Posts: 2,693
Threads: 148
Likes Received: 0 in 0 posts
Likes Given: 0
Joined: Dec 2017
Reputation:
160
Xong rồi chả biết đi đâu
Xong rồi chả biết đi đâu
Xích lô Bà Triệu lên cầu Chương Dương!
Câu thơ này là của Đồng Đức Bốn in trong tập Chăn trâu đốt lửa (Nhà xuất bản Lao động Hà Nội 1993).
Đồng Đức Bốn là nhà thơ có nhiều câu thơ ám ảnh. Thí dụ:
Chiều mưa phố Huế một mình
Biết đâu là chỗ ân tình đến chơi.
Cầm lòng bán cái vàng đi
Để mua những thứ nhiều khi không vàng.
Hình như em mới giàu có
Ngôi mộ đang nằm người ta đắp cao hơn.
Thơ là gì đời đã bàn nhiều, nay đang bàn và còn bàn tiếp. Đây là một công án chưa giải quyết được. Xác định thơ đã khó mà xác định nhà thơ e chừng khó hơn. Có người tự bạch:
Làm thơ, nuôi chó, chọi gà
Ba trò chơi ấy làm ta bơ phờ
Suốt ngày nửa tỉnh, nửa mơ
Trông ai cũng thấy nửa thơ nửa... gà!
Tác giả lời tự bạch trên là Nguyễn Bảo Sinh, một người nuôi chó cảnh, nuôi mèo giống và gà chọi có tiếng ở đất kinh kỳ. Nguyễn Bảo Sinh có những câu thơ khá ấn tượng:
Tự trói thì gọi là tu
Bị trói thì gọi là tù mọt gông!
Nếu yêu cái xích dưới chân
Thì xiềng xích ấy là thần tự do...
Trong thơ ranh giới chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp rất khó xác định. Thơ dân chủ và... bao la đến nỗi có lần nhà văn Phạm Thị Hoài (vốn hóm hỉnh) từng mơ đến việc ra đời nước cộng hòa của các nhà thơ(!).
Trong lịch sử Phật giáo đã xảy ra việc chia ra hai môn phái Bắc tông (Thần Tú) và Nam tông (Huệ Năng). Môn phái Bắc tông gọi là tiệm ngộ (giác ngộ dần dần) có phần coi trọng sự học hành kinh điển và tổ chức. Môn phái Nam tông gọi là đốn ngộ (giác ngộ tức khắc) có phần coi trọng trực giác nhiều hơn. Thực ra, hai môn phái ấy đều chung một thầy, đều thờ Phật, đều cùng mục đích hoằng dương Phật pháp.
Xét về mặt nào đấy, trong thơ cũng có thể chia ra hai môn phái tiệm ngộ (trí năng) và đốn ngộ (trực năng). Chế Lan Viên, Bằng Việt, Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Anh Ngọc, Hoàng Trần Cương v.v... là trí năng chăng? Nguyễn Bính, Bùi Giáng, Đồng Đức Bốn v.v... là trực năng chăng? Tiếc là chưa có nhà nghiên cứu văn học nào đi sâu vào phân tích các hiện tượng thơ như Hoài Thanh, Hoài Chân hay như Chế Lan Viên, Xuân Diệu đã từng làm. Thơ không có người bình giảng và phân tích, thiếu các fan, không có con mắt xanh, thiếu tri âm tri kỷ thì thật... phí thơ! Nguyễn Khuyến trước kia đã từng khóc:
Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua, không phải, không tiền, không mua
Câu thơ nghĩ đắn đo không viết
Viết đưa ai, ai biết mà đưa
Giường kia treo những hững hờ
Đàn kia ai gẩy ngẩn ngơ tiếng đàn...
Sân chơi cho các nhà thơ không giống các sân gôn, sân ten nít... Nó mang ý nghĩa tinh thần, học thuật nhiều hơn. Thiếu một bầu không khí văn chương, thiếu sự trao đổi cũng rất khó có tác phẩm hay.
Viết xong một bài thơ, khoái hoạt nhất có lẽ cũng chỉ đến như Đồng Đức Bốn:
Xong rồi chả biết đi đâu
Xích lô Bà Triệu lên cầu Chương Dương! (*)
(*) Đã in báo Tiền phong, ký bút danh
(*) Bài viết in trên báo Tiền phong, ký bút danh.
nguyenhuythiep.free.fr
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Posts: 2,693
Threads: 148
Likes Received: 0 in 0 posts
Likes Given: 0
Joined: Dec 2017
Reputation:
160
Khổ câu thơ cứ đến rồi lại đi
Đồng Đức Bốn xuất hiện trong làng thơ Việt Nam khoảng 10 năm nay, viết chừng 80 bài thơ, trong đó có tới trên dưới 15 bài thơ được khách sành văn chương xếp vào loại cực hay, tài tử vô địch! Còn lại, thực ra nhiều bài cũng chẳng ra gì.
Dưới đây là bài thơ Vào chùa của anh in trong tập Trở về với mẹ ta thôi do Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản tháng 11 năm 2000.
Đang trưa ăn mày vào chùa
Sư ra cho một lá bùa rồi đi
Lá bùa chẳng biết làm gì
Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày.
Sao lại đang trưa mà không sáng sớm, không chiều tối? Chúng ta biết Đồng Đức Bốn in những bài thơ đầu tiên khi anh không còn trẻ nữa. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng đùa anh là một tên nửa quê nửa tỉnh cao tuổi (tựa tập thơ Chăn trâu đốt lửa Nhà xuất bản Lao động 1993). Vậy khoảng thời gian đang trưa mà gã ăn mày xuất hiện là gì?
Ăn mày là ai? Ăn mày là ta!
Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày.
Trong lịch sử, vua Khang Hy Trung Hoa đã từng sắm vai ăn mày. Chúa Chổm ở Việt Nam đã từng ăn chạc. Ăn mày ở đây không còn phải là một cá thể nào đó riêng biệt mà là một kẻ tha nhân đại diện của đại diện đang trôi dạt trong bể trầm luân. Khoảng thời gian đang trưa mà gã ăn mày ấy, kẻ tha nhân ấy lạc bước (hay cố ý) vào chùa, giống như một cử chỉ hướng thượng vào chốn cao minh (gặp gỡ tôn giáo) một liệu pháp tâm linh. Đấy là khoảng thời gian nào vậy của đời người?
Đời người có một gang tay
Ai hay ngủ ngày còn có nửa gang.
Khoảng đang trưa là khoảng nửa gang tay già của một đời người! Đáng sợ thay! Đấy là lúc người ta có thể kiểm nghiệm được khá nhiều điều tưởng bở và không tưởng bở:
Sống gần tới phút chia tay
Tỉnh ra mới thấy đời này rỗng không.
Chín xu đổi lấy một hào
Ai mua cái nắng lại vào cái mưa.
Chiều mưa phố Huế một mình
Biết đâu là chỗ ân tình đến chơi?
Tẽn tò con sáo sang sông
Bờ bên này tưởng cũng không có gì.
Tẽn tò con sáo bay đi
Lại bờ bên ấy có gì cũng không...
Cầm lòng bán cái vàng đi
Để mua những cái nhiều khi không vàng.
Vậy khoảng thời gian gặp gỡ tôn giáo, phút đốn ngộ (sát-na) vẫn thường xảy ra phải là khi kẻ tha nhân đã Phú Xuân cũng trải, Đồng Nai cũng từng rồi! Chúng ta hãy hình dung một khách bộ hành mệt mỏi, bụi bặm, râu bạc (kìa râu bạc!), nỗi chán chường âm ỉ lặn sâu ở trong đôi mắt âm thầm. Y gõ cửa vào chùa:
Sư ra cho một lá bùa rồi đi
Một cử chỉ diễn ra trong im lặng. Có ai có gì mà cho! Thích Ca Mâu Ni nói: Ta thuyết pháp trong khoảng 49 năm mà chưa từng nói một lời... (Phật vô ngôn).
Lá bùa chẳng biết làm gì
Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày.
Thật tiếc cho kẻ tha nhân vội vàng! Y không nhận ra dấu hiệu ấn chứng nhiệm màu! Từ giây phút ấy y đã biến đổi mà chính y không hay biết! Đồ bội bạc nông cạn! Kẻ tha nhân đã bước sang một cảnh giới khác mà y chẳng hề xúc động quái gì! Gớm thay cho đứa vô thần! Đồng Đức Bốn ơi Đồng Đức Bốn, khi viết những câu thơ dở nhất thì chính anh đã không biết rằng nó dở thế nào! Những câu thơ rặt giọng Sở Khanh sau đây không dở thì hay sao được:
Cho dù tát cạn bể sâu
Cho dù ngâm giữa vạc dầu đang sôi
Yêu em nếu phải đốt trời
Vẫn vui vẻ chết như chơi vườn đào...
(Gửi Tân Cương)
Cũng giọng điệu ấy, ở một nơi khác thì anh tự thú:
Nhiều người không tóm được ta
Thì sao em mộng ta là tình nhân?
Đồng Đức Bốn ơi Đồng Đức Bốn, khi viết những câu thơ hay nhất thì chính anh cũng không biết nó hay thế nào! Có ai viết được quang cảnh nông thôn thần tình như thế này chưa:
Nhà quê có cái giếng đình
Trúc xinh cứ đứng một mình lẳng lơ.
Nhà quê có mấy trai tơ
Quần bò, mũ cối giả vờ sang chơi.
Ối mẹ ơi vỡ đê rồi
Mộ cha liệu có lên giời được không?
Sao chưa thấy chiếc thuyền rồng
Chở con với mẹ qua giông bão này?...
Đây là hình ảnh người con trong ngày tang mẹ:
Đưa mẹ lần cuối qua làng
Ba hồn bảy vía con mang vào mồ
Mẹ nằm như lúc còn thơ
Mà con trước mẹ già nua thế này...
Quay trở lại với bài thơ có khẩu khí kém cỏi nhất trong tập thơ Trở về với mẹ ta thôi:
Đang trưa ăn mày vào chùa
Sư ra cho một lá bùa rồi đi
Lá bùa chẳng biết làm gì
Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày.
May thay. Bài thơ dấm dớ ấy lại là... một bài thơ Thiền!
Bạn đọc yêu quý! Nếu bạn có hiểu đôi chút về Thiền, bạn sẽ nhận ra một xương cốt khác dưới tấm áo rách rưới kia, bạn sẽ nhận ra một nhân cách bình thản khác dưới vẻ vô tình và thiển học kia. Bạn hãy đọc kỹ từng câu và suy nghĩ kỹ... Với một bài thơ Thiền thì bình giảng kiểu gì cũng hóa tầm thường!
Đồng Đức Bốn không phải là một thi sĩ toàn năng toàn tòng. Vốn văn hóa hạn chế, thái độ lụy tình hơn lụy lý, thói a dua với nhiều cây bút đương thời (nhại cả Vũ Quần Phương, Hữu Thỉnh, Hữu Ước, Bão Vũ, Lê Kim Giao v.v...). Thậm chí người ta còn dễ thấy xu hướng phú quý giật lùi nếu so sánh thơ Đồng Đức Bốn với Bùi Giáng, Nguyễn Bính hay Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu.
Trong tập thơ Trở về với mẹ ta thôi ngoài ý kiến đánh giá của Vương Trí Nhàn (ý kiến này có phần cán bộ tổ chức của Hội Nhà văn hơn là ý kiến một nhà phê bình văn học) còn có bài viết có phần nào thái quá của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Trong phê bình văn học, sự phê bình chừng mực thực ra là dấu hiệu của sự nhạt nhẽo tầm thường. Có người nói: Cảm tưởng đầu tiên với cuốn sách nào cũng phải là thiện cảm. Vẫn biết như thế nhưng sự thái quá đôi khi đâu phải đã hay?
Có thể còn phải bàn nhiều về thơ Đồng Đức Bốn nhưng gì thì gì, ngày Tết nhẩn nha đọc một câu thơ của anh cũng có được sự thú vị riêng:
Chân đạp đất đầu đội trời,
Khổ câu thơ cứ đến rồi lại đi...
Tiếc cho Đồng Đức Bốn đọc không nhiều sách, không chịu học hành, đôi khi bừa bãi ngông cuồng, lại không biết viết (anh thường làm thơ trong đầu rồi đọc cho người khác chép), vốn từ vựng có lẽ chỉ ngót nghét có... 600 từ! Nếu không, chúng ta đã có một nhà thơ chân quê hạng nhất!
