2022-04-16, 03:31 AM
Dầu Tiếng có tên hành chánh quận Trị Tâm, và quân sự là chi khu Trị Tâm.
Lời ngỏ: Trong thời chiến tranh, bổn phận thanh niên đều phải vào quân đội để góp sức mình bảo vệ quốc gia làm tròn nhiệm vụ người trai thời loạn, và tùy theo ý thích đầu quân vào các binh chủng Hải, Lục và Không Quân. Nhưng ai ai cũng có ý nghĩ vào binh chủng Hải Quân là hào hoa phong nhã. Ngoài ra còn mang chữ THỌ trên lưng?
- Xin mạn phép mời quý vị theo dõi bài viết này để hiểu rõ hơn về nét kiêu hùng của binh chủng Hải Quân.
(Kính tặng HQ Đại úy Lê Hữu Dõng - Chỉ huy Trưởng đoàn chiến đỉnh công tác)
Vào năm 1966. Tôi và anh bạn cùng tổ công tác là Cang (Mão), chúng tôi đang ở trên chiếc Monitor chỉ huy của Giang Đoàn 24. Trong chuyến công tác này Giang Đoàn 22 cùng kết hợp để tải đạn tiếp tế cho quận Dầu Tiếng. HQ Đại úy Lê Hữu Dõng, Giang Đoàn Trưởng Giang Đoàn 22, chỉ huy đoàn tàu.
Sau khi rời khỏi căn cứ tại trại Cửu Long, đoàn tàu di chuyển qua cầu Bình Lợi rồi dừng lại để chờ con nước ròng thấp xuống đến mực nước an toàn cho đoàn tàu có thể chui qua được các cầu bắt ngang trên con sông sẽ đi qua.
Lại một lần nữa tôi như có linh cảm sắp xảy ra chuyện không may trong chuyến công tác này? Nhìn theo dòng nước đục ngầu đang lững lờ trôi, những làn sóng lăn tăn gợn nhẹ theo mạn tàu mà lòng nao nao.
....Năm 1962.
Tôi nhớ lại khi tôi mới tốt nghiệp khóa 26 chuyên nghiệp năm 1962, có dịp làm quen với một cô nữ sinh trường trung học ở Tây Ninh, qua vài lần thư từ qua lại cô có chỉ cho tôi cách cầu cơ cho đỡ buồn. Sau đó tôi và vài người bạn cũng có thử cầu cơ nhưng khó mà biết được thật hay giả, đúng hay sai? Vì các bạn tôi tánh tình không giống nhau nên khi xoay cơ không biết nó có đẩy đi theo ý của nó hay không?
Có một đêm tôi trực tại văn phòng NN dưới tầng lầu Ty Quân Cảng. Giữa không gian tĩnh mịch buồn tẻ ấy bỗng tôi nhớ lại việc cầu cơ, nhưng xoay cơ thì phải có hai người để nhờ vào hai luồng nhân điện thì cơ mới có thể chạy được. Thôi thì mình cứ đem ra thử chơi xem coi có được hay không, tôi lấy giấy vẽ 24 chữ cái và các dấu cần thiết, xong tôi đặt tay lên cơ bằng một cái chung sành để uống trà, rồi đọc lời cầu “xin thần thánh hay ma quỉ đi ngang qua đây xin nhập vào cơ và khiến cơ lay chuyển”. Câu chú này do cô bạn ghi lại cho tôi. Khoảng chừng vài phút sau bỗng tay tôi có cảm giác như rung động và rồi tay tôi như đang bị kéo theo chiếc cơ. Sau đó cơ di chuyển vài vòng tròn như là tập cho tay của tôi được nhuần nhã rồi chiếc cơ dừng lại tại tim cơ. Bắt đầu cơ dẫn tay tôi chỉ vào các chữ sắp ra thành câu:
- Tôi là “Ma” tên tôi là. Anh có hỏi tôi điều gì không?
Tôi hỏi: Anh là ma, anh chết ở đâu vậy?
Cơ trả lời: Tôi là Thủy Thủ Hải Quân đi tàu chết ở Bình Dương...
