Người về qua cõi phù vân ... Nghiêng vai trút gánh phong trần bỏ đi...

Lục Sơn Thanh Khê
ĐÀN BÀ ĐÃ CŨ…
Lão Phật gia

Ta yêu em người đàn bà đã đi qua giông bão cuộc đời
Ngoài bốn mươi em có nhiều hơn những gì người con gái có
Chẳng nhẹ dạ, cả tin, non nớt làm cô gái nhỏ
Dựa dẫm vào ta ao ước chuyện lâu bền.

Nuốt đủ khổ đau nên lòng vơi bớt niềm tin
Trái tim khó mủi lòng trước những hão huyền thằng đàn ông ưa nói
Chỉ âm thầm lắng nghe và lặng thinh chờ đợi
Buột miệng thương nhưng ngăn yêu nhớ biết cầm chừng.

Thì ra những người đàn bà đã cũ trái tim như gió ngoài sân
Muốn bay thật xa nhưng hãi sợ vùng trời ngoài kia đỏ máu
Muốn dốc lòng ra yêu thương lại sợ tình như cuộc nhậu
Người ta nhanh no say chếnh choáng bỏ rơi mình.

Ta yêu em người đàn bà đã nếm đủ nhục vinh
Dối lừa hay chân thành em đều tường tận
Ngoài bốn  mươi chẳng thể dễ dàng lệ ngấn
Em kiên cường hơn người ta.

Yêu em rồi mới biết son trẻ, mĩ miều, đẹp xinh rồi cũng phôi pha
Chỉ có trái tim đàn bà càng tổn thương lại càng mê hoặc
Nhưng sợ lắm em ơi! Nhỡ đâu thằng đàn ông trong ta phản trắc
Biết em yêu quá rồi … lại hớn hở huênh hoang !!!

[Image: CBF12-C37-617-F-477-E-ADC6-021-F817-A5-C67.jpg]
Kiếp luân hồi có sinh có diệt
Đời vô thường giả tạm hư không
Ngũ uẩn: “Sắc bất dị không”
An nhiên tự tại cho lòng thảnh thơi.
-CT-

願得一心人,
白頭不相離.
Reply
(2022-01-13, 11:00 PM)Lục Tuyết Kỳ Wrote: [Image: CBF12-C37-617-F-477-E-ADC6-021-F817-A5-C67.jpg]


  Ể, cái vụ "mỉm cười với ai đó" nên thận trọng nha vahidrk1 . Đừng theo gương bà Cẩm Nhung.  Shy   ( :đùa: )
[Image: K6bu1Jw.png]
Reply
(2022-01-13, 11:20 PM)005 Wrote:   Ể, cái vụ "mỉm cười với ai đó" nên thận trọng nha vahidrk1 . Đừng theo gương bà Cẩm Nhung.  Shy   ( :đùa: )

Lol

Dạ mỉm cười với co bé bán diêm mà ngũ ca.  😂
Kiếp luân hồi có sinh có diệt
Đời vô thường giả tạm hư không
Ngũ uẩn: “Sắc bất dị không”
An nhiên tự tại cho lòng thảnh thơi.
-CT-

願得一心人,
白頭不相離.
Reply
CÁI GIÁ CỦA SỰ TỨC GIẬN

Tự bạn giận bạn, điều ấy là vô nghĩa. Bạn nổi giận với kẻ xấu xa và muốn bất chấp đòi công bằng, nhưng bạn có thể bị kẻ xấu đó "phản đòn", rồi chính mình thiệt hại. Bạn nổi giận với bạn bè, họ sẽ rời xa bạn. Bạn nổi giận với người ruột thịt, với bạn đời, họ tổn thương, khổ đau, bạn cũng chẳng hạnh phúc gì. Suy cho cùng, chỉ có bạn thiệt thòi nhất mà thôi.

Khi tức giận, con người thường không kiểm soát được lời mình nói, cách mình hành động. Thậm chí, vì nóng giận, nhiều người rơi vào cảm xúc tiêu cực, hành động mất trí, làm đau bản thân, làm đau những người xung quanh. Khi tức giận, chúng ta quên đi mọi hậu quả, mọi nguyên nhân, mà chỉ muốn xả cơn nóng giận trong mình. Hậu quả là, tự bản thân gây ra những chuyện mà sau đó chính mình phải hối hận.

Dân gian có câu: Nếu bạn đúng thì không cần phải tức giận. Nếu bạn sai, thì bạn không có tư cách để nổi giận. Thế nên, dù ở tình huống nào, hãy cố gắng bình tĩnh và đừng nóng nảy một cách không kiểm soát, bởi hậu quả sẽ khôn lường.

Lượm

[Image: 75-C9-C4-DF-8743-4-D20-9-CC2-94-A5280-FCD07.jpg]
Kiếp luân hồi có sinh có diệt
Đời vô thường giả tạm hư không
Ngũ uẩn: “Sắc bất dị không”
An nhiên tự tại cho lòng thảnh thơi.
-CT-

願得一心人,
白頭不相離.
Reply
Càng trưởng thành, con người ta càng tiến dần về sự đơn giản và càng đơn giản thì càng hạnh phúc.

Sự đơn giản đó là khi người ta không còn thích đến những nhà hàng sang trọng, lộng lẫy để “check-in” một cái cho bằng bạn bằng bè, họ thích ở nhà tự nấu nướng.

Đó là khi người ta không còn thích đến rạp xem phim để xếp hàng coi cho bằng được một bộ phim đang hot, dư luận đang ồn ào, họ nằm nhà, chọn một bộ phim sau khi xem kỹ nội dung, và nghiền ngẫm trọn vẹn bộ phim bằng cảm xúc chân thật nhất.

Đó là khi người ta không còn thích đến những nơi đông đúc để thấy mình lạc lõng, họ thích trở về nhà, một mình mà không cô độc, một mình mà yên vui.

Đó là khi người ta không còn quá bận tâm đến xu hướng, đến sự nổi bật. Thay vì chọn một phong cách lòe loẹt, rườm rà, họ yêu thích sự giản tiện.

Đó là khi người ta thay vì nói oang oang về bản thân trong đám đông, cố chấp gạt bỏ những cái tôi khác, họ chọn cách lắng nghe, quan sát và ngồi lặng lẽ một mình.

Họ dành nhiều nụ cười hơn sự cáu kỉnh, bực tức, họ chọn tha thứ hơn thù hận và cảm thông hơn hờn trách.

Họ vui vì đã chạm tới sự đơn giản không phải vì sự kỳ vọng cho bản thân mình trở thành một phần đặc biệt của cuộc sống.

Có bao nhiêu người đã chọn lựa một cuộc sống lặng lẽ, thu mình, không ồn ào, nhưng không cô độc?

[Image: 17871-AC3-BCD8-49-C3-9-F62-1026-A8-B1-A53-D.jpg]
Kiếp luân hồi có sinh có diệt
Đời vô thường giả tạm hư không
Ngũ uẩn: “Sắc bất dị không”
An nhiên tự tại cho lòng thảnh thơi.
-CT-

願得一心人,
白頭不相離.
Reply
Đỉnh cao nhất của tâm thái con người không phải là vô dục vô cầu, mà là hiểu được hai chữ “BÌNH THẢN”.

