Nguyễn Tất Nhiên Gã Cuồng Thơ Yểu Mệnh
#1
Nguyễn Tất Nhiên Gã Cuồng Thơ Yểu Mệnh
Đoàn Thạch Hãn.

[Image: 221764187-630218567953481-7680221629103433675-n.jpg]

Có những người chết trẻ, nhưng tên tuổi và tác phẩm của họ còn ở lại rất lâu với cuộc đời. Đó là Đặng Thế Phong (24 tuổi), Hoàng Quý (26 tuổi), Hàn Mặc Tử (28 tuổi), Bích Khê (30 tuổi)… Tất cả đều là những bậc tài hoa, mệnh yểu! Trong số họ, tôi hay nghĩ về bạn tôi, nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên. Anh chỉ nấn ná với dương gian đến năm 40 tuổi.

Năm 1937, ở tuổi 17, Chế Lan Viên trình làng tập thơ “Điêu tàn”, được coi như một kỳ tích. Năm 14 tuổi (1966), Nguyễn Tất Nhiên đã có “Nàng thơ trong mắt”, rồi hai năm sau, mới tròn 16 tuổi, cùng với thi văn đoàn Tiếng Tâm Tình, Nhiên lại có tập “Dấu mưa qua đất” và 18 tuổi có tập “Thiên tai”, đều ký bút danh Hoài Thi Yên Thi. Trần Đăng Khoa mới 10 tuổi đã có tập thơ riêng, được xem như thần đồng, nhưng đó là thơ dành cho thiếu nhi. Còn với thơ tình thì Nguyễn Tất Nhiên đã lập nên một kỷ lục. Có điều, chỉ với một “Điêu tàn” thôi, Chế Lan Viên đã trở thành một cây đại thụ. Còn Nguyễn Tất Nhiên, với bút hiệu Hoài Thi Yên Thi, thì dù đã in 3 tập thơ rồi, vẫn còn là một… mầm xanh! Trong làng thơ miền Nam trước 1975, với cái bút hiệu còn thơm mùi giấy học trò như thế, chàng thiếu niên của vùng đất Đồng Nai vẫn chỉ mới là con chim sẻ vừa ra ràng. Nhưng vài năm sau, khi trở thành Nguyễn Tất Nhiên, với sự chắp cánh của nhạc sĩ Phạm Duy, con chim sẻ ấy đã vững cánh bay xa…

Nguyễn Tất Nhiên tên thật là Nguyễn Hoàng Hải, sinh năm 1952 tại Đức Tu, Biên Hòa. Sinh thời anh chẳng đi đâu xa, chỉ quanh quẩn trong hai thành phố Biên Hòa và Sài Gòn. Lần đầu tiên tôi gặp Nhiên là dạo cuối năm 1972, tại nhà thi sĩ Du Tử Lê, một căn phòng nhỏ ở số 8, đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai). Nguyễn Tất Nhiên là “khách thơ” thường xuyên tạm trú ở đó. Lần nào tôi tới cũng thấy anh đang cặm cụi làm thơ. Tôi không hiểu tại sao trong căn phòng chật hẹp như thế, mà thằng bé Lê Tử Du, con trai của Du Tử Lê, còn đỏ hỏn, lại có thể chịu đựng nổi khói thuốc mịt mù của Nhiên phả ra như khói tàu hỏa. Nguyễn Tất Nhiên hút liên tục. Điếu này vừa dứt lại mồi tiếp điếu khác, quăng tàn thuốc la liệt xuống sàn. Lê coi Nhiên như một đứa em ruột thịt, nên Lê dọn nhà đi đâu, Nhiên cũng đi theo. Về sau, Du Tử Lê mua được một căn nhà trong làng Báo Chí ở bên kia cầu Sài Gòn và trở thành hàng xóm, láng giềng của tôi. Tôi ở cuối đường số 2. Giữa đường, có Cung Văn – Nguyễn Vạn Hồng, sát với nhà văn Thụy Vũ. Đầu đường, có họa sĩ Phạm Văn Hạng và Phan Kim Thịnh (tức nhà báo Lý Nhân, người hay viết cho An ninh thế giới sau này). Đường số 3 có Nguyễn Đình Toàn. Du Tử Lê ở đường số 4. Vài lần, Nguyễn Tất Nhiên ghé tìm, nhưng Du Tử Lê đi công tác xa, không có nhà. Chẳng còn ai thân thiết ở đây, thế là bất đắc dĩ, Nhiên qua ở lại nhà tôi.
Những lần ghé lại, Nhiên dường như không ngủ, cứ lục đục suốt đêm để pha càphê, hút thuốc và làm thơ. Sáng, tôi chạy ra quán mua bàn chải đánh răng, khăn mặt về cho khách. Nhiên khoát tay lia lịa: “Khỏi, khỏi. Để chiều về Biên Hòa tắm luôn một lượt. Ông đọc bài thơ tôi mới làm tối qua đây này”. Nguyễn Tất Nhiên không cần quan tâm đến bất cứ một điều gì khác ngoài thơ. Anh say thơ đến điên cuồng, đến mức lập dị. Lần nào gặp, tôi cũng thấy anh mặc chiếc áo ca-rô, bỏ ngoài quần tây nhăn nhúm, chân đi đôi dép lẹp xẹp, khá lôi thôi và bất cần.

