2018-08-08, 06:04 PM
Một vinh quang cho nền giáo dục Úc
Ngày 02/08/2018, Hội nghị Toán học Thế giới (ICM) tại Rio de Janeiro, Brazil, đã công bố Giải Fields 2018 được trao cho 4 nhà toán học, trong đó có Akshay Venkatesh, một nhà toán học người Úc gốc Ấn nổi tiếng.
Giải Fields là giải thưởng có uy tín cao nhất trong toán học, được ví như “Giải Nobel dành cho toán học”, mặc dù tiền thưởng của nó rất khiêm tốn so với Giải Nobel.
Vankatesh, năm nay 36 tuổi, hiện là Giáo sư toán học tại Đại học Stanford, Mỹ, đoạt được Giải Fields nhờ những đóng góp xuất sắc của anh trên một phạm vi rất rộng của toán học.Akshay Vankatesh
Giải Fields được trao tặng 4 năm một lần cho những nhà toán học trẻ dưới 40 tuổi có những cống hiến xuất sắc nhất trong toán học. Giải thưởng này do nhà toán học người Canada, John Charles Fields, lập ra từ năm 1932. Mỗi cá nhân đoạt giải được thưởng 15000 Canadian-dollar tiền mặt. Mỗi lễ trao Giải Fields sẽ có từ 2 đến 4 người được nhận giải thưởng.
Ba nhà toán học khác cùng được nhận giải năm nay là: Caucher Birkar, người Iran gốc Kurdish, hiện là Giáo sư Đại học Cambridge ở Anh; Peter Scholze, người Đức, Giáo sư Đại học Bonn; và Alessio Figalli, người Ý, Giáo sư Đại học Bách khoa ETH, Thụy sĩ.
Akshay Venkatesh, từ cậu bé thần đồng trở thành nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới
Venkatesh sinh năm 1982 tại New Delhi, Ấn Độ. Cậu cùng cha mẹ đến định cư tại Úc năm cậu mới 2 tuổi. Cậu lớn lên tại Perth, thành phố thủ phủ của Tiểu bang Tây Úc.
Năm 11 tuổi và 12 tuổi, Vankatesh đã tham gia các kỳ thi Olympiads toán học và vật lý quốc tế, và lần lượt đoạt huy chương trong cả hai môn toán và vật lý.
Cậu tốt nghiệp trung học và vào Đại học Tây Úc (UWA) năm 13 tuổi, được nhận thẳng vào năm thứ hai khoa toán sau khi đã chứng minh với nhà trường rằng cậu đã nắm vững tất cả các môn toán của năm thứ nhất.
Năm 16 tuổi, Vankatesh tốt nghiệp Đại học Tây Úc với bằng danh dự đứng đầu lớp về toán học thuần túy.
Năm 2002, Vankatesh 20 tuổi, hoàn thành luận án Tiến sĩ Toán. Sau đó anh tiếp tục làm luận án hậu tiến sĩ tại Đại học MIT ở Mỹ, rồi trở thành một nhà nghiên cứu của Viện Clay, một viện toán học lớn ở Mỹ.
Hiện nay Vankatesh là Giáo sư toán học tại Đại học Stanford, Mỹ. Nhưng theo tờ The Australian cho biết, Vankatesh mới rời Đại học Stanford để gia nhập Đại học Princeton, nơi những nhà bác học giỏi nhất của Mỹ trong thế kỷ 20 từng giảng dạy, nghiên cứu và làm việc.
Giáo sư Vankatesh có những công trình nghiên cứu ở trình độ cao cấp nhất thuộc nhiều lĩnh vực toán học khác nhau: lý thuyết số, hình học, số học, lý thuyết topo, các số automorphic (1), lý thuyết ergodic (một ngành của toán học nghiên cứu những hệ động lực học, nẩy sinh từ vật lý thống kê).
Những nghiên cứu ấy đã mang lại cho Vankatesh hàng loạt giải thưởng toán học, trước khi anh đoạt Giải Fields năm nay, như Giải Ostrowski, Giải Infosys, Giải Salem Prize, và Giải Sastra Ramanujan.
Có nhiều lý do để Vankatesh đạt tới thành công rực rỡ như hôm nay. Một trong những lý do quan trọng nhất là truyền thống gia đình.
