2021-11-06, 10:22 PM
Lông bạch hổ, da báo đốm: Bê bối quà hữu nghị thời Trump
Translated from The New York Times's article White Tiger and Cheetah Furs: A Mess of Trump Gift Exchanges
By Michael S. Schmidt, on 11-10-2021, 03:00:00
Nghi thức trao đổi quà cáp giữa Hoa Kỳ với các lãnh đạo quốc tế vốn được quản lý vô cùng chặt chẽ. Ấy vậy mà có lúc chính quyền Trump vẫn không thoát khỏi những phen bát nháo chi khươn cười ra nước mắt.
Trong chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của Trump với tư cách tổng thống, phái đoàn của ông đã được Hoàng tộc Ả Rập Saudi mạnh tay biếu hàng tá quà, bao gồm ba chiếc áo choàng da báo săn và hổ trắng cùng một thanh dao găm chuôi ngà.
Sóng gió bắt đầu từ đây.
Một luật sư ở Nhà Trắng đã xác nhận rằng việc sở hữu áo choàng lông thú cũng như dao găm rất có thế sẽ vi phạm Đạo luật Sinh vật Quý hiếm (Endangered Species Act), nhưng chính quyền Trump không những giữ lấy mà còn che giấu cả xuất xứ ngoại giao của những món quà trên.
Cho đến ngày cuối cùng của nhiệm kỳ ông Trump, Nhà Trắng lại sơ suất giao nộp các món xa xỉ phẩm này lên Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp (General Services Administration - GSA) thay vì lên Cục Thủy sinh và Thiên nhiên hoang dã Hoa Kỳ (U.S. Fish and Wildlife Service), bộ phận đã tịch thu những món quà trên hồi hè năm nay.
Lúc ấy, một điều bất ngờ vỡ lẽ.
Áo choàng lông thú của gia tộc dầu khí tỷ đô là hàng rởm.
“Các chuyên gia động vật hoang dã và đặc vụ chính phủ đã xác nhận họa tiết da báo da cọp trên phần lót của áo choàng là thành quả từ quá trình gia công nhuộm vải và không hề có nguồn gốc động vật cần bảo tồn,” trích lời ông Tyler Cherry, phát ngôn viên của Bộ Nội vụ – cơ quan trực tiếp quản lý Cục Thủy sinh và Thiên nhiên hoang dã.
Các quan chức của Đại sứ quán Saudi ở Washington từ chối bình luận.
Câu chuyện lông thú chỉ là một trong nhiều ví dụ về thủ tục trao đổi quà cáp giữa Hoa Kỳ với các lãnh đạo quốc tế — một quy trình được quản lý vô cùng chặt chẽ nhằm phòng chống chính phủ bất liêm — lại có lúc trở thành những phen bát nháo chi khươn cười ra nước mắt dưới chính quyền Trump.
Các chính trị gia do Trump bổ nhiệm bị nghi là đã nhân việc hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2020 tại Trại David bị hủy bỏ vì Covid, tranh thủ lúc rời chức mà cầm theo mấy túi quà trị giá hàng ngàn đô được chuẩn bị trước đó cho các lãnh đạo nước ngoài. Tổng thanh tra Bộ Ngoại giao vẫn đang điều tra cáo buộc này. Ngoài các sản phẩm da thuộc, khay thiếc, và hộp đựng nữ trang cẩm thạch có khắc con dấu tổng thống hoặc chữ ký ông bà Trump thì túi quà còn chứa nhiều món đồ khác, tất cả chi phí đều được trích từ ngân sách chính phủ.
Tổng thanh tra vẫn đang lần theo tung tích của chai whiskey Nhật đáng giá $5,800 được tặng cho Ngoại trưởng Mike Pompeo (ông Pompeo khẳng định chưa bao giờ nhận nó) và đồng tiền vàng 22 karat được tặng cho một quan chức khác của Bộ Ngoại giao.
Người ta cũng bán tín bán nghi về việc cựu đệ nhị phu nhân Karen Pence nhận hai chiếc kệ danh thiếp mạ vàng từ thủ tướng Singapore mà không trả tiền theo luật.
