2022-05-27, 08:42 PM
🌹🌹QUYỀN ĐƯỢC NỔI GIẬN
🍀Bs Nguyễn Lan Hải
Con gái tôi lúc khoảng 3,4 tuổi, đang chơi với anh họ cùng trang lứa thì bị một thằng bé khác lớn hơn giằng lấy thú bông và ném xuống đất. Thay vì mách mẹ, bé chọn cách nhanh gọn hơn là húc đầu vào bụng kẻ bắt nạt, làm nó ngã bổ chửng.
Xong việc, con bé dịu dàng ôm thú bông vào lòng dỗ dành. Vài người họ hàng cho rằng nó “đáo để” và “hai mặt”, nhưng sau vụ đó, thằng bé kia hễ thấy con tôi là phải nhường đường.
Cô bạn cùng lớp ngày xưa của tôi có vóc người nhỏ nhắn, học giỏi và rất tự tin. Khi học cấp 3, bạn từng bị một tên nghịch như giặc trong lớp đùa nhây. Bạn yêu cầu nó dừng lại nhưng ỷ số đông nên “thằng quỷ nhỏ” càng leo thang.
Tưởng cô bạn tôi sẽ bật khóc. Ai dè… cô ấy tung cú đá “song phi” vào người nó, tiện tay tát thêm hai cái. Từ đó, “anh sống ra sao, răng lợi thế nào” không rõ, chỉ biết một điều: Bạn tôi không bao giờ bị ăn hiếp nữa.
Nay thì trên mạng xã hội đầy những chuyện vợ chồng đang sống êm đềm bỗng dưng cãi cọ, lôi nhau ra tòa; tin tức về thanh thiếu niên có xu hướng tự tử tăng lên. Nhìn vào, ta thấy mọi chuyện thật bất ngờ, đột ngột. Hai vợ chồng rõ ràng không hề mâu thuẫn, thậm chí còn là “gia đình kiểu mẫu”, vậy mà đùng một cái đường ai nấy đi. Một đứa con ngoan trò giỏi, cha mẹ đặt bao kỳ vọng, một hôm bỗng ra đi mãi mãi.
Thực ra không có gì là ngẫu nhiên. Đằng sau mỗi biến cố gia đình là một người bị tước đi quyền được nổi giận, phản kháng. Cặp vợ chồng “lý tưởng” bỗng chia tay, chứng tỏ trước đó một trong hai người đã phải nín nhịn tới mức bùng nổ. Một bên thích nói gì thì nói, thoải mái trút bực dọc vào bạn đời, bên kia cố im lặng nhẫn nhục cho “êm cửa êm nhà”.
Một đứa con vốn ngoan ngoãn, chăm học bỗng để lại thư tuyệt mệnh, chứng tỏ nó đã đến giới hạn chịu đựng mà bố mẹ không chịu hiểu. Đứa trẻ không thể nổi giận với bố mẹ, thầy cô hay người lớn. Khi áp lực làm nó suy sụp, nó đành tìm đường tự giải thoát.
Ngẫm lại, phải chăng họ ít được dạy cách bày tỏ cơn giận cho đúng đắn, thậm chí nhiều người không có cả quyền nổi giận.
*****
Tức giận, buồn bã, chán ghét bị xếp vào nhóm cảm xúc tiêu cực, đối lập với cảm xúc tích cực như vui vẻ, hạnh phúc, bình an. Vì vậy, nhiều người có xu hướng đè nén, giấu giếm, chối bỏ sự tức giận thay vì giải tỏa nó một cách phù hợp. Ta có thể quên mau một cơn giận vu vơ nhưng vô số nỗi ức chế nhỏ bị dồn nén lại, cứ mãi chất đống mà không xả ra, ắt có ngày biến thành cơn sóng thần hoặc trận cuồng phong.
Giận dữ không phải lúc nào cũng xấu. Khi bị chèn ép, khinh thường và lợi dụng, cơn giận sẽ là vũ khí giúp ta bảo vệ bản thân và người khác, chỉ cần ta biết điều khiển cơn giận của mình thay vì để nó khống chế. Giận dữ đúng lúc, đúng cách giúp truyền đi tín hiệu “tôi không thích bị đối xử như vậy”, “chuyện đó không vui đâu”. Nhờ thế, người khác sẽ hiểu ta hơn, tránh nổ ra xung đột lớn.
