Vi Nhơn Nan ...
#61
Nhân đọc các posts nói về Khuất Nguyên của SD và DT, anatta nhớ lại bác Nguyễn Duy Cần cũng có bài nhận định về Khuất Nguyên, trong quyển Thuật Xử Thế của Người Xưa, xin trích ra đây bài phê bình đó. Vài năm trước cũng đã có cuộc tranh luận về Khuất Nguyên và Lão Đánh Cá bên VF.



TÂM SỰ CỦA KHUẤT NGUYÊN


BỰC QUÂN TỬ thời xưa, ở Á Đông đại khái có thể chia ra làm hai hạng người có hai lối nhân sinh, hai đường xử thế khác nhau rất rõ rệt.

 
Hai hạng người đó, mỗi hạng đều ôm ấp một tâm sự... Muốn tìm hiểu tâm sự của mỗi người, một quyển sách cả ngàn trang cũng không sao nói được hết ý. Thế mà nếu có thể tóm lại, người ta cũng có thể tóm lại trong một câu chuyện hết sức gọn gàng đầy đủ trong một trang sách nhỏ: Câu chuyện Khuất Nguyên và Lão đánh cá. Đấy cũng là chỗ sở trường của người Á Đông vậy.
 
********

Khuất Nguyên làm quan cho vua Hoài Vương nước Sở, bị sàm báng mà bị phóng khí. Mặt mũi tiều tụy, hình dung khô héo, Khuất Nguyên vừa đi vừa hát ở bên bờ đầm.
 
Có ông lão đánh cá trông thấy hỏi:
 
- Ông có phải là Tam lư đại phu đó không? Sao mà đến nỗi khốn khổ như vậy?
 
Khuất Nguyên nói:
 
- Cả đời đục, một mình ta trong; cả đời say một mình ta tỉnh, bởi vậy ta mới bị phóng khí.
 
Ông lão đánh cá nói:
 
- Thánh nhân không câu nệ việc gì, lại hay tùy thời. Có phải đời đục cả, sao ông không khuấy thêm bùn, vỗ thêm sóng cho đục theo một thể? Loài người say cả, sao ông không biết ăn cả men, húp cả bã cho say theo một thể? Việc gì mà phải phòng xa nghĩ sâu cho đến nỗi phải bị phóng khí?
 
Khuất Nguyên nói:
 
- Tôi nghe: mới gội đầu tất phải chải mũ; mới tắm tất phải thay áo; có đâu lại chịu đem cái thân trong sạch mà để cho vật dơ bẩn dính vào mình được? Thà nhảy xuống sông Tương, vùi xác vào bụng cá, chớ sao đang trắng lôm lốp, lại chịu để vấy phải bụi dơ.
 
Ông lão đánh cá nghe nói tủm tỉm cười, quay chèo bơi đi, hát:
 
Sông Tương nước chảy trong veo,
 
Thì ta đem giặt cái lèo mũ ta;
 
Sông Tương nước đục chảy ra,
 
Thì ta lội xuống để mà rửa chân...
 
Hát xong, đi thẳng, không nói gì nữa.
 
***
 
Tâm sự của Khuất Nguyên đâu phải riêng gì của Khuất Nguyên, mà nó là tâm sự chung của phần đông nhân loại từ xưa đến nay vậy.
 
Cả đời đục, một mình ta trong,
 
Cả đời say, một mình ta tỉnh...
 
Lòng tự ái của ta xui ta bao giờ cũng tin tưởng như thế. Điều ta nghĩ luôn luôn đúng; việc ta làm luôn luôn phải. Không đúng, không phải, làm sao ta dám nghĩ, dám làm... Thằng bất nhân bất nghĩa nhất trong đời có bao giờ tin mình là bất nhân bất nghĩa đâu. Tào Tháo, một tên gian hùng đệ nhất xưa kia, cũng vẫn tin mình thế thiên hành đạo, mà một trái bom nguyên tử trên Hiroshima, giết một loạt sáu trăm ngàn người... cũng chỉ là một việc làm hết sức nhân đạo: sát nhất miêu cứu vạn thử...
 
Dầu là một kẻ ngu... cũng vẫn tin việc mình là phải. Người xưa nói: Ta có thể đoạt ấn soái giữa chốn ba quân, nhưng không thể đoạt được dễ dàng cái chí của một kẻ thất phu. Câu nói này thật là một câu nói khám phá được cả tâm sự loài người.
 
 
Tôi có lý! Đấy là một tin tưởng mà cũng là một quả quyết.
 
Tôi có lý! Đấy cũng là một cơ hội để nâng cao cái bản ngã của mình lên, kẻ nào dám đương nhiên xâm phạm là chạm đến sinh mạng thiêng liêng của mình vậy. Mình không thể tha thứ được những ai dám bảo mình lầm.
 
Tin rằng chỉ có một mình mình có lý, và chỉ tín suông như thế thôi, thì có gì là lạ, mà cũng có gì là hại cho ai đâu. Bất quá là ai có ý kiến nấy. Nguy hiểm là, trong khi ta tin ta có lý, ta lại tin rằng kẻ nào không theo về cùng một ý kiến với ta là sái quấy, là lạc lầm... Nghĩa là, trong khi ta tin mình có lý, ta cũng vừa lên án kẻ khác không đồng một ý kiến với ta là sái quấy, là lạc lầm:
 
Cả đời đục, một mình ta trong,
 
Cả đời say, một mình ta tỉnh...
 
Bởi vậy, đời mà không có ta can thiệp đến... đời sẽ mê loạn đến bực nào.
 
Đã tự cho là người giác ngộ, thì cũng vừa là tự ban cho cái sứ mạng cứu đời... Bụng thương đời tha thiết của ta khiến ta khó nỗi dửng dưng với thế sự... Lòng nhiệt thành hăng hái về việc cứu đời của ta không cho phép ta có thể thản nhiên được với bọn người dám ngang nhiên công kích kế hoạch cứu thế của ta. Chống lại với ta, là bọn người lạc hậu; nghịch lại với ta, là bọn người phản tiến hóa. Vậy, phận sự của ta, phận sự của con người giác ngộ là phải lo độ kẻ khác, bất cứ bằng phương pháp nào...
 
Trong khi
 
Đời đục cả, một mình ta trong,
 
Đời say cả, một mình ta tỉnh...
 

thì hơi sức nào chiều theo ý của mọi người... Bất luận là phương pháp nào, nô lệ, dã man... cũng không sao cả, miễn ta cứu độ được người ra khỏi vòng tăm tối là được.
 
Phận sự của ta chẳng những lo cứu độ đời mà còn phải lo trừng phạt những kẻ nào chặn đứng con đường tiến hóa của nhân loại, nếu cần...
 
Những khẩu hiệu thế thiên hành đạo, tế thế độ nhơn sở dĩ mọc lên như nấm... cũng chỉ vì cái bụng yêu đời và lo đời ấy của ta... lo cho đời đều theo về cùng một cái khuôn tư tưởng như mình.
 
Nhưng mà, than ôi, tâm sự của ta, nó cũng lại là tâm sự của mọi người... Rồi đây, có lẽ thiên hạ không còn ai có thể dung túng ai được nữa. Ai ai cũng tin:
 
Cả đời đục, một mình ta trong,
 
Cả đời say, một mình ta tỉnh...
 
thì làm gì nhân loại tránh khỏi tao loạn lầm than mà tự cổ chí kim, không thời nào tránh khỏi. Cái bệnh ham làm thầy đời, cái bệnh thà làm đầu con gà hơn làm đít con trâu của ta, nó là cái tâm bệnh của loài người... Bởi vậy, ta mong ước, ta tin tưởng chỉ có một mình ta trong, chỉ có một mình ta tỉnh, để ta có cơ hội lên mặt thầy đời hiu hiu tự đắc: trí hơn người ngu, khôn hơn kẻ dại... Rủi mà ngày nào, cái bọn người ngu si mê muội kia mà tiêu mất hết đi rồi, thì cái bọn thầy đời của chúng ta đây dựa vào đâu mà tồn tại! Thế mà ta lại muốn độ cho bọn ngu mê trong thiên hạ đều phải khôn ngoan sáng suốt như ta cả, ta nào có dè ta lại làm một điều mâu thuẫn, ta đang phá hoại cái ngai vàng của ta vậy...
 
Cái chết của Khuất Nguyên là cái chết dĩ nhiên... cái chết tỏ sự bất lực của mình không đủ uy thế để bắt buộc kẻ khác phải nghe theo mình, vì ai ai vẫn tin như mình:
 
Cả đời đục, một mình ta trong,
 
Cả đời say, một mình ta tỉnh...
 
và, bởi có đủ quyền bắt buộc kẻ khác phải nghe theo, nên lẽ dĩ nhiên họ phải sa thải mình, nếu mình không đồng ý kiến với họ... Đó là lẽ dĩ nhiên nó phải vậy: kẻ nào mạnh, thì thắng...
 
Khuất Nguyên, với một tâm sự dường ấy, chỉ còn có một cách là tự sát: người ta mà không sát phạt được kẻ khác khi họ chạm đến lòng tự ái của mình... thường hay sát phạt lại mình mới hả dạ... Những đứa trẻ... muốn đánh cho kỳ được bạn nó khi uất ức mà phải bị một lẽ gì trở ngại... lòng sát phạt ấy trở sát phạt lại bản thân: nó đấm ngực nó, nó cắn tay nó... cho đến chảy máu mới vừa lòng... Khuất Nguyên với tâm trạng này, tránh sao khỏi sự hủy mình... vào bụng cá...

Còn lão đánh cá?
 
Tâm sự lão thắc mắc không biết chừng nào... Lão là người hiểu tình đời sâu sắc lắm... Lão hiểu người như Khuất Nguyên dầu có cố tâm bàn cãi với họ cũng vô hiệu quả...

Ôi! Trách người mê, sao không biết trách mình không biết cách làm cho người ta tỉnh? Dạy người mà dạy không đặng, biết đâu chẳng phải vì ta không biết cách dạy... Cớ sao lại biết chắc là vì người ta ngu? Người trí, mỗi khi làm hỏng một điều gì, đều tìm hiểu nguyên nhân để trách mình trước nhất.
 
Lão sở dĩ không muốn bàn cãi với Khuất Nguyên thêm nữa, nào phải lão đã đuối lý, cũng đâu phải lão là một kẻ yếu hèn, không dám đương nhiên chống đầu với dư luận, không đủ cương quyết để hô hào cổ vũ hay bắt buộc kẻ khác đồng theo... Lão sở dĩ bỏ ra đi là vì lão biết rõ tâm hồn của Khuất Nguyên bị tình dục giày vò: cái tình dục tự tôn tự đại. Thử hỏi trong đời có cái tình dục nào mà nhiễu hại người một cách thống thiết bằng không; mà cũng có cái tình dục nào làm cho người mờ ám ngu nguội bằng không! Khi mà người ta để cho cái tình dục ấy thống trị con tâm của mình rồi thì trong đời, không còn có một lý lẽ nào có thể đem mình trở về con đường sáng suốt điềm tĩnh được nữa. Dùng lý lẽ để nói chuyện với họ là một việc làm vô ích. Tình dục của mình nó có những lẽ phải, mà chính lẽ phải không sao hiểu nổi...
 
