Người về qua cõi phù vân ... Nghiêng vai trút gánh phong trần bỏ đi...

Tháng Mân Côi
#1
Cầu nguyện bằng chuỗi mân côi
ĐGM Bùi Tuần

Trong lịch phụng vụ, tháng 10 có tên là tháng Mân côi. Suốt tháng này, Hội Thánh khắp nơi hướng về Đức Mẹ một cách đặc biệt. Lòng sùng kính của dân Chúa đối với Đức Mẹ trong thời gian này mang một đặc điểm riêng. Đó là cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi.

Mân côi chính là hoa hồng. Như thể, bằng chuỗi Mân côi, Hội Thánh trở thành một vườn hồng mênh mông, hương thơm sắc đẹp, dâng lên Mẹ hiền.

Lịch sử chuỗi Mân côi là một hành trình dài. Hành trình đó mang nhiều gợi ý. Những gợi ý này có thể giúp chúng ta cầu nguyện bằng chuỗi Mân côi một cách sốt sắng, vừa hợp với truyền thống, vừa sát với thời sự.

Chuỗi Mân côi đốt lên lửa mến.

Lịch sử cho thấy kinh Mân côi được thành hình do động lực sùng kính Đức Mẹ. Người được nhắc tới nhiều trong lịch sử kinh Mân côi là thánh Đaminh, đấng sáng lập Dòng Giảng thuyết. Ngài qua đời năm 1221. Một số tài liệu quả quyết rằng chính Đức Mẹ đã trao cho thánh Đaminh chuỗi Mân côi. Xung quanh thánh Đaminh còn một số tu sĩ nhiệt thành, như tu sĩ Dominique dòng Chartreux thành Trèves, tu sĩ Alain de la Roche dòng Đaminh thành Lille.

Các vị này đã có những đóng góp quan trọng. Tất cả các ngài đều là những tông đồ của Đức Mẹ. Với lòng xác tín, hăng hái, nhiệt thành, các ngài rao giảng, truyền bá kinh Mân côi. Trước hết là trong các cơ sở Dòng, sau là tại các giáo xứ của nhiều giáo phận Âu Châu.

Phong trào đọc kinh Mân côi sau đó được tổ chức thành các hiệp hội. Các người trong hiệp hội liên đới với nhau bằng chia sẻ đời sống thiêng liêng. Nhận thấy phong trào kinh Mân côi đem lại nhiều kết quả lớn lao và mau lẹ cho đời sống đức tin, Toà Thánh đã công nhận, khuyến khích và ban nhiều ân xá.

Năm 1475, tại Cologne, chính hoàng đế nước Đức là Fredéric III, hoàng hậu và hoàng tử đã xin ghi tên vào hội kinh Mân côi. Nhờ vậy, chuỗi Mân côi có thêm uy tín.

Uy tín đó không phải là lý do để phong trào kinh Mân côi lan rộng. Lý do lan rộng chính là tính cách Kinh Thánh và bình dân của chuỗi Mân côi.

Các lời kinh của chuỗi Mân côi đều được đúc kết từ Kinh Thánh. Các mầu nhiệm suy gẫm trong chuỗi Mân côi cũng được rút ra từ Kinh Thánh. Số 150 kinh Kính Mừng cũng là để nhớ lại số 150 thánh vịnh của Cựu Ước.

Tuy nền tảng là Kinh Thánh, nhưng chuỗi Mân côi được sắp xếp một cách bình dị, dễ đọc, dễ hiểu, hợp với bình dân. Miệng đọc kinh, lòng suy gẫm, tay lần chuỗi hạt, đó là một hình thức đạo đức bình dân thấy có ở nhiều tôn giáo truyền thống như Phật giáo, Hồi giáo.

Với hình thức đạo đức này, kinh Mân côi đã đốt lên lửa mến trong các tâm hồn. Nhiều tâm hồn trước kia nguội lạnh đã được ơn trở về.

Chuỗi Mân côi thắp sáng niềm hy vọng cứu độ.

