2018-06-15, 11:10 PM
bánh cục Bến Tre
Bánh cục hay còn gọi là bánh rau mơ, có nhiều ở miền Tây, nhất là tại Bến Tre. Bánh mang đến hương vị lá rau mơ rất riêng, đặc biệt có tính hàn mát nên tốt cho sức khỏe người ăn, nhất là vào mùa nóng.
Ngày xưa, nhà nhà hay đãi nhau bằng loại bánh này. Tuy chân quê nhưng chứa đựng biết bao tình làng nghĩa xóm…
Tôi không biết ai đã đặt ra cái tên bánh cục nhưng quả thực cái tên rất… xác thực với hình dạng của chiếc bánh. Dù cách chế biến có biến tấu khéo léo đến cỡ nào thì lúc ra dĩa cũng cứ thành… một cục đen thui rất đặc trưng.
Cách làm loại bánh này đơn giản nhưng mất khá nhiều thời gian, thường khoảng vài giờ đồng hồ mới xong. Muốn ăn vào buổi chiều thì người làm bánh phải ngâm gạo từ lúc trưa. Muốn ăn bánh vào buổi tối thì phải ngâm gạo từ xế xế, nói chung phải ngâm gạo trước ít nhất ba tiếng đồng hồ.
Gạo ngâm tới lúc mềm hạt sẽ được rút khô và xả nước nhiều lần rồi cho vào cối xay cùng với lá rau mơ xắt nhuyễn. Nên xay hai lần cho bột thật nhuyễn sau đó cho vào bồng bột dằn cho bột nhỏ nước, rồi đổ ra thau cho tí muối và tí đường vào nhồi đều.
Lá dừa nước tươi cắt vào chặt hai đầu cho bằng rồi lấy đoạn giữa rửa sạch. Sau đó, người làm bánh sẽ lấy bột chế lên tờ lá, chế sao cho bột tráng đều hết lá là được. Việc cuối cùng là bắc nồi hấp lên cho nước sôi rồi xếp lá vào hấp chín, lấy ra ăn cùng với nước cốt dừa thơm béo đậm đà.
Bánh cục ăn cùng nước cốt dừa thơm béo đậm đà - Ảnh: Cẩm Nhi
Ngày nay, bánh được bán rất nhiều ở chợ. Người muốn ăn bánh này chỉ cần đến các chợ ở tỉnh Bến Tre là thể nào cũng gặp người bán. Các bà, các mẹ đi chợ sáng hay mua về làm quà cho con nhỏ hoặc làm món ăn sáng cho các cụ già vì bánh rất mềm.
Còn ngày xưa, ít ai bán loại bánh này mà phần lớn do các gia đình làm đãi nhau. Chị em tôi và mấy đứa hàng xóm thường được ăn vào buổi tối cuối tuần, gắn với các chương trình cải lương.
Còn nhớ hồi xưa quê tôi rất khó khăn. Mỗi xóm thường chỉ có 1-2 cái ti vi, dù chỉ là ti vi trắng đen. Và nhà nào mua được ti vi y như rằng cả xóm đều mừng, nhất là bọn con nít vì được… xem ké. Chủ nhà thì mừng không kể xiết dù sẽ… bị tốn kém không ít. Là vì không chỉ cho khách đến xem ti vi ké mà còn làm bánh, chăm nước pha trà đãi khách. Vì vậy, nhà ngoại tôi thường đãi khách bằng món bánh cục.
Khỏi phải nói con nít chúng tôi háo hức thế nào vào mỗi cuối tuần. Lúc 7-8 tuổi, con gái như tôi thường được giao việc lau sạch lá và gỡ bánh ra đĩa mỗi khi bánh chín. Đến năm 16-17 tuổi, được các mẹ, các bác truyền kỹ thuật chế bột lên bánh hoặc nặn bánh.
Phải mất nhiều thời gian mới nặn khéo được, với 2 đầu ngón tay cái, cứ phải nặn nhanh, đều từ trên xuống dưới. Cứ thế, chia nhau làm, đứa phụ người lớn nặn bánh, chế bột, đứa nạo dừa, chụm lửa, vớt bánh, gỡ bánh… Cứ thế, tiếng cười nói của trẻ con, người lớn cứ râm ran, thời gian trôi nhanh lúc nào không hay.
Thông thường khi chương trình cải lương bắt đầu cũng là lúc bánh đã được bóc sẵn để vào dĩa. Khi xếp lên đĩa, miếng này chồng lên miếng kia nên cứ trông thành một cục. Vậy là một dĩa bánh to đùng cùng mấy chén nước cốt dừa để vào giữa bộ ván, cả chục người xúm xít lại vừa xem cải lương vừa bóc bánh chấm nước cốt dừa thật thân thương.
Khi chương trình cải lương hết thì cũng là lúc đĩa bánh sạch trơn. Thỉnh thoảng có những hôm đĩa bánh còn, y như rằng, hôm ấy đang chiếu những tuồng cải lương đẫm nước mắt như “Lan và Điệp”, “Đời Cô Lựu” hay “Lá sầu riêng”… , bà con nước mắt ngắn nước mắt dài, quên ăn.
Vậy là hôm ấy, vừa mang dĩa bánh đi cất, ngoại tôi vừa thì thầm “Tội nghiệp con Lan và thằng Điệp thì ít mà tội nghiệp đĩa bánh cục của tao thì nhiều, tối nay ế quá…”.