Hơn nữa, lão đã hiểu rõ cái lẽ tương quan của sự vật, nhứt là cái luật bất bình đẳng tự nhiên của nhân loại, cho nên lão không tin có một ý kiến nào là tuyệt đối, nghĩa là phải, chung cho tất cả mọi người. Cái phải đối với người này chưa ắt cũng là cái phải đối với người kia; cái quấy đối với người kia, chưa ắt cũng vẫn là cái quấy đối với người nọ. Cũng như, chỗ thích của kẻ ngu, người trí lấy làm bực mình, thì cái thích của người trí, kẻ ngu cũng lấy làm bực mình vậy. Trình độ, tâm tính khác nhau... thì sự ưa ghét cũng phải khác nhau.
 
Bởi vậy, lão không tin ở đời có ai dạy được ai. Nếu dạy được thì xưa nay, thánh nhân đã dạy được người đời rồi, cha đã dạy được con, thầy đã dạy được trò, anh đã dạy được em, chồng đã dạy được vợ... mà hiện thời nhân loại đã sống được trong cảnh thái bình và thiên đàng rồi vậy. Có dạy được chăng là những kẻ cũng đồng một tâm hồn, một chí hướng như mình, hễ đồng với ta cho ta là phải, không đồng với ta cho ta là quấy. Cái phải, quấy của người ta bất quá chỉ có bấy nhiêu thôi.
 
Nghĩ thế, lão không chịu cam thiệp, bắt ép người ta phải theo cùng một ý kiến với mình về điều phải lẽ quấy... Nào phải lão sợ gì thiên hạ bất bình... mà bởi lão không chịu những bực thức giả trong đời cười lão là mê muội...
 
Trong thiên hạ ngày nay, hạng người như Khuất-Nguyên lại chiếm hết chín mươi chín phần trăm nhân loại, họ tin quyết rằng:
 
Đời đục cả, một mình ta trong,
 
Đời say cả, một mình ta tỉnh...
 

thế mà mình cũng vẫn bâng khuâng tha thiết lo cho họ nhìn nhận cái mê của họ, lòng tự ái đui mù của họ có cho phép họ nhìn nhận cái mê của họ không? Không khéo, rồi mình lại còn mê hơn họ nữa mà không hay! Vậy, mình thà chịu dại còn hơn.
 
Biết là việc không thể làm, mà cũng cố làm cho kỳ được... người đời cho đó là hạng người đại chí; theo lão, lão cho hạng người ấy là hạng làm liều... Người trí, phải chăng là kẻ biết phân biệt rạch ròi những gì có thể làm được và những gì không thể làm được. Cầu may mà được, kẻ ngu lấy làm thích, mà người trí lấy làm lo... Chứ nào phải lão là một kẻ rụt rè ích kỷ, một vật gỗ đá gì mà có thể dửng dưng với thế sự, lạnh nhạt với tình đời.
 
Bực thánh nhân sao lại câu nệ mà không biết tùy thời... Nếu quả thật "đời đục cả, thì sao ta không biết khuấy thêm bùn, vỗ thêm sóng cho mình cùng đục một thể?" Nếu quả thật "đời say cả, thì sao ta không biết ăn cả men húp cả bã cho cùng say theo một thể?". Con cá mà muốn làm khác loài cá, bỏ nước nhảy lên bờ, thì chết; con hổ mà muốn làm khác loài hổ, bỏ núi ra đồng bằng thì chết. Người ta đều ngu cả mà mình muốn tỏ cái khôn của mình ra để khác biệt với họ, biết đâu lại không vời họa đến cho mình? Khôn mà biết làm như ngu, mới thật là khôn kín. Học được cái ngu nầy của lão, đâu phải dễ dàng gì...
 
Trước cử chỉ ngạo nghễ của Khuất Nguyên tin rằng:
 
Đời đục cả, một mình ta trong,
 
Đời say cả, một mình ta tỉnh...
 

nhất quyết không chịu đem cái thân trong sạch (!) của mình để cho vật dơ bẩn (!) dính vào mình thì bực thức giả như lão đánh cá đây, chỉ còn có một nước là tủm tỉm cười... quay chèo bơi đi nơi khác không nói một lời... ôm theo mình một tâm sự lạnh lùng:
 
Sông Tương nước chảy trong veo,
 
Thì ta đem giặt cái lèo mũ ta;
 
Sông Tương nước đục chảy ra,
 
Thì ta leo xuống để mà rửa chân
 
Người ta sẽ bảo: cử chỉ bất can thiệp của lão sẽ không lợi gì cho đời, lại còn tai hại cho đời là khác... Người ta sẽ không còn ai lo đời nữa, ai ai cũng đều bó gối ngồi không... việc thiên hạ rồi sẽ ra như thế nào?
 
Việc ấy làm gì có được... Làm gì có thể cấm con chó sủa, con gà gáy, cũng như làm gì cho cái hạng người như Khuất-Nguyên nầy mà đừng can thiệp đến việc đời... Thấy được cái nhu trong cái cương, cũng như thấy được cái cương trong cái nhu... nghĩa là có nhận thức được cái mâu thuẫn ngầm chứa trong mọi sự vật trong đời, thì mới mong hiểu được nỗi lòng của hạng người như lão đánh cá nầy. Những đầu óc chỉ biết suy nghĩ có một chiều như Khuất-Nguyên, chỉ biết có một cái phải hay một cái quấy nào; chỉ biết tịnh là tịnh, mà động là động, chứ không thể hiểu được trong tịnh có động, trong động có tịnh... thì làm gì hiểu nổi hành động của lão đánh cá: hạng người nầy, họ làm, mà như không làm gì cả, họ không làm gì cả, mà không gì là không làm... Sở dĩ lão mỉm cười, bỏ ra đi, không nói một lời... lý do ta có thể hiểu được.
 
Nhưng nói cho cùng mà nghe, nếu việc ấy mà có được, nếu vì chủ nghĩa bất can thiệp của lão mà thiên hạ ai ai cũng chỉ biết lo cho nấy, và việc đời rồi sẽ không còn ai lo cho ai nữa cả... thì có lẽ sẽ là điều may mắn nhất cho nhân loại biết chừng nào! Nếu mỗi người mà được như lão, ai ai cũng biết lo cho mình, lo cho mình một cách sáng suốt, lo cho mình tới chỗ thật biết thật hiểu, cho một thân thể không đau, một tinh thần không loạn... thì có cần ai gì phải can thiệp đến việc ai, mà người người đều hạnh phúc cả. Đời mình mà còn phải có người lo, đâu phải là một cái đời tự do và hạnh phúc. Và, bởi ai ai cũng chỉ biết lo cho đời, hăng hái chỉ có một việc lo đời mà chẳng biết lo mình trước, ai ai cũng tin:
 
Đời đục cả, một mình ta trong,
 
Đời say cả, một mình ta tỉnh...
 

mới có cảnh hỗn độn lầm than ngày nay vậy.
 
Có tự giác mới giác tha, có cứu được mình mới cứu được người. Mình mà còn tham lam thân trữ, nô lệ dục vọng mình, nô lệ thành kiến mình, nô lệ tín ngưỡng mình, còn chết trong một cái lẽ phái nào... thì tốt hơn đừng bận tâm đến việc đời làm chi để đỡ cho đời một cái nạn.
 
Rồi, giữa trời nước bao la... nghĩ đến cái kiếp nhỏ nhen hữu hạn của con người trước cái khoảng mênh mông vô tận của Vũ trụ... lòng lão không thể không thắc mắc...
 
Ừ! Cuộc đời rồi cũng... chẳng qua là một giấc mộng. Những cuộc doanh hư tiêu trưởng, thành bại, đắc thất ở đời nào đâu phải chỗ sở cầu của con người mà được... Đó chẳng qua là cái luật thăng trầm, như ngày đêm tiếp tục mãi mà không thôi vậy. Hễ, "vật cực tắc phản, vật cùng tắc biến", đấy là một cái luật lạnh lùng của tạo hóa, không ai có thể cưỡng cầu. Lấy sức người mà thay vào cái guồng máy to tát của Vũ trụ, liệu có nên trò trống gì không? Hay chỉ rồi:
 
Quyền họa phúc trời tranh tất cả,
 
Chút tiện nghi chẳng trả phần ai;
 
Cái quay búng sẵn trên trời,
 
Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm...
 
Vậy chứ những lâu đài rực rỡ của những văn minh tự ngàn xưa để lại trên quả địa cầu nầy... đã không chôn vùi lặng lẽ dưới đống tro tàn...
 
Hai lối nhân sinh, hai đường xử thế... mà cũng là hai bầu tâm sự, hai khối tâm hồn... không thể sống chung nhau mà vẫn cùng thời gian bất tuyệt phải sống mãi cạnh bên nhau, phải chăng cũng là một nỗi khổ tâm cho cả hai đàng vậy?


Thu-Giang NGUYỄN-DUY-CẦN
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#62
(2018-01-09, 09:58 PM)Fan Wrote: Chào huynh Sao Đen ,

Huynh nói theo Phật vì đạo Phật thì tu cho chính mình và tìm chân lý hạnh phúc cho chính mình , 

Tiểu Đệ lại học theo Đạo Kito , thì lại tìm hạnh phúc chân lý sống và hy sinh cho tha nhân nhiều hơn cho chính mình . 

Đúng là muốn hay không ở mình ...và củng 1 phần ở ơn .



Việc này tự bác phán cho đạo Phật như vậy để đề cao đạo Kito của bác đúng không?  Grinning-face-with-smiling-eyes4 Tam Bảo trong đạo Phật từ đời từ đời lưu truyền lại cho tha nhân tới tận ngày nay mà bác dám phán rằng đạo Phật thì tu cho chính mình và tìm chân lý hạnh phúc cho chính mình.
Reply
#63
Chào Anatta,

Cụ Nguyễn Duy Cần viết hay quá . Nhìn rất thấu đáo . 

- Loại người có lý tưởng , dám chết cho lý tưởng, xưa nay cũng là những người được tôn sùng . Nhiều người lấy họ làm gương và muốn sống cuộc đời như họ . Có 1 câu nói nổi tiếng "Minh chi bất khả nhi vi chi" -- Biết rỏ không được nhưng vẩn làm . Để nói lên cái ý chí bất khuất . Vì 1 lý tưởng, vì 1 niềm tin , hoặc vì dân, vì nước . ( Đa phần là do ảnh hưởng của Không giáo)

- Loại người theo tư tưởng của Đạo gia thì mang tính miển nhàn 

Cả 2 loại đều có cái hay , tuỳ theo tình huống mà phát huy . Tuỳ theo địa vị, công việc, chỗ đứng của 1 người mà làm . Tôi thì cho rằng không có chuyện gì tuyệt đối .
Vung cước tung hoành viện dưỡng lão
Thần quyền xưng bá trường mầm non
Reply
#64
(2018-01-25, 08:52 PM)RungHoang Wrote: Chào Anatta,

Cụ Nguyễn Duy Cần viết hay quá . Nhìn rất thấu đáo . 

- Loại người có lý tưởng , dám chết cho lý tưởng, xưa nay cũng là những người được tôn sùng . Nhiều người lấy họ làm gương và muốn sống cuộc đời như họ . Có 1 câu nói nổi tiếng "Minh chi bất khả nhi vi chi" -- Biết rỏ không được nhưng vẩn làm . Để nói lên cái ý chí bất khuất . Vì 1 lý tưởng, vì 1 niềm tin , hoặc vì dân, vì nước . ( Đa phần là do ảnh hưởng của Không giáo)

- Loại người theo tư tưởng của Đạo gia thì mang tính miển nhàn 

Cả 2 loại đều có cái hay , tuỳ theo tình huống mà phát huy . Tuỳ theo địa vị, công việc, chỗ đứng của 1 người mà làm . Tôi thì cho rằng không có chuyện gì tuyệt đối .


