Cảm ơn anh Đại đã vào khen.
Năm nay ngoài đường hoa nằm trên đường Nguyễn Huệ thì người ta còn tổ chức một con đường sách nắm trên đường Lê Lợi, khúc từ đầu chợ Bến Thành chạy dài đến ngã tư Lê Lợi Nguyễn Huệ, tức là chỗ cái bồn nước ngày xưa.
Góc ngã tư Lê Lợi và Nguyễn Huệ nhìn từ rạp Rex, phía trước là đường Nguyễn Huệ chạy thẳng ra bên Bạch Đàng, bên trái là Nhà Hát lớn, trước là nhà Quốc Hội cũ, bên tay phải là đường Lê Lợi. Sau nhiều năm dựng lô cốt để làm tuyến metro mê-triếc gì đó thì nay đã tháo gỡ bớt ra rồi, nghe đâu đường này cũng tính làm phố đi bộ luôn thì phải:
Nhớ những năm 80-85, thời bao cấp, cứ đến chiều Giáng Sinh là lập tức "lên đồ" láng cóng, tóc ép bri-ăng-tin mướt rượt, chân mang đôi sa-bô cao cỡ tấc hai, lụi hụi dắt bộ chiếc Honda dame màu đỏ mới vừa năn nỉ mượn bà chị đi từ ngã tư Xóm gà xuống tận chợ Bà Chiểu đổ đúng một xị xăng rồi leo lên nổ máy chạy ra tới ngã tư này, dựng xe trên vĩa hè cái kịch rồi ngồi ngắm... mấy em đi chơi lễ. Có kua được em nào cũng chỉ dám mời ẻm lên xe ngồi còn mình đứng mà nói chuyện, riêng hôm nào có tiền đổ được 2 xị xăng thì mời ẻm leo lên chở đi một vòng Sài gòn, vừa chạy vừa thắng gấp, ẻm ngồi sau hai tay ôm eo ếch của mình cứng ngắc, vừa cười vừa hét, Chạy ghê quá đi, Chạy ghê quá điiii... Ừa, công nhận chay ghi-a thiệt...
Chợ Bến Thành dần dần cũng đông khách trở lại. Còn nhớ khi trước phía trước chợ là công viên Quách Thị Trang và tượng ông Trần Nguyên Hãn, thánh tổ ngành Truyền Tin, nay cả hai đều bị gỡ bỏ, phía trước chợ là khu đất trống, còn bên kia là một khu nhà xây dang dở:
Nhìn xéo qua đường Lê Lợi là đầu khu đường sách.
Nhiều người vẫn chưa hiểu đường sách nghĩa là gì, xin thưa, cứ gọi nôm na là sách được bày bán trên nguyên một con đường thì cứ gọi là đường sách, vậy thôi hà. Dĩ nhiên không phải sách đổ đống rồi bán sôn mà nó được bày bán trên bàn trên kệ hẳn hoi. Đủ loại, cũ mới đều có cả. Thâm chí ai thích đọc tiểu thuyết kiếm hiệp kỳ tình diểm ảo của Kim Dung hay Hàn Giang Nhạn đều có cả, dĩ nhiên giá cả là phải cao rồi. Người ta thường bảo, Đời cha ăn mặn để đời con khát nước, trong trường hợp này có thể đổi lại, Đời cha nó thi nhau đốt sách thì đời con nó thi nhau in lại sách âu cũng là chuyện bình thường.
Nét "độc đáo" của đường sách năm nay đó là họ dành gần 1/3 con đường sách nói trên để bán thức ăn nhanh, tục gọi là thức ăn đường phố, chắc là ứng theo câu nói của ông bà xưa, Có thực mới vực được đạo, đạo nào không ăn mà vẫn sống đâu nào?.
Thôi thì dạo qua đó một vòng để biết bao nhiêu là chỗ bán đồ ăn, thức uống, xanh xanh đỏ đỏ đủ cả. Thực lòng mà nói, với một tên có đầu óc cổ hủ như tui, mấy thức ăn nhanh từ nướng, luộc đến chiên xào theo cái khuôn của Hàn, Nhật hay Thái ở đây tui ăn không được, dân lao động, đạp cyclo như tui vẫn hay làm bạn với cơm canh cá mắm cho chặt ruột nên với mấy món này chắc cũng chỉ dám đứng mà nhìn thôi.
Xoài lắc, cóc lắc, cái gì cũng lắc:
Nghiêu Sò Ốc Hến...
Suong sa hột lựu...
Si-rô đá bào. Thời của tui chỉ đơn giản có nước đá bào trên cái ghế bào nho nhỏ bằng gỗ cho đầy cái ly như này rồi chế si-rô màu đỏ vào là xong, không có thêm mấy trái dâu trái mận gì hết. Còn nhớ mỗi khi ăn xong môi miệng đứa nào cũng đỏ lòm, con trai môi đỏ nhìn thấy ghê, con gái môi đỏ nhìn mới thấy mê, thế nên hồi đó tui hay đút cho nhỏ bạn ăn giùm cũng chỉ để nhìn môi hắn đỏ hồng vậy thôi hà.