2021-03-09, 06:51 PM
HOUSTON, Texas (NV) – Một nhóm mang tên “Hiệp Sĩ Thông Tin” ở thành phố Houston, tiểu bang Texas, chuyên làm việc thiện nguyện giúp đỡ người Việt gặp nạn khi lái xe đang được nhiều người biết đến.
Được thành lập cách đây ba năm, ban đầu nhóm có tên là “Houston Thông Tin và Trao Đổi,” chỉ có ba anh em, nhưng nay số thành viên lên đến 20 người, nhưng họ vẫn chưa dừng ở đây.
Mục đích của nhóm Hiệp Sĩ Thông Tin là giúp cộng đồng người Việt của thành phố Houston khi họ gặp nạn trong lúc lái xe như: hết bình điện, hết xăng, bể bánh (thay hoặc vá bánh), mở cửa lấy chìa khóa bị bỏ quên trên xe,…
“Mấy chục anh em chúng tôi đều có công ăn việc làm, lại có chút thời gian rảnh sau giờ làm, nên ai thuận tiện thì sẵn sàng đi giúp, dù ban đêm ban hôm,” anh Trần Trí Hoàng, một trong ba thành viên khi nhóm thành lập vào Tháng Năm, 2018, kể với phóng viên nhận báo Người Việt.
Anh Hoàng là kỹ sư điện toán, kể về các hiệp sĩ khác, trong đó, anh Trung Võ là chủ quán Bún Chả Cá Đà Nẵng được xem là người đầu tiên đứng ra tạo nhóm Houston Thông Tin và Trao Đổi; anh Danny Nguyễn có văn phòng bán bảo hiểm; anh Thuận Houston có công ty xây dựng nhà cửa, ống nước, điện, máy lạnh, anh Paul Dũng làm về mái nhà; anh Phận Nguyễn là kỹ sư; Báu Đặng là chủ một tiệm sửa xe… Trong nhóm cũng có em đang học y tá. Những anh em khác làm nhiều ngành nghề khác nhau.
Theo anh Hoàng, chủ trương của nhóm Hiệp Sĩ Thông Tin là giúp đỡ vô vị lợi và hoàn toàn miễn phí, thậm chí tiền típ cũng không được nhận. Tuy vậy, thỉnh thoảng vẫn có các vị mạnh thường quân biết chuyện, gửi tiền để nhóm để mua đồ nghề cho các hiệp sĩ.
“Làm không lương, giúp người vô vị lợi, vậy các hiệp sĩ có gặp khăn, thiếu thốn gì không?” Anh Hoàng cho biết: “Anh em chúng tôi chẳng có khó khăn gì vì ai cũng có công ăn chuyện làm. Các hiệp sĩ ở đây không thiếu gì, họ chỉ dư ‘tấm lòng thành,’ điều có thể giúp họ sẵn sàng ra tay nghĩa hiệp cứu người trong lúc lỡ đường. Cũng đừng nghĩ tham gia nhóm là có lợi. Vì vô đây để giúp bà con, chỉ có ‘lỗ’ mà thôi!”
Do không phải ai cũng thành thạo sửa xe, theo anh Hoàng, những anh em gia nhập nhóm đều được huấn luyện. “Mỗi khi có ai gọi, chúng tôi đều sắp xếp anh em mới đi theo anh em cũ để học hỏi, và để giữ an toàn cho nhau. Với chúng tôi, an toàn là trên hết,” anh Hoàng nói.
“Giúp được đồng hương, tôi vui lắm!”
Anh Danny Nguyễn – một hiệp sĩ trong nhóm, kể: “Một lần tôi đến giúp nhà một người chỉ ở cách trường học tôi làm việc có 5 phút lái xe. Xe cô này không đề được máy nên mới gọi Hiệp Sĩ Thông Tin. Lúc sửa xong, cô ấy hỏi muốn gửi tiền, nhưng tôi từ chối, vì anh em hiệp sĩ không bao giờ lấy tiền bạc gì cả. Thấy vậy, cô ấy gửi một bịch thịt sườn để anh em nướng BBQ. Tôi có báo trong nhóm như vậy.”
