, chỉ: rượu buồn ta rót cho ta / bạn gần không đến bạn xa chưa về.
Nhậu một mình, uống một mình, không ai mời, không ai cụng, và cũng chẳng có ai rót cho. Chợt thấy mình già rồi, khi: rót nghiêng năm tháng vào ly / mắt nheo bóng xế tay che tuổi buồn.
****
2.
Rót đầy băng giá cô đơn
Rót thao thức nhớ rót hờn giận quên
Thôi đừng thôi hãy lặng yên
Ngủ ngoan đi nhé cơn điên thuở nào
**
Cũng như thế, ở khổ thơ thứ hai, Thanh Nam vẫn liên tiếp dùng những điệp từ “rót”, “thôi”.
Nỗi một mình, mỗi lúc, mỗi một nhiều hơn. Không chỉ là năm tháng, không chỉ là tuổi buồn, mà, bây giờ, là: rót đầy băng giá cô đơn / rót thao thức nhớ rót hờn giận quên.
Chỉ muốn được nổi giận, chỉ muốn được quên đi, để khỏi hóa điên, những cơn điên của thời tuổi trẻ, nhưng lại sợ tội tình vợ con: ngủ ngoan đi nhé cơn điên thuở nào.
****
3.
Rót ta với bóng cùng nhau
Ngất ngư rót mãi tỉnh vào cơn say
Bốn mươi lăm tuổi rồi đây
Lá xanh còn được bao ngày phù du
**
Cuối cùng, thì cũng tìm được một người bạn, đó là cái bóng. Bèn ân cần với nó: rót ta với bóng cùng nhau / ngất ngư rót mãi tỉnh vào cơn say / bốn mươi lăm tuổi rồi đây.
Say thì say, chớ cũng còn nhớ tuổi mình. Khổng Tử chia cuộc đời người ta làm sáu giai đoạn. Tứ thập nhi bất hoặc. Ngũ thập tri thiên mệnh. Bốn mươi tuổi là cái tuổi chẳng còn những nghi hoặc, bởi trí tuệ đã mở mang. Năm mươi tuổi thì phải biết mệnh trời.
Thanh Nam viết bài thơ này lúc ông bốn mươi lăm tuổi, là cái độ tuổi này đây. Nên, ông mới nói: lá xanh còn được bao ngày phù du.
Phải khen ông, ông Thanh Nam ạ. Bốn mươi lăm tuổi mà thốt được lời như vậy, thì rất đáng để khen.
Cứ như tôi, bốn mươi lăm tuổi, mà lúc nào, cũng ngỡ, đời này dài lắm. Mình vẫn còn, hoài mãi, những ngày mai.
****
4.
Rót đau nhân thế mơ hồ
Nửa khôn ngoan thức nửa rồ dại mê
Nửa đời lăn lóc vòng xe
Rã rời xích chuyển ê chề bánh xoay
**
Biết được cõi này phù du, lại biết được nhân thế rất mơ hồ. Tự nhận mình, khôn ngoan cũng có đấy, nhưng chỉ một nửa thôi, nửa kia, là rồ dại, là ngu ngơ, là mê đắm.
Rồi thì biết đời này vốn chỉ là một vòng xe, mà sợi xích của nó, đã rã rời, mà bánh xoay của nó, đã ê chề lắm nỗi.
Bốn mươi lăm tuổi, viết thơ được như thế, kể cũng chỉ trên đầu ngón tay!
****
5.
Ngó lui hun hút đêm dài
Những xuân đã lánh những đời đã xa
Rót thêm chén nữa mời ta
Cái say như muốn chuyển qua cái sầu
**
Người ta thì ngó tới phía trước, ông Thanh Nam, ổng ngó lui về phía sau, làm tôi nhớ đến Bùi Giáng: xin chào nhau giữa con đường / mùa xuân phía trước miên trường phía sau.
Thì đúng rồi, ông Thanh Nam đây: ngó lui hun hút đêm dài / những xuân đã lánh những đời đã xa.
Thơ lục bát là phải vần, là phải điệu, điệu đàng, điệu bộ, điệu nghệ. Không có những thức điệu ấy, thì, lục bát tiêu tùng
Thanh Nam viết lục bát rất giỏi:
Những xuân đã lánh những đời đã xa
Rót thêm chén nữa mời ta
Cái say như muốn chuyển qua cái sầu
Một loạt xa, ta, qua, “a” mở miệng ra, rồi chúm miệng lại “ầu”, cái sầu!
Giống không, vần điệu của ca dao, của dân ca, của lời mẹ ru, mà chỉ xứ Việt, chỉ nước Việt mới có.
