Posts: 3,781
Threads: 527
Likes Received: 161 in 120 posts
Likes Given: 63
Joined: Dec 2017
Reputation:
73
TỰ THẮNG VIẾT THẮNG
67. Vipiṭṭhikatvāna sukhaṃ dukhañca
pubbeva ca somanassadomanassaṃ,
laddhānupekkhaṃ samathaṃ visuddhaṃ
eko care khaggavisāṇakappo.
67. Hãy xoay lưng trở lại
Ðối với lạc và khổ,
Cả đối với hỷ ưu,
Ðược cảm thọ từ trước,
Hãy chứng cho được xả,
An chỉ và thanh tịnh;
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.
(HT Thích Minh Châu dịch)
“Hãy biến những khổ lạc hỷ ưu của quá khứ thành xả tâm thanh tịnh và ra đi một mình như loài tê ngưu.”
DUYÊN SỰ:
Ngày xưa tại một vương quốc biên địa kia có một vị vua nổi danh tài trí. Như để bù đắp cho một diện tích nhỏ bé của vương quốc và lực lượng ít ỏi của quân tướng, trước sau chỉ được vài ngàn người, nhà vua là một người thao lược toàn tài và minh mẫn quán thế.
Một hôm, ngồi nghĩ tới lãnh thổ bé nhỏ của mình, nhà vua trầm ngâm:
-Đất của ta ít quá nhưng trí tuệ ta có nhiều, bằng vào khả năng bản thân, ta có thể thôn tính tất cả đất đai trên toàn cõi Diêm Phù Đề một cách dễ dàng, thế tại sao ta lại khoanh tay ngồi yên đây chứ?
Trong thoáng chốc, vua nghĩ ra ngay một chiến lược độc đáo để thực hiện giấc mộng bá vương của mình và rồi ông lập tức thảo một lá chiến thư gửi cho vua láng giềng hẹn sẽ đánh nhau trong bảy hôm nữa nếu không chịu tự động quy hàng.
Sứ giả vừa đi xong, vua cho triệu tập khẩn cấp tất cả triều thần tướng sĩ lại rồi với một vẻ mặt nghiêm trọng, vua kể lại suy nghĩ vừa qua của mình và bằng một giọng nói âu lo vua hỏi mọi người:
-Việc đã tới nước này, chúng ta phải làm sao bây giờ, điều chắc chắn là khi nhận được chiến thư, vua tôi xứ láng giềng sẽ không để chúng ta yên đâu!
Vua đưa mắt nhìn khắp các hàng văn võ như để dò ý từng người. Lúc đó, hầu hết các đại thần đều có vẻ mất bình tĩnh, họ không biết nói gì hơn là hỏi vua một câu duy nhất:
-Hay là chúng ta cho gọi sứ giả quay lại được không tâu đại vương?
-Không còn kịp nữa đâu, sứ giả đã đi rât xa rồi.
Thấy nhà vua lắc đầu, đám đại thần cáng cuống quít h
ơn nữa, họ đồng quỳ xuống mếu máo:
- Thôi thế là chúng ta đã tới ngày tận số rồi tâu đại vương. Trước sau gì cũng chết, vậy chi bằng tất cả chúng ta cùng tự sát để tránh nỗi nhục bị đối phương giết chết.
Biết không dùng được đám đại thần nhút nhát, nhà vua hướng về phía một ngàn tướng sĩ:
-Ở đây có ai dám chết cùng ta, chúng ta sẽ cùng tự vẫn một lượt cho trọn đạo vua tôi?
Năm trăm tướng sĩ rời khỏi hàng ngũ tiến đến bên vua để xin được cùng chết với ông. Thấy thế, nhà vua phấn khởi gọi luôn năm trăm tướng sĩ còn lại:
-Còn các khanh thì sao? Hãy trả lời cho ta rằng ai là người dám cùng ta tự vẫn?
Điều vua mong mỏi đã thành sự thật, những giọng nói đầy hùng khí như vang lên cùng lúc:
-Tâu đại vương! Tự sát trong lúc này là một cử chỉ đàn bà, chúng ta là nam nhân, chúng ta phải chiến đấu tới cùng.
Biết sự việc đã tới lúc chín muồi, nhà vua dõng dạc phát đi lời hiệu triệu.