Dù sao, Đồng Đức Bốn cũng đã làm xong nghiệp thơ của anh theo cách của riêng anh:
Xong rồi chả biết đi đâu
Xích-lô Bà Triệu ra cầu Chương Dương!
Thế chẳng sướng sao? Qua cầu Chương Dương phải chăng là từ bờ bên này sang bờ bên kia, từ bờ Mê sang bờ Giác Ngộ? (*)
Xuân Tân Tỵ 2001
(*) Bài đã in báo Nông nghiệp Việt Nam, ký bút danh.
nguyenhuythiep.free.fr
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Posts: 2,693
Threads: 148
Likes Received: 0 in 0 posts
Likes Given: 0
Joined: Dec 2017
Reputation:
160
Nguyễn Bảo Sinh, nhà thơ dân gian
Nguyễn Bảo Sinh, sinh năm 1940, sống trong một gia đình đã định cư nhiều đời ở Hà Nội. Thời trẻ, ông từng đi lính, từng là võ sư Judo. Từ trẻ đến già, Nguyễn Bảo Sinh chỉ ở số 30, ngõ 167 Trương Định (ngõ Bảo Sinh). Gần như suốt đời không hề chuyển dịch đi đâu, luôn ở cùng gia đình, xung quanh có vợ con, anh em, họ hàng, bè bạn nhưng ông luôn tự nhận mình là một tay sống trong giang hồ(!), một người tu tại gia(!). Nguyễn Bảo Sinh từng có hỗn danh là Sinh chó. Việc này duyên do từ chuyện có thật:
Hồi bé, vốn tính ngỗ ngược, thân phụ ông là cụ Nguyễn Hữu Mão (năm nay 95 tuổi, cũng là người rất hay thơ) có lần tức giận bảo rằng:
- Lớn lên thì chó nuôi mày!
Một lời là một vận vào! Lời nguyền của người cha tự nhiên vận vào số phận đứa con. Từ nhiều năm nay Nguyễn Bảo Sinh vẫn sống bằng nghề nuôi chó mèo cảnh, nuôi gà chọi, cũng có khi làm hậu cần cho các xới chọi gà khắp một vùng nội ngoại thành Hà Nội.
Làm thơ, nuôi chó, chọi gà
Ba trò chơi ấy làm ta bơ phờ
Suốt ngày nửa tỉnh, nửa mơ
Trông ai cũng thấy nửa thơ nửa gà!
Nguyễn Bảo Sinh khá điển hình cho một dạng nhà thơ dân gian vốn tồn tại từ xưa đến nay ở nhiều nơi trên thế giới. Trí tuệ dân gian thông qua hình thức nói vần được truyền khẩu nhiều khi biến thành ca dao, tục ngữ, thành lời các bài hát dân ca. Có thể nhận ra đặc tính chính của lối thơ này là ở chỗ luôn ngẫm sự đời để từ đó rút ra những kinh nghiệm sinh tồn, những kinh nghiệm sống. Việc ngẫm sự đời ấy dựa trên những quan sát trực tiếp ở những ngành nghề, ở những hoàn cảnh nhiều khi rất lạ lùng, hiếm có. Nhà thơ dân gian là người trực tiếp ở trong cuộc, trực tiếp lội xuống bùn để bắt những con cá chân lý trong cuộc sống. Yếu tố kinh nghiệm cá nhân không thể chia sẻ cho ai được đã làm nên nhiều sự bất ngờ và độc đáo của lối thơ này.
Khi yêu cái xích dưới chân
Thì xiềng xích ấy là thần Tự do!
Tự trói thì gọi là tu
Bị trói thì gọi là tù mọt gông!
Mê là mê theo cách mê của người
Ngộ là mê theo cách mê của mình.
Tự do sướng nhất trên đời
Tự lừa lại sướng hơn mười tự do!
Khi mê bùn chỉ là bùn
Ngộ ra mới biết trong bùn có sen
Khi mê tiền chỉ là tiền
Ngộ ra mới biết trong tiền có tâm
Khi mê dâm chỉ là dâm
Ngộ ra mới biết trong dâm có tình
Khi mê tình chỉ là tình
Ngộ ra mới biết trong tình có dâm!
Lối nghĩ dân gian nôm na (nôm na là cha mách qué) dựa trên những nghịch lý oái oăm trong cuộc sống. Phát hiện ra những nghịch lý ấy, hiểu được nó khiến người ta nhiều khi lâm vào tình trạng dở khóc dở cười:
Con ta không phải của ta
Tai họa của nó mới là của ta
Của chìm của nổi trong nhà
Của ta rồi sẽ lại là của con
Con ta không phải của ta vì nó không phải của nó.
Vợ là thánh chỉ vua ban
Có sao dùng vậy không bàn đúng sai!
Làm thơ anh chỉ nghiệp dư
Hội thơ chuyên nghiệp họ chưa cho vào
Yêu em anh cũng nghiệp dư
Hội yêu chuyên nghiệp họ chưa cho vào!
Trong thơ của Nguyễn Bảo Sinh có yếu tố Phật giáo (mới chỉ là yếu tố Phật giáo chứ chưa phải là tư tưởng Phật giáo). Yếu tố thiền đôi lúc đã xóa đi những ranh giới thị phi trong cuộc đời gây nên những hiệu quả bất ngờ khá độc đáo:
Cùng chung một chuyến đò ngang
Kẻ thì sang bến người đang trở về
Lái đò lái mãi thành mê
Sang về chẳng biết mình về hay sang?
Không phải tự nhiên mà Nguyễn Bảo Sinh đặt tên cho những bài thơ truyền khẩu của mình là huyền thi. Điều ấy có phần nào đúng. Vì sao vậy? Vì tôi nghĩ thơ của Nguyễn Bảo Sinh chưa phải thơ thiền. Nếu là thiền thực thì trong nội dung thơ đương nhiên sẽ hết ý nghĩa sâu sắc hoặc không sâu sắc (sâu sắc cũng vô nghĩa lý mà không sâu sắc cũng vô nghĩa lý). Thơ của Nguyễn Bảo Sinh mới chỉ mang yếu tố thiền, đang tiến tới thiền. Đấy là thiền giả chứ chưa thiền thật. Sự thú vị của Nguyễn Bảo Sinh là ở đấy. Đấy cũng là nét đặc biệt của văn học dân gian, nghệ thuật dân gian. Tính không chuyên nghiệp nửa đời nửa đoạn của văn học dân gian, nghệ thuật dân gian gắn liền với đời sống và số phận nửa giăng nửa đèn của chính những người sáng tạo ra nó. Sự ỡm ờ, nhập nhằng giữa chân lý và phi lý, thực và ảo, thị và phi, hay và dở cứ lẫn vào nhau, huyễn vào nhau. Trên thực tế, đã có nhiều người coi thường, coi khinh thơ của Nguyễn Bảo Sinh là không ra gì, vớ vẩn, nửa đời nửa đạo, nửa nạc nửa mỡ. ở những bạn đọc tuân theo nguyên tắc bất nhị thì sự phản ứng của họ cũng rất dễ hiểu. Họ không biết rằng văn học dân gian, nghệ thuật dân gian hình thành ở chính sự nhập nhằng vớ vẩn đó. Tỉ như ở trò kéo co: mấy người nắm lấy sợi dây chia ra hai phe, buông dây cười xòa sẽ là trò đùa nhưng trong trường hợp hoàn cảnh nào đấy sẽ là được thua, sẽ là sinh tử, là tranh chấp đầu rơi máu chảy. Trò chơi dân gian, nghệ thuật dân gian ai cũng chơi được, xú xí, xí xóa cũng được nhưng cũng có thể nghiêm trọng hóa nó cũng được. Truyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn là văn học dân gian, nghệ thuật dân gian. Khi có một bàn tay chuyên nghiệp dúng vào, thôi xao cho nó thì nó sẽ có một ý nghĩa khác đi nhiều.
Khi đọc Nguyễn Bảo Sinh, bạn đọc dễ có liên tưởng đến thơ Bút Tre. Tôi nghĩ, xét cho cùng, Bút Tre cũng là một kiểu thơ dân gian, nghệ thuật dân gian. ở thơ Bút Tre, kiểu nửa đùa nửa thật trộn lẫn giữa hình thức và nội dung gây nên hiệu quả rất độc đáo:
Hoan hô đại tướng Võ Nguyên
Giáp ta đánh trận Điện Biên lẫy lừng.
Anh đi công tác Plây
Cu dài dằng dặc biết ngày nào ra
Con thuyền dịch đít sang ngang
Trông ra thấy một cái làng xa xa.
Ở Nguyễn Bảo Sinh, không có kiểu nửa đùa nửa thật ấy mà ở đây tính chất nửa đời nửa đạo, nửa đúng nửa sai (của đời sống và chân lý đời sống) có phần nào rõ ràng hơn. Thơ Nguyễn Bảo Sinh không đùa tếu như thơ Bút Tre. Thơ Nguyễn Bảo Sinh có vẻ nghiêm túc tìm chân lý hơn. Chính vì vậy nếu xét về phong độ (thơ) tôi nghĩ ở Bút Tre lớn hơn, phá đám hơn, ngầu hơn. Đọc thơ Bút Tre người ta cười to hơn. Đọc Nguyễn Bảo Sinh người ta cười nhỏ đi, đôi khi không cười mà chỉ à một tiếng: à ra thế, à là thế... Không phải tự dưng đã có trường phái thơ Bút Tre: sự châm biếm, tiếng cười là thứ rất dễ lây. Chính sự huyền thi (bãi miễn thơ) đã làm hại Nguyễn Bảo Sinh nhưng có lẽ chính sự hại ấy cũng không quan trọng gì đối với ông. Tôi nghĩ ông không phải là người cố ý làm thơ, càng không phải là người cố ý làm thơ để phổ biến hay truyền bá. Ông làm thơ như một cách ghi nhật ký, ghi lại những ý nghĩ bất chợt mỗi khi ông ngẫm ra một điều gì đấy trên cơ sở quan sát hiện thực và mỗi khi ông rút ra được kinh nghiệm gì đấy từ cuộc đời ông.
Tôi khá bất ngờ và lý thú thấy Nguyễn Bảo Sinh ở tuổi U.67 vẫn có những bài thơ bay bướm kiểu:
Yêu là nhớ ít tưởng nhiều
Yêu là chẳng biết mình yêu cái gì
Yêu nhau đâu bởi hàng mi
Đắm say đâu phải chỉ vì đôi môi
Yêu là yêu, có thế thôi...
Tình yêu ấy, tôi nghĩ chính là tình yêu cuộc sống. Ông làm thơ cũng chính vì ông yêu cuộc sống.
Tôi chắc ở nhiều nơi trên đất nước ta cũng có nhiều thi sĩ dân gian kiểu như Nguyễn Bảo Sinh. Họ yêu cuộc sống và họ làm thơ theo kiểu của họ. Rất tiếc tôi chưa có được nhân duyên gặp gỡ và đọc thơ họ. Nhưng cũng chẳng sao vì thực ra điều ấy với họ, với tôi cũng chẳng có gì quan trọng. Nhiều khi gặp gỡ lại là hệ lụy, thậm chí chắc chắn sẽ là hệ lụy, đúng như Nguyễn Bảo Sinh từng viết:
Yêu sao giây phút hình như
Cho nhau những cái còn chưa của mình
Buồn sao hình chạm với hình
Đôi bong bóng đụng hồn mình chợt tan.
Tôi viết bài này vì tình cảm quý mến của tôi với Nguyễn Bảo Sinh, vì nhân duyên gặp gỡ của tôi với ông thoắt cái thế mà đã 15 năm trời hết một đời Kiều lưu lạc, khi ấy tóc tôi còn xanh, chưa có một sợi bạc nào. (*)
29/4/2003
Nguyễn Huy Thiệp
(*) Bài đã in báo An ninh thế giới
nguyenhuythiep.free.
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Posts: 2,693
Threads: 148
Likes Received: 0 in 0 posts
Likes Given: 0
Joined: Dec 2017
Reputation:
160
Xin đừng làm chữ của tôi đau(1)
"Nằm nghiêng" thơ của Phan Huyền Thư (NXB Hội nhà văn 2002) là một tập thơ không phải dễ đọc. ít nhất cũng là với tôi, một người viết văn xuôi. Vì sao? Có lẽ trước hết vì hình thức: các bài thơ ở đây đều viết theo thể tự do. Thế nào là thơ tự do? Tôi không nhớ rõ lắm ý kiến của Nguyễn Đình Thi (một trong những người đi tiên phong về thể thơ này, ông thực sự là một cây đại thụ trong nền văn học Việt Nam hiện đại), nhưng tôi luôn cảm giác thơ tự do của thế hệ ông vẫn có sự có lý cổ điển thế nào đấy. ở thế hệ Phan Huyền Thư, sau một chút nữa là Vi Thùy Linh và v.v... thơ tự do hình như đã bứt phá ra được sự có lý cổ điển ấy và ... tự do thật! Đây là ý kiến của Vi Thùy Linh trong một bài phỏng vấn nhẹ:
Hỏi: Tại sao cô chỉ làm thơ tự do?