Lịch sử cho thấy: Khi khấn cầu ơn nọ ơn kia, nhiều người đã dựa vào chuỗi Mân côi như một nguồn để tìm sức mạnh cậy trông.

Năm 1571, trước cơn đe doạ đạo Chúa bị tàn phá, Đức Thánh Cha Piô V, đã truyền cho Hội Thánh cầu nguyện bằng chuỗi Mân côi, với hy vọng Chúa sẽ cứu. Khấn cầu đó đã được Chúa chấp nhận. Chiến thắng ở vịnh Lepante ngày 7 tháng 10 năm 1571 đã là cơ sở để Đức Thánh Cha thiết lập lễ Đức Mẹ Mân côi. Hằng năm cứ đến ngày 7 tháng 10, Hội Thánh đề cao chuỗi Mân côi như một nguồn hy vọng.

Năm 1629, trước cơn dịch tả nguy hiểm lan rộng trên nước Ý, tu sĩ Timoteo Ricci đã lập ra chuỗi Mân côi liên tiếp. Thầy tính rằng: Mỗi năm có 8.760 giờ. Căn cứ vào đó, thầy làm ra 8.760 tấm vé. Mỗi vé ghi tháng, ngày, giờ. Rồi cho rút thăm. Ai được vé nào thì cam kết đọc chuỗi Mân côi tháng ngày giờ đó. Mục đích có ý xin ơn chết lành cho những người hấp hối, xin ơn trở lại cho những người tội lỗi, xin ơn bình an cho các dân tộc.

Từ sáng kiến đó, phong trào kinh Mân côi liên tiếp được thành lập và lan rộng. Năm 1657, Đức Giáo Hoàng Alexandre VII chấp nhận phong trào đạo đức này, và ban cho nhiều ân xá.

Năm 1826, trước nhu cầu truyền giáo cho các vùng xa xôi, bà Pauline Jaricot, thành Lyon, đã có sáng kiến lập ra phong trào “Kinh Mân côi sống”. Cứ 10 nguời thì thành một nhóm nhỏ. Mỗi người trong nhóm cam kết đọc 10 kinh Kính Mừng mỗi ngày. Hơn nữa, mỗi người trong nhóm sẽ tìm thêm 5 người. Năm người này cũng hứa đọc 10 kinh Kính Mừng mỗi ngày. Và cứ thế nhân lên số người đọc kinh Kính Mừng.

Mỗi tháng, bà Pauline phổ biến cho các nhóm một bản suy gẫm Lời Chúa, hướng về truyền giáo.

Đầu thế kỷ XX, trước tình hình suy giảm đức tin tại Pháp, cha Joseph Eyquem lập ra những hội Mân côi. Sinh hoạt của những người theo hội này cũng là đọc 10 kinh Kính Mừng mỗi ngày. Ngoài ra, họ họp nhau mỗi tháng một lần. Cuộc họp không tổ chức ở nhà thờ, nhưng ở nhà tư, lúc ở nhà này, khi ở nhà khác. Cuộc họp gồm đủ mọi thành phần. Những tín hữu bình thường, những người ly dị, những người rối vợ rối chồng, những người xa tránh các bí tích. Họ cầu nguyện, trao đổi, chia sẻ và giúp đỡ nhau vượt qua các thử thách.

Nói chung, khi gặp những khó khăn nguy hiểm, cả trong đạo lẫn ngoài đời, người ta đã chạy lại với Đức Mẹ. Họ khẩn cầu Mẹ bằng chuỗi Mân côi. Và thực sự chuỗi Mân côi đã đem lại cho các tâm hồn những hy vọng lành thánh.

Chuỗi Mân côi mở kho tàng trái Tim Đức Mẹ.

Trước đây, chuỗi Mân côi được truyền bá bởi các thánh, và Hội Thánh. Nay, chính Đức Mẹ lên tiếng.

Tại Fatima, khi hiện ra với ba trẻ, Phanxicô, Giacinta và Lucia, Đức Mẹ đã mang chuỗi Mân côi. Đức Mẹ cũng đã khuyên người ta hãy năng cầu nguyện kinh Mân côi.