Những cây viết trẻ miền Nam đều coi tạp chí Văn là mảnh đất ươm mầm, được Văn chọn đăng truyện ngắn hay thơ là lấy làm hãnh diện lắm, coi như đó là dấu ấn trưởng thành. Một hôm, tôi và Du Tử Lê, mỗi người có một bài viết về Nguyễn Tất Nhiên và Kim Tuấn (tác giả những bài thơ nổi tiếng “Anh cho em mùa xuân”,”Những bước chân âm thầm”) trên tờ Văn Học do anh Phan Kim Thịnh làm chủ bút. Báo ra, cầm tờ Văn Học trên tay, Nguyễn Tất Nhiên nói: “Phải chi được đăng trên tờ Văn thì hay biết mấy!”. Khi đó, Nhiên đã nổi tiếng, nhưng anh vẫn còn giữ nguyên cái mơ ước rất dễ thương của tuổi học trò.
Nguyễn Tất Nhiên gặp nhau rất nhiều lần, có những lần ngồi quán càphê suốt buổi, nhưng vẫn không thân bằng so với đạo diễn Lê Cung Bắc thân với Nguyễn Tất Nhiên. Mới đây, tôi có hỏi Lê Cung Bắc: “Hồi đó, anh đi đâu trên Biên Hòa mà gắn bó với Nguyễn Tất Nhiên như thế?”. Bắc kể: “Năm 1973, sau khi học xong cao học, tôi bị động viên vào trường sĩ quan Thủ Đức. Ra trường, bị thuyên chuyển lên Biên Hòa. Ở đó, tôi có mướn một căn phòng nhỏ trên đường Ngô Quyền để tá túc. Một buổi chiều, tôi từ Sài Gòn lên Biên Hòa. Xuống bến xe, đi bộ lững thững về nhà, ngang qua quán càphê Tuyệt, thì có một thanh niên ăn mặc lôi thôi, lếch thếch, trông rất lãng tử, từ trong quán đi ra, cứ lẽo đẽo theo sau. Đến đầu ngõ, tôi sắp quẹo vào, thì người thanh niên đó vượt lên hỏi, có phải anh là Lê Cung Bắc không? Tôi gật đầu. Người thanh niên tự giới thiệu mình là nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên, ái mộ tôi đã lâu, mãi đến bây giờ mới được gặp. Lúc bấy giờ thơ của Nhiên đã có tiếng tăm. Tôi lại là người yêu thơ, nên hai chúng tôi kéo nhau vào một quán càphê gần đó ngồi nói chuyện. Nguyễn Tất Nhiên tâm sự, trong đời Nhiên có hai người mà anh yêu mến và kính phục tài năng nhất. Về thi ca là Du Tử Lê, về thoại kịch là Lê Cung Bắc. Từ đó tôi và Nhiên trở nên gắn bó. Tôi coi Nhiên như em và thương nó vô cùng. Một thời gian sau, Nguyễn Tất Nhiên nói với tôi, nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ của Nhiên, mà chỉ để tên một mình ông trên bản nhạc, chứ không có tên tác giả bài thơ. Hiện các ca sĩ đang hát ì xèo mà chẳng thấy ai trả cho Nhiên một cắc bạc nào hết. Tôi đưa Nguyễn Tất Nhiên đến gặp nhà văn Chu Tử, chủ bút nhật báo Sóng Thần, tờ báo mà tôi có tên trong nhóm chủ trương. Ngay hôm sau, ông Chu Tử phang Phạm Duy một bài khá nặng trên mục Ao Thả Vịt. Thế là nổi đình, nổi đám. Về sau, nghe nói nhà xuất bản hay ai đó có điều đình và gửi cho Nhiên một số tiền, không biết là bao nhiêu. Có tiền, Nhiên nói muốn may tặng tôi một bộ veston, vì gia đình Nhiên là chủ một tiệm may khá nổi tiếng ở Biên Hòa. Nhưng tôi từ chối…”

Lê Cung Bắc còn nhận xét, Nguyễn Tất Nhiên rất dễ thương, dù có vẻ hơi bất bình thường. Nhiên từng khoe là anh giả điên rất giỏi, đến độ qua mặt được cả hội đồng giám định y khoa, để khỏi bị đi lính. Rồi Nhiên tự diễn xuất cho Bắc coi. Coi xong, Lê Cung Bắc cười ngặt nghẽo: “Chú mày có vẻ điên thật hơn là giả điên!”. Sau ngày 30-4-1975, Nguyễn Tất Nhiên làm việc tại ban điều hành Hợp tác xã xe lam Biên Hòa, thỉnh thoảng vẫn về Sài Gòn, ngồi uống rượu với Lê Cung Bắc, cho đến ngày Nguyễn Tất Nhiên rời xa quê hương.

Nguyễn Tất Nhiên cũng rất thân với nhà thơ Phạm Chu Sa. Một lần ngồi uống rượu, Phạm Chu Sa nhận xét: “Bút hiệu Nguyễn Tất Nhiên nghe ngồ ngộ. Có vẻ hay và chững chạc hơn là Hoài Thi Yên Thi nhiều”. Nguyễn Tất Nhiên bộc bạch ngay: “Bút hiệu này do Du Tử Lê đặt. Ngay lần đầu mới gặp, Lê đã chê cái bút hiệu Hoài Thi Yên Thi”. Nguyễn Tất Nhiên hỏi Du Tử Lê: “Bạn bè em cũng chê. Cái bút hiệu này hơi sến phải không?”. Lê đáp: “Tất nhiên”. Khi biết là họ Nguyễn, Du Tử Lê mới nói: “Nguyễn, tất nhiên, sao không lấy là Nguyễn Tất Nhiên”. Vậy là cái tên định mệnh đó ra đời, gắn chặt với thi nghiệp một con người tài hoa bạc mệnh.