Cơn giận khi bị đối xử thiếu tôn trọng, bị lợi dụng và bỏ rơi; giận trước sự bất công; giận vì nỗi đau không được thấu hiểu; giận vì muốn bảo vệ bản thân và người khác,… là những cảm xúc cần được tôn trọng chứ không phải chối bỏ.
Việt Nam có thành ngữ “Quá tam ba bận”, cũng như Nhật Bản có câu “Vẻ mặt hiền như Phật cũng chỉ duy trì đến lần thứ ba”(Hotoke no kao mo sando). Hai thành ngữ này đều khuyên ta sống biết điều, giới trẻ nói vui là “đừng giỡn quá lố kẻo giỗ quá lớn”.
Bởi chẳng ai có thể khoan dung chịu đựng mãi. Người hiền lành nhất cũng có lúc cần nổi giận, đây là quyền chính đáng của họ.
Người xưa thường dạy nên nhẫn nhịn và bình tĩnh, bởi kẻ biết "nhẫn" mới làm nên nghiệp lớn. Nhưng cũng cần học cách bộc lộ cơn giận và nỗi buồn, để không làm tổn thương ai kể cả chính ta.
*****
Nhân vật nam chính trong truyện tranh “Giỏ trái cây” nói với bạn tri kỷ của mình: “Tôi mong cậu sẽ hạnh phúc nhiều hơn bất kỳ ai. Nhất định cậu sẽ tìm được một người chỉ dành cho cậu, tìm được nơi cậu có thể tự do khóc, cười và thỉnh thoảng nổi giận.”
Khi yêu quý một người, chúng ta thường muốn thấy người đó luôn tươi cười vui vẻ. Nhưng sẽ còn tốt hơn nếu ta cho họ quyền được nổi giận và đau buồn, được trút bầu tâm sự mà không lo bị phán xét hay xa lánh.
🍀Bs Nguyễn Lan Hải.
(báo Công giáo và Dân tộc).
🍀Bs Nguyễn Lan Hải
Con gái tôi lúc khoảng 3,4 tuổi, đang chơi với anh họ cùng trang lứa thì bị một thằng bé khác lớn hơn giằng lấy thú bông và ném xuống đất. Thay vì mách mẹ, bé chọn cách nhanh gọn hơn là húc đầu vào bụng kẻ bắt nạt, làm nó ngã bổ chửng.
Xong việc, con bé dịu dàng ôm thú bông vào lòng dỗ dành. Vài người họ hàng cho rằng nó “đáo để” và “hai mặt”, nhưng sau vụ đó, thằng bé kia hễ thấy con tôi là phải nhường đường.
Cô bạn cùng lớp ngày xưa của tôi có vóc người nhỏ nhắn, học giỏi và rất tự tin. Khi học cấp 3, bạn từng bị một tên nghịch như giặc trong lớp đùa nhây. Bạn yêu cầu nó dừng lại nhưng ỷ số đông nên “thằng quỷ nhỏ” càng leo thang.
Tưởng cô bạn tôi sẽ bật khóc. Ai dè… cô ấy tung cú đá “song phi” vào người nó, tiện tay tát thêm hai cái. Từ đó, “anh sống ra sao, răng lợi thế nào” không rõ, chỉ biết một điều: Bạn tôi không bao giờ bị ăn hiếp nữa.
Nay thì trên mạng xã hội đầy những chuyện vợ chồng đang sống êm đềm bỗng dưng cãi cọ, lôi nhau ra tòa; tin tức về thanh thiếu niên có xu hướng tự tử tăng lên. Nhìn vào, ta thấy mọi chuyện thật bất ngờ, đột ngột. Hai vợ chồng rõ ràng không hề mâu thuẫn, thậm chí còn là “gia đình kiểu mẫu”, vậy mà đùng một cái đường ai nấy đi. Một đứa con ngoan trò giỏi, cha mẹ đặt bao kỳ vọng, một hôm bỗng ra đi mãi mãi.