Quá tuyệt. Thanh Nam làm thơ lục bát quá tuyệt. Cái tuyệt nằm ở sự nên thơ. Cái tuyệt nằm ở vần điệu. Cái tuyệt nằm ở hình ảnh tạo nên. Cái tuyệt nằm ở sự liên tưởng.
Liên tưởng về cái chất rất Việt Nam.
Có đến nơi đâu, thì, nguồn gốc, cũng Việt Nam!
****
6.
Bốn mươi lăm tuổi rồi sao
Ngó gương xưa thấy tóc râu rối bù
Trán hằn dăm lũng ưu tư
Cuộc chơi phù thế chừng như mỏi mòn
**
Bốn mươi lăm tuổi, mà đã thảng thốt, rồi sao! Thì phải rồi, hồi xưa, ông Y Vân, ổng từng viết nhạc đó: em ơi, có bao nhiêu, sáu mươi năm cuộc đời.
Giờ, bốn mươi lăm tuổi, là hơn nửa đời người rồi: ngó gương xưa thấy tóc râu rối bù / trán hằn dăm lũng ưu tư / cuộc chơi phù thế chừng như mỏi mòn.
Làm thơ lục bát mà muốn hay, thì không chỉ giỏi vần, giỏi điệu, mà còn phải giàu có cả về từ vựng nữa.
Ông Thanh Nam, ổng đủ cả hai điều ấy!
****
7.
Sóng nhồi thác đẩy mưa tuôn
Đời trôi chảy mãi mộng tròn lần khân
Bốn mươi lăm tuổi quay nhìn
Cái trôi cùng với cái chìm đuổi đeo
**
“Lần khân”, nghĩa là chần chừ, kéo dài nhằm trì hoãn. Lâu lắm, tôi mới lại nghe từ này. Thanh Nam vẻ như rất bối rối với số tuổi quá nửa đời người của mình, nên ông lặp đi lặp lại mãi con số bốn mươi lăm tuổi.
Tôi lại sực nhớ về thời cuộc lúc này, một ngàn chín trăm bảy mươi tư, dầu sôi lửa bỏng. Nên cũng không trách được những lo lắng, những muộn phiền, những âu sầu, mà gần như, lúc ấy, ai cũng hệt.
****
8.
Tiếc gì trận gió thu reo
Tóc xanh phơ phất chạy theo mộng vàng
Hỏi ta ngày xế năm tàn
Rượu buồn sao chẳng rót tràn xót thương
**
Tóc còn xanh mà mộng đã vàng, rồi, ngày xế năm tàn. Những ý đối, những vế đối, những từ đối trong thơ của Thanh Nam, liên tục xuất hiện. Gần như trong toàn bài thơ, không chỗ nào mà ông không sử dụng phép đăng đối .
Thế nên, thơ ông buồn nhưng đọc không chán, thơ ông sầu nhưng đọc không ngán, là nhờ những cấu trúc đăng đối, khiến đọc lên, nghe chữ rất giòn, rất sinh động.
****
9.
Ngủ say mai sớm lên đường
Đấu trường lại múa dăm đường võ quen
Ta ru ta khúc ưu phiền
Ngủ ngoan đi nhé, cơn điên thuở nào.
**
Buồn mấy thì cũng phải sống. Sầu mấy, thì cũng phải đối diện. Đối diện với cuộc đời. Đối diện với đấu trường cơm áo, mà mỗi thế võ sai, là mỗi lần trượt vào lằn sinh tử.
Ngủ cho say. Tự mà ru mình đi. Lại nhớ câu của ông Trịnh Công Sơn, ổng viết: ru từng chiếc bóng, lênh đênh vào giấc ngủ ngon.
Cho tôi tay gối mong manh!
******
KẾT
Thơ Thanh Nam hiền. Nói một cách khác, thơ ông thuần hậu, nhẹ nhàng. Chỉ xót xa, đau đớn, ngậm ngùi, chớ không hằn học, căm ghét hay thù hận.
Thơ không lên giọng dạy đời, chỉ bảo, cũng không xuống giọng rên rỉ, khóc than. Thơ Thanh Nam không cường điệu, không thương vay khóc mướn, và cũng chẳng làm bộ làm tịch. Thơ ông không giả tạo, lại càng không kịch tính.
Thơ ông không đỏm dáng. Nó lành như cuộc đời ông. Và, buồn như cuộc đời ông. Một kiếp hai đời, chỉ vỏn vẹn năm mươi tư năm, ngắn ngủi!
Sài Gòn 03.04.2024
Phạm Hiền Mây
lượm của Mây về