(2019-02-16, 10:30 PM)Xí Xọn Wrote: [ -> ]Hê lô Huynh Anatta.
Hôm trước XX nghe ai nói là có bàn thờ Thiên làm XX ngạc nhiên lắm á dzì XX chưa thấy bàn thờ Thiên bao giờ.
Huynh có biết nhiều về bàn thờ Thiên hông huynh? Nếu biết thì chia sẽ cho XX biết nha. Thanks a bunch. :tropical-drink_1f379:
Chào Xí Xọn,
Thông tin về Bàn thờ Ông Thiên có thể tìm thấy trên internet. Tuy nhiên chắc có lẽ Xí Xọn muốn biết theo Phật giáo Nguyên thuỷ (Buddhism Theravada) thì có liên hệ gì không hay là có cái nhìn ra sao về tục lệ thờ Trời này, phải không? Câu trả lời là có. Câu trả lời anatta chia ra làm hai phần: nói sơ lược tóm tắt về bàn thờ Ông Thiên, và ý nghĩa theo Phật pháp Nguyên thuỷ.
1). Theo Tự điển Từ ngữ Nam bộ của Huỳnh Công Tín:
“Bàn Ông Thiên” là bàn thờ trước sân nhà để đặt nhang, đồ cúng, làm bằng một tấm vuông nhỏ được đặt trên một trụ cao ngang tầm với người lớn; “Bàn Thiên: Bàn thờ Trời, Phật ở trước sân nhà ở nông thôn”.
"Trên bàn thiên có một lọ cắm hương bằng sành, đặt ở phía sau cùng, bên cạnh phía tay phải của người nhìn vào là một bình cắm hoa, trước lọ cắm hương đặt một cái dĩa đựng 4 chén chung nước. Nhà nghèo có khi người ta dùng lon sữa bò để cắm hương, dùng cái chai xá xị hay hũ tương để cắm hoa." (Báo Người-Việt)
Bàn thờ thông thiên trước một căn nhà ở miền quê Nam bộ. (Hình: Internet)
Bàn Ông Thiên xuất hiện từ khoảng đầu thế kỷ 20, khoảng năm 1910, khi người dân di cư vào miền "đàng trong" tức là miền Nam, Lục tỉnh để khai khẩn đất đai và lập nghiệp. Giữa vùng đất lạ mênh mông, con người cảm thấy mình nhỏ bé, yếu đuối trước thiên nhiên bao la, trước thiên tai, thời tiết bất thường, người ta cho rằng có đấng vô hình siêu nhiên nào đó có thể hoá giải những tai ách, tật bệnh, thời tiết khắc nghiệt lụt lội hạn hán nên từ đó Bàn Ông Thiên ra đời. Người dân tin rằng ông Trời có quyền năng, phép mầu và từ bi, có thể nghe thấy tâm tư hoàn cảnh của con người. Cứ mỗi vào chiều chạng vạng tối, thì người chủ nhà đốt nén nhang và cầu nguyện ông Trời cho có được sức khoẻ, bình an, phước lành, mùa màng thuận lợi .v.v... Vào những
ngày rằm 15 và 30 thì người ta thêm chén gạo và muối, trái cây để cầu nguyện khấn vái như trên. Có những câu ca dao mà ta có thể tìm thấy nói lên tục lệ niềm tin cầu nguyện Ông Thiên của người dân miền Nam Lục tỉnh:
“Lạy Trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống,
Lấy ruộng tôi cày,
Lấy đầy bát cơm,
Lấy rơm đun bếp…”
2). Theo Phật pháp Nguyên thuỷ (Buddhism Theravada) thì anatta nhắc sơ lại một chút về các cõi giới để dễ hình dung hơn. Giáo lý nhà Phật có Tam Giới: Dục giới, Sắc giới, và Vô Sắc giới. Dục giới có 11 cõi: 4 cõi Khổ, kế là 1 cõi Người là nhân loại chúng ta đây, và cao hơn là 6 cõi chư Thiên, cõi kế tiếp trên cõi Người là cõi trời Tứ Đại Thiên Vương. Ông Thiên mà dân gian Nam Bộ thờ đó là thuộc về cõi trời Tứ Đại Thiên Vương này. Tứ Thiên hộ trì, hộ thế nhân giới là Bốn Vị Đại Thiên Vương này. Dưới trướng của Bốn Vị là các chư thiên khác, trong đó có chư thiên hiền thiện và bất thiện hay hung dữ đều nằm trong sự cai quản của Bốn vị Thiên Vương trên.
Theo lời của vị sư nguyên thuỷ, thì các ngày mùng 8, rằm 15, 23 và 30 âm lịch, Tứ Đại Thiên Vương đi du hành khắp thế gian nhân loại để xem xét. Nếu thấy nhà nào có Bàn Ông Thiên, thì Vị Thiên Vương sẽ ghé lqua thăm, đi vào trong nhà người đó. Khi đó năng lực lành của Vị Thiên Vương có thể khiến cho cả nhà được mát dịu, an lạc. Giả như nếu gia đình đó có xích mích lục đục ngày hôm đó, thì năng lực lành này sẽ hoá giải làm giảm bớt xung đột bất hoà. Nếu như gia đình không có chuyện bất hoà gì cả, thì niềm hạnh phúc an lạc sẽ được tăng thịnh hơn.