Trong lúc đó tôi đang hoang mang vì không biết tại sao cơ có thể di chuyển với một mình tôi?
...Khi thấy cơ nói đi tàu mà chết ở Bình Dương tôi lấy làm lạ. Thật sự lúc đó tôi cũng chưa biết là Hải Quân có công tác đi trên dòng sông Bình Dương vì tôi mới ra trường chưa biết nhiều về hoạt động của Hải Quân....
Hôm nay tôi đang đi công tác tại dòng sông Bình Dương, Dầu Tiếng nên mới nhớ lại việc xoay cơ. Và anh bạn “Ma” ngày trước đã chết trên dòng sông này, có phải anh đang cùng tôi đi trong chuyến công tác này không?
Vị HQ Trung úy sĩ quan chỉ huy chiếc Monitor giang đoàn 24 gọi chúng tôi vào phòng cho biết nhiệm vụ của chuyến đi. Hai Người Nhái chúng tôi được biệt phái theo chuyến công tác này là để phòng khi cần cấp cứu.
Thủy triều đã hạ thấp đoàn giang đỉnh của chúng tôi đã lên đến tỉnh Bình Dương và cũng là bắt đầu lọt vào đoạn “Dòng Sông Chết” vì theo dòng sông ngược về thượng nguồn đến quận Dầu Tiếng đoàn giang đỉnh phải vượt qua các mật khu của Việt Cộng như mật khu Bời Lời, mật khu Hố Bò và Chiến khu Dương Minh Châu, v.v. (mật khu Tam Giác Sắt.) Dòng sông chiều ngang khoảng chừng 20 đến 25 thước. VC đã đặt rất nhiều thủy lôi tự chế.
Hai NN chúng tôi cùng vào nhiệm sở tác chiến, tôi làm trưởng khẩu Bích Kích Pháo 81 ly có nhiệm vụ truyền khẩu lệnh tác xạ từ đài chỉ huy lại cho xạ thủ là anh Hạ sĩ Kim nhân viên cơ hữu của giang đỉnh, còn NN Cang thì làm xạ thủ Đại Bác 20 ly bên hông sau.
Ảnh TL.HQVNCH
Đoàn giang đỉnh khoảng 20 chiếc đủ loại với cặp Xung Kích Đỉnh (Fom) mở đường và bảo vệ hai bên chiếc Giang Đỉnh Chỉ huy (Monitor combat), một chiếc phi cơ quan sát L19, hai chiếc trực thăng yểm trợ và căn cứ pháo binh Bình Dương pháo dọc theo giang trình. Khi qua ngã ba nhà máy xay lúa, đoàn giang đỉnh bắt đầu tác xạ dọc theo hai bên bờ sông. Tôi nhận lệnh từ đài chỉ huy ra lệnh cho xạ thủ nã súng cối lên hai bên bờ sông còn các ổ súng khác như Đại Bác 40 ly Bofor, Đại Liên 50 trong pháo tháp trước mũi và 2 Đại Bác 20 ly hai bên hông sau cũng cùng khai hỏa.
Khúc sông của Tử Thần
Đoàn chiến đỉnh di chuyển theo đội hình lúc bên trái lúc bên phải tùy theo dòng nước qua kinh nghiệm chiến trường già dặn của vị Chỉ huy để tránh những cạm bẫy thủy lôi của VC thả trôi theo dòng nước. Càng lúc càng vào lần vùng tử địa, thủy lôi cũng bắt đầu nổ rải rác do các tổ đặc công châm ngòi nhưng chưa giang đỉnh nào bị trúng.
Dòng sông đầy hiểm ác gian nguy, thủy lôi vẫn nổ càng lúc càng nhiều hơn, nhưng đoàn giang đỉnh vẫn lầm lì tiến tới như thách thức tử thần.
Nếu ai có tham dự một chuyến hành quân với Giang Đoàn Hải Quân thì mới thấy được sự can đảm gan dạ phi thường của các chiến sĩ Hải Quân như chuyến công tác này là một. Các anh đã biết chắc là đang đem thân vào nơi hang cọp nhưng vẫn kiên cường thi hành nhiệm vụ cấp trên giao phó.
