(2022-11-29, 10:05 PM)Sophie Wrote: [ -> ]"When you talk, you are only repeating what you already know. But if you listen, you may learn something new."
Dẫu biết rằng khi lắng nghe mình có thể học hỏi được những điều mới mẻ nhưng cái khó nằm ở chỗ làm thế nào để thật sự lắng nghe?
Mình cũng hiểu đôi khi mình không thật sự lắng nghe những gì người khác nói vì trong quá trình lắng nghe, quan điểm, niềm tin, kiến thức và kinh nghiệm của bản thân thường xen vào, làm nảy sinh những suy nghĩ và ý kiến cá nhân và điều đó ngăn cản mình lắng nghe một cách khách quan để hiểu và học hỏi thêm.
Có lẽ muốn học lắng nghe một cách tự do và trọn vẹn, lắng nghe mà không diễn giải, không phán xét, không kết luận thì phải cần một tâm trí thật tĩnh lặng thêm vào lòng kiên nhẫn phi thường. Điều này quả thật không dễ dàng chút nào…
...
Nếu Sophie không ngại, thì cho anattā chia sẻ đôi điều về thứ nhất, làm sao để ta có thể lắng nghe (suy nghĩ, phán đoán...) được khách quan, và thứ hai là một tâm trí tĩnh lặng để quan sát (lắng nghe) điều gì đó mà không phán xét, không diễn giải.
Chỉ điều thứ nhất thôi theo anattā là phải học hỏi, mất nhiều công phu tự thân đào luyện để mình suy nghĩ hay tư tưởng sao cho khách quan. Điều thứ nhất mình chưa thực hiện được thì rất là khó khăn hay khó có thể chạm tới điều thứ hai. Vậy làm sao mình có thể suy xét phán đoán đúng đắn, không thiên vị. Ông Bergson khuyên thế này:
Triết luận không khó nếu mình đừng để thành kiến chen giữa mình và sự vật". Thành kiến là những gì mình có được giáo dục từ gia đình, nhà trường, xã hội như phong tục tập quán, tôn giáo, phe phái chính trị, môi trường chung quanh. Để tránh thành kiến thì mỗi khi ta tư tưởng phán đoán sự gì đó thì cần dựa trên lẽ thật của nó. Là có hiểu biết vấn đề đó, đã so sánh, xem xét đối chiếu cẩn thận rồi mình mới phán đoán hay quyết định. Nếu mình không hoàn toàn hiểu rõ vấn đề thì tham khảo nơi người chuyên môn, người có hiểu biết về nó, hoặc tra cứu tài liệu. Hơn nữa, cũng cần phân biệt sự suy nghĩ lý luận theo tình cảm ưa ghét hay là lý trí (chủ quan và khách quan). Luận theo chủ quan là suy nghĩ bị che mờ dưới ảnh hưởng của dục vọng; thí dụ như các nhà chính trị, những người nhiệt tâm theo chủ nghĩa nào thường hay lý luận để tìm cái kết quả vừa lòng hạp ý họ mà thôi. Còn tư tưởng theo khách quan thì mình cần dò tìm những bằng cứ hay tài liệu dù cho những bằng chứng đi ngược lại phán đoán ban đầu thì mình sẵn lòng chấp nhận rồi mới đưa ra kết luận. Cho nên, khi mình xét đoán một sự vật gì đó có lợi hay hại, tốt hay xấu thì phải phân loại sắp xếp đúng theo tính chất và quy định của nó, dù cho quyền thế hay xã hội bắt buộc mình làm trái lại thì nhất quyết không tuân theo để giữ cho mình một tinh thần khách quan. Và bất cứ chuyện lớn hay nhỏ nhặt gì đi nữa thì đừng phán đoán càn; mỗi khi phán đoán về nó thì phải tự nhủ là mình đã có tìm hiểu so sánh đối chiếu cẩn thận rồi. Dĩ nhiên rằng tập tư tưởng cho công minh, khách quan là rất phiền phức, mất thời gian, và đôi khi mình vấp phải sai sót, nhưng nhờ đó mình vun bồi thêm kinh nghiệm để tránh bớt phán đoán sai lầm về sau. Nếu mình không tập luyện thì vô tình để suy nghĩ hay phán đoán của mình cho tư dục, lòng ưa ghét sai khiến, rồi sẽ biến thành thói quen, và mai này muốn sửa đổi không phải là chuyện dễ dàng. "
Đừng cho cái gì là đã xong mà không cần phải sửa đổi nữa, đừng để cho cái gì nhồi sọ.
Chỉ nên nhận một điều gì là đúng hay thật khi nào ta biết nó hiển nhiên như thế." (Descarters)
Về chuyện làm thế nào để có thể lắng nghe hay quan sát sự vật mà không phê bình, không diễn giải thì vạn nan đó Sophie. Mình phải tập từng chút một mỗi khi có thể, bản thân anattā cũng chỉ là mới bước chập chững ở bậc thềm đầu tiên, vẫn chưa tiến đến cánh cửa nữa. Nhưng có chút kinh nghiệm anattā muốn chia sẻ. Trước hết cần thấu hiểu rằng không thực sự có tồn tại một cái "ta vĩnh hằng, cái ta cố định". Có cái ta trong mỗi chúng ta, cái ta này có hai phần: cái ta tình cảm (chủ quan) và cái ta lý trí (khách quan). Và cái ta này là những kinh nghiệm, kiến thức, tập quán, môi trường mà cá nhân đó sinh sống được tạo thành. Cái ta này thay đổi theo từng ngày, từng tháng, từng năm. Nó thay đổi vì có sự tiếp xúc, thu thập trong tương giao với xã hội, hoàn cảnh hằng ngày. Vậy thì nó chỉ là những dữ kiện, những ý nghĩ và cảm giác thôi. Khi mình lắng nghe hay quan sát thì những cảm xúc hay ý nghĩ (hay dữ kiện) này khởi sanh, trôi chảy (đặt tên, phê phán, nhận xét này nọ .v.v...) không thể nào không có được, và chúng chỉ là một phần của cái ta giả định kia. Giả định vì nó luôn biến đổi hằng ngày. Khi mình nhận thức được vậy thì tự nhiên mình sẽ lắng nghe một cách vô cầu hay tự do. Khi tâm trí ở trạng thái tự do, vô cầu thì có thể gọi là sự yên tĩnh. Đừng tưởng rằng yên lặng là không có gì, mà là có những yếu tố khác của tâm trí, những yếu tố thiện (positive) đang vận hành êm ả.