Đáp: Trước hết, bởi tôi thích tự do. Tự do ở đây được hiểu là: nói, làm, dám mơ ước và tham vọng tất cả những gì mình muốn, không bị tác động và chi phối bởi ai, bởi bất cứ điều gì... Nếu đi sâu vào đặc điểm thể loại, thì tôi chuộng thơ tự do, vì tôi thấy mình ở đó và khi viết nó, nó là tôi. Các câu thơ giống như hơi thở, hơi thở dài buồn bã, hơi thở yếu lúc đau ốm, hơi thở nồng nàn lúc mơ ngủ, hơi thở gấp của cuộc chạy, của sự hồi hộp, của giao linh... cũng khác nhau. Thơ tự do cho phép tôi bộc lộ cảm xúc một cách nguyên bản nhất, khác với các thể thơ khác, bị quy phạm bởi số âm tiết trong một dòng, bắt vần giữa các câu và số câu trong một bài v.v...
Hỏi: Điều gì thúc đẩy cô viết?
Đáp: Tâm hồn và cơ thể tôi. (2)
Trong cuộc đối thoại tầm phào trên, Vi Thùy Linh tả khá đúng tâm trạng của người làm thơ tự do. Phan Huyền Thư cũng có tâm trạng như vậy nhưng diễn đạt có phần thơ hơn:
Viết
Viết
Viết đi, chữ không còn là chữ
Viết chỉ như ý nghĩ
lách qua khe cửa hẹp trong đầu...
Viết
Nỗi sống buồn của tôi.
Đọc thơ tự do khó vì người đọc phải hình dung ra được tâm trạng, theo được ý nghĩ (dòng tư tưởng) của người viết, thậm chí phải cùng đẳng cấp, cùng cảnh giới với người viết, tóm lại là phải hiểu người viết. Không phải ai cũng khinh công được khi đọc những bài thơ sau đây của Phan Huyền Thư:
Thị Mầu 97
Này chị em ơi!
Nhớ ai gầm gào trong cổ họng
rồi cười mỉa, rúc mặt đám đông
xanh thì đỏ
tím thì vàng
váy ngắn thì phải chân cong
một mình: đạo đức cười thầm sang trọng
Này chị em ơi!
Thích ai nói ngọng thành khinh
thằng này đểu, con kia kinh
con này cởi áo quần nhanh lắm
Không phải ai cũng vén miệng tụt lời
Này chị em ơi!
Yêu đương thì phải giữ gìn
vào sau cửa buồng vần vũ mười lăm phút
ra đường đoan trang chớp mắt thướt tha
yêu không được đánh mất mình
chỉ ăn cắp người ta...
Đấy chị em ơi!
Đàn ông những năm bốn mươi
Đàn ông những năm bốn mươi
da cam
màu lửa
Khủng hoảng giữa đời
Đàn ông những năm bốn mươi
Không còn yêu mình nữa
lập loè
Khinh công
Đàn ông những năm bốn mươi
tự dưng hối hả
Đến rồi đi
Lũ con gái mười lăm
đêm nằm
Khóc.
Đọc những bài thơ của Phan Huyền Thư, tôi luôn có cảm giác buồn tê tái và thương xót. Đúng là những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Trong rất nhiều bài thơ, người ta vẫn thấy có một Phan Huyền Thư khá tinh tế, đức hạnh và lịch sự:
Tôi nhường em phản xạ yêu đương
câu thơ gỡ nút áo
Tôi nhường chị sáng sớm bên chồng
cạ mình dụi nách những đêm đông
Cái liếm môi quy hoạch
tôi nhường đàn ông
Cao cả nghĩa hiệp
tôi nhường bè bạn
Truất yêu đương phế ghen tuông giáng thù hận
tôi nhường cho anh...
Tôi nhường tôi
giường chiếu cũ
Có chiến binh già
hát câu ca
không bao giờ chia sẻ.
Tôi rất thích những quan sát tinh tế của Phan Huyền Thư về sự đời (những cô nàng chân cong váy ngắn/ lóe xóe tiếng địa phương/ những nàng nhâm nhi văn chương/ khen nhau cố hớp giọng thị thành... Tôi đi/ hàng cây xanh/ những nhà thơ uống bia và chửi tục/ chị lao công người Hà Nội gốc/ lặng lẽ quét đường v.v...).
Những quan sát tinh tế, sự kỹ lưỡng chữ, cùng với những liên tưởng thông minh của Phan Huyền Thư khiến cho nhiều bài thơ đọc rất thú vị. Tôi không nhớ ai đã nói thơ giáo dục con người phẩm cách. Những cố gắng giáo dục phẩm cách của Phan Huyền Thư hình như bất lực: chúng ta đang sống tồi tệ và khốn nạn quá. Có lẽ chính vì thế mà âm hưởng chung của cả tập thơ "Nằm nghiêng" là một nỗi buồn day dứt khôn tả. Buồn tới mức người viết thậm chí muốn cáo phó mình:
Tôi muốn tự mình
lồng ảnh vào khung
Đóng vào không
tìm nơi treo trang trọng
Như đã qua đời.
Thực ra, cũng chẳng tội gì phải thế:
Ngày mai
điềm tĩnh lại
sẽ tập đi bằng ánh sáng thiên tài
trong bóng tối câm lặng của đời
Thơ Phan Huyền Thư được nhiều độc giả trẻ tuổi tìm đọc. Điều ấy dễ hiểu vì họ cùng cảnh giới với Phan Huyền Thư. Có lẽ Các bác chiến binh già/ hát câu ca/ không bao giờ chia sẻ là có phần nào còn hoài nghi, hờ hững và e ngại với những phương pháp giáo dục phẩm cách của Phan Huyền Thư. Nhưng tôi tin ở sự độ lượng của bạn đọc, ở lương tâm của họ, giá trị của họ. Phan Huyền Thư là một nhà thơ đáng để tìm đọc. Phan Huyền Thư chưa chứng tỏ được mình là có hạng vì thơ tự do là một thể thơ cũng dễ lẫn. Thơ của Phan Huyền Thư cũng chỉ mới làm người đọc day dứt xúc động. Về kỹ thuật chữ nghĩa, có lẽ không có gì phàn nàn. Nhưng chỉ có sự xúc động và kỹ thuật chữ nghĩa thì không đủ để tạo ra văn hóa. Để trở thành một yếu tố thúc đẩy tiến bộ trí tuệ xã hội, ngay kỹ thuật cũng đòi buộc phải có sự phát triển song hành của đạo lý (Baudouin). Thơ của Phan Huyền Thư có nhiều nỗi buồn ám ảnh nhưng chính vẻ đẹp của nỗi buồn sẽ thanh lọc được tâm hồn người ta và nỗi buồn rồi cũng theo cánh thời gian mà bay đi (La Fontaine) để tiến tới một ngày mai mới mẻ hơn, lành mạnh hơn, chắc chắn là đẹp hơn rồi. (*)
15/2/2003
(1) Thơ của Phan Huyền Thư
(2) Vi Thùy Linh trả lời phỏng vấn trên tạp chí Sông Hương, Nguyễn Vịnh thực hiện.
(*) Đã in báo Tia sáng.
nguyenhuythiep.free.fr
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Posts: 2,693
Threads: 148
Likes Received: 0 in 0 posts
Likes Given: 0
Joined: Dec 2017
Reputation:
160
Hiện tượng Vi Thùy Linh
Source: facebook - Vi Thùy Linh
Sinh ngày 4 tháng 4 (1)
Vi Thùy Linh, nhà thơ nữ trẻ có lẽ là đáng kể nhất trên văn đàn Việt Nam hiện nay sinh ngày 4 tháng 4 năm 1980. Ngày ấy là ngày thế nào?
Đấy là ngày: đổ sang nhau những ăn năn bất cẩn, trong sạch vấy bẩn, ý nghĩa vô bổ, cạn kiệt lấp đầy, tuyệt vọng và ngộ nhận, đoàn tụ và lưu lạc, trấn tĩnh và hoảng loạn. Đấy là ngày có một tình yêu phi thường của những Định mệnh khác thường.
Vi Thùy Linh đã viết về ngày sinh của mình một cách siêu thực, đẹp đẽ và rất nên thơ như thế. Thực ra, ngày 4 tháng 4 năm ấy cũng chỉ là một ngày bình thường như ti tỉ ngày bình thường khác. Trên thực tế, thế hệ của Vi Thùy Linh là một thế hệ được sinh ra trong hoàn cảnh rất thảm hại: phụ huynh của họ lúc đó phần lớn đều đang sống trong tình trạng vô cùng nhọc nhằn, khốn khó, thậm chí còn nhọc nhằn, khốn khó hơn cả thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Hãy giở lại lịch sử Việt Nam trong thời điểm chết giẫm đó: chiến tranh biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, chế độ bao cấp đang vào lúc khủng hoảng trầm trọng: tiền hết, gạo không, ngân sách quốc gia trống rỗng. Tôi còn nhớ ở một trường phổ thông trung học nơi tôi đến ở: giáo viên không có lương, các thầy cô giáo đã phải xin hợp tác xã cấp ruộng cấy lúa lấy gạo ăn, hai cô giáo mới có một cái quần lụa lành lặn để thay nhau mặc mỗi khi lên lớp. Trong các công sở, người ta phải phân phối chia nhau từng bao thuốc lá, từng đôi pin đèn, từng chiếc lốp xe đạp...
Thế hệ của Vi Thùy Linh đến tuổi trưởng thành lớn lên trong điều kiện khác hẳn: xã hội đổi thay từng ngày, từng giờ, Việt Nam đang hội nhập cùng thế giới. Đa số đều được sống trong nhung lụa, trong những tiện nghi sinh hoạt xịn hoặc như xịn, họ có nhiều cơ hội lựa chọn. Họ không có những ký ức giống như các thế hệ cha anh họ, họ không đói cái đói vật chất, tôi đói như một con hắc tinh tinh, tôi đói như một con vật ở địa ngục (Con gái thủy thần).
Nhưng thôi! Cái gì qua là qua! Chúng ta hãy đi sâu vào thế giới tâm hồn của lứa tuổi 20 hôm nay mà Vi Thùy Linh là một đại diện đáng kể nhất, thậm chí còn là nguy hiểm nhất. Vì sao vậy? Vì gì thì gì, Vi Thùy Linh đang là một thi sĩ nổi danh, đang là một nàng Jan Da trong thế giới hình nhi thượng của văn học nước nhà.
Này gương kia ta muốn biết trí tuệ của ta?
Thưa cô, cô thông minh hơn nhiều, so với tuổi.
Gương ơi, bây giờ trông ta ra sao?
Cô già hơn nhiều, so với tuổi
Sao đêm nỡ chan trăng vào tận chỗ ta ngồi?
(Thằn lằn trắng)
Dấu vết
Thế hệ tuổi 20 yêu dấu của Vi Thùy Linh đa phần lớn lên trong những nhà trẻ mẫu giáo ăn cám lợn của các chương trình lương thực quốc tế tài trợ (PAM, FAO...), cha mẹ họ đang mải miết lao vào cuộc mưu sống kiếm tiền như điên (cả nước bấy giờ là một thương trường!). Những đứa trẻ cô đơn được các cô nuôi dạy hổ huấn luyện, thiếu sự chăm sóc thường xuyên của bố mẹ: trên mái nhà bên trái, một con chim sẻ lẫm chẫm giữa những viên ngói vỡ. Có phải tôi đấy không? Tôi đã nói chuyện nhiều với những đứa trẻ như thế và nhận ra chúng thường hay cáu kỉnh kinh khủng. Đến tuổi 20 đôi khi chúng vẫn còn không thôi cáu kỉnh:
Bố
Mặt trời nóng nực và ồn ã
Con muốn gần... lại sợ... tan ra...
Mẹ
Mặt trăng xa
Con ngần ngại cận kề
Con
Vì sao lạc giữa
Lớn lên và sáng bằng nước mắt...