Đầu thập niên 80 (của thế kỷ trước), Nguyễn Tất Nhiên sang Pháp, được vài năm thì qua Mỹ định cư. Lúc này bệnh tâm thần của Nhiên, từ giả thành thật và có phần nặng thêm. Ngày 3-8-1992, Nguyễn Tất Nhiên đã tìm đến một ngôi chùa tại quận Cam (California), uống nhiều thuốc an thần rồi vào xe hơi, nằm chết ở đó! Lúc này anh vừa tròn tuổi 40.

Đây là bài thơ được xem là cuối cùng của Nguyễn Tất Nhiên.

TÌNH ƠI HỠI TÌNH
Lâu rồi… không nhớ bao lâu
Tìm nhau trong cõi bạc đầu nhân gian
Em về dưới gót trăng tan
Có nghe thiên cổ tiếng ngàn thông đau.
Lâu rồi… lâu lắm xa nhau
Còn chăng hư ảnh trong màu thời gian
Em đi tóc lộng mây ngàn
Ngàn mây lộng khổ mây bàng bạc theo
Lâu rồi… không biết bao nhiêu
Nắng mưa trên những tan xiêu đỗ đời
Hôm em êm ả điệu ngồi
Sau lưng là những tình ơi hỡi tình.


Mới đây, một tờ báo in trong nước đã có bài viết nhắc lại vụ kiện bản quyền nổi đình, nổi đám một thời giữa Nguyễn Tất Nhiên và Phạm Duy. Nhạc sĩ Phạm Duy phát biểu: “Vụ kiện này hắn hơi điên khùng đấy, hắn ở nhà thương điên ra mà. Tôi đâu có chịu trách nhiệm về vấn đề bản quyền. Ngày ấy, Nguyễn Tất Nhiên có bao giờ nói thẳng với tôi đâu mà chỉ qua những người khác. Tôi chỉ phổ nhạc thôi, còn nhà xuất bản trả tiền hắn chứ. Tôi không mất một xu nào cho hắn. Còn các nhà xuất bản có trả hắn không thì tôi không biết”. Theo tôi thì việc ai trả tiền bản quyền và trả bao nhiêu cho Nguyễn Tất Nhiên không quan trọng. Vấn đề là một tác giả như Phạm Duy thừa hiểu rằng, khi một nhạc sĩ phổ thơ của thi sĩ nào đó, thì tên của tác giả bài thơ phải được đứng chung với tên của nhạc sĩ trên mọi ấn phẩm. Bởi vì, nhờ công sức của cả hai gộp lại mới thành ca khúc.

Nguyễn Tất Nhiên đã thành người thiên cổ và Phạm Duy cũng đã gần đất xa trời. Mọi thứ đã bị bụi thời gian phủ lấp. Nhắc lại chuyện này cũng chỉ như là một giai thoại giữa hai con người nổi tiếng, thuộc hai thế hệ khác nhau. Để có cớ nhớ về một nhà thơ, người bạn tài hoa đã khuất dặm mây ngàn…
Đoàn Thạch Hãn.

Reply
#2
Thi sĩ tài hoa bạc mệnh Nguyễn Tất Nhiên là tác giả của rất nhiều bài thơ được phổ thành các ca khúc nổi tiếng: Thà Như Giọt Mưa, Hai Năm Tình Lận Đận, Em Hiền Như Masoeur (nhạc sĩ Phạm Duy), Vì Tôi Là Linh Mục (Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang) . Và cả bài hát Trúc đào của nhạc sĩ Anh Bằng.
Rất nhiều người không biết rằng đây là một ca khúc được nhạc sĩ Anh Bằng phổ từ bài thơ của Nguyễn Tất Nhiên viết từ năm 1973. Có lẽ vì bài hát Trúc Đào của Anh Bằng quá mượt mà và trữ tình, không giống với tứ thơ thường thấy của Nguyễn Tất Nhiên.

Những ai yêu thích thơ của chàng thi sĩ si tình này, đều có thể nhận thấy thơ của ông thường không chắt lọc chải chuốt chữ nghĩa, mà sử dụng ngôn ngữ vừa tự nhiên, vừa sáng tạo độc đáo. Hơn nữa, dù chỉ nghe nhạc, người ta cũng dễ nhận thấy bài hát Trúc Đào có nhiều câu lục bát, mà Nguyễn Tất Nhiên thì ít dùng thể thơ này.

Trong bài thơ Trúc Đào, dù vẫn mang đậm ngôn ngữ thơ quen thuộc, nhưng Nguyễn Tất Nhiên cũng lồng trong đó những hình ảnh “kinh điển” của thơ ca truyền thống, như “mùa thu lá rụng”, hay là “trăng sáng lung linh”… và nhạc sĩ Anh Bằng chỉ bắt lấy những câu từ chải chuốt đó để đưa vào nhạc, thành một ca khúc trữ tình, chứ không giống như nhạc sĩ Phạm Duy đưa toàn bộ những chữ nghĩa rất trực diện vào trong nhạc, kiểu như là “ta ngoắc mòn tay”, hay là “ta chạy vòng vòng”.