Bài tâm sự Khuất Nguyên đó, anatta đọc đã đọc một số lần, và giờ đọc lại vẫn thấy hay. Cái học của Cụ bao gồm Tam giáo và Dịch, nên cái nhìn dung thông và khoáng đạt. Cụ có viết một bài bình luận (trả lời) cho một thức giả phê phán cuốn sách Cái Dũng Thánh Nhân (bàn về sự điềm đạm của tâm hồn) của cụ mà anatta cảm nhận là hay.
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#65
Thấy bài Tâm Sự Của Khuất Nguyên do anatta đăng lại, dt tim đọc lại cuốn Thuật Xử Thế Của Người Xưa, thấy có đoạn này sao mà giống mình đã viết cho SD :"Rủi mà lời nói mình không được người để ý đến hoặc bị ruồng rẫy, bỏ qua thì không có gì buồn khổ, bực tức bằng. Nói thì có hơi quá đáng, nhưng sự thật tâm sự tôi bấy giờ không khác gì tâm sự của Khuất Nguyên, có điều là không đến nỗi đi trầm mình nơi sông Bộc..." (tr.10). 

Câu này:"Tin rằng chỉ có một mình mình có lý, và chỉ tin suông như thế thôi, thì có gì là lạ, mà cũng có gì là hại cho ai đâu. Bất quá là ai có ý kiến nấy. Nguy hiểm là, trong khi ta tin ta có lý, ta lại tin rằng kẻ nào không theo về cùng một ý kiến với ta là sái quấy, là lạc lầm... Nghĩa là, trong khi ta tin mình có lý, ta cũng vừa lên án kẻ khác không đồng một ý kiến với ta là sái quấy, là lạc lầm..."

Nên bỏ qua mấy chữ in đậm thì chính xác hơn. Tin mình đúng, có lý thì vô hại, nhưng nếu mình luôn luôn / hầu như lúc nào cũng cho chỉ có một mình là đúng thì mới có vấn đề. Vì khi độc quyền chân lý thì chỉ có hoặc Đen, hoặc Trắng; Thị hoặc Phi; nếu mình Thị/Trắng thì thiên hạ tất nhiên phải Phi/Đen, chứ khg có chỗ cho cả 2 cùng Thị/Trắng, thành ra có hậu quả khg hay, dễ ma sát, xung đột, nhẹ thì cãi cọ, bực tức; nặng thì cầm dao, súng giải quyết. Não trạng như vậy có tính thiển cận, cứng ngắc là đặc điểm của người thiếu trí tuệ. Ông NDC thú nhận :"Thuở nhỏ, tôi là người thích cãi nhất." (sách đã dẫn, tr.10) Cái tánh hay cãi này, lúc trước dt cũng mắc phải, vì mình khg hiểu rằng, cùng 1 vấn đề, có thể có nhiều cách nhìn, thành ra có thể có 2, 3 ý kiến khác nhưng cũng đúng. 

Khuất Nguyên có thể học rộng biết nhiều, nhưng sự hẹp hòi trong não trạng đã hại ông. Thêm 1 vấn đề là cái bản ngã của ông hơi "bị" to, nên ông khg hề nghĩ rằng, có chắc mình tỉnh, trong hay khg ? Một người khiêm tốn cũng đồng nghĩa trí tuệ sẽ cân nhắc đến khả năng biết đâu có thể mình mới là kẻ đục, xỉn, trong khi thiên hạ mới tỉnh, trong ? Biết nghi ngờ, bớt chủ quan trong tư tưởng mình, như vậy là một nấc thang đầu tiên trên con đường đạt đến minh triết, giác ngộ.
Reply
#66
Những đoạn mà anh dt trích lại và nêu lên thì tâm lý hầu như đa số chúng ta đều mắc phải. Nói về việc học rộng biết nhiều thì anatta nghĩ, học vấn học cao là một chuyện, nó không có ăn nhập với tánh khí của cá nhân. Tức là người học cao biết nhiều mà thiếu sự rèn luyện tâm thì chưa hẳn là người đàng hoàng, ngay chính, khoan dung. Bởi thế, trong trường học mới có môn học đạo đức, hoặc các tôn giao thì có dạy các điều giới nên làm.

Quyển TXTcNX là quyển bác Cần viết bổ sung cho quyển Cái Dũng của Thánh Nhân. CDcTN thì luyện tập để có tâm hồn bình tĩnh, còn TXTNX là ứng dụng cái sự bình tĩnh đó. Nhân tiện đây, anatta đăng lên bài bác Cần trả lời cho một thức giả phê phán cuốn sách CDcTN, mà anatta cảm thấy rất hữu ích.
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#67
Quyển “Cái Dũng của Thánh Nhân” in lần đầu vào năm 1951 đã gây ra một dư luận khá sôi nổi. Nhiều độc giả gởi thư đến tác giả để chất vấn, để tán thành cũng có. Báo chí cũng có nói đến. Để mở rộng đường dư luận, mà nhất là để độc giả hiểu rõ ý của tác giả hơn, dưới đây chúng tôi xin lục đăng 2 bài báo: một bài của ông Huỳnh Khắc Dụng bàn về quyển “Cái Dũng của Thánh nhân”, đã đăng trong “Khoa Học Tạp Chí” số Xuân Nhâm Thìn, và bài của tác giả trả lời cho ông Huỳnh Khắc Dụng, đăng trên tuần báo “Thế Giới” số 77, 78, 79. (Nhà Xuất Bản)



BÀN VỀ QUYỂN

  “CÁI DŨNG CỦA THÁNH NHÂN”
  

Nhà sách P. Văn Tươi vừa cho xuất bản một quyển sách do ông Nguyễn Duy Cần viết, nhan đề “Cái Dũng của Thánh Nhân”.
 
Sách dày hơn 150 trang, trình bày khéo léo, ấn loát kỹ càng.
 
Tác giả đã ra công rút các tinh hoa trong sách Á Âu để giải một cách rành mạch cái “Dũng” của thánh nhân.
 
Sau khi cử nhiều ví dụ, và kể những mẩu chuyện con con rất có duyên, ông Cần lại chỉ cho ta phương pháp để mong đến chỗ siêu việt ấy.
 
Dũng là mạnh, nhưng đây không phải sức mạnh của xác thịt, võ lực thiên bẩm hoặc do luyện tập cơ thể mà có. Đây là sức mạnh của tâm hồn, làm cho con người trở nên bực siêu nhân, sống tự do thư thái, với trọn nghĩa thanh cao của chữ “sống”.
 
Người dũng, dầu lâm vào trường hợp ngang trái, khó khăn đến đâu cũng một mực không kinh, không giận. Lúc nào cũng tự chủ, thất tình bị kềm hãm bên trong; họ quan niệm cái bệnh, cái chết một cách thản nhiên, đứng trước ngyu cơ, mặt không đổi sắc, tim không đập nhanh, đầu không choáng, trí rất bình, lượng sức mình mà đối phó với cảnh ngộ.
 
Muốn đạt cái dũng, phải dày công luyện tập cái tánh căn bản là sự điềm đạm.
 
Trong lúc xã hội ta đang vật lộn với nhiều ảnh hưởng tai hại lăm le tiêu diệt cái văn hóa cổ truyền tốt đẹp của ta, quyển sách của ông Nguyễn Duy Cần mang đến cho tâm hồn người Việt Nam một nguồn an ủi và một mong mỏi nhiệt thành ở tương lai.
 
Hai văn hóa Á Âu đã gặp gỡ nhau trên dòng sông lịch sử, và dầu muốn dầu không, ai cũng nhận định sự ấy. Nếu hỏi tôi: sự gặp gỡ kia đã cấu tạo việc hay việc dở thế nào trên non sông nước Việt, thật tôi sẽ luống cuống. Tôi sẽ mời các ngài ôn lại sự Âu hóa trong nước ta. Đành rằng cái tinh túy của văn minh hai cõi giống nhau, nhưng cái vỏ ngoài khác hẳn. Một đàng thì háo động, một đàng thì háo tịnh. Hành vi, cử chỉ, lễ độ nhứt nhứt đều trái ngược, làm cho kẻ không quen suy nghĩ phải phân vân, chẳng khác người nhà quê ra tỉnh, ngơ ngác không tìm được lối chánh mà đi…
 
Mấy năm sau này, do nhiều yếu tố hỗn hợp, chẳng những phong hóa nước ta bời rời, mà đạo đức nước ta cơ hồ trải qua một cơn khủng hoảng.  Thay vào cái điềm đạm thời xưa, ta thấy thói náo động vô ý thức nó khiến cho ta mất thăng bằng như con chim bạt gió.
 
Phải chăng là với thời gian, mọi sự đều tuân theo luật biến chuyển?
 
Thử hỏi có thể đem tư tưởng “tịnh” áp dụng cho một xã hội “động” được chăng?
 
Người đánh mình, mình cứ khư khư bất động được chăng, nếu mình cho rằng đối phương có một cử chỉ bất công?
 
Xét rằng vạn sự ở thế gian đều động chứ không tịnh – tôi không tin phương pháp tĩnh tọa sẽ dắt ta đến tánh điềm đạm và từ chỗ ấy, đến cái Dũng của tâm hồn.
 
* * *
 
Đọc quyển sách của ông Nguyễn Duy Cần, không phải vô bổ, vì ở đời tốt hơn nên vững tin nơi năng lực tiềm tàng của ta, hơn là ỷ lại vào người.
 
Thấu lẽ mọi vật của ngoại cảnh, ta hãy cố điêu luyện dung hòa tâm với vật, và sống, để điều khiển con tâm cho ngay chánh. Như thế ta mới có cơ hiểu luật điều hòa của vũ trụ.
 
Vì chưng loài người không thống trị được con tâm, không dìm được thú tánh, mới có chuyện tham tàn, xô xát, giết hại lẫn nhau, mới có mạnh hiếp yếu, gây thế giới chiến tranh, chung quy cũng tại mất thăng bằng bên trong vậy.
 
* * *
 
Kết luận, nếu mọi người hun đúc được cái dũng của thánh nhân, thì xã hội sẽ đi đến đại đồng, sống trong nhung lụa, giữa hòa bình, trật tự và an ninh, sẽ là một xã hội lý tưởng.
 
Nhưng tôi vừa viết: “Nếu…”
 
 
HUỲNH KHẮC DỤNG
(Khoa Học Tạp Chí)
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#68
Cuộc tranh luận giữa hai Nhà Văn

Về SỨC MẠNH
của
TÂM HỒN và BẠO LỰC

 
Dưới đây là bức thư không niêm của ông Nguyễn Duy Cần viết để trả lời ông Huỳnh Khắc Dụng về quyển sách “Cái Dũng của Thánh Nhân” của ông.
Chúng tôi xin đăng nguyên văn và nhường phần phán đoán cho bạn đọc.
 
Lời tòa soạn Tuần báo THẾ GIỚI.

* * *

Kính Anh,

Rất cám ơn cái nhã ý của anh đã trình bày quyển sách của tôi với những lời phê bình nồng hậu trong lúc nó đang bị trầm ngâm trong bầu không khí thờ ơ lạnh lẽo của các thức giả Sài thành.
 
Rất tiếc trong bài giới thiệu ấy (1) có vài khoản hoài nghi mà tôi tưởng có phận sự phải trả lời để bày tỏ ý tưởng của tôi được đầy đủ rõ ràng hơn trong khi tôi chưa có cơ hội đề cập đến.
 