Thêm vào đó, chính quyền Trump chưa từng công bố chuyện cố vấn Nhà Trắng cấp cao kiêm con rể ông Trump là Jared Kushner đã nhận hai thanh kiếm và một con dao găm từ các quan chức Saudi (Kushner đã trả $47,920 cho những thứ này cùng ba món quà khác vào tháng 2, sau khi anh ta rời chức).
Công bằng mà nói, công tác quản lý quà hữu nghị của Trump không phải là mối bận tâm hàng đầu của bên phản đối khi họ phê phán chính quyền. Và không có bằng chứng gì cho thấy ông bà Trump đã tự tiện giữ riêng bất cứ món quà nào.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia làm việc trong phạm vi đạo đức thì những rắc rối quà cáp này đã phản ánh nhiều vấn đề nhức nhối về nhiệm kỳ của Trump.
“Không cần biết lý do là nằm ở sự thờ ơ, cẩu thả [của chính quyền] hay đây là một vụ cướp có tổ chức, hành động này vẫn thể hiện thái độ dửng dưng trước luật pháp và quy trình chính thức của nhà nước,” Stanley M. Brand, luật sư bào chữa hình sự kiêm chuyên gia nghiên cứu đạo đức và cựu luật sư cấp cao của Hạ viện, nhận xét.
Bộ Ngoại giao từ chối cung cấp thêm chi tiết về công tác quản lý quà hữu nghị của chính quyền Trump, nhưng trong một tuyên bố, họ cam đoan “sẽ nghiêm túc xem xét và báo cáo về tình trạng của một số món quà mà nhân viên chính phủ Hoa Kỳ đã nhận”. Đồng thời, Bộ Ngoại giao cũng đang “điều tra tung tích của các món quà không được kê khai và tại sao chúng lại biến mất.”
Bài báo này dựa trên các tài liệu công cộng, tài liệu được chính phủ liên bang soạn thảo tuân thủ theo Đạo luật Tự do Thông tin (Freedom of Information Act), các buổi phỏng vấn với quan chức chính phủ đương thời và đương nhiệm, và thư phản hồi câu hỏi chính thức từ nhiều bộ ngành và cơ quan chính phủ. Trong số tài liệu này có danh mục các món quà ông Trump và gia đình đã nhận tại Ả Rập Saudi năm 2017 mà Kho Lưu trữ Quốc gia đã cung cấp cho hai Thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse (Rhode Island) và Richard Blumenthal (Connecticut) thuộc Đảng Dân chủ.
Trước đây, chi tiết về các món quà bị thất lạc cũng như các vấn đề liên quan đến chúng chưa bao giờ được đưa tin. Theo bài của Politico hồi tháng 8, tổng thanh tra Bộ Ngoại giao lúc đó đang điều tra khoảng 20 vụ quà thất lạc.
82 món quà từ Hoàng tộc Saudi
Từ những ngày đầu, các nhà lập quốc đã vô cùng quan ngại chuyện quan chức Hoa Kỳ có thể bị giới quý tộc châu Âu mua chuộc bằng quà cáp xa hoa, đến nỗi họ phải đưa một điều khoản cấm tiệt việc nhận quà có giá trị từ người nước ngoài vào trong Hiến pháp.
Đến năm 1966, Quốc hội thông qua một đạo luật nêu rõ giá trị tối đa của một món quà mà các viên chức có thể giữ lại (hiện giờ là $415). Về sau, Quốc hội ban hành thêm vài luật sửa đổi, chính thức quy định quà hữu nghị là tài sản của chính phủ, đồng thời thiết lập một quy trình nhận quà chuẩn hóa đòi hỏi các viên chức phải tuân theo.
Nhằm đảm bảo sự minh bạch, các điều khoản trên yêu cầu chính quyền phải công bố số quà nước ngoài mà quan chức Hoa Kỳ nhận được cũng như giá trị thẩm định của chúng đều đặn mỗi năm. Những điều luật này không nhắc đến bất kỳ chế tài hình sự nào, nhưng theo các chuyên gia pháp lý thì bất cứ ai tự ý lấy đi tài sản chính phủ cũng có thể bị truy tố tội danh trộm cắp.