Nguyên tác bài thơ

TRÚC ĐÀO
Trời nào đã tạnh cơn mưa
Mà giông tố cũ còn chưa muốn tàn
Nhà người tôi quyết không sang
Thù người tôi những đêm nằm nghiến răng
Quên người – nhất quyết tôi quên
Mà sao gặp lại còn kiên nhẫn chào.
Chiều xưa có ngọn trúc đào
Mùa thu lá rụng bay vào sân em
Mùa thu lá rụng êm đềm
Như cô với cậu cười duyên dại khờ
Bởi vì hai đứa ngây thơ
Tình tôi dạo ấy là ngơ ngẩn nhìn
Thế rồi trăng sáng lung linh
Em mười sáu tuổi giận hờn vu vơ
Sang năm mười bảy không ngờ
Tình tôi nít nhỏ nằm mơ cũng thừa
Tôi mười bảy tuổi buồn chưa
Đầu niên học mới dầm mưa cả ngày…
Chiều nay ngang cổng nhà ai
Nhủ lòng tôi chỉ nhìn cây trúc đào
Nhưng mà không hiểu vì sao
Gặp người xưa lại nhìn nhau mỉm cười
( 1973 )

Trích nguồn
ĐÔNG KHA
nhacxua.vn
( nhân kỷ niệm 29 năm ngày mất của NTN 3/8/1992 )




Reply
#3
Hôm nay trang web Saigon Nhỏ cũng có một bài về Nguyễn Tất Nhiên, xin rinh về đang lại ở đây.

Những điều chưa được kể về Nguyễn Tất Nhiên

Tác giả: Kalynh Ngô


[Image: img638-1024x631.jpg]



“Tôi đã nguyện làm cây thánh giá, đứng chơ vơ trên chót đỉnh cô đơn nhìn bụi thời gian phủ rong rêu lên đời mình cô quạnh. Tôi đã xin làm giọt mưa vỡ trên mặt người yêu dấu. Tôi đã quỳ ngay trên nát tan mình xưng tụng tình yêu, ngưỡng vọng người yêu hiền dịu như “ma soeur” tuyệt vời như thánh nữ." 

Ngày 3 Tháng Tám, năm 1992, tại sân sau của một ngôi chùa ngỏ nằm gần đường Brookhurst, Orange County, California, thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên “BIẾN”(1) khỏi “trần gian hệ luỵ”(2) ngay trong chiếc xe hơi cũ, cũng là ngôi nhà “di động” của ông trong những năm “ở trọ trần gian.” 29 năm sau, thơ của Nguyễn Tất Nhiên và những tình khúc được phổ từ thơ của ông mãi là những tuyệt tình ca bất hủ.
***
Một gã ‘ngông’ làm thơ, viết nhạc, hát cải lương

Năm 1971, tạp chí Sáng Tạo của cố nhà văn Mai Thảo xuất hiện những vần thơ của một người tự cho mình là “kẻ hoang đàng,” “tên vô đạo” bất tín đồ trong tình yêu – Nguyễn Tất Nhiên. Ngay sau đó, lời thơ với ý tưởng và những hình ảnh kỳ lạ, hư hư thật thật, những thú nhận “ngông cuồng” nhưng cũng rất nồng nhiệt, đã đi vào nhạc của Phạm Duy, Nguyễn Đức Quang, Anh Bằng, trở thành một hiện tượng trong làng thơ và nhạc Việt Nam thời kỳ bấy giờ.

[Image: nguyen-tat-nhien2.jpg]



Có thể nói, cho đến bây giờ, hiếm có ai dành cho người yêu của mình những tên gọi đẹp, thánh thiện như Nguyễn Tất Nhiên đã từng. Đặc biệt, cái đẹp và thánh thiện ấy càng được tôn vinh hơn gấp vạn lần khi ông đem chính mình ra làm vật thể so sánh. Ông tự gọi mình là một “người bệnh hoạn,” một “kẻ nhiều sám hối,” một “tên vô đạo.” Riêng bạn bè, thân hữu, chẳng ngại ngùng gì để gọi Nguyễn Tất Nhiên là “kẻ ngông cuồng” hay “một người điên” hoặc một gã “bất cần đời.”
Gọi thế nào cũng đúng, vì: “Ảnh có máu điên, mà cũng có máu ngông. Ảnh điên’ lắm” – nhạc sĩ đã Trúc Hồ nói thế. Người làm nghệ thuật nào cũng có chút máu điên trong người, không nhiều thì ít – nhạc sĩ Trúc Hồ cho là thế. Và với Nguyễn Tất Nhiên, thì không chỉ điên, ngông, còn là một kẻ bất cần đời, coi thường những gì xảy ra trong xã hội này, coi thường thị phi trong thiên hạ. Giá trị chung bình thường của xã hội mà một con người luôn hướng tới thì với Nguyễn Tất Nhiên, không phải điều cần thiết.
Cố nhạc sĩ Phạm Duy từng viết trong tuỳ bút của ông: “Đi qua đời tôi có khá nhiều thi nhân thuộc nhiều thế hệ, đa số đều như tôi, đều khá hồn nhiên, nghĩa là có tí máu điên. Nhưng trong làng thơ Việt Nam, có ba nhà thơ hồn nhiên nhất, đó là Nguyễn Ngu Ý, Bùi Giáng, và Nguyễn Tất Nhiên… Cả  ba vị đều đã  từng là thượng khách của Dưỡng trí Viện Biên Hòa, nơi tôi đã có lần đến thăm một trong ba vị đó.”

Nếu từng ở Dưỡng trí Viện Biên Hòa, thì…không thể là người tỉnh. Nhưng, chính cố nhạc sĩ Phạm Duy cũng nhẹ nhàng gọi đó là cái “HỒN NHIÊN” của Nguyễn Tất Nhiên.