Anh hỏi: “Người đánh mình, mình cứ khư khư bất động đặng chăng nếu mình cho rằng đối phương có một cử chỉ bất công”.
 
Câu ấy có thể gieo vào lòng độc giả một sự hoang mang, hơn nữa một ngộ nhận rất tai hại cho quyển sách của tôi: người ta sẽ hiểu nó là một lối tư tưởng dạy làm người khiếp nhược, khư khư cúi đầu chịu đựng mọi nỗi ngang trái trong đời với một cử chỉ hèn nhát… Không bao giờ có thể giải thích câu “nhu thắng cang, nhược thắng cường” một cách hình thức như thế được. Nó là một phương pháp tranh đấu kia mà, là một lối tranh đấu ráo riết dùng sức mạnh của tâm hồn hơn là dùng bạo lực.
 
Quyển sách tôi chỉ có một mục đích thôi: đào tạo cho mỗi một người của chúng ta cái tinh thần điềm đạm. Còn vấn đề hôm nay thuộc về một vấn đề ở ngoài phạm vi của nó: áp dụng phương pháp nhu nhược thắng cang cường… một vấn đề mà tôi đã dành ở nơi một quyển sách khác sắp xuất bản nay mai. (2)
 
Tôi đã định nghĩa cái Dũng của Thánh Nhân như thế này: bất kỳ là ở vào cảnh nguy hiểm nào cũng không biết sợ. Gọi là cái dũng của Thánh nhân là để phân biệt với cái dũng của thất phu, chỉ biết dùng cường lực để đối phó hay lung lạc con người. Không biết sợ bất cứ là ở vào trường hợp ngang trái nào, đâu phải có thể hiểu là khư khư bất động (immobile, inerte) mà phải biết cho đó là một sự điềm tĩnh (calme) để đối phó có hiệu quả hơn. Vả lại anh cũng đã nhận thấy lẽ ấy trong khi anh viết: “Người dũng… đứng trước nguy cơ, mặt không đổi sắc, tim không đập nhanh, đầu không choáng, trí rất bình, lượng sức mình mà đối phó với cảnh ngộ”. Thế thì sao anh lại có thể hiểu lầm người như thế là người khư khư bất động (khi người ta đánh mình!)
 
* * *

A.  Trước hết, tôi xin anh để ý đến cái đặc điểm này của sách triết học Á đông, nhứt là của phái Lão Trang mà tôi đã dùng làm cơ sở cho quyển sách của tôi.

Triết học Lão Trang là một triết học thoát thai nơi Dịch Kinh, lấy mâu thuẫn của âm dương làm trụ cốt. Dịch có nghĩa là biến, nghĩa là một thứ triết lý động chứ không phải tịnh… Nó hơi giống với cái học Biện chứng của Âu châu ngày nay. Cho nên phàm hễ nói đến âm là đã có dương, nói dương là đã có âm, nói đến tịnh là đã có động, nói đến động là đã có tịnh, không bao giờ nên hiểu theo cái nghĩa triệt để một mặt mà thôi được. Tôi đã trích dẫn Trang tử, nơi trang 112 trong quyển “Cái Dũng của Thánh Nhân”, đoạn nầy: “Mỗi mỗi đều có 2 phương diện; muốn có phải mà không có quấy; muốn có trị mà không có loạn là chưa rõ cái lý của trời đất… Ấy là mơ âm mà không dương, hai phương diện đồng có của mỗi vật. Muốn phân hai phương diện tương đối ấy ra như hai vật có thật riêng ra thì là vu phản, nếu không phải là ngu xuẩn…” Người ta thường thấy sự vật có một bề, nào có dè sự thật nào cũng có mâu thuẫn ẩn trong. Họ quên rằng không mâu thuẫn thì sự biến chuyển đều ngưng cả thảy hay sao? “Nhu trung hữu cang, nhược trung hữu cường” người rành triết học Á đông nhứt là Trang Lão đều không bao giờ ngộ nhận nhu nhược ở đây là khư khư bất động được.
 
Sách Lão Tử thường có những câu như thế này: “Thông minh duệ trí, thủ chi dĩ ngu; dũng lực chấn thế, thủ chi dĩ khiếp” (Mình là bực thông minh trí thức hơn người hãy làm như kẻ ngu; mình là kẻ sức mạnh rung rinh thiên hạ, hãy làm như người nhút nhát). Cái đạo “hậu kỳ thân nhi thân tiên; ngoại kỳ thân nhi thân tồn”  của ông, trong thiên hạ có những bực đại trí như Trương Lương, Phạm Lãi mới học được thôi. Bực trí mà như cỡ Hàn Tín, Văn Chủng cũng không sao hiểu kịp. Những lối tư tưởng ấy, ta không nên hiểu nó một cách hình thức như phần đông xưa nay đã hiểu…
 
Bởi hiểu hình thức (formel) mà không chịu hiểu theo biện chứng (dialectique) những tư tưởng của Á đông nên phần đông người Âu châu khi đọc triết học Á đông, cho Á đông có một lối tư tưởng tịnh gần như bất động (inerte) theo cái nghĩa hình thức và có một bề của nó.
 
Huống chi anh cũng đã có nhận “sự vật luôn luôn động chứ không tịnh”, nghĩa là anh cũng quan niệm sự vật theo biện chứng, lẽ dĩ nhiên anh cũng nhận luật mâu thuẫn trong sự vật chứ! Cớ sao lại còn nói, “Tôi không thể tin phương pháp tĩnh tọa sẽ dắt ta đến tánh điềm đạm và từ chỗ ấy đến cái dũng của tâm hồn” ? Có lẽ nào quen quan niệm sự vật theo biện chứng như anh mà lại không thể tin được rằng trong cái tĩnh cũng có cái động, mà “tịnh cực thì động sanh” hay sao?
 
Thế thì, câu hỏi của anh về phép tĩnh tọa cũng có thể gọi trả lời tạm dứt khoát rồi vậy. Tôi đã nói: “… cái đó đã cao xa mà uyên áo không phải ai ai cũng hiểu được và làm được. Nếu ta chưa từng vào đó thì đừng nên vội phê bình nó một cách cẩu thả như phần đông đã làm” (3). Chưa vào trong đó, mà vội cho nó là không thể tin được thì không khác nào bảo võ Judo làm cho người yếu thắng một người mạnh là không thể tin được trong khi mình chưa tập luyện đến môn võ ấy vậy.
 
* * *

B.  Trong phép tranh đấu có hai cách: dùng cương cường chế cương cường, hoặc dùng nhu nhược chế cương cường.

Dùng phép cương hay phép nhu đều có những nguyên tắc riêng của nó. Dùng sai đều nguy cả.
 
Phép cương chế cương là một phương pháp thô sơ tạm bợ, chỉ dùng trong những trường hợp bất đắc dĩ thôi, vì một khi đã dùng cường lực chế trị cường lực rồi, dầu cường lực của đối phương tan rã cũng vẫn còn lưu lại cái thù oán ngấm ngầm và sẽ nổ bùng một ngày kia khi mà lòng oán hận đến nực mùi rồi… Cái đà quá mạnh của bên dùng cường lực, nếu bên yếu biết lợi dụng một cách bình tĩnh, chắc chắn sẽ đem lại thắng lợi về mình không sai vậy, như trong phép đấu võ Judo của Nhật mà có lẽ anh cũng đã biết qua nguyên tắc: nhượng bộ để chiến thắng (céder pour vaincre). Chính Judo, là chữ nhu đạo mà âm ra vậy.
 
Trong phép xử thế hằng ngày, tôi thường nhận thấy không biết bao nhiêu việc xảy ra không tốt chỉ vì thiếu điềm tĩnh trong một phút mà để ân hận suốt đời. Kẻ giàu kinh nghiệm sẽ thấy lời nói của tôi ở đây không quá đáng chút nào cả.
 
Bàn đến việc cầm quân cũng vậy. Binh thơ có nói: “Người ta rối loạn mà mình nghiêm chỉnh, người ta cấp bách mà mình nhàn hạ thì đánh đâu thắng đó”. Câu nói thật là giản dị, nhưng có thể tóm tắt được tất cả cái thuật cầm quân, bất kỳ là ở vào thời buổi nào.
 
Bàn đến việc lớn cũng vậy. Chỉ có những kẻ trầm tĩnh mới có thể gánh vác nổi việc lớn trong thiên hạ mà thôi.
 
Câu chuyện Trương Lương và Hán Đế xưa kia há không đáng cho ta suy gẫm hay sao?
 
Trương Lương thấy Hán Cao Tổ còn do dự trong việc dùng Hàn Tín, bèn bảo: “Diệt cái vũ dũng của Hạng Vương trong thiên hạ không ai qua Hàn Tín. Việc lòn trôn của anh ta, chứng tỏ rằng anh là người biết tiểu nhẫn coi thường tiểu tiết để lưu lại cái thân hữu dụng về sau. Những kẻ vũ phu tiểu khí, cũng như mọi người ắt đã đem cái thất phu chi dũng để thỏa mãn cái huyết khí chi nộ nhất thời rồi… Những kẻ như thế mà đem tánh mạng thiên hạ giao cho thì nguy. Nếu Chúa công muốn tìm những kẻ tai sai dưới trướng và sức mạnh địch nỗi muôn người, thì kẻ dũng sĩ trong thiên hạ tôi chở về cho Chúa công mấy xe cũng có. Nhược bằng muốn dùng một người an bang tế thế, diệt Sở phá Tề, thì phi người đó, không còn ai nữa”. Thật có đúng như thế, Sở Bá vương về sau trước khi chết phải ngậm ngùi ân hận, không biết nghe lời Phạm Tăng đến phải chết về tay một người mà mình tưởng lầm là khiếp nhược.
 
Đến như Hán Cao Đế, người đã khéo dùng đạo “hậu kỳ thân, nhi thân tiên”, thế mà lúc nghe Hàn Tín muốn xưng vương ở Tề, không giữ đặng sự bình tĩnh của mình, giận lộ ra sắc mặt… Bấy giờ, nếu không có Trương Lương bấm chân, nhắc cho câu “tiểu bất nhẫn, tắc loạn đại mưu” mà phong vương cho Hàn Tín, thì có lẽ đại nghiệp của ông ta đã hỏng rồi. Hàn Tín, binh quyền trong tay, lại tài năng quán chúng mà sanh biến thì Cao Tổ ắt cũng khó mà tồn thân, lựa là làm xong đại nghiệp. Coi đó đủ thấy khí cương cường của Cao Đế đến đó cũng vẫn còn, xuýt chút nữa làm hư đại sự.
 
Bởi vậy Tô Đông Pha luận đến Trương Lương có bảo: Hán Cao Tổ sở dĩ lập nên nghiệp đế là nhờ nơi Tử Phòng (Trương Lương) dạy cho chữ Nhẫn.
 