- Vậy thì tất cả chúng ta phải chuẩn bị để sẵn sàng tử chiến với kẻ thù, phải sẵn sàng!
Đúng như vua biên địa dự đoán, triều đình xứ láng giềng từ lâu vốn đã xem thường nước ông hèn yếu, nên khi nhận được chiến thư, họ lập tức đưa binh mã tràn qua biên giới.
Quân đội hai nước gặp nhau tại một địa điểm thích hợp
Thấy đối phương đông như kiến cỏ, vua biên địa xua ngay binh tướng của mình vào trận và theo lệnh ông, tất cả tập trung chủ lực đánh thẳng vào cánh trung quân của xứ láng giềng. Cuộc hành binh được diễn ra chớp nhoáng. Đoàn quân đối phương bị xe đôi và nhà vua láng giềng đã bị bắt sống.
Vua biên địa xử lý vua tôi xứ láng giềng một cách đơn giản: Vua thành tướng và tù binh thành quân sĩ dưới trướng của ông.
Với lực lượng đó và cũng chiến sách đó, vua biên địa tiếp tục thôn tính vương quốc thứ hai rồi bằng quân số mỗi lúc một tăng, ông lần lượt chiếm trọn 101 vương quốc của châu Diêm Phù Đề, mà trong số đó, vua Bārāṇasī vẫn được xem là minh chủ.
Sau khi thỏa chí với những thành công rực rỡ của mình, vua biên địa lại nghĩ tới một vấn đề khác:
-Ngày xưa ta chỉ là tiểu vương của một vùng biên địa nhỏ bé, bây giờ trở thành bậc minh chủ của toàn cõi Diêm Phù. Nẻo trần thế cũng đã đi trọn, chỉ con con đường giải thoát là ta chưa dấn bước. Ta xuất gia thôi, của đời trả lại cho đời, ta đi theo con đường của ta.
Thế rồi sau khi giao lại quyền minh chủ cho vua Bārāṇasī, vua biên địa vào rừng tu hành và đắc thành Độc Giác Phật.
Bài kệ trên đây là lời tuyên bố chánh trí của Ngài.
Việt Dịch: Tỳ Khưu Giác Nguyên.
Posts: 3,781
Threads: 527
Likes Received: 161 in 120 posts
Likes Given: 63
Joined: Dec 2017
Reputation:
73
MỘT TỈNH THỨC THẦN THÁNH
68. Āraddhaviriyo paramatthapattiyā
alīnacitto akusītavutti,
daḷhanikkamo thāmakhalūpapanno
eko care khaggavisāṇakappo.
68. Tinh cần và tinh tấn,
Ðạt được lý chân đế,
Tâm không còn thụ động,
Không còn có biếng nhác,
Kiên trì trong cố gắng,
Dõng lực được sanh khởi,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.
(HT Thích Minh Châu dịch)
“Muốn đoạn tận tham ái phải là người chuyên cần, trí tuệ, đa văn, chánh niệm, sống lấy pháp làm trọng, nhiều nghị lực và tinh tấn dũng mãnh đồng thời hãy ra đi một mình như loài tê ngưu”.
DUYÊN SỰ:
Thuở quá khứ tại Bārāṇasī có một nhà vua tuấn tú khôi vĩ như thiên thần.
Hầu hết dân chúng trong kinh đô đều ngưỡng mộ nhà vua và cứ mỗi lần xa giá của vua đi ngang qua nơi nào thì mọi người ở đó đổ xô nhau ra nhìn ngắm ông.
Một hôm, xe vua đi vào một làng phố của kinh thành. Lúc đó, một bà bá hộ đang đứng trên lầu cao nhìn xuống nhà vua. Thật tình cờ, lúc ấy nhà vua cũng vừa đưa mắt nhìn lên. Hai ánh mắt gặp nhau, vua nghe choáng váng. Nàng đẹp quá, đẹp lộng lẫy.
Vua xoay qua hỏi viên tùy tướng về gia đình và thân thế của bà bá hộ. Biết nàng đã có chồng, vua chợt cảm thấy hối hận:
-Ta còn đòi gì nữa chứ, hai muôn vương phi cung tần kiều diễm cũng còn chưa thấy đủ để phải tơ tưởng tới vợ người khác. Tất cả chỉ do tham ái, ta phải đoạn trừ tham ái.
