[15] Hai pháp thuộc phần hạ liệt (Hānabhāgiyādhammā): - Kho Tàng Pháp Học
#16
[51] Hai phận sự trong giáo pháp (Dhura):


1. Phận sự pháp học (Ganthadhura), là học hỏi nghiên cứu giáo lý phật ngôn, thông suốt cả về pháp về nghĩa.
2. Phận sự pháp hành (Vipassanādhura), là chuyên thực hành thiền định, áp dụng giáo lý để tu luyện thân, khẩu, ý nhằm mục đích đạt đến giải thoát.

Dh A I.7.

[52] Hai sự tiếp đãi (Paṭisanthāra):

1. Tiếp đãi vật chất (Āmisapaṭisanthāra), là đối đãi với người bằng cách cho, biếu, tặng những vật phẩm như thức ăn, nước uống v.v...
2. Tiếp đãi pháp (Dhammapaṭisanthāra), cũng gọi là tiếp đãi tinh thần, tức là đối đãi với người bằng cách san sẻ niềm vui tinh thần, đặc biệt là san sẻ những tri kiến Phật pháp.

A. I.93; Vbh.360.

[53] Hai sự bố thí (Dāna):

1. Tài thí (Āmisadāna), là sự cho, biếu, tặng phẩm vật như thức ăn, thức uống, tài sản vật chất v.v..
2. Pháp thí (Dhammadāna), là sự cho kiến thức, như thuyết pháp, dạy đạo, nói cho nghe lời hữu ích v.v..

A .I. 90.

[54] Hai sự bố thí khác (Dāna):

1. Cá nhân thí (Pāṭipuggalikadāna), sự bố thí chọn mặt, bố thí riêng biệt đối tượng. Cũng gọi là Pāṭipuggalikā dakkhinā.
2. Tập thể thí, hay tăng thí (Saṅghadāna), sự bố thí đến hội chúng, tăng chúng không chọn mặt. Cũng gọi là Saṅghagatā dakkhinā.

M.III.254 ; A.III.392.

[55] Hai sự sung mãn (Vepulla):

1. Sung mãn tài vật (Āmisavepulla), tức là dồi dào về tài sản của cải.
2. Sung mãn pháp (Dhammavepulla), tức là dồi dào kiến thức, học nhiều hiểu rộng, nhất là đa văn giáo pháp.

A.I.93

[56] Hai pháp nhiếp, pháp thu phục, pháp tế độ (Saṅgaha):
1. Tài vật nhiếp (Āmisasaṅgaha), sự nhiếp phục bằng vật chất, giúp đỡ vật chất, cho, biếu, tặng v.v...
2. Pháp nhiếp (Dhammasaṅgaha), sự nhiếp phục bằng pháp, giảng dạy, thuyết giáo, giáo huấn v.v...

A.I.91.

[57] Hai duyên sanh chánh kiến (Sammā diṭṭhipaccaya) và duyên sanh tà kiến (Micchā diṭṭhipaccaya):

1. Nhờ nghe pháp âm của người khác (Paratoghosa), là do nghe các vị Sa môn hiền trí chỉ dạy nên phát sanh chánh kiến. Ngược lại, nếu nghe học từ nơi các vị tri kiến sai lệch, nói pháp sai lệch, do duyên đó nên mình sanh khởi tà kiến.
2. Nhờ khéo tác ý (Yonisomanasikāra), tức là dùng trí tuệ suy xét, nhận định theo lý nhân quả... nên sanh chánh kiến. Ngược lại, duyên sanh tà kiến là không khéo tác ý (Ayonisomanasikāra), không dùng trí tuệ suy xét.

M.I.294, A.I.87.

[58] Hai sự thanh tịnh (Suddhi):

1. Sự thanh tịnh nhờ phương tiện (Pariyāyasuddhi), hạng phàm phu nhờ tu tập giữ giới, tạo phước nên được thanh tịnh, hạng thánh hữu học nhờ tu học, nhờ thánh trí đoạn trừ hạ phần kiết sử nên được thanh tịnh. Sự thanh tịnh thứ nhất này chỉ là tương đối, chưa hoàn hảo, còn giới hạn.
2. Sự thanh tịnh không nhờ phương tiện (Nippariyāyasuddhi), vị thánh A-la-hán đã đoạn tận hoàn toàn các lậu hoặc phiền não là nhân sanh cấu uế, do vậy vị ấy tự nhiên thanh tịnh. Sự thanh tịnh này là tuyệt đối, hoàn hảo.

