Triệu chứng ung thư cổ tử cung
#1

Thứ bảy, 5/11/2022, 20:00 (GMT+7)

 qua 4 giai đoạn
Ung thư cổ tử cung gây chảy máu âm đạo, tiết dịch nhiều, đau vùng chậu giai đoạn sớm và dễ nhầm lẫn với bệnh phụ khoa nên thường phát hiện muộn.
Ung thư cổ tử cung là một bệnh lý ác tính phát sinh từ các tế bào của cổ tử cung (phần dưới của tử cung nối với âm đạo). TS.BS Vũ Hữu Khiêm - Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, HPV (virus gây u nhú ở người), được chứng minh có mối liên quan với ung thư cổ tử cung, nhất là các chủng nguy cơ cao như HPV 16, HPV 18... Khi phơi nhiễm với HPV, thông thường hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ ngăn chặn virus gây bệnh. Tuy nhiên, virus có thể tồn tại nhiều năm trong cơ thể người nhiễm và góp phần gây bệnh.
Ung thư cổ tử cung được chia thành 4 giai đoạn theo thứ tự từ I đến IV. Giai đoạn càng thấp thì bệnh ung thư càng ít di căn. Ở giai đoạn cao hơn, chẳng hạn như giai đoạn IV, có nghĩa là bệnh đã tiến triển hơn.
Nếu sinh thiết cho thấy có tế bào ung thư, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số chẩn đoán hình ảnh nhất định để xác định giai đoạn ung thư như soi bàng quang, soi cổ tử cung, chụp X-quang ngực, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI)...
Ung thư cổ tử cung thường được phân giai đoạn theo hệ thống phân giai đoạn của Hiệp hội Sản phụ khoa Quốc tế (FIGO).


Giai đoạn I
Tế bào ung thư lan từ niêm mạc cổ tử cung vào mô sâu hơn của tử cung và chưa xâm lấn các cơ quan khác. Giai đoạn này được chẩn đoán bằng khám lâm sàng kết hợp xét nghiệm tế bào học và mô bệnh học.
Các triệu chứng của ung thư cổ tử cung giai đoạn này bao gồm ra máu bất thường giữa các kỳ kinh ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, ra máu âm đạo sau mãn kinh, chảy máu sau khi quan hệ tình dục, tăng tiết dịch bất thường âm đạo.
Giai đoạn II
Ung thư đã lan ra ngoài tử cung đến các khu vực lân cận như âm đạo hoặc mô gần cổ tử cung, nhưng vẫn ở bên trong vùng chậu, chưa di căn đến các bộ phận khác của cơ thể. Các triệu chứng giai đoạn này bao gồm đau lưng, đau chân hoặc vùng chậu dai dẳng; sụt cân, mệt mỏi, chán ăn. Tiết dịch có mùi hôi và khó chịu ở âm đạo, sưng chân hoặc cả hai chi dưới cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo.
[Image: phu-nu-1366-1667578852.png?w=680&h=0&q=1...jRWE2U2L8A]

Phụ nữ bị ung thư cổ tử cung thường có triệu chứng đau vùng bụng, vùng chậu. Ảnh: Freepik

Giai đoạn III
Khối u xâm lấn 1/3 dưới của âm đạo và/ hoặc đã lan đến thành chậu; gây thận ứ nước; và/hoặc liên quan đến các hạch bạch huyết lân cận, chưa di căn xa.
Khi ung thư cổ tử cung tiến triển giai đoạn 3, các triệu chứng thường nghiêm trọng hơn bao gồm đau lưng thường xuyên; đau, sưng chân kéo dài; đau xương chậu dai dẳng. Người bệnh còn có thể bị sụt cân không rõ nguyên nhân; thể trạng mệt mỏi; ăn không ngon miệng, chán ăn. Các triệu chứng khác như dịch tiết âm đạo có mùi hôi, cảm thấy khó chịu ở âm đạo.
Giai đoạn IV
Ung thư đã lan đến bàng quang hoặc trực tràng, chưa hoặc đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể. Theo bác sĩ Khiêm, những dấu hiệu ung thư cổ tử cung giai đoạn IV điển hình như ra máu bất thường âm đạo, đau xương chậu, đau và phù chân, đau rát âm đạo, âm đạo tiết dịch nhiều, có mùi hôi, màu sắc bất thường... Người bệnh còn gặp nhiều dấu hiệu khác ở những nơi các tế bào ác tính di căn như đau ở vùng trực tràng, rối loạn tiêu hóa; tiểu khó, đau buốt khi đi tiểu, nước tiểu lẫn máu khi ung thư di căn thận...
[Image: 05-8252-1667578852.jpg?w=680&h=0&q=100&d...sYyI2SV3NA]



