VN: Sở hữu 1 căn nhà trên 30K USD cũng phải nộp thuế tài sản?
#1
Sở hữu 1 căn nhà trên 700 triệu đồng cũng phải nộp thuế tài sản?
13/04/18 16:40 GMT+7




Người sở hữu 1 căn nhà có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên có thể bị đánh thuế tài sản. Bộ Tài chính dự kiến sẽ thu được trên 20.000 tỉ đến trên 30.000 tỉ đồng từ nhà và đất nếu áp dụng.
[Image: img_20180413_150313_1_arje.jpg]
Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Phạm Đình Thi thông tin tại cuộc họp báo
ẢNH V.H


Đây là thông tin được ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết trong buổi họp báo chuyên đề về dự thảo luật Thuế tài sản chiều nay, 13.4.

Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án về ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng hoặc 1 tỉ đồng. Bộ Tài chính cũng đưa ra 2 phương án về thuế suất là 0,3% hoặc 0,4%. Đồng thời, những người sở hữu sẽ phải nộp thuế 0,3% đến 0,4% đối với phần đất.

Lý giải mức thuế suất này, Bộ Tài chính cho biết: “Theo kinh nghiệm quốc tế thì mức thuế suất thuế tài sản thấp nhất là 0,2%. Tuy nhiên, đa số các nước áp dụng mức thuế suất thuế tài sản cao, trong đó có một số nước trong khu vực như Indonesia 0,5%; Philippines 1% và 2%”.

Về việc lấy ngưỡng chịu thuế, ông Phạm Đình Thi cho biết, theo chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 thì diện tích nhà ở bình quân toàn quốc theo mục tiêu đến năm 2020 đạt 25 m2 sàn/người. Do đó, nếu tính 1 hộ gia đình trung bình là 4 người thì diện tích nhà trung bình cho 1 hộ gia đình khoảng 100 m2.

Theo quy định của pháp luật về xây dựng thì suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở bình quân khoảng 7,3 triệu đồng/m2 (suất vốn đầu tư xây dựng là căn cứ UBND tỉnh xây dựng và ban hành giá 1m2 nhà xây dựng mới). Khi đó, giá trị xây dựng mới của căn nhà 100 m2 bình quân khoảng 730 triệu đồng. Do đó, Bộ Tài chính xây dựng phương án thuế suất thuế tài sản đối với nhà thuộc đối tượng chịu thuế theo 2 phương án là lấy ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng hoặc 1 tỉ đồng.

Về lý do không sử dụng diện tích để tính thuế mà dùng giá trị, Bộ Tài chính cho biết, tuy áp dụng theo diện tích đơn giản, dễ thực hiện, thuận lợi trong việc xác định số thuế phải nộp; ổn định, không thay đổi theo thời giá; nhưng lại có nhược điểm là điều tiết cả đối với người sử dụng nhà có giá trị không lớn, nhà đơn sơ, nhà thiếu kiên cố, nhà tại nông thôn có diện tích vượt ngưỡng không chịu thuế nhưng giá trị thấp; trong khi đó lại không điều tiết đối với nhà giá trị lớn nhưng diện tích nằm trong ngưỡng không chịu thuế.

Ví dụ, theo số liệu về nhà ở năm 2011 tại Đề án Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế theo diện tích là 100 m2 thì sẽ có khoảng gần 1,9 triệu căn bán kiên cố, nhà thiếu kiên cố, nhà đơn sơ (trong đó có hơn 1,1 triệu ở nông thôn) vẫn phải chịu thuế.

Việc áp dụng ngưỡng không chịu thuế theo giá trị nhằm đảm bảo mục tiêu của thuế tài sản, không điều tiết đối với nhà có giá trị dưới ngưỡng không chịu thuế, điều tiết cao đối với nhà có giá trị lớn, đảm bảo công bằng xã hội.

Với phương án 1, tức là thuế suất 0,3%, dự kiến số thu thuế sẽ được khoảng 22.700 tỉ đồng, nếu áp dụng với nhà có giá trị hơn 1 tỉ đồng, hoặc 23.300 tỉ đồng nếu áp dụng mức 700 triệu đồng.
Đối với phương án 2, tức đánh thuế 0,4%, dự kiến mức thu sẽ lần lượt là 30.300 tỉ đồng và 31.000 tỉ đồng.

Trong số này, thuế thu từ nhà là 700 tỉ đồng, theo ông Phạm Đình Thi, còn lại phần lớn vẫn là thuế đất.

Bộ Tài chính đề nghị áp ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng.