Nguyễn Tất Nhiên có rất nhiều bằng hữu. Đi đến đâu, ông cũng có bạn. Đi đến đâu ông cũng có người quí mến. Nguyễn Tất Nhiên có thể ngồi hàng giờ hàn huyên với bè bạn, đúng nghĩa cuộc đời rong chơi, không cần biết ngày mai sẽ ra sao.

[Image: img645-scaled.jpg]
Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên (phải) và nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm. (Ảnh: Thái Đắc Nhã)


Vậy, giá trị mà Nguyễn Tất Nhiên định ra và tìm đến trong cõi nhân sinh này là gì? Là thơ? Là tình yêu? Là cái đẹp vĩnh cửu? Câu trả lời: “Không có mục đích gì cả!”
“Nguyễn Tất Nhiên sống thả nổi như bèo trôi sông, tới đâu hay tới đó, không có mục đích, không có chương trình gì cả” – Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa, đang định cư ở Canada, thầy dạy âm nhạc cho Nguyễn Tất Nhiên (từ sau Tháng Tư, năm 1975 đến Tháng Tư, năm 1979) nói về người học trò yểu mệnh của mình. Ông cũng là người hiếm hoi, nếu không muốn nói là duy nhất, không dùng từ “điên” khi nhắc về Nguyễn Tất Nhiên.
“Tôi không bao giờ thấy Nguyễn Tất Nhiên điên. Tôi chỉ thấy ông ấy là người sống kiểu bạt mạng và bi quan. Với Nguyễn Tất Nhiên, tôi không thấy một nét lạc quan nào ở, ngay cả lúc ông ấy cười,” nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa nói.
[Image: nguyentatnhien.jpg]


Những năm sau biến cố 30 Tháng Tư, Nguyễn Tất Nhiên tìm đến nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa ở Sài Gòn để học nhạc. Ông học guitar, hoà âm và sáng tác ca khúc. Thời gian đó, cuộc sống miền Nam chật vật. Người Sài Gòn chạy ăn từng bữa. Nhiều người tìm mọi công việc để làm, dành dụm “tìm đường ra đi.”

“Nguyễn Tất Nhiên là một người ham học. Ông ấy từ Biên Hoà chạy xe ra Sài Gòn, ở lại nhà tôi để học. Sáng tôi đi làm thì ông ấy ở nhà ôn bài, làm bài. Mỗi lần đến học là ở lại 3, 4 ngày. Cách hai tuần đến học một lần,” nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa kể lại.

Ca khúc “Chiều trên đường Hồng Thập Tự” ra đời trong thời gian này, là một “bài tập” về hoà âm và sáng tác của Nguyễn Tất Nhiên.




Vì sao Nguyễn Tất Nhiên không phổ nhạc những bài thơ tình làm điên đảo giới sinh viên học sinh Sài Gòn thời ấy? Ông “phán” một câu:“Có bài nào hay, người ta phổ nhạc mất tiêu, không chừa lại tác giả (thơ) bài nào!
Thế nên, sau khi định cư ở Mỹ, trong những lần ngẫu hứng, Nguyễn Tất Nhiên đã sáng tác “lại” các bài bát Phạm Duy phổ từ thơ của ông như “Em hiền như Ma soeur” hoặc “Hai năm tình lận đận” qua thể loại…CẢI LƯƠNG.
Cái “ngông” của Nguyễn Tất Nhiên là thế. Ông thích đến, thì đến, và “lù lù” đến. Hỏi “Khi nào về?” Ông trả lời: “Khi nào nhạc gia đuổi thì về.” “Nhạc gia” nghĩa là “người chơi nhạc” – cách ông gọi nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa, người lớn hơn ông một tuổi.
Nguyễn Tất Nhiên làm những gì mình thích. Ông bước qua những định hình, chuẩn mực, giá trị của mọi thứ một cách thản nhiên. Ông “vô tư” trả lời câu hỏi “Muốn học nhiếp ảnh à?” của nhiếp ảnh gia nổi tiếng Trần Cao Lĩnh bằng việc đưa ra cuốn sách dạy chụp ảnh “How to take a good picture?” (do hãng Kodak phát hành) và nói: “Có sư phụ đây rồi!”
Cuốn sách đó là món quà của nhiếp ảnh gia Thái Đắc Nhã tặng cho Nguyễn Tất Nhiên khi biết chàng thi sĩ rất thích học chụp ảnh.
Một gã bi quan ‘sống với chữ thay vì sống với đời’
Nói đúng ra, Nguyễn Tất Nhiên sống với chữ thay vì sống với đời. Lúc nào, trong đầu ông ấy cũng có chữ, đùa với chữ, xâu xé và khổ đau với chữ. Cái tài của Nguyễn Tất Nhiên chính là, cho dù ông “xâu xé” và khổ đau với chữ, ông cũng chỉ là ghép chữ lại với nhau, chứ không đẽo gọt, trau chuốt ngôn từ. Ngôn từ trong thơ ông hồn nhiên, giản dị, giản dị đến cay nghiệt. 