Mẹ của anh, bà Svetha Venkatesh, là một giáo sư về khoa học máy tính, Giám đốc Trung tâm nhận dạng mẫu và phân tích dữ liệu tại Đại học Deakin ở Úc, khiêm tốn cho biết con trai bà không chăm học lắm tại trường đại học, mặc dù anh đã giành được bằng tốt nghiệp danh dự của chương trình đại học 4 năm trong 3 năm. Bà nói:
“Con tôi chỉ đi ngang qua đại học thôi. Nó thích chơi cricket với các sinh viên khác ở hành lang. Tất nhiên tôi rất tự hào về thành tích toán học của nó, nhưng tôi thực sự tự hào về con người của nó. Nó đã thực sự trở thành một con người tuyệt vời.”
Tất nhiên, một phần vinh quang của Vankatesh cũng thuộc về nền giáo dục Australia, nơi “sản xuất” ra không chỉ một, mà nhiều tài năng khoa học hàng đầu thế giới.
Vinh quang cho nền giáo dục Úc
Nền giáo dục Úc là một cái nôi ươm các tài năng trẻ. Khi các tài năng trở thành những cột trụ trong khoa học, nền giáo dục có quyền tự hào vì công vun trồng của nó.
Thật vậy, Vankatesh không phải người đầu tiên, mà là nhà toán học Úc thứ hai đoạt Giải Fields. Người thứ nhất là Terence Tao (Đào Triết Hiên), được mệnh danh là “Mozart của toán học”, đoạt Giải Fields năm 2006, khi anh mới 31 tuổi, và đến nay vẫn giữ kỷ lục người trẻ nhất đoạt Giải Fields.
ương tự như Vankatesh, Terence Tao cũng từng là một thần đồng toán học ở Úc: 7 tuổi vào trung học; 9 tuổi bắt đầu học đại học; 10, 11, 12 tuổi tham dự các kỳ thi Olympiads, đoạt các huy chương đồng, bạc, vàng; 16 tuổi, tốt nghiệp Đại học Flinders, Adelaide, Nam Úc; 17 tuổi: hoàn thành luận án Thạc sĩ tại Đại học Flinders; 21 tuổi, hoàn thành luận án Tiến sĩ tại Đại học Princeton; 24 tuổi, Giáo sư Đại học California ở Los Angeles; 31 tuổi, đoạt Giải Fields (cùng năm với nhà toán học lừng danh Gregory Perelman, người chứng minh được Giả thuyết Poincaré).
Để thấy rõ truyền thống toán học Úc, tưởng cũng nên nhắc đến John Coates, một giáo sư toán học của Úc từng là người hướng dẫn luận án Tiến sĩ của Andrew Wiles, nhà toán học Anh chứng minh được Định lý Cuối cùng của Fermat.
Câu chuyện về Định lý Cuối cùng của Fermat là một trong những trang lịch sử kỳ thú nhất của toán học. Một bài toán bị treo lơ lửng không có lời giải trong suốt 300 năm, một thách thức quá lớn đối với bất kỳ bộ não kỳ vĩ nào. Không phải cứ chịu khó lao động vất vả mà có thể đạt tới thành công, phải nói đến may mắn nữa.
Andrew Wiles đã có cái may mắn đó khi gặp giáo sư hướng dẫn mình là John Coates. Trong vô số đề tài nghiên cứu để làm luận án tiến sĩ, Coates chọn cho học trò của mình chủ đề “Những đường cong elliptic”. Quyết định của Coates đã trở thành một bước ngoặt trong đời Andrew Wiles, và cũng là bước ngoặt của toán học trên con đường chinh phục Định lý Cuối cùng của Fermat. Câu chuyện này đã được trình bày kỹ trong cuốn “Định lý Cuối cùng của Fermat” của Simon Singh, NXB Trẻ 2004, bản dịch của Phạm Văn Thiều và Phạm Việt Hưng.
Tất nhiên, nền giáo dục Úc không chỉ đào tạo ra những nhà toán học xuất sắc, mà còn những nhà vật lý và sinh y học xuất sắc nữa. Đến nay đã có 10 nhà khoa học Úc đoạt Giải Nobel về Sinh Y học hoặc vật lý.
Với dân số 24 triệu người, Úc đã có 10 Giải Nobel và 2 Giải Fields, thiết tưởng xứng đáng nằm trong danh sách các cường quốc khoa học và giáo dục, và có lẽ là giấc mơ của những quốc gia đang phát triển, kể cả một nước khổng lồ như Trung Quốc.
DJP, Sydney 03/08/2018
viethungpham.com
(1) Những con số mà bình phương của nó kết thúc bởi những con số giống chính nó. Thí dụ: 5^2 = 25; 76^2 = 5776