Anh Danny cho biết hiệp sĩ nào làm xong nhiệm vụ thì đều được báo cáo cho nhóm biết ca đó được “closed” hoặc “happy ending,” nghĩa là mọi chuyện ổn thỏa, để mọi người yên tâm.
Anh Trần Trí Hoàng được nhóm gọi là “Hiệp Sĩ Già” vì trước đây anh là người lớn tuổi nhất. Vì vậy, cách đây hơn một năm, khi ông Nguyễn Thanh Phận, 62 tuổi, gia nhập nhóm, được gọi là ‘Hiệp Sĩ Lão.”
“Hiệp Sĩ Lão” Thanh Phận kể về một trường hợp đi giúp khiến anh xúc động.
“Hồi Tháng Giêng, tôi đến giúp một cô bị hư xe dọc đường. Nhưng xe này là của người em từ tiểu bang chạy qua. Trong lúc sửa xe cho họ, tôi thấy cả hai buồn hiu. Hỏi ra mới biết người mẹ hai chị em này mới mất cách đây mấy ngày. Đúng là ‘họa vô đơn chí’ nên giúp được ai, tôi vui lắm!”
Ông “Hiệp Sĩ Lão” cho biết vì trước đây có hùn vốn với người bạn mở tiệm xe, nên ông cũng biết ít nhiều về xe cộ. Ông tham gia nhóm vì từng được người khác giúp nên muốn giúp người khác.
“Lần đó tôi bị đụng xe. Có một người đến giúp tôi, một người Mỹ, nhưng từ đó, tôi luôn nguyện trong lòng, khi có điều kiện, sẽ đi giúp người gặp nạn giống mình trước đây,” ông Phận kể.
“Hầu như việc sửa xe của hiệp sĩ làm đều đơn giản thôi. Mỗi người đều có một bộ đồ nghề sẵn trên xe. Cứ có việc mà đang rảnh thì…chạy thôi. Chúng tôi không quản ngại gì.”
Ám ảnh câu chuyện buồn
Hiện nay, Hiệp Sĩ Già cho biết, anh giữ số điện thoại hotline (832) 224-6663. Nếu có ai gặp nạn gọi đến, anh thông tin trên Messenger Group để hiệp sĩ nào gần địa điểm của người gọi thì chạy tới giúp.
Dù vẫn đang đi làm, nhưng anh vẫn nhận nhiệm vụ điều phối công việc cũng làm mất thời gian của mình. Lý do được người Hiệp Sĩ Già tâm sự với nhật báo Người Việt, là từ cái chết thương tâm của một người chị kết nghĩa.
Anh Hoàng kể, cách đây đã lâu, khi còn là sinh viên, buổi tối cuối tuần anh hay đến phụ ở một quán cà phê, và quen, rồi kết nghĩa chị em với một ca sĩ ở Houston. Thông thường, khi ca sĩ này hát xong, anh đưa cô ra xe rồi mới trở vô. Một lần, anh cũng đưa chị ra khỏi quán, và yên tâm khi thấy chị lên xe an toàn, nhưng mấy hôm sau, báo chí đăng tin chị bị mất tích.
Cảnh sát phát hiện chiếc xe của chị nằm trên xa lộ, mà chị thì không thấy đâu. Cả năm sau, lúc chính phủ làm đường, đào cống lên mới thấy xác chị ở dưới mương. Hôm ấy, xe chị hư giữa đường vắng. Chị bị kẻ xấu hãm hiếp, rồi quăng xác.
“Tôi đau lòng lắm. Từ đó, trong đầu tôi luôn ấp ủ lập một nhóm người Việt để giúp đỡ cộng đồng, người gặp nạn vào lúc nửa đêm nửa khuya. Cái chết của chị ấy là một trong những động lực thúc đẩy tôi xung phong gia nhập đội hiệp sĩ,” anh Hoàng kể lại chuyện trong cơn xúc động.