Ā.I.293, 294

[59] Hai pháp làm xinh đẹp (Sobhaṇakaranadhamma):

1. Tính kham nhẫn (Khanti), tức là đức tính nhẫn nại, chịu đựng với mọi nghịch cảnh.
2. Hạnh nghiêm tịnh (Soracca), tức là tư cách hành vi đoan trang hòa nhã.

Vin.I.349; AI.94.

[60] Hai hạng người khó kiếm (Dullabhapuggala):

1. Người thi ân (Pubbakārī), người làm lợi ích cho kẻ khác mà không vụ lợi, làm ơn mà không cần báo đáp.
2. Người tri ân đáp ân (Kataññūkatavedī), là hạng người có tâm nhớ ơn của người đã giúp mình và tìm dịp đáp trả.

A.I.87.

[61] Hai cách thuyết giảng (Desanā):

1. Thuyết chủ ý đến người nghe (Puggalādhiṭṭhānadesanā), là thuyết giảng tùy theo đối tượng, tùy duyên người nghe mà trình bày, dễ dẫn dắt.
2. Thuyết chủ ý đến pháp (Dhammādhiṭṭhānadesanā), là thuyết giảng theo đề tài pháp, thuyết tuần tự pháp môn.

Ps A.449.

[62] Hai cách thuyết giảng khác (Desanā kathā):

1. Thuyết theo khái niệm (Sammatidesanā hay sammatikathā), là giảng thuyết theo lý pháp chế định, lấy pháp tục đế mà thuyết cho dễ nghe hiểu.
2. Thuyết theo siêu lý (Paramatthadesanā hay Paramatthakathā), là thuyết theo lý pháp thực tính, lấy pháp chân đế mà thuyết.
Đức Phật thuyết pháp, Ngài dùng cả hai cách thuyết này tùy duyên của người nghe và tùy trường hợp.

Ā.194

[63] Hai sự tinh cần (Padhāna):

1. Sự tinh cần của người tại gia (Gihipadhāna), tức là sự nỗ lực tinh tấn theo cương vị người cư sĩ, như siêng năng bố thí, siêng năng trì giới, siêng năng làm nghề nghiệp v.v...
2. Sự tinh cần của bậc xuất gia (Pabbajitapadhāna), tức là sự nỗ lực tinh tấn theo cương vị người ly gia cắt ái, như nhiệt tâm thiền định, tinh tấn hành pháp đầu đà v.v...
Tùy lĩnh vực mà có pháp tinh cần đáng khen hay đáng trách. Thí dụ: người cư sĩ siêng năng làm nghề nghiệp để mưu sinh thì đáng khen, nhưng vị xuất gia mà siêng năng làm nghề nghiệp thì đáng trách.

A.I.119, Netti.159.

[64] Hai sự tầm cầu (Pariyesanā):

1. Phi thánh cầu (Anariyapariyesanā), là sự tìm kiếm, mong cầu thấp hèn không cao thượng. Như là tìm cầu tài sản của cải, tìm cầu vợ con, tìm cầu gia súc... thân giả tạm lại tầm cầu cái giả tạm khác …
2. Thánh cầu (Ariyapariyesanā), sự tìm kiếm mong cầu cao thượng, hướng đến thoát ly đau khổ. Như tầm cầu sự giải thoát, tầm cầu mục đích Níp-bàn.

M.I.161; A.I.93; A.II.247.

[65] Hai loại kinh điển (Pāvacana), giáo lý Phật ngôn:
1. Pháp (Dhamma), Phật ngôn dạy về điều nên biết, dạy về nghĩa lý pháp, dạy về các pháp môn tu hành. Đây ám chỉ giáo lý thuộc Kinh tạng (Sutta-piṭaka), và Vi Diệu Pháp tạng (Abhidhammapiṭaka).
2. Luật (Vinaya), Phật ngôn chế định về những phép tắc, những qui củ, những luật lệ học giới để ổn định sinh hoạt tăng chúng. Đây ám chỉ giáo lý thuộc Luật tạng (Vinayapiṭaka).