Để đạt được 2 chữ “bình thản” khó gấp trăm vạn lần “đi tu”.

Người bình thản là vẫn yêu thương say đắm, nhưng nếu có mất mát lòng vẫn có thể bình thản xem như đó là định luật hợp tan của cuộc sống.

Người bình thản là vẫn làm việc chăm chỉ, mưu cầu hạnh phúc, nhưng không vì tiền mà làm trái đạo đức, trái lương tâm.

Người bình thản là ăn uống chỉ cần no bụng, không cầu kỳ, đòi hỏi, không ăn chay, không ăn mặn, có gì ăn đó. Có ăn là được.

Người bình thản khi gặp việc trái ý, không giận dữ, không tuyệt vọng, không nản chí. Họ chỉ thản nhiên xử lý hết khả năng. Nếu không được, thì buông, xem như đã hết duyên với việc cần làm.

Người bình thản, sống đơn giản, quần áo, mọi thứ có gì mặc đó, hợp hoàn cảnh, lịch sự không làm cho bản thân khó chịu, không ảnh hưởng đến người xung quanh là được.

Người bình thản thấy việc tốt thì làm, làm tất cả những việc trong tầm tay, không nhất thiết chạy theo từ thiện hay làm người tốt. Chỉ cần những việc rất nhỏ như bỏ rác đúng chỗ, lên tiếng khi thấy bất công, ngăn cản việc xấu. Và khi đã làm hết sức, không được cũng không cần quá cố gắng ép bản thân.

Lượm

[Image: C115-C7-AC-38-DE-4-A42-A320-DB937-AE0-CFFA.jpg]
Kiếp luân hồi có sinh có diệt
Đời vô thường giả tạm hư không
Ngũ uẩn: “Sắc bất dị không”
An nhiên tự tại cho lòng thảnh thơi.
-CT-

願得一心人,
白頭不相離.
Reply
ÂM LƯỢNG TRONG LỜI NÓI THỂ HIỆN SỰ HÀM DƯỠNG CỦA CHÍNH BẠN!

Một người có thể ăn nói nhẹ nhàng, khoan thai, biết tiết chế cảm xúc của mình sẽ dễ dàng nhận được thiện cảm của mọi người. Âm lượng trong lời nói sẽ phản ánh nội tâm của bạn, người có trình độ giáo dục càng cao, càng chú trọng cư xử văn minh, càng để ý đến giọng mình khi nói chuyện. 

Có 2 môi trường thường khiến con người khó chịu đựng nhất, một là mùi hôi, hai là tạp âm. Bất luận là xe cộ đông nghịt hay là tiếng trò chuyện ồn ào xung quanh, đều là yếu tố làm cho con người cảm thấy khó chịu. 

Nhà văn Lương Thực Thu từng nói: “Một người nói chuyện lớn giọng, là bản năng; nói chuyện nhỏ giọng, là văn minh”. Kiểm soát âm lượng là thể hiện sự tôn trọng người khác, cũng là sự tu dưỡng của chính mình. 

1. Lớn giọng không phải là sức mạnh 

Trên các trang mạng từng đưa ra một chủ đề bàn luận: “Âm thanh mà bạn không thể chịu được nhất là gì?” Có người trả lời: “Chỉ cần ai nói chuyện lớn tiếng là tôi đều không muốn nghe, bởi vì tôi thấy sợ. Người khác vừa cất tiếng, tôi vô thức đã muốn bỏ trốn, bởi vì trong đầu tôi toàn là hình ảnh mẹ lớn tiếng la mắng tôi từ nhỏ đến lớn. Tôi từng nghi ngờ mẹ không thương mình, thậm chí ghét bỏ mình, nếu không thì tại sao luôn lớn tiếng với tôi?” 

Âm lượng và cảm xúc có quan hệ trực tiếp với nhau, khi âm lượng bỗng nhiên thay đổi, đa phần đều là đã xảy ra chuyện gì khiến người ta không vui. 
“Thùng rỗng thường kêu to”, có người cảm thấy nói chuyện hung hăng lớn tiếng thì người khác mới nghe theo, họ cũng mới cảm thấy vừa lòng. Thực ra không phải, loại người miệng hùm gan sứa mới hay dùng âm lượng để che giấu sự tự ti của mình. 

2. Âm lượng nói chuyện cũng thể hiện nội tâm của bạn 

Âm lượng nói chuyện phản ánh nội tâm của bạn, nói năng nhỏ nhẹ, càng thể hiện được sức mạnh dịu dàng. 

Khoảng thời gian trước, có người bạn trung cấp kết hôn, cô ấy nói thích anh ta, nguyên cớ là từ một cú điện thoại. Lúc đó hai người vẫn chưa quen biết, cùng tham gia tiệc sinh nhật của một người bạn chung, lúc về vừa khéo cùng đường nên đi chung một chuyến taxi. 

Trên đường đi, anh ấy nhận được một cuộc điện thoại, lúc nói chuyện rất dịu dàng, rành mạch, cúp máy rồi mới biết thì ra là gọi cho mẹ báo an toàn.
Khi đó người bạn của tôi trong lòng nảy sinh thiện cảm, cô ấy nói với chúng tôi: “Lần đầu tiên nghe thấy một người đàn ông nói chuyện điện thoại nhẹ nhàng như vậy, quan trọng là với người nhà của anh ấy, mẹ ai mà chẳng hay càm ràm, vậy mà anh ấy vẫn nói chuyện nhẹ nhàng suốt gần 15 phút. Khẳng định là người này hiếu thuận, tính tình điềm đạm”.

Ở chung vài năm, mới phát hiện cách anh ấy đối xử với mọi người, quả thật giống với cách anh ấy nói chuyện, tinh tế rành mạch, ổn định đáng tin.
Nói chuyện lớn giọng ở nơi công cộng, tán dóc chuyện riêng ồn ào, là biểu hiện không tôn trọng người khác, không chỉ làm phiền người khác, đồng thời còn ảnh hưởng đến bầu không khí giao tiếp.

Ở nơi công sở nói chuyện to tiếng, làm ảnh hưởng đến sự nghiêm túc, làm giảm hiệu suất công việc, còn làm cho đồng nghiệp cảm thấy bạn là người ngả ngớn, thiếu trầm ổn, làm việc không chắc chắn.

Nói chuyện to tiếng với bạn bè hoặc người thân, dễ gây ra hiểu lầm về thái độ, ảnh hưởng đến tình cảm đôi bên.

Người ôn hòa lương thiện, trước giờ nói chuyện không nhanh không chậm, thong dong thoải mái. Giọng và âm lượng phản ánh nội tâm của bạn, nói năng nhẹ nhàng tựa mưa thuận gió hòa, tưới nhuần những lạnh lẽo của thế gian.

3. Âm lượng của bạn thể hiện sự hàm dưỡng

Paul Fussel nói trong cuốn “Style” viết: “Vợ chồng ngài Blue thường la hét nhau, â m thanh xuyên qua những căn phòng; còn nhà ngài White thì kiểm soát được âm lượng của mình, có lúc còn nói quá nhỏ không nghe thấy được.”