(Những đối lập)
Tôi vừa sợ vừa thương sự ví von các quan hệ trong một gia đình như các hành tinh trong vũ trụ, oách thì oách thật nhưng thật xa vời! Tôi thích cảnh mẹ con quấn quýt như thế này hơn:
- Ví dù con phụng bay qua
Mẹ nói con gà, con cũng nói theo.
- Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm búng, lưỡi lùa cá xương.
- Có vàng, vàng chẳng hay phô
Có con, con nói trầm trồ mẹ nghe...
(Ca dao)
Sự cô đơn, bị bỏ rơi trong những dấu vết số phận ở thơ Vi Thùy Linh rất rõ: Vi Thùy Linh luôn luôn nhạy cảm với sự bỏ rơi. Tôi có lần nghe Nguyễn Việt Hà (tác giả tiểu thuyết Cơ hội của Chúa) khen câu thơ anh đẩy em bằng mắt là một câu thơ rất tình tứ. Thực ra câu thơ này ở trong một văn cảnh thật đau lòng, chẳng tình tứ chút nào:
Chỉ còn phía anh thôi
Em không nhớ đã tìm gặp anh bao lần, bất kể khi nắng còn hay tắt
Để rồi đêm nay
Em cay đắng quay về khi anh đẩy em bằng mắt.
Cô gái (gọi bằng thi sĩ cũng được vì cô gái nào ở tuổi 20 chả là thi sĩ, cứ gì Vi Thùy Linh) nhận ra cú đẩy bằng mắt của gã bạc tình trong đêm, vậy thì sự nhận ra đó là ở trong lòng chứ đâu phải ở quan sát hiện thực. Đây là cú đẩy đi chứ không phải cú đẩy lại.
Em không nhớ đã thả đi bao nỗi buồn bằng tóc rụng
Tóc mỗi năm một mỏng
Bóng chèn nhau
vỡ
Lòng em
vỡ
Em lầm lũi lại đến trước nhà anh nhặt xác nỗi buồn đốt lên thành lửa
Rồi đi
Sau lưng em ngày nắng tắt.
(Từ phía ngày nắng tắt)
Những đứa trẻ có thời thơ ấu cô đơn với những mặc cảm âm thầm trong lòng bước vào đời, yêu, bị các tay phàm phản bội như chơi, đau lòng rồi tự tử như bỡn. Họ không biết ái tình là thứ rất nguy hiểm:
- Ái tình là một bạo chúa không nương tay cho ai cả. (Corneille)
- Ái tình là một con quỷ, không có thiên thần nào xấu hơn ái tình... ái tình là khói sinh ra bởi nghẹn ngào. (Sêcxpia)
- Ái tình! ái tình! Khi ngươi nắm lấy ta, người ta có thể nói: vĩnh biệt khôn ngoan! ái tình, ngươi đã làm mất thành Troie! (La Fontaine)
v.v... và v.v...
Sự lựa chọn trong tình yêu quan trọng vô cùng. Tôi đã nói chuyện với một giáo viên phổ thông trung học về chuyện giáo dục giới tính. Theo anh, giáo dục giới tính chỉ nên làm với khu vực nữ sinh vì với đối tượng này còn có khả năng giáo dục được chứ còn với nam sinh thì chịu, vô phương, bất khả tri, hoàn toàn không thể làm được, chúng bừa bãi vô cùng, có làm cũng chỉ bằng thừa, toi cơm! Tôi cảm thấy ý kiến này có lý. Thơ Vi Thùy Linh đầy rẫy những phiền muộn vì bị phụ bạc, vì bị thiếu kinh nghiệm lựa chọn:
Tôi nói với người đàn ông đầu tiên tôi yêu:
Em có thể chết, nếu bị anh phản bội.
Khi bị phản bội
Tôi giằng chiếc nhẫn anh tặng khỏi tay mình.
Người đàn ông thứ hai dịu dàng và trong suốt
Tôi thiếu nữ bé nhỏ rón rén bước vườn yêu
Sửng sốt và ngưỡng vọng...
Bỗng nhiên
Anh thay đổi...
Nhưng tại sao tại sao tại sao...
(Sự im lặng)
Còn tại sao nữa? Vì đời là thế, ái tình là thế. Cô chẳng hiểu gì, kẻ phản bội cũng là người tốt, có điều người ta không dám hy sinh... Người ta không dám hy sinh vì tôi là phải. Tôi là đứa con gái xấu xí, phải không nào? (Con gái thủy thần). Cần phải nhìn nhận sự phụ bạc trong tình cảm cũng như hai mặt của một vấn đề như sự chung thủy trong tình cảm vậy.
Kẻ tình nhân trong thơ Vi Thùy Linh là một tên Sở Khanh rất đáng kể, siêu phàm:
Em làm sao có thể thanh thản khi những hạt nước bung ra từ những nhát quét kia cũng mang ánh mắt anh...
Em dồn hết sức bình sinh, cầu điều lành cho anh mãi mãi...
Tiếng hát da diết của anh là nguồn tinh chất đổ vào em...
Chất ngất tôn giáo...
Tên anh thành tượng thanh của tín niệm...
Em nghe anh mà cứ ngỡ anh ôm em trong lòng đêm
Sự tưởng tượng vô biên chọc thủng thế giới
Cứ thế, anh trong em...
(Linh)
Lord Byron thật chí lý: ái tình của một người đàn bà chiếm toàn thể đời sống của họ.
Tagore minh triết hơn: ái tình là ý nghĩa tuyệt đỉnh của cái gì bao quanh chúng ta. Nó không phải tình cảm đơn giản mà là chân lý, là hoan lạc tận cùng của sáng tạo.
Rilke thì từng trải: ái tình là cơ hội duy nhất để già dặn.
Còn Faulkner lại khinh bạc: Điều buồn thảm trong ái tình là chẳng những ái tình phù du mà các thất vọng nó tạo ra cũng chóng quên.
Dấu vết tình yêu trong thơ Vi Thùy Linh chi chít. Không thể không nhận ra Vi Thùy Linh là một nhà thơ tình, một nhà thơ tội nghiệp luôn bị phụ tình.
Ai phụ tình? Ai tình phụ?
Có lẽ trước hết đó là dư luận.
Thiếu phụ 20 tuổi
Tôi đọc Vi Thùy Linh, hết sức ngạc nhiên vì những cảm xúc thèm có con, những cảm xúc về tình mẫu tử dày đặc. Có lẽ đây là trường hợp độc nhất vô nhị trong thơ Việt Nam hiện đại.
Con ơi... con ơi
Không biết bao lần, mẹ đặt tay lên bụng, gọi con
Mẹ khao khát mang con, mặt trời đang phôi thai trong mẹ
Con đang ở đâu
Hãy theo tình yêu của cha, đậu vào lòng mẹ...
Sẽ đến lúc, nhìn con, mẹ lại ngỡ đó là chồng của mẹ...
Thật buồn cười cho thiếu phụ 20 tuổi! Vi Thùy Linh cho đến bây giờ vẫn là một đứa bé con!
Có lúc, vì tham vọng sự nghiệp, mẹ ngại có con
Nhưng rồi qua bao nổi nênh
Mẹ mới hiểu, con rất cần cho mẹ...
Vi Thùy Linh đến 20 tuổi vẫn chỉ là bà mẹ của búp bê:
Mẹ ôm búp bê, cho búp bê bú tí
Chỉ có một búp bê con gái, mẹ chỉ quấn thêm hai cái khăn để có hai con trai
Mẹ luôn được làm công chúa, cô dâu...
(Những mặt trời đang phôi thai)
Nhiều người nói với tôi rằng Vi Thùy Linh là biểu tượng sex trong thơ. Tôi không thấy thế. Vi Thùy Linh là một biểu tượng trong trắng chứ, nhưng thật tội nghiệp, lẫn lộn trong tâm hồn Vi Thùy Linh có rất nhiều mặc cảm: đây là một thiếu nữ từng bị một nền giáo dục sai lầm (của gia đình, của nhà trường, của xã hội) làm hại, xâm hại. Ngay cả việc học tập làm thơ của Vi Thùy Linh có lẽ cũng có phần sai lầm. Tôi hiểu tại sao Vi Thùy Linh chỉ làm thơ tự do mà từ chối các thể thơ có niêm luật. Thực ra, đây là một cách đi tắt đón đầu của các nhà thơ nông nổi. Một nhà thơ phải được giáo dục thế nào? Bằng kinh nghiệm riêng tôi, trên cơ sở quan sát những kinh nghiệm của các nhà thơ cổ điển (khái niệm nhà thơ ở đây nên hiểu như một khái niệm mở rộng) thì việc giáo dục ấy phải được tiến hành y như việc nuôi dưỡng một hài nhi, một cách giáo dục nguyên thủy cổ truyền từng bước một chứ không nên đi tắt đón đầu vội vã.
Thi sĩ phải được giáo dục chặt chẽ từ việc học tập tục ngữ, ca dao, học tập các nhà thơ, các nhà tư tưởng nguyên thủy. Lần theo từng bước các nhà thơ, các nhà tư tưởng trong nền văn học sử nước nhà và thế giới, đi lại con đường của họ (cổ, trung, cận và hiện đại), thậm chí phải học tập, nắm vững tất cả những niêm luật thơ chủ yếu nhất (ở nước ta là các thể thơ 4 chữ, 7 chữ, lục bát, song thất lục bát v.v...). Không phải việc từ chối các niêm luật đã là tự do. Việc nắm vững các kỹ năng và niêm luật thơ chính là một cách rèn luyện để có được tư duy tao nhã và hành vi ứng xử với thơ (nói trắng phớ ra là học lễ) cũng chính là hành vi ứng xử với cuộc đời và xã hội. Giữa hình thức và nội dung thơ sẽ có cả một mối liên quan chặt chẽ với nhau, tác động từng tí một, dần dần, không nên đốt cháy giai đoạn (y phục xứng kỳ đức).
Thơ tự do ở ta ra đời với các thể chế và tiết chế thơ độc đoán, được sáng tạo bởi các thi sĩ hay sốt ruột, ít học, nóng nảy. Thơ tự do ở ta bắt đầu từ quần chúng, kiểu lũ chúng ta bọn người tứ xứ, rõ ràng tự do thật, rằng hay thì thật là hay nhưng cũng sẽ có những mặt trái của nó khi nó được dịp lên ngôi. Khi hình thức (thơ) bình dân được tư tưởng (thơ) bình dân nhân lên nhiều lần theo cấp số nhân (giống như cơm bình dân, nhà nghỉ bình dân) thì tình trạng cả nước làm thơ, thiếu vắng một đẳng cấp ngoại hạng, thượng lưu thì đấy là một bi kịch, một sự cay đắng vô cùng cho văn học.
Thơ, đấy là đạo đức, là văn hóa, là xã hội.
Vi Thùy Linh là một hiện tượng thơ Việt Nam. ở trường hợp này đã bộc lộ rất nhiều những điều nên bàn cãi về thơ, về đạo đức, về văn hóa và về xã hội Việt Nam.
Thẫn thờ sắp xếp lại mình
Trong bài tự kiểm điểm nhan đề Tôi và 365 ngày sóng (in trong Thể thao văn hóa số Xuân 2002) Vi Thùy Linh bộc bạch một tâm trạng mệt mỏi: Bây giờ tôi không còn là rừng lửa nữa (tức là đã qua giai đoạn mà Nguyễn Trọng Tạo miêu tả là nữ thi sĩ trẻ tuổi trên con ngựa chữ dậy thì, đã độc mã phi thẳng vào rừng rậm thi ca và khát)... Tôi yếu hẳn đi. Tôi sống trong tình trạng thiếu máu và huyết áp thấp. Hay lo nghĩ và mệt mỏi, mỗi bữa tôi chỉ ăn được một bát cơm, phải uống nhiều thuốc. Tóc có sợi bạc v.v....
Chỉ mới ăn một đòn giáng đầu tiên của dư luận miệng thế gian, như làn sóng bể đã làm cho con ngựa chữ dậy thì sụp đổ thì cũng đáng buồn! Con đường văn học là cả một chặng đường dài dằng dặc, vinh nhục đủ điều. Nó cũng chính là chặng đường đời rất nhiều gian khó trầm luân. Các nhà thơ trẻ phải ý thức được sự nghiệp của mình nếu như họ muốn dấn thân vào hội đoạn trường đó để mà biết cách bền gan tu chí. Chẳng có chữ nào bầu nên nhà thơ. Đấy chỉ là những lời có cánh hết sức hão huyền. Thơ không phải sự nghiệp. Tôi đã nhiều lần nói thế. Sự nghiệp là cái gì? Thật là vớ vẩn. Hãy sống đi, xây dựng cho mình một giá trị tinh thần và vật chất có thực rồi sự nghiệp nó sẽ đến theo.