Bê bối quà tặng của chính quyền Trump bắt nguồn từ chuyến công du của tổng thống vào tháng 5 năm 2017 đến Ả Rập Saudi. Sau nhiều năm căng thẳng với chính quyền Obama, các lãnh đạo của vương quốc này mừng không kể xiết khi biết tin ông Trump chọn nước họ làm địa điểm viếng thăm đầu tiên của ông. Từ xưa đến nay, hoàng tộc Saudi luôn hào phóng tặng quà cho các tổng thống Mỹ, và có vẻ như ông Trump cùng các phụ tá cũng nhận được một món hậu hĩnh.
Theo một yêu cầu được đệ trình dưới Đạo luật Tự do Thông tin, không lâu sau khi ông Trump trở về, Bộ Ngoại giao công bố danh sách 82 món quà Hoàng tộc Saudi đã tặng cho quan chức dưới chính quyền Trump trong chuyến công du 5/2017. Danh sách này bao gồm các món bình dân như giày sandal và khăn quàng lẫn các món đắt tiền như lông thú và dao găm.
Chín món quà đắt đỏ nhất (3 bộ lông thú, 3 thanh kiếm, và 3 con dao găm) trong danh sách đã được gửi đến đơn vị nhận quà của Nhà Trắng để đánh giá và thẩm định. Theo ghi chép tài liệu chính phủ, những món này chưa từng xuất hiện trong bất kỳ giấy tờ trình báo quà hữu nghị hàng năm nào của Bộ Ngoại giao thời Trump.
Theo một tuyên bố của Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp (GSA), phải đến ngày 19 tháng 1 năm 2021 thì Nhà Trắng mới gửi chín món quà này đến chỗ họ.
Sau khi tờ New York Times đặt vấn đề hồi hè năm nay là tại sao những hiện vật vi phạm Đạo luật Sinh vật Quý hiếm lại nằm trong tay GSA, GSA liền trình báo lên Cục Thủy sinh và Thiên nhiên hoang dã Hoa Kỳ. Tháng 7, Cục Thủy sinh phái một đại diện đến kho lưu trữ của chính phủ tại Springfield (Virginia) để thu thập áo choàng lông thú. Người đại diện này cũng cầm đi con dao găm mà một quan chức Qatar đã tặng cho Nhà Trắng thời Trump lúc ở Ả Rập Saudi.
Quá trình thẩm định lại khui ra thêm nhiều vấn đề hơn nữa khi các điều tra viên xác nhận áo choàng lông thú là đồ nhuộm giả. Chất liệu của chuôi dao găm thì “trông có vẻ như có thành phần răng hoặc xương, không rõ tỉ lệ”, tương tự cấu trúc của ngà voi, “nhưng vẫn cần phải thí nghiệm phân tích thêm để có thể kết luận giống loài,” Bộ Nội vụ đánh giá.
Chín trong số các món quà đắt tiền nhất của các quan chức Saudi đã được gửi cho đơn vị nhận quà của Nhà Trắng đánh giá và thẩm định, nhưng chúng chưa bao giờ xuất hiện trong bất kỳ giấy tờ trình báo quà hữu nghị hàng năm nào của Bộ Ngoại giao thời Trump. Nguồn: GSA
Không rõ bên Saudi có biết gì về mấy bộ lông thú giả hay chính họ cũng bị nhà cung cấp lừa, nhưng theo cách nói của ông Bruce Riedel, nhân sự cấp cao của Viện Brookings kiêm chuyên gia quan hệ ngoại giao Ả Rập Saudi - Hoa Kỳ, thì đây là những món quà vô cùng đáng xấu hổ.