Bác sĩ tư vấn tầm soát ung thư cổ tử cung cho một phụ nữ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Châu Bùi

Dựa vào thông tin từ cơ sở dữ liệu SEER do Viện Ung thư Quốc gia Mỹ (NCI), Hiệp hội Ung thư Mỹ đã cung cấp số liệu thống kê về khả năng sống còn của các loại ung thư khác nhau, trong đó, có ung thư cổ tử cung. Cơ sở dữ liệu SEER theo dõi tỷ lệ sống thêm tương đối 5 năm đối với ung thư cổ tử cung ở Mỹ, dựa trên mức độ di căn của ung thư. Theo đó, tỷ lệ sống thêm 5 năm theo từng giai đoạn gồm giai đoạn I khoảng 95%, giai đoạn II (70%), giai đoạn III (40%) và giai đoạn IV (15%).
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2020 đã có khoảng 604.000 ca mắc mới và 342.000 ca tử vong do ung thư cổ tử cung. Khoảng 90% trong số này xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Hầu hết các trường hợp tử vong là do phát hiện muộn, khi bệnh tiến xa di căn hạch và di căn xa tới các cơ quan, đã xâm lấn vào các hạch bạch huyết và các cơ quan trong cơ thể.
Tầm soát, phát hiện sớm ung thư cổ tử cung giúp điều trị hiệu quả, giảm tỷ lệ tái phát, tăng tỷ lệ sống còn và chất lượng sống cho người bệnh.
[url=https://vnexpress.net/ung-thu-co-tu-cung-co-chua-khoi-khong-4529600.html][/url]


.
Be Vegan, make peace.
Reply
#2

Chủ nhật, 30/10/2022, 19:00 (GMT+7)

Ung thư cổ tử cung có chữa khỏi không?
Ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, tỷ lệ sống sót càng thấp ở các giai đoạn sau vì khối u đã lan ra nơi khác.
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, ung thư cổ tử cung được phát hiện sớm có khả năng điều trị và chữa khỏi cao. Số lượng tế bào ung thư, giai đoạn, đáp ứng với điều trị, tuổi tác, sức khỏe tổng thể là những yếu tố quyết định tỷ lệ sống sót.

Giai đoạn ung thư được xác định bởi mức độ lây lan của tế bào ung thư. Giai đoạn càng thấp, ung thư càng ít di căn. Giai đoạn đầu, ung thư ít hoặc không lây lan dễ điều trị và chữa khỏi hơn các giai đoạn sau. Bệnh được chia thành 4 giai đoạn với mức độ nghiêm trọng tăng dần.

Giai đoạn 1: Ung thư khu trú chưa lan ra ngoài cổ tử cung. Khối u phát triển từ bề mặt vào sâu hơn các mô cổ tử cung. Giai đoạn này thường không có triệu chứng và thường đáp ứng rất tốt với điều trị. Nhiều phương pháp điều trị bệnh ở giai đoạn một không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Tỷ lệ sống sót 5 năm khi điều trị giai đoạn đầu lên tới 92%.