Thế rồi nhà vua bỏ hoàng thành tìm vào rừng xuất gia và sau đó cũng đã chứng thành Độc Giác Phật.
Bài kệ trên đây là lời cảm hứng của Ngài.
Việt Dịch: Tỳ Khưu Giác Nguyên.
Posts: 3,781
Threads: 527
Likes Received: 161 in 120 posts
Likes Given: 63
Joined: Dec 2017
Reputation:
73
CƯ TRẦN BẤT NHIỄM TRẦN
71. Sīho va saddesu asantasanto
vāto va jālamhi asajjamāno,
padumaṃca toyena alippamāno
eko care khaggavisāṇakappo.
71. Như sư tử, không động,
An tịnh giữa các tiếng,
Như gió không vướng mắc,
Khi thổi qua màn lưới.
Như hoa sen không dính,
Không bị nước thấm ướt,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.
(HT Thích Minh Châu dịch)
“Hãy như sư tử không chút run sợ trước mọi tiếng động, hãy như tấm lưới vô hiệu hóa sức đẩy của gió, hãy như hoa sen không bị lấm nước và lên đường độc hành như loài tê ngưu.”
DUYÊN SỰ:
Trong một cuộc chơi rừng, đám thị vệ của vua Bārāṇasī bắt gặp được một chú sư tử con còn nằm trong ổ. Nó đang ở đó một mình, mẹ nó đã đi kiếm ăn trong rừng sâu. Đám thị vệ tới cho vua hay.
Vua Bārāṇasī nhìn chú sư tử con một lát, ông nhớ tới một điều lý thú và nói với đám thị vệ:
-Ta nghe nói loài sư tử chẳng biết sợ âm thanh nào cả, vậy các ngươi thử gióng trống inh ỏi xem nó có sợ không?
Thật kỳ lạ, đang nằm yên đó, nghe ồn ào, chú sư tử con khẽ cựa mình rồi lại ngủ tiếp. Vua cho đánh trống dồn dập thêm hai bận nữa, nó ngẩng đầu lên nhìn quanh rồi nằm xuống lại như chẳng có chuyện gì xảy ra.
Dáng vẻ điềm nhiên của con sư tử đã đánh thức ở vua một suy nghĩ:
-Ta sẽ vô úy trước áp lực của phiền não.
Rồi vua Bārāṇasī lại cùng đám thị vệ lập tức rút lui khỏi chỗ đó trước khi sư tử mẹ về tới. Ngang qua một chiếc bẫy lưới sập của thợ săn, vua thấy tấm lưới chỉ khẽ lay mạnh, ông lại suy nghĩ:
-Ta sẽ khiến tâm mình như tấm lưới này để phiền não không có chỗ tác động.
Về đến ngự uyển, vua tới ngồi trên bờ đá bên bờ hồ sen và nhìn xuống dưới nước. Trong hồ nhiều sen lắm, hoa sen nở đầy cả mặt nước, nhưng vua quan sát thấy một cái hoa sen nào bị thấm nước. Lớp phấn trên các cánh sen đã ngăn nước không cho thấm vào hoa sen.
Vua đem so sánh, đối chiếu với hình ảnh hoa sen với tấm lưới vừa gặp trong rừng và cũng khởi lên tư tưởng tương tự,
Những thức ngộ liên tiếp đó làm vua cảm thấy ngai vàng trở nên vô nghĩa, ông bỏ hết tất cả để vào rừng xuất gia tu hành và sau đó trở thành một vị Độc Giác Phật.
Bài kệ trên đây là lời tuyên bố chánh trí của Ngài.
Việt Dịch: Tỳ Khưu Giác Nguyên.
Posts: 3,781
Threads: 527
Likes Received: 161 in 120 posts
Likes Given: 63
Joined: Dec 2017
Reputation:
73
TRONG SỢ HÃI ĐI TÌM VÔ ÚY
72. Sīho yathā dāṭhabalī pasayha
rājā migānaṃ abhibhuyyacārī,
sevetha pantāni senāsanāni
eko care khaggavisāṇakappo.
72. Giống như con sư tử,
Với quai hàm hùng mạnh,
Bậc chúa của loài thú,
Sống chinh phục chế ngự.
Hãy sống các trú xứ,
Nhàn tịnh và xa vắng,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.