Ngài Blue và ngài White ở đây là công nhân (áo màu xanh lam) và trí thức (áo màu trắng), Paul Fussel dùng âm lượng để phân tích sự khác biệt giữa hai giai tầng.

Một vị giáo sư đại học Thanh Hoa đã từng nói, lúc ông ở trong ký túc xá đại học Thanh Hoa, suốt vài năm trời không hề nghe thấy âm thanh tranh cãi hoặc người ta lớn tiếng với nhau. Sau khi chuyển đến thuê trọ ở một căn nhà, ông kinh ngạc phát hiện ra, mỗi ngày đều có thể nghe thấy người nhà nói chuyện to tiếng hoặc cãi lộn như bị thần kinh.

Người có trình độ giáo dục càng cao, càng chú trọng cư xử văn minh, càng để ý đến giọng mình khi nói chuyện.

Nhà văn Hồ Thích từng chia sẻ, bản thân ông có một người mẹ tốt, từ nhỏ đã từng chút một dạy ông về đối nhân xử thế, giúp ông học được cách thông cảm và khoan dung. Người mẹ nói chuyện nhẹ nhàng mềm mỏng, chính là tấm gương tốt nhất của ông. Cho nên sau này ông dù có gặp phải mâu thuẫn hay xích mích gì, đều có thể nhẹ nhàng hóa giải.

Âm lượng là một phần của quy ước xã giao, mà mục đích của quy ước xã giao là làm mọi người xung quanh đều cảm thấy thoải mái, đối xử với mọi người nhã nhặn, hạ giọng nói chuyện, chính là điểm mấu chốt trong hành vi của người cao quý.

Có người nói: “Nếu như bạn cho rằng càng ngày càng lạnh nhạt nghĩa là đã trưởng thành, kỳ thực không phải vậy, trưởng thành là trở nên dịu dàng, đối xử dịu dàng với cả thế giới”. Âm lượng chính là sự tu dưỡng của bạn, giảm âm lượng xuống chính là sự dịu dàng của bản thân.

TT

[Image: download-1.jpg]
Kiếp luân hồi có sinh có diệt
Đời vô thường giả tạm hư không
Ngũ uẩn: “Sắc bất dị không”
An nhiên tự tại cho lòng thảnh thơi.
-CT-

願得一心人,
白頭不相離.
Reply
Bàn về chữ 《安》”An” – Phụ nữ trong nhà, bình yên mọi nẻo !

Người xưa nói, phụ nữ trong nhà thì “An”. Chữ “An” trong chữ tượng hình gồm bộ “miên” 宀 (chỉ mái nhà) và bộ “nữ” 女 (chỉ người phụ nữ) kết hợp với nhau tạo thành “An”. Cổ nhân muốn nói “phụ nữ ở trong nhà thì An“

Đầu tiên theo đúng nghĩa đen của chữ, phụ nữ ở trong nhà sẽ được bảo hộ bình an.

Trong Văn hóa Phương đông, người xưa coi trẻ con và phụ nữ là “tiểu nhân”, không phải để nói về tính cách hay đạo đức, mà để diễn đạt về hình thể. Trẻ em và phụ nữ là những đối tượng bé nhỏ, cần được bảo vệ. Thế nên, “phụ nữ ở trong nhà sẽ có được an toàn”. Việc bảo vệ và chăm lo được cho người phụ nữ của mình là trách nhiệm mà người đàn ông phải đảm đương. Phụ nữ chỉ cần bình an sống trong nhà, chăm sóc gia đình là được.

Tiếp theo, trong nhà có phụ nữ thì sẽ bình an.

Ở đây là nói đến vai trò của người vợ, người mẹ trong gia đình. Khi có mẹ ở cạnh bên con cái sẽ được giáo dưỡng tốt hơn, lớn lên trong sự an toàn bởi có mẹ luôn kề bên. Có mẹ ở nhà con cái sẽ được yêu thương, được quan tâm chăm sóc. Đây chính là “dưỡng”. Đồng thời, người mẹ còn là người nắm giữ lề lối gia phong, lấy tình yêu của bản thân mà hướng dẫn con cái đến những điều tốt đẹp, dạy dỗ con hướng đến những giá trị đạo đức cao cả. Đây chính là “giáo”.

Không chỉ thế, khi mẹ ở cạnh con, thế giới tinh thần của đứa trẻ cũng phát triển vô cùng bình ổn. Người xưa nói “yêu thương như mẹ” là vì vậy. Đó không chỉ là tình cảm đơn thuần, vô điều kiện, mà còn là sự lý trí của người mẹ khi lấy tình cảm để giáo huấn con cái trưởng thành. Vì thế, đối với tất cả những người con, mẹ ở trong nhà sẽ được bình an là vậy.

Người chồng trong xã hội cũ mang trách nhiệm chăm lo đời sống vật chất đối với gia đình, trách nhiệm với xã hội. Cho nên, chồng là người đối ngoại, vợ là người đối nội. Chồng là trời, vợ là đất, trời là dương, đất là âm. Trong gia đình cần âm dương hòa hợp. Có thể thấy, có sự phân vai hết sức rõ ràng trong cấu trúc gia đình truyền thống. Thế nên, người vợ ở trong nhà khiến người chồng yên tâm ra ngoài làm việc. Anh ta không phải lo lắng cho con, cho cha mẹ già trong nhà nữa. Vì đã có người vợ thay anh ta làm điều đó. Đồng thời, gia tài cũng được quản lý sát sao vì đã có vợ ở nhà. Thế nên, vợ ở trong nhà là bình yên như vậy đó.

Lượm

[Image: 3-E72-A54-A-F7-C0-4-A85-B38-F-D24-F046785-CC.jpg]
Kiếp luân hồi có sinh có diệt
Đời vô thường giả tạm hư không
Ngũ uẩn: “Sắc bất dị không”
An nhiên tự tại cho lòng thảnh thơi.
-CT-

願得一心人,
白頭不相離.
Reply
VĂN TẾ 74 TỬ SĨ TRONG TRẬN HẢI CHIẾN HOÀNG SA NGÀY 17 – 19.01.1974
Tác giả: Nguyễn Phúc Vĩnh Ba

Hỡi ơi!
Nhẹ tựa lông hồng,
Nặng tày non Thái.

Những cái chết đã đi vào quốc sử, con cháu nghe mà xót dạ bàng hoàng,
Bao con người vì gánh vác giang sơn, cây cỏ thấy cũng chạnh lòng tê tái.

Anh linh kia hoài phảng phất thiên phương,
Chính khí đó sẽ trường tồn vạn tải.

Mới hay,

Giòng giống Việt luôn còn nòi nghĩa dũng, thịt tan xương nát sá chi,
Trời đất Nam đâu thiếu bậc anh hùng, máu đổ thây rơi nào ngại.

Kính các anh vị quốc thân vong
Bày một lễ thâm tình cung bái.

Nhớ các anh xưa,

Tuổi trẻ thanh xuân,
Khí hùng chí đại.

Thời binh hỏa đâu màng gì nhung gấm, chọn tri âm tri kỷ chốn sa trường,
Thuở can qua há tiếc chút bình an, nguyền báo quốc báo dân nơi hiểm ải.