“Em hiền như Ma soeur/ Vết thương ta bốn mùa/ Trái tim ta làm mủ/ Ma soeur này Ma soeur/…” (Em hiền như Ma soeur)
Hay
“Thà như giọt mưa/Vỡ trên tượng đá/Thà như giọt mưa/Khô trên tượng đá/…” (Thà như giọt mưa)
[Image: tha-nhu-giot-mua-0-pham-duy-nguyen-tat-n...a.com_.jpg]


Ai mà chẳng từng nhìn thấy giọt mưa? Ai mà chẳng biết tượng đá? Nhưng để thấy một giọt mưa vỡ toang trên tượng đá, chỉ có thể là Nguyễn Tất Nhiên. Phải chăng ông đang trách móc điều gì? Tượng đá, một vật thể vô hồn, vững chắc, ngàn năm. Giọt mưa chọn tượng đá để làm điểm rơi, để rồi vỡ toang.
Phía sau cách ghép chữ đơn giản ấy phải là một ý nghĩa sâu sa, thâm thuý vô cùng. Nhạc sĩ Trúc Hồ tự nhận rằng, ca từ trong các sáng tác của ông ảnh hưởng khá nhiều bởi ngôn ngữ thơ của Nguyễn Tất Nhiên. Ông nói: “Cách dùng từ của Nguyễn Tất Nhiên rất giản dị nhưng rất thơ, không bóng bảy, trau chuốt, không cần đi đâu lung tung xa vời. Ông ấy ghép chữ rất tài tình, đơn giản là ‘Em hiền như Ma soeur’ thôi nhưng làm cho mình nghe thấy vô cùng thánh thiện, trong sạch. Những lời nhạc trong sáng tác của tôi ảnh hưởng khá nhiều bởi cách dùng từ của Nguyễn Tất Nhiên.”
Trong thơ của Nguyễn Tất Nhiên, vạn vật trên trái đất đều được kết nối với nhau rất “hồn nhiên” và rất nhẹ nhàng.
Trời mưa không lớn lắm/ Nhưng vẫn ướt đôi đầu/ Tình yêu không đáng lắm/ Nhưng đủ làm… tiêu nhau.” (Thơ khởi tự điên cuồng)

Như nhạc sĩ Trúc Hồ đã nói, ngôn từ trong thơ của Nguyễn Tất Nhiên đơn giản vô cùng, đơn giản như người ta “đang nói chuyện với nhau.” Những lời nói đó, được nối kết nhau, thế là thành thơ.
Với Nguyễn Tất Nhiên, “chữ” là hơi thở để sống. “Chữ” là cách để ông tỏ tình. “Chữ” cũng là phương tiện để ông giải thoát hờn giận của một cuộc tình hay những u uẩn, ngột ngạt trong cõi trần gian. Ông có thể so sánh người tình của mình “hiền như Ma soeur” nhưng rồi cũng sẵn sàng ví người tình là một “ác quỷ đầy quyền năng.”
Cho đến khi, chữ hiển hiện quá nhiều trong tư tưởng, nhưng lại không thể liên kết nhau thành những kiệt tác thi ca như lúc còn trong nước, thì “tên hoang đạo” và “người bệnh hoạn” trong Nguyễn Tất Nhiên vùng dậy.
Cái điên của Nhiên xuất phát từ sự vùng vẫy trong tư tưởng. Cuộc sống bình thường thì không màng tới, không lo tới, nhưng tư tưởng thì bùng phát rất mạnh trong đầu. Sự bùng phát đó quá lớn mà Nhiên không viết ra được như đã từng viết khi còn ở Việt Nam. Điều đó dẫn đến một tâm trạng của người thất chí,” nhiếp ảnh gia Thái Đắc Nhã nói về những ngày tháng trước khi Nguyễn Tất Nhiên “khép mắt sớm hơn giờ thiên định.” (3)
Nguyễn Tất Nhiên đã chọn một nơi chốn khác để tiếp tục với sự “hồn nhiên” của mình. Có thể nơi đó ông không cần phải hô biến đi cái buồn đã từng ngự trị trong ông, không phải nghe những tiếng ồn ào vọng về từ một tâm thức nào đó. Nơi ấy, ông sẽ được “hồn nhiên” làm tên “vô đạo” hay hoá thành giọt mưa rơi phủ trên cây thánh giá huy hoàng.
***
Bài tưởng nhớ 29 năm ngày mất của cố thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên được thực hiện qua lời kể lại của những người bạn của ông: Nhạc sĩ Trúc Hồ, Nhiếp ảnh gia Thái Đắc Nhã, Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa (Canada), bà Bùi Minh Phú (Nhật báo Người Việt)
(1): Trích từ những câu thơ: Tôi hô biến cái tôi buồn/ Tôi hô biến nỗi thuồng luồng đời tôi/ Tôi hô biến vợ/ Tôi hô biến con/ Tôi hô biến nỗi đói/ Tôi hô biến nỗi buồn/ Tôi hô cái nào, biến cái nào thì nó hiện lên cái đó.
(2): Trích trong lời giới thiệu do nhà thơ tự viết và diễn đọc trong băng nhạc Tình Khúc Nguyễn Tất Nhiên thực hiện sau năm 1975.
(3): Trích bài thơ “Giữa trần gian tuyệt vọng”
Reply
#4
Sài Gòn Trên Đường Nguyễn Du -  Nhạc Nguyễn Tất Nhiên - Tiếng hát Phương Thảo





CHIỀU TRÊN ĐƯỜNG HỒNG THẬP TỰ - Nhạc Nguyễn Tất Nhiên - Tiếng hát Hoàng Thi




Hồng Thập Tự ơi
Ta lang thang trên con đường này
Đường tình ngày xưa ta vui chân đón em học về
Hồng Thập Tự ơi
Ta đang đau nỗi đau Sài Gòn
Ta nhớ nhung lắm khung trời xanh