Trong một bài trả lời phỏng vấn, Vi Thùy Linh có nói ước muốn được dấn thân vào văn học, sẽ làm thơ, viết tiểu thuyết. Rõ ràng, đấy là một ý định lành mạnh. Nhưng muốn thế, không thể chỉ ăn một bát cơm, uống nhiều thuốc là có sức lực đi tự dấn thân vào văn học. Với tuổi 20 yêu dấu Vi Thùy Linh và các bạn thơ trẻ khác hoàn toàn biết mình phải tự làm gì.
Tôi nhảy hoang dại trong cái muốn
Và vọt lên tóm cái sừng bò treo lơ lửng giữa trời, ngậm chặt và cắn
(Bất cứ lúc nào em cũng thích vọt như thế)
Chúng tôi không chấp nhận sự hành hạ của không gian...
(Một ngày chưa có trong sự thật)
Ngày lên ngôi vị thơ của Vi Thùy Linh chưa có trong sự thật. Mong rằng ngày ấy sẽ đến. Nhưng nó sẽ đến dần dần.
Vi Thùy Linh đang thẫn thờ sắp xếp lại mình. Đừng thẫn thờ nữa mà phải nhanh nhẹn sắp xếp lại mình. Cuộc đời còn ở phía trước. ở tuổi 20 thì những nổi nênh chỉ là trò cười dưới mắt những người từng trải.
Vi Thùy Linh là một hiện tượng trong thơ Việt Nam. Cũng là một tiếng thơ lạ. Vi Thùy Linh mới chỉ bắt đầu đi những bước đầu tiên trên con đường thơ truân chuyên gian khó của mình. Phía trước là bầu trời... ở đấy có vinh quang, có hiểm họa. Hãy tin ngày mai trong sự ngây ngất. Cũng chẳng cần thông minh hơn nhiều, so với tuổi. Cũng chẳng cần già hơn nhiều, so với tuổi. Dư luận cũng nên rộng lòng dù giả tạo, cá sấu còn biết khóc. Còn hơn những kẻ vô tâm. Những nhà thơ trẻ rất cần sự nâng đỡ về tinh thần, tình cảm, cần sự chỉ dẫn của những người đi trước.
Bài viết này như một cử chỉ cho thấy không phải dư luận lãng quên Vi Thùy Linh.
Tôi chẳng thể hiến tặng gì ngoài ánh hào quang tăm tối ấy... (2) . (*)
07/2003
nguyenhuythiep.free.fr
_____________________________________________
(1) Đề mục và các câu thơ trong bài viết đều lấy lại từ tập Linh (Thơ của Vi Thùy Linh, NXB Thanh niên, Hà Nội, 2000)
(2) Dịch từ thơ Aragông. Đây là câu kết trong truyện ngắn Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt viết về một vị thánh bị bôi bẩn (nhà thơ Nguyễn Bính) của tác giả.
(*) Đã in tạp chí Sinh viên, tạp chí Văn hiến.
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Posts: 393
Threads: 61
Likes Received: 32 in 25 posts
Likes Given: 44
Joined: Dec 2017
Reputation:
18
Bài hay! Cảm ơn. :handshake_1f91d: - KD.
"Sáng nay thức dậy choàng thêm áo
Vũ trụ muôn đời vẫn mới tinh".
Posts: 2,693
Threads: 148
Likes Received: 0 in 0 posts
Likes Given: 0
Joined: Dec 2017
Reputation:
160
(2018-05-10, 11:17 PM)Khuyết Danh Wrote: Bài hay! Cảm ơn. :handshake_1f91d: - KD.
Hi bạn KhuyetDanh
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Posts: 2,693
Threads: 148
Likes Received: 0 in 0 posts
Likes Given: 0
Joined: Dec 2017
Reputation:
160
Sao cứ đùa anh là thạch nhọn?
Một chiều mùa đông. Gió se lạnh. Mưa nhỏ. Một quán ăn ven sông. Phạm Tiến Duật, Tôn Gia Khiêm (con trai học giả Tôn Quang Phiệt) và một quan chức Bộ Giáo dục bước vào.
Món thịt rùa bát bảo nấu rất cầu kỳ bưng lên ngon tuyệt. Rượu thơm lừng. Phạm Tiến Duật ngà ngà say, nửa nói, nửa cười đưa tay khỏa lên trong không khí: "Không có kính, không phải vì xe không có kính...!". Tất cả mọi người lặng đi. Tất cả như mê như man. Cô nhân viên phục vụ bưng khay đồ ăn luýnh quýnh vướng chân vào gấu váy ngã lăn quay dưới chân cầu thang. Cô gái không dám kêu to vì sợ phá vỡ không khí nghiêm trang. Phạm Tiến Duật đọc thơ, bài thơ khiến anh nổi tiếng một thời.
Dưới đây là phần diễn nôm bài thơ Tương tiến tửu của Lý Bạch mà tôi đã đọc tặng Phạm Tiến Duật trong chiều mưa hôm ấy:
"Kìa bác chẳng thấy nước sông Hoàng Hà
từ nơi cao như ở trên trời đổ xuống,
chảy ra đến bể thì không thể còn quay trở về được nữa.
Và bác chẳng thấy trong tấm gương sáng trên nhà cao kia,
buồn trông mớ tóc bạc,
ấy nó chỉ sớm là tơ xanh mà chiều đã đổi thành tuyết trắng rồi.
Đời người ta mỗi quãng đi mãi không thể lấy về,
cho nên gặp lúc đắc ý nên uống rượu cho say,
đừng để cho chén vàng phải gác suông dưới bóng nguyệt.
Trời sinh người ta hữu tài tất hữu dụng,
nghìn vàng trong tay tiêu đến hết rồi lại quay về.
Vậy thì hãy cứ mổ dê giết trâu mà bày ra cuộc vui đi,
rồi một lần uống nên uống ba trăm chén.
Này hai anh Sầm Phu Tử và Đan Châu Sinh kia,
đã uống rượu thì chớ có ngừng.
Tôi vì các bác mà hát một bài,
các bác hãy vì tôi nghiêng tai mà nghe!
Trong bữa tiệc phải có chiêng trống để làm nhạc,
trâu dê để làm cỗ, sự đó không quý gì.
Chúng mình chỉ cốt uống rượu là còn để được tiếng về sau.
Trần Tư Vương tức là Tào Thực con Tào Tháo ngày xưa bày tiệc ở Bình Lạc chủ khách uống rượu đến mười nghìn đấu thoả thuê hết sức.
Vậy khổ chủ hôm nay đừng nên kêu là ít tiền, kíp đi mua rượu ngay để cho ta uống.
Nếu không có tiền thì con ngựa năm hoa, áo cừu nghìn vàng kia là những vật còn dùng được cả,
hãy sai người đem đi đánh đổi lấy rượu để ta cùng uống cho tiêu cái sầu của muôn đời!".
Đoạn diễn nôm trên đây hơi dài dòng nhưng có cái lý của nó về sau. Ta biết thơ Lý Bạch mỗi từ là một hạt ngọc. Nhưng hãy cứ để Lý Bạch đấy mà quay về với hiện thực bây giờ.
Có lẽ trong các nhà thơ hiện đại Việt Nam không có ai gây được cảm giác lên đồng như Phạm Tiến Duật đã từng làm. Thơ Phạm Tiến Duật như có nghìn đấu rượu ủ ở bên trong. Thơ Phạm Tiến Duật cuốn hút số đông. Đấy là tiếng kèn đồng, là chiêng trống, là quân nhạc (hoặc phải được đọc trên nền quân nhạc). Phạm Tiến Duật là điểm cao 559 trong trùng điệp các nhà thơ có danh và vô danh trong thời kháng chiến. Những người khác chỉ là 307, 333, 555 nhưng Phạm Tiến Duật là 559.
Thơ Phạm Tiến Duật:
Anh cùng em đi sang bên kia cầu
Nơi có những miền quê yên ả...
... Em ở Thạch Kim, sao cứ đùa anh là Thạch Nhọn
Đêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón
Em đóng cọc dài quanh quanh hố bom
Cái miệng em ngoa cho bạn cười ròn...
Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để...
Trần Đăng Khoa có lần nhận xét thơ Phạm Tiến Duật là vè hoặc có chất vè. Nhận xét như thế hơi ác. Thực ra, thơ là vần vè, nhà thơ nào chẳng vần vè. Cần phải thấy rõ hiệu quả thẩm mỹ mà thơ Phạm Tiến Duật từng đưa lại: không phải tự dưng có người cho thơ Phạm Tiến Duật có sức mạnh như một sư đoàn! Hoàn toàn có lý! Đấy là sức mạnh khuynh thành khuynh nước của thi nhân, của văn chương. Trên văn đàn, Phạm Tiến Duật đã từng là thần tượng của rất nhiều thế hệ. Nhưng rồi thời gian trôi đi
.
Trong số báo Văn nghệ gần đây (số 35 ra ngày 28/8/1999) Phạm Tiến Duật kể về chuyện dẫn chương trình cho Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam. Dưới đây là trích đoạn bài viết đó:
... Từ lâu nay tôi là một trong những nhà thơ tham gia rất nhiều các chương trình thơ, nhạc, phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng và giao lưu với khán giả. Nghĩa là tôi rất quen với ánh đèn sân khấu. ấy thế mà mấy đêm ở Nhà hát Lớn Hà Nội tôi run. Tôi run đến líu cả lưỡi không nói được. Tôi không sợ những người ngồi trước mặt tôi mà tôi run người lên vì một chi tiết trên bộ y phục biểu diễn mà tôi mặc trên người. Theo sự sắp đặt của ông quyền giám đốc nhà hát - nghệ sĩ ưu tú Đỗ Tiến Định và đạo diễn nữ NSND Thu Hiền, tôi phải xuất hiện trước công chúng trong bộ quân phục với mũ tai bèo hẳn hoi. Bộ quần áo và mũ thì Nhà hát có và đúng là quân phục những năm 60, 70. Nhưng thắt lưng thì không phải. Tôi đi tìm mượn bằng được cái thắt lưng của lính ngày trước. Một người bạn tôi, anh Nguyễn Anh Sơn là trung tá bộ đội không quân hiện nay cho tôi mượn cái thắt lưng nhựa màu đỏ mận của thời xa xưa ấy. Mà cái thắt lưng ấy cũng không phải của anh Sơn mà vốn của một người lính Trường Sơn ngày trước. Người lính ấy còn mất thế nào không biết. Cái thắt lưng ôm lấy bụng tôi như vòng tay của bạn đang ôm tôi. Thế thì tôi yên dạ sao được khi nhạc đã tấu lên khúc nhạc ngày trước. Bao nhiêu mưa rừng, gió núi, bao nhiêu bom đạn một thời, bao nhiêu kỷ niệm đổ ập xuống tâm tưởng làm tôi run lên....
Chuyện thắt lưng buộc bụng của Phạm Tiến Duật kể trên có phần chính trị (nhưng thật ra theo tôi có phần kinh tế nhiều hơn). Phạm Tiến Duật là một nhà thơ. Chính anh đã kể rằng bạn bè từng khuyên anh: "Hãy đừng suy nghĩ miên man, tản mạn nữa. Hãy làm thơ đi, hãy làm thơ vì Việt Nam!" (trích bài viết trên).
Phạm Tiến Duật là nhà thơ nhưng con tạo oái oăm xoay vần, khiến anh vẫn phải đi làm những việc... không thơ! Cơm áo không đùa với khách thơ. Đúng là lắm lúc phải uống rượu cho say thật. Phạm Tiến Duật! Anh là Thạch Kim, Thạch Bàn, là Thạch Tú, Thạch Sùng, là Thạch Phá Thiên, Thạch Đại Phu... sao cứ đùa anh là Thạch Nhọn?
Trường hợp của Phạm Tiến Duật phải chăng cũng giống như số phận của bao thi sĩ khác. Từ cổ chí kim, ngay cả với Lý Bạch, Tào Thực, Nguyễn Du... thử hỏi mấy ai đã được thoả chí bình sinh trong đời? Hãy đọc lại bài thơ Tương tiến tửu diễn nôm na ở trên kia mà xem.
Con người diễn nôm na ra ai chẳng lằng nhằng! (*)
nguyenhuythiep.free.fr
(*) Bài in trên báo Tiền phong, ký bút danh.