Một câu chuyện nữa mà hiện nay cần nhắc đến để ta suy gẫm thêm, là câu chuyện giữa Lam Pha và Lạn Tương Như. Lạn Tương Như được phong làm Tướng quốc (nước Triệu). Liêm Pha cậy mình có nhiều công hơn mà lại bị đứng dưới, nên tức giận hăm he hễ gặp mặt Tương Như thì giết đi. Tương Như vì thế cứ lánh mặt mãi… Một hôm Tương Như ra ngoài, gặp toán lính tiên đạo của Liêm Pha, vội sai tên đánh xe đi tránh vào trong ngõ, đợi Liêm Pha đi qua rồi mới đi ra. Bọn xá nhân thấy thế càng giận bèn hợp nhau hỏi Tương Như: “Chúng tôi bỏ nhà cửa, xa thân thích đến đây hầu Ngài, tức coi Ngài là bực trượng phu nên mến mà theo. Nay Ngài cùng Liêm tướng quân cùng hàng mà hạng thứ lại ở trên. Liêm nói dọa, Ngài đã không báo lại, đã tránh ở triều, nay lại tránh ở ngoài đường. Sao Ngài lại sợ quá thế vậy? Chúng tôi lấy làm xấu hổ, vậy xin đi, không ở nữa”. Tương Như nói: “Các người xem Liêm Tướng Quân có hơn được vua Tần không?

Bọn xá nhân đáp: “Không”. Tương Như nói: “Lấy cái oai của vua Tần, thiên hạ ai dám chống, mà Tương Như này dám mắng giữa triều đình, lại làm nhục cả quần thần nữa. Tương Như dẫu hèn, há lại sợ một Liêm Tướng Quân ư? Nhưng ta nghĩ Tần sở dĩ không dám đánh Triệu là vì e có ta và Liêm tướng quân. Nay hai con hổ tranh nhau, thề không cùng sống. Tần nghe tin tất thừa cơ đánh Triệu. Ta sở dĩ chịu nhục tránh Liêm tướng quân là coi việc nước là trọng mà thù riêng là khinh vậy thôi.” Bọn xá nhân mọp lại mà rằng: “Tiểu nhân chúng tôi trí hẹp làm gì hiểu nổi đại-chí của tướng công”. Liêm Pha khi nghe thuật lại việc làm của Tương Như, cả thẹn than rằng: “Ta thật kém Tương Như còn xa lắm”. Bèn đến tạ tội với Tương Như, quì mọp mà rằng: “Tôi tánh thô bạo, đội ân Tướng quốc bao dung, nghĩ lấy làm hổ thẹn quá”. Tương Như đỡ dậy, nắm tay cùng khóc và kết làm bạn sống chết với nhau.

 
Xem đấy đủ thấy, những bậc vĩ nhân làm nên đại sự đều là những người trầm tĩnh ung dung.
 
Những kẻ gặp nhục chỉ biết “tay tuốt gươm… vươn mình xốc đánh” đều là những kẻ chưa đủ để bàn đến đại sự trong thiên hạ.
 
Giờ hãy bàn đến chuyện gần đây. Có lẽ anh còn nhớ đến câu chuyện Uy Hải Vệ (Wei-hai-Wei)? Bấy giờ là năm 1894. Các đạo binh Nhật vừa chiếm Hải cảng Uy Hải Vệ làm cho Đức bất bình, vì Đức cũng muốn nhúng tay mình vào bản đồ của Trung Quốc, Đức cậy sức mạnh, gởi cho Nhật một bức tối hậu thư với những lời lẽ rất ngạo mạn như thế này: “Xin hãy triệt thoái binh sĩ ra khỏi UY Hải Vệ trong 24 tiếng đồng hồ, bằng không, tôi lấy làm tiếc phải bị bắt buộc nhúng tay vào việc của các anh”. Đức bây giờ là một nước hùng cường, còn Nhật đang ở vào thời kỳ thử lông thử cánh… Nhật suy nghĩ, điềm tĩnh và mỉm cười – một cái mỉm cười đặc sắc của Á đông – nhượng bộ rút quân ra khỏi hải cảng đúng theo lời bắt buộc của bức tối hậu thư.
 
Hai mươi năm về sau, vào năm 1914, Đức say sưa trong sức mạnh của mình, khai chiến với thế giới thì lại bị nước khác đi trước mình. Nước ấy là nước Nhật. Lúc bấy giờ Nhật chiếm một địa thế rất gần Uy hải Vệ, bèn đổi tên Uy hải Vệ làm Thanh Đảo, tìm lại bức tối hậu thư năm xưa (1894), không thêm bớt một dấu phết nào cả, chỉ bôi cái tên cũ thêm vào cái tên mới thôi, gởi trả lại cho Đức và bắt buộc Đức “… hãy triệt thoái binh sĩ ra khỏi Thanh đảo trong 24 tiếng đồng hồ, bằng không, tôi lấy làm tiếc phải bị bắt buộc nhúng tay vào việc của các anh”.
 
Lẽ dĩ nhiên là Đức khôn ngoan riu ríu rút binh ra khỏi Thanh đảo một cách não nề… (4).
 
Nói về phương diện cách mạng, thì phép “nhu nhược thắng cương cường” lại càng thấy kết quả rõ ràng hơn trong cuộc giải phóng dân Ấn độ do Gandhi điều khiển. Chánh sách đề kháng bất bạo động của Gandhi đã làm cho thế giới hết sức ngạc nhiên và thán phục. Để người ta cứ nhao nhao nói: “Á đông nhu nhược! Á đông hèn yếu !... ”
 
Đâu phải người ta không biết dùng bạo động, nhưng vì người ta cho đó là hạ sách. Gandhi… “Nếu ta bị bắt buộc phải chọn một trong hai lẽ, khiếp nhược hay bạo động, thì tôi sẽ khuyên nên bạo động… Tôi dạy sự yên lặng can đảm chịu chết hơn là giết người. Nhưng với những ai không có đủ cái can đảm ấy, thì tôi muốn họ thà tập luyện thuật giết người, còn hơn là chạy trốn một cách nhục nhã trước nguy cơ… Tôi chịu thấy Ấn độ dùng đến khí giới để bênh vực danh dự mình hơn là khư khư khiếp nhược cúi đầu chứng kiến sự nhục nhã của mình… Nhưng tôi biết chắc rằng bất bạo động còn cao hơn bạo động vô cùng; sự tha thứ còn hùng dũng hơn sự trừng phạt… Bao dung là món trang sức của nhà chiến sĩ. Nhưng không trừng phạt mà sở dĩ được gọi là bao dung, khi mà mình có quyền hay có thể trừng phạt mà không thèm trừng phạt kìa. Bằng không thì nó không có ý nngĩa gì nữa cả… Tôi tin rằng Ấn độ không phải là vô lực. Một trăm ngàn người Anh làm gì mà đến ba trăm triệu người Ấn phải sợ kìa! Bất bạo động đâu phải chiều lụy kẻ kẻ làm hại mình. Bất bạo động, là dùng cả sức mạnh của tâm hồn để chống lại với cường quyền của kẻ độc tài. Một người như thế thôi, cũng đủ khiêu khích cả một đế quốc và làm cho nó “tan tành nghiêng ngửa”. (5)
 
Thật là hết sức rõ ràng… Thế mà người ta cứ vẫn còn ngộ nhận. Nhân cái chết của Gandhi, Maryse Choisy, chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Psyché, viết một bài về “sứ mạng Gandhi trong thế giới hiện đại” có câu: “Trong khi hàng thức giả Âu châu đều bùi ngùi thương tiếc Gandhi, cớ sao lại có được những hạng trí thức sơ đẳng và cả trung đẳng nữa… họ nhao nhao châm vào những lời phê bình nông nổi của họ câu sáo ngữ này: “Bất bạo động, cái ấy dùng ở Ấn độ thì có kết quả được, chứ cái ấy không dùng gì được ở cái cõi Âu châu văn minh này”. Thế mà cái ấy nó lại nhè thắng ngay một đại cường quốc Âu châu có tiếng là có một chánh sách thuộc địa “thiết thực” nhứt… Người ta hiểu lầm cho chủ nghĩa bất bạo động, là một thứ im lặng gần như bất động, và cho đó là thứ bạc nhược, lười biếng, bi quan, thuận mạng của Á đông… Thật là những tin tưởng ngây ngô của bọn dốt nát… ” (6)
 
Sau khi dùng phân tâm học giải thích rất kỹ phương pháp chiến đấu ấy của Á đông, tác giả bài ấy nói tiếp: “Có lẽ rồi đây Âu châu cần phải có một Gandhi vãn cứu cho” (6)
 
Romain Roland bảo: “Sức mạnh của bạo lực, thế mà còn phải chịu quì gối trước sự mềm dịu anh hùng”. (5)
 
Ông Tam Ích trong một số báo về Gandhi (7) có nói: “… người ta không giải quyết được cái gì cả bằng cường lực, nhưng người ta đoạt được tất cả bằng sự hiểu nhau và lòng bác ái, và chỉ có những người này thôi, mới có thể cứu được nhân loại điên cuồng”. Cũng trong số báo ấy, ông Trịnh Huy Tiên tỏ vẻ bùi ngùi: “… Nếu dân tộc Việt Nam chúng ta biết áp dụng phương pháp ấy của Gandhi, biết đâu chúng ta không đến nỗi lầm than như thế này… ”
 
Không cần phải dẫn chứng chi cho dông dài thêm nữa, bấy nhiêu thôi, tôi tưởng có lẽ cũng vừa đủ để trả lời câu hỏi thắc mắc của anh: “Thử hỏi có thể dùng tư tưởng tịnh trong một xã hội động được không?”
 
Nhứt là trong một xã hội đang náo động điên cuồng như xã hội ngày nay, chúng ta cần có những tay dẫn đạo bình tĩnh, sáng suốt để điều khiển chiếc thuyền đang ngửa nghiêng trên những luồng sóng dữ…
 
Bởi vậy, trong quyển sách của tôi, nơi bài tựa có nói: “Thế giới đang cần những cá nhân siêu đẳng… những cá nhân đứng giữa cơn dông tố bão bùng, rền rĩ những tiếng la thét của đoàn trừu mất đường lạc lối, mà vẫn giữ được sự tỉnh mỉnh phi thường của tâm trí… ”
 
* * *
C.  Đành rằng sống là tranh đấu, nhưng phải biết tranh đấu ở trong vòng danh dự của con người. Tranh đấu theo giống người phải có khác với cách tranh đấu của giống sài lang. Dùng bạo động thì tàn bạo ắt sanh ra. Lấy oán báo oán, thì oán oán chập chồng, lẽ dĩ nhiên nó phải vậy. Khó mà ra khỏi cái vòn lẩn quẩn ấy một khi đã dùng đến bạo lực. Không khéo rồi đây nhân loại sẽ tàn sát nhau đến không còn một bóng người sống sót trên trần.
 
Người xưa có nói một câu rất chí lý: “Tranh đấu với người thì sanh ra chiến tranh; tranh đấu với mình thì mưu được hòa bình”. Tranh đấu với mình là tranh đấu cho tấm lòng tham lam ích kỷ của mình… nhứt là với cái lòng yếu đuối khiếp nhược của mình. Đừng tưởng thắng là dễ. Thắng người còn dễ hơn là thắng mình.
 
