2018-01-22, 12:21 AM
HÃY LẮNG NGHE HOA
NHẬT CHIÊU
Hãy lắng nghe hoa
lời vô thanh ấy
đi vào tim ta
Onitsura
oto naki hana mo
mimi no oku).
Nhà thơ Onitsura thế kỷ mười bảy xứ Phù Tang dường như đang nghiêng tai lắng nghe hoa lên tiếng, xin tòng phục (VietFunVietFunVietFunVietFunagau) những bông hoa trầm mặc.
Hoa nói gì? Dường như Onitsura thường trò chuyện với hoa.
Hoa mơ ơi
chỉ trái tim ta biết
chỉ mũi ta thôi.
(Ume wo shiru
kokoro mo onore
hana mo onore).
Đó là ngôn ngữ của làn hương. Ngôn ngữ của một cõi Phật. Hoặc chỉ là hương trần. Vì làn hương cũng là một làn bụi (trần) mà thôi. Cũng như sắc, như thanh… Cũng là bụi thôi.
Thế nhưng, bụi có thể nói với trái tim ta. Bụi có thể đem mùa Xuân về. Và cùng thể cách như thế, mùa Xuân đem bụi thơm về.
Onitsura tòng phục hoa, tòng phục mùa Xuân và tòng phục trái tim mình. Onitsura là thiên nhiên:
Dưới trời
mắt ngang và mũi dọc
hoa mùa Xuân tươi!
Hoa tòng phục mùa Xuân như đôi mắt ta vẫn nằm ngang nhìn đời. Như mùa Xuân có hoa mơ, hoa đào… và cũng đừng quên còn có những viên đá cuội mùa Xuân:
Đá cuội hát ca
trong lòng khe núi
dưới cành đào hoa.
(Tanimizu ya
ishi mo uta yomu
yamazakura).
Hãy lắng nghe hoa, hãy lắng nghe đá. Thơ Onitsura dường như kêu gọi trái tim ta như thế. Thiên nhiên có tiếng nói, có ca điệu, có vũ khúc. Chỉ có ta điếc, không có thiên nhiên câm.
Gió chơi
Và thinh không dậy
Tiếng thông reo cười
(Suzu kaze ya
koku ni michite
matsu no koe).
Không chỉ có hoa mơ, hoa đào, đá cuội, cây thông… mà bản thân hư không (koku) vẫn có thể reo cười, hát ca. Hãy lắng nghe thinh không! Và gió:
U… U… Gió trời
mà mẫu đơn lạnh
vẫn một màu tươi.
(Hyu hyu to
kaze wa sora yuku
4kan botan).
Gió vi vu, ù ù, hiu hiu, ào ào… Gió như bài thơ có vần có điệu. Gió như tình. Hoa thì nhan sắc. Thế cho nên đóa mẫu đơn lạnh mới đỏ như thế. Gió làm cho hoa đỏ mặt? Hay là mặc gió, hoa vẫn đỏ như thường? Mà sao không là cả hai?
Đương nhiên là, như mọi loài hoa, mẫu đơn sẽ tàn rơi. Vậy mà ta sẽ gặp lại mẫu đơn, lại gặp hoa đào, hoa mơ… như chưa từng có một cuộc tàn rơi nào. Như chưa từng có cái chết.
Và ta nữa. Ta chết với từng bông hoa, với từng mùa, và ta sống lại cũng với từng bông hoa, với từng mùa:
Đậu cành mơ
vẫn chim oanh cũ
và tự bao giờ?
(Uguisu ya
ume ni tomaru wa
mukashi kara).
Trong cảnh giới “cành mơ – chim oanh” thì Onitsura là ai, là mơ hay oanh? Và ta là ai, oanh hay mơ? Đang “đậu” hay đang “nở hoa” liệu có gì quan trọng không?
Với Nguyễn Trãi, là trăng hay là nước để trăng soi trong cảnh giới “thủy – nguyệt”:
Nước mấy trăm thu còn vậy
Nguyệt bao nhiêu kiếp nhẫn này?
Với cái nhìn của Nguyễn Trãi hay Onitsura thì nước, nguyệt, cành mơ, chim oanh,… là cái vượt qua cái chết.