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Posts: 2,693
Threads: 148
Likes Received: 0 in 0 posts
Likes Given: 0
Joined: Dec 2017
Reputation:
160
Thơ, văn xuôi và văn vần
Nhà văn Thuỵ Khuê
Khái niệm về Thể (forme, khác với volume) đối với chúng ta thường mơ hồ, tuy rất cần thiết để nhận diện cái Ðẹp. Thể, đây không chỉ là hình thức mà gần gụi với kết cấu, Thể bao gồm cả hình thức lẫn nội dung: Tại sao cái bình này đẹp? Cái kia xấu? Tại sao miếng đá ong xù xì kia lại có gì quyến rũ ta trong khi viên thạch cao nhẵn nhụi, phẳng lì, không gợi cho ta một cảm xúc nào? Tại sao câu thơ này hay? Câu thơ kia dở? Ta nhận diện sự vật đầu tiên bằng trực giác qua Thể. Theo Valéry, "Nếu bạn là nhà thơ, thì bao giờ bạn cũng hy sinh ý tưởng cho Thể, vì Thể là cứu cánh và chính là động tác của sáng tạo."
Thể tức khắc cho chúng ta biết có thể cảm hay không cảm: Bức tranh xấu hay đẹp, bài hát hay hay dở. Thể tiềm ẩn trong hình thức hay trong nội dung? Ở bên ngoài hay bên trong sự vật? Các nhà mỹ học và phê bình không dứt khoát trong định nghĩa hoặc nhận định chính xác về Thể, nhưng dường như cùng đồng ý với nhau ở một điểm: Thể hiện ra một cách tổng quát, toàn bộ. Hình ảnh gần gụi nhất của Thể là con người: Con người là một toàn bộ duy nhất, độc đáo, không thể tách rời.Thể trong hội họa là bức tranh hoàn tất. Thể trong điêu khắc là bức tượng thành hình. Thể trong ca nhạc là bài hát hát lên. Thể trong thơ là toàn bộ "hình ảnh, âm và nghĩa " quyện với nhau, gây nên cảm xúc. Thể là nhân, cảm xúc là quả. Thể truyền cho người đọc cảm xúc, rung động. Và ở đâu có rung động là có thơ: Tình yêu là một bài thơ không chữ, không vần.
Chúng ta cảm thơ như cảm một mùi hương, một bức tranh, một bài hát, mà đôi khi không hiểu tại sao. Nhà phê bình căn cứ vào Thể và dựa theo một số quan niệm về cái đẹp để nhận định, giúp chúng ta hiểu sau khi cảm tác phẩm nghệ thuật. Vậy tìm hiểu thơ đi đôi với tìm hiểu cái đẹp.
***
Ðịnh nghĩa xa xôi nhất về cái đẹp đến từ Socrate: "Cái đẹp là cái bổ ích" (le beau c'est l'utile). Gần đây hơn, Jakobson định nghĩa: "Thơ là ngôn ngữ trong chức năng thẩm mỹ của nó". Xuân Thu Nhã Tập nhận diện tính chất của thơ: "Nó hòa hợp ta trong cái Ðẹp và ấp ta trong Sự Thật."
Thơ, cũng như mỹ quan hay cái đẹp, mang hai tính chất chung của nghệ thuật: "đồng đại " (synchronique) vì mỗi thời có một số quy luật về cái đẹp, mỗi thời có một lối suy nghĩ, hành trang tư tưởng ... và lịch đại (diachronique) vì quan niệm đẹp, quan niệm sống, hành trình tư tưởng ... biến đổi và tiến triển theo thời gian.
Cho nên, thơ, văn hay bất cứ công trình nghệ thuật nào muốn đi vào vĩnh cửu, trước hết phải đáp ứng tiêu chuẩn mỹ quan và hành trang tư tưởng của một thời và sau đó còn phải chịu đựng sự thử thách, dãi dầu qua nhiều thế hệ.
Ngược lại, nhà phê bình muốn nhận định đúng mức một tác phẩm cổ điển, không thể chỉ căn cứ vào những mẫu mực về cái đẹp, về chiều hướng tư tưởng của "hôm nay" để đánh giá những công trình nghệ thuật dựa trên những tiêu chuẩn về cái đẹp, về lối suy nghĩ, về thao tác văn chương của "hôm qua", mà còn phải trầm mình trong quá khứ, sống với người xưa, cảm thông với nhãn quan và thấu triệt môi trường cổ điển về cái đẹp.
***
Trở lại địa hạt thơ-văn, hai câu hỏi được đặt ra: Tại sao văn chương truyền khẩu lại vận chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác qua thơ mà không qua văn, và vì sao thơ lại có tác động trong trí nhớ con người như thế?
Yếu tố đầu tiên tác động vào trí nhớ là Vần: Vần có tác dụng tạo nhạc điệu cho câu nói, câu văn, do đó không chỉ là sở hữu và sở đắc của thơ hay ca dao. Vần là thành tố của nhịp điệu: nhịp câu nói có khi cần vần "ăn vóc học hay" , có khi không "uống nước, nhớ nguồn".
Từ chức năng đó, vần có tác dụng giúp trí nhớ, chủ yếu trong tục ngữ, ca dao; đôi khi người ta còn dùng như một phương tiện giáo khoa: học chữ Hán (Tam tự kinh) hay lịch sử (Ðại Nam quốc sử diễn ca) bằng văn vần. Thậm chí còn học chữ Pháp, học toán bằng văn vần. Thời mà sách in còn khan hiếm, thì các truyện Nôm, mục đích để truyền khẩu, được sáng tác bằng văn vần, từ thể Ðường luật như Truyện Vương Tường (thế kỷ XV-XVI) đến thể lục bát như Tống Trân Cúc Hoa, Trê cóc (thế kỷ XVIII-XIX). Các truyện Hoa Tiên, Nhị Ðộ Mai, Phan Trần, Kiều, Bích Câu Kỳ Ngộ, Lục Vân Tiên ... nằm trong truyền thống đó.
Nhưng người xưa đã phân biệt thơ (thi) với văn vần (vận văn) và diễn ca. Chúng ta có nhiều thi tập từ thời Nguyễn Trãi như Quốc Âm thi tập, Ức Trai di tập. Không thể nhầm lẫn với những tập diễn ca như Ðại Nam quốc sử diễn ca ... Sau này, thơ tuyên truyền, thơ quảng cáo thuốc cao đơn hoàn tán ... cũng dựa trên chức năng ứng dụng của vần để ghi vào trí nhớ.
Tuy nhiên, vần chỉ là điều kiện cần mà chưa đủ. Trần Lê Văn kể lại giai thoại Quang Dũng "xuất thần" tặng chủ quán miến lươn hiếu khách, thích thơ:
Ðói lòng, làm bát miến lươn
Răm, hành cũng gợi quê hương ít nhiều
Miến lươn là của dễ tiêu
Xem trong sách thuốc có điều bổ âm
Ðấy là thơ "vì miến" của Quang Dũng, cao hơn nữa có thơ "vì nước":
Chẳng thà chịu cảnh hiếm hoi
Còn hơn sinh phải cái nòi Việt gian
Chẳng thà chịu cảnh cô đơn
Còn hơn lấy đứa Việt gian vô loài
...
(T.H.)
Cả hai bài vần bất tận, ý cũng "cao siêu", nhưng khó có hy vọng được "để đời". Mục đích vụ lợi "vì miến", "vì nước" quá lộ liễu, trái với bản chất vô vụ lợi của nghệ thuật và thi ca.
Vần chỉ có tác dụng trong trí nhớ con người nếu vần quyện với lời hay, ý đẹp. Có bốn trường hợp xẩy ra:
I. Những câu vớ vẩn, nhớ làm gì? Thà nhớ một kinh nghiệm thường thức "được mùa lúa, úa mùa cau; được mùa cau, đau mùa lúa" hay bài học chữ Hán, hoặc công thức toán chớ sao lại nhớ những câu đại khái như:
Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em đã có chồng anh tiếc lắm thay.
Không những vớ vẩn mà còn vô lý. Anh tiếc lắm thay thì ăn nhập gì đến hoa bưởi, hoa cà? Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền đã có lần hỏi như thế trong một bài báo. Ăn nhập lắm chứ.
- Trước hết, có thể câu ca dao trên đã ngẫu hứng từ Kinh Thi:
Ðào yêu
Ðào chi yêu yêu Ðào tơ xinh tươi
Chước chước kỳ hoa nhiều hoa
Chi tử vu quy Nàng đi lấy chồng
Nghi kỳ thất gia Chắc êm ấm gia đình
Còn tại sao người ta nhớ những câu ca dao "vớ vẩn" ấy?
- Người dân tầm thường nhớ câu hát vì lời nói đẹp, diễn tả tâm trạng nhớ nhung, tiếc nuối. Trèo lên, bước xuống
... những cử chỉ bâng quơ của kẻ lạc mất người yêu: không có em, vũ trụ trở thành trống trải, phi lý và mọi cử chỉ của anh đều trở thành vô nghĩa; chút hương hoa bưởi âm thầm như nỗi nhớ, khuya khoắt như trăn trở ăn năn, màu hoa cà tím nhạt bâng khuâng đi tìm mùa xuân qua nụ tầm xuân ... Cả không gian thiết tha dồn lại ở vần xanh biếc, tiếc lắm thay như lấp một khoảng trống; câu trước không vần, nhịp điệu được thay thế bằng hình ảnh, luyến láy nụ tầm xuân ... nụ tầm xuân trả lại lời gọi vô vọng vì không còn đối tượng. Vần tiếc làm trung tâm của đoạn ca dao: tất cả hình ảnh, âm thanh đồng quy về hồng tâm tiếc nuối, trái tim gọi về mọi huyết cầu. Giữ vần lại mà thay nghĩa đi: Ví dụ em đã có chồng nhiều việc lắm thay thì toàn bộ bài ca dao sẽ trở nên vô nghĩa, vô duyên.
II. Ngược lại, người ta cũng có thể nhớ một câu thơ mà không cần biết ý nghĩa. Ví dụ trong truyện Lục Vân Tiên:
Thôi thôi em hỡi Kim Liên
Ðẩy xe cho chị qua miền Hà Khê
Câu này nhiều người nhớ vì dư vang của từ ngữ, chứ Kim Liên là ai, Hà Khê ở đâu, không cần biết, mà có biết cũng chẳng lợi ích gì.
III. Trái lại, cũng có thể nhớ một câu thơ vì ý nghĩa:
Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình
Là một câu xoàng, nhưng tóm lược được nội dung tâm lý của tác phẩm và tư tưởng Nguyễn đình Chiểu, chỉ cần nhớ một câu ấy thôi là đủ.
Mấy câu mở đầu truyện Kiều cũng vậy, kiến trúc ngôn ngữ tầm thường:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Phan Ngọc, trong cuốn "Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong truyện Kiều" (NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1985) đã chứng minh bốn câu thơ tầm thường trên đây phản ảnh thuyết "tài mệnh tương đố" -chủ đề truyện Kiều- là một lý thuyết độc đáo mà Nguyễn Du tìm ra, phát xuất ở chính sự chiêm nghiệm cuộc đời trong thời Lê mạt - Nguyễn sơ, chứ không phải một sáo ngữ tầm thường như ta vẫn tưởng.
Nhưng giáo sư Hoàng Xuân Hãn, trong một buổi phỏng vấn truyền thanh trên đài RFI (Pháp) vào tháng 11/1995 về công trình nghiên cứu để tái lập văn bản truyện Kiều (gần) như Nguyễn Du đã viết, chứng minh rằng Kiều được sáng tác vào thời Tây Sơn, và thực ra, Nguyễn Du viết:
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy đã đau đớn lòng.
chứ không phải mà đau đớn lòng. Chữ đã chỉ tâm trạng đớn đau của Nguyễn Du, khi thấy dòng họ Nguyễn Tiên Ðiền, nổi tiếng về văn học, phần lớn làm quan đầu triều, thời Lê Trịnh, đã bị dập vùi, chao đảo trong cảnh Tây Sơn diệt Trịnh, đàn áp nhà Lê.
Tóm lại thiên tài của Nguyễn Du là qua tâm sự của chính mình, qua những bất hạnh, nổi trôi của gia đình mình, mà vẽ nên bức họa thời đại, và qua bức họa thời đại, biểu trưng chân lý muôn thuở "tài mệnh tương đố". Vì lý do ấy mà những câu Kiều trên đây trở thành bất tử.