Người ta sở dĩ phải dùng đến bạo lực trong khi tranh đấu, phải chăng chỉ vì cái Sợ mà gây ra không? Thử hỏi kẻ trộm kia mà gây tội giết người, nào phải họ có muốn như vậy, mà chỉ hốt hoảng nên đột nhiên phải dùng đến thủ đoạn sát nhân. Bạo động là con đẻ của cái Sợ. Nó là sức mạnh của những tâm hồn yếu đuối, chưa làm chủ được mình. Người ta chưa giải thoát được cái Sợ… thì chớ mong bàn đến sự điềm tĩnh làm gì. Ta thử giở lịch sử mà xem, sẽ thấy trong các cuộc cách mạng, sở dĩ có những sự tàn bạo ghê hồn đều do cái Sợ mà ra cả. Những kẻ bị cái Sợ… ám ảnh thường rất dễ trở nên những người tàn bạo như các nhà độc tài xưa nay vậy. Vụ tàn sát khổng lồ mà lịch sử Pháp thường gọi là Massacre de Septembre năm 1972 rùng rợn bạo ác đến bực nào, nguyên do vì đâu, nếu không phải vì sự khiếp hoảng của dân chúng Pháp trước nạn ngoại xâm… mà gây ra không?  Chánh sách võ trang triệt để của các cường quốc thế giới hiện thời phải chăng chung qui chỉ vì cái sợ mà gây ra không? Thảo nào người ta không bảo: đây là thế kỷ của cái sợ (le siècle de la peur).
 
Huống chi dùng bạo động đã là một thói quen của ta hằng ngày, và quen đến gần thành một thiên tính, thật nhất đán mà trừ khử nó đi, đâu phải là một việc dễ… Nếu không phải là một người có đại chí và hết sức nhẫn nại thì cũng khó lòng mà sửa đổi nó đi cho được. Một người bạn của tôi rất rành về môn nhu thuật (Jiu-jistu) có nói với tôi: “Những người hay học ngạnh công (võ cứng), bây giờ muốn theo học nhu công, khó mà hay cho mau được. Là tại họ bị phải cái thói quen hay tấn công và đánh mạnh. Thói quen ấy lâu ngày lại thành như một thiên tính thứ hai, nên muốn sửa nó lại là cả một vấn đề kiên nhẫn cho người dạy nó cũng như cho người học nó”. Lấy câu này mà suy, ta thấy người ta sở dĩ không tin đến điềm tĩnh trước bạo lực, cũng có cái lý do của nó vậy.
 
Tóm lại, kẻ sợ mới dùng đến bạo lực, người không sợ, thì không thèm dùng đến bạo lực, mặc dầu họ cũng biết dùng đến bạo lực như ai, vì một kẻ thất phu kia, không cần ai dạy, cũng dư biết cách phản động tự nhiên ấy rồi từ khi họ còn “để chóp”. Bởi vậy, đối với những ai chưa thắng được cái sợ nơi lòng, mà bảo họ phải dùng đến điềm tĩnh thì họ làm gì tin được. Trái lại, bảo với kẻ đã đạt đến tinh thần bất úy rồi mà phải dùng đến bạo động, thì chắc chắn họ sẽ mỉm cười… vì họ biết chỉ có họ mới hiểu nổi và làm nổi những phương sách cao hơn mà những kẻ thất phu tiểu khí không làm gì hiểu nổi. Như trước đây tôi đã nói, bọn xá nhân của Lạn Tương Như làm gì lượng nỗi cái chí của Tương Như, cũng không làm gì làm nổi cái việc của Tương Như. Và cũng bởi thế mà Tương Như mới là Tương Như, còn bọn xá nhân chỉ là những bọn xá nhân theo hầu dưới trướng thôi.
 
KẾT LUẬN
 
Quyển sách Cái Dũng của Thánh Nhân chỉ bàn về cách tập luyện để đi đến một tinh thần điềm tĩnh, và ta hãy biết cho nó chỉ ở trong phạm vi ấy mà thôi. Còn như dùng đến sự điềm tĩnh ấy để làm gì, đó lại thuộc về một vấn đề khác (8). Một đàng nói về đạo tu thân, một đàng bàn về thuật xử thế: hai lẽ ấy ta không nên không để ý đến cái phạm vi của mỗi thứ.
 
Cũng như câu chuyện Socrate mà tôi dẫn chứng trong quyển sách của tôi để nêu một cái gương kiên nhẫn của ông, sở dĩ chịu đựng một cách nhẫn nại tính khí bất thường của một bà vợ quá sức mất dạy, đâu phải như người ta đã hiểu một cách vụng về, là tại ông có tánh khiếp nhược, làm cái gương “khư khư bất động” trước mọi nỗi ngang trái trong đời. Nhà thể thao kia muốn tập nhảy cao, cớ sao lại ôm trái tạ và cột bao cát nơi chân làm gì… Cái thân thể mình cũng chưa có đủ nặng… rồi sao? Có ai mà ngu si như thế không? Chắc chắn là không có ai cho người đó là ngu cả. Thì người vợ quá hung hăng nầy, đối với Socrate, chỉ là cái bao cát, trái tạ không hơn không kém, mà ông đã khéo lợi dụng, để tập luyện cái tính thản nhiên điềm tĩnh của ông thôi. Bảo rằng: “Với những người đàn bà mất dạy ấy, thì hãy cho nó ít tát cho kêu là êm chuyện”, thì có khác nào bảo với nhà thể thao kia hãy bỏ quách cái bao cát và trái tạ đi cho rồi, cho khỏe thân vậy… Cái hay của Socrate là biết xoay cái hại thành cái lợi, lợi dụng những điều ngang trái lặt vặt trong đời để tập luyện cái tinh thần tự chủ và điềm đạm của mình.
 
Dầu sao, dùng đến phép nhu hay phép cương – vì ở đời chấp kinh cũng phải biết tùng quyền – người dùng nó, trước hết phải là người hết sức điềm tĩnh mới được.
 
Ngôn có tận mà ý không cùng… Xin anh hiểu cho.
 

Thu Giang NGUYỄN DUY CẦN
 
(1) Đăng trong “Khoa Học Tạp Chí” số xuân Nhâm Thìn.
(2) Quyển “Thuật Xử Thế của Người Xưa”.
(3) Quyển “Cái Dũng của Thánh Nhân”, trang 136.
(4) Les forces spirituelles de l’Orient. (Claude Farrère), Paris, Flammarion, trang 168-169.
(5) Gandhi (Romain Roland)
(6) Psyché, Janv,
(7) France-Asie, no 32
(8) Xem quyển ““Thuật Xử Thế của Người Xưa”, cùng một tác giả bà về vấn đề nầy.

Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#69
Thắng nhơn giả hữu lực;
Tự thắng giả cường.
Nhu thắng cang
Nhược thắng Cường.
 
Lão Tử

***

“Chỗ mà người xưa gọi là hào kiệt ắt phải có khí tiết hơn người. Nhưng, nhơn tình có chỗ không thể nhịn được. Bởi vậy, kẻ thất phu gặp nhục, tuốt gươm đứng dậy, vươn mình xốc đánh. Cái đó chưa đủ gọi là Dũng.

Kẻ đại-dũng trong thiên hạ, trái lại, thình lình gặp những việc phi thường cũng không kinh, vô cố bị những điều ngang trái cũng không giận. Đó là nhờ chỗ hoài bão của họ rất lớn và chỗ lập chí của họ rất xa vậy…”

Tô Đông Pha

*** 

“Thế giới đang cần những cá nhân siêu đẳng, những cá nhân có nhân cách hoàn toàn, những cá nhân không để cho hoàn cảnh un đúc, không để cho thời lưu lôi cuốn, những cá nhân có can đảm suy nghĩ phán đoán lấy mình, những cá nhân đứng giữa cơn dông tố bão bùng, vang rền những tiếng la thét của quần đoàn, của một đoàn trừu mất đường lạc lối, mà vẫn không bấn loạn, vững vàng giữ đặng sự tỉnh mỉnh phi thường của tâm trí… Những linh hồn tự do, những tâm tánh cương quyết, nhân loại hiện thời đang thiếu thốn, đang đợi chờ…”

Thu Giang Nguyễn Duy Cần
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#70
(2018-01-26, 07:55 PM)anatta Wrote: Thắng nhơn giả hữu lực;
Tự thắng giả cường.
Nhu thắng cang
Nhược thắng Cường.
 
Lão Tử

***

“Chỗ mà người xưa gọi là hào kiệt ắt phải có khí tiết hơn người. Nhưng, nhơn tình có chỗ không thể nhịn được. Bởi vậy, kẻ thất phu gặp nhục, tuốt gươm đứng dậy, vươn mình xốc đánh. Cái đó chưa đủ gọi là Dũng.

Kẻ đại-dũng trong thiên hạ, trái lại, thình lình gặp những việc phi thường cũng không kinh, vô cố bị những điều ngang trái cũng không giận. Đó là nhờ chỗ hoài bão của họ rất lớn và chỗ lập chí của họ rất xa vậy…”

Tô Đông Pha

*** 

“Thế giới đang cần những cá nhân siêu đẳng, những cá nhân có nhân cách hoàn toàn, những cá nhân không để cho hoàn cảnh un đúc, không để cho thời lưu lôi cuốn, những cá nhân có can đảm suy nghĩ phán đoán lấy mình, những cá nhân đứng giữa cơn dông tố bão bùng, vang rền những tiếng la thét của quần đoàn, của một đoàn trừu mất đường lạc lối, mà vẫn không bấn loạn, vững vàng giữ đặng sự tỉnh mỉnh phi thường của tâm trí… Những linh hồn tự do, những tâm tánh cương quyết, nhân loại hiện thời đang thiếu thốn, đang đợi chờ…”

Thu Giang Nguyễn Duy Cần

Tôi nghe nói về Kinh Kha, có 1 lần ông đến xứ kia, có người đưa tin muốn thách đấu với ông, đêm hôm đó ông liền trốn khỏi nơi ấy . Một lần nửa đến nhà người bạn ăn nhậu, người bạn khen kiếm pháp của Kinh Kha, có 1 vị khách cũng là hào kiệt nơi đó muốn tỉ thí với ông, ông cũng tìm lời đưa đẩy rồi bỏ đi . Có 1 khoảng thời gian người ta nói ông là hèn nhát, là nhu nhược, nhưng ông không đính chánh . Đến sau khi ông thích khách Tần Vương thì người ta mới biết ông là 1 người như thế nào. Tần Vương ông còn không sợ thì trên đời ông còn sợ ai ? Vào nơi đó dù giết được hay không được Tần Vương thì cũng khó thể ra, vậy là ông cũng dám làm thì sao lại là hèn nhát hay nhu nhược .
Vung cước tung hoành viện dưỡng lão
Thần quyền xưng bá trường mầm non
Reply
#71
Mới đọc phần Xử Thế Cách Ngôn nằm ở cuối cuốn Thuật Xử Thế Của Người Xưa, có câu này khg biết của ai nói làm tôi mỉm cười: "Cái ngu của người xưa dạy cho ta nhiều hơn là cái khôn của họ."

Điều oái oăm là: cái tựa sách "Thuật Xử Thế Của Người Xưa", nhất là chữ "thuật" hàm ý những điều hay, sự khôn ngoan khéo léo, bí quyết của cổ nhân mà lại có câu đề cao cái dở, cái sai của họ. Theo thiển ý thì cái ngu hay cái khôn của họ đều có thể là bài học quý giá cho chúng ta. Riêng về bản thân mình, có lẽ những sai lầm, thất bại sẽ là những bài học tốt hơn những thành công của mình.
Reply
#72
(2018-01-27, 04:49 PM)RungHoang Wrote: Tôi nghe nói về Kinh Kha, có 1 lần ông đến xứ kia, có người đưa tin muốn thách đấu với ông, đêm hôm đó ông liền trốn khỏi nơi ấy . Một lần nửa đến nhà người bạn ăn nhậu, người bạn khen kiếm pháp của Kinh Kha, có 1 vị khách cũng là hào kiệt nơi đó muốn tỉ thí với ông, ông cũng tìm lời đưa đẩy rồi bỏ đi . Có 1 khoảng thời gian người ta nói ông là hèn nhát, là nhu nhược, nhưng ông không đính chánh . Đến sau khi ông thích khách Tần Vương thì người ta mới biết ông là 1 người như thế nào. Tần Vương ông còn không sợ thì trên đời ông còn sợ ai ? Vào nơi đó dù giết được hay không được Tần Vương thì cũng khó thể ra, vậy là ông cũng dám làm thì sao lại là hèn nhát hay nhu nhược .