Chiếc Giang Đỉnh bị chạm Thủy Lôi
Nhưng rồi việc phải đến đã đến với chiếc giang đỉnh chỉ huy mà hai NN chúng tôi đang có mặt. Khi tôi ra lệnh cho xạ thủ Kim nạp một quả 81 ly vào nòng thì một tiếng ẦM làm rung chuyển thân chiến đỉnh. Trong lúc tôi đang nhìn vào khẩu BKP 81 ly xem coi có phải đã bị trổ nòng rồi chăng? Thì chiếc nón sắt tôi đang đội bị một thùng đạn bằng kim loại trong chứa 16 trái đạn 40 ly từ phía trước mũi tàu bị sức nổ dội của trái thủy lôi bị hất tung lên cao rơi xuống trúng vào chiếc nón sắt của tôi, góc thùng cấn vào lũng một lỗ, chiếc nón sắt trật ra khỏi đầu của tôi, chiếc thùng rớt xuống sàn hầm súng cối và quay ngang trúng vào chân làm gãy xương ống quyển của xạ thủ Kim, các thùng đạn 40 ly rơi tiếp theo xuống hầm súng cối nhưng may mắn cho tôi các thùng đạn rơi xuống sau không trúng vào đầu trần không còn nón sắt của tôi nữa. Tôi bị kẹt dưới mấy thùng đạn nên gọi Hạ sĩ Kim khiêng các thùng đạn giúp tôi nhưng anh Kim nói anh đã bị gãy chân rồi. Tôi bảo anh Kim nằm yên ở đó đừng động đậy rồi tôi cố đẩy mấy thùng đạn và bồng Hạ sĩ Kim đưa lên khỏi hầm BKP để anh nằm trên sàn tàu, NN Cang đang thủ khẩu 20 ly vội chạy tới hầm Bích Kích Pháo miệng kêu:
- An ơi An ơi! mày đâu rồi.
Tôi trả lời: Tao không có sao, và kêu Cang: Mày phụ tao để đem 2 anh xạ thủ còn bất tỉnh trong pháo tháp 40 ly phía trước ra.
Trong lúc đó các chiến đỉnh cũng đã ghim mũi tàu vào hai bên bờ bắn xối xả, trực thăng cũng được điều động tới để bắn yểm trợ.
Sau đó trực thăng đáp xuống bờ sông để di tản 3 nhân viên HQ bị thương về Bình Dương. Chiếc giang đỉnh chỉ huy chạm thủy lôi bị thương được 2 chiếc LCM cặp hai bên gấp rút di chuyển.
Tôi rờ đầu xem lại mới hay là bị lũng tróc da đầu chảy máu một chút vì bị góc thùng rớt trúng, chỉ thấy hơi tê đau, còn nơi bắp vế thì bị mấy vết bầm tím vì góc thùng đạn rớt trúng.
Dòng sông càng đi lên thượng nguồn thì càng nhỏ hẹp lại. Khoảng chừng nửa giờ sau, Đoàn giang đỉnh tới quận Dầu Tiếng lúc 4 giờ chiều, các đơn vị địa phương cấp tốc đem đạn dược lên khỏi tàu, để đoàn tàu trở về ngay cho kịp trước khi mặt trời lặn vì ban đêm tàu sẽ gặp nhiều nguy hiểm hơn.
Đoàn chiến đỉnh trên đường về chở theo một trung đội Địa Phương Quân mãn công tác theo tàu trở về Bình Dương. Và lần trở về này thập phần nguy hiểm vì đã làm náo động các mật khu của VC trên đường đi, nên đoàn chiến đỉnh trên đường về được bọn VC chào đón với hàng rào thủy lôi gấp mấy lần lúc đi. Đoàn giang đỉnh uốn khúc để tránh những lùm lục bình trôi và thủy lôi vẫn nổ ào ạt với những cột nước tung lên cao cả bên phải lẫn bên trái của đoàn giang đỉnh, cùng với tiếng súng nhỏ bắn sẻ của VC. Đáp lại hỏa lực của VC, chiến đỉnh cũng phản pháo lại hai bên bờ thật dữ dội.