D.II.154

[Image: with-love-smiley-emoticon.gif]
Reply
#17
[66] Hai sự cúng dường (Pūjā):

1. Cúng dường vật chất (Āmisapūjā), là sự cúng dường bằng lễ vật đến Đức Phật và Chư Tăng. Như cúng hương hoa, bốn món vật dụng v.v...
2. Cúng dường pháp (Dhammapūjā), là noi theo, hành theo lời dạy của Đức Phật và Tăng chúng. Đây cũng gọi là cúng dường thực hành (Paṭipattipūjā).

A. I. 93; D.II.138.

[67] Hai Phật ân, ân đức của Phật (Buddhaguṇa):

1. Thành tựu tự lợi (Attahitasampatti), là Đức Phật đã thực hành viên mãn hạnh Ba-la-mật và đạt được cứu cánh giải thoát cho bản thân Ngài. Nói cách khác là Ngài đã thành tựu trí tuệ, là yếu tố giác ngộ làm chỗ nương cho chính Ngài.
2. Hành sự lợi tha (Parahitapaṭipatti), là Đức Phật luôn luôn hành năm Phật sự (Xem [311]) vì lợi ích cho đời, cho chúng sanh khác. Đây ám chỉ tâm đại bi của Đức Phật, là yếu tố thành tựu Phật sự làm chỗ nương cho thế gian.

Vism Ṭīkā.I.8.

[68] Hai pháp tu tiến (Bhāvanā):

1. Tu chỉ (Samathabhāvanā), sự tu tiến thiền chỉ tịnh để đạt đến tâm định đáo đại, sự tu tiến này dựa theo đề mục nghiệp xứ (Kammaṭṭhāna).

2. Tu quán (Vipassanābhāvanā), sự tu tiến thiền minh sát để đạt đến Đạo Quả, sự tu tiến này dựa theo đề mục niệm xứ (Satipaṭṭhāna).

Hai pháp tu tiến này còn được gọi là pháp cần tu tập (Bhāvetabbadhamma) và pháp thuộc phần minh (Vijjābhāgiyadhamma).

D.III.273; A.I.60.

[69] Hai pháp hộ trì thế gian (Lokapāladhamma); cũng gọi là bạch pháp (Sukkadhamma):

1. Tàm (Hiri) là lòng hổ thẹn với điều tội lỗi, hổ thẹn với các ác bất thiện pháp.
2. Quý (Ottappa), là lòng kinh sợ với các ác bất thiện pháp, kinh sợ hậu quả của tội lỗi, kinh sợ người khác khiển trách nếu phạm lỗi lầm.
Hai pháp này ngăn chặn sự hành động ác xấu, ngăn chặn chúng sanh vi phạm tội lỗi, do đó khiến cho thế gian được an ổn tốt đẹp, không rối loạn.
Hai pháp này cũng gọi là bạch pháp, hay pháp trắng (Sukkadhamma).

A.I.51; It .36.

[70] Hai sự giải thoát (Vimutti):

1. Tâm giải thoát (Cetovimutti), tức là tâm thiền định, một sự giải thoát khỏi mãnh lực ái tham bằng định thiền chỉ.
2. Tuệ giải thoát (Paññāvimutti), tức là tâm đạo quả, một sự giải thoát khỏi mãnh lực phiền não bằng tuệ quán.

A.I.60.

[71] Hai duyên hợp để thọ ký hàng thinh văn, phật phụ, phật mẫu (Samodhānadhamma):

1. Tạo công đức lớn (Adhikāra), lúc gặp Phật, chúng sanh ấy cúng dường Phật hoặc làm một hạnh công đức đặc biệt nào đó.
2. Có lời ước nguyện (Chandatā), sau khi làm công đức liền phát nguyện quả vị mong đắc chứng.

CHƯƠNG PHÁP BA CHI

[72] Ba pháp đa tác dụng (Bahukārā dhammā).

Đây là ba pháp tiến hóa (Vuḍḍhi), cũng gọi là ba pháp tăng trưởng tuệ (Paññāvuḍḍhi):
1. Thân cận bậc chân nhân (Sappurisasaṃse-va), thường gần gũi giao tiếp với các bậc thiện trí thức.
2. Nghe diệu pháp (Saddhammassavana), là được nghe chánh pháp, được học hỏi chánh pháp.
3. Thực hành pháp tuần tự và thuần thục (Dhammānudhammapaṭipatti), là nhiệt tâm hành pháp tùy theo trình độ và thực hành thường xuyên.

A.II.245; D.III. 275.

[73] Ba pháp cần tu tập (Bhāvetabbā dhammā).