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Posts: 2,693
Threads: 148
Likes Received: 0 in 0 posts
Likes Given: 0
Joined: Dec 2017
Reputation:
160
IV. Sau cùng, khi vần liên kết chặt chẽ với ý và lời: nghệ thuật âm thanh và hình ảnh cùng giao hưởng với ý nghĩa ở cao độ, sáng tác trở thành tuyệt tác; âm đã tan loãng, phai nhòa trong ý:
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Tựa gối, buông cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
(Thu Ðiếu)
Chẳng phải tình cờ mà Nguyễn Khuyến gieo vần eo vào Thu điếu. Những từ ghép mang vần eo, một số lớn đã ấp ủ những "nét thu" ở trong. Nét thu đây có thể là nỗi buồn tê tái "buồn gieo theo gió veo hồ" (Huy Cận) hay cái héo hắt trong thu như: heo may, quắt queo... hay chỉ là phong cách, dáng dấp, tâm tư lo âu, khắc khoải của người đàn bà:
Gà eo óc phòng loan uốn éo (Gia huấn ca)
Eo xèo mặt nước buổi đò đông(Tú Xương)
rong veo là trong vô cùng, có thể nhìn thông suốt tới đáy. Teo là co rút lại. Nét thu trong Thu điếu không dừng ở mức độ "ao thu lạnh lắm" mà còn được sự láy âm trong "lạnh lẽo", "tẻo teo" phù trợ với âm veo và vèo, khiến cái lạnh đã biến dạng, chuyển từ thể tĩnh qua thể động: thấm qua, thông suốt đến tận đáy lòng (qua trong veo), co dãn, quắt queo trong dạ (qua âm teo); rồi theo ngọn gió xuyên vút, táp vào hồn (qua âm vèo).
Vần eo trong Thu Ðiếu, như ta vừa thấy, ngoài chức năng thẩm mỹ còn có chức năng ngữ nghĩa, eo diễn tả ý niệm nhỏ lại, đóng lại, khép lại: eo hẹp, eo biển, quắt queo, hắt heo:
Ðứng tréo trông theo cảnh hắt heo
Ðường đi thiên thẹo, quán cheo leo
Lợp lều, mái cỏ tranh xơ xác
Xỏ kẽ, kèo tre đốt khẳng kheo
Ba trạc cây xanh hình uốn éo
Một dòng nước biếc cỏ leo teo.
(Hồ Xuân Hương)
Ngược lại, âm eo trong Thu Ðiếu có tương quan đối lập ngữ nghĩa với âm oe trong Thu Ẩm dưới cùng ngòi bút Nguyễn Khuyến:
Năm gian nhà cỏ thấp le te
Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt?
Mắt lão không vầy2 cũng đỏ hoe
Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy
Ðộ dăm ba chén đã say nhè
(Thu Ẩm)
Trong Thu điếu, âm eo còn đi đôi với thái độ khép, đóng lại, rầu rĩ của anh chàng "tựa gối ôm cần" mà chẳng câu được gì cả.
Âm oe, trong Thu Ẩm, ngược lại, diễn tả ý niệm mở ra, từ chỗ hẹp ra chỗ rộng: toe (nở ra), toe toét, toé (toé khói), toẻ (đầu nhọn toẻ ra), loe (quần ống loe), toè loe, loè (khuyếch đại các điều tốt), loé ra, loè loẹt v.v....
Xanh om cổ thụ tròn xoe tán (Hồ Xuân Hương)
Văng vẳng tai nghe tiếng chích choè (Nguyễn Khuyến)
Trong Thu ẩm, các âm oe: đóm lập loè, bóng trăng loe, đỏ hoe gieo ấn tượng mở ra, bung ra, đi đôi với thái độ loạng choạng, khật khùng, buông thả, mặc kệ đời, của anh chàng say bét:
Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy
Ðộ dăm ba chén đã say nhè
Do đó, vần, ngoài chức năng thẩm mỹ, chức năng tiết điệu, còn có chức năng ngữ nghĩa trong thơ.
***
Những nhận xét trên đây giúp ta khai triển sự khác biệt sâu xa giữa văn vần và thơ: chỉ khi nào vần đáp ứng được ít nhất một trong hai chức năng thẩm mỹ hoặc ngữ nghĩa, mới có thơ. Khi cả ba chức năng tiết điệu, thẩm mỹ và ngữ nghĩa đều hội tụ, chúng ta hạnh ngộ với những dòng tuyệt bút:
Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng
(Kiều)
Bốn dây như khóc như than
Khiến người ngồi đó cũng tan nát lòng
(Kiều)
Tóm lại, khi vần kết hợp với lời và ý, tạo bối cảnh cho âm thanh và hình ảnh giao thoa, thơ đạt tới tuyệt đỉnh mà Valéry gọi là tiếng nói phi thường (parole extraordinaire): "Tiếng nói phi thường ấy được nhận diện bởi tiết tấu và hòa âm liên kết một cách mật thiết và huyền diệu với ngôn ngữ đến độ âm và ý không thể tách rời nhau ra được và giao hưởng mãi trong trí nhớ." (Variété)
***
Tới đây, xuất hiện vai trò của trí nhớ, và cũng là lý do thứ nhì khiến thơ đứng vững với thời gian: Trí nhớ là cơ quan đãi lọc cái đẹp một cách thuần khiết nhất của ngôn ngữ và hình ảnh.(3)
Tính chất đãi lọc này vừa hình thành vừa nẩy sinh ra yếu tố:
Thơ là thể cô đọng nhất của văn chương.
Thật vậy, một thông điệp truyền đi, muốn được ghi nhận tức khắc, phải quy tụ những điều kiện: ngắn gọn và súc tích. Ví dụ khi đánh điện tín, bạn viết: "Mẹ mất, anh về ngay" chứ không viết: "Mẹ bị bệnh ung thư, mất ngày hôm qua, mồng ba tháng 9 năm 1991 tại Sàigòn, đau đớn lắm. Anh có thể thu xếp công việc về ngay được không? Nếu tiện mua cho em và các con ...". Vì những lý do: viết dài dòng bưu phí cao và hai thông điệp chính "mẹ mất" và "anh về ngay" bị loãng đi, không còn sức lôi cuốn, bức bách người chồng lập tức trở về.
Tóm lại thông điệp càng ngắn, gọn, súc tích bao nhiêu, càng dễ nhớ, càng đánh mạnh vào tâm lý người nghe hoặc người đọc chừng nấy.
Tác dụng của thơ trong trí nhớ, cũng có điểm tương tự như tác dụng của một lời tri hô "cứu tôi với!" hay thông điệp "mẹ mất" v.v... trong ngôn ngữ thông dụng hàng ngày. Tuy nhiên nội dung những lời tri hô hay bức điện tín, vì không có tính cách nghệ thuật, nên chỉ ngự trị trong trí nhớ một thời gian rồi tắt.
Thơ là cái gì xa xôi nhất đối với một công thức toán học, nhưng người ta cũng nhớ thơ như nhớ một công thức toán, nghĩa là nhớ toàn thể, không thêm, không bớt, không thay đổi ngôi vị bất cứ chỗ nào. Ý niệm về Thể trong thơ cũng như trong toàn diện các hình thức cấu tạo nghệ thuật phát sinh ở sự cô đọng và toàn bích đó. Chức năng của thơ trong văn chương cũng giống như chức năng của định đề, biểu thức trong toán học: Thơ là Thể cô đọng nhất của văn chương. Theo Jakobson: thi ca là một phát ngôn nhắm vào thể cách phát biểu (un énoncé visant l'expression). Do đó, chúng ta có thể coi thơ như một sự kết tinh trong cách biểu đạt tư tưởng bằng ngôn từ.
Nói cách khác, văn là cách diễn đạt tư tưởng bình thường (đôi khi dài dòng), thơ là sự gạn lọc, đúc kết, là phần cô đọng nhất trong cách diễn đạt tư tưởng và truyền cảm bằng ngôn ngữ. Do đó, chúng ta có thể chọn cho thơ một hình ảnh rất "nên thơ": thi ca cũng giống như người đàn bà, người ta ao ước mang đi, trọn vẹn, khuất lấp, nơi xa khơi nào đó:
Tout est bon chez elle, y a rien à jeter
Sur l'île déserte, il faut tout emporter
(Brassens)
(Của nàng ngon, không chỗ nào vứt bỏ
Trên đảo hoang, tất cả ta mang theo)
***
Khi viết "nhà thơ coi chữ như đồ vật chứ không coi như những dấu hiệu" (le poète considère les mots comme des choses et non comme des signes), Sartre đã đối lập hai lãnh vực thơ văn: chữ trong văn xuôi là những dấu hiệu để chỉ định, diễn tả. Chữ trong thơ là "đồ vật" (chose) tức là một Thể hoàn tất. Chức năng ngữ học của văn xuôi là định danh và biểu đạt, và chức năng ngữ học của thơ là khơi gợi trí tưởng tượng.
Về phong cách, nhà văn dùng ngôn ngữ để giải thích, kể lể .... Nhà thơ để ngôn ngữ tiếp xúc trực tiếp với chúng ta, giống như họa sĩ để bức tranh mặc sức "nói chuyện" với người xem, nhạc công buông âm giai tự do "đi vào" thính giả; cũng như miếng đá ong xù xì trên kia quyến rũ ta, có thể vì nó gợi lại trong ta một dĩ vãng xa xôi nào đó, đẵm trong tiếng võng cót két của chị Thắm ru con bên giếng nước nhà đồi2 dựng trên "đất đá ong khô nhiều ngấn lệ"(4) ...
Cho nên, cuối cùng thơ hiện ra dưới một Thể hoàn bị, khác biệt với văn và rất gần với những ngành nghệ thuật tạo âm và tạo hình khác như âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kịch nghệ v.v...
Về mặt cấu trúc, văn lấy ý nghĩa làm biểu tượng, thơ gợi trí tưởng tượng bằng hình ảnh, và nói rằng thi nhân tạo linh hồn cho vạn vật còn có nghĩa là trên phương diện ngữ học và trong kỹ thuật thi ca, nhà thơ đã làm một phép tu từ để tạo hình: đó là ẩn dụ (métaphore), và ẩn dụ là cấu trúc cơ bản trong ngôn ngữ thơ.
Em tự ngàn xưa chuyển bước về
Thuyền trao sóng mắt dẫn trăng đi
Những dòng chữ lạ buồn không nói
Nét lửa bay dài giấc ngủ mê.
(Ðinh Hùng)
Paris 8/1991
thuykhue.free.fr
Chú thích:
(1) Vầy: tiếng cổ ngữ là vầy vò, giụi, sờ, mó.
(2) Nhà đồi: truyện ngắn của Quang Dũng.
(3) Vai trò của trí nhớ có tính cách cực đoan. Nếu trí nhớ đãi lọc cái đẹp để giữ lại cho đời, thì nó cũng có thể lưu lại những cực điểm của cái xấu để "làm gương" cho hậu thế. Người ta nhớ đức độ của Nghiêu Thuấn, nhưng cũng không quên sự tàn ác của Tần Thủy Hoàng. Trong thơ, không có tốt xấu, chỉ có hay hoặc dở; người ta nhớ những câu như:
Con cóc trong hang
Con cóc nhẩy ra
Con cóc nhẩy ra
Con cóc ngồi đó
Con cóc ngồi đó
Con cóc nhẩy đi
không phải vì nó hay mà vì nó tiêu biểu cho cái dở tột độ trong thơ, với ba yếu tố đồng quy: cạn ý, nghèo chữ, vắng hình ảnh, sản phẩm của ba người học trò dốt đồng "sáng tác" và cộng tác.
(4) Thơ Quang Dũng.
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Posts: 2,693
Threads: 148
Likes Received: 0 in 0 posts
Likes Given: 0
Joined: Dec 2017
Reputation:
160
Con đường của nhà thơ
Năm 1941, khi ấy Nguyễn Bính 23 tuổi, Nguyễn viết bài thơ Oan nghiệt. Bài thơ nôm na, không phải câu nào cũng hay cả:
Hôm nay bắt được thư Hà Nội
Cho biết tin Dung đã đẻ rồi
Dung là tên nhân vật trong bài thơ, theo nghề ca xướng (kỹ nữ). Đứa con gái lớn lên, theo nghề mẹ, một bữa kia bỗng gặp bố vốn là thi sĩ ở chốn lầu xanh:
Chàng chàng thiếp thiếp vui bằng được
Bố bố con con chẳng nhận ra
Bài thơ hay, tê tái bởi chuyện loạn luân oan nghiệt tình cờ (môtíp Ơđíp). Đoạn cuối bài thơ có câu:
Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ
Tôi tiếc Nguyễn Bính giải thích lý do đừng lấy chồng thi sĩ tầm thường. Có thể trong thâm tâm, Nguyễn cay cú nghề thơ, coi nhà thơ chẳng ra gì. Đa số nhà thơ chẳng ra gì, điều ấy thực, bởi một phần do lối nói quá lên và đặc tính xảo ngôn (nghệ thuật tu từ) của thể loại. Thiên tư mơ mộng ở nhà thơ và lối thể hiện uốn éo (hoạn quan hoặc pê-đê) những thiên tư ấy đã chứa ẩn suy đồi. Một số (rất ít) thoát khỏi sự tầm thường phải là người có thiên nhãn. Song, những nhà thơ như thế thì người bình thường không ai chịu nổi: cách luyện công của họ na ná như trò làm loạn. A.Rimbô (là một người như thế) nói: Thi sĩ làm cho mình thành người có thiên nhãn bằng sự gây rối loạn lâu dài, rộng khắp và có suy tính tất cả các giác quan. Tất cả các nền chuyên chính quân chủ, chuyên chính cộng hòa, chuyên chính dân chủ khi nghe A.Rimbô nói vậy đều cau mặt xiết tay lại: họ không cần đến thứ công dân như thế.