Anh cho biết, khi có người gặp nạn, các hiệp sĩ ai rảnh thì đi giúp, chứ không bắt buộc.
“Nếu kêu gọi trên group mà không ai rảnh thì sao?” “Thì tôi đi,” Hiệp Sĩ Già trả lời.
“Nhà tôi ở phía Bắc Houston, chạy vô trung tâm mất gần một tiếng lái xe. Kỷ niệm đáng nhớ với tôi là một người gặp nạn giữa đêm khuya trên con đường vắng. Cô này là y tá trong nhà thương, đi làm ra nửa đường thì xe bể bánh. Việc đầu tiên là tôi gọi cảnh sát, và nói có ‘người nhà’ đang ở đó.”
Anh Hoàng giải thích nếu chuyện xảy ra giữa đêm khuya thì hiệp sĩ phải gọi cảnh sát để được bảo vệ an ninh trong lúc sửa xe, và phải nói “người nhà’ thì cảnh sát mới tới. Hôm đó, khi tới nơi, anh đã thấy cảnh sát có mặt, quay đèn đứng chờ. Sửa xong xe, anh chạy về đến nhà là cũng gần 2 giờ sáng.
“Mệt, nhưng vui và cảm thấy ấm lòng,” anh Hoàng tâm sự. “Tôi nhớ như in câu nói của cô gái: Không có các anh hiệp sĩ, tụi em không biết sẽ ra sao. Cái chết của người chị kết nghĩa không cho phép tôi bỏ bất kỳ trường hợp nào, nhất là người lớn tuổi, đàn bà con gái. Tôi chỉ cần một laptop, một điện thoại, là có thể làm việc bất cứ nơi nào. Âu cũng là điều may mắn để có điều kiện giúp đỡ bà con.”
Mong có thêm nhiều “Lục Vân Tiên” trên đất Mỹ
Không chỉ giúp người sửa xe, bất cứ chuyện gì trong cộng đồng, nếu cần sự giúp đỡ, các hiệp sĩ đều ra tay.
Hiệp sĩ Danny Nguyễn kể: “Tuần bên Houton bị bão, thay vì được nghỉ vì trường đóng cửa, nhưng nguyên tuần đó tôi cùng các anh em hiệp sĩ khác đi vá ống nước, sửa nhà cho người có con nhỏ, hoặc người trên 65 không có khả năng sửa chữa. Đợt đó nhóm giúp được trên 20 gia đình.”
“Hiệp Sĩ Lão” Thanh Phận khiêm tốn cho biết, vì tính chất công việc, anh không tham gia nhiều như các hiệp sĩ khác, nhưng bất cứ lúc nào có thể, dù sửa xe hay bất cứ việc gì, anh đều sẵn sàng tham gia trên tinh thần của nhóm, là bất vụ lợi, không nhận bất cứ chi phí gì.
Cuộc đời không phải lúc nào cũng suôn sẻ, vì thế hiệp sĩ xuất hiện càng nhiều, cộng đồng càng yên tâm.
Điều trăn trở nhất hiện nay là do thành phố Houston rộng lớn, nhưng chỉ có mấy chục hiệp sĩ, nên cư dân ở xa chắc chắn sẽ phải chờ đợi lâu, thay vì có đông hiệp sĩ, họ sẽ được giúp ngay.
Hiệp Sĩ Già cho biết: “Để người gặp nạn chờ đợi cả nửa tiếng, 45 phút, thật không an lòng. Vì thế, tôi mong đội ngũ hiệp sĩ phải có từ 50 đến 100 trở lên, để bất kỳ ai gọi tới trong vòng 15 phút là có hiệp sĩ tới giúp liền!”
Hy vọng mô hình hiệp sĩ ở Houston sẽ được nhân rộng các nơi, nhất là ở các cộng đồng người Việt, để ngày càng có thêm nhiều “Lục Vân Tiên” giúp đồng hương trên đất Mỹ. [kn]
https://www.nguoi-viet.com/little-saigon...vo-vi-loi/