Một tấc đất vẫn là cương thổ, ông cha xưa bao đời gầy dựng, sao cam lòng để vuột mất đi.
Dăm hòn đảo ấy vốn bản hương, anh em nay mấy độ canh cày, quyết tận sức ra gìn giữ mãi.

Từ Chúa Nguyễn sách văn[1] chép rõ, nhân dân Nam từng khai thác làm ăn,
Đến Pháp Thanh công ước[2] còn ghi, chủ quyền Việt chẳng luận bàn tranh cãi.

San Francisco hội nghị[3], mừng biết bao, thấy thế giới đồng lòng,
Việt Nam Quốc gia chính quyền[4], vui xiết kể, đón sơn hà trở lại.

Thế nên,

Đất cát ông cha thì phải giữ, dẫu mũi tên hòn đạn không sờn,
Núi sông tiên tổ sao chẳng gìn, mặc ăn gió nằm mưa chi nại.

Trùng dương sóng dữ, mập mờ thuyền viễn thú, thân trai há sợ kiếp gian nan,
Hải đảo gió cuồng, vời vợi biển quê hương, vai lính thêm bền lòng hăng hái.

Hội khao lề lại trống chiêng bi tráng, tiễn người đi mờ bóng cuối chân trời,
Nơi quê nhà đành con vợ u buồn, thương kẻ đợi trông buồm về trước bãi.

Có ngờ đâu,

Giặc ác hiểm quen tuồng xâm lược, máu tham tàn không giấu kín ý gian,
Ta hiền lương chuộng đạo hiếu hòa, tình hữu nghị có đâu ngoài lẽ phải.

Địch thả câu nước đục, hai ba lần chiếm đảo[5], xây đồn đắp lũy đó đây,
Chúng luồn gió bẻ măng, bốn năm dạo lên bờ, dựng trại cắm cờ lải rải.

Ngày 16 Quang Hòa, Hữu Nhật[6],… giặc đã nuốt tươi,
Đến 17 Duy Mộng, Quang Ảnh [6],.. chúng đang xơi tái.

Lửa hờn bốc tận thanh vân.
Khí uất tràn đầy thương hải.

Ghìm máu nóng, thông tin bằng quang hiệu, giặc cứ ngang tàng,
Hạ quyết tâm, biệt hải tiến vào bờ, ta ôm thất bại.

Không nản chí, Thường Kiệt, Nhật Tảo băng băng pháo đạn xông pha,
Chẳng dùi lòng Bình Trọng, Khánh Dư[7] né né tiễn lôi lèo lái.

Vẳng đôi tai còn nghe khúc “Thuật Hoài”[8]
Bừng con mắt đà thấy câu “Trung Ngãi”[9]

Thế nhưng,

Lực bất tòng tâm,
Thiên dung vô lại[10].

Giặc đã nhiều chuẩn bị, nào tảo lôi, nào liệp đỉnh, tàu nhiều quân bộn giàn hàng,
Ta mất thế thượng phong, này sóng dữ, này đá ngầm, biển rộng đường xa phải trải.

Phía chếch đông tàu Mỹ đứng mà nhìn,
Phương chính bắc hạm Tàu nằm sắp phái.

Dù như thế ta vẫn quyết thư hùng
Có ra sao mình cứ liều sống mái.

Đùng đoành trọng pháo nổ thấp cao,
Sàn sạt hỏa tiễn bay trái phải,

Ngụy Văn Thà[11] trúng thương trước ngực, máu anh hùng đẫm ướt chiến y,
Lý Thường Kiệt[12] lãnh đạn ngang hông, nước đại hải ngập đầy buồng máy.

Khói mù tàu giặc cháy bốc lên,
Pháo nổ thuyền mình câu vọng lại.

Thương ơi!

Thế lực không cân
Thời cơ cũng trái.

Bảy tư người bỏ mình vì nước, biển sâu ký gởi thân phàm,
Cả bốn tàu trúng pháo quân thù, bờ cạn lui về gác mái.

Cờ quốc gia phủ người ra trận, toàn quân dân uất ức trẻ như già
Vành khăn tang chít tóc đang xanh, bao thân quyến nghẹn ngào trai lẫn gái.

Công các anh,

Tổ quốc thề không quên,
Toàn dân nguyền nhớ mãi.

Chống ngoại xâm là truyền thống muôn đời
Giữ lãnh thổ vốn luân thường vạn đại.

Máu tử sĩ sẽ nuôi khôn dân tộc, mau kiên trì giành lại giang sơn,
Xương anh linh rồi nung chín hùng tâm, sớm quyết liệt san bằng oan trái.

Nước cường thịnh khi dân biết kết đoàn,
Dân phú túc lúc người luôn thân ái.

Hôm nay.

Sơ sài lời điếu câu văn,
Đạm bạc chùm hoa dĩa trái.

Xót uy linh, xin tượng tạc bia xây,
Tỏ thâm tạ, khiến dân quì quan vái.

Mong các anh siêu độ tái sinh,
Cầu đất nước dân an quốc thái.

Hỡi ơi!

Xót xa tiếng mất ý còn,
Tha thiết lòng phơi ruột trải.

Hồn có linh thiêng
Niệm tình thụ bái.

Huế, ngày 18.01.2014
Nguyễn Phúc Vĩnh Ba

[Image: 3-E54449-C-55-D2-44-C6-9710-C3-C69-CFCAF40.jpg]
Kiếp luân hồi có sinh có diệt
Đời vô thường giả tạm hư không
Ngũ uẩn: “Sắc bất dị không”
An nhiên tự tại cho lòng thảnh thơi.
-CT-

願得一心人,
白頭不相離.
Reply
Tử sĩ Hoàng Sa
Viết Lên Trời Xanh

Ngày mai 19-1-2022 là đúng 48 năm Trung Cộng chiếm Quần Đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Quần Đảo này nằm trong vùng Lãnh Thổ của Nước Việt Nam Cộng Hòa, sau khi Hiệp Định Geneve 1954 được ký kết,chia đôi hai miền Nam - Bắc.

Mặc dù phải đương đầu với sự tấn công của cộng sản Bắc việt, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, vẫn phải chia quân ra để bảo vệ quê hương,khi tàu cộng  đem quân chiếm Hoàng Sa.

Trong khi đó, bọn cộng sản bắc việt, làm ngơ trước lời kêu gọi của chính phủ  VNCH:

Hãy vì Đất Nước Việt Nam  mà lên tiếng phản đối sự xâm lăng của bọn tàu cộng. Nhưng bọn cộng sản bắc việt im lặng.
Suốt 48 năm qua, nhà cầm quyền CSVN đã không thành thật trong việc nhìn nhận sự thật của Lịch Sử.

Sự thật đó là:
Để bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ.

Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã tuân lệnh của cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu : Chiến Đấu Gìn Giữ Giang Sơn
Mặc dù trận đánh không cân sức này đã đưa đến một kết quả bi thảm, nhưng hùng anh cho nòi giống Việt.

74 người con yêu của nước Việt nối tiếp giòng lịch sử của tiền nhân  đã lấy máu mình để tô đậm thêm trang sử Việt trong công cuộc chống ngoại xâm.