Có một đoạn trong quyển Cái Dũng của TN mà tôi đã đọc cũng nói về cái Dũng của kẻ cầm quân, làm tướng là Khánh Kỵ, rất cảm động và thán phục như sau:


"Đọc sử thời Chiến Quốc, ai là người không biết chuyện Yếu Ly và Khánh Kỵ? Yếu Ly cảm cái nghĩa của Hạp Lư nên hứa giúp cho để lừa giết Khánh Kỵ... Một hôm Khánh Kỵ ngồi ở mũi thuyền chỉ huy binh sĩ, thì Yếu Ly, đứng sau lưng cầm kích mà hầu, thừa lúc thuận chiều, đâm suốt qua bụng Khánh Kỵ. Khánh Kỵ sức khoẻ như voi, liền trở tay vói bắt Yêu Ly, xách ngược lên, dìm đầu xuống nước 3 lần... Nhưng rồi, lại ẵm lên để trong lòng, cúi nhìn, cười và bảo: “Thiên hạ lại còn có kẻ dũng sĩ này có gan đâm ta chớ !”

Các tướng sĩ toan đâm chết Yếu Ly, nhưng Khánh Kỵ gạt đi, bảo: “Người này là một bực dũng sĩ. Trong một ngày, chớ nên để chết 2 người dũng sĩ của thiên hạ. Các người nên tha hắn cho hắn về Ngô để tỏ lòng trung”.

Khánh Kỵ tha Yêu Ly rồi rút ngọn giáo trong bụng ra mà chết.


 
* * *

Người ta bảo Yếu Ly là dũng sĩ... Nhưng đây là một sự sắp đặt trước rồi, chỉ có trầm tĩnh mà thi hành thôi. Đâu có thể bì với cái dũng của Khánh Kỵ, thốt nhiên bị người ta đâm chết một cách tàn nhẫn, mà dằn được cái lòng phục thù của mình để tha thứ được cái kẻ đã xúc phạm đến sanh mạng mình... Thay vì nghiền nát kẻ giết mình kia cho hả giận, Khánh Kỵ điềm tĩnh, nhận thấy mình chết đây không phải tại Yếu Ly mà là tại mình thất trí. Dìm đầu Yếu Ly 3 lần xuống nước, làm cho ta thấy Khánh Kỵ đã phải bị một cơn tranh chấp mãnh liệt nơi lòng... Sau cùng, Khánh Kỵ đã thắng được cái lòng tự ái của mình, cả cái thiên tính tự vệ của mình nữa. Thật đúng với câu: “Thắng nhơn giả hữu lực, tự thắng giả cường”. Sức điềm tĩnh của Khánh Kỵ ở trên mấy từng mây đối với cái điềm tĩnh của Yếu Ly. Thảo nào Yếu Ly không còn mặt mũi nào sống sót...

Cử chỉ ấy có thua gì cử chỉ điềm tĩnh và đầy nhân đạo của Jésus khi bị quân lính đâm vói bên hông, lúc gần trút linh hồn lại còn cầu nguyện: “Xin Cha hãy tha tội cho chúng nó. Chúng nó không hiểu cái việc của chúng nó làm”.

Tôi nói không thua Jésus, vì Jésus là nhà đạo hạnh hoàn toàn, còn Khánh Kỵ là một tay tướng giặc: sự điềm tĩnh và lòng tha thứ ấy là một sự “thường” đối với những bực đức độ viên dung, mà là một sự “bất thường” đối với những nhà thượng võ hiếu thắng."


***
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#73
(2018-01-27, 06:37 PM)anatta Wrote: Có một đoạn trong quyển Cái Dũng của TN mà tôi đã đọc cũng nói về cái Dũng của kẻ cầm quân, làm tướng là Khánh Kỵ, rất cảm động và thán phục như sau:

"Đọc sử thời Chiến Quốc, ai là người không biết chuyện Yếu Ly và Khánh Kỵ? Yếu Ly cảm cái nghĩa của Hạp Lư nên hứa giúp cho để lừa giết Khánh Kỵ... Một hôm Khánh Kỵ ngồi ở mũi thuyền chỉ huy binh sĩ, thì Yếu Ly, đứng sau lưng cầm kích mà hầu, thừa lúc thuận chiều, đâm suốt qua bụng Khánh Kỵ. Khánh Kỵ sức khoẻ như voi, liền trở tay vói bắt Yêu Ly, xách ngược lên, dìm đầu xuống nước 3 lần... Nhưng rồi, lại ẵm lên để trong lòng, cúi nhìn, cười và bảo: “Thiên hạ lại còn có kẻ dũng sĩ này có gan đâm ta chớ !”
Các tướng sĩ toan đâm chết Yếu Ly, nhưng Khánh Kỵ gạt đi, bảo: “Người này là một bực dũng sĩ. Trong một ngày, chớ nên để chết 2 người dũng sĩ của thiên hạ. Các người nên tha hắn cho hắn về Ngô để tỏ lòng trung”.
Khánh Kỵ tha Yêu Ly rồi rút ngọn giáo trong bụng ra mà chết.

Chuyện Khánh Kỵ thì trước đây dt cũng có đọc rồi, công nhận KK có lòng khoan dung độ lượng hiếm có, trên đời chắc khg có người thứ 2 làm như vậy. Trở lại chuyện Khuất Nguyên, khg riêng gì các cá nhân mà trong hội đoàn, nhất là trong tôn giáo cũng hay có tâm lý Khuất Nguyên: đạo chúng ta năm bờ oăn, chỉ có giáo lý của đạo chúng ta mới đúng, mới trong, còn các đạo khác đều đục xà ngầu đen thui như nước kinh Nhiêu Lộc, Thị Nghè. Tu sĩ, tín đồ đạo ta mới tỉnh táo, còn đạo khác thì toàn là u mê, mộng du, say xỉn. 

Cái này bắt đầu triệu chứng bịnh, nhưng mà nhiều tu sĩ, tín đồ nuôi tham vọng ngày nào đó toàn nhân loại theo đạo mình hết thì bịnh còn nặng hơn nữa. Có lần đọc sách của học giả Nguyễn Hiến Lê, thấy ông viết đoạn sau đây rất hợp ý của tôi: "Tôi chịu ảnh hưởng đạo Nho từ hồi nhỏ nên thấy đạo đó hợp với tâm hồn tôi hơn cả. Tuy nhiên, tôi vẫn trọng những đạo khác vì không thể mà cũng không nên chỉ có một tôn giáo cho cả nhân loại hoặc cả một xã hội; tính tình mỗi người một khác, có thể hợp với tôn giáo này, không hợp với tôn giáo khác, như vậy "đồng qui" mà phải "thù đồ". (Tương Lai Trong Tay Ta) Bởi vậy, tu sĩ, tín đồ nào muốn cả 7 tỷ người theo đạo mình là ảo tưởng, là những kẻ mộng du. Người thích phở, người thích pizza, kẻ mê burger, người thích ăn mặn, người thích ăn chay ... ăn ngon hay khg tuỳ gu mỗi người, khg phải vì mình mê phở mà muốn 7 tỷ người cũng thích phở.
Reply
#74
(2018-01-30, 04:36 PM)duoctue Wrote: Chuyện Khánh Kỵ thì trước đây dt cũng có đọc rồi, công nhận KK có lòng khoan dung độ lượng hiếm có, trên đời chắc khg có người thứ 2 làm như vậy. Trở lại chuyện Khuất Nguyên, khg riêng gì các cá nhân mà trong hội đoàn, nhất là trong tôn giáo cũng hay có tâm lý Khuất Nguyên: đạo chúng ta năm bờ oăn, chỉ có giáo lý của đạo chúng ta mới đúng, mới trong, còn các đạo khác đều đục xà ngầu đen thui như nước kinh Nhiêu Lộc, Thị Nghè. Tu sĩ, tín đồ đạo ta mới tỉnh táo, còn đạo khác thì toàn là u mê, mộng du, say xỉn. 

Cái này bắt đầu triệu chứng bịnh, nhưng mà nhiều tu sĩ, tín đồ nuôi tham vọng ngày nào đó toàn nhân loại theo đạo mình hết thì bịnh còn nặng hơn nữa. Có lần đọc sách của học giả Nguyễn Hiến Lê, thấy ông viết đoạn sau đây rất hợp ý của tôi: "Tôi chịu ảnh hưởng đạo Nho từ hồi nhỏ nên thấy đạo đó hợp với tâm hồn tôi hơn cả. Tuy nhiên, tôi vẫn trọng những đạo khác vì không thể mà cũng không nên chỉ có một tôn giáo cho cả nhân loại hoặc cả một xã hội; tính tình mỗi người một khác, có thể hợp với tôn giáo này, không hợp với tôn giáo khác, như vậy "đồng qui" mà phải "thù đồ". (Tương Lai Trong Tay Ta) Bởi vậy, tu sĩ, tín đồ nào muốn cả 7 tỷ người theo đạo mình là ảo tưởng, là những kẻ mộng du. Người thích phở, người thích pizza, kẻ mê burger, người thích ăn mặn, người thích ăn chay ... ăn ngon hay khg tuỳ gu mỗi người, khg phải vì mình mê phở mà muốn 7 tỷ người cũng thích phở.


Bác Nguyễn Hiến Lê nói cũng không sai. Người ta đều có khẩu vị tinh thần khác nhau. Theo Trang Tử khuyên: "Đừng kéo cẳng vịt cho dài, thúc giò hạt cho ngắn", vì đó là sự bất-bình-đẳng tự nhiên. Đổ chung một khuôn thì ít nhiều sẽ có xung đột.

Nói về cái Dũng của tâm hồn, thì tập tánh ăn ngay nói thẳng cũng là một trong những yếu tố giúp đào luyện tinh thần điềm đạm. Trong quyển CDTN, có đôi câu truyện thật nói về đức tánh thành thật:


1 - Nói thật, và chỉ biết nói thật mà thôi, là tập cho mình có một tinh thần bất uý.

Trong đời, nhất thiết việc gì, phải tập tánh nói cho đúng với sự thật.

Ấy là một tánh, cần phải tập luyện từ nhỏ mới đặng, đừng để bị phải thói quen mà sau này không dễ gì sửa đổi cho được.

"Washington, lúc còn trẻ, một hôm đẽo cây quý của cha trồng. Lúc cha của ông hầm hầm giận dữ, ông vẫn có đủ can đảm thú tội của mình, không sợ hình phạt gì cả. Cha thấy con như thế, đổi giận làm vui, ôm con và nói: “Tất cả sự sản của cha không quý bằng cái tánh ngay thật của con”. Thật vậy, cái tinh thần ấy làm cho ông sau này trở nên một bực anh hùng cái thế.



2 - Thánh Gandhi là người thứ nhất dám tự hào: “Tôi không bao giờ biết nói dối”. Thật vậy, mặc dù ông là một nhà chính trị, đối với phe nghịch ông, ông cũng không bao giờ nói dối để được việc cho mình. Lời nói ông là một bảo đảm chắc chắn hơn tất cả những hiệp ước. Hễ ông hứa một điều gì, thì việc ấy kể là đã được ông thi hành rồi. Theo luật Võ sĩ đạo (Bushido) của người Nhật cũng vậy. Họ lấy sự giữ lời hứa là một danh dự riêng của người đại dũng. Nói dối, theo họ, là một khiếp nhược.