Tại Fatima, Lộ Đức và những nơi hành hương, chuỗi Mân côi ví như những chuỗi hoa hồng của các trái tim không ngừng dâng lên Đức Mẹ. Còn Đức Mẹ, thì luôn mưa những hoa hồng thiêng xuống cho các người chân thành cầu khấn. Hoa hồng nói đây là những ơn phúc phần hồn phần xác. Ơn phúc đủ loại, nhất là ơn sám hối, ơn trở về với Chúa, ơn đổi mới cuộc đời, ơn đi sâu vào Phúc Âm, ơn biết đón nhận thánh ý Chúa để trở thành cộng tác viên đắc lực của Đức Mẹ đồng công cứu chuộc.

Các ơn Đức Mẹ ban qua chuỗi Mân côi phát xuất từ trái tim Đức Mẹ. Trái tim ấy đầy tình thương và cũng đã chịu nhiều đau đớn, để cùng với Chúa Giêsu cứu chuộc nhân loại bằng hy sinh trên thánh giá. Vì thế có thể nói, các ơn đó đến từ trên, và chảy vào trong nội tâm mỗi người. Với nhận thức đó, chúng ta hiểu ý nghĩa lời Đức Mẹ nói với Bernadette ở Lộ Đức: “Mẹ không hứa cho con hạnh phúc đời này, nhưng hạnh phúc đời sau”. Tuy nhiên, ngay ở đời này, những ai lần chuỗi Mân côi, cũng sẽ được Đức Mẹ thương ban ơn, cách này hay cách khác.

Hiện nay, cuộc sống đang đặt ra nhiều vấn đề nan giải. Kinh Mân côi sẽ giúp chúng ta tìm được lối thoát. Lối thoát sẽ từ trên trái tim Đức Mẹ mà xuống và từ trong nội tâm ta mà ra. Nội tâm ta cầu nguyện sám hối. Trái tim Đức Mẹ sẽ làm chứng một cách sống động lời thiên thần đã nói với Đức Mẹ xưa: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37).

Tháng mười là tháng Mân Côi,
Đoàn con của Mẹ dâng lời ngợi ca.
Kính mừng rồi lại Thánh Ma,
Lời kinh dâng Mẹ gấp ba ngày thường.
Ở nhà hay lúc đi đường,
Tay thời lần chuỗi Mẹ thương vô vàn.
Xin gì Mẹ nói Chúa ban,
Dẫu cho bão tố ngập tràn không lo…



Kiếp luân hồi có sinh có diệt
Đời vô thường giả tạm hư không
Ngũ uẩn: “Sắc bất dị không”
An nhiên tự tại cho lòng thảnh thơi.
-CT-

願得一心人,
白頭不相離.
[-] The following 2 users Like Lục Tuyết Kỳ's post:
  • JayM, TanThu
Reply
#2
Lại là Mẹ của tui đó 😂

"Qua mặt" Phêrô, MẸ MARIA "lén" thòng dây MÂN CÔI để con cái leo vào THIÊN ĐÀNG👼😇
...

Ngày kia, Chúa Cha bỗng nhận ra trên Thiên Đàng sao bát nháo, đủ mọi hạng người, bèn gọi Thánh Phêrô đến và hỏi:

– Này, anh có giữ cửa Thiên Đàng cẩn thận không đấy? Dạo này ta thấy Thiên Đàng có vẻ lộn xộn lắm, anh lo mà sắp xếp lại cho trật tự đi nhé!

Thánh Phêrô ngơ ngác bối rối nhưng cũng cung kính đáp:

– Thưa vâng, con sẽ xem lại ạ!

Quay lưng đi, ông thầm nghĩ: Lạ nhỉ, Chuyện này là thế nào? Mình vẫn giữ chìa khóa cẩn thận kia mà. Và ai tới của Thiên Đàng cũng đều phải có tên trong danh sách mới được vào chứ. Sao lại có đủ thứ người lạ xuất hiện thế này? Không lẽ có sự gian lận nào sao?…À! Phải rồi, hay còn chiếc chìa khóa nào khác giống của mình nữa?… Ơ! Cũng không phải, vì chính Thầy Giêsu đã trao nó cho mình kia mà. Phải rồi, vậy chắc là Thầy còn một chiếc nữa. Phải đi gặp Thầy mới được!

