(2020-08-03, 06:44 AM)tdtndminh Wrote: [ -> ]... ăn xoài quéo đau bụng huh ...
Dạ không, thưa Dì.
Bài viết cũ, nhiều người đọc, chắc Dì thì chưa. Mời đọc cho biết.
...............
CHỊ TÔI.
Sau cái ngày trời sập vài năm, cuộc sống của người Sài Gòn dần đi vào ổn định, rồi thì đâu cũng vào đó, người ta có những toan tính riêng cho cuộc sống của mình, cứ âm thầm mà thực hiện, khác chăng là mọi cái giao tình, mọi cái dự tính cho tương lai không còn mang ra bàn tán xôn xao như ngày xưa, khác chăng là mọi người quen dần với sự chịu đựng, cứ nhẫn nhục đợi chờ.
Hồi ấy tui vẫn còn là đứa trẻ nghịch ngợm, sống với người chị thứ tư của mình. Người Nam họ hay gọi người chị thứ tư là chị Tư, người Trung lại gọi chị Bốn. Căn nhà to giờ đã trống huơ trống hoác, đồ đạc đội nón ra đi gần hết, lớp đổi thức ăn, lớp lo lộ phí cho người thân đi xa.
Chị tui là người khó tính, hồi đó tui ghét chỉ lắm, lúc nào cũng
kìm kẹp tui, thằng út cưng của ông già, lúc nào cũng trừng trị tui mỗi khi tui hư bằng cách bắt nằm xuống rồi quất roi vào mông, bằng mấy nhánh cây bẻ ngoài hàng rào trước cổng, còn bắt mình ra lựa, nhỏ quá thì không chịu, phải to hơn "uýnh" mới sướng tay, lại ghét hơn là cái màn vừa nhịp nhịp cây roi trên mông mình vừa kể tội, tội xảy ra lâu lắc lâu lơ mà vẫn còn nhớ, mang ra nhắc tới nhắc lui, đã đời rồi mới quất cho một roi, đau điếng vì bất ngờ nhiều hơn là mạnh tay. Nhớ có lần chỉ tuyên bố, tội này phải xơi mười roi, xơi được hai roi rồi ngồi kể lể dông dài chi đó, tui ngủ quên luôn, chừng thức dậy đã thấy chị kêu đi ăn cơm, vùa bới cơm cho em ăn vừa bảo, cho thiếu tám roi, mai mốt tính tiếp!. Thế là nợ đến bây giờ luôn.
Tính tui ngày ấy rắn mắt, nghịch ngợm trổ trời, ngoài giờ học vẫn hay rong chơi với bọn trẻ con trong xóm, bày trò phá phách là giỏi. Trong xóm trồng nhiều cây quéo để lấy bóng mát, một loại cây giống cây xoài, trái nhỏ, lớn lắm chừng bằng ba ngón tay, trái nhìn giống trái xoài, đầu có cái ngéo cong cong, khi chín trái vàng ươm nhưng rất chua, đến lũ dơi nó còn chê huống chi người. Mùa quéo chín, tụi tui hay lấy dép thi nhau chọi chơi, đứa nào chọi giỏi rớt trái nhiều thì thắng, có đứa bị mắc kẹt chiếc dép trên cây là cả bọn cười ồ lên, khoái chí lắm.
Ngày xưa mỗi khi trong xóm có đám tang, lũ trẻ trong xóm hay tụ tập lại xem ban nhạc họ đánh trống thổi kèn đám ma. Có lần đám tang gần nhà có cái ông kia cũng trẻ tuổi mà lại thổi kèn, lúc chuẩn bị ổng đuổi thẳng cổ tụi tui ra chỗ khác, không cho đứng gần. Thấy ghét, tui mới rủ vài thằng phá ông này một bữa chơi, rồi sai tụi nó mang đến hai trái quéo vàng ươm, đứng trước mặt ổng, vừa bóc vỏ vừa ăn vừa nhăn mặt, vừa nhíu mày, vừa hít hà, vừa chắc lưỡi, bởi trái này chua lè chua lét, ai cũng biết.
Các bạn thử tưởng tượng cái cảnh ông ấy miệng thì thổi tò tí te mà mắt cứ nhìn miệng tui trừng trừng, lát sau tiếng tò tí te bỗng biến thành hai tiếng “phẹt… phẹt”, ông ấy quăng cây kèn, chồm ra chụp tôi, ấy là lúc tui ba chưn bốn cẳng chạy mất tiêu.
Khỏi nói thì tui cũng biết sẽ bị một trận đòn vì bà kia qua mắng vốn với chị tui hồi chiều. Biết thân biết phận, tui ra hàng rào trước sân bẻ cây roi hơi to to một chút, chờ chị nấu ăn xong, leo lên cái đi-văng trước nhà, nằm sẵn, gác sẵn cây roi trên lưng. Lần ấy tui bị năm cây, nhưng không đau lắm vì chị tui vừa quất vừa hỏi tội, vừa lấy tay che miệng cười khúc khich.
......................
Thế rồi chị cũng bỏ tôi đi xa thật xa. Nhiều đêm rảnh rỗi, hai chị em trò chuyện qua phone, ôn lại chuyện cũ, chị luôn bắt đầu bằng câu, ngày xưa mi "hoang" lắm, bị chị bắt nằm xuống uýnh vào mộng hoài, mà chị nói em nghe, kêu em bẻ cây roi to không phải vì ghét, roi to quất vào mông ít đau, ít xót hơn roi nhỏ, cầm cây roi to cho oai chứ ai mà nỡ quất mạnh.
Vậy mà chị mất sớm, vì một căn bệnh tôi chẳng hề ngờ, ung thư. Đau ba tháng thì mất, ra đi bỏ lại cuộc đời trước mặt, bỏ lại cái vé máy bay đặt sẵn, hẹn với thằng em sẽ về thăm nó một lần cho đỡ nhớ.
Có đôi lúc ngây thơ tôi đâm ra oán giận, tại sao ở một đất nước văn minh vậy mà không chữa được cho chị tôi?. Để nếu còn có dịp gặp lại, em sẽ nằm xuống cho chị đánh tám roi em còn thiếu chị ngày xưa, bằng cái cây hàng rào to thật to do chính tay em bẻ, dù cho bây giờ em đã hết "hoang" như ngày xưa rồi chị ơi.
Sài Gòn, tháng ba, ngày giỗ chị.