Khi đứa con trai qua đời, Onitsura soạn bài haiku có vẻ lạ kỳ này:
Chôn con đất này
bao giờ lại nở
hoa hài nhi đây?
(Tsuchi ni umete
ko no saku hana mo
aru koto ka)
Chính là cái chết sẽ nở những hoa hài nhi mới. Vì chính sự sống nở ra cái chết mà. Ngay trên mặt đất này. Trên hạt bụi này.
Nhìn mặt đất rồi nhìn mây. Đất trời như như trong đôi mắt Onitsura:
Cá măng ấy mà
bay lên mặt nước
mây gần rồi xa.
(Tobu anyu no
soko ni kumo yuku
nagare kana).
Con cá măng có cách thể hiện niềm vui của mình. Mây cũng vậy. Mây đến vì niềm vui và mây đi cũng vì niềm vui.
Sống là sống với cái hiện tiền, ở đây và bây giờ. Như bài thơ của Issa:
Tôi ở đây
ở tại nơi này
tuyết đang bay.
(Tada oreba
oru tote yuki no
furi ni keri).
Mây đến rồi đi. Và tuyết rơi. Và năm tháng lướt trôi. Và tuy tôi ở trong mây, ở trong tuyết, ở trong năm tháng nhưng bao giờ tôi cũng ở đây, ở nơi này – một buổi sáng mùa xuân chẳng hạn.
Như bài thơ Ezra Pound:
Vút nhanh năm tháng
vô phương thu hồi
Trang nghiêm sáng nay lặng lẽ xuân đời
(Swiftly the years beyond recall
Solemn the stillness of this spring morning).
Trong buổi sáng mùa Xuân này (this spring morning) tôi là nắng xuân này. Cần chi thu hồi năm tháng đã qua hay trông ngóng một ngày mai nào chứ?
Chẳng có gì sống động hơn cái lặng lẽ (the stillness) của sáng mùa Xuân này.
Hoặc không sáng mùa Xuân thì một ngày hội Trùng dương (Chôyô) như khi Bashô dừng chân tại cố đô Nara:
Làn hương cúc đưa
Nara trầm mặc
những đài Phật xưa
Bashô
(Kiku no ka ya
Nara ni wa furuki
Hotoke tachi).
Bashô sống với cái bây giờ (hương hoa cúc) và cái vĩnh cửu (những đài Phật xưa).
Những đài Phật xưa ấy đang thơm lừng làn hương mới của hoa cúc. Và hoa cúc mới là hiện thân cho vô số hoa cúc của nghìn xưa.
Hình ảnh hoa cúc (kiku) và Phật (Hotoke) được Bashô kết nối theo một thi pháp lừng danh gọi là “nguyên lý của làn hương” (nioi – zuke). Giữa hai hình ảnh có một khoảng trống. không có tương quan giữa hoa cúc và Phật. Không tương quan về chữ, cũng không tương quan về ý. Đặt hai hình ảnh như thế bên nhau tưởng chừng như vô ý, lạc đề. Nhưng rồi hình ảnh này cảm chiếu hình ảnh kia, gửi hương cho nhau.
Nguyên lý của làn hương hoạt động một cách kỳ lạ trong thơ haiku cũng như trong cuộc đời. Có khoảng trống, có hư không giữa cái này và cái kia nhưng nếu biết nhìn, thì làn hương sẽ xuất hiện.
Tất nhiên, để có làn hương thì phải có tầm đón đợi, có cách đọc cuộc sống.
Cửa giấy trắng ngần
bỗng dưng tuyệt đẹp
trong nắng đầu Xuân
Onitsura
(Uchi – harete
Shôji mo shiroshi
Hatsuhi kage).
Trong nắng đầu Xuân, cửa giấy trắng ngần bỗng trắng ngần hơn bao giờ hết, gương mặt đẹp sẽ đẹp hơn bao giờ… và cỏ cây sẽ cỏ cây hơn bao giờ. Ta là ta hơn bao giờ...
thuvienhoasen.org
May all Living Beings always live happily!
May they free from enmity
May they all share the blessings
Springing from the good that I have done!
May they free from enmity
May they all share the blessings
Springing from the good that I have done!