Đây là ba pháp định (Samādhi):
1. Định hữu tầm hữu tứ (Savitakkasavicāro samādhi), là một trạng thái định thiền có tầm có tứ. Tức là Định trong sơ thiền.
2. Định vô tầm hữu tứ (Avitakkavicāramatto samādhi), là một trạng thái định thiền không còn tầm nhưng có tứ. Tức là Định trong nhị thiền.
3. Định vô tầm vô tứ (Avitakkāvicāro samādhi), là một trạng thái định thiền không tầm cũng không tứ. Tức là Định trong tam thiền trở lên.

D.III.275. Dasuttarasutta

[74] Ba pháp cần biến tri (Pariññeyyā dhammā).

Đây chỉ cho ba cảm thọ (Vedanā):
1. Thọ lạc (Sukhavedanā), sự cảm thọ dễ chịu thoải mái của thân và tâm. Tức là thân lạc và tâm hỷ.
2. Thọ khổ (Dukkhavedanā), sự cảm thọ khó chịu bức xúc của thân và tâm. Tức là thân khổ và tâm ưu.
3. Thọ phi khổ phi lạc (Adukkhamasukhaveda-nā), sự cảm thọ không khổ không lạc, cảm giác không vui, buồn, sướng, khổ. Tức là thọ xả.

D.III.216, 275; S.IV.331

[75] Ba pháp cần đoạn trừ (Pahātabbā dhammā).
Ở đây chỉ cho ba ái (Taṇhā):
1. Dục ái (Kāmataṇhā), sự khát vọng, mong muốn hưởng ngũ dục lạc; sự tham ái duyên theo cảnh sắc, thinh, hương, vị và xúc.
2. Hữu ái (Bhavataṇhā), sự khát vọng, mong muốn cõi tái sanh; sự ái luyến thiền lạc; và sự tham ái có liên hệ với hữu kiến hoặc thường kiến (Sassa-tadiṭṭhi).
3. Phi hữu ái (Vibhavataṇhā), sự khát vọng, ái tham có liên hệ đến tà kiến đoạn diệt, tức là ái vô hữu kiến hoặc đoạn kiến (Ucchedadiṭṭhi) .

D.III. Dasuttarasutta; A.III.445;Vbh.365

[76] Ba pháp thuộc phần hạ liệt (Hāna-bhāgiyadhamma).

Đây là ba bất thiện căn (Akusalamūla):
1. Tham bất thiện căn (Lobha akusalamūlaṃ), gốc tham ái tạo ra tâm tham muốn nhiễm đắm...
2. Sân bất thiện căn (Doso akusalamūlaṃ), gốc sân hận tạo ra tâm sân giận, thù oán...
3. Si bất thiện căn (Moho akusalamūlaṃ), gốc si mê tạo ra tất cả tâm bất thiện; đây là vô minh, là giềng mối của ác bất thiện pháp.

D.III.275,It.45.

[77] Ba pháp thuộc phần thù thắng (Visesabhāgiyā dhammā).
Đây là ba thiện căn (Kusalamūlā):
1. Vô tham thiện căn (Alobho kusalamūlaṃ). Sự không tham luyến là gốc tạo ra tâm thiện, tâm tịnh hảo.
2. Vô sân thiện căn (Adoso kusalamūlaṃ). Sự không nóng bức là gốc tạo ra tâm thiện, tâm tịnh hảo.
3. Vô si thiện căn (Amoho kusalamūlaṃ). Sự hiểu biết, sự sáng suốt là gốc tạo ra các tâm thiện tương ưng trí, tâm tịnh hảo hợp trí.

D.III.275.It.45

[78] Ba pháp khó thể nhập (Duppaṭivijjhā dhammā).
Đây là ba xuất ly giới (Nissāraṇīyadhātu):
1. Sự xuất ly các dục (Kāmānaṃ nissaraṇaṃ), là pháp ly tham dục, là định trong thiền sắc giới, vì câu nói sơ thiền là định sanh do ly dục ly bất thiện pháp, nhưng theo chú giải nói sự xuất ly các dục một cách tuyệt đối phải là A-na-hàm đạo (Anāgāmimaggo), vì thánh đạo này dứt tuyệt dục ái (Kāmarāga).
2. Sự xuất ly các sắc (Rūpānaṃ nissaraṇaṃ), là pháp ly tất cả sắc ái, sắc tưởng, là chỉ cho thiền vô sắc, nhưng theo chú giải nói sự xuất ly các sắc một cách tuyệt đối đó là A-la-hán đạo (Arahattamaggo), vì thánh đạo này tuyệt trừ sắc ái (rūparāga) v.v...
3. Sự xuất ly hành (Saṅkhatassa nissaraṇaṃ), là pháp lìa sự hiện khởi của pháp hữu vi. Theo chú giải nói sự xuất ly hành là pháp đoạn diệt (nirodha) mọi duyên khởi pháp hữu vi, tức là Níp-bàn, cũng ám chỉ đó là A-la-hán quả (Arahattaphala), vì khi thánh quả này khởi lên thì níp-bàn hiển lộ.