Này Sài Gòn ơi sao hôm nay xác xơ hình hài
Người từng người đi sao đời người hấp hối lạc loài
Bè bạn còn đâu bơ vơ ta bóng đeo hình gầy
Mang trái tim thẫn thờ u hoài
Thôi bây giờ đã mất những mặt trời tương lai
Thôi bây giờ gánh vác nhục nhằn thấu xương vai
Thôi bây giờ lầm lũi bước vào đời ngô nghê
Tay che mù mắt tối gượng cười khô đắng môi
Ngã tư đèn xanh leo heo dăm chiếc xe đạp vờ
Trường đại học im sinh viên ngoan ngoãn như đàn cừu
Độc Lập Tự Do ta nghêu ngao giúp vui đồng bào
đang lấy lấp bám theo hè phố
Này Sài Gòn ơi
Bao nhiêu lâu sẽ như Hà Nội
Người người nhìn nhau tâm tư giam kín bức tường dày
Này Sài Gòn ơi
Hôm nay bao tiếng than thở rồi
Xin đóng đinh sáng danh tình người

Thôi bây giờ chen lấn năm tù vào công viên
Thôi bây giờ câm nín làm loài thú không tên
Thôi bây giờ rêu nấm úa từng phần con tim
loanh quanh tìm lối sống đời tàn như nến tan

Hồng Thập Tự ơi
Ta lang thang trên con đường này
Đường hẹn hò xưa nghe chưa phai vết xe tình vùi
Hồng Thập Tự ơi
Ta đang đau nỗi đau Sài Gòn
Hoang phế như Tháp Chàm chìm lắng
Này Sài Gòn ơi
Duy Tân đau nỗi đau trường luật
Này Sài Gòn ơi
Cây xanh đau nỗi đau lòng đường

Này Sài Gòn ơi
Hai mươi năm bất ngờ tàn cuộc
Ôi máu xương dế giun da vàng


Nga - Thơ: Nguyên Sa - Nhạc Nguyễn Tất Nhiên - Tiếng hát Duy Quang




Hôm nay Nga buồn như con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Để anh giận sao anh chả là nước biển...
Cười đi em ơi như sáng hôm qua
em đố

Hôm nay Nga buồn như con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
khiến những nụ cười
làm mắt anh
Tại sao, Nga ơi, tại sao ...
Đôi mắt em nghẹn như sát từng lần vỏ hến
Hơi thở trùng như sợi chỉ không căng
Bước chân không đều như chiếc thước kẻ ai làmc cong
Ai dám để ở ngoài mưa ngoài nắng!

Nói cho anh đi, Nga ơi ...
(em làm ơn chóng chóng)
Lại bên anh đi - bằng một lối rõ thật gần
Bằng một lối gần hơn con đường cong
Bằng một lối gần hơn con đường thẳng
Bằng đôi má hồng non, bằng mắt nhìn trinh trắng
Bằng những lời yêu mến tan trên đôi môi ...

Và cười đi em ơi,
Cười như sáng hôm qua,
Như sáng hôm kia ...
Cười đi em,
Cười như những chiều đi học về
Em đố anh Paris có bao nhiêu đèn xanh đèn đỏ
Mỗi ngày bao nhiêu lần anh hôn em? ...

Cười đi em,
Cười thật nhiều đi em ...
Rồi đố anh
Cho anh không kịp đếm
Cho anh tan trong niềm vui
Cho bao nhiêu ngọn đèn xanh đang thi nhau cười
Vì ta đan tay chúng mình sát lại
(tay anh và tay em)
Nhớ hai dãy phố chạm vào nhau
Hai dãy phố chúng mình vẫn đi về
Em nhớ không? ...

Em nhớ không? Đã có một lần anh van em
Đã có một lần lâu hơn cả ngày xưa
Em sợ thời gian buồn như mọt nhấm từng câu thơ
Em sợ thời gian ác như lửa thiêu từng thanh củi
Mắt e ngại như từng con chỉ rối
Em sợ những ngày trời nắng như hôm nay
Em sợ những đường tàu vướng víu như chỉ tay
Không dám chọn lấy một ga hò hẹn
Em nhớ không? Anh đã van em
(và anh còn van em như ngày xưa ...)
Em đừng buồn như những chiếc lá tre khô
Em đừng buồn như những nóc nhà thờ không có tuổi
Anh van em đừng nhìn anh và đừng cười gượng gạo
Em đừng cười như ngọn bấc gần hao
Những nụ cười vướng trên đôi gò má xanh xao
Những nụ cười vướng trên mắt nhìn trắng đục
Đừng để anh nhìn em rồi nghẹn ngào chớp mắt
Như hai vì sao le lói trong đêm sương mù
Đừng để thời gian dầy
như trăm vạn lớp chấn song thưa
Về xen giữa hai bàn tay sầu tủi! ...

Em nhớ không, anh đã van em đừng buồn
Anh đã van em đừng để những nụ cười chắp nối
Mắt anh sẽ mờ vì những vết kim khâu
Và anh buồn, rồi lấy ai mà dỗ nhau
Lấy ai mà dỗ hai con chó ốm! ...

Em nhớ không cả một hôm trời mưa
Một hôm trời mưa tấm tức
Một hôm trời mưa không ướt cánh chuồn chuồn
Những hạt mưa không đan thành mắt áo len
Những hạt mưa không làm phai màu nước mắt
Em đã khóc, anh đã khóc, và chúng mình đã khóc
Bước chân lê trên những hè phố không quen
Chúng mình đã khóc vì không được gần nhau
như hai con chim
Chúng mình đã khóc vì không có tiền
làm lễ cưới lễ xin
Và em nhớ không, chúng mình đã hỏi nhau:
Tại sao phải làm lễ tơ hồng?
Tại sao phải nhờ người ta buộc chỉ vào chân?
Khi tay em đã vòng ra đằng sau lưng anh
Khi tay anh đã vòng ra đằng sau lưng em
Người ta làm thế nào cắt được
Bốn bàn tay chim khuyên! ...