Đến khoảng 5 giờ chiều được vô tuyến báo cáo chiếc LCM chở Địa Phương Quân bị VC bắn 57 ly xuyên qua thành tàu đi ngang qua ót cổ của một anh ĐPQ đang ngồi ngủ chết liền, anh em để xác anh ngồi nguyên theo vị thế đó rồi phủ mền lên.
Chiến Đỉnh LCM bị chìm vì Thủy Lôi
Đến khoảng 6 giờ chiều, một chiếc LCM chở Địa Phương Quân khác bị trúng thủy lôi chìm xuống nước mang theo trên 20 mươi người chết và vài thủy thủ đoàn bị văng ra khỏi tàu được giang đỉnh bạn vớt lên. Đoàn giang đỉnh lập vòng đai và bắn vào hai bên bờ. Khi vớt xong các nạn nhân nổi trên mặt nước, để tránh nguy hiểm ban đêm nơi lòng đất địch, đoàn giang đỉnh trở về Bình Dương nghỉ đêm.
Sáng sớm hôm sau đoàn giang đỉnh trở lại nơi LCM bị chìm và lập đội hình bảo vệ nơi đó. NN chúng tôi bắt đầu làm việc, có 2 thợ lặn do Hải Quân Công xưởng đưa lên phụ trách việc tháo gỡ các khẩu súng trên tàu. Nước sông đục ngầu! Tổ chúng tôi lặn xuống khoảng 2 thước nước thì đã tối đen tôi chỉ lần mò giống như người đi trong đêm tối, chúng tôi lần theo dây phao của chiếc LCM chìm, xuống độ sâu khoảng 17-18 thước thì đụng chiếc LCM chìm nằm nghiêng một bên hông. Tôi và Cang lặn vòng lần theo để tìm chỗ vào, tay tôi lần mò bỗng chạm một bàn tay, tôi nắm bàn tay đó, trong bàn tay đó đang cầm cái kềm mở ốc (Adjustable wrench) tôi biết chắc là anh thợ lặn, nhưng có lẽ sợ quá khi tôi chạm vào tay anh, anh ta vội đưa chiếc kềm cho tôi và vùng ra khỏi tay tôi rồi trồi lên mặt nước. Tôi vẫn tiếp tục tìm chỗ và chui vào chỗ lỗ rách của tấm bố che phủ mui, nhưng vì các thanh sườn sắt bị cong queo, bố bị rách tưa nhiều chỗ tôi chui vào không lọt, tôi cố quơ tay vói vào trong thì đụng nhiều xác chết đang nổi bềnh bồng trong khoang tàu. Bỗng tay tôi đụng một cái chân ngang chỗ ống quyển bị gãy nên thịt bị tưa ra nơi chỗ tôi nắm được, tôi kéo xác đó ra khỏi lỗ rách và ôm vào mình dự tính đưa lên mặt nước nhưng bình hơi thở của tôi bị vải bố rách máng vướng vào nên tôi bị kẹt trong đó, tôi vói tay kéo Cang lại nhờ gỡ bố ra giùm nhưng Cang lại ra dấu bình hơi anh ta đã hết rồi, Cang vội trồi lên mặt nước (tôi nghĩ có lẽ Cang tưởng tôi đang bị các xác chết kéo lại?). Tôi đẩy xác chết tôi đang ôm bên mình ra và cởi dây bình đưa về phía trước để tháo gỡ hết chỉ bố vướng vào bình và mang trở lại rồi trồi lên mặt nước tôi lội lên tàu thấy Cang (Mão) lạnh run đang ngồi phơi nắng. Vừa lúc đó cái xác mà tôi kéo ra khỏi tàu chìm đã nổi lên mặt nước đang trôi lững lờ, mấy người trên LCM đều la lên:
-Có xác chết, có xác chết!