D.III.257; D.A & Tīkā.

[79] Ba pháp cần sanh khởi (Uppādetabbā dhammā).
Đây nói đến ba loại trí (Ñāṇa):
1. Trí phần quá khứ (Atītaṃsañānaṃ), là trí biết cảnh thuộc quá khứ, tức là trí diễn tiến dựa trên Uẩn, Xứ, Giới đã sanh khởi, đã diệt rồi.
2. Trí phần vị lai (Anāgataṃsañānaṃ), là trí biết cảnh thuộc vị lai, tức là trí diễn tiến dựa trên Uẩn, Xứ, Giới sẽ sanh khởi.
3. Trí phần hiện tại (Paccuppannaṃsañāṇaṃ), là trí biết cảnh thuộc hiện tại, tức là trí diễn tiến dựa trên Uẩn, Xứ, Giới đang sanh khởi.

D.III.27; .A & Tīkā.

[80] Ba pháp cần thắng tri (Abhiññeyyā dhammā).
Đây nói đến ba loại giới hay bản chất (dhātu):
1. Dục giới (Kāmadhātu), là ngũ uẩn trong các cõi dục.
2. Sắc giới (Rūpadhātu), là ngũ uẩn trong các cõi sắc.
3. Vô sắc giới (Arūpadhātu), là bốn danh uẩn trong các cõi vô sắc

D.III.275

[Image: with-love-smiley-emoticon.gif]
Reply
#18
D.III.275

[81] Ba pháp cần tác chứng (Sacchikātab-bā dhammā).

Đây nói đến ba minh (Vijjā):
1. Túc mạng minh (Pubbenivāsānussatiñāṇa), là trí thông nhớ được các đời sống quá khứ của mình.
2. Sanh tử minh (Cutūpapātañāṇa), là trí thông biết rõ sự sanh tử của chúng sanh theo duyên nghiệp. Minh này có tên gọi khác nữa là Thiên nhãn minh (Dibbacakkhuñāṇa).
3. Lậu tận minh (Āsavakkhayañāṇa), là trí thông đoạn trừ các lậu hoặc, đắc chứng lậu tận minh, là thành tựu quả vị A-la-hán.

D.III.220, 275; A.V.211.

[82] Ba thiện tầm (Kusalavitakka), sự suy nghĩ tốt, tư duy thiện:
1. Xuất ly tầm (Nekkhammavitakka), sự suy nghĩ ly dục, sự suy nghĩ không dính mắc, không tham muốn.
2. Vô sân tầm (Abyāpādavitakka), sự suy nghĩ không bực phiền, sự suy nghĩ với tâm từ.
3. Bất hại tầm (Avihiṃsāvitakka), sự suy nghĩ không mưu hại người, sự suy nghĩ liên hệ tâm bi.

A.III.446.

[83] Ba bất thiện tầm (Akusalavitakka), sự suy nghĩ quấy, suy nghĩ không tốt:
1. Dục tầm (Kāmavitakka), sự suy nghĩ liên hệ phiền não dục, sự suy nghĩ tham muốn dục lạc.
2. Sân tầm (Byāpādavitakka), sự suy nghĩ liên hệ sân hận bực phiền.
3. Hại tầm (Vihiṃsāvitakka), sự suy nghĩ ác độc, mưu hại chúng sanh.

A.III.446.

[84] Ba hữu vi tướng (Saṅkhatalakkhaṇa), trạng thái của pháp hữu vi:
1. Sanh hiển hiện (Uppādo paññāyati), pháp hữu vi hiện bày trạng thái bị tạo sanh.
2. Diệt hiển hiện (Vayo paññāyati), pháp hữu vi hiện bày trạng thái tiêu họai, sanh rồi diệt.
3. Trụ biến đổi (Ṭhitassa aññathattaṃ paññā-yati), pháp hữu vi dù đang thời trụ vẫn thay đổi khác, biến dạng già cũ (jarā).