Nghĩ là làm. Phêrô ba chân bốn cẳng chạy đến với Đức Giê su kể lể sự tình rồi nói:

– Thưa Thầy, thế thì nhất định Thầy còn một chiếc chìa khóa giống như thế nữa phải không ạ? Và Thầy đã mở cho họ vào mà con không biết chứ gì?

Thế nhưng, Chúa Giêsu mỉm cười nhìn ông, rồi bảo:

– Tôi chỉ có duy nhất một chiếc chìa khóa Nước Trời và tôi đã trao nó cho anh rồi còn gì.

– Thế thì con phải giải thích làm sao với Chúa Cha sự tình này đây, thưa Thầy?

Chúa Giêsu dịu dàng đáp:

– Anh thử đi hỏi Mẹ tôi xem sao !

– Đức Nữ Vương Thiên Đàng ấy à? Mẹ thì can dự gì trong chuyện này cơ chứ?

– Thì…Tôi nghĩ chỉ có Mẹ tôi chứ không ai vào đây đâu…

– Ôi trời!!!

Thế là Thánh Phêrô chạy đi tìm Đức Maria ngay. Tìm khắp nơi mà chẳng thấy đâu. Hay Mẹ đang hát thánh ca với các thiên thần? Nhưng đến chỗ ca đoàn các thiên thần thì không có…Phải, phải! Chắc là đang ở chỗ các phụ nữ Giêrusalem. Đến chỗ các phụ nữ Giêrusalem hay tụ tập, cũng không thấy…Ôi! Chắc Mẹ đang cầu nguyện với các Tông Đồ? Thế nhưng, cũng chẳng thấy bóng dáng Mẹ trong nhà các Tông Đồ.

Mệt bở hơi tai, Phêrô thất thểu lê bước trở về, không biết phải ăn nói làm sao với Chúa Cha. Bỗng trông thấy hình như có một tay lạ hoắc lơ ngơ kiểu như vừa mới vào và đang dáo dác tìm chỗ trên thiên đàng, vội chặn người ấy lại hỏi:

– Này, anh có trông thấy Đức Mẹ đâu không?

Gã này nhoẻn miệng cười toe toét, chỉ tay lên trên:

– Bẩm ngài, Mẹ đang ở trên sân thượng ấy ạ. Tôi vừa mới được Mẹ đưa vào Thiên Đàng đấy.

– Cái gì??? Thôi rồi, đích thị rồi!

Thế là ngài phóng thẳng lên sân thượng và trước đôi mắt ngỡ ngàng của ngài, Đức Maria đang chồm người qua lan can sân thượng, tay nắm một sợi dây thật dài, thòng xuống tận mặt đất, trên đó lúc nhúc những người là người, đủ mọi sắc tộc, màu da, ngôn ngữ đang bám vào để leo lên Thiên Đàng…

Dụi mắt nhìn kỹ, thánh Phêrô chợt nhận ra sợi dây ấy chính là tràng hạt Mân Côi. Ông toát mồ hôi kêu lên:

– Trời ạ! Mẹ làm gì thế này?

Quay lại, Đức Mẹ chỉ biết nhoẻn miệng cười cầu hòa:

– Này Phêrô, Ta biết sao bây giờ? Anh thông cảm nhé! Vì ta đã lỡ hứa với họ là ai siêng năng lần hạt Mân Côi và suy gẫm các mầu nhiệm của Chúa Giêsu khi đọc kinh ấy thì sẽ được vào nước trời. Họ đã nghe lời ta và đã đọc kinh Mân Côi, thế thì ta phải giữ lời thôi…

Mẹ của chúng con...   Shy Smiling-face-with-halo4

Lượm 

[Image: 387812369-3459431074280547-4059238824066015741-n.jpg]
Kiếp luân hồi có sinh có diệt
Đời vô thường giả tạm hư không
Ngũ uẩn: “Sắc bất dị không”
An nhiên tự tại cho lòng thảnh thơi.
-CT-