Tôi đang mệt nên gọi:
- Cang mày xuống vớt xác đó lên đi Cang.
Cang hoảng sợ:
- Thôi thôi mày vớt đi, tao không xuống đâu.
Tôi vội tháo bỏ bình hơi lặn cho nhẹ rồi lội theo cái xác đang trôi và kẹp cổ mang về bỏ lên Ramp bửng đổ bộ của chiếc LCM. Trong lúc đó một số thân nhân của nạn nhân được trực thăng đưa đến đã có mặt trên chiếc LCM để nhận diện. Hai người đến khiêng xác tôi vừa vớt lên, nhưng hai người khiêng xác đứng lên cứ bị trì xuống mãi không đứng lên được, khi xem lại mới biết vì bàn chân bị gãy lìa còn dính sợi gân với ống quyển bị lọt xuống kẽ hở cửa Ramp nên khi khiêng xác bị trì lại, có người bảo cắt gân bỏ bàn chân đi nhưng không ai dám lại gần cả. Tôi nói không được đã vớt lên rồi thì phải giữ cho đủ, vừa nói tôi vừa đến cửa Ramp thò tay xuống cầm bàn chân của xác chết lên và để trên bụng xác chết, trong lúc mọi người đều day mặt đi chỗ khác. Đại úy Dõng cũng có mặt ông nói: “Cái thằng này làm thấy ghê quá mậy...” rồi lên tiểu đỉnh rời khỏi LCM.
Sau khi rửa tay xong tôi mới nhớ lại cái kềm mở ốc đang giắt nơi dây Centuron, tôi đến bên hai anh thợ lặn của HQCX hỏi cái kềm mở ốc này của ai?
Một anh thợ lặn nhìn thấy vội đứng lên:
- Dạ cái đó của tôi,
Rồi anh nói như phân bua:
- Trời ơi, anh làm tôi hết hồn, khi anh chụp lấy mỏ lết của tôi làm tôi tưởng ma nó nhát tôi, chớ xác chết sao còn sống mà chụp tay tôi? Tôi sợ quá phải trồi lên liền.
Anh nói tiếp:
- Hồi nãy tới bây giờ tôi đâu dám xuống nước nữa tôi còn đang run đó anh.
Tôi cười và vỗ vai anh như thông cảm với anh, vì ở độ sâu mười mấy thước im phăng phắc và trong hoàn cảnh tối đen chỉ mò mẫm để làm việc với chung quanh toàn là xác chết thì thật ít có ai đủ can đảm, kể cả Cang (Mão) bạn chung tổ của tôi còn sợ mặc dù trong các công tác hành quân khi đụng trận với VC Cang (Mão) rất gan dạ và liều lĩnh.
Sau 2 tiếng đồng hồ làm việc dưới nước, bình hơi thở của chúng tôi đã hết đến mức báo động. Tôi báo cáo cho cấp trên hay và được chấp thuận phá hủy chiếc LCM chìm. Tôi mang 200 ký chất nổ C4 lặn xuống đặt vào giữa chiếc tàu chìm rồi lên tàu cho tiểu đỉnh di chuyển xa mục tiêu khoảng 100 thước, châm ngòi nổ phá hủy. Sau tiếng nổ ngầm dưới nước một cột nước văng lên cao và sau làn bụi nước, những đóm dầu loang ra và những vật dụng hư bể dưới nước cũng bung theo lên lẫn thi thể nát tan ra từng mảnh nhỏ...!
Đoàn giang đỉnh rút về căn cứ theo đội hình di chuyển, chấm dứt chuyến công tác ngậm ngùi đầy xương máu!
Theo lời kể lại: Hải Quân mỗi lần nhận công tác phải di chuyển trên dòng sông này thì đều phải hy sinh ít nhất là một tiểu đỉnh. Một dòng sông đầy huyết hận của binh chủng Hải Quân.
Xin ghi lại vài dòng tưởng nhớ đến các bạn Hải Quân và những quân nhân tại địa phương đã vị quốc vong thân vĩnh viễn nằm yên nơi dòng sông này.
Quân Vận Đỉnh LCM