Ở kinh tạng nguyên thuỷ, Kinh Tăng Chi Bộ 3 Đức Phật có đề cập đến Ông Thiên (Trời) này trong các ngày Trai giới (Bố Tát - Uposatha).
36.- Bốn Bậc Ðại Vương
- Này các Tỷ-kheo, trong ngày thứ tám của nửa tháng, các vị Ðại thần cố vấn cho bốn Ðại vương, đi du hành trong thế giới này để xem trong loài người, có nhiều người có hiếu với mẹ, có hiếu với cha, có kính Sa-môn, Bà-là-môn, có tôn trọng các vị gia trưởng, có làm lễ Uposatha (Bố-tát), có đề cao cảnh giác, có làm các công đức.
Này các Tỷ-kheo, trong ngày 14 của nửa tháng, các Hoàng tử của bốn Thiên vương, đi du hành trong thế giới này để xem trong loài người, có nhiều người có hiếu với mẹ, ... có làm các công đức.
Này các Tỷ-kheo, trong ngày rằm lễ Uposatha (Trai giới), bốn vị Thiên vương tự mình đi du hành trong thế giới này để xem trong loài người, có nhiều người có hiếu với mẹ, ... có làm các công đức.
Nếu chỉ có ít người giữa loài người, này các Tỷ-kheo, có hiếu với mẹ, ... là các công đức, thời này các Tỷ-kheo, bốn vị Ðại vương liền báo với chư Thiên ở cõi trời thứ ba mươi ba, đang ngồi tụ họp tại hội trường Sudhammà:
- "Thưa chư vị, có ít người giữa loài người có hiếu với mẹ, ... có làm các công đức".
Rồi này các Tỷ-kheo, chư Thiên ở cõi trời thứ ba mươi ba không hoan hỉ nói:
- "Thật vậy, Thiên chúng sẽ bị tổn giảm và Asura chúng (A-tu-la) sẽ được sung mãn."
Nhưng này các Tỷ-kheo, nếu có nhiều người giữa loài người, có hiếu với mẹ, ... có làm các công đức, thời này các Tỷ-kheo, bốn vị Ðại vương liền báo với chư Thiên ở cõi trời thứ ba mươi ba, đang ngồi tụ họp tại hội trường Sudhammà:
- "Thưa chư Vị, có nhiều người giữa loài người, có hiếu với mẹ, ... có làm các công đức".
Rồi này các Tỷ-kheo, chư Thiên ở cõi trời thứ ba mươi ba hoan hỷ nói
- "Thật vậy, Thiên chúng sẽ được sung mãn, còn các Asura chúng sẽ bị tổn giảm.
Cõi Trời Ba Mươi Ba là cõi trời Đao Lợi, cao hơn cõi Tứ Thiên Vương. Cõi Asura (A Tu La), là một cảnh đau khổ trong 4 cảnh khổ: địa ngục, ngạ quỷ, bàng sanh, và A Tu La. Như vậy, những ngày 14, Rằm 15... nếu chúng ta phát tâm ăn chay, bố thí, hành ngũ giới, thanh tịnh hoá thân tâm, thì sẽ tạo cho mình được công đức, giúp giải bớt đi nghiệp xấu và sau này khi chết đi có cơ hội sẽ tái sanh về nhàn cảnh an lạc như là cõi Tứ Thiên Vương hoặc Đao Lợi.
Tiện đây anatta xin đề cập thêm một điều hơi ngoài lề và có liên qua đến Tứ Đại Thiên Vương này. Nơi cõi người thế gian chúng ta sống đây, thì có loại chư Thiên gọi là Càn Thát Bà. Trong số Chư thiên Càn Thát Bà này có một loại khá dữ dằn chuyên sống nương vào các thân cây. Dù cho cây bị người ta đốn đi làm cây, làm gỗ để dùng thì loại Càn Thát Bà này vẫn bám theo sống mà không rời. Vì thế xui rủi thay nếu có gia chủ nào dùng cây gỗ làm cột hay bàn ghế .v.v... trong nhà mình và có Càn Thát Bà dữ dằn này nương tựa, thì sẽ bị chư Càn Thát Bà này quấy rối khiến cho bị xui xẻo, đủ thứ chuyện phiền phức xảy ra trong nhà, tật bệnh .v.v.... Khi đó thì nên nhờ thầy nào biết hoá giải làm nghi thức mời chư thiên Càn Thát Bà đó rời đi. Loại Càn Thát Bà hung dữ này nằm dưới quyền cai quản của Vị Đại Thiên Vương, Đức
Dhataraṭṭha (Trì Quốc Thiên Vương) một trong Bốn Vị Đại Thiên Vương. Vị gia chủ bị phá đó có thể chờ đến các trai giới như đã nói trên, cầu khẩn vị Đại Thiên Vương
Dhataraṭṭha (Trì Quốc Thiên Vương) giúp đỡ hộ trì, hoặc nhờ vị thầy nào biết cách cầu khẩn Vị Đại Thiên Vương này trợ giúp.