Trải  qua bao nhiêu thế hệ, có những người dân Việt ngày hôm nay tuổi đời hơn 50, sống dưới chế độ cộng sản, cũng chưa bao giờ được giảng dạy hay biết gì về trận chiến này.
Những năm gần đây, khi Trung Cộng hung hăng muốn độc chiếm biển Đông, mà trọng tâm là Quần Đảo Trường Sa ,cũng thuộc về nước Việt,  thì mới thấy lai rai những bài viết xuất hiện trên báo chí trong nước.

Đặc biệt vài năm trước đây, thì hai tờ báo Tuổi Trẻ Và Thanh Niên đã có đăng những bài viết, công tâm mà nói ,nó rất gần sự thật.Nhưng không phải là sự thật.
Tên tuổi của 74 Tử Sĩ trong trận chiến giữ nước ở Hoàng Sa, cũng được cập nhật điều chỉnh rõ ràng.
Một điểm son cho hai tờ báo đó.

Bỏ qua những suy đoán về mục đích chính trị của hai tờ báo này, hay nói thẳng ra  là của đảng csvn, thì cũng xin thưa rằng,cái thích thú nhất là khi đọc phần phản hồi của đa số độc giả ở trong nước khi đọc bài viết, có người họ nói thế này.

"Cám ơn, đã đăng bài này, thật sự khi đọc về trận chiến này, tôi không ngăn được giòng nước mắt".
Và nói chung trong hàng trăm phản hồi chỉ lẻ tẻ vài ý kiến cực đoan giáo điều cộng sản.

Thế mới hay rằng, không có chuyện gì che đậy mãi được dưới ánh mặt trời.Dòng máu chống tàu vẫn còn luân chuyển trong huyết quản của người Việt Nam.

Cũng xin thưa thêm với các bạn, những người trẻ hơn tôi :
Miền Nam Việt Nam ngày xưa khi dùng những câu để tỏ lòng biết ơn những người xả thân vì Tổ Quốc thì dùng bốn chữ:
Tổ Quốc Tri Ân hay Tổ Quốc Ghi Ơn, chứ không phải là Tổ Quốc Ghi Công, như bọn cộng sản.

Bởi vì theo quan niệm của người Việt Nam :  Những người liều thân , để gìn giữ  giang sơn gấm vóc, hay giành  lại quê hương từ bàn tay của kẻ xâm lăng, thì khi họ
       VỊ Quốc Vong Thân  
đất nước nợ  ơn của họ. Cái ơn dám chết để dân tộc sống còn.

Miền Nam trước năm 1975 , có rất nhiều Quân Trường để đào tạo những người Lính thuộc mọi Binh Chủng.
Hai Quân Trường nổi tiếng nhất vùng Đông Nam Á thời đó là Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, và Trường Võ Khoa Thủ Đức..

Cái đặc biệt của hai quân trường này là:
Trước khi một người thanh niên bước qua cổng trường Võ Bị Đà Lạt, để thụ huấn, thì Họ phải bước qua một cái cổng gọi là Cổng Nam Quan, như một nhắc nhở cho họ về nỗi Hận Nam Quan.

Nguyễn Phi Khanh ,đã nói với con mình là Nguyễn Trãi :
" Về đi, về mà lo trả thù nhà, nợ nước, chứ theo ta khóc lóc để làm gì "
Và đêm mãn khóa ra trường , để trở thành những Sĩ Quan ,đi khắp mọi miền đất nước .

Các Tân Sĩ Quan của quân trường Võ Khoa Thủ Đức,  đều chứng kiến những người bạn mình đứng gác suốt đêm ở Trung Nghĩa Đài. Những người Lính bồng súng đứng nghiêm suốt đêm, để tưởng nhớ những người đàn anh đã hy sinh đền nợ nước.
      Hồn Tử Sĩ Gió Ù Ù Thổi.

Đêm Truy Điệu trước ngày mãn khóa của trường Võ Bị Đà Lạt  đều có những màn kịch lịch sữ, hay một bài văn tế , ghi nhận công ơn của tiền nhân, như một ý nhắc nhở chung cho những người trai thế hệ:
          Tổ Quốc Trên Hết.

Là quân nhân, không phục vụ cho bất cứ chế độ hay đảng phái nào hết,  mà chỉ phục vụ cho Tổ Quốc, cho nên câu châm ngôn của Quân Lực VNCH là:
      Tổ Quốc_Danh Dự_Trách Nhiệm.

Dòng lịch sử oai hùng của nước Việt, đã được viết tiếp bằng máu của những người trai thế kỷ 20.

Những người Lính Việt Nam Cộng Hòa
Nền giáo dục nhân bản, khai phóng, tự hào dân tộc, của miền Nam Việt Nam, đã sản sinh ra những người công dân ưu tú như Họ.
Dám Sống Và Chết Cho Quê Hương Tồn Tại.

Cố Hải Quân Trung Tá Ngụy Văn Thà, Hạm Trưởng Nhật Tảo,  trước khi nhận lịnh nổ súng ,đã ban huấn lịnh cho tất cả quân nhân các cấp :
🍀❤Các anh em chiến hữu , chút nữa đây, chúng ta sẽ phải đương đầu với một nhiệm vụ sanh tử, có thể vô cùng nguy hiểm nhưng chúng ta sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ non sông.
Tôi chúc các anh em may mắn.
Bây giờ thì ai trở về nhiệm sở của người đó.                

      Chúng Ta Đi Đền Nợ Nước
Và các anh đã vĩnh viễn đi vào lòng đại dương Đất Mẹ.

Xin hảy ngủ yên những người con yêu của Mẹ Việt Nam
        Tử Sĩ Hoàng Sa.
     Tổ Quốc Ghi Ơn Các Anh.
Đàn Em Kính Vọng Tưởng Linh Hồn Quý Anh.
Chào Tay...Chào.

Don Nguyễn

[Image: 272119191-2960628297582131-4871654810138870963-n.jpg]
Kiếp luân hồi có sinh có diệt
Đời vô thường giả tạm hư không
Ngũ uẩn: “Sắc bất dị không”
An nhiên tự tại cho lòng thảnh thơi.
-CT-

願得一心人,
白頭不相離.
Reply
Cuộc đời này, học hai chữ bình thản là điều không phải dễ. Sống với điều này, lại càng khó khăn hơn.

Thật ra nói hay viết về một tấm lòng bình thản, giữa chốn chợ đời nhiễu nhương thì không khó.

Nhưng rồi một kẻ ngốc làm sai tính toán của bạn. Một người tự nhiên đến chửi thẳng vào mặt bạn. Những ánh mắt nghi kỵ, những ý nghĩ không tốt về bạn...Những điều đó có thể bất chợt xảy đến với bạn. Lúc đó, mới là lúc học bình thản tuyệt vời nhất.

Nếu bạn có nổi sung hay cáu giận. Chỉ cần bạn để tâm và quan sát mình thật kỹ. Lâu dần, rồi bạn cũng sẽ sửa được cái tính nóng nảy của mình.

Đến một ngày, bạn cũng sẽ nhận ra. Cuộc đời này, cũng chỉ là phù vân. Không có gì đáng để phải nổi giân.