“Bọn họ có hai mục tiêu chính là phô trương thanh thế quyền lực cùng khối tài sản đồ sộ của bản thân,” ông nói
Không có bình luận phản hồi nào từ phát ngôn viên của ông Trump
Những túi quà mất tích
Tổng thanh tra mới biết thêm rằng khi rời chức, các quan chức ban nghi lễ của Bộ Ngoại giao (do Trump bổ nhiệm) đã cầm theo túi quà tặng dành cho lãnh đạo quốc tế tham dự hội nghị G7 năm rồi dưới sự chứng kiến của nhiều nhân viên xét tuyển (career officers). Những túi quà này đã ở trong một căn phòng lớn của Bộ Ngoại giao có biệt danh hầm lưu trữ.
Khi chính quyền Biden tiếp quản, các nhân viên xét tuyển thoát khỏi tai mắt của Trump và bắt đầu kiểm kê sổ sách quà tặng hữu nghị.
Lúc này, các nhân viên xét tuyển phát hiện ra có rất nhiều túi quà và không ít các món quà tặng cho quan chức thời Trump đã không cánh mà bay. Con số này vô cùng bất thường, bởi những tài liệu từ thời chính quyền Obama và George W. Bush không hề có việc quan chức Nhà Trắng, nhân viên nội các hay thành viên gia đình tổng thống nhận quà mà không kê khai.
Quà cáp nước ngoài thời tổng thống Trump bao gồm một chai whiskey Nhật trị giá 5,800$ dành cho Ngoại Trưởng Mike Pompeo (giữa), hai thanh kiếm và một con dao găm dành cho Jared Kushner (phải), con rể của ông Trump. Nguồn: Stefani Reynolds của thời báo New York Times.
Những tháng sau đó, tờ Times còn truy ra được thêm nhiều món quà nữa, bao gồm cả chai nước hoa và tấm thảm lụa Ba Tư mà các quan chức Qatar đã tặng cho cựu Bộ trưởng Ngân khố Steven Mnuchin. (Lẽ ra mấy món quà này phải được gửi đến cho Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp sắp xếp, nhưng lúc bấy giờ chúng vẫn yên vị ở Bộ Ngân khố.)
Chai rượu whiskey tặng cho ông Pompeo vẫn biệt vô âm tín, cùng chung số phận với đồng tiền vàng 22 karat và cái chén sứ Việt Nam được tặng cho John R. Bolton, cố vấn an ninh quốc gia thứ ba của ông Trump. Ông Bolton đã gửi cho tờ Times đoạn email trao đổi giữa ông và Nhà Trắng thời Trump để chứng minh ông chưa bao giờ lấy cũng như chưa từng muốn lấy chúng.
Một bí ẩn đã được vén màn: Khi tờ Times liên hệ với bà Pence, luật sư gia đình họ nói rằng phu nhân đã nghe theo lời của một luật sư Nhà Trắng chuyên về đạo đức, rằng giá trị thẩm định của chiếc kệ danh thiếp mạ vàng thấp hơn ngưỡng quy định ($390 vào thời điểm đó) nên bà có thể mang nó đi.
Nhưng xét theo thông tin mà Nhà Trắng thời Trump đã cung cấp cho Bộ Ngoại giao, đúng ra là bà Pence phải trả tiền cho những chiếc kệ danh thiếp này. Theo các chỉ dẫn liên bang, khi một viên chức Hoa Kỳ được tặng nhiều món quà khác nhau trong một buổi gặp mặt với một quan chức ngoại quốc mà tổng giá trị quà tặng vượt quá ngưỡng tối đa, thì viên chức Hoa Kỳ phải trả tiền cho chúng. Theo Bộ Ngoại giao, báo cáo từ Nhà Trắng của Trump cho thấy bà Pence đã nhận kệ danh thiếp cùng với một bức tranh đóng khung và một chiếc ví đầm, tổng cộng là $1,200.
Richard Cullen, luật sư của gia đình Pence, quả quyết rằng Bộ Ngoại giao đã lầm, các món quà này được tặng ở nhiều cuộc họp khác nhau, và bà Pence đã từ chối giữ bức tranh và chiếc ví. Đáp lại lời giải thích của ông Cullen, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao khẳng định những ghi chép bên phía họ về số quà tặng của bà Pence là hoàn toàn chính xác.
Người dịch: Kevin Do
Biên tập: Bảo Trân & Vũ Yên
The Interpreter.