Thực ra không có gì là ngẫu nhiên. Đằng sau mỗi biến cố gia đình là một người bị tước đi quyền được nổi giận, phản kháng. Cặp vợ chồng “lý tưởng” bỗng chia tay, chứng tỏ trước đó một trong hai người đã phải nín nhịn tới mức bùng nổ. Một bên thích nói gì thì nói, thoải mái trút bực dọc vào bạn đời, bên kia cố im lặng nhẫn nhục cho “êm cửa êm nhà”.
Một đứa con vốn ngoan ngoãn, chăm học bỗng để lại thư tuyệt mệnh, chứng tỏ nó đã đến giới hạn chịu đựng mà bố mẹ không chịu hiểu. Đứa trẻ không thể nổi giận với bố mẹ, thầy cô hay người lớn. Khi áp lực làm nó suy sụp, nó đành tìm đường tự giải thoát.
Ngẫm lại, phải chăng họ ít được dạy cách bày tỏ cơn giận cho đúng đắn, thậm chí nhiều người không có cả quyền nổi giận.
*****
Tức giận, buồn bã, chán ghét bị xếp vào nhóm cảm xúc tiêu cực, đối lập với cảm xúc tích cực như vui vẻ, hạnh phúc, bình an. Vì vậy, nhiều người có xu hướng đè nén, giấu giếm, chối bỏ sự tức giận thay vì giải tỏa nó một cách phù hợp. Ta có thể quên mau một cơn giận vu vơ nhưng vô số nỗi ức chế nhỏ bị dồn nén lại, cứ mãi chất đống mà không xả ra, ắt có ngày biến thành cơn sóng thần hoặc trận cuồng phong.
Giận dữ không phải lúc nào cũng xấu. Khi bị chèn ép, khinh thường và lợi dụng, cơn giận sẽ là vũ khí giúp ta bảo vệ bản thân và người khác, chỉ cần ta biết điều khiển cơn giận của mình thay vì để nó khống chế. Giận dữ đúng lúc, đúng cách giúp truyền đi tín hiệu “tôi không thích bị đối xử như vậy”, “chuyện đó không vui đâu”. Nhờ thế, người khác sẽ hiểu ta hơn, tránh nổ ra xung đột lớn.
Cơn giận khi bị đối xử thiếu tôn trọng, bị lợi dụng và bỏ rơi; giận trước sự bất công; giận vì nỗi đau không được thấu hiểu; giận vì muốn bảo vệ bản thân và người khác,… là những cảm xúc cần được tôn trọng chứ không phải chối bỏ.
Việt Nam có thành ngữ “Quá tam ba bận”, cũng như Nhật Bản có câu “Vẻ mặt hiền như Phật cũng chỉ duy trì đến lần thứ ba”(Hotoke no kao mo sando). Hai thành ngữ này đều khuyên ta sống biết điều, giới trẻ nói vui là “đừng giỡn quá lố kẻo giỗ quá lớn”.
Bởi chẳng ai có thể khoan dung chịu đựng mãi. Người hiền lành nhất cũng có lúc cần nổi giận, đây là quyền chính đáng của họ.
Người xưa thường dạy nên nhẫn nhịn và bình tĩnh, bởi kẻ biết "nhẫn" mới làm nên nghiệp lớn. Nhưng cũng cần học cách bộc lộ cơn giận và nỗi buồn, để không làm tổn thương ai kể cả chính ta.
*****
Nhân vật nam chính trong truyện tranh “Giỏ trái cây” nói với bạn tri kỷ của mình: “Tôi mong cậu sẽ hạnh phúc nhiều hơn bất kỳ ai. Nhất định cậu sẽ tìm được một người chỉ dành cho cậu, tìm được nơi cậu có thể tự do khóc, cười và thỉnh thoảng nổi giận.”
Khi yêu quý một người, chúng ta thường muốn thấy người đó luôn tươi cười vui vẻ. Nhưng sẽ còn tốt hơn nếu ta cho họ quyền được nổi giận và đau buồn, được trút bầu tâm sự mà không lo bị phán xét hay xa lánh.
🍀Bs Nguyễn Lan Hải.
(báo Công giáo và Dân tộc).