(HT Thích Minh Châu dịch)
“Hãy như một sư tử đầy đủ nanh vuốt có khả năng chinh phục muông thú, bậc hiền sĩ chọn một chỗ trú xa vắng và độc hành như loài tê ngưu”
DUYÊN SỰ:
Vua Bārāṇasī cùng đoàn hộ giá đi ngang qua một hẻm núi vắng vẻ. Thình lình một viên thị vệ hớt hải tâu với vua rằng bọn họ vừa phát hiện một con sư tử đang nằm ngủ ngay phía trước con đường, nơi đoàn xa giá của vua sẽ phải đi qua.
Là một người đảm lược có thừa, vua Bārāṇasī chẳng những không sợ hãi mà lại còn nghĩ ra một trò chơi mới, ông bảo đám thị vệ cứ mạnh dạn tiến tới và khi vừa đến gần chỗ con sư tử đang nằm, vua ra lệnh cho lính tráng thổi kèn đánh trống ầm ĩ cả lên. Sở dĩ vua làm thế là vì ông muốn đích thân thử nghiệm một lời truyền khẩu rằng loài sư tử vốn không hề biết hoảng hốt trước bất cứ tiếng động nào kể cả những lúc bất ngờ.
Vua kinh ngạc nhìn con sư tử. Tiếng đồn quả không sai, tiếng kèn loa inh ỏi chỉ làm con sư tử thức giấc và vẫn tiếp tục ngủ lại.
Muốn thử thêm, vua Bārāṇasī ra lệnh cho đoàn thị vệ gióng trống thổi kèn hai bận nữa, cả núi rừng như vang rền những âm thanh điếc tai nhức óc đó. Tới lúc này, chắc mẫm là có kẻ thù đến làm hại, con sư tử bật dậy nhanh như chớp và ngẩng đầu, mắt nhìn thẳng về phía trước. Nó gầm lên một tiếng long trời lở đất.
Cả đoàn xa giá kinh hoảng, ngựa voi xéo lên nhau mà chạy. Còn đám thị vệ thì quên cả đức vua, ai lo thân nấy, họ chạy trối chết. Vua Bārāṇasī lúc đó đang ngồi trên voi và con voi đã đưa vua chạy ra khỏi đám người hoảng loạn kia.
Sau một đoạn đường rừng đầy gai góc, vua Bārāṇasī tới được chỗ ngụ của chư Phật Độc Giác. Vừa gặp các ngài, vua đã hổn hển lên tiếng hỏi:
-Các vị có nghe cái gì không?
-Ồ, chắc đại vương muốn nói tới tiếng vang rền khi nãy phải không? Trước hết chúng tôi nghe tiếng kèn trống om sòm rồi tiếp theo đó là tiếng sư tử gầm. Có đúng thế không hở đại vương?
-Đúng vậy, thưa các vị, nhưng lúc đó chắc các vị cũng hoảng sợ phải không?
-Không đâu, này đại vương, chúng tôi không còn biết sợ bất cứ thứ gì trên đời.
Thấy vẻ vô úy tự tại của chư Phật Độc Giác, nhà vua vừa khâm phục vừa có vẻ thích thú.
-Thế các vị có thể dạy cho trẫm bí quyết vô úy đó được không ạ?
- Cũng được thôi đại vương ạ, nhưng điều quan trọng là ngài phải đi xuất gia như chúng tôi trước đã!
Chẳng hiểu cái gì đã thôi thúc nhà vua chấp nhận nhanh chóng đời sống xuất gia. Với ông lúc này ngôi vua chỉ là đồ vất đi, ông đang tha thiết mong mỏi được trở thành một con người có nội tâm vô úy tự tại.
Tu với chư Phật Độc Giác một thời gian ngắn, vua cũng đắc thành Phật Độc Giác và câu kệ trên đây là lời khẩu hứng của Ngài.
Việt Dịch: Tỳ Khưu Giác Nguyên.
Posts: 3,781
Threads: 527
Likes Received: 161 in 120 posts
Likes Given: 63
Joined: Dec 2017
Reputation:
73
SỰ THÀNH THÂN THOÁI
74. Rāgañca dosañca pahāya mohaṃ
sandāḷayitvāna saṃyojanāni,
asantasaṃ jīvitasaṅkhayamhi
eko care khaggavisāṇakappo.