Đến một ngày, chỉ một lần thôi. Bạn học được bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh. Bạn mới thấy, những thứ bạn cho là xấu lại không hẳn là xấu. Bình tĩnh giải quyết, lại thấy mở ra nhiều điều tuyệt vời ẩn dấu đằng sau.

Muốn học bình thản. Bạn đừng bao giờ nghĩ rằng tại hoàn cảnh bạn như thế này thì làm sao học được.

Chỉ khi bạn biết quay vào bên trong và lắng nghe chính mình. Thôi không còn bận tâm đến hoàn cảnh xung quanh nữa. Lúc đó, bạn mới có thể học được gốc rễ của bình lặng giữa đời thường.

Lượm

[Image: 271726862-480679583422736-1297315330283572862-n.jpg]
Kiếp luân hồi có sinh có diệt
Đời vô thường giả tạm hư không
Ngũ uẩn: “Sắc bất dị không”
An nhiên tự tại cho lòng thảnh thơi.
-CT-

願得一心人,
白頭不相離.
Reply
Chén Nước Mắm
Trần Mộng Tú

Sang Mỹ cả gần bốn mươi năm rồi, thế mà mỗi lần dọn cơm lên bàn cho chồng con tôi vẫn lúng túng với chén nước mắm. Hôm nay có cần không? Bao giờ nhìn bữa ăn dọn ra, cũng chần chừ giữa có và không một phút. Cuối cùng thế nào cũng phải rót một chút nước mắm vào cái chén nhỏ, đặt giữa bàn. Có khi suốt bữa ăn không ai chấm vào, nhưng không có nó, hình như bữa ăn chưa gọi được là hoàn tất. Dù sau này các con đã ra riêng, chỉ có hai vợ chồng, đã bỏ thói quen ăn mặn, thế mà chén nước mắm vẫn luôn luôn hiện diện trong bữa ăn.

Thập niên đầu, khi các con còn nhỏ chưa dùng nước mắm chấm trong bữa ăn thì tôi còn cha mẹ. Cha mẹ ăn cơm bao giờ cũng có chén nước mắm, chanh, ớt để bên cạnh như một thói quen, một điều ắt có như cái bát, đôi đũa vậy. Dù bất cứ hôm đó ăn món gì, có cần đến nước mắm chấm hay không?

Rót chút nước mắm ra cái chén nhỏ, mùi thơm mằn mặn bốc lên, như ngửi thấy cả quê nhà, sao mà nó gợi tình, gợi cảnh thế, nó Việt Nam quá đỗi. Không có chén nước mắm, bữa ăn không gọi là đầy đủ được và lại càng không phải bữa ăn của một gia đình ViệtNam. Đĩa thịt, đĩa cá, bát canh, đĩa xào, bày đầy bàn. Nhìn đi, nhìn lại, vẫn như thiêu thiếu một cái gì? À, thì ra thiếu chén nước mắm. Thế là chưa ngồi xuống ghế được.

Ai đó cất tiếng:
- Chưa có nước mắm.
- Hôm nay, có món nào cần chấm đâu.
- Sao lại không, cứ mang nước mắm ra đây, thế nào cũng cần đến.

Thế là người đi tìm chén rót nước mắm, người đi kiếm chanh ớt đem ra. Chưa có chén nước mắm, bữa ăn chưa bắt đầu. Chén nước mắm sao mà quan trọng thế!
Trong những truyện viết về quê nhà nghèo khổ, bao giờ mâm cơm nhà nghèo, không có thịt cá gì, cũng được tả bằng chén nước mắm để cạnh đĩa rau cho cả nhà cùng chấm vào ăn với cơm hẩm. Chén nước mắm là phần bổ dưỡng nhất cho cả nhà vì nó có chất đạm từ cá. Nó giúp cho miếng rau trở nên đậm đà để miếng cơm hẩm dễ ăn hơn.

Chén nước mắm đó nhiều khi được chắt ra từ một cái tĩnh nước mắm đặt ở trong bếp, hay ngoài mái hiên nhà. Tĩnh nước mắm mẹ làm bằng những con cá cha đánh lưới đem về. Những con cá nhỏ sót lại sau khi đã lựa những con cá lớn mang ra chợ bán để mua gạo, mua vải may quần áo, mua thuốc đề phòng ốm đau.

Đôi khi chén nước mắm đó là chén cuối cùng làm ra từ những con cá cha đem về. Vì lần đi biển vừa qua cha đã không trở lại bờ nữa. Cả nhà chấm chung chén nước mắm đó thì làm sao mà quên được. Nếu một người nào đó trong gia đình, thoát được cảnh cơ hàn, có đời sống khá giả hơn, ăn những món ngon hơn, chắc đôi khi hồi tưởng lại, khó lòng mà quên được cái chén nước mắm ngày xa xưa đó. Những giọt nước mắm thơm và mặn như những giọt lệ.

Sống đời văn minh, phú quý nên sinh lễ nghĩa. Bây giờ trong gia đình ăn cơm chung với nhau, rất nhiều nhà không còn chấm chung một chén nước mắm nữa. Không biết từ bao giờ, người ta nhiễm thói quen, chén nước mắm của ai người đó chấm, chấm chung không lịch sự, không vệ sinh dù là giữa những người trong một gia đình.

Từ chỗ riêng tư này chén nước mắm thành ra lạc lõng, nó không được đặt ở giữa bữa ăn nữa, nó mất hẳn cái đia vị quan trọng cho bữa ăn của cả gia đình. Chấm chung một chén nước mắm mới thấy cái ấm cúng, cái tình chia sẻ trong bữa ăn. Chỉ có mâm cơm của người Việt mới có chén nước mắm. Nói không ngoa, chén nước mắm nhất định góp phần làm nên văn hóa ẩm thực Việt Nam.

[Image: FB8-D4-F3-F-7-BCB-41-D8-85-D5-BFC267573-E45.jpg]
Kiếp luân hồi có sinh có diệt
Đời vô thường giả tạm hư không
Ngũ uẩn: “Sắc bất dị không”
An nhiên tự tại cho lòng thảnh thơi.
-CT-

願得一心人,
白頭不相離.
Reply
THAM - SÂN - SI - MẠN - NGHI LÀ GÌ..?

Có một người cảm thấy mình rất tu tâm tích đức, thường xuyên làm điều tốt, chả hại ai bao giờ.

Ấy vậy mà cuộc đời cứ mãi long đong vất vả, không được bằng bạn bằng bè.
Một lần lên chùa vãn cảnh, quá buồn cho phận mình liền tiến đến hỏi một vị sư.
Thưa thầy, vì sao con sống tốt, sống thiện mà đời con cứ khổ mãi chưa thấy khá lên được?

Vị thầy thong thả hỏi lại: "con nói con khổ, hãy nói rõ cho ta biết cái nỗi khổ của con là gì?"

Thưa thầy, con thấy mình sống tốt mà cuộc sống vẫn khổ sở, trong khi bao kẻ gian ác làm ăn giả dối lại sống thoải mái quá vậy. Con biết thầy sẽ nói con là có ác tâm nhưng thật tình con không hề làm điều ác, con sống đúng lời phật dạy.!