Giai đoạn 2: Là ung thư khu vực, khối u đã lan ra bên ngoài cổ tử cung và tử cung nhưng chưa lan đến các hạch bạch huyết hoặc các cơ quan lân cận. Người bệnh có thể gặp triệu chứng như đau vùng chậu, chảy máu âm đạo khi quan hệ tình dục, kinh nguyệt bất thường (ra máu giữa các kỳ kinh, chảy máu nhiều hơn trong kỳ kinh). Tỷ lệ sống sót 5 năm điều trị giai đoạn này là 58%.


Giai đoạn 3: Ung thư cổ tử cung đã lan ra bên ngoài cổ tử cung vào thành chậu hoặc phần dưới của âm đạo và có thể đã lan vào các hạch bạch huyết gần đó. Các khối u đủ lớn để ảnh hưởng xấu đến chức năng thận. Người bệnh thường có các triệu chứng như khó đi tiểu, đau lưng, sưng chân, nước tiểu có máu.

Giai đoạn 4: Đây giai đoạn cuối hay ung thư di căn, lúc này tế bào ung thư đã lan đến các cơ quan lân cận hoặc các khu vực khác của cơ thể như xương, phổi, gan hoặc não. Ung thư cổ tử cung tái phát cũng được tính vào giai đoạn này. Các triệu chứng phụ thuộc vào vị trí di căn. Người bệnh mệt mỏi quá mức, suy nhược và khó thở. Khi ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết (giai đoạn 3) và di căn, tỷ lệ sống sót 5 năm sau điều trị chỉ còn 17%.

[Image: -3768-1667040596.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr...BQBQXELM3w]

Bệnh nhân mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu có thể đáp ứng điều trị tốt và chữa khỏi. Ảnh: Freepik.

Ung thư cổ tử cung thường bắt đầu từ các tế bào lót cổ tử cung. Có hai loại phổ biến gồm ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư biểu mô tuyến. Một số khối u có thể chứa cả hai loại tế bào nhưng ít phổ biến hơn. Ung thư biểu mô tuyến khó điều trị hơn và ít thành công hơn ung thư biểu mô tế bào vảy. Dựa trên phản ứng của bệnh nhân, giai đoạn mà bác sĩ có các phương pháp điều trị như phẫu thuật loại bỏ khối u hoặc phải cắt bỏ cổ tử cung (tử cung hoặc phần trên âm đạo), loại bỏ hạch bạch huyết, hóa trị, xạ trị, thuốc, liệu pháp miễn dịch.

Trong một số trường hợp, tế bào ung thư không phản ứng với điều trị, được gọi là kháng điều trị, kháng hóa trị liệu hoặc kháng thuốc. Kháng thuốc có thể xảy ra trong vài tuần, dần dần trong vài tháng hoặc vài năm. Khi đáp ứng điều trị thấp hơn mức tối ưu sẽ tạo cơ hội cho các tế bào ung thư mới hình thành và phát triển, gây tái phát bệnh. Việc chăm sóc bản thân và dinh dưỡng tốt là rất quan trọng trong điều trị sau chẩn đoán ung thư.

Ung thư cổ tử cung có thể tái phát vài tháng hoặc vài năm sau khi điều trị. Bệnh tái phát có thể do các tế bào ung thư ở vị trí không được phát hiện tại thời điểm điều trị hoặc do phát triển của tế bào ung thư mới. Tỷ lệ tái phát của loại ung thư này sau phẫu thuật là 11-22% ở giai đoạn một và 2, 28-64% ở giai đoạn 3 và 4. Ung thư cổ tử cung tái phát có thể tại chỗ (trong cổ tử cung), khu vực (trong các hạch bạch huyết hoặc mô lân cận) hoặc di căn ở các bộ phận khác của cơ thể. Vị trí tái phát sẽ quyết định phương pháp điều trị.

Ung thư tái phát thường khó điều trị. Ung thư cổ tử cung giai đoạn 4 thường không thể chữa khỏi. Các lựa chọn chăm sóc giảm nhẹ giảm bớt các triệu chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống là những điều bệnh nhân nên làm ở giai đoạn này.


Mai Cát
(Theo Very Well Health)

  Trở lại Sức khỏe
Be Vegan, make peace.
Reply