Ta nên lưu ý đến câu suy tính tất cả giác quan mà A.Rimbô nhấn mạnh. Điều ấy là gì nếu không phải là ý thức kiểm soát chặt chẽ mọi nhận thức? Vậy, sự gây rối loạn ở nhà thơ khác hẳn sự gây rối loạn phàm phu tục tử. Dù cho A.Rimbô có thời đi buôn vũ khí nhưng ông chưa bao giờ là người chủ trương bạo động xã hội. Các nhà thơ nếu có bắn thì bắn chỉ thiên: đó cũng là một lầm lỗi nữa ở trong thiên tư của họ tinh thần cải lương (hóa giải) với địch!
Tôi rất khó chịu với những câu thơ đầu môi chót lưỡi về lòng nhân từ bản năng, tính thiện bản năng hoặc là trò ngâm ngợi thứ lòng tốt nhỏ kiểu từ thiện xã hội. Tác giả của nó mới chỉ la liếm ở vành ngoài của tính thiện. ở vành ngoài của tính thiện bao giờ cũng nhơ bẩn: nó là máu me, là những cuống nhau sót lại của bà mẹ ác. Chỉ có đối mặt thẳng thắn, lý giải nó bằng triết học, nhà thơ mới tìm ra được một giải pháp tương đương, có tính chất toàn bộ nhằm chống chọi và giữ được thế cân bằng với cái ác trong bản chất sự sống. Thực ra thiện ác cũng chỉ là nhất nguyên thể (Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương). Vậy thì nhà thơ phải đứng cao hơn điều mình viết. Y bắt buộc phải thấm nhuần ý tưởng siêu thiện ác nếu như y muốn trở thành một người đáng kể.
Phải thừa nhận rằng hầu như tất cả những ai làm công việc sáng tạo (viết văn, làm toán, xây dựng, làm chính trị
) đều chịu ơn thơ. Thơ giữ vai trò người mẹ lẩm cẩm, người mẹ lẫn lộn cho công việc sáng tạo. Nhưng nước mắt chảy xuôi khi thành đạt, những kẻ thành danh đều ngượng nghịu khi phải thú nhận rằng mình có lúc để cho tình cảm chi phối mà ngâm ngợi...
- Thế còn các nhà thơ chuyên nghiệp?
Tôi rất ngạc nhiên bởi danh hiệu nhà thơ chuyên nghiệp! Làm gì có thứ đó! Ta chỉ có các viên công chức, các bác thợ, các ông kễnh, bà kễnh
Có ai làm thơ mà sống được và có ai chỉ sống để làm thơ? Thơ vô vọng đến nỗi kẻ nào dính vào nó, có ý định đi hết đường với nó nghĩa là bất hạnh, là hiểm họa, quá lên nữa sẽ là sung sướng trong tan nát. Dấu hiệu của nghệ thuật thơ ở đỉnh cao (thậm chí có thể của tất cả các loại hình nghệ thuật) là làm cho kẻ sáng tạo ra nó sung sướng trong tan nát.
Có một viên thanh tra cảnh sát nói về nghề nghiệp của mình:
- Muốn tôn trọng nó, đến một lúc nào đó phải biết rút lui khỏi nó.
Câu nói trên rất hợp với việc bình luận nghệ thuật nói chung. Có điều, đối với nhà thơ, việc rút lui ở đây nghĩa là buộc anh ta tiến tới triết học con đường đau khổ để tránh hổ thẹn. ở nhà thơ - nhà triết học dứt khoát phải biết gạt các cảm xúc sang bên để nghiền ngẫm về bản chất. Bản chất ở đây nghĩa là bản chất con người chứ không phải là bản chất đồ vật hoặc cảnh trí thiên nhiên. Thái độ của Spinoza với các hành vi của con người là thái độ duy nhất đúng mà ta học tập: Tôi đã cố gắng một cách thận trọng để không chế giễu hay thương hại hoặc ghê tởm những hành vi của con người, mà chỉ để thấu hiểu chúng. Hỡi ơi, thấu hiểu nghĩa là đau đớn tột cùng, nghĩa là gánh chịu nỗi đau của Chúa đóng đanh câu rút.
Khi ai đó nói thơ là kinh nghiệm thì đây chắc chắn phải là kinh nghiệm tâm linh chứ không có kinh nghiệm gì khác. Kinh nghiệm tâm linh tột cùng nằm ở nơi kết thúc các sự kiện, nằm ở sự chết của sự kiện. Con người xông pha trong cuộc đời (đuổi theo danh vọng, tình ái, tiền bạc, thậm chí danh dự(!), làm cách mạng gia đình(!) với ý niệm cho rằng ta có thể tìm được hạnh phúc ở ngoại giới (!) (thực sự là một ý định kiếm chác phàm phu), lúc nào cũng nghĩ rằng mình gần đạt được điều mình mong muốn. Họ chỉ dừng chân khi nào họ bị cuộc đời hắt hủi, chơi cho một búa. Những cú pan ấy, những nhát búa triết học ấy có ít chất thơ nhưng làm tăng nhanh số người điềm đạm. ở một xã hội điềm đạm dễ chịu hơn nhiều so với một xã hội cuồng nhiệt hăng say
Đây không phải nhận xét cá nhân mà là bài học về lịch sử văn minh nhân loại.
Tôi nghĩ thơ là kết quả của trạng thái sáng tạo trong đó Sự Thật biểu hiện. Quan niệm ấy na ná như một quan niệm tôn giáo nhưng thật ra không thể hiểu khác được. Quan niệm ấy về khía cạnh nào đó sẽ dị ứng với yêu cầu xã hội hóa. Muốn gì thì gì, thực tại thế giới bên ngoài vẫn tồn tại vô cùng tàn nhẫn giữa thiện một bên và ác một bên, hư và thực, tử tế và đểu cáng, địch và ta
Nhà thơ đứng ở ranh giới giữa hai làn đạn để làm một việc là biểu hiện sự Thật mà thôi.
Đừng lấy chồng thi sĩ. Lời khuyên ấy của Nguyễn Bính là một lời khuyên chân thành xuất phát từ nhu cầu an toàn của một nếp sống nhỏ. Nhưng đấy chỉ là lời khuyên cho người tình của nhà thơ. Thế còn nhà thơ? Anh cũng phải lựa chọn hoặc là bậc thánh nhân hoặc là tên đê tiện. Cần lưu ý là bọn đê tiện cũng có thơ và thơ của chúng còn nhiều là khác. Tôi không dám khẳng định rằng một dân tộc đi đâu cũng thấy tiếng thơ véo von là một dân tộc suy đồi nhưng bất hạnh là chắc chắn.
Cần phải tiến tới triết học. Đấy là đích đi đến của nhà thơ. Nhưng muốn tiến tới triết học, nhà thơ bắt buộc phải vượt qua nhịp cầu tâm lý học. Nhà thơ - nhà tâm lý không thiếu việc làm: anh ta liên tục quan sát, liên tục nhận xét và liên tục tìm cách cải thiện các mối quan hệ để thể nghiệm những nhận xét ấy.
Nhà tâm lý theo Nitsơ - phải quay mặt đi đừng nhìn mình để nhìn thấy tất cả. Và đây, một điển hình cho một bài tập tâm lý mà tôi thấy không chê trách được: Giữa đám quần thoa Chân lý! ồ! Chị không biết chân lý là gì rồi! Nó chẳng phải là một toan tính xâm phạm pudeurs (tiết hạnh) của chúng ta sao? (Nitsơ - Làm thế nào triết lý với cây búa).
Vậy nhà tâm lý học có chối từ thơ hay không? Đối với các vĩ nhân tỉnh lẻ thì chịu, câu hỏi này không sao trả lời được. Nhưng với Đăngtơ, Gơtơ, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương... thì họ quả có chối từ một vài thứ thơ nào đấy.
Nhà thơ, nhà nghệ sỹ đáng quý hay không đáng quý? Không biết. Nhưng theo phân tích tâm lý của Nitsơ thì đây là kẻ tự bản chất có thể thiết yếu là một người đa dục, xúc động trước tất cả mọi sự kích thích và những gì gợi ra sau sự kích thích này. Nhưng dưới ảnh hưởng của sứ mệnh hắn, của ý chí đi tới tự chủ của hắn, hắn thường tiết độ nghĩa là trinh khiết.
Trinh khiết giữa cuộc đời ô trọc và phàm phu, hướng tới sự sống, tuyệt giao với mọi biểu hiện suy đồi theo tôi, đấy chính là đạo đức rồi.
Chỉ cần một thứ để làm nên bất tử thôi: Tác phẩm.
Con đường của nhà thơ thật dài (*)
Nguyễn Huy Thiệp
nguyenhuythiep.free.fr
(*) Bài đã in ở Tạp chí Sông Hương (1992)
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Posts: 0
Threads: 2
Likes Received: 16 in 11 posts
Likes Given: 18
Joined: Jan 2018
Reputation:
35
Nhi Nhi
Thành viên mớiTham giaNov 2017Bài viết3Cám ơn0Được cám ơn 0/0 bài
Thơ làm dịu tâm hồn
Quote:Tầm quan trọng của thơ
Nhà thơ Trần Đăng Khoa tự sự: “Một dân tộc yêu thơ như nước ta, nếu thực sự ai cũng học hỏi được những tinh túy từ thơ ca thì sẽ bớt đi rất nhiều những ứng xử hung hăng, bạo lực với đồng loại và môi trường sống như hiện tại”. Còn nhà thơ Vũ Quần Phương thì sung sướng cười: “Nhớ lại một xã hội trước đây ai cũng yêu thơ, thuộc thơ, thầy cô và học trò đều yêu thơ, khắp trường lớp vang lên sang sảng những tiếng thơ, thấy an bình và hạnh phúc lắm. Hồi đó, con người ai cũng hồn hậu, trong trẻo”.
PGS-TS Nguyễn Hoàng Ánh khẳng định: “Thơ đúng là di sản quý của nhân loại. Người Việt phải biết trân quý di sản thơ của mình. Thời xưa, hầu hết nhân sĩ, trí thức của Việt Nam đều có tài bình luận và khả năng thơ phú. Chúng ta đã được mệnh danh mỗi người Việt Nam đều là nhà thơ mà. Nhưng cần phải có những cách tôn vinh, quảng bá về thơ hấp dẫn, sáng tạo và đúng tầm. Ngày thơ Việt Nam hiện tại ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) quá nặng tính tuyên truyền, rất nhiều diễn văn với các chức danh nhưng sự đầu tư cho thơ lại quá kém, cách viết thơ lên phướn rất xấu, nội dung thơ trên đó cũng toàn là của những người có chức. Cách trình diễn thơ của các nhà thơ thì chưa có gì sáng tạo hay khẳng định phong cách riêng”.
Đọc thơ giúp ta kiềm chế và thư giãn tâm hồn
Con người không phải lúc nào cũng làm chủ được bản thân mình. Vả chăng hiểu được bản thân mình không phải là dễ. Văn học có tác dụng to lớn và sâu sắc giúp cho con người hiểu được chính mình. Khoa học khai hoá nhận thức về tự nhiên, về xã hội và con người nói chung. Nhưng trong đời sống tâm hồn và tâm lý của con người ngày càng trở nên phức tạp có những mảng, những lớp chiều sâu, những uẩn khúc chỉ có văn học và nghệ thuật mới soi thấu chuẩn bị cho sự tự ý thức
=> Thơ ca cũng là một cách lành mạnh cho chúng ta bộc lộ cảm xúc, đặc biệt là trong những lúc khó bộc lộ cảm xúc.
|