Sư thầy bình tĩnh trả lời:

Nếu con nghĩ mình có ác tâm rằng trong lòng con còn có gì đó sai, thì con sẽ sửa chính mình. Còn khi con phủ nhận điều đó thì con chỉ lo sửa thế giới, sửa người xung quanh, mà có thể sửa được thế giới không? Hiện nay con sống đầy đủ có cơm ăn áo mặc, thân thể khoẻ mạnh không bệnh tật, để tồn tại được con chỉ cần những thứ đó là đủ.

- Thế nhưng con lại muốn mình nhiều hơn cái mình cần đó gọi là "THAM"

- Con thấy người khác làm điều ác mà sống sung sướng giàu có, nỗi giận với họ đó gọi là "SÂN"

- Con nghĩ rằng chỉ cần sống tốt là sẽ được giàu có sung sướng mà không hiểu rằng phải đủ nhân quả việc đó mới xảy ra. Không hiểu về nhân quả, không hiểu về sự thật đó gọi là "SI"

- Con nghĩ mình sống lương thiện còn người khác sống ác, con so sánh mình với họ, còn họ kém con đó gọi là "TÂM MẠN" (kiêu ngạo)

- Con so sánh cuộc sống của mình với người khác lại sinh ra ghen tị, đó gọi là "NGHI" (đố kị)

NGŨ ĐỘC của nhà Phật có : "Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi “ thì trong con có đủ. Hỏi cuộc sống có thể an nhàn hạnh phúc được hay không..?

Trích "Ngày mới an lành giác ngộ"

[Image: 15722-F06-3963-4-B8-A-969-E-540-C79692-FFB.jpg]
Kiếp luân hồi có sinh có diệt
Đời vô thường giả tạm hư không
Ngũ uẩn: “Sắc bất dị không”
An nhiên tự tại cho lòng thảnh thơi.
-CT-

願得一心人,
白頭不相離.
Reply
CÁO PHÓ: THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH VIÊN TỊCH
Tổ Đình Từ Hiếu
Đạo Tràng Mai Thôn

Nam Mô Đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni
Kính khải bạch chư tôn Trưởng lão Hòa thượng, chư Thượng tọa Đại đức Tăng Ni,
Kính thưa quý vị Thân hữu, Thiền sinh và Phật tử cư sĩ các giới khắp nơi trên thế giới,
Sau những năm tháng an dưỡng tại Tổ đình Từ Hiếu, vào lúc 00:00 ngày 22 tháng 01 năm 2022 (nhằm ngày 20 tháng Chạp năm Tân Sửu), Thiền sư pháp hiệu trước Nhất sau Hạnh, Niên Trưởng Trú trì Tổ đình Từ Hiếu đã thâu thần thị tịch tại Tổ đình, nơi Người đã xuất gia cách đây tám mươi năm.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh – Sư Ông Làng Mai là bậc thầy hướng dẫn tâm linh có công hạnh hoằng hóa rộng rãi và ảnh hưởng sâu dày trên khắp thế giới. Thiền sư đồng thời là một nhà văn hóa, một nhà văn, một nhà thơ, một học giả, một sử gia và một nhà hoạt động hòa bình. Thiền Sư được biết đến qua những buổi thuyết giảng công cộng cho cả hàng chục ngàn người và hơn 120 tác phẩm xuất bản giá trị. Thiền sư đã mở ra hướng đi và phát triển những pháp môn thực tập với nhiều khoá tu dành cho các nhà giáo dục, thanh thiếu niên, nghệ sĩ, doanh nhân, các nhà lãnh đạo, y bác sĩ… Bên cạnh sự nghiệp hoằng pháp Thiền sư cũng đã tổ chức nhiều Đại Giới Đàn và lễ Truyền Đăng, Việt hoá Nghi lễ và tân tu Giới bản để tiếp dẫn hậu lai.

Mục sư Martin Luther King vinh danh Thiền sư như là “một Thánh tông đồ của hòa bình và bất bạo động” khi đề cử Người cho giải Nobel Hòa bình vào năm 1967. Trong gần 40 năm sống xa quê hương, Thiền sư là một trong những người tiên phong mang đạo Bụt, đặc biệt là pháp môn chánh niệm đến xã hội phương Tây và góp phần xây dựng một cộng đồng Phật giáo Dấn thân cho thế kỷ XXI với gần 1250 đệ tử xuất gia, hàng triệu đệ tử tại gia và hàng trăm triệu độc giả trên khắp năm châu. Rất nhiều học trò của Thiền sư đã gặt hái được nhiều hoa trái trong sự thực tập và tiếp nối được sự nghiệp hoằng hoá mà Thiền sư trao truyền suốt những thập kỷ qua.

Sơ lược Tiểu sử

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, thế danh Nguyễn Xuân Bảo, sinh năm Bính Dần (1926) tại làng Thành Trung, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Là con kế út trong gia đình có sáu anh chị em, cha là cụ ông Nguyễn Đình Phúc, mẹ là cụ bà Trần Thị Dĩ.

- Năm 1942, xuất gia tại Tổ đình Từ Hiếu với Thiền sư Thanh Quý Chân Thật, được ban pháp danh Trừng Quang.

- Tháng 9 năm 1945, thọ giới Sa di với Bổn sư, được ban pháp tự Phùng Xuân.

- Năm 1947, theo học Phật học đường Báo Quốc, Huế.

- Năm 1949, rời Huế vào Sài Gòn tiếp tục tu học. Bắt đầu sự nghiệp sáng tác với pháp hiệu Thích Nhất Hạnh, một trong nhiều bút hiệu của Thiền sư. Đồng sáng lập chùa Ấn Quang, làm giáo thọ Phật học đường Nam Việt.

- Tháng 10 năm 1951, thọ Giới Lớn tại chùa Ấn Quang, Sài Gòn với Hòa thượng Đường đầu Thích Đôn Hậu.

- Năm 1954: Tổng Hội Phật Giáo giao trách nhiệm cải cách giáo dục, làm Giám học Phật Học Đường Nam Việt.

- Năm 1955, làm chủ bút Nguyệt san Phật giáo Việt Nam, cơ quan ngôn luận của Tổng hội Phật Giáo Việt Nam.

- Năm 1957, thành lập Phương Bối Am, Bảo Lộc.

- Năm 1961 – 1963, tham học, nghiên cứu và giảng dạy tại đại học Princeton và Columbia, Hoa Kỳ. Sáng tác đoản văn “Bông Hồng Cài Áo”.

- Năm 1964, được mời trở về Việt Nam tham gia lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), thành lập Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn tại chùa Pháp Hội (tiền thân của Viện đại học Vạn Hạnh) và nhà xuất bản Lá Bối. Làm chủ bút tuần san Hải Triều Âm, cơ quan ngôn luận của Viện Hóa Đạo.

- Năm 1965, thành lập trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội.

- Năm 1966, thành lập Dòng tu Tiếp Hiện.

- Ngày 1.5.1966, được Bổn sư phú pháp truyền đăng tại chùa Từ Hiếu và được kế thừa Trú trì Tổ đình Từ Hiếu sau khi Bổn sư viên tịch.

- Ngày 11.05.1966, rời Việt Nam kêu gọi Hòa bình, bắt đầu 39 năm lưu vong.