願得一心人,
白頭不相離.
[-] The following 4 users Like Lục Tuyết Kỳ's post:
  • duke, Hai hòn, JayM, TanThu
Reply
#3
Jay nhớ tới ba người thương,ngày ngày lần hạt Mân Côi, không lần hạt là day dứt không yên: Bà Nội (Bà Ngoại mất khi Mẹ còn nhỏ) Mẹ, Má.  Có dịp là Jay xin Mẹ "Đọc thêm cho con với"  Shy.  Lúc lái xe đi làm, về nhà hay đi chơi, Jay tìm sự bình an qua kinh Mân Côi.  Heavy-black-heart4
[-] The following 2 users Like JayM's post:
  • Hai hòn, Lục Tuyết Kỳ
Reply
#4



Tulip4 Heavy-black-heart4 Tulip4

[-] The following 2 users Like Hai hòn's post:
  • JayM, Lục Tuyết Kỳ
Reply
#5
Hi chị yêu,

Hôm nay có đi xem lễ chưa vậy?
[-] The following 1 user Likes Saolấplánh's post:
  • JayM
Reply
#6
Một năm nữa lại trôi qua, thời gian dường như vô tình hơn khi mình lớn dần lên, tuổi đời thêm con số.  Những ngày tháng tuổi trẻ từng dài bất tận, giờ chỉ như những chiếc lá thu, rơi nhẹ nhàng rồi tan biến vào nơi vô định.  Thu về, đánh thức trong tâm hồn nỗi nhớ về những điều đã qua, những khoảnh khắc đã mất đi mãi mãi.  Trong cái se lạnh của mùa thu, bỗng cảm thấy mọi thứ quanh mình đều mong manh, giống như chính cuộc đời vậy.

Cha Nguyễn Hữu An viết rằng đời người tựa như chiếc lá.  Khi còn xanh, lá hưởng trọn sức sống của đất trời, nhưng đến một lúc nào đó, nó kg thể cưỡng lại vòng tuần hoàn tự nhiên - lá chuyển màu, rời cành, và buông mình theo gió.  Đời người cũng vậy.  Đã từng trải qua những tháng ngày rực rỡ, nhưng thời gian trôi qua chỉ còn lại là những sự đổi thay.  Chiếc lá dù có lìa cành thì vẫn mang trong mình một hành trình đầy ý nghĩa, nuôi dưỡng và bảo vệ sự sống của cây, đáp lại nghĩa tình của cây.  Và chúng ta, dù hành trình có ngắn hay dài, điều quan trọng là ta đã sống trọn vẹn, đã yêu thương và được yêu thương.

Những ký ức về một thời thanh xuân, về những người thân yêu đã khuất, như những chiếc lá rơi lác đác, âm thầm ghi dấu trong lòng đất.  Thời gian sẽ tiếp tục trôi, những ký ức ấy, những khoảnh khắc đong đầy tình cảm chân thành, sẽ là điều còn lại sau cùng, làm cho cuộc đời kg chỉ là một dòng chảy vô định.  Trong mỗi khoảnh khắc ngắn ngủi, có lẽ điều đáng trân trọng nhất kg phải là thời gian mình có, mà là cách mình sống và những tình cảm mà mình đã để lại cho đời.

Tháng Mân Côi, gió thu sang
Chuỗi hồng con nguyện, dịu dàng lời kinh
Mẹ hiền ngự chốn uy linh
Dắt dìu con được an bình từng giây

Lời kinh vang vọng đêm ngày
Gửi về Mẹ cả đắng cay, ngọt ngào
Tháng này cúc nở muôn màu
Như lòng con thắm sắc bao ân tình



Kiếp luân hồi có sinh có diệt
Đời vô thường giả tạm hư không
Ngũ uẩn: “Sắc bất dị không”
An nhiên tự tại cho lòng thảnh thơi.
-CT-

願得一心人,
白頭不相離.
[-] The following 2 users Like Lục Tuyết Kỳ's post:
  • JayM, LýMạcSầu
Reply