[Image: screenshot2018-04-13at152650_hjeb.png]
Các phương án thuế nhà được Bộ Tài chính đề xuất
ẢNH V.H


Lý giải nguyên nhân vì sao không đánh thuế với nhà thứ 2 trở đi mà đánh thuế ngay căn đầu tiên, ông Phạm Đình Thi nêu 3 nguyên nhân. Thứ nhất là không đảm bảo công bằng, vì sẽ phát sinh trường hợp người chỉ có 1 căn nhà diện tích lớn, giá trị cao nhưng không bị đánh thuế, trong khi người sở hữu 2 căn nhà nhỏ lại bị đánh thuế.

Thứ hai là khó khăn trong thu thuế, chưa phù hợp với điều kiện triển khai tại Việt Nam, cần có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở. Theo Bộ Tài chính, việc đánh thuế căn nhà thứ 2 được áp dụng tại một vài nước trên thế giới như Singapore, Nhật, Anh, Pháp, nhưng đây đều là những nơi có thị trường bất động sản minh bạch, có hệ thống quản lý nhà ở chặt chẽ. Ở Việt Nam, việc xác định ai sở hữu 2 căn nhà là phức tạp.

Nguyên nhân thứ 3 là sẽ tác động xấu đến thị trường bất động sản, làm giảm mức hấp dẫn của thị trường, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong việc lựa chọn đầu tư đất và các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, ảnh hưởng đến giao dịch bất động sản trên thị trường.

Ngoài ra, việc đánh thuế đối với nhà thứ 2 trở lên sẽ tác động đến thị trường nhà cho thuê.
Reply
#2
Liên tục tăng thuế: Người dân nhận lại được gì

14/04/18 15:13 GMT+7




Những đề xuất tăng thuế liên tục được Bộ Tài chính nhắc đến. Theo các chuyên gia, người dân có thể không ngần ngại nộp nhiều thuế hơn, nhưng người dân cần từng đồng tiền thuế được sử dụng minh bạch, hiệu quả.
Ngán ngẩm tăng thuế

Hôm qua 13/6, Bộ Tài chính đã gây chú ý dư luận khi công bố đề xuất đánh thuế tài sản lên nhà đất, ô tô… Đáng chú ý, thay vì đánh thuế tài sản đối với nhà đất từ ngôi nhà thứ 2 như dự kiến trước đây thì nay sẽ đánh từ ngôi nhà thứ nhất với phần giá trị trên 700 triệu với mức thuế 0,4 %. Với mức thuê này, dự kiến ngân sách sẽ thu thêm được gần 1,5 tỷ USD.

Thời gian trước đó, Bộ Tài chính liên tục bảo vệ quan điểm tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 11-12%, tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường, trong đó có xăng dầu.

Các lý do chủ yếu thường được Bộ Tài chính đưa ra là vì thuế nhập khẩu giảm nên cần tăng thuế khác bù vào việc thu ngân sách giảm, nợ công cao,… Thực tế, nếu thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường tăng theo đề xuất của Bộ Tài chính, ngân sách có thể tăng thêm hàng chục nghìn tỷ mỗi năm.

[Image: 7GaIz2b.jpg]
Thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu liên tục tăng.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW (CIEM), cho rằng: Thu thuế bảo vệ môi trường đáng lẽ phải chi cho môi trường, phát triển năng lượng tái tạo… Tiền thu từ thuế bảo vệ môi trường không thể hòa vào ngân sách chung rồi chi như cách làm hiện nay.

Vị chuyên gia này cũng thẳng thắn chỉ trích việc giải thích tăng thuế vì “ngân sách thất thu” là “giải thích không hợp lý”.

Trong khi đó, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, đánh giá: Việc tăng thuế suất VAT một mặt tăng gánh nặng thuế lên người dân, gián tiếp đẩy một bộ phận vào khu vực kinh tế phi chính thức; mặt khác cũng không đảm bảo sẽ tăng được tỷ trọng thu thuế VAT trong tổng thu ngân sách.

Để đảm bảo cân đối thu chi, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng cần cải thiện nguồn thu thông qua tăng hiệu quả hành thu, tăng hiệu quả thu trên các loại thuế đã có và thuế suất hiện thời, thay vì vội vã áp thêm các loại thuế mới hoặc tăng thuế suất. Việc này cần có sự cải cách ngay trong nội bộ ngành thuế.

Một giải pháp đi liền khác là duy trì nỗ lực kiểm soát chi tiêu ngân sách, đặc biệt là chi thường xuyên. Chi thường xuyên luôn ở mức cao trên 70% tổng chi qua các năm, một phần nguyên nhân tới từ bộ máy nhà nước và đoàn thể chính trị cồng kềnh, lãng phí, kém hiệu quả. Nguồn lực cho phát triển kinh tế dài hạn là chi đầu tư phát triển chưa có nhiều cải thiện.