74. Ðoạn tận lòng tham ái,
Sân hận và si mê,
Chặt đứt và cắt đoạn,
Các kiết sử lớn nhỏ
Không có gì sợ hãi,
Khi mạng sống gần chung,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.
(HT Thích Minh Châu dịch)
“Sau khi đoạn tận tham sân si, triệt phá tất cả triền phược, bậc hiền trí không biết sợ chết và độc hành như loài tê ngưu.”
DUYÊN SỰ
Trước khi Bồ tát Sĩ Đạt Ta ra đời ít lâu, tại Rājagaha có một Đức Phật Độc Giác tên là Mātanga, Ngài là vị Độc Giác cuối cùng trước khi Đức Thế Tôn Gotama ra đời độ sinh.
Hôm ấy, khi mới vừa xuất khỏi thiền Diệt, Đức Phật Độc Giác nghe chư thiên xôn xao trong khắp vũ trụ rằng sẽ có một vị Chánh Đẳng Giác xuất hiện trong thời gian gần đây. Biết đã đến lúc mình phải viên tịch, Đức Phật Độc Giác chọn ngày giờ thích hợp rồi bay về núi Mahāpapāta trong dãy Tuyết Sơn, một địa điểm mà chư Phật Độc Giác thường chọn làm nơi bỏ xác.
Ngồi trên một tảng đá mà khi thân xác rã tan, xương cốt sẽ rơi xuống vực thẳm, nơi chứa xá lợi của vô số vị Độc Giác quá khứ, đức Độc Giác Mātanga đã ngâm lên kệ ngôn trên trước khi niết-bàn.
Việt Dịch: Tỳ Khưu Giác Nguyên.
Posts: 3,781
Threads: 527
Likes Received: 161 in 120 posts
Likes Given: 63
Joined: Dec 2017
Reputation:
73
BỎ ĐỜI ĐEN BẠC
75. Bhajanti sevanti ca kāraṇatthā
nikkāraṇā dullabhā ajja mittā,
attaṭṭhapaññā asuci manussā
eko care khaggavisāṇakappo.
"Có những bạn vì lợi,
Thân cận và chung sống,
Những bạn không mưu lợi,
Nay khó tìm ở đời,
Người sáng suốt lợi mình,
Không phải người trong sạch,
Hãy sống riêng một mình
Như Tê ngưu một sừng!"
(HT Thích Minh Châu dịch)
“Người đời chỉ biết tìm bạn trong lúc hữu sự, nên thật khó tìm thấy một người đánh bạn với ai trong lúc vô sự. Thế nhân ích kỷ một cách bẩn thỉu chi bằng lên đường độc hành như loài tê ngưu”
DUYÊN SỰ:
Vua Bārāṇasī lâm trọng bệnh khó bề qua khỏi. Bởi vua lúc đó chỉ còn lại các phi tần, vì đông đảo triều thần đã bỏ qua xứ khác đầu phục bởi họ tin chắc rằng vua Bārāṇasī sẽ không còn sống được bao lâu nữa.
Một điều hết sức bất ngờ là bệnh của vua tự nhiên thuyên giảm dần rồi hoàn toàn bình phục. Hiểu được mọi việc trong triều đình, vua không nói gì, suốt ngày chỉ cúi đầu yên lặng.
Nói về đám triều thần bạc lòng kia sau khi đi khắp các vươngquốc vẫn không được nơi nào thu dụng nay lại nghe tin vua Bārāṇasī lành bệnh thì kéo nhau trở về chầu hầu. Thấy mặt họ, vua hỏi:
-Bấy lâu nay các người bỏ đi đâu?
-Tâu, lũ hạ thần không nghĩ là bệ hạ sẽ sống tới hôm nay và có thể lành bệnh nên đã đành có lỗi với bệ hạ…
Vua Bārāṇasī lại cúi đầu cay đắng. Với đám triều thần hai lòng này ông chưa thể tin dùng ngay trở lại được. Thế rồi vua lại ngã bệnh trầm trọng, triều đường bỗng dưng vắng ngắt. Vua lành bệnh, đâu lại về đó.
Sau ba lần thử lòng triều thần, vua bỏ vào rừng tu hành và chứng thành Độc Giác.
Bài kệ trên đây là lời cảm hứng của Ngài.
Việt Dịch: Tỳ Khưu Giác Nguyên.
- HẾT-
|