Truyền rằng Gandhi sở dĩ có được một tinh thần như thế là nhờ sự khéo dạy của bà mẹ. Một hôm Gandhi đi học trốn về. Lúc ấy ông còn nhỏ. Vì sợ bị quở trách, ông dối mẹ. Bà mẹ biết, bèn nhứt định không ăn cơm. Ông khóc cầu khẩn mẹ ăn, nhưng bà mẹ cương quyết không chịu thay đổi ý kiến. Gandhi là người con chí hiếu, khóc lóc xin mẹ cho rõ vì đâu mẹ giận. Bà nói: “Mẹ thà thấy con chết hơn là thấy con nói dối. Vì nói dối là tỏ ra mình có một tâm hồn khiếp nhược. Có con như thế là một cái nhục cho mẹ. Mẹ không muốn sống nữa”. Gandhi bèn quả quyết đứng lên, đi thẳng lại chỗ nấu ăn, lấy một cục lửa than để trên bàn tay và nói: “Con thề với mẹ, suốt đời con không bao giờ nói dối”. Bà mẹ mừng quá, ôm con vào lòng, khóc: “Được vậy, thời mẹ mới có đủ can đảm sống nữa với con”. Về sau, Gandhi không bao giờ thất hứa với mẹ. Ông thường bảo với kẻ khác: “Cái vết trên bàn tay tôi đây là hình bóng của mẹ tôi, không bao giờ rời khỏi tôi. Đấy là vị thiên thần phò hộ tôi mãi ở trong vòng thành thực và danh dự”.



Có đủ can đảm nói sự thật, phải chăng là biểu hiện của một tấm lòng điềm đạm chí cực. Hay là nói một cách khác, chỉ có kẻ nào có được một tinh thần bất uý, mới có thể đủ can đảm nói sự thật mà thôi.
...
Người ta sở dĩ nói láo là vì sợ mà nói. Sợ oai quyền, sợ hình phạt, sợ thất lợi, sợ cười chê... Mỗi khi ta thấy bị hoàn cảnh lôi cuốn phải nói dối, hãy bình tâm suy nghĩ, tìm xét căn nguyên, ta sẽ thấy không ngoài những nguyên nhân đã nói trên. Nói dối là tỏ ra mình bị kẻ khác khu sử.
...
Mỗi một khi ta nói dối, tinh thần ta giảm bớt dũng khí đi một ít. Càng nói dối chừng nào thì cái dũng khí của mình càng suy nhược chừng nấy.
...
(Trích từ quyển Cái Dũng của Thánh Nhân  -- Nguyễn Duy Cần)



*** Trong ngũ giới căn bản của nhà Phật có giới Cấm vọng ngữ. ***

Cheer
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#75
(2018-01-31, 05:24 PM)anatta Wrote: Bác Nguyễn Hiến Lê nói cũng không sai. Người ta đều có khẩu vị tinh thần khác nhau. Theo Trang Tử khuyên: "Đừng kéo cẳng vịt cho dài, thúc giò hạt cho ngắn", vì đó là sự bất-bình-đẳng tự nhiên. Đổ chung một khuôn thì ít nhiều sẽ có xung đột.

Nói về cái Dũng của tâm hồn, thì tập tánh ăn ngay nói thẳng cũng là một trong những yếu tố giúp đào luyện tinh thần điềm đạm. Trong quyển CDTN, có đôi câu truyện thật nói về đức tánh thành thật:


1 - Nói thật, và chỉ biết nói thật mà thôi, là tập cho mình có một tinh thần bất uý.

Trong đời, nhất thiết việc gì, phải tập tánh nói cho đúng với sự thật.

Ấy là một tánh, cần phải tập luyện từ nhỏ mới đặng, đừng để bị phải thói quen mà sau này không dễ gì sửa đổi cho được.

"Washington, lúc còn trẻ, một hôm đẽo cây quý của cha trồng. Lúc cha của ông hầm hầm giận dữ, ông vẫn có đủ can đảm thú tội của mình, không sợ hình phạt gì cả. Cha thấy con như thế, đổi giận làm vui, ôm con và nói: “Tất cả sự sản của cha không quý bằng cái tánh ngay thật của con”. Thật vậy, cái tinh thần ấy làm cho ông sau này trở nên một bực anh hùng cái thế.



2 - Thánh Gandhi là người thứ nhất dám tự hào: “Tôi không bao giờ biết nói dối”. Thật vậy, mặc dù ông là một nhà chính trị, đối với phe nghịch ông, ông cũng không bao giờ nói dối để được việc cho mình. Lời nói ông là một bảo đảm chắc chắn hơn tất cả những hiệp ước. Hễ ông hứa một điều gì, thì việc ấy kể là đã được ông thi hành rồi. Theo luật Võ sĩ đạo (Bushido) của người Nhật cũng vậy. Họ lấy sự giữ lời hứa là một danh dự riêng của người đại dũng. Nói dối, theo họ, là một khiếp nhược.

Truyền rằng Gandhi sở dĩ có được một tinh thần như thế là nhờ sự khéo dạy của bà mẹ. Một hôm Gandhi đi học trốn về. Lúc ấy ông còn nhỏ. Vì sợ bị quở trách, ông dối mẹ. Bà mẹ biết, bèn nhứt định không ăn cơm. Ông khóc cầu khẩn mẹ ăn, nhưng bà mẹ cương quyết không chịu thay đổi ý kiến. Gandhi là người con chí hiếu, khóc lóc xin mẹ cho rõ vì đâu mẹ giận. Bà nói: “Mẹ thà thấy con chết hơn là thấy con nói dối. Vì nói dối là tỏ ra mình có một tâm hồn khiếp nhược. Có con như thế là một cái nhục cho mẹ. Mẹ không muốn sống nữa”. Gandhi bèn quả quyết đứng lên, đi thẳng lại chỗ nấu ăn, lấy một cục lửa than để trên bàn tay và nói: “Con thề với mẹ, suốt đời con không bao giờ nói dối”. Bà mẹ mừng quá, ôm con vào lòng, khóc: “Được vậy, thời mẹ mới có đủ can đảm sống nữa với con”. Về sau, Gandhi không bao giờ thất hứa với mẹ. Ông thường bảo với kẻ khác: “Cái vết trên bàn tay tôi đây là hình bóng của mẹ tôi, không bao giờ rời khỏi tôi. Đấy là vị thiên thần phò hộ tôi mãi ở trong vòng thành thực và danh dự”.



Có đủ can đảm nói sự thật, phải chăng là biểu hiện của một tấm lòng điềm đạm chí cực. Hay là nói một cách khác, chỉ có kẻ nào có được một tinh thần bất uý, mới có thể đủ can đảm nói sự thật mà thôi.
...
Người ta sở dĩ nói láo là vì sợ mà nói. Sợ oai quyền, sợ hình phạt, sợ thất lợi, sợ cười chê... Mỗi khi ta thấy bị hoàn cảnh lôi cuốn phải nói dối, hãy bình tâm suy nghĩ, tìm xét căn nguyên, ta sẽ thấy không ngoài những nguyên nhân đã nói trên. Nói dối là tỏ ra mình bị kẻ khác khu sử.
...
Mỗi một khi ta nói dối, tinh thần ta giảm bớt dũng khí đi một ít. Càng nói dối chừng nào thì cái dũng khí của mình càng suy nhược chừng nấy.
...
(Trích từ quyển Cái Dũng của Thánh Nhân  -- Nguyễn Duy Cần)



*** Trong ngũ giới căn bản của nhà Phật có giới Cấm vọng ngữ. ***

Cheer

1. Nói tới theo bản tánh tự nhiên thì ngành tâm lý hiện đại gần đây cũng phát giác ra điều mà Trang Tử đã thấy từ lâu, từ đó họ khuyên mỗi người hãy làm những gì hợp với bản chất, thí dụ, nếu mình là 1 người nội hướng, thì mua sách, đọc sách, thiền, nghe giảng tâm linh thì đem lại cảm giác mãn nguyện hơn là đi ra quán bar nhậu, tán dóc với đám bạn. Một người trầm lặng, ít bạn, khg cần bắt chước thay đổi cho giống mấy người khác để trở nên hoạt bát, xã giao rộng. 

2. Về đức tính thành thật và đức dũng. dt mới đọc được một câu danh ngôn hay:"Khi bạn nói dối với người nào, thì mặc nhiên bạn chứng tỏ là mình sợ người đó". Quả thật thành thật đồng nghĩa với can đảm, bất úy. Bản thân dt rất thích và áp dụng câu của Không Tử:"Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã".. Có 2 chuyện nhớ lại thấy vui vui. Một lần nói chuyện với anh kia, đang nói thì anh ta bảo, giọng có vẻ hơi khó chịu "Sao you cái gì cũng biết vậy ?, Lần khác, anh kia hỏi mình liên tiếp 3 câu, mình đều đáp:"I don't know" thi anh ta bảo "Sheesh, sao you cái gì cũng khg biết hết". Họ đều khg thấy rằng mình chỉ trả lời thành thật, đúng với tinh thần Khổng Tử. Có một số người lại có thói quen nói những gì họ khg biết, thí dụ nghe mình bàn về truyện Kim Dung, họ rõ ràng khg đọc cuốn nào hết mà cũng mở miệng phê bình. Hoặc có khi mình hỏi ho có biết ông X khg ? Họ nói biết mà qua giọng nói có thể nói là họ khg biết. Mấy người này có fragile ego, khg tự tin, cho nên hiếm khi họ thẳng thắn nói:"Không, tôi khg biết/khg nhớ" Họ sợ thừa nhận khg biết gì đó, dù chỉ là chuyện nhỏ thì thiên hạ coi thường họ, nhưng mà nghịch lý là, nếu họ cứ thiếu thành thật thì người ta khó mà kính trọng họ.

3. Nho giáo,  thật ra còn có rất nhiều điều hay để học và áp dụng,  với kẻ tâm hồn hẹp hòi, nông nổi thì nó là mớ giáo lý lạc hậu, lỗi thời, kỳ thị phụ nữ đáng bị vứt vào sọt rác của thời gian, trái lại với những người cởi mở thì họ biết gạn lọc, cái hay để giữ làm hành trang, cái hết thời bỏ đi, cái còn phần nào hữu ích thì họ chỉnh sửa, update cho hợp thời hợp cảnh. Nói tới 2 cố học giả Nguyễn Duy Cần và Nguyễn Hiến Lê thì cả 2 đều biết rộng, nhất là triết học Đông phương. Cả 2 đều biết Lão Trang, Kinh Dịch, có điểm khác là cụ Cần thích Phật Giáo, cụ Lê thích Nho Giáo. dt thích cả hai nhưng nghiêng về cụ Lê hơn, thích cách viết lẫn nhân sinh quan, đọc trong cuốn Tương Lai Trong Tay Ta, thấy nhân sinh quan của cụ giống mình hoàn toàn. Cụ quan niệm sống là để giúp đời, đem lại hanh phúc cho người khác, khg quan tâm những vấn đề siêu hình như Chúa, linh hồn có hay khg, con người từ đâu có, sau khi chết, linh hồn còn tồn tại hay khg, tên tuổi mình còn được thiên hạ nhớ hay khg ...
Reply