Do đó, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt để thắt chặt chi thường xuyên như các chính sách tinh giảm biên chế, sắp xếp lại và tinh giản bộ máy, hạn chế chi tiêu cho các tổ chức đoàn thể, thoái vốn khỏicác DNNN như đã và đang thực hiện trong thời gian qua.

“Nếu không kiểm soát tốt nợ nước ngoài và cân đối ngân sách, trần nợ công chắc chắn bị phá vỡ trong thời gian tới và Việt Nam ngày càng lún sâu vào nợ nần trước khi kịp cất cánh”, VEPR cảnh báo.

[Image: lH96EUM.jpg]
Thuế VAT,thuế bảo vệ môi trường,thu ngân sách,nợ công,nộp thuế

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vay vốn Trung Quốc chậm tiến độ, đội vốn.

Ảnh: Lương Bằng

Tiền thuế cần được sử dụng minh bạch, hiệu quả

Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), cho rằng, việc đổi mới chính sách thuế phải đặt trong bối cảnh tổng thể cán cân thu chi ngân sách, tức việc đổi mới chính sách thuế phải song song với việc chi ngân sách. Không nên tách bạch riêng rẽ chính sách thu và chính sách chi.

“Phải nhìn nhận trong mối tương quan nhà nước và người đóng thuế, theo nghĩa chúng tôi đóng thuế cho nhà nước thì chúng tôi nhận lại được những gì. Người dân có thể không ngần ngại nộp nhiều thuế hơn, nhưng người dân cần từng đồng tiền thuế được sử dụng minh bạch, hiệu quả”, ông Nguyễn Anh Dương chia sẻ.

Mặt khác, theo chuyên gia CIEM, việc sử dụng đồng tiền thuế đó phải góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công tốt hơn cho người đóng thuế. Khi đó, người dân sẵn sàng đóng thuế.

“Điều này giống như khi chúng ta đi mua hàng, giá rẻ có thể không phải là lý do duy nhất để chúng ta quyết định mua mặt hàng nào đó. Chúng ta sẵn sàng trả giá cao hơn cho mặt hàng khác miễn sao chất lượng mặt hàng đó cũng tương xứng với đồng tiền bỏ ra. Nhìn dưới góc độ thu chi ngân sách thì cách tiếp cận cũng phải tương tự”, ông Dương nhận định và nhấn mạnh, cùng với chính sách thu thì việc làm thế nào tiết kiệm chi, chi hiệu quả cũng quan trọng không kém.

Chia sẻ với những khó khăn của ngân sách, nhưng ông Dương cho rằng, việc thu thuế tránh lâm vào cảnh “Nhà nước làm việc dễ còn đẩy khó cho người dân, doanh nghiệp”.

Không ít lần, Bộ Tài chính đã giải thích lý do tăng thuế là do quá trình hội nhập làm thu ngân sách từ thuế xuất nhập khẩu giảm. Theo ông Dương, chủ trương hội nhập rõ ràng là rất đúng đắn nhằm tạo thêm cơ hội, củng cố năng lực cho DN trong nước, nhưng không thể vì lợi ích đó mà người dân, DN lại phải trả thuế nhiều hơn.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, bản thân trong chính sách thu còn nhiều vấn đề về gian lận thuế, nợ thuế. Gần đây Bộ Tài chính đã đưa ra đề xuất xóa nợ thuế với số tiền lên đến 26 nghìn tỷ đồng.

Ông Nguyễn Anh Dương băn khoăn: Chúng ta có bao giờ đặt câu hỏi cơ quan thuế đã thực sự nghiêm túc và hiệu quả trong việc xử lý gian lận thuế và nợ thuế hay chưa? Tại sao không cân nhắc một chiến lược khác là cải thiện hiệu quả thu thuế, giảm nợ thuế, giảm thất thu thuế trước khi nghĩ đến những biện pháp để tăng thu?

Bàn luận về câu chuyện thu - chi tiền thuế, GS.TS Đặng Đình Đào, Đại học Kinh tế quốc dân nói ngắn gọn: Dọc các tuyến đường, chúng ta thường thấy biển tuyên truyền “Nộp thuế là quyền lợi và nghĩa vụ của người dân”, “Thuế là nguồn thu chủ yếu để xây dựng và phát triển đất nước”,… Nhưng tại sao không thấy các biển tuyên truyền “Ai sử dụng lãng phí thuế là có tội với tổ quốc, với nhân dân”?

“Ngay điều đó đã phản ánh tư tưởng chỉ biết thu, còn sử dụng tiền thuế thì…”, GS.TS Đặng Đình Đào băn khoăn.
Lương Bằng
Reply