- Năm 1967, được mục sư Martin Luther King Jr. đề cử giải Nobel Hòa bình.

- Năm 1968 – 1973, vận động hòa bình cho Hội nghị Hòa bình Paris (1968-1973). Trong thời gian này, được mời dạy môn “Lịch sử Phật giáo Việt Nam” tại trường đại học Sorbonne, Pháp Quốc và soạn Việt Nam Phật giáo Sử luận 3 tập với bút hiệu Nguyễn Lang.

- Tháng 9 năm 1970, được GHPGVNTN chính thức đề cử làm lãnh đạo Phái đoàn Phật giáo Hòa bình tại Hội nghị Paris.

- Tháng 5 năm 1970, tham gia soạn thảo Tuyên ngôn Menton về vấn đề tàn hại sinh môi, ô nhiễm môi trường và sự gia tăng dân số. Cùng các cộng sự gặp ông U Thant, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và được ông cam kết yểm trợ.

- Năm 1972, chủ trì Hội nghị Môi trường có tên Đại Đồng với nội dung: sinh thái học bề sâu, tính tương tức và tầm quan trọng của việc bảo hộ trái đất.

- Năm 1971, thành lập Phương Vân Am, Paris.

- Năm 1976, cứu giúp thuyền nhân và thực hiện chương trình “Máu chảy ruột mềm”.

- Năm 1982, thành lập Đạo tràng Mai Thôn tại Pháp.

- Năm 1998, thành lập Tu viện Thanh Sơn, Hoa Kỳ; năm 2000, thành lập Tu viện Lộc Uyển, Hoa Kỳ.

- Năm 1999, cùng với các chủ nhân giải Nobel Hòa bình soạn thảo Tuyên ngôn 2000 về một nền hòa bình và bất bạo động cho thiên niên kỷ mới.

- Năm 2005, trở về Việt Nam lần thứ nhất. Thành lập tu viện Bát Nhã, Bảo Lộc.

- Năm 2007, trở về Việt Nam lần thứ hai, tổ chức ba Đại Trai Đàn Bình Đẳng Chẩn Tế tại ba miền.

- Năm 2008, trở về Việt Nam lần thứ ba, thuyết giảng tại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc.

- Từ năm 2008, thành lập Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu, Đức; Tu viện Bích Nham, Tu viện Mộc Lan, Hoa Kỳ; Thiền đường Hơi Thở Nhẹ, Paris; Làng Mai Thái Lan; Viện Phật học Ứng dụng Châu Á, Hong Kong; Tu viện Nhập Lưu, Úc; Ni xá Diệu Trạm, Ni xá Trạm Tịch, Việt Nam, tiếp tục mở rộng công trình hoằng pháp và xây dựng Tăng thân trên khắp thế giới.

- Tháng 10 năm 2018, trở về an dưỡng tại Tổ đình Từ Hiếu, Việt Nam.

- 00:00 giờ ngày 22 tháng Giêng năm 2022, an nhiên thị tịch tại Thất Lắng Nghe, Tổ đình Từ Hiếu.

Nhất tâm đảnh lễ Tân Viên Tịch, Tự Lâm Tế Tông Tứ Thập Nhị Thế, Liễu Quán Pháp Phái Đệ Bát Thế, Từ Hiếu Tổ Đình Niên Trưởng Trú Trì, Mai Thôn Đạo Tràng Quốc Tế Khai Sơn, Huý Thượng Trừng Hạ Quang, Tự Phùng Xuân, Hiệu Nhất Hạnh Thiền Sư, Nguyễn Công Hoà Thượng Giác Linh.

https://langmai.org/da-ve-da-toi/

[Image: 708-F6743-15-C2-4-DE1-9-F0-D-4152-D4-F152-EF.jpg]
Kiếp luân hồi có sinh có diệt
Đời vô thường giả tạm hư không
Ngũ uẩn: “Sắc bất dị không”
An nhiên tự tại cho lòng thảnh thơi.
-CT-

願得一心人,
白頭不相離.
Reply
KHÔNG CẦN XÂY THÁP CHO THẦY

“Thầy không muốn sau này quý vị xây cho Thầy một ngôi tháp ở Tổ Đình. Xây tháp như thế sẽ không có ý nghĩa gì nếu ngày hôm nay quý vị không nối tiếp được những gì Thầy đang trao truyền.

Thầy rất không thích chuyện lấy một mớ tro từ hình hài của Thầy rồi bỏ vào trong một cái hũ, rồi đặt vào trong tháp. Thầy không phải là cái nắm tro đó. Không có lý Thầy chỉ là cái nắm tro ấy hay sao?!

Thầy là một thực tại linh động, đang sống, đang có mặt khắp nơi. Trong các sư chú và các sư cô đều có Thầy, trong các vị cư sĩ quen biết đều có Thầy. Ở chỗ nào mà có thiền hành, thiền toạ, có pháp đàm, có ăn cơm yên lặng, có Sám Pháp Địa Xúc là có Thầy!

Không được nhốt Thầy, bỏ Thầy vào trong một cái hũ nhỏ rồi đặt Thầy vào trong một cái tháp. Thầy không muốn Thầy có một cái tháp. Tốn đất chùa vô ích. Sư Thầy Đàm Nguyện đã xây cho Thầy một cái tháp ở chùa Đình Quán. Đã lỡ xây rồi thì phải ghi lên trước tháp mấy chữ: “Trong này không có gì.” Thầy không nằm trong tháp ấy đâu.

“There is nothing inside”. Nếu người ta vẫn chưa hiểu thì ghi thêm một câu nữa “Ngoài kia cũng không có gì.” Và nếu vẫn còn chưa hiểu thì ghi thêm một câu chót là “Nếu có gì thì nó có trong bước chân và hơi thở của bạn.” Đó là điều Thầy căn dặn các Thầy các sư cô ở chùa Đình Quán Hà Nội và ở Tổ Đình.

Đừng phí thì giờ nghĩ đến chuyện tìm đất xây tháp cho Thầy. Đó không phải là điều Thầy nghĩ tới.

Nếu có một tảng đá có sẵn thì để vào trong hốc đá bản thảo của một cuốn sách của Thầy như cuốn Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức thì tảng đá đó có Thầy nhiều hơn là một cái tháp trong đó có một nắm tro. Đem tro mà rải hết ra ngoài để nuôi cây nuôi cỏ, cho cỏ cho cây lớn lên. Đừng có ngăn ngừa sự tiếp nối của nắm tro ấy…”
                                                                                                              Thích Nhất Hạnh.

Sư Ông Làng Mai đã an nhiên thị tịch lúc 00:00 giờ ngày 22 tháng Giêng năm 2022 tại thất Lắng Nghe, tổ đình Từ Hiếu, Huế, Việt Nam.

[Image: F0678-A3-C-0-D74-43-A0-BD94-30-B4-DDA97-C3-F.jpg]
Kiếp luân hồi có sinh có diệt
Đời vô thường giả tạm hư không
Ngũ uẩn: “Sắc bất dị không”
An nhiên tự tại cho lòng thảnh thơi.
-CT-

願得一心人,
白頭不相離.
Reply