Người ta làm thế nào cấm được chúng mình yêu nhau
Nếu anh không có tiền mua nhẫn đeo tay
Anh sẽ hôn đền em
Và anh bảo em soi gương
Nhìn vết môi anh trên má
Môi anh tròn lắm cơ
Tròn hơn cả chữ O
Tròn hơn cả chiếc nhẫn
Tròn hơn cả hai chiếc nhẫn đeo tay! ...

Chúng mình lấy nhau
Cần gì phải ai hỏi ...
Cả anh cũng không cần phải hỏi anh
"Có bằng lòng lấy em?..."
Vì anh đã trả lời anh
Cũng như em trả lời em
Và cũng nghẹn ngào nước mắt! ...

Và em sẽ cười phải không em
Em sẽ không buồn như một con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Để anh giận sao chả là nước biển! ...

Em sẽ cười phải không em
Vì không ai cấm được chúng mình yêu nhau! ...
Không ai cấm được anh làm những câu thơ anh thích
Không ai cấm được anh làm cả bài thơ
Với một chữ N
Với một chữ G
Và với một chữ A
Người ta có thể đọc một câu, hai câu, hay cả ba
Người ta có thể không thích
(thì người ta không thích một mình)
Nhưng người ta không cấm được anh yêu bài thơ của anh.


Khi Nào Em Vượt Biển - Tác giả: Nguyễn Tất Nhiên - Tiếng hát Phương Hồng Quế




Khi nào em vượt biển Mang giùm tôi niềm buồn
Trong nhà giam hiu quạnh Đêm mịt mờ mưa tuôn

Khi nào em vượt biển Mang giùm tôi quê hương
Dù chỉ là chiếc lá Em nhặt nơi cuối đường

Mang giùm tôi kỷ niệm Thuyền đêm lướt trên sông
Tôi đàn cho em hát Mơ những sớm mai hồng

Mang giùm tôi uất ức Từ khám tối âm u
Mang giùm tôi máu trào Dưới đòn chế độ thù

Mang giùm tôi lệ me. Từng đêm trắn đêm tuôn
Con vùi thây đất Bắc Con chết giữa khơi trùng

Mang giùm tôi bóng mát Tàn trứng cá trong sân
Bên rào giam nữ tội Em nhìn tôi đôi lần

Khi nào em vượt biển Mang giùm tôi đầy hồn
Một Việt Nam bom đạn Và một vành khăn tang

Khi nào em vượt biển Mang giùm tôi quê hương
Dù chỉ là chiếc là Em nhặt nơi góc đường

Dù chỉ là chiếc lá Tàn úa ở cuối đường.


Sông Chiều Áo Trắng Nhạc Nguyễn Tất Nhiên Tiếng hát Sĩ Phú





Như màu nắng sân trường - Thơ Đào văn Dũng - Nhạc Nguyễn Tất Nhiên - Tiếng hát Duy Quang


Reply
#5
Tình cờ sáng nay cũng đọc một bài thơ của Nguyễn Tất Nhiên.



BÀI ĐẦU NĂM TÌNH YÊU 


Nắng xuân nào long lanh trong mắt bé
đầu tháng giêng tây anh đã tết ngày tình
đầu tháng giêng tây anh đã xênh xang mới mẻ
óng ả linh hồn, ríu rít nhịp tim
nắng xuân nào long lanh trong mắt bé
linh hồn anh từ đó ướp trầm hương
linh hồn anh, từ đó, ngạt ngào thơm
máu, như nước hoa chan đời lễ lạc
máu, như gió lành chảy qua ruộng đồng bát ngát
chở chuyên mùi lúa chín quanh năm
như sông hiền chia chín ngả: cửu long giang
ôm ấp phù sa, lẫy lừng sức sống
tình, đã mở ra một bầu trời nạm ngọc
linh hồn anh, từ đó, khảm muôn sao
 
Nắng xuân nào long lanh trong mắt bé
thơ học trò anh thách thức thời gian
có luật đào thải khắt khe, có kẻ cùng thời ghen tị
hãy duyên dáng nở nụ cười âu yếm nhẹ
hạt răng đều chới với đứa ngồi trông
thơ học trò anh gieo vần tuyệt kỹ
thơ học trò, anh thổi ấm gió tàn đông
cho ai mang vào trường khoe với bạn: của anh Nhiên …
nắng xuân nào long lanh trong mắt bé
mười ngón tay gầy anh có cách chi không
nhặt cả bóng cả hình chàng thi sĩ
lẫn cái tài hoa, trao gọn giữa tròng đen
 
Nắng xuân nào long lanh trong mắt bé
linh hồn anh, từ đó, bỗng ham vui
linh hồn anh, từ đó, mãi mê chơi
thượng đế nếu hỏi tại sao, anh sẽ trả lời mạnh dạn:
thiên đàng của ngài là an bình, thanh thản
ngài nên đem phủ dụ những bà cả ông già
 
 
Nắng xuân nào long lanh trong mắt bé
đầu tháng giêng tây anh đã tết ngày tình
đầu tháng giêng tây anh đã xênh xang mới mẻ
quên hết phận người, hiện tại, việt nam …

Nguyễn Tất Nhiên - đăng trong Tuổi Ngọc Xuân 1975 (mùa Xuân cuối cùng của miền Nam tự do  Crying-face4 )
Reply