A.I.152.

[85] Ba vô vi tướng (Asaṅkhatalakkhaṇa), trạng thái của pháp vô vi hay níp-bàn:
1. Không sanh (Na uppādo paññāyati), níp-bàn vì không bị tạo bởi duyên hệ, không có hiện tượng sanh.
2. Không diệt (Na vayo paññāyati), níp-bàn vì không có hiện tượng sanh nên không có hiện tượng diệt.
3. Không đổi khác (Na ṭhitassa aññathattaṃ paññāyati), níp-bàn không có hiện tượng sanh trụ diệt nên không có trạng thái biến đổi.

A.I.152.

[86] Ba tướng phổ thông (Sāmaññalakkhaṇa), trạng thái chi phối pháp hữu vi:
1. Trạng thái vô thường (Aniccatā), sanh diệt, biến đổi.
2. Trạng thái khổ não (Dukkhatā), bức xúc, khó chịu, bất kham vì biến diệt.
3. Trạng thái vô ngã (Anattatā), rỗng không, chẳng phải do chủ quyền sắp đặt.
Ba pháp này gọi tóm tắt là tam tướng (tilakkhaṇa).

S.W.1; Dhp.277,278,279.

[87] Ba hành (Saṅkhāra), nói theo pháp thực tính tạo tác:
1. Thân hành (Kāyasaṅkhāra), tức là hơi thở là sở hành của thân.
2. Khẩu hành (Vacīsaṅkhāra), tức là tầm và tứ, sở hành của lời nói.
3. Tâm hành (Cittasaṅkhāra), tức là thọ và tưởng, sở hành của ý nghĩ.
Đối với một vị nhập thiền diệt, khi ấy tâm hành này đoạn diệt, trước là diệt khẩu hành (tầm, tứ), kế là diệt thân hành (hơi thở), cuối cùng là diệt ý hành (thọ và tưởng). Chính vì vậy thiền diệt (Nirodhasamāpatti) được gọi là thiền diệt thọ, tưởng định (Saññāvedayitanirodhaṃ).

M.I.301; S.IV.293.

[88] Ba hành (Saṅkhāra), nói theo nghiệp lý:
1. Thân hành (Kāyasaṅkhāra), hay còn gọi là thân tư niệm (Kāyasañcetanā), là sự cố ý hành động.
1. Khẩu hành (Vacīsaṅkhāra), hay còn gọi là khẩu tư niệm (vacīsañcetanā), là sự cố ý ngôn.
2. Tâm hành (Cittasaṅkhāra) hoặc ý hành (manosaṅkhāra), còn gọi là ý tư niệm (manosañcetanā), là sự cố ý suy nghĩ.
Ba loại hành này có ý nghĩa liên quan đến hành trong y tương sinh (paṭiccasamuppāda).

M.I.54.390; S.II.4; Vbh.135.

[89] Ba hữu (Bhava), cõi tái sanh:
1. Dục hữu (Kāmabhava), gồm 11 cõi dục giới là: 4 cõi khổ, cõi nhân loại và 6 cõi trời như Tứ thiên vương, Đạo lợi v.v...
2. Sắc hữu (Rūpabhava), gồm 16 cõi Phạm thiên sắc giới là: 3 cõi sơ thiền, 3 cõi nhị thiền, 3 cõi tam thiền và 7 cõi ngũ thiền.
3. Vô sắc hữu (Arūpabhava), gồm 4 cõi Phạm thiên vô sắc giới như cõi không vô biên xứ v.v...

D.III. 215; M.I.294.

[90] Ba loại định (Samādhi):

1. Sát na định (Khaṇikasamādhi), là tâm định thoáng chốc; định của sát na tâm thiện dục giới trú trên đối tượng.
2. Cận hành định (Upacārasamādhi), là tâm định gần như kiên cố; cũng là định của tâm thiện dục giới nhưng trụ vững chắc hơn sát na định.
3. An chỉ định (Appanāsamādhi), là tâm định kiên cố trên đề mục, đây là định thuộc thiền chứng như tâm thiền đáo đại và thiền siêu thế.

Dhs A.117; Vism.144.

[Image: with-love-smiley-emoticon.gif]
Reply